Từ nhạy cảm đến mất nước xa bao nhiêu ?
Trong chế độ nhà nước Cộng sản ở Việt Nam, đến cuối năm 2015 và sau 40
năm thống nhất đất nước, không có Lịch sử Dân tộc mà chỉ có Lịch sử Đảng
nên không ai dám nói khoảng cách giữa tránh “nhạy cảm” với Trung Quốc
đến chỗ mất nước là bao xa.
Lý do của sợ hãi vì nói ra sẽ bị trù dập, có khi đến mục xương trong tù
và hoạ còn lây đến tận 3 đời dòng họ. Nhưng thiếu khí phách của một bộ
phận trí thức đảng, trong đó có trách nhiệm rất lớn của 6,000 hội viên
Hội Khoa học Lịch sử với bề dầy 49 năm họat động cũng phải minh bạch.
Nhiều người trong số họ đã bị lôi vào thói quen vô cảm vì “mọi việc đã
có Đảng và Nhà nước lo” nên tự hạ thấp nhân cách để viết sử theo ý đảng,
dù biết làm như thế là trái với lòng dân.
Vì vậy mà mọi người đã thắc mắc : Tại sao cho đến bây giờ mà Hội Khoa
học Lịch sử Việt Nam vẫn còn phải kiến nghị :” Trong lúc chưa biên soạn
sách giáo khoa mới, cần bổ sung nội dung về lịch sử xác lập và đấu tranh
bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” ?
Đáng lý ra Hội Khoa học Lịch sử đã phải làm hơn việc chỉ biết “kiến
nghị” bằng các bài viết phản bác công khai cho dân biết để giáo dục con
em, chứ lỡ lòng nào lại để kéo dài tình trạng nói dối với học sinh và
lịch sử như thế ?
Hãy tính từ khi Hòang Sa rơi vào tay quân Tầu tháng 1/1974 đã là 41 năm
mà tên Hòang Sa không có trong sách sử thì lấy lý do nào để trách Trung
Quốc không muốn nhắc đến chuyện Hòang Sa mỗi khi phía Việt Nam nói đến ?
Ngay phiá chính quyền CSVN cũng không nhìn nhận 74 chiến sỹ Việt Nam
Cộng hòa hy sinh trong trận chiến bảo vệ Hòang Sa thì Hòang Sa của ai ?
Đến Trường Sa thì cũng đã qua 27 năm kể từ trận chiến để mất 7 đảo và
bãi đá vào tay quân Tầu tháng 3/1988 và 64 người lính Quân đội Nhân dân
bỏ mình ở đó, nhưng học sinh Việt Nam lại không được học về Trường Sa
thì ai là chủ của quần đảo này ?
BIỂN ĐẢO Ở ĐÂU 30 NĂM ?
Nhưng khi thắc mắc như thế thì phải hỏi kẻ nào đã ra lệnh không ghi hai
quần đảo của Tổ tiên để lại vào sách sử ? Và những bài viết và kiến nghị
của Hội Khoa học Lịch sử có đến tai các Tổng Bí thư và Bộ Chính trị từ
thời Khóa đảng VI (Nguyễn Văn Linh), sang Đỗ Mười (Khoá VII), qua Lê Khả
Phiêu (Khóa VIII), rồi đến Nông Đức Mạnh Khoá IX và X) để cuối cùng đến
khoá XI (Nguyễn Phú Trọng) và sắp đến khóa đảng XII ?
Chẳng nhẽ những người đứng đầu có trách nhiệm này đều tai điếc từ bẩm
sinh nên đã không nghe thấy, mắt họ đều mờ nên không đọc được nên không
phản ứng gì ?
Cùng đồng lõa với đảng còn có cả Quốc hội từ khoá đảng VI với thời gian
30 năm dài đến khóa đảng XI năm 2011 cũng đã làm thinh trước sự việc
sách sử không ghi Hòang Sa và Trường Sa thì nhân dân biết nói sao ?
Cũng nên biết trong số các Đại biểu Quốc hội còn có cả ông Dương Trung
Quốc, Nhà sử học, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử mà cũng phải nhắm mắt
theo chân số đông để mò mẫm đi tìm sự thật thì lấy đèn đâu để soi cho
dân nhờ ?
Thắc mắc này cũng đã được nêu lên tại cuộc “Hội thảo khoa học Quốc gia
về dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” tổ chức tại Đà Nẵng
hồi tháng 08/2014 tập trung vào chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Báo Giáo dục Việt Nam tường thuật ngày 24/08/2014: “ GS.TS. Nguyễn Quang
Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã khẳng
định trong bài tham luận của mình: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa
và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của lớp các
thế hệ người Việt Nam từ thời Vương quốc Chăm Pa cho đến Chúa Nguyễn,
Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay… Thế mà có cả một thời
gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để
rồi lịch sử của một đất nước không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển
đảo thiêng liêng. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân
và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”.
Nhưng ai đã ra lệnh coi việc xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên Hòang Sa và Trường Sa là “nhạy cảm”, và “nhảy cảm với ai” ?
Nếu ai đó trong Lãnh đạo CSVN xem việc đụng đến hai quần đảo này là chạm
đến Trung Quốc nên phải tránh thì có khác nào đã tự ý dâng đất Tổ tiên
cho ngọai bang ? Và cũng đã thừa nhận Công hàm năm 1958 nhìn nhận chủ
quyền của Trung Quốc ở Hòang Sà và Trướng Sa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
là chính xác ?
Báo GDVN viết tiếp : “ Một trong những vấn đề nóng hổi thu hút sự quan
tâm và thảo luận của các đại biểu Về yếu tố lịch sử và pháp lý quốc tế,
Hiến pháp và nhiều bộ luật của Việt Nam đều khẳng định chủ quyền về 2
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách giáo khoa Địa Lý Việt Nam bậc học
phổ thông cũng đã đề cập vấn đề chủ quyền của 2 quần đảo này là của Việt
Nam. Nhưng SGK môn Lịch sử phổ thông lại không có một dòng nào với tên
gọi là “chủ quyền” khi viết về Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thời gian gần đây, “vấn đề Biển Đông” lại được đề cập nhiều hơn
trên các phương tiện truyền thông thì những kiến thức về “chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ” càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ nói chung
và học sinh phổ thông nói riêng, càng nên khẩn trương được bổ sung vào
nội dung chương trình môn Lịch sử.”
Cũng tại cuộc Hội thảo này, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học
Lịch Sử Việt Nam cho hay: “Hội KHLS đã có công văn kiến nghị với Ban
Tuyên giáo TW và Bộ GD&ĐT phải nhanh chóng đưa nội dung về chủ quyền
quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy cho học sinh phổ thông. Nếu
lớp trẻ lớn lên không hiểu biết hoặc hiểu biết rất lơ mơ về vấn đề này
thì rất nguy hiểm... Không trang bị những kiến thức cơ bản ấy là có tội
với thế hệ trẻ, có tội với lịch sử”.
SỬ ĐẢNG HƠN SỬ DÂN TỘC ?
Vì lý do đảng không muốn cho dân biết sự thật về lịch sử dân tộc nhưng
lại tìm mọi cách để khoe sử không thật của đảng nên môn sử không được
học trò muốn học là vì thế.
Thạc sỹ Đào Tiến Thi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
viết: “ Trong bộ Lịch sử Việt Nam (2012), giai đoạn từ thành lập Đảng
(1930) – 2005 chiếm 1134 trang, tức hơn 1/ 3 dung lượng bộ sách, trong
khi về thời gian nó chỉ có 75 năm (75 năm/ 2700 năm kể từ khi vua Hùng
lập nước).
Chính sử được viết mất cân đối như vậy nên môn Sử trong nhà trường cũng
mất cân đối theo và còn mất cân đối hơn: Học sinh chủ yếu học lịch sử
hiện đại (từ thành lập Đảng). Và nhất là, thi tốt nghiệp, thi đại học
cũng chỉ ra trong phạm vi này, chưa bao giờ ra các giai đoạn trước đó.
Thói thường với nền giáo dục “thiết thực” của ta, chỉ cái gì thi thì mới
học, thành ra học sinh chỉ biết lịch sử đất nước “từ khi có Đảng”, còn
lại mấy nghìn năm của dân tộc thì mơ mơ màng màng. Bây giờ cứ thử hỏi
sinh viên kể tên các triều đại phong kiến Việt Nam thôi, tôi tin không
mấy sinh viên kể đủ và kể đúng thứ tự.” (Theo blog Nguyễn Xuân Diện
,30/11/2015)
Khi nói vế tính phô trương, chủ trương cả vú lập miệng em, đồng hoá sử
đảng vào sử dân, Thạc sỹ Thi viết: “Lịch sử dân tộc từ bao năm đã bị
đồng nhất vào lịch sử Đảng. Học lịch sử dân tộc chẳng khác gì học lịch
sử Đảng. Về Đảng lại chỉ toàn nói mặt hay, lờ đi những sai lầm hoặc bào
chữa cho những sai lầm hoàn toàn có thật. Trang sách lịch sử vì thế trở
nên một thứ tụng ca phiến diện và khô khan.
Có một vấn đề nhức nhối trong các bộ chính sử cũng như SGK Lịch sử kể từ
Hội nghị Thành Đô (1990) đến nay là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam
(do Khmer Đỏ gây ra trong sự xúi giục và hậu thuẫn trực tiếp của Đảng
Cộng sản Trung Quốc) và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 (do
Đặng Tiểu Bình – người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó – phát
động) vẫn cố tình bị “quên” đi. Ấy là chưa kể các cuộc xâm lược và chiếm
đóng quần đảo Hoàng Sa (1974), 7 bãi đá ở Trường Sa (1988) của Trung
Cộng.
Việc này không chỉ làm mất đi một mảng lịch sử chống ngoại xâm oai hùng
và bi thương mà nguy hiểm hơn: thế hệ trẻ không tin vào những gì chúng
học trong lịch sử nữa. Chỉ từ việc này mà lớp trẻ có quyền nghi ngờ,
rằng lịch sử mà chúng được người ta dạy thực ra đã bị cắt xén, bị “sáng
tác lại”.
Như thế thì học sử làm gì để bị đồng hoá với gian dối ? Thà đừng có lịch sử còn hơn.
Dó đó, thật buồn với “mệnh nước nổi trôi” khi chúng ta có thể hình dung
được những dòng nước mắt của ông Thi đang tuôi ra giữa những con chữ
nhạt nhòa: “Tôi rất đau xót khi dân mình ngày càng vô cảm với lịch sử
dân tộc. Nhưng một khi người dân thấy mình không có quyền gì với đất
nước, tức là thấy đất nước không phải là của mình, một đất nước “đã có
Đảng và Nhà nước lo”, thì tất nhiên họ thơ ơ, không sao trách được. Và
vì tất cả bạn bè, đồng nghiệp, anh em, cấp trên, các cán bộ an ninh,…
hầu như bao giờ cũng khuyên tôi nên biết sống cho mình và cho gia đình
mình. Và vì thế, chuyện quốc gia, xã hội trở thành chuyện viển vông, chỉ
dành cho những kẻ “phản động” hay “điên điên” mà thôi!”
Vậy thì có ý nghĩa gì khi Quốc hội khóa XIII ngày 27-11-2015 đã có Nghị
quyết xác định “tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình và sách
giáo khoa mới”.
Nhưng giữ nó ở chỗ nào, có bắt buộc không trong nền giáo dục vẫn còn là
chuyện nan giải. Phiá Hội Khoa học Lịch sử và nhiều giáo viên dạy sử đòi
phải đặt môn sử vào vị trí quan trọng hàng đầu và thay đổi cách dạy làm
sao hấp dẫn được học trò.
Nhưng muốn học sinh ham mê lịch sử thì trước tiên Lịch sử phải hết sức
trung thực, công bằng và trong sáng. Lịch sử Dân tộc không phải cũng là
lịch sử đảng chỉ biết nói hay, nói tốt cho đảng Cộng sản và Chủ nghĩa
Mác-Lênin và cái gọi là Tư tưởng “cách mạng dân tộc” của Hồ Chí Minh.
Còn những gì của đối phương Việt Nam Cộng hòa thì cũng xấu, trận nào
cũng thua to mà “quân ta thì tòan thắng”, không tổn thất gì ráo như sách
sử hiện đang lưu hành !
Ông Hồ Chí Minh là người Cộng sản và ông chỉ muốn lấy Chủ nghĩa Cộng sản
làm nền tảng xây dựng đất nước. Ông có tư tưởng dân tộc nhưng theo lối
“dân tộc Cộng sản” giáo điều và độc tài.
Nhưng đó là chuyện của những năm 1930-1954.
Từ 1954 đến 1975, con người Việt Nam không thuần nhất là Cộng sản mà còn
có cả khối trên 20 triệu dân chống Chủ nghĩa Cộng sản và chống cả ông
Hồ ở miền Nam Việt Nam, từ Vỹ tuyến 17 đến mũi Cà Mau.
Và sau đó, từ 1975 đến 2015, Thế giới Cộng sản do Nga Sô lãnh đạo đã tan
rã, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã thoái trào và lạc hậu. Cả thế giới chỉ còn
lại 4 Quốc gia theo Chủ nghĩa Cộng sản gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn
và Cuba.
Nhưng Trung Hoa lại bầy ra “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc”, theo
cách xào nấu của người Hoa. Việt Nam lại còn đang mò mẫm “bỏ qua chủ
nghĩa Tư bản” để “qúa độ lên Xã hội chủ nghĩa” mà, nói theo lời Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng thì : “ Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng
CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn
thiện ở Việt Nam hay chưa.” (báo Thanh Niên, 24/10/2013).
Trong khi Bắc Hàn thì tiếp tục nghèo nàn và lạc hậu và Cuba thì đã biết
chuyển hướng đề bình thường quan hệ ngoại giao với Mỹ sau 50 năm sống
lầm than với cái đầu gìa nua và ương ngạnh Fidel Castro !
Bây giờ, sau 30 năm gọi là “đổi mới”, Việt Nam chưa làm nổi con ốc vít.
Từ sợi chỉ, cây kim cho đến máy móc, hàng tiêu dùng và nhiều thứ khác
đều phải nhập vào từ Trung Quốc để lệ thuộc sâu thêm mỗi năm.
Từ lệ thuộc kinh tế, sách sử Việt Nam lại không dám xác quyết Hòang Sa
và Trường Sa là của Việt Nam mà Lãnh đạo đảng lại không dám động viên
nhân dân có quyết tâm bảo vệ lãnh thổ thì Việt Nam là của ai trong nay
mai ?
Cũng ngạc nhiên khi không thấy các nhà Khoa học và lý luận hàng đầu của
đảng, bấy lâu nay vẫn oang oang ra sức bảo vệ đảng có lý do chính đáng
để cầm quyền mãi mãi, đã không dám hé răng đòi điều tra cho ra kẻ cấm
không cho Hòang Sa-Trường Sa vào cách giáo khoa.
Những người này cũng im lìm để nghe lời tuyên bố của Tập Cận Bình:” Các
hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung
Quốc. Chúng tôi có tòan quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của
chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải” .
Nhưng tại sao những nhà thông thái của đảng lại lạnh cảm đến thế nên
không có gì khó hiểu tại sao giới cầm quyền ở Việt Nam vẫn chưa biết đo
xem từ chỗ tránh nói đến Hòang-Trường Sa để khỏi “nhậy cảm” với Trung
Quốc đến ngày nước mất là bao xa ?
Hay là những thoả hiệp bí mật ở Thành Đô (Tứ Xuyên) Trung Quốc năm 1990
giữa Nguyễn Văn Linh-Đỗ Mười-Phạm Văn Đồng và phiá Trung Hoa gồm Giang
Trạch Dân và Lý Bằng đã khóa miệng lãnh đạo Việt Nam và xoá luôn cả sách
sử của Dân tộc ?
Phạm Trần (12/015)
(SBTN)
Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=36989
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét