Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Hàng rào Mexico hay McNamara/VN

Hàng rào điện tử McNamara?
Hàng rào điện tử McNamara là tên gọi cho hệ thống các phương tiện điện tử phát hiện thâm nhập được quân đội Mỹ sử dụng dọc theo khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động nhằm phát hiện các hoạt động vận chuyển của bộ đội ta chi viện cho chiến trường miền Nam.
Theo tài liệu tham khảo, trong khoảng thời gian từ 1966 đến 1971, Mỹ đã chi 1,7 tỷ USD cho mạng lưới 20.000 máy phát hiện rải trên đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào.
Một Trung tâm Cảnh giới xâm nhập (ISC hay Infiltration Surveillance Center) đặt tại căn cứ không quân Mỹ ở Nakhon Phanom, Thái Lan trên diện tích 18.500m², được trang bị máy tính IBM 360-65 – thuộc loại hiện đại nhất khi đó – làm nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ và xử lý dữ liệu từ các máy phát hiện.


 50 NĂM ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Trở lại Trường Sơn huyền thoại - Bài 7: Còn lại gì hàng rào điện tử McNamara?
Thứ sáu, 01/05/2009, 10:15 (GMT+7)
Đất, trời và lòng người Quảng Trị những ngày này dường như trải rộng thêm, để đón chào những đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Có người lần trong từng thửa đất, lùm cây, ngọn cỏ mong tìm lại một phần kỷ vật, dấu tích của một thời lửa đạn… Từ tuyến phòng thủ của hàng rào điện tử McNamara Cồn Tiên - Dốc Miếu đến các căn cứ Làng Vây - Khe Sanh nơi có đường mòn Hồ Chí Minh vắt qua Tây Trường Sơn rồi Đường 9 - Nam Lào…
“Mắt thần” McNamara
Sau khi thất thủ nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, Mỹ và quân đội Sài Gòn tập trung lực lượng, vũ khí tối tân, chặn đánh các trục đường giáp ranh giữa 2 miền, đặc biệt là tuyến Đường 9 và đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Trị, lập nên các căn cứ bất khả xâm phạm.
Bến Tắt (Quảng Trị), nơi hàng rào điện tử McNamara đi qua.
Từ tháng 6 năm 1966, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, hàng rào điện tử McNamara bao gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản (hàng rào dây thép gai, bãi mìn...), các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không (ra đa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn...), được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10 - 20km, dài khoảng 100km từ cảng Cửa Việt lên Đường 9, qua Làng Vây - Khe Sanh, Hướng Hóa, cắt đường mòn Hồ Chí Minh, qua biên giới Việt Nam – Lào, sang Mường Phìn (Lào). Công trình tiêu tốn tới 2 tỷ Mỹ kim…

“Nghe bọn hắn rêu rao ai cũng khiếp! Tụi nó bảo một con chuột cũng không qua lọt, nói chi đến Việt cộng. Người đến gần sẽ bị hút vào, dính bom nổ tan xác!” - bà Hoàng Thị Chẩm - nữ bắt tỉa trên đồi Dốc Miếu - cho biết.
Hàng rào McNamara gồm 12 lớp kẽm gai chồng lên nhau, cao 3m với đủ các kiểu mái nhà, mắt cáo, ô vuông, khung cửa…, trên mặt cài mìn tự động. Phía trước là bãi mìn đặc từ 500 - 700m (gồm các loại mìn chống tăng, mìn voi, từ trường, mìn muỗi, mìn bướm, mìn lá, mìn ba càng…) chạy suốt tuyến và thường tụ đặc xung quanh các cứ điểm.
Rồi hệ thống thu phát tín hiệu tinh vi được rải khắp bến sông Bến Hải, dọc đường hành lang Đông - Tây từ ven biển lên đến chân dãy Trường Sơn, đặc biệt là căn cứ Làng Vây - Khe Sanh, có nhiệm vụ phân tích tiếng động để phân biệt người hay xe, xác định chính xác tọa độ.
Trên trời, máy bay trinh sát không người lái và máy bay RC130 lượn suốt ngày đêm, có nhiệm vụ nhận tín hiệu từ những máy báo tiếng động về trung tâm điều hành để chỉ điểm cho pháo, bom tọa độ từ các căn cứ trên hàng rào phát hỏa, tiêu diệt mục tiêu. Sau khi thiết lập được hệ thống “mắt thần”, Mỹ đã gây ra rất nhiều tổn thất về lực lượng của ta.
Để giúp bộ đội chủ lực phá bỏ hệ thống này, những dân quân du kích Gio Linh đã nghĩ ra cách: “Sử dụng trò chơi trẻ con như bắt cóc bỏ vào lon sữa, ống tre treo lên hàng rào kẽm gai để gây tiếng động đánh lạc hướng quân lính ở các căn cứ rồi cắt hàng rào lọt vào đánh phá trại lính, kho tàng; nhặt mìn lép của Mỹ cải tiến lại thành mìn hẹn giờ cài trên mặt đất để diệt xe chở lính hoặc cài dưới sông diệt tàu vận tải; dò tìm các thiết bị điện tử của địch để phá hỏng…
Nhiều lần, thấy tín hiệu phát ra từ lon sữa, ống tre, địch nã pháo, trút bom xuống tự phá hỏng nhiều đoạn hàng rào. Hỏng đoạn nào, quân Mỹ liền làm lại. Sửa xong ta lại phá tiếp…” - bà Chẩm tự hào kể tiếp.
Dấu tích còn gì?
Theo chân những đoàn cựu chiến binh từ Dốc Miếu, qua Bến Tắt, cầu Đầu Mầu, Cao điểm 241, dọc Đường 9 - Nam Lào rồi lên đến đỉnh Làng Vây - Khe Sanh, chúng tôi nhận thấy không ai lại không bùi ngùi, nuối tiếc trước dấu tích xưa đã bị thời gian hủy hoại.
“Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất của một thời khói lửa đã kịp liền da. Những hố bom sâu đã được san bằng nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, những quả đồi cháy trọc do bom đạn cũng được phủ lên một màu xanh cây rừng…, vì thế dấu tích một thời không còn nguyên vẹn?” – ông Nguyễn Văn Hùng, quê ở Vĩnh Phúc, cựu chiến binh Sư đoàn 470 tự hỏi. Và có lẽ không riêng ông Hùng, đó cũng là trăn trở của không biết bao người.
Đứng trên đỉnh Làng Vây - Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) nhiều cựu chiến binh kể lại: “Đây là một trong những tuyến phòng thủ kiên cố nhất của Mỹ - ngụy ở điểm đầu miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là điểm cuối trong hệ thống “mắt thần” của hàng rào McNamara.
Tại đây, địch bố trí Trung đoàn 26 Thủy quân lục chiến (TQLC) được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn TQLC số 3 của Mỹ và một số tiểu đoàn biệt động Sài Gòn cùng nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để cắt tuyến chi viện của ta vào miền Nam.
Tại đây, năm 1968, quân và dân ta đã trải qua 170 ngày đêm vây lấy Khe Sanh, đánh quỵ Sư đoàn 3 TQLC và Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, phá hủy, bắn cháy nhiều phương tiện chiến tranh, bắn rơi hàng trăm máy bay các loại, giải phóng một địa bàn rộng lớn phía Tây tỉnh Quảng Trị, phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự thép ngăn chặn ở địa đầu Nam Việt Nam…”.
Xe tăng bị ta bắn cháy ở cứ điểm Làng Vây - Khe Sanh hiện được trưng bày tại thị trấn Khe Sanh. Ảnh: M.A.
Ông Hồ Bố, một trong những dân quân du kích trực tiếp gùi các bộ phận của xe tăng (đã được tháo rời) vượt Trường Sơn, tập kết ở Khe Sanh cho bộ đội, là người cùng bộ đội đánh trận mở màn chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, kể: “Hồi ấy khói lửa dữ lắm. Địch bắn, ta bắn… bố cùng với bộ đội đánh chiếm ở Làng Vây - Khe Sanh, bố thấy có nhiều hầm, hào, súng ống… Nhưng sau mấy mươi năm, mỗi lần có dịp đi qua đây ghé vào thăm thì bố chẳng còn thấy chi cả, ngoại trừ mấy chiếc xe tăng đặt trên bệ và khắc lên đó mấy hàng chữ”...
Xuôi theo Đường 9 về Đông Hà, chúng tôi đi qua Cao điểm 241, thuộc xã Tân Lâm, huyện Cam Lộ. Nơi đây, từ ngày 30-3 đến 2-4-1972, lực lượng pháo binh, bộ binh của quân ta đã đánh sập căn cứ hỏa lực mạnh nhất của địch trong hệ thống phòng thủ Đường 9.
Cũng tại nơi này, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn Vinh Quang đã trao cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro lá cờ truyền thống của sư đoàn trên Cao điểm 241 vào ngày 16-9-1973.
Tuy nhiên, tượng đài kỷ niệm chiến thắng ấy lại nằm trong một khoảnh đất hoang vu, rong rêu, cỏ dại, cây cối bao quanh. Tấm bảng ghi chiến công bị phai mờ, không rõ chữ. Những cột, khối bê tông của tượng đài nứt nẻ, bị đổ vỡ và bị che khuất dưới cây cỏ um tùm… Đáng quan tâm hơn, di tích hàng rào điện tử McNamara ở Cồn Tiên - Dốc Miếu giờ cũng chẳng còn bao nhiêu dấu tích…
Đất, người Quảng Trị sau mấy mươi năm vừa kịp hồi sinh, chiến công thời khói lửa của bao lớp cha anh đã được lưu vào sử sách, song mấy mươi năm nữa những dấu tích làm nên những chiến công huyền thoại ấy còn lưu lại được gì? Làm thế nào để các thế hệ mai sau thấy và biết về quá khứ hiên ngang, bất khuất của một dân tộc anh hùng?

HOÀNG ANH

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/chinhtri/duongtruongson/2009/5/189181/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét