Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

"Âm mưu 'trục xuất' Mỹ khỏi Đông Á" của Trung Quốc


"Âm mưu 'trục xuất' Mỹ khỏi Đông Á" của Trung Quốc

Hải Võ | 08/07/2015 07:04


"Âm mưu 'trục xuất' Mỹ khỏi Đông Á" của Trung Quốc

Các chiến đấu cơ của Mỹ trên tàu sân bay USS George Washington ở Biển Đông hồi tháng 3/2010. Ảnh: Reuters.


Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phân tích, Trung Quốc vẫn chưa đủ mạnh để có thể "ngồi ngang hàng" với Washington trên thế giới, cũng như "đuổi" nước này ra khỏi Đông Á.

Theo Đa Chiều, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Thomas J. Christensen gần đây đã bình luận, Trung Quốc đích thực đem lại nguy cơ toàn cầu đối với Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, theo Christensen - học giả được đánh giá là đại diện xuất sắc của "phái hiểu biết Trung Quốc", Bắc Kinh chưa đủ "tầm" để đe dọa địa vị lãnh đạo toàn cầu của Washington.
"Tôi nhận định vấn đề này thường bị đánh giá sai hoặc đánh giá quá thấp.
Có ý kiến cho rằng, thách thức thực sự là việc Trung Quốc âm mưu 'trục xuất' Mỹ khỏi khu vực Đông Á. Tôi không nhận thấy điều này.
Cũng có quan điểm cho rằng, Trung Quốc muốn thay thế Mỹ trở thành sức mạnh số 1 toàn cầu. Tôi cho rằng đánh giá này không chính xác.
Trung Quốc còn chưa phải là đối thủ có thể 'ngang vai' với Mỹ. Bất kể là về quân sự, kinh tế hay ngoại giao, Bắc Kinh đều không thể nhanh chóng trở thành một đối thủ như vậy."

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
Thomas J. Christensen

Thành viên cao cấp không thường trực của Trung Tâm John L. Thornton China, thuộc chương trình Chính sách Đối ngoại của Viện Brookings, Mỹ. Ông tập trung nghiên cứu các quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, các quan hệ quốc tế ở Đông Á, an ninh quốc tế. Christensen cũng là giáo sư chính trị và sự vụ quốc tế tại ĐH Princeton, Mỹ.



Mỹ ở vị trí "vượt trội" so với Trung Quốc
Đa Chiều cho biết, cuốn sách mới của Christensen có tiêu đề Thách thức Trung Quốc: Ảnh hưởng tới lựa chọn của một thế lực đang lên như thế nào chủ yếu trần thuật những vấn đề mà sự trỗi dậy của Bắc Kinh đem lại cho Mỹ.
Thứ nhất, Mỹ cần làm thế nào để Trung Quốc e sợ và tin rằng không thể dùng con đường vũ lực và đe dọa, đem lại sự bất ổn cho khu vực Đông Á. Thomas Christensen nhận xét vấn đề này có thể kiểm soát được.
Thứ hai, làm sao để một nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp được nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. "Đây mới là thách thức lớn nhất" - chuyên gia người Mỹ cho hay.
Thách thức của Mỹ tại Đông Á chủ yếu do Trung Quốc đang không ngừng phát triển sức mạnh quân sự và tìm cách bành trướng trên Thái Bình Dương.
Điều này khiến chi phí bố trí quân sự của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh của Washington, trở nên đắt đỏ hơn.
"Cục diện Đông Á ngày nay phức tạp hơn thời Chiến tranh Lạnh, bởi trong khu vực này không hình thành một thế trận 'chọn phe' rõ rệt." - Ông Christensen bình luận.
Ngoài ra, học giả này cho rằng, Bắc Kinh cũng sẽ đầu tư không tiếc tay để duy trì cái mà nước này gọi là "thành quả" - thực chất là những đảo đá xâm chiếm trái phép và công trình xây dựng phi pháp - trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây ngang ngược tuyên bố: "Trung Quốc không mở rộng yêu sách chủ quyền (phi pháp-PV) đối với quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV), nhưng cũng sẽ không thu hẹp lại."
Thomas Christensen cho rằng, Mỹ nên quan tâm đến kết quả thực tế mà các hoạt động phi pháp của Trung Quốc gây ra, hơn là bản thân hành động xây đảo nhân tạo trái phép.
"Washington nên làm cho Trung Quốc thấy rằng, những gì Bắc Kinh đang làm không chỉ phi pháp, mà còn vô tác dụng.
Hành động quân sự hóa phi pháp trên đảo nhân tạo không thể nào ngăn cản quân đội của chúng ta tiếp cận và hành động ở cự ly 'vô cùng gần'.
Tôi hy vọng, chúng ta có thể làm rõ điều này bằng cách có hành động thực tế đối với chính các cơ sở nhân tạo trái phép đó."

Ngoại trưởng Trung Quốc
Vương Nghị

Mỹ là nước phát triển lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, dù cũng là 'lớn nhất thế giới'. Giữa Mỹ và Trung Quốc còn tồn tại một khoảng cách rất lớn. Mục tiêu của chúng tôi là đến 100 năm ngày lập quốc - tức năm 2049, Trung Quốc có thể trở thành 'quốc gia phát triển bậc trung'. Nhưng dù đến lúc đó, khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn rất khó có thể san bằng.



Theo ông, Mỹ bắt buộc phải tăng cường hiện diện quân sự thực tế ở châu Á-Thái Bình Dương, chứ không chỉ dừng lại ở các tuyên bố cứng rắn nữa.
Mỹ cũng cần giúp các đồng minh ở gần Trung Quốc phát triển sức mạnh, đồng thời vẫn phải áp dụng các chiến lược ngoại giao thông minh để Bắc Kinh không cảm thấy đang bị Washington "kiềm chế".
"Mỹ có đủ khả năng ảnh hưởng đến các lựa chọn của Trung Quốc, bởi nước này đứng ở vị trí cao hơn và có rất nhiều đồng minh, còn Trung Quốc thì quá ít." - ông Christensen nói.
theo Đại Lộ 
 
Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=34781

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét