Hoa Kỳ và mặt trái của lá bài TPP
Lữ Giang
Thu, 05/21/2015
Từ năm 2008 đến nay, các quốc gia thuộc khu vực Á Châu - Thái Bình Dương
đã phải đương đầu rất vất vã với các biện pháp mà Hoa Kỳ muốn áp đặt
trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương
(Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP)
để “xoay trục” nền kinh tế Mỹ qua vùng này. Những sự bất đồng nhiều khi
rất căng thẳng, tưởng chừng như bế tắc. Trong mấy tuần qua, Tổng Thống
Obama đã phải xin Quốc Hội thông qua đạo luật về “Thẩm quyền Xúc tiến
Mậu dịch” (Trade Promotion Authority - TPA) để Hành Pháp có thể nhanh
chóng hoàn tất đàm phán về các thỏa thuận thương mại lớn, trong đó có
Hiệp định TPP. Chưa biết Quốc Hội có chịu thông qua hay không.
Viết về TPP không phải là chuyện dễ vì đây là một hiệp ước thương mại
vượt ra ngoài khuôn khổ của những hiệp ước thương mại tự do thông
thường, nội dung của hiệp ước và các cuộc tranh luận đều được giấu kín
vì sợ các phản ứng bất lợi, các tin tức được tiết lộ chắc chắn là không
đầy đủ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tóm lược để những người quan tâm có
một cái nhìn tổng quát về hiệp ước quan trọng này.
CHÍNH TRỊ LÀ “NÓI VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY”!
Đa số người Việt biết rất ít về TPP nên tin rằng TPP là một chiếc đũa
thần, có thể dùng để buộc Đảng CSVN phải thay đổi chế độ. Hôm 15.5.2015,
ông Tom Malinowski, Phụ Tá Ngoại trưởng Mỹ, vừa trở về từ Hà Nội sau
khi tham dự vòng đối thoại về nhân quyền thường niên Mỹ - Việt diễn ra
tại Hà Nội hôm 7/5, đã nói với báo chí rằng Việt Nam phải cải thiện hơn
nữa vấn đề nhân quyền, nếu Việt Nam muốn tham gia Hiệp định TPP. Ông cho
biết: «Tôi đã để lại cho chính phủ Việt Nam một thông điệp rõ ràng là:
Những gì họ sẽ làm trên hồ sơ này (nhân quyền), đặc biệt trong những
tuần tới, sẽ có tác động rất lớn đối với viễn ảnh cho TPP». Nghe những
lời tuyên bố này, các nhà đấu tranh trong và ngoài nước đều vỗ tay reo
vang!
Người Việt đấu tranh ở hải ngoại, đa số đã từng chiến đấu với Mỹ 20 năm
và sống trên đất Mỹ 40 năm, nhưng vẫn chưa nhận ra rằng đối với Mỹ, dân
chủ và nhân quyên chỉ là chiêu bài.
Năm 1972, Mỹ đem miền Nam bán cho Trung Quốc; ngày 4.2.1994 Tổng Thống
Clinton quyết định bãi bỏ cấm vận cho Việt Nam; ngày 11.7.1995 Tổng
Thống Clinton tuyên bố bình thường hóa bang giao với Việt Nam và ngày
13.7.2000 Việt Nam ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA);
ngày 20.12.2006 Tổng thống Bush ký thông qua việc trao Quy chế Thương
mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam; ngày 11.7.2007 Việt Nam
chính thức gia nhập Tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO); ngày 25.7.2015 Tổng
Thống Obama và Chủ Tịch Trương Tấn Sang ra tuyên bố thành lập đối tác
toàn diện giữa hai nước, v.v..., những lúc đó Việt Nam làm gì có dân chủ
và nhân quyền? Hà Nội thừa biết như vậy nên rất tận tình ủng hộ TPP và
không “ke” các ông Mỹ nói gì.
Từ tháng 8 năm 1988, Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam để tìm người Mỹ mất
tích (MIA) trong chiến tranh Việt Nam, nhưng đàng sau MIA là nói chuyện
bãi bỏ cấm vận và thiết lập bang giao giữa hai nước. Ông Thiệu không
biết gì về chính trị nên nói rằng nếu ông có quyền ông sẽ giải quyết
chuyện đó trong một thời gian ngắn, Kissinger phải bảo ông ta im đi.
Đàng sau chuyến đi Hà Nội của Phụ Tá Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski vừa
qua, bên ngoài là nói về nhân quyền nhưng đàng sau có thể bàn về bán vũ
khí sát thương cho Việt Nam và chắc chắn đã bàn về Hiệp Định TTP, yêu
cầu Việt Nam chấp nhận những điều khoản do Mỹ áp đặt để Hiệp Định này
được thông qua nhanh. Trong cuộc phỏng vấn của BBC ngày 18.5.2015, ông
Tom Malinowski cho biết cuộc họp có đại diện của Bộ Ngoại Giao, Đại diện
Thương Mại Mỹ, USAIDS và Tòa Bạch Ốc. Phái đoàn đã đề cập đến “một
trong những điều quan trọng nhất, là tiêu chuẩn về lao động và quyền tự
do lập hội. Đó là một đòi hỏi bắt buộc đối với tất cả các nước muốn tham
gia TPP, và cũng là một phần trong cuộc thương thảo của chúng tôi với
chính phủ Việt Nam.”
Như chúng ta đã biết, cho đến nay “tiêu chuẩn về lao động và quyền tự do
lập hội” mà Hoa Kỳ muốn áp đặt trong TPP vẫn chưa được tất cả các quốc
gia hội viên đồng ý vì cho rằng tiêu chuẩn này sẽ làm tăng giá các sản
phẩm trong nước của họ lên, gây khó khăn cho việc cạnh tranh.
Mỹ có thể xúi Ukraina "ăn cứt gà" được, nhưng khó xúi Đảng CSVN vì đảng
này thuộc loại cáo già. Trong thời gian qua, Hà Nội đã hoan hô Hiệp Định
TPP cả tay lẫn chân, nhưng sau khi vào TPP rồi Việt Nam sẽ dùng những
trò ma mãnh cũ để trục lợi như sau khi ký hiệp ước thương mại tự do
(FTA) với Mỹ và tham gia WTO.
Chính trị là “Nói vậy mà không phải vậy” nên phải nhìn vào mặt trái đàng sau.
SỰ HÌNH THÀNH CỦA HIỆP ĐỊNH TPP
Hiệp Định TTP lúc đầu do Singapore, New Zealand và Chile xây dựng năm
2003 như một lộ trình tự do hóa thương mại trong khu vực Châu Á - Thái
Bình Dương. Năm 2005 có thêm Brunei tham gia, nên được gọi là P4. Hiệp
Định được P4 ký kết vào ngày 3.6.2005 và có hiệu lực ngày 28.5.2006.
Tháng 9 năm 2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP. Tiếp theo là Úc, Peru
(2008), Malaysia, Việt Nam (2010) Canada, Mexico (2012) và Nhật (2014).
Như vậy đến nay đã có 12 nước tham gia TPP.
Người ta cho rằng khu vực ký kết hiệp định TPP sẽ trở thành một trong
những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người,
đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3
kim ngạch thương mại toàn cầu. Nhưng vấn đề không giản dị.
VẤN ĐỀ NỘI DUNG HIỆP ĐỊNH TPP
Hiện nay, trên thế giới đã có hai hình thức mậu dịch quốc tế căn bản, đó
là Hiệp định Thương mại Tự do (Free Trade Agreement - FTA) và Tổ chức
Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO). Hiệp định FTA là
hiệp định được ký kết giữa hai hoặc nhiều quốc gia, theo đó các nước sẽ
tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng
như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một Khu vực Mậu dịch Tự
do (Free Trade Area). Theo thống kê của WTO hiện nay đã có hơn 200 hiệp
định thương mại tự do có hiệu lực. Còn WTO được thành lập và hoạt động
từ 1.1.1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn
cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. Tính đến ngày 26.6.2014, tổ chức này
có 160 thành viên.
Hiệp Định TPP được 4 nước sáng lập ký kết ngày 3.6.2005 là một hiệp ước
được soạn theo mô thức Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã nói ở trên.
Nhưng sau khi tham gia, Hoa Kỳ không chấp nhận mô thức này mà đưa ra một
mô thức mới để Hoa Kỳ có thể xâm nhập được vào vùng Á Châu - Thái Bình
Dương, trong đó có những điều khoản vượt ra ngoài khuôn khổ của một hiệp
ước thương mại thông thường. Tại sao Hoa Kỳ phải làm như vậy? Vì đạo
luật Thẩm quyền Xúc Tiến Mậu Địch (Trade Promotion Authority) nói rất rõ
chính sách của Hoa Kỳ là “loại bỏ các rào cản trên các thị trường ngoại
quốc và thành lập các quy tắc để ngăn chặn thương mại không công bằng.”
(eliminating barriers in foreign markets and establishing rules to stop
unfair trade). Ngày 14.11.2009, Tổng Thống Obama tuyên bố Mỹ tham gia
Hiệp Định TPP “với mục tiêu định hình một thỏa thuận khu vực rộng mở với
tiêu chuẩn xứng tầm một hiệp định thương mại của thế kỷ 21.”
Hiện nay Mỹ đã có quan hệ ngoại thương lớn nhất với Âu Châu rồi đến
Trung Quốc, Canada và Nhật, nhưng Mỹ chưa xâm nhập được vào nhiều nước
đang nằm trong khu vực Á Châu - Thái Bình Dương và cho rằng tại các nước
này có nhiều luật lệ bảo vệ mậu dịch và không công bằng. Do đó, Mỹ phải
đưa vào TPP những quy định nhắm phá vỡ những trở ngại đó. Nếu chấp nhận
những quy định này, quyền lợi của nhiều nước sẽ bị thiệt hại rất lớn,
nên đa số đã đối kháng lại. Chỉ có Hà Nội quyết định “ngậm miệng ăn
tiền”.
Nội dung dự thảo Hiệp Định TPP bao gồm 29 đề mục, có phạm vi điều chỉnh
rất rộng, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ (dịch vụ tài chính sẽ được đàm
phán sau), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT),
chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch
hóa. Ngoài ra, còn có một chương về hợp tác và 2 văn kiện đi kèm về hợp
tác môi trường và hợp tác lao động. Đây là những vấn đề đã gây ra nhiều
tranh cãi trong suốt 7 năm qua, qua 23 vòng đàm phán, nhưng chưa đi tới
đâu, vì nhiều lý do.
NHỮNG VẤN ĐỀ GÂY NHIỀU TRANH CÃI
Vì các vấn đề nêu ra trong dự thảo Hiệp Định TPP thuộc nhiều lãnh vực
khác nhau và rất phức tạp, nên mỗi phái đoàn khi đi dự họp phải đem theo
một số rất đông chuyên viên. Tổng số chuyên viên tham dự các vòng đàm
phán thường từ 400 đến 700 người, nên sự tiết lộ rất khó tránh khỏi. Có
nhiều vấn đề do chính các trưởng phái đoàn bí mật tiết lộ ra để tạo áp
lực của công luận.
Điều khoản đầu tiên là phải hủy bỏ 90% thuế quan trên các hàng hóa nhập
cảng (sau đó sẽ bỏ hết) và định số (quota) nhập cảng, trong khi nhiều
nước trong vùng đang đánh thuế quan đến 200% trên một số mặt hàng để bảo
vệ kỹ nghệ trong nước hay tránh phung phí ngoại tệ. Dự thảo chương về
Lao Động là căng thẳng nhất, nó bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm và có
cách hiểu khác nhau giữa các nước như quyền lập hội, quyền can thiệp vào
các trường hợp xử dụng lao động trẻ em, quyền can thiệp của Nhà nước
vào các tranh chấp lao động, mức lương tối thiểu… Đây là các biện pháp
nhắm đưa giá thành của các sản phẩm trong vùng lên cao tương đương giá
thành của Mỹ, giúp Mỹ dễ cạnh tranh hơn. Một chương khác gây tranh luận
không kém là chương về Môi Trường, một vấn đề thường nằm ngoài các hiệp
ước thương mại, như bảo vệ đại dương, cá, động vật hoang dã và rừng,
thương mại và biến đổi khí hậu, hàng hóa và dịch vụ môi trường.... Một
vấn đề quan trọng về pháp lý cũng được đặt ra: Hiện nay, có nhiều nước
trong vùng đã ký những hiệp ước về thương mại tự do (FTA) với nhau như
hiệp ước giữa các nước ASEAN (AFTA), hiệp ước giữa Trung Quốc và ASEAN
(ACFTA), Khu vực Mậu dịch Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA)... Vậy khi những quy định
giữa TPP và các hiệp ước này có những sự khác biệt, sẽ thi hành theo
văn kiện nào?
Trên đây chỉ là vài thí dụ cụ thể, còn nhiều vấn đề khác đang được tranh
luận. Tính lại, trong 7 năm qua 23 vòng đàm phán, các bên mới chỉ thỏa
thuận được 15 trong 29 vấn đề đã được đưa ra.
GẶP RẮC RỐI TẠI QUỐC HỘI MỸ
Đạo luật Mậu Địch 1974 (Trade Act of 1974) quy định rằng khi đàm phán về
các hiệp ước thương mại, ngành hành pháp phải tham khảo ý kiến với các
ủy ban Quốc Hội có liên quan và phải thông báo cho Quốc hội 90 ngày
trước khi ký kết một thỏa ước. Luật cũng lập ra “thẩm quyền thương
thuyết nhanh” (fast track negotiating authority) hay “thẩm quyền xúc
tiến mậu dịch” (trade promotion authority - TPA): Khi hiệp ước được đưa
ra trước Quốc Hội để xin phê chuẩn, Quốc Hội chỉ có thể hoặc chấp thuận
hoặc bác bỏ toàn bộ, chứ không được tu chính hay ngăn trở việc thông qua
(filibuster). Đạo luật này đã được tái tục nhiều lần và có hiệu lực đến
1.7.2007. Nay Tổng Thống Obama phải xin tái tục để thông qua các hiệp
định thương mại lớn, trong đó có TPP và đã đệ nạp dự luật TPA tại Quốc
Hội.
Nhân cơ hội này, nhiều nghị sĩ và dân biểu đã lên tiếng chỉ trích Hiệp
Định TPP, chẳng hạn như bà Nghị sĩ Elizabeth Warren thuộc bang
Massachusetts cho rằng “Obama đang nói dối sự thật về TPP”. Phe đảng Dân
Chủ yêu cầu phải có một loạt biện pháp đi kèm với TPA như kiểm soát
việc can thiệp vào tỷ giá, có điều khoản hỗ trợ người lao động bị mất
việc do toàn cầu hoá, thắt chặt luật về chống lao động trẻ em, tăng các
biện pháp chế tài đối với các hành vi thương mại không bình đẳng...
Nhưng phe đảng Cộng Hòa không muốn gắn TPA với việc mở rộng các điều
khoản hỗ trợ cho công nhân mất việc vì toàn cầu hoá. Có hai nhóm áp lực
có thế lực ở Quốc Hội Hoa Kỳ hiện nay thì nhóm Phòng Thương Mại cổ võ
cho TPP còn nhóm Nghiệp đoàn Lao động Liên bang và các Tổ chức Công
nghiệp Mỹ chống lại.
Hôm 12.5.2015 Thượng Viện Mỹ đã bác bỏ dự luật TPA của Tổng Thống Obama
nhưng hôm 14.5.2015 lại thông qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng
TPA sẽ gặp nhiều khó khăn khi được đưa ra trước Hạ Viện, tại đây cần
phải có ít nhất 218 phiếu thuận.
CUỘC CHIẾN ĐANG TIẾP TỤC
Tổng Thống Obama tin rằng vòng đàm phán về Hiệp Định TPP thứ 20 diễn ra
tại Singapore từ 6 đến 10.12.2014 sẽ kết thúc tốt đẹp, nhưng kết quả
mong đợi đã không đạt được. Ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Mỹ
nói: “Trong suốt vòng đàm phán này, chúng tôi đã nhận diện được "những
bãi đáp" tiềm năng cho phần lớn các vấn đề còn vướng mắc. Chúng tôi sẽ
tiếp tục đàm phán một cách linh hoạt để giải quyết rốt ráo vấn đề câu
chữ, cũng như các vấn đề về tiếp cận thị trường”.
Vòng đàm pháp thứ 21 đã họp tại New York ngày 26.1.2015 và vòng đàm phán
thứ 22 tại Hawaii từ 9 đến 15.3.2015 nhưng không tin tức nào được tiết
lộ. Vòng đàm phán thứ 23 đang họp tại đảo Guam từ 8.5.2015.
Hiện nay, Hiệp Định TPP chưa có sự tham gia của hai nước lớn nhất trong
vùng là Trung Quốc và Indonesia. Nam Hàn, Philippines, Thái Lan, Đông
Timor, Colombia, và Ecuador cũng chưa tham gia. Trong một cuộc họp của
diễn đàn APEC tại Indonesia vào tháng 10 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ thiết lập một khuôn khổ hợp
tác khu vực xuyên Thái Bình Dương «có lợi cho tất các các bên», đó là
«Hiệp định Tự do Mậu dịch Châu Á-Thái Bình Dương ( FTAAP )». Theo một
viên chức bộ Thương mại Trung Quốc, đề nghị này đã được nhiều nước thành
viên diễn đàn APEC đón nhận «rất tích cực».
Mặc dầu Hiệp Định TPP chưa đi tới đâu, vào tháng 3/2013 Tổng Thống Obama
đã đề nghị các nước Âu Châu hình thành Hiệp định Đối tác Mậu dịch và
Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment
Partnership -TTIP) dựa theo Hiệp Định TPP.
Để thúc đẩy 11 nước thành viên của Hiệp Định TPP mau kết thúc hiệp định
này, hôm 8.5.2015, tại trụ sở công ty sản xuất dày Nike ở Portland,
Oregon, Tổng thống Obama đã dọa: “Nếu Việt Nam, hay bất kỳ quốc gia
thành viên nào khác trong hiệp định này không đáp ứng được các đòi hỏi
đó, họ sẽ phải gánh chịu các hậu quả tương ứng”. Tuy nhiên, chẳng nước
thành viên nào “ke” lời đe dọa của ông!
Ngày 20.5.2015
(Honnho.org)
Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=34064
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét