Cựu chiến binh và Công Tằng Tôn Nữ
Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-06-13
2016-06-13
Người cựu chiến binh
Tiếng nói phản đối ông Bob Karrey được chú ý nhiều nhất là của bà Tôn Nữ Thị Ninh, từng là Đại sứ Việt Nam tại cộng đồng châu Âu.
Bà Ninh nói rằng với một quá khứ như vậy, ông Kerrey không thể đứng đầu trường Đại học Fulbright ở Việt Nam, bà nói là không nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật. Bà còn nói rằng bà không thể biết được là ông Kerrey có hối hận việc làm của ông trong chiến tranh hay không.
Xin nhắc lại là vào năm 2011 ông Kerrey đã thổ lộ trên truyền thông Mỹ là ông hối hận về những gì ông làm liên quan đến cái chết của những người dân thường vô tội.
Có không ít những ý kiến đồng tình với bà Ninh bùng lên trên các trang mạng xã hội.
Một phụ nữ ở Hà Nội nói rằng khi biết được câu chuyện về ông Kerrey thì bà không thể nhìn mặt ông ấy nữa.
Một luật sư ở Sài Gòn là Bao Anh Thai viết rằng ông tự hỏi là sẽ trả lời con ông thế nào về người đàn ông tên là Bob Kerrey vào ngày khai trường Đại Học.
Giáo sư Jonathan London, một blogger viết bằng tiếng Việt nói rằng:
Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng với tấm lòng thành thực và sự cảm thông, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.Trong một bối cảnh như hôm nay, khi cả hai nước đang hướng tới một tương lai mới, chọn ông Kerrey là một việc không hay. Dù còn sớm để biết tranh cãi này sẽ tiếp diễn ra sao, tôi mong người dân Việt Nam không cho phép quyết định đầy vấn đề này phá hoại không khí đầy hứa hẹn của chúng ta.
- Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Một người Mỹ gốc Việt là nhà văn Nguyễn Thanh Việt, người vừa được giải thưởng Pulitzer văn học năm nay cũng viết trên mạng xã hội rằng vấn đề không nằm ở chỗ ông Kerrey có nên được tha thứ hay không mà phải chọn người khác để đứng đầu Đại học Fulbright, Việt Nam và Mỹ cần tiến về phía trước mà không phải phụ thuộc vào một con người.
Những ý kiến ủng hộ ông Bob Kerrey trong vai trò mới vì ông đã có nhiều nổ lực trong việc hàn gắn sau chiến tranh, cũng rất nhiều trên các trang blog và mạng xã hội.
Nhà văn Nguyên Ngọc, một cựu chiến binh và cũng là người cố súy cho Đại Học phi lợi nhuận tại Việt Nam viết rằng ông Kerrey là một người đáng kính trọng vì ông không đổ lỗi cho ai về những hành động của mình, và việc ông được FV chọn là một hành động tuyệt đẹp, là một hành động nhân văn.
Từ Pháp, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn viết rằng:
Theo thiển ý của tôi, mặc dầu đây là một trường hợp “đạo đức” hết sức tế nhị, nhưng vai trò của Bob Kerrey chỉ “đóng khung” ở phương diện “kinh tài” cho trường, chớ không liên quan đến việc “giáo dục”. Mà ta thấy quá trình “hàn gắn vết thuơng chiến tranh” của ông này, bằng các phương tiện vật chất, hay với những nỗ lực thường xuyên của cá nhân ông này nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Theo tôi đã là lời xin lỗi chân thành và cụ thể nhứt.
Ông Lương Hoài Nam, một nhà báo và một doanh nhân viết rằng khi biết được câu chuyện của Bob Kerrey, ông đã trằn trọc không ngủ và quyết định cuối cùng là tha thứ. Ông viết tiếp:
Hơn 40 năm sau ngày chiến tranh đã chấm dứt, khi trong nhà tôi đã có thêm hai thế hệ hậu chiến sinh ra, tôi không còn cảm thấy sự hận thù ở trong tôi nữa, tôi cũng không thể phịa ra cái cảm xúc không có. Rọi vào những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo hai nước trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh nhằm xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, để phát triển, bảo vệ nước ta, tôi cũng thấy rằng việc tha thứ cho Bob Kerrey cho lỗi lầm quá khứ của ông là phù hợp và nên. Tôi nghĩ như thế thì nói ra như thế. Tôi không "chiến" với ai về sự lựa chọn cả.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, một học giả Fulbright viết tiếp Sự sám hối của Kerrey là chân thành, khát khao cống hiến của Kerrey cho giáo dục Việt Nam là chân thực. Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng với tấm lòng thành thực và sự cảm thông, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Công Tằng Tôn Nữ
Một diễn biến cũng ít ngờ nữa sau khi sự việc tranh cãi về ông Kerrey nổ ra, nhiều blogger, mạng xã hội chỉ trích bà Tôn Nữ Thị Ninh, một người vốn có gốc gác Hoàng tộc Huế.
Blogger Nguyễn Kim nhắc lại lý luận của bà Ninh biện hộ cho những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam:
Bà từng gây dậy sóng dư luận với câu nói nổi tiếng là bà coi dân như những đứa con hư cần phải để cho bà và đám quan chức của chế độ dạy dỗ (cũng xin bổ sung cho rõ là những người mà bà gắn cho mác những đứa con hư có nhiều người hơn bà tuổi cũng như địa vị xã hội là ông Hoàng Minh Chính, là tướng Trần Độ…). Vậy ai là những đứa con hư để bà dạy dỗ???
Nhà văn Trần Trung Đạo thì nói rằng bà Ninh là rất đặc trưng cho mẩu hình một trí thức xã hội chủ nghĩa, trong đó có điều mà ông gọi là khả năng uốn cong ngòi bút để ca ngợi chế độ.
Trước những bài viết của bà Ninh phản đối ông Kerrey, blogger Cánh Cò hỏi rằng tại sao một người như bà Ninh chỉ trích ông Kerrey vì vụ thảm sát Thạnh Phong, mà lại im lặng trước những cuộc thảm sát khác do người cộng sản gây ra vào Tết Mậu Thân ở Huế, hay tại Xuân Lộc vào năm 1975, và mới đây bà cũng im lặng trước thảm họa môi trường tại Hà Tĩnh.
Cánh Cò viết tiếp rằng những phát biểu của bà Ninh chứng tỏ rằng bà là người cực đoan và nguy hiểm.
Trong cùng một ý nghĩ như Cánh Cò, nhà báo Huy Đức đặt câu hỏi là với tư cách một người có gốc gác ở Huế, tại sao bà không đi tìm hiểu thảm sát mậu thân, nếu bà đã tự nhận mình là trí thức thì phải đi tìm hiểu câu chuyện đó.
Tác giả Trần Quý Cao, nhắc mọi người nhớ gốc gác Hoàng tộc triều Nguyễn của bà Ninh, nhắc lại hai câu thơ của một người được cho là đã “giác ngộ cách mạng” bà Ninh rằng:
Giữa dòng thác lũ nghiêng trời đất
Mà cánh đào kia vẫn ngược dòng!
Trần Quý Cao trào lộng rằng Tôn Nữ Thị Ninh vẫn đi ngược dòng chống lại những ước muốn hướng Việt Nam tới tương lai giàu mạnh, và trong tư cách chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP HCM, bà Ninh đã không làm gì cho tinh thần hòa bình và phát triển cả.
Trong khi đó Hồ Phú Bông lại nhắc đến tên của ngôi trường Đại học mà bà Ninh định thành lập mang tên Trí Việt, ông viết là Trí Việt thực sự phải là những người không mang mầm mống của sự hận thù.
Cuộc chiến chưa kết thúc
Blogger Trần Minh Khôi cho rằng câu chuyện Bob Kerrey chứng tỏ rằng quan hệ Việt Mỹ đã đi đến chổ thiên thời địa lợi nhưng nhân, tức là con người, chưa hòa. Và cuộc chiến tranh Việt Nam thực sự vẫn chưa được hòa giải từ chính những người Việt Nam, và khi bắt đầu hòa thuận với người Mỹ thì người Việt sẽ phải đối diện với chính mình.
Không phải chỉ có Trần Minh Khôi nêu lên vấn đề đối diện với chính mình của người Việt. Nhà văn Nguyên Ngọc tự hỏi rằng nếu Bob Kerrey đã sám hối, thì những người lính cộng sản như ông năm xưa từng dựa vào những người dân vô tội như một lá chắn, thì ngày nay có niềm ân hận nào không?
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cho rằng tất cả những người Việt Nam hôm nay vẫn mang trong mình dày đặc những ám ảnh của quá khứ:
Những cuộc tranh luận gay gắt từ phía chống và phía thuận, đang cho thấy một Việt Nam đang bị xâu xé bằng ý thức hệ ngay trên thân thể của mình.Cuộc chiến đã kết thúc hơn 41 năm, ký ức vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều người, thuộc nhiều thế hệ và thuộc nhiều chỗ đứng khác nhau. Những người lưu vong, hiện sống ở hải ngoại, xa lắc Việt Nam, vẫn không nguôi trăn trở với những ký ức về chiến tranh, đặc biệt về trận Mậu Thân cũng như tháng 4, 1975 và những tháng ngày sau đó, với các trại cải tạo và những cuộc vượt biển đầy nguy hiểm. Những người ở miền Bắc vẫn không quên những chuyến vượt Trường Sơn và những trận mưa bom dữ dội của Mỹ ngay tại Hà Nội. Mọi người vẫn nhớ và những cái nhớ ấy vẫn tiếp tục chi phối cách suy nghĩ cũng như cách hành xử của họ.
- Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng đồng ý với Giáo sư Quốc khi nói rằng Việt Nam hiện nay vẫn còn bị giằng xé của một cuộc chiến ý thức hệ:
Những cuộc tranh luận gay gắt từ phía chống và phía thuận, đang cho thấy một Việt Nam đang bị xâu xé bằng ý thức hệ ngay trên thân thể của mình. Những mất mát và đau thương và chính Nhà nước Việt Nam sau 1975 vẫn luôn kêu gọi hãy khép lại, mở ra một chương mới hòa bình, đang bị một nhóm người mở lại, rạch ra: Không ai không thấy đang có một cuộc nội chiến khác còn ghê sợ hơn cả cuộc chiến 20 năm Bắc-Nam Việt Nam. Vết thương chưa bao giờ lành, nhưng đó không phải là vết thương của bên ngoài mang đến, mà vết thương của tự mình cào cấu.
Đứng trước bức tường đá đen ghi tên hơn 50 ngàn binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam, nhà báo Trương Duy Nhất viết rằng Người Việt, vượt qua hận thù với người Mỹ, nhưng 41 năm rồi và còn lâu hơn nữa, vẫn chưa vượt qua nổi những thù hằn trong chính họ.
Luật sư Bao Anh Thai, người không đồng ý ông Bob Kerrey giữ trọng trách tại Đại học FV, lo ngại rằng nếu ông Kerrey từ chức, việc tranh cãi và chia rẽ trong người Việt Nam sẽ vẫn còn, và điều đó sẽ là điều thích thú của Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo mang khuynh hướng diều hâu của đảng cộng sản Trung Quốc.
Sau khi Bob Kerrey ra đi sẽ có một cuộc "đấu tố" của những người ủng hộ ông ở lại vị trí chủ tịch hội đồng tín thác đại học Fulbright Việt Nam đối với những người phản đối. Cuộc "đấu tố" đó sẽ thực thi với tinh thần na ná tinh thần "thù hận" mà họ đang lên án hiện nay và rất ít tinh thần "tha thứ" mà họ đang đề cao bây giờ.
Tất nhiên không một ai ở hai bên bờ Thái Bình Dương muốn báo Hoàn Cầu của Trung Quốc bình luận là Mỹ đã ép Việt Nam uống mật đắng Kerrey trước mặt nhân dân mình. Với những trò dựng đứng từ trước tới giờ của Hoàn Cầu thì không có gì đáng ngạc nhiên khi họ thích thú chuyện này!
Giữa những tranh cãi về Bob Kerrey, Trường FV cho biết ông sẽ không từ chức, mặc dù ông đã nói khi cần ông sẽ ra đi. Và trong bài trả lời truyền thông Mỹ, ông nói rằng ở Việt Nam người ta không sống cho quá khứ, mà cho tương lai. Có lẽ ông đã nói không đúng, vì ít nhất trên những trang blog, và lần này trên cả báo chí chính thống nữa, cuộc chiến 41 năm trước dường như chưa kết thúc.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/the-veteran-n-nobble-lady-the-war-not-over-yet-kh-06132016122948.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét