đoạn đường chiến binh
Phan Ni Tấn
Tặng quí vị cựu SVSQ
Thủ Đức
Sau trận
Mậu Thân 1968, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu
đã ban hành một sắc luật Quân Sự áp dụng vào
học đường, trong đó Sinh Viên các trường
Đại Học Sài Gòn phải tham dự một khóa
huấn luyện quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện
Quang Trung trong vòng một tháng.
Năm 1970, tôi
và các anh em phân khoa Đại Học khác theo chân những
khóa trước bắt đầu làm quen với súng
ống và ngữi mùi quần áo nhà binh. Ngay từ ngày
đầu bước chân vào quân trường tôi có cảm
tưởng như bị thảy vào một thế
giới không có... tình thương. Những hàng cây bã
đậu xù xì, gai góc mọc dọc hai bên đường
càng tăng thêm vẻ khô khan, lạnh lùng, thiếu sinh khí.
Cũng may, mỗi chiều thứ sáu chúng tôi
được về phép rong chơi cho tới xế chiều
chủ nhật mới lọt tọt bưng đầu vô.
Trong khóa
học này, đặc biệt có hai nhạc sĩ nổi
tiếng qua những bài ca đấu tranh thịnh hành trong
giới sinh viên học sinh thời đó, là nhạc sĩ
Trương Quốc Khánh (bài Tự Nguyện) và nhạc
sĩ Trần Long Ẩn (Không Ai Ngăn Nổi Lời Ca).
Nhạc sĩ đi tới đâu, cây đàn đi tới
đó. Nhạc sĩ với cây đàn mà! Thực vậy,
sau tuần lễ đầu tiên về phép trở vô là khu
trại Sinh Viên đã nghe tưng tửng âm thanh quen
thuộc, giản dị, thân thiết của cây đàn
guitar rồi. Từ đó, sau những buổi cơm
chiều, trời vừa chạng vạng tối, Sinh Viên
có máu văn nghệ thường rũ nhau xuống Hội
trường Ban Quân nhạc tụ tập đờn ca
xướng hát cho nhau nghe. Tôi còn nhớ một hôm tại
nhà ngủ tập thể, có một anh cùng phòng, dáng
người tầm thước, hơi mập, tự
xưng là Hoàng Quốc Bảo đưa tôi coi một
tập nhạc nói là của ông anh Hoàng Khai Nhan sáng tác.
Cầm tập nhạc vuông vức trong tay, tôi chậm
rải lật từng trang mà thầm công nhận sự
nắn nót công phu của người đã tạo ra nó.
Đáng tiếc đã hơn 30 năm qua tôi không còn nhớ
tập nhạc tên gì. Hoàng Quốc Bảo lúc đó chưa
có tác phẩm, nhưng Hoàng Khai Nhan thì tôi có thoáng nghe danh
về thơ. Sau này ra hải ngoại tôi mới có dịp
thưởng thức những bản nhạc thoát tục
trong tuyển tập Tịnh Tâm Khúc của Hoàng Quốc
Bảo. Nói về Thiền Ca, tôi cho rằng không ai có
thể vượt qua sức sáng tạo phong phú, chứa
chan mùi Thiền như nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo.
Ngoài ra, phần hòa âm theo phương thức tân cổ
điển vô cùng xuất sắc cũng góp phần tạo
cho hồn nhạc thấm sâu vào lòng người và
đọng lại rất lâu.
Cũng
nhờ cái vụ hát hò này mà một buổi sáng trước
ngày mãn khoá, thay vì vác súng ra bãi như thường lệ, thì
nhóm Sinh viên Văn nghệ chúng tôi lại chỉnh tề
trong bộ quần áo kaki màu vàng, đội mũ kalo cùng
màu hăng hái vác đàn về Sài Gòn... đi Show, trình
diễn văn nghệ tại đài Truyền Hình Việt
Nam.
Cuối cùng,
một tháng quân trường rồi cũng qua mau. Sau
lễ mãn khóa, tất cả những Khóa Sinh (kể cả
những thành phần lè phè, bất mãn) đều cầm
trong tay mảnh bằng tốt nghiệp khoá Quân Sự
Học Đường 1970 trở về trường
tiếp tục dùi mài kinh sử.
Học
hết một năm Đại Học Khoa Học Sài Gòn,
ngành SPCN (Scient, Physic, Chemistry, Natural), qua năm thứ hai
tự nhiên tôi đâm ra... ngu ngu. Cũng vì cái “ngu ngu” này mà từ
trên Đại Học tôi rớt xuống, thành lính biên thùy
trấn núi sông.
Tháng Tư
năm 1971 nhờ mảnh bằng Quân Sự Học
Đường, khi nhập ngũ tôi cứ việc đi
thẳng vào trường Bộ Binh Thủ Đức mà
không cần phải trải qua 3 tháng huấn luyện
căn bản quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện
Quang Trung như nhiều Tân Khoá Sinh khác. Tuy nhiên,
trước đó tôi phải vào Trung Tâm 3 Tuyển Mộ
Nhập Ngũ tại Quang Trung làm thủ tục hồ
sơ nhập ngũ, khám sức khỏe, lãnh quân trang, quân
dụng xong mới vào Thủ Đức.
Ngay từ khi
bước chân vào trường Bộ Binh Thủ
Đức, Tân Khoá Sinh chúng tôi đã được các huynh
trưởng đón tiếp một cách hết sức
tận tình. Để khởi sự làm quen với
đời lính, bài học quân sự đầu tiên của
bọn đàn em chúng tôi là theo lệnh huynh trưởng
chạy ba vòng Vũ đình trường gọi là “dàn chào
Tân Khóa Sinh”:
Mới vòng đầu Vũ
đình trường
Mà bao nhiêu đứa chán chường hẳn ra
Thằng thì mày váng, mắt hoa
Thằng thì như bóng ma gà, hết linh
Thực
vậy, mới chạy vòng đầu đã có vài ba tên té
xỉu. Chạy hết vòng thứ ba, một trăm
chỉ còn vài chục, tuy còn đứng vững nhưng
tưởng thở hết ra hơi. Đã vậy đám
huynh trường nào tha! Những tiếng quát tháo, nạt
nộ, hò hét, chạy lùa đầu này, xua đầu kia,
xẹt đầu nọ như cố tình cướp tinh
thần bọn đàn em ngơ ngác chúng tôi khiến cho bao
nhiêu mộng lớn, mộng nhỏ mới cách đây vài
tiếng đồng hồ vẫn còn xanh mướt,
đã tan tành theo mây khói.
Cán bộ mặt mũi
lầm lì
Còn đám huynh trưởng thôi thì hung hăng
Quát tháo vào mặt từng thằng
Chưa chi mộng lớn nó giằng mất tiêu
Chuyện
đời ma cũ hiếp ma mới là việc
thường tình. Huynh trưởng có bổn phận
phải hướng dẫn đàn em đến nơi
đến chốn; đàn em có lỗi bị phạt hít
đất, thụt dầu, nhảy xổm hay phạt dã
chiến... cũng là lệnh cán bộ đưa xuống
cho huynh trưởng thi hành mà thôi. Luật quân trường
mà! Ở lâu dần dà mới thấy:
Thật ra huynh trưởng
hiền khô
Còn cán bộ, toàn những... đồ mắt ma
Để coi, trẻ cũng như già
Ngày đầu đụng mặt, ngó qua ghét liền
Nói ghét Cán
Bộ là nói cho nó có vẻ “thơ” một chút, chớ sau khi
mãn khóa ra trường tôi mới thực sự kính
trọng quý vị Sĩ Quan Cán Bộ (nói chung) và
Đại Đội 21 (nói riêng) đã nỗ lực
hướng dẫn và huấn luyện SVSQ chúng tôi trở thành
những Sĩ Quan xuất sắc (và không xuất sắc,
như tôi) trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau khi phân chia
quân số, tôi thuộc Tiểu Đoàn 1, Đại
Đội 21, Trung Đội 1, Tiểu Đội 1 (toàn là
số 1). Tiểu Đoàn 1 do thiếu tá Nguyễn Như
Sơn làm Tiểu Đoàn Trưởng. Nay không biết rõ
tình cảnh ra sao? . Đại Đội 21 đặt
dưới quyền chỉ huy của Sĩ Quan Cán Bộ
Đại đội trưởng Trung úy Huỳnh Trung Hiếu
(hiện ở Houston, Texas) và hai Sĩ Quan Trung đội
trưởng là Trung úy Nguyễn Hữu Thọ (sau 75 bị
VC liệng lựu đạn chết trong tù cải
tạo) và Thiếu úy Nguyễn Văn Bé (hiện còn ở
VN); còn hai SQCB nữa, đáng tiếc, tôi không nhớ tên.
Ngày
đầu tiên ở Đại Đội là ngày xuống
tóc. Những chiếc tông-đơ tàn nhẫn dọc ngang
rào rạt trên đầu không thương tiếc.
Những ước mơ xanh ngát, những hoài vọng
ngất trơì bám trên những sợi tóc xanh giật mình
rụng lả tả xuống nền xi-măng, nằm
ngơ ngác, lạc lỏng trên mặt đất, hoặc
vương vải tội tình trên tấm khăn trắng
choàng quanh cổ. Rồi những khoa bản, trí thức cho
tới những anh sinh viên, học sinh đều đi
tắm truồng ở nhà tắm tập thể cuối
doanh trại. Rồi được chích thuốc chống
nắng mưa cảm mạo đất trời. Rồi
những bộ đồ lính màu cứt ngựa rộng
thùng thình tương vào người, chiếc nón nhựa
đội lên đầu để thực sự trở
thành anh lính mới tò te.
Để phân
biệt các khoá học đàn anh với đàn em, Khóa Sinh
phải đeo bản tên của mình trên túi áo. Như khóa 24
mang bản tên nền đen chữ vàng, khóa 7/68 mang nền
trắng chữ đỏ, khóa Sĩ Quan Đặc
Biệt 6/69 mang nền đen chữ đỏ; còn khóa tôi,
1/71 thì nền xanh dương chữ trắng v.v...
Mang tâm
trạng thư sinh đang tự do phơi phới ngoài
đời mà đặt chân vào quân trường thì bất
cứ hình ảnh nào trước mắt, ngó qua cũng
thấy lạ, thấy khó chịu, thấy nhớ nhà,
thấy rầu muốn chết.
Trại lính, tuyến, giao thông
hào
Nhà thương, bệnh xá, hàng rào, băng ca
Vũng nước, lùm cỏ, bụi hoa
Những ngày đầu mới ngó qua, sầu liền
Cái gì chớ
sức khỏe con người, nhất là Tân Khóa Sinh chúng
tôi, thể dục thể thao là công việc hàng đầu
khi trời vừa rạng. Có câu lâu ngày chuyện gì rồi
cũng quen, vậy mà những buổi sớm đầu tiên
ở quân trường nghe cán bộ thổi còi tu-huýt
dựng dậy ra sân tập thể dục quả là...
khủng khiếp. Trời Sài Gòn hay Thủ Đức, ngày
đêm gì lúc nào cũng nóng chảy mỡ. Nhưng đó là
chuyện dưới mái nhà. Thử ngủ một đêm
trên cây, hay trong thùng xe nước mía, hay dưới gầm
cầu Chữ Y, hay nhà ga xe lửa vân vân, như
người viết đã từng, mới thấy cái
lạnh nửa đêm về sáng của trời Sài Gòn
năm 1979 nó buốt tận xương lạnh tận
tủy ra sao.
Sáng sớm trời lạnh
cắt da
Nghe còi dựng dậy ùa ra xếp hàng
Tập chạy, nhảy, tập bò càng
Không nở bề dọc cũng nở ngang thân hình
Đó là
chuyện tinh sương. Ban đêm, trước khi đi
ngủ Cán bộ thông báo là sẽ có một cuộc thực
tập báo động giả để mọi
người chuẩn bị tinh thần. Biết
trước vậy mà đến hồi nghe còi báo
động rúc lên hù hụ vào lúc nửa đêm tôi cứ
tưởng như ai đang hớp hồn mình, phát sợ
ngang.
Vừa nhào xuống giao thông
hào
Một thằng chết tiệt nhảy ào trên lưng
Lãnh nguyên hai cái gót chân
Nghe một tiếng “hự” tưởng chừng
hộc cơm
Trường
Bộ Binh Thủ Đức có bốn tuyến A, B, C, D,
suốt khóa học chúng tôi đã gác đủ cả
bốn. Tuyến A ở mặt tiền, cổng chính.
Tuyến B giáp với nghĩa địa và nhà dân xa xa.
Tuyến C thuộc khu Thiếp Giáp. Tuyến D hướng
ra bãi tập. Gác bất cứ tuyến nào vào lúc nửa
đêm thanh vắng chung quanh không một bóng người,
ngoài những ngôi mộ đá ong hoang phế và đám lau già
tóc trắng quặt quại trong gió, dưới trăng,
hay trong cơn mưa tôi đều nhớ tới hai câu
thơ về non Kỳ và bến Phì trong Chinh Phụ Ngâm:
Non Kỳ quạnh quẽ
trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Rồi tôi
cảm nhận hết nỗi cô độc tận cùng
giữa đất trời tịch lặng, mênh mông.
Đêm hôm ra gác tuyến A
Nghe trong khuya khoắc tiếng gà vẳng đưa
Mưa rơi rắc hạt lưa thưa
Đời mình nước dột nên chưa hết
buồn
Trong 6 tuần
huấn nhục, Tân Khóa Sinh phải học đi,
đứng, nghiêm, nghỉ, dặm chân tại chỗ,
học chào tay, học hát... Học quay trái, quay phải làm
sao cho đúng 90 độ. Học đằng sau quay 180
độ sao cho khỏi xiểng niểng, đằng trước
bước phải bắt đầu bằng chân trái, tay
đánh nhịp cho cao. Rồi còn phải tập đánh giày
thật bóng, xếp drap, xếp mền thật kỹ,
tủ quần áo thật ngăn nắp vân vân. Trong thời
gian này, nhiều huynh trưởng có đầu óc khôi hài
thường bày ra kiểu phạt rất độc
đáo, như phạt đàn em chạy đi xin chữ ký
của 300 người trong vòng 15 phút. Có chạy xì khói,
chạy bỡ hơi tai, chạy phờ...râu cũng
chẳng ma nào thỏa mãn nỗi cơn ác ý của bậc
đàn anh chỉ vì lỡ bước trật nhịp
như tôi.
Nó la đằng trước
bước đều
Mình bước trật nhịp, nó khều mình ra
Khít hàm, rít giọng thiết tha:
“Chạy xin chữ ký của ba trăm người...”
Cũng trong 6
tuần huấn nhục, trừ khi đi bãi, Tân Khoá Sinh ngày
hai buổi chỉ được phép ăn cơm nhà bàn
chớ không được ăn tiệm như các vị
huynh trưởng. Vô nhà bàn phải giữ im lặng,
chờ huynh trưởng hô to nghiêm thì rán ưởng
ngực lên mà đứng im. Khi nghe hô ngồi phải
đáp thật to xuống. Nghe mời đàn em
ăn cơm phải đáp lớn mời huynh
trưởng ăn cơm, xong các thủ tục nhà binh
mới được ăn. Khẩu phần ăn quanh
đi quẩn lại cũng mấy món canh, đồ xào,
cá hoặc thịt hộp. Hôm nào nhát thấy trong tô canh có
một chú sâu đo xanh lè, hay chú trùng mềm oặt thì
cứ coi như hôm đó ta có thêm... chất đạm.
Đã là con nhà binh khi ăn phải ăn cho lẹ, lua cho
nhanh. Lờ quờ, chậm chạp chỉ có nước
đói.
Gắp thật lẹ, lùa
thật mau
Ăn không kịp nghỉ, nuốt không cần chờ
Thằng nào lẹ, thằng đó nhờ
Thằng nào chậm chạp đói mờ người ra
Lại
cũng trong thời kỳ này, Tân Khóa Sinh không
được phép đi, mà phải cầm súng xeo xéo
trước ngực vừa chạy vừa hát. Quân
trường đổ mồ hôi. Chiến trường
bớt đổ máu... Mỗi lần hai Đại
đội đi ngược chiều, nhất là sau
giờ cơm ra đụng mặt nhau là cứ y như gà
tức nhau tiếng gáy, cả hai đội đều gân
cổ hát với tinh thần ganh đua cao độ.
Đại Đội bạn
đi ngược chiều
Chúng gân cổ hát thiếu điều bức gân
Phe mình thấy vậy nỗi sân
Quyết chẳng kém, cũng rướn gân cổ gào
Tôi còn nhớ
hồi mới lóp ngóp vô quân trường, dù không soi
gương cũng biết mặt mũi mình lúc nào cũng
cứ như anh nhà quê. Hồi đó ngốc nghếch
đến độ khi chẻ củi, thay vì dùng búa (làm gì
có búa) thì tôi lại dùng... báng súng Garant M1, lấy sức
giơ cao nện xuống sóng dao mà chẻ ngon lành. Vô phúc, tôi
và thằng bạn chẻ củi bị huynh trưởng
bắt gặp tại trận bèn đi một
đường giáo dục tận lực rồi ghi tên
tối đến phạt dã chiến.
Đúng 8
giờ tối, hai thằng tôi, thêm ba tên không biết bị
tội gì, ba lô súng đạn đầy đủ ra
tập họp trước sân đại đội
chờ lệnh huynh trưởng. Sau khi điểm mặt
xong, thay mặt cán bộ, hai tên huynh trưởng bắt
đầu quần chúng tôi trong vòng một tiếng
đồng hồ tả tơi không còn manh giáp.
Trước hết là giơ súng lên khỏi đầu,
vừa chạy ba vòng sân trại vừa la tôi-không-giống-
ai, rồi tới hít đất, nhảy xổm, thụt
dầu, cuối cùng là bò lê bò lết, bò ngửa bò càng, bò cho
đúng cách từ đầu tới cuối sân trại
rồi bò ngược lại. Vừa dứt màn phạt dã
chiến để đời cũng vừa đủ
để hai cùi chõ và hai đầu gối chúng tôi
rướm máu hồng.
Ba lô, súng, đạn kềnh
càng
Hết nhảy xổm lại bò càng giữa sân
Mình mẩy mình đau như dần
Mà đám huynh trưởng cứ quần ngất ngư
Hằng ngày,
sau khi ăn sáng bằng bánh mì và chuối xứ, chúng tôi có
hai địa điểm để đi học. Hoặc
học tại Đại Giảng Đường (nhà tiền
chế) hoặc tại bãi. Mỗi lần Đại đội
đi học bãi thì có một Tiểu Đội Súng
Nặng lên phiên nai lưng ra mà vác súng, đạn
Đại liên 30, Chân ba càng, Súng chống tăng M72, Súng
phóng lựu M79, Cối 81 ly gồm nồng súng, đạn
cối và bàn tiếp hậu. Những thằng to xác còn kêu
ca huống hồ mấy thằng ốm yếu, nhỏ
con, vác vũ khí mà mặt nhăn như khỉ ăn
ớt.
Thằng thì vác chân ba càng
Thằng vác đạn, thằng vác nồng trẹo vai
Một thằng nỗi cộc sủa dai:
“Mẹ. Đường ra bãi sáng nay dài quá cha !”
Đường
ra bãi phải đi qua cổng số 9 ở tuyến D. Cách
tuyến này khoảng 2 cây số là đồn Bến
Nọc dựng sát bên cầu Bến Nọc. Cầu
bằng gỗ không quá 10 thước bắt ngang qua con
suối, tuy giản dị nhưng rất nổi tiếng
vì có lần ban đêm Việt Cộng mò về gài mìn gây
thương vong cho một số SVSQ khóa 25 của nhà
thơ Thành Tôn và nhạc sĩ Vũ Thành An tại cầu
này.
Cầu, xưa Việt
Cộng gài mìn
Làm bao nhiêu mạng bỏ mình tại đây
Giờ nghe như gỗ than vay
Khóc hồn ai chảy máu day vết cầu
Cũng
tại cầu này không biết từ hồi nào, tại sao
lại xuất phát ra câu châm biếm “dân chơi cầu
Bến Nọc”. Ý ám chỉ thứ dân chơi cù lần,
keo kiệt, nhà quê..., như một cựu Sĩ quan Cán
bộ trường BB Thủ Đức cho tôi biết.
Ngày học bãi
đầu tiên, chúng tôi được trường cho xe
GMC chở lên đồi Bác Sĩ Tín, lúc về thì đi
bộ, sau đó là lết cho tới mãn khoá. Mà bãi học có
gần gì cho cam, cách quân trường từ 5 tới 10 cây
số đường chim bay hoặc hơn, như bãi Xa
Lộ 5 Km, bãi Nhà Xập 7 Km, bãi Vườn Thơm ... Bài
học đầu tiên ở bãi lội về mới
thấy đường ơi sao mà dài vô tận !
Chiều về mới
thấy đường dài
Thằng nào thắng nấy mệt nhoài người ra
Uớc gì có ly đá trà
Mình ực, mình xối, mình xoa mát người
Đã vậy
chân lại chưa quen mang giày bố. Mới có chuyện.
Bãi xa lội bộ tơi
bời
Cái chân mình muốn bức rời hẳn ra
Đôi giày cọ sức miếng da
Thành mọng nước đau thấy bà tổ luôn !
Đi bãi còn
một cái đáng gờm nữa là nắng. Cái thứ
nắng trưa hừng hực, nắng lăn quăn,
nắng xiên khoai, nắng đổ mồ hôi, nắng sôi
nước mắt. Làm gì có cây cao bóng mát mà núp – dẫu có
cũng chẳng được phép – toàn là đất, cát,
cỏ khô và bụi cây bùi nhùi. Có bữa chúng tôi ra bãi bắn
học xử dụng súng nặng như Đại Liên M30,
M72, súng Cối 80 ly, Đại Bác 105 ly không giựt và ném
lựu đạn M26.
Những
loại vũ khí hạng nặng ác ôn này hình như thứ
nào tôi cũng xử dụng một cách rất ư là...
bết bát. Thấy thằng bạn đứng thế
thủ, kê khẩu M72 lên vai nhắm bắn xe tăng,
biết là nó trúng rùa nhưng tôi vẫn bái phục, móc gói
Bastos xanh chia cho nó một điếu.
Trưa hừng hực
nắng lăn quăn
Ra bãi tập bắn xe tăng lật lìa
Bắn khu tử giác, bắn bia
Mà cứ tưởng bắn từng tia nắng thù
Rồi chín
tuần huấn nhục (đáng lẽ là sáu) cũng
chấp chới trôi qua. Có trải qua thời kỳ cam go
này mới thắm thía hai chữ “huấn nhục”. Tôi nghe
kể trước kia có một Tân Khóa Sinh bị một tên
huynh trưởng “có máu lạnh” huấn nhục ( giáo
huấn và lăng nhục) trong nhà cầu căng thẳng
tới mức đứng tim, nghẹt thở mà chết.
Từ đó, những loại “dạy dỗ” quá đáng,
thiếu tính người đều bị hũy bỏ.
Chín tuần qua một cái vù
Thằng nào thằng nấy như tù được tha
Thằng thì ngồi thở hắt ra
Thằng thì sướng tít như là gặp tiên
Sau đó, Tân
Khóa Sinh được làm lễ gắn Alpha tại Vũ
đình trường, hãnh diện trở thành Sinh Viên Sĩ
Quan trường Bộ Binh Trừ Bị Thủ
Đức.
Hôm nay lễ gắn Alpha
Diện đồ tiểu lễ mình ra xếp hàng
Vũ đình trường nắng chang chang
Mà sao mình vẫn thấy man mác trời
Lúc này, SVSQ
không phải bồng súng chạy nữa, mà đi
đứng thong thả hơn, oai phong lẫm liệt
hơn và có quyền tới phiên đi... bắt nạt
đàn em. Huynh trưởng mà em! Thi hành trước
khiếu nại sau. Còn cơm nhà bàn nhiều anh chê, ra ăn
cơm ngoài ở khu Gia Binh, khu Sinh Hoạt, hoặc khu
Thiết Giáp, tuy tốn tiền nhưng ngon hơn, lại
có nhạc để nghe và có các em để... nhìn lén cho
đã thèm.
Giờ thì chê cơm nhà bàn
Ăn cơm ghi sổ có màn khá hơn
Lại được nghe nhạc xình xang
Nhất là được hỏi: “Dạ, chàng dùng chi?”
Thực
vậy, lính tráng học tập lâu ngày được phép
xuống khu gia binh chơi vừa thấy nhà cửa, quán xá
đèn đuốc tùm lum, nhất là nhát thấy bóng hồng
ai mà không nôn nao, háo hức.
Có xuống chơi khu gia binh
Mới thấy quán xá rất tình, rất thơ
Đèn đóm dìu dịu, mờ mờ
Còn mấy con nhỏ đẹp mơ đẹp màng
Bất cứ
khóa huấn luyện quân sự nào hầu như cũng
đều có các bạn ngoài Trung vào học. Những vị
này thường tụ thành một nhóm chơi chung với
nhau. Trong phòng tôi có hai anh Quảng Nam hiền lành, nẫu
nẹc, sau lễ gắn Alpha về xù xì tâm sự với
nhau. Tôi nằm nhắm mắt làm bộ ngủ, nhưng tò
mò lóng tai nghe mà cười thầm trong bụng. Đại
khái như (xin ghi bằng thơ) :
Ra trường mầy đi
lính chi?
Nhất định là lính Rằn
Ri. Còn mầy?
Tao thì Quân Cảnh, tối ngày
Tìm ba thằng lính như mầy, nhốt chơi
Ngoài ra,
Đại Đội 21 còn có những vị khoa bản,
trí thức mà tôi mạn phép liệt kê dưới đây:
1- Anh
Nguyễn Quốc Trụ, Cao học Bang Giao Quốc Tế,
Giảng viên Đại Học Hòa Hảo, sau cùng là
Giảng viên trường Chiến Tranh Chính Trị Đà
Lạt. Anh gốc Bắc chung Trung đội với tôi.
Sau 75, trong tù cải tạo Trảng Lớn anh Trụ
đã cải lý với Chính Trị Viên Việt Cộng
rồi Chính Ủy VC khiến chúng nó cứng họng đâm
ra thù ghét anh. Kết quả anh Trụ bị nhốt conex
lâu ngày. Cuối cùng chúng đưa anh ra tòa, bị buộc
tội phản động, chống chế độ và
bị xử bắn.
2- Anh Võ Duy
Thưởng, cựu lãnh tụ Sinh Viên Luật Khoa, sau là
nhân viên Trung Ương Tình Báo, chức vụ sau cùng là
Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp QLVNCH. Hiện sống
ở California.
3- Anh Đoàn
Kỉnh, sinh viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn, lãnh
tụ Sinh Viên tranh đấu rất nổi tiếng.
Hiện ở đâu bên Arkansas.
Tôi còn nhớ năm 1969, sau nhiều lần Sinh viên Học
sinh phối hợp xuống đường tập
thể, một buổi trưa, Đoàn Kỉnh, Phạm
Quang Phước, Trần Văn Quí, Trần Nhật Nam và
tôi âm thầm đèo nhau trên 3 chiếc Honda tới Quốc
Hội biểu tình. Sau khi quan sát tình hình, bất thần
Đoàn Kỉnh và Phạm Quang Phước xô ngã hàng rào
sắt, chạy ùa vô tới trước cửa Quốc
Hội ngồi xuống, giăng biểu ngữ. Sáng ngày
hôm sau báo chí hùa nhau đăng tải tin tức giựt gân
bằng những tít lớn như : Lãnh Tụ Sinh Viên
Đoàn Kỉnh đơn thương độc mã xông vào
Quốc Hội hoặc Lãnh Tụ Sinh Viên Đoàn Kỉnh
bị đánh ngất xĩu trước Quốc Hội,
chở đi mất tích... Năm 1980 tại trại tỵ
nạn Leam Sing, Thái Lan tôi có đọc một bài báo
phỏng vấn cựu sinh viên Đoàn Kỉnh về vai trò
lãnh tụ sinh viên của anh trong quá khứ đã
được anh bày tỏ sự hối tiếc muộn
màng.
4- Đoàn
Đình Đông Hải, một cái tên nghe mênh mông như...
đường vào biển Triết. Tên như
người, rất lập dị. Cũng vì hay lừng
khừng, lãng đãng hướng vào nội tâm mà Hải
thường hay bị phạt và nằm phòng kỷ
luật đều chi.
Sau này, một
vị cựu Sĩ quan Cán bộ Đại đội 21
nhắc tôi mới nhớ thêm Trương Nhị Đông
(Quân Cụ), hiện ở VN. Phùng Ngọc Thịnh (Quân Cảnh),
hiện ở Đà Lạt hoạt động trong ngành Du
Lịch. Lê Phát Được (Pháo Binh) đi diện H.O qua
Mỹ năm 1995 v.v...
Một hôm,
Đại đội chúng tôi ba lô, súng đạn nhận
lệnh đi gác tuyến D nguyên ngày. Sau buổi cơm
trưa (do toán ẩm thực mang ra tuyến), tôi vừa leo
lên chòi gác thì con buồn ngủ quái ác từ đâu ào ào
ập tới. Mặc dù rán banh mắt ra mà nhìn về phía
trước, hoặc lắc đầu nguầy nguyậy
cho tỉnh táo hay móc thuốc lá ra hút liền tù tì mấy
điếu, cuối cùng gió vẫn đưa con buồn
ngủ nó lên chòi. Thế là, thay vì ôm súng gác như trách
nhiệm của một người lính ngoài giới
tuyến thì tôi rũ xuống như tàu lá làm luôn một
giấc ngon lành, chẳng còn biết trời trăng mây
nước là cái chi chi. Lúc tỉnh dậy mới hay mình...
mất súng! Mất gì chớ mất súng quả là chuyện
tầy đình. Có đường ra Tòa Án Quân Sự như
chơi. Thì ra ông Cán bộ Trung đội trưởng
đi kiểm soát tuyến bắt gặp tôi đang say giấc
nồng bèn đi một đường tịch thu vũ
khí. Chiều về tôi bị Cán bộ dũa te tua
trước ba quân đứng im phăng phắc như
trời trồng. Sau đó tôi khăn gói quả mướp
vào phòng kỷ luật 301 hai ngày nằm chơi xơi
nước. Tại đây, tôi lại hân hạnh tái ngộ
với “giáo chủ Vô Vi” Đoàn Đình Đông Hải. SVSQ
trong suốt khóa học không ai mà không nghe danh F301. Căn
phòng vuông vức khoảng 9, 10 thước, u ám và khai
nồng. Có nằm phòng kỹ luật nhìn gió bay ngoài
trời, mây bay trên cao mới thắm thía thân phận tù
đày của một anh lính trẻ bê bối như tôi.
Nằm ba-lẻ-một
cũng... vui
Cái hồn mình chợt tối thui như rừng
Nói tới F301
mà không nói tới Bệnh Xá là một thiếu xót. Nhưng
cũng vì cúm nó hành phải nằm Bệnh Xá mà tôi hụt
mất một ngày đi bãi học Vượt Sông. Buổi
tối, cơn nóng lạnh ùn ùn kéo tới, tôi mê mang thấy
mình lăn qua hóa thành đá, lộn lại hóa thành núi,
cuối cùng con bệnh hóa thành... một bài thơ.
Gần chẳng rõ, nhìn xa xa
Thấy mình hoa đá lăn qua mơ hồ
Thấy kỳ cục, đâm nghi ngờ
Rồi như núi đứng ngu ngơ mình buồn
Sau lễ
gắn Alpha, cuối tuần SVSQ được cho về
phép lần thứ nhất. Diện bộ đồ
tiểu lễ kaki màu vàng nhạt, vai đeo dây biểu
chương màu vàng, đầu đội cascette, dây
nịt sáng chói, giầy botte de saut bóng lưỡng, tay
cầm tờ giấy phép hiên ngang bước ra khỏi
cổng số 1 về Sài Gòn đi phép.
Những ngày
cuối tuần sau đó, trừ đại đội
tới phiên trực ở lại, ba đại đội
còn lại phải ra Vũ đình trường thi diễn
hành, đội nào bết nhất sẽ bị cúp phép.
Một tuần học tập mệt xì khói, chỉ còn
lợi dụng hai ngày nghỉ phép về Sài Gòn du hí mà
bị cúp thì còn gì là đời trai. Có lần, Đại
Đội 21 thi diễn hành bị đánh rớt liên
tiếp hai tuần lễ, bị cúp phép, bị Cán Bộ
“xì nẹt”, nhiều thằng nổi sùng “len lén tâm tư ”,
chữi vung xích chó. Có thằng hẹp lượng giận
cá chém thớt đi tìm đàn em lôi ra phạt cho hả
giận.
Ba đại đội thi
diễn hành
Đội mình bết nhất thì đành loại ra
Bị cúp phép, còn bị la
Nhiều thằng bất mãn kêu ca um sùm
Riêng tôi
buồn tình thả ra khu Tiếp Tân, gần phía cổng
chính, coi thiên hạ đi thăm nuôi cho đỡ buồn.
Ngồi dòm bức tượng trắng toát của anh Sinh
Viên Sĩ Quan đứng bắn cung chán rồi ra dựa
gốc cây bã đậu hút thuốc nhìn trời đất,
nhìn người, nhìn tôi.
Buồn tình ra khu tiếp tân
Dựa gốc bã đậu ngó gần ngó xa
Ngó thì ngó vậy, thật ra
Chẳng ngó gì hết, nên tha hồ buồn
Ngó cái
“chẳng ngó” no con mắt rồi lững thững
đảo xuống Khu gia binh chơi. Đang buồn
thả hồn lãng đãng theo một bóng hồng trong
mơ, có gặp huynh trưởng cũng chẳng còn
hồn với vía đâu mà chào. Vậy là có cái họng hung
dữ gào lên “ Hai mươi cái bơm. Hai mươi cái hít
đất. Hai mươi cái nhảy xổm! Thi hành!”
Đáp tuân lệnh xong là vừa thi hành vừa đếm
thật to tổng cộng một hơi sáu chục cái không
thiếu cái nào. Hồi đó sao mà khỏe ơi là khỏe!
Buồn tình xuống khu gia binh
Thả hồn ôm ấp bóng hình nơi nao
Gặp huynh trưởng, quên, không chào
Thôi thì nó thét, nó gào điếc tai
Học binh
pháp thì có hằng ngàn mưu thần chước qủy
để mà học. Bể học mênh mông, có học cả
đời cũng không hết. Như chiến thuật hành
quân phối hợp bộ binh và thiết giáp chẳng
hạn. Thiết giáp chạy trước bánh xích ầm
ầm ngiếng từng tất đất vừa hù
vừa rãi đại liên càn quét địch quân, bộ binh
chạy lúp xúp phía sau lên tiến chiếm mục tiêu.
Thiết giáp nó chạy
trước mình
Địa thế gập ghềnh, mình chạy phía sau
Chạy xì khói, chạy phờ... râu
Ba chân bốn cẳng chạy mau như gì
Đi hành quân
tùy tình hình, địa thế mà ngụy trang để
địch quân khó bề phát hiện. Lá cây rừng là
phương tiện thiên nhiên hữu hiệu nhất . Tha
hồ mà be,û mà cắm, mà vắt trên đầu trên lưng
là có điểm.
Quơ tay bẻ cụm lá
rừng
Mình cắm, mình vắt trên lưng trên đầu
Soi mình xuống vũng nước trâu
Một thằng lạ hoắc nghoẻo đầu nhìn
lên
Mệt mà vui,
thời giờ trôi qua rất mau là đi địa hình.
Từ điểm đứng trên bản đồ hành quân
(được bọc cẩn thận trong bao nylon), ta vạch
một đường thẳng hướng theo kim
địa bàn xuyên qua địa hình, địa vật
để đến mục tiêu. Mục tiêu là những
cộc gỗ được đánh dấu bằng
mẫu tự Alphabet đã bài trí sẵn theo tuyến hàng
ngang cách điểm xuất phát non chục cây số
đường rừng.
Mới
tảng sáng, Đại Đội 21 đã có mặt
đầy đủ quân số tại điểm học
tập. Tại đây, các Khóa sinh được Huấn
luyện viên giảng dạy lý thuyết, học cách
đọc bản đồ, chấm tọa độ,
sử dụng kim địa bàn, đo phương giác...
Sau đó, mỗi tiểu đội dùng địa bàn xác
định điểm đứng của mình rồi
nhắm hướng mà đi. Đơn giản như
vậy mà lúc đi cứ bị lạc hoài. Trên lý thuyết
nghe thì dễ, lúc thực hành mới gian nan. Có điều,
không có gì sướng cho bằng lính lâu ngày được
thả cho tự do bương đồng, lội
suối, xuyên qua vườn tược, nhà dân, gần
gũi với bờ tre, cây lúa, ụ rơm, thở hít không
khí trong lành của miền đồng nội. Cũng
nhờ thằng Tiểu đội trưởng
hướng dẫn đi địa hình lạng quạng
mà tình cờ Tiểu đội 1 chúng tôi lạc vào khu
vườn thơm, lưa thưa vài chục mái nhà tranh
nằm hiền hòa dưới những tàn cây rậm mát.
Hầu hết các SVSQ đi địa hình đều
biết tiếng Vườn Thơm. Vì nghe đồn
ở đây có một cô gái tên Lan đẹp chim sa cá
lặn. Biết là chẳng bao giờ có chuyện bèo mây
gặp gỡ, nhưng nghe qua tiếng đồn, lòng ai mà
chẳng nao nao.
Cuối cùng,
mọi người cũng đi đến đích. Tuy
nhiên, thay vì mục tiêu là cộc C như đã chỉ
định thì chúng tôi đi lạc xuống tới tận
cộc M. Báo hại 12 thằng dỡ hơi phải
hộc tốc chạy ngược lên cộc của mình
đánh dấu để về báo cáo lấy điểm.
Thi địa hình mà! Có một điều an ủi là
chẳng riêng gì Tiểu đội cà chớn chúng tôi,
mấy Tiểu đội gà mờ bạn cũng đi sai
địa hình không kém. Đúng là sai một ly đi một
dặm.
Kim địa bàn chỉ
hướng Đông
Cái chân lội suối, bương đồng mà đi
Địa hình, địa vật chi li
Cái chân mắc dịch dẫn đi lạc hoài
Nhiều
người nói Dây Tử Thần là môn đứng tim
nhất, nhưng khi tới phiên tôi thì tôi cảm thấy
chẳng có gì làm... tim đứng lại cả. Dây Tử
Thần được chế tạo bằng một
sợi cáp nối từ đỉnh đồi ngang qua
hồ nước xuống tới bờ hồ. Sợi cáp
luồn xiên qua tâm ròng rọc có hai móc câu bằng sắt
(hoặc khoen) để nắm. Tuần tự từng
người khi đu xuống tới mức an toàn thấy
tên thủ hiệu phất cờ thì buông tay cho thân mình
rớt xuống hồ nước sâu lút ngực. Lóp ngóp
lội lên bờ là xong.
Ròng rọc lao xuống ào ào
Tiếng dây cáp rít, gió gào hai bên
Thằng thủ hiệu phất cờ lên
Mình buông tay rớt sát bên bờ hồ!
Tôi không ngán
đu dây Tử Thần, nhưng lại ớn đi dây Kinh
Dị.
Dây Kinh Dị
có ba sợi cáp thiết trí theo hình chữ V hoa giăng ngang
qua một cái vực. Đi dây Kinh Dị đừng bao
giờ nhìn xuống đất, vì độ cao cộng với
sức nhún nhảy, ngã nghiêng của sợi dây dễ làm ta
lạng quạng, mất thăng bằng, trật tay té
xuống không chết cũng tàn phế.
Dây Kinh Dị ác ôn hơn
Sợ xám mặt, ớn thấu xương sóng mình
Sợi dây nhún nhảy bấp bênh
Dưới sâu Thần Tử ngó lên cười
cười
Tuột Núi là
môn tôi tỏ ra bết nhất. Mặc dù tôi góc núi, sinh
trưởng ở núi, nhưng chẳng leo núi bao giờ.
“Núi” (hay Đài Tuột Núi) ngoài bãi là một tấm vách hình
khối chữ nhật dựng sừng sững giữa
trời. “Núi” cao khoảng 15 tới 20 thước, bề
ngang chừng 1.5 thước. Đứng trên đỉnh
tứ bề gió lộng, người không quen độ cao
thoạt nhìn xuống sẽ chới với, thụt lùi
ngay. Nghệ thuật tuột núi đặt trọng tâm vào
hai sợi dây và cái móc dây an toàn. Hai sợi dây giống
loại dây dù, nhưng đường kính to bằng ngón tay
cái, được buột từ đỉnh của
Đài Tuột Núi thả dài xuống tới mặt
đất; sợi còn lại dùng để quấn quanh
thắt lưng và háng rồi luồn vô cái móc chữ O có
cửa sổ bên hông chữ O. Khi tuột phải tuột
đằng lưng, mặt dây vô vách. Muốn tuột nhanh
hay chậm đều tùy vào bàn tay phải hoặc trái bóp
hay nhả sợi dây luồn qua cái móc hình chữ O.
Vách núi dựng đứng
giữa trời
Sợi dây thừng quấn quanh người lắc
lư
Chưa tuột mà đã lừ đừ
Ba hồn chín vía sặc sừ rút lui
Cuối cùng
rồi cũng đụng Đoạn Đường
Chiến Binh, môn học mà hầu hết SVSQ nào cũng
lắc dầu ngao ngán. Đoạn đường này không
dài mấy, non chừng một ngàn thước, nhưng
đầy những chướng ngại vật mà mọi
người đều phải vượt qua. Nào là đu
dây, vượt tường, leo lên cầu cao, chạy qua
cầy khỉ; nào là băng qua những bãi lầy,
đụn cát, nhảy qua gò, bay qua ụ, phóng qua hầm,
vượt qua hố, rồi chui dưới địa
đạo, bò dưới rừng kẽm gai, trong khi hỏa
lực nó khạt rát phía trên đầu, lâu lâu lại nghe
mìn nổ bậy bạ đâu đó! Đoạn
Đường Chiến Binh hiểm ác một điểm
nữa là súng cầm tay, ba lô trên lưng, SVSQ phải
chạy từ đầu cho tới cuối chặng
đường. Một người khỏe mạnh cách
mấy, vượt hết đoạn đường này
cũng phải đổ mồ hôi mà thở hắt ra.
Leo, trèo, chạy, nhảy,
phóng, bò
Vượt chướng ngại vật có trò lọi
xương
Mình đi tám hướng, mười phương
Bây giờ mới gặp đoạn đường
chiến binh
Một
buổi sáng mùa thu, Tiểu Đoàn chúng tôi được
lệnh đi ứng chiến tại Sài Gòn trong vòng một
tháng. Ba Đại đội bạn ứng chiến ở
đâu tôi không biết, riêng Đại đội 1 chúng tôi
cắm trại tại sân Hoa Lư, Đa Kao dưới cơn
mưa nắng thất thường. Sân vận động
này tọa lạc ngay tại ngã tư Hồng Thập
Tự và Đinh Tiên Hoàng, đối diện với đài
Truyền Hình Việt Nam mà anh em Sinh Viên Quân Sự Học
Đường năm ngoái đã vào Đài trình diễn
văn nghệ. Đặc biệt nữa là sân Hoa Lư
đâu lưng với quán Tre của Khánh Ly, tối tối
lỏng một chút là chúng tôi chui rào qua uống cà phê nghe
Khánh Ly hát... từ trong máy.
Ứng
chiến non một tháng, Đại Đội chúng tôi
được lệnh nhổ trại trở về
Thủ Đức. Nhiều SVSQ có nhà ở Sài Gòn,
được thân nhân thăm nuôi cung cấp đủ
thứ lương thực nhét đầy trong ba lô căng
cứng. Riêng cá nhân tôi thuộc “con bà phước”, nên
trưa hôm đó tôi đã âm thầm mang theo trọn...
một mùa thu, một hồn quán Tre và mưa nắng Sài Gòn
trở về lại quân trường Thủ Đức.
Mình đi ứng chiến Sài
Gòn
Chừng non một tháng thì mòn đám mưa
Trở về Thủ Đức ban trưa
Mình mang theo hết đám mưa Sài Gòn
Tháng 9 năm
1971, sau buổi điểm tâm bánh mì và chuối xong,
Đại đội chúng tôi được lệnh đi
gác tuyến B đến chiều mới trở về. Sau
buổi cơm chiều, trời vừa sụp tối,
Đại đội 21 lại được lệnh
trang bị vũ khí, ba lô lần lượt ra tập
họp trước sân Đại đội. SVSQ Nghiêm
Văn Hiệp, đại diện SVSQ Trung đội
trưởng Đại đội 21 hô gióng hàng nghiêm
chỉnh trước hàng quân im phăng phắc. Sau khi
kiểm điểm quân số, kiểm tra vũ khí, anh
Hiệp quay qua Trung úy Huỳnh Trung Hiếu giơ tay chào báo
cáo:
- Đại
Đội đã tập họp xong! Tổng số 179.
Bất khiển dụng 4. Công tác ẩm thực nhà bàn 8.
Hiện diện 164. Trình Trung Úy. Đủ!
Sau đó, chúng
tôi lặng lẽ hướng về Vũ đình
trường. Tại đây ba Đại đội 2, 3, 4
cũng tuần tự đến hợp thành một
Tiểu Đoàn để chuẩn bị Đêm Di Hành,
một môn học cuối cùng trước khi mãn khóa. Tôi còn
nhớ đêm hôm đó giữa Vũ đình trường,
hằng trăm hằng ngàn người đều chìm vào
trong bóng tối. Những ngọn đèn điện
lạnh lẽo trên khán đài hay quanh Vũ đình
trường không đủ sáng để soi tới
những khuôn mặt xạm nắng quân trường. Không
một tiếng thì thầm. Không một tiếng cười,
kể cả tiếng ho. Hình như ai cũng trầm mình
vào trong suy tư, lo lắng. Rồi đoàn quân bắt
đầu rời tuyến xuất phát là Vũ đình
trường, hết Đại đội này tới
Đại đội khác hướng về cổng 9 ra
bãi. Quân đi âm thầm, lặng lẽ như một
đoàn quân ma. Quân đi qua những con đường,
những ngọn đồi thấp, những rừng cây,
những nơi chốn trong suốt gần 9 tháng trời
đã đi qua. Buổi tối, trên trời trăng bắt
đầu lên. Xa xa về hướng Đồng Ông
Cộ, những trái hỏa châu như những chiếc
đèn lồng đong đưa trong gió, toả ra những
tia sáng lạnh lẽo, vàng vọt, lấp lánh, đứt
quảng, rưng rưng như những giọt lệ. Khi
chúng tôi từ trên đồi thả lài lài xuống
dưới trũng thì găïp một cái hồ
nước, đúng lúc những trái sáng xèn xẹt bắn
lên cao, soi sáng cả một vùng đêm sâu mù tối.
Ngoài bãi
tập có một cái hồ đủ để trâu
đầm gọi là hồ Lệ Thủy mà Đại
đội 21 vừa đăït chân tới. Đêm di hành
gặp trời quang mây tạnh, vừa tới sát bên bờ
hồ thì tôi khá giựt mình vì cái đẹp lạnh lùng
của bóng trăng vằng vặc dưới đáy
nước nhìn ngược lên tôi bằng một ánh
mắt cực kỳ lạnh lẽo. Tôi thường
mắc cái tật hay giựt mình trước những
vẻ đẹp có tính cách mỏng mảnh, đơn
phương mà dữ dằn ở thế thủ của
thiên nhiên, thú vật, kể cả con người.
Qua hồ Lệ Thủy ban
đêm
Con trăng bảnh chọe ngủ trên mặt hồ
Nước hồ trâu đẫm đục lờ
Mình dọng trái sáng làm mờ con trăng
Tôi có hỏi
một vị SQCB mới biết nguyên nhân tại sao có tên
gọi là hồ Lệ Thủy. Ông nói không biết chắc
là hồ này thiên nhiên hay nhân tạo, nhưng có lẽ do việc
khai thác đá sạn mà tạo nên. Hồi trào ông Ngô Đình
Diệm, lực lượng Thanh Niên Cộng Hòa
thường lên trường Võ Khoa Thủ Đức (tên
cũ của trường Bộ Binh) lấy các bãi tập
để huấn luyện, trong đó có cô Ngô Đình Lệ
Thủy (đã quá cố, con của ông bà Ngô Đình Nhu)
đã nhiều lần ngâm mình tại hồ đó nên
đặt tên là hồ Lệ Thủy.
Ngoài hồ
Lệ Thủy, bãi tập còn có đồi Tăng Nhơn
Phú. Ngồi trên đồi nhìn xuống dưới xa là xa
lộ Biên Hòa, xa hơn nữa xeo xéo bên trái là Nghĩa Trang
Quân Đội hàng hàng mộ bia trắng toát. Có lên ngồi
đây lúc chiều tà mới thắm thía cái thân phận
người lính trong một đất nước
chiến tranh.
Chiều rơi mấp mé
lưng đồi
Mình còn thở mãi nhịp đời chông chênh
Ngồi đây giữa cõi bấp bênh
Hồn mình ai thả sầu lênh đênh hoài
Cuối cùng
vào nửa đêm, tất cả bốn Đại
đội của Tiểu đoàn chúng tôi lần
lượt trở về tập họp tại Vũ
đình trường. Sau khi kiểm điểm lại quân
số và vũ khí, những tiếng hô lệnh lạc,
tiếng báo cáo lại lanh lãnh vang lên giữa đêm
trường. Theo hệ thống quân giai Trung đội báo
cáo lên Đại đội. Đại đội báo cáo
lên Tiểu đoàn. Tiểu đoàn báo cáo lên Liên đoàn.
Thời gian,
không gian và sự mệt mỏi sau một đêm di hành
đã đọng lại trong tất cả chúng tôi
để thực sự trở thành những người
lính, những Sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng
hòa, những lực lượng mai đây sẽ tung ra
khắp bốn vùng chiến thuật.
Mình đi từ sáng tới
chiều
Từ chiều đến tối muốn xiêu thân
rồi
Cái tay cầm súng rã rời
Cái chân đạp trúng bóng đời nhà binh
Thời gian
suốt chín tháng trong quân trường lần hồi
cũng đi tới cái đêm cuối cùng của nó. Đó
là đêm bồng súng gác Trung Nghĩa Đài. Hai người
một ca, hai tiếng. Mặc đồ tiểu lễ,
mang dây biểu chương, găng tay trắng, đội
nón caskette có quai vòng quanh cằm, súng trên tay áp vào ngực vào
vai, lưỡi lê chọc thẳng lên trời, chúng tôi
như hai xác tượng đứng gác giữa đêm, canh
cho những người đã khuất. Dựng Trung
Nghĩa Đài là để tưởng niệm linh hồn
các khóa đàn anh đã hy sinh vì tổ quốc. Đêm càng sâu
trời càng sao sáng, gió càng lạnh. Gió thổi bập bùng
những ngọn đuốc cắm chung quanh Trung Nghĩa
Đài. Gió thổi xào xạc trên cây. Gió thổi ù ù trên
mặt đường. Gió thổi người gục
xuống. Gió thổi tôi đi.
Bồng súng gác Trung Nghĩa
Đài
Nghe đời mình cũng thở dài đâu đây
Thương lòng đêm gió trắng lay
Khóc hồn tử sĩ tàn bay về nhà
Đêm
tịch mịch như vậy mà sáng hôm sau lại rền
vang những tiếng hô nghiêm nghỉ đứng lên quì
xuống giữa Vũ đình trường của tất
cả các khóa sinh khóa 1/71 đang làm lễ mãn khóa ra
trường. Ôi, ngày hôm đó quân trường tràn ngập
nắng và Vũ đình trường đầy ngập
người. Trên khán đài là thân nhân, bạn bè, là
người yêu của lính đến tham dự chia vui.
Giữa sân Vũ đình trường, chúng tôi oai phong trong
bộ đồ đại lễ, vai mang biểu
chương, đầu đội caskette, một chân quì
xuống nôn nao chờ các huynh trưởng đến
gắn cấp bậc : Chuẩn Úy.
Cái lon chuẩn úy vàng khè
Bu trên cổ áo nặng è cổ ra
Cái lon chuẩn úy, nhìn qua
Giống hai con cá vàng da vẫy vùng
Cuối cùng,
cổng số 1 lại mở ra. Lần này hằng ngàn tân
sĩ quan hân hoan bước ra khỏi cổng mà không bao
giờ trở lại. Chúng tôi như những con chim ra ràn
bay đi khắp bốn vùng chiến thuật, để
rồi những năm tháng sau này, có những con chim trở
thành hồn tử sĩ, có những con chim thành
người thương binh...
Bây giờ tôi
đang ngồi đây, ngồi ngoài đất nước
để nhớ về một Việt Nam bên kia trái
đất, ở đó có một quân trường
trước kia gọi là Trường Võ Khoa Thủ
Đức, sau đổi tên thành Trường Bộ Binh
Trừ Bị Thủ Đức cách Sài Gòn 15 cây số
hướng Đông Bắc. Nhớ tới Trường
Bộ Binh như nhớ tới một bước
ngoặc lớn đời tôi, từ một chàng sinh viên
hoài mộng ngất trời tới một anh lính chiến
băng mình trong bom đạn quê nhà. Rồi, sau ngày 10 tháng 3
năm 1975 tại Ban Mê Thuột, Thiếu Úy Tấn trở
thành tù binh cải tạo, thành tù vượt ngục, sau
cùng thành thuyền nhân sống lưu vong nơi đất
khách quê người đến nay ngót 21 năm.
Hôm nay tôi
đặt bút viết xuống những dòng này để
tặng quí vị cựu Sĩ Quan Thủ Đức trong
và ngoài nước, cũng như để tưởng
nhớ những người lính Thủ Đức (nói
riêng) và những chiến sĩ Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa (nói chung) đã bỏ mình vì lý tưởng
tự do, vì đồng bào, vì đất nước,
một đất nước đã mất cách đây 26
năm ròng.
Phan Ni Tấn