Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

NHỮNG ANH HÙNG BỊ LÃNG QUÊN


NHỮNG ANH HÙNG BỊ LÃNG QUÊN

Phạm anh Dũng        

30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu một thảm cảnh của dân tộc Việt Nam, ngày mà cán binh cộng sản xâm chiếm nước Việt Nam Cộng Hoà thân yêu của chúng ta. Chúng đã áp đặt lên dân tộc Việt một thể chế ngoại lai, man di mọi rợ : vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc.

Sở dĩ CS xâm lăng VNCH một cách mau chóng là nhờ :

-    Sự hỗ trợ tối đa của các quan thầy Nga Tầu và chư hầu, trên mọi phương diện : súng đạn, cố vấn, ngoại giao, tình báo, truyền thông, nhân lực, tiền bạc, v.v.

-    Hoa Kỳ đã quyết định hy sinh tính mạng của hàng chục triệu dân Việt Nam trong chiến lược toàn cầu hoá của họ. Do đó đã áp dụng chính sách không viện trợ đạn dược, không cho quân đội Hoa Kỳ tham chiến từ những năm 1970, mà chỉ đóng vai trò cố vấn, nguỵ tạo tình báo sai lạc v.v. để quân lực VNCH không còn điều kiện  chiến đấu.

-    Một trong các nhân vật còn mang nặng ảnh hưởng thời Pháp thuộc đã được chức tổng thống vào những ngày giờ chót, nhưng vì những lý do khó hiểu nên đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, dâng đất nước VNCH cho cộng sản. Cũng chính vì lời tuyên bố này khiến quân lực VNCH bị bó tay, và giờ đây hậu quả là người Việt tại hải ngoại đã mất đi tính cách pháp lý trong công cuộc đấu tranh chính trị quốc tế. Có người cho rằng nhờ lệnh buông súng đầu hàng của nhân vật này mà tránh được cuộc tắm máu. Nhưng cho dù quân dân miền Nam lúc bấy giờ đã tôn trọng kỷ luật ngưng chiến, mà sau đó vẫn bị cộng sản tàn sát. Biết bao Quân Cán Chính VNCH đã bỏ thây trong các trại Tập Trung Cải Tạo, các vùng Kinh Tế Mới, cũng như hàng trăm ngàn dân Việt Nam vô tội, vẫn phải chạy trốn nạn cộng sản và đã bỏ thây dưới lòng biển Đông. Vậy cái lệnh đầu hàng đó, có thật sự tránh được cuộc trả thù đẫm máu và nước mắt của quân dân miền Nam hay không ?

Nấm mồ vĩ đại của người dân vô tội Việt Nam tại lòng biển Đông, cho đến nay, không ai biết được con số chính xác những nạn nhân của cộng sản. Ông Vaudour Faguet, một ký giả Pháp đã phải thốt lên :

Thế kỷ hai mươi đã từng phát hiện nhiều hình thức tàn sát đàn áp tập thể. Có thể chúng ta đang ở bước đầu của một chu kỳ tội ác lâu dài và tính cách tàn sát được xem như « riêng rẽ » vì nó khác hẳn với tất cả những thảm họa đã xãy ra. Những hồ sơ khủng khiếp trước đây trở thành cũ rích. Sự điên loạn chém giết của thời đại chúng ta vừa phát minh một kỹ thuật giết người mới mà những thủ đoạn chính trị gian hùng không có giới hạn.  Đây là một sự tàn sát không bằng cớ. Đây là một cuộc diệt chủng không đổ máu và cũng không có hành hạ thể xác vì :

1. Ghe thuyền chìm đắm không nhân chứng, không phóng sự, không có gì chính xác :
2. Vùng tàn sát không để lại bằng chứng « khảo cổ » : không lò thiêu, không kẻm gai, không nhà tù, không nghĩa địa, không tháp canh…. Không có gì cả.
3. Không có và cũng không bao giờ có « kế tóan » số người chết.  Địa điểm vượt biên bị dấu kín. Bao nhiêu ghe tàu chìm đắm, không ai biết. Các thủ phạm đã tính toán kỹ lưỡng : không hồ sơ sổ sách, không trước tịch, không số quân, không bằng cớ pháp lý…. Buộc tội tố cáo họ chỉ là điều tưởng tượng.
4. Đó là một cuộc tàn sát dứt điểm không phim ảnh, không tường thuật, không chuyện kể.

Tội ác của cộng sản, thật không một bút nào, không một hình ảnh nào có thể kể xiết được. Khi thế giới đưa ra bản thống kê, chứng minh các quan thầy của bọn họ đã tàn sát hơn 100 triêu sinh linh ; con số gần 10 triệu người chết dưới tay cộng sản Việt Nam, đối với họ thì có là bao !!! (Ngày 2-2-1950, Quốc Hội Pháp phê chuẩn toàn bộ Hiệp Định Elysée ; chiếu theo công pháp quốc tế, Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Đảng CS đã phủ nhận nền độc lập này, vì Hiệp Định Elysée không cho họ độc quyền lãnh đạo quốc gia. Và họ đã tiếp tục dùng bạo lực gây chiến tranh, với sự yểm trợ của Quốc Tế CS, để cướp chính quyền tại Miền Bắc năm 1954, và cướp chính quyền tại Miền Nam năm 1975) .

Đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách. Sau tháng tư đen năm 1975, các Quân Cán Chính VNCH đã bị hành hạ tra tấn, và bị tàn sát trong các trại tù trá hình mang mỹ danh « cải tạo ». Nhiều anh hùng Việt Nam (dân và quân) đã gia nhập các tổ chức đấu tranh vũ trang : Mặt Trận Dân Tộc Phục Quốc, Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết, Mặt trận Liên Tôn, Liên Bang Đông Dương, Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, Dân Quân Phục Quốc, Đảng Rồng Đen, Thanh Long v.v. để trực diện đấu tranh chống cộng sản. Những tổ chức này vì thiếu những điều kiện tối thiểu như : vũ trang, tiền bạc, hậu cần, tổ chức v.v. nên đã bị việt cộng truy kích và tàn sát. Những người còn sống sót nếu không bị xử bắn thì cũng bị hành hạ một cách tàn nhẫn trong các nhà tù của cộng sản. Những anh hùng này đã hy sinh trong bóng tối, trong bức màn sắt dầy đặc của cộng sản.

Tháng 3 năm 1993, ý thức được tình trạng càng ngày càng đen tối của dân tộc dưới sự đô hộ của cộng sản. Một số anh em chúng tôi đã quyết định về nước đấu tranh trực diện với CS bằng võ khí Nhân Quyền. Nhưng việc không thành, chúng tôi bị cộng quân bắt giữ. Tôi bị tuyên án 20 năm tù với tội danh : « âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân », sau đó bị đưa đến trại kỷ luật của miền nam A20, có tên là thung lũng tử thần, gần Tuy Hoà. Nơi đây, chúng tôi đã rất xúc động gặp được các chiến sĩ  không tên đó. Có những anh đã bị tù từ năm 1975, vẫn hiên ngang tiếp tục tranh đấu ngay trong lòng địch : làm thơ, viết những tài liệu chống chính sách và tư tưởng cộng sản, họ bị chồng án. Có những anh bị tra tấn đánh đập trở thành mất trí điên khùng, nhưng vẫn phải ở tù. Có những anh bị tàn tật vĩnh viễn vì công an CS cắt đứt gân chân trong khi tra tấn, lấy cung v..v.. Các anh đa số là  « mồ côi », vì không còn gia đình tiếp tế cơm gạo, phải sống theo tiêu chuẩn của trại tù là mỗi ngày hai chén cơm với nước muối. Các anh phải hái những lá cây hoặc hoa để ăn cho bớt sót ruột và không bị bệnh thủng. Những ai đã từng sống trong nhà tù cộng sản như chúng tôi, mới biết được sự tàn ác tận cùng của con người ; báo chí tây phương luôn nhấn mạnh về cái ác của Đức Quốc Xã, khi tàn sát dân Ba Lan, Do Thái, trong các lò thiêu. Nhưng thà chết ngay không còn biết đến sự đau đớn khổ nhục có lẽ tốt hơn, vì trước sau gì cũng phải chết. Còn cộng sản, họ không muốn giết ngay, họ chiêm ngưỡng và kéo dài sự sống của con người trong đau khổ. Họ liên tục tra tấn con người dựa trên lo âu, sợ sệt, cô đơn, đói khát, điên loạn… Nhưng dù trong hoàn cảnh đói khổ cùng cực của điạ ngục trần gian, các anh vẫn chịu đựng, không một lời than, không một giọt nước mắt. Trước mặt kẻ thù, các anh vẫn ngửng đầu hiên ngang, không khép nép, không sợ sệt.

Ngày 28 tháng 10 năm 1994, phái đoàn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đến quan sát nhà tù A20, Bộ Nội Vụ CS đã ra chỉ thị cho trại, đưa các tù chính trị đi dấu trong rừng, cho tù hình sự giả tù chính trị để gặp phái đoàn. Khi biết được sự kiện này, toàn thể tù nhân chính trị rất bất mãn và quyết định không đi lao động. Cuộc nổi dậy và tuyệt thực kéo dài đến ngày thứ tư thì bộ nội vụ cho công an đến đàn áp. Rất nhiều anh đã bị nhốt, bị đánh đập và bị kiên giam, cùm xiềng cả tay lẫn chân. Một tuần sau,  bộ nội vụ giải chúng tôi ra trại Đầm Đùn, còn gọi là trai Lý Bá Sơ hay trại giam số 5, cách Thanh Hoá khoảng 30 cây số. Đây là trại kỷ luật của miền Bắc, rất nổi tiếng với bài thơ « ông lái đò » vì ai đã tới đây chỉ có chết, chứ không có cơ hội trở về !!! Khoảng ba tháng sau, các tù nhân chính trị khác từ trại A20, cũng được chuyển đến trại này.

Nhờ sự can thiệp của gia đình, các bạn Pháp, Cộng Đồng người Việt hải ngoại và chính quyền Pháp. Trung tuần tháng Ba năm 1998, bộ nội vụ CS chuyển tôi đến trại giam Nam Hà, gần xã « Ba Sao » quận Phủ Lý, thuộc Hà Nam Ninh cách Hà Nội khoảng 50 cây số. Tôi bị biệt giam và cách ly ở đây trong thời gian trên 6 tháng. Ngày 1 tháng 9 năm 1998, tôi được trả tự do, cùng  với thầy Tuệ Sĩ và cha Hiếu (dòng Đồng Công). Chính quyền Pháp đến đón tôi tại trại giam Nam Hà và đưa ngay ra phi trường Nội Bài để về Pháp. Ông cố vấn số một của Đại Sứ Pháp, cho tôi biết là cùng ngày có 7 người mang quốc tịch Trung Hoa và Úc (án hình sự : gián điệp và buôn lậu) cũng được thả, và chính phủ của họ phải chi cho nhà  cầm quyền XHCNVN 250.000 Mỹ kim cho mỗi người. Tôi có hỏi về trường hợp của tôi, thì ông ta chỉ cười và không trả lời. Chuyện này đối với tôi, không lấy gì làm ngạc nhiên ; vì trong suốt thời gian bị tù đầy, hàng năm các trại « cải tạo » tổ chức giảm án trong dịp 02/09, với tiêu chuẩn là gia đình của họ phải đút lót tiền bạc cho các quan của « Toà Án Nhân Dân » và các ông « giám thị trại giam ». Tôi mường tượng đến cảnh bọn cướp bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc !!!

Về đến Paris, tôi đã liên tục xin gặp các giới chức Pháp, cũng như các tổ chức nhân đạo : Amnesty International, Human Right Watch, v.v. để trình bầy hoàn cảnh của các anh còn bị giam cùm trong các nhà tù cộng sản, sống trong những điều kiện thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, không có thuốc men … Tôi xin họ can thiệp để cộng sản thả các anh ra. Nhưng câu trả lời của họ làm tôi bàng hoàng và xửng sốt : «  chúng tôi sẽ không can thiệp và yểm trợ cho các tù nhân chính trị khi đã đấu tranh bằng vũ trang, chúng tôi chỉ can thiệp cho các tù nhân lương tâm hoặc các nhân vật tiêu biểu đấu tranh cho Nhân Quyền ». Nhưng phũ phàng thay, họ lại can thiệp cho các thành phần phản tỉnh, đã từng là những đảng viên cộng sản, bàn tay họ đã đẫm máu của nhân dân Việt ; họ là những tên sát nhân (gián tiếp hoặc trực tiếp), là tội đồ của dân tộc. Sở dĩ sự kiện này xẩy ra là do một số hội đoàn, tổ chức chính trị của người Việt hải ngoại, vì lý do thủ đoạn chính trị, thổi phồng lên, nên bọn này được thế giới biết tới, yểm trợ, can thiệp và coi những tên sát nhân này như những người hùng của thời cuộc !!! Ghê tởm thay.

Những người tù chính trị không phải là bồi bút, nên không viết ra được những dòng chữ mỹ miều ru ngủ đồng bào, và các anh không biết lường gạt nói dối, không biết lẻo mép để viết lên những cái không bao giờ có. Vì vậy ngoài đời, không ai biết đến các anh. Không ai lo cho tình trạng sức khoẻ của các anh, ngày càng suy nhược và cực kỳ nguy hiểm.

Đến ngày Quốc Hận, 30 năm qua rồi, quê hương vẫn còn chịu bao cảnh đau buồn ! Lòng tôi thấy xốn xang ! Biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, chia sẻ cùng các anh trong trại Tập Trung Cải tạo, từ từ hiện ra trong ký ức. Giờ đây, tôi đã được đoàn tụ cùng gia đình. Còn các anh, số phận vẫn trớ trêu, vẫn chịu bao cay đắng ngọt bùi, chỉ vì đã mang nợ với núi sông. Có ai biết đến sự hy sinh của các anh đâu ? Có ai biết đến những nỗi đau và sự mất mát của các anh đâu ? Các anh mới chính là những anh hùng không tên tuổi, và các anh cũng là những anh hùng bị lãng quên. Các anh đích thực là những sĩ phu của Việt Nam, là các con yêu của Tổ Quốc.

Sau ngày Quốc Hận 1975, các anh đã quyết không vượt biên đi tìm Tự Do nơi xứ người. Từ giã gia đình, theo tiếng gọi của non sông, cầm súng đuổi giặc cộng sản, thề hy sinh xương máu cho tổ quốc. Các anh đã nằm xuống ; hay còn sống nhưng không bằng một con thú, trong các nhà tù cộng sản ; hoặc đã mãn án trở về quê, không có tiền bạc, không còn gia đình, không có quyền đi làm việc và bị theo dõi ngày đêm bởi bọn chó săn cộng sản.

Dù trong bất cứ trường hợp nào, cuộc sống của các anh đã quá nhiều đau thương. Các anh đang nghĩ gì, các anh đang mơ những gì ? Nhưng tôi biết chắc một điều, vì tôi đã được vinh dự sống chung với các anh trong khoảng thời gian gần 6 năm trong nhà tù cộng sản. Các anh không bao giờ màng đến danh lợi, bạc tiền. Các anh chỉ mong có một ngày, dân tộc Việt nhìn thấy ánh sáng của Tự Do, có cơm ăn áo mặc, không còn là nô lệ của bè lũ cộng sản nữa.

Paris, một ngày thật buồn
Phạm Anh Dũng
Cựu tù nhân chính trị CS (Từ 05/03/93  tới  01/09/98)



DANH SÁCH CÁC TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ CÒN BỊ GIAM GIỮ TẠI TRẠI NAM HÀ

Danh sách được thực hiện ngày 28 tháng 4 năm 2005.

Những tù nhân chính trị này đã bị cộng sản cô lập, đối xử tàn nhẫn và bị các tổ chức Nhân Quyền thế giới và cộng đồng người Việt đấu tranh hải ngoại không đoái hoài tới.
                                  
      

Tên Tuổi 
Án phạt 
Bị tù từ năm 
Thành phần xã hội

Bùi Thúc Nhu 57
Chung thân
1985
Việt Nam Quốc Dân Đảng 
2 Đào Bá Kế 
52
Chung thân
1990 Việt kiều tỵ nạn Thái Lan
3
Đinh Van Be 45
20 năm 1987
Nông dân
4 Đoàn Van Nay
57 Chung thân 
1986 Cư sĩ Cao-Đài 
5  
Lê Quy Hoa
  48 
 20 năm 1982 
Võ sư 
6
LêThien Quang
57
12 năm 
1993 Cựu sĩ quan QL/VNCH
7
Lê Van Hieu
64
20 năm 1985 Tu Sĩ Công Giáo
8
Lê Van Son
74 Chung thân 
1985 Cư Sĩ Hòa-Hảo
9
Nguyễn Van Huy 41 

1990 Việt kiều tỵ nạn Thái Lan
10 Nguyễn Van Ki 41

1990
Việt kiều tỵ nạn Thái Lan
11 Phan Van Ban 67
Chung thân 2 lần bị tù CS 
1975 –1983  và 1985
Cựu sĩ quan QL/VNCH
12 Phan Van My
41

1990
Việt kiều tỵ nạn Thái Lan
13
SUNAYMAL 47
20 năm
1982
Nông dân  
14
Tai Sanh 42 

1990
Việt kiều tỵ nạn Thái Lan
15
Trần Van Luong 65 Chung thân
1985 
Dân Biểu VNCH
16 Trần Van Nhi 67
Chung thân
1980 
Cư Sĩ Phật Giáo
17 Trần Van Suong  65
Chung thân 2 lần bị tù CS
1975–1982 và  1985 
Cựu sĩ quan QL/VNCH,
Việt kiều tỵ nạn Thái Lan
18 Vũ Dinh Thuy 57 Chung thân 2 lần bị tù CS 
1975 –1978 và 1979 
Cựu sĩ quan QL/VNCH,
   
Nguồn:http://www.tinparis.net/quochan/qh_phamanhdung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét