|
Donald Trump. Ảnh: internet |
|
Sự vận động của lịch sử, nhất là tại một bước ngoặt cụ thể, thường gắn
với sự xuất hiện nhân vật lịch sử cụ thể. Điều này cho thấy, tính cách
của nhân vật lịch sử cụ thể có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự vận
động của lịch sử. Còn 6 – 7 tuần lễ nữa Trump mới chính thức tuyên thệ
nhậm chức (khả năng kết quả bầu cử bị lật ngược tuy đã được đặt ra,
nhưng hầu như sẽ không có thay đổi gì), rồi chính quyền Trump sẽ làm gì
4 năm tới? – đấy là những chuyện đang ở phía trước.
Song những gì đã thấy được trên thế giới và tại nước Mỹ hôm nay, cùng với những ý đồ hoặc khuynh hướng đã lộ ra phần nào của
Donald Trump tranh cử, có thể giúp chúng ta rút ra một số nhận định tiếp theo (sau
bài 1).
I. Nhìn rõ hơn nữa thế giới đã sang trang và hiện tượng Trump
Hầu như có sự nhận định thống nhất của nhiều học giả Mỹ có tên tuổi các
trường phái khác nhau, không ít trong số họ đã được giải thưởng Nobel
(trải dài từ tả sang hữu – ví dụ như từ Chomsky, Stiglitz… … đến
Kissinger):
Trật tự thế giới hình thành từ các giá trị ra đời sau chiến
tranh thế giới II đã bị xáo động, thế giới xuất hiện nhiều vấn đề mới
khiến quyền lực tại nhiều mước có xu hướng đẩy lợi ích quốc gia lên vị trí ưu tiên chiến lược cao nhất, hiện tượng Trump là cú sốc toàn cầu (a global upheaval) kể từ sau chiến tranh thế giới II.
Nhận định này được chia sẻ rộng rãi trên thế giới, mặc dù có sự đánh giá rất đa dạng về các nguyên nhân của hiện tượng.
Dưới đây xin lưu ý những diễn biến nổi bật trong thế giới hôm nay.
Các thể chế vận hành quá trình toàn cầu hoá kinh tế trong những thập kỷ gần đây
một mặt thúc đẩy quan trọng sự phát triển kinh tế thế giới; đặc biệt là quá trình
tự do hoá các mối quan hệ kinh tế và các
tiến bộ của khoa học và công nghệ (nhất
là thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – the
industrial revolution 4.0) đã tạo ra những thành tựu phát triển mới tại
cả 2 nhóm nước phát triển và đang phát triển.
Song mặt khác, như một
hệ luỵ khách quan tất yếu, chính sự phát triển này gây nên những thay đổi, tích tụ dần thành nhiều chấn động lớn, có thể khái quát dưới đây:
(1) Chấn động do những dòng chảy của 4 yếu tố kinh tế cơ bản là hàng hoá, vốn, công nghệ, và nguồn nhân lực
trong những thập kỷ toàn cầu hoá vừa qua đã thay đổi, vượt lên trên
khả năng vận hành của các thể chế và sự thích nghi của con người.
Nguyên nhân cơ bản là tự do hoá kinh tế trong quá trình toàn cầu hoá và
sự phát triển của khoa học và công nghệ những thập niên vừa qua đã phá
vỡ nhiều thể chế hiện hành trong mỗi quốc gia hay trong các mối quan
hệ kinh tế – chính trị quốc tế; sự vận động này mang lại nhiều phát
triển mới, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều bất cập hoặc thậm chí
những rối loạn mới, những thách thức mới (Michael Spence). Rõ thấy nhất
là các hiện tượng:
một số ngành nghề biến hẳn tại các nước phát triển với nhiều hệ quả kinh tế – chính trị – xã hội lâu dài;
sự di chuyển lao động
tự nó đã tạo ra nhiều áp lực mới, lại càng trở nên đặc biệt nhạy cảm
tới mức nhiều nước hầu như không thể chịu đựng nổi do các vấn đề nhập
cư, di tản..; những hệ quả mặt trái của công nghệ thông tin chưa thể
kiểm soát được như: ăn cắp bản quyền, dòng tiền đen, sự lũng đoạn của
nạn tin tặc… vân vân… và nhiều hệ luỵ kèm theo.
(2) Chấn động do sự phân hoá mới không thể tránh được, với hệ
luỵ làm trỗi dậy chủ nghĩa quốc gia (nationalism) trong quá trình toàn
cầu hoá.
Tại hầu hết các nước phát triển – được coi như đầu tầu của con tầu thế
giới – đều xuất hiện nhiều vấn đề chưa từng có – như một hệ quả tất
yếu: có quá nhiều nhóm người hay các tầng lớp bị thiệt thòi và trở
thành nạn nhân của quá trình toàn cầu hoá, nhiều giá trị cơ bản từng
tạo nên trật tự và đời sống tinh thần của những quốc gia này bị lung
lay, nảy sinh vấn để “xét lại” (revise, revaluate) nhiều quan niệm và
niềm tin liên quan đến toàn cầu hoá và hội nhập mà họ từng theo đuổi…
Sự phân hoá mới xuất hiện trong đời sống kinh tế – chính trị – xã hội
là không thể tránh khỏi. Đồng thời sự già cỗi hay tha hoá theo thời
gian có tính tất yếu của các thể chế hiện hành càng làm cho quá trình
phân hoá mới này nghiêm trọng thêm, bởi vì không có một thể chế nào có
thể toàn mỹ vĩnh viễn.
Trong khung cảnh ấy đáng chú ý là
chủ nghĩa quốc gia
(nationalism) trỗi dậy trở lại. Khuynh hướng này mang những biểu hiện
của chủ nghĩa dân tuý (populism), tại một số nước đã nhuốm màu sắc chủ
nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Tóm lại, đây là sự phân hoá trong lòng mỗi quốc gia trong bối cảnh đồng
thời diễn ra sự phân hoá giữa các quốc gia với nhau bên trong hoặc bên
ngoài các tổ chức quốc tế và khu vực.
(3) Chấn động do cục diện quốc tế một siêu đa cường đã chín
muồi, đang làm xuất hiện nhiều điểm nóng mới và những vấn đề mới, chiến
tranh lạnh II đã xuất hiện, phảng phất không khí chiến tranh thế giới
III.
Sau chiến tranh lạnh I quá trình toàn cầu hoá kinh tế phát triển mạnh
mẽ, tuy nhiên nhiều điểm nóng trên thế giới và những thách thức truyền
thống hoặc phi truyền thống tiếp tục tồn tại hoặc có những hình thức
vận động mới.
Hiện tại nổi lên là các sự kiện (
i) Nga tham chiến ở Syrie và chiếm Krym trong bối cảnh quan hệ với Mỹ-NATO ngày càng căng thẳng, (
ii)
cán cân quyền lực đang lên của Trung Quốc thao túng nhiều vấn đề trên
thế giới và đặc biệt tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương – Biển Đông, (
iii) các vấn đề nóng ở Trung Đông và vấn đề IS không có lối ra, (
iv)
vai trò suy yếu tiếp tục của Mỹ và rạn nứt của EU là những hiện tượng
trực tiếp làm cho cục diện thế giới đi vào thời kỳ căng thẳng mới, với
đụng độ và nguy cơ đụng độ khu vực đang gia tăng. Chiến tranh lạnh II đã xuất hiện, phảng phất không khí chiến tranh thế giới III.
Thực tế này đã tạo ra xu thế đẩy quyền lợi quốc gia lên vị trí ưu tiên chiến lược cao nhất như một phản ứng tất yếu. Những sự kiện nổi bật là Brexit, Putinism, giấc mơ Đại Trung Hoa, và bây giờ là Trumpism ở Mỹ.
Không chỉ như vậy, tại một số nước Đông Âu như Hungarie, Bulgarie và Balan đã có hơi hướng
xoay trục
xa EU vì không thể chấp nhận thu nạp di tản từ Bắc Phi; Đông Nam Á có
hiện tượng Rodrigo Duterte vì vấn đề tệ nạn ma tuý và vấn nạn ly khai
trong nước không giải quyết được, và đồng thời vì nhiều lý do khác nữa
nên đang muốn bỏ Mỹ để đi với Trung Quốc – Nga; trong ASEAN cũng có
những biểu hiện xoay trục – rõ nhất là qua những vấn đề liên quan đến
Biển Đông, có thể vì chiến lược xoay trục của Mỹ quá yếu trong khi bành
trướng ảnh hưởng của Trung Quốc gần như là bất khả kháng.
Những hiện tượng tương tự như vậy của chủ nghĩa dân tuý cũng đã xuất hiện ở một số nước châu Mỹ Latinh.
Đáng lo ngại cho EU là tại Pháp có hiện tượng Marine Le Pen với Mặt
trận Dân tộc (FN), đang công khai đi theo những quan điểm của Pétain
xưa kia (trong đó có vấn đề bỏ đồng minh để hợp tác với Đức Quốc xã. FN
đang tìm mọi cách nhảy vào nắm chính quyền trong cuộc bầu cử tới ở
Pháp. Tại nhiều nước EU khác cũng bắt đầu xuất hiện những hiện tượng
của chủ nghĩa dân tuý rất nhạy cảm. Báo chí phương Tây mô tả đó là xu
thế “
exit” (ví dụ như Brexit – tạm gọi là xu thế
ra đi”),
mà động lực cốt lõi vẫn là quan điểm lợi ích quốc gia trên hết – như là một hệ luỵ của quá trình toàn cầu hoá.
Trên thực tế hiện tượng
exit đang nở rộ thành phong trào, được đặt cho cái tên “
mùa thu của những người châu Âu yêu nước”… Thậm chí đã có những dự báo sau Brexit có thể sẽ là
Francit, hoặc nguy cơ EU tách đôi: một mảng do Đức cầm đầu, mảng kia do Pháp…
(4) Chấn động Mỹ. Sự phát triển của Mỹ trong những thập niên
toàn cầu hoá gần đây, cùng với những tác động đối nội và đối ngoại của
quá trình này và những hệ luỵ tất yếu, cuối cùng đã tạo nên cơn sốc
ngay trong lòng nước Mỹ (đến mức nước Mỹ cũng phải quẫy lên – bài 1).
Vì là chấn động của siêu cường số 1, nên nó đã tạo ra cú sốc toàn cầu hôm nay.
Phân tích sâu hơn, có thể nói chấn động Mỹ – hay là hiện tượng Trump – bắt nguồn từ những nguyên do sau đây:
– Sự bất mãn của các tầng lớp và các nhóm dân cư Mỹ phải trả giá cho
những bất cập của quá trình toàn cầu hoá; nhiều giá trị và quan điểm
chiến lược của chính nước Mỹ bị quá trình toàn cầu hoá thách thức
nghiêm trọng – nhiều lúc được mô tả là rối loạn, suy tàn..,
– tâm trạng trong lòng nước Mỹ cho rằng Mỹ đang tạo ra ấn tượng
thoái lui (retreat) trong chiến lược toàn cầu do những giải pháp nửa vời hoặc chưa đủ cứng rắn suốt 8 năm Obama,
– vấn đề Frankenstein Trung Quốc chưa có giải pháp, sự bế tắc của tình
hình Syrie với sự tham gia của Nga làm cho các vấn đề ở Trung Đông nan
giải hơn,
– sự ỷ lại vào cái ô bảo trợ Mỹ của NATO, của nhiều đồng minh và các
liên minh khác trở thành gánh nặng ngày càng không kham nổi đối với Mỹ,
hạn chế Mỹ tập trung vào những ưu tiên của riêng mình, và ngày càng đẻ
ra cho Mỹ những thách thức mới, giữa lúc trên thế giới xuất hiện ngày
càng nhiều vấn đề nóng.
– Vân vân.
Đáng chú ý
chấn động Mỹ xảy ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ 8 năm
thời Obama là nền kinh tế khoẻ mạnh nhất trên thế giới – với nghĩa ổn
định và bền vững hơn so với hầu hết các cường quốc công nghiệp khác
(xếp thứ hai là kinh tế Đức). Song Mỹ vẫn phải
quẫy lên như vậy, chứng tỏ chấn động này là không cưỡng nổi, tạo ra mảnh đất giúp Trump thắng cử với khẩu hiệu trung tâm “
We make America great again!”, đồng thời dấy lên cao điểm chưa từng có của
chủ nghĩa dân tuý mới ở Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới II.
Sau chiến tranh thế giới II, nước Mỹ từng có những chấn động lớn trong
nước, thường xuất phát từ những nguyên nhân bên ngoài. Có một số chấn
động lớn xuất phát từ những nguyên nhân trong nước – điển hình như
phong trào của người Mỹ gốc Phi đòi quyền bình đẳng và xoá nạn phân
biệt chủng tộc với nhân vât thần tượng Martin Luther King, đấy thường
là những chấn động thúc đẩy xu thế tiến bộ ở Mỹ. Cú sốc Trump có thể
được coi là một chấn động từ bên trong, nhưng lần này là làm phân hoá
nước Mỹ, đánh dấu một suy yếu mới của Mỹ, đồng thời cũng phản ánh một
đặc tính Mỹ: luôn quẫy lên để tìm lối ra.
II. Hai kết luận sơ bộ có thể rút ra sau cú sốc toàn cầu
Nhiều học giả Mỹ và trên thế giới cho rằng còn khó đoán tổng thống đắc
nhiệm thứ 45 của Mỹ sẽ làm gì cho đến khi chính quyền Trump chính thức
đi vào hoạt động. Song đều có nhận định chung: Trước mắt Mỹ có một thời
kỳ chưa biết kéo dài bao lâu chứa đựng nhiều bất định, kéo theo nhiều
tác động toàn cầu.
Tuy nhiên, thể rút ra kết luận đầu tiên:
Sau chiến tranh thế giới II, cục diện quốc tế bước sang một trang mới
với sự ra đời của một trật tự mới khác hẳn so với trước. Mô tả theo
quan điểm tập hợp lực lượng, đó là sự hình thành một thế giới gồm chủ
nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và phong trào độc lập dân tộc. Hồi ấy
ngôn ngữ chính thống của “phe ta” gọi trật tự ấy là
thế giới của hai phe bốn mâu thuẫn.
Thế giới đã sang trang hôm nay không xuất xứ từ những nguyên do chiến
tranh, mà là do quá trình phát triển năng động và thịnh vượng nhất cho
đến nay của toàn cầu hoá kinh tế thế giới 3 thập niên sau chiến tranh
lạnh đã tích tụ nhiều vấn đề mới phải giải quyết. Đây là mặt trái của
tấm huân chương. Sự sang trang này diễn ra trong bối cảnh trật tự quốc
tế một siêu đa cường đã chín muồi, với những thách thức truyền thống và
phi truyền thống hoàn toàn mới.
Thế giới sang trang hôm nay làm phá sản moi ý thức hệ và mọi thứ chủ nghĩa, không còn vấn đề “
Ai phải lựa chọn phe nào?”;
nhưng lại đặt ra không thể tránh né cho mọi quốc gia – hầu như không
có ngoại lệ, dù là Mỹ hay là bất kỳ một nước đang phát triển nào – câu
hỏi nguyên thuỷ vốn mang tính
mất / còn. Khác chăng là hôm nay câu hỏi nguyên thuỷ này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong lịch sử đương đại.
Đó là:
– “
Quốc gia hôm nay phải được phát triển như thế nào, cùng đi với cả thế giới ra sao để tồn tại và phát triển?”, – tất yếu dẫn tới câu hỏi tiếp theo: “
Làm gì, làm thế nào để có được nội lực quốc gia đáp ứng được thách thức mới này?”
Trả lời được câu hỏi
mất / còn nguyên thuỷ nhưng hôm nay trở nên vô cùng cấp thiết này, sẽ dẫn tới kết luận:
Sức mạnh nội lực quốc gia và ý chí dân tộc là yếu tố quyết định trong thế giới sang trang.
Đặc biệt là trong thế giới hôm nay, sẽ không thể nào phát huy được nội
lực quốc gia, nếu không thông qua hội nhập sâu sộng vào sự vận động của
thế giới trong quá trình toàn cầu hoá đang tiếp tục phát triển không
ngừng nghỉ, song hiển nhiên với những phương thức mới và đòi hỏi mới.
Thành tựu đạt được của mọi quốc gia trên con đường toàn cầu hoá 3 thập
niên vừa qua khẳng định: Trong thời đại toàn cầu hoá, con đường giải
phóng nội lực, đồng thời tạo ra khả năng cùng dấn thân cho những đòi
hỏi chung của cả thế giới để giành thắng lợi, đó là
con đường dân tộc và dân chủ[2], nhưng hôm nay đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng con người và thể chế vận hành quốc gia. Đây có lẽ là kết luận quan trọng nhất cho nước ta trong tình hình thế giới đã sang trang hôm nay.
Kết luận 2: Cục diện Châu Á Thái Bình Dương trở nên nóng hơn, đặc
biết tại địa bàn Biển Đông có thể xẩy ra những đụng độ quyết liệt nếu
Trung Quốc không bị kiềm chế thoả đáng.
Cùng với quá trình phát triển manh mẽ của toàn cầu hoá, Châu Á Thái
Bình Dương từ vài thập kỷ nay đang ngày càng trở thành khu vực phát
triển năng động nhất của thế giới. Trong cục diện thế giới mới hôm nay,
Châu Á Thái Bình Dương càng nổi lên là trận địa chính tranh giành ảnh
hưởng Mỹ – Trung và chi phối sâu sắc bàn cờ thế giới.
Trong tranh cử, Trump đã làm nổi bật sự thật: Đối thủ hàng đầu đang gây
cho Mỹ nhiều thách thức lớn là Trung Quốc trên các phương diện kinh
tế, chính trị và trong các vấn đề toàn cầu, đang trực tiếp uy hiếp mạnh
nhất vị thế của Mỹ. Nội dung tranh cử cũng cho thấy Trump đặt Nga là
đối thủ số 2, và đã nêu ra hướng cùng hợp tác giải quyết một số vấn đề –
trước hết ở châu Âu và Bắc Phi. Nếu nhìn vào những mối nguy tiềm tàng
của liên kết Nga – Trung (còn được mô tả là cuộc hôn nhân bất đắc dỹ)
đang diễn ra, càng thấy rõ Trump không muốn để liên kết bất đắc dỹ này
thành mối nguy lớn, và Mỹ càng không thể coi nhẹ trận địa Châu Á Thái
Bình Dương.
Để xem rồi đây giữa nói và làm sẽ khác nhau như thế nào, song những phê
phán gay gay gắt của Trump về thương mại của Trung Quốc với Mỹ, và
việc tuyên bố tăng cường lực lượng hải quân, ít nhiều hé ra những gì
Trump có thể sẽ làm với Trung Quốc.
Gần đây nhất, một biểu hiện mới nữa trong thái độ đối với Trung Quốc –
ngày 3-12-2016, Trump đã phá lệ và trở thành tổng thống đầu tiên kể từ
thời Carter nói chuyện (điện đàm) với tổng thống Đài Loan. Cuộc điện
đàm này do phía Đài Loan lobby và chỉ mang tính xã giao, nhưng đã đụng
chạm thẳng vào vấn đề cốt lõi trong quan hệ Mỹ – Trung: “quy chế một
nước Trung Quốc”. Trung Quốc đã có phản đối chính thức của Bộ Ngoại
giao. Mặc dù Trump đã nói sẽ rút khỏi TPP, song hiển nhiên Trump đang
tiếp cận vấn đề Trung Quốc khác với Obama (bị Trump phê phán là bạc
nhược). Trước sự chỉ trích của một số chính khách và nhà báo Mỹ về cuộc
điện đàm này, nhóm cố vấn của Trump giải thích: Trump hoàn toàn biết
ông ta nói gì (ý nói không hớ hênh và hiểu sự nhậy cảm của vấn đề) và
bình luân: Làm như Trump tác dụng sẽ còn mạnh hơn những gì thời Obama
đã làm cho xoay trục (pivot)! Phản ứng của báo chí Trung Quốc sục sôi:
Điện đàm này là một trò tiểu sảo, chỉ tạo dịp cho Mỹ sẽ được nếm sức
mạnh của Trung Quốc!.. Ngày 05-12-16 Trump lại tiếp tục phê phán, đại
ý: Trung Quốc có hỏi ý kiến Mỹ việc giữ tỷ giá thấp đồng tiền của họ,
đánh thuế cao hàng Mỹ vào Trung Quốc, xây dựng các căn cứ quân sự giữa
lòng Biển Đông không? Làm như thế có được không?..
Nghĩa là Trump vẫn rắn lên. Song vẫn phải chờ trong hành động rồi mới
rõ được giữa Mỹ và Trung Quốc ai sẽ là hổ giấy trong chuyện này. Dư
luận cũng rất chú ý Kissinger lúc này đang thăm Trung Quốc (từ
03-12-2016).
Thực tế đang diễn ra là: Từ thời Giang Trạch Dân đến nay, Trung quốc đã
triệt để khai thác 4 yếu tố có lợi thế lớn để khẳng định quyền lực của
mình tại Biển Đông và bành trướng ảnh hưởng trên thế giới. Đó là:
thời gian, ưu thế tại chỗ, sức mạnh mềm, sự nhân nhượng của đối phương.
Hôm nay Trung Quốc đã giành được lợi thế áp đảo và thách thức trực tiếp
các nước trong khu vực, uy hiếp con đường hàng hải huyết mạch Malacca,
đã lên tiếng muốn Mỹ chia đôi Thái Bình Dương. Đồng thời Trung Quốc đã
xúc tiến được những bước quan trọng chiến lược “một vành đai, một con
đường” với cái tên con đường tơ lụa Trung Quốc. Đặc biệt Trung Quốc
ngày nay trở thành thị trường xuất khẩu rất quan trọng không thể thiếu
đối với tất cả các nền kinh tế lớn – kể cả Mỹ.
Tóm lại, trong vòng 3 thâp kỳ kể từ thời Giang Trạch Dân, Trung Quốc từ
cường quốc thứ 5 đã bước lên cường quốc thứ hai sau Mỹ, trực tiếp uy
hiếp vị thế của Mỹ; tranh chấp Mỹ – Trung trở thành nhân tố chính chi
phối bàn cờ thế giới hôm nay. Sự phát triển này của Trung Quốc ngoài
những nguyên nhân tự thân, còn có 2 nguyên nhân bên ngoài quan trọng
khác:
(a) Bằng mọi thủ đoạn và hầu như bằng mọi giá, Trung Quốc đã khai thác
tối đa mọi cơ hội vơ vét làm giầu trong quá trình tham gia toàn cầu
hoá,
(b) tận dụng mọi sai lầm và các nhân nhượng của phía Mỹ nói riêng và cả thế giới phuơng Tây nói chung.
Không phải ngẫu nhiên trong giúp Trump tranh cử, nhóm cố vấn đã nêu ra:
Không thể chấp nhận Trung Quốc đang thách thức cả thế giới mà hôm nay
vẫn cứ hưởng mọi quy chế dành cho nước đang phát triển!
Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu, Obama đã tìm cách kiềm chế qúa
trình phát triển nói trên của Trung Quốc với dự án hợp tác Mỹ Trung G2.
Nhưng kết quả đạt được là: Không có G2, Trung Quốc năm vào cuối cùng
của chính quyền Obama đã mạnh thêm nhiều so với cách đây 8 năm, hiếu
chiến hơn, lấn thêm được những bước mới quan trọng, và ngày nay thách
thức Mỹ quyết liệt hơn.
Trung Quốc hiện nay tuy ngày càng nhiều khó khăn nghiêm trọng bên trong
(hai chục năm nay liên tục có những dự báo về sự sụp đổ của Trung Quốc
mà chưa thấy đổ!), vấp phải không ít phản ứng của bên ngoài. Song
trong thế giới đang phân hoá thành những cực khác nhau, 8 năm Obama vừa
qua cho thấy sự uy hiếp của Trung Quốc vẫn đang tiến triển, hoặc chưa
thấy xuất hiện những yếu tố nào có thể chặn lại sự tiến triển này.
Cách tiếp cận quyết liệt của Trump phải chăng cho thấy Trump muốn thay đổi thực tế nói trên trước khi quá muộn?
Tuy một ngày không xa kinh tế Trung Quốc sẽ có quy mô lớn hơn Mỹ, nhưng
khoảng cách phát triển của Trung Quốc so với Mỹ và phương Tây còn lớn.
Có những dự báo cho rằng còn một thời gian nhất định nữa Trung Quốc
không thể thách thức Mỹ trong chiến tranh lớn, và cả Mỹ và Trung Quốc
cũng đều tránh nguy cơ đối đầu nhau trực tiếp. Song 8 năm thời Obama
còn cho thấy Trung Quốc thường xuyên sử dụng thế mạnh áp đảo tại chỗ,
liên tục thực hiện được những bước nhỏ có tính toán trong khu vực Biển
Đông mỗi khi có cơ hội hoặc tình hình đòi hỏi.
Có thể dự báo quan hệ Mỹ – Trung thời Trump sẽ nóng lên trên mặt trận
tranh chấp kinh tế. Mỗi bên đều có những “võ” ăn miếng trả miếng nhau,
khó mà nói rằng bên nào sẽ nuốt chửng ngay được bên nào – ít nhất vì
các lý do:
– Sự lệ thuộc của Mỹ vào thị trường Trung Quốc không nhỏ, hầu hết các
nước phương Tây khác cũng như vậy, việc tập hợp đồng minh cho mình của
mỗi bên Mỹ – Trung trên trận địa này rất phức tạp, tính nguy hiểm của
quyền lực mềm gia tăng (hiện tượng Duterte là ví dụ điển hình);
- không thể một sớm một chiều thực hiện những chiến lược kinh tế có tính đảo ngược – ví như từ outsourcing quay trở lại reshoring;
- trong toàn cầu hoá ngày nay các biện pháp của chủ nghĩa bảo hộ càng khó chống lại sự vận động của các quy luật kinh tế…
- khả năng ăn miếng trả miếng nhau rất năng động: Trump rút TPP, ngay
lập tức tại hội nghị cấp cao APEC 11-2016 (Peru) Tập Cận Bình tuyên
bố: Trung Quốc là cơ hội cho thế giới, đưa ra đề nghị lập Khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Trung Quốc cũng đã ướm với phía Mỹ mô hình G2, nhưng theo cách nghĩ của Trung Quốc…
Đương nhiên mặt trận tranh chấp kinh tế Mỹ – Trung này còn tuỳ thuộc
vào những diễn biến tới trên thế giới, sẽ cuốn hút sự can dự hay dính
líu của nhiều nước khác trong và ngoài Châu Á Thái Bình Dương với tính
cách là
nước đi với một bên, hoặc với tính cách là
nước bên thứ ba.
Như vẫn thường xuyên diễn ra trong trò chơi tranh giành quyền lực, một
khi mỗi bên Mỹ – Trung phải huy động các biện pháp phụ trợ khác hậu
thuẫn cho mặt trận tranh chấp kinh tế này của mình hôm nay, khu vực Biển
Đông vốn rất nhạy cảm hiện nay lại được nhận thêm một tia lửa kích
hoạt mới – trước hết bởi hai lẽ:
(1) dựa vào thế áp đảo tại đây, Trung Quốc có những khả năng trả đũa khả thi hơn ở những nơi khác;
(2) một sơ xuất, hoặc một bước lùi dù chiến lược hay chiến thuật của Mỹ tại đây đều có hệ quả nghiêm trọng.
Tới đây có thể kết luận một cách chắc chắn: Trump tiếp cận vấn đề Trung Quốc quyết liệt hơn Obama.
Tuy nhiên, vẫn còn một nghi vấn lớn:
– Tiếp cận này báo hiệu một bước đi chiến lược? Hay đây chỉ là việc
Trump dọn dẹp đường xá, tạo thế cho một chiến lược? Bởi vì trong bàn cờ
mới của Trump vẫn không thể thiếu Trung Quốc. Vả lại, trong giới giang
hồ thường phải bạt tai nhau vài cái rồi mới nói chuyện – đấy là cách
cư xử vẫn thấy.
Dù thế nào, liên quan đến nước ta, có thể nói ngay: Đông Nam Á và trước
hết là Biển Đông đang nóng lên – cả kinh tế, chính trị, quân sự.
III. Phần kết: Trump/Kissinger và thế giới
Hiện tượng Trump là cú sốc đánh dấu thế giới sang trang đi vào một thời
kỳ vận động mới. Bài 1 đã đưa ra 5 đặc điểm của thời kỳ mới này như
một phán đoán để tham khảo. Còn nhiều điều phải tìm hiểu nội dung sang
trang. Chưa ai biết Kissinger đã cố vấn cho Trump những gì trong các
cuộc gặp gần đây. Song giữa những gì Kissinger đã viết ra trong World
Order (2014) và những phát biểu của Trump tranh cử hình như có một sắc
thái giống nhau:
sắp xếp lai bàn cờ thế giới, thay đổi luật chơi, tất cả vì sức mạnh Mỹ trên hết! – dù rằng họ có thể hiểu theo cách khác nhau.
Theo Niall Ferguson (American Interest 21-11-2016), Kissinger cho rẳng:
- Quyền lực đang chuyển dịch từ Tây sang Đông trong một thế giới có
những hỗn loạn mới, lợi ích của Mỹ là phải tìm cách tăng cường sức mạnh
thật, chứ không phải là giương cao ngọn cờ đạo lý. Vì thế phải hành
động thực tế và cứng rắn. Đặt vấn đề như vậy, Kisinger ngưỡng mộ một
chuẩn mực của tổng thống Theodor Roosevelt – người đã nói và làm: “Nếu
phải lựa chọn giữa một bên là thép và máu, một bên là sữa và nước lã,
tôi thà chọn thép và máu, bởi vì điều đó tốt cho Mỹ, và về lâu dài cũng
là cho cả thế giới!”
- Bởi không nhận ra đặc điểm mới nói trên, chính giới Mỹ nói chung
(cả Cộng Hoà và Dân Chủ) và chính quyền Obama nói riêng cứ bám vào đạo
lý, nên đã thất bại toàn diện. Hệ quả: (1) làm hỏng (deteriorate) quan
hệ Mỹ – Trung và dễ rơi vào cái bẫy Thucydides; (2) phá vỡ quan hệ Nga –
phương Tây; (3) Âu châu tiếp tục rệu rã, ngoại giao không có sức mạnh
làm hậu thuẫn, xảy ra Brexit, NATO kém cỏi; (4) không giải quyết được
các vấn đề ở Trung Đông, trong khi đó nạn khủng bố ngày càng gia tăng,
đặc biệt là thời Obama.
- Sự vận động của lịch sử và văn hoá trong thế giới đang chuyển dịch
như nói trên, sẽ tạo ra một trật tự thế giới của sự vận động 3 quyền
lực Mỹ, Trung Quốc, Nga chi phối thế giới; vì vậy Mỹ nên cùng
với những quyền lực này lập ra cho thế giới một trật tự của một loại
hình bộ ba (a tripartite arrangement) Mỹ – Trung – Nga do Mỹ dẫn đầu.
Lý giải như vậy, Kissinger (a) xếp châu Âu và tất cả những đồng minh
khác theo các giá trị westphalian (các giá trị phương Tây và Cơ đốc
giáo hiện nay – bao gồm EU, Canada, Úc, Nhật…) chỉ là những lực lượng
đứng trong cánh gà của Mỹ, (b)chủ trương phân chia thế giới Hồi giáo
thành những nước nhỏ dưới sự ảnh hưởng của một số nước nổi bật và
Israel, và còn coi đây là cách hạn chế hữu hiệu nhất thiết phải thực
hiện đối với Iran.
- Không đối đầu toàn lực với Trung Quốc dù là trong thương mại hay
trong vấn đề Biển Đông, mà nên thương thuyết toàn diện (comprehensive
discussion) nhằm đối thoại và cùng phát triển. Để thuyết phục Trump,
Kissinger cho rằng Tập là người có tính nguyên tắc (regularly) và khác
Mao; khuyên Trump đặt mình vào vị trí của Tập sẽ rõ mọi chuyện.
- Nên coi Nga thời hậu đế chế với Putin đứng đầu là một quyền lực lớn (great power) và cần đối sử bình đẳng, chứ không phải là một đối tác phụ thuộc.
- Nên tận dụng Brexit kéo châu Âu ra khỏi trạng thái hướng nội quan
liêu (burocratic introspection) và đòi họ phải tăng cường trách nhiệm
chiến lược.
- Nên giải quyết vấn đề Syrie theo hướng liên bang hoá như đã làm với
Bosnia, tận dụng xu thế chống Iran và chống ISIS theo hướng phân chia
nhỏ châu Phi (kantonization – thành các nước nhỏ) như vừa nêu trên.
Chưa rõ Trump sẽ nghe Kissinger đến đâu, song trong những phát biểu của
Trump về Nga, về Châu Âu, về NATO… rõ ràng có hơi hướng Kissinger.
Riêng các phát biểu của Trump về Trung Quốc còn đầy ngờ vực – vì có thể
Trump “nói dzậy mà không phải dzậy!”, hoặc là nói nhiều làm ít. Cũng
có thể còn vì Trung Quốc là vấn đề khó, v… v…
Giới trí thức Mỹ phê phán gay gắt cả Kissinger và Trump, coi hiện tượng
Trump ở Mỹ và các hiện tượng mang mầu sắc dân tuý châu Âu (bao gồm cả
Brexit) là các biểu hiện suy đồi (decay) của trào lưu tiến bộ, là một
bước thụt lùi của dân chủ, gây thêm những bất ổn định mới trên thế
giới, cho rằng tình hình này nguy hiểm cho các nước nhỏ yếu: nguy cơ bị
bỏ rơi và bị giành giật trong trò chơi quyền lực mới trên thế giới,
giữa lúc các nước phát triển có xu hướng chỉ quan tâm trên hết đến lợi
ích quốc gia của chính mình, thân ai nấy lo…
Xin nhắc lại, không phải vô lý nhiều học giả Mỹ cho rằng với Trump nước
Mỹ và thế giới đang bước vào một thời kỳ có nhiều bất định và chưa
biết được nó kéo dài bao lâu.
Điều chắc chắn là sự vận động và phát triển của kinh tế khiến cho quá
trình toàn cầu hoá hiện nay không thể đảo ngược được, mặc dù nhiều luật
chơi phải thay đổi, buộc người tham gia cuộc chơi phải thay đổi và
thích nghi.
Riêng những điều Kissinger khuyên Trump về Trung Quốc, khiến người Việt
Nam nhớ lại tâm trạng bị thí và thảm kịch đẫm máu đã xẩy ra sau Thông
cáo chung Thượng Hải năm 1972: Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và trên
toàn chiến trường Đông Dương bước vào thời kỳ ác liệt nhất – tới mức
hôm nay,
nhân dịp Kissinger xuất hiện trở lại trên diễn đàn chính trị, một số ý
kiến ở Mỹ muốn quy kết Kissinger là tội phạm chiến tranh. Rồi sau đó
là chiến tranh 17-02-1979 của Trung Quốc ập tới nước ta, vào lúc khói
bom đạn của chiến tranh Mỹ vừa tắt.
(Dự định sẽ còn bài/các bài tiếp theo)
Nguyễn Trung
Viet-studiesNguồn: http://www.vanews.org/2016/12/the-gioi-sang-trang-va-nhung-van-e-at.html
10.837. Hiện tượng Trump và Việt Nam
“Nhân dân cả nước, dù là trong Đảng hay ngoài
Đảng, dù là trong hay ngoài bộ máy nhà nước, dù sống trong nước hay ở
nước ngoài, nên đứng lên đồng thanh đòi hỏi Đảng – trước hết là lãnh đạo
Đảng – chọn câu trả lời đúng, thực hiện câu trả lời đúng, sẵn sàng hết
lòng giúp Đảng làm được trách nhiệm ràng buộc này, đồng lòng đi với Đảng
vì sứ mệnh này, bảo vệ Đảng trong thực hiện sự nghiệp này!
Tôi nghĩ rằng mình không mù trước những gì đã và đang xảy ra trên
con đường của đất nước ba thập niên vừa qua và đang tiếp tục xảy ra
ngày càng nghiêm trọng hơn hôm nay, tôi cũng không điếc để nghe những
điều đau lòng phải nghe. Chính vì vậy, xin đừng vội quy kết tôi ảo
tưởng, mà xin tất cả người dân Việt chúng ta hãy can đảm lựa chọn điều
hầu như là không tưởng: Đồng thanh đòi hỏi Đảng phải tìm câu trả lời
đúng cho đất nước lúc này. Xin cả nước quyết nhìn về phía trước thực
hiện sự lựa chọn can đảm này, trước khi buộc phải lựa chọn khác”.
_____
Viet-studies
Nguyễn Trung
Hà Nội, ngày 23-11-2016
Tưởng nhớ anh Võ Văn Kiệt
I. Về hiện tượng Trump
Những ngày này thế giới chìm ngập trong
những làn sóng dồn dập của muôn vàn cảm xúc do cuộc bầu cử ở Mỹ gây ra.
Từ xôn xao, ngạc nhiên, đến kinh ngạc.., trong đó có không biết bao
nhiêu cảm xúc rất cực đoan. Trên thế giới có người lo sốt vó, lại có kẻ
vui mừng múa dao trong bụng… Ngay tại nước Mỹ nhiều nơi thất vọng, coi
đây là thất bại của thế chế dân chủ, có người còn gọi đây chỉ là một
“game” tồi có hại cho nước Mỹ… California có lẽ là bang phản đối quyết
liệt nhất kết quả bầu cử… Tâm trạng phân tán tại Mỹ và sự náo động toàn
cầu là hiệu ứng đầu tiên của sự kiện Donald Trump đắc cử tổng thống thứ
45 của nước Mỹ. Dù cuộc bầu cử này không ít khuyết tật không thể tránh
khỏi như vẫn xảy ra trong bất kỳ một thể chế dân chủ nào ở các nước phát
triển – dù là Mỹ, lần này khá đậm mầu sắc dân tuý, song không phải vô
lý Francis Fukuyama đã ví thắng cử của Trump giống như sự kiện sụp đổ
bức tường Berlin, dẫn tới thời kỳ hậu chiến tranh lạnh.
Hiện tượng Trump – xin được đặt
cho sự kiện này cái tên gọi như vậy cho gọn – hiển nhiên đã dấy lên một
chấn động chính trị toàn cầu, và sẽ dẫn tới cái gì?
Rồi đây, sau khi chấp chính, vô luận
Donald Trump sẽ giữ lời hay phản bội, hoặc nói một đằng làm một nẻo..,
vô luận ông ta thành công hay thất bại, dù hoàn toàn hoặc từng phần
trong thực hiện những cam kết của mình.., thậm chí kể cả nếu vì lý do
nào đấy ông ta giữa đường đứt gánh.., song hầu như chắc chắn hiện tượng Trump sẽ:
– (a) làm biến đổi, xáo động, hay đụng
chạm ở các mức độ khác nhau tới nhiều vấn đề quan trọng trong nội trị và
trong đối ngoại của nước Mỹ. Bởi vì ngoài những yếu tố mỵ dân, có thể
xem Donald Trump thắng cử là kết quả việc ông ta đã xới tung không ít
những vấn đề nan giải của nước Mỹ tích tụ suốt mấy thập niên gần đây;
– (b) với tính cách là cường quốc số 1 đang giữ vai trò dẫn dắt sự vận động và phát triển của thế giới, hiện tượng Trump tự nó mang sẵn trong mình (built in) những tác động toàn cầu ảnh hưởng đến sự vận động của thế giới và các mối quan hệ quốc tế hiện tại.
Cho đến nay, tại nước Mỹ cũng như trên thế giới, đã có nhiều phân tích sắc sảo, có sức thuyết phục câu hỏi tại sao đã xảy ra hiện tượng Trump? Lấy những phân tích ấy bổ sung cho nhau, hy vọng bản chất của sự vật đã được làm sáng tỏ (nhân đây tôi xin cảm ơn viet-studies.net
và anh Trần Hữu Dũng đã cung cấp cho bạn đọc Việt Nam nhiều bài của các
học giả có tên tuổi và các cây bút có hạng của báo chí Mỹ). Một số cây
bút có hạng người Việt sống trong hay ngoài Việt Nam cũng góp phần đáng
kể giúp bạn đọc tiếng Việt thu thập được nhiều lý lẽ có giá trị mổ xẻ
hiện tượng này – trong đó riêng tôi thích thú và đánh giá cao một số bài
viết có chất lượng hay các nhận xét tinh tế của các anh Nguyễn Quang
Dy, Nguyễn Mạnh Hùng, Vũ Quang Việt, Ngô Vĩnh Long… (còn một số bài Việt
khác rất sắc cạnh về chủ đề này, song tôi không quen biết các tác giả
nên không dám nêu danh ở đây). Muốn tiếp tục phân tích hiện tượng Trump,
thiết nghĩ nên tìm đọc tiếp trên mạng – nhất là nhiều người trong chúng
ta không có tiền và điều kiện mua báo chí nước ngoài.
Lĩnh hội những phân tích đào bới được trên mạng như đã trình bầy, tôi chỉ xin thêm 2 ý:
(1) Hiện tượng Trump phản ánh tình huống: Đến như cường quốc số 1 là Mỹ vì nhiều lý do trong/ngoài bây giờ cũng phải quẫy lên trong thế giới hôm nay.
(2) Hiện tượng Trump là cú hích
cuối cùng đẩy thế giới và các mối quan hệ quốc tế hiện tại bước vào một
giai đoạn phát triển khác, tạm gọi là một giai đoạn toàn cầu hoá mới.
Có đúng như vậy không, xin được để ngỏ để bạn đọc bàn luận.
Nếu lực tòng tâm, tôi thực sự muốn viết
cả một quyển sách về 2 ý nói trên, vì tôi tin như thế. Trong các bài
viết những năm gần đây, nhất là trong các bài viết nhân dịp góp ý cho
Đại hội XII của ĐCSVN, tôi đã nhấn mạnh: thế giới đã sang trang, nước ta
cũng buộc phải tìm đường để sang trang. Tôi coi hiện tượng Trump xác
nhận suy nghĩ của mình: Thế giới đã sang trang!
Sách chắc là bây giờ không viết nổi rồi, nên trước mắt chỉ xin nêu vài ý về quẫy lên và sang trang để khiêu khích suy nghĩ và bàn luận.
II. Quẫy lên và cú hích
Gạt sang một bên mọi cảm súc và ý thức
hệ, có thể đọc được ở Trump tranh cử những nỗi đau lớn của nước Mỹ. Xin
diễn giải đại thể dưới đây.
1 – Ngoài những cái giành được, Mỹ cũng đã mất không ít trong khoảng 3 thập niên toàn cầu hoá vừa qua, đồng thời mắc cũng không ít những sai lầm trong hệ thống kinh tế – chính trị của mình.
Chung cuộc, Mỹ đang ngày càng nhỏ đi hay
càng yếu hơn so với những vấn đề và thách thức toàn cầu ngày càng lớn
hơn và phức tạp hơn mà Mỹ đang phải đối mặt. Thực tế này Mỹ không thể
cưỡng lại được. Cứ đọc những phê phán của Trump tranh cử về
những gánh nặng nền kinh tế Mỹ đang phải chịu đựng – nhất là nhiều ngành
nghề ở Mỹ bị xoá sổ, nhiều việc làm mất đi – sự thua thiệt hầu như
không kham nổi của một số tầng lớp lao động (nhất là giới lao động cổ
trắng, giới lao động cổ đỏ [nông dân]…), tình trạng tràn ngập nhiều mặt
hàng nhập khẩu, những vấn đề nổi cộm liên quan đến hàng chục triệu lao
động nhập cư trái phép, tình trạng nhập siêu và nợ ngày càng lớn, những
phát triển thiên lệch (bias) không kiểm soát được (ví dụ: do outsourcing,
do di chuyển lao động, do sự phát triển dân số học, do những mảng bất
cập mới phát sinh trong thể chế Mỹ, do cuộc sống thay đổi rất quyết
liệt, vân vân…) dẫn đến những mất cân đối mới hay là kéo theo sự lạc hậu
mới của Mỹ – rõ nhất là trong lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm y tế…)… Các
định chế quốc tế / khu vực hiện hành ngày càng có nhiều lỗ hổng hoặc bất
cập mới, vì đã bị thực tế quyết liệt và phức tạp của quá trình toàn cầu
hoá hiện nay vượt qua. Nạn ăn cắp bản quyền, tin tặc, chiến tranh mạng,
vấn đề khủng bố và nạn IS, nạn di tản… hầu như đến nay chưa có lời
giải. Còn nhiều chuyện đau đầu khác nữa… Song cam go nhất là câu chuyện:
Mỹ nói riêng với tư cách là cường quốc số 1 và cả thế giới nói chung
cho đến nay chưa có đối sách gì có thể kiểm soát hữu hiệu con quái vật Frankenstein Trung Quốc (tên
gọi do Nixon đặt ra). Tên “Frankenstein” này đang ngày càng trở thành
vấn đề của cả thế giới, đồng thời trực tiếp thách thức Mỹ ngày càng
quyết liệt. Bằng cả quyền lực rắn và mềm, nó đang lũng đoạn ngày càng
nghiêm trọng nhiều mảng kinh tế, chính trị, an ninh… trong đời sống quốc
tế, tác động vào vị thế của Mỹ. Lại trong bối cảnh trên thế giới ngày
càng nóng lên nhiều vấn đề truyền thống hoặc phi truyền thống ở tầm vóc
toàn cầu.
2 – Trump tranh cử đã vạch ra không ít
vấn đề nội trị “bất ổn” đến nay Mỹ chưa có cách gì tránh được trong quá
trình phát triển của những thập niên quyết liệt gần đây. Mọi thể chế hay
chủ trương, chính sách, các “bài thuốc”… có được dù hiệu quả đến đâu
cũng chỉ có thể vận dụng trôi chẩy được trong một thời kỳ nhất định rồi
lại hết tác dụng. Các vấn đề mới lại xuất hiện, lại phải cải cách, phải
tìm đường giải quyết… Hiện tại, có thể gói những bất ổn xảy ra đương
thời trong nội trị Mỹ vào 3 nhóm vấn đề sau đây:
(a) những bất ổn hay xung đột (mâu thuẫn) trong quá trình dân chủ hoá và phát triển diễn ra thường xuyên giữa một bên là những
nhóm người (thuộc nhiều tầng lớp khác nhau) bị tước đoạt nhiều thứ và
không được bảo vệ thoả đáng, hoặc thậm chí bị bỏ rơi (Rowan
Williams, J. E. Stiglitz).., với một bên là các đối thủ của họ (có thể
là giới chủ, có thể là những lớp người có lợi thế nhất định – ví dụ như
lao động giá rẻ của những người nhập cư.., hàng nhập khẩu, những hệ quả
của vấn đề outsourcing, những thể chế hay chính sách tuy có tác dụng
khuyến khích hội nhập, cạnh tranh và xoá bỏ chủ nghĩa bình quân, song
lại không thể bảo vệ thoả đáng những nhóm người kém lợi thế… vân vân –
(vả lại trên đời này khó mà có được giải pháp thần thánh nào có thể làm
được điều kỳ diệu là thoả mãn tất cả.., vạn sự lại phải trông chờ vào
khả năng điều chỉnh thường xuyên của bàn tay thể chế và sự mẫn tiệp của
con người!)… Một số ví dụ dễ thấy: cường quốc số 1 Mỹ cho đến nay vẫn
chưa có cách gì xử lý được các vấn đề như: cá nhân sở hữu vũ khí, bảo
hiểm y tế, bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục, hệ thống thuế khoá lợi
cho nhóm này lại bất lợi cho nhóm kia, khoảng cách chênh lệch
giầu/nghèo gia tăng kèm theo nhiều bất công và bất bình đẳng mới, vân
vân…);
(b) những bất ổn hoặc xung đột giữa một bên là những giá trị nền tảng khởi thuỷ đã lập nên nước Mỹ
– ví dụ như các mối liên kết gia đình, lòng yêu nước Mỹ của tự do, các
giá trị văn hoá của tôn giáo tin lành, các giá trị của văn hoá
Anglo-Saxon với cốt lõi là giải phóng và khai sáng mang đi từ châu Âu và
quyết vứt bỏ lại phía sau tất cả để khởi lập nước Mỹ… với một bên là tác
động ngày càng sâu sắc của những sản phẩm thuộc những giá trị đa văn
hoá mới của chủ nghĩa tự do (bao gồm cả những vấn đề như hôn nhân đồng
tính, vấn đề nạo thai, các vấn đề thuộc phúc lợi xã hội…) và của quá
trình hội nhập toàn cầu. Mỹ được coi là nơi đất lành chim đậu, luôn
mở rộng cánh tay đón chào mọi người từ bốn phương tới lập đời và lập
ngiệp. Đương nhiên, Mỹ cũng phải thường xuyên đối mặt với những bất ổn
hay xung đột giá trị như một hệ luỵ tất yếu ngay trong lòng xã hội mình
(chưa kể tới nạn phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Phi cũng mới
chỉ được giải quyết từ thập kỷ 1960s mà thôi!). Ở nấc thang toàn cầu hoá
hiện nay, những hệ quả này nước Mỹ phải đối mặt rất quyết liệt.., (ví
dụ: vấn đề 11 triệu người nhập cư trái phép và nạn buôn lậu qua biên
giới Mexico, vấn đề lập lại một số ngành nghề đã bị xoá sổ…);
(c) sự bất bình thầm lặng của
những người thuộc nhiều tầng lớp và mầu da khác nhau đã bỏ phiếu cho
Trump. Lý do: Họ không chấp nhận (1) nước Mỹ trên đà suy yếu tiếp so với
vai trò của Mỹ và so với các đối thủ, (2) mối lo nhiều giá trị nền tảng
đã khởi lập nên nước Mỹ đang bị tổn hại – thậm chí một bộ phận quan
trọng trong nhóm này (Mỹ da trắng, nhóm trung lưu…) đang sợ rằng một
ngày nào đó không xa họ sẽ trở thành người thiểu số của nước Mỹ, (3)
quyền lực của giới chính khách Mỹ (political establishment) và của giới
truyền thông đã khống chế quá xa đời sống nước Mỹ đến mức họ không thể
chấp nhận được nữa…
Xin lưu ý:
Cử tri của sự bất bình thầm lặng này chỉ
kém số cử tri bỏ phiếu cho Hillary Clinton khoảng 1 triệu phiếu – nghĩa
là nghiêng ngửa một nửa nước Mỹ, nhưng Trump thắng vì đã giành được số
đại cử tri lớn hơn theo luật bầu cử ấn định. Sự bất bình thầm lặng này
cho rằng 8 năm thời Obama hứa hẹn nhiều, nhưng chưa làm được bao nhiêu,
nội dung tranh cử của H. Clinton thực chất là sự tiếp tục đường mòn
Obama nói riêng và lối tư duy chính thống của giới chính khách Mỹ nói
chung – bao gồm cả Dân Chủ và Cộng Hoà. Họ đòi hỏi nước Mỹ phải sớm thay
đổi mọi mặt từ bên trong.
Mặc dù nhiều chính khách nổi tiếng của
đảng Công Hoà đã bác bỏ kịch liệt ứng cử viên Donald Trump, song họ vẫn
bầu cho ông ta. Bởi lẽ không phải là họ bầu cho đảng Cộng Hoà, mà là bầu
cho đòi hỏi nước Mỹ phải thay đổi. Sống ở nước dân chủ phát triển, thực
tế này cho thấy họ có quyền năng (empowerment) và điều kiện dùng lá
phiếu của mình lựa chọn như vậy. Khó có lý nào để nói họ thích thú con
người ngỗ ngược và bất định của Trump, đành rằng không thể đánh giá thấp
tài mỵ dân mang không ít nội dung chủ nghĩa dân tuý của một nhà kinh
doanh có sỏi trong đầu như Trump. Vì vậy càng khó để nói rằng họ – sự
bất bình thầm lặng này – chịu tác động của các trang mạng xã hội. Đúng
hơn có lẽ nên nói: Qua các trang mạng xã hội họ chứng tỏ là có năng lực
sàng lọc được trắng/đen, vượt qua được áp lực của giới truyền thông, để
qua đó có thể tự tập hợp được nhau lại thành sự bất bình thầm lặng, và
đã làm nên lá phiếu quyết định. Có ý kiến khá xác đáng: Trong cuộc
bầu cử này cả Cộng Hoà và Dân Chủ cũng như giới truyền thông bom tấn của
nước Mỹ đều thua. Sự bất bình thầm lặng đã thắng!].
(d) Hơn nữa, trước sau vẫn phải nói
Trump đánh trúng nhiều nỗi đau của nước Mỹ, đưa ra một loạt quan điểm
mang tính đảo ngược bàn cờ và luật chơi không ít tính thực dụng của một
đại gia kinh doanh lọc lõi, (ví dụ các vấn đề: Mexico, NAFTA, bác bỏ
TPP, xét lại tình trạng outsourcing bằng mọi giá, nêu cải cách hệ thống
thuế, đòi lấy lại việc làm cho nước Mỹ, đặt lại quan hệ căng thẳng với
Nga và một số vấn đề liên quan đến NATO, vạch trần những thiệt hại trong
buôn bán với Trung Quốc, phê phán những cam kết liên minh quá tốn kém
và nhiều tổn thất cho Mỹ…).
3 – Mặc dù Trump chưa nói gì rõ ràng về
chương trình hành động, cũng chưa có giải pháp cụ thể gì cho thực hiện
những cam kết đã nói ra, song Trump đã đặt lên bàn nghị sự của nước Mỹ
những vấn đề đối nội và đối ngoại trọng đại sắp tới phải giải quyết. Tất
cả những vấn đề này đều mang tính chiến lược: Thay đổi sự phát triển của nước Mỹ, xắp xếp lại bàn cờ thế giới, làm lại luật chơi!
Trong tình hình kinh tế thế giới đang
bước vào một thời kỳ khủng hoảng lớn vì phải thay đổi cấu trúc và tìm
hướng phát triển mới, cục diện quốc tế một siêu đa cường đã chín muồi
đang đặt ra nhiều vấn đề lớn nghiêm trọng, những thay đổi có tính chiến lược nói trên
rồi đây nước Mỹ sẽ phải tiến hành – biểu hiện tượng trưng cụ thể là
việc Trump thắng cử – hiển nhiên là một cú hích đẩy sự vận động của thế
giới và các mối quan hệ quốc tế bước vào một thời kỳ toàn cầu hoá mới với 5 đặc điểm:
– khác rất nhiều so với trước (với nghĩa: tiếp tục làm ăn theo quán tính và thói cũ sẽ cám cũng không có mà ăn, hoặc mất cả chì lẫn chài!),
– mang tính quyết liệt hơn trước (sát phạt nhau thẳng thừng – without pardon or any pity!),
– nhiều bất định hơn trước
(ví dụ: Trump tranh cử nói sẵn sàng bỏ qua cho Nga vấn đề Krym có tính
nguyên tắc. Ngày 21-11-2016 Trump nói: trong 100 ngày nhậm chức đầu tiên
sẽ đưa nước Mỹ rút khỏi TPP – một công cụ địa kinh tế địa chính trị
hướng thế giới vào sự phát triển cân bằng và bền vững hơn, bao hàm cả
nội dung hạn chế ảnh hưởng các đối thủ uy hiếp Mỹ, tạo ra tập hợp lực
lượng mới cho dân chủ và tiến bộ… mà triều đại Obama đã mất nhiều công
xây dựng. Về một số việc khác người Mỹ nói thẳng thực tế đang có 2 ông
Trumps – Ari Fleischer. Vân vân…),
– chủ nghĩa dân tộc trở nên đậm nét hơn – trong trường hợp nhất định không loại trừ tính cực đoan
(nổi bật là các hiện tượng “giấc mộng Trung Hoa” thời Tập Cận Bình,
“Putinism”, “Brexit”, “Duterte”; hiện tượng gần đây “xoay trục” khỏi
liên minh của một số nước Đông Âu hướng về Nga và của một số nước thành
viên ASEAN hướng về Trung Quốc; hiện tại người ta đã nói đến “Trumpism”
(Nguyễn Quang Dy)…
– đặc biệt là khu vực Châu Á –
Thái Bình Dương nói chung và vùng Biển Đông nói riêng hội tụ nhiều mối
quan hệ và mâu thuẫn có tính chiến lược tòan cầu của những tập hợp lực
lượng của các nước lớn, trước hết là của 2 đối thủ chính của nhau chi
phối bàn cờ thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra sự phát triển của cục diện quốc tế hiện nay còn có hai cụm vấn đề cần chú ý sau đây:
– Các sự kiện Krym, Nga leo thang chiến
tranh ở Syrie, những căng thẳng Nga – NATO tại vùng Ukraina và Balcan,
những hiện tượng Trung Quốc leo thang quân sự trên Biển Đông và biển Hoa
Đông, những nguy cơ đụng độ quân sự Mỹ – Trung trên biển Đông, những
cuộc chiến của IS với sự tham gia chồng chéo của nhiều bên khác nhau… –
đấy là những sự kiện khẳng định chiến tranh lạnh II đang diễn ra. Sự
thực là đã có lúc Biển Đông bị đẩy rất gần đến miệng hố chiến tranh (sự
kiện HD 981), đã có không ít tiếng nói về nguy cơ chiến tranh thế giới
III. Đặc biệt là vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến vận mệnh của
Việt Nam, rất nhạy cảm, và thách thức rất quyết liệt.
– Tạm gác mọi suy đoán tương lai
sang một bên đến sau 100 ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Trump sẽ
hay. Nhưnng ngay bây giờ có thể nhận định: Nước Mỹ thời Trump có thể sẽ rơi vào chủ nghĩa biệt lập, hoặc lựa chọn con đường diều hâu, hoặc biệt lập đối với lợi ích xa (trước hết với nghĩa chỉ thực hiện những cam kết rất chọn lọc) và diều hâu
đối với lợi ích gần (liên quan đến những vấn đề sống còn, quyền lực và
vị thế chiến lược của Mỹ), hoặc Mỹ có thể có những lựa chọn khác, vân
vân… Song vô luận kịch bản nào xảy ra cũng đều có thể dẫn đến những hệ
luỵ thậm chí có khi rất nghiêm trọng đối với các nước bên thứ 3 – bởi vì
khoảng trống nào (vacuum) cũng luôn luôn là đối tượng không tha của
tranh giành quyền lực (game of thrones). Thực tế này trong mọi diễn biến
khác nhau của các mối quan hệ song phương hoặc đa phương của bộ 3 Mỹ –
Trung – Nga đòi hỏi hơn bao giờ hết các nước bên thứ 3 phải có
sức mạnh và bản lĩnh cần thiết cho phép tỉnh táo đứng vững trên đôi chân
của chính mình và tự bảo vệ được mình. Không làm được như vậy,
các nước bên thứ 3 sẽ khó thoát khỏi số phận là nạn nhân hoặc con mồi
của các bên tranh chấp. Ukraina là một ví dụ điển hình.
Trở lại nước Mỹ. “Chúng ta
đã trở nên lố bịch trước chính bản thân lẫn lịch sử của mình. Khi đồng
minh không tin tưởng bạn, kẻ thù không nể sợ bạn, thì bạn không còn chút
tín nhiệm nào nữa đối với thế giới...” Trump đã nói thẳng với nước Mỹ như vậy và kêu gọi “We make America great again!”.
Thực tế Trump đã đặt lên bàn nghị sự của
nước Mỹ nhiều vấn đề quan trọng phải thay đổi – dù khả thi hay không
khả thi, dù có thể hay không thể có giải pháp…
Rồi đây có hoặc không có Trump, với cuộc bầu cử này nước Mỹ tự chính nó đã bắt đầu lao vào một thời kỳ thay đổi quyết liệt mới.
Nước Mỹ là như vậy. Vì sống còn ở vị thế cường quốc số 1, nó đã luôn
phải quẫy lên như vậy tại mỗi bước ngoặt quyết định. Cuộc bầu cử cho
thấy hôm nay cũng thế.
Nước Mỹ có lẽ sẽ không ít sóng gió trong
những năm tới do phải vật lộn với nhiều vấn đề trong/ngoài mang tính
chiến lược. Cũng không loại trừ nước Mỹ (hay là nền dân chủ Mỹ?) nhất
thời sẽ phải trả cái giá nào đó, nhất là trong trường hợp câu chuyện
Trump nếu cuối cùng chỉ còn lại là một “game
tồi” mà diễn viên chính là tổng thống Donald Trump có quá nhiều cá tính.
Bởi vì thế giới có không ít rủi ro (ví dụ vấn đề Bắc Triều Tiên trong
bối cảnh đang xảy ra khủng hoảng chính trị hiện nay ở Hàn Quốc liên quan
đến tổng thống nước này), và Mỹ có cũng không ít vấn đề bất khả thi,
nên mỗi nước bên thứ 3 hữu quan như Việt Nam ta phải tính toán mọi bề để
khỏi bị bất ngờ. Như là một định luật vĩnh hằng, bài toán nào được đặt
ra cũng đều đòi hỏi nước bên thứ 3 phải tự cứu mình trước khi trời cứu!
Song nhiều cuộc khủng hoảng trầm trọng nước Mỹ đã trải qua trong lịch sử và sức sống hiện tại của Mỹ cho phép khẳng định:
– Tầu lớn đâu có kiêng gì sóng cả.
Dù có thể xảy ra những chao đảo nhất thời, chắc chắn trong vài thập kỷ
tới cường quốc số 1 Mỹ sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tích cực hoặc
tiêu cực với toàn cầu, vẫn cuốn hút cả thế giới.
– Các nước bên thứ 3 trong bối cảnh
của thế giới và của nước Mỹ nhiều biến động sâu rộng và vận động rất
năng động hôm nay nên và hoàn toàn có thể từ phát huy sức mạnh nội tại
của mình tranh thủ cơ hội tự khẳng định và bảo vệ chính mình – đây là
con đường sống và phát triển. Vì vậy, dấy lên sự đoàn kết của các nước
bên thứ 3 là một sức mạnh nhất thiết phải chủ động tạo ra trong cục diện
thế giới đã sang trang. Tại sao không dám mơ ước và phấn đấu tạo ra quyền lực các nước bên thứ 3
trên bình diện quốc tế hôm nay để tự bảo vệ mình và phát triển? Mỗi
nước bên thứ 3 là một động lực thì có thể làm được, và trên đời này
không thể sống bằng “free lunch”!
III. Kết luận: Trong thế giới hôm nay Việt Nam cũng phải quẫy lên mở đường bước sang trang mới
Tại đây, ngay tức khắc, tôi chỉ muốn kêu lên thật to một cách dân dã để cho cả cả nước nghe thấy:
Nếu cường quốc số 1 Mỹ hôm
nay có 10 (mười) lý do phải quẫy lên, thì Việt Nam ta phải có đến 1000
(một nghìn) lý do để làm như vậy!
Nghĩa là đòi hỏi quẫy lên của nước ta
bức bách hơn của Mỹ hàng trăm lần. Nhất là Mỹ không đứng trước những
nguy cơ có thể gây sụp đổ như ở ta, hoàn toàn không có nỗi lo bị ăn thịt
như của ta, cũng không ở gần Frankenstein Trung Quốc như ta… vân vân và
vân vân…
Thực trạng đất nước như thế nào đến mức
phải thúc đẩy đất nước quẫy lên tôi đã trình bầy cặn kẽ trong những bài
góp ý cho Đại hội XII ĐCSVN. Hiện nay có nhiều bài phân tích của nhiều
tác giả khác nhau và của một số học viện trong nước làm tốt việc này.
Phần đánh giá tình hình Việt Nam trong chương trình Việt Nam 2035
của ta cùng xây dựng với World Bank cũng nêu lên được một số nét quan
trọng. Vì thế, trong phần kết luận này tôi chỉ xin nhấn mạnh một số ý
rút ra từ những kinh nghiệm đau lòng.
Khi bức tường Berlin sụp đổ với hiệu ứng
cuối cùng là chiến tranh lạnh kết thúc. Nước ta đứng trước thời cơ có
một không hai là thoát ra khỏi tình trạng cứ phải bám theo ai đó
và thoát khỏi sự trói buộc của ý thức hệ, để ta trở lại là chính ta
trên đôi chân của mình như đã từng trên con đường giành độc lập thống
nhất, để cùng đi với cả thế giới trên con đường dân tộc và dân chủ xây
dựng và bảo vệ đất nước. Nhưng Đảng đã lựa chọn cho đất nước con đường
Thành Đô. Hệ quả đến nay là 3 thập kỷ đau khổ vì đất nước bị lũng đoạn,
kìm hãm; tủi nhục vì bờ cõi bị xâm phạm, đất nước tiếp tục thua em kém
chị nhiều bề!..
Hôm nay thế giới đã sang trang, lại một lần nữa câu hỏi: Đảng lựa chọn gì cho đất nước?
Lại quẫy lên vấn đề đại sự: Tại
bước ngoặt sang trang này, có nên không, có dám không lựa chọn cho đất
nước con đường mà trước Thành Đô ta lẽ ra đã phải chọn nhưng bỏ lỡ, để
từ nay quyết đứng trên đôi chân của mình, cùng đi với cả thế giới, và
cùng với cả thế giới dấn thân cho những gì mà chính nước ta cũng đã ghi
trong Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945? – Xin đừng bao giờ quên người viết
ra Tuyên Ngôn này là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng do Người lập ra.
Trả lời câu hỏi này là trách nhiệm của ĐCSVN
với tính cách là đảng đang nắm mọi quyền hành đối với đất nước – trước
hết là của Bộ Chính trị và Tổng thư của Đảng. Chiểu vào Điều 4 của Hiến
pháp hiện hành, theo tinh thần không phải chỉ có phần Đảng được hưởng
cái gì, mà quan trọng hơn nhiều lần và có tính chất quyết định là Đảng
phải thực hiện nghĩa vụ gì, nhất thiết phải xem đây là trách nhiệm ràng buộc của Đảng đối với đất nước. Trả lời đúng hay sai sẽ quyết định mất/còn vận mệnh của đất nước và bản chất của Đảng. “Kinh nghiệm Thành Đô” đã chỉ ra như vậy.
Thiết nghĩ toàn Đảng tại bước ngoặt hôm
nay nên tự hỏi: So với tất cả mọi nhiệm vụ hay công việc Đảng đang làm,
có việc gì hay nhiệm vụ nào đáng làm hơn, trọng đại hơn, thiêng liêng
hơn đối với Đảng lúc này (thực hiện trách nhiệm ràng buộc) là tập trung ý
chí, trí tuệ và phẩm chất trả lời đúng câu hỏi này, tìm cách từ đoàn
kết và hoà giải dân tộc dấy lên sức mạnh của cả nước thực hiện bằng được
câu trả lời đúng? Còn hay không còn là đảng cách mạng, là đảng vì nước
vì dân như ghi trong Điều lệ Đảng là ở điểm này. “To be or not to be?” là vậy. Xin tự hỏi, tự xét, và tự làm.
Người viết bài này chỉ muốn nhắc lại ở đây quan điểm kiên trì hàng chục năm nay của mình:
Trong những điều kiện hiện nay của đất nước và trong bối cảnh thế giới
sang trang hôm nay, tiết kiệm xương máu nhất cho đất nước, bảo toàn mọi
thành quả đất nước đã chắt chiu được với những cái giá vô cùng đắt, và
cũng là tối ưu duy nhất cho đất nước là ĐCSVN tự nâng mình lên chủ xướng
cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn được nữa, nhằm quẫy lên và
xây dựng bằng được một Việt Nam như thế giới đã sang trang hôm nay đòi
hỏi. Điều kiện tiên quyết duy nhất là Đảng phái có ý chí Tổ quốc trên hết! Xác
định được như vậy, Đảng sẽ đánh thức, sẽ giải phóng được ý chí, trí tuệ
và nghị lực của toàn dân tộc, đất nước này dứt khoát sẽ khai phá được
cho mình con đường phải lựa chọn trong thế giới sang trang hôm nay, sẽ
đề ra được các giải pháp đúng. Lẽ đơn giản là không thể nào có giải pháp
đúng trong tình huống sự lựa chọn đường đi sai! Trên hết cả đối với
Đảng: Xác định được như vậy, Đảng sẽ tự đổi đời được chính mình, sẽ khắc
phục được cái mà nghị quyết Trung ương 4 mới đây quy thành 27 tội lỗi,
để phấn đấu trở thành một đảng mang tính chiến đấu vì dân tộc, chỉ vì tổ
quốc và dân tộc!
Thế giới đã sang trang, đặt ra muôn vàn
khó khăn và thách thức mới rất quyết liệt. Nghiêm trọng nhất đối với
nước ta có lẽ là tình huống vì những lý do nào đó xẩy ra những khoảng
trống mới do tranh giành quyền lực toàn cầu đang thay đổi – ví dụ như
cái trục xoay Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay quá yếu hoặc thậm chí có
thể không còn nữa, TTP không Mỹ coi như không còn là TTP, những phiêu
lưu mang tính cơ hội rất nguy hiểm của quyền lực bá quyền “giấc mộng
Trung Hoa”, những nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, v… v… Làm gì?
Làm thế nào bây giờ? Nhất là cùng một lúc đất nước đang bị cái mũ kim cô
chính trị – ý thức hệ siết chặt, cái cùm nợ nần và nhập siêu dìm xuống,
tham nhũng tiêu cực đè nặng, quyền lực rắn và quyền lực mềm lũng đoạn
khắp nơi, môi trường tự nhiên bị tàn phá, lòng dân phân tán, mà Đảng thì
như thế này!..
Chỉ có một câu trả lời: Toàn Đảng phải
đứng lên thực hiện trách nhiệm ràng buộc ghi trong Điều 4 của Hiến pháp,
quyết xốc đất nước này đứng dậy!
Hôm nay tôi xin bổ sung: Nhân
dân cả nước, dù là trong Đảng hay ngoài Đảng, dù là trong hay ngoài bộ
máy nhà nước, dù sống trong nước hay ở nước ngoài, nên đứng lên đồng
thanh đòi hỏi Đảng – trước hết là lãnh đạo Đảng – chọn câu trả lời đúng,
thực hiện câu trả lời đúng, sẵn sàng hết lòng giúp Đảng làm được trách
nhiệm ràng buộc này, đồng lòng đi với Đảng vì sứ mệnh này, bảo vệ Đảng
trong thực hiện sự nghiệp này! Tôi nghĩ rằng mình không mù trước những
gì đã và đang xảy ra trên con đường của đất nước ba thập niên vừa qua và
đang tiếp tục xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn hôm nay, tôi cũng không
điếc để nghe những điều đau lòng phải nghe. Chính vì vậy, xin đừng vội
quy kết tôi ảo tưởng, mà xin tất cả người dân Việt chúng ta hãy can đảm
lựa chọn điều hầu như là không tưởng: Đồng thanh đòi hỏi Đảng phải tìm
câu trả lời đúng cho đất nước lúc này. Xin cả nước quyết nhìn về phía
trước thực hiện sự lựa chọn can đảm này, trước khi buộc phải lựa chọn
khác.
Sự lựa chọn can đảm này là bước đầu tiên trên con đường đổi đời tất cả chúng ta và đất nước!
Về phía mình, nhân dân tự thực hiện đoàn kết và hoà giải dân tộc trước hết là để thực hiện sự lựa chọn can đảm này!
Tổ quốc của chúng ta xứng đáng và sẽ là vô địch với sự lựa chọn này của chúng ta!
Nguyễn Trung
Tác giả gửi cho
viet-studies ngày 23-11-16
Về quảng cáo
Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2016/11/23/10-837-hien-tuong-trump-va-viet-nam/