1954-1975: Quốc tế đã công nhận hai nhà nước Việt Nam như thế nào
By
Posted on
Một trong những vấn đề gây tranh cãi
nhiều nhất giữa người Việt với nhau khi nói đến cuộc chiến Việt Nam
trong giai đoạn từ 1954-1975 là về tính chính danh của hai nhà nước ở
hai miền Nam-Bắc Việt Nam.
Hai điều khó có thể phủ nhận là: cả hai
miền đều có sự ủng hộ riêng từ cộng đồng quốc tế, và kể từ 30/4/1975,
Cộng hoà Miền Nam Việt Nam rồi tiếp đến là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam đã thừa kế hàng loạt quyền và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam
Cộng hoà.
Hiệp định Geneva 1954 nhấn mạnh việc tạm thời chia đôi nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17 không đồng nghĩa với việc thiết lập ranh giới lãnh thổ và chính trị giữa hai miền Nam-Bắc. Chính phủ ở cả hai miền đều thể hiện rất rõ ràng điều này tại các bản hiến pháp của họ trong giai đoạn 1954-1975.
Từ thời điểm bắt đầu đàm phán Hiệp định
Geneva 1954 cho đến khi chiến tranh kết thúc, cả hai chính thể được
thành lập trước đó tại mỗi miền đều cho rằng chỉ duy nhất một mình họ là
đủ tính chính danh để quản lý cả đất nước. Cũng như, chỉ có họ là được
quốc tế công nhận.
Thế nhưng định nghĩa “quốc tế” của mỗi
miền cũng không giống nhau. Khi ấy, chính cộng đồng quốc tế cũng chia rẽ
thành hai khối, chứ không riêng gì đất nước Việt Nam.
Tháng 1, 1950, cùng với Trung Quốc và
Liên Xô, các quốc gia cộng sản Đông Âu đều công nhận tính chính danh của
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) đối với lãnh thổ Việt Nam.
Cũng vào đầu năm 1950, Liên hiệp Pháp
công nhận quyền tự trị và nền độc lập của Quốc gia Việt Nam (QGVN), tiền
thân của Việt Nam Cộng hòa (VNCH), dựa trên một số hiệp ước được ký kết
trước đó giữa hai nước vào năm 1949.
Đến tháng 2, 1950, Anh, Hoa Kỳ và một số nước Tây phương đều công nhận QGVN là thể chế lãnh đạo của nước Việt Nam.
Sau khi VNCH được thành lập vào năm 1955
và thay thế quyền lãnh đạo miền Nam của QGVN, Hoa Kỳ và các đồng minh
Tây phương tiếp tục công nhận tính chính danh của VNCH. Đến năm 1966, Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ đã thống kê là có 60 quốc gia trên thế giới công nhận
chính thể VNCH của Nam Việt Nam.
Một số nước như Ấn Độ, Thuỵ Điển thì lại
theo quy tắc không công nhận cả hai. Tuy nhiên, đến năm 1969, Thuỵ Điển
trở thành nước Tây phương đầu tiên công nhận nhà nước VNDCCH của Bắc
Việt Nam.
Việc công nhận thể chế nào tại Việt Nam
mới thật sự đại diện cho cả đất nước vốn không hề ngã ngũ vào thời điểm
Hiệp định Geneva 1954 được ký kết.
Ngược lại, cuộc giằng co này đã kéo dài đến hơn 20 năm sau.
Trong giai đoạn 1954-1975, ngoài sự công
nhận của các nước trên thế giới bị chia rẽ theo hai cực cộng sản và tư
bản trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, thì hai nhà nước Việt Nam còn được
công nhận theo một số cách khác.
Gia nhập Liên Hiệp Quốc
Trước hết, VNCH đã từng xin tham gia vào
LHQ từ đầu thập niên 1950. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc,
VNDCCH cũng nộp đơn làm thành viên. Tuy nhiên, cả hai đều gặp phản đối
từ thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Chúng ta không cảm thấy khó hiểu khi
biết được Liên Xô đã từng phản đối VNCH tham gia vào LHQ, và ngược lại
thì Hoa Kỳ phản đối VNDCCH.
Cùng vì những sự phản đối này mà việc
đăng ký làm thành viên LHQ của hai chính phủ Bắc-Nam Việt Nam đã khá lận
đận trong vòng 20 năm.
Ngày 30/4/1975, chế độ VNCH bị thay thế
bởi chính quyền của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt
Nam (CHMN), nhưng vẫn giữ vị thế một nhà nước độc lập đối với VNDCCH tại
miền Bắc. Điều này được thể hiện rõ qua hai lá đơn xin tham gia LHQ
riêng biệt của VNDCCH – Bắc Việt và CHMN – Nam Việt vào năm 1975.
Đến ngày 8/8/1975, Hội đồng Bảo an đã
đồng thuận chấp nhận và đề cử với Đại Hội đồng LHQ cho cả hai quốc gia
VNDCCH – Bắc Việt lẫn CHMN – Nam Việt được tham gia vào LHQ.
Việc Hội đồng Bảo an đưa ra đề cử với cả hai đơn
xin tham gia LHQ của hai nhà nước Việt Nam vào tháng 8, 1975 càng làm
rõ vấn đề là cả hai chính thể đều được đối xử như nhau và đều được LHQ
công nhận.
Sau khi hai nhà nước VNDCCH và CHMN
thống nhất và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời vào ngày
2/7/1976, thì Việt Nam mới trở thành một quốc gia với một chính phủ duy
nhất. Sau đó, CHXHCN Việt Nam đã chính thức gia nhập LHQ vào tháng 9,
1977.
Tham gia với tư cách thành viên của các tổ chức Quốc tế
Có lẽ việc VNCH và VNDCCH đều tham gia
làm thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế
giới (WMO) càng giúp chúng ta phân biệt được Việt Nam đã từng có hai
chính phủ và được đối đãi như hai quốc gia riêng biệt.
Trước hết, đây là các tổ chức quốc tế mà
thành viên tham gia hầu hết phải là các quốc gia có chủ quyền
(sovereign states). Chúng ta có thể dùng Đài Loan làm ví dụ để so sánh
vì Đài Loan chưa bao giờ là thành viên của WHO.
Thế nhưng, từ 17/5/1950, VNCH là thành viên của WHO, và là thành viên của WMO từ 1/4/1955.
Sau khi VNCH sụp đổ vào ngày 30/4/1975,
VNDCCH mới xin gia nhập hai tổ chức này và trở thành thành viên của WMO
ngày 7/8/1975, và của WHO vào ngày 22/10/1975. Điều này có nghĩa là tư
cách thành viên của VNCH tại WHO và WMO lúc đó không bị xoá bỏ cho dù chính thể VNCH không còn tồn tại nữa.
Sau khi hai miền Nam Bắc đồng ý thống
nhất và trở thành CHXHCN Việt Nam vào tháng 7, 1976, chính phủ mới đã
gửi thông báo đến hai tổ chức này trong năm 1977 để yêu cầu cho phép
CHXHCN Việt Nam tiếp nhận tư cách thành viên của cả hai chính phủ Nam-Bắc Việt Nam trước đó.
Điều này đồng nghĩa với việc trong thời
gian trước năm 1977, đã có hai quốc gia Việt Nam là thành viên của WHO
và WMO được các tổ chức quốc tế này công nhận.
Điểm này được nhấn mạnh bởi ngày tham
gia vào WHO của Việt Nam hiện nay là ngày 17/5/1950. Đó là ngày mà VNCH
tham gia vào WHO như đã nói ở trên, và có nghĩa là tư cách tham gia WHO
với danh nghĩa một quốc gia của VNCH không hề bị ảnh hưởng bởi việc
thống nhất đất nước vào năm 1976.
Ngoài ra, CHXHCN Việt Nam còn tiếp tục
thay thế tư cách thành viên của VNCH với các tổ chức ILO, ITU, UPU,
UNESCO, và IAEA. Đây là những tổ chức quốc tế mà trước năm 1975, chỉ có
VNCH tham gia làm thành viên.
CHXHCN Việt Nam tiếp tục tư cách thành viên của VNCH đối với các định chế tài chính quốc tế
Trước tháng 4, 1975, chỉ có VNCH là
thành viên của các định chế tài chính quốc tế. Đó là Ngân hàng Thế giới
(WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Sau khi được thành lập vào tháng 7, 1976, CHXHCN Việt Nam đã trình thư xin thay thế (substitution)
tư cách thành viên của VNCH tại các định chế tài chính nói trên, chứ
không phải là đơn xin gia nhập làm thành viên mới.
Cụ thể là khi thay thế tư cách thành
viên của VNCH với ADB, CHXHCN Việt Nam đã tiếp quản 3.000 cổ phần của
chính phủ VNCH tại ngân hàng này.
Đồng thời, CHXHCN Việt Nam cũng tiếp tục
được nhận tất cả các khoản vay mà VNCH đã được ADB chấp thuận cho vay
trong những năm trước đó. CHXHCN Việt Nam cũng bảo đảm sẽ chịu trách
nhiệm chi trả cho những khoản vay này.
Vì vậy, ngày gia nhập ADB của Việt Nam
hiện nay là ngày 22/9/1966, là ngày mà Quốc hội của chính phủ VNCH tại
miền Nam đã phê chuẩn việc tham gia ADB.
CHXHCN Việt Nam tiếp tục công nhận một số hiệp ước mà VNCH đã ký kết
Tương tự như việc tiếp tục tư cách thành
viên của VNCH tại một số tổ chức và định chế tài chính quốc tế như đã
nêu, CHXHCN Việt Nam còn tiếp tục công nhận ít nhất hai hiệp ước quốc tế
mà VNCH đã ký kết trước ngày 30/4/1975.
Ngày 16/12/1976, nhà nước CHXHCN Việt
Nam đã đệ trình đơn phê chuẩn Công ước Viễn thông Quốc tế 1973 (1973
International Telecommunication Convention) mà chính phủ VNCH đã ký kết
vào ngày 25/10/1974 tại Hội nghị Málaga-Torremolinos nhưng chưa kịp phê
chuẩn. Đơn đệ trình của CHXHCN Việt Nam nêu rõ là việc phê chuẩn được
dựa trên những ký kết mà VNCH đã thực hiện trước đó.
Tương tự, VNCH được công nhận tư cách
thành viên của Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) từ năm 1951. Vào tháng
7/1974, chính phủ VNCH đã ký kết các văn bản liên quan đến Các Quy chế
chung (General Regulations) và Công ước Liên minh Bưu chính Lausanne
(Universal Postal Convention) của UPU nhưng chưa kịp phê chuẩn. Ngày
27/10/1976, Quốc hội của CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn các văn bản này và
đệ trình lên tổ chức UPU với yêu cầu được thừa kế (succession) tư cách
của VNCH.
Ngoài ra, vào ngày 4/7/1976, chỉ 2 ngày
sau khi được thành lập, Bộ Ngoại giao của nhà nước CHXHCN Việt Nam đã
gửi công hàm đến chính phủ Thụy Sỹ và tuyên bố khẳng định tiếp tục tham
gia vào các hiệp ước của Công ước Geneva 1949 (Geneva Conventions of
1949) mà hai chính phủ VNDCCH và VNCH đã ký kết trước đó về các vấn đề bảo vệ nạn nhân chiến tranh.
***
Qua những ví dụ kể trên chúng ta nhận
thấy rằng, bằng nhiều hành động khác nhau, cả hai chính phủ VNCH và
VNDCCH đã khẳng định tư cách quốc gia của mình trong giai đoạn chiến
tranh Việt Nam từ năm 1954-1975.
Tuy nhà nước Việt Nam hiện nay chưa bao
giờ chính thức công nhận chính thể VNCH nhưng CHXHCN Việt Nam lại liên
tục công nhận tư cách quốc gia của VNCH một cách gián tiếp, qua việc
thừa kế hoặc tiếp nhận tư cách thành viên của VNCH tại các tổ chức và
định chế tài chính quốc tế.
Ngày nay, có lẽ đối với nhiều người Việt
Nam, đặc biệt là những thế hệ sinh ra và lớn lên sau năm 1975, tư cách
quốc gia của VNDCCH tại miền Bắc Việt Nam là việc không còn phải tranh
cãi.
Còn về chính thể QGVN – VNCH tại miền
Nam, chúng ta có thể đọc lại những gì mà Đại Hội đồng LHQ đã phát biểu
khi đề cử QGVN tham gia LHQ trong phiên họp năm 1952. Từ đó, chúng ta có
thể phần nào hiểu thêm được một quan điểm khác về sự tồn tại và tính
chính danh của chính thể QGVN – VNCH:
“Quan điểm của Đại Hội đồng cho rằng
(Quốc gia) Việt Nam là một nhà nước yêu chuộng hòa bình đúng như định
nghĩa của Điều 4 Hiến chương, đã thể hiện nguyện ý cũng như có khả năng
thực hiện các nghĩa vụ của Hiến chương, và do đó nên được chấp thuận
tham gia làm thành viên của Liên Hiệp Quốc.”
Tài liệu tham khảo:- State succession and membership in international organizations: Legal theories versus political pragmatism by Konrad G Bühler. Publisher: The Hague [u.a.]: Kluwer Law Internat., 2001.
- Paths to Peace: The UN Security Council and Its Presidency by Davidson Nicol. Publisher: Burlington: Elsevier Science, 2013.
- Taiwan’s UN Dilemma: To Be or Not To Be
- Foreign Relations of the United States, 1964-1968, Volume IV, Vietnam, 1966
- La représentation du Viet Nam dans les institutions specialisées by Joele Nguyen Duy-Tan. 12 AFDI 405 (1976), pp. 405-419.
- 30th World Health Assembly Resolutions and Decisions 1977
- Asian Development Bank and Vietnam Fact Sheet
- Tuyên bố của Đại Hội đồng LHQ tháng 12 năm 1952 về việc ủng hộ Quốc gia Việt Nam trở thành thành viên
Bình luận
Café Luật Khoa
Lịch sử gợi ý 3 cách giảm chênh lệch giàu nghèo: chiến tranh, cách mạng cộng sản và dịch bệnh.
By
Posted on
Chiến tranh, cách mạng cộng
sản và dịch bệnh là ba yếu tố đã làm giảm bất bình đẳng về kinh tế trong
hàng ngàn năm lịch sử vừa qua.
- Dịch từ: History suggests there is a way to lower inequality. But you’re not going to like it (Ana Swanson, The Washington Post, 19/4/2017).
Bất bình đẳng về kinh tế đang tăng lên ở
Mỹ đã và đang là động lực đầy sinh khí cho cả cánh tả lẫn cánh hữu. Cho
dù đó là Thượng nghị sỹ Bernie Sanders hứa sẽ tạo ra những cộng đồng
“cổ xanh” hay Tổng thống Trump cam kết “làm cho nước Mỹ một lần nữa trở
nên vĩ đại”, các cương lĩnh chính trị hiện nay thường xoay quanh việc
đưa trở lại tầng lớp trung lưu đầy khí thế và phân phối của cải công
bằng hơn, như Mỹ đã từng trải qua trong những năm 1950, 1960 và 1970.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn về lịch sử, rõ
ràng là giai đoạn mà bất bình đẳng giảm đi là ngoại lệ, và hiện tượng
bất bình đẳng đang tăng lên hiện nay mới là trạng thái bình thường. Và
khi bất bình đẳng giảm đi trong suốt chiều dài của lịch sử, thì giáo sư Walter Scheidel của Đại học Stanford khẳng định trong một cuốn sách mới xuất rằng đấy là vì những lý do mà chẳng có ai thích.
Trong tác phẩm The Great Leveler: Violence and the History of Inequality from the Stone Age to the Twenty-First Century (tạm dịch: Người cào bằng vĩ đại: Bạo lực và Lịch sử của bất bình đẳng từ thời kỳ đồ đá đến thế kỷ XXI), Scheidel đã xem xét các xã hội, từ lịch sử cổ đại đến thời hiện tại.
Ông thấy
rằng cùng với thời gian, hầu hết các xã hội ngày càng trở nên bất bình
đẳng hơn và ở những nơi mà bất bình đẳng được xóa bỏ thì hầu như bao giờ
cũng được thực hiện bằng bạo lực – chiến tranh, cách mạng hay dịch
bệnh. Tác phẩm này chứa đựng một số bài học làm người ta choáng váng về
bản chất của bất bình đẳng và ý nghĩa của điều này đối với tương lai của
chúng ta.
Cuộc phỏng vấn được biên tập để cho rõ ràng và ngắn gọn hơn.
Bất
bình đẳng hiện nay so với bất bình đẳng trong lịch sử thì như thế nào?
Khi nào thì bất bình đẳng đạt đỉnh điểm, còn khi nào thì giảm?
Nếu nhìn
qua hàng trăm hoặc hàng ngàn năm, thì sẽ thấy mô hình lên xuống của bất
bình đẳng. Nhưng đối với phần lớn lịch sử, bất bình đẳng hoặc là gia
tăng hoặc ổn định ở mức cao. Bất bình đẳng giảm đáng kể là hiện tượng
hiếm hoi. Về khía cạnh này, thế giới mà chúng ta đang sống là môi trường
điển hình, trong đó bất bình đẳng đang gia tăng hay đã đạt đến mức rất
cao, ở nhiều nước.
Trong
Thế chiến I và Thế chiến II, chúng ta đã chứng kiến bất bình đẳng giảm
nhanh một cách bất bình thường. Điều đó có định hình nhận thức của mọi
người về bất bình đẳng hay không?
Có. Thời
hậu chiến, những năm 1950, 1960 và 1970, đã trở thành điểm tham chiếu.
Trong thời kỳ đó, kinh tế tăng trưởng khá mạnh, tầng lớp trung lưu phình
ra và bất bình đẳng ở mức thấp, nếu so với các tiêu chuẩn hiện nay.
Nhưng kể từ những năm 1980, kinh tế tăng trưởng chậm lại, và sự tăng
trưởng mà chúng ta thấy lại làm lợi một cách không cân đối cho 1% những
người có tiếng tăm, những người nằm trên đỉnh tháp phân phối thu nhập.
Điều đó đánh dấu một sự thay đổi thực sự, kể từ giai đoạn hậu chiến, và
điều đó được hiểu là hiện tượng không mong muốn. Nhưng nếu bạn nhìn lịch
sử một cách rộng rãi hơn, thì thời hậu chiến là giai đoạn bất bình
thường.
Khi
Trump nói, “làm cho nước Mỹ một lần nữa trở nên vĩ đại”, có nghĩa là đã
từng có thời kỳ mà mọi thứ đều tốt hơn, và trong ý thức của người dân,
thì đó là giai đoạn hậu chiến, giai đoạn mà kinh tế tăng trưởng nhanh,
tầng lớp trung lưu đầy sức mạnh và bất bình đẳng tương đối thấp. Nhưng
đó là sự kết hợp không bình thường, và thật khó biết làm sao chúng ta có
thể trở lại con đường đó.
Cuốn
sách của ông lần ngược trở lại lịch sử để nghiên cứu bất bình đẳng. Làm
sao ông nghiên cứu được bất bình đẳng trong xã hội cổ đại? Những thứ như
đồ tùy táng và khảo cổ học có thể nói với chúng ta điều gì?
Nếu quay
lại với những xã hội thậm chí không có chữ viết, về cơ bản, tất cả
những cái chúng ta có là mồ mả. Một số người được chôn cất với nhiều thứ
xa hoa hơn hẳn những người khác, chứng tỏ rằng họ có cuộc sống giàu có
hơn và nắm giữ các vị trí quyền lực và có thẩm quyền.
Ông
khẳng định rằng sự phát triển của nông nghiệp đã tạo ra bất bình đẳng.
Xin ông giải thích và còn những lực lượng nào tạo ra bất bình đẳng nữa
không?
Nếu bạn
là người tập hợp các thợ săn lại với nhau, người ta thường làm như thế
sau Kỷ Băng hà cuối cùng, thì bạn là người rất nghèo, nhưng bạn cũng là
người tuyệt đối theo chủ nghĩa bình quân. Những người tập hợp các thợ
săn lại với nhau không sản xuất được nhiều, họ không sở hữu nhiều, họ
không để lại nhiều của cải cho con cái.
Khi bước
vào nền văn minh du cư – trồng trọt và chăn nuôi gia súc – người ta chỉ
đơn giản là làm ra nhiều của cải hơn. Họ cũng lập ra các thiết chế,
luật và phong tục, giúp quản lý quyền sở hữu những của cải đó, quản lý
quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế, tạo điều kiện cho họ để lại của
cải cho các thế hệ tương lai. Nếu đợi đủ lâu, điều này hầu như sẽ tự
động dẫn đến gia tăng bất bình đẳng, trừ khi có một số lực lượng gây hấn
đẩy nó quay trở lại.
Nhưng nó
thường bị lực lượng khác ngăn chặn, đó là quá trình thành lập nhà nước.
Các chính phủ thường củng cố thêm xu hướng bất bình đẳng về thu nhập.
Các tầng lớp thượng lưu, liên hệ chặt chẽ với những người nắm quyền, nắm
được những lợi thế thái quá và bóc lột những người khác
Rồi,
trong 200 năm qua, đặc biệt ở phương Tây, chúng ta cũng có cái mà các
nhà kinh tế học gọi là những lực lượng của thị trường – vốn đầu tư vào
thương mại, ngân hàng và các lĩnh vực khác. Một lần nữa, một nhóm người
tương đối nhỏ được giữ vị trí để gặt hái những lợi ích không cân xứng
với đóng góp của họ.
Cuốn
sách của ông thảo luận về bốn nhân tố góp phần xóa bỏ bất bình đẳng
trong suốt chiều dài của lịch sử. Thứ nhất là “cuộc chiến với sự tham
gia của quần chúng”. Ông nói rằng không phải tất cả các cuộc chiến đều
dẫn đến bình đẳng hơn. Cuộc chiến tranh này là thế nào?
Lịch sử
đầy các cuộc chiến tranh, nhưng hầu hết đều không xóa bỏ một cách có hệ
thống hiện tượng phân phối thu nhập và của cải một cách bất công. Đây
thực sự là hiện tượng của nửa đầu của thế kỷ XX. Vì đây là lần đầu tiên,
người ta thấy những cuộc chiến tranh trên quy mô thực sự lớn, trong đó
lỷ lệ lớn đàn ông trưởng thành bị bắt lính, cả nam giới và nữ giới dân
sự cũng được huy động cho các cuộc chiến tranh.
Để gây
quỹ cho chiến tranh, chính phủ tăng thuế lên mức cực kỳ cao – trên 90%
đối với những người có thu nhập cao nhất ở Mỹ, trong những năm 1940. Ở
nhiều nước, chiến tranh phá hủy nhiều tài sản, nhà ở và nhà máy.
Người
giàu mất nhiều hợp đồng. Đồng thời, người lao động không có tay nghề
được lợi hơn, vì cần nhiều lao động hơn, và việc bắt lính dẫn đến không
còn nạn thất nghiệp, làm cho tiền lương gia tăng. Mọi cái kết hợp lại
theo cách đó, góp phần làm giảm đáng kể hiện tượng bất bình đẳng ở Mỹ, ở
châu Âu, Nhật Bản và những nước tham gia vào các cuộc xung đột này.
Còn ba tác nhân khác?
Tác nhân
thứ hai mà tôi thảo luận trong cuốn sách này là những cuộc cách mạng
Cộng sản, thoát thai từ Thế chiến I và Thế chiến II, ví dụ, Nga và Trung
Quốc. Các nhà cách mạng cộng sản sung công và quốc hữu hoá tất cả tài
sản, đất đai và ngành công nghiệp. Họ tạo ra nền kinh tế kế hoạch hóa,
định ra mức lương và giá cả. Kết quả là, trong hệ thống của họ, bất bình
đẳng là không đáng kể.
Nhưng
đấy là những sự kiện đầy bạo lực. Hàng chục triệu người đã thiệt mạng.
Và bình đẳng chỉ tồn tại khi các chế độ này vẫn còn. Khi Liên Xô sụp đổ,
ở Nga, bất bình đẳng đã gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài năm. Trong
những năm 1980, khi Trung Quốc tự do hoá nền kinh tế, nước này đã chứng
kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cực kỳ lớn, nhưng bất bình đẳng cũng gia
tăng.
Hai lực
cuối cùng thường thấy hơn trong thời tiền hiện đại. Một là nhà nước sụp
đổ, ví dụ, nền văn minh Maya, hay vụ sụp đổ của đế chế La Mã. Trong
những trường hợp này, nếu nhà nước trước đó tạo ra hoặc làm gia tăng sự
bất bình đẳng, thì việc hủy diệt nó tạo ra kết quả ngược lại. Giai cấp
cầm quyền bị xói mòn hoặc, trong trường hợp cực đoan, biến mất hoàn
toàn.
Cuối
cùng là dịch bệnh nghiêm trọng, trận Dịch Hạch cuối thời Trung cổ ở Châu
Âu. Khi đại dịch giết chết một tỷ lệ lớn dân chúng; đất và vốn vẫn còn
nhiều như trước đây, nhưng người lao động thì ít, nhu cầu về lao động
gia tăng và tiền lương cũng tăng. Người nghèo không còn nghèo như trước
và người giàu cũng không giàu như trước, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp
đáng kể. Nhưng chuyện đó chỉ xảy ra khi dịch bệnh còn hoành hành. Khi
dân số tăng lên, nhu cầu lao động giảm và bất bình đẳng gia tăng và trong một vài thế kỷ, người ta sẽ trở lại điểm xuất phát.
Cuốn sách của ông có đồ thị rất thú vị, chứng tỏ sự bất bình đẳng ở Châu Âu qua thời gian.
Có ba giai đoạn lớn trong lịch sử châu
Âu, khi bất bình đẳng giảm. Một là vào cuối thời cổ đại, khi Đế quốc La
Mã tan vỡ, phá hủy khoảng 1% La Mã. Bất bình đẳng gia tăng trở lại,
nhưng sau đó, trong giai đoạn Dịch Hạch, thế kỷ XIV và XV, lại giảm. Và
lần thứ ba là Cuộc đàn áp Vĩ đại, từ năm 1913 đến năm 1945, ở các nước
phương Tây.
Ở nhiều nơi, trong đó có châu Âu và Mỹ,
bất bình đẳng hồi đầu thế kỷ XX là cao nhất trong lịch sử. Nói chung,
hiện nay chúng ta chưa đạt đến mức đó. Mức độ bất bình đẳng hiện nay vẫn
còn thấp so với giai đoạn trước các cuộc thế chiến.
Những
vụ thu hẹp đáng kể bất bình đẳng này là do một cái gì đó rất tàn bạo
hoặc rất đáng ghét. Ông khẳng định rằng xóa bỏ bất bình đẳng bằng những
biện pháp hoà bình, như chế độ dân chủ, giáo dục và cải cách ruộng đất,
gần như không hiệu quả, đúng không ạ?
Đúng
thế. Không có ý nói rằng những việc này không có kết quả. Nếu chúng ta
không có chế độ dân chủ xã hội, không có những biện pháp tái phân phối
và giáo dục quần chúng ở Mỹ như ngày hôm nay, thì điều kiện sống sẽ xấu
hơn rất nhiều. Nhưng nếu bạn đang tìm cách giảm bất bình đẳng trong phạm
vi rộng lớn, thì lịch sử cho thấy các biện pháp hòa bình tự chúng sẽ
không tạo ra nhiều thay đổi. Không có giai đoạn cào bằng nào trong lịch
sử mà không liên quan tới một vụ đổ vỡ đầy bạo lực.
Có khả năng là lần này sẽ khác?
Tất cả đều có thể. Tôi vừa nghĩ đến
những người sau Thế chiến II cũng có cùng ý tưởng như thế. Lúc đó, lần
đầu tiên trong lịch sử, họ có một nền kinh tế đã công nghiệp hóa, có chế
độ dân chủ, có giáo dục đại chúng. Lúc đó, nói rằng bất bình đẳng quá
cao sẽ không bao giờ trở lại là giả thiết hợp lý. Nhưng hóa ra là không
đúng, vì các lực lượng khác đã quay trở lại. Vì các xu hướng hiện nay là
rõ ràng, như nền công nghệ, toàn cầu hóa, lão hóa; các tác nhân này cho
thấy bất bình đẳng sẽ gia tăng, chứ không phải là giảm đi.
Chúng
ta thường nghĩ về bất bình đẳng như là hiện tượng tiêu cực, nhưng ông
đã liên kết bình đẳng với tất cả những sự kiện kinh hoàng trong suốt
chiều dài của lịch sử. Nó tạo ra một hình ảnh phức tạp hơn về mặt đạo
đức.
Bạn
không muốn có xã hội hoàn toàn không còn bất bình đẳng. Đấy sẽ là xã hội
rất kỳ quặc và cũng không công bằng, theo nghĩa nào đó. Chỉ là vấn đề
mức độ. Khi nào thì bất bình đẳng trở nên quá cao, đến mức nó có hại
cho tăng trưởng kinh tế, cho ổn định xã hội và cơ hội của con người
trong cuộc đời?
Rõ ràng,
không có người nào, một lúc nào đó ủng hộ cho những lực lượng bạo lực
này tái xuất hiện. Nhưng đây có thể là vụ thỏa hiệp không dễ dàng. Thế
giới ngày nay yên bình hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử. Nếu
bạn muốn có ổn định, tăng trưởng kinh tế và mức độ bạo lực không cao,
thì có thể hiện tượng bất bình đẳng tương đối cao là kết quả hầu như
không thể tránh khỏi.
Cái
chúng ta cần tập trung vào là, trong môi trường như thế, tìm cho ra
những việc làm khả thi về mặt chính trị nhằm giải quyết những vấn đề ở
ngoại vi. Đối với tôi, hy vọng vào kiểu bình đẳng mà chúng ta đã thấy
cách đây một thế hệ dường như là không thực tế. Sự cải thiện có thể
không xảy ra nếu không sẵn sàng trả giá cực kỳ cao.
Bình luận
Có đủ căn cứ và cơ sở để cho rằng tồn tại hai quốc gia tách biệt trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1955 cho đến năm 1975.
Đây là một bài viết mà người đọc cần đi đến cuối bài.
Một cách khách quan, để nhận định một
cuộc chiến diễn ra dưới cơ chế là một cuộc xung đột nội địa hay quốc tế,
trước tiên phải xác định được danh nghĩa pháp lý của các bên tham gia,
mà cụ thể hơn, họ có được xem là quốc gia (“state”) theo quy định của
pháp luật quốc tế hay không?
Sự công nhận của cộng đồng quốc tế không quan trọng?
Pháp luật quốc tế vẫn chưa có một định
nghĩa hay tiêu chuẩn chính thức để xác định danh tính quốc gia. Cho đến
nay, quốc gia, các tổ chức và các học giả quốc tế đều dựa vào 4 tiêu
chuẩn từ Điều ước Montevideo về Quyền và trách nhiệm của Quốc gia, ký kết vào năm 1933.
Đây vốn chỉ là một điều ước khu vực giữa
các quốc gia thuộc Châu Mỹ lục địa. Tuy nhiên, theo cân nhắc của nhiều
học giả, các tổ chức học thuật có thẩm quyền (như International Law Association hay International Law Commission)
và thực hành của nhiều quốc gia khác nhau; bốn tiêu chuẩn này thật sự
chỉ pháp điển hoá tập quán pháp quốc tế. Vì vậy, chúng được xem là căn
cứ hợp pháp để xác định tư cách quốc gia.
Bốn tiêu chuẩn được ghi nhận gồm: (1)
Lãnh thổ xác định, (2) Dân cư xác định (cả hai tiêu chuẩn này không cần
thiết phải tuân thủ theo một số lượng cụ thể), (3) Chính phủ có năng lực
kiểm soát hiệu quả và (4) Năng lực tham gia vào điều ước với quốc gia
khác.
Có ba điểm cần chú ý trong bộ tiêu chuẩn nói trên.
Một là, khái niệm dân cư
không đồng nghĩa với việc nó phải thuộc một nhóm dân tộc, màu da hay tôn
giáo nhất định. Theo đó, một quốc gia không nhất thiết chỉ có dân cư
thuộc một nhóm dân tộc, màu da hay tôn giáo. Ngược lại, không nhất thiết
hai nhóm dân cư cùng thuộc một dân tộc, màu da hay tôn giáo thì phải
cùng một quốc gia với nhau.
Hai là, dù chính phủ có
năng lực kiểm soát hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc
hình thành quốc gia, điều này không nên được hiểu đồng nghĩa với việc
chính phủ, chính quyền đương thời tương đồng với sự tồn tại của chính
quốc gia đó. Ta có thể hiểu rõ hơn vấn đề này thông qua vài ví dụ như
Somalia, Palestine, và Đài Loan.
Somalia tính cho đến nay, có thể đã được
xem là “failed state” – “một quốc gia thất bại”, nơi mà chính quyền
trung ương biến mất (hoặc không đủ năng lực kiểm soát quốc gia) và được
thay thế bởi chủ nghĩa bộ tộc và lãnh chúa địa phương. Tuy nhiên, điều
này không có nghĩa là quốc gia Somalia không còn tồn tại và ai cũng có
thể xâm chiếm vùng lãnh thổ nói trên.
Tương tự, có thể nói rằng Palestine vẫn
chưa có được một chính phủ hiệu quả thống nhất lãnh đạo. Tổ chức Giải
phóng Palestine (PLO) được xem là một đại diện lý tưởng cho Palestine,
nhưng tranh chấp bạo lực giữa các phe phái như Hamas hay Fatah vẫn còn
đó. Mặc dù vậy, việc không có một chính phủ hiệu quả đại diện cho nhóm
dân cư này cũng không đồng nghĩa với việc quốc gia Palestine không tồn
tại.
Đài Loan, xét mọi mặt, ở một mức độ mạnh
mẽ và rõ ràng hơn, có thể xem là một quốc gia độc lập – đáp ứng đầy đủ
các yêu cầu của Montevideo. Tuy nhiên, Đài Loan cũng đang đẩy mình vào
thế khó theo mặt pháp lý, tương đương với miền Nam Việt Nam mà bài viết
sẽ phân tích ở phần sau.
Ba là, dù yêu cầu thứ tư
có nhắc đến việc tham gia vào điều ước quốc tế với quốc gia khác, điều
này không đồng nghĩa với việc chính phủ đó phải được cộng đồng quốc tế
công nhận. Yêu cầu này nhằm nói đến quyền hạn và năng lực thực thi điều
ước nếu được ký kết, không phải nhằm ám chỉ rằng quốc gia đó phải được
cộng đồng quốc tế chấp nhận. Hiển nhiên, điều này cũng chỉ mang tính
tương đối.
Nhiều học giả đã và đang cân nhắc sức
nặng của yếu tố cộng đồng quốc tế, hay cụ thể nhất là việc được tiếp
nhận trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc (United Nations – UN). Trên
thực tế, được UN hay các cường quốc công nhận là một bước đệm quan
trọng, nhưng sự đồng thuận chung của cộng đồng học thuật thế giới và các
tổ chức học thuật có thẩm quyền thì đây không phải, và không nên là một
yêu cầu bắt buộc.
Một dân tộc – hai quốc gia? Khả dĩ.
Với những thông tin như trên, chúng ta
có thể tập hợp lại và tạo nên một bức tranh chung về “statehood” của hai
miền Nam Bắc Việt Nam.
Trước tiên, có đủ căn cứ và cơ sở để cho
rằng tồn tại hai quốc gia tách biệt trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1955
cho đến năm 1975.
Cả hai quốc gia đều có lãnh thổ và dân
cư xác định, có chính phủ có năng lực kiểm soát hiệu quả; đều từng tham
gia vào các hiệp ước, hiệp định quốc tế.
Vì vậy, dù chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa và các đồng minh có tuyên bố chính phủ Việt Nam Cộng hòa là
ngụy quân, ngụy quyền, bù nhìn của Mỹ; hay ngược lại, dù chính quyền
Việt Nam Cộng hòa có lên án chính quyền miền Bắc là quân cờ của Cộng
sản, quên lịch sử cha ông… thì cũng không làm thay đổi danh tính pháp lý
của họ theo quy chuẩn pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận này cũng không hẳn là hoàn toàn không có kẽ hở.
Đầu tiên, cả hai quốc gia đều cho rằng
mình là đại diện hợp pháp cho toàn Việt Nam; tương tự như vấn đề “Một
Trung Quốc ” (One China) giữa Đài Loan và Trung Quốc hiện tại. Điều này
cũng đồng nghĩa với việc tranh chấp hai miền mang dáng dấp của một cuộc
nội chiến hơn là tranh chấp liên quốc gia. Tuy nhiên, theo người viết,
điều này không làm mất đi bản chất nhà nước của hai quốc gia theo tiêu
chuẩn của Montevideo.
Thứ hai, phải tính đến luận điểm cho
rằng Ngô Đình Diệm, chính quyền Bảo Đại và Hoa Kỳ đã không tôn trọng
Hiệp định Geneva và không tuân thủ việc thi hành cuộc tổng tuyển cử 1956
như dự định.
Nhưng nếu cho rằng Hiệp định Geneva giải
quyết được vấn đề Việt Nam thì cũng không tôn trọng quyền dân tộc tự
quyết (self-determination) của một bộ phận người dân Việt Nam, quy định
tại Khoản 2, Điều 1, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, bối cảnh pháp
lý của hai chính quyền tồn tại song song ở thời điểm này tương đối phức
tạp.
Tính chính danh của chính phủ VNDCCH chủ
yếu dựa vào cuộc tổng tuyển cử năm 1946. Tính chính danh này càng được
tăng cường hơn sau khi vua Bảo Đại chính thức thoái vị và trao lại ấn
tín, quốc bảo của hoàng triều Nguyễn cho đại diện chính Phủ VNDCCH Trần
Huy Liệu ngày 25/8/1945.
Tuy nhiên, với Hiệp định Sơ bộ Pháp-Việt
ngày 6/3/1946, được ký kết giữa ông Jean Sainteny, đại diện chính phủ
Cộng hòa Pháp, và ông Hồ Chí Minh cùng ông Vũ Hồng Khanh, đại diện chính
phủ VNDCCH; VNDCCH chỉ còn lại phía Bắc Việt Nam (và vẫn thuộc khối
Liên hiệp Pháp), miền Nam Việt Nam vẫn thuộc nhà nước Cộng Hòa Pháp với
lời hứa hẹn cho một cuộc trưng cầu dân ý – thống nhất với VNDCCH trong
tương lai. Ngày 1 tháng 6 cùng năm, người Pháp thành lập Nam Kỳ Quốc đặt
thủ phủ tại Sài Gòn.
Trong giai đoạn từ 1946 đến 1949, sự
cứng đầu của cựu vương tân Quốc trưởng Bảo Đại đối với các đại biểu Pháp
cũng đã giúp Quốc Gia Việt Nam thành lập với cơ sở của Hiệp ước Elysée
(8/3/1949). Trải qua nhiều biến cố với cuộc “đảo chính bằng phiếu” của
ông Ngô Đình Diệm, chính quyền Quốc gia Việt Nam cũng có nền tảng pháp
lý khá tương đồng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vì vậy, việc Cộng hòa Pháp tự tiếp tục
cho mình toàn quyền sắp đặt ngày tổng tuyển cử với Hiệp định Geneva là
can dự vào nội bộ Việt Nam, một việc làm không thỏa đáng, đặc biệt khi
hai bên duy nhất chấp nhận ký kết hiệp định chỉ có chính phủ kháng chiến
của VNDCCH và nhà nước Cộng hòa Pháp, còn chính phủ Bảo Đại và Hoa Kỳ
đều phản đối Hiệp định.
***
Với tất cả các thông tin nói trên, cân
nhắc nền tảng pháp lý tương đồng, năng lực quản lý tương đương, có đầy
đủ lý do (theo công pháp quốc tế) để cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
và Việt Nam Cộng hòa là hai thực thể nhà nước hoàn toàn độc lập.
Vậy nên, hành vi dùng vũ lực quân sự để
tước đoạt chính quyền, lãnh thổ của một quốc gia khác, theo định nghĩa
của Điều 1, Nghị quyết 3314 năm 1974 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, là
hành vi xâm lược theo công pháp quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
Toàn văn Hiến chương Liên Hiệp Quốc
Toàn văn Nghị quyết 3314 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc
Thomas D. Grant; Defining Statehood: The Montevideo Convention and its Discontents (Columbia Journal of Transnational Law, 1999)
James Crawford; The Creation of State of Palestine: Too much too soon? (EJIL, 1990)
A Vietnam War Timeline
Vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) – Lịch sử Việt Nam
Toàn văn Nghị quyết 3314 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc
Thomas D. Grant; Defining Statehood: The Montevideo Convention and its Discontents (Columbia Journal of Transnational Law, 1999)
James Crawford; The Creation of State of Palestine: Too much too soon? (EJIL, 1990)
A Vietnam War Timeline
Vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) – Lịch sử Việt Nam
Bình luận
Bài viết dưới đây của học
giả Benedict J. Tria Kerkvliet cho rằng có bốn cách tiếp cận trong việc
thúc đẩy dân chủ hóa ở Việt Nam. Cách thứ nhất nhấn mạnh vào vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) trong việc chuyển đổi hệ thống chính
trị hiện tại sang hệ thống dân chủ. Cách tiếp cận thứ hai tập trung vào
việc xây dựng các tổ chức để đương đầu và xóa bỏ ĐCS, qua đó nhanh chóng
thiết lập một hệ thống dân chủ…
- Dịch từ: Benedict J. Tria Kerkvliet; Regime Critics: Democratization Advocates in Vietnam, 1990s–2014; Critical Asian Studies 47:3; 2015.
Cách tiếp cận “Đảng dẫn dắt”
Một số nhà phê bình cho rằng ĐCS là
nguyên nhân chính khiến cho Việt Nam tụt hậu. Vì vậy, họ kêu gọi ĐCS
phải tiến hành dân chủ hóa đất nước, theo họ thì cách làm này sẽ giúp
người Việt không phải phá bỏ tất cả các thiết chế hiện hành. Họ cho rằng
Việt Nam vốn đã sở hữu một vài đặc điểm mang tính dân chủ. Chẳng hạn,
Hiến pháp đã ghi rõ rằng quyền lực thuộc về người dân, và trong Hiến
pháp cũng có các quy định về bầu cử cũng như bảo vệ các quyền cơ bản của
con người. Vấn đề chính ở đây là các yếu tố dân chủ này không hoặc rất
hiếm khi được thực thi trong thực tế. Ấy là do ĐCS nắm quá nhiều quyền
lực. Để giải quyết vấn đề, ĐCS có thể tiến hành dân chủ hóa đất nước và
thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Trần Độ là nhân vật tiêu biểu ủng hộ cho
quan điểm đó. Ông sinh năm 1924 ở Thái Bình trong một gia đình công
chức, trở thành thành viên của ĐCS vào năm 1940, và sau đó tham gia lực
lượng kháng chiến. Ông là sĩ quan trong trận Điện Biên Phủ, nơi quân đội
Việt Nam đã đánh bại quân Pháp vào năm 1954. Trong phần lớn cuộc chiến
chống Mỹ, ông chiến đấu trên nhiều chiến trường ở miền Nam. Sau đó ông
trở thành quan chức cao cấp trong chính quyền. Khi nghỉ hưu vào năm
1991, ông đang là Phó Chủ tịch Quốc hội.
Lý do chính khiến ông quyết định nghỉ
hưu là sự vỡ mộng trước kiểu chính trị của đất nước. Ông cho rằng tham
nhũng là hậu quả của một hệ thống chính trị vốn “không có cơ chế ràng
buộc và kiểm soát quyền lực”. Và cái tình trạng tệ hại này lại bắt nguồn
từ sự thống trị của ĐCS. Theo ông, thời chiến, vai trò lãnh đạo của ĐCS
chính là yếu tố quyết định trong việc giành được độc lập khỏi Pháp năm
1954 và thống nhất đất nước năm 1975. Nhưng kể từ đó trở đi, sự kiểm
soát của ĐCS đối với đất nước đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Theo Trần Độ, nền kinh tế Việt Nam tuy
khá nhỏ nhỏ bé so với nhiều nước ở châu Á, song đã được cải thiện đáng
kể từ những năm 1980. Và ông xem thành tựu này là cơ sở cho lập luận về
vai trò của ĐCS trong việc dân chủ hóa. Trong những năm 1980, ĐCS đã
biết lắng nghe người dân, khi dân đang bất mãn với việc nhà nước kiểm
soát sản xuất và phân phối. Bằng cách cho phép nền kinh tế thị trường,
ĐCS đã giải phóng năng lượng và sự sáng tạo đang bị kìm hãm của người
dân. Trần Độ nhấn mạnh rằng các bước tương tự – như ĐCS lắng nghe người
dân, cho phép họ cất tiếng nói và tiến hành đổi mới – cần phải được thực
hiện để Việt Nam phát triển hơn nữa. Nếu không, ĐCS sẽ tự làm suy yếu
chính mình. Ông muốn hàm ý rằng, nếu không tiến hành dân chủ hóa, thì
rồi những bất ổn sẽ lớn tới mức một ngày nào đó chúng sẽ khiến người dân
phải xóa bỏ ĐCS.
Trần Ðộ đã thể hiện những quan điểm này
trong vô số bài báo và thư từ, thường được gửi cho các quan chức cao cấp
của Đảng (và lưu hành trên Internet) trong khoảng thời gian từ năm 1995
cho đến khi ông qua đời vào tháng 8/2002. Năm 1998, ông khiến các quan
chức cấp cao cảm thấy khó chịu đến mức họ đã bàn cách để buộc ông phải
im miệng. Có lẽ danh tiếng rộng khắp của ông đã khiến cho chẳng có ai
dám bắt bớ ông, dù rằng ông và gia đình vẫn hay bị công an quấy rối
thường xuyên. Vào đầu năm 1999, giới lãnh đạo ĐCS đã khai trừ ông ra
khỏi Đảng.
Các quan điểm cùng với danh tiếng của
Trần Độ đã khiến ông trở thành một trong những nhà bất đồng chính kiến
nổi bật nhất ở Việt Nam đương đại. Cho đến ngày nay, ông vẫn được nhiều
người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, không giống như nhiều nhà phê bình chế độ
khác, ông cho rằng con đường hứa hẹn nhất cho dân chủ hóa là thông qua
chính ĐCS.
Quan điểm của ông có ba phần chính. Thứ nhất,
Việt Nam đã có nhiều đặc điểm dân chủ. Nếu những đặc điểm này được tận
dụng, chúng sẽ thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá. Do đó, nhiệm vụ trước
mắt là thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trong cách thức
hoạt động của hệ thống chính trị.
Thứ hai, ĐCS là tổ chức có vị
trí tốt nhất để lãnh đạo quá trình này. Nó đã tạo ra một hệ thống dân
chủ vào năm 1945-1946, tuy nhiên chiến tranh đã khiến cho hệ thống này
không được áp dụng. Nhiều thành viên ĐCS ủng hộ dân chủ hoá và tin rằng
Đảng phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của hệ thống chính trị. Hơn
nữa, ĐCS đã có truyền thống hướng tới thực hiện những điều tốt nhất cho
người dân. Các nhà lãnh đạo cần rút ra từ lịch sử của ĐCS các ý tưởng
và sức mạnh để “tự đổi mới chính mình” và qua đó thay đổi hệ thống chính
trị.
Thứ ba, lãnh đạo ĐCS có thể bắt
đầu tiến trình dân chủ hóa bằng cách thực hiện các điều khoản về nhân
quyền đã quy định trong Hiến pháp; tổ chức các cuộc bầu cử với sự tham
gia của nhiều đảng chính trị; loại bỏ các quy định trong Hiến pháp về
đặc quyền của ĐCS; tách ĐCS ra khỏi nhà nước; và tiến hành dân chủ hoá
thủ tục nội bộ của chính nó.
Một người có lập trường tương tự là Trần
Huỳnh Duy Thức. Ông ít tuổi hơn Trần Độ rất nhiều, và xuất thân từ một
bối cảnh hoàn toàn khác.
Ông sinh năm 1966, mẹ ông là nông dân và
cha là giáo viên dạy tiếng Anh. Ông từng học tại Trường Đại học Bách
khoa Thành phố Hồ Chí Minh giữa những năm 1980. Đầu những năm 1990, ông
và cộng sự đã xây dựng thành công các công ty máy tính và viễn thông.
Chính trong quá trình làm việc, ông đã nhận thấy mức độ tham nhũng
nghiêm trọng của chính quyền. Tự hỏi phải làm gì để chống tham nhũng,
ông và một vài người bạn đã đọc rất nhiều tài liệu khoa học xã hội, chủ
yếu bằng tiếng Anh.
Ông đi đến kết luận rằng một hệ thống
chính trị đa đảng không phải là biện pháp khắc phục điều này, và có
nhiều quốc gia tuy đa đảng song vẫn tham nhũng. Ngoài ra, cái gọi là dân
chủ ở nhiều quốc gia là “chỉ là giả tạo”, chúng chỉ phục vụ cho một số
ít người.
Vào cuối năm 2008, ông kết luận rằng
việc tạo ra một nền dân chủ thực sự sẽ không bắt đầu bằng việc đa đảng.
Thay vào đó, nền dân chủ xuất hiện theo thời gian thông qua cải thiện
điều kiện sống của người dân, khiến họ ý thức được các quyền của mình,
cùng với đó là việc chính quyền “quyết tâm xây dựng một nền dân chủ thực
sự, đảm bảo các điều kiện cho phép người dân làm chủ”.
Từ việc nghiên cứu cũng như từ kinh
nghiệm kinh doanh của mình, ông nói với chính quyền rằng việc giới hạn
không gian của doanh nghiệp tư nhân trong nước và tình trạng phụ thuộc
vào nhà nước của các nhà đầu tư nước ngoài chính là hai thực trạng đang
đe dọa chủ quyền của Việt Nam. Trên các blog và trong các kiến nghị gửi
tới các cơ quan chức năng trong giai đoạn 2006-2010, cũng như trong bản
tóm lược của một cuốn sách, Trần Huỳnh Duy Thức cho rằng “nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam sẽ đi đến sụp đổ.
Dẫu nó cho phép mức độ tự do kinh tế cao hơn và nó cũng giúp cải thiện
cuộc sống của người dân, song nền kinh tế này đã chạm tới giới hạn.
Để phát triển hơn nữa, người dân cần có
sự tự do chính trị. Nếu không, ông cảnh báo, Việt Nam sẽ rơi vào một
cuộc khủng hoảng trầm trọng, đến từ sự bất ổn và các giới hạn của nền
kinh tế, từ những kẻ cơ hội sẽ sử dụng quyền lực chính quyền cho các mục
đích tư lợi, và từ cái việc chính quyền lờ đi những người chỉ trích như
ông – những người vốn tìm cách cải thiện hệ thống chính trị chứ không
hề có ý lật đổ nó. Một nguyên nhân khác nữa là do sự khác biệt lớn giữa
cái lý tưởng được ĐCS bảo vệ và hứa hẹn trong Hiến pháp với cái thực tế
tham nhũng tràn lan, bè phái và đàn áp.
Để tránh tai hoạ, Trần Huỳnh Duy Thức
kêu gọi chính quyền hãy nắm bắt cơ hội, theo cái cách mà nó đã làm trong
những năm 1980 khi đẩy lùi thảm họa quốc gia bằng cách bãi bỏ nền kinh
tế kế hoạch tập trung.
Giờ đây, ông cho rằng lãnh đạo chính
quyền nên áp dụng nền kinh tế thị trường trong đó các doanh nghiệp Việt
Nam được phát triển theo hướng dẫn của nhà nước, dựa trên các lý tưởng
dân chủ xã hội và “tiến hành việc chuyển giao quyền lực chính trị cho
người dân”. Có thể chuyển giao quyền lực cho người dân bằng cách đưa trí
thức vào trong chính phủ, những người không phải là thành viên ĐCS
nhưng có thể nâng cao năng lực của ĐCS trong việc đối phó với khủng
hoảng. Chính quyền cũng có thể kích hoạt các đặc điểm dân chủ đã có
trong Hiến pháp của Việt Nam, đặc biệt là các quy định về Quốc hội, bầu
cử, các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và tự do báo chí. Những
điều này sẽ củng cố niềm tin để người dân có thể thực hành quyền của họ,
mở rộng xã hội dân sự, và thúc đẩy Việt Nam trở thành một nền dân chủ
mang những nét đặc trưng của riêng mình.
Nếu không có những biện pháp này, Trần
Huỳnh Duy Thức sợ rằng cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Lúc đó những kẻ cơ
hội trong nước sẽ “hợp tác với nước ngoài để bòn rút lợi ích quốc gia”.
Hoặc người dân sẽ nổi dậy để giành lấy quyền lực và các quyền vốn thuộc
về họ. Ông lo lắng một cuộc nổi dậy như vậy có thể làm bùng nổ sự thù
hận dai dẳng giữa kẻ thắng và người thua trong cuộc nội chiến đã qua,
làm cho hoàn cảnh quốc gia trở nên tồi tệ hơn, và biến nó trở thành cơ
hội cho những kẻ tư lợi. Để tránh những hậu quả tai hại đó, sự tức giận
của người dân phải được chuyển sang nhắm tới các hành động mang tính xây
dựng. Trần Huỳnh Duy Thức cho rằng các tổ chức đối lập ở Việt Nam hiện
nay quá non trẻ để có thể làm được điều đó. Theo ông, tuy ĐCS bị suy yếu
nhưng vẫn giữ được cả khả năng lẫn trách nhiệm để hành động một cách
tích cực, nó vẫn là “lực lượng duy nhất có thể tập trung sức mạnh của
người dân”.
Vào tháng 5/2009, một tháng sau khi ông
và Lê Công Định – một nhà bất đồng chính kiến khác – gặp nhau ở Thái Lan
cùng với một người Mỹ gốc Việt chống đối chính quyền Việt Nam, chính
quyền đã bắt giam ông. Tới tháng 6, họ cũng bắt Lê Công Định cùng với
hai người khác. Tháng 1/2010, cả bốn người đều bị buộc tội âm mưu lật đổ
chính quyền. Tuy không được phép tự bảo vệ mình trước tòa án, Trần
Huỳnh Duy Thức đã kháng cáo, cố gắng chứng minh sự vô tội của mình. Tuy
nhiên, tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án 16 năm tù giam dành cho ông,
lâu hơn bản án dành cho ba người còn lại.
Bài tiếp theo: Kỳ 2 – Đối đầu
Bình luận
Vào thứ hai, ngày 24/4/2017,
luật sư Jude Sabio đã đệ trình đơn kiện Tổng thống Philippines Rodrigo
Duterte và các quan chức cao cấp của chính quyền Philippines lên Tòa án
Hình sự Quốc tế (ICC), với tội danh “giết người hàng loạt”. Tổng thống
Duterte trước đó cũng đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là vi phạm nhân
quyền trong cuộc chiến chống ma túy do ông phát động trên toàn quốc.
Trong 78 trang khiếu kiện được New York
Times công bố, luật sư Sabio cho rằng Tổng thống Duterte đã “liên tục,
lặp đi lặp lại và vẫn đang tiếp diễn” các tội ác chống lại loài người,
lại còn cho rằng việc giết nghi phạm ma túy và các tội phạm khác là
“phương án tối ưu”. Vị luật sư yêu cầu bộ phận Tiền Xét xử của ICC đưa
Duterte và các quan chức cấp cao tới Phòng Xét xử để tiến hành phiên
tòa, sau đó buộc tội và kết án họ với những hình phạt thích đáng, thậm
chí tù chung thân.
Từ các vụ lạm sát ở địa phương đến sát hại quy mô toàn quốc
Luật sư Sabio chỉ ra, đã có ít nhất
1.400 người bị tử hình bởi Đội Thi hành án Tử Davao (Davao Death Squad)
trong thời gian ông Duterte còn làm thị trưởng Davao. Và trong nhiệm kỳ
tổng thống của mình, Duterte đã khiến ít nhất 7.000 người bị giết.
Đơn kiện được Sabio lấy tiêu đề là “Tình
trạng giết người hàng loạt ở Philippines, Rodrigo Duterte: kẻ giết
người hàng loạt” và gửi đến Fatou Bensouda, công tố viên của ICC ở
Hague, Hà Lan.
Trong lá thư của mình, Sabio viết:
“Những động thái phù hợp của ông (Fatou
Bensouda) đối với vấn đề này không chỉ phụng sự những mục tiêu cao quý
của Tòa án Hình sự Quốc tế mà còn đánh dấu sự khởi đầu cho việc chấm
dứt một thời kỳ đen tối, ghê tởm, đẫm máu và tàn ác ở Philippines”.
Jude Sabio là luật sư của Edgar Matobato
– cựu thành viên Đội Thi hành án Tử Davao đứng ra làm chứng tại Thượng
viện Philippines, khai rằng đã hoạt động theo lệnh của Duterte.
Đây là lần đầu tiên công chúng biết đến
việc khiếu kiện chống lại Duterte tại Tòa ICC, dựa trên sự làm chứng của
Matobato và cảnh sát nghỉ hưu Arturo Lascanas, cũng như xác nhận từ các
nhóm nhân quyền và thông tin báo chí, trong đó có chuỗi bài của
Reuteurs về các vụ sát hại.
Trong đơn kiện của mình, Sabio cho rằng
ông có những bằng chứng trực tiếp chứng minh Duterte vượt quá nguyên tắc
“nghi ngờ hợp lý” khi cho thực hiện “phương án tối ưu” – xử tử nghi
phạm tại Davao và tiếp diễn hành động đó trong cuộc chiến chống ma túy
của mình khi trở thành tổng thống. Ông giải thích, các vụ giết người ở
Davao có những điểm tương đồng với những vụ sát hại gần đây ở một
số điểm sau:
- Có sự tham gia và chỉ huy của cảnh sát
- Có một sát thủ hoặc một kẻ tấn công vũ trang ẩn danh
- Có cơ chế khen thưởng cho mỗi lần giết người
- Có phần thưởng bằng tiền mặt
- Có danh sách nạn nhân
- Có sự hợp tác giữa thôn làng với quan chức cảnh sát
- Có tấm bảng cạc tông đánh dấu, và khuôn mặt hoặc toàn bộ thi thể được bọc bằng băng keo
- Sử dụng sát thủ đi xe gắn máy tấn công
- Sử dụng sát thủ bịt mặt hoặc đeo mặt nạ
- Có súng và ma túy
Luật sư Sabio cũng cho biết những tuyên
bố công khai của Tổng thống Duterte “thể hiện rõ ràng ý định thúc đẩy,
khuyến khích hoặc kích động cảnh sát và người dân giết người hàng loạt”.
Bên cạnh đó, ông Sabio cũng nêu ra 11 quan chức có khả năng phải đồng chịu trách nhiệm cùng Duterte.
Phía công tố của ICC xác nhận họ đã nhận được thông tin của ông Sabio và sẽ phân tích xử lý thỏa đáng.
Phản hồi từ phía Chính phủ Duterte
Ernesto Abella – người phát ngôn của
Duterte – đã bác bỏ cáo buộc trên và xem nó như một “nỗ lực thô thiển”
để hạ uy tín tổng thống.
“Cái gọi là “những vụ giết người không
qua xét xử” không được nhà nước công nhận và tài trợ. Mục đích việc đệ
đơn lên ICC rõ ràng là để gây rối và làm nhục tổng thống, cũng như làm
suy yếu chính phủ hợp pháp của Philippines”.
Bộ Ngoại giao Philippines trong một
tuyên bố riêng vào thứ hai cho biết họ đang lưu tâm đến vụ việc. Theo
phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Robespierre Bolivar, “cũng như bất kỳ
hồ sơ nào khác mà Văn phòng Công tố nhận được, hồ sơ này cũng sẽ trải
qua đánh giá toàn diện để xác định liệu nó có đủ điều kiện theo Quy chế
Rome về phạm vi và thẩm quyền xét xử hay không”.
Tổng thống Duterte hiện đang phải đối
mặt với nhiều chỉ trích không chỉ trong đất nước Philippines mà còn trên
phạm vi quốc tế về chiến dịch chống ma túy của ông. Trong đó có Nghị
viện châu Âu – nơi vừa cảnh báo Philippines về nguy cơ có thể đánh
mất các ưu đãi thương mại nếu tình trạng nhân quyền ở đất nước này không
được cải thiện.
Về phần mình, Duterte trách mắng các
quan điểm bất đồng với ông về cuộc chiến ma túy, với lý do làm vậy là
cần thiết để bảo vệ lớp trẻ của đất nước.
Tổng hợp từ Complaint vs Duterte filed before Int’l Criminal Court, Rappler.com, Paterno Esmaquel II, 25/04/2017
Lawyer for Philippines hit-man files complaint against Duterte at ICC, Reuters.com, Clare Baldwin và Stephanie van den Berg, 24/04/2017
Bình luận
Quyền con người
Báo cáo viên đặc biệt LHQ David Kaye: Luật pháp QT đứng về phía báo chí chân chính
By
Posted on
Tháng 4/2017, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) công bố báo cáo thường niên về tự do báo chí toàn cầu, có tên Những cuộc tấn công vào báo chí năm 2017 (Attacks on the Press 2017).
Luật Khoa tạp chí xin giới
thiệu đến bạn đọc bản dịch bài viết của Giáo sư David Kaye – Báo cáo
viên Đặc biệt của LHQ về quyền tự do quan điểm và biểu đạt – được trích
từ báo cáo này.
***
Vào thập niên 1920, nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin cho ra đời một quyển tiểu thuyết xuất sắc, Chúng ta (We).
Đáng tiếc là cuốn sách này đã không được nhiều người đọc bằng những tác phẩm hậu duệ của nó, như 1984 và Thế giới mới quả cảm (Brave New World). Tuy vậy, không khó để có thể nhận thấy rằng George Orwell đã bị ảnh hưởng bởi tác phẩm của Zamyatin khi ông viết 1984.
Zamyatin
đã đưa ra một sự so sánh trực tiếp giữa tiểu thuyết và đời thực về việc
kiểm soát thông tin, khi sự riêng tư cùng những giá trị nền tảng của
tinh thần tự do chính trị hoàn toàn bị xoá bỏ.
Một nhà
nước bí ẩn dưới sự dẫn dắt của một giáo chủ lãnh tụ, người có ham muốn
khống chế sự riêng tư cá nhân, thông tin, và cả suy nghĩ của người dân.
Ở nơi
ấy, tình yêu là một thứ bị cấm đoán và tự do thì bị thẳng thừng chối bỏ.
Bạo lực và sự tàn bạo của quyền lực len lỏi phía dưới bề mặt của một xã
hội nhìn như có vẻ hết sức sạch sẽ và trật tự.
Là nơi
mà những từ ngữ thông dụng bị chính quyền định nghĩa lại. Ban tuyên giáo
thì hoạt động và xuất hiện đầy rẫy trong đời sống người dân.
Tóm lại, đó là một thế giới mà người ta chối bỏ thực tế, trong khi lại ôm ấp sự giả dối và những điều mị dân.
Nhân vật
chính trong câu chuyện của Zamyatin, người có bí danh D-503, dần nhận
ra sự thật vốn rất khác những gì mà chính quyền nói với anh và những
người dân.
D-503 phản tỉnh và trở thành một kẻ phản động, chống
đối lại học thuyết của nhà nước. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết và bằng
phương pháp ngoại suy, Zamyatin đã phản ánh và miêu tả cuộc sống đương
đại trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa Bolshevik (Bolshevism).
Mặc dù tiểu thuyết Chúng ta của
Zamyatin đã được viết gần một thế kỷ trước, và nó viết về viễn cảnh của
một xã hội cách chúng ta hàng thế kỷ sau trong tương lai, nhưng sự xung
đột cốt lõi trong câu chuyện này lại có vẻ như rất đúng thời điểm.
2016 là
một năm đã cho chúng ta rất nhiều cơ hội nhìn thấy những giá trị của tự
do đã liên tục bị các chính quyền phủ nhận và chối bỏ như thế nào.
Tuy hình ảnh nhà nước mà Zamyatin miêu tả không thể phản ánh một cách toàn diện bất kỳ một chính phủ nào mà chúng ta biết. Thế
nhưng, hơn bao giờ hết, những mệnh đề chính trong tác phẩm của ông lại
có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình thế giới hiện nay.
Vì bây
giờ chính là lúc chúng ta phải đối mặt với các chính phủ, và cả những
nhân tố phi chính phủ, cũng như việc họ liên tục tìm cách thắt chặt,
ngăn chặn, hay chặn đứng hoàn toàn sự lưu chuyển của thông tin trong xã
hội.
Thấy gì qua báo cáo Những cuộc tấn công vào báo chí 2017 của CPJ?
Chúng ta
nhìn thấy có rất nhiều chính phủ của các nước trên thế giới đang đe dọa
sự lưu chuyển của thông tin. Họ làm điều này bằng việc kiểm soát trên
mạng, tấn công trực tiếp ngoài đời và sách nhiễu, sử dụng thủ tục pháp
lý hay ban hành những luật lệ với khuôn khổ quá rộng để dễ dàng bắt bớ,
cầm tù người dân.
Tất cả
những hành vi ấy đều cho thấy, các chính phủ đó có cùng một nỗi sợ hãi
và sự khát khao quyền lực không khác gì nhà nước trong tiểu thuyết của
Zamyatin.
Những
chính phủ này đều sợ rằng, nếu người dân được trao cho những công cụ
giúp họ tự mình tìm ra sự thật (hoặc bất kỳ một thông tin chính xác nào
đó), thì chính quyền sẽ suy yếu.
Càng
tham lam và càng suy thoái vì quyền lực, thì những kẻ đứng đầu các chính
phủ lại càng có động cơ để tìm cách ngăn chặn những cuộc tranh luận
công khai và hạn chế việc người dân tiếp cận thông tin.
Không
mấy ai còn nghi ngờ là những xu hướng chính phủ độc tài hiện đang trên
đà trỗi dậy, và hậu quả mà nó mang đến là sự tấn công trực tiếp vào công
việc của những người làm báo.
Nhưng
không như thế giới trong tiểu thuyết Zamyatin, chúng ta may mắn có được
một mạng lưới liên kết các thiết chế luật pháp quốc tế. Và
điều này giúp đảm bảo rằng những quyền được tìm kiếm, tiếp nhận, và
chia sẻ thông tin, sáng kiến thuộc mọi thể loại, không kể biên giới và
bằng phương tiện truyền thông nào, cũng đều được bảo vệ như nhau.
Trong đó, quan trọng nhất là Điều 19
của Công Ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Các chính phủ
vốn chỉ có thể giới hạn những quyền vừa được nêu ở trên khi có cả hai yếu tố sau đây. Thứ nhất, việc giới hạn phải có căn cứ luật pháp. Và thứ hai, chính phủ có nghĩa vụ phải chứng minh việc giới hạn là cần thiết và tương xứng với mục đích mà chúng đề ra. Hai yếu tố này phải nói là một chuẩn mực pháp lý rất khó để cho bất kỳ chính phủ nào có thể giới hạn được quyền tự do ngôn luận. |
Thế
nhưng, cho dù là với một khuôn khổ pháp luật quốc tế cùng các thiết chế
giúp bảo vệ các quyền tự do ngôn luận như thế, vẫn có hàng chục các giới
hạn từ phía các chính phủ khiến chúng ta cảm thấy cần phải nâng cao
cảnh giác, hoặc thậm chí là e sợ.
Và đó chính là nội dung của bản báo cáo
mà tôi, trong cương vị Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền tự do bày tỏ quan
điểm và tự do biểu đạt, đã gửi đến Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào
tháng 10/2016 vừa qua.
Có 5 hình thức giới
hạn quyền tự do ngôn luận tôi muốn đặc biệt nhắc đến trong bài viết
này, vì chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến các phóng viên, ký giả, và nền
báo chí nói chung.
1. Kiểm duyệt theo kiểu truyền thống
Những
phương pháp kiểm duyệt truyền thống vẫn được các chính phủ sử dụng
thường xuyên. Ở một số nơi, nhà nước tập trung đẩy mạnh việc giáo dục
các chủ thuyết mà họ dùng để lý giải vì sao người dân không thể tiếp cận
thông tin. Thông thường, họ sẽ sử dụng các lý do như đảm bảo chuẩn mực
đạo đức hoặc ổn định trật tự xã hội.
Một
trong những phương pháp đó chính là bức tường lửa vĩ đại (Great Fire
Wall of China) do chính phủ Trung Quốc thiết lập để giới hạn cả số lượng
lẫn chất lượng thông tin mà người dân có thể tiếp cận.
Các
chính phủ khác thì tìm cách cản trở đường truyền Internet và các dịch vụ
viễn thông, và họ làm điều này mà chẳng bao giờ giải thích gì với người
dân cả. Hơn nữa, họ thường xuyên sử dụng phương pháp này vào những thời
điểm có biểu tình, hay trong những ngày bầu cử.
Có khi,
họ sẽ cắt mạng Internet toàn quốc, chặn mạng, hay làm chậm tốc độ tải
một số các trang mạng và các mạng xã hội. Có khi, họ sẽ tìm cách phá
sóng các dịch vụ viễn thông hay điện thoại di động của người dân. Tổ
chức Access Now đã thống kê có 56 vụ việc cắt mạng Internet (shutdown) đã bị các chính phủ của 18 nước (ND: trong đó có Việt Nam) tiến hành trong năm 2016.
Ngoài
việc kiểm duyệt Internet, chính phủ các nước vẫn tiếp tục phương pháp
giáo dục và tuyên truyền người dân, để họ cho rằng những thông tin mà
các cơ quan truyền thông độc lập đưa ra là việc làm trái pháp luật.
Việc
chính phủ Hoa Kỳ dùng từ “tin giả” (fake news) để tấn công các cơ quan
truyền thông và báo chí được nhiều người cho rằng, nó không khác gì hình
thức tuyên truyền mà các chính phủ độc tài vẫn sử dụng từ trước đến
giờ.
2. Cuộc chiến chống khủng bố
Không ai có thể phủ nhận việc thế giới
đang đối đầu với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Chính phủ các nước
có nghĩa vụ phải bảo vệ sự an toàn cho người dân của mình, và đó là điều
hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, cũng có không ít các nước đã dùng việc
chống khủng bố để tiện thể giới hạn quyền tự do ngôn luận và quyền được
tiếp nhận thông tin của người dân.
Từ Trung Á, đến Châu Âu và lan sang Bắc
Phi, chính phủ nhiều nước đã cho ra đời những điều luật chống khủng bố,
nhưng đồng thời lại giới hạn quyền con người của người dân. Một nhóm gồm
nhiều chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung, cảnh báo về hành vi vi phạm quyền con người này của các chính phủ vào năm 2016.
3. Rào cản pháp lý
Có rất nhiều quốc gia đã ban hành những đạo luật nhằm chấm dứt tất cả chỉ trích đối với chính phủ.
Những điều luật “tuyên truyền chống nhà
nước” hay “bôi nhọ lãnh đạo” là một số ví dụ cho việc vi phạm quyền tự
do ngôn luận bằng việc ban hành luật pháp một cách mơ hồ để kiểm soát.
Một số chính phủ thì có những điều luật
về tội “phỉ báng tôn giáo” và “xúc phạm hoàng gia”, hay những điều luật
hết sức hà khắc cho tội mạ lỵ cũng như hình sự hóa hành vi này.
Chính phủ các nước cũng ngày càng gia
tăng việc yêu cầu các nhà cung cấp mạng xã hội như Twitter, Facebook
hoặc các công ty cung cấp dịch vụ như Google và YouTube, gỡ bỏ những nội
dung mà chính quyền cảm thấy không hài lòng.
4. Theo dõi trên mạng
Người dân ngày càng bị mất đi quyền tự
do riêng tư trên mạng. Chính phủ các nước đồng loạt gia tăng việc theo
dõi và giám sát các hoạt động trên mạng của họ, cho dù không có bất kỳ
nghi ngờ nào về hành vi phạm pháp.
Nó khiến người ta liên tưởng đến viễn
cảnh của một thế giới như tiểu thuyết Zamyatin miêu tả. Nơi mà người dân
sống trong những căn hộ bằng kính trong suốt và chính quyền có thể theo
dõi hành vi của họ mọi nơi mọi lúc, trừ 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày được
phép kéo màn che lại cho không gian riêng tư.
Không chỉ theo dõi, chính quyền còn có
thể tìm cách tấn công vào tài khoản cá nhân của người dân và tìm cách
phá vỡ hoặc nghiêm cấm việc sử dụng mã hóa để bảo mật.
5. Sự biến dạng của không gian kỹ thuật số
Ngày nay, các công ty cung cấp mạng xã
hội đã kiến tạo nên những không gian mới với hàng triệu, thậm chí là
hàng tỷ người tham gia. Chúng ta sống, chia sẻ và chấp nhận những điều
khoản, luật lệ mà các công ty cung cấp đề ra. Thậm chí, những thông tin
mà chúng ta nhận được trong những không gian đó cũng được người khác
tính toán và đưa cho chúng ta, trong khi chính bản thân thì không có
quyền kiểm soát.
Có lẽ, lúc này đa số chúng ta vẫn cảm
thấy điều này cũng ổn thôi. Tuy nhiên, chúng ta đang tham gia vào những
không gian được kiểm soát bởi người khác đối với những việc mà đúng ra,
thuộc về quyền cá nhân của mình. Vậy thì việc các công ty cung cấp dịch
vụ này không cần phải tuân theo bất kỳ chuẩn mực nào về nhân quyền có vẻ
không được ổn cho lắm.
***
Tôi muốn nhấn mạnh, những gì thế giới
trải qua trong năm 2016 đã cho chúng ta một cơ hội thức tỉnh kịp thời,
để tự nhắc nhở rằng, chúng ta không hẳn là châu chấu đá xe. Trái lại,
chúng ta có đầy đủ công cụ để phản kháng lại sự kiểm soát của chính
quyền.
Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm chúng
ta phải bảo vệ và cải tạo những thiết chế luật pháp mà chúng ta đang có,
để chúng có thể thực sự giúp bảo vệ nhân quyền.
Làm được như vậy là chúng ta sẽ cùng
tiến về một tương lai, nơi mà chúng ta có quyền tung hô hay phê bình thế
giới xung quanh theo ý mình, chứ không phải là theo ý chính phủ hay
lãnh đạo nhà nước.
Và đó chính là lý do mà một nền báo chí tồn tại.
Tác giả, giáo sư David Kaye là giáo sư
Luật Quốc tế tại trường Đại học California, Irvine. Vào năm 2015, ông
được Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm vào chức vụ Báo cáo viên đặc biệt về quyền
tự do quan điểm và tự do biểu đạt (Special Rapporteur on the promotion
and protection of the right to freedom of opinion and expression).
Báo cáo viên đặc biệt là một chức vụ
danh dự do Hội đồng Nhân quyền LHQ bổ nhiệm cho một chuyên gia độc lập
với mục đích tìm hiểu, thăm viếng và báo cáo về tình trạng quyền con
người ở các quốc gia. Mỗi báo cáo viên sẽ có trách nhiệm chuyên trách về
một vấn đề nhân quyền nhất định.
Chi tiết về thủ tục bổ nhiệm các báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền có thể đọc tại đây.
|
Tài liệu tham khảo:
Bình luận
Tiếp tục đi tìm sự thật…..( Việt Nam Cộng Hòa được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia có chủ quyền )?
Các bạn thân mến….đây là 1 vấn đề rất thú vị…tuy đất nước VNCH tạm thời
bị xâm lược nhưng những con người VNCH và sự thật vẫn luôn còn mãi….
Vấn đề này cũng không phải là vấn đề trọng tâm nhưng lại thể hiện được tính chính nghĩa của đất nước VNCH nên muốn nói đôi lời để mọi người tham khảo
Các bạn cùng xem tiếp bài viết này ở phần trả lời ở dưới nhé…phần này không đủ để viết…
Bài viết này còn rất sơ khai nên sẽ được chỉnh sửa liên tục…mong Các bạn hãy cùng đóng góp ý kiến
.
Vấn đề này cũng không phải là vấn đề trọng tâm nhưng lại thể hiện được tính chính nghĩa của đất nước VNCH nên muốn nói đôi lời để mọi người tham khảo
Các bạn cùng xem tiếp bài viết này ở phần trả lời ở dưới nhé…phần này không đủ để viết…
Bài viết này còn rất sơ khai nên sẽ được chỉnh sửa liên tục…mong Các bạn hãy cùng đóng góp ý kiến
.
Theo dõi
11 câu trả lời
Câu trả lời
Xếp hạng
Câu trả lời hay nhất:
.
Tiếp cho phần trên
Như chúng ta đã biết đát nước VNCH từ khi khai sinh cho đến năm 75 vẫn chưa phải là thành viên chính thức của Liên hiệp quốc….nhưng vấn đề là liên hiệp quốc có coi VNCH là 1 quốc gia hay chỉ là 1 thực thể tồn tại độc lập
______________
1) Thứ nhất : VNCH là 1 đất nước được quốc tế công nhận là 1 quốc gia có chủ quyền
Các bạn hãy cùng xem http://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a#Ngo.E1.BA.A1i_giao
Trích : Tính đến năm 1975 thì Việt Nam Cộng hòa đã thiết lập ngoại giao với 87[22] quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở cấp bán chính thức. Lập trường ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa là không chấp nhận bang giao với chính phủ nào muốn công nhận chính phủ của Mặt trận Giải phóng miền Nam
trích : Việt Nam Cộng hòa là thành viên trong một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA (1957); Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (1956); Tổ chức Y tế Quốc tế WHO (1950); Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO (1955),[30] Ngân hàng Thế giới (1956),[31] và Ngân hàng Phát triển châu Á (1966).
>>>qua đây có thể thấy được tính đến năm 1975 VNCH đã thiết lập ngoại giao được với 93 quốc gia độc lập….bao gồm mỹ,các nước phương tây….và rất nhiều nước à thành viên của liên hiệp quốc cũng có quan hệ ngoại giao vói VNCH
>>>thêm vào đó VNCH tham gia rất tích cực vào các tố chức mang tính quốc tế của thế giới đã có bằng chứng cụ thể ở trên….Và tất cả những thành tích này hơn hẳn việt nam cộng sản
>>>từ đó suy ra VNCH được sự công nhận của quốc tế là 1 điều hét sức rõ ràng không cần bàn cãi
2) thứ hai : trong 1 bài viết của nhà báo đặng chí hùng cũng có nói cũng có nói tất cả về việc VNCH được LHQ và quốc tế công nhận đầy đủ http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/nhung-su-that-can-phai-biet-noi-day-hay.html
Trích : Những tổ chức dân chủ và các tiến bộ mà chính phủ chúng tôi đã đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, đã được cảm thông của cả thế giới. Đến ngày hôm nay đã có 56 quốc gia công nhận chính phủ chúng tôi, duy trì quan hệ ngoại giao với chúng tôi, hoặc đã đề nghị chúng tôi được gia nhập Liên Hiệp Quốc. Nhà cầm quyền cộng sản ở miền Bắc chỉ được sự công nhận của khoảng 10 chính phủ cộng sản. Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Việt Nam Tự Do đã được tăng đáng kể: Nước chúng tôi hiện nay là thành viên của 33 tổ chức quốc tế và Sài Gòn được chọn là trụ sở của nhiều hội nghị quốc tế.” - (Tuyên Bố Của VNCH Về V/Đ Thống Nhất Đất Nước, Nguyễn Hội)
Trich “trong tài liệu của Liên Hiệp Quốc lưu chiểu tháng 2/1998 có ghi tại danh sách thành viên mục 3 trang 236 về Việt Nam cộng hòa có đoạn: “84 quốc gia trên thế giới đã từng đặt nền tảng bang giao với Nước Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 – 1975.”
Trích : “trong cuốn sách “Chỉ dẫn lịch sử” của nhà xuất bản quốc gia Liên Xô do nhóm tác giả tại viện nghiên cứu lịch sư Liên Bang Xô Viết tại trang 42 có viết “Việt Nam Cộng Hòa là một Quốc Gia Hợp Pháp được công nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới qua Hiệp Định Genève 1954, đã từng có quy chế là một quốc gia quan sát viên của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 1954 cho đến năm 1975.”
>>>hóa ra VNCH không chỉ được quốc tế công nhận mà còn là 1 quan sát viên thường trực của LHQ
3) thứ ba: VNCH tuy chưa phải là thành viên của LHQ nhưng lại là 1 quan sát viên của liên hiệp quốc ….điều đó đã nói hết trong bài viết của nhà báo đặng chí hùng ở trên
Đây là bằng chứng rõ nết nhất về điều đó khi VNCH có cả văn phòng trụ sở quan sát viên thường trực tại liên hiệp quốc http://www.svqy.org/8-2011/congvancuoicung.html
Thêm 1 bằng chứng nữa cho thấy VNCH là 1 quan sát viên của LHQ : http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vi-sao-trung-quoc-danh-chiem-hoang-sa-2940443.html
Trích : Cũng thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa mới chỉ là quan sát viên mà chưa phải thành viên của Liên Hợp Quốc trong khi Trung Quốc là một trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an
>>>thì ra báo đảng cũng đã công nhận VNCh là quan sát viên của LHQ…vậy thiof việt cộng chối sao đây
4) Thứ tư: các bạn hãy xem http://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a#Ngo.E1.BA.A1i_giao
Trích : Năm 1957, Việt Nam Cộng hòa đứng đơn gia nhập Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ đề cử. Đại Hội đồng (General Assembly) bỏ phiếu 40 thuận, 8 chống. Việc này chuyển lên Hội đồng Bảo an chung quyết. Liên Xô muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (CS Bắc Việt) cùng gia nhập nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ việc này nên cuối cùng Liên Xô phủ quyết đơn của Việt Nam Cộng hòa.
>>>vậy là VNCH đã vinh dự được LHQ xét duyệt để làm thành viên
________________
vấn đề cần nói đến ở đây là : Sau tất cả các dẫn chứng trên có thể thấy được điều gì: ….VNCH đã được quốc tế công nhận chủ quyền…VNCH lại là quan sát viên của LHQ….câu hỏi đạt ra là vậy LHQ có coi VNCh là 1 quốc gia hay không????
>>>Chắc chắn là có bởi vì nếu như LHQ chỉ coi VNCH là 1 thực thể tồn tại thì VNCH sẽ không có vinh dự khi được LHQ bỏ phiếu xét duyệt về vấn đề cho gia nhập thành viên,,,mặc dù không phải là thành viên của LHQ…tuy nhiên nếu họ chỉ coi VNCH là 1 thực thể tồn tại thì họ sẽ không mất công đề xuất xét duyệt bỏ phiếu như vậy
thêm 1 ván đề nữa nảy sinh đó là : VNCH được làm quan sát viên của LHQ …nhưng với tư cách là thực thể quan sát viên hay là 1 quốc gia quan sát viên….
>>> Khi đã có vị trí quan sát viên trong liên hiệp quốc ..khi được đại hội đồng Liên hiệp quốc trân trọng và xét duyệt cho làm thành viên (tuy chưa được)…lại được quốc tế công nhận ủng hộ là 1 quốc gia 1 cách rõ ràng…vậy thì không có lý do gì LHQ lại chỉ coi VNCH là 1 thực thể
>>>>qua đó cho thấy VNCH tuy chưa phải là thành viên nhưng lại là 1 quốc gia quan sát viên phi thành viên của LHQ và có trụ sở đạt tại LHQ như đã dẫn chứng ở trên
>>>>liên hiệp quốc coi VNCh là 1 quốc gia quan sát viên thường trực phi thành viên….thì cũng có nghĩa là họ đã công nhận VNCH là 1 quốc gia độc lập chủ quyền
Đây là những sự thật của lịch sử cần được biết đến để thấy rõ tính chính nghĩa của đất nước VNCH
.
Tiếp cho phần trên
Như chúng ta đã biết đát nước VNCH từ khi khai sinh cho đến năm 75 vẫn chưa phải là thành viên chính thức của Liên hiệp quốc….nhưng vấn đề là liên hiệp quốc có coi VNCH là 1 quốc gia hay chỉ là 1 thực thể tồn tại độc lập
______________
1) Thứ nhất : VNCH là 1 đất nước được quốc tế công nhận là 1 quốc gia có chủ quyền
Các bạn hãy cùng xem http://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a#Ngo.E1.BA.A1i_giao
Trích : Tính đến năm 1975 thì Việt Nam Cộng hòa đã thiết lập ngoại giao với 87[22] quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở cấp bán chính thức. Lập trường ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa là không chấp nhận bang giao với chính phủ nào muốn công nhận chính phủ của Mặt trận Giải phóng miền Nam
trích : Việt Nam Cộng hòa là thành viên trong một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA (1957); Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (1956); Tổ chức Y tế Quốc tế WHO (1950); Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO (1955),[30] Ngân hàng Thế giới (1956),[31] và Ngân hàng Phát triển châu Á (1966).
>>>qua đây có thể thấy được tính đến năm 1975 VNCH đã thiết lập ngoại giao được với 93 quốc gia độc lập….bao gồm mỹ,các nước phương tây….và rất nhiều nước à thành viên của liên hiệp quốc cũng có quan hệ ngoại giao vói VNCH
>>>thêm vào đó VNCH tham gia rất tích cực vào các tố chức mang tính quốc tế của thế giới đã có bằng chứng cụ thể ở trên….Và tất cả những thành tích này hơn hẳn việt nam cộng sản
>>>từ đó suy ra VNCH được sự công nhận của quốc tế là 1 điều hét sức rõ ràng không cần bàn cãi
2) thứ hai : trong 1 bài viết của nhà báo đặng chí hùng cũng có nói cũng có nói tất cả về việc VNCH được LHQ và quốc tế công nhận đầy đủ http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/nhung-su-that-can-phai-biet-noi-day-hay.html
Trích : Những tổ chức dân chủ và các tiến bộ mà chính phủ chúng tôi đã đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, đã được cảm thông của cả thế giới. Đến ngày hôm nay đã có 56 quốc gia công nhận chính phủ chúng tôi, duy trì quan hệ ngoại giao với chúng tôi, hoặc đã đề nghị chúng tôi được gia nhập Liên Hiệp Quốc. Nhà cầm quyền cộng sản ở miền Bắc chỉ được sự công nhận của khoảng 10 chính phủ cộng sản. Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Việt Nam Tự Do đã được tăng đáng kể: Nước chúng tôi hiện nay là thành viên của 33 tổ chức quốc tế và Sài Gòn được chọn là trụ sở của nhiều hội nghị quốc tế.” - (Tuyên Bố Của VNCH Về V/Đ Thống Nhất Đất Nước, Nguyễn Hội)
Trich “trong tài liệu của Liên Hiệp Quốc lưu chiểu tháng 2/1998 có ghi tại danh sách thành viên mục 3 trang 236 về Việt Nam cộng hòa có đoạn: “84 quốc gia trên thế giới đã từng đặt nền tảng bang giao với Nước Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 – 1975.”
Trích : “trong cuốn sách “Chỉ dẫn lịch sử” của nhà xuất bản quốc gia Liên Xô do nhóm tác giả tại viện nghiên cứu lịch sư Liên Bang Xô Viết tại trang 42 có viết “Việt Nam Cộng Hòa là một Quốc Gia Hợp Pháp được công nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới qua Hiệp Định Genève 1954, đã từng có quy chế là một quốc gia quan sát viên của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 1954 cho đến năm 1975.”
>>>hóa ra VNCH không chỉ được quốc tế công nhận mà còn là 1 quan sát viên thường trực của LHQ
3) thứ ba: VNCH tuy chưa phải là thành viên của LHQ nhưng lại là 1 quan sát viên của liên hiệp quốc ….điều đó đã nói hết trong bài viết của nhà báo đặng chí hùng ở trên
Đây là bằng chứng rõ nết nhất về điều đó khi VNCH có cả văn phòng trụ sở quan sát viên thường trực tại liên hiệp quốc http://www.svqy.org/8-2011/congvancuoicung.html
Thêm 1 bằng chứng nữa cho thấy VNCH là 1 quan sát viên của LHQ : http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vi-sao-trung-quoc-danh-chiem-hoang-sa-2940443.html
Trích : Cũng thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa mới chỉ là quan sát viên mà chưa phải thành viên của Liên Hợp Quốc trong khi Trung Quốc là một trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an
>>>thì ra báo đảng cũng đã công nhận VNCh là quan sát viên của LHQ…vậy thiof việt cộng chối sao đây
4) Thứ tư: các bạn hãy xem http://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a#Ngo.E1.BA.A1i_giao
Trích : Năm 1957, Việt Nam Cộng hòa đứng đơn gia nhập Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ đề cử. Đại Hội đồng (General Assembly) bỏ phiếu 40 thuận, 8 chống. Việc này chuyển lên Hội đồng Bảo an chung quyết. Liên Xô muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (CS Bắc Việt) cùng gia nhập nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ việc này nên cuối cùng Liên Xô phủ quyết đơn của Việt Nam Cộng hòa.
>>>vậy là VNCH đã vinh dự được LHQ xét duyệt để làm thành viên
________________
vấn đề cần nói đến ở đây là : Sau tất cả các dẫn chứng trên có thể thấy được điều gì: ….VNCH đã được quốc tế công nhận chủ quyền…VNCH lại là quan sát viên của LHQ….câu hỏi đạt ra là vậy LHQ có coi VNCh là 1 quốc gia hay không????
>>>Chắc chắn là có bởi vì nếu như LHQ chỉ coi VNCH là 1 thực thể tồn tại thì VNCH sẽ không có vinh dự khi được LHQ bỏ phiếu xét duyệt về vấn đề cho gia nhập thành viên,,,mặc dù không phải là thành viên của LHQ…tuy nhiên nếu họ chỉ coi VNCH là 1 thực thể tồn tại thì họ sẽ không mất công đề xuất xét duyệt bỏ phiếu như vậy
thêm 1 ván đề nữa nảy sinh đó là : VNCH được làm quan sát viên của LHQ …nhưng với tư cách là thực thể quan sát viên hay là 1 quốc gia quan sát viên….
>>> Khi đã có vị trí quan sát viên trong liên hiệp quốc ..khi được đại hội đồng Liên hiệp quốc trân trọng và xét duyệt cho làm thành viên (tuy chưa được)…lại được quốc tế công nhận ủng hộ là 1 quốc gia 1 cách rõ ràng…vậy thì không có lý do gì LHQ lại chỉ coi VNCH là 1 thực thể
>>>>qua đó cho thấy VNCH tuy chưa phải là thành viên nhưng lại là 1 quốc gia quan sát viên phi thành viên của LHQ và có trụ sở đạt tại LHQ như đã dẫn chứng ở trên
>>>>liên hiệp quốc coi VNCh là 1 quốc gia quan sát viên thường trực phi thành viên….thì cũng có nghĩa là họ đã công nhận VNCH là 1 quốc gia độc lập chủ quyền
Đây là những sự thật của lịch sử cần được biết đến để thấy rõ tính chính nghĩa của đất nước VNCH
.
linh linh linh
· 3 năm trước
5
Tán thành
6
Không tán thành
Xếp hạng của người hỏi
-
Lần này chưa thấy @Hoài Thu vào quậy phá câu trả lời của bác @VCGĐ làm tôi thấy lạ! Hay chính @HT cũng đang đồng cảm là cái đảng csVN mắc dịch đã phá hoại đất nước suốt 40 năm sau chiến tranh?
Ngoài ra cũng chưa thấy @Hoài Thu có phản ứng gì khi chính người trẻ @LLL cũng xuất thân từ xã hội của cs ra.
Đáng khen thay! -
-Không cần nói đến những chuyện quốc gia đại sự, chỉ nhìn vào những sự việc lẻ tẻ sau đây cũng đủ để thấy sự hiện hữu của Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia độc lập có chủ quyền, được cả Thế Giới Tự Do công nhận: Những chuyện nhỏ như chuyện con dân của quốc gia VNCH đã đoạt giải vô địch bóng tròn Đông Nam Á năm xưa; bóng bàn VNCH thì ở tầm cỡ thế giới, vô địch Á Châu; lực sĩ thể hình của VNCH cũng từng chiếm ngôi Lực Sĩ Đẹp Nhất Thế Giới (lực sĩ Nguyễn Công Án)… Ngay cả những lãnh vực khác như khoa học kỹ thuật, ví dụ như ngành Kiến Trúc thì VNCH cũng chiếm giải Khôi Nguyên Kiến Trúc của Thế Giới (kiến trúc sư Ngô Viết Thụ)…
Trong khi đó thì cái Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Bắc Việt) chẳng có ai biết đến cả, người ta chỉ biết đến họ như một tổ chức khủng bố, cái Mũi Xung Kích của Nga Tầu!
- Cũng không cần phải dẫn chứng xa xôi, chỉ cần đọc lại lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “…Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của Chính quyền Sài Gòn (tức Chính quyền Việt Nam Cộng hòa). Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên hiệp quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này…”
Lời tuyên bố đó đã cho thấy 2 sự thật:
1) Nay thì họ buộc lòng phải công nhận VNCH đã là một quốc gia có chủ quyền (Chứ nếu không có chủ quyền thì ông Dũng phải nói quần đảo Hoàng Sa trước đó thuộc quyền quản lý của Mỹ chứ không phải của VNCH!)
2) Chỉ có VNCH chiến đấu bảo vệ hải đảo, chống trả hành vi xâm lược của Tàu; và sau đó Mật Trận GPMN ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng của Trung Cộng.
Còn cộng sản Bắc Việt lúc đó chẳng những nín thinh để nhìn đất nước mình bị đồng chí Tàu xâm chiếm, mà họ còn ra sức đánh phá khắp nơi, buộc quân lực VNCH phải trải quân ra đối phó với chúng trên đất liền, góp phần cho Tàu chiếm Hoàng sa dễ dàng hơn, đến nỗi những đơn vị trừ bị của VNCH như Không quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Hải đã được lệnh ứng chiến chờ được đưa ra tiếp viện Hoàng Sa, nhưng lệnh đó phải bị hủy bỏ vì VNCH phải ưu tiên cho việc đối phó với quân Bắc Việt trên đất liền!
SỰ THẬT LỊCH SỬ đang được phơi bày! Bộ mặt thật của quân gian trá bán nước buôn dân đang hiện nguyên hình. -
Câu trả lời được Y! đánh giá uy tín: http://vnsat.org/tintuc/danhsachtin.htmlNguồn: Câu trả lời được Y! đánh giá uy tín: http://vnsat.org/tintuc/danhsachtin.html? · 3 năm trước1Tán thành0Không tán thành
-
Hiệp định Giơ Ne Vơ 1954 được thực hiện thì chia đôi Việt Nam và có 2 chính quyền ở 2 nửa đất nước. Bên nào thắng thì bên ấy được tiếp tục xây dựng và tiến lên.
Thủ tướng vẫn phải kế thừa và tiếp tục gánh trọng trách mà chính quyền cũ để lại là do luật pháp quốc tế quy định như vậy. -
Lại một kì tuyển sinh Đại Học, Cao ,Đẳng nữa lại qua và như mọi năm thông tin tuyển sinh của những ngành hot vẫn chuyếm được đông đảo lượng thí sinh đăng kí. Có thể kể đến một số ngành như Kinh Tế, Công nghệ thông tin, kỹ sư, vv. Bên cạnh đó có những ngành tuy đã có nhiều sự hỗ trợ nhưng số lượng học viên đăng kí theo học vẫn ở mức thấp. Tiêu biểu như ngành sư phạm mầm non.http://congthuonghn.edu.vn/nganh-giao-vien-su-pham-mam-non-khat-nhan-luc/
-
đây là một âm mưu biến VN thành Triều Tiên và Hàn Quốc- Có điều thằng Tàu nó chọc gậy bánh xe. nó bắt tay với Mỹ để chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Trở lại câu hỏi của bạn: VNCH hay VNDCCH thực chất cũng là người VN thội. -
Sinh Viên Thủ Đô thì vô Văn Miếu vượt hàng rào an ninh để sờ đầu Cụ Rùa lấy may. Giáo Sư Hà Đình Đức thì bơi ra Hồ Gươm để Sờ Đuôi của Cụ Rùa để nghịch...
Cho Hỏi ai ai cũng như đám vô văn hóa, mất dạy này thì các di tích của VN có còn tồn tại được nữa hay không?
Tại sao VN không (Phê bình nghiêm khắc họ) nhất là nhà (Dùa học) Hà Đình Đức ạ.https://s.yimg.com/tr/i/eabb8046c74042e58813841520d10898_A.jpegẨn danh · 3 năm trước1Tán thành1Không tán thành -
Bài ngiên cứu của bạn LLL thật đáng khen, chứng tỏ v+ không thể nhồi sọ người VN, vẫn có những con người khao khát sự thật !!! Tuy nhiên, tôi cũng xin tặng thêm vào bài ngiên cứu của bạn LLL một sự thật hiển nhiên là mã số vùng điện thoại của VN "84" chính là mã số vùng của Saigon ngày xưa trước năm 1975, Bắc Việt KHÔNG CÓ mã số vùng !!! Đó là chứng cớ cho thấy Bắc Việt không liên lạc với thế giới. Cho đến khi cướp được Miền Nam chúng xin số vùng thì cơ quan truyền thông quốc tế chỉ có thể cấp số đã có sẵn, không thể thay đổi, đó là số của Saigon !!! Cũng vậy, mã số phi cảng chúng cũng không thể xin thay đổi, vì thế cho nên dù ép buộc dân VN phải viết tên Saigon bằng TPhcm, chúng vẫn không thể xin thay đổi mã số phi cảng TSN là SGN !!! Cũng nói luôn là mã số phi cảng của Hà nội cũng chỉ mới được cấp phát !!!
-
đó là lý do tại sao tụi cs Bắc Việt dựng lên cái nhóm Mặt trận phỏng giái miền Nam VN để tiến hành cuộc chiến tranh cướp nước và treo cờ phỏng giái xanh đỏ khi tiến chiếm miền Nam...để che mắt quốc tế