Hiệp định hòa bình Paris dẫn đến hòa bình của những nấm mồ
10 năm sau khi Saigon thất thủ, trong cuốn “No More Vietnams” xuất bản năm 1985, Tổng Thống Richard Nixon tự phán:
“Trong cuộc chiến đấu này Hoa Kỳ đã thất bại và phản bội đồng minh (failure and betrayal). Chúng ta đã thắng trong chiến tranh, nhưng đã thua trong hòa bình (We won the war in Vietnam, but we lost the peace)”.
Đây là lời nói khôn ngoan nhưng không phản ảnh sự thật.
Đúng lý Nixon phải nói: Chúng ta thắng về quân sự, nhưng lại tháo chạy và đầu hàng lịch sự. Chúng ta thua về chính trị, và đã gieo tai họa vô lường cho các quốc gia đồng minh Đông Dương Việt-Miên-Lào, cũng như một số các quốc gia Á Phi và Nam Mỹ như A-Phú-Hãn, Iran, Angola, Mozambique, Ethiopia, South Yemen, Nicaragua v…v…. Do đó Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 chỉ đem lại hòa bình của những nấm mồ (peace of the grave).
Ngày nay mọi người thấy rõ: Kiến trúc sư của thảm cảnh này không phải là ai khác mà là Henry Kissinger, Cố Vấn An Ninh của Nixon.
Do những quyền lợi riêng tư cũng như do những cuộc mật đàm, mật ước và hiểu ngầm với Lê Đức Thọ, Kissinger đã đẩy tới việc ký kết Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 với bất cứ giá nào. Đối với ông, Chiến Trường Đông Nam Á đã thu dọn xong với sự tiếp tay của Bắc Kinh. Từ đây đối tượng của ông là Chiến Trường Trung Đông đang cần tiếp viện quân sự và kinh tế. Sau 1975, giới am hiểu cho biết ngân khoản viện trợ hàng năm cho Do Thái (với 4 triệu dân) khoảng 2 tỉ Mỹ kim ngang với số ngân khoản viện trợ cho Việt Nam trước 1973.
Cho tới tháng 1-1973, khi bối thự hiệp ước, bằng xuyên tạc, đe dọa và hạ nhục Việt Nam Cộng Hòa, Kissinger đã thúc đẩy Nixon buộc Miền Nam phải ký Hiệp Định Paris. Cho Hoa Kỳ có lý do rút quân để đòi phóng thích tù binh sau khi đầu hàng trong danh dự. Còn việc quân đội Bắc Việt có triệt thoái khỏi Miền Nam hay không chỉ là vấn đề phụ thuộc. Về việc này, một mặt Kissinger tin vào những mật ước và cam kết ngầm của Thọ. Mặt khác còn có lời cam kết của Nixon theo đó Hoa Kỳ sẽ trả đũa mãnh liệt, nếu Bắc Việt vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định, và sẽ sử dụng hỏa lực mạnh nhất như trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại Miền Nam, và những vụ oanh tạc Bắc Việt bằng B52 trong cuộc Tập Kích Chiến Lược 12 ngày đêm tại Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận Mùa Giáng Sinh 1972.
Sự việc đã không diễn ra như vậy. Ba tháng sau Hiệp Định Paris vụ Watergate bùng nổ. Sau đó Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành Luật ngày 30-6-1973 cấm các lực lượng quân sự Hoa Kỳ không được yểm trợ những cuộc chiến đấu võ trang tại Việt-Miên-Lào. Và tháng 10-1973 Luật về Quyền Lực Chiến Tranh (War Powers Act) đã trói tay vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ và buộc Tổng Thống phải tham vấn Quốc Hội trước khi sử dụng quân đội vào những vụ tranh chấp võ trang. Điều kiện hạn chế này chưa bao giờ lập pháp đặt ra trong thời chiến. Do đó, vì không có toàn quyền hành động và không có ngân khoản, vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội không thể phản công kịp thời các bộ đội Bắc Việt xâm nhập quy mô vào Miền Nam, và cũng không thể trả đũa bằng cách tái oanh tạc Bắc Việt như trong mùa Giáng Sinh 1972. Như vậy, 10 tháng sau Hiệp Định Paris, từ tháng 11-1973 quân xâm lăng Bắc Việt được tự do xâm nhập Miền Nam với sự trợ giúp võ khí đầy đủ của phe Quốc Tế Cộng Sản Trung Sô (1.7 tỷ Mỹ kim năm 1974, gấp đôi thời tiền Hiệp Định Paris.
Và từ sau vụ tiến chiếm Phước Long tháng 1-1975, Liên Sô đã tăng 4 lần viện trợ cho Bắc Việt). Và những lời cam kết của Chu Ân Lai và Brezhnev hứa hẹn sẽ kiềm chế Hà Nội, chỉ là câu đãi bôi, hay đúng hơn một chiến thuật để dối gạt Hoa Kỳ.
Thêm một sự kiện đáng lưu ý: Một năm sau Hiệp Định Paris, vào ngày 11-1-1974, khi Kissinger vừa rời Bắc Kinh, đột nhiên một lần nữa, Trung Quốc công bố chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và một tuần sau, ngày 19-1-1974, họ đem quân xâm chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Lưỡi Liềm phía tây nam. Về mặt Quốc Tế Công Pháp, Hiệp Định Geneva 1954 đã xác nhận chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Điều 4 Hiệp Định, giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc kéo dài từ lục địa “ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Quân đội Bắc Việt phải rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam giới tuyến” (Vỹ Tuyến 17). Quần đảo Hoàng Sa tọa lạc tại các Vỹ Tuyến 17-15 Bắc (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi), và quần đảo Trường Sa ở phía Nam tọa lạc tại các Vỹ Tuyến 12-7 Bắc (từ Cam Ranh xuống Cà Mâu). Do đó cả hai quần đảo này đã được Hiệp Ước Quốc Tế nhìn nhận thuộc hải phận của Việt Nam Cộng Hòa mà các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Bắc Việt và Trung Quốc có nghĩa vụ phải tôn trọng.
Chiếu Hiệp Định Paris 1973, Hoa Kỳ là quốc gia chủ xướng, đã triệu tập Hội Nghị, đã ký Hiệp Định, và đã cùng 10 quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đứng ra bảo lãnh sự thi hành nghiêm chỉnh hiệp định này. Như vậy Hoa Kỳ có nghĩa vụ tiên khởi phải bảo vệ quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam chống mọi xâm lăng võ trang bất cứ từ đâu tới. Vậy mà, ngày 19-1-1974, dầu có mặt tại vùng Biển Hoàng Sa, Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đã án binh bất động, không yểm trợ, không can thiệp, không điều giải, và cũng không làm hành vi nhân đạo nào để cứu vớt các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam mắc nạn trên Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, do Trung Tá Ngụy Văn Thà chỉ huy, đã bị bắn chìm. Có lẽ Hải Quân Hoa Kỳ nghĩ rằng họ không có trách nhiệm phải cứu vớt những người sắp chết đuối, kể cả vì lý do nhân đạo. Vì mãi tới tháng 11-1974 Liên Hiệp Quốc mới ban hành Công Ước về việc Cứu Vớt các Nạn Nhân bị Đắm Tàu Trên Mặt Biển. Hơn nữa, từ tháng 6-1973, Quốc Hội Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật cấm quân lực Hoa Kỳ không được tham gia hay yểm trợ bất cứ cuộc chiến đấu quân sự nào trên bộ, trên không và trên biển tại bán đảo Đông Dương. Trong thời gian này, từ tháng 4-1973, báo chí phản chiến và phe đối lập đa số tại Quốc Hội đã triệt để khai thác vụ nghe lén Watergate, dẫn đến việc Nixon từ chức vào tháng 8-1974.
Năm 1974, theo 3 ngả tiến quân, từ vùng Phi Quân Sự phía Bắc, Ai Lao và Cao Miên phía Tây, Bắc Việt kéo đại quân xâm nhập Miền Nam. Và tháng 1-1975 đã tiến chiếm nguyên một tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa là Phước Long. Cuộc tiến chiếm này nhằm trắc nghiệm phản ứng của Hoa Kỳ. Lúc này, từ Tổng Thống chỉ định Gerald Ford, chẳng ai còn nhớ những lời cam kết long trọng của Tổng Thống dân cử Nixon trong hơn 30 văn thư gửi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong những văn thư này, vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ hứa sẽ tái oanh tạc Bắc Việt, đồng thời phản công tức thời các lực lượng võ trang Bắc Việt xâm nhập Miền Nam, bằng những võ khí mạnh nhất như Không Đoàn B52.
Sau vụ Phước Long, trong một phiên họp của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản, Lê Duẩn đã giơ hai tay reo lên: “Nó bỏ rồi!”
Và 3 tháng sau, các chiến xa Liên Xô vượt qua hàng rào Dinh Độc Lập báo hiệu sự cáo chung của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc này, bất chấp Hiệp Định Paris, Bắc Việt đã kéo thêm 25 sư đoàn chính quy vào chiến trường Miền Nam để yểm trợ số hơn 100 ngàn quân đã xâm nhập từ Chiến Dịch Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Từ đó Hiệp Định Hòa Bình Paris chỉ còn là tờ giấy lộn. Và những điều khoản cam kết hành sử quyền dân tộc tự quyết bằng đường lối hòa bình chỉ là những bánh vẽ do phe chủ chiến Lê Đức Thọ ban phát cho kẻ chủ bại Kissinger. Chẳng hạn như Điều 15 Hiệp Định Hòa Bình Paris: “Việc thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở thương nghị và thỏa thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính bên nào. Thời gian thống nhất sẽ do hai Miền Nam, Bắc Việt Nam đồng thỏa thuận (theo nguyên tắc nhất trí)!”
MỘT THỜI GIAN ĐỦ DÀI ĐỂ CÓ MỘT KHOẢNG CÁCH HỢP LÝ
Cuộc “Đại Thắng Mùa Xuân 1975” khó có thể có nếu Hoa Kỳ không nhất định bỏ Miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc mật đàm giữa Thủ Tướng Chu Ân Lai và Henry Kissinger ở Đại Sảnh Nhân Dân Bắc Kinh nhân dịp Tổng Thống Richard Nixon công du Trung Quốc và gặp Mao Trạch Đông ngày 21-2-1972, Kissinger nói thẳng với Chu Ân Lai: “Chúng tôi không quan tâm đến việc hủy diệt (Cộng Sản Việt Nam), và ngay cả việc đánh bại nó”.
Mỹ đã thỏa thuận với Trung Quốc để Cộng Sản Việt Nam chiếm Miền Nam sau khi Mỹ rút quân một thời gian. Kissinger xác nhận với Chu Ân Lai rằng Mỹ có thể chấp nhận Cộng Sản Miền Bắc chiếm Miền Nam bằng vũ lực, nếu việc này xẩy ra sau khi Mỹ rút quân khỏi đây một thời gian đủ dài để có một khoảng cách hợp lý (decent interval): “Nếu Bắc Việt nghiêm túc đàm phán với Miền Nam, và nếu sau một thời gian đủ dài sau khi chúng tôi đã hoàn toàn không còn dính líu gì (với Miền Nam) nữa, theo suy đoán riêng, tôi tin rằng khó có thể chúng tôi quay trở lại và khó có khả năng việc ấy sẽ xẩy ra”. Kissinger nói rõ hơn: “Nếu chúng tôi có thể chung sống với Chính Phủ Cộng Sản tại Trung Quốc, thì chúng tôi cũng có khả năng chấp nhận một chính quyền Cộng Sản ở Đông Dương”. Kissinger trắng trợn nói thẳng: “Hà Nội đã làm gì đến nỗi chúng tôi không thể, trong vòng 10 năm, thiết lập bang giao mới” (The White House, Memorandum of Conversation- Top secret / sensitive-Exclusive eyes only, p.p. 27-29: Cao Thế Dung: Đảng Cộng Sản Việt Nam 2007).
7 tháng trước, trong hai ngày 9 và 10 tháng 7-1971, trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai, Kissinger tiết lộ:
“Hoa Kỳ sẽ triệt thoái toàn thể quân lực ra khỏi Việt Nam và sẽ không bao giờ trở lại nếu có những điều khoản về ngừng bắn và trao trả tù binh trong Hiệp Định Paris. Lập trường của Hoa Kỳ là không nhất thiết duy trì một chính phủ đặc biệt nào (như Việt Nam Cộng Hòa) tại Miền Nam Việt Nam. Nếu có một giải pháp chính trị hợp lý phản ánh những tương quan lực lượng chính trị tại Miền Nam thì chúng tôi sẽ tôn trọng giải pháp đó. Nhưng chúng tôi cũng cần có một thời gian hợp lý cho giải pháp này (decent interval solution). Hôm qua Thủ Tướng có đề cập đến việc Bắc Việt sẵn sàng hy sinh hàng triệu người cho công cuộc này. Tôi xin thưa với Thủ Tướng rằng Bắc Việt không cần phải hy sinh thêm 1 triệu người nữa đâu…” (Jeffrey Kimball: The Vietnam War Files, 2004).
MẬT ĐÀM VÀ MẬT ƯỚC
Để chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam, ngày 27-1-1973, các bên tham gia Hội Nghị Paris đã ký một thỏa ước mệnh danh là “Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam”. Để bảo đảm sự thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định này, ngoài 4 bên kết ước là Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, còn có sự tham dự và bảo lãnh của tứ cường Anh, Nga, Pháp, Hoa và của 4 nước trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát là Ba Lan, Canada, Hung-Gia-Lợi và Nam Dương. Trong bản Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam ngày 2-3-1973, ngoài các đại diện của 12 “nước” nói trên, còn có sự hiện diện và chứng minh của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.
Đọc kỹ Hiệp Định Paris 1973, chúng ta sẽ tìm thấy những nguyên nhân sâu xa và tiềm ẩn đưa tới việc Bắc Việt thôn tính Miền Nam 2 năm sau khi Hiệp Định Paris vừa ráo mực. Đây hiển nhiên là một vi phạm cực kỳ thô bạo. Luật pháp văn minh của loài người đã bị thay thế bằng luật rừng xanh.
Nghịch lý cơ sở thứ nhất là việc Hoa Kỳ chấp nhận cho phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tham dự hội nghị và ký tên trong Hiệp Định bằng vai phải vế với Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ, dưới danh nghĩa đại diện “Chính Phủ” Cách Mạng Lâm Thời của “Nước” Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản, cũng như các Mặt Trận Việt Minh, Mặt Trận Liên Việt, Mặt Trận Tổ Quốc, Đảng Dân Chủ, Đảng Xã Hội v…v… đã được Đảng Cộng Sản Đông Dương khai sanh vì lý do thời cuộc từ thập niên 1940.
Từ sau 1975, khi Đảng Cộng Sản công khai xuất hiện để lãnh đạo Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, các tổ chức ngoại vi nói trên như Đảng Dân Chủ của Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Hoàng Minh Giám, Nghiêm Xuân Yêm, và Đảng Xã Hội của Nguyễn Xiển đã bị giải thể sau khi hoàn thành sứ mạng bày cảnh đa đảng cho Bắc Việt. Trước đó cùng chung số phận, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Nguyễn Hữu Thọ và Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ của Trịnh Đình Thảo cũng đã bị giải thể từ tháng 11-1975 sau khi hoàn thành sứ mạng gây ảo tưởng Chiến Tranh Miền Nam là một cuộc nội chiến do chính người Miền Nam phát động, chứ không phải do Bắc Việt đẩy tới. Ngay cả quân lực Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng đã được sát nhập và “thống nhất” với quân lực Bắc Việt từ sau 30-4-1975.
Cho đến tháng 1-1973 khi ký Hiệp Định Paris, Hà Nội vẫn ngoan cố phủ nhận sự tham gia của các binh sĩ Bắc Việt tại chiến trường Miền Nam. Cho đây chỉ là cuộc nội chiến nên không có vấn đề quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam. (North Vietnam refused to withdraw their forces from South Vietnam. They asserted that the conflict was a civil war and refused to acknowledge explicitly that they had any troops in the South. Hanoi therefore rejected our repeated demands for their withdrawal on the grounds that they were not involved in the war: Richard Nixon, sách đã dẫn).
Ngày nay sự thật lịch sử đã chứng minh ngược lại. Từ sau 1975, cũng như các cây kiểng Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội tại Miền Bắc, hai cái bóng ma Mặt Trận Giải Phóng và Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ tại Miền Nam cũng đã bị khai tử và an táng trong Bãi Tha Ma của Lịch Sử với bao oan nghiệt gây ra do những kẻ rước voi về giầy mồ các bậc Tổ Phụ trong Nghĩa Trang Dân Tộc.
Trở lại Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai (1955-1975), tới tháng 12-1972, do cuộc Tập Kích Chiến Lược Mùa Giáng Sinh, Hoa Kỳ đã thắng trong chiến tranh. Nhưng, chỉ một tháng sau, từ tháng 1-1973 với Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ đã thua trong hòa bình. Do những điều kiện khắc nghiệt của tình thế, như áp lực của phe phản chiến, của dân chúng chán ghét chiến tranh, của các cơ quan truyền thông mị dân cố tình sao chép những điều dối trá, bóp méo sự thật do phe Quốc Tế Cộng Sản cung cấp, và của đảng đối lập đa số tại Quốc Hội Hoa Kỳ.
Theo sách lược cố hữu của Cộng Sản, ký hiệp ước không phải để thi hành hiệp ước mà chỉ nhằm đạt được những mục tiêu chính trị giai đoạn.
Thủ thuật này đã được áp dụng hữu hiệu trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất (1946-1954) và Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai (1955-1975):
1) Năm 1946, Cộng Sản ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny, nhờ Pháp tống xuất quân đội Trung Hoa để thừa cơ thanh toán các đảng phái quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc như Quốc Dân Đảng, Đồng Minh Hội, Đại Việt, Duy Dân v…v…. Sau đó lại phát động Chiến Tranh Chống Pháp tháng 12 năm đó.
2) Năm 1954, Cộng Sản ký Hiệp Định Đình Chiến Geneva để tống xuất quân đội Pháp và nắm chính quyền tại Miền Bắc. Sau đó lại tái phát động Chiến Tranh Thôn Tính Miền Nam.
3) Năm 1973, Cộng Sản ký Hiệp Định Hòa Bình Paris để tống xuất quân đội Hoa Kỳ. Để sau một khoảng “thời gian hợp lý”, lại tái phát động chiến tranh để thôn tính Miền Nam, bất chấp lời cam kết chỉ “thực hiện thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở thương nghị và thỏa thuận, không cưỡng ép, không thôn tính, thời gian thống nhất sẽ do hai Miền đồng thỏa thuận”.
Khi xé bỏ Hiệp Định Paris 1973, Cộng Sản đã hạ nhục hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa và 8 quốc gia khác đã cùng ký Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam ngày 2-3-1973 để bảo đảm sự thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định. Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc hiện diện và chứng minh bản Định Ước cũng mất mặt. Vì Liên Hiệp Quốc đã bị Cộng Sản dùng làm bung sung trong sách lược ru ngủ dư luận quốc tế để tạo thời cơ xâm chiếm Miền Nam Việt Nam bằng võ lực. Nếu Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý và đạo lý thì Liên Hiệp Quốc cũng có trách nhiệm tinh thần, vì đã không góp phần vào việc duy trì hòa bình tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Và bẽ bàng hơn cả là Ban Tổ Chức Giải Hòa Bình Nobel đã trao giải này cho Lê Đức Thọ là kẻ lưu manh phát động chiến tranh xâm lược và Kissinger là kẻ trí trá đem lại hòa bình của những nấm mồ. Hơn 3 triệu người đã bị sát hại sau 1975 tại Việt Nam và Cam Bốt, và hàng chục triệu người khác đã bị kìm kẹp trong guồng máy độc tài phi nhân, trái với quyền dân tộc tự quyết được quy định trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành.
ĐỀ NGHỊ 10 ĐIỂM CỦA BẮC VIỆT
Ngày 8-5-1969 Tổng Thống Nixon đưa ra Bản Đề Nghị 8 Điểm của Hoa Kỳ nhằm giải quyết Chiến Tranh Việt Nam bằng thương nghị. Ngày hôm sau, 9-5-1969, để giành chính nghĩa, Bắc Việt cũng đưa ra bản đề nghị trong cái gọi là “Kế Hoạch Hòa Bình 10 Điểm”. 4 năm sau, ngày 27- 1-1973 khi Hội Nghị Paris kết thúc, toàn bộ kế hoạch của Bắc Việt đã được Hoa Kỳ chấp nhận.
– Điểm 1: Tôn trọng những quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, như độc lập, thống nhất, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, như Hiệp Định Geneva năm 1954 đã công nhận.
-Điểm 2: Hoa Kỳ phải [đơn phương] rút ra khỏi Miền Nam Việt Nam tất cả quân đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các quốc gia đồng minh mà không đòi điều kiện nào; Hoa Kỳ phải hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở Miền Nam Việt Nam.
– Điểm 3: Quyền chiến đấu để bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam là quyền tự vệ thiêng liêng và bất khả chuyển nhượng của mọi dân tộc.
– Điểm 4: Nhân dân Miền Nam Việt Nam sẽ tự giải quyết lấy những vấn đề nội bộ của họ, không có sự can thiệp của ngoại bang. Nhân dân Miền Nam Việt Nam sẽ tự lựa chọn chế độ chính trị cho Miền Nam Việt Nam qua những cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ; Quốc Hội Lập Hiến sẽ được thành lập để soạn thảo Hiến Pháp, Chính Phủ Liên Hiệp Miền Nam Việt Nam sẽ được thành lập trong tinh thần hòa giải hòa hợp và đại đoàn kết quốc gia.
– Điểm 5: Trong thời gian chuyển tiếp, từ khi tái lập hòa bình đến khi tổ chức tổng tuyển cử, các bên ở Miền Nam không được áp đặt chế độ chính trị của mình cho nhân dân Miền Nam.
Các lực lượng chính trị đại diện các tầng lớp xã hội và các khuynh hướng chính trị ở Miền Nam Việt Nam chủ trương hòa bình, độc lập và trung lập, kể cả những người đang sống ở ngoại quốc vì lý do chính trị, cũng được quyền tham dự vào việc thương nghị để thành lập Chính Phủ Liên Hiệp Lâm Thời. Chính phủ này phải được đặt trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và tương kính , nhằm xây dựng một Miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và trung lập. Chính Phủ Liên Hiệp Lâm Thời có những trách nhiệm sau đây:
– Thi hành những điều khoản đã được thỏa thuận về việc rút quân của Hoa Kỳ và của các quốc gia đồng minh ra khỏi Miền Nam Việt Nam.
– Thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc và đại đoàn kết quốc gia giữa các tầng lớp xã hội, các lực lượng chính trị và các sắc tộc.
– Tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ trong toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam để thực thi quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam chiếu theo điểm 4 nói trên.
– Thực thi những quyền tự do dân chủ thiết yếu như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội và lập đảng chính trị, tự do biểu tình v…v….
– Phóng thích tất cả những người đang bị giam cầm vì lý do chính trị, cấm mọi hành động khủng bố, trả thù và kỳ thị đối với những người đã cộng tác với các bên, hiện sống ở trong nước hay ở ngoài nước chiếu theo Hiệp Định Geneva 1954.
– Hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế, bình thường hóa đời sống của nhân dân và cải thiện đời sống của giới lao động.
– Điểm 6 : Miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình và trung lập (miền Bắc không bị ràng buộc bởi điều kiện này):
– Giao hảo với Vương Quốc Cam Bốt trên căn bản tôn trọng độc lập, chủ quyền, trung lập và sự toàn vẹn lãnh thổ và biên giới của quốc gia này; giao hảo với Vương Quốc Lào trên căn bản tôn trọng Nghị Định Thư năm 1962 [bảo đảm nền trung lập của Ai Lao].
– Thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa với tất cả các quốc gia trên thế giới kể cả Hoa Kỳ, không phân biệt về chính trị và xã hội, theo 5 Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình [của phe Phi Liên Kết Á Phi từ Hội Nghị Bandung 1955]; cùng tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, không gây hấn, không can thiệp vào việc nội bộ, bình đẳng và lưỡng lợi, sống chung hòa bình, nhận viện trợ kinh tế và kỹ thuật của các quốc gia mà không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện chính trị nào.
– Điểm 7: Nền thống nhất của Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở thương thảo và thỏa hiệp giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam không có sự can thiệp của nước ngoài.
Trong khi chờ đợi thống nhất Việt Nam trong hòa bình:
– Hai miền sẽ tái lập quan hệ ngoại giao trong mọi lãnh vực trên căn bản tương kính.
– Giới Tuyến Quân Sự Tạm Thời giữa hai miền tại Vĩ Tuyến 17 quy định trong Hiệp Định Geneva 1954, chỉ là tạm thời, và không phải là một ranh giới về chính trị hay lãnh thổ.
– Hai miền sẽ ký thỏa ước về quy chế Vùng Phi Quân Sự, và cách thức di chuyển qua Giới Tuyến Quân Sự Tạm Thời.
– Điểm 8: Trong khi chờ đợi sự thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, theo quy định của Hiệp Định Geneva 1954, hai Miền Nam Bắc không tham gia bất cứ liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào, không cho phép nước ngoài duy trì căn cứ quân sư, hay trú đóng quân đội và nhân viên quân sự trên đất mình.
– Điểm 9: Để giải quyết vấn đề hậu chiến:
– Các bên sẽ thương thuyết về việc trao trả tù binh của các bên bị bắt giữ trong thời chiến.
– Chính Phủ Hoa Kỳ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tổn thất và tàn phá gây ra cho nhân dân Việt Nam ở cả hai miền.
– Điểm 10: Các bên sẽ đi đến thỏa ước về việc giám sát quốc tế trong việc triệt thoái quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí và vật dụng chiến tranh của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh ra khỏi Miền Nam Việt Nam (không nói gì đến Bắc Việt).
Đề Nghị 10 Điểm của Bắc Việt hồi tháng 5-1969 tập trung vào 4 chủ đề:
– Chủ Đề I: Các Điểm 1, 3 và 7 coi Việt Nam vẫn là một nước duy nhất và thống nhất với lãnh thổ toàn vẹn. Chủ đề này nhằm xé bỏ Hiệp Định Geneva tháng 7-1954 đã phân chia Việt Nam thành hai quốc gia, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. (Cũng như hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn đã được thành lập do Hiệp Định Bàn Môn Điếm tháng 7-1953 tại Triều Tiên).
– Chủ Đề II: Các Điểm 2, 8 và 10 nói về sự ngừng bắn tại chỗ và sự triệt thoái [đơn phương] của quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh như Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân và Đại Hàn.
– Chủ Đề III: Điểm 9 nói về sự trao trả tù binh dẫn đến việc Hoa Kỳ là kẻ gây chiến phải chịu trách nhiệm bồi thường chiến tranh và tái thiết hai miền Việt Nam.
– Chủ Đề IV: Các Điểm 4, 5 và 6 nói về những vấn đề và giải pháp chính trị tại Miền Nam như tổ chức Tổng Tuyển Cử, soạn thảo Hiến Pháp mới và thành lập Chính Phủ Liên Hiệp 3 Thành Phần theo chính sách trung lập như Cao Miên và Ai Lao trong Khối Phi Liên Kết Á-Phi. Chủ đề này nhằm xóa bỏ Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967, giải tán Chính Phủ và giải thể chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
4 Chủ Đề nói trên do Bắc Việt đưa ra từ tháng 5-1969 đã được chấp nhận toàn bộ trong 8 Chương của Hiệp Định Paris tháng 1-1973.
– Chủ Đề I: Về Tâm Lý Chiến: Lãnh thổ Việt Nam Thống Nhất
(Các Điểm 1, 3 và 7)
Chủ đề này đòi xác nhận Việt Nam là một quốc gia thống nhất, lãnh thổ toàn vẹn bất khả phân (Điểm 1)
Giới Tuyến Quân Sự tại Vĩ Tuyến 17 quy định trong Hiệp Định Geneva 1954 không có giá trị là một ranh giới chính trị hay biên thùy lãnh thổ (Điểm 7)
Như vậy bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có quyền đi lại trong lãnh thổ thống nhất của Việt Nam (từ Nam Quan đến Cà Mau) để chiến đấu bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm dưới bất cứ hình thức nào (Điểm 3)
Đây thực ra chỉ là một sách lược của Bắc Việt nhằm xóa bỏ Hiệp Định Geneva 1954. Vì, như đã trình bày:
“Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam Bắc kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Lực lượng Liên Hiệp Pháp phải rút khỏi tất cả các hải đảo ven bờ biển thuộc phía Bắc giới tuyến (Vỹ Tuyến 17). Và quân đội Bắc Việt phải rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam”. (Điều 4 Hiệp Định Geneva 1954).
Lẽ tất nhiên, nếu có giới tuyến cho miền lãnh hải thì cũng phải có giới tuyến cho vùng lãnh thổ (Vỹ Tuyền 17). Giới tuyến này có hiệu lực trong 21 năm tại Việt Nam (1954-1975). Nó vẫn còn có hiệu lực trên 57 năm tại Triều Tiên (từ 1953 cho đến nay).
Về mặt tâm lý chiến, Hồ Chí Minh hằng tuyên bố: “Quyền chiến đấu để bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam là quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng”. Vì vậy Bắc Việt không bao giờ chấp nhận rút quân khỏi Miền Nam và đã kết án Hoa Kỳ là kẻ gây chiến phải chịu trách nhiệm bồi thường chiến tranh và tái thiết hậu chiến. Điều này đã được mặc nhiên chấp thuận trong Chương VIII Hiệp Định Paris theo đó “Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết Bắc Việt và Đông Dương sau chiến tranh” (Điều 21)
Chủ Đề I đã được Hiệp Định Paris chấp nhận trong Điều 1 Chương I và Điều 15 Chương V (mỗi chương chỉ có một điều).
Điều 1: “Hoa Kỳ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền,sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp Định Geneva 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Điều 15: (a)“Trong khi chờ đợi thống nhất: Giới Tuyến Quân Sự giữa hai miền tại Vĩ Tuyến 17 không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ như quy định trong đoạn 6 của Tuyên Ngôn Sau Cùng của Hội Nghị Geneva năm 1954”.
Chủ Đề I của Đề Nghị Bắc Việt nhằm xóa bỏ tư cách pháp nhân của Việt Nam Cộng Hòa, xóa bỏ Hiệp Định Geneva, xóa bỏ Giới Tuyến Quân Sự là Vỹ Tuyến 17 cũng như vùng Phi Quân Sự 10 cây số. Đó là nghịch lý cơ sở thứ hai.
Đề nghị này có tác dụng không ngăn cản những cuộc di chuyển của các cán binh Bắc Việt xâm nhập Miền Nam, nói là để chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chống Hoa Kỳ là kẻ xâm lược hay kẻ can thiệp.
Về mặt pháp lý, sau khi Hiệp Định Geneva được ký ngày 20-7-1954, qua hôm sau, 21-7-1954, Hội Nghị công bố bản Tuyên Ngôn Sau Cùng, khuyến cáo hai bên tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam vào tháng 7-1956. Tuy nhiên tuyên ngôn không phải là hiệp ước nên không có giá trị pháp lý. Hơn nữa Tuyên Ngôn Sau Cùng ngày 21-7-1954 không mang chữ ký của bất cứ phái đoàn nào, kể cả Bắc Việt và Quốc Gia Việt Nam, nên không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực ràng buộc Việt Nam Cộng Hòa.
Theo Công Pháp Quốc Tế, từ 1954 Việt Nam không còn là một quốc gia thống nhất vì lãnh thổ đã bị qua phân tại Vĩ Tuyến 17. Từ đó tại Việt Nam có hai quốc gia, hai chính phủ, hai quân đội và hai miền lãnh thổ. Cũng như tại Triều Tiên sau Hiệp Định Bàn Môn Điếm từ 57 năm nay. Như vậy, năm 1973 nói đến một nước Việt Nam thống nhất chỉ là tuyên truyền vọng tưởng chứ không phải là hiện thực.
Chính Hiệp Định Geneva 1954 cũng xác nhận điều đó:
1) Điều 14 đề cập đến giải pháp chính trị cho Việt Nam có ghi: “Trong khi chờ đợi Tổng Tuyển Cử để thống nhất nước Việt Nam, bên nào có quân đội tập hợp ở vùng nào thì sẽ phụ trách quản trị hành chánh ở vùng đó”. Vì chưa có tổng tuyển cử nên chưa có thống nhất.
2) Điều 24: “Các lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ phải tôn trọng vùng phi quân sự và lãnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát của bên kia”. Vì có hai quốc gia nên có hai lãnh thổ. Và giới tuyến quân sự (Vỹ Tuyến 17) là biên giới của hai nước Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếu Hiệp Định Geneva 1954.
3) Điều 6: “Bất cứ người nào, quân nhân hay thường dân, đều không được vượt qua giới tuyến quân sự tạm thời nếu không có giấy phép của Ban Liên Hợp”.
4) Điều 7: “Bất cứ người nào, quân nhân hay thường dân, đều không được vào khu phi quân sự nếu không có giấy phép của Ban Liên Hợp.”
Như vậy ngày nào Hiệp Định Geneva còn có hiệu lực thì Việt Nam không phải là một quốc gia thống nhất như bản Đề Nghị của Bắc Việt đã khẳng định trong Chủ Đề I.
Mặc dầu vậy, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tuyên bố rằng quyền chiến đấu chống xâm lăng để bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam là quyền tự vệ thiêng liêng. Đó chỉ là một quan điểm chủ quan. Vả lại sự thật lịch sử cho biết, tại Miền Nam Việt Nam, không phải Hoa Kỳ, Bắc Việt mới chính là kẻ xâm lăng.
Do chính sách giảo hoạt của người Cộng Sản và sự ngây thơ của chính giới Hoa Kỳ và dã tâm của Kissinger muốn bỏ rơi Việt Nam, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Hiệp Định Paris 1973 đã chấp nhận Chủ Đề I của Bắc Việt và chấp nhận quan điểm của Bắc Việt theo đó Việt Nam là một quốc gia đã thống nhất. Trên mặt trận tâm lý, Hoa Kỳ đã thua Bắc Việt. Tâm lý ảnh hưởng đến pháp lý và thực tế.
– Chủ Đề II: Về mặt Quân Sự: Ngừng Bắn, Rút Quân, Căn Cứ Quân Sự, Liên Minh Quân Sự .
(Các Điểm 2, 8 và 10 của Đề Nghị Bắc Việt)
Các Điểm 2 và 8 trong Đề Nghị Bắc Việt đòi Hoa Kỳ phải [đơn phương] rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam kể cả các quân đội của các quốc gia đồng minh như Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân và Đại Hàn.
Đồng thời, hai Miền Nam Bắc phải hủy bỏ các căn cứ quân sự và không tham gia vào các liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào.
Điểm 10 nói về việc thành lập cơ quan kiểm soát quốc tế để giám sát sự triệt thoái của các quân lực Hoa Kỳ và đồng minh ra khỏi Miền Nam Việt Nam.
Những Đề Nghị này đã được chấp thuận trong Hiệp Định Paris 1973 nơi Chương II nói về sự ngừng bắn tại chỗ hay ngừng bắn da beo 24 giờ sau ngày ký Hiệp Định.
Điều 2: “Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp Miền Nam Việt Nam kể từ 24 giờ ngày 27-1-1973”.
Điều 3 nói về nguyên tắc Ngừng Bắn Tại Chỗ hay Ngừng Bắn Da Beo: “Bắt đầu từ khi ngừng bắn:
a. Các lực lượng của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đồng minh của Hoa Kỳ và của Việt Nam Cộng Hòa sẽ ở nguyên vị trí của mình trong lúc chờ đợi thực hiện kế hoạch rút quân.
b. Các lực lượng vũ trang của hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình.” (không phải rút quân).
Điều 5: “Sự rút quân của Hoa Kỳ và của các quốc gia đồng minh phải được hoàn thành trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký Hiệp Định”.
Điều 6 nói về sự hủy bỏ các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Miền Nam Việt Nam.
Và Chương VI Hiệp Định Paris quy định việc thành lập Ban Liên Hợp Quân Sự (Điều 16), Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát (Điều 18), đặc biệt là Hội Nghị Quốc Tế (của 12 nước) về Việt Nam: gồm có bốn bên kết ước, tứ cường Anh, Pháp, Nga, Hoa và bốn quốc gia giám sát là Ba Lan, Canada, Hung Gia Lợi và Nam Dương. Ngoài ra còn có sự hiện diện và chứng minh của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. (Điều 19). Ngày 2-3-1973, 12 “nước” đã ký bản Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam để bảo đảm sự thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973.
Khách quan mà xét đây chỉ là những tổ chức hay cơ quan kiểm soát và giám sát trang trí, hữu danh vô thực. Đó là liều thuốc an thần trấn an dư luận cho Hoa Kỳ triệt thoái quân đội khỏi Miền Nam. Lý do dễ hiểu là các cơ quan kiểm soát này chỉ có thể lập phúc trình và quyết định theo nguyên tắc nhất trí. Vì cần có nhất trí nên thành bất động. Trong các Ban Liên Hợp Quân Sự cũng như trong Ủy Ban Kiểm Soát và Giám Sát không bao giờ đạt được nhất trí. Vì có hai thành phần thường xuyên đối kháng nhau.
Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát gồm đại diện hai nước Cộng Sản Ba Lan và Hung Gia Lợi, một nước trung lập (Nam Dương) và một nước thuộc phe dân chủ (Canada). Không bao giờ Ủy Ban có sự nhất trí, ngoại trừ bản phúc trình duy nhất mang bốn chữ ký xác nhận Sa Huỳnh thuộc vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa hồi tháng 1-1973. Sau vụ này đại diện Ba Lan bị cách chức. Hơn nữa ngày 7-4-1973 quân đội Bắc Việt đã bắn hạ hai trực thăng của Ủy Ban tại Ban Mê Thuột đưa đến sự từ chức của phái bộ Canada. Từ đó Bắc Việt được tự do hoành hành. Họ đã vi phạm Hiệp Định Paris hơn 2 ngàn lần năm 1973 so với khoảng 1 ngàn vụ vi phạm năm 1972. Đó là sách lược Vừa Đánh Vừa Đàm áp dụng từ Chiến Tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950. Tại Việt Nam chính sách này được mệnh danh là “Giành Dân Lấn Đất”. Ngay cả những vụ vi phạm thô bạo nhất của Bắc Việt như những vụ tiến chiếm Phước Long tháng 1-1975, Ban Mê Thuột tháng 3-1975 và Đà Nẵng tháng 4-1975 cũng không thấy Ủy Ban Kiểm Soát và Giám Sát lập phúc trình!
Đặc biệt là theo Đề Nghị Bắc Việt và Điều 3 Hiệp Định Paris, sự ngừng bắn tại chỗ hay ngừng bắn da beo cho phép các lực lượng đối nghịch (kể cả Bắc Việt) được giữ nguyên vị trí của mình. Và như vậy đã mặc nhiên cho phép quân Bắc Việt được tiếp tục đồn trú trên lãnh thổ Miền Nam. Đó là nghịch lý cơ sở thứ ba.
Về khoản rút quân, Hiệp Định Paris chỉ nói về sự triệt thoái đơn phương của các quân lực Hoa Kỳ và đồng minh. Trong khi đó không có điều khoản nào buộc quân đội và cán bộ Bắc Việt xâm nhập Miền Nam phải triệt thoái ra khỏi Vỹ Tuyến 17 như Hiệp Định Geneva 1954 đã quy định. (Trong thời gian hòa đàm 1954, Bắc Việt đã bác bỏ đề nghị ngừng bắn tại chỗ hay ngừng bắn da beo tại hai miền Nam Bắc).
Theo Hiệp Định Geneva 1954, hai bên phải tập kết và rút quân ra khỏi giới tuyến quân sự tạm thời (Vỹ Tuyến 17). Quân đội Bắc Việt phải rút về phía Bắc giới tuyến, và quân đội Quốc Gia Việt Nam và quân đội Liên Hiệp Pháp phải rút về phía Nam giới tuyến. Sự rút quân song phương đã được tiến hành theo trình tự như sau:
1. Về phía Bắc Việt: Khu Đồng Tháp Mười trong thời hạn 100 ngày, khu Mũi Cà Mâu 200 ngày và đợt chót ở Trung Phần 300 ngày.
2. Về phía Quốc Gia Việt Nam và Liên Hiệp Pháp: 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày tại Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng.
Trong thời gian tập kết 300 ngày, gần 1 triệu đồng bào Miền Bắc đã bỏ phiếu bằng chân khi rời bỏ Miền Bắc vào Nam tìm Tự Do.
Chủ Đề III: Về Mặt Nhân Đạo và Tái Thiết: Phóng Thích Tù Binh Và Bồi Thường Chiến Tranh
(Điểm 9 Đề Nghị Bắc Việt)
Chương III (Điều 8) và Chương VIII (Điều 21) Hiệp Định Paris đề cập đến việc trao trả tù binh, bồi thường chiến tranh và tái thiết Đông Dương. Đây chỉ là sự sao chép đề nghị và quan điểm của Bắc Việt theo đó Hoa Kỳ là kẻ gây chiến nên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tổn thất và tàn phá gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Và Điểm 9 Đề Nghị Bắc Việt ngụ ý nói, nếu muốn đòi thả tù binh, phải bồi thường chiến tranh và tái thiết hậu chiến. Hoa Kỳ đã ưng chịu tuân hành khi ký Hiệp Định.
Chủ Đề IV: Về mặt Chính Trị: Những Vấn Đề và Giải Pháp
(Các Điểm 4, 5, 6 của Đề Nghị Bắc Việt)
Chủ Đề này đề cập đến những giải pháp chính trị sẽ được áp dụng tại Miền Nam Việt Nam khi Hiệp Định Paris được ký kết và thi hành.
Điểm 4 Bản Đề Nghị Bắc Việt đòi quyền dân tộc tự quyết cho nhân dân Miền Nam (nhân dân Miền Bắc không được hưởng quyền này), được lựa chọn chế độ chính trị thông qua Tổng Tuyển Cử để soạn thảo Hiến Pháp Mới, tiến tới việc thành lập một Chính Phủ Liên Hiệp theo Chế Độ Trung Lập chiếu 5 Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình của Hội Nghị Bandung 1955 và của phe Phi Liên Kết Á Phi.
Như vậy Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị giải thể, Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị hủy bỏ để thành lập Chính Phủ Liên Hiệp 3 thành phần ngang nhau: Cộng Sản, Trung Lập thiên cộng và Cộng Hòa. Từ nay trong tương quan lực lượng, phe Cộng Hòa chỉ còn 1/3 tại Miền Nam và 1/6 tại Việt Nam. Vả lại sự phân quyền này không căn cứ vào những tương quan chính trị và xã hội. Trên thực tế Cộng Sản chỉ kiểm soát được chừng 10% dân chúng. Phe trung lập thiên cộng chỉ là “mấy anh phiêu lưu chính trị và tập sự chính trị vô tích sự hay phê bình vung vít” (Đại Sứ Jean Marie Merillon). Đến đầu năm 1975 Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa vẫn kiểm soát trên 85% dân chúng Miền Nam Việt Nam.
Do đó sự thành lập Chính Phủ Liên Hiệp 3 thành phần ngang nhau là bất công. Đây chỉ là một kế hoạch thôn tính Miền Nam bằng đường lối hòa bình.
Dầu sao, đối với Bắc Việt, đó vẫn là hạ sách.
Mục tiêu chủ yếu của họ là, với hơn 100 ngàn quân đồn trú sẵn tại Miền Nam cộng với số quân xâm nhập năm 1975 chừng 250 ngàn, khi điều kiện cho phép, họ sẽ xâm chiếm Miền Nam bằng võ lực. Cơ hội ngàn năm một thuở của Bắc Việt là sự vướng mắc của Tổng Thống Nixon trong vụ Watergate (từ tháng 4-1973 đến tháng 8-1974). Thêm vào đó là chủ trương của Hoa Kỳ muốn triệt thoái toàn bộ quân lực ra khỏi Việt Nam để đòi phóng thích tù binh sau khi ngừng bắn. Kể từ tháng 6-1973 Quốc Hội không còn cấp ngân khoản cho quân lực Hoa Kỳ chiến đấu tại Đông Dương. Và Luật về Quyền Lực Chiến Tranh tháng 10-1973 đã trói tay hành động của Hành Pháp vốn là cơ quan hành động.
Vì không còn lo sợ bị oanh tạc, hàng chục sư đoàn chính quy Bắc Việt, với sự yểm trợ tối đa của Liên Xô và Trung Quốc, đã công khai di chuyển từ các căn cứ tại Ai Lao, Cao Miên và Bắc Việt vào chiến trường Miền Nam từ tháng 11-1973, nhất là từ tháng 8-1974 khi Nixon từ chức.
Như đã trình bày, 3 nghịch lý cơ sở là:
1) Theo Hiệp Định Geneva 1954, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có hai quốc gia là Việt Nam Cộng Hòa tại Miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Miền Bắc. Vì lãnh thổ quốc gia đã bị chia cắt nên không còn thống nhất (Quốc Gia Việt Nam không ký Hiệp Định Geneva 1954 nên không chịu trách nhiệm về sự qua phân lãnh thổ).
2) Về mặt quân sự chỉ thấy ghi sự triệt thoái đơn phương của Hoa Kỳ và Đồng Minh và không lý vấn gì đến sự hiện diện của hàng trăm ngàn binh sĩ Bắc Việt xâm nhập Miền Nam từ 1972.
3) Hơn nữa, về mặt chính trị và pháp lý, trong lãnh thổ Việt Nam chỉ có hai nước và không thể có một nước thứ ba mệnh danh là Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN).
Kế hoạch “3 Nước Việt” đã được Trung Quốc và Bắc Việt đề ra để giăng bẫy Hoa Kỳ. Chu Ân Lai đã du mị Kissinger bằng cách hứa hẹn dùng Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam làm quốc gia trung lập trái độn giữa Bắc và Nam Việt. Bắc Kinh còn tiết lộ họ đã ký với Giải Phóng Miền Nam một Hiệp Ước An Ninh Hỗ Tương theo đó “mọi vi phạm chủ quyền của Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sẽ được coi như vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”.
Và sau vụ thành lập “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời” (CPCMLT) còn có vụ đổi tên từ Xa Lộ Đông Trường Sơn (hay Đường Mòn Hồ Chí Minh) thành Quốc Lộ 1 Kép; Quốc Lộ 19 Pleiku-Qui Nhơn thành Quốc Lộ 2; và Quốc Lộ 21 Ban Mê Thuột-Nha Trang thành Quốc Lộ 3 trong một quốc gia mới được Trung Quốc khai sinh và nuôi dưỡng. CHMNVN sẽ đặt thủ đô tại Tây Nguyên. Và đến ngày trình diện, các phái đoàn của 80 nước, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ đổ bộ từ Đông Hà xuống Tây Nguyên bằng Xa Lộ Đông Trường Sơn hay Quốc Lộ 1 Kép để thừa nhận CPCMLT.
Về mặt quốc tế công pháp, trong một quốc gia không thể có hai nước. Điều này đi trái với Hiệp Định Geneva 1954 quy định thành lập hai quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc) (cũng như hai quốc gia Nam Hàn và Bắc Hàn theo Hiệp Định Bàn Môn Điếm 1953).
Do đó ngày nào Hiệp Định Geneva còn có hiệu lực (như Hiệp Định Bàn Môn Điếm) thì không thể có hai nước Việt tại Miền Nam, với hai chính phủ, hai quân đội, hai vùng lãnh thổ, hai loại cư dân, kể cả hai loại công an cảnh sát (như Điều 6 Nghị Định Thư Về Ngừng Bắn trong Hiệp Định Paris 1973 đã ám chỉ).
Từ 1969, do áp lực của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa đã phải nhìn nhận “thực thể Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” như kẻ đối thoại chính thức. Dầu rằng trước đó, cuộc Tổng Công Kích Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968 đã hoàn toàn thất bại về chính trị cũng như về quân sự.
Cộng Sản dối gạt các cán binh rằng vào Nam chỉ để tiếp thu và sẽ có tổng khởi nghĩa của nhân dân Miền Nam. Thật ra cuộc đồng khởi chính trị không được ai hưởng ứng. Theo báo cáo của thủ trưởng Tỉnh Định Tường (một thanh niên chưa tới 20 tuổi) thì ngày Tổng Khởi Nghĩa sẽ có 50 tổ đồng khởi. Vậy mà tới ngày đó, chỉ có một tổ của thủ trưởng mà thôi, “không thấy 49 tổ kia đâu hết!”.
Nhận định về sai biệt này, về mặt chính trị Hồ Chí Minh đúc kết: “Cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại vì báo cáo chủ quan”. (Tỷ lệ phóng đại là 98%).
Về mặt quân sự, cũng theo Hồ Chí Minh: “Cuộc Tổng Công Kích thất bại vì hạ tầng cơ sở du kích tan rã” do Chiến Dịch Lùng và Diệt Địch phát động từ 1965. Nhiều đơn vị Bắc Việt vào Nam đã bị tiêu diệt, có những đơn vị đi 2000 người mà sau một đêm chỉ còn có 30. (Tỷ lệ tổn thất cũng là 98%):
Mậu Thân, hai ngàn người xuống đồng bằng,
Chỉ một đêm, còn sống có ba mươi.
(Chế Lan Viên)
Như vậy khi Hội Nghị Paris khởi diễn tháng 5-1968, theo cán cân chính trị và quân sự, đáng lý Việt Nam Cộng Hòa phải ngồi vào ghế thượng phong ngang hàng với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chứ không thể chấp nhận cho cái bóng ma Mặt Trận Giải Phóng được sắm vai “nước thứ tư” tại Hội Nghị. Do những nhượng bộ quá đáng của Hoa Kỳ, trên thực tế Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn đại diện cho 1/3 nhân dân Việt Nam, trong thế giả tạo chia 3 Nước Việt do Trung Quốc đề ra để du mị Hoa Kỳ. Thời gian này báo chí Hoa Kỳ phản chiến cố tình phân biệt giả tạo giữa Việt Cộng (Miền Nam) với Cộng Sản Bắc Việt.
Từ 1949 khi Quốc Gia Việt Nam được thành lập do Hiệp Định Elysée, chỉ có một chính phủ hợp pháp do Quốc Trưởng Bảo Đại ủy nhiệm. Và từ 1956 dưới chính thể Cộng Hòa, Miền Nam Việt Nam vẫn chỉ có một chính phủ dân cử được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cuối tháng 12-1960, để giàn dựng cuộc “nội chiến”, Đảng Cộng Sản đã thành lập một tổ chức ngoại vi mệnh danh là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Và tới tháng 6-1969, tại Hội Nghị Paris, họ còn khai sanh cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời của Nước Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Như vậy, về pháp lý và chính trị, Việt Nam Cộng Hòa bị thu hẹp còn 1/4 lực lượng tại Việt Nam, ngang với CHMNVN.
Trở lại cuộc hòa đàm, Chủ Đề IV của Bắc Việt về những vấn đề chính trị tại Miền Nam đã được chấp nhận toàn bộ bởi Điều 9, Điều 12 và Điều 11 Hiệp Định Paris 1973:
– Điều 9: “Nhân dân Miền Nam Việt Nam sẽ tự quyết định về tương lai chính trị cho Miền Nam thông qua tổng tuyển cử tự do dưới sự giám sát của các cơ quan quốc tế”.
– Điều 12: “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ thành lập Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc 3 thành phần ngang nhau. Trong vòng 3 tháng hai bên sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của Miền Nam Việt Nam. Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do có giám sát quốc tế”.
– Điều 11: “Ngay sau khi ngừng chiến, hai bên Miền Nam sẽ đảm bảo những quyền tự do dân chủ của nhân dân, như tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hoạt động chính trị [lập đảng], tự do tín ngưỡng, tự do di chuyển, tự do cư ngụ, tôn trọng quyền tư hữu, và quyền tự do kinh doanh”. Và như vậy Đảng Cộng Sản sẽ được công khai hoạt động trái với Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.
Với sự xóa bỏ Hiệp Định Geneva 1954, sự thừa nhận nhà nước và chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, với điều khoản mặc nhiên cho phép quân Bắc Việt đồn trú tại Miền Nam, với sự rút quân đơn phương của Hoa Kỳ và đồng minh, với sự cắt viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa sau Hiệp Định Paris, đặc biệt là với việc Hoa Kỳ bội ước không tôn trọng lời cam kết của Tổng Thống Nixon trong 30 văn thư gửi Tổng Thống Thiệu hứa sẽ trả đũa quyết liệt bằng những võ khí mạnh nhất (như không đoàn B52) trong trường hợp Bắc Việt tấn công võ trang quy mô vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định, Nixon thú nhận rằng: “Hoa Kỳ đã phản bội Đồng Minh và đã thất bại trong việc thực thi những điều cam kết bảo vệ Độc Lập và Tự Do của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là sự phản bội và thất bại không tiền khoáng hậu trong lịch sử Hoa Kỳ”. (An unprecedented example of American betrayal and failure: Nixon, No More Vietnams).
Trong cuốn sách này, Nixon viết: “Mặc dầu chúng tôi không chấp nhận tính chính thống của quân đội Bắc Việt đồn trú tại Miền Nam, nhưng cho đến tháng 10-1972, chúng tôi vẫn không thể làm lay chuyển lập trường bất di bất dịch của Bắc Việt. Họ nhất quyết không chịu rút quân khỏi Miền Nam và chủ trương rằng Chiến Tranh Việt Nam chỉ là một cuộc nội chiến của hai phe Miền Nam. Họ khẳng định không có cán binh Bắc Việt nào xâm nhập Miền Nam. Và nhất quyết bác bỏ yêu cầu của chúng tôi đòi Bắc Việt phải rút quân, lý sự rằng họ không tham gia vào cuộc nội chiến tại Miền Nam”.
Chúng ta chỉ hỏi ông Nixon: Nếu không tham chiến, sao phải nghị hòa?.
Với sự du mỵ bằng những “cam kết ngầm” của Bắc Việt, Kissinger đã thúc đẩy Hoa Kỳ nhắm mắt chấp nhận các điều kiện của Bắc Việt. Và cả Chương II Hiệp Định Paris đã không viết một câu nào về việc quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam như trong Hiệp Định Đình Chiến Geneva 1954. Sau khi Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 được công bố, một nhân viên phái đoàn Bắc Việt trắng trợn tuyên bố với báo chí: “Khác với thời Hiệp Định Đình Chiến Geneva 1954, lần này, theo Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, chúng tôi không phải rút quân khỏi Miền Nam”.
Mặt khác, trong Đề Nghị 8 Điểm của Nixon ngày 8-5-1969 (một ngày trước Kế Hoạch 10 Điểm của Bắc Việt), như đã được công bố trên các đài truyền hình quốc gia, lập trường không thay đổi của Hoa Kỳ là đòi có sự triệt thoái song phương của cả quân lực Hoa Kỳ và quân lực Bắc Việt (a mutual withdrawal of American and North Vietnamese forces). Sau đó, ngày 16-7-1969, Nixon còn nhờ Sainteny chuyển văn thư cho Hồ Chí Minh yêu cầu Bắc Việt chấp nhận giải pháp triệt thoái song phương để cuộc hòa đàm được tiếp diễn trở lại. Trong văn thư phúc đáp nhận được ngày 25-8-1969 (8 ngày trước khi từ giã cõi trần), họ Hồ lạnh lùng bác bỏ đề nghị của Nixon và nhắc lại điều kiện buộc Hoa Kỳ phải đơn phương rút quân khỏi Miền Nam và lật đổ Chính Phủ Nguyễn Văn Thiệu.
Từ đó Bắc Việt không còn đếm xỉa đến Hiệp Định Geneva 1954, chủ trương rằng hai miền Nam, Bắc vẫn thuộc về một nước Việt Nam thống nhất. Và nghĩa vụ thiêng liêng của bất cứ con dân nào trên đất Việt là phải đấu tranh để đánh đuổi kẻ ngoại xâm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. (Chúng ta cần nhắc lại rằng: Tại Miền Nam, không phải Hoa Kỳ, Bắc Việt mới chính là kẻ xâm lăng).
Như đã trình bày, sau vụ Mậu Thân, từ tháng 5-1968, trong cuộc hòa đàm tay đôi tại Paris chỉ có hai đại diện Hoa Kỳ và Bắc Việt tham dự là Harriman và Xuân Thủy. Sự việc này cho phép Bắc Việt tuyên truyền rằng Việt Nam Cộng Hòa chỉ là chư hầu của Đế Quốc Mỹ.
Sự thật chiến trường đã chứng minh ngược lại. Kể từ tháng 4-1972, khi Bắc Việt huy động hơn 200 ngàn quân trong Chiến Dịch Tổng Tấn Công Xuân Hè hay Mùa Hè Đỏ Lửa (Easter Offensive), tới tháng 10-1972 khi Chiến Dịch tàn lụi, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã đẩy lui 14 sư đoàn chính quy Bắc Việt, dầu rằng lúc này quân lực Hoa Kỳ không còn tham chiến trên bộ nữa. Và số thương vong của Bắc Việt đã vượt quá 100 ngàn. (In the Spring Offensive of 1972 South Vietnam’s army had held off the North Vietnamese onslaught without the assistance of any American ground combat troops: Nixon, sách đã dẫn). Từ tháng 2-1968 (Tết Mậu Thân) đến tháng 10-1972 (sau Mùa Hè Đỏ Lửa), “Bắc Việt đã thực sự thua trận, nhưng họ làm ra vẻ như thắng trận, trong khi Việt Nam Cộng Hòa đã thực sự thắng trận”. (North Vietnam, which had in effect lost the war, was acting as if had won, while South Vietnam had effectively won the war: Nixon, sách đã dẫn).
Đến Mùa Giáng Sinh 1972, sau cuộc Tập Kích Chiến Lược 12 ngày đêm của Không Lực Hoa Kỳ tại Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận (từ 18-12 đến 30-12, trừ Ngày Giáng Sinh), Bắc Việt đã hoàn toàn kiệt quệ. Tại Hà Nội và các thị trấn phụ cận như Hải Phòng, tin trong nước cho biết, nhà nào cũng may cờ trắng đầu hàng để sẵn sàng nghênh đón các chiến sĩ Miền Nam ra giải phóng Miền Bắc. Lúc này Lê Duẩn và Bộ Chính Trị Cộng Sản đã có kế hoạch rút ra khu. Theo các giới am hiểu, nếu Hoa Kỳ tiếp tục dội bom thêm một vài tuần nữa, thì Bắc Việt sẽ phải nhượng bộ. Trong điều kiện đó, Hiệp Định Hòa Bình chắc chắn sẽ ghi khoản quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam. (Cũng như quân Bắc Hàn phải rút về Miền Bắc sau Hiệp Định Bàn Môn Điếm tháng 7-1953). Thế nhưng trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai hồi tháng 2-1972, Kissinger bộc lộ rằng Hoa Kỳ không chủ trương đánh bại Bắc Việt. Chỉ muốn 3 điều là ngưng chiến, rút quân và trao đổi tù binh.
Vì vậy, mặc dầu Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã đánh bại Bắc Việt từ tháng 4-1972 (Mùa Hè Đỏ Lửa) đến mùa Giáng Sinh tháng 12-1972 (Tập Kích Chiến Lược), chỉ 4 tuần sau, đang trên đà chiến thắng, không hiểu tại sao Kissinger lại lật ngược thế cờ để cúi đầu bối thự (ký tắt) Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 và chấp nhận toàn bộ Kế Hoạch 10 Điểm của Bắc Việt. Đây đúng là một sự đầu hàng ô nhục về chính trị và ngoại giao, nhất là khi Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đang nắm thế thượng phong.
Chuyển thắng thành bại là biệt tài của Kissinger. Chính Nixon cũng phải ngậm ngùi than: “Chúng ta đã thắng trong chiến tranh nhưng lại thua trong hòa bình” (Nixon, sách đã dẫn).
Thật ra, trước khi thua trong hòa bình, Mỹ đã thua trong hòa đàm.
Ngày nay mọi người ý thức rằng, trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai tại Bắc Kinh tháng 2-1972, Kissinger thổ lộ rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến việc đánh Bắc Việt. Ông còn dã tâm chấp nhận cho Cộng Sản thôn tính Miền Nam Việt Nam và Miên Lào bằng võ lực sau một thời gian “hợp lý” kể từ khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Ông chỉ muốn ký một Hiệp Ước Hòa Bình tại Việt Nam để rút quân và xin lại tù binh. Còn số phận của hàng chục triệu người Đông Dương đồng minh của Hoa Kỳ, ông không lý vấn đến! Sau khi ký tắt Hiệp Định Paris tháng 1-1973, trả lời câu hỏi của Ehrlichman,Phụ Tá Nội Vụ của Nixon, Kissinger ước tính chỉ trong vòng 18 tháng Miền Nam Việt Nam sẽ bị Miền Bắc thôn tính. (John Ehrlichman: Witness to Power, the Nixon years). Chắc ông chưa mãn nguyện vì mãi 27 tháng sau Saigon mới thất thủ
Tháng 4-1975 sau khi mất Đà Nẵng, Tướng Weyand Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ lập phúc trình đề nghị Tổng Thống Ford yêu cầu Quốc Hội viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng Hòa 700 triệu Mỹ kim để kịp thời trả đũa quân Bắc Việt xâm lăng vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định Paris. Với số ngân khoản này Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa có thể phản công và oanh tạc từng sư đoàn chính quy Bắc Việt xâm nhập Miền Nam bất hợp pháp từ các trận chiến Phước Long tháng 1, Ban Mê Thuột tháng 3, và Đà Nẵng tháng 4-1975. Trước kia, cho đến Chiến Dịch Mùa Hè Đỏ Lửa tháng 4-1972, quân đội Bắc Việt không dám tập trung đến cấp trung đoàn vì sợ làm mồi cho các phi đội B52. Ngay cả sau khi chiếm quận Kiến Đức tháng 11-1973, 3 sư đoàn Bắc Việt tại miền 3 Biên Giới là các Công Trường 5-7-9 đã được lệnh rút về Miên Lào không được tiến chiếm tỉnh Quảng Đức. Lúc này Hoa Kỳ muốn nhường Quảng Đức cho Giải Phóng Miền Nam lập thủ đô trong :Kế Hoạch 3 Nước Việt”, dùng Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam làm quốc gia trái độn trung lập giữa Bắc Việt và Nam Việt.
Tuy nhiên Cộng Sản đã không tiến chiếm Quảng Đức. Vì hai lý do:
1. Hà Nội không cho phép Mặt Trận Giải Phóng lập thủ đô “quá sâu trong lòng địch”, “thủ đô” Đông Hà tại Vĩ Tuyến 17 dễ kiểm soát hơn.
2. Rút kinh nghiệm Triều Tiên, Hà Nội sợ mắc mưu Hoa Kỳ như trong những phi vụ phản kích các sư đoàn Bắc Hàn và Trung Quốc xâm nhập Nam Hàn.
Với sự ban hành Luật về Quyền Lực Chiến Tranh của Quốc Hội Hoa Kỳ tháng 10-1973, Bắc Việt yên trí rằng từ đó Hoa Kỳ sẽ không trả đũa như trong Chiến Dịch Mùa Hè Đỏ Lửa từ tháng 4-1972 tại Miền Nam, hay trong cuộc Tập Kích Chiến Lược tháng 12-1972 tại Miền Bắc. Đặc biệt sau khi Nixon từ chức vào tháng 8-1974, từ cuối năm 1974 quân đội Bắc Việt đã ngang nhiên tập trung đến cấp sư đoàn. Do sự khinh thị này, Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ rất có thể lấy lại thế quân bình sau những trận oanh tạc quy mô tại Quân Khu I và Tây Nguyên. Tuy nhiên Kissinger đã can gián Tổng Thống Ford rằng chiến dịch tập kích sẽ gặp phản kháng của quần chúng xuống đường, và sẽ gây hậu quả bất lợi cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1976. Rút cuộc đơn xin viện trợ khẩn cấp 700 triệu của Tướng Weyand đã bị xếp bỏ. Lúc này Kissinger còn trắng trợn nguyền rủa đồng minh: “Sao bọn họ không chết sớm đi cho rồi!. Tệ hại nhất là bọn họ cứ sống dai dẳng mãi!”. (The Palace File: Nguyen Tien Hung and Jerrold Schecter trích dẫn Ron Nessen: It Sure Looks Different from the Inside).
Đây rõ rệt là sự vụng tính và bất công của Hoa Kỳ. Trước đó, ngày 6-10-1973, Hoa Kỳ đã tích cực yểm trợ Do Thái trong Trận Chiến Yom Kipur. Theo Nixon, Do Thái có liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ dầu chỉ có 4 triệu dân Do Thái trong số 100 triệu dân tại Trung Đông. Do Thái cũng không có dầu khí mà cũng không có liên hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Tuy nhiên về mặt tinh thần, và để bảo vệ chế độ dân chủ tại quốc gia này, Hoa Kỳ vẫn coi hành động yểm trợ Do Thái có quan hệ “sống còn tới quyền lợi quốc gia”. (vital to our national interests). Do đó bất cứ vị Tổng Thống Hoa Kỳ nào cũng sẵn sàng yểm trợ Do Thái khi nước này bị tấn công. Trong Trận Chiến 3 tuần Yom Kipur giữa Do Thái và Ai Cập tháng 10-1973, Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Do Thái 2,2 tỷ Mỹ kim. Lúc này, Liên Xô đề nghị Hoa Kỳ ngừng bắn dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc và đe dọa sẽ can thiệp nếu Do Thái tấn công Syria. Kissinger lập tức phản bác và cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ nhập cuộc nếu Liên Xô can thiệp. Sau khi thất trận Tổng Thống Ai Cập than phiền rằng: “Chúng tôi không thể cùng một lúc chống lại cả Do Thái lẫn Hoa Kỳ”. Sau Chiến Dịch Yom Kipur, báo chí Hoa Kỳ tuyên dương Kissinger là “người hùng có phép lạ” (superman/ miracleman).
Về mặt chiến lược, chính nghĩa, đạo lý và liên minh, Việt Nam Cộng Hòa có quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ tại Đông Nam Á hơn là giữa Do Thái với Hoa Kỳ tại Trung Đông. Vậy mà Chính Phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ đã nhẫn tâm bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa sau 10 năm liên minh kết nghĩa, với trên 20 triệu con người đã đứng ra bảo vệ Tự Do cho miền thế giới này. Từ 1965, Hoa Kỳ đổ xô nhân lực, vật lực vào chiến trường Miền Nam, và gia tăng cường độ chiến tranh với trên nửa triệu binh sĩ chiến đấu bên cạnh quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh. Bất cứ nhà quan sát vô tư nào cũng ngạc nhiên khi thấy chỉ vì 700 triệu mà Hoa Kỳ tiếc rẻ khiến cho Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao cũng như bao nhiêu nước Á Phi và Nam Mỹ đã rơi vào vòng lệ thuộc của Quốc Tế Cộng Sản. Trong khi đó, về niên khóa 1974, Liên Xô đã tăng gấp đôi số viện trợ quân sự cho Bắc Việt, với 1 tỉ 700 triệu Mỹ kim để phát động Chiến Dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong khi từ sau Hiệp Định Paris, số quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa bị Hoa Kỳ cắt giảm còn 1/4.
Thời Hiệp Định Paris 1973 số quân viện cho Miền Nam là 2,2 tỷ Mỹ kim. Qua năm 1974 bị cắt hơn nửa (54%), còn 1.01 tỷ. Tới năm 1975 lại bị cắt phân nửa, chỉ còn 500 triệu (cộng với 200 triệu tính vào các sở phí chuyên chở và các khoản linh tinh khác).
Trong bản điều trần tháng 9-1974 trước Quốc Hội về dự án ngân sách 1975, cũng như trong bản tường trình gởi Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Tướng John Murray, Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Saigon (DAO), đã đưa ra một công thức hay phương trình về sự liên hệ giữa số quân viện và chủ quyền lãnh thổ. Theo công thức này “nếu Hoa Kỳ cắt quân viện chừng nào thì Việt Nam Cộng Hòa mất lãnh thổ chừng ấy”. (You can roughly equate cuts in support to loss of real estate: Nixon, sách đã dẫn).
Theo công thức và phương trình này có 5 mức quân viện liên hệ đến 5 tuyến phòng thủ lãnh thổ:
1) Nếu quân viện còn ở mức 1.4 tỷ Mỹ kim thì Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) còn giữ được những vùng đông dân cư trên toàn lãnh thổ.
2) Nếu quân viện chỉ còn 1.1 tỷ Mỹ kim thì VNCH không thể giữ được Vùng I Chiến Thuật.
3) Nếu quân viện giảm xuống còn 900 triệu thì không thể giữ được Vùng I và Vùng II.
4) Nếu quân viện chỉ còn 750 triệu thì chỉ có thể giữ được một số ít vùng, và Bắc Việt sẽ không chịu thương thuyết nghiêm chỉnh.
5) Mà nếu quân viện chỉ còn 600 triệu thì VNCH chỉ có thể giữ được Saigon, phụ cận và vùng châu thổ sông Cửu Long.
Như đã trình bày, Quốc Hội đã cắt viện trợ cho Việt Nam từ trên 2 tỷ năm 1973 xuống còn 500 triệu năm 1975.
“Các dân biểu và nghị sĩ phản chiến đã xóa tên Việt Nam Cộng Hòa
trong danh sách các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ. Kể từ sau Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, chúng ta đã thắng trong chiến tranh. Quân lực VNCH đã thành công trong việc chặn đứng những vụ vi phạm ngừng bắn của Bắc Việt trong suốt 2 năm. Lý do thất bại là vì Quốc Hội Hoa Kỳ đã khước từ không chịu cấp quân viện cho Saigon ngang với số quân viện Liên Xô cấp cho Hà Nội. Tất cả các vị tướng lãnh chỉ huy cao cấp Hoa Ky tại Việt Nam và Hoa Thịnh Đốn đều xác nhận việc quân lực VNCH đã chứng tỏ rằng, nếu được trang bị đầy đủ, họ có thể đẩy lui những sư đoàn thiện chiến nhất từ Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam…” (Nixon, sách đã dẫn)
Về mặt ngoại giao, sau cuộc Tâp Kích Chiến Lược Mùa Giáng Sinh 1972, Kissinger lạc quan báo cáo rằng, sau những cuộc mật đàm với Lê Đức Thọ ngày 8-1-1973, Bắc Việt sẽ chấp nhận nội trong 48 giờ tất cả các điểm cơ sở trong Đề Nghị 8 Điểm của Nixon (trong đó có khoản rút quân song phương).
Đây chỉ là báo cáo xuyên tạc. Vì trong Hiệp Định Paris ký 19 ngày sau (27-1-1973), không có điều khoản nào nói về việc Bắc Việt phải triệt thoái quân đội ra khỏi Miền Nam.
Sau này Kissinger thú thật rằng chỉ có những “cam kết ngầm”. Trong những cuộc mật đàm, Bắc Việt hứa hẹn sẽ không mang quân vào Miền Nam và chấp thuận ghi khoản này nơi Điều 7 Hiệp Định Paris: “Từ ngày ngừng bắn cho đến khi thành lập chính phủ sau tổng tuyển cử, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ không được nhận đưa vào Miền Nam Việt Nam quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, cũng như các võ khí đạn dược và dụng cụ chiến tranh…”
Đây là liều thuốc an thần cho lương tâm thanh thản để Hoa Kỳ rút khỏi vũng lầy mà họ đã lao vào từ 10 năm trước, nói là để ngăn chặn Thuyết Domino và xây dựng Việt Nam Cộng Hòa thành một tiền đồn chống cộng tại Đông Nam Á.
Như Nixon đã nói, Bắc Việt không bao giờ giữ lời cam kết. (Hanoi broke agreements as soon as it signed them: Nixon, sách đã dẫn). Ngay cả trong Tuyên Cáo về nền Trung Lập của Ai Lao tháng 7-1962, 14 quốc gia cam kết tôn trọng chủ quyền và nền trung lập của Ai Lao và hứa sẽ rút hết các lực lượng võ trang ra khỏi Vương Quốc Lào để đem lại hòa bình cho Đông Dương. Tất cả các quốc gia kết ước đều giữ lời, ngoại trừ Bắc Việt. (All countries complied, except North Vietnam: Nixon, sách đã dẫn).
Tại Việt Nam, ngay cả Tổng Thống Nixon và người kế quyền của ông là Tổng Thống Ford cũng không giữ lời cam kết.
Ngày 14-11-1972 Tổng Thống Nixon viết cho Tổng Thống Thiệu: “Điều quan trọng hơn cả bản văn Hiệp Định là vấn đề chúng ta sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp kẻ thù tái xâm lược. Tôi xin cam kết rằng, nếu Bắc Việt không tuân theo những điều khoản của Hiệp Định, tôi cương quyết sẽ trả đũa tức thì và mãnh liệt”.
Mười ngày trước khi ký Hiệp Định, ngày 17-1-1973, Nixon còn khẳng định: “Tự Do và Độc Lập của Việt Nam Cộng Hòa là một mục tiêu tối hậu của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ…
Tôi xin nhấn mạnh 3 điều cam kết sau đây:
1. Hoa Kỳ chỉ thừa nhận Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Việt Nam;
2. Hoa Kỳ không chấp nhận cho Bắc Việt được đồn trú quân trên lãnh thổ Miền Nam Việt Nam;
3. Hoa Kỳ sẽ trả đũa mãnh liệt khi Bắc Việt vi phạm Hiệp Định”.
Đó cũng là điều cam kết của Tổng Thống Ford. Sau khi Nixon từ chức, ngày 10-8-1974, với tư cách là người kế quyền, Tổng Thống Ford đã gởi văn thư cho Tổng Thống Thiệu xác định rằng: “Những cam kết mà dân tộc Hoa Kỳ đã hứa hẹn với VNCH trong thời gian vừa qua vẫn giữ nguyên giá trị. Và tôi sẽ triệt để tôn trọng những cam kết này trong suốt thời gian nhiệm chức của tôi.”(Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter sđd)
Về vấn đề rút quân của Bắc Việt, Kissinger còn dối gạt Nixon rằng không cần có những điều khoản minh thị quy định trong Hiệp Định. Vì trong những cuộc mật đàm Bắc Việt đã mặc nhiên chấp thuận đề nghị này của Nixon hồi tháng 5-1969. Họ hứa sẽ lặng lẽ rút quân khỏi Miền Nam. (Our tactic was to write a formulation that tacitly required the enemy to withdraw. We will press for the de facto unilateral withdrawal of some North Vietnamese divisions in the northern part of South Vietnam. Nixon, sách đã dẫn).
Đây là một luận điệu ngây ngô và giảo hoạt.
Là một chiến lược gia và nhà ngoại giao sành sỏi, Kissinger thừa biết rằng, đối với người Cộng Sản, ngay cả sự cam kết công khai trong những hiệp ước quốc tế cũng chỉ là dối trá. Vì kết ước không phải để giữ lời, mà chỉ nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị giai đoạn theo phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, bất chấp lời hứa và bất chấp danh dự quốc gia.
Ngoài ra Kissinger còn giải thích rằng, với Điều 7 Hiệp Định Paris, quân đội Bắc Việt đồn trú tại Miền Nam rồi đây sẽ tan rã vì không được tăng cường. Đó là điều phi lý. Vì sao quân đội Bắc Việt, đánh giặc theo kiểu nhà nghèo, lại tan rã, trong khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đánh giặc theo lối Mỹ, lại không tan rã?
Cũng nên ghi nhận rằng Điều 7 chỉ cấm hai bên không được đưa quân vào Miền Nam trong một thời gian nhất định “từ khi thực hiện ngừng bắn cho đến khi có Chính Phủ Liên Hiệp” thành lập sau tổng tuyển cử do Hội Đồng Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc 3 Thành Phần tổ chức. Điều này phải được hiểu là sau khi có Chính Phủ Liên Hiệp, không có điều khoản nào cấm Bắc Việt không được đem quân vào Miền Nam. Lẽ tất nhiên Hoa Kỳ, như chim phải tên sợ làn cây cong, sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ đến, hay dám mạo hiểm mang quân vào Việt Nam một lần nữa.
Theo các nhà luật học và chính trị học, mọi sự kết ước giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân, phải có tính công khai và minh thị. Do đó không bao giờ có những cam kết ngầm hay được hiểu ngầm trong các hiệp ước quốc tế. Quy luật này chứng tỏ sự điêu trác của Kissinger. Chẳng lẽ ông lại ngây ngô không biết điều đó? Xá chi “những mật ước ngầm”và “những cam kết miệng” trong những cuộc mật đàm tay đôi, hay những buổi đi đêm ám muội giữa Kissinger và Thọ!. Cặp bài trùng này đã lừa gạt dư luận quốc tế để giành giật Giải Hòa Bình Nobel 1974, một nền hòa bình của những nấm mồ.
Từ tháng 10-1974, Bắc Việt đem đại quân tấn công và đã chiếm Phước Long tháng 1-1975 trước sự im lặng khó hiểu của Hoa Kỳ. Tháng 3, chiếm Ban Mê Thuột, tháng 4, chiếm Đà Nẵng, Xuân Lộc và Saigon. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn án binh bất động. Và đã tàn nhẫn cúp hết quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa, kể cả thỉnh cầu khiêm tốn của Tướng Weyand xin viện trợ khẩn cấp 700 triệu để phản kích Chiến Dịch Hồ Chí Minh. Vì nếu trong dịp này Hoa Kỳ trả đũa và Việt Nam Cộng Hòa phản kích thì phe đồng minh có cơ hội tiêu diệt từng sư đoàn Bắc Việt xâm nhập Miền Nam bất hợp pháp theo ngả vùng Phi Quân Sự phía Bắc, và từ Miên Lào phía Tây trên đường mòn Hồ Chí Minh. Lúc này Bắc Việt đã đem thêm 25 sư đoàn chính quy vào chiến trường Miền Nam để tiếp sức cho hơn 100 ngàn quân có mặt tại chỗ.
Nói tóm lại, nếu Mùa Giáng Sinh 1972 Hoa Kỳ đã chiến thắng về quân sự, thì chỉ một tháng sau, tháng 1-1973, Hoa Kỳ đã thất bại về chính trị. Chỉ vì muốn ký Hiệp Định Paris cho bằng được để có lý do rút lui trong danh dự và đầu hàng lịch sự. Hành vi này đã gieo tai họa vô lường cho các dân tộc Việt-Miên-Lào bị du vào thế chẳng đặng đừng phải liên minh với Hoa Kỳ, một quốc gia được tiếng là hào hiệp đã đổ bao xương máu để giành lại Tự Do cho Âu Châu, Á Châu và Phi Châu đầu thập niên 1940, và cho Đại Hàn đầu thập niên 1950.
Chúng ta hãy nghe tiếng kêu thống thiết của Thủ Tướng Cao Miên Sirik Matak trong văn thư gửi Đại Sứ Hoa Kỳ John Dean trước ngày Nam Vang thất thủ:
“Thưa ông Đại Sứ và cũng là người bạn của tôi,
Xin chân thành cảm ơn văn thư của Ông đề nghị cho tôi quy chế tỵ nạn tại Hoa Kỳ và cho tôi phương tiện di chuyển đến miền đất tự do. Nhưng than ôi, tôi không thể bỏ quê hương ra đi nhục nhã như vậy!. Riêng đối với Ông và quốc gia hùng cường của Ông, không một phút nào tôi có thể tin rằng Hoa Kỳ lại có ý nghĩ bỏ rơi một dân tộc đã quyết định chọn Tự Do. Các Ông đã từ chối không bảo vệ chúng tôi nữa, chúng tôi chẳng còn biết nói gì hơn.
Nay Ông ra đi và tôi xin chúc Ông và quê hương Ông tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng xin Ông ghi nhận rằng, nếu tôi có chết trên quê hương yêu dấu của tôi, thì đó cũng chỉ là một bất hạnh. Dầu sao mỗi người trong chúng ta, ai đã sinh ra rồi cũng có ngày phải chết. Có điều là tôi đã sai lầm khi tin tưởng nơi Ông và Quốc Gia của Ông”.
Sisowath Sirik Matak (Nixon: sách đã dẫn).
Sirik Matak là một trong những người đầu tiên bị Khmer Đỏ hành quyết.
Trong thập niên 1960, Ai Lao và Cao Miên là những quốc gia trung lập nên không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Trong khi đó, từ cuối thập niên 1940, 5 vị Tổng Thống Hoa Kỳ Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson và Nixon đã long trọng cam kết sẽ bảo vệ quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam và xây dựng Việt Nam thành một tiền đồn của Thế Giới Tự Do để ngăn chặn Quốc Tế Cộng Sản xâm nhập Đông Nam Á. Như vậy về các mặt ngoại giao, chính nghĩa và tinh thần, Việt Nam có tương quan liên kết mật thiết với Hoa Kỳ từ 3 thập niên.
Số Phận của Ông Thiệu
Năm 1973, dưới áp lực của Kissinger và Nixon, ông Thiệu đã phải ký Hiệp Định Paris để chấp nhận những tai ương gây ra bởi bản văn Hiệp Định, cũng như bởi sự trí trá của phe Cộng Sản và sự bội ước của Hoa Kỳ.
Chúng ta hãy nêu giả thuyết:
Trong trường hợp ông Thiệu sẵn sàng nhận cái chết như ông Sirik Matak, liệu ông có thể làm được những gì?
Với tư cách nguyên thủ của một Quốc Gia có Hiến Pháp và Quốc Hội, ông Thiệu có thể ra chỉ thị cho chính phủ của ông không ký hiệp định trong trường hợp Hoa Kỳ cho quân Bắc Việt tiếp tục đồn trú tại Miền Nam trái với lời cam kết minh thị của Nixon từ năm 1969. Về mặt hiến chế, hiệp ước do Hành Pháp ký chỉ có hiệu lực nếu được Lập Pháp phê chuẩn. Mà Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa đầu thập niên 1970 vẫn tôn trọng Hiến Pháp 1967 với chủ trương đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật.
Trong trường hợp Thượng Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa công bố lập trường không chấp nhận và không phê chuẩn bất cứ hiệp định nào với Bắc Việt nếu có một trong ba sự việc sau đây:
1. Có sự tham gia của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản, đại diện bởi cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Chính phủ này được Bắc Việt khai sanh hồi tháng 6-1969 vì nhu cầu chính trị giai đoạn. Nó bị khai tử tháng 11-1975 cùng với “Nước” Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã bị khai tử và sát nhập vào một tổ chức ngoại vi khác của Đảng Cộng Sản là Mặt Trận Tổ Quốc.
2. Trong Hiệp Định không có điều khoản ghi việc quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam Việt Nam đồng thời với quân lực Hoa Kỳ và đồng minh.
3. Hoa Kỳ sẽ vĩnh viễn giải kết tại Việt Nam và không còn chịu trách nhiệm thi hành Hiệp Định.
Nếu có một trong ba trường hợp này Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ khước từ không ký Hiệp Định. Lý do là vì không có sự chấp nhận và phê chuẩn của Quốc Hội, đặc biệt là Thượng Nghị Viện.
Phản Ứng của Hoa Kỳ
Trong trường hợp này phản ứng của Hoa Kỳ sẽ ra sao?
Theo giới am hiểu, nhiều phần người Mỹ sẽ không hạ sát ông Thiệu năm 1973 như họ đã hạ sát ông Diệm năm 1963. Trong một thập niên, Hoa Kỳ không dám sát hại hai vị nguyên thủ của một quốc gia đồng minh đã đồng tâm hiệp lực với Hoa Kỳ đứng ra làm tiền đồn chống Cộng để bảo vệ Tự Do cho các quốc gia Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ qua Khối Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á.
Về mặt kỹ thuật pháp lý, nếu không có sự tham dự của Việt Nam Cộng Hòa thì Hội Nghị Paris sẽ không có đối tượng. Vì Việt Nam Cộng Hòa là quốc gia chủ thể, lãnh thổ Miền Nam Việt Nam là bãi chiến trường, và có 8 quốc gia đã tham gia Chiến Tranh Việt Nam trong 8 năm, thời gian dài nhất trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ.
Trong trường hợp Hoa Kỳ và Bắc Việt vẫn nhất định ký Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh tại Việt Nam, thì trong 8 Chương của Hiệp Định, chỉ có 3 Chương có thể được giữ lại là Chương II (về Ngừng Bắn và Rút Quân), Chương III (về Phóng Thích Tù Binh), và Chương VIII (về Trao Trả Tù Binh dưới danh nghĩa bồi thường chiến tranh và tái thiết hậu chiến).
5 Chương khác sẽ không có đối tượng. Như Chương I (về tương quan giữa hai miền Nam Bắc), Chương IV (về giải pháp chính trị cho Miền Nam Việt Nam), Chương V (về vấn đề thống nhất hai miền Nam Bắc), Chương VI (về các cơ quan kiểm soát và giám sát quốc tế), và Chương VII (về chính sách đối ngoại của Miền Nam Việt Nam với Miên Lào).
Chỉ với 3 Chương nói trên, một hiệp định chấm dứt chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt sẽ không thể đề cập đến những vấn đề quân sự và chính trị tại Miền Nam Việt Nam. Như vậy Hội Nghị Paris sẽ tan vỡ. Và sẽ không có một Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam được ký tại Paris năm 1973.
Tổng kết lại, trong trường hợp Việt Nam Cộng Hòa không ký Hiệp Định Paris 1973 thì việc gì sẽ xẩy ra, và Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao?
1. Rất có thể, do áp lực quốc nội, cũng như vì quyền lợi riêng tư, Hoa Kỳ sẽ ký hiệp ước tay đôi về ngừng bắn, rút quân và trao đổi tù binh với Bắc Việt. Và để trả đũa Hoa Kỳ sẽ cắt hết viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, để tạo cơ hội cho Cộng Sản thôn tính Miền Nam bằng võ lực. Trước dư luận quốc tế và quốc nội, cũng như về mặt ngoại giao, chính nghĩa và lương tâm, liệu Hoa Kỳ có dám nhẫn tâm làm điều đó không?
Câu trả lời hợp lý là “không”.
Vì hành động như vậy là phản bội đồng minh và đầu hàng nhục nhã. Chẳng khác nào nếu đầu thập niên 1940, Roosevelt ký với Đức Quốc Xã hiệp ước bất tương xâm để trao Tây Âu cho Hitler; hay cuối thập niên 1940, Truman ngưng chiến dịch tiếp vận hàng không cho Tây Bá Linh để trao thị trấn này cho Honecker; hay đầu thập niên 1950, Eisenhower ký hiệp ước với Bắc Hàn để rút quân và trao Nam Hàn cho Kim Nhật Thành.
Những vụ phản bội và đầu hàng nhục nhã này nếu có, chẳng những tác hại đến Anh Quốc, Tây Đức và Đại Hàn, mà còn gây thảm họa cho toàn cõi Âu Châu, từ Tây Âu sang Đông Âu, cũng như cho toàn cõi Á Châu, từ Đông Bắc Á qua Đông Nam Á. Do hậu quả dây chuyền của Thuyết Domino.
2. Dầu sao, nhiều phần là, muốn rút quân và giữ thể diện, Hoa Kỳ vẫn cần phải có sự tham dự của Việt Nam Cộng Hòa trong Hội Nghị. Muốn thế Hoa Kỳ sẽ tìm cách lật đổ ông Thiệu theo kế hoạch “thay đổi nhân sự” từng được áp dụng tại Việt Nam năm 1963. Trong trường hợp này, cũng như 10 năm trước, rất có thể ông Dương Văn Minh sẽ lại được chiếu cố. Và ông này sẽ tuân lệnh Hoa Kỳ (và Bắc Việt) để thành lập một Chính Phủ Liên Hiệp 3 Thành Phần do Cộng Sản khống chế. Kết quả là phe Cộng Hòa chỉ còn 1/3 chủ quyền, 1/3 chính quyền, 1/3 lãnh thổ và 1/3 lực lượng tại Miền Nam. Nghĩa là trong toàn cõi Việt Nam, phe Cộng Sản chiếm tuyệt đại đa số 5/6. Trong điều kiện đó Bắc Việt sẽ dễ dàng thôn tính Miền Nam bằng phương pháp hòa bình, không phải dùng đến bạo động võ trang.
Trong trường hợp này, đối với Hoa Kỳ, hành động bán trắng Miền Nam cũng là phản bội đồng minh và đầu hàng nhục nhã. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Hoa Kỳ và tương lai của đảng cầm quyền, đặc biệt trong cuộc tuyển cử từng phần năm 1974 và cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống năm 1976.
Và, một lần nữa, vấn đề đặt ra là, về mặt ngoại giao, liên minh, chính nghĩa và đạo lý, liệu Hoa Kỳ có dám nhẫn tâm làm điều đó không?
Câu trả lời hợp lý cũng vẫn là “không”.
Rút kinh nghiệm vụ “thay đổi nhân sự” năm 1963 tại Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ rất ngần ngại khi phải can thiệp lộ liễu vào nội bộ của một quốc gia đồng minh trong Thế Giới Dân Chủ.
Trước kia, trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai tại Bắc Kinh ngày 9-7-1971, chính Kissinger cũng phải minh định: “Lập trường của Hoa Kỳ là không nhất thiết duy trì một chính phủ đặc biệt nào tại Miền Nam Việt Nam (như Chính Phủ Việt Nam Công Hòa). Tuy nhiên, Hoa Kỳ không thể tham dự vào việc lật đổ những người trước đây đã là đồng minh của Hoa Kỳ, bất kể nguồn gốc đồng minh đó là gì” : (Jeffrey Kimball, sách đã dẫn).
Trong thư ngày 31-8-1972 chính Nixon cũng xác nhận điều này với ông Thiệu : “Tôi xin một lần nữa đoan chắc với Ngài về lập trường căn bản của Hoa Kỳ: Nhân dân Hoa Kỳ ý thức rằng chúng tôi không thể mang lại hòa bình và danh dự cho quốc gia, nếu phải bỏ rơi một đồng minh dũng cảm (như VNCH). Điều này tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm.”
Tuy nhiên 5 tuần sau, ngày 6-10-1972, Nixon lại nhắc khéo về vụ “thay đổi nhân sự năm 1963” khi đề cập đến vụ Tổng Thống Johnson muốn lật đổ ông Thiệu năm 1968 (hồi đó Chính Phủ Saigon không chịu tham dự Hội Nghị Paris). Nixon viết: “Xin Ngài hãy dùng mọi phương cách để tránh tái diễn biến cố 1963 mà chính tôi đã ghê tởm và đã lên án từ năm 1968”.
Dầu sao chính Kissinger cũng không dám chủ trương sát hại ông Thiệu. Ngay từ 1968 ông ta đã cảnh giác: “Nếu ông Thiệu chịu số phận của ông Diệm, thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ ý thức rằng: Làm kẻ thù của Mỹ có thể gặp nguy hiểm, nhưng làm bạn với Hoa Kỳ nhiều phần sẽ mất mạng.” (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sách đã dẫn)
Kinh nghiệm Sirik Matack đã chứng minh điều đó.
Và việc này đi trái Chính Nghĩa, Đạo Lý, Lương Tâm, Quyền Lợi Quốc Gia và Truyền Thống Dân Chủ của Hoa Kỳ từ khi lập quốc.
Có điều là, trong lịch sử nhân loại cổ kim, chưa từng thấy một đế quốc nào dám ra tay hạ sát hai vị nguyên thủ của một quốc gia đồng minh trong vòng một thập kỷ.
Và cũng chưa từng thấy một viên tướng lãnh nào, trong vòng 10 năm, lại có cơ hội và ác tâm sát hại hai vị tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội mà ông ta có nghĩa vụ phải phục vụ và bảo vệ.
Dầu sao sự nhẫn tâm và phản trắc của ông tướng này, nếu có, cũng chỉ là hậu quả của sự nhẫn tâm và phản trắc của ông Cố Vấn Kissinger. Ngay từ tháng 7-1971, 18 tháng trước khi ký Hiệp Định Paris, ông Cố Vấn đã tiết lộ cho phe Cộng Sản biết chủ trương của Hoa Kỳ là sẽ rút quân toàn diện và vĩnh viễn ra khỏi Việt Nam mà không đặt điều kiện nào nếu được trao trả tù binh. Đó là hành vi nối giáo cho giặc, bật đèn xanh cho Cộng Sản xâm chiếm Miền Nam bằng bạo lực. Và, sau khi ký tắt Hiệp Định Paris tháng 1-1973, Kissinger cũng ước tính (và mong mỏi) rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ cáo chung sau 18 tháng.
10 năm sau khi Saigon thất thủ, bằng phản tỉnh và tự phán, năm 1985, Nixon đã lên án việc Hoa Kỳ bội ước Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 là một “sự phản bội và thất bại không tiền khoáng hậu trong Lịch Sử Hoa Kỳ !”.
Thật vậy, khi Hoa Kỳ nhẫn tâm rũ áo ra đi để mặc cho phe Quốc Tế Cộng Sản thôn tính Miền Nam bằng võ lực, thì bao nhiêu công lao, danh dự và uy tín quốc gia, xây dựng từ Thế Chiến I đến Thế Chiến II và Chiến Tranh Triều Tiên, sẽ phút chốc tiêu tan, đem lại sự bất bình và chê bai của nhân loại văn minh. Hậu quả dễ thấy nhất là sự bành trướng thế lực vượt bực của phe Quốc Tế Cộng Sản tại Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh.
Thêm vào đó các đồng minh cũ của Hoa Kỳ cũng sẽ rất ngần ngại khi phải liên minh với Hoa Thịnh Đốn. Và Khối các Quốc Gia Phi Liên Kết sẽ phát triển mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, sự hoài nghi của các dân tộc trên thế giới về Quyết Tâm và Lý Tưởng Tự Do của Hoa Kỳ sẽ có tác dụng xấu trong cuộc đấu tranh giải thể Cộng Sản tại Đông Âu và Liên Xô.
Do đó, cho đến nay không ai dám quyết đoán về việc Hoa Kỳ có theo chủ nghĩa thực dụng để nhẫn tâm làm việc đó không?.
Có điều là, nếu quân dân một lòng, và nếu vị nguyên thủ quốc gia có tinh thần vô úy, “coi tấm thân nhẹ tựa hồng mao”, không chịu lùi bước trước cái chết, thì uy tín của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được bảo toàn, danh dự của Quân LựcViệt Nam Cộng Hòa sẽ được gìn giữ. Và vị nguyên thủ quốc gia sẽ có cơ hội đi vào lịch sử như Nguyễn Thái Học và Hoàng Diệu trong hai thế kỷ vừa qua.
Mà, nếu biết vận dụng thời thế, biết đâu Việt Nam Cộng Hòa lại chẳng có cơ may bảo vệ chủ quyền lãnh thổ từng phần hay toàn vẹn?
“Trong cuộc chiến đấu này Hoa Kỳ đã thất bại và phản bội đồng minh (failure and betrayal). Chúng ta đã thắng trong chiến tranh, nhưng đã thua trong hòa bình (We won the war in Vietnam, but we lost the peace)”.
Đây là lời nói khôn ngoan nhưng không phản ảnh sự thật.
Đúng lý Nixon phải nói: Chúng ta thắng về quân sự, nhưng lại tháo chạy và đầu hàng lịch sự. Chúng ta thua về chính trị, và đã gieo tai họa vô lường cho các quốc gia đồng minh Đông Dương Việt-Miên-Lào, cũng như một số các quốc gia Á Phi và Nam Mỹ như A-Phú-Hãn, Iran, Angola, Mozambique, Ethiopia, South Yemen, Nicaragua v…v…. Do đó Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 chỉ đem lại hòa bình của những nấm mồ (peace of the grave).
Ngày nay mọi người thấy rõ: Kiến trúc sư của thảm cảnh này không phải là ai khác mà là Henry Kissinger, Cố Vấn An Ninh của Nixon.
Do những quyền lợi riêng tư cũng như do những cuộc mật đàm, mật ước và hiểu ngầm với Lê Đức Thọ, Kissinger đã đẩy tới việc ký kết Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 với bất cứ giá nào. Đối với ông, Chiến Trường Đông Nam Á đã thu dọn xong với sự tiếp tay của Bắc Kinh. Từ đây đối tượng của ông là Chiến Trường Trung Đông đang cần tiếp viện quân sự và kinh tế. Sau 1975, giới am hiểu cho biết ngân khoản viện trợ hàng năm cho Do Thái (với 4 triệu dân) khoảng 2 tỉ Mỹ kim ngang với số ngân khoản viện trợ cho Việt Nam trước 1973.
Cho tới tháng 1-1973, khi bối thự hiệp ước, bằng xuyên tạc, đe dọa và hạ nhục Việt Nam Cộng Hòa, Kissinger đã thúc đẩy Nixon buộc Miền Nam phải ký Hiệp Định Paris. Cho Hoa Kỳ có lý do rút quân để đòi phóng thích tù binh sau khi đầu hàng trong danh dự. Còn việc quân đội Bắc Việt có triệt thoái khỏi Miền Nam hay không chỉ là vấn đề phụ thuộc. Về việc này, một mặt Kissinger tin vào những mật ước và cam kết ngầm của Thọ. Mặt khác còn có lời cam kết của Nixon theo đó Hoa Kỳ sẽ trả đũa mãnh liệt, nếu Bắc Việt vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định, và sẽ sử dụng hỏa lực mạnh nhất như trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại Miền Nam, và những vụ oanh tạc Bắc Việt bằng B52 trong cuộc Tập Kích Chiến Lược 12 ngày đêm tại Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận Mùa Giáng Sinh 1972.
Sự việc đã không diễn ra như vậy. Ba tháng sau Hiệp Định Paris vụ Watergate bùng nổ. Sau đó Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành Luật ngày 30-6-1973 cấm các lực lượng quân sự Hoa Kỳ không được yểm trợ những cuộc chiến đấu võ trang tại Việt-Miên-Lào. Và tháng 10-1973 Luật về Quyền Lực Chiến Tranh (War Powers Act) đã trói tay vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ và buộc Tổng Thống phải tham vấn Quốc Hội trước khi sử dụng quân đội vào những vụ tranh chấp võ trang. Điều kiện hạn chế này chưa bao giờ lập pháp đặt ra trong thời chiến. Do đó, vì không có toàn quyền hành động và không có ngân khoản, vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội không thể phản công kịp thời các bộ đội Bắc Việt xâm nhập quy mô vào Miền Nam, và cũng không thể trả đũa bằng cách tái oanh tạc Bắc Việt như trong mùa Giáng Sinh 1972. Như vậy, 10 tháng sau Hiệp Định Paris, từ tháng 11-1973 quân xâm lăng Bắc Việt được tự do xâm nhập Miền Nam với sự trợ giúp võ khí đầy đủ của phe Quốc Tế Cộng Sản Trung Sô (1.7 tỷ Mỹ kim năm 1974, gấp đôi thời tiền Hiệp Định Paris.
Và từ sau vụ tiến chiếm Phước Long tháng 1-1975, Liên Sô đã tăng 4 lần viện trợ cho Bắc Việt). Và những lời cam kết của Chu Ân Lai và Brezhnev hứa hẹn sẽ kiềm chế Hà Nội, chỉ là câu đãi bôi, hay đúng hơn một chiến thuật để dối gạt Hoa Kỳ.
Thêm một sự kiện đáng lưu ý: Một năm sau Hiệp Định Paris, vào ngày 11-1-1974, khi Kissinger vừa rời Bắc Kinh, đột nhiên một lần nữa, Trung Quốc công bố chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và một tuần sau, ngày 19-1-1974, họ đem quân xâm chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Lưỡi Liềm phía tây nam. Về mặt Quốc Tế Công Pháp, Hiệp Định Geneva 1954 đã xác nhận chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Điều 4 Hiệp Định, giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc kéo dài từ lục địa “ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Quân đội Bắc Việt phải rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam giới tuyến” (Vỹ Tuyến 17). Quần đảo Hoàng Sa tọa lạc tại các Vỹ Tuyến 17-15 Bắc (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi), và quần đảo Trường Sa ở phía Nam tọa lạc tại các Vỹ Tuyến 12-7 Bắc (từ Cam Ranh xuống Cà Mâu). Do đó cả hai quần đảo này đã được Hiệp Ước Quốc Tế nhìn nhận thuộc hải phận của Việt Nam Cộng Hòa mà các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Bắc Việt và Trung Quốc có nghĩa vụ phải tôn trọng.
Chiếu Hiệp Định Paris 1973, Hoa Kỳ là quốc gia chủ xướng, đã triệu tập Hội Nghị, đã ký Hiệp Định, và đã cùng 10 quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đứng ra bảo lãnh sự thi hành nghiêm chỉnh hiệp định này. Như vậy Hoa Kỳ có nghĩa vụ tiên khởi phải bảo vệ quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam chống mọi xâm lăng võ trang bất cứ từ đâu tới. Vậy mà, ngày 19-1-1974, dầu có mặt tại vùng Biển Hoàng Sa, Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đã án binh bất động, không yểm trợ, không can thiệp, không điều giải, và cũng không làm hành vi nhân đạo nào để cứu vớt các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam mắc nạn trên Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, do Trung Tá Ngụy Văn Thà chỉ huy, đã bị bắn chìm. Có lẽ Hải Quân Hoa Kỳ nghĩ rằng họ không có trách nhiệm phải cứu vớt những người sắp chết đuối, kể cả vì lý do nhân đạo. Vì mãi tới tháng 11-1974 Liên Hiệp Quốc mới ban hành Công Ước về việc Cứu Vớt các Nạn Nhân bị Đắm Tàu Trên Mặt Biển. Hơn nữa, từ tháng 6-1973, Quốc Hội Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật cấm quân lực Hoa Kỳ không được tham gia hay yểm trợ bất cứ cuộc chiến đấu quân sự nào trên bộ, trên không và trên biển tại bán đảo Đông Dương. Trong thời gian này, từ tháng 4-1973, báo chí phản chiến và phe đối lập đa số tại Quốc Hội đã triệt để khai thác vụ nghe lén Watergate, dẫn đến việc Nixon từ chức vào tháng 8-1974.
Năm 1974, theo 3 ngả tiến quân, từ vùng Phi Quân Sự phía Bắc, Ai Lao và Cao Miên phía Tây, Bắc Việt kéo đại quân xâm nhập Miền Nam. Và tháng 1-1975 đã tiến chiếm nguyên một tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa là Phước Long. Cuộc tiến chiếm này nhằm trắc nghiệm phản ứng của Hoa Kỳ. Lúc này, từ Tổng Thống chỉ định Gerald Ford, chẳng ai còn nhớ những lời cam kết long trọng của Tổng Thống dân cử Nixon trong hơn 30 văn thư gửi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong những văn thư này, vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ hứa sẽ tái oanh tạc Bắc Việt, đồng thời phản công tức thời các lực lượng võ trang Bắc Việt xâm nhập Miền Nam, bằng những võ khí mạnh nhất như Không Đoàn B52.
Sau vụ Phước Long, trong một phiên họp của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản, Lê Duẩn đã giơ hai tay reo lên: “Nó bỏ rồi!”
Và 3 tháng sau, các chiến xa Liên Xô vượt qua hàng rào Dinh Độc Lập báo hiệu sự cáo chung của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc này, bất chấp Hiệp Định Paris, Bắc Việt đã kéo thêm 25 sư đoàn chính quy vào chiến trường Miền Nam để yểm trợ số hơn 100 ngàn quân đã xâm nhập từ Chiến Dịch Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Từ đó Hiệp Định Hòa Bình Paris chỉ còn là tờ giấy lộn. Và những điều khoản cam kết hành sử quyền dân tộc tự quyết bằng đường lối hòa bình chỉ là những bánh vẽ do phe chủ chiến Lê Đức Thọ ban phát cho kẻ chủ bại Kissinger. Chẳng hạn như Điều 15 Hiệp Định Hòa Bình Paris: “Việc thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở thương nghị và thỏa thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính bên nào. Thời gian thống nhất sẽ do hai Miền Nam, Bắc Việt Nam đồng thỏa thuận (theo nguyên tắc nhất trí)!”
MỘT THỜI GIAN ĐỦ DÀI ĐỂ CÓ MỘT KHOẢNG CÁCH HỢP LÝ
Cuộc “Đại Thắng Mùa Xuân 1975” khó có thể có nếu Hoa Kỳ không nhất định bỏ Miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc mật đàm giữa Thủ Tướng Chu Ân Lai và Henry Kissinger ở Đại Sảnh Nhân Dân Bắc Kinh nhân dịp Tổng Thống Richard Nixon công du Trung Quốc và gặp Mao Trạch Đông ngày 21-2-1972, Kissinger nói thẳng với Chu Ân Lai: “Chúng tôi không quan tâm đến việc hủy diệt (Cộng Sản Việt Nam), và ngay cả việc đánh bại nó”.
Mỹ đã thỏa thuận với Trung Quốc để Cộng Sản Việt Nam chiếm Miền Nam sau khi Mỹ rút quân một thời gian. Kissinger xác nhận với Chu Ân Lai rằng Mỹ có thể chấp nhận Cộng Sản Miền Bắc chiếm Miền Nam bằng vũ lực, nếu việc này xẩy ra sau khi Mỹ rút quân khỏi đây một thời gian đủ dài để có một khoảng cách hợp lý (decent interval): “Nếu Bắc Việt nghiêm túc đàm phán với Miền Nam, và nếu sau một thời gian đủ dài sau khi chúng tôi đã hoàn toàn không còn dính líu gì (với Miền Nam) nữa, theo suy đoán riêng, tôi tin rằng khó có thể chúng tôi quay trở lại và khó có khả năng việc ấy sẽ xẩy ra”. Kissinger nói rõ hơn: “Nếu chúng tôi có thể chung sống với Chính Phủ Cộng Sản tại Trung Quốc, thì chúng tôi cũng có khả năng chấp nhận một chính quyền Cộng Sản ở Đông Dương”. Kissinger trắng trợn nói thẳng: “Hà Nội đã làm gì đến nỗi chúng tôi không thể, trong vòng 10 năm, thiết lập bang giao mới” (The White House, Memorandum of Conversation- Top secret / sensitive-Exclusive eyes only, p.p. 27-29: Cao Thế Dung: Đảng Cộng Sản Việt Nam 2007).
7 tháng trước, trong hai ngày 9 và 10 tháng 7-1971, trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai, Kissinger tiết lộ:
“Hoa Kỳ sẽ triệt thoái toàn thể quân lực ra khỏi Việt Nam và sẽ không bao giờ trở lại nếu có những điều khoản về ngừng bắn và trao trả tù binh trong Hiệp Định Paris. Lập trường của Hoa Kỳ là không nhất thiết duy trì một chính phủ đặc biệt nào (như Việt Nam Cộng Hòa) tại Miền Nam Việt Nam. Nếu có một giải pháp chính trị hợp lý phản ánh những tương quan lực lượng chính trị tại Miền Nam thì chúng tôi sẽ tôn trọng giải pháp đó. Nhưng chúng tôi cũng cần có một thời gian hợp lý cho giải pháp này (decent interval solution). Hôm qua Thủ Tướng có đề cập đến việc Bắc Việt sẵn sàng hy sinh hàng triệu người cho công cuộc này. Tôi xin thưa với Thủ Tướng rằng Bắc Việt không cần phải hy sinh thêm 1 triệu người nữa đâu…” (Jeffrey Kimball: The Vietnam War Files, 2004).
MẬT ĐÀM VÀ MẬT ƯỚC
Để chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam, ngày 27-1-1973, các bên tham gia Hội Nghị Paris đã ký một thỏa ước mệnh danh là “Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam”. Để bảo đảm sự thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định này, ngoài 4 bên kết ước là Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, còn có sự tham dự và bảo lãnh của tứ cường Anh, Nga, Pháp, Hoa và của 4 nước trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát là Ba Lan, Canada, Hung-Gia-Lợi và Nam Dương. Trong bản Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam ngày 2-3-1973, ngoài các đại diện của 12 “nước” nói trên, còn có sự hiện diện và chứng minh của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.
Đọc kỹ Hiệp Định Paris 1973, chúng ta sẽ tìm thấy những nguyên nhân sâu xa và tiềm ẩn đưa tới việc Bắc Việt thôn tính Miền Nam 2 năm sau khi Hiệp Định Paris vừa ráo mực. Đây hiển nhiên là một vi phạm cực kỳ thô bạo. Luật pháp văn minh của loài người đã bị thay thế bằng luật rừng xanh.
Nghịch lý cơ sở thứ nhất là việc Hoa Kỳ chấp nhận cho phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tham dự hội nghị và ký tên trong Hiệp Định bằng vai phải vế với Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ, dưới danh nghĩa đại diện “Chính Phủ” Cách Mạng Lâm Thời của “Nước” Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản, cũng như các Mặt Trận Việt Minh, Mặt Trận Liên Việt, Mặt Trận Tổ Quốc, Đảng Dân Chủ, Đảng Xã Hội v…v… đã được Đảng Cộng Sản Đông Dương khai sanh vì lý do thời cuộc từ thập niên 1940.
Từ sau 1975, khi Đảng Cộng Sản công khai xuất hiện để lãnh đạo Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, các tổ chức ngoại vi nói trên như Đảng Dân Chủ của Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Hoàng Minh Giám, Nghiêm Xuân Yêm, và Đảng Xã Hội của Nguyễn Xiển đã bị giải thể sau khi hoàn thành sứ mạng bày cảnh đa đảng cho Bắc Việt. Trước đó cùng chung số phận, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Nguyễn Hữu Thọ và Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ của Trịnh Đình Thảo cũng đã bị giải thể từ tháng 11-1975 sau khi hoàn thành sứ mạng gây ảo tưởng Chiến Tranh Miền Nam là một cuộc nội chiến do chính người Miền Nam phát động, chứ không phải do Bắc Việt đẩy tới. Ngay cả quân lực Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng đã được sát nhập và “thống nhất” với quân lực Bắc Việt từ sau 30-4-1975.
Cho đến tháng 1-1973 khi ký Hiệp Định Paris, Hà Nội vẫn ngoan cố phủ nhận sự tham gia của các binh sĩ Bắc Việt tại chiến trường Miền Nam. Cho đây chỉ là cuộc nội chiến nên không có vấn đề quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam. (North Vietnam refused to withdraw their forces from South Vietnam. They asserted that the conflict was a civil war and refused to acknowledge explicitly that they had any troops in the South. Hanoi therefore rejected our repeated demands for their withdrawal on the grounds that they were not involved in the war: Richard Nixon, sách đã dẫn).
Ngày nay sự thật lịch sử đã chứng minh ngược lại. Từ sau 1975, cũng như các cây kiểng Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội tại Miền Bắc, hai cái bóng ma Mặt Trận Giải Phóng và Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ tại Miền Nam cũng đã bị khai tử và an táng trong Bãi Tha Ma của Lịch Sử với bao oan nghiệt gây ra do những kẻ rước voi về giầy mồ các bậc Tổ Phụ trong Nghĩa Trang Dân Tộc.
Trở lại Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai (1955-1975), tới tháng 12-1972, do cuộc Tập Kích Chiến Lược Mùa Giáng Sinh, Hoa Kỳ đã thắng trong chiến tranh. Nhưng, chỉ một tháng sau, từ tháng 1-1973 với Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ đã thua trong hòa bình. Do những điều kiện khắc nghiệt của tình thế, như áp lực của phe phản chiến, của dân chúng chán ghét chiến tranh, của các cơ quan truyền thông mị dân cố tình sao chép những điều dối trá, bóp méo sự thật do phe Quốc Tế Cộng Sản cung cấp, và của đảng đối lập đa số tại Quốc Hội Hoa Kỳ.
Theo sách lược cố hữu của Cộng Sản, ký hiệp ước không phải để thi hành hiệp ước mà chỉ nhằm đạt được những mục tiêu chính trị giai đoạn.
Thủ thuật này đã được áp dụng hữu hiệu trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất (1946-1954) và Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai (1955-1975):
1) Năm 1946, Cộng Sản ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny, nhờ Pháp tống xuất quân đội Trung Hoa để thừa cơ thanh toán các đảng phái quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc như Quốc Dân Đảng, Đồng Minh Hội, Đại Việt, Duy Dân v…v…. Sau đó lại phát động Chiến Tranh Chống Pháp tháng 12 năm đó.
2) Năm 1954, Cộng Sản ký Hiệp Định Đình Chiến Geneva để tống xuất quân đội Pháp và nắm chính quyền tại Miền Bắc. Sau đó lại tái phát động Chiến Tranh Thôn Tính Miền Nam.
3) Năm 1973, Cộng Sản ký Hiệp Định Hòa Bình Paris để tống xuất quân đội Hoa Kỳ. Để sau một khoảng “thời gian hợp lý”, lại tái phát động chiến tranh để thôn tính Miền Nam, bất chấp lời cam kết chỉ “thực hiện thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở thương nghị và thỏa thuận, không cưỡng ép, không thôn tính, thời gian thống nhất sẽ do hai Miền đồng thỏa thuận”.
Khi xé bỏ Hiệp Định Paris 1973, Cộng Sản đã hạ nhục hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa và 8 quốc gia khác đã cùng ký Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam ngày 2-3-1973 để bảo đảm sự thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định. Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc hiện diện và chứng minh bản Định Ước cũng mất mặt. Vì Liên Hiệp Quốc đã bị Cộng Sản dùng làm bung sung trong sách lược ru ngủ dư luận quốc tế để tạo thời cơ xâm chiếm Miền Nam Việt Nam bằng võ lực. Nếu Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý và đạo lý thì Liên Hiệp Quốc cũng có trách nhiệm tinh thần, vì đã không góp phần vào việc duy trì hòa bình tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Và bẽ bàng hơn cả là Ban Tổ Chức Giải Hòa Bình Nobel đã trao giải này cho Lê Đức Thọ là kẻ lưu manh phát động chiến tranh xâm lược và Kissinger là kẻ trí trá đem lại hòa bình của những nấm mồ. Hơn 3 triệu người đã bị sát hại sau 1975 tại Việt Nam và Cam Bốt, và hàng chục triệu người khác đã bị kìm kẹp trong guồng máy độc tài phi nhân, trái với quyền dân tộc tự quyết được quy định trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành.
ĐỀ NGHỊ 10 ĐIỂM CỦA BẮC VIỆT
Ngày 8-5-1969 Tổng Thống Nixon đưa ra Bản Đề Nghị 8 Điểm của Hoa Kỳ nhằm giải quyết Chiến Tranh Việt Nam bằng thương nghị. Ngày hôm sau, 9-5-1969, để giành chính nghĩa, Bắc Việt cũng đưa ra bản đề nghị trong cái gọi là “Kế Hoạch Hòa Bình 10 Điểm”. 4 năm sau, ngày 27- 1-1973 khi Hội Nghị Paris kết thúc, toàn bộ kế hoạch của Bắc Việt đã được Hoa Kỳ chấp nhận.
– Điểm 1: Tôn trọng những quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, như độc lập, thống nhất, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, như Hiệp Định Geneva năm 1954 đã công nhận.
-Điểm 2: Hoa Kỳ phải [đơn phương] rút ra khỏi Miền Nam Việt Nam tất cả quân đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các quốc gia đồng minh mà không đòi điều kiện nào; Hoa Kỳ phải hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở Miền Nam Việt Nam.
– Điểm 3: Quyền chiến đấu để bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam là quyền tự vệ thiêng liêng và bất khả chuyển nhượng của mọi dân tộc.
– Điểm 4: Nhân dân Miền Nam Việt Nam sẽ tự giải quyết lấy những vấn đề nội bộ của họ, không có sự can thiệp của ngoại bang. Nhân dân Miền Nam Việt Nam sẽ tự lựa chọn chế độ chính trị cho Miền Nam Việt Nam qua những cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ; Quốc Hội Lập Hiến sẽ được thành lập để soạn thảo Hiến Pháp, Chính Phủ Liên Hiệp Miền Nam Việt Nam sẽ được thành lập trong tinh thần hòa giải hòa hợp và đại đoàn kết quốc gia.
– Điểm 5: Trong thời gian chuyển tiếp, từ khi tái lập hòa bình đến khi tổ chức tổng tuyển cử, các bên ở Miền Nam không được áp đặt chế độ chính trị của mình cho nhân dân Miền Nam.
Các lực lượng chính trị đại diện các tầng lớp xã hội và các khuynh hướng chính trị ở Miền Nam Việt Nam chủ trương hòa bình, độc lập và trung lập, kể cả những người đang sống ở ngoại quốc vì lý do chính trị, cũng được quyền tham dự vào việc thương nghị để thành lập Chính Phủ Liên Hiệp Lâm Thời. Chính phủ này phải được đặt trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và tương kính , nhằm xây dựng một Miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và trung lập. Chính Phủ Liên Hiệp Lâm Thời có những trách nhiệm sau đây:
– Thi hành những điều khoản đã được thỏa thuận về việc rút quân của Hoa Kỳ và của các quốc gia đồng minh ra khỏi Miền Nam Việt Nam.
– Thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc và đại đoàn kết quốc gia giữa các tầng lớp xã hội, các lực lượng chính trị và các sắc tộc.
– Tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ trong toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam để thực thi quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam chiếu theo điểm 4 nói trên.
– Thực thi những quyền tự do dân chủ thiết yếu như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội và lập đảng chính trị, tự do biểu tình v…v….
– Phóng thích tất cả những người đang bị giam cầm vì lý do chính trị, cấm mọi hành động khủng bố, trả thù và kỳ thị đối với những người đã cộng tác với các bên, hiện sống ở trong nước hay ở ngoài nước chiếu theo Hiệp Định Geneva 1954.
– Hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế, bình thường hóa đời sống của nhân dân và cải thiện đời sống của giới lao động.
– Điểm 6 : Miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình và trung lập (miền Bắc không bị ràng buộc bởi điều kiện này):
– Giao hảo với Vương Quốc Cam Bốt trên căn bản tôn trọng độc lập, chủ quyền, trung lập và sự toàn vẹn lãnh thổ và biên giới của quốc gia này; giao hảo với Vương Quốc Lào trên căn bản tôn trọng Nghị Định Thư năm 1962 [bảo đảm nền trung lập của Ai Lao].
– Thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa với tất cả các quốc gia trên thế giới kể cả Hoa Kỳ, không phân biệt về chính trị và xã hội, theo 5 Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình [của phe Phi Liên Kết Á Phi từ Hội Nghị Bandung 1955]; cùng tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, không gây hấn, không can thiệp vào việc nội bộ, bình đẳng và lưỡng lợi, sống chung hòa bình, nhận viện trợ kinh tế và kỹ thuật của các quốc gia mà không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện chính trị nào.
– Điểm 7: Nền thống nhất của Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở thương thảo và thỏa hiệp giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam không có sự can thiệp của nước ngoài.
Trong khi chờ đợi thống nhất Việt Nam trong hòa bình:
– Hai miền sẽ tái lập quan hệ ngoại giao trong mọi lãnh vực trên căn bản tương kính.
– Giới Tuyến Quân Sự Tạm Thời giữa hai miền tại Vĩ Tuyến 17 quy định trong Hiệp Định Geneva 1954, chỉ là tạm thời, và không phải là một ranh giới về chính trị hay lãnh thổ.
– Hai miền sẽ ký thỏa ước về quy chế Vùng Phi Quân Sự, và cách thức di chuyển qua Giới Tuyến Quân Sự Tạm Thời.
– Điểm 8: Trong khi chờ đợi sự thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, theo quy định của Hiệp Định Geneva 1954, hai Miền Nam Bắc không tham gia bất cứ liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào, không cho phép nước ngoài duy trì căn cứ quân sư, hay trú đóng quân đội và nhân viên quân sự trên đất mình.
– Điểm 9: Để giải quyết vấn đề hậu chiến:
– Các bên sẽ thương thuyết về việc trao trả tù binh của các bên bị bắt giữ trong thời chiến.
– Chính Phủ Hoa Kỳ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tổn thất và tàn phá gây ra cho nhân dân Việt Nam ở cả hai miền.
– Điểm 10: Các bên sẽ đi đến thỏa ước về việc giám sát quốc tế trong việc triệt thoái quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí và vật dụng chiến tranh của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh ra khỏi Miền Nam Việt Nam (không nói gì đến Bắc Việt).
Đề Nghị 10 Điểm của Bắc Việt hồi tháng 5-1969 tập trung vào 4 chủ đề:
– Chủ Đề I: Các Điểm 1, 3 và 7 coi Việt Nam vẫn là một nước duy nhất và thống nhất với lãnh thổ toàn vẹn. Chủ đề này nhằm xé bỏ Hiệp Định Geneva tháng 7-1954 đã phân chia Việt Nam thành hai quốc gia, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. (Cũng như hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn đã được thành lập do Hiệp Định Bàn Môn Điếm tháng 7-1953 tại Triều Tiên).
– Chủ Đề II: Các Điểm 2, 8 và 10 nói về sự ngừng bắn tại chỗ và sự triệt thoái [đơn phương] của quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh như Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân và Đại Hàn.
– Chủ Đề III: Điểm 9 nói về sự trao trả tù binh dẫn đến việc Hoa Kỳ là kẻ gây chiến phải chịu trách nhiệm bồi thường chiến tranh và tái thiết hai miền Việt Nam.
– Chủ Đề IV: Các Điểm 4, 5 và 6 nói về những vấn đề và giải pháp chính trị tại Miền Nam như tổ chức Tổng Tuyển Cử, soạn thảo Hiến Pháp mới và thành lập Chính Phủ Liên Hiệp 3 Thành Phần theo chính sách trung lập như Cao Miên và Ai Lao trong Khối Phi Liên Kết Á-Phi. Chủ đề này nhằm xóa bỏ Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967, giải tán Chính Phủ và giải thể chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
4 Chủ Đề nói trên do Bắc Việt đưa ra từ tháng 5-1969 đã được chấp nhận toàn bộ trong 8 Chương của Hiệp Định Paris tháng 1-1973.
– Chủ Đề I: Về Tâm Lý Chiến: Lãnh thổ Việt Nam Thống Nhất
(Các Điểm 1, 3 và 7)
Chủ đề này đòi xác nhận Việt Nam là một quốc gia thống nhất, lãnh thổ toàn vẹn bất khả phân (Điểm 1)
Giới Tuyến Quân Sự tại Vĩ Tuyến 17 quy định trong Hiệp Định Geneva 1954 không có giá trị là một ranh giới chính trị hay biên thùy lãnh thổ (Điểm 7)
Như vậy bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có quyền đi lại trong lãnh thổ thống nhất của Việt Nam (từ Nam Quan đến Cà Mau) để chiến đấu bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm dưới bất cứ hình thức nào (Điểm 3)
Đây thực ra chỉ là một sách lược của Bắc Việt nhằm xóa bỏ Hiệp Định Geneva 1954. Vì, như đã trình bày:
“Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam Bắc kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Lực lượng Liên Hiệp Pháp phải rút khỏi tất cả các hải đảo ven bờ biển thuộc phía Bắc giới tuyến (Vỹ Tuyến 17). Và quân đội Bắc Việt phải rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam”. (Điều 4 Hiệp Định Geneva 1954).
Lẽ tất nhiên, nếu có giới tuyến cho miền lãnh hải thì cũng phải có giới tuyến cho vùng lãnh thổ (Vỹ Tuyền 17). Giới tuyến này có hiệu lực trong 21 năm tại Việt Nam (1954-1975). Nó vẫn còn có hiệu lực trên 57 năm tại Triều Tiên (từ 1953 cho đến nay).
Về mặt tâm lý chiến, Hồ Chí Minh hằng tuyên bố: “Quyền chiến đấu để bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam là quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng”. Vì vậy Bắc Việt không bao giờ chấp nhận rút quân khỏi Miền Nam và đã kết án Hoa Kỳ là kẻ gây chiến phải chịu trách nhiệm bồi thường chiến tranh và tái thiết hậu chiến. Điều này đã được mặc nhiên chấp thuận trong Chương VIII Hiệp Định Paris theo đó “Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết Bắc Việt và Đông Dương sau chiến tranh” (Điều 21)
Chủ Đề I đã được Hiệp Định Paris chấp nhận trong Điều 1 Chương I và Điều 15 Chương V (mỗi chương chỉ có một điều).
Điều 1: “Hoa Kỳ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền,sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp Định Geneva 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Điều 15: (a)“Trong khi chờ đợi thống nhất: Giới Tuyến Quân Sự giữa hai miền tại Vĩ Tuyến 17 không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ như quy định trong đoạn 6 của Tuyên Ngôn Sau Cùng của Hội Nghị Geneva năm 1954”.
Chủ Đề I của Đề Nghị Bắc Việt nhằm xóa bỏ tư cách pháp nhân của Việt Nam Cộng Hòa, xóa bỏ Hiệp Định Geneva, xóa bỏ Giới Tuyến Quân Sự là Vỹ Tuyến 17 cũng như vùng Phi Quân Sự 10 cây số. Đó là nghịch lý cơ sở thứ hai.
Đề nghị này có tác dụng không ngăn cản những cuộc di chuyển của các cán binh Bắc Việt xâm nhập Miền Nam, nói là để chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chống Hoa Kỳ là kẻ xâm lược hay kẻ can thiệp.
Về mặt pháp lý, sau khi Hiệp Định Geneva được ký ngày 20-7-1954, qua hôm sau, 21-7-1954, Hội Nghị công bố bản Tuyên Ngôn Sau Cùng, khuyến cáo hai bên tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam vào tháng 7-1956. Tuy nhiên tuyên ngôn không phải là hiệp ước nên không có giá trị pháp lý. Hơn nữa Tuyên Ngôn Sau Cùng ngày 21-7-1954 không mang chữ ký của bất cứ phái đoàn nào, kể cả Bắc Việt và Quốc Gia Việt Nam, nên không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực ràng buộc Việt Nam Cộng Hòa.
Theo Công Pháp Quốc Tế, từ 1954 Việt Nam không còn là một quốc gia thống nhất vì lãnh thổ đã bị qua phân tại Vĩ Tuyến 17. Từ đó tại Việt Nam có hai quốc gia, hai chính phủ, hai quân đội và hai miền lãnh thổ. Cũng như tại Triều Tiên sau Hiệp Định Bàn Môn Điếm từ 57 năm nay. Như vậy, năm 1973 nói đến một nước Việt Nam thống nhất chỉ là tuyên truyền vọng tưởng chứ không phải là hiện thực.
Chính Hiệp Định Geneva 1954 cũng xác nhận điều đó:
1) Điều 14 đề cập đến giải pháp chính trị cho Việt Nam có ghi: “Trong khi chờ đợi Tổng Tuyển Cử để thống nhất nước Việt Nam, bên nào có quân đội tập hợp ở vùng nào thì sẽ phụ trách quản trị hành chánh ở vùng đó”. Vì chưa có tổng tuyển cử nên chưa có thống nhất.
2) Điều 24: “Các lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ phải tôn trọng vùng phi quân sự và lãnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát của bên kia”. Vì có hai quốc gia nên có hai lãnh thổ. Và giới tuyến quân sự (Vỹ Tuyến 17) là biên giới của hai nước Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếu Hiệp Định Geneva 1954.
3) Điều 6: “Bất cứ người nào, quân nhân hay thường dân, đều không được vượt qua giới tuyến quân sự tạm thời nếu không có giấy phép của Ban Liên Hợp”.
4) Điều 7: “Bất cứ người nào, quân nhân hay thường dân, đều không được vào khu phi quân sự nếu không có giấy phép của Ban Liên Hợp.”
Như vậy ngày nào Hiệp Định Geneva còn có hiệu lực thì Việt Nam không phải là một quốc gia thống nhất như bản Đề Nghị của Bắc Việt đã khẳng định trong Chủ Đề I.
Mặc dầu vậy, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tuyên bố rằng quyền chiến đấu chống xâm lăng để bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam là quyền tự vệ thiêng liêng. Đó chỉ là một quan điểm chủ quan. Vả lại sự thật lịch sử cho biết, tại Miền Nam Việt Nam, không phải Hoa Kỳ, Bắc Việt mới chính là kẻ xâm lăng.
Do chính sách giảo hoạt của người Cộng Sản và sự ngây thơ của chính giới Hoa Kỳ và dã tâm của Kissinger muốn bỏ rơi Việt Nam, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Hiệp Định Paris 1973 đã chấp nhận Chủ Đề I của Bắc Việt và chấp nhận quan điểm của Bắc Việt theo đó Việt Nam là một quốc gia đã thống nhất. Trên mặt trận tâm lý, Hoa Kỳ đã thua Bắc Việt. Tâm lý ảnh hưởng đến pháp lý và thực tế.
– Chủ Đề II: Về mặt Quân Sự: Ngừng Bắn, Rút Quân, Căn Cứ Quân Sự, Liên Minh Quân Sự .
(Các Điểm 2, 8 và 10 của Đề Nghị Bắc Việt)
Các Điểm 2 và 8 trong Đề Nghị Bắc Việt đòi Hoa Kỳ phải [đơn phương] rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam kể cả các quân đội của các quốc gia đồng minh như Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân và Đại Hàn.
Đồng thời, hai Miền Nam Bắc phải hủy bỏ các căn cứ quân sự và không tham gia vào các liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào.
Điểm 10 nói về việc thành lập cơ quan kiểm soát quốc tế để giám sát sự triệt thoái của các quân lực Hoa Kỳ và đồng minh ra khỏi Miền Nam Việt Nam.
Những Đề Nghị này đã được chấp thuận trong Hiệp Định Paris 1973 nơi Chương II nói về sự ngừng bắn tại chỗ hay ngừng bắn da beo 24 giờ sau ngày ký Hiệp Định.
Điều 2: “Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp Miền Nam Việt Nam kể từ 24 giờ ngày 27-1-1973”.
Điều 3 nói về nguyên tắc Ngừng Bắn Tại Chỗ hay Ngừng Bắn Da Beo: “Bắt đầu từ khi ngừng bắn:
a. Các lực lượng của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đồng minh của Hoa Kỳ và của Việt Nam Cộng Hòa sẽ ở nguyên vị trí của mình trong lúc chờ đợi thực hiện kế hoạch rút quân.
b. Các lực lượng vũ trang của hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình.” (không phải rút quân).
Điều 5: “Sự rút quân của Hoa Kỳ và của các quốc gia đồng minh phải được hoàn thành trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký Hiệp Định”.
Điều 6 nói về sự hủy bỏ các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Miền Nam Việt Nam.
Và Chương VI Hiệp Định Paris quy định việc thành lập Ban Liên Hợp Quân Sự (Điều 16), Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát (Điều 18), đặc biệt là Hội Nghị Quốc Tế (của 12 nước) về Việt Nam: gồm có bốn bên kết ước, tứ cường Anh, Pháp, Nga, Hoa và bốn quốc gia giám sát là Ba Lan, Canada, Hung Gia Lợi và Nam Dương. Ngoài ra còn có sự hiện diện và chứng minh của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. (Điều 19). Ngày 2-3-1973, 12 “nước” đã ký bản Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam để bảo đảm sự thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973.
Khách quan mà xét đây chỉ là những tổ chức hay cơ quan kiểm soát và giám sát trang trí, hữu danh vô thực. Đó là liều thuốc an thần trấn an dư luận cho Hoa Kỳ triệt thoái quân đội khỏi Miền Nam. Lý do dễ hiểu là các cơ quan kiểm soát này chỉ có thể lập phúc trình và quyết định theo nguyên tắc nhất trí. Vì cần có nhất trí nên thành bất động. Trong các Ban Liên Hợp Quân Sự cũng như trong Ủy Ban Kiểm Soát và Giám Sát không bao giờ đạt được nhất trí. Vì có hai thành phần thường xuyên đối kháng nhau.
Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát gồm đại diện hai nước Cộng Sản Ba Lan và Hung Gia Lợi, một nước trung lập (Nam Dương) và một nước thuộc phe dân chủ (Canada). Không bao giờ Ủy Ban có sự nhất trí, ngoại trừ bản phúc trình duy nhất mang bốn chữ ký xác nhận Sa Huỳnh thuộc vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa hồi tháng 1-1973. Sau vụ này đại diện Ba Lan bị cách chức. Hơn nữa ngày 7-4-1973 quân đội Bắc Việt đã bắn hạ hai trực thăng của Ủy Ban tại Ban Mê Thuột đưa đến sự từ chức của phái bộ Canada. Từ đó Bắc Việt được tự do hoành hành. Họ đã vi phạm Hiệp Định Paris hơn 2 ngàn lần năm 1973 so với khoảng 1 ngàn vụ vi phạm năm 1972. Đó là sách lược Vừa Đánh Vừa Đàm áp dụng từ Chiến Tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950. Tại Việt Nam chính sách này được mệnh danh là “Giành Dân Lấn Đất”. Ngay cả những vụ vi phạm thô bạo nhất của Bắc Việt như những vụ tiến chiếm Phước Long tháng 1-1975, Ban Mê Thuột tháng 3-1975 và Đà Nẵng tháng 4-1975 cũng không thấy Ủy Ban Kiểm Soát và Giám Sát lập phúc trình!
Đặc biệt là theo Đề Nghị Bắc Việt và Điều 3 Hiệp Định Paris, sự ngừng bắn tại chỗ hay ngừng bắn da beo cho phép các lực lượng đối nghịch (kể cả Bắc Việt) được giữ nguyên vị trí của mình. Và như vậy đã mặc nhiên cho phép quân Bắc Việt được tiếp tục đồn trú trên lãnh thổ Miền Nam. Đó là nghịch lý cơ sở thứ ba.
Về khoản rút quân, Hiệp Định Paris chỉ nói về sự triệt thoái đơn phương của các quân lực Hoa Kỳ và đồng minh. Trong khi đó không có điều khoản nào buộc quân đội và cán bộ Bắc Việt xâm nhập Miền Nam phải triệt thoái ra khỏi Vỹ Tuyến 17 như Hiệp Định Geneva 1954 đã quy định. (Trong thời gian hòa đàm 1954, Bắc Việt đã bác bỏ đề nghị ngừng bắn tại chỗ hay ngừng bắn da beo tại hai miền Nam Bắc).
Theo Hiệp Định Geneva 1954, hai bên phải tập kết và rút quân ra khỏi giới tuyến quân sự tạm thời (Vỹ Tuyến 17). Quân đội Bắc Việt phải rút về phía Bắc giới tuyến, và quân đội Quốc Gia Việt Nam và quân đội Liên Hiệp Pháp phải rút về phía Nam giới tuyến. Sự rút quân song phương đã được tiến hành theo trình tự như sau:
1. Về phía Bắc Việt: Khu Đồng Tháp Mười trong thời hạn 100 ngày, khu Mũi Cà Mâu 200 ngày và đợt chót ở Trung Phần 300 ngày.
2. Về phía Quốc Gia Việt Nam và Liên Hiệp Pháp: 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày tại Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng.
Trong thời gian tập kết 300 ngày, gần 1 triệu đồng bào Miền Bắc đã bỏ phiếu bằng chân khi rời bỏ Miền Bắc vào Nam tìm Tự Do.
Chủ Đề III: Về Mặt Nhân Đạo và Tái Thiết: Phóng Thích Tù Binh Và Bồi Thường Chiến Tranh
(Điểm 9 Đề Nghị Bắc Việt)
Chương III (Điều 8) và Chương VIII (Điều 21) Hiệp Định Paris đề cập đến việc trao trả tù binh, bồi thường chiến tranh và tái thiết Đông Dương. Đây chỉ là sự sao chép đề nghị và quan điểm của Bắc Việt theo đó Hoa Kỳ là kẻ gây chiến nên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tổn thất và tàn phá gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Và Điểm 9 Đề Nghị Bắc Việt ngụ ý nói, nếu muốn đòi thả tù binh, phải bồi thường chiến tranh và tái thiết hậu chiến. Hoa Kỳ đã ưng chịu tuân hành khi ký Hiệp Định.
Chủ Đề IV: Về mặt Chính Trị: Những Vấn Đề và Giải Pháp
(Các Điểm 4, 5, 6 của Đề Nghị Bắc Việt)
Chủ Đề này đề cập đến những giải pháp chính trị sẽ được áp dụng tại Miền Nam Việt Nam khi Hiệp Định Paris được ký kết và thi hành.
Điểm 4 Bản Đề Nghị Bắc Việt đòi quyền dân tộc tự quyết cho nhân dân Miền Nam (nhân dân Miền Bắc không được hưởng quyền này), được lựa chọn chế độ chính trị thông qua Tổng Tuyển Cử để soạn thảo Hiến Pháp Mới, tiến tới việc thành lập một Chính Phủ Liên Hiệp theo Chế Độ Trung Lập chiếu 5 Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình của Hội Nghị Bandung 1955 và của phe Phi Liên Kết Á Phi.
Như vậy Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị giải thể, Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị hủy bỏ để thành lập Chính Phủ Liên Hiệp 3 thành phần ngang nhau: Cộng Sản, Trung Lập thiên cộng và Cộng Hòa. Từ nay trong tương quan lực lượng, phe Cộng Hòa chỉ còn 1/3 tại Miền Nam và 1/6 tại Việt Nam. Vả lại sự phân quyền này không căn cứ vào những tương quan chính trị và xã hội. Trên thực tế Cộng Sản chỉ kiểm soát được chừng 10% dân chúng. Phe trung lập thiên cộng chỉ là “mấy anh phiêu lưu chính trị và tập sự chính trị vô tích sự hay phê bình vung vít” (Đại Sứ Jean Marie Merillon). Đến đầu năm 1975 Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa vẫn kiểm soát trên 85% dân chúng Miền Nam Việt Nam.
Do đó sự thành lập Chính Phủ Liên Hiệp 3 thành phần ngang nhau là bất công. Đây chỉ là một kế hoạch thôn tính Miền Nam bằng đường lối hòa bình.
Dầu sao, đối với Bắc Việt, đó vẫn là hạ sách.
Mục tiêu chủ yếu của họ là, với hơn 100 ngàn quân đồn trú sẵn tại Miền Nam cộng với số quân xâm nhập năm 1975 chừng 250 ngàn, khi điều kiện cho phép, họ sẽ xâm chiếm Miền Nam bằng võ lực. Cơ hội ngàn năm một thuở của Bắc Việt là sự vướng mắc của Tổng Thống Nixon trong vụ Watergate (từ tháng 4-1973 đến tháng 8-1974). Thêm vào đó là chủ trương của Hoa Kỳ muốn triệt thoái toàn bộ quân lực ra khỏi Việt Nam để đòi phóng thích tù binh sau khi ngừng bắn. Kể từ tháng 6-1973 Quốc Hội không còn cấp ngân khoản cho quân lực Hoa Kỳ chiến đấu tại Đông Dương. Và Luật về Quyền Lực Chiến Tranh tháng 10-1973 đã trói tay hành động của Hành Pháp vốn là cơ quan hành động.
Vì không còn lo sợ bị oanh tạc, hàng chục sư đoàn chính quy Bắc Việt, với sự yểm trợ tối đa của Liên Xô và Trung Quốc, đã công khai di chuyển từ các căn cứ tại Ai Lao, Cao Miên và Bắc Việt vào chiến trường Miền Nam từ tháng 11-1973, nhất là từ tháng 8-1974 khi Nixon từ chức.
Như đã trình bày, 3 nghịch lý cơ sở là:
1) Theo Hiệp Định Geneva 1954, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có hai quốc gia là Việt Nam Cộng Hòa tại Miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Miền Bắc. Vì lãnh thổ quốc gia đã bị chia cắt nên không còn thống nhất (Quốc Gia Việt Nam không ký Hiệp Định Geneva 1954 nên không chịu trách nhiệm về sự qua phân lãnh thổ).
2) Về mặt quân sự chỉ thấy ghi sự triệt thoái đơn phương của Hoa Kỳ và Đồng Minh và không lý vấn gì đến sự hiện diện của hàng trăm ngàn binh sĩ Bắc Việt xâm nhập Miền Nam từ 1972.
3) Hơn nữa, về mặt chính trị và pháp lý, trong lãnh thổ Việt Nam chỉ có hai nước và không thể có một nước thứ ba mệnh danh là Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN).
Kế hoạch “3 Nước Việt” đã được Trung Quốc và Bắc Việt đề ra để giăng bẫy Hoa Kỳ. Chu Ân Lai đã du mị Kissinger bằng cách hứa hẹn dùng Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam làm quốc gia trung lập trái độn giữa Bắc và Nam Việt. Bắc Kinh còn tiết lộ họ đã ký với Giải Phóng Miền Nam một Hiệp Ước An Ninh Hỗ Tương theo đó “mọi vi phạm chủ quyền của Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sẽ được coi như vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”.
Và sau vụ thành lập “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời” (CPCMLT) còn có vụ đổi tên từ Xa Lộ Đông Trường Sơn (hay Đường Mòn Hồ Chí Minh) thành Quốc Lộ 1 Kép; Quốc Lộ 19 Pleiku-Qui Nhơn thành Quốc Lộ 2; và Quốc Lộ 21 Ban Mê Thuột-Nha Trang thành Quốc Lộ 3 trong một quốc gia mới được Trung Quốc khai sinh và nuôi dưỡng. CHMNVN sẽ đặt thủ đô tại Tây Nguyên. Và đến ngày trình diện, các phái đoàn của 80 nước, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ đổ bộ từ Đông Hà xuống Tây Nguyên bằng Xa Lộ Đông Trường Sơn hay Quốc Lộ 1 Kép để thừa nhận CPCMLT.
Về mặt quốc tế công pháp, trong một quốc gia không thể có hai nước. Điều này đi trái với Hiệp Định Geneva 1954 quy định thành lập hai quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc) (cũng như hai quốc gia Nam Hàn và Bắc Hàn theo Hiệp Định Bàn Môn Điếm 1953).
Do đó ngày nào Hiệp Định Geneva còn có hiệu lực (như Hiệp Định Bàn Môn Điếm) thì không thể có hai nước Việt tại Miền Nam, với hai chính phủ, hai quân đội, hai vùng lãnh thổ, hai loại cư dân, kể cả hai loại công an cảnh sát (như Điều 6 Nghị Định Thư Về Ngừng Bắn trong Hiệp Định Paris 1973 đã ám chỉ).
Từ 1969, do áp lực của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa đã phải nhìn nhận “thực thể Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” như kẻ đối thoại chính thức. Dầu rằng trước đó, cuộc Tổng Công Kích Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968 đã hoàn toàn thất bại về chính trị cũng như về quân sự.
Cộng Sản dối gạt các cán binh rằng vào Nam chỉ để tiếp thu và sẽ có tổng khởi nghĩa của nhân dân Miền Nam. Thật ra cuộc đồng khởi chính trị không được ai hưởng ứng. Theo báo cáo của thủ trưởng Tỉnh Định Tường (một thanh niên chưa tới 20 tuổi) thì ngày Tổng Khởi Nghĩa sẽ có 50 tổ đồng khởi. Vậy mà tới ngày đó, chỉ có một tổ của thủ trưởng mà thôi, “không thấy 49 tổ kia đâu hết!”.
Nhận định về sai biệt này, về mặt chính trị Hồ Chí Minh đúc kết: “Cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại vì báo cáo chủ quan”. (Tỷ lệ phóng đại là 98%).
Về mặt quân sự, cũng theo Hồ Chí Minh: “Cuộc Tổng Công Kích thất bại vì hạ tầng cơ sở du kích tan rã” do Chiến Dịch Lùng và Diệt Địch phát động từ 1965. Nhiều đơn vị Bắc Việt vào Nam đã bị tiêu diệt, có những đơn vị đi 2000 người mà sau một đêm chỉ còn có 30. (Tỷ lệ tổn thất cũng là 98%):
Mậu Thân, hai ngàn người xuống đồng bằng,
Chỉ một đêm, còn sống có ba mươi.
(Chế Lan Viên)
Như vậy khi Hội Nghị Paris khởi diễn tháng 5-1968, theo cán cân chính trị và quân sự, đáng lý Việt Nam Cộng Hòa phải ngồi vào ghế thượng phong ngang hàng với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chứ không thể chấp nhận cho cái bóng ma Mặt Trận Giải Phóng được sắm vai “nước thứ tư” tại Hội Nghị. Do những nhượng bộ quá đáng của Hoa Kỳ, trên thực tế Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn đại diện cho 1/3 nhân dân Việt Nam, trong thế giả tạo chia 3 Nước Việt do Trung Quốc đề ra để du mị Hoa Kỳ. Thời gian này báo chí Hoa Kỳ phản chiến cố tình phân biệt giả tạo giữa Việt Cộng (Miền Nam) với Cộng Sản Bắc Việt.
Từ 1949 khi Quốc Gia Việt Nam được thành lập do Hiệp Định Elysée, chỉ có một chính phủ hợp pháp do Quốc Trưởng Bảo Đại ủy nhiệm. Và từ 1956 dưới chính thể Cộng Hòa, Miền Nam Việt Nam vẫn chỉ có một chính phủ dân cử được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cuối tháng 12-1960, để giàn dựng cuộc “nội chiến”, Đảng Cộng Sản đã thành lập một tổ chức ngoại vi mệnh danh là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Và tới tháng 6-1969, tại Hội Nghị Paris, họ còn khai sanh cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời của Nước Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Như vậy, về pháp lý và chính trị, Việt Nam Cộng Hòa bị thu hẹp còn 1/4 lực lượng tại Việt Nam, ngang với CHMNVN.
Trở lại cuộc hòa đàm, Chủ Đề IV của Bắc Việt về những vấn đề chính trị tại Miền Nam đã được chấp nhận toàn bộ bởi Điều 9, Điều 12 và Điều 11 Hiệp Định Paris 1973:
– Điều 9: “Nhân dân Miền Nam Việt Nam sẽ tự quyết định về tương lai chính trị cho Miền Nam thông qua tổng tuyển cử tự do dưới sự giám sát của các cơ quan quốc tế”.
– Điều 12: “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ thành lập Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc 3 thành phần ngang nhau. Trong vòng 3 tháng hai bên sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của Miền Nam Việt Nam. Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do có giám sát quốc tế”.
– Điều 11: “Ngay sau khi ngừng chiến, hai bên Miền Nam sẽ đảm bảo những quyền tự do dân chủ của nhân dân, như tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hoạt động chính trị [lập đảng], tự do tín ngưỡng, tự do di chuyển, tự do cư ngụ, tôn trọng quyền tư hữu, và quyền tự do kinh doanh”. Và như vậy Đảng Cộng Sản sẽ được công khai hoạt động trái với Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.
Với sự xóa bỏ Hiệp Định Geneva 1954, sự thừa nhận nhà nước và chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, với điều khoản mặc nhiên cho phép quân Bắc Việt đồn trú tại Miền Nam, với sự rút quân đơn phương của Hoa Kỳ và đồng minh, với sự cắt viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa sau Hiệp Định Paris, đặc biệt là với việc Hoa Kỳ bội ước không tôn trọng lời cam kết của Tổng Thống Nixon trong 30 văn thư gửi Tổng Thống Thiệu hứa sẽ trả đũa quyết liệt bằng những võ khí mạnh nhất (như không đoàn B52) trong trường hợp Bắc Việt tấn công võ trang quy mô vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định, Nixon thú nhận rằng: “Hoa Kỳ đã phản bội Đồng Minh và đã thất bại trong việc thực thi những điều cam kết bảo vệ Độc Lập và Tự Do của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là sự phản bội và thất bại không tiền khoáng hậu trong lịch sử Hoa Kỳ”. (An unprecedented example of American betrayal and failure: Nixon, No More Vietnams).
Trong cuốn sách này, Nixon viết: “Mặc dầu chúng tôi không chấp nhận tính chính thống của quân đội Bắc Việt đồn trú tại Miền Nam, nhưng cho đến tháng 10-1972, chúng tôi vẫn không thể làm lay chuyển lập trường bất di bất dịch của Bắc Việt. Họ nhất quyết không chịu rút quân khỏi Miền Nam và chủ trương rằng Chiến Tranh Việt Nam chỉ là một cuộc nội chiến của hai phe Miền Nam. Họ khẳng định không có cán binh Bắc Việt nào xâm nhập Miền Nam. Và nhất quyết bác bỏ yêu cầu của chúng tôi đòi Bắc Việt phải rút quân, lý sự rằng họ không tham gia vào cuộc nội chiến tại Miền Nam”.
Chúng ta chỉ hỏi ông Nixon: Nếu không tham chiến, sao phải nghị hòa?.
Với sự du mỵ bằng những “cam kết ngầm” của Bắc Việt, Kissinger đã thúc đẩy Hoa Kỳ nhắm mắt chấp nhận các điều kiện của Bắc Việt. Và cả Chương II Hiệp Định Paris đã không viết một câu nào về việc quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam như trong Hiệp Định Đình Chiến Geneva 1954. Sau khi Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 được công bố, một nhân viên phái đoàn Bắc Việt trắng trợn tuyên bố với báo chí: “Khác với thời Hiệp Định Đình Chiến Geneva 1954, lần này, theo Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, chúng tôi không phải rút quân khỏi Miền Nam”.
Mặt khác, trong Đề Nghị 8 Điểm của Nixon ngày 8-5-1969 (một ngày trước Kế Hoạch 10 Điểm của Bắc Việt), như đã được công bố trên các đài truyền hình quốc gia, lập trường không thay đổi của Hoa Kỳ là đòi có sự triệt thoái song phương của cả quân lực Hoa Kỳ và quân lực Bắc Việt (a mutual withdrawal of American and North Vietnamese forces). Sau đó, ngày 16-7-1969, Nixon còn nhờ Sainteny chuyển văn thư cho Hồ Chí Minh yêu cầu Bắc Việt chấp nhận giải pháp triệt thoái song phương để cuộc hòa đàm được tiếp diễn trở lại. Trong văn thư phúc đáp nhận được ngày 25-8-1969 (8 ngày trước khi từ giã cõi trần), họ Hồ lạnh lùng bác bỏ đề nghị của Nixon và nhắc lại điều kiện buộc Hoa Kỳ phải đơn phương rút quân khỏi Miền Nam và lật đổ Chính Phủ Nguyễn Văn Thiệu.
Từ đó Bắc Việt không còn đếm xỉa đến Hiệp Định Geneva 1954, chủ trương rằng hai miền Nam, Bắc vẫn thuộc về một nước Việt Nam thống nhất. Và nghĩa vụ thiêng liêng của bất cứ con dân nào trên đất Việt là phải đấu tranh để đánh đuổi kẻ ngoại xâm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. (Chúng ta cần nhắc lại rằng: Tại Miền Nam, không phải Hoa Kỳ, Bắc Việt mới chính là kẻ xâm lăng).
Như đã trình bày, sau vụ Mậu Thân, từ tháng 5-1968, trong cuộc hòa đàm tay đôi tại Paris chỉ có hai đại diện Hoa Kỳ và Bắc Việt tham dự là Harriman và Xuân Thủy. Sự việc này cho phép Bắc Việt tuyên truyền rằng Việt Nam Cộng Hòa chỉ là chư hầu của Đế Quốc Mỹ.
Sự thật chiến trường đã chứng minh ngược lại. Kể từ tháng 4-1972, khi Bắc Việt huy động hơn 200 ngàn quân trong Chiến Dịch Tổng Tấn Công Xuân Hè hay Mùa Hè Đỏ Lửa (Easter Offensive), tới tháng 10-1972 khi Chiến Dịch tàn lụi, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã đẩy lui 14 sư đoàn chính quy Bắc Việt, dầu rằng lúc này quân lực Hoa Kỳ không còn tham chiến trên bộ nữa. Và số thương vong của Bắc Việt đã vượt quá 100 ngàn. (In the Spring Offensive of 1972 South Vietnam’s army had held off the North Vietnamese onslaught without the assistance of any American ground combat troops: Nixon, sách đã dẫn). Từ tháng 2-1968 (Tết Mậu Thân) đến tháng 10-1972 (sau Mùa Hè Đỏ Lửa), “Bắc Việt đã thực sự thua trận, nhưng họ làm ra vẻ như thắng trận, trong khi Việt Nam Cộng Hòa đã thực sự thắng trận”. (North Vietnam, which had in effect lost the war, was acting as if had won, while South Vietnam had effectively won the war: Nixon, sách đã dẫn).
Đến Mùa Giáng Sinh 1972, sau cuộc Tập Kích Chiến Lược 12 ngày đêm của Không Lực Hoa Kỳ tại Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận (từ 18-12 đến 30-12, trừ Ngày Giáng Sinh), Bắc Việt đã hoàn toàn kiệt quệ. Tại Hà Nội và các thị trấn phụ cận như Hải Phòng, tin trong nước cho biết, nhà nào cũng may cờ trắng đầu hàng để sẵn sàng nghênh đón các chiến sĩ Miền Nam ra giải phóng Miền Bắc. Lúc này Lê Duẩn và Bộ Chính Trị Cộng Sản đã có kế hoạch rút ra khu. Theo các giới am hiểu, nếu Hoa Kỳ tiếp tục dội bom thêm một vài tuần nữa, thì Bắc Việt sẽ phải nhượng bộ. Trong điều kiện đó, Hiệp Định Hòa Bình chắc chắn sẽ ghi khoản quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam. (Cũng như quân Bắc Hàn phải rút về Miền Bắc sau Hiệp Định Bàn Môn Điếm tháng 7-1953). Thế nhưng trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai hồi tháng 2-1972, Kissinger bộc lộ rằng Hoa Kỳ không chủ trương đánh bại Bắc Việt. Chỉ muốn 3 điều là ngưng chiến, rút quân và trao đổi tù binh.
Vì vậy, mặc dầu Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã đánh bại Bắc Việt từ tháng 4-1972 (Mùa Hè Đỏ Lửa) đến mùa Giáng Sinh tháng 12-1972 (Tập Kích Chiến Lược), chỉ 4 tuần sau, đang trên đà chiến thắng, không hiểu tại sao Kissinger lại lật ngược thế cờ để cúi đầu bối thự (ký tắt) Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 và chấp nhận toàn bộ Kế Hoạch 10 Điểm của Bắc Việt. Đây đúng là một sự đầu hàng ô nhục về chính trị và ngoại giao, nhất là khi Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đang nắm thế thượng phong.
Chuyển thắng thành bại là biệt tài của Kissinger. Chính Nixon cũng phải ngậm ngùi than: “Chúng ta đã thắng trong chiến tranh nhưng lại thua trong hòa bình” (Nixon, sách đã dẫn).
Thật ra, trước khi thua trong hòa bình, Mỹ đã thua trong hòa đàm.
Ngày nay mọi người ý thức rằng, trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai tại Bắc Kinh tháng 2-1972, Kissinger thổ lộ rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến việc đánh Bắc Việt. Ông còn dã tâm chấp nhận cho Cộng Sản thôn tính Miền Nam Việt Nam và Miên Lào bằng võ lực sau một thời gian “hợp lý” kể từ khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Ông chỉ muốn ký một Hiệp Ước Hòa Bình tại Việt Nam để rút quân và xin lại tù binh. Còn số phận của hàng chục triệu người Đông Dương đồng minh của Hoa Kỳ, ông không lý vấn đến! Sau khi ký tắt Hiệp Định Paris tháng 1-1973, trả lời câu hỏi của Ehrlichman,Phụ Tá Nội Vụ của Nixon, Kissinger ước tính chỉ trong vòng 18 tháng Miền Nam Việt Nam sẽ bị Miền Bắc thôn tính. (John Ehrlichman: Witness to Power, the Nixon years). Chắc ông chưa mãn nguyện vì mãi 27 tháng sau Saigon mới thất thủ
Tháng 4-1975 sau khi mất Đà Nẵng, Tướng Weyand Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ lập phúc trình đề nghị Tổng Thống Ford yêu cầu Quốc Hội viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng Hòa 700 triệu Mỹ kim để kịp thời trả đũa quân Bắc Việt xâm lăng vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định Paris. Với số ngân khoản này Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa có thể phản công và oanh tạc từng sư đoàn chính quy Bắc Việt xâm nhập Miền Nam bất hợp pháp từ các trận chiến Phước Long tháng 1, Ban Mê Thuột tháng 3, và Đà Nẵng tháng 4-1975. Trước kia, cho đến Chiến Dịch Mùa Hè Đỏ Lửa tháng 4-1972, quân đội Bắc Việt không dám tập trung đến cấp trung đoàn vì sợ làm mồi cho các phi đội B52. Ngay cả sau khi chiếm quận Kiến Đức tháng 11-1973, 3 sư đoàn Bắc Việt tại miền 3 Biên Giới là các Công Trường 5-7-9 đã được lệnh rút về Miên Lào không được tiến chiếm tỉnh Quảng Đức. Lúc này Hoa Kỳ muốn nhường Quảng Đức cho Giải Phóng Miền Nam lập thủ đô trong :Kế Hoạch 3 Nước Việt”, dùng Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam làm quốc gia trái độn trung lập giữa Bắc Việt và Nam Việt.
Tuy nhiên Cộng Sản đã không tiến chiếm Quảng Đức. Vì hai lý do:
1. Hà Nội không cho phép Mặt Trận Giải Phóng lập thủ đô “quá sâu trong lòng địch”, “thủ đô” Đông Hà tại Vĩ Tuyến 17 dễ kiểm soát hơn.
2. Rút kinh nghiệm Triều Tiên, Hà Nội sợ mắc mưu Hoa Kỳ như trong những phi vụ phản kích các sư đoàn Bắc Hàn và Trung Quốc xâm nhập Nam Hàn.
Với sự ban hành Luật về Quyền Lực Chiến Tranh của Quốc Hội Hoa Kỳ tháng 10-1973, Bắc Việt yên trí rằng từ đó Hoa Kỳ sẽ không trả đũa như trong Chiến Dịch Mùa Hè Đỏ Lửa từ tháng 4-1972 tại Miền Nam, hay trong cuộc Tập Kích Chiến Lược tháng 12-1972 tại Miền Bắc. Đặc biệt sau khi Nixon từ chức vào tháng 8-1974, từ cuối năm 1974 quân đội Bắc Việt đã ngang nhiên tập trung đến cấp sư đoàn. Do sự khinh thị này, Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ rất có thể lấy lại thế quân bình sau những trận oanh tạc quy mô tại Quân Khu I và Tây Nguyên. Tuy nhiên Kissinger đã can gián Tổng Thống Ford rằng chiến dịch tập kích sẽ gặp phản kháng của quần chúng xuống đường, và sẽ gây hậu quả bất lợi cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1976. Rút cuộc đơn xin viện trợ khẩn cấp 700 triệu của Tướng Weyand đã bị xếp bỏ. Lúc này Kissinger còn trắng trợn nguyền rủa đồng minh: “Sao bọn họ không chết sớm đi cho rồi!. Tệ hại nhất là bọn họ cứ sống dai dẳng mãi!”. (The Palace File: Nguyen Tien Hung and Jerrold Schecter trích dẫn Ron Nessen: It Sure Looks Different from the Inside).
Đây rõ rệt là sự vụng tính và bất công của Hoa Kỳ. Trước đó, ngày 6-10-1973, Hoa Kỳ đã tích cực yểm trợ Do Thái trong Trận Chiến Yom Kipur. Theo Nixon, Do Thái có liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ dầu chỉ có 4 triệu dân Do Thái trong số 100 triệu dân tại Trung Đông. Do Thái cũng không có dầu khí mà cũng không có liên hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Tuy nhiên về mặt tinh thần, và để bảo vệ chế độ dân chủ tại quốc gia này, Hoa Kỳ vẫn coi hành động yểm trợ Do Thái có quan hệ “sống còn tới quyền lợi quốc gia”. (vital to our national interests). Do đó bất cứ vị Tổng Thống Hoa Kỳ nào cũng sẵn sàng yểm trợ Do Thái khi nước này bị tấn công. Trong Trận Chiến 3 tuần Yom Kipur giữa Do Thái và Ai Cập tháng 10-1973, Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Do Thái 2,2 tỷ Mỹ kim. Lúc này, Liên Xô đề nghị Hoa Kỳ ngừng bắn dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc và đe dọa sẽ can thiệp nếu Do Thái tấn công Syria. Kissinger lập tức phản bác và cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ nhập cuộc nếu Liên Xô can thiệp. Sau khi thất trận Tổng Thống Ai Cập than phiền rằng: “Chúng tôi không thể cùng một lúc chống lại cả Do Thái lẫn Hoa Kỳ”. Sau Chiến Dịch Yom Kipur, báo chí Hoa Kỳ tuyên dương Kissinger là “người hùng có phép lạ” (superman/ miracleman).
Về mặt chiến lược, chính nghĩa, đạo lý và liên minh, Việt Nam Cộng Hòa có quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ tại Đông Nam Á hơn là giữa Do Thái với Hoa Kỳ tại Trung Đông. Vậy mà Chính Phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ đã nhẫn tâm bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa sau 10 năm liên minh kết nghĩa, với trên 20 triệu con người đã đứng ra bảo vệ Tự Do cho miền thế giới này. Từ 1965, Hoa Kỳ đổ xô nhân lực, vật lực vào chiến trường Miền Nam, và gia tăng cường độ chiến tranh với trên nửa triệu binh sĩ chiến đấu bên cạnh quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh. Bất cứ nhà quan sát vô tư nào cũng ngạc nhiên khi thấy chỉ vì 700 triệu mà Hoa Kỳ tiếc rẻ khiến cho Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao cũng như bao nhiêu nước Á Phi và Nam Mỹ đã rơi vào vòng lệ thuộc của Quốc Tế Cộng Sản. Trong khi đó, về niên khóa 1974, Liên Xô đã tăng gấp đôi số viện trợ quân sự cho Bắc Việt, với 1 tỉ 700 triệu Mỹ kim để phát động Chiến Dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong khi từ sau Hiệp Định Paris, số quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa bị Hoa Kỳ cắt giảm còn 1/4.
Thời Hiệp Định Paris 1973 số quân viện cho Miền Nam là 2,2 tỷ Mỹ kim. Qua năm 1974 bị cắt hơn nửa (54%), còn 1.01 tỷ. Tới năm 1975 lại bị cắt phân nửa, chỉ còn 500 triệu (cộng với 200 triệu tính vào các sở phí chuyên chở và các khoản linh tinh khác).
Trong bản điều trần tháng 9-1974 trước Quốc Hội về dự án ngân sách 1975, cũng như trong bản tường trình gởi Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Tướng John Murray, Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Saigon (DAO), đã đưa ra một công thức hay phương trình về sự liên hệ giữa số quân viện và chủ quyền lãnh thổ. Theo công thức này “nếu Hoa Kỳ cắt quân viện chừng nào thì Việt Nam Cộng Hòa mất lãnh thổ chừng ấy”. (You can roughly equate cuts in support to loss of real estate: Nixon, sách đã dẫn).
Theo công thức và phương trình này có 5 mức quân viện liên hệ đến 5 tuyến phòng thủ lãnh thổ:
1) Nếu quân viện còn ở mức 1.4 tỷ Mỹ kim thì Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) còn giữ được những vùng đông dân cư trên toàn lãnh thổ.
2) Nếu quân viện chỉ còn 1.1 tỷ Mỹ kim thì VNCH không thể giữ được Vùng I Chiến Thuật.
3) Nếu quân viện giảm xuống còn 900 triệu thì không thể giữ được Vùng I và Vùng II.
4) Nếu quân viện chỉ còn 750 triệu thì chỉ có thể giữ được một số ít vùng, và Bắc Việt sẽ không chịu thương thuyết nghiêm chỉnh.
5) Mà nếu quân viện chỉ còn 600 triệu thì VNCH chỉ có thể giữ được Saigon, phụ cận và vùng châu thổ sông Cửu Long.
Như đã trình bày, Quốc Hội đã cắt viện trợ cho Việt Nam từ trên 2 tỷ năm 1973 xuống còn 500 triệu năm 1975.
“Các dân biểu và nghị sĩ phản chiến đã xóa tên Việt Nam Cộng Hòa
trong danh sách các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ. Kể từ sau Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, chúng ta đã thắng trong chiến tranh. Quân lực VNCH đã thành công trong việc chặn đứng những vụ vi phạm ngừng bắn của Bắc Việt trong suốt 2 năm. Lý do thất bại là vì Quốc Hội Hoa Kỳ đã khước từ không chịu cấp quân viện cho Saigon ngang với số quân viện Liên Xô cấp cho Hà Nội. Tất cả các vị tướng lãnh chỉ huy cao cấp Hoa Ky tại Việt Nam và Hoa Thịnh Đốn đều xác nhận việc quân lực VNCH đã chứng tỏ rằng, nếu được trang bị đầy đủ, họ có thể đẩy lui những sư đoàn thiện chiến nhất từ Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam…” (Nixon, sách đã dẫn)
Về mặt ngoại giao, sau cuộc Tâp Kích Chiến Lược Mùa Giáng Sinh 1972, Kissinger lạc quan báo cáo rằng, sau những cuộc mật đàm với Lê Đức Thọ ngày 8-1-1973, Bắc Việt sẽ chấp nhận nội trong 48 giờ tất cả các điểm cơ sở trong Đề Nghị 8 Điểm của Nixon (trong đó có khoản rút quân song phương).
Đây chỉ là báo cáo xuyên tạc. Vì trong Hiệp Định Paris ký 19 ngày sau (27-1-1973), không có điều khoản nào nói về việc Bắc Việt phải triệt thoái quân đội ra khỏi Miền Nam.
Sau này Kissinger thú thật rằng chỉ có những “cam kết ngầm”. Trong những cuộc mật đàm, Bắc Việt hứa hẹn sẽ không mang quân vào Miền Nam và chấp thuận ghi khoản này nơi Điều 7 Hiệp Định Paris: “Từ ngày ngừng bắn cho đến khi thành lập chính phủ sau tổng tuyển cử, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ không được nhận đưa vào Miền Nam Việt Nam quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, cũng như các võ khí đạn dược và dụng cụ chiến tranh…”
Đây là liều thuốc an thần cho lương tâm thanh thản để Hoa Kỳ rút khỏi vũng lầy mà họ đã lao vào từ 10 năm trước, nói là để ngăn chặn Thuyết Domino và xây dựng Việt Nam Cộng Hòa thành một tiền đồn chống cộng tại Đông Nam Á.
Như Nixon đã nói, Bắc Việt không bao giờ giữ lời cam kết. (Hanoi broke agreements as soon as it signed them: Nixon, sách đã dẫn). Ngay cả trong Tuyên Cáo về nền Trung Lập của Ai Lao tháng 7-1962, 14 quốc gia cam kết tôn trọng chủ quyền và nền trung lập của Ai Lao và hứa sẽ rút hết các lực lượng võ trang ra khỏi Vương Quốc Lào để đem lại hòa bình cho Đông Dương. Tất cả các quốc gia kết ước đều giữ lời, ngoại trừ Bắc Việt. (All countries complied, except North Vietnam: Nixon, sách đã dẫn).
Tại Việt Nam, ngay cả Tổng Thống Nixon và người kế quyền của ông là Tổng Thống Ford cũng không giữ lời cam kết.
Ngày 14-11-1972 Tổng Thống Nixon viết cho Tổng Thống Thiệu: “Điều quan trọng hơn cả bản văn Hiệp Định là vấn đề chúng ta sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp kẻ thù tái xâm lược. Tôi xin cam kết rằng, nếu Bắc Việt không tuân theo những điều khoản của Hiệp Định, tôi cương quyết sẽ trả đũa tức thì và mãnh liệt”.
Mười ngày trước khi ký Hiệp Định, ngày 17-1-1973, Nixon còn khẳng định: “Tự Do và Độc Lập của Việt Nam Cộng Hòa là một mục tiêu tối hậu của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ…
Tôi xin nhấn mạnh 3 điều cam kết sau đây:
1. Hoa Kỳ chỉ thừa nhận Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Việt Nam;
2. Hoa Kỳ không chấp nhận cho Bắc Việt được đồn trú quân trên lãnh thổ Miền Nam Việt Nam;
3. Hoa Kỳ sẽ trả đũa mãnh liệt khi Bắc Việt vi phạm Hiệp Định”.
Đó cũng là điều cam kết của Tổng Thống Ford. Sau khi Nixon từ chức, ngày 10-8-1974, với tư cách là người kế quyền, Tổng Thống Ford đã gởi văn thư cho Tổng Thống Thiệu xác định rằng: “Những cam kết mà dân tộc Hoa Kỳ đã hứa hẹn với VNCH trong thời gian vừa qua vẫn giữ nguyên giá trị. Và tôi sẽ triệt để tôn trọng những cam kết này trong suốt thời gian nhiệm chức của tôi.”(Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter sđd)
Về vấn đề rút quân của Bắc Việt, Kissinger còn dối gạt Nixon rằng không cần có những điều khoản minh thị quy định trong Hiệp Định. Vì trong những cuộc mật đàm Bắc Việt đã mặc nhiên chấp thuận đề nghị này của Nixon hồi tháng 5-1969. Họ hứa sẽ lặng lẽ rút quân khỏi Miền Nam. (Our tactic was to write a formulation that tacitly required the enemy to withdraw. We will press for the de facto unilateral withdrawal of some North Vietnamese divisions in the northern part of South Vietnam. Nixon, sách đã dẫn).
Đây là một luận điệu ngây ngô và giảo hoạt.
Là một chiến lược gia và nhà ngoại giao sành sỏi, Kissinger thừa biết rằng, đối với người Cộng Sản, ngay cả sự cam kết công khai trong những hiệp ước quốc tế cũng chỉ là dối trá. Vì kết ước không phải để giữ lời, mà chỉ nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị giai đoạn theo phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, bất chấp lời hứa và bất chấp danh dự quốc gia.
Ngoài ra Kissinger còn giải thích rằng, với Điều 7 Hiệp Định Paris, quân đội Bắc Việt đồn trú tại Miền Nam rồi đây sẽ tan rã vì không được tăng cường. Đó là điều phi lý. Vì sao quân đội Bắc Việt, đánh giặc theo kiểu nhà nghèo, lại tan rã, trong khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đánh giặc theo lối Mỹ, lại không tan rã?
Cũng nên ghi nhận rằng Điều 7 chỉ cấm hai bên không được đưa quân vào Miền Nam trong một thời gian nhất định “từ khi thực hiện ngừng bắn cho đến khi có Chính Phủ Liên Hiệp” thành lập sau tổng tuyển cử do Hội Đồng Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc 3 Thành Phần tổ chức. Điều này phải được hiểu là sau khi có Chính Phủ Liên Hiệp, không có điều khoản nào cấm Bắc Việt không được đem quân vào Miền Nam. Lẽ tất nhiên Hoa Kỳ, như chim phải tên sợ làn cây cong, sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ đến, hay dám mạo hiểm mang quân vào Việt Nam một lần nữa.
Theo các nhà luật học và chính trị học, mọi sự kết ước giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân, phải có tính công khai và minh thị. Do đó không bao giờ có những cam kết ngầm hay được hiểu ngầm trong các hiệp ước quốc tế. Quy luật này chứng tỏ sự điêu trác của Kissinger. Chẳng lẽ ông lại ngây ngô không biết điều đó? Xá chi “những mật ước ngầm”và “những cam kết miệng” trong những cuộc mật đàm tay đôi, hay những buổi đi đêm ám muội giữa Kissinger và Thọ!. Cặp bài trùng này đã lừa gạt dư luận quốc tế để giành giật Giải Hòa Bình Nobel 1974, một nền hòa bình của những nấm mồ.
Từ tháng 10-1974, Bắc Việt đem đại quân tấn công và đã chiếm Phước Long tháng 1-1975 trước sự im lặng khó hiểu của Hoa Kỳ. Tháng 3, chiếm Ban Mê Thuột, tháng 4, chiếm Đà Nẵng, Xuân Lộc và Saigon. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn án binh bất động. Và đã tàn nhẫn cúp hết quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa, kể cả thỉnh cầu khiêm tốn của Tướng Weyand xin viện trợ khẩn cấp 700 triệu để phản kích Chiến Dịch Hồ Chí Minh. Vì nếu trong dịp này Hoa Kỳ trả đũa và Việt Nam Cộng Hòa phản kích thì phe đồng minh có cơ hội tiêu diệt từng sư đoàn Bắc Việt xâm nhập Miền Nam bất hợp pháp theo ngả vùng Phi Quân Sự phía Bắc, và từ Miên Lào phía Tây trên đường mòn Hồ Chí Minh. Lúc này Bắc Việt đã đem thêm 25 sư đoàn chính quy vào chiến trường Miền Nam để tiếp sức cho hơn 100 ngàn quân có mặt tại chỗ.
Nói tóm lại, nếu Mùa Giáng Sinh 1972 Hoa Kỳ đã chiến thắng về quân sự, thì chỉ một tháng sau, tháng 1-1973, Hoa Kỳ đã thất bại về chính trị. Chỉ vì muốn ký Hiệp Định Paris cho bằng được để có lý do rút lui trong danh dự và đầu hàng lịch sự. Hành vi này đã gieo tai họa vô lường cho các dân tộc Việt-Miên-Lào bị du vào thế chẳng đặng đừng phải liên minh với Hoa Kỳ, một quốc gia được tiếng là hào hiệp đã đổ bao xương máu để giành lại Tự Do cho Âu Châu, Á Châu và Phi Châu đầu thập niên 1940, và cho Đại Hàn đầu thập niên 1950.
Chúng ta hãy nghe tiếng kêu thống thiết của Thủ Tướng Cao Miên Sirik Matak trong văn thư gửi Đại Sứ Hoa Kỳ John Dean trước ngày Nam Vang thất thủ:
“Thưa ông Đại Sứ và cũng là người bạn của tôi,
Xin chân thành cảm ơn văn thư của Ông đề nghị cho tôi quy chế tỵ nạn tại Hoa Kỳ và cho tôi phương tiện di chuyển đến miền đất tự do. Nhưng than ôi, tôi không thể bỏ quê hương ra đi nhục nhã như vậy!. Riêng đối với Ông và quốc gia hùng cường của Ông, không một phút nào tôi có thể tin rằng Hoa Kỳ lại có ý nghĩ bỏ rơi một dân tộc đã quyết định chọn Tự Do. Các Ông đã từ chối không bảo vệ chúng tôi nữa, chúng tôi chẳng còn biết nói gì hơn.
Nay Ông ra đi và tôi xin chúc Ông và quê hương Ông tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng xin Ông ghi nhận rằng, nếu tôi có chết trên quê hương yêu dấu của tôi, thì đó cũng chỉ là một bất hạnh. Dầu sao mỗi người trong chúng ta, ai đã sinh ra rồi cũng có ngày phải chết. Có điều là tôi đã sai lầm khi tin tưởng nơi Ông và Quốc Gia của Ông”.
Sisowath Sirik Matak (Nixon: sách đã dẫn).
Sirik Matak là một trong những người đầu tiên bị Khmer Đỏ hành quyết.
Trong thập niên 1960, Ai Lao và Cao Miên là những quốc gia trung lập nên không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Trong khi đó, từ cuối thập niên 1940, 5 vị Tổng Thống Hoa Kỳ Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson và Nixon đã long trọng cam kết sẽ bảo vệ quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam và xây dựng Việt Nam thành một tiền đồn của Thế Giới Tự Do để ngăn chặn Quốc Tế Cộng Sản xâm nhập Đông Nam Á. Như vậy về các mặt ngoại giao, chính nghĩa và tinh thần, Việt Nam có tương quan liên kết mật thiết với Hoa Kỳ từ 3 thập niên.
Số Phận của Ông Thiệu
Năm 1973, dưới áp lực của Kissinger và Nixon, ông Thiệu đã phải ký Hiệp Định Paris để chấp nhận những tai ương gây ra bởi bản văn Hiệp Định, cũng như bởi sự trí trá của phe Cộng Sản và sự bội ước của Hoa Kỳ.
Chúng ta hãy nêu giả thuyết:
Trong trường hợp ông Thiệu sẵn sàng nhận cái chết như ông Sirik Matak, liệu ông có thể làm được những gì?
Với tư cách nguyên thủ của một Quốc Gia có Hiến Pháp và Quốc Hội, ông Thiệu có thể ra chỉ thị cho chính phủ của ông không ký hiệp định trong trường hợp Hoa Kỳ cho quân Bắc Việt tiếp tục đồn trú tại Miền Nam trái với lời cam kết minh thị của Nixon từ năm 1969. Về mặt hiến chế, hiệp ước do Hành Pháp ký chỉ có hiệu lực nếu được Lập Pháp phê chuẩn. Mà Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa đầu thập niên 1970 vẫn tôn trọng Hiến Pháp 1967 với chủ trương đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật.
Trong trường hợp Thượng Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa công bố lập trường không chấp nhận và không phê chuẩn bất cứ hiệp định nào với Bắc Việt nếu có một trong ba sự việc sau đây:
1. Có sự tham gia của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản, đại diện bởi cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Chính phủ này được Bắc Việt khai sanh hồi tháng 6-1969 vì nhu cầu chính trị giai đoạn. Nó bị khai tử tháng 11-1975 cùng với “Nước” Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã bị khai tử và sát nhập vào một tổ chức ngoại vi khác của Đảng Cộng Sản là Mặt Trận Tổ Quốc.
2. Trong Hiệp Định không có điều khoản ghi việc quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam Việt Nam đồng thời với quân lực Hoa Kỳ và đồng minh.
3. Hoa Kỳ sẽ vĩnh viễn giải kết tại Việt Nam và không còn chịu trách nhiệm thi hành Hiệp Định.
Nếu có một trong ba trường hợp này Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ khước từ không ký Hiệp Định. Lý do là vì không có sự chấp nhận và phê chuẩn của Quốc Hội, đặc biệt là Thượng Nghị Viện.
Phản Ứng của Hoa Kỳ
Trong trường hợp này phản ứng của Hoa Kỳ sẽ ra sao?
Theo giới am hiểu, nhiều phần người Mỹ sẽ không hạ sát ông Thiệu năm 1973 như họ đã hạ sát ông Diệm năm 1963. Trong một thập niên, Hoa Kỳ không dám sát hại hai vị nguyên thủ của một quốc gia đồng minh đã đồng tâm hiệp lực với Hoa Kỳ đứng ra làm tiền đồn chống Cộng để bảo vệ Tự Do cho các quốc gia Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ qua Khối Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á.
Về mặt kỹ thuật pháp lý, nếu không có sự tham dự của Việt Nam Cộng Hòa thì Hội Nghị Paris sẽ không có đối tượng. Vì Việt Nam Cộng Hòa là quốc gia chủ thể, lãnh thổ Miền Nam Việt Nam là bãi chiến trường, và có 8 quốc gia đã tham gia Chiến Tranh Việt Nam trong 8 năm, thời gian dài nhất trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ.
Trong trường hợp Hoa Kỳ và Bắc Việt vẫn nhất định ký Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh tại Việt Nam, thì trong 8 Chương của Hiệp Định, chỉ có 3 Chương có thể được giữ lại là Chương II (về Ngừng Bắn và Rút Quân), Chương III (về Phóng Thích Tù Binh), và Chương VIII (về Trao Trả Tù Binh dưới danh nghĩa bồi thường chiến tranh và tái thiết hậu chiến).
5 Chương khác sẽ không có đối tượng. Như Chương I (về tương quan giữa hai miền Nam Bắc), Chương IV (về giải pháp chính trị cho Miền Nam Việt Nam), Chương V (về vấn đề thống nhất hai miền Nam Bắc), Chương VI (về các cơ quan kiểm soát và giám sát quốc tế), và Chương VII (về chính sách đối ngoại của Miền Nam Việt Nam với Miên Lào).
Chỉ với 3 Chương nói trên, một hiệp định chấm dứt chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt sẽ không thể đề cập đến những vấn đề quân sự và chính trị tại Miền Nam Việt Nam. Như vậy Hội Nghị Paris sẽ tan vỡ. Và sẽ không có một Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam được ký tại Paris năm 1973.
Tổng kết lại, trong trường hợp Việt Nam Cộng Hòa không ký Hiệp Định Paris 1973 thì việc gì sẽ xẩy ra, và Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao?
1. Rất có thể, do áp lực quốc nội, cũng như vì quyền lợi riêng tư, Hoa Kỳ sẽ ký hiệp ước tay đôi về ngừng bắn, rút quân và trao đổi tù binh với Bắc Việt. Và để trả đũa Hoa Kỳ sẽ cắt hết viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, để tạo cơ hội cho Cộng Sản thôn tính Miền Nam bằng võ lực. Trước dư luận quốc tế và quốc nội, cũng như về mặt ngoại giao, chính nghĩa và lương tâm, liệu Hoa Kỳ có dám nhẫn tâm làm điều đó không?
Câu trả lời hợp lý là “không”.
Vì hành động như vậy là phản bội đồng minh và đầu hàng nhục nhã. Chẳng khác nào nếu đầu thập niên 1940, Roosevelt ký với Đức Quốc Xã hiệp ước bất tương xâm để trao Tây Âu cho Hitler; hay cuối thập niên 1940, Truman ngưng chiến dịch tiếp vận hàng không cho Tây Bá Linh để trao thị trấn này cho Honecker; hay đầu thập niên 1950, Eisenhower ký hiệp ước với Bắc Hàn để rút quân và trao Nam Hàn cho Kim Nhật Thành.
Những vụ phản bội và đầu hàng nhục nhã này nếu có, chẳng những tác hại đến Anh Quốc, Tây Đức và Đại Hàn, mà còn gây thảm họa cho toàn cõi Âu Châu, từ Tây Âu sang Đông Âu, cũng như cho toàn cõi Á Châu, từ Đông Bắc Á qua Đông Nam Á. Do hậu quả dây chuyền của Thuyết Domino.
2. Dầu sao, nhiều phần là, muốn rút quân và giữ thể diện, Hoa Kỳ vẫn cần phải có sự tham dự của Việt Nam Cộng Hòa trong Hội Nghị. Muốn thế Hoa Kỳ sẽ tìm cách lật đổ ông Thiệu theo kế hoạch “thay đổi nhân sự” từng được áp dụng tại Việt Nam năm 1963. Trong trường hợp này, cũng như 10 năm trước, rất có thể ông Dương Văn Minh sẽ lại được chiếu cố. Và ông này sẽ tuân lệnh Hoa Kỳ (và Bắc Việt) để thành lập một Chính Phủ Liên Hiệp 3 Thành Phần do Cộng Sản khống chế. Kết quả là phe Cộng Hòa chỉ còn 1/3 chủ quyền, 1/3 chính quyền, 1/3 lãnh thổ và 1/3 lực lượng tại Miền Nam. Nghĩa là trong toàn cõi Việt Nam, phe Cộng Sản chiếm tuyệt đại đa số 5/6. Trong điều kiện đó Bắc Việt sẽ dễ dàng thôn tính Miền Nam bằng phương pháp hòa bình, không phải dùng đến bạo động võ trang.
Trong trường hợp này, đối với Hoa Kỳ, hành động bán trắng Miền Nam cũng là phản bội đồng minh và đầu hàng nhục nhã. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Hoa Kỳ và tương lai của đảng cầm quyền, đặc biệt trong cuộc tuyển cử từng phần năm 1974 và cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống năm 1976.
Và, một lần nữa, vấn đề đặt ra là, về mặt ngoại giao, liên minh, chính nghĩa và đạo lý, liệu Hoa Kỳ có dám nhẫn tâm làm điều đó không?
Câu trả lời hợp lý cũng vẫn là “không”.
Rút kinh nghiệm vụ “thay đổi nhân sự” năm 1963 tại Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ rất ngần ngại khi phải can thiệp lộ liễu vào nội bộ của một quốc gia đồng minh trong Thế Giới Dân Chủ.
Trước kia, trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai tại Bắc Kinh ngày 9-7-1971, chính Kissinger cũng phải minh định: “Lập trường của Hoa Kỳ là không nhất thiết duy trì một chính phủ đặc biệt nào tại Miền Nam Việt Nam (như Chính Phủ Việt Nam Công Hòa). Tuy nhiên, Hoa Kỳ không thể tham dự vào việc lật đổ những người trước đây đã là đồng minh của Hoa Kỳ, bất kể nguồn gốc đồng minh đó là gì” : (Jeffrey Kimball, sách đã dẫn).
Trong thư ngày 31-8-1972 chính Nixon cũng xác nhận điều này với ông Thiệu : “Tôi xin một lần nữa đoan chắc với Ngài về lập trường căn bản của Hoa Kỳ: Nhân dân Hoa Kỳ ý thức rằng chúng tôi không thể mang lại hòa bình và danh dự cho quốc gia, nếu phải bỏ rơi một đồng minh dũng cảm (như VNCH). Điều này tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm.”
Tuy nhiên 5 tuần sau, ngày 6-10-1972, Nixon lại nhắc khéo về vụ “thay đổi nhân sự năm 1963” khi đề cập đến vụ Tổng Thống Johnson muốn lật đổ ông Thiệu năm 1968 (hồi đó Chính Phủ Saigon không chịu tham dự Hội Nghị Paris). Nixon viết: “Xin Ngài hãy dùng mọi phương cách để tránh tái diễn biến cố 1963 mà chính tôi đã ghê tởm và đã lên án từ năm 1968”.
Dầu sao chính Kissinger cũng không dám chủ trương sát hại ông Thiệu. Ngay từ 1968 ông ta đã cảnh giác: “Nếu ông Thiệu chịu số phận của ông Diệm, thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ ý thức rằng: Làm kẻ thù của Mỹ có thể gặp nguy hiểm, nhưng làm bạn với Hoa Kỳ nhiều phần sẽ mất mạng.” (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sách đã dẫn)
Kinh nghiệm Sirik Matack đã chứng minh điều đó.
Và việc này đi trái Chính Nghĩa, Đạo Lý, Lương Tâm, Quyền Lợi Quốc Gia và Truyền Thống Dân Chủ của Hoa Kỳ từ khi lập quốc.
Có điều là, trong lịch sử nhân loại cổ kim, chưa từng thấy một đế quốc nào dám ra tay hạ sát hai vị nguyên thủ của một quốc gia đồng minh trong vòng một thập kỷ.
Và cũng chưa từng thấy một viên tướng lãnh nào, trong vòng 10 năm, lại có cơ hội và ác tâm sát hại hai vị tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội mà ông ta có nghĩa vụ phải phục vụ và bảo vệ.
Dầu sao sự nhẫn tâm và phản trắc của ông tướng này, nếu có, cũng chỉ là hậu quả của sự nhẫn tâm và phản trắc của ông Cố Vấn Kissinger. Ngay từ tháng 7-1971, 18 tháng trước khi ký Hiệp Định Paris, ông Cố Vấn đã tiết lộ cho phe Cộng Sản biết chủ trương của Hoa Kỳ là sẽ rút quân toàn diện và vĩnh viễn ra khỏi Việt Nam mà không đặt điều kiện nào nếu được trao trả tù binh. Đó là hành vi nối giáo cho giặc, bật đèn xanh cho Cộng Sản xâm chiếm Miền Nam bằng bạo lực. Và, sau khi ký tắt Hiệp Định Paris tháng 1-1973, Kissinger cũng ước tính (và mong mỏi) rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ cáo chung sau 18 tháng.
10 năm sau khi Saigon thất thủ, bằng phản tỉnh và tự phán, năm 1985, Nixon đã lên án việc Hoa Kỳ bội ước Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 là một “sự phản bội và thất bại không tiền khoáng hậu trong Lịch Sử Hoa Kỳ !”.
Thật vậy, khi Hoa Kỳ nhẫn tâm rũ áo ra đi để mặc cho phe Quốc Tế Cộng Sản thôn tính Miền Nam bằng võ lực, thì bao nhiêu công lao, danh dự và uy tín quốc gia, xây dựng từ Thế Chiến I đến Thế Chiến II và Chiến Tranh Triều Tiên, sẽ phút chốc tiêu tan, đem lại sự bất bình và chê bai của nhân loại văn minh. Hậu quả dễ thấy nhất là sự bành trướng thế lực vượt bực của phe Quốc Tế Cộng Sản tại Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh.
Thêm vào đó các đồng minh cũ của Hoa Kỳ cũng sẽ rất ngần ngại khi phải liên minh với Hoa Thịnh Đốn. Và Khối các Quốc Gia Phi Liên Kết sẽ phát triển mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, sự hoài nghi của các dân tộc trên thế giới về Quyết Tâm và Lý Tưởng Tự Do của Hoa Kỳ sẽ có tác dụng xấu trong cuộc đấu tranh giải thể Cộng Sản tại Đông Âu và Liên Xô.
Do đó, cho đến nay không ai dám quyết đoán về việc Hoa Kỳ có theo chủ nghĩa thực dụng để nhẫn tâm làm việc đó không?.
Có điều là, nếu quân dân một lòng, và nếu vị nguyên thủ quốc gia có tinh thần vô úy, “coi tấm thân nhẹ tựa hồng mao”, không chịu lùi bước trước cái chết, thì uy tín của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được bảo toàn, danh dự của Quân LựcViệt Nam Cộng Hòa sẽ được gìn giữ. Và vị nguyên thủ quốc gia sẽ có cơ hội đi vào lịch sử như Nguyễn Thái Học và Hoàng Diệu trong hai thế kỷ vừa qua.
Mà, nếu biết vận dụng thời thế, biết đâu Việt Nam Cộng Hòa lại chẳng có cơ may bảo vệ chủ quyền lãnh thổ từng phần hay toàn vẹn?
LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỐNG
Nguồn: https://laomoc.wordpress.com/2010/05/21/hi%E1%BB%87p-d%E1%BB%8Bnh-hoa-binh-paris-d%E1%BA%ABn-d%E1%BA%BFn-hoa-binh-c%E1%BB%A7a-nh%E1%BB%AFng-n%E1%BA%A5m-m%E1%BB%93/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét