Câu chuyện đang chấn động: Người cha mải miết tìm con
TT – Ở một công viên nhỏ thuộc thị xã Đồng Xoài
(Bình Phước) vào 2g sáng, người đàn ông có khuôn mặt hốc hác nằm trên
ghế đá, chân gác lên chiếc xe máy cũ nát có gắn hai tấm bảng “tìm con bị
bắt cóc”.
Anh Huynh dò tìm con trong từng ngôi chợ, qua từng người dân – Ảnh: Mai Vinh |
Bé Vương, con trai anh Huynh, bị mất tích – Ảnh do gia đình cung cấp |
Hình ảnh ấy lặp đi lặp lại gần như mỗi ngày với người đàn ông khốn khổ đi tìm con – Lương Thế Huynh (44 tuổi, xã Tà Nung, Đà Lạt). Tôi lay nhẹ cánh tay đánh thức anh, anh bật chồm dậy chụp giữ tay lái chiếc xe máy.
Từ trong túi áo khoác rơi ra xấp ảnh con trai mới 3 tuổi Lương Thế Vương với nụ cười tươi rói. Tay xoa vội bức ảnh của con như sợ bị trầy, anh phân bua: “Lỡ đường nên không kịp xin ngủ nhờ nhà dân, đành nằm tạm công viên rồi sáng đi tiếp”.
Gặp người nào đậm người, tóc màu hung anh Huynh cũng kéo lại, mặt mếu máo hỏi dồn giọng van xin: “Chị ơi, chị có giữ con tôi không, nó mới 3 tuổi thôi, cho tôi xin lại đi, tôi lạy chị”. Nhiều người hốt hoảng nhưng khi nhìn thấy chiếc xe gắn bảng tìm con và bộ dạng thảm thương của anh thì họ thông cảm và an ủi |
Chị ĐÀM THỊ THỦY (Đắk Nông) |
Vô vọng kiếm tìm
Theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, ngày 21-6-2015 anh Huynh đưa
con trai út Lương Thế Vương về nhà cũ của gia đình nằm trong một rẫy cà
phê cách nhà mới khoảng một cây số. Do cần đi ra vườn, anh Huynh để
Vương tự chơi một mình trong nhà.Lúc này, cổng và cửa nhà vẫn mở nhưng tầm nhìn bị khuất. 5 phút sau, anh nghe tiếng Vương gọi “bố ơi, bố ơi”. Nghĩ là mình đi lâu con gọi làm nũng nên anh chưa vào ngay mà làm cho xong việc. Chỉ một lát sau, tiếng con thét lên: “Bố ơi, cứu con với”.
Anh bỏ chậu cám đang cho cá ăn chạy vào thì không thấy con đâu.
Tiếng gọi tuyệt vọng của con ám ảnh anh Huynh suốt những ngày đi tìm con. Nhắc đến đó, nước mắt ậc ra trên khuôn mặt người đàn ông héo sọm sau bảy tháng tất tả tìm con. “Nếu mình vào sớm hơn thì giờ này mình đang ôm con ở nhà rồi, trời ơi, nếu…” – anh Huynh thảng thốt.
Ngay hôm đó cho đến hai tháng sau, cơ quan điều tra và người trong gia đình quần nát cả cánh rừng thông và cà phê ở khu vực Tà Nung nhưng không cho thấy một kết quả nào. Cơ quan chức năng tuyên bố vẫn tiếp tục tìm kiếm nhưng sự thương con không cho phép anh Huynh ở nhà chờ đợi.
Trong cảnh túng quẫn, vợ anh, chị Lê Thị Yến, tháo chiếc nhẫn cưới và sợi dây chuyền hộ thân bán dồn tiền đưa anh lên đường đi tìm con.
“Tôi và vợ nói với nhau rằng ở nhà thấp thỏm chờ đợi mà không có ích gì, chi bằng vợ ở nhà nuôi con gái, còn tôi cứ lang thang đi tìm, biết đâu rủi may mà gặp lại cháu Vương” – anh kể.
Anh sửa sang lại chiếc xe máy, in hình con kèm thông tin liên lạc dán khắp quanh xã, rồi lan dần sang các huyện lân cận. Không yên tâm, anh mang tờ rơi và ảnh con sang các tỉnh khu vực Tây nguyên.
Thấy cách làm trên vừa tốn kém vừa không mấy hiệu quả nên anh nghĩ ra cách làm một tấm biển gắn lên xe máy để chạy đi khắp nơi gây sự chú ý cho mọi người, với mong muốn nhiều ánh mắt tìm con cùng mình.
Thấy cảnh anh lặn lội, nhiều người thương xót, nói “mò kim đáy bể biết chừng nào ra”. Anh chỉ lặng thinh và đi tiếp, chở tấm biển đến khắp các chợ, bến xe. Nơi đâu xe đến, nơi ấy người dân xúm lại quan tâm hỏi han, lấy điện thoại lưu lại thông tin.
Anh Huynh tâm sự: “Biết là mò kim đáy bể nhưng mình cứ mò đi, làm tung tóe nước lên thì kim cũng lòi ra. Con mình mà, nếu nhỏ hơn cả cây kim ngoài biển cũng phải tìm”.
Ăn gói xôi đỡ đói – Ảnh: Mai Vinh |
Lần theo dấu vết
Từ những chuyến xe chạy rong khắp khu vực từ thành thị đến những vùng
sâu ở khu vực Tây nguyên, thông tin đã lan ra và xuất hiện nhiều tin
báo. Những tin báo của những người không quen biết khiến con người đang
đuối dần trong hành trình tìm con như khỏe lại.Chỉ cần một thông tin nói rằng ở đâu có người giống con mình là anh lại lên đường. Và có những lần tưởng như chỉ trong một chút mong manh nào đó, con lại về với gia đình anh Huynh.
Ở bến xe Tùng Nghĩa (Đà Lạt), người xe ôm đã cung cấp cho anh thông tin có một người phụ nữ chừng 45-50 tuổi, tóc màu nâu có ôm theo một đứa bé khoảng 3 tuổi nhưng đứa bé cứ khóc quấy, không chịu nín.
Người xe ôm nghi người phụ nữ và cháu bé không cùng huyết thống, cháu bé lại giống tấm hình anh Huynh cho xem nên cung cấp thông tin cho anh. Anh đã dành nguyên ba ngày tìm ở khu vực bến xe và chợ Đà Lạt nhưng không có kết quả.
Đang tính đi nơi khác thì tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), chị Đàm Thị Thủy, bán cháo dinh dưỡng ở phường Gia Thạnh, gọi báo có người phụ nữ nhân dạng như anh Huynh mô tả có ôm theo một bé trai ghé quán cháo.
Người này tìm mọi cách cháu bé vẫn không chịu ăn và khóc ré liên tục, thậm chí đánh người phụ nữ này. Chị Thủy tới dỗ và cho ăn, cháu mới để yên.
Chị Thủy kể: “Hình ảnh đó khiến tôi suy nghĩ, sáng hôm sau tôi kể với vài người quen thì họ nhắc tới chuyện của anh Huynh và bảo tôi gọi cho anh”.
Anh Huynh lại tức tốc đi Đắk Nông trong ngày bằng chiếc xe cà tàng của mình. Người dân địa phương đã giúp anh đi tìm nhưng sau một tuần ở thị xã Gia Nghĩa, không có một tín hiệu tốt lành nào.
Chị Thủy kể: “Gặp người nào đậm người, tóc màu hung anh Huynh cũng kéo lại, mặt mếu máo hỏi dồn giọng van xin: “Chị ơi, chị có giữ con tôi không, nó mới 3 tuổi thôi, cho tôi xin lại đi, tôi lạy chị”.
Nhiều người hốt hoảng nhưng khi nhìn thấy chiếc xe gắn bảng tìm con và bộ dạng thảm thương của anh thì họ thông cảm và an ủi”.
Và có lần anh và trinh sát Công an tỉnh Lâm Đồng mặc áo blouse trắng của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) để quan sát từng đứa trẻ ra vào bệnh viện từ một nguồn tin báo ở Cần Thơ. Dù lục tung bệnh viện và tìm những đứa trẻ giống con anh nhưng không có kết quả.
Anh bảo: “Lúc nghe tin ở bệnh viện có đứa trẻ giống con mình, hào hứng bao nhiêu rồi khi không tìm ra được thất vọng bấy nhiêu”. Lần đó, quá buồn nên khi ra về anh như lẫn trí, không nhớ ra phải trả chiếc áo blouse trắng cho bệnh viện. Cứ thế anh mặc về đến nhà ở xã Tà Nung.
Anh Huynh ngủ trên ghế đá công viên trong hành trình tìm bé Vương – Ảnh: Mai Vinh |
Con còn quanh đây…
Và cứ thế, bảy tháng trời anh theo những tin báo đi khắp nơi. Tính
đến nay anh đã đi qua 12 tỉnh. Trên xe tấm bảng tìm con vẫn còn nhưng
biển số thì đã rơi lúc nào không biết. Bộ lốp xe cũng mòn vẹt, mặt lốp
không còn vân. Yên xe cũng không còn thể gọi là yên xe khi đã nát bươm.So với ngày chúng tôi gặp anh để ghi nhận thông tin khi vụ việc mới xảy ra cách đây ba tháng, hình dung anh Huynh giờ đã quá thay đổi. Anh đen đi nhiều. Râu tóc dài ra.
Anh Huynh giải thích: “Đi suốt, tối kiếm hiên nhà, công viên mà ngủ. Thỉnh thoảng xin được người dân tắm xong là đi ngay chứ có dám ở lâu. Phiền người ta”.
Để tiết kiệm anh thường xuyên ăn xôi, rẻ mà no lâu. Sáng ra ghé mua một hộp, nhón một ít ăn sáng, phần còn lại ăn vào chiều muộn thay cho bữa trưa và tối. Dáng đi của anh lúc này không còn nét khỏe như trước đây.
Anh kể mấy lần té lộn cổ khi đi trên đường ban đêm. Trên tay anh cũng chi chít những vết sẹo, trầy sướt mới cũ.
“Mấy vết thương này có là gì, phải chấp nhận, cơ hội gặp con có thể qua bất cứ lúc nào nên đêm hôm có nguy hiểm cũng phải đi để tới nơi sớm nhất” – anh Huynh bảo.
Những chuyến đi đã đẩy gia đình anh từ khó khăn thành túng quẫn. Anh đã gọi về cho vợ bảo rao bán đất. Anh đi một vòng Đắk Nông rồi sẽ quay về mang tiền lên đường tiếp tục đi tìm con.
Đi ngang một bàn thờ lập dọc đường, anh Huynh dừng lại thắp nhang. Anh ngồi nghỉ khá lâu rồi quay ra nói: “Mình cảm giác con mình còn quanh đây, không có đi xa đâu. Tôi nghe vọng đâu đó là sẽ gặp con trong tết này”.
Nói rồi anh bật dậy lên đường ngay. Vội vã như nếu chậm lại thì sự tình cờ, may mắn sẽ trôi qua và anh không còn tìm thấy con.
Hỏi anh sẽ ăn tết ở đâu, anh bảo chắc là trên đường đi, chừng nào gặp con là tết. Anh vừa nhờ người dịch thông tin tìm con thành tiếng Campuchia. Anh sẽ đi dọc biên giới Việt Nam – Campuchia để thông báo chuyện của mình.
Anh bảo: “Lỡ đâu ở cái chỗ không ngờ tới ấy mình gặp lại con”. Rồi anh đạp máy, phải hơn chục lần xe mới chịu nổ máy. Xe anh đi chầm chậm rồi khuất dần trên con đường Tây nguyên đã vào không khí tết về rầm rập.
Với anh Huynh, lúc này không có tết. Anh vẫn đang đi tìm con, mải miết trên dặm dài thiên lý. Anh bảo: “Còn thở tôi còn đi tìm cháu, có thể không gặp được nhưng tôi không thể làm khác vì tôi là cha. Mình đi tìm cháu thì có khi lớn lên cháu sẽ đi tìm lại mình, rồi…”.
Chữ “đoàn tụ” bị nghẹn lại trong anh, không thốt ra được.
Đã hơn nửa năm nay, anh Lương Thế Huynh miệt mài đi tìm con bị bắt cóc. Câu chuyện của anh khiến nhiều người rơi nước mắt – Ảnh: Mai Vinh |
Được tiếp sức
Hành trình của anh Huynh không đơn độc, suốt bảy tháng đi tìm con,
anh nhận được không biết bao nhiêu là sự chia sẻ từ lời động viên đến
những đồng tiền nho nhỏ. Anh kể nhiều khi không còn tiền đổ xăng, dắt xe
đi dưới nắng chang chang, có tài xế xe tải dừng xe trước mặt rồi mang
tiền cho.Tài xế đó bảo: “Tui không biết giúp gì, thôi thì cầm ít đổ xăng, ráng tìm con, đừng bỏ cuộc”. Anh khoe hộp xôi: “10.000 đồng đó, nhưng bà chủ không lấy tiền, bảo trưa có đói thì quay lại lấy thêm”. Bây giờ, anh Huynh không còn đi tìm con một mình. Những dòng tin trên Facebook đã khiến những cuộc điện thoại đổ dồn về. Có cả những cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi động viên. Có những cuộc điện thoại chỉ để hỏi anh tìm được con chưa và hứa “tôi thấy có ai giống tôi báo ngay”. Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết Công an tỉnh Lâm Đồng đã lập chuyên án tìm cháu bé nghi bị bắt cóc. Có nhiều lý do khiến manh mối để lần ra tung tích cháu bé chưa xuất hiện. Hiện chuyên án này vẫn đang tiếp tục và các điều tra viên vẫn tiến hành. Phạm vi tìm kiếm được mở rộng ra ngoài tỉnh Lâm Đồng. Ông Sơn cho biết thêm: “Nhiều lần tưởng đã tìm được cháu bé nhưng khi lực lượng đến thì dấu vết mất hút”. |
MAI VINH
Nguồn: http://saigonplanner.com/cau-chuyen-dang-chan-dong-nguoi-cha-mai-miet-tim-con/#
Nguồn: http://saigonplanner.com/cau-chuyen-dang-chan-dong-nguoi-cha-mai-miet-tim-con/#
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét