Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Hát cho anh, người thương binh VNCH


Hát cho anh, người thương binh VNCH

Cát Linh, phóng viên RFA
2016-01-03

Email
Ý kiến của Bạn
Share
In trang này
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015.
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015.
AFP photo

“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi…” (tiếng hát của người thương binh bán vé số và âm thanh hỗn tạp của một bến xe buýt)
Giữa những âm thanh hỗn tạp của bến xe đò, người thương binh chỉ còn lại một chân vội vã leo lên chiếc xe khách chưa chuyển bánh. Cây ghi ta thùng cũ kỹ, lộ những vết tróc nhem nhuốc, khắc lên đó tuổi đời của thời gian. Người thương binh cất tiếng hát, bài hát “Rừng lá thấp” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Những người khách trên chuyến xe, già có, trẻ có, bỗng nhiên được vài phút giây tách mình ra hẳn tiếng la ó của bến xe, tiếng hàng rong mời gọi ổ bánh mì, cây mía ghim. Người nhìn xa xăm. Người cúi đầu yên lặng. Họ nghĩ gì, thấy gì? Không ai biết…
Chỉ biết rằng khi ngừng tiếng hát, người thương binh rút cọc vé số trong túi áo màu xanh lá đã bạc cùng năm tháng, bước những bước đi khập khiễng mời khách mua giúp. Những gương mặt quay đi, ngại ngùng… Có lẽ cuộc sống của họ cũng chẳng có phần tốt hơn.
Đó là hình ảnh quen thuộc ở những bến xe khách, hay dọc theo các bến phà xuôi về miền Tây trong những năm 80, từ ngày kết thúc cuộc chiến. Họ chính là những người lính trở về trong một cơ thể không còn lành lặn. Một phần thân thể của họ đã vĩnh viễn gửi vào mảnh đất mà họ đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để bảo vệ.
Cứ thế, qua từng chuyến xe này rồi đến chuyến xe khác, bến phà này đến bến phà khác, họ hát để mưu sinh, để sống lại một thời binh lửa oai hùng. Phải, họ hát để sống lại, chứ không phải nhắc lại. Vì, nhắc cho ai nghe đây? Nói cho ai nghe đây?
Có người nhạc sĩ, đã hỏi giùm những người lính ấy, đó là cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ông thay họ hỏi cuộc đời rằng có ai nhớ người thương binh?
“Một chiều, một chiều trên quãng đường xa
Bóng người anh dũng năm xưa ra đi chốn này
Chàng về nay đã cụt tay
Chàng về, chàng về nay đã cụt tay
Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù
Từ ngày chinh chiến mùa thu
Người quê còn nhớ người chăng
Vì vào chốn tử sinh
Chiến trường quên, quên mình
Người về có nhớ thương binh…” (Nỗi nhớ người thương binh)
Chiến tranh chấm dứt, người thương binh về lại quê xưa. Mảnh đất quê hương còn đó, nhưng cha anh không còn nữa, mẹ anh đã già, và một phần thân thể của anh cũng đã gửi lại nơi chiến trường năm đó.
“Rồi mai anh trở về Cha anh không còn nữa
Mẹ anh bây giờ đã già
Ngũ Hành năm cụm núi xanh xanh
Xa rồi một trái Nam trần
Mây giăng nhiều trên đỉnh Hải Vân.
Chiều nay có người thương binh
Đi về với bàn tay năm ngón như đi về với cuộc chiến chinh
Anh mất đi bàn tay nhưng còn quê hương yên lành
Một ngón tay dâng một cụm ngũ hành.
Niềm vui chờ đón tương lai
Thư gửi cho người yêu viết bằng tay trái không ngay
Tình mình mong đẹp mãi như năm cụm núi quê hương
Ôi năm cụm núi quê hương…!!!!” (Năm cụm núi quê hương)
Đó là Cuộc đời của người lính trở thành thương binh sau cuộc chiến trong ca khúc Năm cụm núi quê hương, sáng tác của nhạc sĩ Minh Kỳ vẫn còn một trời hy vọng và niềm tin về một tình yêu đang chờ anh nơi quê hương có ngọn núi Ngũ Hành.
Những ngày chiến đấu bên nhau
Những ngày chiến đấu bên nhau Screenshot of Youtube
Không phải chỉ khi cuộc chiến đã tàn thì người lính mới trở về trong một hình hài không còn nguyên vẹn. Chiến tranh khắc nghiệt có thể lấy đi cuộc sống của người ta bất cứ giờ phút nào, bất cứ chiến tuyến nào. Mà đã là lính, thì có gì ngậm ngùi hơn khi phải giã từ đồng đội, giã từ lý tưởng để quay về trên đôi nạng gỗ, dang dở cuộc đời cho cả người mình yêu. Khi đó, tiếng súng nơi chiến trường có lẽ không đáng sợ bằng phải nhìn người yêu bằng ánh mắt chưa quen. Chỉ có thể là Phạm Duy mới cảm nhận được ánh nhìn ấy trong Kỷ vật cho em vào năm 1970, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở thời kỳ khốc liệt nhất.
“Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anhh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.....” (Kỷ vật cho em)
Khi trang lịch sử của cuộc chiến mỗi ngày một dày thêm, thì phận đời của những người thương binh trở về từ Khe Xanh, từ Đồng Xoài, từ những vùng chiến thuật càng thêm cơ cực. Ngày xưa họ là đồng đội. Giờ đây, họ là… “đồng nghiệp”. Cát Linh xin mượn một đoạn trích trong bài tạp ghi của tác giả Nguyễn Mạnh Trinh để nói lên cái xót xa của hai từ “đồng nghiệp”:
Trên một chuyến xe, có hai người lính cũ, một mù một què, dắt díu nhau đi hát để kiếm miếng ăn độ nhật. Người què thì dẫn đường cho người mù không có mắt để đi lần theo từng hàng ghế. Họ mặc bộ quần áo trận đã rách te tua bạc phếch nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh của người lính thời xưa. Trên tay người lính mù là chiếc dàn mandoline cũ kỹ và anh hát những bản nhạc lính của cuộc chiến ngày cũ đã tàn nhưng còn nhiều hậu quả nhức nhối. Khi hát tôi thấy dường như trong đôi mắt đen đục của người lính mù có chút nước mắt.”
Nếu trong cuộc sống, người ta hay trả cho nhau cái nợ ân tình, thì với những người lính ấy, họ trả cho nhau nợ vào sinh ra tử. Đây là cái nợ oai hùng và mãnh liệt nhất trong cuộc đời của mỗi người lính trận. Cũng trên mảnh đất này, ngày xưa họ chiến đấu bên nhau, những đêm đạn pháo, tao mày vào sinh ra tử, thì ngày nay, tao, mày dựa vai nhau mà sống.
“Ngồi xuống đây tao đút mầy lần cuối
Để mai này biết có gặp nữa không
nợ trần gian nợ cơm áo chất chồng
Tao bươn chải đời long đong vô định
Ngồi xuống đây giữa tâm tình người lính
Đừng nghĩ gì những toan tính thế gian
Tao với mày từng vượt những gian nan
Đã sống chết – lầm than – và tủi nhục
Ngồi xuống đây tao đút mầy thêm chút
Cũng như mầy ngày xưa đút cơm tao
Giữa Cổ Thành tiếng quân dậy lao xao
Tao gục xuống và mầy lao ra cứu…”(Tao đút mày lần cuối)
Trong suốt 40 năm qua, những hình ảnh nương tựa nhau đó tiếp tục trôi dạt từ nơi này đến nơi khác. Ngày xưa là anh thương binh với đôi nạng gỗ, giờ đây, khi tuổi trẻ đã trôi qua cùng lý tưởng, họ “ngồi” trên cái ghế gỗ đã mòn nát bốn chân, với cơ thể ngắn hơn cả cái gậy dò đường, để tiếp tục cảnh đời mưu sinh.
Trong đêm mưa tầm tã, nơi góc đường vắng nào đó của Sài Gòn, có một người lính già, co cụm bên ngọn đèn đường, tấm vé số nhàu nát, đôi mắt mờ đục, nhớ về một rừng lá thấp, về chiều xanh ra nơi sa trường.
Tao biết lắm mầy sống đời mãnh thú
Con hùm thiêng trong giây phút sa cơ
Thân phế nhân đành trôi nổi mịt mờ
Muốn sống lại thuở viễn mơ rừng núi
Thôi mầy ạ! Đời chúng mình gió bụi
Chết ngang tàng trong ngày tháng Tư Đen
Tao với mày chinh chiến đã thành quen
Thì tủi nhục cũng để rèn nhân cách
Vậy hãy sống ngẩng cao đầu trong sạch
Biết tử sinh thì nhận lấy cho hùng
Tao với mầy có dòng máu chảy chung
Thà đổ xuống không bao giờ khuất phục.”
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/In-the-memory-of-invalid-arvn-01032016071626.html

Tuyên bố mới về Chương trình Tri ân thương phế binh-VNCH

Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từ ngày 28 tháng 12 năm 2015 đến ngày 6 tháng 01 năm 2016.
Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từ ngày 28 tháng 12 năm 2015 đến ngày 6 tháng 01 năm 2016.
Photo by Huỳnh Công Thuận
Vào ngày 19 tháng 9 năm 2019, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) cộng đoàn Cần Thạnh, Nhà Cần Giờ, ra tuyên bố về việc tiếp tục Chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB-VNCH).
Trong tuyên bố, các Tu sĩ, Linh mục DCCT Cần Giờ cho biết, theo tinh thần và mục tiêu phát triển con người toàn diện của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, DCCT Cần Giờ muốn tiếp tục lựa chọn tinh thần tri ân đối với TPB-VNCH, rằng sự đồng hành của họ không chỉ là một trợ giúp về mặt vật chất, mà còn là sự biết ơn và quý TPB-VNCH, những người đã gìn giữ hòa bình và an ninh không tiếc thân thể của mình.
Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, thuộc DCCT Cần Giờ, được Cha Giuse Hồ Đắc Tâm giao phó điều hành trực tiếp chương trình Tri ân TPB-VNCH, hôm 19/9 cho RFA biết về chương trình:
“Như quý vị biết, trước đây chương trình Tri ân TPB-VNCH  thực hiện tại Cộng đoàn Sài Gòn, nhưng trong nhiệm kỳ vừa rồi Cha Thanh bị chuyển về Vĩnh Long còn tôi về Cần Giờ. Chương trình cũ trước đây được Cha bề trên của Cộng đoàn Sài Gòn giao cho một thành viên mới của Cộng đoàn Sài Gòn. Tôi về Cần Giờ được ba tháng, tôi thấy nhu cầu cấp thiết của các ông TPB-VNCH và được sự đồng ý của Cha bề trên Cộng đoàn Cần Giờ Giuse Hồ Đắc Tâm, chúng tôi tiếp tục chương trình Tri ân TPB-VNCH.”
Tôi về Cần Giờ được ba tháng, tôi thấy nhu cầu cấp thiết của các ông TPB-VNCH và được sự đồng ý của Cha bề trên Cộng đoàn Cần Giờ Giuse Hồ Đắc Tâm, chúng tôi tiếp tục chương trình Tri ân TPB-VNCH.
-LM Giuse Trương Hoàng Vũ
Tuy nhiên, tuyên bố của các Tu sĩ, Linh mục DCCT Cần Giờ cho biết, chỉ tiếp nhận và phục vụ quý ông bà TPB-VNCH sinh sống ngoài vùng Sài Gòn. Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, giải thích về việc tiếp nhận này:
“Tôi chia như vậy là để thuận lợi cho công việc của tôi ở đây, cũng như thuận lợi cho các ông TPB-VNCH, nếu vị nào ở vùng Sài Gòn thì có thể đến DCCT Sài Gòn, họ cũng tiếp tục chương trình TPB nhưng họ dùng từ hỗ trợ TPB, còn chúng tôi vẫn giữ tin thần cũ là tri ân TPB. Tôi không còn ở Cộng đoàn Sài Gòn nữa, nên tôi sẽ đi ra các vùng xa, theo thời khóa biểu của tôi, vừa thuận tiện cho các ông TPB ở đó, vừa thuận tiện cho công việc của tôi. Chứ không có sự chia địa phận gì ở đây.”
Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho biết, không thể tổ chức kiểu quy tụ ở Cần Giờ như ở Sài Gòn trước đây, do không gian và quãng đường đi không thuận tiện. Ngoài ra, ông cũng không chọn cách quy tụ vào dịp cuối năm, như những năm qua. Theo chương trình mới công bố, Linh mục Vũ sẽ chọn cách đi thăm viếng các TPB-VNCH.
Tu viện DCCT Sài Gòn khai trương phòng Công lý và Hòa Bình vào ngày 24/3/2013 tại khu nhà Hiệp nhất B của Nhà Dòng, nơi tổ chức Chương trình Tri ân TPB-VNCH.
Ủy ban Công lý và Hòa bình là một tổ chức trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập vào năm 2010, có nhiệm vụ cổ vũ công lý và hòa bình tại Việt Nam theo đường hướng và mô hình Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ nhưng thích ứng với điều kiện văn hóa và xã hội ở Việt Nam.
Linh mục Phạm Trung Thành nguyên linh mục Giám tỉnh của DCCT, hôm 19/9, kể lại với RFA về việc hình thành Chương trình Tri ân TPB-VNCH ở DCCT Sài Gòn:
“Trong quá khứ, vào năm 2012, chúng tôi tiếp nhận danh sách hơn 140 TPB- VNCH từ Hòa thượng Thích Không Tánh vì hoàn cảnh của Chùa Liên Trì không thể tiếp tục chương trình này. Lúc đó, Cha bề trên nhà Sài Gòn Giuse Hồ Đắc Tâm và Cha phụ trách Phòng công lý Hòa Bình Giuse Đinh Hữu Thoại có xin ý kiến tôi tiếp nhận, tôi thấy không có gì trở ngại để nâng đỡ những con người đó vì mục đích của Hội đoàn chúng tôi là chia sẻ với những người nghèo và bị bỏ rơi… và từ đó chương trình hoạt động cho đến tháng năm vừa rồi. Con số TPB đến với chương trình ngày càng nhiều, cho đến năm cuối cùng là gần 7 ngàn. Chúng tôi phục vụ cho tất cả các anh TPB từ Quảng Trị trở vào, duy nhất có một anh lấy vợ ở Nghệ An và sống ở đó.”
Linh mục Phạm Trung Thành cho biết, khi đó, vì khả năng giới hạn, nên khi các anh em TPB-VNCH đến thì DCCT tiếp nhận, phó thác vào Thiên Chúa qua đóng góp của các nhà hảo tâm. Ông cho biết cứ làm thôi, nhiều khi tưởng không có tiền thì tự nhiên có người đến giúp, và chương trình càng ngày càng mở rộng, từ hơn 100 người lên 400 người rồi hơn 6 ngàn người, cứ như một giấc mơ trong vòng vài năm.
Đến khi về hưu vào năm 2015, Linh mục Phạm Trung Thành vẫn là người tha thiết với chương trình và vẫn giúp đỡ. Ông nói tiếp:
“Nhưng vào những tháng cuối thì có hiện tượng các Cha phụ trách chương trình (tri ân TPB VNCH - pv) bị đổi đi các đoàn khác hết, tôi xin nói thêm là các thầy tu đổi đi là một chuyện không phải là bất bình thường. Cuối cùng, vào tháng 5 năm 2019, tôi nhận được thông báo của Cha Lê Xuân Lộc, người còn lại duy nhất của chương trình, ngài thông tin rằng, bề trên mới thông báo tạm ngưng chương trình. Bề trên mới thông báo sẽ tiếp tục chương trình TPB nhưng với nhân sự mới và cách thức mới.”
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015.
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015. AFP photo
Vào ngày 20 tháng 05 năm 2019, Chương trình Tri ân TPB-VNCH đã khép lại tại DCCT, qua việc thuyên chuyển vị trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn là Linh mục Lê Ngọc Thanh từ Sài Gòn về Giáo phận Long Xuyên, thuộc Nhà Vĩnh Long, Linh mục Trương Hoàng Vũ, thủ quỹ Chương trình Tri ân TPB-VNCH thôi làm thành viên Nhà Sài Gòn để về làm thành viên Nhà Cần Giờ. Trước đó, Linh mục Đinh Hữu Thoại, tiền nhiệm trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình, được thuyên chuyển ra Quảng Nam.
Sau đó Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã thay đổi tên gọi của “Phòng Công lý và Hòa bình” thành “Phòng Phát triển con người toàn diện”. Chương trình Tri ân TPB-VNCH cũng bị đổi tên thành Chương trình trợ giúp TPB-VNCH. Tuy nhiên, theo ghi nhận của RFA, cho đến nay, ngoài việc tiếp nhận hồ sơ, “Phòng Phát triển con người toàn diện” vẫn chưa bắt đầu Chương trình trợ giúp TPB-VNCH.
Hôm 19/9/2019 RFA liên lạc Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, hiện là linh mục Giám tỉnh của DCCT Sài Gòn, tuy nhiên ông không đồng ý trả lời.
Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho biết thêm:
“Theo tôi được biết, Cha bề trên mới ở Sài Gòn khi tiếp nhận công việc có hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các ông TPB-VNCH, theo cái cách của Cha bề trên mới ở Sài Gòn, nhưng đến thời điểm này, Cha vẫn chưa khởi động chương trình. Hy vọng là thời gian tới Cộng đoàn Sài Gòn sẽ khởi động lại chương trình TPB.”
Mong quý vị ân nhân xa gần tiếp tục tin tưởng chúng tôi trong chương trình cũ, mang tên cũ, đó là Chương trình Tri ân TPB-VNCH. Trong thông báo mới, quý vị có thể đọc rõ tin thần của chúng tôi, ngoài vật chất, đây là chương trình hỗ trợ tinh thần, nó mang ý nghĩa nặng hơn, sâu hơn.
-LM Giuse Trương Hoàng Vũ
Tùy vào nguồn hỗ trợ, tùy hoàn cảnh các TPB, Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho biết có thể trao quà hay hỗ trợ tức thời. Ông nói tiếp:
“Mong quý vị ân nhân xa gần tiếp tục tin tưởng chúng tôi trong chương trình cũ, mang tên cũ, đó là Chương trình Tri ân TPB-VNCH. Trong thông báo mới, quý vị có thể đọc rõ tin thần của chúng tôi, ngoài vật chất, đây là chương trình hỗ trợ tinh thần, nó mang ý nghĩa nặng hơn, sâu hơn. Vì các ông TPB- VNCH đã hy sinh một phần thân thể của mình để bảo vệ cho người dân miền Nam Việt Nam, chúng tôi nghĩ mình chịu ơn họ.”
Trao đổi với RFA hôm 19/9 từ Quảng Nam, Linh mục Đinh Hữu Thoại, tiền nhiệm trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình, DCCT Sài Gòn nhận định, công việc sắp tới của Cha Tâm với Cha Vũ ở Cộng đoàn Cần Giờ, sẽ khó khăn và vất vả hơn khi thực hiện Chương trình Tri ân TPB-VNCH ở DCCT Sài Gòn trước đây:
“Cộng đoàn Cần Giờ thì kỳ này gánh nặng hơn trước đây, vì về địa lý khó khăn đi lại cho các ông, cơ sở thì không bằng Kỳ Đồng nên sẽ gặp nhiều khó khăn, còn nằm trong tương lai, chưa biết sẽ tổ chức cụ thể như thế nào? Nhưng thông báo để cho các ông yên tâm là vẫn tiếp tục chương trình, không có bỏ rơi các ông, không thay đổi tinh thần. Vì thông báo của Kỳ Đồng vừa rồi thấy thay đổi tinh thần từ tri ân sang trợ giúp, cho nên không có liên tục được chương trình trước đây, cho nên Cha Tâm với Cha Vũ muốn tiếp tục làm.”
Theo Linh mục Đinh Hữu Thoại, vấn đề vật chất không phải là chính, quan trọng là thái độ mình tiếp đón các TPB-VNCH như thế nào. Trên thực tế, tiền hỗ trợ nếu không có thì họ vẫn sống. Cho nên ông cho biết rất mừng cho các ông TPB khi Cộng đoàn Cần Giờ thực hiện Chương trình Tri ân này.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/new-statement-program-supporting-disabled-soldiers-in-the-republic-of-vn-09192019174544.html?fbclid=IwAR15CO8C6_asx3e0KNA-UGC6dNmaKIi0cn_phck_ImIhLW56AepUWQrx3h0

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét