Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Những Đồng Minh Của Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Miền Nam Việt Nam

Những Đồng Minh Của Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Miền Nam Việt Nam

Những Đồng Minh Của Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Miền Nam Việt Nam
Tác Giả: Huỳnh Kim Quang – Việt Báo – 24/04/2015


american ally

Năm nay 2015, đánh dấu 40 năm (1975-2015) ngày Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến Việt Nam dù đã kết thúc trên chiến trường bom đạn nhưng những hệ lụy đau thương của nó còn kéo dài cho đến nay!
Trong số những hệ lụy trở thành vết hằn khó xóa trên thân phận nghiệt ngã của người dân Miền Nam là chiến dịch sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 của Cộng Sản đẩy hơn một triệu trí thức, văn nghệ sĩ và quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào các trại tù khổ sai mà Cộng Sản gọi một cách mị dân là “trại học tập cải tạo.” Trong những trại tù khổ sai đó, nhiều người đã bị thủ tiêu bí mật, bị xử tử công khai, bị buộc phải làm việc cật lực trong điều kiện đói khát, đau bịnh, không thuốc men, không chăm sóc, bị đối xử bất công và tàn bạo không tình người. Nhiều người đã phải ngồi tù lâu hơn 20 năm. Sau khi được thả ra, hầu hết đều mang thân tật bệnh, suy nhược, quản thúc, theo dõi, thất nghiệp, nghèo đói, và xem như bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Trong khi đó, hàng triệu thân nhân, gồm cha mẹ, vợ con của những người tù chính trị này đã phải sống trong hoàn cảnh vô cùng đau khổ bên ngoài trại tù để tranh đấu cho sự sống còn của bản thân và gia đình trong sự bức bách của chính quyền Cộng Sản và sự kỳ thị của xã hội.
Bức tranh toàn cảnh về thân phận bi đát của những người tù chính trị Việt Nam Cộng Hòa dưới chế độ Cộng Sản sau năm 1975 tại Miền Nam đã được nhiều người Việt, gồm những nạn nhân mà cũng là chứng nhân, viết lên trong nhiều thập niên qua. Nhưng số lượng sách bằng tiếng Anh do người Mỹ viết về biến cố này thì vẫn còn quá ít ỏi. Đặc biệt là loại tài liệu nghiên cứu đến nơi đến chốn, chẳng hạn, đến gặp trực tiếp, phỏng vấn và nghe chính các nạn nhân cựu tù chính trị VNCH kể lại đầy đủ chi tiết, do người Mỹ viết bằng tiếng Anh thì lại càng hiếm hơn.
Trong số tài liệu hiếm quý đó có tác phẩm “A Gift of Barbed Wire – America’s Allies Abandoned in South Vietnam” [Tặng Vật Cuộn Dây Thép Gai: Những Đồng Minh Của Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Miền Nam Việt Nam] của tác giả Robert S. McKelvey. Sách do Nhà Xuất Bản University of Washington Press ấn hành tại Seattle của Hoa Kỳ và London của Anh Quốc lần đầu vào năm 2002. Sách in bìa cứng, dày trên 260 trang.
Tựa đề tiếng Anh của cuốn sách là dịch từ câu thơ trong bài “Tặng Vật Tỏ Tình” của nhà thơ Trần Dạ Từ sáng tác vào năm 1964 tại Việt Nam:
“Tặng cho em cuộn dây thép gai
Thứ dây leo của thời đại mới.”
(I give you a gift of barbed wire,
Some creeping vine of this new age.)
Ngoài Lời Nói Đầu, Giới Thiệu và Kết Luận, tác phẩm “A Gift of Barbed Wire” của Robert S. McKelvey gồm 2 phần chính: Phần I gồm 4 truyện nói về bản thân của những cựu tù chính trị VNCH; Phần II gồm 10 truyện nói về bản thân những cựu tù chính trị và cha mẹ, vợ con của họ.
Tác giả Robert S. Mckelvey là Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam từ năm 1969 tới 1970 trong nhiệm vụ sĩ quan Dân Vụ hoạt động tại phía tây bắc thành phố Đà Nẵng, theo ông cho biết trong Lời Nói Đầu của cuốn sách. Ông hiện là giáo sư về môn tâm phân học trẻ em và thanh thiếu niên tại Đại Học Oregon Health and Science University ở Portland. Ông là tác giả của các tác phẩm “The Dust of Life: America’s Children Abandoned in Vietnam” [Bụi Đời: Những Đứa Trẻ Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Việt Nam], và “A Gift of Barbed Wire: America’s Allies Abandoned in South Vietnam” [Tặng Vật Cuộn Dây Thép Gai: Những Đồng Minh Của Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Miền Nam Việt Nam].
Mắt Thấy Tai Nghe
Để viết cuốn sách này, tác giả Robert S. McKelvey đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Việt Nam trong thập niên 1980s tiếp xúc trực tiếp và phỏng vấn cũng như chính mắt chứng kiến cuộc sống vất vả khổ cực trăm bề của các cựu tù chính trị VNCH và thân nhân ngay trên mảnh đất quê hương của họ. Trong Lời Nói Đầu của tác phẩm “A Gift of Barbed Wire,” tác giả đã kể sơ về thân thế và sự nghiệp của ông cùng với mối quan hệ của ông với đất nước và người dân Việt.
 “Giữa năm 1969 và 1970 tôi phục vụ tại Việt Nam trong nhiệm vụ một đại úy Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Tôi được phân công làm sĩ quan Dân Vụ, chịu trách nhiệm với “việc chiến thắng trái tim và tâm thức” của người Việt Nam trong khu vực hoạt động của chúng tôi ở phía tây bắc của thành phố Đà Nẵng thuộc miền trung Việt Nam. Công việc này đưa tôi vào việc tiếp xúc hàng ngày với thường dân Việt Nam, hầu hết là nông dân, và đã cung cấp cho tôi quan điểm khác về cuộc chiến hơn là trong trường hợp tôi ở trong trung đội bộ binh, một khẩu đội pháo binh, hay một đơn vị không quân. Trong một ý nghĩa nào đó, tôi hành xử chức năng như một binh sĩ tình nguyện Thủy Quân Lục Chiến hơn là một người lính bộ binh, làm cho tôi dễ hiểu và cảm thông với sự đau khổ của những người Việt Nam bị mắc kẹt giữa các lực lượng đánh nhau.
Sau khi rời Việt Nam vào tháng 5 năm 1970 tôi trở về nhà để bắt đầu nghề nghiệp mới của một bác sĩ. Tôi học xong trường y khoa năm 1974 và hoàn tất việc huấn luyện làm một bác sĩ tâm thần và bác sĩ nhi đồng vào năm 1979. Trong những năm bận rộn đó tôi ít suy nghĩ về các kinh nghiệm thời chiến tranh của tôi. Rồi trong thập niên 1980s nhiều cuốn sách, phim ảnh, và thảo luận nhằm khảo sát vai trò của Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam đã đánh thức sự thích thú của tôi, và làm cho tôi nhớ lại, Việt Nam. Tôi bắt đầu tìm kiếm cách trở lại Việt Nam và làm việc với người Việt Nam, lần này như là một bác sĩ tâm thần. Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, tại Trung Tâm Chuyển Tiếp Tị Nạn Phi Luật Tân, và tại Hoa Kỳ, tôi nghiên cứu về đời sống của những người Mỹ Á Châu gốc Việt, từ những đứa trẻ sinh ra trong thời chiến tranh tới những người đàn ông Mỹ và phụ nữ Việt Nam.(2) Sau đó tôi nới rộng mục tiêu của mình để bao gồm những trẻ em Việt Nam tại Úc, Hoa Kỳ, và Hà Nội, thủ đô của Việt Nam.”
Cũng trong Lời Nói Đầu của “A Gift of Barbed Wire,” Robert S. McKelvey kể lại về các chuyến đi Việt Nam để sưu tập tài liệu và gặp gỡ phỏng vấn các cựu tù chính trị VNCH và ấn tượng đầu tiên khi chứng kiến tình cảnh bi thương của những cựu tù chính trị.
“Vào năm 1990, thời gian đầu tiên tôi trở lại thăm Việt Nam kể từ lúc phục vụ trong quân đội ở đó, tôi đã mua 2 bức tranh sơn mài.(3) Chúng miêu tả một cách trừu tượng những người đàn bà thanh lịch với mái tóc đen dài phủ xuống chiếc áo dài có hoa màu tím và xanh lá cây, y phục Việt Nam truyền thống. Người bán hàng nói với tôi rằng họa sĩ vẽ bức tranh đó sống gần đây. Tôi quyết định đến thăm ông ấy. Sau khi đi tìm một hay hai giờ đồng hồ qua các đường phố đông đúc và dơ dáy của Thành Phố Hồ Chí Minh, cuối cùng tôi đã tìm ra căn chung cư nhỏ hai tầng vừa là chỗ ở vừa là phòng vẽ tranh của ông ấy. Vợ ông ấy mở cửa và, sau khi xác minh rằng tôi đến đó để xem và có thể mua một vài bức tranh của chồng bà, đã mời tôi vào nhà.

Bà ấy đóng vai trò như là người quản trị phòng trưng bày tranh và dẫn tôi đi xem một vòng, giải thích cách những bức tranh được vẽ và miêu tả một số chủ đề của tranh ảnh. Tôi ngưỡng mộ tác phẩm của chồng bà bao nhiêu, nhiều bức tranh mà sau đó tôi đã mua, thì tôi càng bị quyến rũ bởi cặp mắt sâu và đẹp của bà ấy bấy nhiêu. Với tôi cặp mắt ấy có vẻ được đong đầy với nỗi buồn đau vô hạn. Khi hỏi về bối cảnh hội họa của chồng bà, tôi biết được rằng ông ấy đã từng phục vụ là một sĩ quan Lục Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau chiến thắng năm 1975 của Cộng Sản, chính quyền mới đã bắt bỏ tù ông. Khi tôi hỏi tại sao, bà cho biết rằng đây đã là số phận của nhiều người từng làm việc cho chính quyền cũ. Bà cũng nói vắn tắt về cuộc đời của bà trong thời gian năm năm vắng chồng, mô tả tình cảnh nghèo khổ và bị xã hội cô lập mà bà đã phải chịu đựng và sự chiến đấu sau đó của họ để xây dựng lại cuộc sống sau khi ông được ra tù. Lắng nghe bà kể chuyện tôi bắt đầu hiểu đôi chút về nỗi buồn trong đôi mắt của bà.

Đây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi với cựu tù chính trị Việt Nam và gia đình của họ. Tôi đã từng không biết rằng sau khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, hơn một triệu người là cựu đồng minh Nam Việt Nam của chúng ta, trong số hai mươi triệu dân, đã bị đẩy vào các trại học tập cải tạo.(4) Ở đó họ bị bắt buộc đào hào và kênh dẫn nước, trồng trọt, và xây nhà làm đường. Họ được nuôi bằng những khẩu phần chết đói – hai chén cơm, một ít muối, và một chút xíu canh cải mỗi ngày. Vào ban đêm, sau một ngày làm việc cực nhọc, họ bị lên lớp về những lỗi lầm của chính quyền cũ và người Mỹ, về các lý thuyết Mác-Lê, và về những vinh quang của chế độ Cộng Sản mới, được mô tả bởi những cai tù như là “chính quyền tốt nhất thế giới.” Họ cũng bị đòi hỏi phải thú tội về những tội ác quá khứ của họ như là một phần của quá trình học tập cải tạo để lấy cớ là sẽ “chuyển” họ thành “người mới.”(5) Điều đó đã không được tiết lộ với họ cho đến về sau mà những thú tội này tạo thành cơ bản cho những buộc tội thêm nữa để chống lại họ và ngay cả bỏ tù họ lâu hơn.
Cuối cùng được thả từ những trại học tập cải tạo sau khi đã bị bỏ tù từ một tới hơn hai mươi năm, các cựu tù nhân trở về nhà như những người đàn ông chỉ còn da bọc xương. Họ kiệt sức, bệnh tật, và chán ngán sâu sắc chính quyền mới và những ý định thực sự của nó. Có rất ít người, như nhà họa sĩ mà tôi đã gặp, tìm ra được công việc làm đúng với nghề nghiệp mà họ đã từng được đào tạo. Tuy nhiên, hầu hết đã phải sinh sống bằng bất cứ công việc gì mà họ có thể tìm ra, một thứ giai cấp thấp bị khinh khi của những người đàn ông có học thức cao và thông minh với không còn triển vọng cho một tương lai phát đạt tại Việt Nam với chính họ hay với con cháu của họ.
Tôi đã gặp một trong nhiều cựu tù chính trị kém may mắn trong thời gian chuyến thăm Việt Nam sau này. Ông ấy đã từng là một thiếu tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng vào lúc tôi gặp ông năm 1993 thì ông là một người đạp xích lô tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Công việc của ông là đạp xích lô chở những du khách Tây Phương từ các khách sạn sang trọng quanh khu vực thương mại trung tâm qua những chuyến mua sắm hay tham quan. Trong thời gian thực hiện cuốn phim Pháp Indochine (Đông Dương) ông đã là một phu xích lô cho nữ tài tử điện ảnh Catherine Deneuve. Nếu được hỏi, ông sẽ đưa ra một tờ giấy copy được ép nylon của hình bìa tạp chí Paris Match mà ông đã được chụp trong lúc chở nữ tài tử Deneuve trên chiếc xe xích lô của ông. Ông ấy cùng tuổi tôi, và mỗi ngày khi tôi quan sát cái tướng gầy gò mà phải ráng gân cốt để đẩy chiếc xe nặng chở những du khách Mỹ và Pháp to con qua các con đường đông nghẹt người của thành phố, tôi suy nghĩ về những khác biệt trong số phận của chúng ta.
Trong những năm sau khi họ được thả từ các trại học tập cải tạo hầu hết cựu tù nhân đều quyết định rời Việt Nam. Một số đã vượt biên như thuyền nhân hay đi đường bộ xuyên qua Cam Bốt và Thái Lan, trong khi những người khác thì rời khỏi nước theo Chương Trình Ra Đi Trật Tự (ODP).(6) Đến được Hoa Kỳ thì họ lại đối diện thử thách, đặc biệt khó khăn với người già, về việc thích ứng với một quốc gia với các truyền thống văn hóa khác nhau quá lớn. Họ thường không nói được tiếng Anh nhiều và cũng hay bị kỳ thị chủng tộc, định kiến, và kỳ thị trong việc làm. Không như các cựu chiến binh Việt Nam của chúng ta, có ít người Mỹ biết hay quan tâm đến những câu chuyện của họ.

Chẳng có cuốn phim nào nói về cuộc đời họ. Những cuốn sách mà họ đã viết về các kinh nghiệm của  họ thì không nằm trong các danh sách bán chạy nhất.(7) Không có phim Miss Saigon để giúp chúng ta hiều sự đau khổ của họ. Ngay cả tài liệu khoa học cũng chỉ viết vài trang trình bày về các vấn đề của họ.(8) Tôi tự hỏi, bằng cách nào họ và những người vợ của họ có thể chịu đựng nhiều thập niên đau khổ kéo dài và lập đi lập lại như thế? Sự đau khổ đó ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, sức khỏe tâm thần và triển vọng cuộc sống của họ ra sao? Cái gì còn lại của hy vọng và ước mơ thời trai trẻ của họ? Đây là một số nghi vấn mà tôi tìm kiếm câu trả lời trong tác phẩm này.
Khi tôi bắt đầu tìm hiểu về những cựu tù chính trị của Việt Nam tôi đã biết trước rằng tôi sẽ gặp những người tuyệt vọng và đau khổ đang đau buồn đối với quá khứ và phẫn uất vì tất cả những gì họ đã mất mát. Sau nhiều giờ gặp họ, lắng nghe những trải nghiệm của họ, và rồi suy ngẫm và viết về họ tôi đã, với sự ngạc nhiên của mình, phát giác điều gì đó khác hẳn. Trong khi một vài người trong số mà tôi biết là đau khổ, không có vẻ gì tuyệt vọng, và hầu hết tất cả đều cho thấy khả năng hồi phục rất lớn trên gương mặt của những người dường như bị chấn thương nặng nề.” (Robert S. McKelvey, A Gift of Barbed Wire, University of Washington Press,  Seattle and London, 2002, Lời Nói Đầu, trang XI, XII, XIII, XIV)
Đó chỉ là sơ lược về tình cảnh sống của vài cựu tù chính trị VNCH trong số rất nhiều người mà tác giả Robert S. McKelvey đã gặp trong những chuyến đi Việt Nam để chuẩn bị cho cuốn sách này. Phần nội dung dày hơn 260 trang sau đó của cuốn sách mới là những câu chuyện về người thật và việc thật của các cựu tù chính trị VNCH từ lúc gia nhập Quân Lực VNCH chiến đấu bên cạnh đồng minh Mỹ để bảo vệ tự do, dân chủ, cho đến khi Miền Nam sụp đổ, rồi vào tù Cộng Sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ra tù, sống lây lất khổ sở, sau cùng đi Mỹ và đối diện những va chạm khắc nghiệt của cuộc sống mới.
Robert S. McKelvey nêu ra 7 trường hợp tiêu biểu cho hàng trăm ngàn cựu tù chính trị VNCH để kể chuyện về họ và thân nhân của họ trong tác phẩm “A Gift of Barbed Wire” gồm, cuộc đời của một bác sĩ, một kỹ sư, một thợ hớt tóc, một gián điệp, một phi công, một thầy giáo, và một chính trị gia. Vì tôn trọng một vài trường hợp mà trong đó người được McKelvey phỏng vấn không muốn nêu danh tánh thực và cũng để giữ sự an toàn cho những người còn lại trong nước, đặc biệt tình hình an ninh khắc nghiệt của người dân tại Việt Nam vào thập niên 1980s, tác giả đã chọn cách không nêu danh tánh thật của tất cả cựu tù chính trị VNCH được kể trong sách này.
Ngày 30 Tháng 4 và Lời Hứa Cuội Của Cộng Sản
Người dân miền Nam, đặc biệt những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những người còn ở lại Việt Nam và chứng kiến sự kiện miền Nam bị Cộng Sản chiếm, có cảm nghĩ như thế nào trong ngày 30 tháng 4 năm 1975? McKelvey thuật lại lời kể của một cựu phi công Không Quân VNCH tên là Trà kể rằng, “Đó là một ngày kinh hoàng. Chúng tôi mất mọi thứ. Chúng tôi không biết phải làm gì. Một số đơn vị đã chiến đấu đến cùng; những đơn vị khác không tuân lệnh tổng thống Nam Việt Nam [Dương Văn Minh để đầu hàng]. Tôi không biết hàng xóm của tôi là Cộng Sản hay không và không biết họ sẽ làm gì, vì vậy tôi quyết định ở lại với một người bạn ít ngày trước khi về nhà chỉ để thấy điều gì đã xảy ra. Tôi nói với vợ tôi là nơi nào tôi nên ở để vợ tôi không lo ngại. Đêm 30 rất là yên lặng — thật đáng sợ.” Đêm trước thì có nhiều hỏa tiễn và tiếng nổ, nhưng cái đêm đó thì không có hỏa tiễn. Im lặng đáng sợ bởi vì chúng tôi không biết cái gì xảy ra. Sau hai ngày vợ tôi khuyến khích tôi về nhà. Không có gì xảy ra. Tôi không biết làm gì. Tôi không hiểu phải giúp gia đình tôi bằng cách nào.” (Sách đã dẫn, trang 112)
Bi kịch làm thay đổi cả cuộc đời của các quân cán chính VNCH trong các trại tù lao động khổ sai kéo dài hàng chục năm bắt đầu với lời hứa gian dối của chế độ Cộng Sản về thời gian đi học tập cải tạo từ 3 ngày đến 30 ngày. McKelvey thuật lại lời kể của cựu phi công VNCH Thọ như sau:
“Có thông báo [trên đài phát thanh và những cái loa chát chúa] rằng tất cả quân nhân của chế độ cũ đểu phải đi học tập cải tạo. Bạn đựợc cho biết đến văn phòng chính quyền hay trường học và viết lý lịch của bạn, một loại sơ yếu lý lịch. Rồi bạn về nhà và chờ. Sau một tháng có thông báo khác bảo bạn trình diện đi học tập cải tạo. Các sĩ quan, hạ sĩ quan, và những cấp bậc thấp hơn thì được cho biết việc học tập cải tạo của họ sẽ kéo dài 3 ngày và họ có thể về nhà mỗi đêm. Các sĩ quan cấp bậc cao hơn, cấp tá tới tướng, và viên chức chính quyền cao hơn được cho biết việc học tập cải tạo của họ kéo dài lâu hơn và họ phải trình diện tại trường trung học hay đại học gần đó với đầy đủ lương thực và quần áo cho 30 ngày.” (Sđd., trang 112, 113.)
Nhưng rồi hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH đã phải ngồi tù lao động khổ sai tới cả chục năm, có người ở tù tới 21 năm, như trường hợp nhà tình báo Sang đã bị bắt ở tù học tập cải tạo từ tháng 3 năm 1975 cho đến năm 1996 mới được thả (Sđd., trang 71).
Những Năm Tháng Trong Tù
Ở tù là một khổ nạn, nhưng ngồi tù Cộng Sản thì lại càng là cực hình khốn khổ không thể tả! Những năm sau 1975 cho đến giữa thập niên 1980s, Việt Nam là một đất nước nghèo đói, lạc hậu và khép kín với thế giới bên ngoài. Vì vậy, chế độ Cộng Sản đã cai trị dân bằng luật rừng, đặc biệt là chế độ đối với các tù chính trị. Các cựu tù chính trị VNCH phải tự xây cất nhà tù để giam cầm chính họ, tự canh tác hoa màu đủ thứ và sung túc nhưng lại bị buộc sống chết đói, và gánh chịu bao nhiêu tàn ác, dã man của chế độ tù Cộng Sản.
Nói về việc ăn uống trong tù McKelvey thuật lời kể của cựu phi công VNCH Thọ như sau: “Trong thời gian năm đầu tại miền Nam chúng tôi ăn cơm độn bo bo. Đó không phải là bo bo bình thường, mà chỉ là loại thô cũ. Chúng tôi cố nấu cho mềm, nhưng nó không ngon chút nào. Qua năm thứ hai tại miền Bắc chúng tôi ăn cơm độn với bắp. Năm thứ ba chúng tôi có sắn khô và đôi khi ăn cơm vào những lễ lớn như Tết. Năm 1978 và 1979 là tệ nhất. Thiếu thực phẩm trên cả nước và nhiều người chết. Vì thiếu thực phẩm họ bắt đầu để gia đình đến thăm nuôi chúng tôi tại các trại tù để họ có thể bổ sung khẩu phần ăn của chúng tôi. Các thân nhân đã mang cho tù gạo, lương khô, và thuốc men.” (Sđd., trang 117)
Ở trong tù, các cựu tù chính trị VNCH không những làm việc cực nhọc, ăn uống thiếu thốn khổ sở mà còn bị đánh đập, hành hạ, và thậm chí giết chết. McKelvey ghi lại lời của cựu phi công Thọ như sau: “Họ nhốt tù trong “chuồng cọp” [một hộp thiết nhỏ giống như cái thùng chở hàng hóa], để nó ra giữa trời dưới ánh nắng mặt trời, và chỉ cho tù một chút thức ăn – 2 ca nước và một tô sắn 2 lần một ngày. Hay họ còng tù vào tường ở cổ tay và mắt cá. Thật là không thoải mái chút nào!” (Sđd., trang 116)
Cựu phi công Thọ còn chứng kiến 2 lần Cộng Sản giết tù chính trị VNCH. McKelvey thuật lại lời Thọ như sau: “Hai lần. Lần thứ nhất là lúc ở trong Nam tại Biên Hòa. Một ông cố trốn trại ban đêm nhưng bị bắt. Ngày hôm sau họ đã xử tội ông. Họ buộc chúng tôi phải nghe phiên xử qua tiếng loa bự. Một giờ sau chấm dứt họ bắn chết ông ấy. Lần thứ hai lúc đã ra Bắc. Ba hay bốn người trốn trại. Sau vài ngày họ bị bắt lại và bị mang trở về trại. Họ đánh một trong những người đó tới chết. Những  người khác thì bị đưa đi trại khác.” (Sđd., trang 116)
McKelvey thuật lại lời của cựu tù chính trị là nhà chính trị VNCH tên Hung (tác giả không đánh dấu) kể rằng, “Tôi hỏi có người nào chết trong tù không. “Nhiều! Đói khát và làm việc nặng nhọc làm cho nhiều người bị bệnh. Rất dễ chết. Không phải là tình trạng tinh thần hay cá tính của người tù. Chỉ là không có đủ để ăn và không có thuốc men.” (Sđd., trang 187)
Cựu tù chính trị VNCH là nhà chính trị Hung còn kể chuyện Cộng Sản cực kỳ hung ác hơn nữa với tù chính trị VNCH. Mckelvey thuật lại lời kể của Hung rằng, “Lúc đó chúng tôi ở trại không xa biên giới Cam Bốt. Đó là thời gian Chiến Tranh Việt-Miên. Việt Cộng đặt mìn Claymore [mìn chống cá nhân] chung quanh trại tù. Chúng tôi nghĩ là họ bảo vệ chúng tôi, nhưng họ nhắm mục tiêu mìn Claymore vào chúng tôi! Họ cho biết rằng nếu Cam Bốt tấn công, họ sẽ giết chúng tôi trước bởi vì chúng tôi cũng là kẻ thù của họ.” (Sđd., trang 208, 209)
Sự bức bách và tàn ác của chế độ tù Cộng Sản đã khiến cho người tù chính trị VNCH có lúc không thể im lặng chịu đựng và đứng lên chống lại. McKelvey thuật lại lời kể của một cựu tình báo VNCH là cựu tù chính trị tên Sang về tình trạng nghiêm trọng tại trại tù Hàm Tân vào những năm từ 1976 đến 1980, như sau: “Một ngày kia chúng tôi đi ra ngoài lao động trong một nhóm 40 người tù với một cai tù và 2 người lính. 12 người chúng tôi khống chế cai tù và lấy vũ khí của họ. Chúng tôi có 2 khẩu súng M-16 và một khẩu K-54. Chúng tôi vào rừng đế đến mật khu của những nhóm chống chính quyền đã xây dựng căn cứ cho chúng tôi. Cộng Sản phái 2 trung đoàn lính tới và công an tủa ra 2 tỉnh, Thuận Hải và Đồng Nai, để tìm chúng tôi. Sau 6 ngày tôi bị bắt đầu tiên. 4 ngày sau 9 người khác bị bắt và 2 người bị bắn chết.” (Sđd., trang 85)
Hoàn Cảnh Vợ Con Người Tù Chính Trị VNCH
Các quân cán chính VNCH bị Cộng Sản bắt đi tù học tập cải tạo tất nhiên là chịu rất nhiều thống khổ và đau thương trong những nhà tù nhỏ, nhưng vợ con và thân nhân của họ ở bên ngoài cũng không khác gì một nhà tù lớn với vô vàn gian nan, khổ cực và tủi nhục. Họ vừa phải gánh vác trách nhiệm thế cha và làm mẹ nuôi dạy con cái và buôn bán tảo tần, vừa phải đối mặt với những áp bức của chế độ Cộng Sản và sự kỳ thị của xã hội.
Tác giả Robert S. Mckelvey đã trực tiếp phỏng vấn và ghi lại nhiều trường hợp rất thương tâm của những người vợ con của cựu tù chính trị VNCH. McKelvey thuật lại lời của người vợ của một chính trị gia tên Hung là bà Tho (tác giả cũng không bỏ dấu) kể tình cảnh gia đình sau khi chồng bị bắt đi học tập cải tạo như sau:
“Sau khi ông nhà tôi đi tù tôi phải chăm sóc 7 đứa con của chúng tôi và tiệm chụp hình. Cửa tiệm làm ăn không khá. Chồng tôi là người chính yếu gánh vác việc ấy trước đây, và sau khi ông ấy đi không ai trong chúng tôi biết làm sao để tiếp tục điều hành. Người ta cũng sợ không dám ủng hộ cửa tiệm bởi vì chồng tôi là người đi tù học tập cải tạo. Ngay cả những thân nhân của chúng tôi và người bạn thân nhất của chồng tôi cũng tránh xa. Nó giống như là chúng tôi mắc bịnh nguy hiểm, một thứ bệnh lây nhiễm, và người ta sợ chúng có thể lây lan họ. Họ không muốn dính dáng tới và vướng vào phiền phức với chính quyền.” (Sđd., trang 196)
Những người vợ con cựu tù chính trị VNCH còn phải bị bắt học tập cải tạo tại địa phương. Bà Tho kể với McKelvey rằng, “Mỗi tháng tất cả những bà vợ của những người đàn ông bị tù học tập cải tạo bị đòi hỏi phải đến họp. Mục đích là để cải tạo chúng tôi tại nhà. Họ bảo chúng tôi không được buôn bán và tận dụng lợi thế của người dân. Thực tế họ muốn chúng tôi ở nhà và làm ruộng.” (Sđd., trang 197)
Những người vợ cựu tù chính trị VNCH khóc hết nước mắt hàng đêm vì hoàn cảnh bế tắc và vì Cộng Sản áp bức người quá đáng.  Bà Tho kể với McKelvey rằng, “Mỗi đêm tôi đợi mấy đứa con đi ngủ và không thể nghe được, thì tôi khóc bởi vì chúng tôi không có đủ tiền cho tôi đi thăm nuôi chồng tôi. Một ngày sau khi chồng tôi đi tù những người từ chính quyền đến và liệt kê mọi thứ chúng tôi có. Họ lấy một số đồ đạc như máy truyền hình và quần áo của thằng con trai đi lính của chúng tôi. Họ nói rằng đó là “tài sản của nhân dân.” Khi chồng tôi là người chủ gia đình đi rồi, tôi đã bán những gì chúng tôi có để nuôi gia đình. Tôi bán nồi và chảo trước nhà. Ngay cả vậy mà cũng không có gì nhiều để ăn. Thịt và cá thì hiếm khi có. Chúng tôi trộn cà chua với cơm chỉ để làm đầy bao tử.” (Sđd., trang 197)
Điều cực kỳ bất công mà Cộng Sản đã làm với những gia đình cựu tù chính trị VNCH là không cho con cái họ đi học. McKelvey thuật lại lời bà Tho kể rằng, “Thực tế con cái không được phép đi học bởi vì địa vị của cha chúng nó trong chính quyền cũ. Chẳng hạn, con gái của tôi học rất giỏi ở trung học. Sau khi tốt nghiệp cháu muốn vào đại học. Ở đó có danh sách ưu tiên để quyết định ai được nhận. Nếu gia đình bạn là Cộng Sản, bạn đứng đầu danh sách. Nếu họ làm việc cho chính quyền cũ, thì bạn đứng đội sổ. Bởi vì cha và anh của cháu đều đi tù học tập cải tạo, nên cháu đã không được nhận.” (Sđd., trang 198)
Ra Tù, Về Nhà, Đi Vượt Biên
Ra khỏi những nhà tù nhỏ là các trại tù học tập cải tạo, các cựu tù chính trị VNCH tường có thể bước qua được khúc quanh nghiệt ngã này để bắt đầu làm lại cuộc đời. Nhưng, không, họ chỉ mới bước chân vào cái nhà tù lớn của xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản với vô số khổ sở và trớ trêu khác đang chờ chực.
Đúng vậy, như lời kể của một cựu kỹ sư và thầy giáo thời  VNCH đi tù học tập cải tạo về mà McKelvey thuật lại như sau: “Ngày đầu về nhà tôi lo sợ về an ninh. Tôi phải đem giấy chứng nhận ra tù học tập cải tạo đến văn phòng an ninh phường, văn phòng hành chánh phường, và ty an ninh tỉnh để ký xác nhận. Trong tháng đầu sau khi tôi về nhà tôi cũng phải có mặt ở những buổi họp trong xóm mỗi đêm. Chúng giống y chang những buổi họp trong trại tù. Tôi phải đứng dậy và thú tội trước 15, 20 người láng giềng của tôi đang có mặt trong buổi họp. Mỗi lần như thế tôi đều phải bắt đầu bằng câu, “Tôi biết ơn Cộng Sản.” Sau một tháng như vậy tôi mới nhận được giấy nói rằng tôi đã trở lại làm công dân Việt Nam. Rất là quan trọng để tờ giấy đó được ký chứng nhận bởi công an địa phương. Nếu bạn phạm trọng tội, thì họ sẽ lấy lại [giấy tờ và quyền công dân của bạn].” (Sđd., trang 47)
Một cựu tù chính trị VNCH khác là cựu đại tá và chỉ huy Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn tên Bích kể cho McKelvey nghe ngày từ trại tù trở về nhà như sau: “Hơi là lạ. Ban đầu, mấy đứa con không nhận ra tôi bởi vì tôi rất ốm. Tôi đi lại khó khăn bởi vì vấn đề dinh dưỡng. Tôi rất yếu. Tất cả trừ đứa con trai út của tôi đều đã đi thăm nuôi tôi ở ngoài Bắc với vợ tôi. Trải qua 2 năm đầu chúng tôi không được phép nhận thư từ gia đình, và qua 3 năm đầu chúng tôi không được thăm nuôi. Sau đó họ có thể thăm nuôi mỗi 6 tháng, nhưng vợ tôi không có tiền để đi thăm nuôi tôi đều như thế. Bà chỉ đi thăm tôi mỗi năm 1 lần hay 2 năm một lần.” (Sđd., trang 65)
Còn cựu tù chính trị VNCH là nhà tình báo Sang thì kể như sau, theo McKelvey, “Khi tôi trở về nhà một số người sợ tôi và không muốn liên hệ với tôi. Những người khác thì thông cảm, nhưng tôi không muốn họ gặp rắc rối vì tôi gần gũi với họ, do đó tôi sống rất cô độc. Sauk hi trở về nhà nhiều cựu tù chính trị sống cô độc. Nhiều bà vợ bỏ  họ trong lúc họ còn trong tù. Nhiều người khác về nhà bị rồi loạn thần kinh mà một thời gian ngắn sau đó họ đã ly dị. Hầu hết họ đều không có việc làm. Những nào người ở tù nhiều năm có con lớn lên và khó hiểu biết chúng. Những đức con độc lập, và không có sự gần gũi giữa chúng và người cha đi tù. Khi những cựu tù ly di với các bà vợ thì những đứa con cảm thấy vô vọng.” (Sđd., trang 95)
Giáp mặt với cuộc sống khó khăn mọi mặt ở nhà như thế, nhiều cựu tù chính trị VNCH đã tìm đường vượt biên.
Nhà tình báo Sang kể tiếp cho McKelvey nghe, “Hầu hết mọi người tù trong các trại tù cải tạo đều hy vọng trở thành những người tị nạn tại một quốc gia khác.” (Sđd., trang 95)
Cựu tù chính trị VNCH nguyên là phi công tên Tra (tác giả không bỏ dấu) kể về chuyện vượt biên của ông cho McKelvey nghe rằng, “Tôi cố vượt biên bằng thuyền nhiều lần, nhưng đều bị gạt, họ bỏ tôi ở lại. Lần cuối cùng tôi cố vượt biên với mấy người bạn và tôi mua thuyền. Kế hoạch là chúng tôi phải neo thuyền ngoài khơi. Chúng tôi đi ra thuyền đó bằng ghe nhỏ. Nhưng người lái ghe nhỏ của tôi đã bị lạc, và tôi không bao giờ thực hiện được việc đó. 2 người bạn khác của tôi thì đã thành công lái tàu tới Mã Lai Á.” (Sđd., trang 120)
Qua Mỹ Và Những Khó Khăn Của Cuộc Sống Mới
Ra khỏi Việt Nam đối với các cựu tù chính trị VNCH là một nhu cầu để được sống tự dọ và hạnh phúc, nhất là qua Mỹ. Nhưng trước khi tới Mỹ, không một cựu tù chính trị VNCH nào hình dung ra được những hoàn cảnh thế nào mà họ sẽ phải đối diện mỗi ngày. Vì thế, qua Mỹ là một trong những bước ngoặc lớn trong cuộc đời của một cựu tù chính trị VNCH.
Chúng ta hãy nghe lại lời kể của cựu phi công Tra về những khó khăn nào mà ông gặp phải khi qua Mỹ, “Chúng tôi có nhiều khó khan. Đôi khi tôi nghĩ chúng tôi không tạo nên nó. Sau khi chúng tôi gặp lại nhau vài năm thì bà [vợ] nói với tôi, “Anh biết đó, chúng ta vẫn còn đang thích nghi. Vẫn còn khoảng cách giữa chúng ta.l” Tại Việt Nam, là người chồng, tôi chăm sóc mọi thứ. Ở đây tôi không có gì, không việc làm và không tiền bạc. Bà ấy cho tôi mọi thứ. Tôi cảm thấy bị coi thường. Bà ấy nói rằng, “Hãy ở nhà và nghỉ ngơi.” Tôi nói, “Không, tôi muốn đi làm ngay nếu được.” Vì thế bà đi và bảo với người quản trị của hãng xưởng nơi bà ấy làm việc. Ông ấy cho tôi một việc làm lắp ráp điện tử vào năm 1991, và từ đó tôi làm việc ở đó tới nay.” (Sđd., trang 121)
Trường hợp của bà Oanh là vợ của cựu phi công Tra là một điển hình của những người vợ cựu tù chính trị VNCH đã đến Mỹ trước và phải đấu tranh sinh tồn rất khổ cực để vừa nuôi con vừa nuôi chồng trong một đất nước hoàn toàn xa lại. Bà Oanh kể với McKelvey như sau:
“Tôi không biết mặt mũi của tôi ra sao trong thời gian đó. Tôi rất bận rộn đến nỗi không có thì giờ để soi gương. Điều duy nhất mà tôi nghĩ về là kiếm tiền. Tôi có việc làm trong khâu dây chuyền lắp ráp. Tôi chỉ kiếm được 3.25 đô la một giờ, và vì vậy tôi tới sở xã hội để xin giúp đỡ. Người phụ nữ ở đó cũng là một người Việt. Bà ấy rất khinh khỉnh. Bà nói rằng, “Bạn kiếm được 3.25 đô la một giờ, vậy mà bạn vẫn còn đi xin giúp đỡ hà? Tiền nhà của cô chắc là quá cao. Tại sao bạn không dời tới [một chương trình trợ cấp nhà ở rõ rang mà nơi đó có nhiều người tị nạn Việt Nam mới tới ở]? Tôi rất giận. Tôi không biết phải nói gì. Tôi chỉ khóc và bỏ đi.” (Sđd., trang 127)
Còn một khó khăn khác mà nhiều cựu tù chính trị VNCH khi qua Mỹ gặp phải đó là sự cách biệt giữa cha mẹ và con cái lớn lên bên này đã trở thành xung đột khó giải kết trong gia đình. Tác giả Robert S. McKelvey nêu ra trường hợp con cái trong gia đình của cựu phi công là cựu tù chính trị VNCH qua lời kể của người con gái tên Phuong (tác giả không đánh dầu), như sau:
“Tôi nhớ căng thẳng giữa ba tôi và người em gái của tôi. Lúc đó em gái út của tôi và tôi ở nhà và 2 đứa em gái khác ở đại học. Tôi không nhớ căng thẳng nhiều tới mức nào giữa ba tôi và tôi, nhưng ba tôi bị bực mình với em gái út của tôi bởi vì nó quá bướng bỉnh. Họ không hạp nhau. Ba tôi thì rất truyền thống và đối xử với con cái theo cách ở Việt Nam. Em gái út tôi là con gái Mỹ. Nó nói những gì nó suy nghĩ và hành động độc lập. Ông còn nhớ sự kiện ba mẹ tôi kể cho ông nghe về việc em gái tôi lái xe lui ra quá nhanh? Ba tôi nói rằng, “Tôi rất giận đứa con gái đó.” Tại Việt Nam bạn không thể hành động như vậy, ngay dù bạn đang giận dữ. Bây giờ em gái tôi cho rằng, “Ba không thích em – Em là đồ rác.” (Sđd., trang 139)
Kết Luận
Ông Quyet (tác giả không đánh dấu) là một học giả có bằng thạc sĩ tại Hoa Kỳ và dạy tiếng Anh tại Học Viện Quân Sự Quốc Gia Việt Nam (VNCH) trước năm 1975. Sau năm 1975 Quyet đi tù học tập cải tạo. Quyet đã trình bày bằng văn bản ba điều với McKelvey về quan điểm của ông đối với chế độ Cộng Sản Việt Nam. Trong đó ông chỉ trích chính sách tàn ác của Cộng Sản đối với dân quân miền Nam và cho rằng chính quyền CSVN còn nợ người dân miền Nam lời xin lỗi.
Điều thứ ba của văn bản của Quyet viết rằng, “Thứ ba, các anh [Cộng Sản] lớn tiếng kêu gọi mọi người “tha thứ và quên đi.” Hãy để tôi nói rõ rằng chúng tôi đã không, và đang không, mắc nợ các anh bất cứ điều gì [đối với những gì chúng tôi đã làm]. Hầu hết chúng tôi chiến đấu dũng cảm đơn giản là để tự bảo vệ. Không có gì sai với điều đó cả. Khi chiến tranh chấm dứt quá khứ nên để lại sau. Chúng tôi có thể đã là bạn bè của các anh và cùng nhau làm việc với các anh để xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, nhưng các anh đã chọn ôm giữ ác cảm chống lại chúng tôi và đối xử với chúng tôi tồi tệ hơn với thú vật. Các anh mới chính là người nợ chúng tôi một lời xin lỗi [cho điều đó] và đặc biệt đối với việc [các anh] làm ô nhiễm nơi an nghỉ thiêng liêng của những chiến sĩ đã nằm xuống của chúng tôi.” (Sđd., trang 168)
Trong phần kết luận cuốn sách, tác giả Robert S. McKelvey rút ra 5 nhận định từ những kinh nghiệm và bài học của chiến tranh Việt Nam, của các cựu tù chính trị VNCH mà người Mỹ và chính quyền Mỹ cần đặc biệt quan tâm.
Một, nạn nhân của chiến tranh là những con người nhạy cảm, tế nhị và dễ bị tổn thương nên, người Mỹ cần đối xử công bằng với các đồng minh của mình. Hai, sự đau khổ của các nạn nhân chiến tranh không chấm dứt sau khi ký hiệp định hòa bình và rút quân [Mỹ] về nước. Do vậy, việc điều trị vết thương chiến tranh cần thời gian dài sau đó. Ba, Hoa Kỳ cần cẩn thận cách can thiệp trên thế giới, mà cụ thể là cần lắng nghe nguyện vọng của các đồng minh. Bốn, Hoa Kỳ cần có trách nhiệm với các đồng minh hay quốc gia mà mình can thiệp bằng chiến tranh. Và năm, người Mỹ cần nhận thức rõ là họ chiến tranh vì cái gì. Nên nhớ, chuyện mở cuộc chiến tranh không giống như chuyện trong phim, vì nó sẽ để lại nhiều đau khổ cho vô số người trong nhiều thập niên sau đó.
Dù cuốn “A Gift of Barbed Wire” đã được xuất bản cách nay 13 năm, nhưng những điều mà tác phẩm này nói đến vẫn còn là các bài học giá trị mà các chính quyền tại Việt Nam và Hoa Kỳ cần phải học lại kỹ lưỡng để tránh gây đau thương cho cả một dân tộc. Đối với người Việt trong và ngoài nước, tác phẩm này chắc chắn là một kho tàng ký ức sâu đậm của một thời lịch sử không thể quên. Khi có dịp gợi lại thì thấy rằng nó vẫn còn nguyên ở đó.
Xin cám ơn tác giả Robert S. McKelvey.
Chú thích:
(2) R. S. McKelvey, The Dust of Life: America’s Children Abandoned in Vietnam [Bụi Đời: Những Đứa Trẻ Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Việt Nam] (University of Washington Press, Seattle, 1999).
(3) Tranh sơn mài là hình thức hội họa truyền thống Việt Nam được đưa tới Việt Nam từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 15. Sơn mài màu cứng được dung cho gỗ mềm, được đánh bóng cho thật là láng như đồ sứ, và rồi được trang trí hay sơn với những sơn mài màu sắc khác nhau (P. Huard và M. Durand, Viet Nam: Civilization and Culture [Việt Nam: Văn Minh và Văn Hóa], tái bản lần thứ 2 [École Francaise d’Extréme Orient, Hà Nội, 1994], trang 204-7).
(4) N. L. Jamieson, Understanding Vietnam [Hiểu Việt Nam] (University of California Press, Berkeley và Los Angeles, 1993), trang 363.
(5) Sách đã dẫn trên, trang 364.
(6) Chương Trình ODP là sự thỏa thuận song phương đạt được và tháng 7 năm 1979 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam cho phép sự nhập cư của người Việt vào Hoa Kỳ hợp pháp và an toàn.
(7) Chẳng hạn, xin xem, T. T. Vu, Lost Years: My 1,632 Days in Vietnamese Reeducation Camps [Những Năm Mất Mát: 1,632 Ngày Của Tôi Trong Các Trại Học Tập Cải Tạo Của Việt Nam] (Institute of East Asian Studies, University of California, Berkeley, 1988); T. V. Doan và D. Chanoff, The Vietnamese Gulag [Trại Tù Chính Trị Việt Nam] (Simon and Schuster, New York, 1986).
(8) Thí Dụ, xin xem, M. C. Smith-Fawzi, E. Murphy, T. Pham, L. Lin, C. Poole, và R. F. Mollice, “The Validity of Screening for Post-Traumatic Stress Disorder and Major Depression among Vietnamese Former Political Prisioners” [Giá Trị Của Việc Kiểm Tra Đối Với Chứng Bất An Và Trầm Cảm Nặng Do Căng Thẳng Bởi Hậu Chấn Thương Trong Số Những Cựu Tù Chính Trị Việt Nam], Acta Psychiatrica Scandinavica (1997: 96): trang 87-93; R. F. Mollica, K. McInnes, T. Pham, M. C. Smith-Fawzi, E. Murphy, và L. Lin, “The Dose-Effect Relationships between Torture and Psychiatric Symptons in Vietnamese Ex-Political Detainees and a Comparison Group” [Các Mối Quan Hệ Hiệu Quả Liều Lượng Giữa Tra Tấn và Các Triệu Chứng Tâm Thần Trong Các Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam và Một Nhóm So Sánh], Journal of Nervous and Mental Disorder (1998: 186): trang 543-53.

Bình luận (28)

  • LINH YÊN-cường để-L.T.C.-luật khoa SG

    chuyện đã rỏ từ lâu mà bất kỳ ai củng hiểu,sau 75 mọc lên rất nhiều trại giam cấp huyện,cấp thành phố và cấp tỉnh trên toàn quốc, miền BẮC được chọn là nơi giam giử nghiệt ngă các tù nhân chính trị cao cấp,ác ôn do yếu tố địa hình địa lý khắc nghiệt…”tập trung cải tạo”"lao động cải tạo”hay”giáo dục cải tạo lầm đường lạc lối”những danh từ nghe rất kêu chứ thực chất là những vụ trả thù,khổ sai lao động vất vả mà không được ăn no,hành xác với kết quả là hàng ngàn sỉ quan,công chức VNCH bị chết chóc,bệnh tật tại trại cải tạo…vượt biên chết trên biển ĐÔNG,tù cải tạo ngả gục trước lính canh,dân đi kinh tế mới chết vì bệnh tật,đói khổ…ai dám bảo rằng sau ngày CS tràn vào miền nam VN không có tắm máu?? ông cựu đại úy dân sự vụ TQLC HOA KỲ hiểu hoàn cảnh của quân dân cán chính VNCH bị bỏ rơi,phản bội củng hơi muộn nên khi viết sách cho xuất bản thì mọi việc đả trở thành dỉ vảng,lương tâm con người chai sạn trước tội ác đi qua .Những nhân tố chính gây nên thảm họa lịch sử 1975 hầu như đả ra người thiên cổ( cả MỸ lẩn VIỆT) cho nên trách nhiệm chỉ còn trên vài bài báo,trên khẩu hiệu đả kích hoặc tuyên truyền của bên thắng cuộc và bên thua…máu lẩn nước mắt của giai đoạn tháng 4/75 có lẻ đã khô cạn giờ chỉ là lời ai oán,thở dài cay đắng của trăm ngàn nạn nhân
    Reply
  • Nada

    Vẫn thiếu một phần mà tác giả không nói tới đó là ảnh hưởng đối với con cái của những người bị cải tạo dù họ sinh ra sau khi người tù về lại với gia đình. Hãy hỏi những sinh viên con HO, họ biết việc học của họ tới đâu nếu gia đình còn ở lại VN
    Xin trích bài của Nancy Nguyễn, đọc mà thấy đau lòng, cha mẹ bị đầy ải còn bắt con cái mang những di lụy mãi trong đời
    Link: http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/kyuc40nam-010615-01062015115020.html/
    KÝ ỨC VỀ MỘT THỜI KHÔNG SỐNG.
    8 Tháng 1 2015 lúc 9:39
    (Không biết nên tag ai, thôi thì, ai còn nặng lòng, xin tự tag mình vô vậy …)
    Xin đừng cười! Nếu ai đó kể ký ức của họ, về một giai đoạn lịch sử mà họ không hề sống qua.
    Tôi sinh ra cả thập kỷ sau Thống Nhất, và mãi một thập kỷ sau đó nữa, mới lờ mờ có những nhận thức đầu tiên về cuộc đời. Chuyện tưởng chừng như nực cười mà có thật là tôi, à không, cả thế hệ chúng tôi, đều ít nhiều có “ký ức” về cái ngày định mệnh ấy, và cả bốn mươi năm sau đó nữa.
    Sài Gòn, trong ký ức tôi là những ngày mưa, có lúc dẳng dai, có khi bất chợt. Nhà tôi nghèo lắm, nên mỗi khi trời trở gió là mẹ tôi hay cuống cuồng gom quần áo, giày dép của mấy anh em vào “kẻo mưa trôi mất”. Mỗi lần như vậy, mẹ lại nhìn đôi dép của anh Hai thật lâu. Rồi một ngày, mẹ bất chợt: “ngày ba con đi cải tạo, ba chỉ mang theo có mỗi một đôi dép với mấy bộ đồ …” Người ta bảo chỉ dăm bữa thôi, rồi sẽ về ngay ấy mà. Và mẹ tôi đã đợi. Đợi. Đợi …
    Và đợi!
    “Hồi đó khổ lắm, chẳng biết xoay đâu ra tiền để thăm tù, con ạ!” Giọng mẹ tôi lạc đi, và khoé mắt chưa một lần thôi đỏ, đù đã kể đi kể lại câu chuyện ấy đến … quá nhiều lần: “Những ngần ấy năm! Chẳng biết xoay đâu ra tiền …”
    Rồi cha tôi cũng mãn hạn, trở về mái ấm xưa, để cay đắng nhận ra, trong ngần ấy năm đầy biến cố của cuộc đời, con người ta đã thay đổi, và chính cha tôi cũng đã đổi thay. Mẹ tôi trở thành người phụ nữ thao lược, đảm đang, còn cha tôi, ông trở thành một người đàn ông đầy mặc cảm thua sút, mặc cảm núp váy vợ. Dần già, ông trở nên cọc cằn, độc đoán. Dần già, ông trở thành một người lạ, ngay trong chính mái ấm của bản thân mình.
    Tuổi thơ tôi đó, những cơn cãi vã, những trận đòn roi. Tuổi thơ tôi đó, những ngày lang thang chỉ mong không bao giờ phải trở về nhà. Tuổi thơ tôi đó, một mái gia đình xiêu vẹo, nứt lở, chỉ chờ ngày sụp đổ.
    Tại sao những gì buồn bã, và đau thương nhất, lại thường sảy ra vào những ngày mưa? Một ngày mưa trút nước của năm 1988, có một bà mẹ trẻ, một tay ẵm con, một tay dắt thêm hai đứa nữa, lủi thủi đi. Nước mắt, lẫn vào trong mưa, bé nhỏ, đớn đau, cùng quẫn…
    “Không phải tại ba con, tại nhà tù nó thế!” Tôi không biết đó là sự thật, hay mẹ tôi chỉ đang tự huyễn hoặc mình. Nhưng có một điều rất thật, là có một người vợ mất chồng, và ba đứa trẻ mất cha… Vâng, giữa những cái giả dối tởm lợm của một chế độ tự xưng là “Giải Phóng” ấy, có những điều rất thật, đó là vô vàn những nỗi đau. Rất thật.
    30 tháng Tư, đối với tôi, chỉ mơ hồ, như một màn sương, và lẩn khuất trong màn sương ấy, là những trại tù, và những số phận bị cầm tù, từ ngày ấy đến mười bốn ngàn sáu trăm ngày sau đó, có khi là mãi mãi … Như mẹ tôi, một người tù!
    “Tánh ba con xuề xoà, nên chỉ mang theo có vài bộ đồ, và mỗi một đôi dép. Họ bảo chỉ dăm bữa, rồi lại về ngay ấy mà!” Câu chuyện được kể đi kể lại nhiều lần, mà lần nào giọng mẹ tôi cũng nghẹn lại, cũng lạc đi. Đâu đó sâu trong khoẻ mắt Người, dường hằn lên dung hình một kẻ lữ thứ cô độc, xiêu vẹo trong cơn bão giông.
    Trong khoảnh khắc định mệnh ấy của dân tộc, cái lũ chúng tôi còn chưa mở mắt chào đời, nhưng ai dám bảo chúng tôi không có ký ức về 30 tháng Tư? Xin đừng cười! Nếu ai đó kể ký ức của họ, về một quãng đời không hề sống. Có khi, đó lại là những ký ức ám ảnh nhất của một đời người.
    Như ký ức về những giọt nước mắt được giấu kỹ trong mưa…
    Reply
  • Sinh viên

    VN 40 NĂM SAU CHIẾN TRANH: CHIẾN THẮNG KIỂU CS ĐÃ NHƯỜNG CHỖ CHO THAM NHŨNG KIỂU TB NHƯ THẾ NÀO
    Nick Davies - Theo tờ Guardian - Athena, cộng tác viên Dân Luận chuyển ngữ
    Bài chuyển ngữ dài, SV trích đoạn ngắn CHIẾN THẮNG KIỂU CS
    Vào một buổi sáng sớm của tháng Hai năm 1968, khi giao tranh ở miền Trung Việt Nam đặt tới đỉnh cao mới về sự điên cuồng, một toán lính Hàn Quốc tràn vào ngôi làng Hà My. Những người lính này thuộc lữ đoàn Thanh Long, chiến đấu bên cạnh người Mỹ, cố gắng dập tắt một cuộc nổi dậy của phe cộng sản.
    Họ dồn những người nông dân và gia đình của họ vào một khu vực tập trung mà người Mỹ gọi là “ấp chiến lược”. Bằng việc đưa những người nông dân này rời khỏi làng, họ hy vọng rằng quân du kích cộng sản sẽ bị bỏ đói và không có chỗ trú ẩn. Và đã nhiều tuần liên tiếp, những người nông dân và gia đình của họ trốn khỏi ấp chiến lược, quay lại làng Hà My.
    Giờ đây, sức chịu đựng của lữ đoàn Thanh Long đã vượt quá giới hạn. Trong vài giờ sau khi đặt chân đến làng Hà My, lính Hàn Quốc đã tập hợp người dân thành các nhóm nhỏ và phóng hỏa đốt nhà một cách có hệ thống. Một giờ sau, chúng giết 135 người dân làng. Nhiều năm sau đó, sự thật cũng bị chôn vùi theo những nấm mồ này.
    30 năm sau cuộc thảm sát, một đài tưởng niệm đã được xây lên bằng tiền của những người lính thuộc lữ đoàn Thanh Long khi những người này quay lại đây và bày tỏ sự ăn năn hối lỗi. Nhưng dường như vẫn có điều gì đó không đúng. Trên đó không hề ghi một dòng nào giải thích cho cái chết của những người này.
    Những người dân làng giải thích rằng khi đài tưởng niệm mới được xây dựng, mặt sau của tấm bia có ghi chi tiết những gì đã xảy ra ngày hôm đó. Một người thận chí còn giữ một bản copy những từ ngữ đó, rồi chuyển thành một bài thơ hùng tráng gợi nhớ về lửa thiêu, máu, thi thể cháy đen và chất đống trên cát: “Đau đớn thay khi nhìn cảnh những ông bố bà mẹ ngã quỵ dưới ngọn lửa… Khủng khiếp thay những đứa trẻ kêu gào khóc lóc, vẫn còn bú sữa trên bầu ngực của người mẹ đã chết…”
    Nhưng, những người dân làng kể tiếp, một số quan chức ngoại giao Hàn Quốc đã đến thăm nơi đây trước khi đài tưởng niệm chính thức mở cửa và phàn nàn về bài thơ này; thay vì đứng lên bảo vệ bài thơ thì quan chức Việt Nam lại đồng ý che nó đi bằng cách vẽ thêm mấy bông hoa sen. Heonik Kwon, một nhà nhân chủng học người Hàn Quốc, từng nghiên cứu về làng Hà My tại thời điểm đó đã ghi lại lời của người dân làng nói rằng từ chối lịch sử kiểu này giống như thảm sát lần hai vậy, “giết chết ký ức về vụ thảm sát”.
    Tại sao người dân Việt Nam lại chấp nhận thỏa hiệp như vậy? Tại sao những người chiến thắng lại để cho bên thua cuộc viết lại lịch sử cuộc chiến tranh?
    Người dân làng cho biết câu trả lời thực ra rất đơn giản: Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào nền kinh tế Việt Nam, và đã chấp nhận chi trả khoản tiền xây dựng bệnh viện địa phương nếu bài thơ về cuộc thảm sát kia được che giấu đi. Vì vậy quan chức Việt Nam đã đồng ý, vì họ không thể kháng cự lại được. Và đó chính là điểm mấu chốt.
    Một tháng trời đi khắp nơi, nói chuyện với những người nông dân, học giả, các chuyên gia và cựu chiến binh từ cả hai phía đã hé lộ những sai lầm và cả sự thỏa hiệp. Người Mỹ đã thành công trong việc tuyên truyền những điều sai trái về nguyên nhân và cách họ tiến hành cuộc chiến. Mặc dù thua trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh quay trở lại với thứ vũ khí còn mạnh mẽ hơn: đó là tài chính. Giờ thì đến lượt các nhà lãnh đạo Việt Nam NÓI DỐI những điều còn kinh khủng hơn…
    Reply
    • Lông Bông

      Trong tay đã sẵn đồng tiền
      Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì
      Bao nhiêu bom đạn và bạo lực khủng khiếp mà không khuất phục được. Thế mà bằng sức mạnh của đồng đô la người ta mua được hết!!! Nhân phẩm, sinh mạng con người rẻ như bèo!!!
      Reply
  • Sinh viên

    VN 40 NĂM SAU CHIẾN TRANH: CHIẾN THẮNG KIỂU CS ĐÃ NHƯỜNG CHỖ CHO THAM NHŨNG KIỂU TB NHƯ THẾ NÀO?
    Nick Davies - Theo tờ Guardian - Athena, cộng tác viên Dân Luận chuyển ngữ
    Bài chuyển ngữ dài, SV trích lược THAM NHŨNG KIỂU TB
    Cho đến vài năm trước, các nhà báo làm cho một trong những tờ báo lớn ở Sài Gòn vẫn thường dừng lại để mua cafe từ một người phụ nữ thân thiện bán hàng cả ngày trên vỉa trước cửa văn phòng của họ. Họ thường gọi bà ấy là Bà Bán Cafe. Bà có một câu chuyện nhỏ về cuộc chiến, nhưng phần lớn là câu chuyện về những điều xảy ra từ sau khi hòa bình lập lại. Đó là những điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam trước giờ toàn nói dối…….
    Trên hè phố Sài Gòn, Bà Bán Café đã dõi theo tất cả những biến cố đó. “Tôi vẫn kiếm được tiền như thế, vẫn sống trong một căn phòng như thế,” bà trải lòng. “ …. Đất nước thay da đổi thịt, nhưng không phải dành cho những người như tôi. Chỉ những người có các mối quan hệ mới trở nên giàu có.” Sau nhiều năm, bà vẫn bán một loại café duy nhất. Trong khi bà vẫn nghèo khổ, thì người đàn ông sở hữu công ty này đã lèo lái … hiện tại công ty đó có giá trị lên tới 100 triệu USD.
    * * *
    Ngồi trong văn phòng ở phía bên kia của thành phố là cựu tổng biên tập Nguyễn Công Khế. Ông đã làm cho báo Thanh Niên suốt nhiều năm, một tờ báo có văn phòng ngay tại tòa nhà mà Bà Bán Cafe ngồi bán. Trong thời gian đương chức, ông Khế đã làm phật ý một số người có quyền lực… Hành động của ông Khế quả thực rất liều lĩnh. Mỗi tuần, vào thứ Ba ở Hà Nội và thứ Năm ở Sài Gòn, các tổng biên tập đều bị triệu tập để nhắc nhở tuần này được đăng và không được đăng bài gì. Đáp lại sự cố gắng của ông Khế, vào năm 2008, ông bị sa thải.
    Vào tháng Mười Một năm ngoài, ông Khế lại liều lĩnh một lần nữa khi kêu gọi chính phủ cho phép tự do báo chí trên tờ New York Times. Phải nhấn mạnh rằng; tên của ông Khế bị gắn với lời kêu gọi này, ông nói rằng lãnh đạo Việt Nam đã phản bội lại chính bản thân họ.
    “Lúc ban đầu, những người tham gia cách mạng giành chính quyền đều có lý tưởng rất tốt là phát triển đất nước và xây dựng một quốc gia thịnh vượng, nhưng rồi mọi chuyện đã đi chệch hướng. Những người đã tham gia cách mạng, những người đã phải thề sẽ sống trong sạch – cuối cùng, họ đã phản bội lại chính ý thức hệ và cam kết của họ”
    Bản thân ông Khế cũng từng tham gia cách mạng. Vào đầu những năm 1970, khi còn là sinh viên, ông Khế đã kích động chống Mỹ và bị bỏ tù 3 năm. Ông hiểu vì sao hàng ngũ lãnh đạo lại sử dụng CNTB như một thứ công cụ để kích cầu nền kinh tế, nhưng rồi ông cũng thấy được mặt trái của nó – đó là nạn tham nhũng và vấn đề bất bình đẳng.
    Ông Khế cho rằng cứ mỗi 10USD chi cho một dự án công, thì có đến 7USD chui vào túi một người nào đó. Có tin được không? Vậy là có đến 70% ngân sách Việt Nam bị đánh cắp? Đây hẳn phải là tỉ lệ ăn cắp đáng báo động. Tôi và ông Khế nói chuyện qua một người phiên dịch. Ông Khế gật đầu, khuơ tay trong không khí áng chừng: “Khoảng 50 – 70%”.
    Tổ chức Minh bạch Quốc tế vào năm ngoái đã thống kê rằng Việt Nam bị coi là một trong những quốc gia tham nhũng nhiều nhất thế giới, xếp sau 118 quốc gia và chỉ đạt 31 điểm trên thang điểm 100.
    Ai cũng thừa nhận là nạn tham nhũng chẳng có gì xa lạ. Ở Việt Nam quan chức có truyền thống lâu đời trong việc lừa bịp về tầm ảnh hưởng của họ và thường ưu tiên những người trong gia đình. Nhưng cáo buộc ở đây là mức độ tham nhũng đã chạm đến một người mới dưới sự lãnh đạo của hàng ngũ hiện tại….
    Martin Gainsborough, một học giả người Anh, đã dành nhiều năm tại Việt Nam để nghiên cứu về sự phát triển của khu vực Đông Nam Á, viết rằng: “Thay vì được truyền cảm hứng bởi những ý tưởng cải cách, động cơ của các quan chức nơi đây là để nhận hối lộ… Những gì chúng ta thường nhắc đến như “cải cách”, lại chính là nỗ lực giành quyền kiểm soát lợi ích chính trị kinh tế, tài chính và các nguồn khác..”
    Ba tháng gần đây, một trang web kỳ lạ đã đăng những cáo buộc chi tiết về hành vi của một lãnh đạo trong hàng ngũ cấp cao của Việt Nam. Trang web đó có tên là Chân Dung Quyền Lực (“Portrait of Power”) và sao chép các cáo buộc này dưới dạng văn bản, ghi âm và băng video. Trang web này chưa bao giờ được xác nhận, nhưng giới quan san sát cho rằng toàn bộ việc này đều do một chính trị gia quyền lực cung cấp thông tin nội bộ nhằm triệt hạ đối thủ.
    Dần dần, nhà nước đã chấp nhận tham nhũng và các vụ đàn áp. Ông Khế nhún vai: “Chúng tôi đã đánh đổi hàng triệu mạng sống cho nền độc lập và công bằng. Hồi còn ở trong tù, tôi đã tưởng tượng ra cảnh đất nước xóa bỏ hoàn toàn được nạn tham nhũng sau chiến tranh, nhưng điều đó đã không xảy ra. Việc phát triển đất nước là điều nên làm, vì vậy chúng tôi không chống lại những ai làm giàu hợp pháp. Nhưng chúng tôi không cho phép những người làm giàu bất hợp pháp và khiến những người nghèo phải nghèo khổ hơn.”
    Mặc dù từng được ghi nhận là nước thành công trong việc phát triển kinh tế khá đồng đều, nhưng Việt Nam không còn đứng về phía người dân nghèo như trước đây nữa. Một báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Thế giới đã lưu ý rằng “sự bất bình đẳng đang quay trở lại trên bàn nghị sự”. Từ giữa năm 2004 đến 2010, thu nhập của 10% số người nghèo nhất đã giảm 1/5, trong khi 5% số người giàu nhất Việt Nam chiếm gần một phần tư tổng thu nhập.
    Đỉnh điểm tồi tệ của sự bất bình đẳng này diễn ra ở các vùng nông thôn. Hàng triệu người nông dân bị thu hồi đất canh tác để lấy chỗ xây dựng nhà máy và làm đường. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước 91.8% hộ gia đình nông thôn sở hữu đất. Đến năm 2010, gần một phần tư trong số này không có đất. Và thế là những người ông dân nghèo đổ xô đến các thành phố, nhập cuộc với hàng trăm nghìn người khác. Làn sóng những người này đã hòa vào nhau tạo nên “thành phần kinh tế phi chính thức” – được ẩn giấu dưới các xưởng sản xuất tại nhà riêng hoặc ngồi buôn bán trên vỉa hè – và tham gia lao động tại các khu công nghiệp mới hoặc khu chế xuất.
    Trong phần kinh tế phi chính thức, thì không có sự bảo hộ nào cả. Trong lĩnh vực công nghiệp, sự bảo hộ này còn yếu hơn. Giáo sư Angie Ngoc Tran là một chuyên giao về nghiên cứu lao động tại Việt Nam. Trong cuốn sách Ties That Bind của mình. Bà Ngoc Tran kết luận: “Với sự gia tăng nguồn vốn vào Việt Nam qua kênh đầu tư nước ngoài và tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, chính phủ đang ngày càng ít đứng về phía người dân hơn. Đôi khi, một số cơ quan và tổ chức của nhà nước còn liên minh với các ông chủ tư bản.”
    Mọi công nhân đều được đảm bảo một mức lương tối thiểu. Đầu tiên, vào năm 1990, mức lương này tương đương với việc “mức lương đủ sống”. Nhưng qua từng năm, vì lo sợ mất vốn nước ngoài, chính phủ đã để mức lương này bị cắt giảm, đóng băng và chi phối bởi lạm phát, kết quả là vào tháng Tư năm 2013, công đoàn của nhà nước đã phản đối rằng mức lương đó chỉ đủ để chi trả cho 50% những thứ thiết yếu.
    Trong khi đó, chăm sóc y tế và giáo dục không còn miễn phí nữa. Bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết “thu nhập đang bắt đầu trở nên quan trọng hơn trong việc xác định cơ hội sử dụng các dịch vụ cơ bản”, và rằng chính phủ đang chi tiền xây dựng bệnh viên cho người giàu nhiều hơn cho các trung tâm y tế xã cho người nghèo.
    …. Thực tế hiện tại là Việt Nam đang phải hứng chịu những điều tồi tệ nhất từ hai hệ thống: (1)nhà nước độc tài xã hội chủ nghĩa và (2)ý thức hệ tư bản hoang dã; hai hệ thống này kết hợp với nhau đang đánh cắp tiền bạc và quyền lợi của người dân Việt Nam trong khi một nhóm nhỏ đang tìm cách vơ vét cho đầy túi và nấp sau những khẩu hiệu cách mạng rỗng tuếch. Đó mới là điều DỐI TRÁ KINH KHỦNG NHẤT.
    Thắng lợi trong chiến tranh nhưng lại thua trong hòa bình, những hứa hẹn về một nhà nước xã hội chủ nghĩa của các lãnh đạo giống như những lời tuyên truyền rỗng tuếch. Theo như lời một cựu quân du kích đã mạo hiểm cả cuộc đời của mình cho lý tưởng này, thì: “Đó là những tên tư bản đỏ.”
    Reply
  • nguyen dinh

    Một số đông người Miền Nam bị cuốn vào cuộc chiến như bước vào một giấc mộng du. Không định hướng, không nhận thức rõ về vai trò của mình trong cuộc chiến.
    Sau cuộc chiến là tỉnh giấc với những nghiệt ngã của kẻ thua trận.
    Nhưng cứ mãi cay đắng mãi về những nỗi đau cũ chẳng giúp bớt đau, mà chỉ đưa mình quay lại những cơn ác mộng.
    Reply
    • Nada

      Không biết tại sao bạn nói: Một số đông người Miền Nam bị cuốn vào cuộc chiến như bước vào một giấc mộng du. Không định hướng, không nhận thức rõ về vai trò của mình trong cuộc chiến.
      Số đông là bao nhiêu?
      Thế còn con em của những người bắc di cư năm 54
      Chỉ những người sống không ý thức mới bước vào cuộc chiến như bước vào một giấc mộng du.
      Bạn không biết gì về chiến tranh mới nói thế.
      Không thể đối diện với cái chết, bị giết trong cuộc chiến mà không nhận thức rõ vai trò của mình trong cuộc chiến
      Reply
  • LÊ VĂN SONG -THÁI QUYỀN-ĐỖ THIỆN MÔ-LÊ THÁI THIỆN

    có thể người MỸ không thua cuộc trong cuộc chiến vì với tiềm năng quân sự hùng hậu hồi ấy(và cả bây giờ)họ dư sức đánh hoặc yểm trợ cho miền nam VN chiến đấu chống lại BẮC VIỆT,nhưng vì phong trào phản chiến quá mạnh từ dân chúng ,, bên trong quốc hội và bọn báo chí thiên tả thân Cộng đã hủy hoại và làm đảo ngược cái chiến thắng gần kề của chiến tranh VN và cái sự thật sâu xa,bỉ ổi,đau đớn nhất là vì quyền lợi to lớn hơn là thị trường TQ màu mở và dưới áp lực cúa “nhóm lợi ích”HK gốc DO THÁI buộc bỏ rơi VN hầu dồn viện trợ để bảo vệ bằng được ISRAEL trước sự bao vây của khối Ả RẬP,,,để cuối cùng cái”tiền đồn”ở Đông nam á này tự đơn phương chống đở trước sự xâm lăng ồ ạt của khối CS,,,còn 1 điều “có thể” thứ hai nửa là quân đội miền nam VN thiếu các nhân tài lảnh đạo cấp cao nên mau tan rả
    Lịch sử đi qua 40 năm bên thua cuộc chịu thiệt thòi lớn lao đã đành nhưng họ biết nguyên nhân vì đâu nên nổi có ngày 30/4 uất hận nhưng khổ cái “bên thắng”khư khư ôm chặt cái chiến thắng may mắn trời cho,họ như đinh đóng cột rằng nhờ đỉnh cao trí tuệ,tài tiến công,bách chiến bách thắng,chủ nghỉa anh hùng(?)cách mạng v.v.v….rồi đây đứng trước hiểm họa gần kề bởi sự xâm lấn tàn bạo,thâm hiểm của BẮC KINH nước CH XHCNVN sẽ ứng xử cách nào ??
    Lúc nầy đây sẻ có đồng chí nào bị bỏ rơi hay dân chúng sẽ….
    Reply
    • Carter

      Râts nhanh thôi, thứ nhất bạn đang tỏ ra rất hồ đồ khi cố biện minh cho việc Mỹ sắp thắng nhưng vì lí do blah blah nên thua và theo đó việt nam cộng hòa cũng thua theo vì ko có sự chống lưng của mĩ. Bạn tự cảm nhận sự yếu đuối sự hèn mọn kém cỏi của VNCH ko khi tự bạn lý do cho sự thất bại của mĩ và cho thấy ko có mỹ thì VNCH hay miền nam chẳng là cái gì cả. Nếu bạn nói tham nhũng thì bạn thấy tổng thống của VNCH sống xa hoa như nào trong cái dinh độc lập. Bạn có biết VNCH sẽ chẳng là gì nếu ko có mĩ. Bạn như là con điếm của một nước khác ý và trong khi đó mĩ ko thèm quan tâm tới bạn cũng chẳng viện cớ cho sự thua quộc chỉ có bạn mới đang làm cái điều nực cười mà thôi.
      Reply
  • Cavin

    Cho mình hỏi 1 chút là tại sao Mỹ lại xâm lược Việt Nam để rồi bị chia cắt 2 miền, và từ đó nảy sinh ra rất nhiều những sự kiện, nhân vật, câu chuyện như thế này vậy ?
    Reply
    • Nada

      Đọc lại toàn cảnh về sử thế giới sau từ thế chiến thứ hai, và những hệ lụy cho VN.
      Reply
  • pham v vuong

    vấn đề hệ lụy sau các cuộc chiến thì nó gần như là như vây. các cuộc trả thù các nhân, đúng là có sự trả thù các nhân vì bên nào cũng bị mất mát và có lòng hận thù như nhau. tôi đọc toàn bộ trong blog này và cũng phần nào hiểu được hoàn cảnh của những nguoi thuộc VNCH sau khi thất bại. họ đã rất khổ cực nhưng tác giả cũng nên khách quan thêm về hoàn cảnh lúc đó. theo tôi đưa ra như sau:
    1, sau 30-4-1975 mỹ và đồng minh đã hoàn toàn không còn chịu trách nhiệm vói chính quyền sài gòn. và họ đã ngay lập tưc thực hiện chính sách cấm vận về mọi mặt. vì vậy vấn đề tác giả nói là có quan hệ khép kín thì tôi cho rằng vẫn theo ý chủ quan chứ chưa thực sự khách quan.
    2. việc ăn không nó khi đi tù chính trị: thì vẫn chưa thuyết phục lắm vì sao: vì lúc đó Việt nam roi vào tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng. lương thực bị thiếu hụt, ngay chính những nguoi dân của chính quyền miên bắc cũng đều bị thiếu hụt lương thực trầm trọng họ gần như chỉ an rau củ chú cơm và bắp vẫn là những thứ xa xỉ tại thời điểm đó. ngoài các hoàn cảnh khác quan trên thì nó còn phục thuộc vào ý chủ quan của mỗi người. và sự trả thù là có , tôi đồng ý với tác giả. nhưng trả thù cá nhân chứ chưa phải là chế độ mới thực hiện chính sách trả thù này. cái này chúng ta cần khách quan hơn.
    3 vấn đề thắng thua: đây là hoàn cảnh lịch sử hay là chủ đích của con người. tôi xin nói. nó phục thuộc cả hai yếu tố: hoàn cảnh lịch sử và con người. không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cũng hoàn toàn đổ lỗi cho con người được. nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ trong nội bộ của VNCH gây ra sự sụp đổ của chế độ mình bằng các nguyên nhân sau:
    - sau khi mỹ rút quân và bỏ lại cho miền nam khối lượng lớn khí tài và vũ khí. nhưng tại sao VNCH vẫn thất thế vói Miền bắc chỉ chủ yếu súng AK47 và chân dép. đó lại là ý chí phụ thuộc vào con người. miền bác có một ý chí mà người dân ai cũng mong muốn là thống nhất đất nước và trên tinh thần tự nguyện sẵn sàng hi sinh.
    còn miền nam thì sao: quân binh chủng đã quen vói chiến tranh theo kiểu nhà giàu của mỹ. người lính ra trận vì đồng lương nhiều hơn là vì lý trí quyết tâm bảo vệ, nếu có thì chỉ một tỷ lệ ít hơn nhiều so với thực tế.
    - sức mạnh tổng thể của quân đội nó phụ thuộc vào chủ yếu là con người và chiến thuật tác chiến phù hợp chứ không phải là vũ khí hiện đại. miền nam không có người nào có đủ tầm ảnh hưởng cũng như độ tín nhiệm cao trong quân và dân, vì vậy sự thống nhất và tinh thần quân dân không bằng miền bắc, miền bắc họ đã xây dựng được hình tượng vũng chắc trong từng ngườii dân của minh, thòi điếm đó độ tín nhiệm của người dân và tính thống nhất rất cao gần như là tuyệt đối, bất kỳ cuộc phát động hay động viên nào của lãnh đạọ của nhà nước, người dân đều hưởng ứng rất cao đến 90%. như vậy ý chí của họ khác xa vói Miền nam. một lợi thế nũa là họ đã quá quen vói môi trường chiến đấu thiếu thốn mọi thứ và trong moi trường khác nghiệt của rùng nhiệt đới. về cái này tôi không nói sâu ở đây vì còn liên quan đến chiến thuật và tình hình thực tế khác nhau.
    - và cuối cùng là hoàn cảnh: mỹ đã chính thức bỏ rơi Chính quyền VNCH và các chiến thuật tác chiến của quân đội VNCH đã bị khủng hoảng trầm trọng sau khi mỹ rút quân. và không có được các cuộc phòng thủ hay tái chiếm hữu hiệu nào được triển khai, trong khi đó tinh thần quân nhân lại xuống rất thấp dẫn đến tình trạng đảo ngũ, mạnh ai người ấy chạy đã làm cho sức chiến đấu của quân đội VNCH có sự chênh lệch quá lớn so với Miền bắc.
    đó chính là nguyên nhân chính dẫn đến VNCH sụp đổ.
    đó là các nhận định và phân tích của tôi. và cũng đã là lịch sử của dân tộc rồi. vì vậy anh và tôi hay cho dù là ai đã là người việt thì đều bình đẳng như nhau không ai kỳ thị ai cho dù anh là “Ngụy” hay tôi là “CS” thì thật tình mà nói đó là chế độ chứ không phải cá nhân tôi và anh vì thế đừng miệt thị nhau làm gì. bây giờ trong mỗi người việt ai ai cũng biết kẻ thù truyền kiếp của mình chính là thằng TÀU chứ không cần phải nói ra. còn vấn đề đối phó với nó thế nào thì lại phụ thuộc vào tình hình thực tế chứ không thể muốn đánh là đánh được. mình yếu hơn nó thì phải có phương pháp khác đánh nó.
    nếu muốn tranh luận thì tôi vẫn sẵn sàng tranh luận với các chú các bác và anh chị em, cứ gửi vào mail của tôi là được. nếu về việt nam, các bác các chú hay anh chị em có ai đi vũng tàu thì ghé qua nhà tôi chơi.
    Reply
    • Nada

      Trả lời về việc trả thù cá nhân chứ chưa phải là chế độ mới thực hiện chính sách trả thù này.
      Cho vài trăm ngàn quân cán chính miền nam ĐI TÙ (bản thân tôi không thấy cải tạo cái gì)
      Sau khi về, công an bắt trình diện háng tháng, một hôm tuyên bố các anh được phép đạp xích lô!
      Mọi người có sổ gạo để mua bo bo. còn tù về xin hộ khẩu còn không được thì làm gì có sổ gạo!
      Con của tù không được vào đại học
      Sau 40 năm người trong nước thiếu thông tin vì bị cấm tìm hiểu, bị tuyên truyền qua loa, TV nên nhiễm những thông tin lệch lạc.
      Không hiểu sau này có lẽ thế giới sẽ nhìn người Việt giống như người triều tiên (Bắc Hàn)
      Về nhận định: người việt thì đều bình đẳng như nhau không ai kỳ thị ai cho dù anh là “Ngụy” hay tôi là “CS” thì thật tình mà nói đó là chế độ chứ không phải cá nhân tôi và anh vì thế đừng miệt thị nhau làm gì
      Chẳng ai miệt thị anh hết, có điều anh ở trong căn nhà hôi thối mà không bị ám mùi mới là lạ. hay ít ra tôi cũng cẩn trọng khi tiếp xúc. Nếu anh tiếp xúc với người việt ở nước ngoài trong chỗ thân tình họ sẽ nói cho anh hay. Dĩ nhiên phải nói rõ là có rất nhiều người trong nước họ vẫn là họ, bất chấp.
      Xin trích một phần bài của Manh Kim:
      4- Có thể còn nhiều nhóm đối tượng nữa nhưng tạm dừng với nhóm cuối cùng này. Đó là những người có thái độ rõ rệt và chính kiến nhất quán. Họ là người miền Nam hoặc sống lâu năm ở miền Nam, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục trước 1975. Sau 40 năm, họ vẫn là họ. Bất chấp!
      Reply
    • Hoàng Xuân Hòa

      phân tích quá hay.
      Reply
    • Hoàng Vũ

      ạn nói hay, nhưng bạn nói ra nguyên nhân thua cuộc của VNCH như vậy đã đủ chưa???
      Thứ nhất, Quân lực VNCH là 1 Quân đội hiện đại và tốn kém.Bạn có biết về Khủng hoảng dầu mỏ 1973 hay không?Cuộc khủng hoảng làm ảnh hưởng tới việc sử dụng khí tài và phương tiện của QLVNCH, cộng với việc viện trợ của mỹ giảm từ 3 tỷ USD xuống chỉ còn 300.000USD khiến QLVNCH thật sự gặp khó khăn với việc chống đỡ sự xâm lấn của Cộng sản Bắc Việt.
      Thứ hai, là việc vi phạm trắng trợn hiệp định Paris (bạn nên tìm hiểu thêm về hiệp định Paris) cộng với việc Mỹ chính thức rút lui khỏi chiến trường Việt Nam ít nhiều đã làm ảnh hưởng tới tâm lí và lòng tin của Miền Nam VN.Nhưng vẫn còn kèm theo 1 Điều khoản Mỹ sẽ đảm bảo CS Bắc Việt k thể vượt quá vĩ tuyến 17 bằng những cuộc không kích trong trường hợp Nam VN bị uy hiếp (mà sau này lời hứa đó đã không thể thực hiện được).
      Thứ ba, là sai lầm trong cuộc triệt thoái cao nguyên của TT Nguyễn Văn Thiệu, dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh vùng 2 chiến thuật Thiếu Tướng Phạm Văn Phú.Mục đích của cuộc triệt thoái là để rút về bảo về vùng lãnh thổ Duyên hải miền Trung.Những sai lầm trong việc triệt thoái đã kéo theo sau đó là 1 loạt sai lầm làm rối loạn hàng ngũ vì đưa VNCH vào thế gọng kìm.
      Thứ tư,CS Bắc Việt lúc này cũng đc viện trợ khủng từ Trung Quốc và Liên Xô (sao k gọi là tay sai?) trong khi VNCH thì đang gồng mình giữ từng tấc đất.
      Và còn rất nhiều lí do khác nữa…..có rất nhiều nguyên nhân khiến VNCH sụp đổ chứ k hẳn là vì nội bộ chính quyền VNCH nhé bạn.CS Bắc Việt từ sau Mùa hè đỏ lửa 1972 cũng thiệt hại vô cùng nặng nề và có lúc tưởng chừng như họ đã bỏ cuộc.
      Nhưng bản chất là vậy, họ luôn đi rêu rao là VNCH là tay sai, là bán nước.Tôi giả sử như tôi và bạn sống gần nhau đi, tôi thấy nhà bạn giàu tôi muốn vào giải phóng nhà bạn, bạn chịu chứ?Tại sao lại phải thống nhất đất nước trong khi tâm tư nguyện vọng của người dân có muốn như vậy?
      Bạn có nói 1 câu rằng “miền nam không có người nào có đủ tầm ảnh hưởng cũng như độ tín nhiệm cao trong quân và dân”.Xin lỗi bạn, có thể bạn k tìm hiểu hoặc cố tình xem thường những người lính VNCH hay sao?Bạn biết Ngô Quang Trưởng chứ?Bạn biết Nguyễn Khoa Nam chứ?….Bạn làm sao có được cái quyền và độ hiểu biết để phán xét rằng họ k có đủ tầm ảnh hưởng cũng như độ uy tín.Cho dù là tướng lĩnh của bên nào đi chăng nữa, họ cũng là những vị tướng tài và một lòng vì đất nước của họ, họ có thể k đi tới đc chặng đường cuối cùng, k được tung hô,ca ngợi như Trần Văn Trà, Văn Tiến Dũng,…nhưng họ đc rất nhiều vị tướng tài trên thế giới ca ngợi, và cho dù có trở thành người thua cuộc nhưng họ vẫn xứng đáng và vẫn luôn trong lòng người dân miền nam VN.Tôi luôn tôn trọng những người lính của cả hai miền, nên hy vọng là bạn cũng vậy!!!
      Người lính VNCH là những người chịu nhiều đau thương, thiệt thòi và uất hận lớn nhất.Một đời hy sinh vì đất nước,chịu nhiều hy sinh mà bạn lại nói là xung trận vì đồng lương chứ k vì đất nước, bạn có đứng trong hàng ngũ của họ k mà bạn có quyền phán xét và xem họ như vậy?Bạn đang nói chếch về phía CS Bắc Việt quá nhiều rồi đó.Đồng lương người lính VNCH cao có gì sai sao?đó là thứ họ xứng đáng được nhận.
      Vậy mà cuối cùng họ lại nhận đc gì?ngoài những lời khinh bỉ của thế hệ con cháu như bạn?Bạn k có quyền và sẽ mãi mãi k đủ tư cách để nói về họ.Thật đáng nực cười, bạn đừng đem quân phục hay điều kiện của 2 bên ra mà so sánh là ai tốt hơn ai, ai chiến đấu vì lí tưởng của mình.
      Có chăng tôi nghĩ rằng người lính CS Bắc Việt quá máu lạnh,quá hung hăng.Ca nhạc của hai miền đã nói lên điều đó, trong khi miền bắc bài nào cũng “Giết sạch nó đi,quét sạch nó đi”…thì miền Nam có những ca khúc như ai oán, đau thương,ca thán và lãng mạn.Người miền Nam có lẽ k phải sinh ra để đi “giải phóng”, họ sinh ra để chống lại những người muốn “giải phóng” họ.Mà có lẽ, vùng miền chưa hẳn đã là nguyên nhân, mà ý thức hệ mới là nguyên nhân chính.
      Và một lần nữa, tôi xin nhắc lại,tôi ko muốn bàn luận về vấn đề chính trị, nhưng xin đừng đem người lính Quân Lực VNCH ra để phán xét.Xin hãy tôn trọng họ!!
      Reply
  • duc bui

    trước ngày 30/4/1975 VNCH đã làm gì với những người cộng sản? năm 1968, sau chiến dịch mậu thân VNCH đã đối xử thế nào với những người cộng sản?
    Reply
    • Ban Hui

      Com. của Duc Bui cho thấy chính sách ngu dân, tráo trở của CS cùng với súng đạn của Nga Tàu đã rất thành công, không chỉ với dân ngu mà ngay cả những vị gọi là có chút học thức cũng bị CS lừa tốt, kể ra hàng vạn (nhạc sĩ Tô Hải, nghệ sị Kim Chi, nhóm bà Bình, Phát…Tấn Mẫm, Khế (nhóm chân gỗ CHMNVN tạm quyền miền Nam từ tháng 4 đến 12/75). câu trả lời cho Duc Bui là: trước 75 CS đã làm gì với VNCH, trước, trong 68′s Tet, CS đã làm gì VNCH? CS thực hiện chỉ thị của Tàu cộng, Nga Sô nhuộm đỏ ĐNÁ, cho bắc Cộng vũ khí từ 1950, Mao dùng Hồ đẩy lùi thế giới Tự do ra xa Trung cộng. Rõ như ban ngày là CS nắm vùng, xâm lấn miền Nam VN. Hoàn toàn chiến tranh chỉ xảy ra ở phần đất miền Nam (dân Bắc chỉ bị Mỹ thả bom, không phải để cứu miền Nam mà vì quyền lợi Mỹ), lính miền Nam không ra khỏi giới tuyến, thế và vận, không may kẻ xâm lăng đã thắng! Do đó chúng phải giả mạo là “đi giải phóng”. Còn vô vàn sự việc khác, cái ác của CS với dân Việt, khủng bố, cắt gân, thủ tiêu thì không thiếu ở các vùng quê hương, nhân chứng thời chiến tranh tầm U 60 trở lên còn đầy, và hàng triệu trang giấy chưa nói đủ tội ác CS Hà Nôi với dân tộc, vẫn đang tiếp diễn đến nay.
      Reply
  • TRIỆU LƯƠNG DÂN

    Nhân kết thúc Thượng đỉnh lần thứ 26 Hiệp Hội các nước Đông Nam Á
    Rồi Đông Nam Á mất cả chì lẫn chài
    Chẳng như Phi Luật Tân đều sợ run vai
    Xứ Chệt muốn uy hiếp bành trướng thế lực
    Ba sân bay quân sự Tàu trên đảo phi đạo dài
    Đối đầu Mỹ -Trung càng ngày càng rộng lớn
    Tân Trân Châu Cảng lịch sử tái lập không sai !
    Mỹ đang chuyển trục bằng NATO châu Á
    Nhật-Hàn đang dàn cờ chiến lược con chủ bài
    Trong vòng quỹ đạo Nước Tề tủi cho Xứ Vệ
    Đúng đồng chí cháu Mao-Hồ là một tuy hai !!!
    TRIỆU LƯƠNG DÂN
    Reply
  • huynguyen

    Hãy xem lại người Mỹ đã làm gì với hàng triệu tấn boom bỏ xuống bắc Việt. Những đồng minh như Đại Hàn đã gây ra bao vụ tàn sát người vô tôị ở miền trung.1968 Việt nam cộng hoà giết bao nhiêu người cộng sản.quay lại về 1959 với luật 10-59 với câu lệnh lừng danh của Ông Diệm(thà giết nhầm còn hơn bỏ sót)bao nhiêu người dân bị giết hại dã man dưới máy chém của nền cộng hoà đệ nhất. .người ta có câu thắng làm vua thua làm giặc hãy chấp nhận thực tại. Nếu mình hay mình taì . sẽ không xảy ra như hồi 1975.Mươn câu nói của ông Ngô quang Trưởng(kẻ thất baị không nên nói mình taì. Tướng thất trận không nói mình thao lược)
    Reply
  • Hải Hùng

    Bố mình là thương binh, mẹ mình là y sĩ, nhưng nhà mình vào những năm 1980s cũng đói ăn từng bữa, nhà mình phải an cháo rau khoai qua ngày. Đó là hoàn cảnh chung của tất cả mọi người dân Việt Nam thời đó, ko riêng gì ai, bên CS hay những người VNCH. Có thể những người VNCH trước đó được viện trợ của Mỹ nên quân nhân và gia đình họ có cuộc sống sung túc đến lúc như vậy hộ ko chịu nổi. Với chúng tôi, nó đã là quá sung sướng so với thời thực dân Pháp, hay tệ nhất là phát xít Nhật.
    Mọi thứ đã qua rồi, nhắc lại chẳng giải quyết được gì cả. Mình nghĩ bây giờ là thời kỳ hội nhập, thân với nước nào cũng được, nhưng phải trên tinh thần độc lập thì mới tồn tại đươc.
    Reply
  • TRIỆU LƯƠNG DÂN

    Tự trách mình trước đã …. khi trách ĐỒNG MINH CHIẾN LƯỢC HOA KỲ ……
    Dạ Quốc yến trong Tòa Bạch Cung còn gì bằng với Thơ Nhật Haiku và Rượu Nhật Sake
    https://www.youtube.com/watch?v=GUr-7gcUBuo
    Obama leads a sake toast for Japan PM at State Dinner
    Spring green in friendship
    United States and Japan
    Nagoyaka ni
    (which means harmonious feeling)
    Xuân bạt ngàn Tình bạn
    Hoa Kỳ cùng bên Nhật Bản
    Vì Thức cảm hòa hài
    Tổng thống Mỹ Obama ngẫu hứng ngâm thơ Haiku tặng Thủ tướng Nhật Abe
    Tổng thống Mỹ ngẫu hứng ngâm Nhật Thi
    Dạ Quốc yến phá lệ ngoại giao thay vì
    Rượu Pháp Champagne lại Nhật Tửu !
    Cao thượng Cao bồi chiêu đãi Hiệp sĩ quá đi
    Tình Bạn Mỹ-Nhật từng sóng Trân Châu cảng
    Bom Nguyên tử như Ngàn Mặt trời mê si !
    Haiku – Sake giữa Thủ đô Hoa Thịnh Đốn
    Văn hóa truyền thống đặc trưng Nhật tế vi
    Hoa Anh Đào bay giữa Trái Tim nước Mỹ
    Ô-Ba-Má mưu lược xoay trục Thế kỷ bước đi .. ..
    Nhân loại lại cảm ơn Chú Sam Mai sau nhé !
    Trị Đại Hán phản phúc cuồng ngông ngu si !
    TỶ LƯƠNG DÂN
    PARIS, 28 tháng Tư 2015
    http://www.nbcnews.com/news/us-news/sake-soul-state-dinner-was-bromance-n350371
    President Obama and Prime Minister Abe’s state dinner toasts include haiku, “House of Cards,” and talk of long-lasting friendship
    By Mitch Rubin and Veronica Toney April 28
    http://www.washingtonpost.com/blogs/reliable-source/wp/2015/04/28/president-obama-and-prime-minister-abes-state-dinner-toasts-include-haiku-house-of-cards-and-talk-of-long-lasting-friendship/
    Reply
  • pham V vuong

    xin được tranh luận với các bác các anh chị em như sau:
    - vấn đề về sự trả thù hay sự thanh lọc nội bộ nói thế nào cũng đúng: đây là điều tất yếu sẽ sảy ra khi kết thúc một cuộc chiến, từ ngàn xưa tới nay thì điều đó không bao giờ tránh khỏi. sau một cuộc chiến chắc chắn sẽ có các cuộc thanh trừng và sàng lọc hay sự trả thù được thực hiện từ bên thắng cuộc là lẽ thường thấy (Tại sao mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống nhật bản hay tại sao có các nhà tù côn đảo hay phú quốc ??? hay tại sao sau 1975 có các nhà tù chính trị) đó là điều tàn khốc của chiến tranh . và bên thua cuộc sẽ chịu một hậu quả mà cuộc chiến nó sẽ mang lại. đây là điều không thể tránh khỏi.
    - vấn đề miền bắc máu lạnh hay quân miền bắc máu lạnh thì xin lỗi: bạn đã có suy nghĩ quá nông cạn, minh chứng bàng việc lấy các thể loại nhạc ra so sánh và nói rằng miền bắc chỉ biết “giết sạch nó đi quét sạch nó đi..” bạn biết giết và quét sạch cái gì ở đây chứ ?. và mang tính chất đổ đồng và vơ đũa cả bó. bạn nhận định thiếu cơ sở, điều này tôi không chấp nhận. chúng ta đã biết sau 1945, chính quyền miền bắc đã thực hiện chính sách thống nhất đất nước. đến 1954 thì chính thức pháp thua việt nam hoàn toàn tại điện biên phủ. và lúc chuẩn bị cho cuộc bầu cử thống nhất đất nước vào tháng 12 năm 1954 thì cũng là lúc mỹ chính thức nhảy vào can thiệp và viện trợ xây dựng chính quyền sài gòn (mà trước đó 1953 mỹ đã nhận định pháp sẽ thua cuộc tại đông dương và đã nhen nhóm ý định thống trị đông dương). và lúc ày chính quyền việt nam mới thành lập và bị sức ép quá lớn từ mỹ và đồng minh của mỹ đã buộc việt nam ký hiệp định paris và chính thức chia cắt đất nước ta ra làm 2 miền từ vĩ tuyến 17. bạn nói máu lạnh là quá hồ đồ. vì ý chí đã đuọc quyết tâm từ rất lâu từ năm 1945 bạn ah.
    - vấn đề sao không gọi là tay sai khi đuọc sự ủng hộ lớn từ liên xô và trung quốc ??? thì bạn cần hiểu được hai định nghĩa sau:
    1: tay sai là gì ???: là lực lượng thực hiện theo sự chỉ đạo hay yêu cầu của chủ thể khác mà không phải là hành vi xuất phát từ chính ý thức của bản thân. tự nguyên thực hiện theo chỉ đạo của người khác.
    2: sự viện trợ: là sự hỗ trợ về vật chất, và tài chính giúp người khác hay tổ chức nào đó về một vấn đề gì đó;
    vậy khối tư bản thì mỹ và cộng đồng EU là đồng minh, còn khối xã hội chủ nghĩa là do Nga và trung quốc và các nước còn lại khác là đồng minh. đây là hệ luy của thế chiến thư 2 đã mang lại 2 phe đối lập trên thế giới. vậy đông minh thì việc viện trợ cho nhau cũng giống như mỹ viện trợ cho chính quyền sài gòn vậy thôi. còn miền bắc không làm theo sự chỉ đạọ của liên xô hay trung quốc mà chỉ nhận viện trợ để làm theo ý chí của mình là giải phóng đất nước khỏi giặc ngoại xâm và thống nhất đất nước khi bị chia cắt, vậy thì làm sao mà gọi là tay sai được. trừ khi làm việc theo sự chỉ đạọ hoàn toàn của nga hay trung quốc mới gọi là tay sai bạn ạh.
    vấn vấn đề thương đau thì tôi xin nói thẳng quan điểm của tôi: bên nào cũng thương đau như nhau chứ không thể nói bên nào hơn bên nào. miền bắc thì triền miên bom đạn nhà cửa tan hoang từ 1954 đến 1975, miền nam thì đã có những cuộc trả thù thanh lọc và vượt biên thảm khốc sau 1975. không thể nói bên này thảm hại hơn bên kia được. đó là lí do hiện tại người việt yêu chuộng hòa bình đến như vậy. còn sự tàn khốc của cuộc chiến không phải hoàn toàn xuất phát từ người dân hai miền nam và bắc. mà nó là hệ luy của sau cuộc chiến thế giới thứ 2. vì VN là cái chiến trường cuối cùng của hai phe Tư Bản và Xã Hội, vì thế mà mức tàn khốc nó cao hơn rất nhiều. và chính bạn Hoang Vu cũng đã nói: “Quân lực VNCH là 1 Quân đội hiện đại và tốn kém.Bạn có biết về Khủng hoảng dầu mỏ 1973 hay không?Cuộc khủng hoảng làm ảnh hưởng tới việc sử dụng khí tài và phương tiện của QLVNCH, cộng với việc viện trợ của mỹ giảm từ 3 tỷ USD xuống chỉ còn 300.000USD khiến QLVNCH thật sự gặp khó khăn” vậy đây không phải là nguyên nhân làm cho VNCH thất bại thì là gì??? vì vậy tôi có nói: “Chiến tranh theo kiểu nhà giàu” là như vậy. và nền kinh tế VNCH lúc đó phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của mỹ. khác với miền bắc chỉ cần viện trợ về vũ khí, thì VNCH vừa cần về vũ khí lại vừa cần về kinh tế. và bị phụ thuộc hoàn toàn nên khi mỹ rút cũng đồng ngĩa với việc sụp đổ và sự thật thì chúng ta cũng đã rõ.
    vấn đề sai lầm của chính quyền: thì chính quyền nào cũng có sai lầm. những sai lầm dẫn đến mất nước thì đó là sai lầm không thể chấp nhận được. và không lý do gì chúng ta phải bảo vệ chính quyền ấy nữa. đó là quan điểm của tôi.
    tôi hoàn toàn tranh luận trên cớ sở bình đẳng và quan điểm của mình chứ không mang tính chất chính trị hay bôi nhọ các thế hệ trước. mong các bác các anh chị em suy xét theo tính khách quan chứ đừng thấy tôi nói vậy lại cho là tôi xỉ vả hay xúc phạm thì thật tình tôi cũng sẽ không dám tranh luận nữa làm gì sợ mất lòng các bác các anh chị em mà mình thì cũng không vui.
    Reply
    • Lông Bông

      Hay!
      Lấy oán trả oán, oán đối kéo dài. Lấy ân trả oán, oán tiêu tan!
      Cứ cậy tiền của can thiệp khắp nơi rồi bản thân đất nước mình cũng rơi vào bế tắc, bắn nhau suốt ngày như cơm bữa, thanh niên thì sa vào nghiệp ngập ma túy tình dục các kiểu! Đại sứ quán ở đâu cũng trông như cái pháo đài lô cốt nhìn mà phát ớn! Muốn vào thì phải qua mấy cửa với đủ các loại máy kiểm tra! Nếu giàu mà lúc nào cũng phải lo sợ canh chừng cẩn mật như thía thì giàu mà làm giề???!!!
      Reply
  • văn lâm

    Đừng nói là chỉ có ở miền Nam VN mới có đồng minh bị hoa kỳ bỏ rơi như tác giả nghĩ mà ở VN ,đồng minh lớn nhất mà tổng thống Truman của Hoa kỳ do sự đố kị đã vô tình bỏ qua đó chính là ông Hồ Chí Minh chủ tịch nước VNDCCH ,theo đó Hoa kỳ đã gây họa lớn cho nhân dân VN ở cả hai miền cho đến tận 1995.Nếu là quốc gia văn minh,Hoa kỳ phải có trách nhiệm nhận và sửa lỗi với nhân dân VN .
    Reply
  • Lông Bông

    Một, nạn nhân của chiến tranh là những con người nhạy cảm, tế nhị và dễ bị tổn thương nên, người Mỹ cần đối xử công bằng với các đồng minh của mình. Hai, sự đau khổ của các nạn nhân chiến tranh không chấm dứt sau khi ký hiệp định hòa bình và rút quân [Mỹ] về nước. Do vậy, việc điều trị vết thương chiến tranh cần thời gian dài sau đó. Ba, Hoa Kỳ cần cẩn thận cách can thiệp trên thế giới, mà cụ thể là cần lắng nghe nguyện vọng của các đồng minh. Bốn, Hoa Kỳ cần có trách nhiệm với các đồng minh hay quốc gia mà mình can thiệp bằng chiến tranh. Và năm, người Mỹ cần nhận thức rõ là họ chiến tranh vì cái gì. Nên nhớ, chuyện mở cuộc chiến tranh không giống như chuyện trong phim, vì nó sẽ để lại nhiều đau khổ cho vô số người trong nhiều thập niên sau đó.
    Chiến tranh chẳng bao giờ đem lại điều gì tốt đẹp. Nhưng họ quá ngạo mạn và mù quáng để có thể thực sự lắng nghe… Nếu họ chịu lắng nghe thì đâu có những chuyện khủng khiếp xảy ra sau đó. Nhưng ở thời điểm lịch sử đó, với địch thủ đó mà nói đến chuyện đấu tranh bất bạo động như Ghandi thì chỉ là mơ mà thôi… Đôi khi cần phải cho kẻ ác vài bài học dù cái giá phải trả có khủng khiếp đến mức nào… Nếu không thì bao giờ họ mới chịu tỉnh ra!!!
    “Vì sao?” tôi thực đã hét lên. “Cái tụi đần như mày là thế đó. Không bao giờ muốn bàn bạc cái gì. Đấy là cách nhận dạng bọn đần. Không bao giờ muốn bàn cái gì có vẻ trí…”
    Khi ấy nó cho tôi một cú thật sự, và điều kế tiếp mà tôi biết là tôi lại lăn ra sàn nhà như cũ…
    (74 – Bắt trẻ đồng xanh)
    https://www.youtube.com/watch?v=jx_wyO2uGK8
    Reply
  • Lông Bông

    https://www.youtube.com/watch?v=gw6JO_l8NyQ
    Though we never thought that we could lose, there’s no regret
    If I had to do the same again, I WOULD, my friend Fernando…
    Reply
  • Lông Bông

    Maybe that’s a war to end all wars?!
    https://www.youtube.com/watch?v=NctEnrxGVHE
    Đặt nền tảng cho những bước tiếp theo…
    Reply

    Nguồn: http://www.gocnhinalan.com/nhung-cuon-sach-hay/nhung-dong-minh-cua-bi-bo-roi-tai-mien-nam-viet-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét