Chương 2: Ăn chay vì đạo đức (phần 1)

Hãy bắt đầu với một quả táo. Một thứ thực phẩm hiền hòa đến mức nó mời mọc được ăn, những người ăn chay trái cây, những người cố gắng sống chỉ bằng trái cây, hoặc chết trong cố gắng đó, nói vậy. Một số loài cây bao bọc hạt của chúng bằng vị ngọt mềm mại và màu sắc tươi sáng để cám dỗ động vật ăn chúng, và rồi thông qua đó, mang những hạt đó đến chỗ đất mới, có thể màu mỡ hơn. Động vật làm việc mà cây không thể làm do chúng bị gắn chặt ở một chỗ: tìm một nơi cho thế hệ sau của chúng phát triển.

Vậy nên ăn quả táo là chấp nhận được đối với tiêu chuẩn đạo đức của hầu hết mọi người ăn chay do không có chết chóc nào ở đây cả. Hay câu chuyện nó là vậy.

Vấn đề thứ nhất là con người không đi trồng những cái hạt đó. Chúng ta vứt bỏ chúng đi. Chúng ta loại bỏ cái lõi một cách có ý thức để tránh ăn phải những cái hạt, rồi vứt bỏ chúng đi. "Vứt đi" trong một đất nước công nghiệp có nghĩa là cho nó vào một túi ni lông và vùi sâu tất cả xuống đất ở khu xử lý rác. Hoặc là các nhà máy sẽ ép hoặc chặt nhỏ quả táo ra, biến nó thành nước táo hoặc bánh táo, và vứt vỏ, bã và hạt vào một nơi không gần một khu đất trống đẹp đẽ màu mỡ chút nào.

Hoặc nếu chúng ta thực sự quan tâm đến sinh thái, chúng ta sẽ ném những cái hạt đó vào đống ủ phân xanh, nơi mà thời gian, nhiệt độ và vi khuẩn sẽ giết chúng. Suy cho cùng thì một trong những mục đích của bất cứ kỹ thuật ủ phân xanh nào là giết chết bất cứ hạt nào lẫn trong đó.

Tất cả những cái đó không phải thứ mà cái cây muốn.

Cái cây không dâng trái ngọt cho chúng ta vì lòng tốt trong trái tim gỗ của chúng. Nó đang thực hiện một giao kèo, và mặc dù chúng ta bắt tay, ký và nhận phần của chúng ta, chúng ta không thực hiện phần việc của chúng ta trong thỏa thuận.

Có chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm rất rõ ràng trong tất cả lập luận này. Đây là điều kỳ lạ khi nó đến từ những người ủng hộ phong trào giải phóng động vật. "Cái cây cho tôi quả của nó và tôi trả lại hạt vào tự nhiên để chúng có thể mọc thành những cây khác," một người ăn chay viết. Vâng, nhưng anh ta không trả lại hạt vào tự nhiên. Tại sao con người chúng ta được phép lấy đi mà không trả lại? Không phải đó gọi là sự bóc lột hay sao? Hay ít nhất, ăn cắp? Trái cây không phải là, như ai đó tuyên bố, "thực phẩm duy nhất cho đi một cách tự nguyện." Mục đích của trái cây ấy không phải là để phục vụ con người. Mục đích của nó là những cái hạt. Lý do mà cái cây dành bao nhiêu công sức để tích tụ chất xơ và đường là để đảm bảo tương lai tốt nhất cho con cái của nó. Và chúng ta lấy con cái của chúng, vẫn còn bọc trong lớp vỏ bọc ngọt ngào, và giết chết chúng.

Đấy không phải là điều những người ăn chay muốn nghe, ít nhất là những người mà tôi gọi là người ăn chay vì đạo đức. Có những nhánh khác của cái cây ăn chay - những người ăn chay vì sinh thái tin rằng một chế độ ăn dựa trên thực vật là công bình và bền vững hơn, và những người ăn chay vì dinh dưỡng tin rằng thực phẩm từ động vật là nguồn gốc của mọi thứ có hại trong dinh dưỡng. Tôi sẽ xem xét những lập luận đó trong các chương sau. Nhưng lập luận về đạo đức là tiếng gọi thu hút hầu hết những người ăn chay đến với phong trào này. Nó cũng là thứ khiến tôi không thể xem xét hay đặt dấu hỏi về chế độ ăn thuần chay của tôi, bất chấp tất cả các bằng chứng rằng sức khỏe tôi đang suy sụp. Tôi muốn tin rằng sự sống của tôi — sự tồn tại thể xác của tôi — có thể diễn ra mà không có giết chóc, không có cái chết. Nó không thể. Không có sự sống nào có thể như vậy. Nhưng vì câu chuyện cổ tích chứa đầy các quả táo, hãy cùng tiếp tục đi theo dấu vết của chúng xuyên qua khu rừng trái cây.

Chúng dẫn chúng ta đến vấn đề thứ hai: không tồn tại quả táo nào trong tự nhiên. Táo là giống được thuần chủng. Táo bắt đầu là loài Malus sieversii, ở vùng núi của Kazakhstan và, ngày xửa ngày xưa, chúng có vị đắng.

"Hãy tưởng tượng cắn ngập răng vào một củ khoai tây chua hay một hạt Brazil nut xôm xốp bọc trong da bò," Michael Pollan viết về trải nghiệm nếm thử quả táo dại thực sự. "Ngay khi cắn miếng đầu tiên, những quả táo này bắt đầu bằng một lời hứa rất ngọt ngào với cái lưỡi của tôi — Đây là một quả táo! — để rồi đột nhiên quay phắt sang vị đắng đến mức bây giờ dạ dày tôi vẫn còn dâng lên khi chỉ cần nhớ lại nó."

Điều này đúng với hầu hết các trái cây được thuần chủng. Tổ tiên của chúng con người gần như không thể ăn được.

"Cái cây cho tôi quả của nó và tôi trả lại hạt vào tự nhiên để chúng có thể mọc thành những cây khác." Thật không? Bạn có dám không? Bởi vì hầu hết các cây cho ra quả ăn được — và chắc chắn bao gồm cả táo — không mọc lên từ hạt. Nếu bạn thực sự trồng những cái hạt ấy, hầu hết các cây mọc lên sẽ cho ra quả con người không ăn được. Cây cho quả được chiết cành chứ không trồng từ hạt.

Thực phẩm "tự nhiên" cho con người không tồn tại trong tự nhiên. Nếu giờ đây chúng ta lạc lối (và đói cồn cào) trong khu rừng không ăn được, có thể đấy là vì kim chỉ nam đạo đức của chúng ta đã sai lầm.

Nói rằng có một thứ "thực phẩm cho đi một cách tự nguyện" hàm ý rằng có ai đó cho — cái cây hay nhánh lúa. Ủng hộ thực phẩm "không đòi hỏi sự giết chóc hay đánh cắp từ bất cứ động vật hay thực vật nào" là nhận ra rằng cây cối và động vật yêu mạng sống và thân thể của chúng, dù là bằng chất xơ hay xương thịt. Nhưng còn con cái của chúng? Lập luận ấy thất bại ngay ở đây. Nếu chúng ta tin rằng chúng có tri giác, tại sao con cái của chúng không có tri giác? Nếu đánh cắp từ một cái cây là sai, lẽ nào giết chết hạt của nó không phải là sai hơn nữa? Chúng ta không thể có cả hai thứ được. Hoặc là có một bên cho, một sinh linh đáng được chúng ta đáp lại, hoặc là không có. Nếu sát sinh là vấn đề thì mạng sống của một con bò ăn cỏ sẽ đủ để nuôi sống tôi trong cả năm. Nhưng một bữa ăn thuần chay làm từ con cái của cây cối — gạo, hạt hạnh nhân, hạt đậu tương — nghiền ra hoặc luộc chín lên khi vẫn còn sống, sẽ bao gồm hàng trăm cái chết. Tại sao chúng không có giá trị?

"Tôi không ăn thứ gì có mẹ hay có một gương mặt." Đó từng là một trong những tuyên bố cửa miệng của tôi. Nhưng mọi thứ sống đều có mẹ. Một số chúng có cả cha nữa. Sao lúc ấy tôi không biết điều đó? Điều tôi muốn nói thực ra là: Tôi sẽ không ăn bất cứ thứ gì được nuôi nấng bởi mẹ của nó, về cơ bản, nó bao gồm động vật có vú và chim chóc, mặc dù tôi cũng không ăn đồ biển. Một số loài cho đi mạng sống của chúng khi sinh ra con cái. Điều đó có nghĩa là chúng không còn để nuôi nấng những đứa con nữa, nhưng có phải điều đó có nghĩa là chúng yêu con cái của chúng ít hơn? Tình mẹ — và đôi khi tình cha — như một sự hy sinh tối thượng. Chẳng phải hành động đó cho thấy chúng yêu con cái của chúng nhiều nhất? Và giả sử mẹ bạn không yêu bạn: có phải điều đó khiến mạng sống của bạn có giá trị thấp hơn?

Rồi đến phần khuôn mặt. Tại sao việc sở hữu một khuôn mặt quyết định ai có giá trị và ai không? Cái mà nó thực sự quyết định là ai giống con người nhất, ai khác hơn: chúng có giống chúng ta không? Lại cái chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm ấy, cái hệ thống giá trị đạo đức dựa trên việc một sinh linh giống con người đến mức nào. Tại sao điều đó quan trọng? Tại sao con người là tiêu chuẩn quyết định ai được sống và ai phải chết?

Một quả táo rơi từ trên cây xuống. Chúng ta ăn phần ngọt của nó và, trái với những tuyên bố gian trá của chúng ta, giết đi những cái hạt. Ai đó có thể lập luận rằng ở thời kỳ trước, con người đóng vai trò như người gieo trồng không tình nguyện, nhổ hoặc ỉa ra những cái hạt đắng, và một số trong đó sẽ mọc thành cây. Không phải lúc nào chúng ta cũng đánh cắp và giết chết con cái của cây táo. Có thể nếu asphalt trải đường được gỡ bỏ và Trái Đất được phục hồi, thì sự qua lại trong quan hệ con người - cây táo sẽ được thể hiện một cách tự nhiên.

Nhưng con người không thể sống chỉ ăn mỗi táo. Và trong thế giới đạo đức của những người ăn chay, tất cả mọi loại hạt đều được coi là cho đi một cách tự nguyện. Trong trường hợp những hạt đó, không có lớp cùi ngọt ngào nào để đánh đổi lấy những đứa con của cây ở trong. Chính những cái hạt là thứ con người ăn. Tôi còn nhớ lập luận của tôi: các loại cây một năm đằng nào cũng chết vào thời gian thu hoạch, vậy nên tôi không thực sự sát sinh. Dĩ nhiên, vấn đề là ở chỗ tôi không ăn cái phần chết đi: sợi rơm. Con người không tiêu hóa được cellulose. Tôi ăn chính cái phần rất muốn được sống: cái hạt. Trên thực tế, chúng muốn được sống đến mức ngay cả sau hàng ngàn năm, một số hạt vẫn nảy mầm. Ai có thể nói đây là một sinh linh không yêu cuộc sống?

Tôi biết từ kinh nghiệm bản thân rằng vấn đề tri giác và ý thức của thực vật thường xuyên được lôi ra để ném vào những người ăn chay bởi những kẻ gièm pha họ. Tôi biết thái độ tự mãn và thù địch của những kẻ gièm pha ấy. Thực ra ý tưởng tôn trọng thực vật đối với họ cũng nực cười như ý tưởng tôn trọng động vật vậy. Họ chỉ tranh luận để lấy được. Nhưng tôi không muốn làm vậy. Điều đó chỉ làm mọi chuyện tệ hơn. Tôi muốn xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Tôi nghe thấy lời cầu xin trong những câu chữ của những người ăn chay, một lời cầu xin gần như trở thành lời cầu nguyện. Hãy cho tôi sống mà không làm hại những sinh linh khác. Hãy cho tôi sống mà không phải sát sinh. Lời cầu nguyện này bao gồm trong nó cả tình thương mãnh liệt và sự ghê tởm khốc liệt. Tình thương đối với tất cả mọi sinh linh và sự ghê tởm, kinh sợ đối với sự tàn ác mà con người đang gây ra. Lời cầu nguyện này đập trong tôi như một trái tim thứ hai. Điều tách tôi ra khỏi những người ăn chay không phải là giá trị đạo đức hay sự tận tâm. Nó là sự hiểu biết.

Bởi vì tôi đã trồng táo và tôi biết những gì đi vào trong quả táo. Tôi có thể đi đến cửa hàng gần nhà, mua một túi phân hữu cơ cho cây và không hỏi gì thêm nữa. Nhưng bản tính của tôi là không bỏ qua những dòng chữ in nhỏ. Tôi muốn biết. Tôi đọc mọi thông tin trên nhãn. Niềm đam mê được sống một cuộc sống tốt, một cuộc sống trong đạo đức và danh dự đã thúc đẩy tôi bắt đầu tự gieo trồng những thứ tôi ăn đến hết mức có thể. Tôi biết rằng ba hành động sinh thái quan trọng nhất mà cá nhân chúng ta có thể thực hiện là: không sinh con, không dùng xe hơi, và tự trồng thực phẩm cho bản thân. Tôi không tiếp xúc với nguyên nhân nào dẫn đến mang thai; tôi quá nghèo để mua được xe hơi. Vậy là chỉ còn tự trồng thực phẩm cho bản thân.

Tôi không bị bắt buộc khi bắt đầu khu vườn đầu tiên của mình. Ý tưởng làm vườn đi vào tâm trí tôi như một tia nắng ấm. Nếu bạn từng bị trầm cảm, bạn sẽ hiểu bất cứ thứ gì mang lại cho bạn cảm xúc là một điều kỳ diệu. Khi cả thế giới này là một màu xám trống rỗng vĩnh cửu, khu vườn mang lại sự sống. Và nó tràn đầy màu xanh. Tôi cuốn những cái hạt bé nhỏ trong vải ướt và hai ngày sau, một cái mầm bé xíu, ngập ngừng như tia hy vọng, thò ra từ mỗi cái hạt. Chúng muốn sống và tôi cũng vậy. Tôi từng trải qua những đêm New England dài dưới lớp chăn dày và nặng, cố chống lại cơn đau chỉ đỡ chứ không bao giờ chấm dứt, và cơn trầm cảm, giống như cái lạnh, có ở mọi nơi và luôn luôn đói. Tất cả những gì thò ra ngoài không khí thù địch là cái đầu và một bàn tay của tôi, nắm giữ bảng danh sách hạt giống như lá cờ trắng kêu gọi lòng thương xót. Và khu vườn mang lại lòng thương xót ấy. Mọi thứ phát triển, bò lên, nở hoa, kết trái, một bài hát thầm lặng và không gì cưỡng lại được, một vòng tròn vô tận của sự khát khao lớn hơn nhiều so với bản thân tôi, cơn đau của tôi. Tôi tìm thấy niềm an ủi trong khu vườn và những khoảnh khắc bé xíu của niềm vui xuất hiện đột ngột, kỳ diệu, như những núm hoa violet tự nguyện xuất hiện vào mỗi mùa xuân mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào của tôi.

Tôi phát hiện ra tạp chí Làm Vườn Hữu Cơ, và điều tốt hơn nữa là thư viện cho phép tôi mượn về những số cũ. Tôi đọc tất cả chúng. Tôi viết đầy một quyển sổ với những dòng chữ nhỏ, nghiêm túc của mình. Tôi đã không biết gì. Tôi không biết cà chua không thể mọc được trước khi tan băng.
Đó là ngày Memorial Day, tôi viết, và rồi gạch dưới. Tôi không biết đỗ không thể lai ghép được và cây mõm chó chỉ sống một năm.

Với sống lưng của mình, tôi không thể cuốc đất, bê nặng hay làm bất cứ việc nặng nào. Nhưng không sao. Tôi lập tức tìm kiếm những kỹ thuật làm vườn triệt để nhất, bền vững nhất. Ruth Stout là một sự tiết lộ kỳ diệu. Permaculture (nguyên lý trồng trọt bền vững, phù hợp với tự nhiên) cũng vậy. Tôi sẽ làm luống lớn, với lớp mùn vĩnh viễn. Tôi sẽ phát triển lớp đất màu từ trên xuống, giống như trong tự nhiên. Sẽ không có cuốc xới đất, không có đất trống. Nhận thức rằng lý do đằng sau những kỹ thuật này thực sự là bản cáo trạng đối với ngũ cốc - và bản thân nông nghiệp - tôi sẽ nói đến vào lúc khác.

Có nhiều thứ khác còn cơ bản hơn mùa gieo trồng mà tôi không biết. Có một thứ tri thức mà tôi tìm kiếm, nhưng rồi lại từ chối tiếp nhận: Tôi không phải là sinh linh duy nhất ăn. Những cái cây cũng đang đói. Và rồi đất cũng vậy. Hãy cho đất ăn, các cuốn sách làm vườn thúc giục. Đất có thực sự ăn không? Đất là gì? Có phải nó cũng sống không?

Một thìa đất chứa hơn một triệu sinh vật sống, và vâng, tất cả chúng đều đang ăn. Đất không chỉ là cát bụi. Một mét vuông đất màu có thể chứa một ngàn loài động vật khác nhau. Chúng có thể bao gồm 120 triệu con giun tròn, 100.000 con bọ mạt, 45.000 con bọ đuôi bật, 20.000 con giun enchytraeid, và 10.000 động vật thân mềm.

Tất cả những sinh vật tí hon này sống trong và xung quanh mùn, một hỗn hợp của axit humic và polysaccharide. "Không ai biết axit humic hình thành như thế nào, nhưng khi đã hình thành, nó hoạt động như một thứ vật chất sống," Stephen Harrod Buhner viết. Thêm nhiều sự sống nữa. Tôi phải đào sâu đến đâu thì mới không tìm thấy sinh vật sống? Bởi vì nếu nó sống, tôi không thể giết nó. Tôi đọc rằng "những động vật rất bé có thể sống một đời sống thủy sinh trong đất, bên trong lượng nước chứa trong đất." Có cả một thế giới ở dưới chân tôi, một thế giới bao gồm cả đại dương của riêng nó. Một thế giới nơi mà sự sống thật sự — sản sinh và thoái hóa — đang diễn ra. Những động vật như tôi chỉ là kẻ tiêu thụ, đi nhờ. Tôi không thể quang hợp — biến ánh nắng mặt trời thành vật chất sống — và tôi cũng không thể biến vật chất sống đó trở lại thành carbon và chất khoáng. Chúng có thể làm vậy và chúng đang làm vậy, và nhờ có chúng, sự sống mới có thể diễn ra. Tôi thấy kính phục.

Nhưng tôi đã đặt cược tất cả giá trị đạo đức của mình — và xây dựng tất cả bản thể của mình — trên ý tưởng rằng sự sống của tôi có thể diễn ra mà không cần cái chết. Tôi càng học hỏi nhiều thì tôi càng phải bỏ qua nhiều câu hỏi nếu tôi muốn cứu vãn cái định hướng đạo đức ấy trước sự thật. Sự sống của những con giun tròn và nấm mốc có giá trị không? Tại sao không? Có phải vì chúng quá bé đến mức tôi không nhìn thấy không? Hay bởi vì chúng nằm bên kia cái ranh giới trí tuệ ngăn cách chúng ta và chúng nó? Nhưng tôi muốn là một trong những người dũng cảm từ chối đặt ra cái ranh giới ấy, từ chối đặt con người lên trên động vật và tôn thờ Mẹ Thiên Nhiên cùng tất cả các sinh vật của Người.

Nhưng có vẻ như đấy chỉ bao gồm những sinh vật giống tôi theo một cách cụ thể nào đó. Tôi nhận ra điều đó trong những ánh nhấp nháy nho nhỏ của mỗi mẩu thông tin mới như những con đom đóm. Nhưng tia sáng nho nhỏ ấy cho thấy một khu rừng tối tăm mà tôi từ chối không muốn vào. Thay vào đó, tôi quay lại những gì quen thuộc, một xâu chuỗi những số liệu thống kê làm sự cứu rỗi và tấm khiên bảo vệ cho tôi. Lượng ngũ cốc sản xuất được, lượng nước cần thiết, những cái bụng đói của trẻ em. Tôi ở bên của lẽ phải, và như bất cứ kẻ cuồng tín nào khác, tôi chỉ có thể giữ mình ở đó bằng cách né tránh thông tin.

Vậy là axit humic — sinh vật bí ẩn và đầy sự sống ấy — phân hủy các mảnh thực vật và giữ chúng ở trong bản thân nó. Để rồi khi nhận được tín hiệu từ hệ thống sinh thái, nó tổng hợp và giải phóng ra những chất dinh dưỡng cần thiết. "Thông qua những quá trình phản hồi chặt chẽ, thông tin về các chất dự trữ trong axit humic được truyền lên cho cộng đồng cây ở trên mặt đất, thông báo các cây phải mọc như thế nào trong những điều kiện sinh thái gì và những chất nào chúng phải tạo ra để giữ cho đất được tốt." Đất không phải là một thứ, nó là một triệu thứ, và chúng đều đang sống. Những quá trình sống của chúng — ăn vào, thải ra, đào bới, giao tiếp, trao đổi — là điều khiến cho những sinh vật còn lại của hành tinh này có thể sống được. Chúng phân hủy vật chất chết từ thực vật, động vật, nấm, vi khuẩn và tạo ra vật chất cơ bản cho sự sống mới. Steven Stoll viết rằng đất mùn "là một cái máy lọc và một thùng chứa, một khối tổng hợp của vật chất vi mô và vĩ mô, và là một thứ sống động mà không thể nắm bắt bằng cách tìm hiểu từng phần của nó được. Trạng thái cuối cùng của nó chứa nhiều thành viên và những quan hệ cộng sinh đến nỗi nó có thể được coi, theo lời nhà nghiên cứu về đất Nyle Brady, là 'sự hình thành của một cơ thể tự nhiên khác hẳn với những chất liệu tạo nên nó.'"

"Cho đất ăn chứ không phải cho cây ăn," đó là điều răn thứ nhất trong trồng cây hữu cơ. Tôi phải cho đất ăn bởi vì nó sống.

Nitơ, phốt-pho, kali — NPK — là ba thiên thần của người làm vườn, bộ ba chất quyết định sự phát triển của cây. Đất và cây ăn gì và tôi có thể lấy những chất ấy từ đâu? Tôi chưa học được cụm từ "hệ thống khép kín," nhưng đó là thứ mà tôi muốn hướng tới. Nitơ là cái quan trọng. Có những loại cây có thể lấy nitơ từ không khí. Thế không đủ cho vườn của tôi hay sao? Tại sao? Tôi van xin. Nhưng tôi đang van xin một triệu sinh vật sống với những mối liên kết qua lại từ hàng triệu năm trước. Chúng không quan tâm gì đến nỗi thống khổ về đạo đức của tôi. Không một loại cây hấp thu nitơ nào có thể bù lại tất cả những chất dinh dưỡng mà tôi đang lấy ra. Đất muốn phân bón. Tồi tệ hơn nữa, nó muốn thứ không thể tưởng tượng được: máu và xương.

Có những nguồn nitơ khác mà tôi có thể dùng. Ngay lúc này, nhiên liệu hóa thạch đang cung cấp nitơ cho cây trồng trên toàn thế giới. Phân bón tổng hợp là thứ đã tạo ra cuộc cách mạng xanh, với 250% gia tăng trong sản lượng thu hoạch. Nhưng ngoài thực tế rằng không có thứ gì làm từ nhiên liệu hóa thạch là bền vững — chúng ta không thể trồng nhiên liệu hóa thạch và nó cũng không tự tái tạo — phân bón tổng hợp cuối cùng sẽ hủy hoại đất.

Vậy là nitơ tổng hợp không dùng được. Và thế là tôi phải đối mặt với sản phẩm động vật. Dĩ nhiên, điều trớ trêu là cả hai nguồn nitơ, tổng hợp hay hữu cơ, đều đến từ động vật. Dầu mỏ và khí đốt là những gì còn lại của những con khủng long. Vậy là lựa chọn của tôi — thực ra là của chúng ta — là nitơ từ những con thằn lằn đã chết hay là từ những con thú ăn cỏ đang sống.

Khu vườn của tôi muốn ăn động vật, ngay cả khi tôi không muốn làm vậy.

Thế là tôi đi đến một ngã rẽ nữa trên hành trình của mình. Tôi có thể mua một hộp NPK bán sẵn, thành phần cân bằng và đều hữu cơ, hoặc tôi có thể làm bạn với một nông dân nuôi bò. Cái hộp rất hấp dẫn, bởi vì tôi có thể tự dối mình. Không, không hẳn là dối mình. Tôi có thể "không biết" những gì tôi đã biết. Tôi có thể nhắm mắt không đọc thông tin. Bởi vì tôi đã biết cái gì ở trong cái hộp ấy. Bảng thành phần lấp lánh mời gọi như trái cây tri thức vẫn như vậy. Tôi là Eva, và đây là quả táo của tôi. Cái giá sẽ là gì nếu tôi ăn nó? Cái giá thực sự tính bằng tiền mà cuối cùng tôi phải trả? Cái giá về tinh thần đối với những ước vọng tâm linh, niềm đam mê, bản thể của tôi? Và tại sao nó lại cứ về vấn đề ăn uống?

Tôi cắn một miếng. Tôi đọc thông tin trên nhãn. Máu, thịt, xương, động vật chết, sấy khô và nghiền vụn. Tôi đặt cái hộp xuống và đi tìm nguồn phân chuồng. Bạn của một người bạn, với một khu chuồng từng nuôi dê, giờ bỏ không nhưng chứa đầy phân dê. Hóa ra tôi biết người phụ nữ từng nuôi dê đó và cô ta là một người tốt. Những con vật của cô ta chắc chắn được chăm sóc tốt, được chiều chuộng nữa là khác. Khi đó tôi hẹn hò với một người có cái xe bán tải và một tấm lưng khỏe mạnh. Chỗ phân dê được trở về và khu vườn của tôi nở tung. Những cây cà chua nuốt chửng cái giàn của chúng, rồi cả luống đất dành cho chúng, rồi chúng lăm le tiến ra lối ra vào. Ngoài cửa sổ tôi, nó trông như mảnh đất mà thời gian lãng quên vậy. Tôi có đủ rau quả cho ba hộ gia đình ăn. Vậy mà một số cây xà lách vẫn quá già khi tôi tìm đến chúng.

Tôi vừa đói lại vừa no đủ. Đây không phải là cơn đói của sự thèm muốn, như khi bạn ngửi thấy bữa ăn từ cửa, hay nhìn người yêu đứng bên kia căn phòng đông người. Đây là cơn đói gặm nhấm trong tôi mà không có gì làm nguôi ngoai được. Giờ tôi đã khép kín vòng sinh thái của khu vườn tôi, nhưng hệ thống giá trị đạo đức của tôi đã bị phá vỡ tung.

Nhiều năm sau, tôi có một cuộc thảo luận với một người ăn thuần chay trẻ tuổi, nhiệt thành.

"Họ lấy xác gà nghiền vụn và rải nó trên cánh đồng." Giọng anh ta run rẩy. Anh ta nghĩ rằng tôi sẽ thông cảm, rằng bất cứ ai với tư tưởng như tôi cũng sẽ tự động thấy kinh hoàng. Chế độ ăn dựa trên sản phẩm thực vật, tinh khiết về mặt sinh thái và phi bạo lực của anh ta đã bị xâm phạm bởi những thế lực tà ác, bởi cái chết.

"Cây cũng phải ăn," tôi cố gắng giải thích. "Chúng cần nitơ, chúng cần chất khoáng. Bạn phải bù lại những thứ bạn đang lấy ra. Lựa chọn của bạn là nhiên liệu hóa thạch hoặc sản phẩm động vật."

"Nhưng — nhưng — " Bây giờ cả người anh ta cũng run rẩy cùng với giọng nói. Tôi biết điều anh ta muốn nói. Nó không đúng. Nó không thể đúng. Có một cách thoát khỏi sự sát sinh và tôi đã tìm thấy nó.

"Không," là từ duy nhất anh ta có thể thốt ra. Rồi anh ta bỏ đi.

Tôi đã bỏ đi bao nhiêu lần rồi? Hết lần này đến lần khác, rồi lại lần khác nữa. Nhưng tôi không thể rời bỏ khu vườn của mình, từ bỏ cố gắng không trở thành một động vật ký sinh trên hành tinh này. Vậy là trong khi tôi đã khép kín được vòng tròn dinh dưỡng, tôi không biết phải làm gì với những kiến thức mà tôi thu thập được trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Nếu cố gắng, tôi vẫn có thể tự biện hộ về đống phân dê — nó đã ở đấy rồi, chất đống trong chuồng, tại sao lại không dùng nó. Tôi không phải là người duy nhất bóc lột động vật để lấy thịt và sữa — nhưng cái phần P và K trong NPK không dễ dàng né tránh được như vậy.

Trên toàn thế giới, phốt pho tồn tại với trữ lượng cực kỳ hạn chế. "Chỉ đứng sau nước sạch," Bill Mollison viết, "phốt pho sẽ là một trong những hạn chế không thể tránh khỏi đối với dân số nhân loại trên hành tinh này." Nó tồn tại trong đá trầm tích. Tôi không liệt đá vào cùng một thể loại như động vật: Tôi không ngại sử dụng chúng. Vấn đề là ở chỗ lấy được chúng. Chúng phải được đào lên — khai thác — rồi nghiền vụn và vận chuyển đi. Nếu không có lượng nhiêu liệu hóa thạch khổng lồ, liệu điều đó có thể xảy ra không? Và đến khi chúng ta dùng hết nó thì sao? Tôi quay trở lại gian hàng ở gần nhà khi trước. Tôi có thể mua đá phốt phát, tự nhủ rằng vì nó là "hữu cơ", tôi đang làm điều tốt, hợp với sinh thái và không nghĩ thêm về nó nữa. Nhưng liệu có một nguồn bền vững nào khác mà tôi có thể tự kiếm được không? Tôi đặt câu hỏi, nhưng căm ghét câu trả lời.

"Bột xương của động vật trên cạn là nguồn cổ truyền, và hầu hết các trang trại (cho đến năm 1940) nuôi một bầy chim bồ câu cho mục đích đó." Hoặc trên lý thuyết, tôi có thể lấy nó từ "chim biển và cá hồi, những con đang cố gắng chuyển khoáng chất từ biển trở lại cho chúng ta. Nhưng chúng ta có xu hướng làm suy giảm con số của chúng thông qua việc phá hoại môi trường sinh sản của chúng." Hơn nữa, tôi sống cách đại dương 145 km. Tôi chỉ cách sông Connecticut có một dặm. Đây là một trong những môi trường sống xa nhất về phía nam của cá hồi Đại Tây Dương, nhưng không còn con cá nào lội ngược dòng để đẻ ở sông Connecticut kể từ khi nó bị chặn dòng gần 200 năm trước để phục vụ các nhà máy xay.

Và rồi còn có K, kali, có trong tro, xương, nước tiểu, phân và một số loại cây. Tôi có thể giả bộ rằng tôi sẽ tìm được một nguồn cung cấp tro củi —
bếp đun củi ở miền tây Massachusetts cũng phổ biến như cây phong vậy — và trồng thêm những cây cho kali nữa, nhưng tôi nghĩ rằng cho đến khi làm được việc đó thì tôi không còn sức lực nữa. Thực phẩm của tôi phải ăn trước khi tôi ăn chúng.

Có những vấn đề nhỏ hơn, tất cả đều sắc nhọn và đang đói, mà tôi học được về việc trồng cây ăn quả. Tôi chưa có cây ăn quả, nhưng chúng là một phần của khu vườn trong truyện cổ tích đang đợi trong tương lai mờ mịt của tôi. Canxi luôn luôn là một yếu tố hạn chế trong đất. Khi không có canxi, sự phát triển ngừng lại. Và một lần nữa, canxi đến từ ... Liệu tôi có kết thúc câu ấy với một cái hộp hữu cơ từ cửa hàng chăn nuôi, trồng trọt gần nhà, chứa đầy năng lượng và bụi bặm từ lò mổ gia súc không? Hay liệu tôi có học theo các cụ tổ của tôi và cho cây ăn bằng xương của những động vật sống bên tôi? Liệu có sự an ủi nào trong kiến thức này không? Tôi tìm thấy sự an ủi nho nhỏ trong cuốn sách Người Trồng Táo của Michael Phillips. Ông trích dẫn từ một cuốn sách trồng táo khác từ năm 1871, kể lại câu chuyện về một cây táo gần ngôi mộ của Roger Williams, người sáng lập bang Rhode Island, và vợ ông Mary Sayles. Người ta thấy các rễ cây đã mọc vào trong ngôi mộ và mang hình bộ xương người trong khi "ngôi mộ không còn một hạt bụi nhỏ nào từ những người nằm đấy trước đó. Không còn một dấu tích nào."

Câu chuyện ấy làm dịu tâm trí tôi, bởi vì cái cây đã ăn người. Câu chuyện phổ biến về Người Đàn Ông - Thợ Săn khiến tôi ghê tởm bởi việc ca tụng sự thống trị, bạo lực, cưỡng đoạt và cái chết của nó. Câu chuyện truyền thuyết luôn kết thúc với Người Đàn Ông ở trên tất cả: động vật, phụ nữ, chuỗi thức ăn và cả hành tinh này. Nó có thể là thực tế xã hội hiện nay, nhưng có một cái tên cho nó — chế độ phụ hệ — và một giải pháp — chống đối có tổ chức. Tôi bác bỏ khẳng định rằng hệ thống phân cấp là không thể tránh khỏi, rằng Vũ trụ đã chọn con người là đỉnh cao của tạo hóa, rằng con người phải là đàn ông. Và tôi muốn tin rằng tôi cũng sẽ bác bỏ sự tuyên truyền này cũng quyết liệt như thế nếu tôi là đàn ông, mặc dù tôi biết rằng những đặc quyền và quyền lực của đàn ông khiến điều đó ít có khả năng hơn.

Ngay cả những người lẽ ra phải biết hơn cũng rơi vào cái bẫy của huyền thoại Con Người - Đàn Ông là đỉnh cao của vạn vật. Tại một buổi tập trung kỷ niệm ngày Trái Đất, một hàng vũ công hóa trang đứng tượng trưng cho chuỗi thức ăn, bắt đầu là thực vật và kết thúc là con người. Nhưng nó không kết thúc với chúng ta, tôi tiếp tục khẳng định với bất cứ ai sẵn lòng nghe, hầu hết các bạn của tôi đã nghe nó đến chán rồi. Còn những động vật ăn xác thối, những con cáo, những con quạ thì sao? Rồi còn các con côn trùng, con giòi, vi khuẩn? Chúng ta không ở điểm cuối bởi vì nó không phải là một đường thẳng. Nó là một vòng tròn, và nếu nó dừng lại ở bất cứ đâu, đó sẽ là những sinh vật phân hủy tiếp nối bởi những sinh vật sản xuất. Chúng ta chỉ là món tráng miệng ngon lành mà thôi.

Nhưng tôi đã không thể lắng nghe cây táo ấy, nói với dấu hiệu chậm rãi, chậm rãi, với bộ rễ hình bộ xương người của nó, rằng: bạn mang đúng hình dạng cái đói của tôi. Bộ xương động vật của chúng ta, dòng máu con người của chúng ta; chúng ta cũng thuộc về nơi đây, nếu chúng ta chấp nhận vị trí của mình. Chúng ta bị ăn cũng như chúng ta được ăn, là nguyên liệu cho những bữa tiệc bất tận. Đó sẽ là niềm an ủi: một chỗ trên bàn tiệc. Chúng ta không ở trên, chỉ ở giữa rất nhiều sinh linh cấu thành bởi carbon mà một ngày nào đó sẽ buông ra.

Nhưng tôi phải chấp nhận cái chết trước khi tôi có thể nhận vị trí của mình.

~ ~ ~ ~ ~ ~

Tôi ước gì tôi có thể quay trở lại mười năm và nói với tôi hồi còn trẻ: một ngày nào đó em sẽ có một bầy chim bồ câu, và em sẽ rải phân của chúng và chôn chúng dưới gốc những cây dâu và cây táo.. Và em sẽ khóc khi làm vậy, nhưng không phải vì đấy là việc đáng buồn. Đó là vì nó là thiêng liêng và nó đã được thực hiện một cách tốt đẹp. Em đã khép kín vòng tròn, và nó sẽ mở rộng trái tim em. Em sẽ có gà, vịt, ngỗng, thỏ nữa. Chúng sẽ ăn những con sâu. Em sẽ ăn trái cây, trứng và thịt. Chúng sẽ chấp nhận em — hãy tìm đến với chúng để nhận sự giúp đỡ và ôm ấp — và em sẽ yêu chúng. Và em sẽ ăn, tất cả các em, chim chóc, những cây dâu, con người, đất, và bị ăn. Em sẽ viết trong di chúc của mình: hãy rắc nắm tro của tôi khi đến lượt tôi, cho những cây dâu và cây táo ăn.

Liệu nó có giúp khi được nghe như vậy không, hay là sự kinh hoàng về cái mà tôi sẽ trở thành — kẻ ăn thịt, kẻ sát sinh — không cho phép nhìn thấy con đường dài, khó nhọc đến với sự ân sủng? Tôi muốn nói với bản thân tôi: em sẽ ăn những quả dâu tây chín mọng đến nỗi mỗi quả là một sự hiển linh, mỗi miếng cắn là một lễ ban thánh, vượt xa ra ngoài sự tha thứ và cứu rỗi. Mỗi miếng cắn sẽ đưa em về nhà. Đấy là trái quả duy nhất đáng ăn, vừa chua vừa ngọt, chín mọng đầy sự sống mọc lên từ cái chết, nở ra và chín trong mùa của nó.

Dịch bởi Sott.net