Dân chủ cuội
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
2016-01-19
2016-01-19
Điều đầu tiên, xác định được ai là dân chủ cuội là vấn đề vô cùng khó khăn, bởi vì những người dân chủ cuội không có gì khác với người đấu tranh dân chủ thực sự. Họ cũng tham gia viết bài, cũng đi biểu tình, cũng giao lưu gặp gỡ nhau, giúp đỡ dân oan…
Nói chung, về mặt công khai, họ không khác gì những người đấu tranh dân chủ thực sự. Những việc họ làm với an ninh, làm cho an ninh là những việc được thực hiện bí mật, liên lạc bí mật, chỉ có họ và an ninh mới biết được. Chính vì vậy, việc gọi ra hoặc quy chụp người này hay người kia là dân chủ cuội mà không đưa ra được chứng cứ là hết sức nguy hiểm. Nhiều khi chính những kẻ quy chụp đó lại là dân chủ cuội, thậm chí có thể có cả hai bên quy chụp nhau, đánh phá nhau đều là dân chủ cuội…
Mục đích của an ninh trong việc gầy dựng và sử dụng dân chủ cuội dễ xác định hơn rất nhiều so với việc xác định ai là dân chủ cuội. Đầu tiên là để nắm được thông tin, tình hình, các hoạt động của các cá nhân, hội nhóm và tổ chức của phong trào dân chủ, của xã hội dân sự, của các tổ chức tôn giáo không thuộc nhà nước quản lý. Từ những thông tin của những kẻ dân chủ cuội này, an ninh có thể biết rõ được nội tình của các hội nhóm, tổ chức từ đó xây dựng kế hoạch đối phó hữu hiệu. Mục tiêu tiếp theo mà an ninh nhắm tới khi sử dụng dân chủ cuội là gây mâu thuẫn, chia rẽ trong phong trào dân chủ. Đây là âm mưu rất thâm độc mà an ninh đã ít nhiều thành công. Chúng ta đã được chứng kiến, sự mâu thuẫn, chia rẽ, đánh phá nhau trầm trọng, âm ỉ và dai dẳng của các tổ chức ở hải ngoại.
Ở trong nước, thời kỳ trước cũng có các cuộc xung đột, chia rẽ và mâu thuẫn ghê gớm của một số người trong phong trào dân chủ... Đành rằng, bản thân những người đấu tranh dân chủ thực sự cũng có những mâu thuẫn nội tại, do những người này đều có cá tính mạnh và những va chạm bình thường trong cuộc sống, nhưng an ninh của cộng sản Việt Nam đã lợi dụng những chuyện này để kích động, khai thác để làm bùng phát mâu thuẫn với quy mô và tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nhận thức được âm mưu thâm độc này, những người đấu tranh dân chủ thực sự cần có sự kìm nén bản thân để tránh rơi vào bẫy an ninh đã cài sẵn thông qua những kẻ dân chủ cuội.
Mục tiêu chiến lược và lâu dài của an ninh Việt Nam trong việc sử dụng dân chủ cuội có lẽ là dự phòng trường hợp chế độ chủ động chuyển đổi sang hình thức dân chủ nửa vời, độc tài trá hình, hay dân chủ hình thức như Liên bang Nga hoặc Campuchia. Tuy nhiên, mục tiêu này khó thực hiện bởi mô hình của Nga là sự hình thành độc tài cá nhân một cách tự nhiên, chứ không phải có kế hoạch từ ban đầu. Còn ở cam-pu-chia, Hun-Sen có vị thế của người hùng giải phóng đất nước.
Ở Việt Nam, nếu có một người phất cờ thực sự trong nội bộ đảng cộng sản, có thể hình thành chế độ đa nguyên thực sự, chứ không phải dân chủ hình thức. Trong trường hợp chế độ sụp đổ, an ninh Việt Nam cũng hy vọng một sự giảm thiểu việc truy cứu trách nhiệm các tội ác trong quá khứ, nếu những kẻ dân chủ cuội nắm quyền. Nhưng đây là những hy vọng rất mong manh, vì khi chế độ sụp đổ, những ràng buộc và áp lực đối với những kẻ dân chủ cuội (bị ép) không còn nữa, rất khó để họ có sự trung thành và cứu giúp.
Một vấn đề quan trọng nữa xung quanh vấn đề dân chủ cuội, là quy mô của lực lượng này lớn đến đâu? bao gồm những thành phần nào?
Theo suy nghĩ của người viết bài này, số lượng dân chủ cuội, những người đấu tranh dân chủ làm việc cho an ninh là rất lớn. Có hai lý do để chúng ta tin rằng, số lượng dân chủ cuội trong phong trào dân chủ rất lớn. Khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Đức, người ta đã tính được, số lượng đặc tình chiếm 10% dân số của Đông Đức. Đồng thời, trong một chia sẻ của đối lập dân chủ của Đông Đức, 2/3 số người trong các tổ chức đối lập Đông Đức làm việc cho an ninh. Chúng ta còn biết được rằng, khi cuộc chiến tranh Quốc - Cộng diễn ra, cộng sản miền Bắc việt Nam không hiện diện ở miền Nam, vậy mà họ đã cài cắm một số lượng người khủng khiếp, đủ các thành phần, ở tất cả các lĩnh vực. Việc cài cắm người vào nội bộ đối phương là điểm nhấn của cuộc chiến và là hoạt động được đánh giá cao của an ninh Bắc Việt Nam. Trong điều kiện rất hạn chế như vậy, mà họ vẫn thành công trong việc cài cắm một số lượng lớn người vào hàng ngũ đối phương thì trong môi trường hiện nay, tất cả đều trong tay họ, thì chắc chắn số lượng cài cắm đó phải rất nhiều.
Trong tổng số những kẻ dân chủ cuội ở trong nước, số lượng nhân viên an ninh (có nghiệp vụ, được đào tạo) thâm nhập hoạt động trong phong trào dân chủ không nhiều, có lẽ từ 5-10%. Số lượng đặc tình (là những người dân làm việc cho an ninh trước khi tham gia dân chủ) cũng không lớn quá, dự đoán vào khoảng 15-20%. Nhưng số lượng những người đấu tranh dân chủ thực sự, bị khống chế, bắt buộc phải làm việc cho an ninh mới là số lượng rất lớn, khoảng 70-80%.
Việc này diễn ra như sau. Nhiều người khi mới tham gia đấu tranh dân chủ, phần lớn do bức xúc với môi trường xã hội, hoặc do đấu tranh cho quyền lợi của bản thân và gia đình. Họ chưa thể hình dung hết được những khó khăn phức tạp trong cuộc đấu tranh này. Họ lại càng không thể biết được khả năng và những âm mưu hiểm độc của an ninh. Khi họ tham gia phong trào dân chủ, an ninh sẽ nghiên cứu, tìm hiểu về họ và gia đình họ rất kỹ để tìm ra những tỳ vết trong công việc, quan hệ và cuộc sống. Sau đó an ninh sẽ dùng những tỳ vết này để khống chế những người mới đấu tranh. Với quyền lực của an ninh, nếu người đấu tranh không đồng ý hợp tác, an ninh sẽ dùng quyền lực để tấn công vào các tỳ vết của họ.
Như vậy, cộng với nghiệp vụ vừa đấm vừa xoa, rất nhiều người đã bắt buộc phải làm việc cho an ninh. Trường hợp không thể tấn công vào tỳ vết cá nhân và gia đình, an ninh sẽ sử dụng việc tù đầy để đánh gục những người tham gia dân chủ nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ bản lĩnh. Kết cục là có rất nhiều người ban đầu là đấu tranh dân chủ thực sự, nhưng cuối cùng lại phải làm việc cho an ninh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần lo lắng và ái ngại nhiều. Khi chế độ cộng sản sụp đổ, giống như hầu hết các nước cộng sản sụp đổ trước đây, lực lượng dân chủ cuội này sẽ tan biến như bọt xà phòng trước cơn mưa rào mùa hạ.
Hà Nội, ngày 19/01/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/fake-democracy-nvb-01192016125441.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét