Angels, John K. và Lohfeldt, Heinz P. | Phạm Thị Hoài dịch
“Kissinger
đại diện cho chính sách và lợi ích của chính phủ Mỹ. Là Tổng thống Nam
Việt Nam, bổn phận của tôi là bảo vệ những lợi ích sống còn của đất nước
tôi.” – Cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.
Cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu về cuốn hồi ký của Kissinger và Chiến tranh Việt Nam
DCVOnline
| Cuối năm 1979, tuần báo Der Spiegel số 50 đã đăng bài phỏng vấn cựu
Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu, dài 9 trang, do hai biên
tập viên Angels, John K. và Lohfeldt, Heinz P. Thực hiện. Chúng tôi xin
giới thiệu đến bạn đọc bản dịch sang Việt ngữ của Phạm Thị Hoài.
Hòa bình của nấm mồ
Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel 1979
Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel 1979
Spiegel: Thưa ông Thiệu, từ
1968 đến 1973 Hoa Kỳ đã nỗ lực thương lượng hòa bình cho Việt Nam. Trong
cuốn hồi ký của mình, ông Henry Kissinger, trưởng phái đoàn đàm phán
Hoa Kỳ đã dùng nhiều trang để miêu tả việc ông, Tổng thống Việt Nam Cộng
hòa, đã chống lại những nỗ lực nhằm đem lại hòa bình cho một cuộc chiến
đã kéo dài nhiều năm, với hàng triệu nạn nhân và dường như là một cuộc
chiến để “bóp nát trái tim Hoa Kỳ”. Vì sao ông lại cản trở như vậy?
Nguyễn Văn Thiệu: Nói thế là
tuyệt đối vô nghĩa. Nếu tôi cản trở thì đã không có Hiệp định Hòa bình
năm 1973 – mặc dù, như ai cũng biết, đó không phải là một nền hòa bình
tốt đẹp; hậu quả của nó ở Việt Nam là chứng chỉ rõ ràng nhất. Kissinger
đại diện cho chính sách và lợi ích của chính phủ Mỹ. Là Tổng thống Nam
Việt Nam, bổn phận của tôi là bảo vệ những lợi ích sống còn của đất nước
tôi.
Tôi đã nhiều lần chỉ ra cho Tổng thống
Nixon và TS Kissinger rằng, đối với một cường quốc như Hoa Kỳ thì việc
từ bỏ một số vị trí không mấy quan trọng ở một quốc gia bé nhỏ như Nam
Việt Nam không có gì đáng kể. Nhưng với chúng tôi, đó là vấn đề sinh tử
của cả một dân tộc.
Spiegel: Kissinger không phủ
nhận rằng cuối cùng ông cũng đồng ý. Nhưng ông ấy cũng nói rằng phải đàm
phán lâu như vậy vì ông cản trở nhiều, rằng ông đồng ý với các đề xuất
của Mỹ chỉ vì ông chắc mẩm rằng đằng nào thì Hà Nội cũng sẽ bác bỏ.
Nguyễn Văn Thiệu: Không đúng như
vậy. Để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 30 năm, người ta
cần nhiều thời gian hơn là hai, ba ngày hay hai, ba tháng. Tôi hiểu rõ
rằng đối với người Mỹ đã đến giúp chúng tôi, đây là cuộc chiến dài nhất
trong lịch sử của họ. Có lẽ vì thế mà họ vội vã như vậy. Nhưng điều
chúng tôi cần là một nền hòa bình lâu dài.
Spiegel: Kissinger có ý cho
rằng ông không thực sự muốn ký kết một thỏa thuận về hòa bình, đúng ra
ông ngầm mong phía miền Bắc cũng sẽ cứng đầu như ông. Kissinger viết
rằng ông đồng ý với nhiều đề xuất từ phía Mỹ – trong tinh thần sẵn sàng
không tuân thủ, chỉ vì trong thâm tâm ông không tin rằng hòa bình sẽ
được ký kết. Có phải là trong khi đàm phán, ông đã bịp, với hy vọng là
sẽ không bao giờ phải ngửa bài lên?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Sao lại
có thể nói là một dân tộc đã chịu đựng bao nhiêu đau khổ suốt 30 năm lại
muốn kéo dài cuộc chiến? Kissinger muốn xúc tiến thật nhanh mọi việc để
Mỹ có thể rút quân và tù binh Mỹ được thả. Mà có lẽ mục đích của chính
phủ Mỹ cũng là cao chạy xa bay. Họ thì có thể bỏ chạy. Nhưng chúng tôi
thì phải ở lại Nam Việt Nam.
Chúng tôi có quyền chính đáng để đòi hỏi
một hiệp định hòa bình toàn diện. Không phải là vài ba năm hòa bình,
rồi sau đó lại 30 năm chiến tranh.
Spiegel: Vậy tại sao ông lại
đi trước cả người Mỹ và tự đề nghị Hoa Kỳ rút quân trong cuộc họp tại
đảo Midway ở Thái Bình Dương tháng Sáu 1969, theo tường thuật của
Kissinger?
Nguyễn Văn Thiệu: Trước khi họp ở
Midway, việc chính phủ Mỹ dự định rút quân đã không còn là điều bí mật.
Cho phép tôi nhắc để các ông nhớ lại, tin tức về việc Mỹ sẽ rút một số
quân đã loan khắp thế giới, trước cuộc họp ở Midway. Vì sao? Theo tôi,
chính phủ Mỹ muốn thả bóng thăm dò, tiết lộ thông tin trước cho báo chí
và đẩy chúng tôi vào sự đã rồi.
Spiegel: Tức là ông đã nắm được tình hình?
Nguyễn Văn Thiệu: Đúng thế. Cuộc
họp ở Midway nhằm hai mục đích. Thứ nhất, cho hai vị tân tổng thống cơ
hội làm quen và bàn về đề tài Việt Nam. Điểm thứ hai đã vạch rất rõ là
bàn về việc rút những toán quân Mỹ đầu tiên. Tôi đã không hình dung sai
điều gì và đã làm chủ tình thế. Không có gì phải lo lắng, và tôi đã rất
vững tâm.
Spiegel: Khi đề xuất Mỹ rút
quân, ông có thật sự tin rằng Nam Việt Nam có thể chiến đấu một mình và
cuối cùng sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến mà hơn 540.000 lính Mỹ
cùng toàn bộ guồng máy quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ không thắng nổi
không? Chuyện đó khó tin lắm.
Nguyễn Văn Thiệu: Không, đề xuất
đó không phải của tôi. Tôi chỉ chấp thuận. Tôi chấp thuận đợt rút quân
đầu tiên của Mỹ, vì Tổng thống Nixon bảo tôi là ông ấy gặp khó khăn
trong đối nội và việc rút quân chỉ mang tính tượng trưng. Ông ấy cần sự
ủng hộ của dư luận và của Quốc hội. Nhưng tôi cũng bảo ông ấy rằng: Ông
phải chắc chắn rằng Hà Nội không coi việc bắt đầu rút quân đó là dấu
hiệu suy yếu của Hoa Kỳ.
Spiegel: Và ông không nghĩ đó là khởi đầu của việc rút quân toàn bộ?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Tôi đã
hình dung được rằng, đó là bước đầu tiên để cắt giảm quân số. Nhưng
không bao giờ tôi có thể nghĩ Mỹ sẽ rút hẳn và bỏ rơi Nam Việt Nam. Tôi
đã trình bày với Tổng thống Nixon rằng việc cắt giảm quân số sẽ phải
tiến hành từng bước, như khả năng chiến đấu và việc tiếp tục củng cố
Quân lực Việt Nam Cộng hòa cho phép – tương ứng với những viện trợ quân
sự và kinh tế có thể giúp Nam Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình.
Quan trọng hơn, tôi đã bảo ông ấy phải
yêu cầu Hà Nội có một hành động tương ứng đáp lại. Phía Mỹ đồng ý với
tôi ở mọi điểm; về một sự rút quân từng bước và của cả hai phía…
Spiegel: … và mang tính tượng trưng?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi hiểu rõ
rằng cuộc chiến ở Việt Nam cũng là một vấn đề đối nội của Hoa Kỳ. Và
Tổng thống Nixon giải thích rằng ông ấy cần một cử chỉ tượng trưng để
giải quyết vấn đề đó. Trước đó một tuần tôi đến Seoul và Đài Loan, tôi
đã nói với Tổng thống Park Chung Hee và Tổng thống Tưởng Giới Thạch rằng
tôi hy vọng việc rút quân sắp bàn với Tổng thống Nixon ở Midway chỉ là
một sự cắt giảm quân số mang tính tượng trưng. Song tôi cũng lưu ý rằng
nếu Hoa Kỳ muốn rút hẳn thì chúng tôi cũng không thể ngăn cản. Vậy thì
đề nghị họ rút quân từng bước, đồng thời viện trợ để củng cố một quân
đội Nam Việt Nam hùng mạnh và hiện đại, có thể thay thế người Mỹ, sẽ là
hợp lý hơn. Không bao giờ tôi đặt giả thiết là lính Mỹ sẽ ở lại Việt Nam
vĩnh viễn.
Spiegel: Mỹ vẫn đóng quân ở Hàn Quốc và Tây Đức mà.
Nguyễn Văn Thiệu: Nhưng chúng tôi
là một dân tộc rất kiêu hãnh. Chúng tôi bảo họ rằng, chúng tôi cần vũ
khí và viện trợ, nhưng nhiệt huyết và tính mạng thì chúng tôi không
thiếu.
Spiegel: Ông đánh giá thế nào
về tình thế của ông khi ấy? Vài tháng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Melvin Laird vừa đưa ra một khái niệm mới: “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Trước đây người Mỹ chỉ nói đến việc “phi Mỹ hóa” cuộc chiến. Cái khái
niệm mới ấy đã thể hiện rõ dự định rút khá nhanh của người Mỹ rồi, đúng
không?
Nguyễn Văn Thiệu: Khi đến Sài Gòn
vào tháng Bảy 1969, ông Nixon đã nhắc lại rằng ông ấy cần được sự hậu
thuẫn của dư luận trong nước Mỹ. Tôi hiểu ông ấy. Nhưng ông ấy không hề
tuyên bố rằng việc rút quân là một lịch trình mang tính hệ thống do sáng
kiến của Mỹ. Ông ấy chỉ nói với tôi về những khó khăn trong nước, ở Mỹ,
và đề nghị tôi giúp. Ông ấy bảo: “Hãy giúp chúng tôi giúp ông.” Tôi
đáp: “Tôi giúp ông giúp chúng tôi.” Trong lần họp mặt đó, chúng tôi lại
tiếp tục bàn về việc rút quân từng bước.
Spiegel: Nhưng không đưa ra một lịch trình cụ thể?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Và ông
Nixon lại hứa rằng việc rút quân của Mỹ sẽ phải đi đôi với những hành
động tương ứng của Bắc Việt và phải phù hợp với khả năng phòng thủ của
Nam Việt Nam cũng như phải phù hợp với việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự
và kinh tế cho Nam Việt Nam.
Spiegel: Ở thời điểm đó ông có nhận ra rằng nếu thấy cần thì Mỹ cũng sẽ sẵn sàng đơn phương rút quân không?
Nguyễn Văn Thiệu: Có, tôi đã ngờ. Nhưng lúc đó tôi vẫn rất vững tâm và tin tưởng vào đồng minh lớn của chúng tôi.
Spiegel: Có lẽ ông tin thế là
phải. Cuốn hồi ký của Kissinger cho thấy khá rõ rằng chính phủ Nixon
không thể dễ dàng “đình chỉ một dự án liên quan đến hai chính phủ, năm
quốc gia đồng minh và đã khiến 31,000 người Mỹ phải bỏ mạng, như thể ta
đơn giản chuyển sang một kênh TV khác.”
Rõ ràng là người Mỹ muốn thoát khỏi
Việt Nam bằng con đường đàm phán. Chỉ trong trường hợp cần thiết họ mới
muốn đơn phương rút quân. Ông có đưa ra yêu sách nào liên quan đến những
cuộc thương lượng giữa Washington và Hà Nội không?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi đã
chán ngấy chiến tranh và quyết tâm chấm dứt nó qua đàm phán. Chúng tôi
yêu cầu những kẻ xâm lăng đã tràn vào đất nước của chúng tôi phải rút
đi. Tất cả chỉ có vậy.
Spiegel: Ông đã oán trách
rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975 chủ yếu là do sau Hiệp
định Paris, miền Bắc vẫn được phép đóng quân tại miền Nam. Ông khẳng
định rằng mình chỉ chấp nhận sự hiện diện đó của miền Bắc trong quá
trình đàm phán, còn sau khi ký kết thì Hà Nội phải rút quân.
Nhưng Kissinger lại khẳng định trong hồi ký rằng ông thừa biết việc Hà Nội sẽ tiếp tục trụ lại ở miền Nam, và cho đến tận tháng Mười 1972 ông cũng không hề phản đối những đề xuất của phía Mỹ liên quan đến điểm này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đó là một lời nói dối hết sức vô giáo dục
của Kissinger, rằng tôi chấp thuận cho quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam.
Nếu ngay từ đầu tôi đã chấp thuận như Kissinger nói thì lúc ông ấy cho
tôi xem bản dự thảo, trong đó không có điều khoản nào về việc rút quân
của Bắc Việt, tôi đã chẳng phản đối quyết liệt như thế.Nhưng Kissinger lại khẳng định trong hồi ký rằng ông thừa biết việc Hà Nội sẽ tiếp tục trụ lại ở miền Nam, và cho đến tận tháng Mười 1972 ông cũng không hề phản đối những đề xuất của phía Mỹ liên quan đến điểm này.
Điểm then chốt nhất mà tôi dốc sức bảo
vệ, từ đầu cho đến khi kết thúc đàm phán, chính là yêu cầu Hà Nội phải
rút quân. Tôi đã tuyên bố rõ với Kissinger là nếu không đạt được điều đó
thì không có ký kết.
Sau nhiều ngày tranh luận gay gắt, cuối
cùng ông ta bảo: “Thưa Tổng thống, điều đó là không thể được. Nếu được
thì tôi đã làm rồi. Vấn đề này đã đặt ra ba năm trước, nhưng phía Liên
Xô không chấp nhận.” Tôi hiểu ra rằng chính phủ Mỹ đã nhượng bộ trước
yêu sách của Liên Xô, và đó là nỗi thất vọng lớn nhất của tôi.
Spiegel: Có lẽ Liên Xô không
thể làm khác, vì Hà Nội không chấp nhận coi Nam Việt Nam là một quốc gia
khác, và một thời gian dài họ còn phủ nhận việc họ đã đưa quân đội
chính quy vào miền Nam.
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi đã
chiến đấu hơn 20 năm và học được rằng, đừng bao giờ tin lời Nga Xô và Hà
Nội. Bắc Việt đóng quân ở cả Lào, Campuchia và Nam Việt Nam, tôi tin
rằng một người mù cũng nhìn ra điều đó. Muốn chấm dứt chiến tranh thì
chúng ta phải nhìn vào hiện thực chứ không thể chỉ nghe lời kẻ địch.
Spiegel: Ông có lập luận như thế với Kissinger không?
Nguyễn Văn Thiệu: Tất nhiên, và
với cả Tướng Haig nữa. Tôi bảo ông ấy thế này: “Ông Haig, ông là tướng,
tôi là tướng. Ông có biết một hiệp định hòa bình nào trong lịch sử lại
cho phép kẻ xâm lăng tiếp tục đóng quân tại lãnh thổ mà nó xâm lược
không? Ông có cho phép Liên Xô vào Hoa Kỳ đóng quân rồi tuyên bố rằng
ông đã ký kết thành công một hiệp định hòa bình với Liên Xô không?”
Spiegel: Ông ấy trả lời sao?
Nguyễn Văn Thiệu: Ông ấy không trả lời được. Mà trả lời thế nào cơ chứ, chuyện đó hoàn toàn vô lý. Còn gì mà nói nữa.
Spiegel: Nhưng Kissinger thì
có câu trả lời trong hồi ký. Ông ấy viết rằng khó mà bắt Hà Nội rút
quân, vì họ hoàn toàn không sẵn sàng từ bỏ trên bàn đàm phán những thứ
mà họ không mất trên chiến trường. Nhưng ông ấy cũng nói rằng trong Hiệp
định Paris có một điều khoản không cho phép xâm lấn. Ông ấy đi đến kết
luận rằng “lực lượng miền Bắc sẽ tự nhiên tiêu hao sinh lực và dần dần
biến mất.”
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi thấy chính
phủ Mỹ và đặc biệt là TS Kissinger không hề rút ra được bài học nào khi
phải đàm phán với cộng sản, sau những kinh nghiệm đau thương năm 1954
giữa Pháp và cộng sản Việt Nam và từ Chiến tranh Triều Tiên. Họ cũng
không học được gì từ những cuộc đàm phán về Lào và Campuchia và cũng
không nắm bắt được là nên xử sự thế nào với cộng sản và cần phải hiểu
chiến lược và chiến thuật của cộng sản ra sao.
Tức là ta lại phải trở về với vấn đề
rằng, vì sao TS Kissinger, người đại diện cho một quốc gia lớn và tự cho
mình là nhà thương thuyết giỏi giang nhất, lại có thể tin rằng quân Bắc
Việt đóng tại miền Nam sẽ không xâm lấn. Sao ông ấy có thể tin như vậy
cơ chứ?
Ông ấy đủ sức kiểm soát từng tấc đất
trên biên giới của Campuchia, và của Lào, và của Nam Việt Nam à? Dù có
cả triệu nhân viên quốc tế giám sát, chúng tôi cũng không bao giờ có thể
khẳng định là đã có đủ bằng chứng rằng không có xâm lấn. Sao ông ấy lại
có thể tin những gì Bắc Việt nói. Ông ấy có thể tin lời cộng sản, nhưng
chúng tôi thì không. Vì thế mà tôi đã cương quyết đòi Bắc Việt phải rút
quân. Nếu họ thực sự muốn hòa bình thì họ ở lại miền Nam làm gì?
Spiegel: Vậy Kissinger nói sao?
Nguyễn Văn Thiệu: Còn nói gì được
nữa? Ông ấy và chính phủ Mỹ chỉ muốn chính xác có một điều: rút khỏi
Việt Nam càng sớm càng tốt và đảm bảo việc trao trả tù binh Mỹ. Họ bảo
chúng tôi là họ mong muốn một giải pháp trong danh dự, nhưng sự thực thì
họ chỉ muốn bỏ của chạy lấy người. Nhưng họ lại không muốn bị người
Việt và cả thế giới kết tội là đã bỏ rơi chúng tôi. Đó là thế kẹt của
họ.
Spiegel: Kissinger viết rằng,
ngay sau Chiến dịch Xuân-Hè 1972 của Hà Nội, các bên dường như đã đổi
vai. Hà Nội đột nhiên muốn đàm phán trở lại, còn Sài Gòn thì muốn đánh
cho đến khi giành toàn thắng.
Nguyễn Văn Thiệu: Hoàn toàn vô
nghĩa! Ông TS Kissinger hiểu thế nào là chiến thắng? Bắc Việt đã đem
chiến tranh vào miền Nam. Chúng tôi yêu cầu họ phải rút quân. Thế là
chiến thắng hay sao? Tôi chưa bao giờ yêu cầu Bắc Việt tự coi mình là tù
binh của miền Nam. Tôi chưa bao giờ yêu cầu Bắc Việt bồi thường cho tổn
thất chiến tranh. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi Bắc Việt giao nộp lãnh thổ.
Tôi chưa bao giờ đòi có chân trong chính phủ ở Hà Nội. Vậy ông Kissinger
hiểu thế nào về chiến thắng và toàn thắng?
Spiegel: Về vấn đề rút quân
của miền Bắc, 31 tháng Năm 1971 là một ngày quan trọng. Kissinger cho
biết là khi đó, trong các cuộc họp kín, Mỹ đã đưa ra yêu cầu hai bên
cùng rút quân. Trong hồi ký, ít nhất ba lần TS Kissinger viết rằng không
những ông được thông báo trước, mà ông còn chấp thuận.
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi không bao
giờ chấp thuận việc rút quân đơn phương. Từ cuộc họp ở Midway, tôi luôn
luôn yêu cầu rút quân từng bước và cả hai bên cùng rút. Hoa Kỳ đã thay
đổi lập trường và tìm cách ép chúng tôi, với những chiến thuật mà họ
thường sử dụng, bằng cách huơ thanh gươm Damocles trên đầu tôi, chẳng
hạn họ đem công luận Mỹ ra đe tôi, họ bảo: “Hình ảnh của ông tại Hoa Kỳ
hiện nay rất tồi tệ!” Hoặc: “Quốc hội muốn cắt giảm viện trợ.” Vân vân.
Họ áp dụng đúng những chiến thuật đã biết, tiết lộ thông tin cho báo
giới và đặt tôi trước sự đã rồi.
Nếu tôi từ chối, công luận sẽ quay ra
chống tôi: “Ông ta đòi quá nhiều, ông ta sẽ không bao giờ cho Mỹ được
rút, ông ta sẽ không bao giờ cho tù binh Mỹ được trở về.” Thế là tôi
luôn phải chấp thuận. Không phải tự nguyện, mà miễn cưỡng. Tôi phản đối
làm sao được, khi lần nào họ cũng bảo rằng: “Ông mà chống thì sẽ bị cắt
viện trợ.”
Spiegel: Kissinger viết rằng trước bất kỳ một quyết định dù dưới hình thức nào, phía Mỹ cũng hỏi ý kiến ông trước.
Nguyễn Văn Thiệu: Vâng, họ hỏi ý
kiến tôi, nhưng chắc chắn không phải là để nghe tôi nói “Không”, nếu đó
là những quyết định phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Họ ưa gây sức ép
hơn, và đạt được gần như mọi thứ bằng cách đó.
Spiegel: Bây giờ Kissinger
cay đắng chỉ trích về Chiến dịch Hạ Lào năm 1971. Ông ấy viết rằng, ông
đã đồng ý rằng chiến dịch này nhất định phải thực hiện trong mùa khô.
Vậy ý tưởng đó ban đầu là của ai?
Nguyễn Văn Thiệu: Của người Mỹ.
Trước đó khá lâu, chúng tôi từng có ý định thực hiện, nhưng không đủ khả
năng tiến hành một mình. Đến khi phía Mỹ đề xuất thì chúng tôi sẵn sàng
đồng ý, để sớm chấm dứt chiến tranh. Chiến dịch đó do liên quân Việt-Mỹ
thực hiện và được vạch ra rất rõ ràng: Chúng tôi tác chiến tại Lào, còn
phía Mỹ thì hỗ trợ tiếp vận từ Việt Nam và từ biên giới.
Spiegel: Vì sao? Vì Quốc hội Mỹ có luật cấm quân đội Mỹ xâm nhập lãnh thổ Lào?
Nguyễn Văn Thiệu: Vâng, tôi tin
là vậy. Nhưng cũng vì chúng tôi không có đủ phương tiện để tiếp tế cho
binh lính, và nhất là để cứu thương binh ra ngoài. Việc đó chỉ có thề
thực hiện bằng trực thăng, và chỉ phía Mỹ mới có đủ trực thăng. Không có
họ thì không đời nào chúng tôi đồng ý thực hiện chiến dịch tại Lào.
Spiegel: Kissinger viết rằng
quân của ông gặp khó khăn khi yêu cầu không quân hỗ trợ, vì gần như
không có báo vụ viên nói được tiếng Anh.
Nguyễn Văn Thiệu: Hoàn toàn không
có vấn đề gì với việc hỗ trợ của không quân. Đôi khi không có thì chúng
tôi cũng không lo lắng; chúng tôi có thể dùng pháo binh. Vấn đề là:
trong ba ngày mở đầu chiến dịch, phía Mỹ đã mất rất nhiều phi công trực
thăng. Vì thế mà họ chần chừ, không bay đúng thời điểm và ở quy mô cần
thiết. Điều đó thành ra một vấn đề lớn với quân lực Nam Việt Nam.
Spiegel: Tinh thần binh lính bị suy sụp?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi không
đem được binh lính tử trận và thương binh ra ngoài. Không phải chỉ tinh
thần binh lính, mà cả tiến độ của chiến dịch cũng bị ảnh hưởng.
Spiegel: Kissinger nêu ra một
lý do khác. Rằng ông đã lệnh cho các sĩ quan chỉ huy phải thận trọng
khi tiến về hướng Tây và ngừng chiến dịch nếu quân số tổn thất lên tới
3000. Kissinger viết rằng nếu phía Mỹ biết trước điều đó thì không đời
nào họ đồng ý tham gia chiến dịch này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đối với một
quân nhân, định trước một tổn thất về quân số là điều phi lý. Nếu TS
Kissinger nói thế thì ông ấy thật giàu trí tưởng tượng. Chúng tôi chỉ có
thể tiến về phía Tây trong giới hạn mà trực thăng cứu viện có thể bay
đến. Kissinger bảo là chúng tôi đã rút quân mà không báo cho phía Mỹ.
Làm sao chúng tôi có thể triệt thoái trên 10,000 quân mà họ không hay
biết gì?
Spiegel: Tức là ông đã thông báo cho họ?
Nguyễn Văn Thiệu: Ồ, tất nhiên.
Để tôi kể cho ông nghe một câu chuyện. Hồi đó tờ Time hay tờ Newsweek có
đăng bức hình một người lính Nam Việt Nam đang bám vào càng một chiếc
trực thăng cứu viện. Bên dưới đề: “Nhát như cáy”. Tôi chỉ cười. Tôi thấy
nó tệ. Không thể ngăn một người lính lẻ loi hành động như vậy được.
Nhưng báo chí lại kết tội lính Nam Việt Nam là hèn nhát và đồng thời
giấu biến sự thật về tinh thần chiến đấu sút kém của phi công trực thăng
Mỹ trong chiến dịch này.
Spiegel: Một điểm gây rất
nhiều tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam là vấn đề ngưng bắn. Theo
cuốn hồi ký của Kissinger thì ngay từ mùa Hè 1970 chính phủ Mỹ đã thống
nhất về việc sẽ đề xuất một thỏa thuận ngưng bắn tại các chiến tuyến
hiện có. Kissinger khẳng định rằng ông không chỉ chấp thuận mà còn ủng
hộ đề xuất này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đúng như vậy,
tôi cũng cho rằng ngưng bắn phải là bước đầu tiên để đáp ứng một hiệp
định hòa bình. Nhưng ngưng bắn ngay lập tức – và tôi xin nhắc lại: ngay
lập tức – thì tôi không bao giờ đồng ý với Kissinger. Tôi bảo, chúng ta
phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc này. Không thể thực hiện ngưng bắn
trước khi tính kỹ việc ai sẽ giám sát việc ngưng bắn, nếu ai vi phạm thì
hậu quả sẽ thế nào, hai bên sẽ đóng quân ở đâu, vân vân.
Spiegel: Kissinger viết: “Khi
đó chúng tôi vẫn tưởng rằng chúng tôi và Thiệu cùng đồng hành hợp tác.”
Phía Mỹ đã không hiểu rằng ông đem những “chiến thuật né tránh” mà
“người Việt thường áp dụng với người ngoại quốc” ra dùng.
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi là
một nước nhỏ, gần như mọi thứ đều nhờ ở một đồng minh lớn và vẫn tiếp
tục phải xin viện trợ dài hạn của đồng minh đó, không bao giờ chúng tôi
lại cho phép mình dùng những thủ đoạn nào đó.
Spiegel: Khi Mỹ đã rút, còn Hà Nội thì được phép tiếp tục đóng quân ở miền Nam, chắc ông phải thấy là ông đã thua trong cuộc chiến này?
Nguyễn Văn Thiệu: Không hẳn, nếu
chúng tôi tiếp tục được sự trợ giúp cần thiết từ phía Mỹ, như chính phủ
Mỹ đã hứa khi chúng tôi đặt bút ký hiệp định. Ngay cả khi ký, tôi đã coi
đó là một nền hòa bình tráo trở.
Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có thể
chống lại bất kỳ sự xâm lăng nào của Bắc Việt. Vì hai lý do: Chúng tôi
có lời hứa chắc chắn bằng văn bản của Tổng thống Nixon rằng Hoa Kỳ sẽ
phản ứng quyết liệt, nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Spiegel: Mặc dù ông ấy không hề cho biết sẽ phản ứng bằng cách nào.
Nguyễn Văn Thiệu: Thứ hai, chúng
tôi được đảm bảo là sẽ có đủ viện trợ quân sự và kinh tế cần thiết để
chống Bắc Việt xâm lược. Nếu chính phủ Mỹ thực lòng giữ lời hứa thì
chiến tranh có thể kéo dài, nhưng miền Nam sẽ không bị Bắc Việt thôn
tính.
Spiegel: Về điều này thì ông
và Kissinger ít nhiều đồng quan điểm. Ông ấy viết rằng chiến lược toàn
cục có thể sẽ thành công, nếu Mỹ đủ khả năng hành động trước bất kỳ một
vi phạm nào của Hà Nội và tiếp tục viện trợ đầy đủ cho miền Nam. Nhưng
chuyện gì đã xảy ra? Kissinger quy lỗi cho vụ Watergate, vì sau đó Tổng
thống Mỹ không còn đủ uy tín. Ông có nghĩ rằng vụ Watergate thực sự chịu
trách nhiệm, khiến tất cả sụp đổ không?
Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng
tôi không phải là người Mỹ. Tôi không muốn quét rác trước cửa nhà người
Mỹ. Nhưng nếu người Mỹ giữ lời hứa thì đó là sự cảnh báo tốt nhất,
khiến Bắc Việt không tiếp tục xâm lăng, và chiến tranh có thể sẽ dần
chấm dứt.
Spiegel: Nếu Hoa Kỳ giữ lời thì theo ông, hiệp định hoàn toàn có thể thành công?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi cho là như vậy.
Spiegel: Như vậy về tổng thể, Hiệp định Paris không đến nỗi tồi?
Nguyễn Văn Thiệu: Đó chắc chắn
không phải là một hiệp định có lợi cho chúng tôi. Nó tráo trở. Nhưng đó
là lối thoát cuối cùng. Ông phải hiểu rằng chúng tôi đã ký kết, vì chúng
tôi không chỉ có lời hứa của chính phủ Mỹ như tôi đã nói, mà hiệp định
đó còn được mười hai quốc gia và Liên Hiệp Quốc đảm bảo.
Spiegel: Trong cuốn hồi ký,
TS Kissinger có những bình luận rát mặt về khá nhiều chính khách đầu
đàn. Nhưng riêng ông thì bị ông ấy dành cho những lời hạ nhục nhất. Tuy
đánh giá cao “trí tuệ”, “sự can đảm”, “nền tảng văn hóa” của ông, nhưng
ông ấy vẫn chú tâm vào “thái độ vô liêm sỉ”, “xấc xược”, “tính vị kỷ chà
đạp” và “chiến thuật khủng khiếp, gần như bị ám ảnh điên cuồng” trong
cách ứng xử với người Mỹ của ông. Vì thế, cuối cùng Kissinger nhận ra
“sự phẫn nộ bất lực mà người Việt thường dùng để hành hạ những đối thủ
mạnh hơn về thể lực”. Ý kiến của ông về những khắc họa đó thế nào?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi không muốn
đáp lại ông ấy. Tôi không muốn nhận xét gì về ông ấy. Ông ấy có thể đánh
giá tôi, tốt hay xấu, thế nào cũng được. Tôi muốn nói về những điều đã
xảy ra giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam hơn.
Spiegel: Hay ông đã làm gì khiến ông ấy có cái cớ để viết về ông với giọng coi thường như thế?
Nguyễn Văn Thiệu: Có thể ông ấy
đã ngạc nhiên vì gặp những người quá thông minh và mẫn cán. Có thể cũng
do cái phức cảm tự tôn của một người đàn ông hết sức huênh hoang. Có thể
ông ấy không tin nổi là người Việt đối thoại với ông ta lại địch được
một người tự coi mình là vô cùng quan trọng.
Để tôi kể thêm một câu chuyện nữa: Ở đảo
Midway tôi thấy buồn cười, vì thật chẳng bao giờ tôi có thể hình dung
là những người như vậy lại tệ đến thế. Chúng tôi, gồm ông Nixon, ông
Kissinger, phụ tá của tôi và tôi, gặp nhau ở nhà một sĩ quan chỉ huy hải
quân ở Midway. Ở đó có ba chiếc ghế thấp và một chiếc ghế cao. Ông
Nixon ngồi trên chiếc ghế cao.
Spiegel: Như trong phim Nhà
độc tài vĩ đại của Chaplin? Hitler cũng ngồi trên một chiếc ghế cao để
có thể nhìn xuống Mussolini, ngồi trên một chiếc ghế thấp hơn.
Nguyễn Văn Thiệu: Nhưng tôi vào
góc phòng lấy một chiếc ghế cao khác, nên tôi ngồi ngang tầm với Nixon.
Sau buổi gặp đó ở Midway, tôi nghe bạn bè người Mỹ kể lại rằng Kissinger
đã rất bất ngờ vì Tổng thống Thiệu là một người như vốn dĩ vẫn vậy.
Spiegel: Trong hồi ký,
Kissinger phàn nàn là đã bị cá nhân ông đối xử rất tệ; ông bỏ hẹn để đi
chơi trượt nước. Nixon còn quá lời hơn. Theo Kissinger thì Nixon đã gọi
ông là “đồ chó đẻ” (son of a bitch)(1) mà Nixon sẽ dạy cho biết “thế nào
là tàn bạo”.
Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng
tôi không thể cho phép mình đáp lại những lời khiếm nhã, thô tục đó của
Nixon, vì tôi xuất thân từ một gia đình có nề nếp.
Nếu tôi không tiếp TS Kissinger và Đại
sứ Bunker thì đơn giản chỉ vì chúng tôi chưa chuẩn bị xong để tiếp tục
đàm thoại. Họ đã cần đến 4 năm, vậy vì sao lại bắt tôi trả lời ngay lập
tức trong vòng một tiếng đồng hồ? Có lẽ họ sẽ hài lòng, nếu chúng tôi
chỉ biết vâng dạ. Nhưng tôi không phải là một người chỉ biết vâng dạ, và
nhân dân Nam Việt Nam không phải là một dân tộc chỉ biết vâng dạ, và
Quốc hội của chúng tôi không phải là một Quốc hội chỉ biết vâng dạ. Mà
tôi phải hỏi ý kiến Quốc hội.
Spiegel: TS Kissinger viết rằng thái độ của ông với ông ấy chủ yếu xuất phát từ “lòng oán hận độc địa”.
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Tôi chỉ
bảo vệ lợi ích của đất nước tôi. Dĩ nhiên là đã có những cuộc tranh luận
nảy lửa, nhưng thái độ của tôi xuất phát từ tinh thần yêu nước của tôi.
Spiegel: Kissinger viết rằng
ông ấy hoàn toàn “thông cảm với hoàn cảnh bất khả kháng” của ông. Ông có
thấy dấu hiệu nào của sự thông cảm đó không?
Nguyễn Văn Thiệu: Không, tôi không thấy. Tôi chỉ thấy duy nhất một điều, đó là áp lực từ phía chính phủ Mỹ.
Spiegel: Kissinger viết rằng
ông không bao giờ tham gia vào các buổi thảo luận về chủ trương chung.
Ông ấy bảo rằng ông chiến đấu “theo kiểu Việt Nam: gián tiếp, đi đường
vòng và dùng những phương pháp khiến người ta mệt mỏi hơn là làm sáng tỏ
vấn đề”, rằng ông “chê bai mọi thứ, nhưng không bao giờ nói đúng vào
trọng tâm câu chuyện”.
Nguyễn Văn Thiệu: Hãy thử đặt
mình vào tình thế của tôi: Ngay từ đầu tôi đã chấp nhận để chính phủ Mỹ
họp kín với Hà Nội. Kissinger bảo là đã thường xuyên thông báo cho tôi.
Vâng, tôi được thông báo thật – nhưng chỉ về những gì mà ông ấy muốn
thông báo. Nhưng tôi đã tin tưởng rằng đồng minh của mình sẽ không bao
giờ lừa mình, không bao giờ qua mặt tôi để đàm phán và bí mật bán đứng
đất nước tôi.
Các ông có hình dung được không: vỏn vẹn
bốn ngày trước khi lên đường đến Hà Nội vào tháng Mười 1972, ông ấy mới
trao cho tôi bản dự thảo mà sau này sẽ được chuyển thành văn bản hiệp
định ở Paris, bằng tiếng Anh? Chúng tôi phải làm việc với bản dự thảo
tiếng Anh này, từng điểm một.
Và bản dự thảo đó không phải do Nam Việt
Nam cùng Hoa Kỳ soạn ra, mà do Hà Nội cùng Hoa Kỳ soạn ra. Các ông có
thể tưởng tượng được điều đó không? Lẽ ra, trước hết phía Mỹ nên cùng
chúng tôi thống nhất quan điểm về những điều kiện đặt ra cho hiệp định,
và sau đó, nếu Bắc Việt có đề nghị gì khác thì Kissinger phải trở lại
hội ý với chúng tôi. Nhưng ông ấy không hề làm như vậy.
Thay vào đó, ông ấy cùng Bắc Việt soạn
ra các thỏa thuận rồi trình ra cho tôi bằng tiếng Anh. Các ông có thể
hiểu cảm giác của tôi khi cầm văn bản của hiệp định hòa bình sẽ quyết
định số phận của dân tộc tôi mà thậm chí không buồn được viết bằng ngôn
ngữ của chúng tôi không?
Spiegel: Nhưng cuối cùng ông cũng có bản tiếng Việt?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi cương
quyết đòi bản tiếng Việt, đòi bằng được. Mãi đến phút cuối cùng ông ấy
mới miễn cưỡng chấp nhận. Sau đó chúng tôi phát hiện ra rất nhiều cái
bẫy. Tôi hỏi Đại sứ Bunker và Kissinger, ai đã soạn bản tiếng Việt. Họ
bảo: một người Mỹ rất có năng lực thuộc International Linguistics
College tại Hoa Kỳ cùng với phía Hà Nội. Nhưng làm sao một người Mỹ có
thể hiểu và viết tiếng Việt thành thạo hơn người Việt. Và làm sao một
người Mỹ có thể ứng đối bằng tiếng Việt với cộng sản Bắc Việt giỏi hơn
chính chúng tôi? Đồng minh mà như thế thì có chân thành và trung thực
không?
Spiegel: Một số quan chức cao
cấp ở Hoa Kỳ từng nhận định rằng thực ra Kissinger chỉ cố gắng đạt được
một khoảng thời gian khả dĩ giữa việc Mỹ rút quân và sự sụp đổ tất yếu
của Nam Việt Nam. Trong cuốn sách của mình, Kissinger bác bỏ quan niệm
đó. Ý kiến của ông thì thế nào?
Nguyễn Văn Thiệu: Bất kể người Mỹ nói gì, tôi tin rằng mục đích cuối cùng của chính phủ Mỹ là một chính phủ liên hiệp tại Nam Việt Nam.
Spiegel: Nhưng Kissinger đưa ra cả một loạt điểm để chứng minh rằng không phải như vậy.
Nguyễn Văn Thiệu: Chính phủ Mỹ
tìm cách ép chúng tôi phải đồng ý. Để họ có thể hãnh diện là đã thoát ra
được bằng một “thỏa thuận danh dự”. Để họ có thề tuyên bố ở Hoa Kỳ
rằng: “Chúng ta rút quân về nước, chúng ta đảm bảo việc phóng thích tù
binh Mỹ.” Và ở ngoài nước Mỹ thì họ nói rằng: “Chúng tôi đã đạt được hòa
bình cho Nam Việt Nam. Bây giờ mọi chuyện do người dân Nam Việt Nam
định đoạt. Nếu chính phủ liên hiệp biến thành một chính phủ do cộng sản
chi phối thì đó là vấn đề của họ. Chúng tôi đã đạt được một giải pháp
danh dự.”
Spiegel: Kissinger viết như sau: “Nguyên tắc mà chúng tôi tuân thủ trong các cuộc đàm phán là: Hoa Kỳ không phản bội đồng minh.”
Nguyễn Văn Thiệu: Ông cứ nhìn
miền Nam Việt Nam, Campuchia và toàn bộ Đông Dương hiện nay thì biết.
Khi tranh luận với các đại diện chính phủ Mỹ về hiệp định hòa bình,
chúng tôi thường có ấn tượng rằng họ không chỉ đóng vai, mà thực tế là
đã biện hộ cho ác quỷ.
Spiegel: Có bao giờ ông thấy
một chút gì như là biết ơn đối với những điều mà người Mỹ đã làm để giúp
nước ông không? Trong cuốn sách của mình, Kissinger viết rằng: “Biết
công nhận những cống hiến của người khác không phải là đặc tính của
người Việt.”
Nguyễn Văn Thiệu (cười): Về những điều
mà Kissinger viết trong cuốn sách của ông ấy thì tôi cho rằng chỉ một
người có đầu óc lộn bậy, chỉ một người có tính khí tởm lợm mới nghĩ ra
được những thứ như vậy. Trong cuốn sách đó ông ấy còn tỏ ý sợ người Việt
sẽ đem những người Mỹ còn sót lại ra trả thù, sau khi Washington bỏ rơi
chúng tôi. Không bao giờ chúng tôi làm những điều như thế, không bây
giờ và không bao giờ.
Spiegel: Cá nhân ông có cảm thấy một chút hàm ơn nào với họ không?
Nguyễn Văn Thiệu: Hết sức thực
lòng: Nếu chính phủ Mỹ không phản bội, không đâm dao sau lưng chúng tôi
thì nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn họ. Có lần, sau khi chúng tôi
tranh luận rất kịch liệt về một văn bản trong hiệp định, một số thành
viên trong chính phủ của tôi bảo rằng, nếu Kissinger lập công với miền
Nam như ông ta đã lập công với miền Bắc thì may mắn biết bao. Tôi bảo
họ: nếu ông ấy thương lượng được một nền hòa bình thực sự với Hà Nội thì
miền Nam sẽ dựng tượng ông ấy, như MacAthur ở Nam Hàn. Nhưng đáng tiếc
là đã không như vậy. Nhìn vào những hậu quả của nền hòa bình ấy: trại
tập trung cải tạo, nạn đói, nhục hình tra tấn, hàng ngàn thuyền nhân bỏ
mạng trên biển, và một cuộc diệt chủng tàn bạo hơn, hệ thống hơn và
hoạch định hơn cả ở Campuchia, tôi nghĩ tốt nhất là người Mỹ nên tự đánh
giá những điều mà ông Nixon và ông Kissinger đã gây ra cho miền Nam
Việt Nam. Kissinger không có gì để tự hào về nền hòa bình mà ông ấy đã
đạt được. Đó là hòa bình của nấm mồ.
Spiegel: Xin cảm ơn ông Thiệu đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bản Đức ngữ, Angels, John K. và Lohfeldt, Heinz P., “Die Amerikaner haben uns verraten”, Nguyen van Thieu. Der Spiegel No. 50 / 10.12.1979, pages 197-213.
DCVOnline minh hoạ và phụ chú
DCVOnline:
(1) Tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng đã gọi Thủ tướng Canada Pierre E. Trudeau là “lỗ đít” (“an asshole”), “thằng chó đẻ” (son of a bitch), “đồ trí thức tự cao” (pompous egg-head); trích “Nixon tapes include testy Trudeau chat”, Lee-Anne Goodman, The Canadian Press, Published on Mon Dec 08 2008.
Nguồn: http://dcvonline.net/2015/09/29/nguyen-van-thieu-nguoi-my-da-phan-boi-chung-toi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét