Trong khi Việt Nam có đầy đủ các chứng lý phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế về chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì cách hành xử của Trung Quốc lại là ỷ vào sức mạnh để áp chế và lợi dụng khi Việt Nam gặp khó khăn thì tấn công chiếm đoạt kết hợp với việc đưa ra những cái gọi là chứng cứ “bất khả tranh nghị” (không thể chối cãi) mà thực chất là những lập luận và dẫn chứng phi lý thiếu căn cứ khoa học.
Cho đến tận đầu thế kỷ XX, các chính quyền phong kiến Trung Quốc không biết gì và cũng không quan tâm đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ của Trung Hoa Dân quốc xuất bản năm 1916 và sách giáo khoa dạy học trò của họ vào thời ấy vẫn nói cực nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam. Những đảo bị Trung Quốc chiếm đầu tiên là vào năm 1956. Lợi dụng tình hình ở Việt Nam vừa kết thúc 300 ngày tập kết, người Pháp rút khỏi hai quần đảo mà không kịp bàn giao, chính quyền miền Nam còn bề bộn công việc cũng chưa ra tiếp quản, Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa tiến ra chiếm đảo Phú Lâm (sau đổi thành Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa và từ Đài Loan, quân Tưởng Giới Thạch nhảy vào chiếm giữ trái phép đảo Ba Bình (sau đổi thành Thái Bình) thuộc quần đảo Trường Sa.
Sau khi đã ký thông cáo chung Thượng Hải với Hoa Kỳ vào năm 1972 với những đổi chác vô cùng tệ hại, năm 1974 lợi dụng tình thế chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đang trong giai đoạn vô cùng ác liệt, Trung Quốc đã cho quân đội tiến chiếm trái phép toàn bộ các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1988, khi Việt Nam đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn sau hàng loạt sự kiện do chính họ gây ra (kích động và hậu thuẫn Khmer đỏ gây chiến tranh biên giới Tây-Nam, trực tiếp dùng 60 vạn quân tấn công từ phía bắc, tìm mọi cách cô lập Việt Nam trên trường quốc tế...), Trung Quốc đã đem chiến hạm tấn công vào các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma và một số bãi ngầm (Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Xu Bi).
Ngày 1-5-2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 với hơn 100 tàu, bao gồm cả tàu chiến hộ tống và máy bay uy hiếp vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khi các lực lượng thi hành pháp luật của Việt Nam thi hành chức trách, các tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng công suất mạnh và đâm húc rất hung hãn. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của nước chủ nhà và dư luận quốc tế, Trung Quốc công khai với thế giới tham vọng độc chiếm Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ đã mưu đồ từ lâu.
Như vậy là, xem xét một cách hệ thống toàn bộ quá trình thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông và lấn dần các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có thể thấy rõ họ luôn luôn cậy thế nước lớn, bất chấp đạo lý và pháp lý. Bên cạnh những hành động ngang ngược nhằm thị uy sức mạnh, Trung Quốc còn ra sức tuyên truyền bằng cách ngụy tạo chứng cớ, đổi trắng thay đen, bất chấp sự thật khách quan. Họ đã huy động một lực lượng khổng lồ và đầu tư lớn cho việc ngụy tạo này. Xem xét một cách khách quan các lập luận và hệ thống chứng lý do phía Trung Quốc đưa ra, mặc dù luôn được họ gọi là bằng chứng không thể chối cãi, nhưng không khó nhận ra tính chất phi lý và phản khoa học của chúng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường nói họ có đầy đủ chứng cứ để chứng minh người Trung Quốc đã phát hiện và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và làm chủ Biển Đông (trong vùng lưỡi bò) từ cách đây hơn 2.000 năm. Tuy nhiên, trên thực tế họ không đưa ra được một bằng chứng xác thực nào mà chỉ dựa vào những trích dẫn từ các sách cổ của các tác giả Trung Quốc rồi giải thích một cách tùy tiện theo ý mình rằng đó là bằng chứng về việc họ phát hiện và khai thác hai quần đảo này (1). Với cách thức tập hợp rất nhiều đoạn trích dẫn có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện là một cách tung hỏa mù, khiến những người không có điều kiện tìm hiểu sâu dễ bị đánh lừa là tư liệu của Trung Quốc rất dày dặn. Tuy nhiên, những đoạn trích như vậy hoàn toàn không có giá trị chứng minh việc thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều nguy hiểm là trong lập luận, Trung Quốc thường đề cao cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, theo đó, từ thế kỷ II trước công nguyên, vùng đất nay là Trung Trung Bộ của Việt Nam, từng là một quận của nhà Hán (quận Nhật Nam) và như vậy, vùng biển, các đảo thuộc quận này đương nhiên là của Trung Quốc. Kiểu lý sự này hết sức phi lý và phản khoa học, nếu không nói là rất phản động và đậm chất thực dân. Khi lập luận như vậy họ cũng đã cố tình quên rằng cả nước Trung Hoa đã từng nằm dưới ách cai trị của người Mông Cổ từ năm 1271 đến năm 1368. Theo cách lý sự đó, người Mông Cổ hoàn toàn có thể đòi chủ quyền lịch sử đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
Để “gò theo” một nguyên tắc rất cơ bản của luật pháp quốc tế là chủ quyền phải được thực thi liên tục (khác với cái gọi là chủ quyền lịch sử), phía Trung Quốc đã cố tìm ra mỗi thời dăm ba sự kiện để chứng minh họ liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Trung Quốc thừa hiểu rằng lập luận về “chủ quyền lịch sử” của họ (dù chẳng ai thừa nhận) thì cũng không thể kéo dài sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, khi người Việt đã giành lại độc lập chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, nên họ ra sức tìm kiếm chứng cớ từ đời Tống (thành lập năm 960). Họ viện dẫn các sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát những đoạn nói về hai quần đảo Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường (mà sau này Trung Quốc nói là tên khác của Tây Sa/Hoàng Sa và Nam Sa/Trường Sa) (2). Nhưng như tên gọi của những sách này, “Lĩnh ngoại” là ngoài biên giới Trung Quốc, nói về những chuyện bên ngoài. “Chư phiên” là các nước Trung Quốc cho là chư hầu của mình, chuyện chép về các nước xung quanh mình. Do vậy, những mô tả về biển, đảo hoặc hải trình đi tới các nước, như Giao Chỉ, Chiêm Thành, Chân Lạp thì tên các quần đảo Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường (mà Trung Quốc cho là Tây Sa và Nam Sa) được nhắc đến để chỉ vị trí hoàn toàn không có ý nghĩa nào trong việc xác định chủ quyền của Trung Quốc. Đấy là chưa kể từ ngữ dùng trong các sách này cho thấy tác giả cũng chỉ nghe truyền lại (truyền văn), chứ không biết đích xác ra sao.

Sang đến thời kỳ Trung Quốc bị người Mông Cổ chinh phục, lập ra triều Nguyên (nay Trung Quốc nhận là của Trung Quốc), họ dẫn một vài sự kiện chép trong Nguyên Sử như việc thủy quân nhà Nguyên đi qua “Thất Châu Dương, Thiên Lý Thạch Đường” để nói họ thực thi chủ quyền trên hai quần đảo. Thực ra đây là sự kiện quân Nguyên trên đường đi đánh Giava năm 1293. Hay việc năm 1279 Quách Thủ Kính theo lệnh vua Nguyên tiến hành đo đạc thiên văn ở 27 nơi, trong đó có một điểm tương đương với Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng sự kiện này góp phần khẳng chủ quyền của họ vào thời Nguyên trên quần đảo Hoàng Sa. Khi lập luận, họ không dẫn giải hết rằng cùng thời điểm đó, Quách Thủ Kính đã tiến hành đo đạc trên một phạm vi rất rộng, phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam qua Chu Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc (Xibêri), đúng như chỉ dụ của vua Nguyên là đo đạc thiên văn “bốn biển”. Cần nhớ rằng đế chế Đại Nguyên dưới thời Đại Hãn Khubilai/ Hốt Tất Liệt (1271 - 1294) là thời kỳ hùng mạnh nhất và năm 1279 chính là năm lãnh thổ đế chế mở rộng đến cực đại, với diện tích lên tới 24 triệu km2, nối liền từ Thái Bình Dương sang đến Địa Trung Hải. Nhưng cũng trong giai đoạn lịch sử này quân và dân Đại Việt đại thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Với đà lập luận như vậy, đến một lúc nào đó, khi có điều kiện Trung Quốc có thể chứng minh chủ quyền của họ trên lãnh thổ Hàn Quốc và Liên bang Nga.
Trung Quốc đặc biệt đề cao cái gọi là “phát kiến hàng hải” của Trịnh Hòa vào thế kỷ XV. Dưới thời Minh, trong khoảng thời gian gần 30 năm, từ năm 1405 đến năm 1433, một quan thái giám là Trịnh Hòa trước sau đã có bảy lần vượt biển xuống Đông Nam Á, sang đến Ấn Độ Dương, qua Hồng Hải tới các nước Ả Rập và thậm chí xuống đến tận bờ biển Đông Phi. Phía Trung Quốc đề cao sự kiện này và đối với Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì họ cho đây là bằng chứng hùng hồn của việc thực thi chủ quyền. Chưa nói đến sự phi lý của việc đồng nhất một chuyến du hành biển xa với việc khẳng định chủ quyền, những người muốn lợi dụng sự kiện này để nói về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã cố tình hay vô ý quên rằng Trịnh Hòa đã công phu vẽ lại cuộc hành trình của mình thành hàng trăm tấm hải đồ. Trên hải đồ vẽ đoạn đi ngang qua Việt Nam, chú thích ở dưới ghi một hàng chữ nhỏ Giao Chỉ dương /Biển Giao Chỉ (交阯洋). Giao Chỉ là tên gọi Việt Nam theo cách của Trung Quốc. Như vậy là ở thế kỷ XV, Đô đốc Trịnh Hòa chắc chắn am tường chủ quyền các vùng biển, hải đảo mà ông đi qua hơn những người Trung Quốc hiện nay. Nếu đúng là đã thuộc về Trung Quốc sau chuyến đi của ông, hay đã là của Trung Quốc từ trước đó như chính quyền Trung Quốc hiện đang tuyên truyền thì trên hải đồ vùng này chắc hẳn phải ghi Đại Minh nam hải, hay chữ gì đó để ghi nhận chủ quyền của Trung Quốc mới đúng.
Dưới thời nhà Thanh Trung Quốc có sự kiện Tổng đốc Lưỡng Quảng sai Đô đốc Lý Chuẩn dẫn mấy tàu chiến nhỏ đi vòng xuống một số đảo phía nam Hải Nam vào tháng 6-1909. Sự kiện này chẳng mấy được quan tâm lúc đương thời. Đấy là thời kỳ triều đình nhà Thanh một mặt bị quân Nhật o ép, mặt khác đang đứng trước nguy cơ bị cách mạng lật đổ (Cách mạng Tân Hợi nổ ra vào năm 1911) nên họ chẳng có lòng dạ nào để tính đến việc mở rộng chủ quyền ra các đảo phía nam. Nhưng 12 năm sau, vào tháng 3-1921, chính quyền quân sự tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa dân quốc lại làm rùm beng chuyện này khi lợi dụng hoàn cảnh Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, đã ký sắc lệnh nhập Tây Sa vào huyện Châu Nhai, phủ Quỳnh Châu (Hải Nam). Đây là lần đầu tiên tên Tây Sa xuất hiện và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đương nhiên coi Hoàng Sa của Việt Nam là của mình bằng một sắc lệnh. Hành động này của chính quyền mới tiến hành đồng thời với việc làm rùm beng sự kiện mà họ gọi là Đô đốc Lý Chuẩn thu phục Tây Sa, mô tả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa như các đảo hoang vô chủ. Đây có thể xem như một bước ngoặt trong ý đồ bành trướng xuống Biển Đông của Trung Quốc. Trong thư đề ngày 4-5-1909, Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp có nói cuộc khảo sát trái phép của đoàn tiền trạm do Ngô Kính Vinh, trước đoàn của Lý Chuẩn đã cho thấy ở mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá, tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò. Và đặc biệt trên đảo có các ngư dân Việt Nam. Họ mang cả vợ con đến sống ở Hoàng Sa và bị đối xử tàn tệ, bị bắt đến Hải Nam3. Những thông tin này cho thấy khi quân tướng nhà Thanh kéo đến vào năm 1909, Hoàng Sa không phải là đảo hoang, cho dù lúc ấy có thể người Pháp chưa kịp tới tiếp tục quyền quản lý. Việc Trung Quốc đề cao sự kiện Lý Chuẩn ra Hoàng Sa không có ý nghĩa gì vì Việt Nam đã có đầy đủ chứng cứ xác thực, đáng tin cậy và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế về thụ đắc lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII.
Trong toàn bộ hệ thống lập luận của Trung Quốc, đường 9 đoạn (còn gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò), vừa mới đây Trung Quốc lại chỉnh sửa bản đồ “đường lưỡi bò” 9 đoạn thành “bản đồ dọc” với “đường lưỡi bò” 10 đoạn, là biểu tượng tập trung nhất cho tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông và các hải đảo trong đó. Năm 2009, Trung Quốc chính thức đệ trình và yêu cầu lưu truyền trong các nước thành viên Liên hợp quốc bản đồ thể hiện yêu sách về chủ quyền biển, đảo của mình, trong đó 80% Biển Đông được bao bởi đường chữ U với ý nghĩa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Từ đó đến nay Trung Quốc ra sức quảng bá, tuyên truyền và áp đặt biểu tượng này ở bất cứ đâu có thể, như in bản đồ, đưa vào rất nhiều loại sách phát hành ra ngoài, in cả lên hộ chiếu của công dân Trung Quốc và ngang nhiên tuyên bố họ đã có chủ quyền đối với cả vùng này từ hơn 2.000 năm nay. Nhưng trên thế giới (nhất là với những người không tìm hiểu kỹ) không ai ngờ rằng cái ranh giới phản ánh tham vọng phi lý ấy của Trung Quốc lại được vẽ ra một cách tùy tiện, vô căn cứ và ngang ngược đến thế. Cho đến nay không biết đích xác khi nào và ai là tác giả đã phóng tác ra đường chữ U tham lam và ngạo ngược đó. Trung Quốc chưa bao giờ giải thích với thế giới cũng như trong các cuộc họp song phương với các nước trong khu vực Biển Đông về việc này. Chính các học giả Trung Quốc cũng lúng túng và giải thích rất khác nhau về nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Vậy mà vào năm 1948, chỉ ít tháng trước khi bị đánh bật khỏi lục địa, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã cho in hình vẽ kỳ quặc này lên bản đồ có tên Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải (南海诸岛位置图) do Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ chính thức ấn hành. Ở thời điểm này hình chữ U gồm 11 đoạn đứt khúc ôm trọn cả Vịnh Bắc Bộ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1949 Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi trong cuộc nội chiến với Quốc dân đảng, thiết lập quan hệ ngoại giao hữu hảo với Việt Nam. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng “đường chữ U”. Năm 1953 chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho vẽ lại bản đồ vẫn giữ lại đường cong đứt khúc, nhưng đã bỏ bớt 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, nên chỉ còn lại 9 đoạn.
Tính chất tùy tiện và phi lý của đường chữ U trước hết ở chỗ lúc đầu nó được vẽ ra bằng tay bởi một người tên là Hu Jinjie đâu đó vào năm 1914 và đến năm 1947, một viên chức của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân4. Những bản đồ có đường chữ U 11 đoạn do Trung Hoa dân quốc in và 9 đoạn của chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều không phát hành rộng rãi nên ít người biết và nhất là, không ai có thể tin đấy là một yêu sách lãnh thổ. Cách làm thiếu minh bạch như vậy, nhưng năm 2009, khi yêu cầu Liên hợp quốc lưu hành tấm bản đồ phi lý này Trung Quốc đã ngang nhiên nói rằng đã công bố nó hơn nửa thế kỷ mà không ai có ý kiến gì. Tham vọng của Trung Quốc ngày càng lộ rõ. Đấy là một ý đồ chiến lược, lâu dài và họ đang quyết thực hiện bằng mọi giá.
Không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích, gần đây Trung Quốc còn viện dẫn thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một chứng cớ về việc Việt Nam thừa nhận chủ quyền Trung Quốc trên hai quần đảo. Trước hết phải thấy đây là một hành vi phi đạo lý và xảo trá. Viện dẫn một bức thư đầy tính ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong thời khắc cực kỳ khó khăn của Việt Nam để đòi chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc đã cho thấy họ có thể không từ bất cứ điều gì vì lợi ích của họ. Đấy không phải là cách hành xử của bạn bè.
Tuy nhiên, khi họ đã ngang nhiên thách rằng nếu định kiện Trung Quốc “nhớ đính kèm thư này vào hồ sơ”, thì cũng cần xem xét văn bản trên khía cạnh pháp lý.
Trước hết phải định danh văn bản là thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai chứ không phải là Công hàm của Chính phủ mà phía Trung Quốc luôn nói và không ít phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam vô tình nhắc lại. Đây là cách Trung Quốc cố tình làm theo lối “lập lờ đánh lận con đen”. Cho dù lúc đó ông Phạm Văn Đồng đang giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, nhưng hình thức văn bản là một bức thư của cá nhân Thủ tướng thông báo cho ông Chu Ân Lai việc Chính phủ Việt Nam ghi nhận và tán thành quyết định của Trung Quốc về hải phận 12 hải lý. Lời văn như vậy là rõ ràng. Việc Trung Quốc gán ghép ý kiến này vào việc thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cực kỳ phi lý vì 4 lý do sau đây:

1- Trong thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chỉ thông báo ý kiến của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành quyết định về lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Điều này vừa có ý nghĩa ngoại giao nhưng cũng có một thực tế là biểu thị quan điểm không đồng tình với đề xuất lãnh hải chỉ có 3 hải lý của phía Hoa Kỳ đưa ra trong các lần đàm phán về luật biển.
2- Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ cho đến khi tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Năm 1958 việc tổng tuyển cử vẫn chưa diễn ra. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chịu trách nhiệm quản lý lãnh thổ Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 17. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía nam vĩ tuyến 17. Ở thời điểm đó không có cách giải thích nào nói là Thủ tướng Phạm Văn Đồng có quyền công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.
3- Theo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, ngay cả trong trường hợp những phần lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thủ tướng cũng không có quyền định đoạt. Thậm chí, một sắc lệnh do Thủ tướng ký cũng phải được Chủ tịch nước phê chuẩn mới được ban hành. Lãnh thổ là vấn đề lớn nên quyền quyết định thuộc về Quốc hội (khi ấy là Nghị viện nhân dân). Nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Công hàm công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không hiểu hoặc cố tình không hiểu luật pháp của Việt Nam. Sự cố tình giải thích sai ấy là vô giá trị.

4- Nếu Trung Quốc cố tình đeo bám lý sự này thì vô hình trung họ đã mặc nhiên thừa nhận một điều: Phải đến khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai vào năm 1958 họ mới được Việt Nam chính thức công nhận chủ quyền trên hai quần đảo (?). Vậy thì bao nhiêu công sức để chứng minh họ đã xác lập chủ quyền từ thời Tây Hán cách ngày nay hơn 2.000 năm, rồi liên tục thực thi qua các triều đại Đường, Tống, Nguyên (của Mông Cổ), Thanh, Tưởng Giới Thạch thì được ai công nhận?
Trong toàn bộ quá trình từng bước thực hiện ý đồ lấn dần các đảo tiến tới độc chiếm Biển Đông, phương pháp chủ đạo là ỷ vào sức mạnh, dùng vũ lực để giải quyết. Cách hành xử này vi phạm nghiêm trọng mọi luật pháp quốc tế trong thụ đắc lãnh thổ. Bạo lực và cưỡng chiếm không thể đẻ ra chủ quyền. Trung Quốc cũng rất dày công trong việc ngụy tạo chứng lý và tìm tòi ra cách lập luận có lợi cho họ. Nhưng như một quy luật khách quan, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc nên họ càng cố gắng ngụy tạo thì thế giới càng thấy rõ tính chất phi lý, phản khoa học của những lập luận và chứng lý mà họ nêu ra. Chúng ta hoàn toàn có thể vững tin vào thắng lợi khi đưa Trung Quốc ra phân xử trước Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển vì lẽ phải và chân lý thuộc về chúng ta.
GS. TSKH. Vũ Minh Giang
Đại học Quốc gia Hà Nội
(Theo Tạp chí Cộng sản)

____________

(1) Vũ Minh Giang: “Căn cứ khoa học về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam số 21 (664)/2013

(2) Phần lớn các tài liệu này đều được dẫn lại trong sách Thái Bình ngự lãm (太平御覧,) của Lý Phượng, được biên soạn vào thời Tống, muộn hơn thời của các nguyên tác. Những đoạn trích này được tập hợp trong cuốn sách do Hàn Chấn Hoa chủ biên. Xin xem 韩 振 华(主编): 我國南海諸島史料滙编 . 厦门大学 南洋研究院出版 1985 年và 东方出版社1988 年7月第1版.
(3) Dẫn theo Nguyễn Nhã: Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án tiến sĩ khoa học lịch sử.
(4) Yu, Peter Kien-Hong: The Chinese (broken) U-shaped line in the South China Sea: points, lines, and zones, Contemporary Southeast Asia, 01/12/2003, tr. 2. Dẫn theo Nguyễn Hồng Thao: Yêu sách “đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc dưới góc độ luật pháp quốc tế. nghiencuubiendong.vn.


 Nguồn: http://www.nxbctqg.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=4624:lp-lun-va-chng-c-ca-trung-quc-oi-ch-quyn-bin-ong-va-qun-o-hoang-sa-va-trng-sa-ca-vit-nam-la-cc-k-vo-ly&catid=169:bin-o-que-hng&Itemid=641 

Bức công hàm bán đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Đại Nghĩa (Danlambao) - Hoàng Sa, Trường Sa đang từng ngày nhắc lại chuyện đau buồn của người dân Việt Nam. Tôi không quên Hoàng Sa và Trường Sa, một lần nữa viết lại đề tài này qua bức công hàm bán biển đảo của thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng năm 1958. Bức công hàm đã gây một hậu quả tai hại nghiêm trọng đến chủ quyền của đất nước khiến ngày nay người dân Việt Nam phải mất đi biển đảo và ngư trường đánh bắt. Do cái công hàm này khiến Trung cộng lấy đó làm bằng cớ để giành chủ quyền và ngày đêm lấn chiếm, bồi đắp biển đảo của tổ quốc ta.
Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận giá trị của bức công hàm với sự ngụy biện ấu trĩ, khó bề chối cãi, báo điện tử VNExpress cho rằng bức công hàm chỉ:
“Ghi nhận và tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, nội dung công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có một chữ nào công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc”. (VNExpress online ngày 23-5-2014)
Sau bao nhiêu năm hữu nghị, bao nhiêu năm ngậm đắng nuốt cay, theo báo mạng của đài RFI đưa tin: “Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị”. Một sự phủ nhận không thuyết phục vì ngoài bức công hàm này CSVN còn nhiều tài liệu khác công nhận chủ quyền của Trung cộng trên quần đảo của ta.
“Sau nhiều năm im lặng, mãi đến những năm gần đây, chính quyền Việt Nam mới lên tiếng giải thích về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, nhưng lần đầu tiên, Hà Nội vừa chính thức tuyên bố công hàm đó là vô giá trị, tức là không hề nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. (RFI online ngày 24-5-2014)
Muốn biết rõ sự việc, cần xem lại cả hai văn bản, một của Trung cộng, hai của Việt cộng, chúng ta sẽ thấy rõ Việt cộng đang cố tình chối quanh.
- Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Ttrung cộng Chu Ân Lai (bản dịch tiếng Việt của Trần Đông Đức)
“Công bố của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải
Ngày 4 tháng 9 năm 1958

Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc (Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa)

Đại biểu ủy viên thường vụ đại hội nhân dân toàn quốc liên quan việc phê chuẩn quyết nghị công bố lãnh hải của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

(Ngày 4 tháng 9 năm 1958 đại hội ủy viên thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc hội nghị thứ 100 thông qua)

Quyết nghị:

Ngày 4 tháng 9 năm 1958 đại hội ủy viên thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc hội nghị thứ 100 thông qua quyết định phê chuẩn về tuyên bố lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Đính kèm: Công bố của chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải.

Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố:

* Một: Lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các đảo, với Đài Loan cùng với các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc hải đảo của Trung Quốc…”
- Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng.
“Thủ tướng phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí lời chào rất trân trọng./.

Kính gửi: Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958”. (x-cafevn online ngày 19-5-2009)
Phạm Văn Đồng nói tôn trọng 12 hải lý của Trung cộng, như vậy 12 hải lý đó xuất phát từ đâu, có phải từ quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) hay không?
Bức công hàm năm 1958 đồng thời đã xác nhận lời của Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Ung Văn Khiêm trong lần gặp đại biện lâm thời của Trung cộng là Lý Chí Dân tại Hà Nội năm 1956 như sau:
“Theo trang web của Bộ Ngoại giao TQ, vào giữa năm 1956, Ung Văn Khiêm đã nói với đại biện lâm thời của TQ rằng Hoàng Sa và Trường Sa về mặt lịch sử đã thuộc về lãnh thổ TQ”. (BBC online ngày 24-1-2008)
Việt cộng đừng cãi chối, không chỉ có cái công hàm này không đâu, còn nữa, còn nhiều điều mà Việt cộng đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung cộng.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Mạnh Cầm, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2-12-1992 đã giải thích một cách gượng ép phải công nhận một sự bất đắc dĩ, cũng như còn có một mưu mô xảo trá vì biết rằng lúc ấy Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc chủ quyền của VHCN nhưng cũng cứ nhận vơ là của đồng chí hữu hảo để xin một ít bom đạn. Sau năm 1975 Hoàng Sa và Trường Sa thực tế thuộc về Việt cộng thì họ lại chối quanh là “tạm công nhận” chớ trước đó không tính được hậu quả ngày nay. Ông Cầm nói:
“Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do Hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam là thuộc về chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.

Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.

Trong thinh thần đấy thì do tính cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.

Đặc biệt việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn đế quốc Mỹ không sử dụng quần đảo để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả”. (RFA online ngày 12-12-2007)
Những chứng cớ cho thấy Việt cộng trước đây đã công nhận chủ quyền của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà sau này Trung cộng lấy đó làm bằng chứng là một cuốn sách dạy cho học sinh lớp 9 xuất bản cách đây 40 năm đã công nhận chủ quyền của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa …
“Trả lời ban Việt ngữ đài VOA, một nhà sử học đã bảo vệ luận án tiến sĩ xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, xác nhận là sách giáo khoa liên hệ dành cho học sinh lớp 9 của Việt Nam có công nhận rằng quần đảo Hoàng Sa, mà TQ gọi là Tây Sa. Là thuộc chủ quyền của TQ… (VOA online ngày 13-6-2014)
Chứng cớ thứ 2 là của Bộ Giáo dục Việt Nam mà tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung cộng dựa vào đó cho rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của họ ở biển Đông.
“Từ một tuần lễ nay, dư luận báo chí tại Việt Nam đã sôi nổi hẳn lên sau phát hiện của báo Thanh Niên, theo đó, Bộ Giáo dục Việt Nam, từ năm 2007, đã bắt học sinh phải sử dụng phần mềm tin học bản đồ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Sau khi vụ việc bùng lên, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm, nhưng vụ này đã lập tức bị báo Trung Quốc khai thác để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại biển Đông”. (RFI online ngày 29-12-2013)
Bằng chứng hùng hồn nhất là một cuốn sách của Bộ Ngoại giao CSVN viết bằng chữ Anh mang tựa đề: “U.S Intervention and Aggression in Viet Nam during the last twenty years”. Trần Quốc Việt cho biết trong bài “Thêm một bằng chứng bán nước rõ ràng của đảng CSVN” đầy đủ chi tiết.
“Một cuốn sách của Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ấn hành ở Hà Nội vào năm 1965 khẳng định rất rõ ràng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc

…hải phận của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ‘khu vực chiến đấu’ của lực lượng vũ trang Mỹ”. (DanLamBao online ngày 24-1-2014)
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một người bất đồng chính kiến tại Hà Nội thường lên tiếng phản biện một cách cam đảm. Trong bài “TQ xâm lược Việt Nam” có đoạn Tiến sĩ viết:
“Bội phản cha ông, thời đảng CSVN trị vì, các cuộc xâm lược từ phương Bắc đều do lãnh tụ đảng CSVN ‘mời’.

Thời Hồ Chí Minh có công hàm 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thời Lê Duẩn, không biết có mời không nhưng, năm 1974, khi binh lính đồng bào mình (Việt Nam Cộng Hòa) bị TQ diệt để chiếm Hoàng Sa thì lãnh đạo CSBV chỉ đứng nhìn và vỗ tay”. (DanChimViet online ngày 4-7-2012)
Với bao nhiêu chứng cứ Việt cộng khó mà chối quanh với bọn bá quyền nước lớn Trung cộng, Việt cộng có đưa ra bao nhiêu bằng cớ về lịch sử cũng không thuyết phục bằng những tài liệu mà mình đã mặc nhiên công nhận trước đây. Sở dĩ Việt cộng không dám đưa Trung cộng ra tòa là vì há miệng mắc quai và nhất là đối đầu với đồng chí 16 chữ vàng và 4 tốt đang nắm “lý lẽ của kẻ mạnh”.
Ngày nay người dân Việt Nam muốn hóa giải cái hậu quả tai hại của cái công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng năm 1958 cũng như hủy bỏ mật ước nô lệ của Nguyễn Văn Linh tại Thành Đô năm 1990 chỉ còn có cách duy nhất là: giải tán đảng cộng sản Việt Nam và điều này chỉ có đảng viên cộng sản tự diễn biến.
24.10.2015

Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2015/10/buc-cong-ham-ban-ao-hoang-sa-va-truong.html

Xem thêm:
cong-nhan-viet-nam-cong-hoa-
http://mainguyenhuynh.blogspot.com/2016/07/cong-nhan-viet-nam-cong-hoa-e-khang-inh.html