Thương binh Việt Nam Cộng Hòa - nơi chốn nào bình yên cho các anh
Người Đưa Tin (Danlambao)
- Đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng, đã bắt đầu ngày mới. Cái oi bức của
tháng tư nghiệt ngã tưởng chừng hiện diện bất cứ nơi nào có thương binh
VNCH, họ ầm thầm chịu đựng không kêu ca hay than vãn, họ như những chiếc
bóng bên lề xã hội trên đất nước "vạn lần dân chủ" của cộng sản sau
1975. Đa số các thương binh VNCH bây giờ đã bước xa cái tuổi "tận nhân
lực tri thiên mệnh", không còn đủ sức lết lê trên thành phố cáo Hồ viết
thư cho thằng bạn chỉ để nói "Gởi súng cho tao". Và đồng đội của anh hẳn
cũng không còn trẻ để đáp lời "Để nó cho tao" hay tao sẽ "Gởi chất nổ
cho mày". Họ chỉ được nhắc đến khi có những tấm lòng vàng tri ân TPB
VNCH, những người đã cống hiến một phần xương máu để bảo vệ một miền Nam
tự do, họ không thành công nhưng đã thành nhân, họ tàn nhưng không phế,
họ đã làm tròn trách nhiệm của một quân nhân QLVNCH.
Điều muốn nói ở đây, lẽ ra Thương Binh VNCH phải thuộc diện ưu tiên rời
khỏi VN từ lâu, họ không còn lành lặn, không còn đủ sức khỏe để có thể
mưu sinh trong lòng chế độ mà đến thường dân khỏe mạnh cũng phải đói rã
họng, sau khi cộng sản "giải phóng + thống nhất" đất nước. Thương binh
VNCH cũng là đối tượng để cộng sản trả thù cách hèn hạ không thua gì
quân dân cán chính VNCH nơi các trại tù cải tạo. Họ bị xua đuổi khỏi
Tổng Y Viện Cộng Hòa, ngay khi quân cộng sản tiếp thu Sài Gòn, khi mà
trên thân thể họ vẫn còn đó những vết thương rỉ máu.
Sau năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản lập tức biến thương binh VNCH thành
những người vô hình để không còn ai nhìn thấy họ, thậm chí cộng sản còn
xem đó như một gánh nặng của kẻ thù để lại sau chiến tranh mà quên là
cơ sở hạ tầng của VNCH gần như còn nguyên vẹn, và 16 tấn vàng vẫn còn đó
trong ngân khố. Giả như khi ấy cộng sản có thể chở tất cả thương binh
VNCH ra biển làm mồi cho cá mập chắc họ cũng không từ. Đến con cháu
thương binh, các cựu sĩ quan QLVNCH cũng bị xem như thành phần "không
tốt", nỗi ám ảnh "học tài thi lý lịch" đã làm thui chột biết bao nhân
tài thừa hưởng tinh hoa của nền giáo dục nhân bản và khai phóng của
chính thể VNCH.
Các sĩ quan QLVNCH sau khi ra tù buộc phải viết cam kết hồi hương hoặc
bị buộc phải vào sống nơi rừng thiêng nước độc mệnh danh "kinh tế mới".
Cộng sản cấm các cựu tù binh VNCH không được thường trú tại Sài Gòn,
chính sách kỳ thị đó là một trong vô vàn nguyên nhân đẩy họ ra biển, để
chấp nhận đánh đu với số phận, thà làm mồi cho cá mập hoặc đến bến bờ tự
do còn hơn phải sống trong chế độ mà tương lai con cháu họ là vô định.
Đã có ai thống kê được số người ít được nhắc đến, có bao nhiêu người đã
vùi thây trong rừng già trên đường chạy trốn cộng sản tìm tự do? Xin một
nén hương lòng cho những số phận không may vì đài tưởng niệm thuyền
nhân đã có, mà đài tưởng niệm "rừng nhân" liệu có còn đáng quan tâm hay
cứ để những oan hồn chìm theo vận nước...
*
Thường dân chúng tôi vui mừng khi hay tin "Thượng Viện California thông
qua nghị quyết về TPB VNCH". Nhưng ngược lại thì trước đó chúng tôi đã
thật chạnh lòng và thất vọng khi hay tin nhà thờ DCCT số 38 đường Kỳ
Đồng Sài Gòn bất ngờ ngừng chương trình tri ân và chăm sóc sức khỏe
Thương Binh VNCH. Thật tội tình cho các TPB đã lên xe để đến nơi họ được
quan tâm cũng như được nhìn thấy đồng đội cũ trong sự thông cảm tột
cùng của những "người thua cuộc", cùng nhau hồi tưởng một thời loạn lạc
và cũng để nhắc nhớ "nhân tình thế thái" dù họ chẳng trách lòng người
đổi trắng thay đen và ai nhớ, ai quên...
Tuần thứ ba của tháng tư, như thường lệ, chúng tôi tham dự Thánh Lễ xa
quê của linh mục Lê Quang Uy (bên kia đường) bởi thấy rằng chúng tôi,
dăm ba đứa lạc loài lần mò học đạo, chưa xứng đáng đặt chân vào nhà thờ,
sợ sẽ làm ô uế chốn tôn nghiêm, khi nghe linh mục Lê Quang Uy nói trước
Thánh lễ "Xin cộng đoàn cầu nguyện cho chúng tôi, vì nhà dòng chúng tôi hiện có những xáo trộn...", tôi linh cảm có điều chẳng lành.
Quả thật, Thánh Lễ cuối tháng tư 2015, ngày cầu nguyện cho Công lý và
Hòa bình, vắng hơn những Thánh lễ cuối tháng trước. Không khí buổi lễ có
vẻ nặng nề, những tiếng vỗ tay miễn cưởng nghe bồm bộp như vô thưởng,
vô phạt khi ông linh mục phó tế giới thiệu linh mục chánh xứ mới, chúng
tôi đã biết sẽ không có thắp nến cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình, tất
nhiên cũng sẽ không có mặt dân oan, nạn nhân cộng sản dù họ là những
người ngoại đạo đến Thánh đường để tìm chút bình an.
Chúng tôi muốn bỏ ra về nhưng nán lại xem "có gì mới", càng thất vọng
hơn khi ông linh mục lên bục giảng "dõng dạc" tuyên bố: "Không có công
lý hòa bình nào khác ngoài công lý hòa bình của Chúa, nơi đây, trong nhà
thờ này...". Nghe ông linh mục giảng đạo mà cứ ngỡ ông đang khẳng định
vị trí mới của LM chánh xứ, cũng như ông đang nói về bản lãnh của cá
nhân ông hơn là chia sẻ những khổ đau mà đồng bào VN đã và đang gánh
chịu trong chế độ cộng sản.
Không biết hai ông linh mục chánh xứ và phó tế trong Thánh lễ "cuối
tháng" tư 2015 tại DCCT Sài Gòn do ai bật đèn đỏ, nhưng với tư cách
người đang tìm hiểu giáo lý công giáo thì hình như các ông đang đuổi kẻ
ngoại đạo ra khỏi nhà thờ, nơi mà lẽ ra phải là nơi che chở và cưu mang
những mảnh đời bất hạnh, bất kể người đó có theo đạo Thiên Chúa hay
không, mỹ danh dòng Chúa Cứu Thế là để cứu chuộc, giúp đỡ tha nhân hay
chỉ cứu giúp những người theo đạo Công giáo? Là thường dân lao động,
không phải là trí thức, cũng chẳng có số má gì với đời, chẳng biết gì về
thần học, xã hội học hay đủ thứ luận lý học, nhưng chúng tôi có những
trái tim biết rung động với nỗi thống khổ của đồng bào VN ruột thịt
trong chế độ cộng sản, chúng tôi chống bất kỳ ai đi ngược với tôn chỉ
dấn thân vì người nghèo mà DCCT Sài Gòn đã làm từ nhiều năm qua. Viện
dẫn lý do vì khuôn viên nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp không thể là nơi
tri ân các Thương Binh VNCH là ngụy biện. Nhìn ở góc độ nhân tâm, lý ra
cũng nên tổ chức lần sau cùng và thông báo cho các TPB VNCH biết trước
cũng như để BTC và các tình nguyện viên chuẩn bị, hơn là để họ hụt hẫng
vì lời hứa của các tu sĩ, dù biết rằng đó là việc ngoài ý muốn của những
người tử tế vì, do "lệnh bề trên", thay đổi toàn bộ nhân sự mục "Cà Phê
Tối" thân quen, đóng cửa trang web DCCT, ai được, ai mất gì bởi những
ông "quan lớn" chức sắc công giáo hủy bỏ chương trình tri ân TPB VNCH?
Xin gởi lại đây chút thông tin tìm được trên Internet về việc dấn thân
thế nào trong bối cảnh hiện tại đối với các tu sĩ, không riêng gì DCCT
Kỳ Đồng Saigon: "Trong một lần trả lời về việc dấn thân của người tu sĩ
trong giáo hội, Đức Giáo hoàng Phan Xi Cô nói rằng “Nếu Chúa gọi anh
chị em trên con đường này thì xin anh chị em lên đường, hãy làm chính
trị dù con đường này có thể làm anh chị em đau khổ”. (RFA 10.05.2015)
*
Theo "Người dẫn đường", chúng tôi tìm đến nhà một TPB, sĩ quan QLVNCH,
rất tiếc là không gặp được ông. Người nhà nói ông đi thăm đồng đội và
viếng mộ một người lính thuộc quyền cũ, ngoài Cửa Đại nhân dịp gần 30.04
(dù ông cụt hai chân trong trận Mùa hè đỏ lửa tại Quảng Trị năm 1972)
Mong ước được một lần để "tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu" cùng người
lính VNCH xem ra khó lòng thực hiện, chúng tôi nhờ gia đình trao lại
chút quà với lời nhắn hẹn khi khác, cáo lui mà thấy lòng nặng trĩu. Tách
đồng hành để lang thang riêng trong phố cổ Hội An, chiều đến thuê một
chiếc ghe bên dòng An Cựu trực chỉ Cửa Đại dù không hy vọng gặp đồng đội
của ân nhân.
Hội An thật đẹp khi mặt trời sắp đi ngủ, nhường cho ánh đèn hai bên bờ
sông khoe sắc mờ ảo, muộn phiền như cuộc đời những chiến binh VNCH của
một thời lửa đạn, gần đến Cửa Đại thì buộc phải quay về vì trời đã vào
khuya, chuyến đi xem như thất bại, dù trước đó dự định sau khi thăm
Thương Binh VNCH, sẽ ra Huế tìm đến khe Đá Mài, nơi cộng sản tàn sát
hàng ngàn đồng bào vô tội năm Mậu Thân 1968, thắp hương cho những oan
hồn 47 năm vẫn đợi chờ một lễ cầu siêu, muốn đến thăm Cồn Dầu, muốn đủ
thứ nhưng lực bất tòng tâm, con xin lỗi mọi người, xin lỗi Thương binh
VNCH đồng đội của ân nhân vì chưa trọn lời ước hẹn. Con tin rằng, lúc
nào đó sẽ có một ngày chính thức để vinh danh TPB VNCH ngay trên quê
hương mình, chớ không chỉ ở tận nửa vòng trái đất bên kia bờ đại dương,
con vẫn nợ các chiến binh VNCH một lời xin lỗi, và dù thế nào trong suy
nghĩ cá nhân con, dù VNCH đã mất nước nhưng chính nghĩa vẫn tồn tại
trong lòng dân tộc.
TPB VNCH dù còn hay đã ra người thiên cổ, các anh có quyền tự hào hơn ai
hết về sự cống hiến của mình, cũng như có quyền mỉm cười nợ tang bồng
trang trắng vỗ tay reo...
_________________________________
Tham khảo:
- Gửi súng cho tao. Tác giả Nguyễn Cung Thương. Saigon Việt Nam. Gởi chất nổ cho mày. Tác giả Trần Phương Đông.
- Ngược đãi sau 30/4 là bi kịch lịch sử. Nam Nguyên, phóng viên RFA.
- Thượng Viện California thông qua nghị quyết về TPB VNCH.
- Nỗi ám ảnh lý lịch. Kính Hòa, phóng viên RFA. http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-cv-obsession-kh-04292015154216.html
- Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến. Tác giả Huỳnh Minh Tú. tuxtini.com/2013/.../nhin-lai-nen-giao-duc-vnch-su-tiec-nuoi-vo-bo-ben/
- Tổng Y Viện Cộng Hòa & BV Dã Chiến 3.
- Dòng Chúa Cứu thế Saigon tạm ngưng chương trình "trợ giúp thương phế binh”. Mặc Lâm - RFA. 2015-04-17.
- Đức Giáo hoàng: Hãy mang chính trị vào các giáo xứ. Mặc Lâm, biên tập viên RFA.
- Mùa hè đỏ lửa 1972. Tác giả Mường Giang.
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2015/05/thuong-binh-viet-nam-cong-hoa-noi-chon.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét