Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Quan hệ Mỹ-Việt : Bài học POW/MIA và vấn đề nhân quyền hiện nay

Quan hệ Mỹ-Việt : Bài học POW/MIA và vấn đề nhân quyền hiện nay




Quan hệ Mỹ-Việt : Bài học POW/MIA và vấn đề nhân quyền hiện nay
Cờ hiệu của Liên đoàn các gia đình Tù binh và Người Mỹ mất tích trong chiến tranh (The National League of Families' POW/MIA), thành lập năm 1971. Ảnh : Wikipedia

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30 Tháng Tư (1975-2015), và 20 năm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt (1995-2015), Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà quan sát kỳ cựu về bang giao Mỹ-Việt, đã có một bài nghiên cứu lý thú đăng trên số mùa xuân 2015 của tập san The Cairo Review of Global Affairs, do Đại học Mỹ tại Cairo (The American University in Cairo) xuất bản.

Mang tựa đề "After the Fall of Saigon" – tạm dịch "Sau khi Saigon thất thủ" - trong vòng 15 trang, tác giả đã lược lại một số nét chính trong tình hình Việt Nam và quan hệ Mỹ-Việt, trải dài trong 70 năm (1945-2015). Sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài nghiên cứu đã được nêu bật trong hàng tiểu tựa : Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, và tình bạn bất ngờ nối tiếp theo sau.
Điểm đáng chú ý là bài viết là không chỉ giới hạn sự can dự của Mỹ trong giai đoạn thường được giới sử học gọi là Cuộc Chiến tranh Đông Dương Thứ II (1955-1975) – tức là thời kỳ Mỹ rầm rộ tham chiến tại Việt Nam – mà gộp luôn cả hai cuộc chiến trước (1946-1954) và sau (1979-1989) đó.
Tác giả giải thích : “Bên ngoài Việt Nam, đôi khi người ta quên rằng Hoa Kỳ cũng đã dấn sâu vào cuộc Chiến tranh Đông Dương đầu tiên 1946-1954, và cũng sẽ can dự vào cuộc Chiến tranh Đông Dương Thứ III từ năm 1979 đến năm 1989.
Hậu quả của sự can dự này, theo tác giả, rất nghiêm trọng : “Ba cuộc chiến đó đã mang lại những đổ vỡ to lớn về vật chất, kinh tế, xã hội, đạo đức cho Việt Nam, và gây nên mâu thuẫn sâu sắc giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như sự phân cực giữa người Việt Nam với nhau.”
Đối với tác giả, chính các hệ quả đó đã khiến mọi người phải kinh ngac khi thấy rằng 40 năm sau ngày 30 tháng Tư 1975, quan hệ đã trở nên rất tốt đẹp giữa hai nước từng là đối thủ - “đã không chỉ hòa giải với nhau, mà quan hệ song phương lại còn đang phát triển mạnh trên nhiều khía cạnh.” Và tiến trình xích lại gần nhau đó giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã giúp thúc đẩy sự hòa giải ngay giữa những người Việt trước đây từng đối đầu gay gắt với nhau.
Dàn dựng ‘vấn đề POW/MIA’ và chơi ‘lá bài Trung Quốc’
Trong phần điểm lại vai trò của Mỹ trong ba cuộc Chiến tranh Đông Dương, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã nêu lên nhiều yếu tố ít được nói đến một cách rộng rãi.
Một trong những yếu tố này là vấn đề Tù binh và Người Mỹ mất tích trong chiến tranh - gọi tắt là POW/MIA - mà theo Giáo sư Long, đã được phía Mỹ dàn dựng lên và thổi phồng thành cản lực chính để từ chối giải hòa với Việt Nam : “Đây là một vấn đề mà giới vận động hành lang chống Việt Nam và chống Cộng tại Hoa Kỳ đã dàn dựng để ngăn chặn việc cải thiện bang giao.”
Một nhận xét thứ hai đáng lưu ý là sự kiện trong một khoảng thời gian dài, đặc biệt là từ năm 1979 đến 1989, Mỹ đã về hùa với Trung Quốc để thúc ép Việt Nam trên vấn đề Cam Bốt. Theo Giáo sư Long, chính điều đó đã có tác dụng đẩy Hà Nội về phía Bắc Kinh sau khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc tái lập bang giao vào năm 1992 :
Cũng nên ghi nhận rằng chính hậu thuẫn mà Mỹ dành cho Trung Quốc trong giai đoạn đó đã có hệ quả là đẩy Việt Nam vào sâu trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Liên Xô sụp đổ. Khi chơi “lá bài Trung Quốc”, Hoa Kỳ đã xô Việt Nam vào sâu trong vòng tay Trung Quốc và cho Trung Quốc cơ hội thâm nhập sâu vào trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam.”
Lợi ích chiến lược của quan hệ tốt Mỹ-Việt
Tuy vậy, theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, ngày nay, khi bang giao Mỹ-Việt đã được bình thường hóa, Hoa Kỳ đã “thấy rõ mối lợi về phương diện địa lý chính trị của việc tăng cường quan hệ với Việt Nam vào lúc Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc kinh tế và quân sự tại Châu Á. Một trong những quan ngại của Mỹ là Trung Quốc thống trị Biển Đông, trong lúc Việt Nam là quốc gia có bờ biển chạy dọc theo gần như toàn bộ chiều dài của tuyến hàng hải nơi qua lại của khoảng 60% hàng hóa chuyển vận bằng đường biển.”
Trong phần kết luận của bài nghiên cứu, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã không ngần ngại lưu ý Hoa Kỳ là phải biết rút tỉa kinh nghiệm từ quá khứ để xử lý tốt hai vấn đề nhạy cảm và gắn với nhau là bán vũ khí cho Việt Nam và Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Theo Giáo sư Long : “Hoa Kỳ không nên đi quá trớn trong lãnh vực nhân quyền như họ đã từng làm trên vấn đề POW/MIA. Vũ khí của Mỹ sẽ giúp Việt Nam chia sẻ gánh nặng an ninh của khu vực Đông Á với Hoa Kỳ, trong tư cách một đối tác tự lực cánh sinh chứ không phải là một con rối của Mỹ.”
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã giải thích rõ hơn về một số nhận định đã nêu lên trong bài viết đăng trên tập san của Đại học Mỹ ở Cairo, đặc biệt là cách thức mà cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger dàn dựng “Vấn đề POW/MIA”, tức là Tù nhân và Người Mỹ mất tích, để phá vỡ kết quả của Hòa đàm Paris, tiếp tục chiến tranh cho đến tận 1975, rồi sau đó vẫn viện cớ này để phá hoại các nỗ lực bình thường hóa bang giao.
Sau đây là toàn bộ cuộc phỏng vấn với Giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Toàn bộ phỏng vấn với Giáo sư Ngô Vĩnh Long 20/04/2015 Nghe
Các ý chính trong bài viết
Ngô Vĩnh Long : Bài tôi viết chủ yếu là để kiểm lại một số vấn đề trong quan hệ Mỹ-Việt trong 70 năm qua:
(1) Vấn đề thứ nhất tôi muốn nhắc là từ năm 1945 cho tới mãi gần đây sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam chưa bao giờ vì người Việt Nam hay vì đất nước Việt Nam.
(2) Vấn đề thứ hai tôi muốn nêu lên là những lý do mà Mỹ đã dùng để nhúng tay vào nội tình Việt Nam và để biện minh cho 3 cuộc “Chiến tranh Đông Dương” từ năm 1946 đến năm 1989 đã gây rất nhiều khó khăn cho việc “bình thường hóa quan hệ” giữa hai nước.
(3) Và vấn đề thứ 3 tôi muốn độc giả chú ý là những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước từ năm 1995 đến nay, đặc biệt là từ sau năm 2005 - vì lý do lợi ích của đôi bên chứ không phải vì lợi ích của Mỹ là chính - đã đem lại được nhiều kết quả khả quan, nếu không nói là phi thường.
Do đó, tôi thiết nghĩ là hai bên nên thận trọng không để những áp lực ngoại vi chi phối những thành quả đã đạt được mà nên củng cố và phát huy quan hệ, không chỉ vì lợi ích song phương mà còn vì lợi ích chung của khu vực và thế giới.
POW/MIA : Một ‘vấn đề’ được dàn dựng (concocted)
Ngô Vĩnh Long : Trước hết tôi xin giải thích từ tiếng Anh ‘concocted’ mà tôi dùng, có thể nghĩa là dàn dựng, là ngụy tạo, là thổi phồng, tùy theo trường hợp của từng thời kỳ. Tội lựa từ này một cách rất kỹ lưỡng.
Tại sao tôi nói như thế ?
Trước hết, trong suốt quá trình can thiệp của Mỹ ở Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1968, chưa bao giờ có vấn đề mà sau này Mỹ gọi là “vấn đề tù nhân chiến tranh và người mất tích” (Prisoner of War/Missing in Action, gọi tắt là POW/MIA issue).
Vấn đề POW/MIA được dựng lên để làm cớ nuốt lời hứa
Đây là vấn đề mà Richard Nixon dàn dựng sau khi lên làm Tổng thống để phá hủy những gì mà phía Mỹ đã đồng ý với các phía Việt Nam tại hòa đàm Paris trong những tháng cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Lyndon B. Johnson.
Nên nhắc lại là từ tháng 11/1968 đến khi lên nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/01/1969, Richard Nixon đã bảo Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tìm đủ mọi cách để phá hủy những kết quả đã đạt được tại hòa đàm Paris.
Năm ngày sau khi lên nhậm chức Tổng thống, Nixon đã bảo Henry Cabot Lodge, người đã được phái sang Paris thay ông Averell Harriman làm trưởng đoàn đàm phán, lập tức đưa ra điều kiện tiên quyết là miền Bắc phải “tính sổ đầy đủ hoàn toàn” (full accounting) đối với người Mỹ bị mất tích và phải thả hết những tù nhân chiến tranh (prisoners of war, POW) trước khi có thể tiếp tục đàm phán các việc khác. Nixon đã cố tình dàn dựng việc này để làm tê liệt hòa đàm ở Paris suốt 4 năm sau đó.
Khi nói vấn đề này, tôi muốn cho biết là không những Nixon muốn làm việc đó, mà một tháng sau khi phía Mỹ đưa ra vấn đề POW/MIA nói trên như là một điều kiện tiên quyết, thì các quan chức của Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ bắt đầu bay đến khắp nơi trên đất Mỹ để thiết lập một hệ thống, dùng vấn đề này để gầy dựng một phong trào vận động quần chúng Mỹ tiếp tục ủng hộ chiến tranh.
Trong việc này Nixon cũng đã nhờ sự giúp đỡ của một người bạn thân, nhà kinh doanh các hệ thống điện tử tên H. Ross Perot, để cùng với các quan chức trong các cơ quan chính quyền của Mỹ thành lập nhiều tổ chức. Tổ chức nổi bật nhất được ra đời vào tháng 6 năm 1969 được gọi là “Liên minh Quốc gia Gia đình Tù nhân Mỹ ở Đông Nam Á” - National League of Families of American Prisoners in Southeast Asia.
Người được đưa ra đứng đầu tổ chức này là Sybil Stockdale, vợ của một sĩ quan hải quân cao cấp nhất đang bị giam ở miền Bắc, nhưng Henry Kissinger là cố vấn rất thường trực của tổ chức này; và Nhà Trắng hướng dẫn mọi bước đi của tổ chức một cách hết sức tỉ mỉ trong quá trình thành lập và hoạt động.
Sau khi Nhà Trắng đã vận động nhiều Thượng nghị sĩ và nhiều nhân vật trong chính giới ủng hộ, ngày 01/05/1970 tổ chức được giới thiệu một cách hết sức qui mô trên toàn quốc với tên mới là “Liên minh Quốc gia Gia đình Tù nhân và Người Mỹ Mất tích ở Đông Nam Á” - The National League of Families of American Prisoners and Missing in Southeast Asia.
Liên minh này đã đóng những vai trò rất quan trọng, cùng với vài tổ chức khác, trong viêc dùng vấn đề POW/MIA vận động duy trì chiến tranh ở Việt Nam và cản trở quan hệ Việt-Mỹ sau chiến tranh.
Hiện nay, ở bất cứ nơi nào có tòa nhà hay văn phòng của chính phủ Liên bang và các tiểu bang (thậm chí ngay cả tại các chỗ thu cước phí trên các xa lộ), người ta cũng có thể thấy lá cờ có ảnh đen một người cúi mặt và hàng chữ POW-MIA treo cùng với cờ Mỹ và cờ tiểu bang.
Trở lại thời kỳ Nixon, thì đến đầu năm 1971, vấn đề dàn dựng này đã có kết quả đến nỗi mà ông ta đã dám tuyên bố công khai và rõ ràng rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quân đội và không quân ở Việt Nam cho đến “khi nào còn một người tù nhân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam”.
Vì vấn đề trao đổi tù binh chỉ có thể được giải quyết sau khi có một hòa ước, việc Nixon nói quả quyết như trên đã buộc một nhà báo nổi tiếng của Mỹ, Tom Wicker, viết trong một bài đăng ngày 25 tháng 5 năm 1971 là theo định nghĩa của Nixon thì Mỹ “có thể sẽ phải tiếp tục giữ quân và tù binh vĩnh viễn ở đó (Việt Nam).”
Rõ ràng là chính người Mỹ cũng thấy cái ý của Nixon trong việc dàn dựng này.
Vai trò và hành động của Henry Kissinger
Ngô Vĩnh Long : Sau khi Hiệp định Paris đã được ký kết thì hai bên phải trao đổi tù binh trong thời hạn là 60 ngày. Phía Bắc Việt Nam đã trao cho phía Mỹ còn nhiều tù binh hơn là trong danh sách mà phía Mỹ đã chính thức đưa cho phía Việt Nam trước khi ký hiệp định.
Mỹ đã rất thỏa mãn và Tổng thống Nixon đã tuyên bố trong một buổi tiệc chào đón các cựu tù binh tại Nhà Trắng ngày 24/05/1973 là “tất cả các tù binh đã được trả về.” Buổi tiệc này đã được truyền hình đến mọi nơi trên đất Mỹ.
Ngày 01/02/1973, Nixon đã viết một lá thư riêng - không công bố nhưng sau này mới được biết - cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói là Mỹ sẽ viện trợ cho Việt Nam 3,25 tỷ Mỹ kim để hàn gắn vết thương chiến tranh, một vấn đề đã được đề cập đến trong Hiệp định Paris.
Danh sách ‘ngụy tạo’ 80 trường hợp để bắt bí Việt Nam
Nhưng Nixon và Kissinger không muốn giữ lời hứa cho nên sau đó Kissinger đưa cho phía Việt Nam một danh sách ngụy tạo, nêu lên 80 trường hợp mà tiếng Anh gọi là “discrepancy cases” - có thể dịch là những trường hợp mà hai bên chưa thống nhất, tức là Mỹ nghĩ là có mất tích và phía Việt Nam có thể biết nhưng không cho thông tin đầy đủ.
Thật ra, trong hồ sơ chính thức của Mỹ thì tối đa là 56 trường hợp mà chính phủ Mỹ biết là Việt Nam khó có thể cho thông tin đầy đủ được, bởi vì một số trường hợp ở bên Lào, chứ không phải ở bên Việt Nam.
Vậy mà trong một cuộc tường trình trước Quốc hội Mỹ sau này (20/09/1992), ông Roger Shield, người đứng đầu chương trình POW/MIA của Lầu Năm Góc năm 1973, cho biết rằng Hoa Thịnh Đốn đã cố tình ngụy tạo một danh sách với những tên mà phía Mỹ biết chắc chắn là phía Việt Nam không thể nào biết được và không bao giờ có thể trả lời cho phía Mỹ được.
Kissinger dùng việc ngụy tạo này để có thể nói trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ để được cử làm Ngoại trưởng vào ngày 7;10; 11 và 14/09/1973 rằng : Vì phía Việt Nam không trả lời thỏa đáng về vấn đề người Mỹ mất tích, phía Mỹ sẽ không thi hành một số lãnh vực của Hiệp định Paris như là việc viện trợ kinh tế - “We cannot proceed in certain other area such as economic aid.”
Tất nhiên là Mỹ muốn “chạy làng” cái việc hàn gắn vết thương chiến tranh.

Nhưng ngược lại, Kissinger đã dùng việc POW/MIA ngụy tạo đó trong cùng các buổi tường trình trước Quốc hội Mỹ vừa kể để đòi tăng viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Tiếp tục phá với vụ ‘hàng trăm tù binh Mỹ bị giết và giấu xác’
Sau khi Bill Clinton lên làm Tổng thống và có bàn bạc về vấn đề phát triển quan hệ với Việt Nam, thì Kissinger và Zbigniew Brezinski, cựu Cố vấn An ninh cho Tổng thống Carter, đã rất sợ là Mỹ sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cho nên cả hai đã dùng vấn đề POW/MIA để tìm cách phá Tổng thống Clinton.
Một ví dụ là vào ngày 13/04/1993, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình MacNeil/Lehrer NewsHour, cả hai nói rằng hàng trăm tù binh Mỹ đã bị Hà Nội giết và chôn cất bí mật và do đó không thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trước đó, tờ Wall Street Journal ngày 12/04/1993, và tờ New York Times ngày 13/04/1993, đã trích Brezinzki nói rằng phía Việt Nam đã giết hàng trăm sĩ quan Mỹ một cách tàn nhẫn - “The Vietnamese took hundreds of American officers and shot them in cold blood.”
Brezinzki đã phát biểu như thế - và Kisinger đồng ý – dựa trên một tài liệu mà một học trò của ông Brezinski đã ngụy tạo và đã được các nhà nghiên cứu Mỹ phủ định rất nhiều lần hai năm trước đó, từ năm 1991.
Điều này chứng tỏ là Kissinger và Brezinzki đã cố tình dùng tài liệu ngụy tạo để quan hệ Mỹ-Việt không thể cải thiện và phát triển được.
Việc chậm cải thiện quan hệ đã đẩy Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc
Ngô Vĩnh Long : Tôi nhắc đến vấn đề này để người ta nghiên cứu lại, vì suốt từ năm 1971 cho đến năm 1993, Mỹ đã “chơi lá bài Trung Quốc” (play the China Card) để chống Việt Nam và Liên Xô, và Việt Nam được dùng như con vật hi sinh trong vấn đề chống Liên Xô.
Mỹ nói rõ – và Brezinski đã nói rõ - là Chiến tranh Đông Dương Lần III là “chiến tranh ủy nhiệm (proxy war)” chống Liên Xô, cho nên sở dĩ Trung Quốc và Mỹ đánh Việt Nam và gây bao nhiêu khó khăn cho Việt Nam, đó là để làm suy yếu Liên Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), Mỹ vẫn còn bao vây kinh tế Việt Nam, liên tiếp dùng các áp lực khác cùng với Trung Quốc, để tiếp tục “dạy Việt Nam một bài học” và dằn mặt các nước khác trên thế giới—trong đó có các nước Trung Đông như Irak, Iran.
Sau khi “thắng trận” ở Irak, chính Tổng thống Bush đã qua vùng đó và nói : “Bây giờ chúng ta có thể chôn vùi cái nỗi niềm Việt Nam ở trong các bãi cát vùng Vịnh”. Thành ra dùng Việt Nam để dằn mặt các nước khác là vấn đề rất quan trọng.
Một ví dụ mà tôi chắc là ít người biết rõ là ngay trong cái người ta thường gọi là “Giải pháp Đỏ” đối với vấn đề Kampuchea, thật ra cũng có bàn tay Mỹ ở trong đó. Mỹ đã bàn cãi vấn đề này rất nhiều năm, Mỹ đã nói là không muốn Việt Nam đơn phương rút quân ra khỏi Kampuchea mà muốn có sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc trong các đợt rút quân với sự đồng ý trước của Mỹ và Trung Quốc.
Một trong những lý do là để biện minh cho vai trò của chính Mỹ trong việc ủng hộ Pol Pot, và để dằn mặt Việt Nam. Một nhân vật cao cấp trong Bộ Ngoại Giao của Mỹ đã nói rõ tại Hoa Thịnh Đốn trong một buổi họp của các nhà làm chính sách tại các bộ cũng như Quốc Hội Mỹ là phải “chà mặt của Việt Nam trên cát” – Rub Vietnam’s face in the dirt.
Đây cũng là một trong những lý do tại sao ông Nguyễn Cơ Thạch đã bị mất hết chức tước sau khi đã vận động cho việc rút quân đơn phương khỏi Kampuchea tháng 09/1989.
Tránh vết xe đổ MIA/POW trong vấn đề nhân quyền hiện nay
Ngô Vĩnh Long : Tôi muốn nhắc lại là trong vấn đề MIA, Mỹ vẫn còn bắt Việt Nam phải giải quyết cho đến full accounting, mà chữ full accounting này là để Mỹ hoàn toàn thỏa mãn. MIA cũng còn là vấn đề chứ không phải là đã được giải quyết hoàn toàn. Vấn đề còn treo lơ lửng, vẫn còn ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam và Mỹ.
Cho nên chúng ta phải thận trọng trong hiện tại và trong tương lai, đừng cột các vấn đề ngoại vi - những vấn đề cần thời gian để giải quyết hay có thể giải quyết riêng lẻ - vào vấn đề an ninh cho khu vực và thế giới hiện nay.
Thì hiện nay ở Mỹ, có nhiều tổ chức và đoàn thể dùng vấn đề nhân quyền để cản trở sự cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Như tôi nói trong bài, vấn đề nhân quyền là vấn đề rất quan trọng, cho mỗi cá nhân, cho mỗi nước.
Nhũng tôi nghĩ rằng vấn đề này cần được giải quyết một cách riêng rẽ, rõ ràng, minh bạch. Chứ bó vấn đề này vào vấn đề an ninh khu vực hay những vấn đề khác thì chỉ có hại cho vấn đề tranh đấu cho nhân quyền cũng như bảo vệ lợi ích của hai nước và các nước khác trong khu vực.
Ôn cố tri tân : Bài học cần rút ra
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ trong bất cứ một quan hệ nào người ta cũng phải nghĩ đến lợi ích chung, nếu không nói là lợi ích của đối tác trước, thì mới có thể thúc đẩy quan hệ tốt hơn được.
Một nước lớn có mạnh đến đâu đi nữa thì cũng phải biết điều và cũng phải hiểu điều này. Những thành quả rất khích lệ của bang giao Việt-Mỹ trong 10 năm qua một phần cũng là vì Mỹ đã chú ý đến lợi ích song phương, trong đó có đóng góp của hai nước trong vấn đề cùng nhau xây dựng một hệ thống an ninh chung cho khu vực.
Đây là lúc cả Việt Nam và Mỹ cần nhau trong việc bảo vệ an ninh như tôi vừa đề cập, trong đó có vấn đề đe dọa và lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hiện nay đang có những thế lực muốn trói tay cả Mỹ và Việt Nam bằng những yêu cầu liên quan đến nhân quyền, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và một lô các vấn đề khác. Những vấn đề về nhân quyền, về TPP..., cần được bàn cãi và giải quyết một cách độc lập và minh bạch..., không nên buộc tất cả vào một gói lùng nhùng rồi làm tê liệt quan hệ như bài học POW/MIA đã cho thấy.
Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay vấn đề an ninh chung cho khu vực rất quan trọng. Không nên đem vấn đề an ninh chung làm con tin cho bất cứ vấn đề gì và đặc biệt là các vấn đề cần thời gian giải quyết. Cần có sự tin tưởng lẫn nhau để giải quyết
Có rất nhiều người, cả bên Mỹ lẫn Việt Nam, muốn phá vỡ sự tin tưởng giữa Mỹ và Việt Nam để cho quan hệ hai bên không được cải thiện hay khó được cải thiện.
Xin cảm ơn Giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150420-quan-he-my-viet-bai-hoc-powmia-va-van-de-nhan-quyen-hien-nay


Chiến dịch Homecoming

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đại úy Không quân Mỹ Robert Parsels tại Sân bay Gia Lâm, được hồi hương trong suốt Chiến dịch Homecoming.

Taxi Hà Nội, được dùng trong Chiến dịch Homecoming, bay qua Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2005
Chiến dịch Homecoming (tạm dịch: Chiến dịch Hồi Hương) là một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm trả tự do cho 591 tù binh chiến tranh của Mỹ do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức vào tháng Giêng năm 1973. Ngày 12 tháng 2 năm 1973, ba chiếc vận tải cơ C-141 đã bay tới thủ đô Hà Nội, Bắc Việt Nam và một trong những máy bay C-9A được gửi đến Sài Gòn, Nam Việt Nam để nhận tù nhân chiến tranh được thả. Chuyến bay đầu tiên chở 40 tù nhân chiến tranh rời khỏi Hà Nội trong một chiếc C-141A, sau này được gọi là "Taxi Hà Nội" và bây giờ được trưng bày trong một viện bảo tàng. Từ ngày 12 tháng 2 đến 4 tháng 4, 54 chiếc C-141 thực hiện phi vụ bay ra Hà Nội chở cựu tù binh chiến tranh hồi hương.[1]
Mỗi máy bay mang về 40 tù binh. Trong phần đầu của chiến dịch Homecoming, việc lựa chọn nhóm tù binh chiến tranh được phóng thích dựa trên cơ sở thời gian giam giữ dài nhất. Nhóm đầu tiên đã trải qua 6-8 năm tù giam.[2]
Sau chiến dịch Homecoming, phía Mỹ vẫn còn liệt kê khoảng 1.350 người Mỹ là tù binh chiến tranh bị mất tích trong chiến đấu và khoảng 1.200 người Mỹ thiệt mạng trong chiến đấu và thi thể chưa được tìm ra.[3] Những nhân viên mất tích trở thành chủ đề chính về vấn đề tù binh chiến tranh/nhân viên mất tích trong chiến tranh Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam War POW/MIA issue).
Quân đội, Hải quân, Không quânThủy quân lục chiến từng có sĩ quan liên lạc dành riêng để chuẩn bị cho sự trở về của các tù binh chiến tranh Mỹ trước khi đưa họ hồi hương thực sự. Những sĩ quan liên lạc làm việc đằng sau hậu trường đã thực hiện chuyến đi vòng quanh nước Mỹ để đảm bảo những người trở về được khoẻ mạnh. Họ cũng chịu trách nhiệm thẩm vấn tù binh để phân biệt thông tin tình báo có liên quan về những nhân viên mất tích mất tích và phân biệt sự tồn tại của tội ác chiến tranh chống lại họ.[4][5]

Chú thích

  1. ^ Bolling AF Base Ngày 15 tháng 2 năm 1973: Chiến dịch Homecoming đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam lần thứ 11 bởi sử gia Không quân Andy Stephens vào ngày 2/12/2007
  2. ^ cf. Floyd James Thompson — là tù binh chiến tranh bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, trải qua gần chín năm bị giam cầm tại Việt Nam
  3. ^ “Vietnam War Accounting History”. Bảo vệ tù binh chiến tranh/nhân viên viên chức mất tích. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2008.
  4. ^ Senate Select Committee - XXIII

Nguồn:https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Homecoming


Hành trình 23 năm tìm hài cốt lính Mỹ ở Việt Nam

Đứng giữa đồn điền cao su ở Bình Dương, nơi hai lính Mỹ mất tích trong trận đánh năm 1968, Ron Ward thì thầm lời xin lỗi vì không tìm thấy họ. Những thất bại như thế, ông từng nếm trải không ít hàng chục năm tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ ở Việt Nam. 

ron3-4445-1435142239.jpg
Ron Ward (ngoài cùng bên phải) cùng các nhân chứng trong chuyến tìm kiếm hài cốt lính Mỹ ở Lào. Ảnh: NVCC
Ron Ward là chuyên gia Xử lý Thương vong thuộc phân đội 2 (DET 2), Bộ chỉ huy Hỗn hợp Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích trong chiến tranh của Mỹ (JPAC). Ông là một trong những người đóng vai trò kiến tạo chương trình Tìm kiếm Tù binh và Người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) ở Việt Nam, cầu nối dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cách đây 20 năm.
Ron được cử sang Việt Nam vào năm 1992, sau khi hai nước nhất trí mở văn phòng của chính phủ Mỹ ở Hà Nội để tăng cường giải quyết các vấn đề về quân nhân mất tích trong chiến tranh. 
Khi đó, ông đang là một thượng sĩ quân đội. Nhờ lợi thế học tiếng Việt từ những năm 1980, Ron được giao nhiệm vụ vừa phiên dịch vừa điều tra, phân tích các trường hợp người Mỹ mất tích cùng quan chức Việt Nam.
"Đây là một công việc rất có ý nghĩa không chỉ với gia đình những người mất tích mà cả với những người đang phục vụ trong quân đội. Tôi cũng là một cựu chiến binh. Chương trình này cho tôi thấy rằng đất nước không bỏ rơi mình và các đồng đội trên chiến trường", ông nói.
Lên rừng xuống biển
Suốt hơn hai thập kỷ làm công việc nhân đạo, Ron và nhóm tìm kiếm hỗn hợp của hai nước Việt - Mỹ phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Lần theo những thông tin về thời gian, địa điểm của các trường hợp mất tích, họ tìm đến hiện trường ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam, sang tận Lào và Campuchia. 
Địa hình hiểm trở và điều kiện thời tiết khắc nghiệt không còn là điều gì xa lạ. Có những ngày Ron và các đồng nghiệp phải leo núi 8 tiếng mới đến được nơi. 
Những mệt mỏi và vất vả như tan biến khi họ khai quật được hài cốt và trao trả cho thân nhân người quá cố. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào của họ cũng thành công. Nhiều trường hợp lính Mỹ mất tích đã 40 - 50 năm, thông tin phục vụ việc tìm kiếm rất hiếm hoi, hiện trường đã thay đổi nhiều, trong khi đó các nhân chứng cũng cạn kiệt dần. Những nhân chứng còn sống đều đã cao tuổi và trí nhớ không còn tốt.
Tìm kiếm trên đất liền đã khó, tìm kiếm ở dưới biển càng phức tạp hơn. Ron cho hay ở ngoài khơi Việt Nam có rất nhiều máy bay Mỹ rơi và nhiều người mất tích, tuy nhiên, điều kiện và công nghệ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu tìm kiếm. Trong khi mỗi năm có 25-30 trường hợp hài cốt quân nhân Mỹ được tìm thấy trên đất liền thì Văn phòng MIA chỉ tiến hành một hoặc hai cuộc khai quật trên biển, dựa theo những lời kể của các ngư dân và cựu chiến binh. 
Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam cũng đang thử nghiệm dùng tàu hải quân Mỹ với hệ thống siêu âm hiện đại để dò tìm các máy bay rơi ở vùng biển xa bờ. Sau hai cuộc dò tìm năm 2009 và 2011, Ron và các đồng nghiệp bước đầu đã phát hiện một số vật khả nghi dưới nước. Tuy nhiên, tiến độ của công việc này vẫn diễn ra khá chậm. 
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục khai quật những vị trí đã phát hiện. Những tôi cũng xin nói rằng đây là một nỗ lực vất vả và tốn kém về cả hậu cần, tài chính và nhân sự", ông nói. 
[Caption]Ở Lào và nhân chứng Việt Nam. 
Ron Ward trong một chuyến đi tìm hài cốt binh lính Mỹ. Ảnh: NVCC
Một trong những chuyến đi mà ông nhớ nhất là chuyến điều tra hiện trường cùng một đội hỗn hợp gồm các thành viên của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an Việt Nam và những thành viên của văn phòng MIA ở tỉnh Bình Dương. 
Họ đi tìm hai binh lính Mỹ bị bỏ lại ở chiến trường gần khu vực suối Ông Thành, huyện Chơn Thành, sau khi cả tiểu đoàn bị thương nặng trong trận chiến với sư đoàn 9 của quân đội Việt Nam năm 1968. 
Ngày xưa, nơi đây là một cánh rừng tự nhiên, còn bây giờ nó đã trở thành đồn điền cao su. Hiện trường chôn cất hai người lính đã hoàn toàn bị xáo trộn và các nhân chứng cũng không còn nhận ra được chiến trường cũ của họ nữa. Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu và điều tra bất thành, Ron và các đồng nghiệp đành kết thúc cuộc tìm kiếm.
"Tôi rất xúc động vì những đồng hương của tôi không được về với gia đình. Tôi đến gần một nơi mà tôi cho là nơi chôn cất họ và nói: 'Tôi đã đến đây để tìm các anh. Tôi xin lỗi vì không thể đưa các anh về được'", ông kể. "Đó là lần cuối cùng chúng tôi điều tra trường hợp này".
Những kỷ niệm buồn như thế không hề thiếu trong các chuyến hành trình của Ron, thế nhưng ông không cho phép cảm xúc làm ảnh hưởng đến quyết tâm tìm kiếm MIA của mình. 
"Đọc hồ sơ của các lính Mỹ, tôi cảm thấy rằng mình cũng biết họ. Tôi biết họ ở tiểu bang nào, bao nhiêu tuổi, họ có vai trò gì trong đơn vị, khuôn mặt họ ra sao, tôi cũng biết họ chết như thế nào. Tôi thấy trách nhiệm của tôi là đi tìm những người này", Ron nói.
Thiện chí củaViệt Nam
Theo ông Ron, sau khi ký kết Hiệp định Paris, giới chức Mỹ và Việt Nam đã nhắc đến vấn đề MIA nhưng chưa sẵn sàng hợp tác. 
"Khi bắt đầu chương trình ở quy mô lớn vào năm 1992, hai nước cũng chưa hoàn toàn hiểu nhau. Nhưng vì bản chất của công việc này hoàn toàn là nhân đạo nên dễ dàng nhận được sự thông cảm của mọi người", Ron cho hay. "Chúng tôi bắt đầu từng bước, ở từng tỉnh một, từng trường hợp một. Trong quá trình đó, chúng tôi đã hiểu nhau hơn".
Thành công trong những cuộc tìm kiếm của Ron không thể thiếu sự hợp tác của các thành viên Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam (VNOSMP), các cán bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Có những người từng làm việc với ông từ năm 1992. 
Nhờ được giải thích và tuyên truyền, sau một vài năm đầu, người dân Việt Nam cũng ngày càng hiểu biết và ủng hộ văn phòng MIA. Lòng nhiệt tình của họ đối với công việc nhân đạo này là một trong những nguồn sức mạnh to lớn giúp Ron tiếp tục những chuyến đi. 
"Những cựu chiến binh Việt Nam kể lại những vụ việc họ đã chứng kiến trong chiến tranh. Họ và quân đội Mỹ từng là kẻ thù, nhưng sau chiến tranh, họ sẵn sàng hợp tác", Ron cho biết. "Ở mỗi hiện trường cũng có nhiều nhân công địa phương giúp chúng tôi khai quật". 
Ron Ward phát biểu tại Hội nghị thường niên của  Liên hiệp các gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NVCC
Ron Ward phát biểu tại Hội nghị thường niên của  Liên hiệp các gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NVCC
"Thiện chí của Việt Nam tất nhiên xuất phát từ chính phủ, nhưng thực sự nó cũng xuất phát từ nhân dân. Nếu không có sự ủng hộ của người dân và các cựu chiến binh Việt Nam thì công việc này sẽ không thể diễn ra", ông nhấn mạnh. "Ngày hôm nay, chúng ta đã có một sự hợp tác rất tuyệt vời, rất rất tuyệt vời". 
Hàng năm, Ron vẫn về Mỹ tham dự cuộc họp của Liên hiệp các gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Tại đây, ông thông báo cho họ tình hình tìm kiếm MIA và sự hỗ trợ của chính phủ cũng như người dân Việt Nam. 
"Những người nhận được hài cốt của thân nhân sau nhiều năm mất tích ở Việt Nam đều rất xúc động và biết ơn", Ron nói. "Có những trường hợp, chúng tôi không tìm được hài cốt nhưng thông báo cho người thân hoàn cảnh ra đi của binh lính Mỹ. Đó cũng là một thông tin rất quý báu đối với họ. Họ biết rằng Việt Nam đã và đang tạo điều kiện để Mỹ thực hiện nhiệm vụ này". 
Giải quyết vấn đề MIA là một trong những yếu tố thúc đẩy Việt - Mỹ bắt đầu mối quan hệ ngoại giao rõ ràng vào năm 1995. Do đó, không thể phủ nhận vai trò to lớn của chương trình đối với quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, dù có bối cảnh ra đời mang tính chính trị, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích vẫn thực sự là công việc nhân đạo.
"23 năm qua, bản thân tôi cũng không làm công việc này vì chính trị chút nào. Thứ nhất là vì những người tôi đang tìm. Thứ hai, là vì các gia đình. Trong quan điểm của tôi, công việc này, nhiệm vụ này, hoàn toàn là một việc nhân đạo", ông khẳng định.
Cho đến nay, khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển lên một tầm cao mới, MIA vẫn là một yếu tố quan trọng. Bản chất nhân đạo của nó hài hòa và bổ trợ cho quan hệ chính trị giữa hai nước, Ron Ward nhận xét.
Duyên nợ
ron-4118-1435142240.jpg
Ron Ward và gia đình. Ảnh: NVCC
Ron cho rằng việc được cử sang Việt Nam làm việc đã thực sự thay đổi cuộc sống của ông. 
"Không hiểu kiếp trước tôi là người Việt Nam hay sao, vì tôi rất hiểu Việt Nam và người Việt Nam. Tôi rất có tình cảm với người Việt. Tôi cũng không biết vì lý do gì", ông nói. "Công việc rất quan trọng, song bản thân tôi cũng rất thích sống ở Việt Nam". 
Ron tự hào rằng nhờ công việc ở MIA mà ông trở thành con rể Việt, có mẹ Việt và một gia đình Việt. Ông cũng tự hào vì có một người vợ hiểu và thông cảm cho những chuyến công tác xa thường xuyên của chồng. 
"Vợ tôi phải chịu hy sinh một chút, nhưng cô ấy hiểu đây là việc nhân đạo và hiểu rằng tôi đang làm việc này vì những người mẹ đã mất người con ở Việt Nam", ông nói. "Con trai hai tuổi rưỡi của tôi thường hỏi: 'Bao giờ papa về, papa về với con đi'. Sau này tôi sẽ giải thích cho cháu hiểu rằng bố phải đi xa vì lý do gì". 
Sau nhiều năm lên rừng xuống biển, hiện nay Ron chủ yếu giám sát các cuộc điều tra và công trình nghiên cứu liên quan đến MIA ở Hà Nội. Ông cũng cố vấn cho một số sĩ quan quân đội.
"Tôi đã có mặt ở đây và chứng kiến những ngày trước khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực và bền vững", Ron nói. "Tôi hy vọng Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ này vì một tương lai tươi đẹp cho nhân dân của cả hai nước".
Hải Duyên - Trọng Giáp - Anh Ngọc

Ý kiến bạn đọc ()
nhìn gia đình ông hạnh phúc thế, cảm ơn những đóng góp của ông cho người dân hai nước, nhất là những gia đình bị mất người mà ông đã tìm về cho họ....Chúc ông và gia đình mạnh khỏe.......Chúng tôi cũng rất mến người Mỹ vì sự thẳng thắn và gần gũi của họ
duong - 10:36 25/06/2015
Theo bài viết của Anh Ngọc. Hành trình 23 năm tìm hài cốt lính Mỹ Ở Việt Nam. Hiện nay theo tôi được biết ở dòng họ tôi hiện tại đang lưu giữ nhiều một vô danh. Vậy bằng cách nào mình xác định được hài cốt. Khu vực nhà ...  
thanhbinh.candcdesign - 10:13 25/06/2015
Cao ráo ,thông minh ,đẹp trai.... sang Việt Nam yêu đất nước VN rồi Lấy được Vợ VN đẹp thế . Chúc Ông sống lâu .
phamtrungky1967 - 10:23 25/06/2015
Tôi rất quí trọng và cảm phục ông, bởi công việc cao cả đầy ý nghĩa mà ông đang làm. Ông cũng rất giỏi và sõi tiếng Việt. Mong ông luôn đầy nhiệt huyết với công việc ông đang làm và không ngừng vun đắp cho tình cảm 2 nước ...  
Long_PC - 12:21 25/06/2015

chúc cho ông luôn hạnh phúc trong cuộc sống!
namnhat64 - 10:19 25/06/2015
Trong khi đào bới tìm hài cốt người thân hy sinh ở Kontum, người nhà mình có tìm thấy một cái thẻ bài của quân nhân Mỹ. Không biết có giúp gì cho Ron k?
Khắc Tú - 14:46 25/06/2015
Bạn nên liên hệ với Bộ ngoại giao VN.
Công Toàn - 17:57 04/07/2015
Cảm ơn ông và những người bắc nhịp cầu hai nước. Thật may mắn giờ chúng ta là bạn :)
Minh - 10:45 25/06/2015

Mình nhận thấy một điều rất lạ là, không hiểu nước Mỹ thế nào, mà rất nhiều nước từng là kẻ thù của họ thì sau đó lại trở thành thân thiết, ví dụ như Nhật Bản hay Đức. Một người bạn có nói câu này không biết từ đâu ...  
Dai Hai Vo - 11:22 25/06/2015
Bố tôi sinh năm 1952, kể lại. Một lần ông đã từng ngắm vào đầu một lính Mỹ, trẻ đẹp, tóc vàng khoảng cách rất gần, chỉ một lần kéo cò thôi chắc chắn người lính kia sẽ không còn được sống nhưng ông không bắn ông nghĩ ông không ...  
Nga - 23:33 30/06/2015
cảm ơn ông khi hiểu nhau thì người mỹ cũng tuyệt vời như người việt
 [ Còn nữa ]


Ngoại trưởng Mỹ kể chuyện xuống lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm quân nhân mất tích

Ngoại trưởng John Kerry lần đầu tiên tiết lộ về chuyến trở lại Việt Nam và tìm kiếm dưới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để xóa bỏ nghi ngờ rằng các quân nhân Mỹ đang bị giam giữ tại đây.

"Một câu chuyện tôi chưa từng kể trước công chúng, tôi định để dành nó cho cuốn hồi ký nhưng thôi, tôi sẽ không làm vậy. Tối nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe một chút", ông Kerry cười khi bắt đầu câu chuyện trong cuộc đối thoại tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở Texas hôm 27/4.

"Tôi phải đến gặp tổng bí thư và chủ tịch nước (Việt Nam), thuyết phục họ cho phép tôi và một thượng nghị sĩ khác đi xuống dưới lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì có thông tin tình báo cho rằng dưới đó có những đường hầm và khả năng có người đang bị giam giữ.
Ngoại trưởng John Kerry tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở Texas hôm 27/4. Ảnh: LBJ Library
Ngoại trưởng John Kerry tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở Texas hôm 27/4. Ảnh: LBJ Library 
Các bạn có thể tưởng tượng được cảnh tượng tôi ngồi cùng tổng bí thư đảng với một bức tượng bán thân lớn của ông Hồ phía trên và nói 'Tôi muốn xuống dưới và kiểm tra xem liệu có ai ở dưới không' ", ông cười.

Ông cho hay sau đó đã được lãnh đạo Việt Nam cho phép xuống dưới lăng kiểm tra nhưng không tìm thấy ai cả.

"Thật kinh ngạc và chúng tôi đã làm điều đó. Tôi sẽ không kể cho các bạn nghe phần còn lại của chuyện như thế nào, diễn biến ra sao đâu", ông nói.

Ông Kerry từng là một sĩ quan hải quân chiến đấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó ông rời quân ngũ, trở thành một trong những nhà phản chiến nối tiếng nhất, dẫn đầu một cuộc biểu tình ở Washington năm 1971 chống chiến tranh Việt Nam và lên án trước ủy ban đối ngoại của thượng viện rằng đây là cuộc chiến "man rợ".

Sau đó, trên cương vị một thượng nghị sĩ của bang Massachusetts, ông tiếp tục đóng góp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam suốt 10 năm.

Trong cuộc hội thảo hôm qua, ngoại trưởng Mỹ cho hay khi tiếp cận vấn đề bình thường hóa quan hệ, ông và thượng nghị sĩ John McCain luôn xác định rằng việc tìm kiếm tù binh chiến tranh và các quân nhân mất tích POW/MIA hoàn toàn là điều kiện tiên quyết và không thương lượng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình này, ông rất ngạc nhiên trước sự cởi mở và sẵn sàng gác lại nỗi hận thù quá khứ của người Việt Nam.

"Quá trình thu thập hài cốt đã cho thấy nhiều điều không chỉ về người Mỹ và sự tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong cuộc chiến mà còn cho thấy sự cởi mở phi thường của người dân Việt Nam, những người đã giúp chúng tôi tìm kiếm hài cốt của các binh sĩ thiệt mạng, thậm chí cả khi một phần lớn binh sĩ đã hy sinh của họ, có thể là cả triệu người, sẽ không bao giờ có thể được tìm thấy.

Họ đã cho phép trực thăng hạ cánh ở các thôn xã, dù điều đó có thể gợi lại những ký ức cay đắng về cuộc chiến", ông nói. "Người Việt Nam làm như thế vì họ cũng muốn gác lại chiến tranh. Họ đã đào bới những cánh đồng và cho chúng tôi vào nhà họ, những 'ngôi nhà lịch sử', những nhà tù. Hơn một lần, họ đã hướng dẫn chúng tôi băng qua những bãi mìn thực thụ.

Video: Lính Triều Tiên bắn bia lính Mỹ  

Chúng tôi đã tham gia vào một cuộc tìm kiếm những người mất tích và thiệt mạng trong chiến tranh quan trọng, toàn diện và thấu đáo nhất trong lịch sử loài người. Và tôi nghĩ người Mỹ nên tự hào về điều đó".  

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng 41 năm sau khi cuộc chiến khép lại, mối quan hệ giữa hai nước giờ đã hoàn toàn đổi khác.

"Năm 1968, không ai có thể tưởng tượng được rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Washington vào năm ngoái hay Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam vào tháng tới. Tôi rất nóng lòng được đi cùng tổng thống lần này", ông nói.


Ông cũng kể ra những biến chuyển quan trọng trong quan hệ song phương khi hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục, biến đổi khí hậu, khoa học, y tế, công nghệ cao, quân sự, an ninh, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông.

"Không thể phủ nhận rằng chính phủ của chúng ta và chính phủ ở Hà Nội rõ ràng còn có những khác biệt nhưng điều đáng mừng là chúng tôi đã trao đổi về chúng một cách thẳng thắn, thường xuyên và có hiệu quả", ông nói.

Ngoại trưởng Kerry sẽ tháp tùng Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam vào tháng tới nhằm nhấn mạnh các lợi ích kinh tế và chiến lược chung giữa hai nước. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Obama thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ 8 năm làm tổng thống Mỹ. Ông cũng sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp thăm Việt Nam, sau ông Bill Clinton năm 2000 và ông George W. Bush năm 2006.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
Nguồn: http://www.vtc.vn/ngoai-truong-my-ke-chuyen-xuong-lang-chu-tich-ho-chi-minh-tim-quan-nhan-mat-tich-d255252.html
Xem thêm:
Chiến tranh VN và vài con số...
http://mainguyenhuynh.blogspot.com/2016/07/chien-tranh-viet-nam-va-mot-vai-con-so.html 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét