Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Ngày Quân Lực 26-10 Và Ngày Quân Lực 19-06


Bản Lên Tiếng Thứ 38:
 

Ngày Quân Lực 26-10
Và Ngày Quân Lực 19-06
 
 
“Ngày 26-10-1956, ban hành Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng-Hòa, đồng thời chọn ngày này là Quốc-Khánh và thủ tướng Ngô-đình-Diệm trở thành Tổng thống. Quân Đội Quốc Gia Việt-Nam đổi tên thành Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. (bài Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa tự truyện của tác giả Phạm-bá-Hoa ghi là Tháng 07-1955, thủ tướng Ngô-đình-Diệm đã đổi tên Quân Đội Quốc Gia Việt-Nam thành Quân-Đội Việt-Nam Cộng-Hòa; bài Lịch Sử Hình Thành Quân Đội Việt Nam của Trần Hội & Trần Ðỗ Cẩm ghi ngày 26 tháng 10 năm 1955, khi cử hành lễ đăng quang của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và cũng là ngày khai sinh nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Quân Ðội Quốc Gia được đổi tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” -ngưng trích- (1)
 
“…Đó là ngày đánh dấu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đứng lên gánh vác hai trách nhiệm lớn: bảo vệ nền tự do độc lập của Việt Nam Cộng Hòa, làm tiền đồn ngăn chống làn sóng cộng sản và xây dựng một đất nước lạc hậu nghèo khó vì chiến tranh triền miên với mục đích tiến lên thành một quốc gia phú cường, ngẩng cao đầu sánh vai với cộng đồng thế giới…Từ thời điểm đó, ngày 19.6 được đánh dấu như là một cái mốc lịch sử, một chương mới của cuộc chiến đấu chống đại khối cộng sản quốc tế của quân dân Miền Nam, mà Quân Lực Việt Nam Cộng hòa là thành phần gồng gánh trách nhiệm lãnh đạo đất nước…”-ngưng trích- (2)
 
“…Ở giữa 2 nền Cộng Hòa có ngày 19-6-1965…Nhiều năm qua tại San Jose luôn luôn có đến 2 ngày Quân lực. Hai địa điểm, hai tổ chức, cùng một ngày. Năm nay đã khá hơn, chỉ có một ngày nhưng lại có hai ban đại diên cộng đồng cùng chính thức… khi nói chuyện cũ vẫn có anh em trẻ hỏi rằng tại sao ngày xưa không lựa chọn một ngày nào khác có ý nghĩa và không hệ lụy với biến chuyển thời sự cuả các triều đại…” -ngưng trích- (3)
 
“…Uỷ ban hành pháp Trung ương do trung tướng Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm bằng sắc lệnh số 001/a/CT/LĐQG ngày 19-6, ngoài chủ tịch là thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ còn có 5 tổng uỷ viên, 10 uỷ viên và 2 thứ uỷ.
 
Khác với những lần đảo chánh hay chỉnh lý trước đây, lần nầy do tranh chấp giữa các chính khách dân sự và với sự thỏa thuận của phía chính phủ dân sự, các tướng lãnh ra nắm chính quyền. Từ đây, ngày 19-6 được xem là ngày kỷ niệm Quân lực VNCH nắm chính quyền, và thường được gọi là NGÀY QUÂN LỰC…” –ngưng trích- (4)
 
Bốn đoạn trích bên trên cho thấy Ngày Quân Lực thực sự có hai thời điểm để kỷ niệm cũng như hai ý nghĩa khác nhau.
 
Thứ nhất ngày 26-10-1955 đánh dấu sự ra đời của Đệ Nhất Việt-Nam Cộng-Hòa, đồng thời là ngày cố Tổng thống Ngô-đình-Diệm cải danh cho Quân Đội Quốc Gia Việt-Nam là Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa (viết tắt là QLVNCH) với sứ mạng Bảo Quốc An Dân. Và cũng chính ngày này cố Tổng thống Ngô-đình-Diệm đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này của QLVNCH.
Thứ hai, ngày 19-06-1965, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương được thành lập và do Trung tướng Nguyễn-văn-Thiệu làm chủ tịch và các thành viên khác gồm 9 vị tướng lãnh trong quân lực. Cũng chính ngày này, “đánh dấu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đứng lên gánh vác hai trách nhiệm lớn: bảo vệ nền tự do độc lập của Việt Nam Cộng Hòa, làm tiền đồn ngăn chống làn sóng cộng sản và xây dựng một đất nước lạc hậu nghèo khó”…” Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu sau khi đắc cử Tổng Thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa trong tháng 11.1967 vẫn tiếp tục cho tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm hàng năm ngày Quân Lực 19.6” -ngưng trích- (3)
 
Ý nghĩa thứ nhất của ngày Quân Lực 26-10 là Bảo Quốc An Dân;
 
Ý nghĩa thứ hai của ngày Quân Lực 19-06 là be bờ, làm tiền đồn chống cộng cho thế giới tự do.
 
Nhiệm vụ làm be bờ, tiền đồn chống cộng cho thế giới tự do đã thực sự chấm dứt vào lúc 10 giờ sáng ngày 30-04-1975 khi Tướng Dương-văn-Minh kêu gọi QLVNCH ngưng chiến đấu, bàn giao lãnh thổ và vũ khí cho Cộng sản Bắc Việt.
Kể từ sau ngày đó, một tinh thần duy nhất còn tồn tại và QLVNCH (sau này là Tập Thể Chiến Sĩ VNCH cũng như các hội cựu quân nhân, cựu quân binh chủng) cần theo đuổi và tiếp nối đó là tinh thần Bảo Quốc An Dân mà cố tổng thống Ngô-đình-Diệm đã dầy công vung đắp bằng tinh thần cũng như bằng chính sự hy sinh của bản thân vào ngày 02-11-1963 khi ông từ chối việc can thiệp của QLVNCH bằng tất cả sức mạnh để cứu lấy sinh mạng chính ông cùng bào đệ, cố vấn Ngô-đình-Nhu. Ông quan niệm Quân đội là để phục vụ đất nước và dân tộc chứ không phải phục vụ cho chế độ hay bất cứ một cá nhân nào.
 
Tinh thần Bảo Quốc An Dân của QLVNCH phải tích cực phát huy cho ngày càng rực rỡ.
 
Do đó, Hội Sử-Học Việt-Nam tại Liên Âu rất mong vào một thời điểm thuận duyên hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, các tổ chức cựu chiến sĩ VNCH, các hội đoàn, tổ chức cựu quân nhân hãy đồng lòng tổ chức Ngày Quân Lực 26-10 thay vì 19-06 như đã từng tổ chức từ 48 năm qua.
 
Có tổ chức Ngày Quân Lực 26-10, tinh thần QLVNCH mới thực sự khôi phục và lấy lại Chính Danh, Chính Nghĩa và Chính Thống để chống giặc Tầu xâm lược.
 
Liên Âu, ngày 03-03-2014, Việt Lịch 4893, Phật Lịch 2558. Tưởng-niệm 39 năm ngày quốc hận, quốc tang; kỷ niệm lần thứ 49 Ngày Quân Lực.
 
Hội Sử-Học Việt-Nam tại Liên Âu
 
Nguồn: 
 http://hon-viet.co.uk/HoiSuHocVietNamTaiLienAu_NgayQuanLuc26thang10Va19thang6.htm

Trang Chính     Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét