Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Đời cá hô trên sông nước Vàm Nao

 


VIẾT DU

Được chia sẻ công khai  -  17-12-2014
 
Để nhớ 12 năm ngày đầu tiên về cù lao Ông Chưởng...
-*-
Đời cá hô trên sông nước Vàm Nao
Cao Thị Hoàng


1. Mây khói đèn sụp mí trời, Hô trống dìu vợ đang thời kỳ bụng mang dạ chữa ra khỏi hốc đáy sông Vàm Nao. Chồng đẩy vợ trừng lên mặt nước, không gian chiều mênh mông trải dài theo tiếng sóng. Đôi vợ chồng cá Hô vừa thong thả bơi, vừa nói chuyện.
– Mình ơi, tui có điều chưa rõ
– Điều gì chưa rõ, em?

Hô mái quẫy đuôi, nước bắn tung tóe.
– Lý sao tổ tiên mình bỏ bàn quán Biển Hồ, trôi dạt về đây sinh sống?
Nước chửng ròng, đàn cá Nược đua ghe thương hồ rẽ sóng. Hô trống hớp một hơi dài, cạ mình vào bụng vợ.
– Cội nguồn mình vốn ở Biển Hồ, sống và sinh con đẻ cái nhờ nước Mê-kông. Nhưng, dân bản địa nghĩ mọi cách, dùng mọi thứ, đánh bắt cho kỳ được loài cá Hô để phanh thây, xẻ thịt; ăn tươi, nuốt sống. Tổ tiên mình đành bỏ xứ, xuôi dòng Mê-kông về Nam. Đến ngã 3 sông, nơi tiếp giáp giữa 2 luồng sông Tiền, sông Hậu, thế nước xoáy tròn và trụt xuống sâu thăm thẳm, hang hốc chằng chịt như mạng nhện. Xa trông, giống hình con cá Hô bay! Tổ tiên cho đó là điềm lành và cũng là ý trời, nên chọn Vàm sông nầy sinh sống. Vàm giao mối 3 dòng nước: dòng sông Tiền chảy sang, dòng chảy xiết từ cố hương đổ xuống, dòng trôi về Long Xuyên. Tất cả tạo thành cái kỳ vĩ của đất trời, cái dữ dội của thủy thần và mấy ai đến đó mà chẳng nao lòng khiếp sợ. Người đời đặt tên Vàm Nao từ đó.
               
Lúc Bùi Hữu Nghĩa bị đày làm lính đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc), đã kềm lòng chẳng đặng, thốt lên:
”Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”
       
Hô mái ngạc nhiên, hỏi chồng: ”đứt đuôi xà” nghĩa là sao , hả mình? Hô trống nói rằng: ”đứt đuôi xà” nghĩa là, con rắn bơi qua Vàm bị xoáy nước cuộn và vặn đứt đuôi. Đúng là, vùng nước hiểm yếu để dòng họ cá Hô dung thân.
                   
Tiếng ”Bịp Bịp” rộ mé sông, nước lớn dần và mặt sông nở phình ra. Vợ chồng Hô quay về hang, lúc trời chạng vạng tối.
                   
Lượn quanh hang ổ canh vợ ngủ,  Hô trống ngẫm nghĩ thân phận nghiệt ngã: dù biệt xứ, vẫn bị người bản địa Biển Hồ truy đuổi săn bắt. Đã vậy, họ còn nhẫn tâm dạy nghề săn bắt cho cư dân miệt châu thổ Sông Cửu Long cùng tận diệt loài cá Hô. Tức nước vỡ bờ! Ngày đó, Cố Tổ cá Hô cùng các loài cá Đao, cá Sấu, cá Bông Đốm… hợp sức tung hoành lật úp, nhận chìm tàu thuyền qua lại trên Vàm Nao. Con người dẫu độc ác, nhưng cũng biết sợ. Với bản chất, ” chết cái nết không chừa”, con người quay ra chụp mũ rằng, cá Hô là loài thủy quái! Rồi bịa chuyện lan truyền, hằng năm đến mùa gió chướng, con người phải chọn và đưa một thôn nữ đồng trinh đến Vàm Nao lập trai đàn, tiến cung thủy quái thì tàu thuyền qua lại mới yên.  Cốt gây xúc động lòng trời, tạo oán hận lòng người, nhằm tàn sát và tận diệt cá Hô.
                   
Bọn thầy cúng, thầy bùa, thầy pháp…từng mang chiêng trống, chuông mõ đến bến nước Vàm Nao, ra sức giương oai, diễu võ trừ tà, yếm quỷ…dụ gái, hốt tiền dân hạ bạc. Miền sông nước đói nghèo, chỉ có cách đâm hà bá để kiếm miếng ăn. Hồi Cố Tổ chưa bị người bắt phanh thây, xẻ thịt, thường kể cho Cố Nội nghe câu chuyện bi thương và phản phúc.
         
Khi bọn Xiêm La chiếm thủ phủ Hà Tiên, thuận buồm xuôi gió đánh chiếm Châu Đốc, vây hãm Bắc Năng Gù vào tháng chạp, năm Qúy Tỵ 1833.

Tướng quân Trương Minh Giản sai thuộc hạ đến cậy nhờ các loài cá Vàm Nao góp sức chống quân thù. Đội quân thủy quái hợp thành bởi: Cá Hô, cá Đao, cá Bông Đốm, cá Sấu, cá Nược…thề nhận chìm các chiến thuyền giặc, bảo vệ Vàm Nao.
         
Giặc Xiêm lợi dụng con nước ròng chảy xiết, chúng kết bè đốt lửa, làm trận hỏa công ”Xích Bích” hòng tiêu diệt chiến thuyền quân Việt. Từng mảng bè rực lửa, lao theo dòng nước như tên bắn đã bị tập đoàn cá Nược rượt theo nhanh như sao xẹt, kéo chìm tắt ngúm. Từng mũi đao ”thần sầu quỷ khóc” của cá Đao, đâm thủng thuyền giặc, từng cú thăng thiên của cá Hô ”long trời lỡ đất” rơi xuống vỡ mặt thuyền, âm thanh nổ như bom nổ, khiến quân Xiêm hoảng loạn tranh nhau nhảy xuống sông. Chỉ cần có thế, đội cá Sấu, cá Bông Đốm tràn ra gấp, cắn xé những cây thịt trôi dật dờ như khúc củi. Máu nhuộm đỏ Vàm Nao. Mùi tử khí bay về tận cố thổ quân xâm lược.
         
Yên bình, loài cá trở lại cuộc sống vốn có của mình. Chẳng ai tranh công, kể công, thậm chí không màng ”miếng đỉnh chung”, không mong mỏi sự biết ơn. Nhưng, con người là sản phẩm độc đáo vốn thuộc Thượng đế, có trí tuệ vượt muôn loài. Trí tuệ ấy, đã phát hiện sức mạnh vô song của loài cá. Động lòng tham, con người bất chấp nhơn nghĩa, dùng trí tuệ bắt và ăn thịt cá, những mong tăng sinh lực cho mình. Vì vậy, các loài cá Vàm Nao – trong đó, có cá Hô ” tan đàn tẻ nghé ”. Nội Tổ thỉnh thoảng chép miệng: ”Cứu người, người trả oán”. Rồi Nội Tổ lo xa, biết đâu trong tương lai gần, trí tuệ con người sẽ tạo nên một nền văn minh hủy diệt!
         
Hô mái trở mình thức giấc.
– Bậu ơi, mình ở đâu?
Nghe lời truyền âm của vợ Hô trống hấp tấp bơi vào hang.
     
2. Từ ngày Nội Tổ lâm nạn, bị người xẻ thịt cân ký bán giữa Chợ Mới, Long Xuyên. Vợ chồng Hô thẩn thờ bơi theo con nước, bụng dạ đầy thương cảm và nghĩ rất lung về thân phận giống nòi. Thật tức cái mình, sao là Hô mà không là loài cá khác. Sao là thịt thơm ngon, quý hiếm mà không là thịt thúi dỡ, tràn sông? Suy cho cùng, chính thơm ngon, quý hiếm đã cắt đứt sự sống chính mình.
           
Cùng một loài, sao  Chép có râu, mình không có? Chép tu hóa rồng, mình tu không thể? Nội Tổ nói: Vì mình không có râu! Chẳng lẽ, cái râu quan trọng đến thế? Nhiều đêm soi bóng dưới ánh trăng, thấy mình đầu rất to, đỉnh đầu rộng, giữa mắt và mõm của phần lưng đầu lõm xuống, miệng chành bành, môi hếch…đúng là hô. Mà hô thật, không hô sao nặng mấy trăm cân, thậm chí nặng nghìn cân, quẫy đuôi cất gió tung trời cao mươi thước, liệng mình đè mặt sông tiếng dội hơn bom đìa.
           
Đêm càng sâu, sông mờ khói sóng. Không gian tĩnh mịch, êm đềm.Vợ chồng Hô, chợt nghe câu hò bâng quơ của chàng trai nào đó:
                     
” Hò…ơ…
Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá Hô nó nhào vô lưới
Anh ngồi, anh chắc lưỡi
Không biết chừng nào mới cưới đặng em?”
           
Mắt Hô mái chớp chớp nhìn chồng, nếu phải nhào vô lưới để giúp những người yêu nhau được lấy nhau và lấy nhau để sinh con đẻ cái, thì em cũng đành lòng. Như hiểu ý vợ, Hô trống nhịp đuôi tính rợ thời gian vợ sẽ khai hoa nở nhụy. Vợ cấn bầu từ tháng 3 theo trăng, đầu tháng 6 bụng vợ to, hạt trứng lớn và vợ sẽ đẻ cuối tháng 6 hoặc tháng 7. Khi con nước quay, màu nước đục, sẽ thuận lợi cho vợ mình như con người thường bảo: Mẹ tròn con vuông. Bây giờ, đầu tháng 4, vợ mình mang bấu đã là gần tháng. Hô trống nghĩ vậy.
         
Thói quen cha truyền con nối, như một quy luật: Hằng năm, trời đất chỉ dành vỏn vẹn 4 tháng, từ tháng giêng đến hết tháng 4 cho loài cá Hô săn mồi và thưởng ngoạn thủy du. Do đó, khi người đón xuân, vui tết; vạn vật tươi mát bởi từng cơn gió chướng thổi về, thì loài cá Hô bắt đầu rời hang  kiếm ăn và hò hẹn những cuộc tình trên sông nước; đồng thời, khoe sức dũng mãnh trước bầy đàn, giựt le với cá mái mới ”ra ràng” trong chuyện yêu đương. Đã có nhiều cô nàng Hô chết mê chết mệt.
         
Sinh thời, Nội Tổ rầu lo cho cái chu kỳ cố hữu, cứ mỗi tháng dòng họ Hô tổ chức vui chơi, tình tự và đi ăn từ 4 đến 5 lần, mỗi lần lại đúng con nước ròng trong tháng: 13, 17, 18, 19, 25, 27. Thế mới chết. Nhiều lần, Nội Tổ muốn thay đổi nhưng bị sức ỳ bảo thủ cản phá quyết liệt. Đặc biệt, bản năng loài cá Hô đã bị lập trình, không thể làm khác. Lần hồi, loài cá Hô tuyệt chủng bởi trí tuệ con người nghĩ ra nhiều cách đánh bắt. Đau đớn hơn, cá Hô bị giam cầm trong bễ làm vật thí nghiệm lai tạo, phối giống…hình dạng Hô nhưng không phải Hô!
         
Hô trống dìu vợ ngoi lên mặt sông nhìn trăng mười  bảy. Cõi nhân gian gọi trăng mười bảy sảy chiếu giường. Ánh trăng vàng khắp mặt sông!
         
Đàng xa, một bầy Hô tung tăng bơi tới. Ngẫu hứng trong lòng, Hô trống cất mình lên khỏi mặt nước, quẫy đuôi hớp ánh trăng khuya, tung mình đo độ cao của trời, hụt hơi rớt lũng mặt nước nổ  tiếng nổ rền xa như tiếng trời gầm chớp giựt. Hô mái cũng chẳng vừa, vọt một phát ngoạn mục khiến cả bầy  Hô vỗ đuôi tán thưởng. Rồi cả bầy như tức cảnh sinh tình, không còn sợ hãi và quên bẵng cảnh giác sự nguy hiểm đang rình rập của con người.

Mặt trăng hình như lắc lư, mặt nước Vàm Nao chao nghiêng sau mỗi cứ nhảy của bầy cá Hô, tiếng nước dội gấp ngàn lần tiếng trống đình ông Thoại Ngọc Hầu. Đúng thời khắc thăng hoa đó, hằng chục chiếc thuyền ghe từ bờ búa xua ra sông, bủa lưới bắt bầy cá Hô.
           
Biết vợ mình đang bụng chữa, xoay trở khó khăn, Hô trống dùng sức mạnh của đuôi quạt đẩy vợ khỏi nơi nguy hiểm. Nhưng đã muộn, con người với trí tuệ của mình, đã xây thế trận thiên la địa võng, bầy cá Hô không thể thoát.
           
Hô trống dùng toàn lực phá lưới, cả bầy hút đầu đập đuôi phá lưới. Sức mạnh cơ bắp thúc thủ trước mưu sâu kế hiểm của kẻ săn mồi. Càng vùng vẫy, càng xiết mình vào tuyệt lộ. Thình lình, một mũi chĩa loang loáng ánh trăng đâm thẳng vào Hô mái, trứng lẫn máu phọt ra khỏi bụng. Hô mái gồng cong người, đập đuôi quật ngã kẻ đâm mình nhào xuống sông. Hô mái, cố bơi theo dòng trứng nước cuốn trôi: ”’Con tui đâu.. c..o..n..?” rồi chìm dần vào tay lưới. Thảm cảnh ấy xảy ra trước mắt Hô trống. Những giọt nước mắt hòa lẫn máu ứa ra từ hai khóe mắt, Hô trống bất lực không cứu được vợ con mình. Đầu to, chưa hẳn chứa hiểu biết. Sức mạnh cơ bắp, chưa hẳn cứu được lúc nguy nan. Trời sinh nòi giống ta, dù Hô trắng, vàng, đen…nặng cân, thịt chắc, thơm ngon là tạo cho ta nỗi khổ đau chứ có ít lợi gì? Và, cũng chính điều ấy, tạo thêm nghiệp ác con người.
         
Trăng mười bảy còn treo lơ lững đàng Tây, mặt trời đàng Đông vội nhú lên màu đỏ ối!

CAO THỊ HOÀNG
2014
 
Nguồn:  https://plus.google.com/u/0/+DuViet/posts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét