Khi Mỹ thay Việt Nam Cộng Hòa bằng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Trong khi người Việt
đấu tranh ở trong cũng như ngoài nước đang tập trung mọi nỗ lực vào
vụ cá chết tại miền Trung với hy vọng dùng nó để “hạ đo ván” đảng
CSVN thì trong ba ngày 26, 27 và 28.4.2016 vừa qua, một “Hội Nghị Thượng Đỉnh về Chiến Tranh Việt Nam”
(Vietnam War Summit) đã được Hoa Kỳ tổ chức tại Thư Viện LBJ,
Austin, Texas, để vẽ lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam và đưa chế độ
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào thay chỗ của VNCH trước 1975.
Kissinger tại hội nghị
Sở dĩ gọi là “Thượng Đỉnh” vì có Cựu Ngoại trưởng
Mỹ Henry Kissinger, người chỉ đạo cuôc tháo chạy khỏi Miền Nam năm
1975, và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người có sứ mạng mở đường cho Mỹ bỏ
Miền Nam và đang dọn đường để đưa Mỹ trở lại Việt Nam. Ông Phạm Quang
Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cũng có mặt để nói về đề tài “Mỹ và
Việt Nam trong thế kỷ 21: Một khởi đầu mới”. Mục tiêu thật sự của “Hội
Nghị” đã được đài VOA của Mỹ hé mở hôm 24.4.2016 trong đầu đề “Mỹ
‘giải mã’ Chiến tranh VN trước chuyến thăm của ông Obama”.
NHỮNG NGỤY BIỆN VỀ LỊCH SỬ
Có 10 đề tài được đưa ra thảo luận, nhưng có hai đề
tài quan trọng là đề tài thứ nhất và đề tài cuối cùng. Đề tài thứ nhất
là “vai trò của các tổng thống chúng ta trong chiến tranh và cách lãnh
đạo của họ đã ảnh hưởng như thế nào đến kết quả”. Đề tài sau cùng là
các bài học: “Hiệu quả của chiến tranh đối với chính sách và vai trò
ngoại giao và quân sự của Mỹ trên phạm vi thế giới.” Các đề tài khác
chỉ là hoa lá cành. Trước hết xin mời quý vị nghe ông Kissinger tuyên
bố:
"Không có ai muốn chiến tranh, không có ai muốn leo
thang chiến tranh. Họ đều muốn hòa bình. Nhưng câu hỏi là, "Trong những
điều kiện nào bạn có thể làm điều đó?".
Về việc Mỹ đổ quân vào Miền Nam bằng mọi giá, một số
diễn giả giải thích rằng sở dĩ Mỹ đi vào cuộc chiến Việt Nam là do học
thuyết Domino.
Về việc Mỹ rút quân ra khỏi Miền Nam bằng mọi giá,
một số diễn giả đổ tội cho phong trào phản chiến ở Mỹ. Kissinger nói:
"Sự thất bại cơ bản là sự chia rẽ ở nước ta, không có sự chia rẽ đó
chúng ta có thể quản lý nó. Đó là một bi kịch lịch sử mà nước Mỹ tìm
thấy chính mình quá chia rẽ." Ông cho rằng thất bại của Hoa Kỳ ở Việt
Nam là do chính người Mỹ tự gây ra, và trước hết là đã đánh giá thấp sự
kiên trì của giới lãnh đạo Bắc Việt.
Ít ai tin như vậy. Trong 40 năm qua, chính quyền Mỹ
đã giải mã hàng trăm ngàn trang và băng tài liệu liên quan đến cuộc
chiến Việt Nam. Các tài liệu này cho chúng ta biết chính xác hơn người
Mỹ đã đi vào cuộc chiến Việt Nam như thế nào, đã điều hành cuộc chiến
đó ra sao và đã rút lui như thế nào. Nói một cách tổng quát, các kế
hoạch đó đều đã được tính toán một cách rất tỉ mỉ, tinh vi và tàn bạo,
bất chấp mọi hậu quả có thể gây ra cho các quốc gia liên hệ, kể cả
nước Mỹ. Phong trào phản chiến chỉ là một phần của kế hoạch rút ra
khỏi Việt Nam của Mỹ mà thôi.
Để làm sáng tỏ vấn đề, tốt hơn cả là nhìn lại lịch sử.
MỸ ĐI VÀO CHIẾN TRANH VN BẰNG MỌI GIÁ
Thuyết Domino (domino theory) xuất hiện dưới thời của
Tổng thống Dwight D. Eisenhower cho rằng nguy cơ phát triển của chủ
nghĩa cộng sản tại Việt Nam, nếu Hoa kỳ không ngăn cản, nó sẽ lan rộng
ra các nước tại Đông Nam Á gióng như quân bài Domino. Nhưng các nhà
phân tích cho rằng thuyết này đã bị phóng đại, vì vai trò của Đảng
CSVN chỉ giới hạn trong phạm vi ba nước Việt-Miên-Lào mà thôi. Hoa Kỳ
thừa biết như vậy, nhưng Hoa Kỳ vẫn đổ quân vào Việt Nam bằng mọi giá.
Để đi vào chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã phải giết
hại tổng thống, Tổng Thống Ngô Đình Diệm của VNCH và Tổng Thống
Kennedy của Mỹ, vì hai tổng thống này đã ngăn cản việc tiến hành cuộc
chiến của Mỹ. Kissiger không hề đề cập đến những sự thật đó.
1.- Lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Ngày 9.5.1961, một phái đoàn do Phó Tổng Thống
Johnson cầm đầu đã đến Sài Còn và đề nghị với Tổng Thống Diệm để quân
đội Hoa Kỳ đến bảo vệ miền Nam Việt Nam, nhưng ông Diệm nói ông “không
muốn quân chiến đấu Hoa Kỳ đến Việt Nam, trừ trường hợp miền Bắc công
khai đưa quân xâm lược.” Lợi dụng biến cố Phật Giáo tại Huế vào tháng 5
năm 1963, Mỹ lập kế hoạch lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm để
đưa quân vào Miền Nam. Tổng Thống Johson nói: “Tất cả chúng ta đã họp
lại với nhau và XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát
ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở
Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”
2.- Giết Tổng Thống Kennedy
Sau khi ông Diệm bị giết, Tổng Thống Kennedy bị khủng hoảng. Trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963 ông hỏi: “Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?” Rồi ông tự trả lời: “Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó.”
Sau đó ông nói: “Giờ đây mục tiêu của chúng ta là
đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước
mình như là một quốc gia độc lập.”
(Robert S. McNamara, In Retrospect, tr. 86).
Trong khi đó, các thế lực tư bản quốc phòng Mỹ muốn
mở rộng chiến tranh Việt Nam để tiêu thụ các vũ khí còn lại từ Thế
Chiến II và thí nghiệm những võ khí mới, vì thế ông đã bị giết ngày
22.11.1963 tại Dallas, sau ông Diệm chỉ 21 ngày.
3.- Đổ quân vào Việt Nam chẳng cần hỏi ai
Không cần xin phép ai, lúc 9 giờ sáng ngày 8.3.1965,
Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đã đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, mở màn
cho sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam.
Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng 1965
Ông Bùi Diễm, lúc đó là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng,
cho biết Thủ Tướng Phan Huy Quát đã hỏi ông: “Có đặc biệt gì về phương
diện quân sự mà chúng ta không được biết, đến độ họ phải hành động một
cách vội vàng như vậy.” Sứ thần Melvin Manfull của Mỹ đã đến yêu cầu
ra một thông cáo chung về việc này. (Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, Paris
2000, tr. 222-223)
MỸ RÚT RA KHỎI VN BẰNG MỌI GIÁ
Để đi ra khỏi Miền Nam bằng mọi giá, Mỹ thực hiện một kế hoạch gồm sáu bước sau đây:
1.- Tạo ra các phong trào phản chiến
Trong chiến tranh Việt Nam, Trung úy John Kerry đã
từng được trao thưởng ngôi sao đồng, ngôi sao bạc và ba huân chương
Purple Heart. Nhưng sau đó ông trở thành một nhà phản chiến nổi tiếng
nhất thời bấy giờ. Năm 1971 ông xuất hiện trong một phiên điều trần
trước Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ và tuyên bố cuộc chiến tranh Việt
Nam là “man rợ”.
Ngày 2.6.1966, Thiền sư Nhất Hạnh đang ở Pháp được
đưa qua Mỹ, vào trình bày trước Thượng Viện. Tại đây ông đã đọc một bài
diễn văn dài tố cáo những thảm họa mà quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã gây
ra tại Việt Nam và đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt
Nam, Asia Foundation của Mỹ (ở sau Quốc Hội) đã thuê Trịnh Công Sơn
sáng tác những bản nhạc phản chiến, đồng thời cho George Washnis làm
cuốn phim phản chiến có tên là “Land of Sorrow” (Đất Khổ) do Hà Thúc
Cần làm đạo diễn và Trịnh Công Sơn đóng vai chính.
2.- Lập cái mà Kissinger gọi là “Decent interval”
Daniel Ellsberg, người đã từng giữ chức trợ lý Phụ tá
Đặc Biệt Bộ Quốc Phòng Mỹ và là người biên soạn tập tài liệu sau này
gọi là “Pentagon Papers” đã cho biết như sau: “Trong năm 1968, trong
các cuộc nói chuyện riêng tư, Kissinger thường nói rằng mục tiêu thích
hợp của chính sách Mỹ là một “khoảng cách vừa phải” (decent interval)
– từ hai đến ba năm – giữa sự rút lui của quân đội Mỹ và Cộng Sản
chiếm miền Nam.”
Như vậy Mỹ đã quyết định bỏ Việt Nam từ năm 1968 và
đã nghĩ cách làm thế nào cho sức mạnh của Cộng quân xuống thấp để khi
Mỹ rút, quân đội này phải mất ít nhất là hai hay ba năm mới có thể
phục hồi và đánh chiếm Miền Nam được, lúc đó Mỹ không còn chịu trách
nhiệm nữa. Kissinger coi việc mất Miền Nam là do sự bất tài của Miền
Nam (it's the result of South Vietnamese incompetence).
Để thực hiện kế hoạch mà Kissinger gọi là “Decent
Interval” (Khoảng cách vừa phải), năm 1970 Mỹ cho tướng Lon Nol lật đổ
Sihanouk rồi đưa quân qua phá các mật khu của Cộng quân ở biên giới
Việt - Miên. Năm 1971, Mỹ mở cuộc hành quân Dewey Canyon II do Tướng
James W. Sutherland, Jr soạn thảo, phía VNCH gọi là cuộc hành quân Lam
Sơn 719. Mục tiêu của cuộc hành quân này là tiến vào mật khu 604 ở
gần Tchepone để gài bẫy các sư đoàn 304, 308, 320 và 324 của Cộng quân
bao vây rồi dùng B52 tiêu điệt. Nhưng kế hoạch này bị thất bại vì
Tổng Thống Thiệu đột nhiên nhúng tay vào với kết quả rất bi thảm. Năm
1972, Mỹ phải gài cho Cộng quân chiếm cổ thành Quảng Trị để tiêu diệt.
Lúc dầu Cộng quân chỉ cho các đơn vị của các sư đoàn 312, 320 và 325
vào, còn sư đoàn thiện chiến 308 vẫn đóng ngoài. Ngày 4.9.1972 khi sư
đoàn 308 phải bỏ chiến trường Thạch Hãn rút về phía cổ thành Quảng
Trị, tức tách ra khỏi thế cài răng lược với sư đoàn Dù của VNCH, Mỹ đã
xử dụng hỏa lực tối đa san bằng cổ thành nầy và xóa sổ sư đoàn 308.
Để thực hiện mục tiêu này Mỹ phải kéo dài cuộc chiến đến 81 ngày với
90 đợt oanh kích bằng máy bay B52.
Hà Nội không nắm vững kế hoạch “Decent Interval” của Mỹ nên đã nướng một số quân rất lớn.
3.- Đem miền Nam bán cho Trung cộng.
Ngày 20.6.1972 Kissinger đến Bắc Kinh gặp Thủ Tướng
Chu Ân Lai và giao Miền Nam cho Trung Quốc. Kissinger nói “tôi tin rằng
tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh quan trọng đối với Á châu
hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom penh, Hà Nội hay Sài gòn.”
4.- Buộc hai bên ký Hiệp Định Paris.
Ngày 18.10.1972 Kissinger đã bay đến Sài Gòn làm áp
lực buộc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải đồng ý nội dung bản dự thảo
Hiệp Định Paris đã thỏa thuận với Hà Nội, nhưng Tổng Thống Thiệu không
đồng ý, Kissinger phải sửa lại nhiều chỗ và yêu cầu Hà Nội tái thảo
luận. Hà Nội từ chối. Ngày 18.2.1972 hàng loạt B.52 đã bay đến ném bom
xuống các căn cứ quân sự ở Hãi Phòng và Hà Nội. Sau 12 ngày bị dội bom,
ngày 30.12.1972 Hà Nội đồng ý sửa đổi lại một số điều khoản. Hiệp
Định Paris đã được ký kết ngày 27.1.1973.
5.- Đánh lừa Tổng Thống Thiệu
Để cuộc chiến được chấm dứt đúng thời hạn dự liệu,
Hoa Kỳ phải đánh lừa Tổng Thống Thiêu. Một báo cáo của Tướng John Murray
được để lộ cho thấy nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ cả 4
vùng chiến thuật. Nếu còn 1,1 tỷ thì phải bỏ Quân Khu I. Nếu chỉ còn
900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II. Thế là ông Thiệu trúng kế
Mỹ!
Khi số viện trợ rút xuống còn 700 triệu, ông Thiệu
quyết định chỉ giữ phần đất từ Tuy Hoà trở vào và giao cho Tướng Đặng
Văn Quang và Chuẩn Tướng Ted Serong, một tướng du kích Úc, soạn thảo kế
hoạch rút quân về Tuy Hòa làm phòng tuyền. Khi kế hoạch “tái phối trí”
bị tiết lộ, các nhà chính trị và quân sự ở Sài Gòn đã phản đối rất dữ
dội vì cho rằng kế hoạch đó bất khả thi. Muốn rút quân phải có một
hiệp định đình chiến như Hiệp Định Genève năm 1954 mới rút được. Ông
Thiệu vốn yếu kém cả về quân sự lẫn chính trị nên cứ làm và Miền Nam
sụp đổ nhanh chóng. Sau đó ông đổ tội cho Tướng Phạm Văn Phú và Tướng
Ngô Quang Trưởng!
6.- Đưa Dương Văn Minh ra đầu hàng
Ngày 21.4.1975, Đại Sứ Martin đến bắt ông Thiệu phải
từ chức rồi kết hợp với Đại Sứ Pháp Mérillon đánh lừa Dương Văn Minh
ra làm hàng tướng.
TẠI SAO MỸ VÀO VN BẰNG MỌI GIÁ?
Theo tài liệu của Bộ Quốc Phòng Mỹ, trong cuộc chiến
Việt Nam, Hoa Kỳ đã thực hiện tất cả 1.899.688 phi vụ, ném xuống Đông
Dương 6.727.084 tấn bom, so với 2.700.000 tấn đã ném xuống Đức trong
Đại Chiến Thứ II. Tổng số chi phí là 352 tỷ USD (giá thời đó).
Có 5 tỉnh của Việt Nam có tỷ lệ bom mìn cao nhất là
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Việt Nam
ước tính khoảng 6,6 triệu ha đất đang bị ô nhiễm bom mìn. Theo sự ước
tính, nếu muốn rà phá toàn bộ mìn này phải mất 320 năm.
Tại sao Mỹ đem bom thả xuống Việt Nam quá nhiều như
vậy? Trả lời câu hỏi này sẽ trả lời được câu hỏi tại sao các nhà đại tư
bản Mỹ phải giết hai tổng thống để đổ quân vào Miền Nam.
Giáo sư Robert F. Turner đã từng nhận định rằng đa số
những gì về chiến tranh Việt Nam đang được giảng dạy tại các trường
trung học và đại học ở Mỹ lại gần với thần thoại hơn là lịch sử.
CON DƯỜNG MỸ ĐANG ĐI TỚI
Những sự kiện lịch sử chúng tôi vừa đưa ra cho thầy
Mỹ đã đi vào và rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam bằng những chiến lược
và chiến thuật được tính toán rất chính xác. Câu hỏi đặt ra là tại sao
bây giờ Kissinger lại phải ngồi vẽ lại một lịch sử chiến tranh hoàn
toàn trái với lịch sử? Chúng ta hãy nghe Ngoại Trưởng Kerry nói:
“Không ai có thể hình dung ra đất nước Việt Nam như
ngày hôm nay. Việt Nam, một cựu thù của Mỹ, bây giờ lại là một đối tác
có mối quan hệ nồng ấm với Mỹ, trên cả bình diện con người lẫn quốc
gia”
Ông nói tiếp: “Bên cạnh đó vẫn còn câu hỏi: vậy mọi
thứ đã như chúng ta mong muốn chưa? Câu trả lời là chưa. Mỹ và Việt Nam
vẫn có những khác biệt, nhưng tin tốt lành là chúng ta đang thảo luận
với nhau về điều đó.”
Tại sao Mỹ phải biến “cựu thù” thành “đồng minh” và
“đối tác có mối quan hệ nồng ấm với Mỹ" như vậy? Tại vì Mỹ đang thay
đổi chiến lược toàn cầu: Từ bỏ chiến lược can thiệp bằng quân sự
(military intervention) và thay thế bằng chiến lược chiến tranh ủy
nhiệm (proxy war strategy). Nói một cách cụ thể: Mỹ sẽ không đối đầu
trực tiếp với Trung cộng nữa mà ép buộc các nước chủ chốt trong vùng
là Nhật Bản, Úc, Việt Nam và Philippines làm chuyện đó. Mỹ chỉ yểm trợ
và bán vũ khí. Vì thế Mỹ phải vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam để
giao cho “cựu thù” CHXHCNVN đóng vai trò của VNCH trước năm 1975. Dĩ
nhiên, Hà Nội biết rất rõ chiến lược và thủ đoạn này của Mỹ, nhưng
tương kế tựu kế, chơi trò bắt cá hai tay để thủ lợi. Nếu có điều gì
bất trắc, họ sẽ quay lại với Trung cộng.
Biến cố này cũng cho thấy cuốn “Quốc Văn Giáo Khoa
Thư Chống Cộng” của người Việt đấu tranh đang trở thành lỗi thời, vì nó
thiếu một chương rất quan trọng: Muốn “giải phóng quê hương” không
phải chỉ chống Cộng như Đức Giám Mục Nguyễn Văn Long đã kêu gọi mà
còn phải “chống Mỹ cứu nước” nữa, vì Mỹ đang đứng trên cùng một chiến
tuyến với CSVN.
Người Việt đấu tranh đã chiến đấu với Mỹ 20 năm,
bổng một hôm không đẹp trời, Mỹ đã đem Miền Nam bán cho Trung cộng.
Liệu rồi Mỹ có bán luôn Biển Đông cho Trung cộng không?
Giáo Hội Công Giáo Roma đã có một tầm nhìn xa hơn.
Ngày 27.5.2007, ĐGH Benedict XVI đã gởi cho người Công giáo Trung cộng
một bức thư hướng dẫn con đường mà Giáo Hội Trung Quốc phải đi tới. Nhờ
sự hướng dẫn đó, trong những năm qua Giáo Hội Trung Quốc đã phát
triển mạnh, từ 60 triệu năm 2007 nay đã lên trên 100 triệu. Giáo Hội
Việt Nam cũng đang được ĐGM Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường
trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, hướng dẫn đi theo con đường mà ĐGH
Benedict XVI đã vạch ra cho Giáo Hội Trung Quốc.
Khi Mỹ thay thế VNCH bằng CHXHCNVN, liệu người Việt
đấu tranh có thể tiếp tục xử dụng cuốn “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống
Cộng” hiện nay để “giải phóng quê hương” được không?
Ngày 12.5.2016
Lữ Giang
Bài viết liên hệ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét