Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

& Thiên hồi ký QUỐC HỒN VIỆT NAM &


III- Di tản chiến thuật ra khỏi tây nguyên

 Quân đoàn II- Pleiku, cung đường quốc lộ 14: komTum- Pleiku

Một thoáng Pleiku

Phạm Ninh



      Thật lòng, tôi không có nhiều gắn bó với Pleiku. Và dường như cái phố núi buồn hiu ấy đã cho tôi nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Vậy mà khi đã xa - thực sự vĩnh viễn xa - Pleiku rồi, tôi lại thấy da diết nhớ, trăn trở với cái cảm giác mình có tội với Pleiku, và mãi mãi sẽ còn nợ phố núi này một lời xin lỗi.

      Tôi chưa (và có thể không) có dịp về thăm lại Pleiku, nên cái xa cách ấy lại càng thấy mịt mùng. Cái phố núi vốn đã bé nhỏ, như một ông nhà thơ đã ví von “đi dăm phút trở về chốn cũ” ấy, giờ với tôi dường như chỉ còn là chút sương khói trong lòng. Điều kỳ lạ là chút khói sương mờ ảo ấy cứ luôn lãng đãng trong ký ức và trái tim già cỗi của tôi, như những mảng mù sương từng bao phủ, giăng mắc trên phố núi Pleiku ngày trước.

      Nếu không có cuộc chiến Kontum, có lẽ sẽ không có dấu chân nào của tôi trên bùn lầy đất đỏ Pleiku. Dẫu là dấu chân của người lính chiến. Chợt đến chợt đi, hay có khi nằm lại vĩnh viễn trên núi rừng heo hút vô danh. Thống thuộc một đại đơn vị có bản doanh tại Ban Mê Thuột, nhưng đơn vị tôi có hậu cứ tại Sông Mao (Phan Thiết) và đảm trách một vùng hành quân khá rộng lớn dọc theo miền duyên hải. Đúng ngày cuối năm âm lịch 1972, khi cả đơn vị đang chuẩn bị cho quân sĩ ăn Tết tại doanh trại Lý Thường Kiệt - Sông Mao, chúng tôi nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên An Khê, thay thế cho một đơn vị của Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ rút quân về nước, và tăng cường cho mặt trận Bình Định, khi một số đơn vị của Sư Đoàn 22BB hoạt động ở đây, vừa di chuyển lên mặt trận Dakto, Tân Cảnh.

      Loanh quanh ở An Khê chưa được hai tháng, cùng với Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh tăng phái, đánh vài trận, giải tỏa một số căn cứ của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn nằm dọc trên đèo An Khê bị Cộng quân tạo nhiều vòng đai vây hãm, đơn vị chúng tôi được lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Pleiku để được không vận lên Kontum. Bộ Tư Lệnh HQ Sư Đoàn 22BB vừa bị tràn ngập tại căn cứ Tân Cảnh và vị Tư lệnh đã ở lại để vùi thây nơi chiến địa cùng với quân sĩ dưới quyền. Địch quân đang trên đà tràn xuống trong ý đồ chiếm lấy Kontum.

       Tôi đến Pleiku như vậy đó. Thời gian chưa đủ nhìn một dãy phố và núi đồi chạy dọc theo con đường dẫn ra phi trường Cù Hanh. Tôi có cảm giác chưa đến thì đã rời khỏi Pleiku. Hơn tám tháng sống chết với chiến trường và giữ vững Kontum, chúng tôi được kéo về Pleiku dưỡng quân và bổ sung quân số. Đây là phần thưởng đặc biệt cho một đơn vị tạo nên kỳ tích trong trận chiến đẩm máu để có một “Kontum Kiêu hùng”.  Một tháng đóng quân trên Đồi Đức Mẹ. Lại là một tháng “gió lạnh mưa mùa”. Cả núi đồi và thành phố Pleiku mờ mịt và lầy lội trong mưa. Hình ảnh của bao nhiêu bạn bè đồng đội vừa mới hy sinh trên chiến trường Kontum lúc nào cũng hiện ra trước mặt, đau đớn tựa hồ như những nhát chém còn rỉ máu trong lòng. Muốn tạm quên chốc lác đã là một điều không dễ. Bọn tôi cần được say. Mỗi ngày chỉ ra phố để uống rượu. Thỉnh thoảng đi nhận đám lính bị Quân cảnh của ông đại úy Hiển bắt. Khi đó tôi đâu có biết ông đồn trưởng Quân cảnh này là nhà thơ Hoàng Khởi Phong, cũng chịu chơi, nhậu nhẹt, lãng mạn (và vi phạm quân phong quân kỷ?) như ai.

     Pleiku có nhiều quán cà phê và nhiều khuôn mặt mỹ nhân, nhưng chúng tôi chỉ chọn các quán rượu. Dường như cà phê không đủ ấm, không đủ để quên, và cái say của rượu cũng chóng phôi pha hơn cái say đàn bà, con gái. Hơn nữa chỉ được có một tháng, mà trước mặt là những trận chiến đẫm máu đang chờ. Chẳng ai muốn vương vấn nợ tình.

      Riêng tôi còn có một anh bạn, Liên Đoàn Trưởng BĐQ trú đóng ở Biển Hồ. Vợ và hai đứa con chết thảm tại Quảng Đức vì xe bị VC giật mìn, nên bây giờ anh chỉ làm người tình với rượu. Tôi bị anh kéo theo cái vòng “tục lụy” này.

      Lúc trước anh là một cấp chỉ huy nổi tiếng trong BĐQ, thời gian binh chủng này mới thành lập. Nhưng sau đó do ảnh hưởng từ các phe nhóm chính trị, anh đã bị bắt đi tù một thời gian, ngưng thăng cấp và sau đó chuyển đến đơn vị tôi, với cái lệnh “không được giữ chức vụ chỉ huy nào.” Biết anh là một niên trưởng và từng dạn dày lửa đạn, tôi tận tình giúp đỡ an ủi anh. Thời gian sau anh bỗng dưng được “vô tội”, trở lại binh chủng, thăng cấp và chỉ huy một Liên Đoàn BĐQ tại QK2.

     Do cái ân tình đó, nên những ngày không hành quân, anh đến kéo tôi ra quán rượu. Tôi chỉ nhìn Pleiku qua những cơn say. Vì vậy Pleiku với tôi càng nhỏ hẹp hơn, chỉ là không gian của một quán rượu trong khu Chợ Mới.  Một tháng, tôi chưa hề biết tên một con đường, thì làm sao biết được tên của một mỹ nhân, để “may mà có em đời con dễ thương!”

     Tôi rời khỏi Pleiku một ngày sau khi thành phố Ban Mê Thuột vừa lọt vào tay giặc. Sáng ngày 13/3/75, theo những toán quân đầu tiên của đơn vị được trực thăng vận từ Hàm Rồng đổ xuống Phước An, quận lỵ duy nhất còn lại của tỉnh Darlac, nằm cách BMT khoảng 30 cây số trên QL 21 về hướng Nha Trang. Khi một nửa đơn vị vừa xuống Phước An, thì Pleiku có lệnh di tản. Một nửa quân số còn lại phải di chuyển theo đoàn quân di tản trên Tỉnh Lộ 7B. Một cuộc triệt thoái sai lầm, tệ hại và bi thảm nhất trong chiến tranh. Một nửa đơn vị của tôi gần như bị xóa sổ. Hai người bạn thân của tôi đều là tiểu đoàn trưởng đã tự sát, nhiều đồng đội đã chết trong đớn đau tức tưởi.

      Hình ảnh cuối cùng của Pleiku trong mắt tôi là dãy núi Hàm Rồng, nhưng trong trí óc tôi chỉ còn đọng lại những cái chết bi tráng của đám bạn bè đồng đội cùng với những người Pleiku mà tôi chưa kịp biết mặt, làm quen. Và trong lòng tôi, dường như Pleiku chỉ có thế. Không phải là những con đường, góc phố, là rạp ciné Diệp Kính, Thanh Bình, hội quán Phượng Hoàng, quán cà phê Dinh Điền, cà phê Văn, cà phê Lính, Bắc Hương, Thiên Lý, và lại càng xa lạ với những ngôi trường mang tên Pleime, Pleiku, Phạm Hồng Thái, Minh Đức, Bồ Đề… mà những cô học trò ngày ấy bây giờ đang mang theo cái hồn Phố Núi đi khắp muôn phương. (Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình khờ khạo biết bao nhiêu!)

     Ngày ấy, tôi là thằng lính bộ binh, một thứ lính “hạng bét”, chỉ có khốn khổ gian truân và chết chóc. Tháng năm lặn lội trong núi rừng, chỉ còn biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Được chút thời gian không đủ cho một cơn say, thì đâu còn biết gì tới thơ với thẩn (mặc dù tôi vốn mê thơ - nhưng rất dốt về thơ). Ngoài bài hát nổi danh được phổ từ thơ Vũ Hữu Định, tôi chưa hề được đọc thơ các thi nhân nổi tiếng một thời của Pleiku hay viết về Pleiku. Sau này đọc Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh Trinh, Kim Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Võ Ý, Cao Thoại Châu, Hoàng Khời Phong…, tôi thấy hối tiếc quá chừng. Pleiku đẹp quá, dễ thương, thơ mộng quá.

     Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ một thời hành quân đánh giặc ở Mật khu Lê Hồng Phong, Sông Mao, nơi đơn vị tôi trú đóng, từng viết những câu thơ hào sảng:

     Ngày mai đánh giặc may còn sống
    Về ghé Sông Mao phá phách chơi,
    Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm
    Đốt tiền mua vội một ngày vui
….
cũng từng bị “đày” lên Phố Núi, nhưng giờ thì đắm say ánh mắt của một nàng thiếu nữ Pleiku:

     Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
     Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
     Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
     Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
     Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
     Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
     Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
     Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó

….

       Vậy mà hơn một tháng ở Pleiku tôi đã ngu ngơ, lãng phí. Không nhìn ngắm, mơ mộng với Pleiku mà chỉ biết say với rượu. “Ta say, trời đất cũng say.” Tôi đã bắt Pleiku say với tôi, mà đáng lý ra tôi phải say đắm với Pleiku mới phải. Đôi khi tôi cũng tự gạt để an ủi mình “Có thể chính mấy ông nhà thơ này đã làm cho Phố Núi đẹp hơn, thơ mộng và lãng mạn hơn những gì nó có?” Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, sau này được dịp làm quen với những người Phố Núi, tôi chợt nhận ra rằng Pleiku đâu chỉ có những ông thi sĩ tài danh ấy, mà dường như cứ mỗi người Pleiku đã là một nhà thơ, hay ít nhất cũng là một bài thơ chưa được viết thành lời.  Dẫu gì, tôi cũng có tội với Pleiku.

     Ba năm hành quân ở Kontum và Pleiku, nhiều đồng đội, bạn bè tôi đã nằm lại nơi này. Võ Anh Tài, Đặng Trung Đức, Trần Công Lâm, Đỗ Bê ... những tiểu đoàn trưởng nổi danh,  những người anh, người bạn thân thiết như tình huynh đệ cùng một đơn vị từ ngày tôi vừa mới ra trường, đã vĩnh viễn ở lại với Kontum, với Pleiku.  Khi tất cả - có lẽ cũng như tôi -  chưa biết rõ mặt Pleiku cùng những vần thơ tuyệt vời ca tụng phố núi thơ mộng một thời.

      Tôi vẫn mãi đau đớn khi hình dung cuôc di tản bi thảm trên Tỉnh Lộ 7B vào những ngày giữa tháng 3. Cùng với những đổng đội của tôi, còn có biết bao nhiêu người Pleiku đã không đi hết đoạn đường kinh hoàng đẫm máu ấy. Trong đó chắc chắn có rất nhiều “em Pleiku má đỏ môi hồng” của nhà thơ Vũ Hữu Định, những bông hoa dại đã làm cho những thằng lính “bị đày” lên phố núi thấy đời dễ thương hơn. Thiếu những bông hoa ấy, Phố Núi sẽ không còn đẹp, không còn lãng mạn, để cho bao thi nhân cảm xúc, để cho nhà thơ Không Quân Võ Ý vẫn mãi còn tiếc nhớ khôn nguôi một thời “Xưa Trên Đó”:

     Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
     dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên
     mê cho lắm cho tay dài với mộng
     mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền

     Một dạo bay qua nhìn qua trên đó
     đồi như vương cây như vấn chân nàng

     phố cũng xưa và tim thì đau nhói
     quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn…”
      Chúng tôi ra đi, cũng (rất vô tình) bỏ lại các cô gái Thượng. Những cô gái chân chất hồn nhiên mà đẹp đẽ như những cánh lan rừng. Họ mới thực sự là những người chủ Phố Núi, nên không đành bỏ núi đồi, buôn bản. Và chắc không hề biết đã từng là niềm vui, là nỗi khát khao của những thằng lính trẻ xa nhà, khi rủ nhau ẩn nấp sau những gốc cây, bờ đá để nhìn (trộm) các cô vô tư khoe mình bên các dòng suối biếc. Tuyệt vời!

      Thuở ra đi, lòng dạ rối bời, chưa kịp nhận ra những điều gắn bó, giờ hồi tưởng, trong lòng bỗng chợt dấy lên bao nỗi bâng khuâng.

      Thì ra, tôi đã mắc nợ phố núi quá nhiều. Nợ những người đã ở lại với Pleiku trong cơn đổi đời khốn khó, nợ người Pleiku nằm lại đâu đó trên tỉnh lộ 7B kinh hoàng, và nợ cả những người Pleiku ra đi mang theo bóng dáng mờ ảo mù sương và cả cái hồn Phố Núi.

     Nợ ân tình thì không thể nào trả cho hết được. Đành viết mấy dòng này xin tạ lỗi Pleiku. - Phạm Tín An Ninh
Diễn đàn này đã đóng.
Trình bày ý kiến
Ý kiến     
bởi: hai từ: saigon
12.04.2013 03:39
Cám ơn tác giả đã cho độc giả một bài viết thật hay.

bởi: Hồ Sinh Từ từ: Ba Đình - Hà Nội
11.04.2013 21:48
Tây Nguyên
Mùa hè 1972, Sư 320 ( mang danh Sư Đoàn Thép) bị đánh tan tác gần như phái xóa sổ. Cả 3 Sư Đoàn và nhiều đơn vị tăng cường mà vẫn không chiếm được Kontum . Tướng Hoàng Minh Thảo, tư lệnh MT B3/ Tây Nguyên bị cách chức. Thật tội nghiệp cho hàng vạn thanh niên miến Bắc, bị ép buộc (và cả ngu muội) nghe theo lời Đảng "Sinh Bắc Tử Nam" đã chôn thây trên rừng núi Tây Nguyên. Đau đớn tủi nhục hơn, sự "hy sinh lầm lỡ" đó cuối cùng chỉ để tạo nên một nhóm chóp bu CS, ngồi trên đầu trân cổ nhân dân,làm giàu trên xương máu và nước mắt của chiến sĩ, hèn với giặc mà ác với dân. Các lãnh tụ "tư bản đỏ" tha hồ chiếm đất, cướp tài sản của quốc gia, bán nước bán đảo cho Tàu để được vinh thân. Bao nhiêu chiến sĩ từng "đi B" năm nào, giờ chỉ còn đau đớn, uất hận nhìn đám chóp bu cùng con cháu ăn chơi, phung phí trên đất nước không còn chiến tranh mà đầy những tai ương, đĩ điếm, xã hội băng hoai đến mức thê lương không thể nào cứu chữa!
Đoàn Văn Vượn cũng lá "chiến sĩ phục viên" đấy, vừa bị cướp sạch đất , vừa bị tù 5 năm !
Một quân đội chỉ biết cuối đầu mê muội phục vụ cho Đảng , quay mặt lại với Nhân Dân, một đám cầm quyền dốt nát, tham ô thối nát và hèn mạt nhất trong lịch sử dân tộc, nhất định không thể tồn tại lâu dài, khi lòng dân đã đầy những căm thù!

bởi: Nhô từ: Hoa Kỳ
11.04.2013 17:52
Pleiku trước 1975

Pleiku trước 1975 bé tẹo, đi dăm phút đã về chốn cũ. Pleiku ngày ấy là thị xã của những dãy nhà trại gia binh lợp tôn, dây kẻm gai chạy xéo chạy xiên buồn rã rượi.

Pleiku, ngày thì đường phố buị đỏ mịt mờ. Buồn hiu hắc!
Pleiku, đêm thì lạnh ơ hờ, như môi quả phụ nhạt nhòa phấn son.
Pleiku, chiều thì mây trời bàng bạc mang đầy xót thương.

Pleiku trước 1975, thị xã của những người lính thú thời đại, miệng ăn cơm sấy Mỹ bón. Thị xã Pleiku, toàn lính thú và vợ con lính thú. Thi thoảng, nhưng không ít và rất thường xuyên, chuyện xãy ra hàng ngày ở thị xã Pleiku với những đoàn người khách lạ, những thiếu phụ VNCH "đi nhận xác chồng". Pleiku buồn lắm, thê lương lắm!

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình.
Ngày mai đi nhặt xác anh
Cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ...
(thơ Lê thị Ý)

Qua rồi, qua lâu rồi Pleiku của cái thời:

"Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?"

Qua rồi, qua lâu rồi cái thở Pleiku của mấy anh lính thú sư đoàn 23, Biệt Động Quân Cọp Đen đánh đâu thua đó. Đánh với FULRO - Thua! Đánh với Việt Cộng, bị ông tướng nông dân chân đất Việt Cộng Hoàng Minh Thảo tiêu diệt và xoá sổ trên chiến trường. Vậy mà cũng bày đặc "Nam Bình Bắc Phạt Tây Nguyên Trấn". Bình ai? Phạt ai? Trấn cái gì?

Plây cu ngày nay:

Plây cu ngày nay là một thành phố hoà bình, trên đà phát triễn toàn diện. Phố phường lúc nào cũng vui như trẫy hội. Phố xá rộng mở thênh thang, ô tô biển số 81 chạy chật cứng phố phường. Plây cu có Cung Văn Hoá, không còn là chổ núp danh tôn giáo chống cộng tới khùng.

Chừ là tháng tư, mùa hoa Pơ Lang vẫn đang nở. Plây cu ơi....Tây nguyên ới..... Quê hương ời.... Em là đóa hoa Pơ Lang.

Các bạn dân chủ, có nhớ người con gái Plây cu đẹp như cánh hoa Pơ Lang hông? Về đi thôi. Về Plây cu quê nội của Nhô ngắm hoa Pơ Lang. Về uống cà phê Dinh Điền với Nhô dưới bóng cây Kơ Nia.

bởi: Doan Du từ: Saigon
11.04.2013 00:45

Doc bai Pho nui xua. Chot nho mau ao tran cua Pho nui cao ma buon qua .Oi! pho nui cao pho nui ...mit mung xa tham.

bởi: Tuấn PB/22BB từ: SG
10.04.2013 21:50
Cám ơn Bạn, Tôi đọc bài viết không sót một chữ nào vì thời gian đó tôi cũng Tân-Cảnh ,Dakto , Kontum ,Pleiku. Nhớ quá đi thôi và mong được đọc nhửng bài viết về nhửng ngày tháng đó.
Trả lời
bởi: Em Pleiku từ: USA
13.04.2013 05:38
Pleiku ngày nay không còn lãng mạng và có nét đẹp tự nhiện" một nhan sắc đằm thắm không dao kéo..." như nhà thơ Du Tử Lê đã viết(http://www.dutule.com/D_1-2_2-44_4-4994_5-10_6-1_17-82_14-2_15-2_10-pleiku_12-3/pleiku-nhung-dieu-dong-lai-trong-ky-uc.html)
Pleiku đã ở trong tâm tưởng của những người đã một thời sống hoặc chỉ ghé qua đó, không thể nào quên!
Xin giới thiệu trang web rất nhiều bài viết về Pleiku http://phonuipleiku.org/

bởi: Đức từ: Gia lai
10.04.2013 21:07
Pleiku sau cuộc chiến , 1 điều còn thấy cho đến hôm nay là nhà thờ Công giáo chợ mới biến thành cung văn hóa , nhà chơi ,nơi nhảy múa..cho mọi người ( dù đựoc gọi là " cung thiếu nhi " ) ! .lấy lý do ông Cha cũ ở đây là tuyên úy CG quân đội VNCH , ngay sau 30-4-75 nhà thờ bị trưng thu , đổi thành " sân chơi....", khi đi qua khu chợ mới Pleiku ngày nay , bạn vẫn còn thấy " cung thiếu nhi" này là hình ảnh nhà thờ và tháp đài thiên chúa giáo cũ.

bởi: HVT từ: Saigon
10.04.2013 20:22
Một lần nữa cảm ơn NINH- Tôi rất nhớ về Linh , vợ của tôi ,nhưng không biết bây giờ ở đâu, còn con, cháu tôi nữa... trong khi quỹ thời gian tôi không còn. Ôi Pleiku đẹp như mơ, anh hùng lắm bây giờ chỉ còn trong tâm trí- Biết bao giờ mình trở về Pleiku được hét to hai tiếng "Tự do " .Nhớ về em LINH.


bởi: lamson từ: U.S
10.04.2013 12:27
Cam on may chu va bac da thuong lay Pleiku. Phai noi Pleiku rat dep, nhe nhang va cung rat tho. Nguoi dan thi rat hien hoa, va chiu kho' lang nghe...nhieu hon la noi, va tam hon ho cung rat dep. Va cho den nay da pha^`n dan Pleiku ph^`an nhieu van vay. Co ai o Pleiku ma khong biet den bai hat "Con chut gi de nho va de thuong". Toi nay bac da cho con nho lai nhung ngay o que con. Mot bai viet rat dep khien cho long nguoi ai da tung o va ghe qua Pleiku chot thay chanh long. Cam on bac.

bởi: Dap loi Song Nui
10.04.2013 08:25
Không phải tôi là người "chống cộng đến khùng", nhưng nói về tôi không thể quên câu nói:

"Trị Thiên vùng dậy, Kontum kiêu hùng và Bình Long anh dũng" trong khi Mùa Hè Đỏ Lửa

Rất may la Nhô va T Chau không thích vào đây để phá hôi cái đẹp tuyệt vời của "thành phố sương mù"

bởi: LeHang từ: Germany
10.04.2013 03:45
Rất cám ơn chú Hoàng đã kể lại một kỷ niệm quí báu ở Pleiku cho giới hậu bối chúng cháu. Chúng cháu khi xưa chỉ đón nhận tin tức triệt thoái khỏi vùng II từ báo chí và truyền hình số 9, trong lòng cũng rất hoang man, bởi vì ba của cháu cũng trong đoàn quân triệt thoái khỏi Pleiku lúc đó, mong sao là sự triệt thoái khỏi Pleiku tốt đẹp, nhanh chóng không bị tổn thất nhiều, để trở về Quân Khu 3 lập phòng tuyến chống lại sự xâm lăng của csvn.

Thời bé cháu chỉ có một lần đến Pleiku, khi cháu cùng mẹ và em đáp Air Vietnam đến Pleiku để thăm ba sau khi QLVNCH lấy lại Kontum, trú ngụ trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II thì cháu cũng có có 3 lần xuống phố Pleiku. Đối với người Sài Gòn như cháu thì Pleiku lúc đó chưa bằng một cái gì đó ở Sài Gòn, nhưng lính cháng VNCH lại yêu Pleiku như vậy.

Dù muộn màn nhưng cháu vẫn luôn yêu quý chú Hoàng, cho dẩu là chú vẫn yêu thích quý nữ Pleiku hơn là gái Sài Gòn. Bỏ lại rồi quyến luyến với gái Pleiku vì lệnh bên trên đưa ra, tình yêu của chú với người thôn nữ Pleiku là rất đáng kính trọng.

Tình chỉ trọn khi trái tim còn thổn thức, con gái Pleiku ấm lòng với những chàng trai Việt còn nghĩ về Pleiku thời chinh chiến trước bọn bần cùng vô học thức csvn.

Là gái Sài Gòn thì cháu cũng ghen lắm nha chú Hoàng, hổng yêu gái Sài Gòn mà lại yêu gái Pleiku, tội này là để các cô Gia Long thịt chú, chia ly với Biệt Động Quân luôn đó.
Trả lời
bởi: BỐ Th...NHÔ(NPCN)hoàng kỳ
11.04.2013 03:13
Chú Hoàng yêu "SƠN NỮ PHÀ CA" thôi.Gaí Sè-Ghềnh quậy lắm!Thôi thì "đói lòng ăn nưả trái Sim..." ấy mà.Xuống câu "vọng cổ" đi tìm người thương,chaú Lệ Hằng ơi!!!
Trả lời
bởi: An-nam từ: Không-gian
11.04.2013 00:56
Ngày xa xa nào thì còn ..."khi rủ nhau ẩn nấp sau những gốc cây, bờ đá để nhìn (trộm) các cô vô tư khoe mình bên các dòng suối biếc." Hôm nay i' à! nhà nào ngôì nhà â'y và xem v.ê- tinh truyê`n-hình soi xuyên qua nu'i cao rư`ng già mà xem "các cô vô tư khoe mình bên các dòng suối" câ`n gì xem gái Sài Gòn trên blogg!
Duy chỉ còn mùi càphê là internett chưa sa'ng ta.o thôi!

bởi: BỐ Th...NHÔ(NPCN)Hoàng kỳ
10.04.2013 02:53
Em Pleiku má đỏ môi hồng,ở đây buổi chiều quanh năm muà đông....Ai baỏ Đà lạt thành phố sương mù.Sương mù ở PLEIKU còn đậm đặc hơn.Nhưng buổi chiều nơi Buôn,Bản người ta mới thấm thiá cái "CHIỂU TRÊN BẢN THƯỢNG" cuà muà chinh chiến cũ.Lại nhớ anh VŨ HỮU ĐỊNH lúc ấy trong biệt đoàn Xây dựng nông thôn,và những ngaỳ chở anh Trần quang Lộc trên những nẻo đường Đà nẵng, tác giả những bản nhạc "Về đây nghe em","Đêm hồi động" ...những lần ra PLEIKU sương mù,đất đỏ.Cái buồn nẫu người trong những đêm mưa,trong thành phố tù mù đèn đêm những năm chiến tranh.Pleiku vẫn là nỗi nhớ trong đời.

bởi: Oan Khiên
10.04.2013 00:04
Bài viết hay thật cảm động...Cám ơn tác giả đã cho thế hệ đàn em chúng tôi - những người chưa từng đặt chân đến Pleiku biết thêm về thành phố này với những tháng ngày lịch sử đầy bi hùng...

bởi: Vô danh
10.04.2013 00:01
Pleiku xưa và nay
www.youtube.com/watch?v=ImDpcft-wv0

bởi: BTN -HVT từ: Saigon
09.04.2013 21:02
Đọc NINH viết noi về Pleiku , tôi khóc.. khóc vì tôi đã mất Pleiku.. tất cả những gì NINH nói tôi đã đi qua.. tôi là người lính Không quân ở Pleiku - .. Tôi ngày nào cũng nhớ pleiku - Vì pleiku có vợ và con gái của tôi... mà nay không sao gặp được.... Tôi buồn lắm.. Pleiku chỉ còn trong tâm , trong não tôi ... Chớ bây giờ Pleiku nghe nói phố núi bây giờ chỉ là bê tông thôi... Tất cả gì NINH nói đều đúng.. Tôi buồn vì quỹ thời gian không còn mà không được về thăm chiến trường xưa - Ôi Phi trường, Ôi chợ Cù hanh.....Ôi Dinh điền, Ôi Diệp Kính mi còn không ... Nhớ bạn bè .khi ngồi dưới hầm uống cà phê ... Cảm ơn NINH -Xin cảm ơn thành phố có em..
Trả lời
bởi: Hưng từ: Saigon
12.04.2013 09:55
Chào bạn, tôi la Hưng cũng là Không quân ở Pleiku nam 71 . Hân hạnh được biết bạn

bởi: Tra Dao từ: Australia
09.04.2013 18:14
Nhạc sĩ Phạm Duy chấp cánh cho thơ Vũ hữu Định, để người yêu nhạc yêu cả thơ và phố núi có chút xíu xa lạ Pleiku. Hôm nay đọc bài viết nầy chắc chắn Pleiku đã là một kỶ niệm đẹp và vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người. Bên cạnh Pleiku còn có một chốn đèo heo hút gió khác nữa tên là Quảng Đức, mà ông Phạm Tín An Ninh có nói sơ qua trong đoạn vợ và con của một người bạn ông đi xe đò bị VC giụt mìn chết. Có ai biết rõ về địa danh nầy ? Hoặc có ai còn sống sót sau trận chiến đẩm máu trên đồi của tiểu khu Đức lập mở màn cho chiến dịch xâm lấn cao nguyên ngàY 9 tháng 3 năm 1975 dạo đó? Xin vui lòng cho đọc thêm chi tiết thành thật cảm ơn.
Trả lời
bởi: H. từ: Nha Trang
10.04.2013 06:15
Tôi ở Quảng Đức, đóng trên sân bay, nằm trên đỉnh đồi Gia Nghĩa. Những năm chiến tranh, nỗi buồn da diết, nhất là những trận đánh giải tỏa Quảng Đức, rồi đoàn convoi 80 chiếc phá vòng vây vào thị trấn của trận chiến Bắp răng. Đêm ấy pháo sáng cả bầu trời. Thị trấn Gia nghĩa chỉ có 1 quán phở, và tôi hay uống cà phê của HS1 Trường, tiếp liệu xăng cho máy bay L19... tất cả những năm tháng ấy luôn nằm trong tâm trí tôi, một B1 của Tiểu Đoàn 5 Nhiên Liệu KBC4312...
Trả lời
bởi: TD từ: Australia
10.04.2013 16:02
Hình như ở Quảng Đức, Đức Lập còn có một quán khác nữa tên là quán Mai, chuyên bán cà phê phin... nhưng không rõ có bán thêm phở hoặc cơm hay không? Mai là tên cô con gái của ông chủ quán, mà ông thường đem dấu trong bếp để cô phụ mẹ rửa chén bát ly tách. Mẹ cô thường đi đi về về giửa Quảng Đức và Ban mê Thuột để lấy mối sỉ và bán lẻ cà phê cho bạn hàng. Tôi cũng nghe kể vậy thôi, chứ hoàn toàn chưa có dịp nào đến nơi nầy, mặc dù đó là nơi mà mỗi năm, vào mỗi tháng ba về là một lần rơi nước mắt khi nhớ lại. Ông H ( Hoàng? ) có biết, vì đã từng uống cà phê tại quán nầy, hoặc quen với gia đình ông bà chủ quán Mai không? Cám ơn ông H đã cho đọc thêm một chút chi tiết về Quảng Đức, vô cùng cảm ơn.

bởi: xuan anh từ: thu duc saigon
09.04.2013 16:51
truoc nam 1975 gia dinh toi o pleiku thi xa nho dep lam nha toi o duong su van hanh ben canh truong thieu sinh quan vao nam 1968 toi nhin thay cuoc chien qua khoc liet ben kia doi tra ba thi xa pleiku luon bi phao kich hoi do toi moi 8 tuoi hang ngay toi di bo di hoc truong nam tieu hoc nhung hinh anh toi thay nam do tieng khoc tham thuong cua gia dinh bi trai phao nha chay do la thoi tho au cua toi voi thi xa pleku toi luon nho thanh pho suong mu

bởi: bao hoai bao từ: hcm
09.04.2013 13:23
Bố tôi ở Phú bổn cậu tôi ở Pleiku quân cảnh ,cậu tôi ờ sư 23 bb chú tôi cân vệ tướng BMT tôi ra Pleiku nhiều lần mê lắm sương mù giờ vẫn thế mời bác về thăm

bởi: dpa từ: canada
09.04.2013 07:36
Tôi nghĩ, đây là một trong những đoản ký hay nhứt của anh. Mấy bài anh viết thường trùng phùng trước, rồi cứ hội ngộ tình cờ sau mấy mươi năm, mà cả chục bài rập như thế làm tôi cứ nghi nghi gì đó ở bút lực của anh. Bài này khẳng định anh là một nhà văn hẳn hoi, theo tôi thấy.

bởi: duong bui từ: Saigon
09.04.2013 07:20
Về đi mà thăm lại,mơ màng lắm.Vẫn còn đó 'má đỏ môi hồng'..;Ông ạ.


bởi: Hung từ: Texas
09.04.2013 06:31
Tôi cũng có tâm ý giống anh, tôi cũng nhớ Pleiku nhiều, vì tôi là một người thuộc binh chủng Quân-vận, Liên-đoàn 2 Vận-tải. Tôi thường tạm dừng chân lại tại ngã ba Pleiku [gần dốc Cầu ông Phú], hướng Quốc-lộ 19 từ Qui-nhơn lên. Tôi hơn Anh, vì tôi đã đi khắp nơi của vùng đất đỏ này.Từ Phú-bổn, Đức-cơ, Kontum và đến tận các làng của Đồng-bào thiểu-số. Và mùa hè Đỏ-lửa 1972, một lần nữa tôi bị cộng-sản bao-vây tại Phi-trường Kontum. Sau đó được được Liên-đoàn Du, Biệt-động-quân và Sư-đoàn 23 Bộ-binh đến giải tỏa được. Cũng nhờ Thượng-Đế ban-ơn nên tôi mới đọc bài viết của anh hôm nay. Sau tôi được chuyển về hẵn ở hậu-cứ Qui-nhơn, và tiếp-vận cho cuộc tái chiếm Bắc Bình-định. Mặc dầu Chúng ta không gặp nhau, nhưng chúng ta thông qua trong các bài viết, là điều quí giá vô cùng. Chúng ta là những Người lưu-lạc bốn Phương, nghĩ ngày ấy, nghĩ đến Quê nhà, thật vô-vàng đau-xót. Chào bạn !!!.

Hiệp định Paris 1973

Hiệp định Paris 1973
Hiệp Định Paris là hiệp định chấm dứt Chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Việt Nam Dân Chủ Cộng HoàChính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.— Trích dẫn từ Hiệp định Paris 1973 của Wikipedia, Bách khoa Toàn thư Mở. Xem thêm:

nguồn:
HIỆP ĐỊNH CHẤM DỨT CHIẾN TRANH
LẬP LẠI HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM

Các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam,
Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới,
Đã thảo luận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây:

Mục lục

Chương I: CÁC QUYỀN DÂN TỘC CƠ BẢN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAMSửa đổi

Điều 1:
Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận.

Chương II: CHẤM DỨT CHIẾN SỰ - RÚT QUÂNSửa đổi

Điều 2:
Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp miền Nam Việt Nam kể từ hai mươi bốn giờ (giờ GMT), ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba.
Cùng ngày giờ nói trên, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển bất cứ từ đâu tới, và sẽ chấm dứt việc thả mìn tại vùng biển, các cảng và sông ngòi của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hoa Kỳ sẽ tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá huỷ tất cả những mìn ở vùng biển, các cảng và sông ngòi ở miền Bắc Việt Nam ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực.
Việc chấm dứt chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn.
Điều 3:
Các bên cam kết giữ vững ngừng bắn, bảo đảm hòa bình lâu dài và vững chắc.
Bắt đầu từ khi ngừng bắn:
a) Các lực lượng của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đồng minh của Hoa Kỳ và của Việt Nam cộng hòa sẽ ở nguyên vị trí của mình trong lúc chờ đợi thực hiện kế hoạch rút quân. Ban liên hợp quân sự bốn bên nói trong Điều 16 sẽ quy định những thể thức.
b) Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình. Ban liên hợp quân sự hai bên nói trong Điều 17 sẽ quy định vùng do mỗi bên kiểm soát và những thể thức trú quân.
c) Các lực lượng chính quy thuộc mọi quân chủng và binh chủng và các lực lượng không chính quy của các bên ở miền Nam Việt Nam phải ngừng mọi hành động tấn công nhau và triệt để tuân theo những điều quy định sau đây:
– Ngăn cấm mọi hoạt động vũ lực trên bộ, trên không và trên biển;
– Ngăn cấm mọi hành động đối địch, khủng bố và trả thù của cả hai bên.
Điều 4:
Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
Điều 5:
Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và công cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3(a). Cố vấn quân sự của các nước nói trên cho tất cả các tổ chức bán quân sự và lực lượng cảnh sát cũng sẽ rút trong thời hạn đó.
Điều 6:
Việc huỷ bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3(a) sẽ hoàn thành trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này.
Điều 7:
Từ khi thực hiện ngừng bắn cho đến ngày thành lập chính phủ quy định trong Điều 9(b) và Điều 14 của Hiệp định này, hai miền Nam Việt Nam không được nhận đưa vào miền Nam Việt Nam quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh.
Hai bên miền Nam được phép từng thời gian thay thế vũ khí, đạn dược, dụng cụ chiến tranh đã bị phá huỷ, hư hỏng, hao mòn hoặc dùng hết từ sau khi ngừng bắn, trên cơ sở một đổi một, cùng đặc điểm và tính năng, có sự kiểm soát của Ban liên hợp quân sự hai bên miền Nam Việt Nam và của Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát.

Chương III: VIỆC TRAO TRẢ NHÂN VIÊN QUÂN SỰ BỊ BẮT, THƯỜNG DÂN NƯỚC NGOÀI BỊ BẮT VÀ NHÂN VIÊN DÂN SỰ VIỆT NAM BỊ BẮT VÀ GIAM GIỮSửa đổi

Điều 8:
a) Việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt sẽ tiến hành song song và hoàn thành không chậm hơn ngày hoàn thành việc rút quân nói trong Điều 5. Các bên sẽ trao đổi danh sách đầy đủ những nhân viên quân sự và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt nói trên vào ngày ký kết Hiệp định này.
b) Các bên sẽ giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong chiến đấu, xác định vị trí bảo quản mồ mả của những người bị chết, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc cất bốc và hồi hương hài cốt và có những biện pháp khác cần thiết để tìm kiếm tin tức những người còn coi là mất tích trong chiến đấu.
c) Vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên cơ sở những nguyên tắc của Điều 21(b) của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày hai mươi tháng bảy năm một nghìn chín trăm năm mươi tư. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ làm điều đó trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhằm chấm dứt thù hằn, giảm bớt đau khổ và đoàn tụ các gia đình. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ gắng hết sức mình để giải quyết vấn đề này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực.

Chương IV: VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA NHÂN DÂN MIỀN NAM VIỆT NAMSửa đổi

Điều 9:
Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam dưới đây:
a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng.
b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông quan tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.
c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoăc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam.
Điều 10:
Hai bên miền Nam Việt Nam cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hòa bình ở miền Nam Việt Nam; giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.
Điều 11:
Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:
– Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;
– Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
Điều 12:
a) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc nhậm chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương để thành lập các hội đồng cấp dưới. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt, và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hòa bình, độc lập và dân chủ.
b) Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong Điều 9(b) và quy định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thuơng mà thỏa thuận. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phuơng theo như hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận.
Điều 13:
Vấn đề lực luợng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh. Trong số những vấn đề hai bên miền Nam Việt Nam thảo luận có các biện pháp giảm số quân của họ và phục viên số quân đã giảm. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hoàn thành việc đó càng sớm càng tốt.
Điều 14:
Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam nói trong Điều 9(b).

Chương V: VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT NƯỚC VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ QUAN HỆ GIỮA MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM VIỆT NAMSửa đổi

Điều 15:
Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không bên nào cuỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thỏa thuận.
Trong khi chờ đợi thống nhất:
a) Giới tuyến quân sự giữa hai miền tại vĩ tuyến thứ mười bảy chỉ là tạm thời và không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ như quy định trong đoạn 6 của Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư.
b) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời.
c) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ sớm bắt đầu thương lượng nhằm lập lại quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trong các vấn đề sẽ được thương lượng, có vấn đề thể thức đi lại dân sự qua giới tuyến quân sự tạm thời.
d) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự hoặc khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự trên đất mình, như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam quy định.

Chương VI: CÁC BAN LIÊN HỢP QUÂN SỰ, ỦY BAN QUỐC TẾ KIỂM SOÁT VÀ GIÁM SÁT, HỘI NGHỊ QUỐC TẾSửa đổi

Điều 16:
a) Các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban liên hợp quân sự bốn bên có nhiệm vụ phối hợp hành động của các bên trong việc thực hiện các điều khoản sau đây của Hiệp định này:
– Đoạn đầu của Điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam;
– Điều 3(a) về việc ngừng bắn của lực lượng của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác nói trong điều này;
– Điều 3(c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam;
– Điều 5 về việc rút ra khỏi miền Nam Việt Nam quân đội của Hoa Kỳ và quân đội của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3(a);
– Điều 6 về việc hủy bỏ các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3(a);
– Điều 8(a) về việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt;
– Điều 8(b) về việc các bên giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong chiến đấu;
b) Ban liên hợp quân sự bốn bên sẽ làm việc theo nguyên tắc hiệp thương và nhất trí. Những vấn đề bất đồng sẽ chuyển cho Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát.
c) Ban liên hợp quân sự bốn bên sẽ bắt đầu hoạt động ngay sau khi ký kết Hiệp định này và chấm dứt hoạt động trong thời gian sáu mươi ngày, sau khi việc rút quân của Hoa Kỳ và quân của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3(a) và việc trao trả nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thuờng dân nước ngoài của các bên bị bắt đã hoàn thành.
d) Bốn bên sẽ thỏa thuận ngay về tổ chức, thể thức làm việc, phương pháp hoạt động và chi phí của Ban liên hợp quân sự bốn bên.
Điều 17:
a) Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban liên hợp quân sự hai bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của hai bên miền Nam Việt Nam trong việc thực hiện các điều khoản sau đây của Hiệp định này:
– Đoạn đầu của Điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam, sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình;
– Điều 3(b) về việc ngừng bắn giữa hai bên miền Nam Việt Nam;
– Điều 3(c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam, sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình;
– Điều 7 về việc không được đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam và tất cả những điều khoản khác của điều này;
– Điều 8(c) về vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam;
– Điều 13 về việc giảm số quân của hai bên miền Nam Việt Nam và phục viên quân số đã giảm;
b) Những vấn đề bất đồng sẽ chuyển cho Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát;
c) Sau khi Hiệp định này được ký kết, Ban liên hợp quân sự hai bên sẽ thỏa thuận ngay những biện pháp và tổ chức nhằm thực hiện ngừng bắn và giữ gìn hòa bình ở miền Nam Việt Nam;
Điều 18:
a) Sau khi ký kết Hiệp định này, thành lập ngay Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát.
b) Cho đến khi Hội nghị quốc tế nói ở Điều 19 có những sắp xếp dứt khoát, Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát việc thi hành những điều khoản sau đây của Hiệp định này:
– Đoạn đầu của Điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam;
– Điều 3(a) về việc ngừng bắn của lực lượng của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác nói trong điều này;
– Điều 3(c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam;
– Điều 5 về việc rút ra khỏi miền Nam Việt Nam quân đội của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3(a);
– Điều 6 về việc hủy bỏ các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3(a).
– Điều 8(a) về việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt.
Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát lập những tổ kiểm soát để làm những nhiệm vụ của mình. Bốn bên sẽ thỏa thuận ngay về chỗ đóng và sự hoạt động của các tổ đó. Các bên sẽ làm dễ dàng cho hoạt động của các tổ đó.
c) Cho đến khi Hội nghị quốc tế có những sắp xếp dứt khoát, Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ báo cáo với hai bên miền Nam Việt Nam những vấn đề về việc kiểm soát và giám sát việc thi hành những điều khoản sau đây của Hiệp định này:
– Đoạn đầu của Điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam, sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình;
– Điều 3(b) về việc ngừng bắn giữa hai bên miền Nam Việt Nam;
– Điều 3(c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam, sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình;
– Điều 7 về việc không được đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam và tất cả các điều khoản khác của điều này;
– Điều 8(c) về vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam;
– Điều 9(b) về tổng tuyển cử tự do và dân chủ ở miền Nam Việt Nam;
– Điều 13 về việc giảm số quân của hai bên miền Nam Việt Nam và việc phục viên số quân giảm.
Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát lập những tổ kiểm soát để làm nhiệm vụ của mình. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thỏa thuận ngay về chỗ đóng và sự hoạt động của các tổ đó. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ làm dễ dàng cho hoạt động của các tổ đó.
d) Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ gồm đại diện của bốn nước: Ba Lan, Ca-na-đa, Hung-ga-ri, In-đô-nê-xi-a. Các thành viên của Ủy ban quốc tế sẽ luân phiên làm Chủ tịch trong từng thời gian do Ủy ban quốc tế quy định.
e) Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành nhiệm vụ của mình theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của miền Nam Việt Nam.
f) Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát làm việc theo nguyên tắc hiệp thương và nhất trí.
g) Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ bắt đầu hoạt động khi ngừng bắn có hiệu lực ở Việt Nam. Đối với các điều khoản liên quan đến bốn bên nói trong Điều 18(b), Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát chấm dứt hoạt động của mình khi nhiệm vụ kiểm soát và giám sát của Ủy ban đối với các điều khoản đó đã hoàn thành. Đối với các điều khoản liên quan đến hai bên miền Nam Việt Nam nói ở Điều 18(c), Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát chấm dứt hoạt động của mình theo yêu cầu của chính phủ được thành lập sau Tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam nói ở Điều 9(b).
h) Bốn bên sẽ thỏa thuận ngay về tổ chức, phương tiện hoạt động và chi phí của Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát. Mối quan hệ giữa Ủy ban quốc tế và Hội nghị quốc tế sẽ do Ủy ban quốc tế và Hội nghị quốc tế thỏa thuận.
Điều 19:
Các bên thỏa thuận về việc triệu tập một Hội nghị quốc tế trong vòng ba mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này để ghi nhận các Hiệp định đã ký kết; bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; góp phần vào hòa bình và bảo đảm hòa bình ở Đông Dương.
Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa, thay mặt các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam, sẽ đề nghị các bên sau đây tham gia Hội nghị quốc tế này: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Pháp, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, Liên hiệp Vương quốc Anh, bốn nước trong Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát và Tổng thư ký Liên hợp quốc, cùng với các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam.

Chương VII: ĐỐI VỚI CAM-PU-CHIA VÀ LÀOSửa đổi

Điều 20:
a) Các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam phải triệt để tôn trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Cam-pu-chia và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm sáu mươi hai về Lào đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Cam-pu-chia và nhân dân Lào: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ các nước đó. Các bên phải tôn trọng nền trung lập của Cam-pu-chia và Lào.
Các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam cam kết không dùng lãnh thổ của Cam-pu-chia và lãnh thổ của Lào để xâm phạm chủ quyền và an ninh của nhau và của các nước khác.
b) Các nước ngoài sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở Cam-pu-chia và Lào, rút hết và không đưa trở lại vào hai nuớc đó quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh.
c) Công việc nội bộ của Cam-pu-chia và Lào phải do nhân dân mỗi nước này giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài.
d) Những vấn đề liên quan giữa các nuớc Đông Dương sẽ do các bên Đông Dương giải quyết, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Chương VIII: QUAN HỆ GIỮA HOA KỲ VÀ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒASửa đổi

Điều 21:
Hoa Kỳ mong rằng Hiệp định này sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng như với tất cả các dân tộc ở Đông Dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công việc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam dân chủ cộng hòa và toàn Đông Dương.
Điều 22:
Việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và việc thực hiện triệt để Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đồng thời, những việc đó sẽ bảo đảm hòa bình vững chắc ở Việt Nam và góp phần giữ gìn hòa bình lâu dài ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Chương IX: NHỮNG ĐIỀU KHOẢN KHÁCSửa đổi

Điều 23:
Hiệp định này sẽ có hiệu lực khi đại diện toàn quyền của các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam ký. Tất cả các bên có liên quan sẽ thi hành triệt để Hiệp định này và các Nghị định thư của Hiệp định.
Làm tại Pa-ri ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba, bằng tiếng Anh và tiếng Việt Nam. Bản tiếng Anh và tiếng Việt Nam đều là những văn bản chính thức và có giá trị như nhau.
Signes of Roges and TVLam.jpg
Chữ ký của Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Wiliam P. Rogers và Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm tại Hiệp định Paris 1973 (Bản được ký bởi bốn bên)

Signes of DuyTrinh and NTBinh.jpg
Chữ ký của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh và Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tại Hiệp định Paris 1973 (Bản được ký bởi bốn bên)

PD-icon.svg Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105). Great Seal of the United States (obverse).svg

PD-icon.svg Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Điều 15, Khoản 2, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, Điều 21, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật". Coat of arms of Vietnam.svg

Ngồn: https://vi.m.wikisource.org/wiki/Hi%E1%BB%87p_%C4%91%E1%BB%8Bnh_Paris_1973



HIỆP ĐỊNH PARIS 1973 CHẤM DỨT CHIẾN TRANH VIỆT NAM HAY SỰ PHẢN BỘI HÈN HẠ CỦA CSVN

 

Xuất bản 3 thg 7, 2014
HIỆP ĐỊNH PARIS 1973 CHẤM DỨT CHIẾN TRANH VIỆT NAM HAY SỰ PHẢN BỘI HÈN HẠ VÀ NHỤC NHÃ CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM
 
https://youtu.be/Rn8ZJ6UTc-0
Xin mời đọc tiếp theo: 
DI TẢN  CHIẾN THUẬT- QUÂN ĐOÀN II

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét