16 NGÀN TỬ SĨ Ở LẠI NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI VNCH TẠI BIÊN HÒA
Giao Chỉ, San Jose.
Trong tuổi hoàng hôn, viết lời tâm sự cải lương vào lúc bình minh năm 2019.
… Đêm 30 tháng tư 1975 trên con tầu quân vận theo hải quân từ sông Sài Gòn chạy ra biển Đông. Nhìn lửa cháy bên kho đạn Thành Tuy Hạ, tưởng như có tiếng nói thầm của ông Nguyễn Khoa Nam từ Cần Thơ: Các anh đi làm gì? Qua đất Hoa Kỳ, ở miền đất lạnh tiểu bang Illinois đọc thơ Cao Tần, chợt thấy buốt giá cả trong lòng:
“Hỡi thằng chiến binh, một đời anh dũng,
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ…
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới,
Ta làm gì cho hết nửa đời sau…”
Ta làm gì cho hết nửa đời sau…”
Cảm Khái -tháng 3/1977
Nếu đứng vững được 40 năm, có thể đã sống như thơ Hà Thượng Nhân:
Hãy cất cao mái đầu, không một lời than thở.
Ngoài công việc điều hành cơ quan dịch vụ IRCC cũng chỉ là sinh kế, làm được 3 chuyện đáng ghi lại:
1/ Trả nợ đôi chút cho Hoa Kỳ, bền bỉ gần 30 năm tổ chức bữa cơm với thực đơn Việt Nam cho homeless.
2/Đối với quê hương Việt Nam, cũng trải qua 30 năm theo dõi chuyện mộ phần chiến hữu tại Biên Hòa.
3/ Sau cùng là công tác xây dựng Viện Bảo tàng Thuyền Nhân và VNCH hy vọng để lại cho ngàn năm sau.
Hôm nay nhân dịp đầu năm, xin báo cáo riêng về Nghĩa Trang Biên Hòa.
Tặng cho gia đình Tổng cục tiếp vận, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH.
Tặng cho anh Tất, anh Nhơn và các bạn cùng khóa Cương Quyết 2 từ Thủ Đức đến Đà lạt 1954.
Tặng cho hội VFA và Nạng Gỗ cùng tất cả các đoàn thể bà con đã góp phần duy trì Nghĩa trang Biên Hòa.
Tặng cho các thế hệ người Mỹ gốc Việt trong chính phủ Mỹ còn nghĩ đến tử sĩ miền Nam như Nguyễn Thiện Ân và Tôn Thất Tuấn.
Sau cùng tặng cho thế hệ tương lai sẽ nối tiếp công tác giữ gìn Nghĩa trang Biên Hòa khi những chiến binh VNCH không còn nữa.
Các bạn sẽ lãnh vai con cháu chiến binh miền Nam Việt Nam đang lần lượt từng thế hệ vào tảo mộ khu Tử sĩ miền Nam nằm trong Nghĩa trang Quốc gia Hoa Kỳ Arlington VA. Hãy nhớ đến những người của thế hệ hôm nay đã thành công trong việc giữ lại phòng tuyến cuối cùng của miền Nam Việt Nam với 16 ngàn tử sĩ ở lại Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa.
Sau đây là bài báo cáo đầu năm của chúng tôi:
NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA
Giao Chỉ, San Jose
Nghĩa trang Biên Hòa là một công trình có nhiều ý nghĩa của Tổng cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu phối hợp giữa Cục Quân Nhu, binh chủng Công Binh và trong vùng trách nhiệm của Bộ chỉ huy 3 Tiếp vận. Thập niên 60 chúng tôi làm TMT cho BCH3TV yểm trợ Quân khu miền Đông có dịp bay trực thăng trên không phận Dĩ An tìm đất cho chung sự. Không ngờ năm 75 bỏ nước ra đi đã để lại 16 ngàn tử sĩ nằm lại nghĩa trang Biên Hòa. Viết lại chuyện xưa để tưởng niệm niên trưởng Đồng văn Khuyên, Trung tướng Tổng cục trưởng suốt đời mang hình ảnh nông dân Gò Công. Mỗi khi ông gặp chuyện buồn phiền, tôi thường lái xe đi với ông lên Nghĩa trang Biên Hòa, thăm tử sĩ để quên thế sự.
Khi chúng tôi ghi lại câu chuyện về Nghĩa Trang Biên Hòa vào đầu năm 2019 thì công tác trùng tu các ngôi mộ đã hoàn tất đến 80%. Các đoàn thể hiện còn đủ ngân khoản để xây dựng lại trên 2 ngàn ngôi mộ. Nếu mọi chuyện diễn tiến bình thường thì qua năm 2020 coi như việc trùng tu đi trọn một vòng với trên 10 ngàn ngôi mộ được chăm sóc. Kết quả đạt được là do công sức tiền phong của hội VHF Nguyễn Đạc Thành. Ngoài ra phải kể thêm gia đình Nạng Gỗ bên Pháp, Biệt động quân từ DC, Liên hội cựu quân nhân Bắc CA với đoàn nữ quân nhân và gia đình Lực lượng Đặc Biệt. Cũng còn nhiều đoàn thể và cá nhân khác mà chúng tôi không nhớ hết. Đặc biệt riêng anh em chúng tôi gồm có chuẩn tướng Phạm Duy Tất, đại tá Vũ văn Lộc và CựuTrung tá Đỗ Hữu Nhơn, tình cờ cùng khóa Cương Quyết Thủ Đức Đà Lạt 1954.
Chúng tôi công khai yểm trợ công việc trùng tu Nghĩa Trang Quân đội Biên Hòa. Dù không trực tiếp với các giới chức liên hệ tại Việt Nam nhưng phải ghi nhận sự giúp đỡ hữu hiệu của quý vị người Mỹ gốc Việt trong chính quyền và Quân lực Hoa Kỳ như Tổng lãnh sự Nguyễn Thiện Ân tại Sài Gòn và Đại tá Tùy viên Tôn Thất Tuấntại Hà Nội.. Quý vị này với tâm huyết tình cảm Việt Nam Cộng Hoa đã tiếp tay mở đường cho công tác trùng tu có kết quả. Tuy nhiên ngày nay vẫn còn việc thanh toán các cây cối, hệ thống thoát nước và các con đường. Rồi tiếp theo là việc bảo toàn các ngôi mộ một lần thứ hai v à tiếp tục mãi mãi về sau…
Việc đòi hỏi đặt lại tên cũ, gìn giữ các công trình kiến trúc và kiện toàn bức tường vòng quanh nghĩa trang. Dù cho tình hình chính trị có thay đổi toàn diện hay không thì các cựu quân nhân chúng tôi tương lai cũng mai một với thời gian. Rất cần các anh chị em trẻ đứng lên tiếp nhận công việc. Các hậu duệ của VNCH, các con em của gia đình quốc gia nghĩa tử. Mặt khác, chúng tôi cũng rất thông cảm với dư luận không tán thành ý kiến trùng tu khi đưa ra với lời lẽ đau thương tâm huyết. Một số anh em cho rằng tuyệt đối không nên nói chuyện với cộng sản, không tin cộng sản và trùng tu là xoá chứng tích tội ác cộng sản. Xin phép để trả lời rằng, riêng phần chúng tôi hoàn toàn không liên hệ với chính quyền cộng sản, chỉ đơn thuần thuê các nhà thầu địa phương tu bổ các phần mộ tử sĩ như lo cho anh em.
Sau cuộc chiến, hàng ngàn gia đình trong nước và hải ngoại đã đến nghĩa trang Biên Hòa chăm nom phần mộ của thân nhân. Chúng tôi coi các mộ phần tại đây là anh em một nhà nên đã tiến hành công tác tảo mộ trùng tu từ hơn 30 năm qua. Hình ảnh nghĩa trang bị tàn phá vẫn còn ghi lại muốn đời, không ai xoá bỏ được.
CHUYỆN KỂ LẠI TỪ ĐẦU.
LTS Người Việt.- Lần đầu tiên, chính quyền cộng sản Hà Nội có một thông cáo chính thức liên quan đến nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa. Thông báo phổ biến 27 tháng 11 năm 2006. ( Xin xem nguyên văn phần cuối) Nghĩa trang này được Công Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khởi công từ năm 1965, khu đất mai táng cho 30 ngàn tử sĩ. Sau các trận Mậu Thân 1968, đến Mùa Hè 1972, rồi các trận đánh giành dân lấn đất kỳ Hiệp Ðịnh Paris, nghĩa trang này đã chôn cất 16 ngàn tử sĩ. Khoảng 8,000 mộ phần đã có bia; một nửa chỉ mới đắp đất. Ðó là tính đến ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Cộng Sản vào Sài Gòn, tượng Thương Tiếc bị giật sập, một số mộ bị phá phách nhưng thật sự không có chiến dịch ủi quang hay phá sập toàn diện. Cho đến nay, các kiến trúc chính thức gồm Cổng Tam Quan, Ðền Liệt Sĩ và Nghĩa Dũng Ðài vẫn còn y nguyên. Từ xa lộ Biên Hòa nhìn vào chỉ thấy cây cối um tùm và nhà dân che khuất nên nhiều người tưởng nghĩa trang không còn nữa.
Từ năm 1993 cơ quan IRCC, Inc., San Jose do Ðại Tá Vũ Văn Lộc làm Giám đốc, với các nhân viên tự nguyện về thăm gia đình tại Việt Nam đã đến nghĩa trang hàng năm, tảo mộ và ghi lại hình ảnh. Sau đó, IRCC, Inc., nhờ các thương phế binh tại Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn tảo mộ hàng năm. phế binh tại Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn tảo mộ hàng năm.
“Mô hình nghĩa trang” (1995) đóng góp vào các di sản cuả Viện bảo tàng VNCH tại History Park, San Jose
Qua năm 2000 đã có nhiều ngôi mộ được thân nhân cải táng hay tu sửa. Số còn lại ước chừng từ 8 ngàn đến 10 ngàn ngôi mộ. Đa số hư hỏng cần tu bổ toàn diên.Các con đường xuống cấp, hệ thống thoát nước lún đất, cống nghẹt. Con đường chính từ Đền Liệt Sĩ vào Nghĩa Dũng Đài, cộng sản cho xây nhà máy nước ngay chính giữa. Với bút hiệu Giao Chỉ, San Jose ông soạn thảo và phát hành tác phẩm “16 ngàn tử sĩ ở lại Nghĩa Trang Biên Hòa”.
Trước thông tin chính thức do chính quyền Việt Nam công bố liên quan đến nghĩa trang Quân Ðội, và trong những đồn đoán về số phận của nghĩa trang đang gìn giữ 16,000 tử sĩ Việt Nam Cộng Hoa, ông Vũ Văn Lộc cùng một số thân hữu đã thực hiện một loạt bài viết có tên “Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, Chuyện Kể Từ Ðầu.” Nay, Nhật Báo Người Việt, được sự cho phép của ông Vũ Văn Lộc và IRCC, Inc., xin trích đăng một phần lớn những thông tin này đến độc giả của mình.
Ai sáng lập Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa?
Năm 1964, nghĩa trang Quân Ðội ở Gò Vấp trở nên chật hẹp, không gánh vác được sức nặng của chiến tranh. Trong khi đó, cuộc chiến gia tăng, phần lớn sĩ quan tử sĩ của khu vực thủ đô đều chôn ở nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi, Sài Gòn. Nơi đây, đất cũng bắt đầu khan hiếm và tốn kém. Nhu cầu chôn cất tử sĩ, không phân biệt cấp bậc, tại một nghĩa trang rộng lớn hơn đã được nghĩ tới.
Ðơn vị Chung Sự, chuyên lo hậu sự của những chiến sĩ đã nằm xuống, cũng có nhu cầu về doanh trại để hoạt động. Kiến nghị được trình lên cấp trên, thông qua hệ thống Cục Quân Nhu thuộc Bộ Tổng Tham Mưu/Tổng Cục Tiếp Vận. Các sĩ quan Quân Nhu, Công Binh, Ðịa Ốc Tổng Tham Mưu bay trực thăng trên không phận Thủ Ðức, Bình Dương, Biên Hòa, tay cầm bản đồ nghiên cứu tìm địa thế thật đẹp dành làm nơi an nghỉ nghìn thu cho chiến hữu.
Khi hoàn tất dự án xây dựng nghĩa trang, do Cục Quân Nhu phối hợp cục Công Binh, được trình lên B ộ Tổng Tham Mưu/Tổng Cục Tiếp Vận.
Dự án này được tiếp tục trình lên Bộ Quốc Phòng, Phủ thủ tướng, và rồi cuối cùng là dinh Độc Lập. Hồ sơ được trình lên, và Tổng thống chấp thuận. Vì sự quan tâm đăc biệt nên nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa được coi là sáng kiến của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Dự án xây dựng nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa liên quan đến đất đai và nhiều lãnh vực khác, nên cuối cùng, trở thành một công tác liên bộ; từ Bộ Quốc Phòng, qua Bộ Công Chánh, Bộ Nội Vụ và liên quan cả đến Bộ Giáo Dục và Y Tế.
Quá trình xây cất nghĩa trang Biên Hòa
Sau nhiều lần sửa đổi, mô hình và khu đất được chọn xây nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa đã được Phủ Tổng Thống chấp thuận. Khu đất rộng 125 mẫu Tây ở phía tay trái xa lộ Sài Gòn. Toàn thể khu nghĩa trang làm thành hình con ong vĩ đại nằm quay đầu ra xa lộ.
Dự Án Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
Giữa lưng con ong là Nghĩa Dũng Ðài cao 43 thước. Ðầu ong là đền thờ chiến sĩ, cũng có lúc gọi là Ðền Tử Sĩ hay Ðền Liệt Sĩ. Phía dưới chân đền là Cổng Tam Quan nối thẳng một đường dài ra xa lộ. Con đường này làm thành cây kim nhọn của con ong và đầu kim là bức tượng Thương Tiếc ngay cạnh xa lộ.
Từ chân Nghĩa Dũng Ðài, lưng ong chia làm hình nan quạt hướng ra 4 phía và làm thành lưới nhện. Phần đuôi ong hẹp, phần dưới dài ra như quả trứng. Các ngôi mộ giống nhau chia thành từng khu. Khu quốc gia dành cho các vị lãnh đạo, khu tướng lãnh, khu cấp tá, cấp úy và binh sĩ.
Một ngày đầu Xuân 1965, Thiếu tướng Ðồng Văn Khuyên từ Bộ Tổng Tham Mưu gọi điện thoại cho Ðại Tá Nguyễn Thiện Nghị, liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 30 Công Binh Kiến Tạo đóng tại Hóc Môn. Sau đó chiếc xe ủi đất đầu tiên của Tiểu Ðoàn 54 Công Binh bắt đầu công tác.(Ghi chú:Ngày nay 2019 đại tá Nghị và trung tá Tâm, TDT54CB ở San Jose) Rồi doanh trại của Liên Ðội Chung Sự và khu nhà xác được thiết dựng năm 1966 để nhận những di hài tử sĩ đầu tiên.
Nghĩa trang được xây dựng trong chiến tranh với sự phối hợp giữa Quân Nhu và Công Binh. Công Binh tiếp tục làm đường, phân lô, xây Cổng Tam Quan, xây Ðền Liệt Sĩ, đúc các tấm ciment và làm mộ bia. Quân Nhu nhận tử sĩ từ mặt trận chở về ngày đêm để chôn cất. Trận Mậu Thân, trận Mùa Hè, trận Hạ Lào, trận Kampuchia. Tử sĩ của các đơn vị Tổng trừ bị đem về từ 4 Quân khu. Tử sĩ của quân khu thủ đô và các tiểu khu lân cận. Tử sĩ của các quân chủng, nữ quân nhân, thiếu sinh quân, tất cả đều nằm trong lòng đất Biên Hòa.
Tử sĩ chôn từ trung tâm Nghĩa Dũng Ðài lần lượt ra các khu bên ngoài. Ðã có trên 10 tướng lãnh nằm tại nghĩa trang Biên Hòa kể cả các vị Đại tá vinh thăng sau khi tử trận. Người có cấp bậc cao cấp nhất là cố Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí. Hiện nay ngôi mộ này đã được gia đình cải táng nhưng vị trí cũ vẫn còn di tích.
Không ảnh Nghĩa Trang Quân Đội VNCH tại Biên Hòa, Hình năm 1993 do cơ quan IRCC thám sát lần đầu.
Nhà máy nước chính giữa, nhà dân và cơ quan tràn ngập, chỉ còn lại khu có các mồ tử sĩ chung quanh
Nghĩa Dũng Ðài và kiến trúc công trình Nghĩa Trang, toàn khu 125 mẫu chỉ còn lại khoảng 58 mẫu đã chôn cất.
Nghĩa trang Quân Ðội tại Biên Hòa có nhiều công trình xây cất đáng kể. Trước hết là bức tượng Thương Tiếc, thể hiện hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa ngồi nghỉ chân trên bệ đá, súng để ngang trên đùi, nét mặt buồn và rất Việt Nam. Câu chuyện về bức tượng này đã được kể lại nhiều lần.
Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, tượng này bị chính quyền cộng sản giật sập. Phóng viên ngoại quốc có chụp được hình. Tin sau cùng cho biết bức tượng đã đưa vào kho tại quận Dĩ An và sau cùng có thể bị nấu ra lấy đồng và không còn vết tích. Tác giả của pho tượng này là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, nguyên là một sĩ quan Quân Nhu, lấy hình người mẫu là một binh sĩ nhảy dù. Từ bức tượng kể trên, lối vào nghĩa trang, đi theo con đường chánh xuyên tâm, lên dốc cao, phải qua Cổng Tam Quan, một công trình xây cất giản dị nhưng bề thế và chân phương. Giữa cảnh hoang tàn rêu phong hiện nay, Cổng Tam Quan vẫn giữ được đường nét vững vàng và gần như còn nguyên vẹn.
Qua Cổng Tam Quan, con đường dẫn đến ngôi Ðền Tử Sĩ trên một ngọn đồi nhỏ có 4 lối lên bốn phía. Ðây là nơi để linh cữu các vị tướng lãnh trước khi chôn cất.
Ðây cũng là nơi khi tổng thống, thủ tướng hay các giới chức cao cấp chủ tọa các buổi lễ chiêu hồn tử sĩ. Tháng Ba, 1975, thủ tướng Trần Thiện Khiêm lên thăm viếng và làm lễ đặt vòng hoa. Không ai biết rằng đây là lần sau cùng.
Cũng tại đây và tại Vành Khăn Tang của Nghĩa Dũng Ðài là nơi các toán quân danh dự canh gác theo nghi lễ. Các quân nhân từ các quân binh chủng mặc sắc phục được điều động về theo đơn xin và có đủ điều kiện. Vóc dáng trẻ trung, khỏe mạnh, cao lớn, đoàn quân này được huấn luyện để canh gác và biểu diễn các thao tác nghi lễ như các đoàn quân danh dự tại nghĩa trang Arlington Hoa Kỳ. Sau Ðền Liệt Sĩ, phải đi một đoạn rất dài mới đến một ngọn đồi, chính giữa trung tâm là Nghĩa Dũng Ðài. Ðây là công trình quan trọng nhất mà Công Binh Việt Nam đã thực hiện.
Cục Công Binh sau khi khởi công xây cất nghĩa trang, song song với việc bang đất, giúp Cục Quân Nhu chôn cất thì bắt đầu nhận công tác từ Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Tiếp Vận để xây cất Nghĩa Dũng Ðài vào Tháng Mười Một, 1967. Một kỳ thi được thực hiện phối hợp giữa Công Binh và trường đại học Kiến Trúc Sài Gòn. Có tất cả 54 đồ án dự tuyển. Ban chấm thi gồm đại diện trường đại học Kiến Trúc, Tổng Cục Tiếp Vận, Chiến Tranh Chính Trị, Cục Quân Nhu, và Cục Công Binh.
Trên nền đất phẳng, Công Binh cho đổ 10,000 thước khối đất làm thành một ngọn đồi nhân tạo. Ðại đội xe “benne” phải làm việc gần hai tháng. Trên ngọn đồi nhỏ này, Công Binh xây bệ tròn, chính giữa là ngọn kiếm hướng mũi lên trời. Thân cây kiếm có bốn cánh hình chữ thập cao 43 thước. Chân của chữ thập đường kính 6 thước rưỡi và trên mũi nhọn là ba thước rưỡi, có bậc thang để leo lên đỉnh và đứng trên này sẽ nhìn thấy toàn thể thành phố Sài Gòn.
Hình Nghĩa Dũng Đài nguyên thuỷ
Hình Nghĩa Dũng Đài sau này bị cộng sản phá mất đi 10 thước chiều cao.
Cây kiếm đúc bằng ciment cốt sắt từng tảng chồng lên nhau chịu được sức gió trên 120 km/giờ. Phía dưới bệ đài xây ciment vòng chung quanh thành là bức tường quây tròn được đặt tên rất xúc động là Vành Khăn Tang. Trên Vành Khăn này dự trù sẽ có các công trình điêu khắc về các chiến công của Quân Ðội Việt Nam qua các thời đại. Từ thời Hùng Vương lập quốc đến các vị anh hùng chống xâm lăng phương Bắc rồi đến các chiến công của Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả công trình xây cất nghĩa trang Quân Ðội gần như hoàn tất và riêng Nghĩa Dũng Ðài thì đã xong phần kiến trúc căn bản. Cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, những đơn vị kiến tạo của TÐ54 Công Binh vẫn còn hiện diện tại công trường. Một toán đặc phái công tác về sửa chữa Dinh Ðộc Lập vẫn còn thấy các vị cao cấp ra vào trước khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam.
Ngoài sự hy sinh xương máu của Công Binh Chiến Ðấu, thêm bao nhiêu công thự, cầu đường do Công Binh Kiến Tạo góp phần trên toàn thể miền Nam thì công trường Dinh Ðộc Lập và công trường nghĩa trang Quân Ðội là các di sản hãnh diện của ngành Công Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau hơn 30 năm, cả hai công trình này và đặc biệt là Nghĩa Dũng Ðài vẫn tồn tại và hy vọng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nghĩa Dũng Ðài suốt 30 năm qua đã được bảo vệ bởi 16 ngàn tử sĩ ở lại nghĩa trang Quân Ðội. Tiếc thay vào cuối thập niên 90, đơn vị cộng sản trách nhiệm đã phá bỏ 10 thước trên đầu ngọn kiếm nên kiến trúc mất cả chiều cao. Ðứng trên khu vực dưới chân Nghĩa Dũng Ðài nhìn xuống cả cánh đồng mộ chí bát ngát, vào thời điểm này, còn ít nhất là 10,000 tử sĩ nằm lại. Xa xa là Ðền Tử Sĩ. Quanh cảnh tiêu điều, hoang vu nhưng có giá trị rất cổ tích và lịch sử.
Nghĩa trang Quân Ðội thuộc Biên Hòa hay Bình Dương?
Trước năm 1975, toàn thể miền Nam có trên 50 nghĩa trang quân đội. Tiểu khu nào cũng có một khu mai táng tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa nhưng khi nói đến nghĩa trang quân đội, tất cả đều nghĩ đến nghĩa trang Biên Hòa. Có lúc, nghĩa trang được gọi tên đầy đủ là nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa. Nói chuyện với người Hoa Kỳ thường phải dịch là nghĩa trang của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa tại Biên Hòa mới thật rõ ràng. Bởi vì chúng ta không có “quân đội Biên Hòa.”
Sau Tháng Tư, 1975, ai cũng tưởng là khu nghĩa trang này đã bị cày nát san bằng. Ði xe trên xa lộ Biên Hòa, thấy bức tượng Thương Tiếc, thể hiện hình ảnh người lính ngồi nghỉ chân không còn nữa. Ai nấy đều nói rằng: “Thôi rồi, chúng nó phá hết rồi.” Từ ngoài nhìn vào, chỉ thấy cây cỏ um tùm, nhà dân xây cất che khuất cả một vùng phía bên này sông Ðồng Nai. Những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa nằm trong lòng đất lạnh tưởng chừng bị quên lãng.
Ngay từ khi chiếm miền Nam, chính phủ Cộng Sản xếp khu nghĩa trang và doanh trại Liên Ðội Chung Sự là khu vực quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng. Bộ Quốc Phòng giao cho Quân Khu 7 quản trị, có một đơn vị đóng doanh trại cạnh nghĩa trang Biên Hòa. Việc kiểm soát rất tùy tiện. Lúc dễ lúc khó. Tuy nhiên nói chung, gia đình vẫn được vào tìm mộ thân nhân để chăm sóc. Một số đã bốc mộ đem về quê.
Ngày xưa trước khi thành lập Việt Nam Cộng Hòa, phần đất bên này sông Ðồng Nai gồm quận Dĩ An vốn thuộc về tỉnh Bình Dương. Tổ chức Việt cộng nằm vùng cũng theo ranh giới đó hoạt động. Tỉnh ủy Bình Dương chỉ huy du kích quận Dĩ An. Sau này quận Dĩ An được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sáp nhập vào tỉnh Biên Hòa khu nghĩa trang lại nằm cạnh xa lộ Biên Hòa nên mới có tên nghĩa trang Biên Hòa.
Khi chính phủ Cộng Sản cho lệnh giao khu nghĩa trang từ Bộ Quốc Phòng cho bên chính quyền dân sự thì vẫn theo ranh giới hành chánh cũ của cộng sản từ hồi nằm vùng. Tỉnh Bình Dương nhận công tác quản trị nghĩa trang và dân sự hóa. Họ gọi là Nghĩa trang nhân dân Bình An, thuộc quận Lái Thiêu, tỉnh Bỉnh Dương.
Sau đây là phần tóm lược của Việt Museum về Lịch sử nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa.
Trước 1965, các tử sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được chôn cất tại các nghĩa trang tiểu khu. Tại Sài Gòn-Gia Ðịnh chôn tại nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi hoặc nghĩa trang Quân Ðội Gò Vấp.
Từ 1965, nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa được thành lập, dự trù 30,000 mộ phần. Các trận Mậu Thân 1968, Mùa Hè 1972 đã chôn trên 10,000 tử sĩ. Tính đến 1975 đã có 16,000 tử sĩ chôn tại đây.Tên gọi đầu tiên: Nghĩa trang Quân Ðội; về sau chuẩn bị đặt tên Nghĩa trang Quốc Gia. Nơi đây chôn cất không riêng tướng lãnh, sĩ quan và chiến binh mà dành làm nơi yên nghỉ cho các thành viên chính phủ hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Một Tướng Lãnh Hoa Kỳ thăm nghĩa trang tháng 4-75
Mộ phần trước 75 được sửa chữa,
Trước 1970: Hoàn tất bang đất làm đường, tượng Thương Tiếc, Cổng Tam Quan, Ðền Tử Sĩ. Giai đoạn 1974, Nghĩa Dũng Ðài với ngọn tháp cao đã làm xong, Vành Khăn Tang vĩ đại chung quanh gần đến giai đoạn cuối. Tháng Mười Một, 1974: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thăm công trình và tuyên bố rằng đây là công trình ông để lại cho quân đội. Dự trù hoàn tất để khánh thành đợt đầu vào ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu năm 1975. Ðiều này đã không thực hiện được. Sau 30 Tháng Tư, 1975: Nghĩa trang bị phá hoại dưới nhiều hình thức nhưng nói chung vẫn còn tồn tại, trong hoang phế. Bắt đầu từ năm 1980: thân nhân tử sĩ, đặc biệt những người chuẩn bị “vượt biên,” bắt đầu thăm và tảo mộ trước khi lên đường.Thập niên 1990: các chiến binh cải tạo được tự do bắt đầu trở lại thăm viếng bạn đồng ngũ, và từ giã lên đường sang Hoa Kỳ theo diện “H.O.”
Sau đó người Việt bắt đầu trở về thăm viếng các mộ phần. Nhiều gia đình bốc mộ hoặc sửa sang lại phần mộ. Có tin đồn về việc chính quyền giải tỏa để làm khu kỹ nghệ thuộc các công ty Ðài Loan và Ðại Hàn. Tuy nhiên các dự án này không thực hiện. Cũng từ thập niên 1990, chính quyền cộng sản bắt đầu công tác xây cất nghĩa trang liệt sĩ tại các địa phương miền Nam, từ Trường Sơn đến Duyên Hải. Nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa vẫn hoang phế cùng cây cỏ. Đơn vị quân đội trông cây để làm khu huấn luyện. Cây mọc lên làm hư hại mộ phần. Năm 1994, cơ quan IRCC, Inc. bắt đầu cho người về thăm lại nghĩa trang và ghi nhận phần lớn còn tồn tại nhưng rất hoang phế. Một trung tá công binh đã thăm viếng đem về các báo cáo sơ khởi.
Chương trình dự án tảo mộ hàng năm bắt đầu từ cuối năm 1997 với các điểm chính: Làm dưới hình thức thân hữu gia đình từng toán nhỏ. Giúp phương tiện cho anh em thương phế binh Sài Gòn thực hiện. Khích lệ Việt kiều về thăm và sửa sang phần mộ thân nhân. Phần mộ vô danh được làm cỏ, sơn quét lại, dựng mộ bia. Cổng Tam Quan và Ðền Liệt Sĩ cũng đã được dọn dẹp. Tuy nhiên chỉ làm từng phần và làm nhiều lần. Chương trình tảo mộ đã hoàn tất qua các năm Mậu Dần (1998), Kỷ Mão (1999), Canh Thìn (2000), Tân Tỵ (2001), Nhâm Ngọ (2002) và tiếp tục cho đến năm 2006 và 2010. Sau đó thân nhân tử sĩ còn ở lại Việt Nam đã bắt đầu trở lại thăm viếng và sửa sang phần mộ trong các dịp lễ tôn giáo, Thanh Minh, Tết… Việc này đã tạo thành một dịch vụ cho số dân địa phương.
Ai đã bảo toàn nghĩa trang trong 30 năm qua?
Sau 30 Tháng Tư, 1975, miền Bắc chiếm đóng miền Nam. Ngành nào theo ngành đó, binh chủng nào theo binh chủng đó. Tự do chiếm giữ các tài sản công thự của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Cái gì của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa thì quân đội nhân dân Việt Cộng vào chiếm. Bộ Y Tế Cộng Sản lãnh các nhà thương và cơ sở y tế. Giáo dục theo giáo dục. Thành ủy chiếm tòa thị chính. Phía quân đội cũng như thế. Duy có hai nơi không đơn vị và thủ trưởng nào vào nhận lãnh, vì vậy vẫn còn cho đến ngày nay. Ðó là Dinh Ðộc Lập và nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa.
Trung Ương Ðảng ở Hà Nội không muốn vào chiếm đóng Dinh Ðộc Lập. Cơ sở đứng đầu chính phủ cộng sản miền Nam cũng không cảm thấy đủ tư cách tranh lấy một dinh thự nổi tiếng ở Ðông Nam Á. Vì vậy, Dinh Ðộc Lập bỏ trống trở thành di tích lịch sử. Nghĩa trang Biên Hòa ở cùng một hoàn cảnh. Sau này chính quyền cộng sản đã tìm một khu đất gần xa lộ Biên Hòa để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ cho chiến binh miền Bắc.
Từ 1980, chính thân nhân của tử sĩ, trong tình cốt nhục “mở cuộc chiến mới.” Không cần lãnh đạo, không cần chỉ huy, không cần lý luận, những người vợ đi tìm mộ chồng, người con đi tìm mộ cha, gia đình đi tìm mộ của người thân yêu. Một lần không được thì hai lần. Ngày qua ngày, con đường nghĩa trang xưa mở ra những lối mòn. Xe ôm đi tảo mộ. Ði xe ngựa lên tảo mộ.
Từ Cà Mau, gia đình vợ con Hạ Sĩ Dương Chu đã gồng gánh, ngủ đường để cải táng đem di hài người lính Cộng Hòa về chôn ở Ðầm Dơi. Nơi đầm lầy mỗi lần lên Cà Mau phải đi tàu mất nửa ngày. Cứ như thế gần 6,000 gia đình đã thăm viếng và cải táng người thân trong suốt 30 năm dài. Họ không quên người đã chết, họ đến với nghĩa trang và họ đã làm cho nghĩa trang tồn tại.
Bây giờ vẫn còn khoảng 10,000 ngôi mộ. Có gia đình thân nhân kiên quyết không bốc mộ, để người chiến sĩ ở lại chiến trường. Cũng có khi thân nhân chẳng còn ai. Bia mộ có tên mà trở thành vô danh. Cũng có gia đình nghèo khổ không có phương tiện. Nhưng hàng ngày, hàng năm, vẫn còn những người trở lại thăm viếng. Họ ở cùng khắp trên đất nước và họ ở cùng khắp trên địa cầu. Rất kiên trì và âm thầm, qua tình cốt nhục gia đình, những người còn lại không cầm vũ khí đã tiếp tục giữ mãi phòng tuyến cuối cùng trong lòng địch.
Ðó là câu trả lời, vì đâu nghĩa trang Biên Hòa vẫn còn tồn tại và ai là người đã bảo toàn.
Thăm viếng và tảo mộ nghĩa trang Biên Hòa sau 1975
Một sĩ quan vô danh đã lên thăm nghĩa trang ngay sau 30 Tháng Tư, 1975. Sau đó, ông còn trở lại sau 8 năm cải tạo. Ông cho biết năm 1975 có 8 vị tướng lãnh; là các tướng Trí, Hiếu, Ánh, Soạn, Ðồng, Phước, và hai vị nữa. Ðại Tá Phước, quân đoàn 4 chôn ở khu tướng lãnh vì được truy thăng. Gia đình đã chuẩn bị bốc mộ năm 1980 nhưng cho biết ông về báo mộng yêu cầu nằm lại với anh em nên bây giờ gia đình chỉ lên chăm sóc hàng năm.
Cựu Ðại Tá Lê Ðình Luân, gốc Thừa Thiên, nguyên chỉ huy trưởng đơn vị Quân Báo 101 Bộ Tổng Tham Mưu, trải qua 17 năm tù cải tạo, khi ra tù đã luẩn quẩn nhiều ngày tại nghĩa trang Quân Ðội. Ông Luân là người đã đem bản báo cáo đầy đủ về Nghĩa Trang Quân Ðội đến San Jose vào năm 1998.
Ðặc biệt, tất cả các thương phế binh Ðặc Khu Sài Gòn-Gia Ðịnh đều nghe nói đến Thượng Sĩ Công Binh Nhảy Dù Trần Văn Tảo. Ông Tảo là trưởng toán công tác tảo mộ tại nghĩa trang Quân Ðội, do IRCC, Inc. ủy nhiệm, suốt 10 năm từ 1994 đến 2004.
Những năm sau này, tình hình dễ dàng hơn, toán công tác của ông Tảo từ 15 đến 20 người thuê xe lên làm cỏ từng vùng. Những lúc khó khăn thì đi từng nhóm lẻ tẻ. Ông thông thạo địa thế, quen biết với cư dân địa phương và các thành phần an ninh trật tự. Năm nào ông cũng tổ chức nhiều lần, quay phim, chụp hình đầy đủ. Hoạt động với tính các dân địa phương, tảo mộ gia đình nên hoàn toàn thành công tốt đẹp.
Mộ bia vô danh tại Nghĩa trang (Hình trái) năm 2004 được đưa về thờ tại Việt Museum.San Jose
Con đường chính giữa, gần Nghĩa Dũng Ðài có ngôi mộ đề là Vô Danh số 1. Bia đã bị lật nghiêng, khi thấy công an và lính Cộng Sản vắng mặt, các cựu chiến binh Cộng Hòa đã tìm cách di chuyển mộ bia quý giá này và đặt làm mộ bia mới thanh thế. Tấm bia gổc đã được thượng sĩ Tảo, trưởng toán công tác của IRCC trước khi qua đời chuyển qua Mỹ hiện đặt tại Viet Museum.
Nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa, có thể nói là sáng kiến của chính những người đã vĩnh viễn nằm xuống. Trong suốt hơn 30 năm qua, chính 16,000 ngàn tử sĩ tại đây đã gìn giữ nghĩa trang này; sau khi đã hy sinh cuộc sống để gìn giữ tổ quốc.
Cựu thiếu tá VNCH Nguyễn Đạc Thành cùng tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon, ông Lê Thành Ân, thăm nghĩa trang Biên Hòa.
Thi sĩ Thanh Nam đã viết vần thơ sau đây dâng tặng hương hồn tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa sau 30 Tháng Tư, 1975.
…Ta như người lính vừa thua trận.
Nằm giữa sa trường nát gió mưa.
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ.
Làm thân cây cỏ gục ven bờ.
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích.
Vẳng tiếng kèn, truy điệu mộng xưa . . .
Bây giờ thi sĩ cũng đã trở thành cây cỏ gục ven bờ, vì vậy phải ghi lại rằng chính người chiến sĩ đã chết là những người thành lập nghĩa trang Quân Ðội.
Sau đây là tài liệu căn bản của chính quyền VN về việc bàn giao và quản trị đất nghĩa trang. Toàn khu nghĩa trang 125 mẫu chỉ còn lại 58.
Nguyên văn quyết định như sau :
… Sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương. Và
… Chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa địa Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật.
Nguyên văn thông cáo của chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký 27 tháng 11- 2006
Bổ túc năm 2019
Năm 2006 ngay sau khi chính phủ công sản Việt Nam công bố bản tài liệu đầu tiên và quan trọng liên quan đến Nghĩa trang quân đội VNCH tại Biên Hòa, chúng tôi đã có thư gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thư viết nhân danh giám đốc cơ quan định cư di dân IRCC tại san Jose, Nhân danh cựu quân nhân VNCH và nhân danh công dân Hoa Kỳ. Thư gửi thẳng quý ông Nguyễn tấn Dũng và ông Võ Văn Kiệt. Mặt khác thư Anh ngữ nhờ các vị dân biểu Mike Honda và Joe Lofgren chuyển tiếp đến các giới chức hữu trách Việt Nam.
Nội dung lá thư đặt vấn đề chính phủ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải tôn trọng mộ phần và di hài chiến binh VNCH chiếu theo công pháp quốc tế về chiến tranh về tù binh, về tử sĩ sau cuộc chiến. Các điều khoản Việt Nam đã ký kết trong hiệp định Geneve 1954, trong hiệp định Paris năm 1973. Ký kết khi gia nhập Liên Hiệp Quốc và trong nhiều tài liệu quốc tế về nhân quyền và công pháp. Lá thư đặt ra các vấn để sau đây:
1) Yêu cầu bảo vệ sự toàn vẹn nghĩa trang,
2) Trả lại tên chính danh cho Nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
3) Tuyên bố Nghĩa trang Biên Hòa là khu di sản lịch sử quốc gia, áp dụng theo quy chế bảo vệ Dinh Độc lập tại Sài Gòn.
4) Cho điều tra giới chức phá hủy 10 thước trên ngọn kiếm của Nghĩa Dũng Đài.
5) Di chuyển nhà máy nước ra khỏi khuôn viên nghĩa trang.
6) Ban hành luật lệ rõ ràng để thân nhân và những người tình nguyện được phép thăm viếng, tảo mộ, sửa sang các phần mộ và các công trình kiến trúc.
7) Cho phép hạ các cây cối làm hư hỏng cống rãnh, đường xá và các ngôi mộ.
8) Cho phép cải táng di hài tử sĩ VNCH tại các trại tù hay các nơi chôn cất tạm đem về Nghĩa trang Biên Hòa.
9) Cho phép các cựu chiến binh VNCH qua đời được mai táng tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Tất cả các điều yêu cầu kể trên là những công tác nhân đạo thông thường theo văn hoá truyền thống Việt Nam và đồng thời cũng là những nghĩa vụ của nhà cầm quyền hiện tại phải làm theo công pháp văn minh quốc tế.
Thư yêu cầu của chúng tôi đã được gửi đến các giới chức thẩm quyền kể cả đưa tay đến các ông Nguyễn Tấn Dũng và Võ văn Kiệt. Lúc còn sinh thời, ông Võ Văn Kiệt là thủ tướng về hưu nhưng vẫn còn ảnh hưởng đã hứa hẹn sẽ cứu xét nhưng rồi ông đã qua đời. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa có quyết định gì về những yêu cầu kể trên cho đến khi chấm dứt nhiệm kỳ. Nhưng sau đó một cách không chính thức, chính quyền Hà Nội giao cho địa phương cho phép các cá nhân và các nhóm tình nguyện trả tiền cho những nhà thầu làm công việc trùng tu từng ngôi mộ qua tổ chức gọi là ban Quản trang.
Hội VAF tại Hoa Kỳ của ông Nguyễn Đạc Thành là tổ chức tiên phong đã hoàn tất được nhiều công tác trùng tu có kết quả.
Tổ chức Nạng Gỗ của ông Nguyễn Quang Hạnh từ bên Pháp đã đóng góp phần lớn lao cho công việc trùng tu. Gia đình Mũ đỏ San Jose cũng góp phần cho Nạng Gỗ có đại diện tại Nam CA.
Binh chủng Biệt Động Quân với sự trực tiếp kêu gọi của chuẩn tướng Phạm Duy Tất từ thủ đô Hoa Kỳ cũng tham dự trực tiếp đáng kể vào công tác tại Nghĩa Trang Biên Hòa. Liên Hội cựu quân nhân Bắc CA tại San Jose cùng với hội nữ quân nhân và Lực Lượng đặc biệt đều là các hội đoàn bỏ nhiều công sức quyên góp và trực tiếp cho việc trùng tu. Còn nhiều cá nhân và đoàn thể toàn thế giới cùng đóng góp.
Tính cho đến nay công tác dành cho nghĩa trang Biên Hòa đã đạt được đến 80% và hy vọng sẽ hoàn tất vòng đầu vào năm 2020. Trên thực tế ảnh hưởng sự can thiệp của bộ ngoại giao Hoa Kỳ qua tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội và tòa tổng lãnh sự tại Sài Gòn góp phần quan trọng mở đường cho việc trùng tu. Các vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam đều lưu tâm đến Nghĩa Trang Biên Hòa thêm vào sự hiện diện trực tiếp của các vị gốc Việt như tổng lãnh sự Mỹ Lê Thành Ân tại Sài Gòn và đại tá Tổn Thất Tuấn là Tùy viên Quốc phòng tại tòa đại sứ Mỹ Hà Nội.
Sau gần nửa thế kỷ cuộc chiến tranh tại Việt Nam, ngày nay nơi yên nghỉ của chiến binh miền Nam mới được trùng tu dù không chính thức nhưng đã bắt đầu. Chúng ta không bao giờ quên những người tử sĩ chiến hữu đã nằm lại ở nghĩa trang Biên Hòa.
Giao Chỉ hiệu đính và bổ túc đầu năm 2019.
~~~~~~~~~~~~~~~~~
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393
Giao Chỉ, SanJose City, VietMuseum, Book 1, 2 đã phổ biến, sẽ in 3, 4, 5 đến 12.
Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121
Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là giữ lửa cho mai sau.
Nguồn: http://www.nguyenkhapnoi.com/2019/01/08/16-ngan-tu-si-o-lai-nghia-trang-quan-doi-vnch-tai-bien-hoa/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét