Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

H.O. ông là ai?

 H.O. ông là ai?

(Viết để chào mừng Đại Hội 25 năm H.O. sắp tổ chức tại Westminster.)



(Một nhóm chữ tắt gây nhiều tranh cãi nhất đã được phổ biến vào đầu năm 1990: H.O.

Có người cho là Human Operation, người khác lại cho là Human Objects! Một giới chức chuyên về thủ tục bảo lãnh, di trú thì quả quyết rằng đó chỉ là thứ tự trong chương trình Orderly Departure Program (Ra Đi có trật tự) mà thôi, khi đến nhóm những người tù cải tạo trên 3 năm, thì bất ngờ đến danh sách có chữ H. ở đầu, rồi người ta cho con số 0 tiếp theo ngay đó, để rồi nhiều người lầm lẫn gọi là H.O (Hát Ô). Mãi đến sau này, một người bạn cho xem lá thư của tướng Vessey, người tham gia vào kế hoạch này, mới biết: “H.O”. là viết tắt của hai chữ “Humanitarian Operation” (Chiến dịch Nhân đạo).

Chiến dịch này là gì?

Năm 1982, Nguyễn Cơ Thạch, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Cộng Sản Việt Nam đề nghị với Hoa Kỳ là sẽ trao cho Hoa Kỳ tất cả những tù nhân chính trị đã từng bị giam giữ từ năm 1975. Đề nghị này đã không được Hoa Kỳ chấp nhận ngay vì nghi ngờ thiện chí của Cộng Sản, đồng thời cũng e ngại rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ trà trộn những gián điệp vào trong nhóm những người được sang Mỹ.

Đến tháng 5 năm 1985, Phạm Văn Đồng lại tái đề nghị vấn đề này. Tổng Thống Ronald Reagan, sau khi xem xét vấn đề một cách kỹ lưỡng, đã chấp thuận trên nguyên tắc là sẽ nhận tất cả những sĩ quan, viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, từng bị tù đầy dưới chế độ Cộng Sản. Từ đó, ông đã giao cho Bộ Ngoại Giao lo tiếp xúc với Hà Nội để xúc tiến việc này. Ông Funseth, Phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ quan trọng này.

Sau khi Tổng Thống Reagan bật đèn xanh, thì dư luận Mỹ ủng hộ nồng nhiệt. Ông Paul D. Wolfowitz, Phụ Tá Ngoại Trưởng về vấn đề Đông Nam Á Châu và Pacific, nói: “Cá nhân tôi nghĩ rằng không ai xứng đáng được vào Hoa Kỳ dưới diện tị nạn hơn là những ai từng bị đầy đọa trong tù chỉ vì có liên lạc với chúng tôi. Đón nhận việc thả tù chính trị là một trong các mục đích quan trọng nhất của chương trình Tị Nạn của người Mỹ.”

Nhiều tờ báo Mỹ hoan hô việc này và nói: “Chúng tôi không thể hình dung ra được giây phút hạnh phút nhất của người Mỹ chúng tôi khi chúng tôi đón nhận nhóm cựu tù chính trị đầu tiên vào nước Mỹ.”

Dân biểu Robert Dornan thuộc Garden Grove, thì mong viếng thăm Hà Nội với một phái đoàn Mỹ để tìm thêm tin tức về những người Mỹ mất tích trong chiến tranh cũng như để áp lực Cộng Sản thả hết tù nhân chính trị.

Trong khi đó, thì cộng đồng Việt Nam trên toàn nước Mỹ hân hoan đón nhận tin này. Đặc biệt, bà Khúc Minh Thơ là người đã kiên trì đi tìm danh sách các quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng Hòa từng bị tù đầy để nộp lên Bộ Ngoại Giao. Nhóm bà Khúc Minh Thơ làm việc không nghỉ để tìm cho ra mọi tên tuổi của cựu tù chính trị, và mong không thiếu sót một ai. Sau khi các cuộc thương lượng đạt được kết quả khá quan qua sự liên lạc như thoi đưa giữa cộng đống Việt và chính quyền Mỹ, thủ tục lo cho nhập cảnh vào nước Mỹ, vấn đề ăn ở của người Việt mới sang, được giao cho Cơ Quan Di Trú Tị Nạn để lo liệu. Cơ quan này, đặc biệt vô cùng, là được điều khiển bởi ông Tổng Giám Đốc người Việt Nam: Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hạnh, cho nên việc di chuyển bằng máy bay, ăn ở, trợ cấp, thuốc men, được tiến hành chu đáo. Nói tóm lại , đây là một trục hình tam giác. Bà Khúc Minh Thơ lo tìm hồ sơ, danh sách người tù, giao cho ông Funseth, người liên lạc với Cộng Sản, sau khi mọi chuyện xong xuôi, thì bàn giao cho cơ quan Di Trú, Tị Nạn để nơi đây lo các thủ tục di chuyển và hành chánh sau đó cho người tị nạn.

Từ đó, danh xưng “chương trình H.O.” ra đời. Ngày 5 tháng 1 năm 1990, chuyến phi cơ đầu tiên cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất đưa nhóm H.O. 1 đầu tiên sang Bangkok, để nơi đây làm trạm trung chuyển, phân phối người đi các tiểu bang, tùy theo có thân nhân bảo lãnh hay không. Nếu có thân nhân ở đâu, thì sẽ có máy bay đưa đến đó. Đa số “dân H.O. 1” đều có thân nhân bảo lãnh nên những ngày đầu tiên ở nước Mỹ có phần dễ thở hơn là những người không có thân nhân, bạn bè. Sau môt thời gian định cư tại Mỹ, để tìm hiểu đời sống của “dân H.O.”, cá nhân tôi đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn với một số chiến hữu đi theo diện H.O. như sau:

Ngày đầu tiên đến thăm anh Bực, một chiến sĩ Biệt Động, vì không có thân nhân họ hàng chi cả, nên được một gia đình Mỹ bảo lãnh qua New York. Tại đây, vì lạnh quá, hai đứa con anh cứ chẩy máu mũi hoài, chịu không nổi, anh ngỏ ý muốn về California để có khí hậu tốt hơn, thì bạn bè và ông Sponsor cho tiền anh mua vé xe buýt về Quận Cam. Tới nơi, được một người bạn cho “share” cái gara, không giường, chỉ có mấy cái nệm rách. Người viết đến thăm, thấy những cặp mắt ngơ ngác đang ngồi co gối trên nệm nhìn lên. Hỏi chuyện, anh Bực cho biết:

-Hôm qua, hai đứa con tôi vẫn chảy máu mũi. Tôi dắt vợ và cõng con đi dọc đường Bôn Xa, thấy phòng mạch nào của Viêt Nam cũng gõ cửa, xin giúp cho con tôi ngưng chẩy máu mũi, nhưng không ông bà nào thèm rớ tới. Họ còn nhăn mặt, nhìn chúng tôi như nhìn những con khỉ trong sở Thú ấy…

Ngao ngán, thở dài. Người viết cũng không biết làm gì hơn là gọi đến một anh bác sĩ quen, nhờ giúp. Anh bạn Lương Y như Từ Mẫu này mau mắn nhận lời và giục anh Bực dẫn con đến khám gấp.
Sau khi từ giã anh Bực, đến thăm anh Nghĩa, thì anh độp ngay một câu hỏi:

-Này, anh có rành về luật không? Cho tôi hỏi về chuyện li dị được không?
-Sao vậy? Anh chị định chia tay nhau hay sao?

-Không phải tôi! Mà vợ tôi. Từ hôm sang đây, tôi cứ cắm đầu cắm cổ đi làm, thử mấy nghề với mấy anh bạn, nhưng cũng chưa đi đến đâu. Xe thì không có. Tôi đi xe buýt. Tự dưng, cô ấy cứ nằng nặc đòi ly dị. Nghe đâu, lúc cô ấy được bạn dẫn đi chơi, tới nhà bạn, gặp môt thằng Tếch Ních Xân nào đó dụ dỗ, thế là cô ấy cứ đòi bỏ tôi. Tôi nhất định không ký. Không biết có sao không? Trường hợp tôi không chịu, không biết tòa có xử cho cô ấy thắng kiện không?

-Thế ý anh thì sao?

-Tôi cũng không tha thiết lắm. Người ta không ưa mình nữa, thì giữ cũng chả ích gì. Tôi chỉ muốn cô ấy ở lại cho đến khi tôi học xong, tôi có đủ phương tiện nuôi con, lúc ấy cô ấy muốn đi đâu thì đi.

-Nguyên nhân làm sao mà chị ấy lại cứ đòi chia tay?

-Thì .. tại tôi khố rách áo ôm, không tương lai, không job, cô ấy chán!

Nghe hỏi, mà người viết cũng chẳng biết cố vấn ra sao, chỉ biết khuyên anh bạn cố nhẫn nhịn, giải thích cho vợ hiểu về tình mẹ con, may ra đánh động được tình cảm mẫu tử của người mẹ mà chấp nhận thêm một thời gian.

Trường hợp cựu Đại Úy Phong thì bi đát hơn. Khi còn ở tù Việt Nam, bà vợ đã lăng nhăng rồi. Sau khi anh về được vài tháng thì bà vợ bỏ đi với người khác. Nhưng đến lúc nghe nói anh chồng cũ sắp đi H.O., thì chạy về, năn nỉ xin cho đi theo. Nghĩ tình xưa nghĩa cũ, anh bỏ qua mọi việc và làm giấy tờ cho bà vợ đi. Những tưởng sang Mỹ thì bà ấy thay đổi, ai ngờ, chỉ có 3 ngày thôi, sáng thứ 4, anh ngủ dậy, không thấy vợ đâu, ngoài một tờ thư nhỏ: “Xin lỗi anh nhé. Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi!” Hóa ra, trong 3 ngày mới chân ướt chân ráo, bà ấy đã liên lạc được với một người tình cũ, và sáng ngày thứ 4 thì người tình mang 4 ngựa đến rước nàng về dinh mới…

Anh Hùng, có tên trong trại là “Hùng Rống” vì hát rất khỏe, lại gặp cảnh oan trái khác.

Khi đến phi trường, ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ muốn xỉu, cũng chẳng thấy ai đến rước. Mãi đến tối, mới thấy ông con trai lái xe BMW đến, nhìn anh cũng chẳng chút tình cảm bố con nào, tửng tửng nói:

-Má không đến đón ba được. Má lấy chồng rồi. Má bảo lãnh cho ba để trả ơn thôi, con sẽ đưa ba về ở tạm nhà má rồi kiếm nhà khác cho ba ở.

Anh Hùng bàng hoàng đi theo con ra xe. Đến nơi, anh định nhấc chiếc va li lên để vào trong thùng xe, ông con giơ tay cản lại:

-Ba! Cẩn thận! Chiếc xe BM này con mới mua, ba đừng làm trầy!

Nỗi giận muốn bùng lên, nhưng vì đã tù bao năm, chịu đựng quen rồi, anh cố ráng khéo léo để lọt chiếc vali vào thùng xe mà không chạm đến chỗ nào… Chiếc xe lao đi vun vút. Ông con trai, đã gần 20 thong thả cho bố hay là “mẹ con vượt biên sang đây, nghèo khổ, nếu không có ông Dượng thì đã tiêu tùng. Ông Dượng cưu mang tụi con, cho đi học, chỗ ăn ở đàng hoàng, nên má phải lấy ổng để trả ơn chứ?”

Tim Hùng đau như dao cắt. Số phận nghiệt ngã đến thế là cùng. Đến nhà, anh gặp người vợ trẻ trung tiếp anh như tiếp người khách lạ. Bà lạnh lùng nói anh là “nên ký vào Quitclaim, cho xong duyên nợ!” Anh ngẩn người ra. “Quít lem là cái gì?” Bà vợ bảo, nếu anh không hiểu thì chờ luật sư giải thích rồi bỏ vào phòng.

Anh Hùng ngủ ở sa lông, không có liên lạc nhiều với người ngoài vì mỗi khi anh nhấc điện thoại lên, hình như ở đầu dây bên kia cũng có tiếng lụp cụp. Có lẽ là ông chồng mới hay chính bà vợ anh nghe lén? Nhưng rồi anh cũng liên lạc được với một, hai người bạn tốt. Vì con không chịu giúp anh học lái xe, bạn anh dậy, và giúp anh đi thi. Đậu rồi, anh được bạn cho một cái xe cùi, anh lái tuốt lên New Orland kiếm việc và đi xa nơi ngạt thở này. Điều anh hận nhất là vì anh có vợ bảo lãnh, nên không nhận được trợ cấp gì cả!

Một cựu chiến sĩ khác, anh Nguyễn Xuân, cũng mệt mỏi không kém. Anh kể:

-Anh biết không? Tôi qua đây nhờ người bạn của ông cụ bảo lãnh. Vì gia đình tôi không có ai ở Mỹ cả, đành nhờ ông ấy đứng tên bảo lãnh. Đi tuốt sang Louisiana, lạnh khủng khiếp, cả hai vợ chồng phải đi làm cho ông ấy, trả nợ bảo lãnh? (Thiệt ra, có bảo lãnh trên giấy tờ thôi, còn chúng tôi đi theo diện H.O. là đương nhiên được đi mà!) Vậy mà ông ấy lừa chúng tôi. Ông có mấy cái chợ, bắt hai vợ chồng tôi đứng từ 4,5 giờ sáng chờ xe hàng chở đồ tới. Đứng ngoài cửa kho, lạnh cóng người, quần áo bịt kín hết người, chỉ trừ hai con mắt. Lạnh cóng người. Làm đến 6 giờ chiều, ông ấy không trả đồng lương nào cả, chỉ cho mỗi tuần 10 đồng, hai vợ chồng được 20 đồng. Ông ấy lại không cho tụi tôi đi xin welfare gì hết, bắt tụi tôi phải dựa hoàn toàn vào ông ấy. Ngày được 3 bữa cơm, con bỏ liều ở nhà, sông chết cũng mặc. Mấy tháng trời, tụi tôi chịu không nổi, đòi đi, ông ấy chửi cho môt trận tơi tả… Nhưng rồi, tụi tôi cũng về Cali. May mà tôi còn trẻ, còn dễ xin việc…
Vậy, nếu già rồi, thì sao?

Trung Tá Phan.., nguyên Tiểu Đoàn Trường một Tiểu Đoàn Dù lừng danh, cười cười, vỗ vai tôi:

-Này cậu! Có việc gì cho những ông già như tớ làm với? Việc gì cũng được! Rửa cầu tiêu hay cọ nhà tắm chẳng hạn. Ở nhà, không có việc gì làm, chán bỏ mẹ!

Thiếu Tá Liên, nguyên Trung Đoàn Phó Bộ Binh cũng hỏi thật tình:

-Cậu có biết ở đâu cần người làm vệ sinh không? Giới thiệu cho tớ với! Hoặc giao hàng? Delivery? Tớ coi già vậy, mà còn khỏe lắm..

Không biết trả lời sao, đành nhăn răng cười trừ: “Dạ, nếu em thấy có việc gì, em sẽ báo anh hay ngay..”

Thực tế, rất nhiều những vị Chỉ Huy ấy, đành nghiến răng chấp nhận cuộc sống mới như một thanh niên mới lớn, chưa có khả năng đặc biệt. Một số ngồi nhà tập đạp máy may kỹ nghệ, cả hai vợ chồng cùng đạp máy. Vị nào cao tuổi hơn, không thể điều khiển cái máy kỹ nghệ, chạy nhanh cái “vèo” từ bên nọ qua bên kia thì cắt chỉ, ủi đồ. Tại mấy shop may, thường thì người ta thấy có những ông già đầu bạc, đeo kính trễ, ngồi trên sạp, cắm cúi cắt những sợi chỉ dư từ người đạp máy ra. Cuộc sống thật căng thẳng với những người đến nước Mỹ trễ tràng.

Nhưng chỉ môt thời gian ngắn, với kinh nghiệm tù đầy, với quá khứ từng chỉ huy, tính toán, đa số đã ổn định. Anh Hương, Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, nguyên Phó Tỉnh, xoa tay:

-Tôi có người con trai, vượt biên trước từ năm 1980, nay là Kỹ Sư điện tử. Đang ở Texas, nghe tin cha mẹ mới qua tới Thái Lan, liền di chuyển về Cali, thuê môt Appartment 2 phòng khá lịch sự cho bố mẹ ở.

Anh vừa nói vửa chỉ bộ salon tươm tất, những chiếc gối nệm trắng nhã, và cánh cửa sổ mở ra đường nhìn thấy chiếc xe Nissan đời 1982 mầu xanh đậu trước cửa. Anh cho biết với tiền trợ cấp 1 năm này, anh có đủ tiền trả tiền ăn, tiền bảo hiểm, tiền nhà và các thứ linh tinh khác. Ngoài ra, còn dư chút đỉnh thì đi mua sắm vài bộ quần áo. Anh đang học thêm Anh Văn, chuẩn bị thi vào làm Cán Sự ở County. Không lo lắng cho bản thân mấy, anh chỉ lo cho bạn bè:

-Từ trước đến nay, đại đa số những người sang đây đều có người thân bảo lãnh nên tương đối, cuộc sống cũng không có gì khó khăn. Chỉ ngại cho những người đến sau, thuộc diện “con mồ côi”, không thân nhân, chắc sẽ gặp nhiều vất vả. Chính tôi, dù có người thân, mà vẫn băn khoăn không biết phải làm gì? Học gì? Nhưng người kia, không có cố vấn, họ sẽ ra sao? Que Sera Sera!

Anh Nguyễn Quách, đến Mỹ theo diện H.O 1, sau 1 năm rồi cũng còn vất vả. Anh cho biết là “nếp sống ở đây khác lạ quá, con mình mà không phải con mình, muốn nói vài điều với chúng, chúng cũng chả nghe!” Đi làm về đến nhà, mệt mỏi quá, chỉ muốn lăn ra ngủ, cho nên chẳng có tình vợ chồng, con cái gì!”

Đến thăm nhà anh, gặp chị Quách, đang túi bụi với mấy đứa cháu nhỏ giữa đống đồ đạc, đồ chơi ngổn ngang. Từng đống sách vất lăn lóc trên bàn tiếp khách. Chị Quách ngượng ngùng:

-Xin lỗi anh nhé. Anh lại bất ngờ nên không dọn kịp. Mà thật ra, muốn dọn cũng không xong. Lũ trẻ con nhà tôi cùng với mấy đứa cháu, thay phiên nhau bừa ra, dọn không xuể. Tôi phải nấu cơm cho gia đình hơn 10 người. Mọi người đi làm hết, chỉ còn có tôi, hai tay hai chân, đôi khi cứ dính vào nhau…

Cả hai anh chị cũng an phận, nhưng chỉ có điều là vì không có phòng riêng, anh chị phải ngủ trên tấm nệm góc nhà, nên đổi đến địa chỉ này cả năm rồi, mà anh chị vẫn phải nằm quay lưng lại với nhau.
Anh cười đùa, ngâm nga:

-Trời sinh ra kiếp đàn ông. Nằm ngay bên vợ mà không sơ múi gì?

Trong khi đó, anh Thi lại may mắn hơn. Vừa xuống phi trường, được một Mục Sư đến đón về một apartment đã có đầy đủ tiện nghi, tủ lạnh, bộ bàn ghế salon, một tủ quần áo, 3 chiếc giường, chăn mền, quần áo, đủ thứ chả thiếu gì, lại có riêng một phòng cho hai vợ chồng. Hội Tin Lành bảo trợ làm thủ tục cho chị đi học làm Nail ngay, còn anh được đưa đến một trung tâm dậy nghề. Tương lai của anh có phần tốt đẹp.

Anh Thi, cử nhân Luật, Sĩ quan Tình Bào, khi nhắc lại những ngày đầu đi xin trợ cấp, cho biết anh có cảm tưởng như nhân viên Xã Hội không thích tiếp những người mới sang. Nói chuyện như máy với khuôn mặt không có nụ cười nào. Hình như họ không muốn cho mình hưởng trợ cấp vì hưởng trợ cấp thì họ bị trừ lương hay sao ấy, mà đôi khi cái mặt cứ hầm hầm.

Những người có khả năng như anh Thi, luôn băn khoăn lo lắng làm sao thoát khỏi việc nhận trợ cấp, vì như thế có vẻ yếu quá. Anh lo lắng:


-Làm sao thoát khỏi trợ cấp đây? Tôi đâu có mong ăn Welfare suốt đời đâu. Nhưng làm sao mà sống? Tuổi tôi đã tròm trèm 50 rồi! Thằng em tôi, cử nhân Luật, nay đi in typo 13 tiếng một ngày, mỗi tiếng 5 đồng. Cậu em vợ tôi, sang sớm hơn tôi 5 năm, đã xong cái B.S. nay đi xin việc cả chục chỗ, vẫn chưa có chỗ nào kêu. Còn tôi? Có 6 đứa con, vừa đực vừa cái, khi còn ở Việt Nam, thấy ở cuối đường hầm, nên không cho con đi học, bây giờ cũng phải đi làm ngay, không có thời gian đi học. Thấy thảm quá! Nếu tụi nó được đi học thì còn có tương lai.. Mà, sao mấy lớp học ở đây không dậy phát âm, không dậy đàm thoại, không dậy nói, làm sao mà hiểu tiếng Mỹ được?

Gặp anh Nguyễn Nhâm, nguyên Giáo Sư trung học, trong một căn phòng sáng sủa, trông ra một sân chơi tennis. Mấy cậu con trai đang lui cui nấu ăn.
Anh chỉ vào mấy cái đồ đạc trong phòng:

-Đồ này toàn do USCC cho hết đấy! Chả là có một gia đình Mỹ dọn đi, không muốn mang đồ theo, nên để lại. USCC nhận hết và cho tôi. Tôi chỉ định lấy vài thứ, nhưng họ cứ băt tôi phải nhận đủ. Cũng may, chả phải mua sắm thứ gì!

Anh nhếch miệng, nhăn nhó:

-Mấy tháng đầu, ở chung với gia đình, không phải lo. Nay ra ở riêng, mới thấy thấm thía. Tôi đã học xong khóa sửa xe rồi, mà chả ai nhận. Ở đâu cũng chỉ nói “có lấy tiền còm mít xông không thì cho làm, không nhận thì thôi”. Tôi thấy không khá, nếu lỡ cả ngày không có xe cho tôi sửa thì sao. Tôi đảnh đi thi làm Teacher Aid, rồi cũng chả ma nào kêu. Tháng tới, tôi không kiếm được dóp là nguy to.


Anh giơ tay xoa xoa cái đầu bạc:

-Có lẽ tại cái đầu này đây!

Sau đó một thời gian, khi nói chuyện với một nhà văn nữ đến Mỹ cùng thời gian với dân H.O. lại cho biết là tuy thế, mà người H.O. còn may mắn hơn người được bảo lãnh! Bà cho biết những ngày đầu tiên đến Mỹ là những kỷ niệm không vui, suốt đời không quên.

-Chúng tôi qua đây là để đoàn tụ với ông anh tôi, nhưng lúc đó ông anh tôi lại đang sửa nhà, nên phải “share” với em tôi ở môt Appartment 2 phòng. Bốn mẹ con tôi, mẹ tôi trên 80 tuổi, phải ngủ dưới thảm, không phải một tấm thảm sạch mà đầy nước tiểu chó và phân chó, vì em tôi ở chung với một cô bạn gái người Mỹ có nuôi một con chó, mà cả hai người đó đều không biết dọn dẹp nhà cửa, nên chúng tôi luôn luôn phải có một cuộn “paper towel” để thấm nước đái chó. Mẹ tôi lại già, mắt kém, nên suốt ngày tôi phải đi rửa dép cho mẹ bị dính phân chó.

Con chó của cô Mỹ này lại thích chơi bạo. Mẹ tôi ngồi dưới thảm, mà nó cứ nhẩy bổ vào làm mẹ tôi ngã ngửa. Môt hôm chúng tôi đang ngủ thì nghe tiếng nước chẩy. Giật mình nhìn lên thì thấy thằng con của cô Mỹ đang vạch quần đứng tiểu ngay đầu chỗ ngủ của mẹ con tôi! Những chuyện này xẩy ra liên tục làm chúng tôi ngột thở quá. Cho đến một hôm, hai mẹ con tôi đang ngồi ở giường, một chiếc giường nhỏ sau này đặt riêng cho mẹ tôi nằm, thì thằng bé con kia chạy đến, nằm lăn ra giường. Tôi hỏi nó: “Tại sao mày lại nằm đây?”. Nó trả lời: “Mẹ tôi bảo, giường này là của tôi, tôi muốn nằm thì cứ nằm!” Đó là cái giọt nước làm đầy ly, chúng tôi không thể chịu đựng được nữa, đành phải kéo nhau đi mà nước mắt lưng tròng, vì mẹ tôi sang Mỹ là để ở với con trai…

Người viết đã hỏi chị về sự khác biệt giữa người đi trước và người đến sau (H.O.) Nhà văn cho biết người đi sau có một điểm thiệt thòi hơn nhưng lại cũng có điều thuận lợi hơn người đi trước. Thiệt thòi về sự trợ cấp lúc ban đầu, nhưng thuận lợi ở chính cái tiềm năng của họ. Trải qua bao nhiêu đau khổ, họ đã hun đúc cho mình một bản lãnh cứng cáp, và không sợ gian nan. Việc gì cũng làm, khổ tới đâu cũng làm. Do đó, dựa theo kinh nghiệm của người đến trước mà người đến sau có thể hội nhập nhanh hơn người đến trước. Tuy nhiên, có một điểm chung mà nhà văn này đã đặc biệt nhấn mạnh về một điều không vui liên quan đến tinh thần của tất cả các lớp người đến Mỹ, đó là sự tan vỡ gia đình. Hầu hết những trường hợp chị quen biết đều đã chia tay hay đang chuẩn bị chia tay. Có gia đình mới sang Mỹ được 3 ngày thì đường ai, nấy đi. Gia đình khác thì kéo dài được vài tháng. Có cặp vợ chồng còn rất trẻ, con mới có 4 tuổi mà đã chuẩn bị ly dị. Để trả lời cho câu hỏi tại sao lại chia tay, họ cho biết là đã có những xung đột từ lâu. Họ đã cố bấu víu, che đậy khi còn ở bên nhà, sang đây, thi gặp cơ hội, cho nên coi như đã trả xong nợ. Mang nhau ra khỏi Việt Nam là ai giải quyết chuyện người ấy. Chị nói:

-Đối với những người vợ mới sang đây để đoàn tụ với chồng, thì tôi thấy có hai vấn đề lớn nẩy sinh. Thứ nhất là người vợ luôn nghi chồng đã có vợ nhỏ, luôn thắc mắc về quá khứ của ông chồng trước đây. Không phải khách quan mà theo định kiến. Họ cứ cho rằng, nếu không khám phá ra được điều gì thì là do ông chống khéo léo dấu mà thôi. Không có bà vợ nào chịu tin ông chồng mình vẫn giữ độc thân khi vợ còn ở quê nhà. Nhất định phải có một bà vợ hoặc một cô nhân tình dấu diếm đâu đây. Thành ra, giai đoạn đầu mới gặp nhau, không khéo léo thì không thể “adjust” vào với nhau được.


Thứ hai là các bà vợ cứ hay so sánh chồng mình với những người khác. Lúc nào cũng thắc mắc là sao anh không có nhà, có xe láng như người ta? Anh đã làm gì với tiền kiếm được? Thì anh chả dành dụm gửi về nhà là gì? Gửi tiền về ư? (bà nguýt một cái rõ dài và lên giọng) Gửi được bao nhiêu? Có một hai trăm mỗi tháng mà ăn nhằm gì? Cứ thế mà dẫn đến xung đột trầm trọng.

Với các ông được vợ bảo lãnh qua đây, có ông chồng vẫn mang tính gia trưởng. Qua đây, thấy bà vợ vuột khỏi tầm tay kiểm soát của mình thì phẫn nộ, bực bội. Thế là thành thảm họa cho những đứa con, vì cha mẹ cãi lộn hoài, đưa đến ly dị.


-Chị nghĩ thế nào về những gia đình H.O. mới sang, cả vợ cả chồng?

-Tôi thì thấy những anh H.O. mà tôi có dịp tiếp xúc đều có thái độ dứt khoát. Tuy hoàn cảnh hiện tại có khó khăn, nhưng họ vẫn tin tưởng, lạc quan và nhất định tạo lập cuộc đời mới.

-Thế còn những anh H.O. lâm vào tình trạng tuyệt vọng? Đã có 4 anh tìm cách giải quyết bằng cách đi tìm cái chết. May mắn mà 3 anh đươc cứu thoát vì họ uống thuốc độc, còn một anh thì không cứu được vì dùng dây thừng! Còn một số gia đình khác, đã tình nguyện xin trở lại Việt Nam?

-Chắc là có lẽ có những nguyên nhân nội bộ mà mình không được biết đến. Nhưng tôi nghĩ là thiểu số đó không thể thích hợp được với môi trường mới: về sinh ngữ, về nếp sống và công việc. Nhất là họ đến Mỹ khi nước Mỹ suy thoái. Và có những người đã “expect” quá nhiều, khi còn ở Việt Nam, họ đã kỳ vọng quá nhiều vào những giấc mơ tốt đẹp. Trong khi đó, thì gia đình lại không biết nâng đỡ nhau, yểm trợ nhau, dễ đi đến chỗ tuyệt vọng.

Những nhận xét của nhà văn rất chính xác. Theo một người bạn cho biết về trường hợp một chiến sĩ theo diện H.O. đã tự tử tại vườn sau, thì trước khi đi, anh đã tin vào những lời tuyên truyền quá đáng của một số người đi trước về những làng định cư cho cựu tù, về việc làm có ngay, về nhà ở… Đến nơi, thấy toàn bộ hiện thực khác giấc mơ quá nhiều, và bị quá nhiều áp lực từ cuộc sống, từ gia đình, anh đã tìm lấy cái chết để giải quyết tất cả.

Thực ra, bên cạnh anh, hầu như tất cả những người sang Mỹ theo diện H.O. đều gặp hoàn cảnh tương tự, nhưng vì trong gia đình, từ vợ đến chồng đều chấp nhận cuộc sống ở Mỹ tuy cơ cực nhưng vẫn còn hơn ở Việt Nam, lúc nào cũng nơm nớp e sợ bị bắt nhốt lại. Cho nên, họ vẫn nghiến răng tiến bước, dù bước vào môt khoảng vô định.


Và, không có hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào.


Đa số các vị đến Mỹ theo diện H.O. đều cam phận, chấp nhận cuộc đời mới, nhưng cũng có vài trường hợp vì hiểu nhầm mà gây nên sự đau lòng.

Anh Nguyễn Ngọc Liên, Supervisor của Sở Xã Hội cho biết là có nhiều quan niệm nhầm lẫn giữa những người đến sau, theo diện Tù Cải Tạo. Anh nêu lên 3 trường hợp không vui:

-Thứ nhất là có những người đến Mỹ quan niệm rằng: “Chúng tôi đến đây, người Mỹ phải có trách nhiệm nuôi chúng tôi” nên có người đòi đóng hồ sơ xin trợ cấp, vì lôi thôi quá, có người lại đem con đến Sở Xã Hội, nói là “để trả cho Mỹ”!

-Thứ hai là một số người qua sau lại cho rằng những người đến Mỹ trước làm công cho Mỹ, tức là tay sai cho Mỹ, nay quay lại làm khó dễ người đến sau. Người Mỹ ngày xưa chiếm đất Việt, bây giờ mấy tên tay sai Mỹ lại làm khó dân mình!

-Thứ ba là có anh cho rằng mình đã phải đi tù cải tạo, thì bây giờ không phải đi làm! Nếu phải đi làm vất vả, thì đi Mỹ làm gì nữa?

Anh Hiệp Nguyễn cũng nói giống như anh Nguyễn Ngọc Liên. Vì anh là một “nurse” Việt Nam, nên thường phải làm thông dịch cho người mới tới. Có lần anh nói với người mới tới rằng, bệnh của bà nhà chưa đến nỗi nặng phải nằm nhà thương, nên bác sĩ chỉ cho thuốc mang về. Anh mới tới gầm lên:

-Tôi tù tội vì chính phủ Mỹ đã bao năm, nay bảo lãnh cho tôi qua đây, lại không cho vợ tôi nằm bệnh viện là sao?

Anh Hiệp phải giải thích mãi, người mới tới kia mới chịu đi về sau khi cằn nhằn: “xe không có, nhà cũng không, đến bệnh viện cũng không cho nằm!”

Một trường hợp muốn cười mà không cười nổi, là có anh mới sang, ở nhờ nhà người em được vài tháng thì đòi tiền người em là người bảo lãnh: “Chính phủ Mỹ trợ cấp cho tôi bao nhiêu năm, chú giữ giùm, bây giờ chú trả cho tôi chứ?” Thế là anh em hục hặc nhau, người em giận quá, đuổi ông anh bà chị ra khỏi nhà và thách: “Anh cứ đi kiện tôi đi! Tôi theo tới cùng!”.

Dĩ nhiên là chắng có vụ kiện nào, vì ông anh kia, sau đó mới ân hận là mình đã lầm, nghe theo những lời tuyên truyền của ai đó, trước khi đi, nên tưởng nhầm. Rất tiếc là đã muộn! Tình anh em chấm dứt từ khi đó.

Một ông khác, mới sang được vài tuần, ở nhờ nhà người em, đăng báo trong mục rao vật là “cần được giúp đỡ cho quần áo, chăn mùng và phương tiện…”

Thực tế, trường hợp hiểu nhầm như thế cũng không nhiều, vì trước sau cũng có người giải thích tường tận. Còn lại, tất cả hầu như thầm lặng đi tìm việc lao động, từ cắt chỉ đến giặt ủi, làm Waiter nhà hàng, lái xe giao bánh mì, giao hoa hồng, phụ cống nước…bất chấp có những sự kỳ thị giữa người trước và người sau rải rác đâu đó. Anh Tất, nguyên giáo sư Anh Văn, khi đi làm Salesman cho môt tiệm Furniture, nghe điện thoại reo, anh nhấc lên, vừa chảo hỏi vài câu, thì ông Manager đã chạy lại, giằng ống nghe và gắt:

-H.O. thì biết mẹ gì mà điện với thoại!

Một phu nhân Trung Tá Tiểu đoàn Trưởng, sang sau, gặp người vợ lính cũ, cho làm chức “Manager” shop may, nhưng thật ra là làm nô lệ cho chủ tiệm đi đánh bài liên miên. Làm mỗi ngày từ 10 đến 12 tiếng, bẩy ngày một tuần, lãnh lương có $800.00 môt tháng, tính trung bình 11 tiếng, thì một tháng làm 330 giờ, mỗi giờ như vậy có $2.42/ giờ, trong khi lương tối thiểu hồi đó cũng $4.50. Bà phu nhân làm mấy tháng thì tóc rụng gần hết, mặt nhăm nhúm như người mắc bệnh lao nặng, đi đứng chậm chạp, thỉnh thoảng lại dừng lại, thở dốc. Chịu không nổi, chị phải nghỉ, sau khi đi khám bệnh, Bác Sĩ bắt chị phải nghỉ ngơi, không thì chết ngay, vì trụy tim và thần kinh suy yếu.

Các bà chủ tiệm Furniture, nơi có những anh H.O. làm việc thì sai quần quật, không bao giờ cho nghỉ ngơi. Vừa đi giao hàng về, mồ hôi ướt đẫm, đã bị bà chủ sai dọn “floor” nghĩa là vác cái giường này ra góc kia, mang cái tủ kia lại góc này…Bầy hàng xong, thì ráp bàn ghế, liên tu bất tận, mà lương tháng cũng chỉ tròm trèm $3.00 hay $4.00. Không có bảo hiểm, dĩ nhiên. Nếu khiêng hàng mà quẹo lưng, gẫy tay, thì mất việc chứ không có bồi thường gì. Hai cha con một ông giáo sư kia, cùng đi khiêng hàng, bố thì bị quẹo tay, sái “tennis elbow” cả nửa năm cũng chẳng được thêm đồng nào. Ông con trai, bây giờ là Dược Sĩ, cũng sái chả vai, cả chục năm sau vẫn còn đau. Nhưng lúc đó, thiếu thốn quá, vẫn phải nghiến răng tiếp tục đi làm, không dám than thở gì, vì sợ mất việc thì đói.

Bà Manager nhà hàng ở Santa Ana thì đì ông phụ tá Manager gốc H.O., tới ngắc ngư, sai bảo như đầy tớ, hết bưng tô, lại rửa bát, lau nhà, dù lúc nào ông cũng mặc áo vét theo lời người chủ mướn ông. Một lần đang tiếp khách đặt tiệc cưới, thì bà Manager quát lên:

-Ông lại đây nhặt cái rác này cho tôi!

Rồi bà chỉ tay vào một miếng giấy trắng nhỏ bằng nửa ngón tay út ngay dưới chân bà. Ông H.O. phải lại cúi đầu nhặt rác, mà bà không nhích chân, nên đầu ông chạm vào gấu váy của bà, y hệt như chui dưới váy bà vậy. Cảnh tượng quái dị này làm cho toàn thể khách hàng trợn mắt vì ông H.O kia từng là Giám Đốc ở Việt Nam, trông tướng cũng sang, lại mặc vét nữa, mà bị bà kia làm nhục. Ông H.O. thấy nhục quá, phải nuốt nước mắt nhặt xong thì bước ra cửa mà khóc. Bà xếp gọi với theo:

-Này, đừng có mà ra cửa mà vất rác đấy. Police nó bắt cho bỏ mẹ!

Còn rất nhiều, rất nhiều trường hợp vừa cười vừa khóc xẩy ra giữa những người mới tới làm công cho người cũ đã thành đạt.

Anh Đặng Phố, cười ha hả:

-Mẹ kiếp, 15 năm qua, ở tù không chết, lao động không chết, sao qua đây lại chết được? Tới đâu thì tới! Sợ cóc gì!

Thật đấy, H.O. đã được trui rèn qua biết bao trại khổ sai, chết còn không sợ, thì sợ.. cóc gì nữa!

Bây giờ, thời gian đã chứng minh, đại đa số những ai từng đến Mỹ theo diện H.O., giờ đã vui hưởng an bình, hoặc với con cháu, hoặc ở riêng trong những căn Mobile Home, nhưng đều nhìn nhận một điều: tinh thần của người chiến sĩ Viêt Nam Cộng Hòa lúc nào cũng vẫn thế: Vẫn một lòng nặng chĩu với quê hương cho nên nếu có bất cứ một cơ hội này được phất cao lá cờ vàng, đi biểu tình chống Cộng hoặc họp mặt theo Binh Chủng, Quân Trường, hoặc đi yểm trợ Thương Phế Binh, thì nhất định chỉ muốn cầm cờ đi đầu và hát vang bài: Ngày bao hùng binh tiến lên…

Chu Tất Tiến.

(Việt Báo)
Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=36401

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét