Tư liệu: 'Việt - Trung và Giải pháp Đỏ'
- 1 tháng 7 2015
Để cung cấp thêm một góc
nhìn vào các diễn biến dẫn tới bình thường hóa quan hệ Việt - Trung
và hội nghị Thành Đô 3-4/09/1990, BBC xin giới thiệu phần tư liệu từ
cuốn
Hồi ký của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ (1927-2015):
Những
biến động lớn trong tình hình thế giới bên ngoài lúc này đã tác động
mạnh mẽ tới suy nghĩ của lãnh đạo ta về phương hướng chiến lược đối
ngoại.Tháng 6.89 xảy ra vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc. Cũng trong năm 1989, chế độ XHCN ở các nước Đông Âu như CHDC Đức, Ba Lan, Rumani, Hung, Tiệp, Ba Lan đều đã sụp đổ.
Đầu tháng 10.89, TBT Nguyễn Văn Linh đi dự kỷ niệm 40 năm Quốc khánh CHDC Đức, khi về đến Hà Nội thì bức tường Berlin đổ, Honecker bị lật...
Trước tình hình ấy, trong nội bộ lãnh đạo ta đã nảy sinh những ý kiến khác biệt trong nhận định về sự kiện Thiên An Môn cũng như về những biến đổi dồn dập tại các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô.
Nổi lên là ý kiến nhấn mạnh mặt XHCN của Trung Quốc, phải bằng mọi giá bắt tay ngay với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác. Chính điều đó đã tạo nên bước ngoặt khá đột ngột trong thái độ của ta đối với Trung Quốc...Lào cũng đã thoả thuận trao đổi đại sứ trở lại với Trung Quốc và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, đánh dấu bằng cuộc đi thăm chính thức Trung Quốc của Kayson Phomvihan, TBT Đảng NDCM Lào, tháng 10.89.
Chính là thông qua cuộc nói chuyện với Kayson ngày 7.10.89 ở Bắc Kinh mà Đặng Tiểu Bình đã bộc lộ rõ phần nào những tính toán sâu xa của mình đối với Việt Nam:
"Phân hoá Việt -Lào, Việt - Campuchia, Việt – Xô và phân hoá cả nội bộ Việt Nam. Đặng nói với Kayson rằng: Việt Nam đã có biểu hiện chống Trung Quốc từ khi Hồ Chí Minh còn sống; rằng sau khi thắng Mỹ, Lê Duẩn trở mặt chống Trung Quốc, xâm lược Campuchia, Việt Nam đi theo Liên Xô, đưa quân vào Campuchia, nên mới có chuyện Trung Quốc đánh Việt Nam.
Lúc đầu Trung Quốc cho là vì Brezhnev xúi giục nên Việt Nam xâm lược Campuchia, nhưng chính là do Việt Nam có ý đồ lập Liên bang Đông Dương, không muốn Lào, Campuchia độc lập. Việt Nam chống Trung Quốc vì Trung Quốc là trở ngại cho việc lập Liên bang Đông Dương..."
Trong khi không tiếc lời phê phán Lê Duẩn, Đặng đã hết lời ca ngợi Nguyễn Văn Linh. Đặng kể lại khi làm TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 1963, đã tổ chức đưa Nguyễn Văn Linh từ miền Nam sang Hồng Kông để đi Bắc Kinh gặp nhau, khen anh Linh là “người tốt, sáng suốt và có tài”; nhờ Kayson chuyển lời hỏi thăm anh Linh; khuyên Nguyễn Văn Linh nên giải quyết dứt khoát vấn đề Campuchia, nếu làm được việc này thì sẽ khôi phục được uy tín của Việt Nam.
Cho đây là việc Việt Nam phải làm, vì những gì Việt Nam đang làm là sai lầm; mong muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam trước khi ông ta nghỉ hưu… Về điều kiện bình thường hoá quan hệ Trung – Việt, Đặng nhấn mạnh Việt Nam phải rút hết quân, rút triệt để, rút thật sự khỏi Campuchia thì sẽ có bình thường hoá quan hệ (tuy lúc đó ta đã kết thúc đợt rút quân cuối cùng khỏi Campuchia từ ngày 26.9.89).
Theo thông báo của đại sứ Lào tại Trung Quốc, trong 70 phút nói chuyện với Kayson, Đặng nói về Việt Nam và quan hệ Trung – Việt tới 60 phút.
Ngày 21.10.89 Bộ Chính trị ta đã họp để nhận định về phát biểu của Đặng Tiểu Bình khi tiếp Kayson cuộc họp đã đi đến kết luận là:
"Trong lúc Trung Quốc đang còn găng với ta, ta cần có thái độ kiên trì và thoả đáng, không cay cú, không chọc tức nhưng cũng không tỏ ra nhún quá. Cần tiếp tục thực hiện đường lối Đại hội VI và Nghị quyết 13 của BCT, cần thấy cả mặt XHCN và mặt bá quyền nước của Trung Quốc. Trong khi cố kéo Trung Quốc, ta cần đồng thời hoạt động trên nhiều hướng; củng cố kết chặt chẽ với Lào; phân hoá Mỹ, phương Tây, ASEAN với Trung Quốc."
Theo phương hướng đó, ngày 6.11.89, anh Thạch đã chuyển qua đại sứ Trung Quốc thông điệp miệng của TBT Nguyễn Văn Linh gửi Đặng Tiểu Bình, ngỏ ý mong sớm có bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ba tuần sau, anh Thạch lại gửi thư cho Tiền Kỳ Tham nhắc lại thông điệp ngày 6/11 và đề nghị phía Việt Nam sẵn sàng gặp lại phía Trung Quốc ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng ngoại giao tại Hà Nội hoặc Bắc Kinh trong tháng 12.89. Nhưng Trung Quốc không trả lời thông điệp của TBT ta lẫn thư của anh Thạch.
Vấn đề Campuchia
Mãi đến ngày 12.12.89, Đại sứ Trung Quốc mới gặp anh Thạch chuyển thông điệp miệng của Trung Quốc trả lời TBT Nguyễn Văn Linh, vẫn đặt điều kiện cho việc nối lại đàm phán với ta:"Đồng chí Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo khác của Trung Quốc chân thành mong muốn sớm bình thường hoá quan hệ Trung – Việt. Vấn đề Campuchia là nguyên nhân chủ yếu làm cho quan hệ hai nước xấu đi đến nay chưa được cải thiện. Việc khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước chưa có thể cải thiện nếu bỏ qua vấn đề Campuchia.
Đồng chí Đặng Tiểu Bình có nêu ra là việc Việt Nam rút quân sạch sẽ, triệt để và việc Campuchia lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu là hai vấn đề hạt nhân thiết thực cần đồng thời giải quyết. Phía Trung Quốc sẵn sàng suy xét đề nghị của Việt Nam về việc mở vòng thương lượng mới ở cấp thứ trưởng nếu Việt Nam chấp nhậnmột cơ chế giám sát quốc tế do LHQ chủ trì có 4 bên Campuchia tham gia để kiểm chứng việc rút quân Việt Nam và lập chính phủ bốn bên do Sihanouk đứng đầu trong thời kỳ quá độ."
Ngày 11.11.89, BCT họp bàn và thông qua đề án đấu tranh ngoại giao về vấn đề Campuchia. Trên cơ sở đánh giá tình hình quân sự, chính trị trên chiến trường và xu thế chung trên thế giới, ta chủ trương cần phấn đấu đạt một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia. Để ra 4 phương án về cơ quan quyền lực ở Campuchia trước tổng tuyển cử. Phương án thấp nhất là giữ nguyên bộ máy của hai chính phủ đang tồn tại, lập chính phủ liên hiệp hai bên ở trung ương để tổ chức tổng tuyển cử và thực hiện những điều thoả thuận.
Ngày 2.12.89, anh Thạch sang bàn với BCT Campuchia, phân tích chiến tranh ở Campuchia là một cuộc nội chiến, Việt Nam không thể đưa quân trở lại (4 ngày sau khi Việt Nam rút quân đợt cuối, lực lượng Son San đã đánh chiếm Thmar Ponk; ngày 22.10.89, Khmer Đỏ đánh chiếm Pailin và uy hiếp thị xã Battambang, theo yêu cầu của Bạn, ta phải đưa lực lượng đặc biệt lên giúp), nói kỹ về tính chất quốc tế của vấn đề Campuchia và xu thế trên thế giới. Bàn với Bạn cần đấu tranh để đạt một giải pháp chính trị để giành giật thắng lợi từng bước. BCT Bạn hoàn toàn nhất trí và thấy cần sử dụng vai trò LHQ như sáng kiến của Ngoại trưởng Úc G. Evans ngày 24.11.89.
Cuộc họp BCT ta ngày 6.12.89 đã bàn về sáng kiến của Úc và nhất trí về việcsử dụng vai trò LHQ. Sau khi trao đổi, BCT Campuchia hoàn toàn đồng ý với ý kiến của BCT ta. Từ ngày 10-25.1.90, Bạn triệu tập Hội nghị TƯ 10 để bàn đi vào giải pháp chính trị. Ngày 18.1.90, quốc hội Campuchia đã thông qua việc để LHQ tổ chức tổng tuyển cử, uỷ quyền cho Hunxen đàm phán về vấn đề này.
Việc ta và Bạn Campuchia chấp nhận sử dụng vai trò LHQ và xem xét sáng kiến của Úc để giải quyết vấn đề phân chia quyền lực bị bế tắc ở Hội nghị quốc tế Paris đã thúc đẩy mạnh mẽ các diễn đàn bàn về vấn đề Campuchia: cuộc họp IMC ở Jakarta ngày 26.3.90, các cuộc họp P5, cuộc họp Hun Sen-Sihanouk vòng 6 ở Bangkok ngày 22.2.90
Từ 26.2 đến 1.3.90 tại thủ đô Indonesia đã họp Hội nghị không chính thức về Campuchia (IMC).
Dự họp ngoài các bên Campuchia, Việt Nam, Lào và 6 nước ASEAN (như họp JIM), còn có thêm đại diện Tổng Thư ký LHQ, Pháp và Úc. Hội nghị không ra được tuyên bố chung vì Khmer Đỏ dùng quyền phủ quyết.
Thất bại của Mặt trận Giải phóng Sandino trong cuộc tổng tuyển cử ở Nicaragua ngày 25.2.90 và thất bại của cuộc họp IMC về vấn đề Campuchia ở Jakarta ngày 28.2.90 đã tác động mạnh vào lãnh đạo ta về phương hướng giải quyết vấn đề Campuchia.
Lê Đức Anh nói cần phải cảnh giác với Liên Hiệp Quốc, không thể để Liên Hiệp Quốc tổ chức tổng tuyển cử ở Campuchia
"Cần có chuyển hướng chiến lược trong đấu tranh về vấn đề Campuchia. Phải giải quyết với Trung Quốc, nếu không thì không giải quyết được vấn đề Campuchia. Không thể gạt Khmer Đỏ. Cần mềm dẻo về vấn đề diệt chủng, có thể nói “không để trở lại chính sách sai lầm trong quá khứ”. Không chấp nhận LHQ tổ chức tổng tuyển cử. Cần nêu phương án lập chính phủ liên hiệp lâm thời hai bên bốn phái để tổ chức tổng tuyển cử ở Campuchia. Phải giải quyết một bước cơ bản vấn đề Campuchia trước Đại hội VII để khai thông những vấn đề khác."
Hai hôm sau anh lại nói với Nguyễn Cơ Thạch những ý đó. Sự việc này khiến tôi suy nghĩ: tại sao lại thay đổi phương hướng đối sách trước khi đại hội Đảng họp ? Tại sao lại chỉ nói với anh Thạch sau khi đã nói với chúng tôi?
Từ ngày 8-20.3.90, Heng Somrin nghỉ ở Hà Nội, có dịp gặp gỡ TBT Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Lê Đức Thọ, Cố vấn Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh trao đổi về tình hình Liên Xô Đông Âu, Nicaragua và tất nhiên về tình hình Campuchia. TBT Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh nói cần phải cảnh giác với LHQ, không thể để LHQ tổ chức tổng tuyển cử ở Campuchia. Từ đấy Bạn Campuchia chuyển sang phương án SNC tổ chức tổng tuyển cử, không tán thành để LHQ tổ chức tổng tuyển cử nữa. Sau này, ngày 11.8.90, khi nhắc lại vấn đề này, Hun Sen than phiền với anh Ngô Điền, Đại sứ ta ở Phnom Penh:
"Khi anh Heng Somrin đi nghỉ ở Hà nội, đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Lê Đức Anh gặp anh Heng Somrin tỏ lo ngại về việc sử dụng vai trò LHQ. Anh Heng Somrin về nói lại cái này. Tôi có nói là giao cho LHQ có mặt phức tạp nhưng giao cho SNC phức tạp hơn vì nó có hệ thống, người nhiều mà ta còn phải lo đối phó với cả LHQ nữa. Cái này làm tôi rất khó. Quyết định của hai đồng chí TBT làm tôi rất khó. Không nên để có ý kiến khác nhau giữa TBT và Thủ tướng. Tôi phải làm theo ý kiến nhất trí… Việc sử dụng vai trò LHQ hay SNC là bộ phận quan trọng của quyết định chiến lược có đi vào giải pháp chính trị hay không. Dùng SNC rất phức tạp. Campuchia không đủ người và khả năng tham gia các uỷ ban của SNC để đối phó với bọn kia.” Hun Sen còn cho biết ngày 20-21.5.90, khi 3 TBT Việt Nam, Lào, Campuchia gặp nhau tại Hà nội nhân dịp 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, bàn việc không để LHQ tổ chức tổng tuyển cử ở Campuchia, TBT Đảng Lào Kayson băn khoăn điều này và nói: “ Ta nhận rồi ta lại thôi. Ta trèo cao rồi, nếu tuột xuống dễ ngã đau”.
Đến ngày 3.4.90, Trung Quốc đột nhiên lại biểu thị hoan nghênh việc thứ trưởng Đinh Nho Liêm đến Bắc Kinh “kiểm tra sứ quán” và công bố tin Trung Quốc sẽ đàm phán với thứ trưởng ngoại giao Việt Nam về vấn đề Campuchia.
Lúc này CP 87 đã giải thể. Các thành viên thường trực của CP 87 đều đã được bổ nhiệm đi nhận các trọng trách ở nước ngoài.
Anh Đặng Nghiêm Hoành đã nhận quyết định đi Đại sứ ở Trung Quốc. Anh Trần Xuân Mận nhận chức Đại sứ ở Angiêri. Anh Nguyễn Phượng Vũ trên đường đi nhận chức Đại sứ ở Philipinnes, đã chết trong tai nạn máy bay trên bầu trời Thái Lan.
Thay vào đó, Bộ Ngoại Giao đã lập Nhóm ad-hoc về giải pháp Campuchia với nhiệm vụ cụ thể hơn vì vấn đề Campuchia đã đến lúc giải quyết. Nhóm vẫn do tôi phụ trách, có các anh Trần Huy Chương, Lê Công Phụng, Huỳnh Anh Dũng, Nguyễn Can tham gia.
Nhóm nghiên cứu giải pháp Campuchia chúng tôi nhận định có mấy lý do đã khiến Trung Quốc mềm mỏng hơn trong thái độ đối với Việt Nam về vấn đề Campuchia:
- Quan hệ Mỹ – Xô đang có chuyển động mạnh. Chỉ trong vòng 6 tháng, từ tháng 12.89 đến tháng 5.90, đã có 2 cuộc gặp cấp cao Xô Mỹ. Trong khi đó quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây chậm khôi phục sau vụ Thiên An Môn.
- Giữa Trung Quốc với Mỹ, ASEAN, phương Tây đang nảy sinh những mâu thuẫn mới về vấn đề Campuchia, chủ yếu trong vấn đề đối xử với Khmer Đỏ. Trong các cuộc họp 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An tháng 2 và tháng 3.90, Trung Quốc ở thế bị cô lập đã buộc phải có nhân nhượng và phải chấp nhận vai trò lớn của LHQ.
- Đàm phán Sihanouk – Hunxen có tiến triển. Ngày 9.4.90 Sihanouk có phần nhượng bộ khi đưa ra 9 điểm giải pháp, nhận lập Hội đồng Dân tộc Tối cao (SNC33) gồm số đại diện bằng nhau của hai chính phủ, 6 của Chính phủ Phnom Penh và 6 của “Chính phủ Campuchia Dân chủ” như Hun Sen đề nghị; không đòi giải tán Nhà nước Campuchia (SOC), tuy đòi thực quyền cai quản Campuchia trong thời kỳ quá độ phải là cơ cấu quyền lực của LHQ.
Đại đa số BCT đồng ý. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên còn nhấn vào âm mưu của đế quốc Mỹ sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu.
Bảo vệ chủ nghĩa xã hội
TBT Nguyễn Văn Linh có ý kiến:“Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cùng chống âm mưu đế quốc xoá bỏ CNXH, phải cùng chống đế quốc. Trước hết phải phát triển quan hệ giữa 2 nước. Các vấn đề khác giải quyết sau… một Campuchia thân thiện với Trung quốc, thân thiện với Việt Nam là tốt nhất. Trên cơ sở điểm đồng này mà giải quyết vấn đề Campuchia có lợi cho Campuchia… Phương án 4 là tốt. Không để LHQ nhúng tay vào vì LHQ là Mỹ, Thái Lan là Mỹ”.
Riêng Nguyễn Cơ Thạch nói rõ quan điểm của Bộ Ngoại giao là cần tranh thủ Trung Quốc, song đồng thời phải chuẩn bị có 3 khả năng về thái độ của Trung Quốc.
khả năng 1: Trung Quốc cùng ta bảo vệ chủ nghĩa xã hội;
khả năng 2: Trung Quốc cấu kết với Mỹ chống ta như trước;
khả năng 3: Trung Quốc vừa bình thường hoá quan hệ với ta, vừa tranh thủ Mỹ, Phương Tây là chính.
Lúc đó tôi có cảm giác nhiều uỷ viên BCT không tán thành quan điểm này vì đã có định hướng “cùng Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc”.
Ngày 16.4.90, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị theo hướng sớm làm lành với Bắc Kinh, anh Nguyễn Cơ Thạch đi PhnomPenh gặp bốn người chủ chốt trong BCT Campuchia: Heng Somrin, Chea Sim, Hun Sen và Sor Kheng để cố thuyết phục bạn nên tính tới bước sách lược về vấn đề diệt chủng và không gạt Khmer Đỏ.
Nhưng Bạn Campuchia không đồng ý và tỏ ra muốn giữ đường lối độc lập trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, không muốn ta đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề nội bộ của Campuchia. Bạn tỏ ra rất găng về vấn đề diệt chủng, nói nếu bỏ ta sẽ không còn vũ khí gì chống lại các luận điệu của đối phương vu cáo “Việt Nam xâm lược Campuchia”, “chính quyền PhnomPenh do Việt Nam dựng lên”. Hơn nữa chính lúc này phương Tây lại đang khơi lên vấn đề lên án diệt chủng.
Phải nhận rằng ta khuyên bạn Campuchia đi vào “Giải pháp Đỏ” (từ năm 1987), việc ta thuyết phục Bạn chấp nhận vai trò của LHQ (tháng 12.89) rồi lại bảo Bạn bác vai trò của LHQ (tháng 3.90), khuyên Campuchia đi vào phương án 4 (lập chính phủ liên hiệp 2 bên) (tháng 4.90) đã gây nghi ngờ trong lãnh đạo Campuchia đối với Việt Nam. Việc lãnh đạo Campuchia không chấp nhận gợi ý của BCT ta trong cuộc hội đàm ngày 17.4.90 đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Việt Nam-Campuchia sau khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia.
Ngày 2.5.90 dưới danh nghĩa “đi kiểm tra sứ quán”, anh Đinh Nho Liêm đến Bắc Kinh để có cuộc “trao đổi ý kiến không chính thức” với Trung Quốc. Lần này đối tác không phải thứ trưởng Lưu Thuật Khanh mà là trợ lý bộ trưởng Từ Đôn Tín. Phụ tá cho anh Liêm là anh Đặng Ngiêm Hoành, lúc này đã là đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc từ tháng 2.90. Cuộc đàm phán có vài tiến triển nho nhỏ.
Nội dung cuộc trao đổi ý kiến chủ yếu về vấn đề Campuchia. Ta tỏ ra mềm dẻo hơn, nói có thể trao đổi ý kiến về một giải pháp toàn bộ, nhưng không thể quyết định về các vấn đề nội bộ Campuchia. Từ nhắc lại lời Đặng: Để giải quyết vấn đề Campuchia cần phải thực hiện 3 điểm: một là, Việt Nam thực sự rút quân, rút “sach sẽ, triệt để”, đó là tiền đề cho việc giải quyết vấn đề Campuchia; hai là, sau khi Việt nam rút quân, 4 bên Campuchia cần thực hiện liên hiệp; ba là, chính phủ liên hiệp phải do hoàng thân Sihanouk đứng đầu, Polpot không được mà Hun Sen cũng không được. Nếu những vấn đề trên được giải quyết thì có thể nói là chúng ta đã kết thúc quá khứ, tiếp đó sẽ mở ra tương lai.
Lần này phía Trung Quốc đi vào những vấn đề thuần tuý nội bộ của Campuchia, đòi ta đàm phán về phạm vi quyền lực của SNC và về việc xử lý quân đội “4 bên” Campuchia. Về vấn đề chính quyền Campuchia trong thời kỳ quá độ (từ khi Việt Nam rút hết quân đến khi tổng tuyển cử), Từ nói Trung Quốc thấy tốt nhất là thành lập một chính phủ liên hiệp 4 bên – gọi là Hội đồng Dân tộc Tối cao cũng được – băng không thì phải chọn phương án giao quyền cho LHQ. Chính quyền thời kỳ quá độ này phải bao gồm cả 4 bên Campuchia (với hàm ý Khmer Đỏ được chính thức coi là một bên tham chính) mới thể hiện được tinh thần hoà giải dân tộc. Nếu các đồng chí thấy nói 4 bên có khó khăn thì nói là các bên Campuchia cũng được. Không gạt một bên nào, không bên nào nắm độc quyền. Trong buổi làm việc với anh Đặng Ngiêm Hoành sáng 4.5.90, Vụ phó Trương Thanh cũng nhắc lại ý này: "Hội đồng này bao gồm đại diện của 2 chính phủ, 4 bên hay các bên Campuchia đều được."
Từ nói: “Nếu so sánh giữa phương án chính phủ liên hiệp lâm thời do Trung Quốc đề ra và phương án LHQ quản lý thì chúng tôi vẫn thấy phương án Trung Quốc là tốt hơn”.
Về vấn đề diệt chủng, Từ nói có ý đe doạ là nếu cứ khẳng định Khmer Đỏ phạm tội thì phía bên kia sẽ nói Việt Nam là xâm lược và Phnom Penh là nguỵ quyền, cho nên, không nên nói đến vấn đề đó nữa.
Trong đàm phán, phía Trung Quốc để lộ rõ ý đồ muốn SNC thực tế sẽ thay thế chính phủ Phnom Penh; còn quân đội của Bốn bên Campuchia phải tập kết vào những địa điểm được chỉ định rồi giải giáp toàn bộ; ít nhất là lúc đầu giảm quân số tới mức tối đa. Mục đích là tước bỏ thế mạnh cả về chính quyền lẫn về lực lượng vũ trang của Nhà nước Campuchia.
Cách làm của Trung Quốc đúng là “một mũi tên bắn hai đích”, vừa xoá sạch thành quả cách mạng Campuchi, vừa phân hoá quan hệ Việt Nam-Campuchia.
Trung Quốc không mặn mà gì với gợi ý của ta về việc xích lại gần hơn giữa hai nước XHCN để cứu vãn sự nghiệp XHCN chung trên thế giới đang lâm nguy mà chỉ đặt quan hệ với Việt Nam trong khuôn khổ chung sống hoà bình như với các nước láng giềng khác
Về bình thường hoá quan hệ hai nước, phía Trung Quốc không mặn mà gì với gợi ý của ta về việc xích lại gần hơn giữa hai nước XHCN để cứu vãn sự nghiệp XHCN chung trên thế giới đang lâm nguy. Trung Quốc chỉ đặt quan hệ với Việt Nam trong khuôn khổ chung sống hoà bình như với các nước láng giềng khác.
Phần vì tình thế thúc bách đẩy nhanh giải pháp Campuchia, phần vì hài lòng với cuộc gặp ấy, Tiền Kỳ Tham đồng ý đầu tháng 6 sẽ cử Từ Đôn Tín sang Hà nội với danh nghĩa “khách của đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội” để tiếp tục trao đổi ý kiến với ta.
Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua phía Trung Quốc nhận sang Hà Nội đàm phán với ta, trong khi tuyệt đại đa số các đợt đàm phán Việt – Trung đều tiến hành ở Bắc Kinh.
Đồng thời thái độ này đã được lãnh đạo ta hiểu như một cử chỉ thiện chí đặc biệt của Trung Quốc đối với Việt Nam...
Tựa của bài tư liệu do BBC đặt, từ Chương 9 'ĐẶNG TIỂU BÌNH TIẾP KAYSONE PHOMVIHAN ĐỂ NÓI VỚI VIỆT NAM' trong cuốn hồi ký của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Trần Quang Cơ, người vừa qua đời hôm25/06/2015 ở Hà Nội.
Đọc thêm bài của TS Đinh Hoàng Thắng'Khí phách Trần Quang Cơ'.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/07/150701_vn_china_cambodia_red_solution
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét