Vài suy nghĩ về 5 lá phiếu thuận cho VN gia nhập TPP
Vũ Đông Hà (Danlambao)
- Vào ngày 6/5/2015 theo lời mời của Đại sứ quán Hoa Kỳ, 14 đại diện
cho các nhóm hoạt động về nhân quyền, tôn giáo, xã hội dân sự, truyền
thông tại VN đã gặp ông Tom Malinowski và 10 viên chức cao cấp trong
phái đoàn Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ (1).
Từ nội dung thảo luận và những gì xảy ra trong buổi họp, đặc biệt là
kết quả bỏ phiếu thăm dò của các đại diện về việc VN gia nhập TPP, cho
thấy có nhu cầu nêu ra vấn đề trách nhiệm của các tổ chức trong những
lần tiếp xúc như thế.
Tư thế của những người tham dự?
Bà Tham tán chính trị về Nhân quyền của Đại sứ quán Hoa Kỳ là Jenifer
Neidhart de Ortiz đã gửi email mời Hội Anh em Dân chủ, Con đường Việt
Nam, Lao động Việt, Hội Nhà báo Độc lập, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Mạng
lưới Blogger Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền Tự do Tôn giáo, Nhà Xuất bản
Giấy vụn, No-U Sài Gòn, Hội Bầu bí tương thân, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền
Việt Nam, Dân Làm Báo đến tham dự buổi tiếp xúc. Nhìn vào danh sách,
chúng ta thấy bà đã có sự chọn lựa nhắm vào những đối tượng đang tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam.
Buổi họp này lại được tổ chức 1 ngày trước khi phái đoàn Đối thoại Nhân
quyền của Hoa Kỳ làm việc với nhà nước Việt Nam. Hiện diện trong buổi
gặp là ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân
quyền và Lao động và cũng là Trưởng đoàn Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ,
cùng với nguyên một giàn 9 quan chức khác của Hoa Kỳ đặc trách nhiều
lãnh vực khác nhau. Thời điểm tiếp xúc và nhân sự của phái đoàn cho thấy Hoa Kỳ quan tâm và coi trọng ý kiến của các tổ chức nêu trên trong tiến trình đàm phán TPP với nhà nước Việt Nam.
Tóm lại, phía Hoa Kỳ không xem những người tham dự như là bất kỳ công
dân Việt Nam bình thường nào, mà họ xem đây là những tiếng nói, quan
điểm của những người đại diện cho những nhóm, tổ chức đang hoạt động
cho nhân quyền, tự do tôn giáo hay phát triển về xã hội dân sự tại Việt
Nam. Do đó, dù muốn dù không, các đại diện tham dự buổi tiếp xúc
phải có trách nhiệm về những hành xử, thái độ, phát biểu và quan điểm
của mình trong tư thế trên.
Vị trí và mục tiêu của phái đoàn Hoa Kỳ
Nhìn vào chức vụ của bà Jenifer Neidhart de Ortiz và ông Tom Malinowski
người ta thấy rõ đây là những thành viên của Bộ Ngoại giao đang đặc
trách về vấn đề nhân quyền và thực hiện mục tiêu đòi hỏi những cải thiện về nhân quyền tại Việt Nam như là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể gia nhập TPP.
Điều kiện tiên quyết này đã được Tổng thống Barack Obama tái khẳng định
trong phát biểu của ông vào ngày 8/5/2015 tại trụ sở công ty Nike ở
thành phố Portland: Muốn được gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà cầm quyền CSVN phải
thay đổi chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong đó
có việc tôn trọng quyền tự do thành lập công đoàn của công nhân Việt Nam. (2)
Từ đó chúng ta thấy rằng mặc dù là một quốc gia có truyền thống thực
dụng, xem trọng quyền lợi kinh tế và cơ hội làm giàu cho đất nước của
họ, Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến nhân quyền, đến đời sống của thành phần lao
động của người dân xứ khác và đòi hỏi những thay đổi về chính sách,
những cải thiện cần thiết của các quốc gia đối tác như là điều kiện để
gia nhập TPP.
Tóm lại đây là buổi tiếp xúc giữa những người Việt tranh đấu cho nhân quyền và những quan chức Hoa Kỳ đang đặt vấn đề cải thiện nhân quyền tại VN trong đàm phán TPP.
Nhưng điều gì đã xảy ra?
Kết quả của một cuộc trưng cầu ý kiến tại chỗ
Tại buổi tiếp xúc ngày 6 tháng 5, ông Tom Malinowski yêu cầu các đại
diện người Việt Nam, thử đặt mình trong vai trò của một thượng nghị sĩ
Mỹ để bỏ phiếu cho việc việc VN gia nhập TPP.
Kết quả có 5/14 người bỏ phiếu thuận, 1 phiếu trắng, và 8 phiếu chống.
Đó là thông điệp mà những người Hoa Kỳ đang thương lượng, đòi hỏi nhà
nước VN phải đáp ứng những điều kiện về nhân quyền, nhận được vào hôm 6
tháng 5: có 5 người đại diện cho 5 tổ chức XHDS, nhân quyền, tôn giáo của VN bỏ phiếu ủng hộ VN gia nhập TPP. Và một người khác có thái độ: sao cũng được với lá phiếu trắng của mình.
Ngay lúc này, dựa vào những phát biểu của Tổng thống Obama, dựa vào
những thương thảo đang xảy ra cho thấy Hoa Kỳ chưa thể chấp nhận tình
trạng nhân quyền của VN và không thể chấp nhận cho VN gia nhập TPP thì
có 5 người đại diện cho 5 tổ chức lại đồng ý bỏ phiếu thuận.
Lý do tại sao thì chỉ có 5 người đại diện này có thể giải thích và trình bày cho dư luận quan tâm.
Những chuẩn bị tối thiểu cho những buổi gặp gỡ, tiếp xúc
Ngay trong công việc hàng ngày, làm việc cho một công ty, trước khi đến
tham dự một buổi họp, chúng ta đều phải có những chuẩn bị tối thiểu.
Trong những vấn đề lớn hơn, ảnh hưởng đến quốc gia lại còn đòi hỏi những
nỗ lực chuẩn bị nhiều hơn. Buổi tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ vừa qua
là một thí dụ điển hình.
Biết rõ đối tượng: Những người tham dự cần phải nghiên
cứu, thu thập dữ kiện trước về những người mình sẽ gặp gỡ. Họ là ai,
hoạt động trong lãnh vực gì, chức vụ và mục tiêu của họ là gì. Nếu người
mời không ghi rõ bạn sẽ gặp ai, gặp với mục đích gì thì bạn cần hỏi
lại. Trong buổi tiếp xúc vừa qua, bạn cần phải biết bạn sẽ gặp những
nhân viên cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ trong lãnh vực nhân quyền, là
thành phần đứng về phía đòi hỏi tôn trọng nhân quyền, cải thiện đời sống
người lao động và công đoàn độc lập cho VN.
Nếu nhìn vào chức vụ của những người trong phái đoàn Hoa Kỳ: Trợ lý
Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Trưởng đoàn Đối
thoại Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều phối viên Khu vực về Người Tị nạn, Giám
đốc Văn phòng Các Vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Phó Quản lý USAID, Giám
đốc Các Vấn đề Đa phương, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế, Cố
vấn Đặc biệt về Quyền của Người Khuyết tật, Đại diện Đặc biệt về Các
Vấn đề Lao động Quốc tế, Phó quản lý USTR về Lao động, Giám đốc phụ
trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương của USTR... bạn sẽ thấy trước tầm
vóc của buổi gặp gỡ và nhu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
Biết rõ điều chính mình muốn: Điều bạn muốn có cùng chiều
với ý hướng của đối tượng bạn sẽ gặp, có cùng chiều với mục tiêu tranh
đấu của tổ chức mà bạn đại diện và nó có phản ảnh quan điểm của tổ chức
của bạn. Bạn cũng chuẩn bị để sau đó phải trả lời với công luận về quan
điểm của bạn đã trình bày với phái đoàn ngoại quốc. Như đã trình bày
trong phần trước, dù muốn dù không, bạn không còn là một cá nhân, không
thể cho rằng ý kiến của bạn là ý kiến cá nhân và không phải chịu trách
nhiệm về những ý kiến đó.
Biết rõ và chuẩn bị điều bạn trình bày - talking points:
Kết hợp những điều bạn biết về đối tượng, những gì họ muốn nghe, những
gì họ cần, những gì bạn/tổ chức bạn đại diện/người Việt Nam cần... bạn
phải chuẩn bị trước những điểm trình bày rất cô đọng.
Những người làm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm không bao giờ đến
một buổi họp với tư cách một đoàn thể mà không chuẩn bị trước những điểm
trình bày, để rồi phát biểu tự suy, tự phát, lê thê, dài dòng.
Nếu hiểu rõ đối tượng và mục đích của họ, lấy buổi tiếp xúc ngày 6 tháng
5 làm thí dụ, bạn sẽ không trình bày nhu cầu về tài chánh với một phái
đoàn mà trách nhiệm và mục tiêu của họ là thương thảo về Nhân Quyền
trong việc ký kết TPP.
Bạn cũng sẽ không kể lể về cá nhân bạn, những hoạt động của bạn hay
thành tích của tổ chức bạn. Đây không phải là buổi họp tìm hiểu về hoạt
động của bạn hay tổ chức của bạn.
Và nếu hiểu rõ đối tượng, tầm quan trọng của vấn đề thảo luận, bạn sẽ
cẩn thận với mọi quan điểm, trình bày của bạn, nhất là lá phiếu ý kiến
của bạn. Trong khi phía phái đoàn Đối thoại Nhân Quyền Hoa Kỳ chưa hài
lòng với những cải thiện của nhà nước VN về nhân quyền để họ có thể
thông qua hiệp định TPP thì có những bạn đã bỏ phiếu thuận cho nhà nước
VN.
Lá phiếu của những bạn ấy là là kết quả sau một tiến trình suy nghĩ, cân
nhắc và quyết định đồng thuận của cả nhóm/hội đoàn/tổ chức hay là quyết
định nhất thời, tự phát của cá nhân người đại diện?
Hay lá phiếu của bạn là kết quả của việc đến tham dự trong tinh thần và
thái độ chẳng khác gì một buổi hẹn hò với bạn bè và không có một chuẩn
bị gì trước đó, không một tài liệu mang theo, không một tìm hiểu, quan
tâm gì đến những đối tượng sẽ gặp, không có được một dòng ghi chú sẵn về
những điều mình sẽ trình bày?
Lý do nào đi nữa thì từ phía phái đoàn Hoa Kỳ chắc hẳn họ sẽ cho rằng:
đây là quan điểm của tổ chức mà bạn đại diện; và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ
đọc được dòng báo cáo từ phái đoàn Đối thoại Nhân Quyền trước khi phái
đoàn ngồi vào bàn thương thảo với nhà nước Việt Nam: trong buổi tiếp xúc
vào ngày 6 tháng 5, có 5 trong số 13 tổ chức đã bỏ phiếu ủng hộ nhà
nước VN gia nhập TPP.
10.05.2015
Nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2015/05/vai-suy-nghi-ve-5-la-phieu-thuan-cho-vn.html#disqus_thread
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét