Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

VƯỢT BIỂN ... TRỞ VỀ!


hoànglonghải – Bèo giạt (17) – Vượt biển… trở về

1            Đôi khi chúng ta cũng ngạc nhiên về những người đi ngược chiều!
            Khoảng những năm sau 1986, 87 khi đi tù cải tạo về, hàng trăm, hàng ngàn người thường tụ tập ở sân cỏ trước Sở Ngoại Vụ của Dziệt Cộng ở Saigon, ngang đường Alexandre de Rhodes cũ, để lập hồ sơ đi Mỹ, theo cái gọi là “diện HO”.
Họ gặp gỡ nhau, chuyện trò vui vẻ, “hồ hỡi phấn khởi” – nói như Dziệt Cộng – chờ ngày ra đi, để thoát khỏi chế độ độc tài, được sống tự do, một thứ tự do mà ở Việt Nam chưa bao giờ có, và để có một cuộc sống no ấm hơn, nếu không nói là sẽ giàu có, để bù lại những năm tháng tù tội, đọa đày, gian khổ, v.v… và v.v…
            Trước đó, cũng đã có “chương trình ra đi trong vòng trật tự” – ODP và người đi, cũng không khác tâm trạng với người ra đi theo “chương trình HO” bao nhiêu.
Thế nhưng vẫn có những ngưòi đi ngược chiều!
            Cũng có người từ chối ra đi theo HO hay theo ODP.
            Tại sao vậy?
            Làm sao nói hết! Mỗi người một hoàn cảnh, một đời sống, một hay nhiều lý do riêng tư. Bài nầy không nghiên cứu về những trường hợp ấy nên không bàn tới. Tuy nhiên, những người từ chối ra đi chỉ làm một việc rất dễ dàng, như người Mỹ thường nói vậy: “Yes or No”. Và những người nầy chỉ cần nói “No” là xong việc.
            Người vượt biên trở về thì khác. Khi tới đảo rồi, vì lý do riêng nào đó, họ tụ tập nhau mà trốn về. Trốn về, chớ không phải công khai xin về như thời gian sau nầy, khi tôi đang ở đảo.
            Điều buồn cười là trong khi dân Saigon muốn vượt biên gặp khó khăn biết bao nhiêu, nói không hết được, thì những người nầy, họ đi (vượt biên) và về (lại Việt Nam) “như đi chợ”. Chẳng hạn như anh chàng tôi nói sau đâu, tên Vinh, dân Trà Vinh, vượt biên tới đảo năm 1980, rồi trốn về, rồi lại vượt biên thứ hai năm 1989.
            Anh Võ Thế Long, người tôi đã nói ở phần trước, vượt biên đến đảo cũng là sự… tình cờ.
            Võ Thế Long, đại úy Cảnh Sát, cử nhân luật, thuộc phòng Cảnh Sát Quốc Tế (Interpol) của bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia trước 1975, kể cho tôi nghe việc anh vượt biên như sau:
            Sau mười năm ngồi tù gở mười cuốn lịch, năm 1986, sau khi ra tù, anh thay tên đổi họ, qua Kampuchia kiếm đường vượt biên, dưới cái vỏ bọc là người thợ máy, vì anh ấy tuy học luật nhưng mê… cơ khí.
            Làm việc trong một xưởng đóng tầu của người Miên, anh được lệnh chủ tầu chạy thử chiếc tầu mới đóng. Chạy thử  là chỉ chạy qua Thái Lan, tìm đường… buôn lậu.
            Thế rồi ông Long lái tầu chạy dọc theo bờ biển, cố ý cho tầu chạy quá biên giới Thái Lan – Mã Lai, để thăm dò, để chuyến sau đem vợ con đi theo, trốn thoát khỏi quê nhà.
Không ngờ tầu của anh bị tầu tuần Mã Lai bắt giữ, kéo về Terrenganu. Không có cách nào khác hơn, Long đành khai thật tên họ thay vỉ tên giả là Võ Văn Ri, cùng quá trình lý lịch và làm người tỵ nạn bất đắc dĩ. Long không còn đường về nước, để lại ra đi một lần nữa, đem vợ con theo, như ý định ban đầu.
            Ông Vinh thì lại khác, ông đã đến đảo, lại về, và lại đến đảo lần thứ hai.
            Lúc ấy tôi mới làm việc hơn một tuần lễ ở phòng SB. Một hôm, ông Trần Quốc Phụ trưởng ban “điều hành” (tôi không nhớ rõ tên của cái ban nầy), cầm một hồ sơ đưa cho tôi và bảo:
            – “Kê” (case) rắc rối đây. Anh xem hồ sơ trước rồi gọi lên điều tra cho thật kỹ.”
            Tôi nhận hồ sơ và nói “Vâng”.
            Xem lời khai sơ khởi. Đó là trường hợp ông Vinh, như tôi vừa nói ở trên. Tôi làm thông báo, gọi trên loa, để hôm sau anh ta lên phòng SB.
            Vinh lên đúng giờ. Do người hướng dẫn chỉ tay, anh ta đến thẳng chỗ tôi, chào. Hỏi tên xong, tôi biểu anh ta ngồi xuống trên cái ghế băng, đối diện tôi.
            Sau khi ngồi xuống xong, anh rút gói thuốc lá đặt lên bàn, mời tôi hút thuốc: “Mời thầy!” tôi nói “Cám ơn” nhưng không hút.
            Nhìn qua, tôi thấy anh ta là hạng người có của ở trên đảo. Áo sơ mi cổ nhỏ (mode thời ấy), quần tây, dép da thay vì dép cao sư như mọi người, thuốc lá Kent, quẹt gas, v.v…
            Tại sao anh ta gọi tôi bằng thầy? Đó là tiếng “thầy chú” như phong tục người miền Nam thường gọi các “thầy cảnh sát” hay viên chức làng nước. Té ra không phải. Anh ta lịch sự. Anh ở chung một longhouse với Tôn Thất Tường mà Tường là học trò cũ của tôi. Hôm tôi gặp Tường, Tường chào tôi, gọi bằng thầy, thì có anh ta đứng bên cạnh Tường.
            Tôi hỏi:
            – “Anh tới đây năm 1980?”
            – “Dạ, vâng!”
            Vốn tò mò, tôi hỏi tiếp”
            – “Anh thấy Bidong hồi đó và bây giờ khác nhau nhiều không?”
            – “Khác lắm thầy! Khác lắm.” Anh ta nhắc hai lần chữ khác làm tôi chú ý thêm.
            – “Khác như thế nào. Anh kể lại đi!” Tôi nói.
            – “Hồi đó không có khu nhà ở của Cao ủy ở bãi biển khu G. Sáng, họ từ trong đất liền ra làm việc. Chiều, họ lên tầu về trỏng. Task Force cũng không có. Chỉ có đồn Cảnh Sát Mã Lai, mấy ngoe. Đồn cũng ở chỗ bây giờ. Lúc ấy trên đảo khoảng bốn chục ngàn người, hồ sơ làm không kịp. Tầu Úc đậu ngoài cầu jetty cũ, bắt loa gọi ai muốn đi Úc thì xuống Tầu mà đi. Người ta kéo nhau xuống rần rần, đầy tầu thì nhổ neo, chẳng cần làm giấy tờ chi cả.”
            – “Đời sống khó khăn nên người ta muốn đi ngay?” Tôi hỏi.
            – “Cơm gạo, cá thịt thì không thiếu. Nhưng nhà ở thì không có!” Vinh trả lời.
            – “Sao không có?”
            – “Có dựng kịp đâu! Tầu thì tới mỗi ngày mà dân trên đảo đông lắm. Phần đông đi “bán chính thức”. Mấy chú Ba Tầu là nhiều nhứt. Họ giàu lắm, nên trên đảo có nhiều nơi bán hàng. Cửa hàng táo, cửa hàng trái cây, cửa hàng thịt, rau tươi… từ trong đất liền ra. Cũng là người Tầu Mã Lai đem bán cho người Tầu Chợ Lớn vượt biên. Cá thì người ta tự đánh lấy, không bị Mã Lai cấm như bây giờ.
            – “Nhà ở, longhouse chẳng hạn?” Tôi hỏi.
            – “Chỉ có hai ba longhouse gì đó ở khu A. Các khu B, C, D đều chưa có gì hết. Người ta tự dựng lều, dựng bạt lấy mà ở. Ai muốn dựng đâu thì dựng, kể cả ngoài bãi biển. Tối ra biển ngủ, lên núi ngủ, nằm ngữa mà xem trăng. Ai bắt cặp nhau cứ kiếm chỗ mà rù rì, chẳng ai cấm cản cả. Cũng giành gái, cãi cọ, quýnh lộn, đâm chém… Lộn xộn hết sức!” Anh ta than.
            – “Loạn!” Tôi nói.
            – “Đúng đó thầy. Thiệt là loạn.” Anh ta tiếp lời tôi.
            – “Bệnh hoạn thì sao?”
            – “Tự động kiếm thuốc mà uống, hoặc gởi mua. Hai ba bữa mới có bác sĩ từ trong đất liền ra. Chiều họ cùng về với Cao ủy.
            – “Có người chết?”
            – “Đôi khi thôi, cũng không đến nỗi. Năm truớc đó, có dịch tả, chết mấy chục, chôn trên sườn núi Bidong.” Vinh nói.
Đúng vậy, năm sau, nhân dịp ông trại trưởng Ngô Văn Thu, kêu gọi và khuyến khích đồng bào cũng như các đoàn thể sửa mồ mả không thân nhân trên đảo, tôi có tham gia.
Trên sườn núi, phía Cao ủy, chỗ đặt mấy bồn nước cũ, tôi thấy khoảng hơn chục ngôi mộ chôn kề nhau, có người nói đó là mộ những người chết vì trận dịch tả hồi đó.
&
            – “Quê anh ở đâu?” Tôi hỏi.
            – “Trà Vinh.” Anh ta trả lời, cộc lốc.
            – “Vượt biển, anh về quê?” Tôi lại hỏi.
            – “Tôi về ngay chỗ cũ.” Vinh trả lời.
            – “Về bằng cách nào? Dễ không?” Tôi hỏi.
            – “Bọn tôi tụ họp nhau 5 đứa, tìm cách về. Trước tôi khoảng nửa tháng, đã có ba bốn thằng về. Hồi đó ván ép trong đất liền chở ra để làm nhà, chất mấy đống ngoài bãi biển khu A. Tụi nó ăn cắp, vác ra sau núi Bidong, cưa đóng thành chiếc thuyền nhỏ, mũi nhọn, đít bằng, giống kiểu ghe đánh cá Thái Lan. Xong, tụi nó ăn cắp một cái máy Kohler gắn vào đuôi. Nửa đêm chúng nó ra biển. Ra quá một trăm mét, sóng đánh một phát, bể thuyền. Hú hồn, thuyền ra chưa xa, tụi nó bơi vào bờ được.” Vinh kể.
            – “Anh có nhớ tên mấy người đó không?” Tôi hỏi.
            – “Nhớ chớ! Thằng An, quê Rạch Giá, sau nó về với tôi. Thằng Khoe, quê Vĩnh Bình, sau cũng về với tôi. Còn một thằng nữa, sau đổi ý, không chịu về, đi Úc với con bồ. Thằng Lang thì hiện ở đây, đang chờ đi Úc.”
            – “Còn anh thì sao, tại sao về?” Tôi hỏi.
            – “Bọn tôi 5 đứa, đứa nào cũng có lý do na ná giống nhau. Đi với bồ qua đây, bị bồ đá, theo thằng khác, giàu tiền bạc hơn, buồn tình, bỏ về.” Vinh kể.
            – “Không lý do “chính chị chính em” gì cả?” Tôi hỏi.
            – “Chính “chị” gì đâu! Tôi đang làm ăn bình yên, vợ con đàng hoàng. Bỗng có con nhỏ đến rủ đi thì đi.”
            – “Sao dễ dàng vậy. Con nhỏ như thế nào mà nó nói một tiếng, anh bỏ vợ con theo nó. Nó có bỏ bùa không?”
            – “Bùa ngãi gì đâu! Vợ tôi thì quê mùa, lam lũ. Con nhỏ thì dân thành phố, đẹp lắm. Đẹp lắm thầy ơi! Tôi như người bị hớp hồn. Với lại nó nói hay lắm, hoàn cảnh nó tội nghiệp lắm! Cha mẹ anh chị nó ở Úc. Nó còn lại một mình, bơ vơ. Nếu tôi đi với nó là cứu vớt nó. Qua tới bển, ưng thì tôi ở với nó. Tôi không ưng thì nó về ở với cha mẹ nó. Tôi có thương vợ thương con thì lo cho vợ con qua sau. Dễ quá mà. Vậy là tôi làm anh hùng, cứu người đẹp…” Vinh vừa nói, miệng hơi cười.
            – “Người đẹp giữa rừng gươm… Dziệt Cộng!” Tôi đùa.
            – “Chớ chi!” Anh ta đồng ý.
            – “Ở quê anh vượt biên dễ không?” Tôi lại hỏi.
            – “Dễ lắm ông “thầy” à! Tiệm may tôi ở gần cửa sông, cách chưa tới trăm thước. Tổ chức đi đông, đón dân Saigon về mới khó. Còn như gia đình ở dưởi, kéo thêm một ít bà con để có tiền mua dầu thì khó gì đâu! Nghe nói định cư ở Úc, ở Mỹ sướng lắm nên người ta muốn đi. Bấy giờ Dziệt Cộng bắt vô hợp tác xã, nản lắm, nên người ta chán, đi cho xong” Vinh nói.
            – “Anh cũng muốn đi?” Tôi nói.
            – “Không, tôi đang làm ăn bình thường, may vá cũng có ăn. Mà tôi may quần tây đẹp lắm, nên đông khách. Đi là vì con ngựa cái đó.”
            – “Sao gọi người ta là con ngựa cái?”
            – “Nó xạo. Ba má nó đâu có ở Úc. Nó có chồng, bỏ chồng về nhà, bị cha mẹ nó mắng chưởi, nên nó muốn đi. Gặp tôi, nó nói xạo cho tôi xiêu lòng.” Vinh kể.
            – “Qua tới đây thì sao?” Tôi lại hỏi.
            – “Nó bỏ tôi chớ sao?” Vinh nói, giọng hơi to. Tôi ra dấu biểu anh ta nói nhỏ một chút. Các bàn chung quanh, người ta đang làm việc.
            - “Anh nghèo… tôi chỉ muốn cao sang!” Tôi nhại theo một câu hát.
            – “Tôi không nghèo ông “thầy” à. Tôi lận theo mấy cây vàng. Qua tới đây, tôi mở “cửa hàng táo” (bán apple, hàng từ đất liền chở ra). Tôi có để nó thiếu thốn gì đâu. Ông “thầy” biết, hồi đó, sau vụ “nạn kiều”, ba Tầu trên đảo đông lắm, bọn nó giàu lắm! Vậy là bọn nó bỏ tiền ra dụ dỗ mua chuộc mấy con ngựa cái. Tui có giàu cũng không bì kịp mấy Ba Tầu, bị chúng cướp mất vợ. Bọn con gái ham tiền, đạp đổ người cũ, theo người mới hết.”
            – “Vậy rồi anh làm gì?” Tôi hỏi.
            – “Tôi buồn tình, chán nản, không muốn gì nữa. Giờ mới thấy thương vợ, thương con, chỉ muốn về. Ngày ngày tôi lang thang, ra bãi biển ngồi, chỗ quán “Lup” bây giờ là bãi trống. Mấy đứa muốn về, biết tôi có tiền, tới rủ tôi về.”
            – “Tại sao lại phải có tiền mới về được?”
            – “Phải có tiền mua dầu, mua lương thực chớ!” Vinh giải thích.
            – “Mua dầu ở đâu?” Tôi hỏi.
            – “Hồi đó chưa có nhà máy điện như bây giờ. Ở đồn cảnh sát Mã Lai có cái máy điện nhỏ, khi nào Cao ủy ra làm việc, máy điện mới chạy. Đồng bào thì được phát dầu để thắp đèn. Nhiều người không thắp, những đêm có trăng ít ai thắp đèn. Dầu dư nhiều lắm, mua dầu là mua lại của họ.” Vinh nói.
            – “Lương thực thì mua trong đất liền? Phải không?”
            – “Không! Mì gói. Mì gói thì nhiều lắm. Cao ủy phát hàng ngày, ăn không hết.”
            Vinh kể tiếp:
            – “Tôi chi tiền, cũng không nhiều, mua dầu, đổ đầy mấy cái can nhựa, đem dấu trong mấy cái hốc đá ở quá bãi biển khu G. Nước ngọt cũng dấu ở đó, chờ ngày chôm được tầu là đi.”
            – “Bao lâu sau thì đi được?” Tôi hỏi.
            – “Có mấy bữa. Bữa đó có chiếc tầu từ Phước Tĩnh tới.  Tầu còn tốt lắm, máy cũng tốt. Để ăn chắc, nhằm giờ trưa vắng người, thằng An, thằng Lang giả bộ đi đánh cá, leo lên ghe coi thử. Xong, chúng tôi gặp nhau, bàn chuyện khuya nay sẽ đi. Chậm một hôm, sợ Mã ai kéo tầu vô đất liền mất. Tầu nào còn tốt, Mã Lai kéo vô đất liền; tầu cũ, Mã Lai nhận chìm luôn.
            – “Vậy là đi ngay tối đó?” Tôi nói.
            – “Dạ, quá nửa khuya, thằng An, thằng Khoe lẻn ra chiếc tầu đó, mở đỏi, chống ghe cho đi ngược lên bãi biển khu G. Thật ra, việc dễ lắm. Buổi tối, Cao ủy về đất liền. Hai ba cảnh sát Mã Lai thì ở trong đồn, đâu có ló mặt ra ngoài làm chi. Khi có chuyện chi đồng bào la lối dữ dội, họ mới ra. Thành ra việc trộm ghe dễ như chơi. Khi tụi nó chống ghe lên tới khu G, chúng bật hộp quẹt ra dấu, bọn tôi núp trong lùm cây, cũng ra dấu trở lại. Vậy là ghe tấp vô. Dầu, nước, lương thực chất lên ghe. Chống thêm một đoạn nữa cho ăn chắc, chúng tôi cho nổ máy, cứ nhắm hướng bắc mà chạy.” Vinh nói.
            – “Không la bàn, bàn đồ chi cả.” Tôi hỏi.
- “Cần chi! Hai ba thằng là dân đánh cá biển, rành đường lắm. Vã lại chúng tôi cũng có thấy một cái bản đồ vịnh Thái Lan, do đồng bào vượt biên, đem tới đảo. Cứ coi trong bản đồ, nhắm hướng bắc mà chạy thì về tới Việt Nam.
            – “Không sợ công an Dziệt Cộng?” Tôi hỏi.
            – “Làm sao chúng nó ngờ bọn tôi vượt biên mà về. Còn nói vượt biên đi cũng không được. Chúng tôi chỉ có năm ngoe. Ai lại vượt biên với năm ngoe như chúng tôi. Còn hỏi giấy tờ, chúng tôi nói ghe bị bão, mất hết. Ghe thì có số TH đàng hoàng. Ghe Phước Tĩnh mang số TH là Thuận Hải.”
            “Đêm đó chúng tôi vui lắm, khui bia “liên hoan”. Sắp về với gia đình vợ con rồi.” Vinh nói, vui vẻ.
            – “Tất cả có mấy người?”
            – “Năm, tụi tôi năm người. Tôi, thằng An, dân Rạch Giá, thằng Khoe, dân Vĩnh Bình, thằng Lang, cũng Vĩnh Bình, thằng Sức, Cà Mau.”
&
            “Đi đã ba ngày mà chẳng thấy chi hết. Chúng tôi chỉ sợ lạc đường. Nếu đi chệch về bên phải nhiều, ghe tôi có thể ra tuốt ngoài biển Đông. Đêm đó, đêm thứ ba, chúng tôi lại gặp một trận bão lớn, tưởng chết. May nhờ tụi nó đi biển rành, cứ cho ghe nổ máy, cưỡi lên sóng mà đi thì khỏi bị lật. Tắt máy mà cho sóng đập, ghe chìm như không.
            “Đến sáng ngày thứ tư thì biển êm, êm lắm. Trời nước xanh ngắt một màu đẹp lắm. Chúng tôi không biết chúng tôi đang ở đâu.
            “Bỗng thằng An la lớn:
            – “Hà Tiên kìa.”
            “Nó vừa nói vừa chỉ tay vào một đám mây ở xa. Chúng tôi hỏi cái gì đó. Nó nói: “Khói nhà máy ximăng Hà Tiên.”
            “Đó là một đám mây dài, từ phía dưới mặt biển trồi lên. Có chỗ khói hơi đen một chút, giống như mây buổi chiều sắp mưa giông.
            “Tôi hỏi, để cầm chắc, chớ tôi cũng đã từng thấy cột khói nhà máy ximăng Hà Tiên trước kia rồi.
            – “Chắc không?”
            – “Chắc mà!” An nói, xác nhận. “Tui đánh cá vùng nầy tôi rành lắm mà!”
            “Cả bọn, ai nấy đều mừng.
            “Bấy giờ có đứa đi tìm lò dầu, tìm mì gói, nước ngọt, làm mì, ăn cho no để về nhà.
            – “Vậy là vui há!” Tôi nói.
            – “Còn gặp xui, ông “thầy”. Chiều hôm đó, khi thấy rõ đất liền lắm rồi, không còn bao xa thì tầu của tôi bị gãy cốt máy. Cả tiếng đồng hồ sau, gặp chiếc thuyền đánh cá quốc doanh, mang số VT. Số VT là số tầu của Vũng Tầu – Côn Đảo. Thằng thuyền trưởng là một thằng Bắc kỳ 75 mất dạy. Nó cứ đổ riệt rằng chúng tôi vượt biên, tầu bị hỏng. Nó đòi tiền chớ có gì đâu! Dầu có bắt chúng tôi giao cho Công An, nó chẳng được mẹ gì đâu. Cuối cùng, chúng tôi gom lại, phần tôi bỏ ra là nhiều nhứt, gần chục cái khâu. Gần tối, chúng nó cho chúng tôi vào bờ, chỗ cuối dãy núi Hòn Chông, có cái ấp tên Rạch Đùng. Cách bờ khoảng năm chục thước, chúng nó bảo chúng tôi bơi vào. Tôi bơi yếu, phải ôm cái can nhựa, có thằng An và thằng Khoe bơi bên cạnh, đẩy tôi đi.
            Lên bờ, chúng tôi núp trong một cái hang đá, cởi quần áo phơi khô. Gần sáng, đang dự tính tìm đường về, thì gặp thằng bé người Miên, nó chăn heo đi ngang qua. Chúng tôi sợ thằng bé đi báo công an, nên mạnh thằng nào thằng đó lo giọt, thằng An về Rạch Giá, thằng Khoe về Vĩnh Bình.
            Tôi lội băng rừng, đi qua một cái đầm lớn, tôi nhớ người ta gọi là “Cà bây ngộp”, gần ấp Rạch Đùng, rồi tôi theo hướng ống khói nhà máy ximăng Hà Tiên mà về tìm đứa em bà con ở gần thị trấn nầy.
            – “Cà bây ngộp” là tiếng Miên, có phải không?” Tôi hỏi.
            – “Cà bây ngộp” tiếng Miên nghĩa là “Đầm trâu chết”. hồi xưa, lâu lắm, cả trăm năm, có trận dịch trâu. Trâu tìm về nơi cái đầm mà chết hàng trăm con, nên người ta gọi như dzậy.”
            – “Anh nói, em anh là em gái?” Tôi hỏi.
            – “Dạ! tôi có con em gái bà con nhà ở gần “cầu Cống Tre”. Chồng nó làm công nhân ở nhà máy. Về gần tới thị trấn Kiên Lương, tôi đi bọc phía sau trường học, đi băng qua khu cư xá công nhân rồi tới nhà nó. Nó hỏi tôi đi đâu về. Tôi nói tôi đi Cam-pu-chia tìm cách làm ăn. Nó cũng chẳng biết hay nghi ngờ chi cả. Ở nhà nó, tôi tắm rửa, giặt áo quần, ăn một bữa no nê, rồi ngủ một giấc ngon lành. Sáng hôm sau, tôi đón xe đò về Trà Vinh.”
            – “Về tới nơi, chính quyền biết gì không?” Tôi hỏi.
            – “Biết mẹ gì! Khi về ngang đồn công an, tôi còn huơ tay chào. Tụi nó còn hẹn cuối tuần đến nhậu chơi. Tôi cũng “OK”. Bể là tại tôi ngu.” Vinh nói.
            – “Bể là sao?”
            – “Bể là như dzầy! Khi còn ở Bidong, tôi ra chỗ bãi biển khu G, chỗ có mấy cái ghềnh đá, chụp hình gởi về Trà Vinh, giựt “le” với bà con chơi. Ai ngờ tụi công an, khi thấy thơ từ Bidong gởi về, bèn mở ra “kiểm tra”. Dzậy chúng nó mới biết tôi vượt biên chớ! Gần tối, chúng nó tới nhà bắt tôi về đồn điều tra tôi “vượt biên” theo đế quốc Mỹ. Hôm sau, công an huyện đem xe xuống chở tôi lên, lại điều tra. Không phải điều tra tội vượt biên.” Vinh khai.
            – “Không tội vượt biên thì tội gì nữa?” Tôi hỏi.
            – “Tội làm xịa, là CIA. Tụi nó nói, tôi vượt biên qua Bidong là để liên lạc làm xịa. Rồi nó hỏi lung tung.” Vinh nói.
            – “Hỏi lung tung là hỏi cái gì?” Tôi lại hỏi.
            – “Chúng nó hỏi qua Bidong liên lạc với ai? Thằng Mỹ nào? Thằng Mỹ đó tên gì? Học khóa nào? Nó dạy cho tôi cái gì? Cách theo dõi bộ đội, công an Dziệt Cộng như thế nào? Khi về lại Việt Nam liên lạc với ai? Người đó hiện ở đâu? Làm gì? Cách tiếp xúc với nhau như thế nào? Hòm thư chết như thế nào? Ở đâu?” v.v…
            – “Anh có trả lời được không?”
            – “Trả lời được cái chi? Có biết chi mà trả lời. Bây giờ có phòng “Ét-Bi” chớ hồi đó có ai thèm hỏi tới mình đâu!”
            – “Dzậy rồi chúng nó làm gì anh?” Tôi hỏi.
            – “Làm gì à? Nó “quýnh”. Nó “quýnh” trời đất ơi là nó “quýnh”. Cứ sau nửa đêm là chúng nó gọi lên điều tra. Dzậy rồi nó “quýnh” cho tới sáng. Sáng thì cho về.”
            – “Sợ không?” Tôi hỏi.
            – “Sợ lắm ông “thầy” ơi! Gần nửa đêm là thấy lo. Nghe nó kêu tên là lạnh người.” Vinh kể.
            – “Nó “quýnh” như thế nào?” Tôi hỏi.
            – “Nó “quýnh” đủ kiểu ông “thầy” ơi!” Vinh khai.
            – “Tầu bay? Tầu lặn?” Tôi hỏi.
            – “Tầu gì cũng có hết, không thứ nào thiếu!” Vinh nói.
            – “Tui nghĩ những “món ăn chơi” đó chế độ cũ mới có chớ!” Tôi nói.
            – “Ông “thầy” đâu có kinh nghiệm bằng mấy người cùng chung tù với tôi. Người ta nói Dziệt Cộng bây giờ cái chi cũng khoa học và hiện đại, tài giỏi hơn chế độ cũ. Cái chi cũng ưu việt, tài giỏi. Tra khảo tài giỏi hết sẩy!”
            Tôi cười, làm thinh.
            Vinh nói tiếp:
- “Càng lên cao chúng nó “quýnh” càng dữ”.
            – “Càng lên cao là sao?” Tôi lại hỏi.
            – “Là huyện đưa lên tỉnh, tỉnh đưa lên Bộ Nội vụ 2. Tới đâu, tôi cũng chỉ có một cách!”
- “Cách gì?” Tôi hỏi.
- “Quì xuống sát đất mà lạy. “Tôi lạy mấy ông. Tôi lạy mấy ông. Tôi không có làm chi hết. Tôi không có biết chi hết. Tôi chỉ bỏ vợ bỏ con đi với con bồ mà thôi. Tôi lạy mấy ông!”
- “Tui nó tin anh không?” Tôi hỏi.
- “Tin chớ! Nhưng phải hơn một năm sau mới tin. Thấy tôi cứ một mực “không biết chi hết”, nên tụi nó cũng phải “xác minh lại”.
- “Xác minh cái gì?”
- “Cũng may! Trước đó, tôi biết địa chỉ con nhỏ ở Trà Vinh. Tôi biết địa chỉ thằng cha ba Tầu già lấy nó ở Chợ Lớn. Tôi khai ra cho chúng nó xác minh. Xác minh xong thì chúng nó chỉ hỏi quá trình mà không đánh nữa.”
- “Tụi nó biết anh bị bắt oan không?”
- “Tội vượt biên thì không oan, nhưng tội làm tay sai cho “Xịa đế quốc Mỹ” thì oan.”
            – “Oan thì cho về! Mấy năm thì về?”
- “Bảy năm mới về đó ông “thầy”. Oan mà dzậy đó. Không oan thì chắc “mút mùa Lệ Thủy” luôn. Nhưng cái tôi hận không phải chỗ tụi nó nghi tôi.
- “Nghĩa là sao?” Tôi hỏi.
- “Tụi nó có quyền nghi, có quyền bắt. Nhưng oan mà giam lâu quá nên khi tôi về, thì vợ tôi đi lấy chồng khác, con tôi bị gởi về ở với bà nội nó. Phải chi thấy oan, tụi nó cho tôi về sớm thì gia đình tôi không đến nỗi tan nát như dzầy.”
hoànglonghải


Nguồn: http://vantuyen.net/2014/12/15/hoanglonghai-beo-giat-17-vuot-bien-tro-ve/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét