Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

TÍN NGƯỠNG PYTHAGORAS

 Bài lưu trữ  Triết học - Tôn giáo

TÍN NGƯỠNG PYTHAGORAS

Người ta không thực sự biết nhiều về những người theo thuyết Pythagoras, cũng như bản thân Pythagoras, người lập thuyết mà thậm chí còn bí ẩn hơn. Từ xưa, đã có vô số lời tường thuật khác nhau về họ. Cả Plato lẫn Aristotle đều tham khảo những người theo thuyết Pythagoras trong suốt các tác phẩm triết luận của mình. Giờ đây vẫn vậy, bản chất thật của “tín ngưỡng Pythagoras” vẫn thường chìm trong màn bí ẩn.

Những câu hỏi đầy rẫy: Họ là ai? Họ đến từ đâu? Họ tin vào cái gì? Và quan trọng nhất, họ có từng hình thành một tín ngưỡng?

Bạn có nghĩ câu hỏi cuối thú vị không? Vâng, tôi thật sự nghĩ thế. Tôi sẽ giả định rằng bạn cũng nghĩ như vậy.

Những loại câu hỏi này không chỉ thú vị, chúng còn phức tạp kinh khủng. Trong bối cảnh thế giới hiện đại của chúng ta, chúng ta có thể nhìn một nhóm các cá nhân tôn thờ sự hài hòa toán học không chỉ như một tín ngưỡng, mà còn như những cư dân tiềm năng của bệnh viện tâm thần.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của Hy Lạp cổ đại, không hề bất thường khi ai đó qui một tầm quan trọng vĩ đại, thậm chí thiêng liêng, cho những công thức triết luận sâu sắc.

Chẳng hạn, Thales thành Miletus qui cho nước một tầm quan trọng vĩ đại. Ông tuyên bố rằng nước là nguồn gốc của toàn vũ trụ. Socrates, trong suốt tiến trình tìm kiếm triết lý của mình, thậm chí còn đi đến chỗ tin rằng có một giọng nói thiên đường trong đầu ông ta, buộc ông ta phải theo đuổi kiến thức, bất chấp cái giá phải trả.

Những ví dụ này, tuy nhiên, không thể giúp những người theo thuyết Pythagoras được qua cửa. Trong khi Socrates, Thales và những triết gia khác chỉ gán một tầm quan trọng lớn lao cho những gì mà họ khám phá, thì những người theo thuyết Pythagoras lại hoàn toàn tôn thờ những niềm tin triết luận của họ, đi xa tới mức hiến tế một con bò sau khi khám phá ra định lý số 47 của Euclid.

Người ta nói rằng Pythagoras và các môn đệ của ông định cư ở Crotona, miền nam nước Ý trong khoảng năm 530 trước công nguyên, và đi đến chỗ kiến tạo một cộng đồng riêng để suy ngẫm về, thôi thì cứ tạm gọi là, những lý tưởng đặc biệt cho cuộc sống.

Một nội dung trung tâm trong hệ thống niềm tin Pythagoras là sự luân hồi của linh hồn. Nó bao gồm cả sự luân hồi của linh hồn con người trong cơ thể động vật. Đây có thể là lý do khiến Pythagoras nghiêm cấm tiêu thụ thịt, dẫn đến việc các môn đệ của ông trở thành một trong những nhóm người ăn chay đầu tiên được biết đến.

Một trong những khía cạnh kỳ lạ nơi thực đơn của những người theo thuyết Pythagoras là họ bị cấm ăn đậu. Lý do của việc này chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Có một giai thoại hài hước, theo đó Pythagoras tin rằng mỗi lần con người đánh rắm, họ lại làm mất một phần linh hồn của bản thân.

Những người theo thuyết Pythagoras mặc một loại y phục đặc biệt, vốn chỉ phổ biến trong cộng đồng của họ. Họ cũng đòi hỏi kiêng cữ chuyện xác thịt. Tuy nhiên, đây có vẻ là thứ được thêm vào sau này. Chúng ta biết rằng bản thân Pythagoras không đồng trinh đến chết.

Niềm tin triết luận của những người theo Pythagoras rất giàu tính thần bí và siêu nhiên. Họ tin rằng linh hồn con người bị bẫy trong một vòng tuần hoàn liên tục của việc chết và tái sinh. Theo lời dạy của họ, thì cách duy nhất để chúng ta tự giải phóng mình ra khỏi vòng lặp này là đạt được một tầm hiểu biết lớn hơn về vũ trụ thông qua quan sát nội tâm và nghiên cứu triết luận.

Khi nghiên cứu bản chất của vũ trụ, một nhánh khó nhằn của triết luận được gọi là siêu hình học, những người theo Pythagoras kết luận rằng các đối tượng trong thực tại có thể được phân biệt bằng những đặc tính mà chúng có. Những vật cụ thể có hình dáng, màu sắc và kích thước khác nhau. Những đặc tính này dao động đáng kể và không phải là phổ quát. Chẳng hạn, một chiếc lá có thể có màu xanh. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều xanh, nhiều thứ trong vũ trụ này thậm chí còn không mang một màu sắc có thể cảm nhận. Điều tương tự cũng xảy ra nơi mùi, kích cỡ, hoặc hình dáng.

Những người theo Pythagoras kết luận rằng một đặc tính phổ quát của mọi thứ trong vũ trụ này, điều mà cái gì cũng có, là việc chúng có thể đem đếm được. Chúng ta có thể tưởng tượng một vũ trụ không có mùi hoặc vị. Tuy nhiên, việc tạo ra một vũ trụ giả định, nơi không có các con số, là cực bất khả thi. Và ở đây, ta thấy nền tảng của triết luận Pythagoras. Họ tin rằng những  con số là vật chất căn bản của vũ trụ, cũng nhiều như cách Thales tin rằng nước là khởi nguồn của sự tồn tại trong vũ trụ.

Tuy nhiên, không phải mọi con số đều được đối xử bình đẳng. Vài con số được cho là thiêng hơn số còn lại. Chẳng hạn, họ gán cho số 1 một tầm quan trọng lớn lao. Việc này có thể bắt nguồn từ ý tưởng của họ về cách vũ trụ hình thành. Họ cho rằng từng tồn tại sự hỗn loạn và vô trật tự trong một vũ trụ vô hạn, phi cấu trúc. Sau đó, những giới hạn được thiết lập trong vũ trụ và thế giới mà chúng ta biết đi vào trật tự; vạn vật trở nên có thể đếm được, vũ trụ trở nên có thể cảm nhận được. Bằng cách này, vũ trụ đến từ một dạng hỗn loạn và đã đạt đến một sự hợp nhất mà trước đây chưa từng được biết đến. Ý tưởng về một vũ trụ hài hòa, đơn nhất sẽ còn để lại tiếng vọng trong triết thuyết của Parmenides và Zeno vùng Elea.

Những người theo Pythagoras dành nhiều sự chú ý cho ý tưởng về sự hài hòa. Họ kết luận rằng hài hòa là một sự cân bằng của các mặt đối lập. Cái quan trọng nhất của những cặp đối lập này là ý tưởng về sự giới hạn và phi giới hạn, được đại diện bởi những cặp số lẻ – chẵn tương ứng với nhau.

Lí do khiến họ đi đến một kết luận như vậy còn chưa được biết chắc. Ngày nay có một phỏng đoán, theo đó họ cho rằng vì số chẵn có thể chia đôi hết lần này đến lần khác cho tới khi không còn chẵn, chúng đại diện cho sự phi giới hạn. Trong khi đó, số lẻ lại không thể đem chia hai, và vì thế đặt ra một giới hạn cho sự chia đôi. Bằng cách đó, hai loại số đại diện cho ý tưởng về sự giới hạn.

Những cặp đối lập khác bao gồm tính nam và tính nữ, phải và trái, nghỉ và chuyển động, ánh sáng và bóng tối, tốt và xấu, hình vuông và hình chữ nhật.

Càng đọc nhiều triết luận Pythagoras, bạn sẽ càng thấy nó được phát triển một cách tùy tiện. Họ cho rằng số 8 đại diện cho công lý, trong khi số 7 đại diện cho sự thông thái. Loại suy nghĩ này không xuất phát từ bất cứ nền tảng triết học nào, và kết quả là nó trở nên khó chịu.

Trong tất cả, họ là một cộng đồng bí ẩn từng gán tầm quan trọng to lớn cho những mối quan hệ toán học của vũ trụ. Không thể phủ nhận rằng họ có đóng góp lớn cho lĩnh vực toán học và triết luận. Chỉ cần xét định lý Pythagoras, một nguyên lý toán học được xem là do Pythagoras tự khám phá ra, người ta đã thấy tác động sâu sắc của họ tới sự phát triển của tư tưởng khoa học.

Họ có phải là một tín ngưỡng không? Có thể. Rõ ràng họ có mọi triệu chứng quen thuộc của một tín ngưỡng. Người ta tin rằng sau khi sống theo cách của riêng mình một thời gian, những người theo Pythagoras đã cố gây áp lực để buộc các cư dân bản địa của Crotona phải áp dụng lối sống giống họ. Không may cho họ, việc này đã không có kết cục tốt đẹp. Khi những người dân thường được bảo rằng họ không được ăn đậu, và phải kiêng thịt bằng mọi giá, giới hạn chịu đựng đã bị vượt qua.

Đã xảy ra một cuộc đàn áp toàn diện nhắm vào phái Pythagoras. Nhiều người tham gia bị giết hoặc trục xuất. Điểm hội hop của những người theo Pythagoras bị đốt rụi đến nền, và Pythagoras cùng môn đệ bị buộc phải dời đi trong khoảng năm 480 trước công nguyên.

Người ta tin rằng cộng đồng này đã tiếp tục nhóm họp và hoạt động trở lại, nhưng không có nhiều thông tin về họ sau thời điểm này. Có thể họ chỉ đơn giản là biến mất, để lại sau lưng mình một di sản khó hiểu của thiên tài toán học được xoa dịu bằng thần bí và mê tín.

 

Nguyễn Vũ Hiệp chuyển ngữ – hangcao.info

The Cult of Pythagoras

Nguồn: https://bookhunterclub.com/tin-nguong-pythagoras/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét