Đảng Dân Chủ trả thù Việt Nam Cộng Hòa, Nguyên nhân và hậu quả (Trọng Đạt)
Giữa tháng 4-1975 miền nam Việt Nam kiệt quệ tiếp
liệu đạn dược, Quốc hội Dân chủ Mỹ đã bác bỏ khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu
do TT Ford đưa ra để giúp Việt Nam Cộng Hòa, quyết định đã khiến Cộng
sản Bắc Việt tiến vào Sài gòn y như vào chỗ không người. Biến cố lịch sử này mọi
người đều biết cả, hành động cạn tầu ráo máng của họ đã có nguyên nhân.
Có người
cho vì trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1968, ông Thiệu đã nghe lời khuyên
của ứng cử viên Nixon (Cộng Hòa) không tham gia cuộc Hòa
đàm Paris tháng 11-1968 khiến Dân Chủ thất cử năm đó. (1)
Xin sơ lược vấn đề: năm 1965 Tổng thống Johnson đưa quân ồ ạt
vào bảo vệ miền nam VN chống Cộng Sản xâm lược, tới cuối năm quân số Mỹ lên tới
gần 200,000 người. Johnson tiếp tục tăng quân cho tới 1968 tổng số đã lên tới
hơn nửa triệu. Cuộc chiến kéo dài, số lính Mỹ chết trận tính tới năm 1968 tổng
cộng trên ba mươi ngàn khiên phong trào phản chiến lên cao dữ dội. Tháng
3-1968 CS Hà Nội chịu thương thuyết tại Paris sau khi thảm bại trận Mậu
Thân tết 1968, Johnson tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ hai (tháng 11-1968)
vì biết trước cử tri sẽ không bầu cho ông.
Hòa đàm Paris khai mạc tháng 5-1968 giữa Mỹ và
CSBV, VNCH chưa chịu tham gia vì chống sự hiện diện của Mặt trận giải phóng
(VC). Hai bên Mỹ-Hà Nội đang bàn thảo về thành phần Hội nghị dự trù chính thức
khai mạc đầu tháng 11-1968 sẽ có đủ bốn bên Mỹ, VNCH, CSBV và Mặt trận giải
phóng. Trong khi ấy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra sôi nổi, phó TT
Humphrey đại diện đảng Dân chủ, Nixon đại diện Cộng hòa.
Ông Thiệu phản đối không tham dự Hòa đàm vì Mỹ để phái đoàn
Việt Cộng tham dự. Nixon nhân cơ hội cử sứ giả (bà Anna Chennault,
người Hoa) sang Sài Gòn khuyến khích ông Thiệu đừng tham gia Hội nghị, chờ
Nixon thắng cử (vào đầu tháng 11-1968) ông sẽ giúp VNCH tích cực hơn là Dân Chủ.
Kết quả bầu cử ngày 5-11 là Nixon (Cộng hòa) thắng cử với
301 phiếu cử tri đoàn trên 32 tiểu bang, Humphrey được 191 phiếu trên 13 tiểu
bang và DC, Wallace (ucv độc lập) được 46 phiếu, trên 5 tiểu bang, Nixon thắng
cử với tỷ lệ 56%. TT Johnson kết án ông Thiệu vì không tham dự hòa đàm nên
Humphrey (Dân chủ) thất cử, ông đã cho nghe lén và biết là ứng cử viên Nixon đã
âm mưu cử sứ giả sang Sài Gòn thuyết phục ông Thiệu không tham dự Hòa đàm Ba
Lê. GS Nguyễn Tiến Hưng cho biết năm 1985 tại Luân Đôn ông Thiệu kể lại rằng hồi
ấy (1968) nếu Humphrey (DC) đắc cử thì nửa năm sau sẽ ép miền nam VN liên Hiệp
với CS để họ rút quân, ông Thiệu đi với Nixon (CH) còn hy vọng hơn. Tôi tin là
ông Thiệu nói đúng, chẳng thà theo Cộng Hòa còn hy vọng tồn tại một thời gian.
Từ đó đảng Dân chủ thù ghét VNCH, cho rằng vì ông Thiệu mà
họ thất bại. Tác giả Trần Đông Phong cho biết tháng 4 năm 1975 (2) Quốc hội Mỹ
do Dân chủ kiểm soát đã cắt bỏ hoàn toàn quân viện miền nam VN để trả thù việc
ông Thiệu 7 năm trước (1968) đã ủng hộ Cộng hòa và giúp Nixon thắng cử. Ông
Phong nói một số dư luận tại Washington hồi đó nhận định như thế, ông
trích dịch cuốn A Better War của Lewis Sorley trang 366:“....Quốc hội Mỹ đã
sắp xếp chuyện đó với một sự trả thù”
Theo tôi nghĩ ông Thiệu chỉ là Tổng thống một nước nhược tiểu
rất khó có thể gây ảnh hưởng tới cán cân tranh cử nước Mỹ và đã viết riêng một
bài về chuyện này (3). Lý do chính mà Dân chủ thất cử vì đã làm hai nhiệm kỳ
(1960-68) đã lãnh đạo cuộc chiến tồi tệ, gây thiệt mạng cho hơn 30,000 lính Mỹ,
bị dân chống đối.. Cử tri bầu cho Cộng hòa để tìm hòa bình, rút ra khỏi cuộc
chiến. Chẳng lẽ đảng Dân chủ lại nói sở dĩ người dân không bầu cho chúng tôi vì
họ quá chán cuộc chiến, quá chán đảng Con Lừa ... mà phải đổ thừa ông Thiệu cho
nó đỡ quê. Ngày nay năm 2017, Dân chủ lại đổ thừa cho ông Putin đã làm họ thất
cử, cũng lại nói cho đỡ mắc cở.
Dù ông Thiệu có gây ảnh hưởng tới cuộc tranh cử hay không
nhưng ông ta đã theo phe đối thủ Cộng hòa năm 1968, đã phản lại Dân chủ vì TT
Johnson (DC) đã giúp chính phủ Thiệu-Kỳ từ 1965 cho tới 1968 nên họ coi như ông
Thiệu đã phản bội họ. Tôi nghĩ không phải đợi tới năm 1975 họ mới báo thù, mà
ngay sau khi TT Nixon (Cộng hòa) nhậm chức năm 1969. Theo lời kể của Kissinger
(4) khi Nixon vào Tòa Bạch Ốc (1969), những người đã đưa quân can thiệp vào VN
(Dân chủ) mới đầu đứng trung lập (giữa phản chiến và chính phủ) sau quay ra a
dua với bọn chống chiến tranh, kết tội Nixon hiếu chiến....
Nói về chớp thời cơ thì Dân chủ là hạng nhất, năm 1965 họ
thăm dò thấy tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến rất cao VN vội đưa quân ồ ạt vào, nay
phong trào phản chiến rất mạnh lại nhẩy hùa theo bọn phá hoại...cái gì thì dở
nhưng mị dân thì họ vào hạng nhất.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh VN Dân chủ đều nắm Quốc hội
dù Hành pháp thuộc đảng nào (5), họ thao túng Lập pháp nhất là từ cuối thập
niên 60. Năm 1970 khi TT Nixon cho tấn công qua biên giới Miên để phá hủy các
căn cứ CSBV và VC, đáng lý ra ông có thể quét sạch được Cộng quân trên đất Chùa
Tháp nếu không bị Dân chủ phản chiến và truyền thông đánh phá ngăn cản mà chỉ
được phép tiến vào đất Miên vài chục cây số.
Năm sau 1971, trong cuộc hành quân sang Lào, Quốc hội Dân
chủ cấm không cho quân Mỹ vượt qua biên giới cùng quân đội VNCH kể cả cố vấn
nên chiến dịch đã không được thành công.
Năm 1972 Quốc hội Dân chủ chống đối chiến tranh và tỏ ra
thù hận VNCH rõ nét hơn trước, cuối tháng 11-1972, ông Nguyễn Phú Đức, phụ tá đặc
biệt ngoại vụ của TT Thiệu được cử đi Washington để họp với Kissinger, Tướng
Haig, TT Nixon về việc ký kết Hiệp định Paris. Trong phiên họp phía
Mỹ cho biết VNCH phải chấp thuận bản Dự thảo Hiệp định nếu không sẽ đưa tới việc
bị Quốc hội cắt hết viện trợ (6). Nguyễn Phú Đức mang theo những điều khoản của
TT Thiệu (đòi CSBV phải rút về Bắc) và nói rõ ông ta không sợ Kissinger, Tướng
Haig dọa cắt viện trợ. TT Nixon có nói với NP Đức nếu ông Thiệu không hòa hợp với
chính phủ Mỹ để ký Hiệp định sẽ không xin được viện trợ. Nixon nói ông đã được
các vị Trưởng khối tại Quốc hội như John Stennis, Barry Goldwater, Gerald
Ford.. cảnh cáo cho biết nếu VNCH không thuận ký thì Quốc hội sẽ ra luật chấm dứt
chiến tranh đưa ra Hạ viện với tỷ lệ 2-1, để đổi lấy tù binh và rút quân về nước.
TT Nixon nói thật chứ không dọa, Quốc hội Dân chủ lúc này sẵn sàng bức tử miền
nam VN nếu ương ngạnh với họ.
Ngay từ tháng 10-1972, khi Kissinger đưa ra bản dự thảo
trong đó Hà Nội đã chịu nhượng bộ những điểm chính như: không đòi lật đổ chính
phủ Thiệu, không đòi liên hiệp.. nhưng họ vẫn đóng quân tại miền Nam, không rút
về Bắc. Ông Thiệu cương quyết chống đối bản dự thảo, Nixon mới đầu ủng hộ VNCH
sau đó bị các vị chức sắc Quốc hội đe dọa ra luật chấm dứt chiến tranh nếu ông
Thiệu không chịu ký, họ cảnh báo TT Nixon như vậy. Quốc hội cho bản Hiệp định
như thế là được rồi, không được đòi hỏi thêm kéo dài thời hạn ký kết.
Sang tháng 12, phái đoàn CSBV cố tình phá hòa đàm, không chịu
thương thuyết nghiêm chỉnh, họ hy vọng Quốc hội mới của Mỹ họp đầu năm (đầu
tháng 1-1973) sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ miền nam VN theo
yêu cầu BV để đổi lấy tù binh, sau đó rút quân về nước. TT Nixon đã phải dùng sức
mạnh tối đa để đưa Hà Nội trở lại bàn hội nghị bằng 200 pháo đài bay B-52 oanh
tạc liên tực 11 ngày đêm, dội 20 ngàn tấn bom xuống miền Bắc VN. Ông ta sợ nếu
BV không trở lại bàn hội nghị Quốc hội có thể ra luật chấm dứt chiến tranh.
Sau ngày oanh tạc Giáng Sinh, sang tháng 1-1973 Quốc hội
Dân chủ luôn hăm dọa ra luật chấm dứt chiến tranh nếu Hiệp định bị trở ngại.
Ngày 2-1-1973 Hạ viện Dân chủ bầu nội bộ với lệ 154 thuận và 75 chống
để cắt hết viện trợ mọi hoạt động quân sự ở Đông dương vừa khi rút quân về nước
và lấy lại tù binh. Hai ngày sau, Dân chủ Thượng viện bầu nội bộ cũng thông qua
Dự luật tương tự với số phiếu 36 thuận và 12 chống. (7)
Người ta thường nghĩ TT Nixon và Kissinger hăm dọa, bắt ép
ông Thiệu ký kết Hiệp định Paris với điều khoản bất lợi cho VNCH (Cộng
quân không phải rút về Bắc) sự thực không phải như vậy. Quốc hội Dân chủ đã
bắt ép Nixon phải ký sớm hiệp định nếu không muốn bị cắt hết nguồn
tài chính quân sự cho Đông Dương. Chúng ta thấy rõ tháng 1 năm 1973 họ cương
quyết hơn trong áp lực VNCH phải chấp nhận ký một hiệp ước bất bình đẳng.
Tác giả, Giáo sư Mark Clodfelter nói:
“Ta không biết Quốc hội có cắt viện trợ VNCH hay không nếu
không có trận oanh Giáng sinh (cuối tháng 12-72) nhưng sau trận oanh tạc, Lập
pháp phẫn nộ và việc cắt viện trợ miền Nam chắc chắn sẽ xẩy ra nếu TT
Thiệu từ chối ký kết Hiệp định. Nhà lãnh đạo miền Nam (tức ông Thiệu)
không dám liều lĩnh như vậy, không có viện trợ, không thể sống còn. Ông ta đồng
ý ký nhưng sau hạn chót của TT Nixon” (8)
Nhận xét của GS Mark Clodfelter cho thấy Dân chủ sẽ thẳng
tay trừng trị VNCH không thương tiếc trong trường hợp ông Thiệu không chịu ký
Hiệp định (vào tháng 1-73) và ông Thiệu là người biết rõ hơn ai hết, mặc dù ông
lớn tiếng chỉ trích Kissinger, Nixon bắt ép miền Nam ký Hiệp định nhưng thực ra
ông không dám liều lĩnh với Quốc hội Dân chủ. VNCH thắng trong trận tấn công 1972
mà như thua vì Dân chủ muốn như vậy, họ không đếm xỉa gì tới sự tồn tại của miền
Nam mà chỉ quan tâm đến hòa bình, lấy tù binh, rút quân về nước.
Như thế ông Thiệu phải chấp nhận một Hiệp định bất bình đẳng
(BV vẫn đóng quân ở miền nam) không phải vì sợ TT Nixon dọa chặt đầu hay đảo
chính mà là vì biết Quôc hội Dân chủ sẽ thẳng tay bức tử VNCH ngay khi đó. Hơn
ai hết ông Thiệu biết rõ sự thật phũ phàng này, chẳng thà ký kết còn
hy vọng sống sót thêm ít năm vẫn hơn là để người ta bóp chết ngay lúc này.
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, ngay sau đó
CSBV vi phạm thỏa ước vì không bị oanh tạc, họ vội vã chuyên chở vũ khí, nhân lực
vào nam trước mùa mưa (vào tháng 4), TT Nixon không dám oanh tạc vì còn chờ lấy
tù binh vào tháng 3. Tại Căm Bốt, Khmer đỏ được BV giúp bao vây Nam Vang khiến
Nixon phải oanh tạc mạnh để cứu chính phủ Lon Nol (9).
Kể từ sau ngày ký Hiệp định, Quốc hội Dân chủ thẳng tay triệt
hạ VNCH ngày càng rõ nét, họ tích cực phản đối chính sách can thiệp của Nixon,
ra tu chính án cắt ngân khoản quân sự cuối tháng 6-1973, Tổng thống miễn cưỡng
ký thành luật có hiệu lực từ 15-8-1973. Nội dung như sau:
“Tu chính án này xác định từ nay không còn ngân khoản nào để
yểm trợ trực tiếp, gián tiếp cho các hoạt động quân sự Mỹ tại Miên, Lào, Bắc
VN, Nam VN hoặc ngoài khơi Miên, Lào, Bắc Việt, Nam Việt và từ sau ngày 15-8 sẽ
không có ngân khoản nào khác của bất cứ Điều luật nào dành cho những mục đích
này”.
Tu chính án trên coi như đã bức tử VNCH và cả Đông
Dương từ giữa năm 1973 vì Hành pháp Mỹ sẽ không có ngân khoản oanh tạc
yểm trợ quân đội đồng minh. Như ta đã thấy, với hỏa lực, nhân lực yếu hơn CSBV,
miền nam VN vẫn phải dựa vào B-52 của Mỹ. TT Nixon nói đạo luật này đã khiến ông
bất lực không bảo vệ được Hiệp định tại VN và cho phép Hà Nội xâm chiếm VNCH
thoải mái.
Về điểm này Giáo
sư Robert
F. Turner nói
“Tôi xin nhắc lại cho quý vị trẻ
biết sau khi bị bỏ bom tơi bời Hà Nội vội vã trở lại đàm phán tại Paris.
Và mọi chuyện êm xuôi nếu chúng ta dùng máy bay B52 để trấn giữ hiệp định.Nhưng
quốc hội với áp lực của “Phong trào Hòa Bình” đã thông qua dự luật vào tháng
Năm 1973. Sẽ là bất hợp pháp nếu Tổng Thống sử dụng bất cứ đồng nào trong công
quỹ cho cuộc chiến tại Việt Nam, Lào và Cambodia. Làm như vậy, Quốc hội đã chuyển
thắng thành bại. Quốc hội phản bội lời cam kết lịch sử của Hoa Kỳ là bảo vệ các
nước không Cộng sản tại Đông Dương” (10)
Quốc hội Dân chủ liên tiếp
ngay sau đó ra những quyết định thù nghịch miền nam, họ cắt giảm viện trợ quân
sự xương tủy với VNCH mỗi năm khoảng 50%: Từ 2,1 tỷ tài
khóa 1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài
khoá 1975 (11). Họ lý luận theo kiểu đạo đức giả nếu tiếp tục viện trợ quân sự,
ông Thiệu sẽ vẫn gây chiến tranh.
Tháng 8-1974, TT Nixon từ chức
vì vụ Watergate, phó TT Ford lên thay.
Miền Nam ngày càng suy yếu rõ
rệt, 35% xe tăng, 50% thiết giáp, máy bay thiếu cơ phận thay thế phải nằm ụ. Hỏa
lực giảm từ 60% tới 70% , tháng 3 -1975 đạn chỉ còn đủ xử dụng trong một tháng,
tháng 4 chỉ còn đủ cho xài khoảng hai tuần (12). Đảng Dân chủ trả thù miền nam
VN bằng lối giết người không dao đã khiến cho bao nhiêu đồng minh của họ ngã gục
trước họng súng, hỏa lực vũ bão của quân thù.
Tình hình quân sự tháng 4-1975
của miền nam vô cùng bi đát, Tướng Weyand và Kissinger đề nghị TT Ford ra Quốc
hội xin khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu cho VNCH, lúc này Dân chủ nắm đại đa
số 67% Hạ viện và 60% Thượng viện, họ chống chiến tranh VN kịch liệt, đối với họ
giờ là lúc phục thù.
Ngày 10-4-1975 TT Ford ra Quốc
hội xin viện trợ cho VN, có hai dân biểu Dân Chủ Moffet và Miller bỏ ra khỏi
phòng họp.
Ngày 18-4-1975, quân viện khẩn
cấp 722 triệu bị Quốc hội bác, họ lý luận số ngân khoản này cũng chỉ kéo dài
chiến tranh gây thêm tang tóc. TT Ford xin viện trợ nhân đạo để cứu người tỵ nạn
khi CS đang xâm chiếm miền Nam, nhiều vị thuộc Dân chủ chống mạnh, đài VOA hồi
đó cho biết Thượng nghị sĩ Joe Biden đã để lại câu nói bất hủ “cương quyết
không cho một tên tỵ nạn VN nào vào Mỹ” sau này trong cuộc tranh cử TT năm
2008, cử tri VN hỏi ông về lời tuyên bố này thì ông chối ngay.
Trong khoảng thời gian
này Kissinger tiên đoán:
“Chúng ta đang đối diện với
tấn thảm kịch vĩ đại, trong đó có cái gì liên quan tới uy tín, tới danh dự của
Hoa Kỳ, tới cái mà các dân tộc khác trên thế giới sẽ nhìn chúng ta như thế nào” (13)
Tướng Weyand cũng đã
phát biểu
“Uy tín lâu dài của Hoa
Kỳ trên thế giới phụ thuộc vào nỗ lực thiện chí của ta cố gắng làm hơn là thành
công hay thất bại trong lúc này, nếu ta không nỗ lực uy tín của ta như một đồng
minh sẽ bị tiêu tan, có lẽ sẽ qua hết đời này sang đời khác”.(14)
Hoặc
“Uy tín của Hoa Kỳ với
tư cách một đồng minh đang có nguy cơ bị mất tại Việt Nam. Để giữ uy tín ấy
chúng ta phải cô gắng tối đa trợ giúp miền nam VN” (15)
Hành động thù ghét VNCH
của Quốc hội Dân chủ ít nhiều cũng khiến đất nước họ phải trả giá: tại Đông nam
Á ngày nay nhiều nước đồng minh của Mỹ đã có khuynh hướng ngả về Trung Cộng như
Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Miên, Lào...người ta không còn dám tin tưởng
vào sự bảo vệ của một siêu cường thất tín.
Xưa thì họ báo oán miền
nam VN, kết án ông Thiệu giúp đảng Cộng Hòa thắng cử, nay lại kết án Putin giúp
Donald Trump thắng cử và ra biện pháp trừng trị Nga ...họ xóa sổ VNCH thì dễ
nhưng chỉ đánh Nga bằng võ mồm.
Năm 1964, khi thấy thăm
dò đại đa số người dân (78%, 85%) ủng hộ cuộc chiến VN (16) đảng Con Lừa vội
đem đại binh đổ bộ vào ngay. Bốn năm sau (1969) khi thấy phong trào chống đối
lên mạnh họ vội hùa theo bọn phản chiến đánh phá Chính phủ đối lập cật lực ngay
từ năm 1969, 70...
Nhưng nay chiến lược mị
dân kiếm phiếu đã hoàn toàn sụp đổ, sự thảm bại của Con Lừa trong cuộc tranh cử
2016 vừa qua cho thấy gió đã đổi chiều.
Từ nhiều thập niên trước, đảng Con Lừa được truyền thông,
quyền lực thứ tư yểm trợ hết mình và có phương tiện mạnh để trấn áp đối phương,
tiếc thay truyền thông cũng vừa hết thời oanh liệt. Nay internet, mạng xã hội
Facebook, Tweeter.... ngày càng bành trướng khiến truyền thông mất dần địa vị độc
tôn. Năm 1968 sau trận Mậu Thân, Walter Cronkite giám đốc chương trình CBS sang
VN về chỉ phán một câu chỉ trích cuộc chiến thất bại thế là phong trào phản chiến
bùng lên dữ đội đưa Đông Dương tới chỗ sụp đổ tan tành năm 1975.
Trước đây, năm 2008 truyền thông có thể đưa một người da mầu
không ai biết tới như ứng cử viên Obama lên làm Tổng thống, đánh bại cả hai nhà
chính trị da trắng tiếng tăm như Hillary Clinton, John McCain. Nay
gió đã đổi chiều, mặc dù 90% TV, báo, đài... tập trung hỏa lực yểm trợ tối đa
cho đảng Con Lừa năm 2016 nhưng thay vì chiến thắng vinh quang chỉ là thất bại
ê chề.
.. Nhà Phật gọi là vô thường...chẳng có gì là thường còn.
...
Trọng Đạt
(1) Chuyện này đã được GS Nguyễn Tiến Hưng kể lại trong
Chương Một của cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy năm 2005 và năm sau 2006
ông Trần Đông Phong cũng bàn kỹ về đề tài này trong cuốn Việt Nam Cộng Hòa, 10
Ngày Cuối Cùng (từ trang 41 tới trang 69)
(2) VNCH, 10 Ngày Cuối Cùng trang 41, 42
(3) Ông Thiệu và cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ tháng 11- 1968
(4) White House Years,
Chương VIII, trang 227
(5) Composition of
Congress, by Political Party, 1855–2017:
1961, Hạ viện DC 60%,
Thượng viện DC 64%, năm 1968, Hạ Viện DC 56%, Thượng viện DC 57%, 1972 Hạ viện
DC 55%, Thượng viện DC 57%
(6) Larry Berman: No
Peace, No Honor.. trang 198, 200.
(7) Nixon: No More VN
trang 169, 170; Larry Berman: No Peace No Honor trang 221
(8) Mark Clodfelter: The
Limits of Air Power trang 200
(9) Richard Nixon: No More
Vietnams trang 175-180
(10) Trích trong
bài Hậu Quả
Của Việc Hoa Kỳ Bỏ Rơi Đông Dương của GS Robert F. Turner (bản dịch đăng
trên nhiều trang mạng)
(11) Nixon: No More
Vietnams trang 185-186, Henry Kissinger: Years of Renewal trang 471
(12) Nixon: No
more Vietnams trang 187, Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối VNCH trang 82,
83, 91, 92, Phillip B. Davidson: Vietnam At War , The History 1946-1975 trang
748
(13) Walter Isaacson:
Kissinger a Biography trang 641,642
(14) Walter Isaacson:
Kissinger a Biography trang 640,641
(15) Larry Berman: No
Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam trang 266.
(16) Karnow: Vietnam a
History trang 390; Answer.com, domino theory
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét