Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Chuyện bốc mộ tù cải tạo ở miền Bắc

Chuyện bốc mộ tù cải tạo ở miền Bắc

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-03-28
 
 

boc-mo-622.jpg
Bốc mộ Ông Hạnh ở Làng Đá.
Sau 30 tháng Tư 1975, trong hàng ngàn quân dân cán chính miền Nam bị đưa ra các trại tập trung miền Bắc, một số chôn thây trong các nghĩa trang tạm bợ sơ sài tại những vùng sâu vùng xa đó.
Trong loạt bài ký ức 40 năm, Thanh Trúc thuật lại trình tự câu chuyện bốc mộ tù cải tạo ở miền Bắc như sau:

Trộm hài cốt mang về trong Nam

Đó là những nghĩa trang chôn tù tập trung là quân nhân miền Nam chết trong thời gian đi cải tạo, địa điểm là những vùng xa xôi hiểm trở như Làng Đá, Đồi Cây Khế, Kiên Thành, Dõng Hóc…
Đến thập niên 80 khi sự đi lại trong nước tương đối dễ dàng hơn, thân nhân trong Nam tìm cách ra tận nơi, thuê mướn người địa phương đào mộ lúc đêm rồi trộm hài cốt mang về trong Nam. Đó là lý do nhiều gia đình đã bốc lộn hài cốt người khác.
Năm 2010 tại Hoa Kỳ, tổ chức VAF Sáng Hội Việt Mỹ, do cựu quân nhân Nguyễn Đạc Thành sáng lập, loan báo chương trình bốc mộ tù cải tạo Làng Đá:
“Năm 2007 chúng tôi về Việt Nam, được sự chấp thuận của thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Phú Bình và được đi tìm mộ tù cải tạo. Và 2010 do chính quyền địa phương làm khu du lịch Thác Bà để phát triển kinh tế cho xã Cẩm Nhân, phải mở con đường cho nên sẽ giải tỏa khu mộ Làng Đá nằm sát hồ Thác Bà chừng hai chục thước mà thôi. Đó là lý do mà chúng tôi xin được cải táng khu mộ Làng Đá.
Chúng tôi cũng đã hướng dẫn một số gia đình bốc mộ ở Đồi Cây Khế, ở xã Kiên Thành, ở Dõng Hóc và một số nơi khác nữa ở Sơn La. Sau đó chúng tôi lại dẫn một số gia đình anh em tù cải tạo đi bốc mộ ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh. Đã có 225 hài cốt về với gia đình, trong đó 80 hài cốt của anh em tử sĩ mất tích trong chiến tranh được đưa vào Chùa Nghệ Sĩ để thờ. Số còn lại thân nhân đưa về cải táng ở gia đình.”
boc-mo-2-400.jpg
Bốc mộ ông Lương Văn Hoa ở Làng Đá.
Một thành viên của VAF ở California, ông Nguyễn Quang, cựu tù chính trị 13 năm qua các trại lao động ngoài Bắc từ trại 1 đến trại 7 tình Yên Bái, từ trại Đầm Đùn ở Thanh Hóa đến trại Z30D ở Hàm Tân trong Nam, cho biết:
“Tù nhân chính trị chết thứ nhất là thiếu ăn, thứ hai là bệnh tật thiếu thuốc, thứ ba là quá nản chí mà nhiều người tự sát chết. Khi đồng đội nằm xuống thì chúng tôi có hứa sẽ đưa họ về miền Nam. Trong thời gian ra tù và khi được đi định cư tại Mỹ, chúng tôi mới có đủ sức khỏe và điều kiện để tham gia vào chương trình đi lấy hài cốt do ông Nguyễn Đạc Thành hướng dẫn. Trước đây gọi là tổng hội HO, sau này đổi thành Vietmanese American Foundation. Năm 2010 chúng tôi bắt đầu đi.
Chúng tôi đã tìm kiếm khoảng trên 500 ngôi mộ ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Những ngôi mộ đó chôn rất đơn sơ. Những trại có điều kiện thì người ta cho những tấm ván để chôn, có những trại bó bằng áo quần hoặc bó bằng vạt tre. Chẻ tre chẻ nứa ra, bện lại thành tấm sáo rồi bó lại chôn, thế thôi.
Khi tù nhân đi chôn tù nhân thì chúng tôi có làm mộ bia, một là bằng đá, hai là bằng ván rồi viết tên. Có điều kiện thì kiếm những cái chai nhỏ như chai Penicillin hay Streptomicin mà có nắp cao su đậy ở trên, viết tên vào giấy bỏ vào trong cái chai đó và liệm chung. Thành thử khi đào lên thì nhận diện được tên họ và quê quán rất dễ dàng. Khi biết được tên, quê quán thì chúng tôi đăng báo. Trường hợp gia đình muốn lấy hài cốt thì phối hợp đi theo chúng tôi ra địa phương đó để xin giấy phép cho họ bốc mộ về trong miền Nam. Cũng có một số bốc được mộ nhưng làm DNA không được là vì nó mục nát cả rồi, thành thử chính quyền địa phương không cho mang về Nam.”
Cũng từ California, bà Nhung, vợ cố đại úy Lương Văn Hòa, cho biết sau ngày 30 tháng Tư 75 chồng bà được lệnh trình diện tại Cần Thơ. Đến 1978 bà nhận được giấy báo tử:
“Chưa thăm nuôi thì ông đã mất, nhận giấy báo tử mới biết mất ở ngoài Bắc, họ để là huyện Cẩm Nhân, Hoàng Liên Sơn.”
Năm 2010, bà Nhung đọc báo, biết việc làm của VAF nên liên lạc và nhở tổ chức này giúp tìm kiếm hài cốt người chồng xấu số:
“Hồi 2010 thì tôi về tới Sài Gòn, gặp ông Nguyễn Đạc Thành, ổng lo giấy tờ này kia sẵn sàng mới mua vé ra Hà Nội. Ở đó mới xin phép giấy tờ rồi mới đi ra ngoài Yên Bái, ra ngoài xã Cẩm Nhân. Ở đó một tuần được giấy phép rồi mới được bốc.
Lên cũng chẳng biết mộ ai với mộ ai thì cũng trăm sự nhờ ông Nguyễn Đạc Thành. Lúc đó bốc đâu mười mấy cái, tạm bợ lấy cái quách rồi chuyển sang cái đồi bên kia, cứ đánh số thứ tự rồi chờ thử DNA. Mộ nhà tôi đánh số 21, may là nhờ thử DNA chứ không thì cũng không biết có phải hay không. Chi phí thì hội của ông Nguyễn Đạc Thành lo phần giấy tờ bên đó, còn chi phí máy bay thì mình lo. Ông không có lấy của mình đồng bạc nào.”
Phải hai năm sau, kết quả thử nghiệm DNA xác nhận đó là hài cốt của cố đại úy Lương Văn Hòa, bà Nhung trở về và được người của VAF hướng dẫn ra Bắc làm thủ tục bốc hài cốt về Nam để hỏa táng. Hiện tro cốt người chết được ký gởi trong một ngôi chùa ở Hóc Môn.

Công việc nhiêu khê, phức tạp

Đi tìm kiếm để bốc mộ người thân chết trong trại cải tạo ngoài miền Bắc là một công việc nhiêu khê, phức tạp, chưa kể đến tâm trạng buồn bã của nó. Từ Việt Nam, ông Huỳnh Khương Ân, con rể cố thiếu tá Trần Đình Năm, thuật lại chi tiết:
“Ba vợ tôi đi tập trung cải tạo ở Biên Hòa, cuối hè 76 thì ông được chuyển ra Bắc ở trại tập trung ở Hoàng Liên Sơn.”
boc-mo-400.jpg
Bốc mộ Ông Hạnh ở Làng Đá. VAF PHOTO.
Năm 1977 thiếu ta Trần Đình Năm mất nhưng đến năm 1978 gia đình mới nhận được giấy báo tử:
“Nhờ ông Nguyễn Đạc Thành tìm ra vị trí ở đó, Làng Đá, huyện Cẩm Nhân, tỉnh Yên Bái. Biết được vị trí ở đâu để mà đi ra cũng là một cái khó khăn rồi. Tôi cầm tờ giấy mà tôi cũng không mường tượng là nó ở vị trí nào ở ngoài Bắc, thì nhờ ông Nguyễn Đạc Thành và cái hội ở bên Mỹ liên lạc hẹn cùng nhau đi.
Đường đi thì rất khó khăn, từ Yên Bái vượt qua hồ Thác Bà rồi đi vô, không thì phải vòng xuống tỉnh Lai Châu rồi đi vô. Đường xấu và hẹp, đi từ sáng đến chiều, ở lại nhà dân đến sáng hôm sau mới xác định vị trí nhờ cái sơ đồ mà chính quyền địa phương đưa cho.
Lúc đào xuống thì không gặp, phải đào từng hố từng hố rồi dịch chuyển dần dần thì mới tìm được một số hài cốt. Trong đoàn có một chuyên viên khảo cổ tên là Julie Martin giúp để xác định xương nào có thể lấy được mẫu hầu có thể thử DNA tốt nhất. Sau đó nhờ một bệnh viện ở Texas giúp xác định miễn phí DNA cho tổ chức của chú Thành, qua đó mới xác định đó là hài cốt của ba vợ tôi.”
Hai năm sau, ông Huỳnh Khương Ân ra Yên Bái đưa hài cốt nhạc phụ về để hỏa táng, tiếp đó đưa vào một ngôi chùa ở Đồng Nai để tiện việc hương khói:
“Tôi muốn có một cơ hội để gởi lời cám ơn đến tổ chức thiện nguyện của ông Nguyễn Đạc Thành cùng những thân hữu ở Mỹ cũng như ở Úc đã hỗ trợ cho chúng tôi về mặt tài chính để mà trang trải tất cả chi phí chttp://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/exhume-n-move-prisoners-of-war-died-in-north-tt-03282015093627.htmlần có để mang hài cốt người thân của chúng tôi ngoài đó về.
Thứ hai nữa là cũng cảm ơn đại sứ quán, lãnh sự quán Hoa kỳ ở Việt Nam, cảm ơn chính quyền Việt Nam để chúng tôi có thể mang hài cốt về nơi ba vợ tôi đã sinh sống.”
Trong lúc việc bốc mộ tù cải tạo, được coi là giai đoạn một, tạm ngưng để bước vào giai đoạn hai mà VAF Sáng Hội Việt Mỹ đang cố gắng thực hiện là trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Đây là một nghĩa trang lớn ở Bình Dương với 16.000 mộ binh sĩ miền Nam chết trong chiến tranh, sau 1975 đổi tên thành Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An.
Tính đến lúc này, 1.402 ngôi mộ đã được tôn tạo lại theo một mẫu giống nhau. Nỗ lực trong những ngày tới của VAF Sáng Hội Việt Mỹ là vận động cho ra đời một ủy ban chuyên trách trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để trên mười ngàn ngôi mộ còn lại được trùng tu theo một kiểu đồng nhất hầu giữ được tính cách trang nghiêm cho nghĩa trang.

Trùng tu Nghĩa Trang Quân đội Biên Hoà

 https://youtu.be/gns5d-ErHJ0

Nguồn:   http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/exhume-n-move-prisoners-of-war-died-in-north-tt-03282015093627.html
Nguồn 

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Ngày trở lại...

Ngày trở lại...

Nguoiduatin (Danlambao) - Tôi muốn tham dự nhưng không muốn viết với tư cách dự thi. Tôi muốn viết như một lời tri ân cứu tử đến với người lính VNCH, người lính Mỹ và những người tử tế đã giáo dục tôi nên người có ích cho xã hội. Tôi muốn trải lòng mình như một sám hối với mọi người để được tha thứ và yêu thương... Vì tôi, là đứa trẻ mồ côi.
Làng cô nhi Long Thành
Thường là mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, những người lính Mỹ được sự hướng dẫn của lính VNCH đến thăm và tặng quà và quần áo cho chúng tôi, những đứa trẻ vô thừa nhận. Không biết họ tặng gì cho làng cô nhi, nhưng lũ trẻ chúng tôi thì được dạy ca hát và những trái cam Mỹ thì chúng tôi để dành... ném nhau, không cách gì ăn cho hết những thùng giấy đựng đầy những trái cam vàng tươi mát lạnh. Ký ức hạnh phúc đời người có khi thật đơn giản với hai chữ bình yên của tuổi thơ.
Noel năm 1968, vào buổi chiều trong lúc người lính Mỹ bắt nhịp dạy chúng tôi hát bài Jingle Bells, thì cũng là lúc những đứa trẻ mồ côi biết thế nào là súng đạn. Nghe tiếng đạn bắn vào những vách tôn, cứ tưởng như mưa rào giữa trời đang nắng gắt, những tiếng thét vì trúng đạn, những tiếng khóc của lũ trẻ chúng tôi vì sợ hãi cùng những tiếng hét "Tất cả nằm xuống" của người lính VNCH như một mệnh lệnh đã cứu sống hàng trăm trẻ mồ côi, và tôi là một trong số đó. Khi tiếng súng dừng hẳn, chúng tôi bắt đầu được hướng dẫn di chuyển ra ngoài, thì thêm loạt đạn như mưa "tưới" vào lũ trẻ vốn dĩ đã chịu nhiều bất hạnh. Người lính VNCH hét lên tiếng gì đó rồi túm cổ áo xách tôi lên như một chú chó con, ném vào lòng người lính Mỹ, ông ôm tôi trước ngực chạy ra và nhào vào hố rác, thế là tôi được sinh ra lần nữa từ một đống rác, nhưng có thừa nhận bởi người lính VNCH và lính Mỹ. Chỉ có cha mẹ mới dám chết cho con cái mình được sống... Chợt buồn nhớ mẹ, mẹ ơi, mẹ mang nặng đẻ đau con, chín tháng mười ngày, sao mẹ nỡ bỏ rơi con.
Trong trí óc non nớt của trẻ thơ ngày đó, tôi không biết có bao nhiêu bạn mồ côi được đem chôn, nhưng nhớ một bạn tên Miên bị trúng đạn và được người lính Mỹ chuyển sang bên kia đồi cùng với những người lính bị thương. Tôi thù ghét chiến tranh từ đó... Nhưng khi nào tôi còn hiện diện trên cõi đời này, tôi sẽ mãi mãi biết ơn người lính VNCH và người lính Mỹ đã lấy thân mình che đạn cho trẻ mồ côi, để gìn giữ sự sống cho tôi và bạn bè cùng cảnh ngộ. Lính VNCH ơi, lính Mỹ ơi, con chân tình xin lỗi vì không biết người lính VNCH và người lính Mỹ là ai, tên gì, ở đâu, còn sống hay đã mất. Nhưng xin nhận nơi con một lạy tạ ơn cứu tử, như nợ tang bồng vay trả, trả vay mà kiếp này con không thể nào trả được.
Từ Lasan Mossa đến thằng du đãng
Không nhớ chính xác là tôi có mặt ở Lasan Mossa tại Thủ Đức khi nào vào thập niên 60s, nhưng nhớ lắm ông anh con ruột của cha mẹ nuôi, anh hay nhiếc tôi là thằng ngu, mà tôi ngu thật. Chưa bao giờ điểm toán của tôi vượt quá con số ba, bù lại khi thi vào trường nội trú thì tôi đậu điểm cao và anh thì thi rớt, bà má nuôi phải năn nỉ rất nhiều anh mới được vào học chung trường. Có thể từ đó anh bắt đầu biết thương thằng em nuôi ngu đần của mình mỗi khi anh cần "dicté" điều gì. Cứ ngỡ cuộc sống như vậy là tốt đẹp song hành với quả đất xoay tròn, nhưng không, số phận của trẻ mồ côi như một định mệnh, phải để cho dòng đời đẩy tới xô lui...
Ngày cha nuôi ra "tòa áo đỏ" ở bến Bạch Đằng Sài Gòn, để nhận cái án nhiều năm khổ sai vì tội buôn lậu thời VNCH, cũng là ngày tôi bị buộc phải rời khỏi ngôi trường thân yêu để tham dự cuộc chơi trần thế khi bà má nuôi không còn tiền đóng tiền học. Tôi phải trở về quận Tư. Viết đến đây chợt nhớ cha Laurant, người phụ trách hướng dẫn học trình cho tôi, ông xin bà má cho tôi được làm con nuôi của ông và ông hứa sẽ nuôi tôi ăn học đến thành tài. Sau khi bị từ chối, cha Laurant có về thăm tôi một lần tại đường... nhà số... ở quận Tư. Ông chào từ biệt trước khi trở về Pháp sau khi hôn lên trán đứa trẻ khôi ngô nhưng sinh lầm thế kỷ.
Dốt vẫn hoàn dốt, chữ nghĩa trả cho thầy. Tôi thật sự khiếp đảm với bạn trẻ cùng trang lứa tại quận Tư, chửi tục là điều tối kỵ với đứa học sinh từng mài đũng quần ở Lasan Mossa. Nhưng sự đời vốn không đơn giản, người xưa nói đúng "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng". Sống ở quận Tư hiền quá thì bị ăn hiếp, dữ quá thì cửa Chí Hòa luôn mở sẵn... Và tôi đã vào khu nhi đồng vì tội chém người ở tuổi vị thành niên. Sau đó là chuỗi ngày "tự do" bụi đời, đánh giày, bán báo Mỹ từ Sài Gòn ra tới Vũng Tàu... Bất kỳ nơi nào cũng sẵn sàng đổ máu để tồn tại. Khi con người bị đẩy đuổi vào hoàn cảnh "nhanh thì sống, chậm thì chết" là ký án chung thân với cuộc đời đen như mõm chó. Với ký ức lộn xộn, không biết phải bắt đầu viết từ đâu cho có thứ tự, nhưng chắc rằng tôi không viết gì ngoài sự thật.
Sau 1975, thú thật mới biết thế nào là cái đói tại miền Nam. Cơm còn không đủ ăn, mơ gì đến thịt cá, thời Cộng Sản ngăn sông, cấm chợ, muốn mua thịt rẻ từ miền tây mang về Saigon buộc phải nấu chín và có giới hạn, Cộng Sản nói là để ngăn chận chợ đen, "đầu cơ tích trữ" của bọn tiểu tư sản. Thịt sống sẽ bị tịch thu với tội "con buôn", nước mắt của đồng bào nghèo khi bị tịch thu chút thịt heo, phải chan với cơm ăn cho qua ngày đoạn tháng, chữ nghĩa nào có thể viết hết nỗi khổ đau của người miền Nam sau tháng tư đen?
Năm 1979, đói quá mà lang thang cũng đâu có dễ, không khéo bị mấy chú côn an khép tội ăn không ngồi rồi đưa đi cưỡng bức lao động, đành phải lên rừng Đồng Xoài chặt lồ ô cho hãng giấy Cogido tiêu thụ, thụt nẹp (cây lồ ô chẻ làm tư, làm tám) bán cho các đầu nậu để họ đang cần xé chứa rau quả, bạn bè là những chú vắt rừng láu cá đeo bám không thua gì đỉa đói. Không còn chịu nổi cảnh đói khổ nữa, ai làm gì tôi không biết. Bản thân thì muốn đổi mạng sống để có cuộc đổi đời... theo quan niệm đường phố... "thà một phút huy hoàng rời chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm". Và cái giá phải trả là nhiều năm tù với tội danh cướp có vũ khí.
Gặp Bảy Xi, anh rể Năm Cam tại trại cải tạo Đồng Tháp thời ông Tám Sên làm trưởng trại, ông nói khi ra tù tôi sẽ có "tương lai sáng lạng" nếu chịu theo ông học nghề... cờ bạc. Hoặc làm "phát hỏa" bảo kê giữ sòng bài cho ông và Năm Cam. Đúng là trời còn thương, chớ nếu sau khi ra tù mà đầu quân cho Năm Cam chắc giờ này cũng đã xanh cỏ... Và nói cho đúng sự việc, người đầu tiên "được mời" để bắn Dung Hà là tôi đây, chớ không phải Hải Bánh, nếu tôi nhận lời Năm Cam, trị đám giang hồ bắc Hải Phòng. Sống ngoài vòng pháp luật là chuỗi ngày đen tối nhưng có cái thú riêng của nó với những ai có chút... máu liều.
Không phải vì thù ghét Cộng Sản mà vu vạ cho chúng, nhưng sự thật là các trại cải tạo tù hình sự của chế độ Cộng Sản, sự đói khát không giáo dục được con người tử tế hơn, môi trường tù hình sự "huấn luyện" con người trở nên thủ đoạn và tàn nhẫn hơn, kể cả những tên côn an mang danh "quản giáo". Vì lý do an toàn cá nhân chưa thể viết chi tiết để bạn đọc thấy sự khốn nạn của tù mồ côi (không có ai thăm nuôi). Xin kể chút chuyện nhỏ. Trại cải tạo Đồng Tháp có mười nhà, chia làm hai dãy, mỗi nhà có đào hố chứa nước tiểu phía sau, xây bằng xi măng âm dưới đất, cứ mỗi sáng "xuất chuồng" (điểm danh xuất phòng) là tôi phải chạy ngay ra phía sau để bắt chuột cống rơi vào hố tiểu, bắt được con nào lột da, cắt đầu, bỏ ruột ngay tại chỗ và hôm đó xem như thuộc diện... có thăm nuôi.
Cha tôi. Người giáo dục tôi nên người tử tế là một linh mục
Thú thật, dạo trước nói về dân Thiên Chúa giáo, tôi ghét không thua gì Cộng Sản. Từ sau 1975, mỗi lần nghe giọng Bắc kỳ là tôi bỏ đi chổ khác để khỏi phải... ở tù. Mỗi lần "thành công" trong một vụ cướp, tôi la cà các quán nhậu, dò xét để săn các nạn nhân mới, lắm tiền nhiều của, thường là mấy chú đội "ăn nên làm ra" nhờ "giải phóng" miền Nam, cho đến một ngày trong cơn say nghiêng ngửa, tấp vào vệ đường làm ly đá chanh cho bớt say đời và buồn người... Bên kia đường vọng lại tiếng hát:
Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình
Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh
Gặp gỡ Đức Kitô chân tình mình gặp mình
Gặp gỡ Đức Kitô chứa chan tình đệ huynh...
Ừ, thì gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình...
Và mỗi Chúa Nhật buồn vì "Chiều nay không có em, thành phố quên chưa lên đèn..." là tôi trốn bạn nhậu mò tới nhà thờ Kỳ Đồng Saigon, ngồi nghe nhạc... ké. Có lẽ số phận đã mỉm cười với thằng trời đánh thánh vật. Tôi học đạo làm người, từ bỏ mọi điều xấu xa tội lỗi, chối bỏ những lời mời tanh mùi máu dù có thể sẽ mang lại rất nhiều tiền. Hoàn lương nhưng chưa hồi tâm là vẫn còn tai họa, nếu không có ông linh mục ở nhà thờ Kỳ Đồng khuyên dạy, có thể tôi đã giết kẻ thù, mà bạn bè cầm chắc tôi sẽ thực hiện. Cứ xem như dấu chấm hết của cuộc đời. Tôi tìm đến ông, muốn sám hối lần sau cùng, ông kiên nhẫn ngồi nghe tôi kể chuyện... Những tưởng ông sẽ khuyên dạy nhiều về chuyện của tôi, nhưng ông chỉ im lặng. Đến khi đã trút hết nỗi lòng, chào ông để ra về, ông mới nói: Tôi muốn nhờ anh một việc, ngày mai lúc 8 giờ xin hãy đến đây giúp tôi. Tưởng ông nhờ chuyện gì, ông đưa tôi đi thăm bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Ông xin tôi hãy chia sẻ cùng những người sắp chết bằng những lời khuyên hãy can đảm đối diện với sự thật, vì họ có muốn sống cũng không còn cơ hội nữa. Thật mỉa mai, người sắp chết thì muốn được sống, và người đang sống khỏe mạnh thì muốn chết, thế là tôi từ bỏ ý nghĩ đen tối. Con xin cám ơn cha đã dạy cho con biết sự sống quý giá đến chừng nào.
Cách giáo dục của ông linh mục làm tôi thấy xấu hổ với chính mình, tôi không phạm tội giết người vì tước đoạt mạng sống của ai dù là kẻ thù. Tôi mang ơn ông linh mục bằng tất cả tâm trí mình. Và từ đó tôi xem ông như người cha đáng kính, cho tôi nương tựa mỗi khi tôi vấp ngã. Ngồi gõ những giòng này như hồi tưởng quảng đời buồn nhiều hơn vui của đứa trẻ mồ côi, sinh trong chiến tranh trưởng thành trong lao lý. Ai đó nói lắm ân nhân thì nhiều phiền lụy, tôi cho rằng điều đó có thể đúng, bởi oán thì trả dễ nhưng ân muốn đền chắc phải hẹn kiếp lai sinh.
 
Nguồn:  http://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/ngay-tro-lai.html#more

Bình luận
Anh viễn thám, không phải là người lính VNCH và người lính Mỹ đã che chở cho Em (Nguoiduatin) và các Em mồ côi khác.Tin tưởng rằng 2 quí vị ấy ở bất cứ nơi nào và các cựu quân nhân VNCH - Mỹ rất vui khi biết Em là người tử tế và mãn nguyện khi Em đang thương mình thương đời.
Sáu điều tâm niệm của người lính Việt Nam Cộng Hòa (Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.)
Chân thật, trải lòng với những tâm tư mà người đọc phải thổn thức vì những dòng chữ đang chảy ra từ con tim rỉ máu. Điểm A plus cho ngươiduatin.
Những hình ảnh đau khổ của người dân oan, của các nhà tranh đấu bị bắt bớ đánh đập và bị bỏ tù, của những bloggers cặm cụi ngày đêm viết bài không biết mệt mỏi, của những người Việt lớn tuổi trong và ngoài nước có lòng với dân tộc, đất nước phải tìm tòi học cách vào mạng, vượt tường lửa, học gõ bàn phím, của những còm sĩ "tả xung hữu đột", "chiến đấu đến cùng không khoan nhượng kẻ địch" trên DLB, ấn tượng nhất là của nguoiduatin đó là động cơ khiến cho "tôi không thể ngồi yên", lòng nóng như lửa đốt để cùng góp một bàn tay xoa dịu những nổi dau khổ mà dân tôi đã chịu từ bấy lâu, bằng những hành động cụ thể đấu tranh "một mất một còn" với bè lũ csvn làm tay sai cho tàu cộng để "cứu lấy dân tôi".

Đúng là cuộc đời ba chìm bảy nổi.
Nhưng nguoiduatin hé lộ thông tin nhiều quá, cẩn thận coi chừng tụi chó lần ra anh.
Gởi anh mấy tấm hình gợi cho anh nhớ kỷ niệm Mậu Thân, cứ coi như đó chính là ân nhân. Đó cũng chính là hình ảnh của những người lính xả mạng vì dân lành, khác xa hình ảnh đám cuồng sát sẵn sàng xối đạn đại liên vô dòng người tản cư lánh nạn. Xin Ơn Trên phò hộ cho anh.


Lý Quang Diệu và Phạm Văn Đồng


Lý Quang Diệu và Phạm Văn Đồng

Thế là ông Lý Quang Diệu đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 91. Đã có rất nhiều bài báo viết về cuộc đời và sự nghiệp to lớn của ông, những gì chúng ta viết có nguy cơ cao bị rơi vào sự thừa thải. Nhưng viết về ông dựa trên cái nhìn của VN thì chắc không thừa. Ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng Singapore khoảng 31 năm. Ông Phạm Văn Đồng cũng làm thủ tướng [một phần và sau này toàn phần VN] được 32 năm. Nhưng hai người để lại những di sản rất khác nhau.



Ông Lý đúng là một kiến quốc sư thật sự. Ông “hoán chuyển” một làng chài chỉ độ 100 dân nghèo khó và không có tài nguyên thành một quốc đảo giàu có, một trung tâm thương mại và trung chuyển quốc tế. Ông cầm lái “con thuyền Singapore” đi từ nghèo đói đến thịnh vượng, sang chế độ dân chủ [dù chỉ nửa vời], đến toàn cầu hoá. Ông không bao giờ tự xưng là "cha gia dân tộc", nhưng người dân Singapore xem ông như là một cha đẻ của Singapore hiện đại. Ông ra đi và để lại một Singapore đầy tự tin, xán lạn. Trên trường quốc tế, ông được hầu như tất cả các lãnh tụ quốc gia xem như là một “statesman” – chính khách. Người ta ca ngợi ông là người có viễn kiến sáng suốt, về tính quyết đoán, về cách nói trực tiếp và trong sáng, về trí thông minh, và tính dí dỏm của một người có học. Ông còn để lại những câu phát ngôn trứ danh, những phát ngôn mà thế giới sẽ còn nghiền ngẫm trong tương lai.


Ông Phạm Văn Đồng sau hơn 30 năm làm thủ tướng và khi ra đi chẳng để lại một di sản gì đáng để xưng tụng. Suốt 30 năm làm thủ tướng hình như ông chẳng có dấu ấn gì đáng nói. Nước VN do ông lãnh đạo từ nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói. Ông để lại cái văn bản ngoại giao đầy tai tiếng và có thể nói là sẽ làm nhơ danh ông rất rất lâu. Ông chỉ được tiếng là người trong sạch và giản dị. Nhưng ông chẳng có những phát ngôn gì để có thể xem là "wisdom".

Về qui mô, nói cho cùng, tôi nghĩ ông Lý là người chỉ tương đương với vai trò của một thị trưởng mà thôi. Nên nhớ rằng trong quá khứ, ông Lý Quang Diệu từng bị báo chí Nhà nước Việt Nam chửi như tát nước. Ông được cho đội đủ thứ “nón”: nào là tay sai đế quốc, là chống cộng, là chống nhân dân Việt Nam. Thế nhưng đùng một cái, Việt Nam “mặn nồng” với ông Lý Quang Diệu. Ông Võ Văn Kiệt từng mời ông Diệu làm cố vấn và cộng tác. Nhưng ông Lý từ chối, và nói rằng nếu không có Mĩ gật đầu thì VN vô phương phát triển. Ông Lý nói rằng Mĩ là chìa khoá, Mĩ là động cơ để phát triển. Ngay cả Tàu cũng phải ôm lấy Mĩ mà phát triển, thì VN không nên xem thường Mĩ.

Mà, ông cho ý kiến rất thành thật. Có thể nói ông Lý là một "fan" của Việt Nam, nhưng không phải là fan của giới lãnh đạo VN. Ông Lý khen người Việt Nam thông minh, học hành giỏi, và khi ra nước ngoài thường thành công. Ông tiếc nuối rằng đáng lẽ VN phải là số 1 của Đông Nam Á, hay thậm chí hàng đầu của Á châu, vì VN có đủ điều kiện từ địa dư, tài nguyên đến con người để trở thành một cường quốc.

Thế nhưng ông tiếc cho VN, và ông chê lãnh đạo VN. Khi được hỏi ý kiến, ông khuyên là cải cách kinh tế cần phải đi đôi với cải cách chính trị, nhưng giới lãnh đạo VN không chịu nghe. Ông nói rằng giới lãnh đạo VN không thể khá lên được vì họ bị "giam tù" bởi vòng kim cô ý thức hệ cộng sản. Theo ông, giới lãnh đạo VN không có khả năng đổi mới bản thân họ, không có khả năng đổi mới tư duy chính trị kịp thời đại, và do đó họ làm trì trệ sự phát triển của đất nước, họ kéo đất nước họ xuống hàng lạc hậu và nghèo đói. Tôi nghĩ nếu tôi là lãnh đạo của VN, tôi cảm thấy nhục khi nghe ý kiến như thế của một ông chỉ xứng tầm thị trưởng. Nhưng vấn đề là ông nói đúng.

Nhưng cũng phải nói thẳng là cái xã hội mà ông Lý kiến tạo chưa hẳn là “tối ưu” đâu. Nên nhớ rằng có thời ông ấy theo đuổi chủ nghĩa ưu sinh, khuyến khích người có bằng đại học lấy nhau. Ông hạn chế tự do báo chí và tự do ngôn luận. Ông tạo ra một “Anh Cả” (big brother) quan sát mọi hành vi của công dân. Ông can thiệp thô bạo vào đời sống riêng tư của người dân. Bởi thế, có lần một nhà báo hỏi tôi là đại học Việt Nam nên học đại học Singapore, tôi trả lời là không, bởi vì theo tôi biết qua vài trường hợp thì các đại học Singapore không có tự do học thuật như ở phương Tây. Nghe nói cái mô hình cai trị của ông Lý được giới lãnh đạo Tàu rất thích, và như thế thì cũng đủ để chúng ta cẩn thận với "mô hình Singapore".

Nhưng có một điểm sáng của Singapore mà tôi thích, đó là phi ý thức hệ. Nói về ý thức hệ, ông Lý cho biết Singapore là một quốc gia phi ý thức hệ (ideology-free). Nếu có thì ông gọi đó là "Ý thức hệ Singapore", thấy cái gì tốt và có lợi cho quốc gia dân tộc thì làm, chứ không bị trói buộc vào bất cứ một ý thức hệ nào cả. Ông nói thêm rằng nếu nó [ý thức hệ Singapore] có hiệu quả, thì chúng ta hãy thử nghiệm nó xem sao. Nếu nó tốt thì chúng ta tiếp tục. Nếu nó không có hiệu quả thì chúng ta quẳng nó đi và thử cái khác. Một "triết lí" thực dụng và đơn giản thế mà tại sao những người đang lèo lái con thuyền VN không nhận ra. Tại sao phải bám theo một chủ nghĩa đã lỗi thời và hết sức sống.

(Theo blog Nguyễn Văn Tuấn)

Nguồn:  http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=33322

Nhận diện đao phủ bức tử Việt Nam


Nhận diện đao phủ bức tử Việt Nam


“Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ.”-Albert Camus

TQ tuyên bố chủ quyền ở VN


Hiện vẫn còn một nước tên là Việt Nam nhưng cái tên chưa đủ để minh chứng rằng nước chưa mất. Việt Nam bây giờ cũng như một cây cổ thụ ngàn năm tuổi đang bị lưỡi cưa máy đốn hạ, lá trên cây dù chưa rụng hết nhưng dưới gốc thì thân gỗ đã bị xẻ làm muôn mảnh đem bán để ghép thành cái tràng kỷ kê chỗ ngồi cho nhiều nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đám người này đã sốt sắng dâng lên đám đầu lĩnh Trung Quốc bữa đại tiệc với món chính là máu thịt của đất nước Việt Nam.


Chi tiết quan trọng nhất khiến người ta nghi ngờ rằng VN đã mất chủ quyền lãnh thổ vào tay TQ đã thể hiện trong một sự kiện chấn động khiến thế giới sửng sốt và bất bình nhưng nhà cầm quyền VN thì im lặng chấp nhận.


Tại cuộc họp báo ngày 8/3/2015, ông Vương Nghị - Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố với thế giới rằng việc TQ xây các đảo đá trên biển Đông là xây trên sân nhà của họ và chỉ trích kịch liệt những ai phản đối hành vi này của TQ. Và cái phần mà TQ khẳng định là „sân nhà“ ấy, lại đang là lãnh hải của VN có lịch sử từ lâu đời và đã được công ước quốc tế đương nhiên thừa nhận.


Tuyên bố trên của TQ gây bàng hoàng và phẫn nộ cho những người công tâm và am hiểu lịch sử vấn đề. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia khi trả lời phỏng vấn của RFI đã không che giấu sự bất bình: “Tôi vô cùng kinh ngạc khi đọc thấy ý kiến của Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra vài hôm trước ngày kỷ niệm 27 năm cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc vào tàu hậu cần Việt Nam ở khu vực quan Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) ngày 14/3/1988. Nhận xét của ông Vương Nghị vừa thô bạo, vừa ngạo mạn.”


Dù liên tục lấn chiếm VN từ biên giới đến biển đảo, nhưng đây là lần đầu tiên TQ dám ngang ngược tuyên bố biển Đông là sân nhà. Việc TQ xây dựng những chuỗi đảo nhân tạo trên lãnh hải VN rõ ràng là hành động xâm lược, là bàn đạp để TQ thôn tính VN.


Trước sự xâm lược trắng trợn đó, trách nhiệm tối thiểu của nhà cầm quyền VN là phải lập tức phản đối mạnh mẽ trước hết trên lĩnh lực ngoại giao, đồng thời vận dụng các lực lượng quân sự, chính trị , sức mạnh quốc tế để buộc TQ trả lại chủ quyền lãnh thổ.


Nhưng sự ngược đời đã xảy ra. Sau tuyên bố của Vương Nghị, đến tận hôm nay VN vẫn không lên tiếng phản đối. Càng lạ lùng hơn là cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao VN dự định tổ chức vào ngày 12/ 3/2015, ba ngày sau tuyên bố của TQ lại bị xóa bỏ.


Lộ trình đao phủ bức tử VN


Trước sự im lặng chấp nhận của VN, TQ đã nuốt trọn phần còn lại của con mồi. Phần đầu đã được tiêu hóa xong từ những năm trước đây, khi những nhà cầm quyền VN từ cấp địa phương tới Trung ương đã hăm hở giao đất rừng dọc biên giới mà hầu hết là những vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng cho TQ thuê và quản lý tới 50 năm theo phương thức người TQ tha hồ tung tác trong đó.


Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết trên báo Đất Việt ngày 18/6/2014 : Qua khảo sát ở một số nơi, đã thấy có 19 dự án được các địa phương cấp phép cho thuê tới khoảng 398.374 ha đất rừng dọc biên giới Việt - Trung, đặc biệt là những vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. (Trong khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ báo là 10 tỉnh).


Mức giá mà VN cho TQ thuê đất rừng biên giới rẻ mạt đến mức không tưởng tượng nổi: nhiều nơi TQ chỉ phải trả 2,75 đ cho mỗi mét vuông đất mỗi năm! (Theo đại biểu QH Trần Việt Hưng(Hòa Bình) – báo Thanh niên đưa tin ngày 12/6/2010)


Nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng thực sự các cấp chính quyền đã bán rừng và dồn đất nước VN vào tình trạng tự sát, khiến VN mất đi vùng lãnh thổ quan trọng nhất về quốc phòng an ninh.


Mặc dù vậy, cho đến nay không một ai phải chịu trách nhiệm về những hành vi có thể coi là bán nước và phản quốc này.


Cùng trên lộ trình các cấp chính quyền VN để ngỏ cửa cho những kẻ xâm lược VN, họ còn tạo điều kiện đặc biệt dễ dàng cho người TQ vào kinh doanh, sản xuất, trốn thuế, thuê đất trồng lúa, rau quả, thuê mặt nước nuôi tôm cá... lập những đặc khu TQ như ở Vũng Áng – Hà Tĩnh và nhiều nơi. Song song với những chính sách về chính trị, ngoại giao và quốc phòng, an ninh, những chính sách về kinh tế thương mại đã giết chết nền sản xuất của VN và biến VN thành thị trường tiêu thụ hàng rởm và hàng độc hại của TQ. Không những nền kinh tế chính trị và văn hóa của VN bị bức tử mà cả VN đang bị biến thành một bệnh viện khổng lồ trong đó chen chúc những người dân đang chết dần mòn vì hóa chất độc hại của TQ.


Trong tình thế ấy, thay vì bảo vệ đất nước và nhân dân, nhà cầm quyền VN đã liên tục dùng mọi lực lượng từ văn hóa tư tưởng, báo chí truyền thông tới công an và côn đồ để ngăn chặn, vu cáo, mạt sát, khủng bố, đánh đập, bỏ tù, bao vây về kinh tế, cắt cả nguồn sống của những ai dám bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ tự do dân chủ và phản đối TQ xâm lược. Đến các cuộc dâng hương tưởng niệm những người đã hy sinh trong những cuộc chiến bảo vệ đất nước chống TQ tàn sát cũng bị nhà cầm quyền cho các lực lượng công an, dân phòng, dư luận viên và côn đồ ngăn cản.


Với những hành động có hệ thống, nhất quán trong nhiều năm như vậy, dư luận có quyền nhận định rằng nhà cầm quyền VN đã có quyền lợi chung với đám đao phủ TQ đang bức tử đất nước VN.


Để dẹp tan dư luận, Bộ trưởng quốc phòng VN – lại có những hành động bất chấp sự thật, trách nhiệm và và lương tâm khi khẳng định rằng “quan hệ Việt Trung vẫn phát triển tốt đẹp” và coi việc xâm lược của TQ chỉ là “mâu thuẫn gia đình”. Hơn thế nữa, Ngày 31/12/2014, vị này còn lớn tiếng răn đe và kết tội rằng người VN ghét TQ là một việc nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước cũng như quan hệ giữa hai quốc gia. (theo tinphapluat.com)


Dù không muốn thừa nhận sự thật đau lòng, người VN cũng không thể không nhận thấy dù cái tên VN còn đó, nhưng hồn nước thì đã bị nhiều nhà cầm quyền cộng sản làm tay sai cho TQ giẫm đạp mỗi ngày. Tung hoành trên mảnh đất này là dòng máu phản trắc đớn hèn đã được tiêm vào động mạch của vô số nhân vật trong các bộ máy quyền lực. Đó thực sự là đám tay sai của TQ, núp dưới chiêu bài Đảng cộng sản VN, lấy chủ nghĩa Mác Lê nin và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa mà nhân loại đã lên án là tội ác chống lại loài người làm bức màn sắt che cho những tham vọng, quyền lợi nhóm, để chĩa họng súng độc tài vào người dân, biến VN thành một “nhà tù” khổng lồ đàn áp bất cứ ai dám phê phán, ngăn cản con đường bán nước của chúng.


Người VN trong tình thế đó, là những con gà bị trói chặt, dao đã kề cổ. Ai cam tâm im lặng, chịu đi nhặt cơm thừa canh cặn, tung hô khen ngợi đám tay sai bán nước, tiếp tay cho bọn xâm lược, hoặc tiếp tục vắt kiệt máu mỡ mình nuôi bộ máy cầm quyền phè phỡn trên xương máu nhân dân thì sẽ được tồn tại.


Nhưng thế có phải là cuộc sống con người?


Người VN đã tê dại. Đã lạc mất linh hồn, Đến mức số đông đã mặc kệ mọi sự, cam chịu dao kề cổ và trong khi đang kê chiếc cổ gầy dưới lưỡi dao đao phủ , người VN cũng tương tự nhà cầm quyền của họ, chỉ dám mơ tới một con dao đao phủ cùn hơn để cứa cổ mình lâu chết hơn, chứ không dám mơ tới việc phải làm gì để thoát khỏi lưỡi dao ấy. Không ít người do không am hiểu tình hình nên đã trở thành độc ác, đứng về phía đao phủ bức tử VN, a dua mạt sát những dân oan hoặc những đồng bào đã không quản nguy hiểm đấu tranh cho quyền lợi của đất nước và cho cả chính họ.


Mất nước là bởi nhà cầm quyền VN



Vùng đảo Gạc Ma nhìn từ trên cao, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.


TQ thực sự rất ngang ngược, tham lam và đã dùng nhiều thủ đoạn đối với loài người trên thế giới này. Không ngẫu nhiên khi có nhiều tài liệu khoa học thống kê, phân tích về những thủ đoạn thâm hiểm, tàn bạo của nhà cầm quyền cộng sản TQ và một trong những cuốn sách rất nổi tiếng đã được xuất bản mang tên “Chết bởi tay Trung Quốc” của hai giáo sư kinh tế học Perto Navarro và Greg Autr đã cảnh báo loài người về những tham vọng và hiểm họa mà TQ mang tới để các nước đối phó.


VN “đã chết bởi tay TQ”! Nhưng khốn khổ khốn nạn ở đây là cái chết do VN tự chuốc lấy. Chết chỉ vì nhà cầm quyền cộng sản đã bằng mọi giá, thà hy sinh lãnh thổ, danh dự, đất nước, nhân dân chứ không chịu mất Đảng, mất thể chế cộng sản.


Họ yêu Đảng, yêu Mác Lê nin, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đến thế kia ư?


Hoàn toàn không. Ở trong bộ máy, họ biết quá nhiều hành vi bỉ ổi độc ác của nhau và của thứ chủ nghĩa này. Họ gắn bó chẳng qua thể chế ấy, chủ nghĩa ấy là một cỗ xe bọc thép mang vũ khí hạng nặng bảo vệ hữu hiệu nhất cho băng cướp tham nhũng tha hồ lừa bịp và cướp bóc người dân. Thế giới đã chứng minh cỗ xe cộng sản càng lăn đi càng chất chồng tội ác. Sự sợ hãi bị mất tất cả đã khiến nhà cầm quyền gắn với thể chế cộng sản như mạng sống. Họ đã lựa chọn con đường hy sinh đất nước và nhân dân để giữ chế độ độc tài nhằm bảo vệ cho giai cấp thống trị tha hồ cướp bóc.


Đó cũng là điều mà TQ đã rất khôn ngoan tận dụng để thao túng đám cướp bóc này. Đám này còn rất sốt sắng thực hiện mưu đồ nhập VN vào TQ trong năm 2020 theo như cam kết của Hội nghị Thành Đô 1990. Tham vọng vĩ cuồng mang hơi hướng Mao Trạch Đông của Tập Cận Bình cộng với và sự nôn nóng muốn rảnh tay nên giao đất sớm cho TQ của đám bán nước VN, nay đã về đích trước 5 năm so với kế hoạch?!


Albert Camus nói: “Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ”. Khi nhà cầm quyền hoặc người VN đứng về phía đao phủ , thì chính họ đang hái quả trên ngọn cây nhưng lại dùng lưỡi cưa xẻ nát thân cây đã dung dưỡng họ.


Xét những động thái khác thường qua tuyên bố của TQ và sự im lặng chấp nhận của VN, dư luận không thể không nhận ra VN đã nằm gọn trong cái mõm tham lam của TQ. Cánh tay của nước Mỹ dù mạnh nhưng đã bị khước từ bởi chính nhà cầm quyền VN không những chỉ đứng về phía đao phủ mà còn là tay trong cho đao phủ. Nước Mỹ và khối các nước văn minh hiện giờ chỉ còn chứng kiến những cú đong đưa cầu lợi của VN đang được điều khiển bởi đầu não TQ mà thôi.


Nhưng chính TQ cũng đang phải đối diện với nguy cơ sụp đổ trong tương lai gần bởi chính những khối ung thư nội bộ của họ. Sự phát triển nôn nóng bất chấp danh dự và thủ đoạn của nền kinh tế TQ đương nhiên sẽ mau chóng phá vỡ cái vỏ chật chội lạc hậu của thể chế chính trị phi tự nhiên theo ý thức hệ cộng sản đã bị loài người tẩy chay. Việc cộng dồn những tội ác chống lại loài người mà nhiều thế hệ nhà cầm quyền TQ đã làm với người dân của họ và thế giới cũng sẽ đến ngày “tức nước vỡ bờ”, chưa kể những chấn động mạnh mẽ của cuộc tranh giành quyền lực phe nhóm đang diễn ra dưới vỏ bọc “đả hổ diệt ruồi” tại TQ.


Sự sụp đổ ấy đương nhiên sẽ kéo theo sự tan vỡ bi thảm trong một ngày không xa của thể chế cộng sản VN đã tự nguyện nộp mình vào tay TQ thay vì thức thời đón nhận những cơ hội của Cách mạng Nhung VN, tự cải cách thể chế, đồng hành với quyền lợi của toàn dân tộc.


Và dẫu nước VN có mất về tay TQ, những người gắng gỏi vì đất nước và người dân VN không tuyệt vọng. Cuộc đấu tranh đòi thoát khỏi thể chế cộng sản để cứu nước, đem lai toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, tự do và nhân quyền cho người VN dù khó khăn nhưng là một cuộc chạy tiếp sức của các thế hệ. Nhà cầm quyền không bao giờ có thể tiêu diệt hết được những người yêu nước yêu công lý và yêu tự do.


Nhà văn Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội


(Blog RFA)

Chưa đọc hôm qua, 08:32 PM
Tướng 1 sao


Default Việt - Gian bán nước

Những tên bán nước , hãy cố gắng sống đến 100 năm hay hơn nữa đi . Để nhìn thấy những kết quả của chúng bây ,đã bán nước Việt cho Tàu phù ,và nhìn thấy từng đám chệt đã và đang vào chiếm, và làm chủ trên đất nước Việt -Nam
Ngàn năm sau công trạng của chúng mầy sẽ được dân Việt nhắc nhỡ hoài
Để tiếng thơm -nhân loại sùng bái

Để tiếng thúi -đời sau sẽ phỉ nhổ vào một bia của chúng mầy
Con cháu của chúng mầy , sẽ hảnh diện ,về chuyện của cha ông của chúng nó làm
Chúng sẽ nói cho người đời , Cha tao bán nước Việt cho Tàu

Chúng sẽ rất hảnh diện
__________________
Ngày xưa ! Làm vua cha truyền con nối
Ngày nay ! CS ăn cướp cha truyền con nối 
 
Nguồn:  http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=33314

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Giới trẻ nghĩ gì về hiệp định Geneve 1954 và hiệp định Paris 1973

Giới trẻ nghĩ gì về hiệp định Geneve 1954 và hiệp định Paris 1973

Chân Như, phóng viên RFA
2015-03-25

geneva1954-305.jpg
Ông Tạ Quang Bửu, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại buổi ký Hiệp định Genève 1954.
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai? Đó chính là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến quý vị và các bạn cho đến hết ngày 30/4/ 2015.
Và trong kỳ này mời quý vị cùng đến với những suy nghĩa của giới trẻ về các hiệp định geneve 1954 và paris 1873. Cùng với 3 bạn khách mời, Minh Hiển, Trường Sơn và Katherine Lê.

Được học những gì?

Chân Như: Khi còn đi học, các bạn được dạy những gì về Hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973? Các bạn thấy những gì được dạy đã thực sự đầy đủ hay chưa?
Katherine Lê: Ngày xưa em di học, có được học về hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973. Hiệp định Geneve em được nghe giáo viên nói là do các "thế lực thù địch" chú tâm gây chia rẽ như Mỹ, Anh, Liên xô và Trung quốc Theo quan điểm của họ, họ đều nói là không nên có hiệp định Geneve 1954 và những gì mà các học sinh học dưới mái trường XHCN về 2 hiệp định này là không đầy đủ.
Trường Sơn: Khi còn học trung học thì hai hiệp định này em được dạy nó như là thành quả của cuộc đấu tranh của ĐCSVN và nhân dân VN. Hiệp định Geneve 1954 là thành quả của ĐCSVN khi đã đánh bại thực dân Pháp ở trận Điện Biên Phủ và buộc người Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán. Và hiệp định paris 1973 họ cũng dùng cái mô típ giống như vậy đó là cuộc chiến mà họ gọi là Điện Biên Phủ trên không; Có nghĩa là khi người Mỹ dùng oanh tạc cơ đánh bom miền Bắc sau khi bị quân phía Bắc đánh bại buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Hai cái này là thành quả đấu tranh kiên cường của quân và dân miền Bắc em được dạy là như vậy.
Minh Hiển: Không chỉ riêng chương trình phổ thông mà ngay cả những thông tin được gọi là chính thống về các sự kiện này ở trong nước thì hiện nay vẫn không đầy đủ, thường chỉ mang tính một chiều từ những người thắng cuộc. Vì thế, những ý mà bạn Catherine và bạn Sơn đã nói rồi nên em không nhắc lại nữa em chỉ nói đến một điều: có rất nhiều yếu tố mà các thông tin chính thống không được nhắc đến ví dụ như các hiệp định Geneve nó có thực sự hứa hẹn một tương lai thống nhất đất nước Việt Nam hay không? Hay là Việt Nam chỉ là một con bài trong kế hoạch nhuộm đỏ từng phần của quốc tế CS? Hoặc là quan điểm của phía quốc gia Việt Nam như thế nào? Đấy là những vấn đề mà những chương trình chính thống không hề nhắc đến vì vậy thường các bài học lịch sử thường mất đi tính khách quan mà lẽ ra phải có.
Chân Như: Có một chi tiết khá thú vị thế này: đại diện của Quốc gia Việt Nam đã không ký vào Hiệp định Geneve năm 1954. Theo các bạn, tại sao lại có chuyện như vậy?
Trường Sơn: Theo em tìm hiểu thì em biết được chi tiết đó: đại diện của quốc gia Việt Nam đã không ký vào hiệp định Geneve 1954. Em biết rằng trước khi trận Điện Biên Phủ giữa Pháp và Việt minh xảy ra thì ở Việt Nam đã được lập lên thành một chính phủ tên là Quốc Gia Việt Nam và ban đầu đứng đầu là vua Bảo Đại và sau đó được trao lại cho ông Ngô Đình Diệm. Khi đại diện quốc gia Việt Nam đến với hội nghị Geneve 1954 thực sự không được công nhận là một bên đàm phán bởi vì trong tay họ không có thực quyền về chủ quyền cũng như về sức mạnh quân sự kinh tế. Thế nhưng nguyên nhân chính mà em được biết lý do tại sao họ không ký vào hiệp định này đó là một điều khoản khiến cho đất nước Việt Nam bị chia cắt, đó là họ sử dụng sông Bến Hải vĩ tuyến 17 để chia cắt hai vùng Nam Bắc và từ đó người dân cũng như quân cũng như những người theo hai phía này sẽ phải đi về theo phía bên mình. Có một chi tiết là đại diện của quốc gia Việt Nam đã khóc tại hội nghị này vì ông cho rằng từ đây nước Việt sẽ rơi vào một cảnh bi thảm và lịch sử đã chứng minh rằng điều lo lắng của ông là sự thật.
000_ARP1957346-305.jpg
Ông Nguyễn Duy Trinh (giữa), đại diện Bắc Việt Nam, ký thỏa thuận ngừng bắn cuộc chiến Việt Nam, ảnh chụp ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris.
Minh Hiển: Hiệp định Geneve gồm 2 phần một là đình chỉ chiến sự trong đấy có đề khoản chia hai miền theo vĩ tuyến 17; Phần 2 là bản tuyên bố cuối cùng về lập lại hoà bình ở Đông Dương trong đấy có đề cập đến giải pháp chính trị tổng tuyển cử để thống nhất đất nước thì phía quốc gia Việt Nam đã từ chối ký hiệp định này có thể hiểu theo lập trường ban đầu của phái đoàn quốc gia Việt Nam là đòi hỏi sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Rất có thể phiá quốc gia Việt Nam họ nhận thức rất rõ những kế hoạch nhuộm đỏ từng phần của quốc tế CS và họ phản đối việc chia cắt đất nước đấy. Nhưng cũng cần nên hiểu vì nếu chấp nhận hiệp định này thì phiá quốc gia Việt Nam họ sẽ gặp một cái rất là bất lợi so với phiá Bắc Việt, bởi vì sau trận Điện Biên Phủ thì uy thế của quân đội Việt Minh đang lên rất cao, miền Bắc đang sôi sục về tinh thần dành độc lập dân tộc từ tay thực dân Pháp. Hơn nữa, trên thực tế, dân Miền Nam ít hơn Miền Bắc- lúc đấy chừng 2 triệu người bao gồm cả dân miền Bắc di tản vô Nam. Đây cũng là yếu tố bất lợi mà phía quốc gia Việt Nam không thể không tính đến. Vì thế có những lý do đấy mà phía quốc gia Việt Nam đã không đồng ý với hiệp định Geneve năm 1954.

Vi phạm hay tuân thủ?

Chân Như: Liên quan đến Việt Nam, mục đích đầu tiên của các bản hiệp định này là nhằm kiến tạo một nền hòa bình lâu dài. Các bạn có nhận xét gì về việc thực thi các bản hiệp định của các bên? Họ vi phạm hay tuân thủ? Vi phạm hay tuân thủ như thế nào?
Katherine Lê: Hiệp định Geneve quy định là các bên phải rút hết quân đội về, như là phe cộng sản tập trung về Bắc và quân đội Pháp được trao trả về miền Nam. Tuy nhiên, lúc đó phe cộng sản Bắc Việt đã lợi dụng cơ hội hàng chục ngàn đảng viên chưa bị lộ danh sách đã lén cho họ nằm vùng trong Nam và chôn cất rất nhiều vũ khí. Trong số những người nằm vùng đó có Lê Duẩn, người sau năm 1975 làm tổng bí thư CSVN. Việc họ làm là đã vi phạm trắng trợn hiệp định Geneve. Còn về hiệp định Paris 1973 thì khi đó đã thỏa thuận là Mỹ và đồng minh rút quân về hết và trao quyền tự quyết cho Việt Nam thông qua bầu cử chứ không dùng vũ trang; vậy mà khi Mỹ và đồng mình vừa rút hết thì phe cộng sản bắc việt đã vâng lệnh quan thầy Nga, Tàu xé bỏ hiệp định và xua quân đánh chiếm miền Nam. Đây là điều mà dưới các trường học hiện nay học sinh không được học và biết điều này. Thắng lợi của phe cộng sản miền Bắc khi đó đang ở thế mạnh được Nga, Tàu và Đông Âu viện trợ vũ khí và quân trang tối đa trong khi miền Nam đã hoàn toàn bị cắt giảm viện trợ, cạn kiệt và không còn khả năng chiến đấu.
Minh Hiển: Em chỉ nói chung chung về vấn đề này thôi. Như đã nói ở trên người dân Việt Nam chưa khi nào tự quyết một cách độc lập về số phận của mình mà luôn nằm trong sự toan tính của các nước lớn. Vì vậy,một tinh thần thống nhất dựa trên lợi ích dân tộc và nhân dân là điều rất khó mà đạt được ngoài ra cộng với sự thiếu vắng những chế tài mà đủ khả năng kiểm soát các việc thực thi hiệp định khiến cho các bên cho dù họ đã ký vào các hiệp ước đấy rồi nhưng sau này họ vẫn luôn tìm cách thực hiện theo cách có lợi nhất cho mình hoặc ngấm ngầm vi phạm các hiệp định đấy.
Trường Sơn: Đánh giá cá nhân của em thông qua những tài liệu em đọc được thì cách ứng xử của các bên của bản hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973 cho em có một nhận xét rằng cả hai bên đều có những sự tuân thủ cũng như vi phạm nhất định từ phía mình. Cụ thể hơn bản hiệp định Geneve 1954 như chị Catherine đã nói rằng chính quyền Việt Minh phía Bắc đã vi phạm hiệp định này khi họ đã không rút hết người của mình về phiá Bắc. Trong bản hiệp định 54 em nói thêm là chính sự không tuân thủ của phiá Bắc đã khiến cho sự thực hiện bản hiệp định không được đảm bảo khi mà lực lượng của phía Bắc còn lại ở miền Nam còn quá lớn và chính lực lượng này về sau đã gây sự rối loạn ở trong xã hội miền Nam. Còn hiệp định Paris 1973 trước tiên miền Nam Việt Nam là VNCH là phiá tỏ ra tích cực hơn về mặt tuân thủ thế nhưng họ cũng có những động thái không tuân thủ đó là trong hiệp định paris 1973 cũng nêu rõ là hai bên phải ngừng bắn thế nhưng ở trong phiá VNCH cũng đã có những chiến dịch cụ thể để nổ súng bắn nhau. Chuyện này là có thật. Tuy nhiên, trong hiệp định paris 1973 thì một lần nữa phía Bắc là phía vi phạm trắng trợn hơn khi đã công khai xua quân để thâu tóm miền Nam chứ không chịu thực hiện theo như cam kết hiệp định paris 1973 đó là thống nhất trong hoà bình.
Chân Như: Theo các bạn, ứng xử của các bên đối với các bản hiệp định, đặc biệt là HĐ Paris năm 1973 đã ảnh hưởng thế nào tới kết quả của cuộc Chiến tranh Việt Nam năm 1975?
Katherine Lê: Bản hiệp định hòa bình Paris tuy là chấm dứt chiến tranh Việt Nam nhưng trên thực tế là văn bản khai tử VNCH vì lúc đó tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu không muốn ký vào bản hiệp định vì ổng hiểu rằng cộng sản sẽ không tôn trọng hiệp ước và có lẽ số phận của miền Nam đã được định đoạt từ hiệp định paris 1973 đó; Dựa vào đó Hoa kỳ gây sức ép buộc VNCH phải ký hiệp định để có lý do chính đáng tháo chạy khỏi miền Nam.
Trường Sơn: Nói rằng Hiệp định Paris 1973 là văn kiện khai tử Việt Nam Cộng Hoà cũng đúng. Thế nhưng nó không phải là văn bản kiên quyết để dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Lịch sử ghi nhận rằng sau năm 1973 thì quân đội Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi miền Nam Việt Nam chỉ còn giữ lại lực lượng cố vấn mà thôi. Tuy nhiên, ở phía Bắc thì vẫn còn rất nhiều những chuyên gia quân sự cũng như là những đồng minh. Bản hiệp định Paris 1973 đã trực tiếp ảnh hưởng tới cục diện cũng như là làm thay đổi lịch sử Việt Nam rất nhiều đặc biệt là năm 1975. Bản hiệp định này đã trói chân trói tay chính quyền VNCH. mình phải sử dụng từ như vậy vì trước đó chính quyền Mỹ cũng đã có những thỏa thuận ngầm với chính quyền TQ là bộ binh Mỹ cũng như bộ binh VNCH sẽ không bao giờ được phép vượt vĩ tuyến 17. Trong khi chúng ta đều biết rằng quân đội miền Bắc Việt Nam tự do xông vào miền Nam, đó là một cái thua thiệt từ trước, thì nay bản hiệp định này lại cắt thêm một phần nữa quan trọng hơn của VNCH là họ bị mất đi đồng minh của mình trong khi phía Bắc vẫn còn nguyên 2 đồng minh to lớn đó là Liên Xô và Trung Quốc. Như vậy sự chênh lệch được thể hiện một cách rất là rõ ràng khi phiá Bắc Việt Nam với đội quân đông đảo hơn và được sự giúp sức của hai cường quốc đã tỏ ra chiếm ưu thế rõ rệt trước phía miền Nam với lúc này là đang tự mình chống chọi và trong khi đó sự viện trợ của Mỹ cũng đang bị cắt giảm một cách dần dần.
Minh Hiển: Theo em thì hiệp định 1973 đã an bài rất rõ số phận của VNCH tức là ảnh hưởng trực tiếp. Theo đánh giá cá nhân em, cho dù có không xảy ra vụ watergate hay tổng thống Nixon tái đắc cử thì ông cũng không thể nào qua mặt được quốc hội Hoa kỳ và đảng dân chủ để hậu thuẫn cho VNCH nữa bởi vì như chúng ta hình dung thì mọi tài trợ của Mỹ dành cho VNCH đều phải thông qua ngân hàng các nhà băng vân vân đều là những thứ công khai và rất dễ dàng kiểm soát. Trong khi đấy miền Bắc Việt Nam thì vẫn luôn luôn nhận được các sự ủng hộ từ Liên Xô và Trung Quốc và sự thực thi nghiêm túc hiệp định Paris năm 1973 là điều rất khó kiểm soát. Cái đấy tạo ra sự mất cân bằng giữa Mỹ và Bắc Việt. Và ngoài ra tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi vì mình hiểu là phong trào phản chiến lại đang rộn lên ở Mỹ và tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi vào cuối năm 1974 thì quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật chấm dứt viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam; đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ hoàn toàn không còn thể làm điều gì để trợ giúp miền Nam Việt Nam khi CS Bắc Việt họ vi phạm vào hiệp ước Paris nữa.
Chân Như: Nếu như thời gian quay ngược trở lại, giả sử các bên đều tuân thủ các Hiệp định, thì các bạn thử hình dung đất nước Việt Nam ngày nay sẽ ra sao?
Katherine Lê: Theo em nghĩ giả sử như lúc đó 2 bên đều tôn trọng hiệp định thì có 2 khả năng xảy ra. Một là nước Việt Nam sẽ thống nhất như nước Đức. Hai là nếu các lãnh đạo miền bắc thời đó còn coi trọng cái ghế quyền lực thì nước Việt Nam sẽ giống như Triều Tiên. Tuy nhiên, theo em thì giả sử như đất nước đến nay mà vẫn còn bị chia đôi thì mình tương lai Việt Nam vẫn sẽ thống nhất như nước Đức chứ phe miền Bắc không thể dùng chiến tranh vũ trang để thống nhất được nữa.
Minh Hiển: Theo em thì để trả lời điều này thì phải cần rất nhiều các điều khác nữa, do vậy xin cho phép em được để ngõ câu trả lời của mình ở câu hỏi này.
Trường Sơn: Đây là một giả thuyết không có thật bởi vì chúng ta đều biết rằng bản hiệp định đã không được tôn trọng và đã bị xé toạc một cách trắng trợn. Nó chỉ là một giả thuyết vui. Theo suy nghĩ cá nhân của em, nếu thực sự hai bên cam kết và tuân thủ hiệp định này thì khả năng lớn nhất đó là nước chúng ta sẽ giống như Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên.
Chân Như: Xin cám ơn ba bạn Katherine Lê, Minh Hiển và Trường Sơn đã dành thời gian chia sẻ cho đề tài này.
  
Câu chuyện về một Hạm trưởng bất đắc dĩ 
https://youtu.be/LwraDqM3Jnc

 Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/the-looks-at-geneve-54-n-paris-73-cn-03252015124842.html

Tất cả các ý kiến của bạn đọc về Giới trẻ nghĩ gì về hiệp định Geneve 1954 và hiệp định Paris 1973

 HO BAC nơi gửi Phap :

Tôi xin khâm phục sự nhận xét của 3 bạn.Nếu đa số các bạn trẻ VN mà có trình độ hiểu biết như các bạn thì đất nước VN của chúng ta đâu có tan tác như bây giờ.
26/03/2015 10:53
    Reply to this comment
Độc giả không muốn nêu tên :
Nếu bạn Chân Như phỏng vấn các nhật vật trẻ tuổi trong chế độ CSVN thì bạn sẽ thất vọng, bạn sẽ không có câu trả lời chuẩn xác. Thế hệ chúng tôi đã già và chứng kiến cuộc chiến trong sự bưng bít thông tin. Hơn nữa bạn lại đặt vấn đề về hai hiệp định Giownevo và hiệp định Pari thì mọi người càng mù tịt không được đọc. Chính vì sự bưng bít thông tin nên tuyên truyền của CSVN càng có đất diễn đối với các tầng lớp người trong chế độ CS. Vậy, câu nói nổi tiếng của ông Thiệu luôn luôn đúng :"Đừng nghe cộng sản nói hãy nhìn cộng sản làm"
26/03/2015 10:40
    Reply to this comment

Tiểu Bảo nơi gửi Bỉ-lệ-thì :
Trời ơi ! Tôi đã đợi cuộc phỏng-vấn nầy gần 40 năm rồi !

Không biết cuộc phỏng-vấn nầy có phải chăng là một tiếng than của dân-tộc Việt-Nam trước khi phải tôn-trọng và thực-thi hiệp-ước Thành-Đô giữa đảng cộng-sản Việt-Nam và đảng cộng-sản Trung-Quốc ?!

Hiệp-ước Thành-Đô  = Giao-kèo giữ (bán) nước : Là một vinh-quang của Hồ Chí Minh và tập-đoàn Việt-Cộng.
Toàn dân Việt-Nam hãy đoàn-kết một lòng để được cộng hưởng sự quang-vinh với đảng và nhà-nước Việt-cộng do hiệp-ước Thành-Đô mang đến.
26/03/2015 06:08
    Reply to this comment

Robert nơi gửi Texas :
Đánh thắng giặc Mỹ để ngày nay hết thằng này đến thằng Việt cọng gộc khác qua Mỹ đòi bú đít Mỹ, xấu hổ quá! Tôi đề nghị sắp tới nếu Nguyễn phú Trọng qua Mỹ kiếm bà Mỹ gia nào cho nó ngửi cho biết mùi!
25/03/2015 18:45
    
 

Trước khi ca ngơi Singapore hãy đọc :" Lý Quang Diệu: Cha đẻ của TQ hiện đại?"



Lý Quang Diệu: Cha đẻ của Trung Quốc hiện đại?

Từ mô hình Singapore, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm ra được đường lối thay thế. Đó là lựa chọn việc kết hợp giữa cải cách và chủ nghĩa độc đoán để hình thành một nước Trung Quốc ngày nay như ai cũng đã đều biết.

[IMG]https://images-blogger-opensocial.googleusercontent.com/gadgets/proxy?url=http%253A%252F%252Fimg.v3.news.zdn.vn%252Fw660%252 FUploaded%2Faolnpvp%2F2015_03_24%2Fzing_ly12.jpg&c ontainer=blogger&gadget=a&rewriteMime=image%2F*[/IMG]
Lý Quang Diệu trong ngày đắc cử thủ tướng Singapore

Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu đã giúp hình thành nên một nước Trung Quốc ngày nay.


Cùng với sự ra đi của Lý Quang Diệu thủ tướng đầu tiên của Singapore và là một trong những nhà chính trị châu Á có tầm ảnh hưởng lớn nhất, các nhà lãnh đạo và báo chí khắp thế giới đã cùng có ý kiến khác nhau về di sản của ông. Với phương Tây, việc phân tích về ảnh hưởng của Lý Quang Diệu khá phức tạp; ví dụ như tờ Bưu Điện Washington, gọi ông là “nhà độc tài được ưa chuộng nhất của thế giới dân chủ.” Nhưng ở Trung Quốc thì lại có những lời tốt đẹp hơn nhiều khi mà mô hình pha trộn giữa sự cai trị độc đoán và cải cách kinh tế của ông Lý đã tạo ra được tầm ảnh hưởng lớn ở đây.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố vào ngày 23 tháng 3 rằng “Trung Quốc bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc với sự ra đi của ông Lý Quang Diệu.” Bản tuyên bố này đã đề cao ông Lý là “một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng đặc biệt ở châu Á và là một nhà chiến lược đã cụ thể hóa các giá trị phương Đông và tầm nhìn quốc tế.”

Với Trung Quốc, sự đề cao này chưa hẳn đã đánh giá đúng tầm quan trọng của ông Lý. Sau cái chết của Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh biết rằng tư tưởng Mao không phải là con đường tiến lên của Trung Quốc, nhưng họ lại không thể dung nạp được các chuẩn mực phương tây về dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Từ mô hình Singapore, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm ra được đường lối thay thế, một đường lối mà họ có thể xem như là phù hợp với đặc thù của các giá trị Á Đông. Đó là lựa chọn việc kết hợp giữa cải cách và chủ nghĩa độc đoán để hình thành một nước Trung Quốc ngày nay như ai cũng đã đều biết.

Di sản Lý Quang Diệu ở Trung Quốc?

Jin Canrong thuộc trường đại học Renmin phát biểu vơi tờ Nhật Báo Trung Quốc rằng đóng góp lớn nhất của Lý Quang Diệu đối với Trung Quốc là “chia sẻ kinh nghiệm cai trị thành công của Singapore.” Trong quyển tiểu sử Đặng Tiểu Bình, Ezra Vogel có viết công cuộc cải cách lớn của Trung Quốc đã được lấy cảm hứng từ tấm gương Singapore. Tập Cận Bình cũng đã từng nói rằng tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc đã được định hình bởi đội ngũ hàng ngàn viên chức Trung Quốc sau một thời gian đến Singapore để học hỏi về mô hình của ông Lý… Bản thân ông Lý cũng đã đến Trung Quốc hơn 30 lần để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông cho đến Tập Cận Bình để đưa ra ý kiến cố vấn.

Có lẽ di sản lớn nhất mà ông Lý để lại cho Trung Quốc không phải đơn giản chỉ là việc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình mà là ý tưởng về việc cải cách và thích nghi là một tiến trình liên tục. Năm 2007, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Thời Báo New York , ông Lý đã tuyên bố "Singapore nắm lấy điều thực tiễn chứ không phải điều lý tưởng:" Cách này có hiệu quả hay không? Nếu có hiệu quả, thì hãy thử thực hiện. Nếu hiệu quả tốt, vậy thì tiếp tục triển khai. Nếu cách đó không có hiệu quả, vậy thì bỏ đi và thử cách khác.” Quan điểm thực tế này đã được phản ánh lại rõ nét trong một câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình “Con mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, quan trọng là con mèo vẫn còn bắt được chuột.”

Việc nắm bắt lấy các thử nghiệm cải cách của ông Lý vẫn còn tồn tại và phát triển ngày nay trong chế độ Tập Cận Bình là việc "cải cách sâu một cách toàn diện ". Đặc biệt, Trung Quốc hi vọng sẽ theo đuổi được điều đã bị tách xa ra khỏi mô hình của ông Lý - Singapore nổi tiếng là một trong những quốc gia ít có nạn tham nhũng nhất trên thế giới, trong khi tham nhũng ở Trung Quốc lại phát triển đến độ các nhà lãnh đạo xem đó là vấn nạn làm nguy hại đến Đảng. Các nhà phân tích luật trả lời phỏng vấn của tờ Nhật báo Wall Street cho hay mô hình Singapore chính là bản thiết kế cho việc cải cách luật ở Trung Quốc ngày nay.

Tuy nhiên, quá trình cải cách của cả ông Lý và Trung Quốc đều bám vào một điều căn bản - ý tưởng về nền dân chủ ( theo định nghĩa của phương Tây) phải tương thích với "các giá trị Á đông." Ông Lý nhận định rằng Trung Quốc sẽ "sụp đổ" nếu như Trung Quốc trở thành một đất nước có nền dân chủ tự do.

Người Trung Gian

Nhận thấy tầm ảnh hưởng của ông Lý với Trung Quốc nên không lấy gì làm lạ khi mà các nhà lãnh đạo phương Tây thường hỏi ý kiến tham khảo ông khi họ muốn thương thảo với Bắc Kinh. Từ Henry Kissinger cho đến Tony Blair đã được ông Lý giúp cho lời khuyên chính trị trong nhiều thập kỷ. Thậm chí gần đây các học giả còn thu thập các ý kiến của ông Lý về vấn đề Trung Quốc trở thành một kẻ đối đầu của Mỹ trong quyển Lý Quang Diệu: Bàn về Trung Quốc, Mỹ và thế giới (đã được xuất bản hai năm trước).

Ông Lý đã nhận ra sớm hơn ai hết rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc là một điều tất yếu trong trật tự quốc tế. “Không thể nào coi nhẹ việc Trung Quốc là một tay chơi lớn khác,” ông Lý phát biểu năm 1993. “Đây sẽ là một tay chơi lớn nhất trong lịch sử nhân loại.” Nhận định như vậy đã làm hài lòng các lãnh đạo Bắc kinh và họ càng tin tưởng hơn vào sức mạnh độc đáo của lịch sử và văn hóa Trung Quốc và cả vào việc Trung Quốc trỗi dậy là điều hiển nhiên. Bao nhiêu năm qua các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn tin tưởng những phân tích của ông Lý về Trung Quốc. Theo lời tờ Nhật Báo Trung Hoa , thì “Khi Trung quốc phải đương đầu với sự do dự của quốc tế, ông Lý Quang Diệu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm trung gian và diễn dịch cho Trung Quốc.”

Với sự ra đi của ông Lý, giờ đây thì cả Trung Quốc lẫn phương Tây giờ phải tự tìm ra cách để thương thảo với nhau khi không còn có sự cố vấn của ông nữa.

Phương Thảo dịch
Nguồn: The diplomat

(Việt nam Thời báo)
================

Mèo Trung cộng dơ bẩn hay mèo Tân gia ba tư bản hào nhoáng thì cũng một giuộc là mèo đại hán mà thôi !

Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=33312

Campuchia công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông


Campuchia công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông

Thủ tướng Campuchia (phải) bênh vực lập trường của giới lãnh đạo Campuchia khi đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Thủ tướng Campuchia (phải) bênh vực lập trường của giới lãnh đạo Campuchia khi đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Nhà lãnh đạo của Campuchia đã công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thể được giải quyết thông qua Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Tư phát biểu rằng những nước có ảnh hưởng trực tiếp nên giải quyết vấn đề này với nhau.
"Xét cho cùng thì đây không phải là vấn đề đối với toàn thể khối ASEAN. Đó là vấn đề song phương giữa các nước có liên quan, họ cần phải nói chuyện với nhau," ông Hun Sen nói.
Bắc Kinh đã nói họ sẽ chỉ đàm phán tranh chấp lãnh thổ với từng nước một và đã từ chối bất kỳ kênh đa phương nào để giải quyết.
Nhưng Philippines và Việt Nam, hai thành viên của ASEAN, vẫn đang thúc đẩy một phương sách mang tính khu vực và đa phương đối với vấn đề này.
Mặc dù đây là lần đầu tiên lãnh đạo Campuchia tuyên bố một cách rõ ràng lập trường của mình về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, Phnom Penh đã bị chỉ trích về cách thức xử lý vấn đề này khi họ giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 2012.
Nhắc tới vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Thủ tướng Hun Sen bênh vực lập trường của giới lãnh đạo của Campuchia:
"Sau Campuchia, Brunei cũng không tìm được một giải pháp, Myanmar cũng thất bại. Bây giờ tôi đang đợi xem liệu Malaysia sẽ có thể giải quyết vấn đề này được hay không. Tôi có thể nói là việc này không thể nào làm được. Nhưng họ chỉ đổ lỗi cho Campuchia, chỉ có Campuchia là sai. Tôi sẽ đợi xem hết toàn đợt luân phiên."
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012, các nhà lãnh đạo khu vực đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung. Những người chỉ trích nói rằng việc này là do Campuchia bảo vệ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Ngoài Việt Nam và Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

TT Indonesia bác bỏ tuyên bố đường 9 đoạn của TQ ở Biển Đông


 https://youtu.be/i-XzAwtZrZw

 Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/campuchia-cong-khai-ung-ho-lap-truong-cua-trung-quoc-o-bien-dong/2694449.html

Ý kiến: 
bởi: Dân Việt từ: Việt-Nam
26.03.2015 15:49
TT Hun Sen của Campuchia đã nhận đựơc phong bì của China
có lẽ hơi dầy .
Cho nên Hun Sen phải ôm chân China .
Và tầm nhìn của Hun Sen không ra tới biển Đông , chỉ lẫn quẫn trong Campuchia như ....giữ nhà .
bởi: Dân Việt từ: Việt-Nam
26.03.2015 15:49
TT Hun Sen của Campuchia đã nhận đựơc phong bì của China
có lẽ hơi dầy .
Cho nên Hun Sen phải ôm chân China .
Và tầm nhìn của Hun Sen không ra tới biển Đông , chỉ lẫn quẫn trong Campuchia như ....giữ nhà .
bởi: XTNTS từ: Tha Hương
26.03.2015 15:22
Những kẻ bạc nhược và hèn nhác như Thủ tướng Hun Sen thì chúng ta nên miễn bàn. Vì những lời lẽ như vậy hoàn toàn chẳng có chút giá trị nào cả. 
 
bởi: xitrum từ: sweden
26.03.2015 14:42
Không thể trách Kampuchia được, vì thật ra đất nước họ không đủ mạnh, hơn nữa ngay cả khối ASEAN cũng không mạnh mẽ như khối EU về tiềm lực kinh tế, quốc phòng, do vậy chỉ có những nước liên quan với việc tranh chấp phải tự bảo vệ mình thôi,song điều đáng nói là nếu Kamphuchia và vài nước khác trong khối ASEAN không có liên quan đến tranh chấp, nhưng đứng ngoài và không bảo vệ cái đúng thì sau này ai sẽ bảo vệ cho họ. 
 

bởi: người việt từ: tphcm
26.03.2015 14:31
cambodia bị Trung cộng cho ăn mắc họng rồi, chỉ thấy đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến âm mưa thâm độc của Trung cộng. Đúng là vì miếng ăn mà quên hết. Không có VN thì cambodia đã die hết rồi và nếu TQ chiếm được VN thì cambodia chết là chắc. Đúng là ngu si 
 

bởi: Cha Noi từ: USA
26.03.2015 14:21
CSVN va Phi chac khong hy vong gi co the keo Asian vao cuoc de cung nhau chong TQ nua roi? Boi vi quyen loi cot loi va moi quan he cua moi quoc gia trong khoi Asian va TQ co su khac biet nhau. Cho nen ho da co su tinh toan ve van de bien dong khong giong nhau la chuyen tu nhien co the hieu duoc. Dien hinh la campuchia hom nay da cong khai tuyen bo ung ho lap truong cua TQ o bien dong khien ta thay co chut xot xa trong long. Khong biet sau nay con co quoc gia nao khac cung ung ho TQ nua chang?

Tom lai, The gian nay "nguoi khong vi ky thi troi tru dat diet" thiet tuong cau noi co chut tham thia nhung ma ngan doi khong sai do vay!!! 
bởi: SON từ: VIET NAM
26.03.2015 10:26
Thực ra Campuchia đã là chư hầu của Trung Cộng từ lâu rồi, từ thời Sihanuc đến Khơme đỏ và bây giờ là chính phủ Hun Sen. Mọi toan tính của Việt Nam về vấn đề Campuchia đã bị Trung Cộng nắm được thóp lâu rồi. Chỉ còn cách đoàn kết với các quốc gia trong khối Asian có liên quan ở biển Đông và quay lại với Mỹ mà thôi. Thực tế đã cho thấy Việt Nam hiện nay không có đồng minh.

 
bởi: Bộ đội phục viên từ: Thiên đàng Lừa Bịp csVN
26.03.2015 08:33
Trong thời gian VC xâm lược Căm Bốt, VC đã bốc tiểu đoàn trưởng trong quân đội Pôn Pốt là Hunxen lên làm thủ tướng với ảo tưởng Hunxen sẽ là một thủ tướng tai sai của VC.Hunxen đã lăn lộn trên chiến trường Căm Bốt nên thấy tận mắt thấy đoàn quân VC trong khi chiếm đóng Căm Bốt đã bắn giết cướp bóc nhân dân Căm Bốt như thế nào nên trong lòng Hunxen căm hận VC, xem VC như kẻ thù........ủng hộ đường lưởi bò ngang ngược của Trung Quốc, để cho dân Căm Bốt giết người , cướp của Việt kiều đang sinh song trên Căm Bốt, để cho dân Căm Bốt biểu tình trước sứ quán VC tai thủ đo Căm Bốt.......tố cáo VC cướp đất, lấn đât của Căm Bốt....





Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Lý Quang Diệu: “Chỉ có kẻ ngu mới chống Hoa Kỳ”



Lý Quang Diệu: “Chỉ có kẻ ngu mới chống Hoa Kỳ”


Mỹ nhiều trở ngại nhưng vẫn giữ vị trí số một

Cân bằng quyền lực đang chuyển đổi. Về phía châu Á của Thái Bình Dương, theo thời gian Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gây ảnh hưởng. Mọi chuyện sẽ không còn như trước. Địa lý là điểm mấu chốt trong trường hợp này. Trung Quốc có lợi thế hơn vì nằm trong khu vực và có khả năng phô trương sức mạnh dễ dàng hơn ở châu Á. Đối với Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng từ cách xa 8.000 dặm là một điều hoàn toàn khác. Sự bất bình đẳng về ý chí, hậu cần và chi phí là rất đáng kể. Chỉ riêng dân số của Trung Quốc, 1,3 tỉ người, so với 314 triệu người Mỹ, cũng góp phần vào khó khăn của Hoa Kỳ. Nhưng sự chuyển giao quyền lực sẽ không xảy ra một sớm một chiều do ưu thế vượt bậc của Hoa Kỳ về công nghệ. Người Trung Quốc dù có thể chế tạo tàu sân bay nhưng vẫn không thể đuổi kịp người Mỹ một cách nhanh chóng về công nghệ tàu sân bay với sức chứa 5.000 quân và đầu máy hạt nhân. Nhưng cuối cùng, những bất lợi của Hoa Kỳ do khoảng cách địa lý dần sẽ mang tính quyết định. Hoa Kỳ sẽ phải điều chỉnh thế đứng của mình và chính sách của họ trong khu vực này.
Chính quyền Obama tuyên bố vào năm 2011 rằng Hoa Kỳ dự định tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương với một trọng tâm mới. Họ gọi đây là Sự Xoay Trục về Châu Á. Trên tờ Foreign Policy, ngoại trưởng Hillary Clinton giải thích tư duy đằng sau chính sách mới này như sau: “Các thị trường mở ở châu Á là những cơ hội chưa từng thấy đối với Hoa Kỳ về đầu tư, thương mại và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến… Về mặt chiến lược, việc gìn giữ hoà bình và an ninh ở khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên thiết yếu đối với sự tiến bộ trên toàn cầu, dù là thông qua bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở Bắc Triều Tiên hay đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các nước lớn trong khu vực.” Vào tháng 4 năm 2012, 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên đã được triển khai tới Darwin , Úc trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.
Nhiều quốc gia Châu Á chào đón cam kết mới này từ người Mỹ. Trong nhiều năm, sự hiện diện của Hoa Kỳ là một nhân tố quan trọng giúp ổn định khu vực. Kéo dài sự hiện diện này sẽ giúp duy trì ổn định và an ninh. Kích thước của Trung Quốc có nghĩa là cuối cùng chỉ có Hoa Kỳ – kết hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời hợp tác với các quốc gia ASEAN – mới có thể đối trọng lại được nước này.
Tuy nhiên, chúng ta còn phải xem liệu người Mỹ có thể biến ý định thành cam kết trong lâu dài được hay không. Ý định là một mặt, tài trí và khả năng là một mặt khác. Hiện nay Hoa Kỳ có quân ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam . (Người Philippines đã không khôn ngoan khi mời người Mỹ rời khỏi vịnh Subic vào năm 1992. Họ quên mất hậu quả về lâu dài của hành động này và bây giờ họ bảo rằng “Hãy làm ơn quay lại.”) Người Mỹ tin rằng họ có sẵn một dàn xếp quân sự trong khu vực cho phép họ cân bằng lại được với hải quân Trung Quốc. Hơn nữa, vì các vùng nước trong khu vực tương đối nông, người Mỹ có thể theo dõi hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, kể cả tàu ngầm. Nhưng liệu lợi thế này có thể kéo dài được bao lâu? Một trăm năm? Không thể nào. Năm mươi năm? Không chắc. Hai mươi năm? Có thể. Rốt cuộc, cân bằng quyền lực có thể thực hiện được hay không còn phải chờ vào nền kinh tế Hoa Kỳ trong một vài thập niên tới. Cần có một nền kinh tế vững mạnh thì mới có thể phô trương quyền lực – đầu tư xây dựng tàu chiến, tàu sân bay và các căn cứ quân sự.
Khi cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ trên Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra, những quốc gia nhỏ hơn ở châu Á bắt buộc phải thích ứng với cục diện mới. Thucydides đã từng viết rằng “kẻ mạnh làm những gì mà họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng”. Các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á có thể không phải có một kết cục bi thảm như thế, nhưng bất cứ góc nhìn hiện thực chủ nghĩa nào về sự suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương đều sẽ khiến các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình. Người ta sẽ phải quan tâm hơn đến những gì người Trung Quốc thích hoặc không thích khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Nhưng điều quan trọng không kém là không để cho Trung Quốc hoàn toàn thống trị. Cuối cùng, tôi không cho rằng viễn cảnh người Trung Quốc hất cẳng hoàn toàn người Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương có thể diễn ra.
Ví dụ như Việt Nam , là một trong những quốc gia không an tâm nhất về sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình ra lệnh tấn công miền Bắc Việt Nam vào năm 1979 để trả đũa việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia. Đặng phá hủy một vài làng mạc và thị trấn rồi sau đó rút lui, chỉ nhằm đưa ra một lời cảnh cáo với người Việt: “Tôi có thể tiến thẳng vào và tiếp quản Hà Nội.” Đây không phải là bài học mà người Việt có thể quên được. Một chiến lược có lẽ đã được chính phủ Việt Nam bàn đến là làm thế nào để có thể bắt đầu thiết lập các mối quan hệ an ninh lâu dài với người Mỹ.
Tôi cũng cảm thấy rất tiếc rằng sự thay đổi cân bằng quyền lực đang diễn ra vì tôi cho rằng Hoa Kỳ là một cường quốc hoà bình. Họ chưa bao giờ tỏ ra hung hãn và họ không có ý đồ chiếm lãnh thổ mới. Họ đưa quân đến Việt Nam không phải vì họ muốn chiếm Việt Nam . Họ đưa quân đến bán đảo Triều Tiên không phải vì họ muốn chiếm bắc hay nam Triều Tiên. Mục tiêu của các cuộc chiến tranh đó là chống lại chủ nghĩa cộng sản. Họ đã muốn ngăn chủ nghĩa cộng sản lan tràn trên thế giới. Nếu như người Mỹ không can thiệp và tham chiến ở Việt Nam lâu dài như họ đã làm, ý chí chống cộng ở các nước Đông Nam Á khác chắc đã giảm sút, và Đông Nam Á có thể đã sụp đổ như một ván cờ domino dưới làn sóng đỏ. Nixon đã giúp cho miền Nam Việt Nam có thời gian để xây dựng lực lượng và tự chiến đấu. Nam Việt Nam đã không thành công, nhưng khoảng thời gian gia tăng đó giúp Đông Nam Á phối hợp hành động với nhau và tạo dựng nền tảng cho sự phát triển của ASEAN.
Singapore khá thoải mái với sự hiện diện của người Mỹ. Chúng ta không biết Trung Quốc sẽ quyết đoán hay hung hăng như thế nào. Vào năm 2009 khi tôi nói chúng ta phải cân bằng lực lượng với Trung Quốc, họ dịch từ đó sang tiếng Trung thành “kìm hãm”. Điều này làm nổi lên một làn sóng phẫn nộ trong cư dân mạng Trung Quốc. Họ cho rằng làm sao tôi lại dám nói như thế trong khi tôi là người Hoa. Họ quá là nhạy cảm. Thậm chí sau khi tôi giải thích rằng tôi không hề sử dụng từ “kìm hãm”, họ vẫn không hài lòng. Đấy là bề mặt của một thứ quyền lực thô và còn non trẻ.
Trong cục diện đang thay đổi này, chiến lược chung của Singapore là đảm bảo rằng mặc dù chúng ta lợi dụng bộ máy tăng trưởng thần kì của Trung Quốc, chúng ta sẽ không cắt đứt với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Singapore vẫn quan trọng với người Mỹ. Singapore nằm ở vị trí chiến lược ở trung tâm của một khu vực quần đảo, nơi mà người Mỹ không thể bỏ qua nếu muốn duy trì ảnh hưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Và mặc dù chúng ta xúc tiến các mối quan hệ với người Trung Quốc, họ cũng không thể cản chúng ta có các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hoá và an ninh bền chặt với Hoa Kỳ. Người Trung Quốc biết rằng họ càng gây áp lực với các quốc gia Đông Nam Á thì các quốc gia này càng thân Mỹ hơn. Nếu người Trung Quốc muốn đưa tàu chiến đến viếng thăm cảng của Singapore khi có nhu cầu, như là người Mỹ đang làm, chúng ta sẽ chào đón họ. Nhưng chúng ta sẽ không ngả về phía nào bằng cách chỉ cho phép một bên và cấm đoán bên kia. Đây là một lập trường mà chúng ta có thể tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.
Chúng ta còn liên kết với phần còn lại của thế giới thông qua ngôn ngữ. Chúng ta may mắn được người Anh cai trị và họ để lại di sản là tiếng Anh. Nếu như chúng ta bị người Pháp cai trị, như người Việt, chúng ta phải quên đi tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh để kết nối với thế giới. Đó chắc hẳn là một sự thay đổi đầy đau đớn và khó khăn. Khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, một nhóm trong Phòng Thương Mại người Hoa gặp tôi để vận động hành lang cho việc chọn tiếng Hoa làm quốc ngữ. Tôi nói với họ rằng: “Các ông phải bước qua tôi trước đã.” Gần 5 thập niên đã trôi qua và lịch sử đã cho thấy rằng khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore . Tiếng Anh là ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế. Đế quốc Anh đã truyền bá thứ ngôn ngữ này ra khắp thế giới, nên khi người Mỹ tiếp quản, đó là một sự chuyển đổi dễ dàng sang tiếng Anh kiểu Mỹ. Đây cũng là một lợi thế rất lớn đối với người Mỹ khi trên toàn thế giới đã có nhiều người nói và hiểu ngôn ngữ của họ.
Khi sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp diễn, Singapore có thể nâng cao chuẩn mực tiếng Hoa trong nhà trường để cho học sinh của chúng ta có một lợi thế, nếu họ chọn làm việc hoặc giao thương với Trung Quốc. Nhưng tiếng Hoa vẫn sẽ là ngôn ngữ thứ hai, vì thậm chí nếu GDP của Trung Quốc có vượt qua Hoa Kỳ, họ cũng không thể cho chúng ta được mức sống mà chúng ta đang hưởng thụ ngày nay. Đóng góp của Trung Quốc vào GDP của chúng ta ít hơn 20%. Phần còn lại của thế giới sẽ giúp Singapore duy trì phát triển và đạt được thịnh vượng – không chỉ là người Mỹ, mà còn là người Anh, người Đức, người Pháp, người Hà Lan, người Úc, vv…. Các nước này giao dịch kinh doanh bằng tiếng Anh, không phải tiếng Trung. Sẽ là rất ngu ngốc nếu chúng ta xem xét chọn tiếng Trung làm ngôn ngữ làm việc tại bất kì thời điểm nào trong tương lai, khi mà chính người Hoa cũng rất cố gắng học tiếng Anh từ khi mẫu giáo cho đến bậc đại học.
Cuộc cạnh tranh cuối cùng
Hoa Kỳ không phải đang trên đà suy thoái. Uy tín của Hoa Kỳ đã chịu nhiều tổn thất do việc đóng quân lâu dài và lộn xộn tại Iraq và Afghanistan cũng như do cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nhưng những sử gia giỏi nhìn nhận sẽ chỉ ra rằng một Hoa Kỳ dường như yếu đi và trì trệ đã từng phục hồi ra khỏi những tình huống còn tệ hại hơn. Đất nước Hoa Kỳ đã đối mặt nhiều thử thách lớn trong những thời kỳ chưa xa: cuộc Đại Suy thoái, chiến tranh Việt nam, thời kì trỗi dậy của các cường quốc công nghiệp hậu chiến như Nhật Bản và Đức. Mỗi lần như vậy, Hoa Kỳ đã tìm thấy ý chí và sức mạnh để phục hồi vị trí dẫn đầu cùa mình. Hoa Kỳ đã áp đảo. Nó sẽ thực hiện được điều này một lần nữa.
Thành công của Hoa Kỳ nằm ở nền kinh tế năng động, được duy trì không chỉ bằng khả năng đặc biệt sản xuất ra cùng một thứ với chi phí ít hơn mà còn là liên tục đổi mới sáng tạo – tức là sáng chế ra một mặt hàng hay dịch vụ hoàn toàn mới mà thế giới sớm cảm thấy hữu dụng và đáng khát khao. Chiếc iPhone, iPad, Microsoft, Internet – tất cả đều được tạo ra ở Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác. Người Trung Quốc có thể có nhiều nhân tài so với người Mỹ, nhưng sao họ không có những phát minh tương tự? Rõ ràng họ thiếu một sự sáng tạo mà người Mỹ sở hữu. Và tia sáng đó cho thấy người Mỹ thỉnh thoảng thể có sáng tạo đột phá thay đổi cục diện, điều cho họ vị trí dẫn đầu.
Thậm chí nếu những người theo thuyết suy thoái đúng, và thật là Hoa Kỳ đang trên đà xuống dốc, ta phải nhớ rằng đây là một nước lớn và cần có một thời gian dài thì mới suy thoái. Nếu Singapore là một nước lớn, tôi sẽ chẳng lo lắng lắm nếu chúng ta chọn chính sách sai lầm, vì hậu quả sẽ xuất hiện chậm. Nhưng chúng ta là một nước nhỏ và một quyết định sai lầm có thể gây hậu quả kinh khủng trong một thời gian ngắn. Mặt khác, Hoa Kỳ như là một con tàu chở dầu lớn. Họ sẽ không thể chuyển hướng nhanh như một chiếc thuyền. Nhưng tôi tin rằng các cá nhân tin vào thuyết suy thoái đã sai lầm. Hoa Kỳ sẽ không suy thoái. So sánh tương đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể ít uy lực hơn. Có thể khả năng phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng và có thể Hoa Kỳ không thể sánh với Trung Quốc về dân số và GDP, nhưng lợi thế chính yếu của Hoa Kỳ – sự năng động của họ – sẽ không biến mất. Hoa Kỳ, nếu đem ra so sánh đến giờ, là một xã hội sáng tạo hơn. Và khi mà trong lòng nội bộ nước Mỹ đang có một cuộc tranh luận về việc liệu họ có đang xuống dốc hay không thì đó là một dấu hiệu tốt. Điều đó có nghĩa rằng họ không ngủ quên trên đỉnh cao.
Tại sao tôi lại tin vào thành công dài hạn của Hoa Kỳ
Đầu tiên, Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn ý tưởng dồi dào và tạo nên một chất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ không thành công được đến như vậy nếu như không có người nhập cư. Trong hàng thế kỉ, Hoa Kỳ thu hút nhân tài từ châu Âu. Ngày hôm nay, họ thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á. Vì Hoa Kỳ có thể dung nạp người nhập cư, giúp họ hoà nhập và cho họ một cơ hội công bằng để đạt được giấc mơ Mỹ, luôn có một nguồn chảy tài năng hướng vào Hoa Kỳ và đổi lại Hoa Kỳ có được công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới.
Trung Quốc và những quốc gia khác rồi sẽ phải tiếp thu vài phần của mô hình thu hút nhân tài của Hoa Kỳ phù hợp với hoàn cảnh của mình. Họ phải đi tìm người tài để xây dựng các doanh nghiệp. Đây là cuộc cạnh tranh tối hậu. Đây là thời đại mà chúng ta không còn có các cuộc đua quân sự giữa các cường quốc vì họ biết rằng họ sẽ huỷ hoại nhau bằng cách ấy. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh về kinh tế và kĩ thuật và tài năng là nhân tố chính.
Hoa Kỳ là một xã hội thu hút và giữ chân được nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ — lấy ví dụ như Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore. Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có ít công ăn việc làm hơn.
Một lí do tại sao Trung Quốc sẽ luôn kém hiệu quả hơn trong việc thu hút nhân tài chính là ngôn ngữ. Tiếng Hoa khó học hơn tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng. Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng.
Một nguồn lực khác mang lại sức cạnh tranh cho Hoa Kỳ là nhiều trung tâm xuất sắc cạnh tranh lẫn nhau khắp cả nước. Ở bờ Đông có Boston, New York, Washington, và ở bờ Tây có Berkeley, San Francisco, và ở miền Trung nước Mỹ thì có Chicago và Texas. Bạn sẽ thấy sự đa dạng và mỗi trung tâm lại cạnh tranh với nhau, không ai nhường ai. Khi người Texas thấy rằng mình có nhiều dầu mỏ, James Baker – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người Texas – đã cố gắng thành lập một trung tâm ở Houston để cạnh tranh với Boston hoặc New York. Jon Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Singapore và Trung Quốc và là bạn của tôi, là một ví dụ khác. Gia đình ông có tiền sử bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy khi ông thừa hưởng gia tài từ cha, ông mang những nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực ung thư tuyến tiền liệt về quê nhà ông là bang Utah để nghiên cứu vấn đề này.
Mỗi trung tâm tin rằng mình tốt như các trung tâm còn lại, chỉ cần tiền và nhân tài, điều có thể kiếm được. Không ai cảm thấy phải tuân theo Washington hay New York . Nếu bạn có tiền, bạn có thể xây dựng một trung tâm mới. Bởi vì khía cạnh này, có sự đa dạng trong xã hội và một tinh thần cạnh tranh cho phép sản sinh ra những ý tưởng và sản phẩm mới hữu ích dài lâu. Trung Quốc thì lại chọn một cách tiếp cận khác. Người Trung Quốc tin rằng khi trung ương mạnh thì Trung Quốc sẽ giàu mạnh. Đây là một thái độ cứng nhắc, yêu cầu mọi người phải tuân theo một trung tâm duy nhất. Mọi người phải hành quân theo cùng một điệu trống. Ngay cả Anh và Pháp đều không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt này. Ở Pháp ai là nhân tài cuối cùng đều vào các viện đại học nghiên cứu lớn. Ở Anh thì đó là Oxbridge (Đại học Oxford và Đại học Cambridge ). Những quốc gia này tương đối nhỏ, gọn vì vậy cũng đồng bộ hơn.
Kể từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, Hoa Kỳ mất vị trí dẫn đầu nền công nghiệp về tay những nền kinh tế mới phục hồi như Nhật Bản và Đức. Họ bị vượt mặt về đồ điện tử, thép, hoá dầu và ngành công nghiệp xe hơi. Đây là những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng huy động nhiều nhân công, kể cả những người lao động phổ thông được các công đoàn bảo vệ. Ở một số nước châu Âu, các công đoàn chống đối các cải cách lao động bằng việc đe dọa tiến hành các hành động công nghiệp có thể mang lại tổn thất nghiêm trọng trong ngắn hạn. Nhưng ở Mỹ điều ngược lại đã xảy ra. Các tập đoàn áp dụng những biện pháp thay đổi khó khăn nhưng cần thiết. Họ giảm qui mô, giảm biên chế và cải tiến năng suất qua việc sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin (IT). Nền kinh tế Hoa Kỳ trỗi dậy trở lại. Các doanh nghiệp mới được mở ra để giúp các công ty tối ưu hoá hệ thống IT của mình, như là Microsoft, Cisco và Oracle. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh đầy đau đớn, các công ty có thể tạo ra nhiều việc làm mới trả lương tốt hơn. Họ không thích thú với nhưng công việc lỗi thời mà Trung Quốc, Ấn Độ hay Đông Âu có thể làm được. Họ thấy được một tương lai mà của cải không phải được tạo ra bởi việc chế tạo đồ dùng hay xe hơi, mà bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật, kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ đã trở lại cuộc chơi. Họ giành lại được vị trí là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước đã phát triển. Tôi thật sự khâm phục sự năng động và tin thần khởi nghiệp của người Mỹ.
Bạn tiếp tục chứng kiến điều đó ngay lúc này đây. Người Mỹ vận hành một hệ thống gọn gàng hơn và có sức cạnh tranh hơn. Họ có nhiều bằng sáng chế hơn. Họ luôn cố gắng tạo được thứ gì đó mới hoặc làm điều gì đó tốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng có một cái giá của nó. Chỉ số thất nghiệp của Hoa Kỳ lên xuống như một cái yoyo. Ở thời kì suy thoái, chỉ số thất nghiệp từ 8 đến 10 phần trăm là chuyện hiển nhiên. Kết quả là một tầng lớp dưới hình thành. Giữa những xa hoa, lấp lánh, các cửa hàng đẹp đẽ ở New York , bạn cũng có thể dễ dàng thấy người Mỹ vô gia cư nằm trên vệ đường. Họ không có gì ngoài tấm áo khoác thân và miếng thùng carton để nằm ngủ. Một số người, kể cả nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman, đã lên án khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở xã hội Mỹ.
Điều này có chấp nhận được không? Tôi không thể nói được. Có những tổ chức tôn giáo và từ thiện giúp đỡ. Một số thành lập những quán ăn tình thương cho người thất nghiệp, vv…. Nhưng mà bạn không thể vừa muốn có chiếc bánh trong tay, vừa muốn ăn nó. Nếu bạn muốn tạo nên sự cạnh tranh mà Hoa Kỳ đang có, bạn không thể tránh được việc tạo nên khoảng cách đáng kể giữa tầng đỉnh và tầng đáy, và không thể tránh khỏi việc tạo nên một tầng lớp dưới. Nếu như bạn chọn một nhà nước phúc lợi, như châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bạn tự nhiên sẽ không còn năng động.
Cuối cùng, Hoa Kỳ có một nền văn hoá tôn vinh những người dám tự làm tự chịu. Khi họ thành công, họ được ngưỡng mộ như là một nhà khởi nghiệp tài năng và có được sự công nhận và vị trí xã hội họ đáng được hưởng. Khi họ thất bại thì điều này được coi là một giai đoạn tạm thời, tự nhiên và cần thiết để rốt cuộc thành công. Vì vậy họ có thể đứng lên và bắt đầu lại. Nền văn hoá này khác với Anh, một xã hội tĩnh hơn – nơi mà mọi người biết vị trí phù hợp của mình. Nước Anh rất mang tính châu Âu về điểm này. Người Anh từng có nhiều khám phá vĩ đại – máy hơi nước, máy kéo sợi và động cơ điện. Họ cũng có nhiều giải Nobel khoa học. Nhưng rất ít khám phá trong số này của họ trở nên thành công về mặt thương mại. Tại sao lại như thế? Những năm dài của 2 thế kỉ đế chế đã hình thành một xã hội nơi mà giới thượng lưu cũ và những quý tộc có ruộng đất được kính trọng. Giới nhà giàu mới bị xem thường. Các sinh viên trẻ ưu tú mơ ước trở thành luật sư, bác sĩ và trí thức – những người được ngưỡng mộ vì trí tuệ và đầu óc của họ hơn là lao động cực nhọc hoặc lao động tay chân. Hoa Kỳ thì lại khác, là một xã hội mới không có khoảng cách tầng lớp. Mọi người đều ngưỡng mộ việc làm giàu – và muốn trở nên giàu có. Đây là một động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới và của cải. Thậm chí ở các công ty của Mỹ, người trẻ có tiếng nói lớn hơn ở các cuộc họp, và sức trẻ của họ được định hướng để giúp công ty trở nên sáng tạo hơn.
Lý Quang Diệu
Thứ Sáu, ngày 30 tháng 5 năm 2014
Dịch: Nguyễn Việt Vân Anh
Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nguồnhttp://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/ly-quang-dieu-va-phong-trao-cong-san.html: