Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Vì sao VNCH không còn là ‘ngụy quân ngụy quyền’?


Vì sao VNCH không còn là ‘ngụy quân ngụy quyền’?

21/08/2017





Bộ sách sử mới của Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, 18/8/2017






Tháng Tám năm 2017, lần đầu tiên từ thời điểm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, đã diễn ra một sự kiện rất đặc biệt và hoàn toàn chưa có tiền lệ: Bộ sách Lịch sử Việt Nam - đã “nhìn nhận công lao nhà Mạc cùng chúa Nguyễn và các vương triều nhà Nguyễn, không gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà là ngụy quân, ngụy quyền như trước, chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam...”.
Tin tức trên được báo Tuổi Trẻ đăng ngày 18/8/2017.

“Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam”

PGS. TS Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử VN, đã trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ với một nội dung đáng chú ý: “Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam… Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận”.
Diễn giải của ông Trần Đức Cường cũng là phát ngôn đầu tiên, hoặc đã có nhưng rất hiếm hoi, của một quan chức bậc trung về “Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam”, dù được báo Tuổi Trẻ cẩn trọng giải thích là “bên lề buổi giới thiệu sách…”, tức có thể hiểu là phát ngôn này không phải được phát ra trên diễn đàn chính thức.
Bằng chứng quá rõ về tính hiếm hoi trên là kể từ Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị đảng cầm quyền về “thực hiện công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” từ năm 2003, kèm theo chủ trương “hòa hợp hòa giải dân tộc”, chỉ đến năm 2015 mới le lói một cách nhìn ngấm ngầm trong nội bộ đảng về “thực thể Việt Nam Cộng Hòa”, nhưng từ đó đến nay lại chưa có một phát ngôn chính thức nào của giới quan chức về điều này, càng không có bất kỳ đảng văn hay văn bản pháp quy nào đề cập đến vấn đề được xem là rất nhạy cảm chính trị này. Trong thời gian đó, hệ thống tuyên truyền của tuyên giáo đảng và công an vẫn sắt máu duy trì cụm từ “ngụy quân ngụy quyền”, đặc biệt thể hiện trên các diễn đàn của giới dư luận viên, tuy mật độ nhắc đến cụm từ này có thuyên giảm đôi chút.
Nhưng dù “thực thể Việt Nam Cộng Hòa” không hoặc chưa phải là phát ngôn hay chủ trương được chính thức công bố, hiện tượng bộ sách Lịch sử Việt Nam không còn xem Việt Nam Cộng Hòa là “nguỵ quân ngụy quyền” vẫn là một sự xác nhận gián tiếp về tính chủ trương chưa được công bố, cùng lúc được “bật đèn xanh” từ một cấp trên nào đó.
Vậy “cấp trên” đó là cơ quan nào? Là ai?

Ai và vì sao?

Thông thường và theo “đúng quy trình”, người ta nghĩ ngay đến Ban Tuyên giáo trung ương. Còn “cao” hơn nữa chỉ có thể là Ban Bí thư hoặc Tổng bí thư.
Thế nhưng điều trớ trêu là từ trước đến nay, hầu hết phát ngôn công khai của giới chóp bu Việt Nam, từ Tổng bí thư Trọng trở xuống Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng hay các quan chức cấp cao khác…, đều chưa từng xác nhận “thực thể Việt Nam Cộng Hòa”.
Dấu chỉ duy nhất về “hòa hợp dân tộc” liên quan đến Tổng bí thư Trọng được tiết lộ chỉ là việc vào đầu năm 2017, nhân vật này đã “gật” với đề xuất của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh về “mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ, về dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ dịp giỗ tổ Hùng Vương”.
Chưa có bằng chừng nào để khẳng định rằng Nguyễn Phú Trọng là người chủ xướng cho hội nghị đặc biệt trên, trong khi từ đó tới nay ông Trọng còn phải “căng mình” đối phó với đủ thứ chuyện đấu đá trong nội bộ đảng cùng nhiều mầm mống khủng hoảng kinh tế và xã hội. Và cả với cuộc khủng hoảng đối ngoại mới nhất mang tên “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”…
Cần nhắc lại, “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” đã phải gánh chịu một thất bại - một phá sản cay đắng. Ngay sau khi ông Hữu Thỉnh phát ra tuyên bố về này, khắp các diễn đàn trong nước và đặc biệt ở hải ngoại đã phản ứng như sóng lừng. Rất nhiều ý kiến của nhà văn, nhà báo hải ngoại cho rằng sự kiện này về thực chất chỉ mang tính “cuội.” Họ tung ra một câu hỏi quá khó để trả lời rằng Nghị Quyết 36 của Bộ Chính Trị về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” đã ra đời mười mấy năm trước mà hầu như chưa làm được gì cả, nhưng tại sao đến nay mới sinh ra mới cái cử chỉ như thể “chiêu dụ người Việt hải ngoại” như thế?
Nhiều ý kiến từ hải ngoại cũng thấu tim gan “đảng quang vinh” về chuyện suốt từ năm 1975 đến nay, đảng chỉ quan tâm đến “khúc ruột ngàn dặm” nhằm hút đô la “làm giàu cho đất nước” càng nhiều càng tốt, nhưng ai cũng hiểu là không có đô la thì chế độ không thể nào tồn tại.
Nhưng lại quá hiếm trường hợp trí thức của “khúc ruột ngàn dặm” được đảng ưu ái tạo cho đất dụng võ ở quê nhà. Sau hơn bốn chục năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” vẫn còn quá nhiều cảnh kỳ thị của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ hải ngoại. Nhiều trí thức hải ngoại ôm mộng trở về Việt Nam để “cống hiến,” nhưng cuối cùng đã phải chua chát biệt ly khỏi “vòng tay của đảng.” Nếu tạm gác lại nhu cầu đô la, “khúc ruột ngàn dặm” đã chẳng có gì khác hơn là “ruột dư”…
Một câu hỏi “day dứt” khác: tại sao không phải những năm trước mà đến năm nay - 2017 - đảng mới lấp ló xác nhận gián tiếp về “thực thể Việt Nam Cộng Hòa”?
Sự thật quá hiển nhiên là giờ đây, tình trạng chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền là khó khăn hơn bao giờ hết. Sự bế tắc gần như toàn diện như thế đã khiến đang manh nha phát sinh một luồng tư tưởng cùng một số quan chức buộc phải nghiêng dần theo xu hướng “cải cách”. Trong những “cải cách” đó, lần đầu tiên từ sau năm 1975 đã bộc lộ tín hiệu có vẻ đôi chút thực chất về “lấy lòng người Việt hải ngoại”.
Kể cả làm thế nào để đạt được một thâm ý sống còn hơn hết thảy: cộng đồng người Việt ở các quốc gia, đặc biệt ở Mỹ, sẽ “để yên” cho nhiều quan chức và thân nhân quan chức Việt Nam ung dung rửa tiền, mua sắm nhà cửa, kinh doanh và hưởng thụ cuộc sống ở xứ sở tượng trưng cho lối thoát, nếu tình hình trong nước “có biến”?

“Những người lính ở phía bên kia chiến tuyến”

Nằm trong khoảng giữa của “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” tháng 4/2017 và bộ sách giáo khoa Lịch sử Việt Nam tháng 8/2017, lễ kỷ niệm “Ngày thương binh liệt sĩ 27/7” năm 2017 lại có cái gì đó là lạ…
Ngày 25/7/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi 20… tổ chức hội thảo khoa học “Những bức thư thời chiến với truyền thống và văn hóa dân tộc”.
Điểm nhấn của cuộc hội thảo trên là nhà văn Lê Thị Bích Hồng tìm được ở những lá thư thời chiến tinh thần và khát vọng hoà hợp dân tộc của những người lính “Việt cộng” và cả những người lính Việt Nam Cộng hòa “phía bên kia”.
Báo chí nhà nước bình luận: Khát vọng hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh cũng là động lực để nhà văn Đặng Vương Hưng đưa vào tuyển tập những lá thư thời chiến của những người lính ở phía bên kia chiến tuyến.
Khác với một số lần “trình diễn” trước với cụm từ “chế độ cũ”, lần này có đôi chút “cách tân” hơn khi cuộc hội thảo trên và được báo chí nhà nước đưa tin đã lấp ló cụm từ “Việt Nam Cộng Hòa” như một hàm ý thừa nhận chế độ chính trị ở miền Nam trước năm 1975.
Chỉ sau hội thảo trên một ngày, Đài truyền hình Việt Nam như thể “vô tình” phát hình ảnh những người lính VNCH và lính quân giải phóng lồng với nhau, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7…

Một tiền đề “tự chuyển hóa”?

Tháng Tám năm 2017. Hiện tượng bộ sách Lịch sử Việt Nam gián tiếp xác nhận “thực thể Việt Nam Cộng Hòa” có thể được xem là một sự kiện lịch sử, và có thể là một tiền đề dẫn đến một giai đoạn “tự chuyển hóa” về quan điểm chính trị của đảng, hay nói chính xác hơn là bắt đầu từ một bộ phận nào đó của đảng cầm quyền. Tiến trình chuyển đổi này có thể nhanh hơn hoặc tăng tốc vào năm sau - 2018.
Ngân sách đang hiện ra nhiều dấu hiệu cạn kiệt nhanh khó lường. Trong tình thế hầu hết các nguồn “ngoại viện” đều đóng cửa, không “tự chuyển hóa” thì đảng thì đảng sẽ.. hy sinh.
Bối cảnh của thái độ dần thừa nhận “khúc ruột ngàn dặm” lại đậm đà dấu ấn “thu nhập ngân sách”: sau 23 năm tăng trưởng liên tục, lượng kiều hối do “kiều bào ta” gửi về Việt Nam đã sụt giảm nặng nề vào năm 2016, chỉ còn 9 tỷ USD so với 13,5 tỷ USD của năm 2015. Vào nửa đầu của năm 2017, lượng kiều hối thậm chí còn “suy thoái tư tưởng” ghê gớm hơn, đến mức cho tới thời điểm này Tổng cục Thống kê còn không dám công bố con số kiều hối về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017.
Trong khi đó, một dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ còn cho thấy trong năm 2017 này, lượng kiều hối về Việt Nam có thể chỉ còn 5,4 tỷ USD. Tức “tụt hậu” đến chẵn một thập kỷ…
Một bài toán quá khốn quẫn đang dựng đứng: nếu không thu hút được đủ nhiều kiều hối của “kiều bào ta”, chính phủ đào đâu ra ngoại tệ mạnh để bù đắp hố nhập siêu đến năm chục tỷ đô la từ Trung Quốc và trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm?

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
    Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/vnch-viet-nam-cong-hoa-nguy-quan-quyen-sai-gon/3994394.html

    Ý nghĩa của việc thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng hòa

    Nguyễn Tường Thụy
    2017-08-24

    Email
    Ý kiến của Bạn
    Share
    In trang này
    Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, Thủ tướng Nguyễn cao Kỳ, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong Hội nghị Honolulu tại Camp Smith, Hawaii ngày 08 tháng 2 năm 1966.
    Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, Thủ tướng Nguyễn cao Kỳ, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong Hội nghị Honolulu tại Camp Smith, Hawaii ngày 08 tháng 2 năm 1966.
     AFP photo
    Bộ Lịch sử Việt Nam vừa xuất bản đang được công luận quan tâm. Nội dung có những thay đổi về cách nhìn nhận một số sự kiện lịch sử, trong đó, điều mà công luận quan tâm nhất là trả lại tên gọi cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và tế nhị vì vậy bộ sử nhận được rất nhiều hoan nghênh nhưng còn có cả những ý kiến phản đối dữ dội.
    Thực ra, không phải bây giờ mà từ 6,7 năm nay, trong hệ thống chính trị đã đề cập về vấn đề này.
    Đại đoàn kết có lẽ là tờ báo đầu tiên đưa ra luận điểm này với bài “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” (20/07/2011)
    “Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.”
    Nhưng phải 3 năm sau, vào thời điểm Trung Cộng đem giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN (tháng 5/2014), báo chí VN mới phản công rầm rộ. Nhiều tờ báo dẫn lại đọan trích trên của Đại Đoàn Kết hoặc dựa theo luận điểm này để bác bỏ sự luận điểm của Trung Cộng cho rằng Công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ.
    Còn báo điện tử của Chính phủ viết:
    “Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974”.
    Ông Trần Công Trục nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ, tức là một quan chức cao cấp có trách nhiệm trực tiếp đến chủ quyền của đất nước, trong chương trình thời sự 19 giờ ngày 22/5/2014 của đài VTV1 còn nói toạc ra là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nếu có tuyên bố này nọ về Hoàng Sa, Trường Sa thì cũng chẳng có giá trị pháp lý gì:
    “Các bạn hãy nhớ rằng tuyên bố của chúng ta vào thời kỳ 1958 nghĩa là cái lúc mà hai miền Bắc, Nam được hiệp định Genève ký kết năm 1954 phân chia quyền quản lý cho 2 nhà nước với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế là Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo Hoàng Sa của chúng ta nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của VNCH với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế theo hiệp định Genève, Và vì vậy, mọi tuyên bố, mọi hành vi của VNCH có giá trị pháp lý thay mặt Nhà nước VN quản lý vùng đất ấy còn VNDCCH chúng ta không trực tiếp quản lý. Vì vậy cho dù tuyên bố đó như thế nào thì giá trị pháp lý trong quan hệ quốc tế không có. Cho nên TQ họ muốn dùng tất cả mọi lý lẽ để nói rằng chúng ta thừa nhận thì đấy hoàn toàn là sự bịa đặt”.
    Đấy là báo chí, còn bây giờ là chính sử. Vấn đề xoay quanh thể chế chính trị ở Miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào là ngụy quyền hay Việt Nam Cộng hòa. Câu hỏi dễ trả lời, đó là Việt Nam Cộng hòa vì đấy là sự thật lịch sử.
    Xuyên tạc VNCH là ngụy quyền, Quân lực VNCH là ngụy quân là cách gọi nhằm phục vụ ý đồ tuyên truyền của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là miệt thị đối phương. Sau khi VNCH thua trận, cách gọi này vẫn được duy trì, thể hiện tính hẹp hòi, bần tiện, không sạch sẽ của kẻ thắng trận.
    Trả lại tên gọi VNCH và chính thức đưa vào chính sử thì vấn đề ảnh hưởng sâu và rộng hơn so với báo chí. Nhưng dù báo chí hay sử sách thì về nguyên tắc, nó không phản ánh quan điểm của thể chế chính trị đương thời mà trong trường hợp này là Nhà nước Việt Nam hiện nay. Cần phải có sự khẳng định, thừa nhận bằng văn bản hay bằng tuyên bố hoặc lồng vào nội dung nào cũng được của Nhà nước Việt Nam hay Bộ ngoại giao Việt Nam.
    Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống chính trị ở Việt Nam thì việc báo chí, đặc biệt là sử sách viết như thế nào cũng do đảng CSVN và Nhà nước VN chi phối, vì vậy nó vẫn phản ánh quan điểm, thái độ của Nhà nước Việt Nam.
    Có ý kiến cho rằng thừa nhận VNCH là bước tiến quan trọng. Tôi không cho đây là bước tiến. Bản chất của vấn đề là gọi lại cho đúng tên, thế thôi. Điều này có thể ghi nhận, chứ không có gì đáng khen. Liên hệ đến công cuộc gọi là đổi mới năm 1986. Từ chỗ nền kinh tế bị bóp nghẹt, đảng CSVN nới lỏng ra một phần nên thoát ra được cuộc khủng hoảng kinh tế. Như vậy, cái gọi là “đổi mới” ở đây thực chất là sửa sai, từ chỗ cấm rồi buông, trói rồi cởi. Tuy nhiên, ông Đỗ Mười đã vơ công ấy là công của đảng CSVN: “Không có Đảng thì không có đổi mới”. Chỉ cần đặt ra câu hỏi ai cấm, ai trói và tự trả lời thì sẽ hiểu, công của Đảng CSVN có hay không.
    Vấn đề Việt Nam Cộng hòa cũng vậy, gọi chính thể này đúng tên cũng là việc sửa sai, có gì đáng khen. Lịch sử phải ghi lại những sự kiện một cách khách quan trung thực như nó đã xảy ra. Đó là thiên chức của người viết sử. Lịch sử không xu nịnh ai. Trả lại sự thật cho lịch sử là tất yếu.
    Nhiều người còn nghi ngờ sự thực tâm khi gọi đúng tên của chính thể ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, cho rằng việc này nhằm vào nhiều mục đích chính trị. Có chăng, việc thừa nhận này nên ghi nhận và khuyến khích ở sự can đảm.
    Dẫu đơn giản chỉ là gọi lại cho đúng tên, thế mà nhiều người đã giãy nảy lên, ra sức phản đối. Với họ, cứ phải gọi VNCH là ngụy quân ngụy quyền mới được. Họ cho rằng, Giáo sư Phan Huy Lê  “đánh tráo sự thật lịch sử”. Điển hình cho nhóm người này là ông Nguyễn Thanh Tuấn, trung tướng - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng. Ông ta tỏ ra hậm hực và rất cay cú về bộ Lịch sử mới xuất bản, đòi xử lý nhóm biên soạn.
    Đây là kết quả của sự nhồi nhét, tuyên truyền một chiều. Sự nhồi nhét ấy đã tạo ra một lớp người còn bảo thủ hơn cả Đảng. Đã có lời cảnh báo rằng rô bốt là sản phẩm của con người nhưng coi chừng có ngày con người không kiểm soát nổi nó.
    Nhưng ý nghĩa của việc thừa nhận Việt Nam Cộng hòa không đơn thuần chỉ là tên gọi. Điều quan trọng ở chỗ, khi đã công nhận VNCH là một thực thể, có giá trị pháp lý theo Hiệp định Genève tương tự VNDCCH ở Miền Bắc thì vấn đề nảy sinh từ đó là:
    - Bản chất của cuộc chiến tranh 1954 – 1975 là gì? Đó có phải cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như trước nay vẫn tuyên truyền không?
    - Sự có mặt của Mỹ và đồng minh của VNCH ở Miền Nam (Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines) có khác gì về bản chất so với sự có mặt của đồng minh của VNDCCH ở Miền Bắc (Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên) ở miền Bắc không khi cả 2 nhóm đồng minh này đều tham chiến? v.v…
    - Và vấn đề lquan trọng nhất là tại sao quân đội VNDCCH lại có mặt trên lãnh thổ VNCH và lật đổ nó?
    Ở đây, tôi chỉ gợi mở vấn đề, chứ không có tham vọng lý giải nó trong phạm vi một bài viết.
    Dù sao thì, việc thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa cũng đáng hoan nghênh và là một sự can đảm cần khuyến khích. Thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay, vào năm 1975 họ chưa có vai trò gì. Họ không phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Cái khó nhất của họ là cuộc chiến tranh do thế hệ lãnh đạo trước tiến hành đã cho họ thừa hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi mặc dù với dân tộc và với đất nước thì không. Vì vậy, nếu họ dám thừa nhận sai lầm của thế hệ lãnh đạo trước và dám sửa cũng là một sự can đảm. Họ hoàn toàn nhận thức được bản chất của cuộc chiến tranh 1954-1975 chứ không đến mức bảo thủ như ông trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn vừa nêu trên. Điều quan trọng là họ có thực tâm hay không và thực tâm đến đâu Nếu biết đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên hết thì những vấn đề tưởng như là phức tạp sẽ giải quyết được. Đó là chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc, là sự hòa giải dân tộc, là khai thác và phát triển giá trị của Việt Nam Cộng hòa và cao hơn là đưa đất nước tiến cùng thời đại chứ không phải hổ thẹn với quốc dân và thế giới như hiện nay.
    *Bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

    Nguồn: 

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/meaning-of-accepting-vietnam-republic-ntt-08242017083025.html
  • Xôn xao về việc bỏ gọi “ngụy quân ngụy quyền”

  •   

     https://youtu.be/Y9uwBMx9Gho




    Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa, rồi sao nữa?

    Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân

    107







    Sau hơn 40 năm xúc phạm chính quyền và người dân Miền Nam, “ngụy quân, ngụy quyền” được thay thế bằng “chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn” trong bộ sách lịch sử mới, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn.
    Sau khi đánh bại Nguyễn Tây Sơn, nhà Nguyễn Gia Long thống nhất đất nước và coi Tây Sơn là ngụy triều. Nhưng sử gia Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam Sử Lược, ngay trong thời Nguyễn triều còn cầm quyền đã nhận định về tính chính thống của triều đại Tây Sơn như sau: “Vậy lấy lẽ tôn bản triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây Sơn là Ngụy, mà lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Ðinh Tiên Hoàng và vua Lê Thái Tổ, mà nhà Nguyễn Tây Sơn cũng là một nhà chính thống như nhà Ðinh và nhà Lê vậy.” (Việt Nam Sử Lược trang 369). Đó là lời lẽ khảng khái vì sự thật của một nhà viết sử thời cận đại.
    Năm 1954, Việt Nam trở thành một quốc gia bất hạnh khi cộng sản và thực dân bắt tay nhau chia đôi đất nước, một cách giải quyết hoàn toàn bỏ qua quyền lợi của toàn dân. Tại Miền Nam sau đó, nước Việt Nam Cộng Hòa hình thành trên nền tảng hợp pháp của Quốc Gia Việt Nam. Cho đến khi cuộc chiến tranh xâm lăng của Miền Bắc kết thúc và chế độ Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, đảng CSVN vẫn tiếp tục ra sức xóa bỏ hình ảnh Việt Nam Cộng Hòa bằng sách báo tuyên truyền cũng như giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội. Ngụy quân, ngụy quyền là hai từ được nhắc đi nhắc lại hàng ngày với tính cách miệt thị kèm theo những hình ảnh, những câu chuyện ghê gớm mà chỉ những người cộng sản mới tưởng tượng ra nổi.
    Sau hơn 40 năm xúc phạm chính quyền và người dân Miền Nam, mới đây qua bộ sách lịch sử tái bản lần đầu, “ngụy quân, ngụy quyền” được thay thế bằng “chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn”. CSVN coi như đã chính thức thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể của một giai đoạn lịch sử đất nước. Đây là điều đáng lẽ người thắng làm từ lâu, không phải đợi tới bây giờ. Đừng nên quên rằng chẳng những là một thực thể trong cuộc chiến tranh mà Việt Nam Cộng Hòa còn là một chính thể với đầy đủ yếu tố pháp lý tồn tại suốt 21 năm, từ 1954 đến 1975. Cho dù những người cộng sản có ngoan cố đến đâu cũng không thể chối bỏ chính thể đã từng hiện diện và được hàng trăm quốc gia công nhận, thiết lập bang giao.
    Thử hỏi vì sao CSVN có sự thay đổi nhận thức về lịch sử đối với một chính thể mà họ luôn luôn muốn chối bỏ?
    Nhiều người đã cho rằng việc thừa nhận này dù chỉ mới trên sách vở, là nhằm tạo yếu tố pháp lý trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Cộng. Vì trong giai đoạn lịch sử từ năm 1954 đến 1975, Việt Nam Cộng Hòa là quốc gia duy nhất quản lý, làm chủ liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bên dưới vỹ tuyến 17. Mặt khác cũng có người lạc quan cho rằng việc thừa nhận này cũng thể hiện tinh thần “hòa hợp, hòa giải” của Hà Nội đối với người dân miền Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại vốn bị chế độ mạt sát tàn tệ trong quá khứ. Cũng không ít người gật gù thích thú vì sự ban phát đúng lúc của đảng.
    Thật ra những cái nhìn nói trên hoàn toàn chỉ là suy đoán chủ quan và phiến diện về thâm ý của lãnh đạo CSVN khi nghe tin cộng sản cho công nhận Việt Nam Cộng Hòa trong tài liệu dạy về lịch sử. Cánh cửa hẹp Hà Nội vừa mở ra chưa chắc đã là một tín hiệu gì tốt đẹp đưa đến những thay đổi sâu rộng trong chính sách độc quyền yêu nước của họ. Mà đó là vì CSVN hiện nay đang lâm vào vô số khó khăn không tháo gỡ nổi, từ nội trị đến ngoại giao quốc tế, từ sức ép các phong trào dân chủ cũng như lúng túng trong bài toán vừa đấu đá tranh quyền vừa giải quyết vấn nạn tham nhũng ngay trong hàng ngũ lãnh đạo. Mặt khác, thái độ của người dân thay đổi theo chiều hướng ngày càng coi đảng CSVN là vật cản đi ngược lại lòng dân trên con đường dân chủ hóa. Sự thần phục của đảng đối với Bắc Kinh, tạo nên nguy cơ mất nước ngày càng lộ rõ khiến vai trò bán nước của đảng là không còn nghi ngờ gì nữa.
    Do đó, giờ đây đảng CSVN không dám và không muốn tiếp tục đẩy người dân miền Nam đứng lên chống lại chế độ. Nói cách khác, chính chủ trương mạt sát, xóa bỏ miền Nam mà CSVN tuy thống nhất đất nước hơn 40 năm qua nhưng đã chưa bao giờ thống nhất được lòng người.
    Ngay như tại miền Bắc là nơi con người bị câu thúc từ tư tưởng tới miếng ăn, qua những vụ công khai cướp đất nông dân, đàn áp những công dân có tư tưởng tiến bộ, Hà Nội đã lộ rõ là một chế độ phản dân, hại nước trong chiếc áo xã hội chủ nghĩa lừa bịp. Và khi lòng người miền Nam phẫn nộ tột cùng vì bị khinh bỉ, họ sẽ coi khinh và chống lại lãnh đạo cộng sản. Chính điều đó làm ảnh hưởng đến người dân miền Bắc và thúc đẩy họ noi theo.
    Cho dù Việt Nam Cộng Hòa chưa phải là một chế độ chính trị hoàn hảo nhưng trong 20 năm tồn tại của mình đã vừa chiến đấu vừa xây dựng, đặt nền tảng đầu tiên cho những tiến bộ về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục mà không phải chính phủ nào trong thời chiến cũng làm được.





    Sách giáo khoa thời VNCH

    Hai sự kiện tiêu biểu của Việt Nam Cộng Hòa mà ngày nay trở thành dấu ấn không chỉ ở miền Nam mà đang được tìm hiểu và lan rộng ở miền Bắc. Đó là triết lý giáo dục Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng đã đào tạo được một thế hệ công dân kiến thức sâu rộng có lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân vì chính nghĩa. Thứ hai là giòng nhạc trữ tình Bolero đầy tính nhân bản của miền Nam với những nhạc phẩm được tự do sáng tác, tự do phổ biến. Ngày nay chẳng những miền Nam mà ngay cả miền Bắc cũng sôi nổi tìm lại, thưởng thức những tình khúc bị chế độ cố tình ngăn cấm.
    Phải chăng chính điều này đã khiến cho lãnh đạo CSVN thức tỉnh? Và họ không thể tiếp tục mạt sát, coi thường Việt Nam Cộng Hòa vì như thế chỉ là chống lại sức phản kháng nhân bản của người dân cả nước mà thôi.
    Tuy nhiên bản chất của cộng sản là tráo trở, hôm nay có thể nói thế này, ngày mai có thể làm thế khác. Có thể chủ quan cho đây là một bước tiến bộ, một tiền đề cho hòa hợp hòa giải dân tộc. Nhưng đừng quên lời phát biểu ngày 21/8 với đài RFA của nguyên Viện trưởng Việt Sử học Nguyễn Đức Cường, người “tổng chủ biên” của bộ sách Lịch sử Việt Nam này: “Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả. Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây. Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền.”
    Không gọi ngụy quân, ngụy quyền nữa trong sách giáo khoa nhưng vẫn coi đó là một “đội quân đánh thuê” và một “chính quyền dựng lên từ đô la và vũ khí”. Luận điệu ngụy biện nguy hiểm của nguyên Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Đức Cường cuối cùng để lộ kiểu suy nghĩ của một nhà “giết sử”. Mà giết sử, sửa sử, bịa sử là nghề chính của các sử gia cộng sản.
    Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa, dù chỉ là sự thừa nhận muộn màng với vài câu chữ trong sách lịch sử không mang lại một ý nghĩa gì to lớn vì chính bản chất của người cộng sản luôn luôn tráo trở với lịch sử. Đừng bận tâm về những thay đổi vô nghĩa này mà hãy đếm sự run sợ của chế độ khi phải đối diện trước các chuyển biến của đất nước hiện nay.

    Nguồn: https://chantroimoimedia.com/2017/08/25/thua-nhan-viet-nam-cong-hoa-roi-sao-nua/
  • NẾU CÔNG NHẬN VIỆT NAM CỘNG HÒA LÀ MỘT "THỰC THỂ" THÌ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA LÀ KẺ XÂM LĂNG?
    Trần Khánh Dư
    ==================
    Nếu công nhận Việt Nam Cộng hòa là một “thực thể” thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kẻ xâm lăng?.
    Mấy hôm nay, Trên một số báo có đăng cuộc phỏng vấn Ông Nguyễn Mạnh Hà nguyên Viện trưởng lịch sử đảng nói về bộ quốc sử Việt Nam. Trong đó, đề cập tới cái gọi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa: để đảm bảo tính khách quan bộ quốc sử không dùng các tên mang tính miệt thị như “Ngụy quân, Ngụy quyền”, ‘địch”, “bù nhìn” ‘tay sai” để chỉ chính quyền Quốc gia VN hay chính quyền Sài gòn. Các danh xưng sẽ được viết đúng như tên đã từng tồn tại nhằm mục đích phục vụ chủ quyền biển đảo...
    Xem ra, Ông Nguyễn Mạnh Hà đang cố tình nhắm mắt, làm ngơ trước sự thật khi Ông không thể ngu hơn, ngu đến nỗi ông và đồng bọn đang sỉ nhục dân tộc này. Nếu, công nhận Việt Nam Cộng hòa(VNCH) là một thực thể chính quyền, một quốc gia độc lập, có chủ quyên riêng về lãnh thổ xin được hỏi? vậy VNDCCH có phải là kẻ xâm lăng, được hiểu Bắc Việt Nam vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc, tấn công xâm lược Miền Nam và điều gì sẽ xấy ra và liệu có thể coi đảng cộng sản Việt nam mang quân đi xâm lược một nước láng giềng là VNCH làm chết hàng triệu người con ưu tú của dân tộc khi biến những người lính trung thành của chúng ta ở cả hai miền Nam Và Bắc thành những tên xâm lược và Chủ tịch Hồ chí Minh và Đại tướng Võ nguyên Giáp.....có phải là tội nhân thiên cổ của dân tộc Việt hay không? Chính vì hành vi đảo ngược này đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội của người dân Việt yêu nước chân chính phản đối đòi thu hồi 15 tập lịch sử đã được “đánh tráo” khái niệm này. Hậu quả của việc đảo chính lịch đã và đang làm chia rẽ lòng dân, nhức nhối trong dư luận xã hội hơn một năm nay.
    Sự chia rẽ này, đã được thể hiện qua các chính kiến của cá nhân đã được đưa lên mạng xã hội để phản biện. Hiện, đã có hàng loạt Tướng, Tá Quân đội nhân dân dân VN, các cựu chiến binh VN những người lính đã từng đổ máu hy sinh vì đất nước và hầu hết của dư luận xã hội hiện nay cùng lên tiếng phản đối, đó là một minh chứng về sự phản bội lịch sử của một nhúm nhỏ những kẻ mang danh GS, Ts… có hành vi trở cờ khi chúng đang có âm mưu viết lại lịch sử, thậm chí phản lại dân tộc đứng đầu là cựu GS Phan Huy Lê cùng một vài kẻ khác…nay ông Nguyễn Mạnh Hà kẻ mang danh Viện trưởng viện lịch sử Đảng không thể ngu hơn khi ra mặt ủng hộ.
    Rõ ràng, lịch sử đã từng ghi nhận nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời sau cuộc Cách mạng tháng 8/1945. Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 2-9-1945, của Chủ tich Hồ Chí Minh đọc tại vườn hoa Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do, một trang sử hào hùng nhất của thời đại, của dân tộc ta, nhân dân ta đã sang trang. Lần đầu tiên trên dải đất hình chữ S từ Nam ra Bắc sau ngày 2/9/1945 Việt Nam đã là một đất nước thống nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau người dân Việt ở cả hai miền Nam Bắc có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một đất nước độc lập và tự do .
    Tuy nhiên, Không cam tâm chịu thất bại Thực dân Pháp đã không từ bỏ dã tâm xâm lược VN, năm 1948 chúng nặn ra, hay gọi một cách khác chúng đẻ ra cái quái thai Chính phủ Quốc gia VN, một chính thể bù nhìn toàn những kẻ tay sai ngoại bang cầm súng Tây chống lại cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược của dân tộc ta. Một nhà nước non trẻ ra đời sau Caách mạng tháng 8 khó khăn, thiếu thốn trăm bề có lúc vận nước lâm nguy như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng, dưới sự lãnh đạo khôn khéo của VM(sau này là đảng cộng sản VN) Cuộc kháng chiến 9 năm đã kết thúc thắng lợi bằng một chiến thắng vang dội, chấn động địa cầu, trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ dấu chấm hết sự đô hộ gần 100 năm của giặc Tây…..Rõ ràng, chính nghĩa đã thắng phi nghĩa, đó là quy luật “chính thắng tà” được hiểu kẻ xâm lăng đã chiến bại và dân tộc ta đã chiến thắng.
    Sự ngoan cố và dã tâm xâm lược mới của ngoại bang, một chính thể “tiếm danh, tiếm quyền” mới ra đời ở Nam vĩ tuyến 17, chúng được “bê” nguyên si từ một Chính thể tay sai thực dân Pháp (Quốc gia VN) năm 1948. đến năm 1954 được “thay tên đổi họ” với cái gọi “Chính phủ VNCH” dưới sự bảo trợ của Ông chủ mới là Đế quốc Mỹ, chúng đã thay “màu da của xác chết” nhưng “Bình mới rượu vẫn cũ” được hiểu cái gọi chính phủ mới VNCH này, vẫn là những kẻ tay sai cho quân xâm lược, một chính thể được đẻ ra từ ngoại bang, dù được phết một lớp son lòe loẹt, để thể hiện như một ‘thực thể” ngoại giao trên bàn cờ chính trị quốc tế. Tuy nhiên, trong con mắt người dân Việt yêu nước chân chính, Chính quyền Sài Gòn vẫn thể hiện “bản chất’, là một chính quyền “ngụy tạo”vẫn là bè lũ tay sai bán nước, một chính quyền chuyển tiếp từ thời thực dân sang thời đế quốc muốn áp đặt sự thống trị ngoại bang trên đất nước này một lần nữa.
    Một sự thật lịch sử hiển nhiên, nhưng thật đáng tiếc một nhóm Nhân sỹ có tư tưởng “xét lại” khi họ viết lại lịch sử, không đúng với sự kiện xảy ra của lịch sử nước nhà... Hôm nay, ông Nguyễn Mạnh Hà vẫn cố tình nhai lại “lập luận cũ” của những kẻ viết lại sử, đề cập đến cái gọi “thực thể chính quyền Ngụy VNCH và đòi bỏ “nhân xưng” danh từ “Ngụy quân, Ngụy quyền” Sài Gòn. Rõ ràng, đây là âm mưu chạy tội cho những kẻ xâm lược, rửa mặt cho lũ tay sai, bán nước đã là thây ma của một chế độ Ngụy quân, Ngụy quyền đã chết cách đây 43 năm. Bởi, sự ra đời 15 tập “Lật sử” “khơi ngòi” một cuộc “đảo chính” lịch sử, dần dẫn tới phủ nhận gía trị lịch sử của dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng CSVN trong suốt 73 năm qua, biến sự hy sinh xương máu vô bờ bến của cả dân tộc này trong hai cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do cho đất nước danh dự của một quốc gia và chủ quyền của dân tộc trở nên vô nghĩa.
    Sẽ là cực kỳ nguy hiểm, nếu, sự thay đổi “nhân xưng” Ngụy quân Ngụy Quyền, biến thành Chính Phủ VNCH trở thành hiện thực, sẽ dần dẫn tới thừa nhận sự hợp pháp của chế độ bù nhìn Ngụy quân, Ngụy quyền Sài gòn, một chế độ tay sai Đế quốc, biến cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lăng của ngoại bang, nay trở thành “Nội chiến”, “Miền Bắc xâm lược miền Nam”. Đó là cái cớ để “Quân cán chính” VNCH(NVQG) và những tên cơ hội chính trị, đòi xét lại lịch sử. Họ gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN là “Nội chiến”, Nếu là “Nội chiến” theo cái lý của chúng thì NVQG (VNCH) là nạn nhân của một cuộc xâm lăng của miền Bắc đối với Quốc gia Việt nam(VNCH) có chủ quyền về lãnh thổ, một Quốc gia riêng biệt. Nếu điều này là thực, chúng (NVQG) sẽ chùi được cái “Nhãn” tay sai bán nước, sẵn tiện những kẻ tay sai ngoại bang xóa luôn được cái tội phản quốc mà lịch sử đã từng phán xét chúng là những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ” và Thực dân Pháp cùng Đế quốc Mỹ cũng xóa luôn được cái “Án tích” xâm lược VN.
    Điều đáng phê phán, cần nói ở đây Ông Nguyễn Mạnh Hà cùng một số kẻ viết sử đang có tư tưởng xét lại, muốn “đảo ngược” lịch sử chỉ vì cái gọi “hội nhập thế giới, hòa giải, hòa hợp….đòi chủ quyền Hoàng Sa”... đó chỉ là trò ngụy biện. Rõ ràng, đây là quan điểm lệch lạc, giọng điệu cải lương duy ý chí, thậm chí đầu hàng trước dối trá của những kẻ lật sử khi Ông Hà quy kết, “Cách gọi chính quyền này là “Ngụy quân, ngụy quyền” là mang tính, miệt thị, vẫn còn hơi hướng của thời chiến tranh. Ông Nguyễn Hà đang nhầm lẫn, nhầm lẫn một cách tệ hại, lịch sử vẫn phải là lịch sử, lịch sử phải khách quan những kẻ tay sai cho quân xâm lược thì bản chất của chúng phải là giặc, vẫn là kẻ thù của nhân dân, vì chúng là những kẻ phản quốc đi ngược lại lợi ích của dân tộc, vì thế, không thể bỏ nhân xưng để “đổi trắng thành đen”, để “đảo ngược” chính tà, vàng thau lẫn lộn ai là những người yêu nước đã dũng cảm đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và ai là kẻ “rước voi về dày mả tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà” tiếp tay cho quân xâm lược tàn phá quê hương đất nước…cần phải phân biệt rạch ròi.
    Thật đáng tiếc, ông Nguyễn Hà và bè lũ lật sử cố tình nhắm mắt trước sự thật khi muốn chiến tranh là dĩ vãng, là quá khứ thậm chí ông còn “ba phải”, cho rằng trong lúc chiến tranh cần phân biệt “danh xưng” để phân biệt giữa hai bên, nôm na được hiểu “ta và địch” Tuy nhiên, sau chiến tranh, lịch sử vẫn cần thể hiện tính khách quan, cần tôn trọng những gì đã có trong cuộc chiến. vì thế, cần phải gọi cho đúng, ghi cho đủ “nhân xưng” đầy đủ cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này. không thể vì bất cứ lý do gì để đảo ngược giá trị của lịch sử, cần khẳng định việc công nhận cái gọi chính quyền Sài Gòn là “thực thể”là không thể chấp nhận được. Nếu, việc công nhận này xảy ra, thì lịch sử, cùng luân thường đạo lý đã bị đánh tráo, chân lý đã bị đảo lộn, đặc biệt là xúc phạm, chà đạp lên sự hy sinh xương máu của hàng triệu TB, LS và cả gia đình của họ, cùng các Cựu Chiến Binh một thời máu lửa “Ra sống vào chết” để Tổ quốc Độc lập - Tự do, thống nhất như ngày hôm nay.
    Công nhận Ngụy quân, Ngụy quyền là một thực thể chính quyền, một sự nhầm lẫn tệ hại, nếu không nói là nguy hiểm, việc công nhận trở thành hiện thực, rõ ràng lợi bất cập hại, có thể được vài trăm nghìn thậm chí vài triệu người đã từng cầm súng giặc chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ủng hộ, song lại làm xáo động chia rẽ nhân tâm, gây mất niềm tin vào đảng và trở thành nỗi bất bình của hàng chục triệu người trong nước với sự kiện này.
    Việc, công nhận này là hành vi cổ vũ cho tội ác, bênh che những kẻ phản quốc, là động chạm vào lòng tự tôn dân tộc, liệu sự hy sinh của các TB, LS có còn ý nghĩa, khi những kẻ theo giặc, hình thành một chế độ chuyên bám đít ngoại Bang chống lại dân tộc, gây vô vàn tội ác với Cách mạng, với Nhân dân, với đất nước này lại được xếp ngang hàng với những người đã “sống, chết’ vì non sông đất nước, đó cũng là hành vi phủ nhận giá trị lịch sử. Vì thế, những ai công nhận một chế độ tay sai bán nước là một “thực thể” chính quyền ngang hàng với chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa, để từ đó đòi bỏ danh xưng “Ngụy quân, Ngụy quyền” là hành vi phản dân tộc cần phải lên án mạnh mẽ.
    Hôm nay, Những, kẻ trở cờ chúng đã cố tình “dắt mũi” người dân, tung hỏa mù hòng“đảo ngược thế cờ’ kỳ vọng “đánh bùn sang ao”, biến chính nghĩa ngang hàng với phi nghĩa, làm người dân hiện tại và cả thế hệ mai sau “mù màu” không phân biệt trắng đen, đâu là chính, đâu là tà, để “vàng thau lẫn lộn” nhầm lẫn giữa “tốt và xấu” là có tội với tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ của dân tộc.
    Thật đáng tiếc, đến hôm nay vụ việc tranh cãi về bộ quốc sử này vẫn chưa kết thúc, Nếu, sự tranh cãi này càng kéo dài, càng làm chia rẽ lòng dân… dấy nên nỗi nghi ngờ về tính đúng đắn của cuộc chiến dành độc lập cho dân tộc thống nhất đất nước mà đảng đã từng phát động để đánh đuổi giặc ngoại xâm sẽ trở nên vô nghĩa…..Vì thế, đề nghị Đảng và nhà nước không thể im lặng, cần phải tỏ rõ quan điểm rõ ràng về bộ Quốc sử gây tranh cãi này đó là yêu cầu chính đáng của người dân lúc này.
    Trần Khánh Dư
  • Sử Việt hết gọi "ngụy quyền",


Sử Việt hết gọi "ngụy quân, ngụy quyền", dân Việt hải ngoại nghĩ gì? - Phần 1

Hội luận từ Bolsa về những thay đổi trong bộ sách Lịch sử Việt Nam mới xuất bản - PHẦN 1

https://youtu.be/NdrsvSgfLwc

Sử Việt hết gọi "ngụy quyền", trong nước có xu hướng phản đối, hải ngoại nói gì?


Hội luận từ Bolsa về những thay đổi trong bộ sách Lịch sử Việt Nam mới xuất bản - PHẦN 2: Sử Việt hết gọi "ngụy quân, ngụy quyền", trong nước nổi lên xu hướng phản đối, dân Việt hải ngoại nói gì?
https://youtu.be/a6ZSj4M3y4E

Sử Việt không còn gọi "ngụy quyền", tranh luận ở VN thoải mái hơn trong tương lai?

Hội luận từ Bolsa về những thay đổi trong bộ sách Lịch sử Việt Nam mới xuất bản - PHẦN 3: Việc tranh luận về những vấn đề nhạy cảm tại Việt Nam sẽ được chính quyền chấp nhận thoải mái hơn trong tương lai?
https://youtu.be/0QFivt6eGXY


Tiếng nói của Minh Hiếu, một người việt Quốc Nội lên tiếng...

https://youtu.be/0KCigFIkhpc

Trong hình ảnh có thể có: Mai Nguyễn Huỳnh
Chuẩn Bị Tiếp Đón Tổng Thống Đào Minh Quân Tại Sài Gòn Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét