Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Ân nghĩa hay nợ nần?

Huy Phương – Ân nghĩa hay nợ nần?

1Ngày Lễ Tạ Ơn rồi cũng đã qua đi trong bình lặng, nhưng những chùm đèn trang trí vẫn lấp lánh qua mùa Giáng Sinh và còn sáng trong đêm qua năm mới. Tôi không biết trong những ngày qua, nhân mùa Thanksgiving ở Hoa Kỳ, bình tâm mà nói, không biết chúng ta đã nhớ đến ai, nghĩ đến ai hay đã đền được ơn ai chưa?

Những người Anh đến Tân Thế Giới (Châu Mỹ) những ngày đầu tiên, trên một con thuyền tên là Mayflower, sau này thường được gọi là “Người Hành Hương” (Pilgrims). đến Thuộc Địa Plymouth thuộc vùng Tân Anh (New England) khi mùa Đông đang đến, vì đói và lạnh, một nửa trong số họ đã qua đời vì không chịu nổi mùa Đông khắc nghiệt. Vào đầu mùa xuân, họ may mắn gặp được những thổ dân da đỏ tốt bụng giúp đỡ lương thực, dạy họ cách sinh tồn bằng cách trồng hoa màu, săn bắt để có lương thực. Về sau khi cuộc sống đã ổn định, người Pilgrims đã tổ chức một buổi tiệc để tạ ơn Chúa Trời cũng như những người thổ dân vì đã giúp cho họ có thể sống còn đến ngày hôm nay, bằng những bữa tiệc, mà sau này đã trở thành những buổi Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) rất có ý nghĩa.
Nói chuyện mang ơn thì dễ nhưng trả ơn thì khó. Cuối cùng những thế kỷ sau, những kẻ ra ơn là những người Da Đỏ bị tập trung vào những khu dành riêng cho họ gọi là khu tập trung, và dùng nhiều phương cách để đồng hóa họ như buộc phải bỏ y phục dân tộc, cắt tóc ngắn, tập ăn muỗng nĩa, đặt tên lại theo cách của người da trắng, “văn minh hóa” bằng cách cưỡng ép trẻ Da Đỏ vào các trường nội trú, học tiếng Anh và Kinh Thánh, để cuối cùng hôm nay chúng ta thấy người Da Đỏ gần như bị diệt chủng.
Cách cư xử của 950 tù nhân nam nữ Anh quốc đi trên 11 chiếc thuyền buồm, đặt chân lên nước Úc, đã đối xử với thổ dân Úc là những người chủ nhà, cũng không khác gì hơn. Một chính sách đồng hóa và tiêu diệt thổ dân khốc liệt đã được thi hành. Từ năm 1930 đến 1970, 100,000 nghìn trẻ em thổ dân đã bị tách khỏi gia đình khi còn rất nhỏ từ tay cha mẹ, có người chỉ mới mười tháng tuổi, và đem nuôi tại khoảng 500 cô nhi viện, nhà thờ hay các gia đình trên khắp nước Úc để xóa bỏ tên tuổi, văn hóa, cội nguồn của chúng. Đó là sự kiện cố gắng diệt chủng thổ dân Úc hay là câu chuyện “những thế hệ bị đánh cắp” như lời xin lỗi được Thủ Tướng Kevin Rudd năm 2008.
Khi người ta không muốn cho mình là kẻ chịu ơn, hay không muốn trả ơn thì cho chuyện người ta đã giúp đỡ mình là vì họ nợ mình, từ những kiếp trước hay ngay nhãn tiền. Bởi vậy, thay vì ta nói, “Anh mang ơn Em!” thì chúng ta lại nói, “Anh còn nợ Em!” Trả hết nợ là xong, chẳng có ơn mà cũng không còn nghĩa!
Khi nước Mỹ mở rộng vòng tay đón người vượt biên tị  nạn hay bỏ công của để điều đình với những kẻ thắng trận, cho những người tù chính trị được sang định cư tại Hoa Kỳ, thì đã có nhiều người cho rằng vì người Mỹ trước đây đã can thiệp vào chiến tranh Việt Nam, nên ngày nay phải có trách nhiệm đón người tị  nạn Việt Nam vào đất Mỹ. Nói chung là Mỹ nợ người Việt Nam nên phải trả, thế thôi!
Nghĩa là sòng phẳng, chẳng ai phải mang ơn ai.
Đọc lịch sử Hoa Kỳ, mới thấy quả là người Mỹ nợ nần quá nhiều, những món nợ không trả bằng tiền bạc mà trả bằng xương máu của thanh niên nước Mỹ. Chỉ nói đến các cuộc chiến tranh lớn, trong Thế Chiến Thứ I (1914-1918) người Mỹ đã nợ gì phe Anh, Pháp, Nga, Ý để phải hy sinh 116,516 người, không kể đến số mất tích và bị thương; Đệ II Thế Chiến (1941-1945) có 405,399 binh sĩ tử trận vì chung lưng với Đồng Minh (Nga- Anh- Pháp) để chống phe Trục (Đức- Nhật- Ý); Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) Mỹ hy sinh 116,516 người, đã tiến đến sông Áp Lục để ngăn chặn làn sóng đỏ Trung Cộng; trong Chiến Tranh Việt Nam 58,209 thanh niên Mỹ hy sinh cho miền Nam trước hiểm họa Cộng Sản Bắc Việt với sự tiếp tay của Liên Xô-Trung Cộng.
Trong chúng ta, những người Việt trên đất Mỹ, đã mang ơn nước Mỹ, nhưng gần như hầu hết chúng ta đã quên hay không còn nghĩ đến.
Nếu nước Mỹ không văn minh, đạo đức, tự do và nhân đạo thì gia đình chúng ta đã không đến đây. Không nghe gia đình nào vượt biên giới phía Bắc để qua Vân Nam, Quảng Đông, cũng không nghe con tàu vượt biển nào được tàu Liên Xô vớt để đem về Mạc Tư Khoa.
Nhưng có những người mang ơn không muốn nói ra một lời cám ơn, đừng nói chi tổ chức được một ngày để tạ ơn nước Mỹ đã cho chúng ta đến đây, cơm no áo ấm, sống một cuộc đời có tự do, nhân phẩm và là nơi cho thế hệ con em chúng ta có cơ hội thăng tiến, trở thành con người hữu dụng.
Tôi không dám ngỏ một lời với tất cả người Việt hôm nay trên đất Mỹ, tôi chỉ dám hỏi số nhỏ bạn bè của tôi, những người bạn tù ngày trước, và cả cho tôi, đã có cơ hội nghìn vàng đến đây. Chúng ta còn nhớ ai đã lái chiếc xe đón gia đình trong ngày chúng ta đến phi trường John Wayne, hay một phi trường nào đó trên đất Mỹ? Ai đã đi thuê cho gia đình chúng ta cái apartment, là nơi chúng ta về trú ngụ trong những tháng năm đầu tiên ở đây? Ai là người mang chúng ta đến ngôi chợ, mua giúp cho chúng ta những món ăn để sửa soạn cho bữa ăn tự túc đầu tiên? Ai là người dẫn chúng ta đi lo những thủ tục nhập cư mà tất cả đối với chúng ta là những điều hoàn toàn lạ lẫm?
Ai là người ngồi bên cạnh chúng ta trong những ngày tập lái xe, với những bảng hiệu giao thông hãy còn lạ mắt?
Có bao nhiêu câu hỏi, nhưng chỉ có hai câu trả lời đơn giản: Có hay không!
Chúng ta đã đi qua bao nhiêu thành phố, đã trú ngụ trong bao nhiêu căn nhà, làm bao nhiêu nghề sinh sống, thay đổi bao nhiêu chiếc xe đi, gặp gỡ bao nhiêu bạn bè quen biết, nhưng tựu trung, chúng ta còn nhớ được những gì và những gì nay đã mờ nhạt trong trí nhớ.
Ngày Lễ Tạ Ơn qua đã lâu rồi, như nó đã từng đến và qua đi trong hơn hai mươi năm nay, từ ngày chúng ta đặt chân đến đây, và cùng với gia đình ăn bữa tối sum họp vào buổi chiều ngày Thứ Năm tuần thứ tư trên đất Mỹ.
Chúng ta đã từng nợ nần ai và đã từng đưa bàn tay ra cho ai vịn, giúp đỡ cho ai được một vài chuyện cần thiết? Câu chuyện không có gì là lớn lao, nhưng đôi khi chúng ta không muốn làm hay chưa làm được, vì vẫn thường nghĩ rằng nó là quá nhỏ!

Nguồn: http://baotoquoc.com/2014/11/30/huy-phuong-an-nghia-hay-no-nan/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét