Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

CHIẾN LƯỢC CỦA TỔNG THỐNG DONAL TRUMP KHI RÚT QUÂN KHỎI SYRIA

 


Tác giả: Hoàng Anh Tuấn
Khi nói đến tình hình thế giới hiện nay, câu chuyện cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và xa hơn một chút là nguy cơ đối đầu toàn diện về kinh tế, chính trị, chiến lược, khoa học kỹ thuật giữa cường quốc số một và số hai trong việc tranh ngôi bá chủ toàn cầu cùng các tác động của cuộc đối đầu này dường như đang chi phối mối quan tâm của thế giới.
Cuộc đối đầu này sẽ kéo dài bao lâu? Sau nhiệm kỳ của Tổng thống Trump hay sẽ kéo dài tới 45 năm như Chiến tranh lạnh Mỹ – Xô trước đây? Khó ai có thể dự báo chính xác, nhưng chắc chắn sẽ không kết thúc nhanh chóng.
Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma đã “chuẩn bị tinh thần” cho giới lãnh đạo chính trị và kinh doanh Trung Quốc rằng Trung Quốc và thế giới cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ có thể kéo dài đến 20 năm, tức sẽ kéo dài nhiều năm sau khi Trump không còn là Tổng thống Mỹ nữa.
Ở một góc độ nào đó, việc dư luận quan tâm đến khía cạnh thương mại và đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc này là đúng nhưng chưa đủ vì nó mới chỉ phản ánh được một phần những chuyển động lớn đang chi phối cục diện thế giới hết sức phức tạp hiện nay.
Tạm thời chưa bàn đến chiến lược mới của Trung Quốc nhằm định vị lại vị thế quốc tế mới của mình và nỗ lực xây dựng một trật tự và hệ thống quan hệ quốc tế mới trong bài viết này, mà chỉ tập trung vào những chuyển động lớn từ Mỹ bắt đầu từ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Rất khó để hiểu chính xác Trump, ông ta muốn gì, sẽ làm gì, làm như thế nào và làm được đến đâu. Việc lãnh đạo Trung Quốc không hiểu rõ, phán đoán sai, rồi có những bước đi khiến “cuộc chiến thương mại” lúc đầu tưởng như chỉ bắt đầu từ những “xích mích” nhỏ, rồi lan ra thành cuộc đối đầu kinh tế, thương mại toàn diện… cần xem là chuyện “bình thường”.
Ngay chính trong lòng nước Mỹ, dù thích hay không thích nhưng có một thực tế là không chỉ các đối thủ, mà ngay các đồng minh chính trị cũng không hiểu Tổng thống muốn gì, còn người dân và giới doanh nghiệp thì “thấp thỏm” chờ đợi các dòng “tweets” hàng ngày của Tổng thống để phán đoán hành động tiếp theo. Chưa kể sự thể còn bị “rối bung” khi hàng ngàn tờ báo từ cánh tả tới cánh hữu lao vào bình luận, mổ xẻ, phân tích, rồi bút chiến nhằm dẫn dắt dư luận theo nhiều chiều hướng khác nhau khiến thông tin trở nên “nhiễu loạn”.
Tất cả những cái đó rất dễ dẫn dắt người đọc, dư luận đi vào các tiểu tiết, hoặc bỏ qua và không thể nhìn thấy các chiều hướng chính sách, các chuyển động lớn sẽ chi phối nước Mỹ và nền chính trị thế giới trong nhiều thập niên tới, được khái quát thành “5 cuộc đại chiến” của Trump.
Ở đây chưa bàn đến cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của các cuộc chiến này. Nhưng đây là thực tế những gì Trump đang làm và dù thích hay không thì nước Mỹ và thế giới cũng phải sống chung và thích ứng với thực tế này chừng nào mà Donald Trump vẫn còn là Tổng thống Mỹ.
Tìm đọc nhiều tư liệu, nhưng tôi cũng kinh ngạc khi phát hiện dường như trong lịch sử thế giới cận đại gần 500 năm qua, THẾ GIỚI CHƯA TỪNG CHỨNG KIẾN một nhân vật lãnh đạo nào của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới như Donald Trump lại cùng lúc phát động 5 “cuộc chiến sống mái” trên 5 mặt trận khác nhau.
Cần nhớ, trong các bài học lịch sử kinh điển, chỉ cần thắng hay thua trong một cuộc chiến, chỉ một cuộc chiến thôi, đã đủ để lưu danh muôn thuở hay chôn vùi vĩnh viễn danh tiếng bất kì một tổng thống nào của nước Mỹ.
Vậy 5 cuộc chiến đó là gì?
  1. Cuộc chiến thứ nhất: Xác lập “giá trị bảo thủ” và tìm cách đẩy lui các “giá trị tự do”
Cuộc chiến này thể hiện qua cuộc đấu quyết liệt giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ qua việc đề cử Thẩm phán Brett Kavanaugh vào vị trí thẩm phán suốt đời tại Tòa án tối cao (Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ) gồm 9 người thay cho Thẩm phán Anthony Kennedy. Thẩm phán Kennedy được Tổng thống (TT) Reagan bổ nhiệm năm 1987 và về hưu năm 2018 sau 31 năm ở cương vị này.
Việc đề cử vị trí thẩm phán thứ 9 Tòa án tối cao diễn ra ngay trong nhiệm kỳ đầu của TT Cộng hòa Trump và trùng hợp với thời điểm đảng Cộng hòa đang kiểm soát đa số (dù mỏng manh) tại Thượng viện, đang giúp TT Trump lựa chọn người cùng quan điểm qua đó ghi dấu ấn, tạo ảnh hưởng bảo thủ và góp phần định vị bản sắc của nước Mỹ trong nhiều thập niên sau này. Tất nhiên, cần hiểu rõ đây không phải là những quan niệm bảo thủ hay tự do mà ta và nhiều nước khác quan niệm, mà chủ yếu liên quan đến các vấn đề xã hội, tôn giáo, thuế, tự do cá nhân và đạo đức của người Mỹ.
Vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện là vị trí đầy quyền lực trong hệ thống chính trị tam quyền phân lập tại Mỹ, có quyền giải thích hiến pháp, các đạo luật của Quốc hội, sắc lệnh của Tổng thống xem có vi hiến hay không, cho ý kiến về các vụ xét xử gây tranh cãi, dư luận quan tâm thông qua hình thức bỏ phiếu.
Lấy ví dụ về sắc lệnh cấm người Hồi giáo từ 6 quốc gia Hồi giáo nhập cư vào Mỹ khi Tổng thống Trump mới lên cầm quyền. Khi đó Tối cao Pháp viện phải ra phán quyết đây là sắc lệnh không vi hiến thì Sắc lệnh này của Tổng thống mới được thực thi.
Chỉ đơn cử một việc như vậy đã giải thích tại sao cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa một bên thì kịch liệt phản đối, còn bên kia thì ủng hộ bằng mọi giá ứng cử viên Thẩm phán Tối cao Pháp viện thông qua cuộc Điều trần đang diễn ra và tiếp theo là màn bỏ phiếu hết sức gay cấn ngay trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018.
Và cũng cần nhắc lại là các Tổng thống Mỹ như Ronald Reagan, Bill Clinton, George Bush từng không thành công lần đầu khi các ứng viên cho vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện của mình không vượt qua được vòng điều trần hoặc bỏ phiếu tại Quốc hội.
  1. Cuộc chiến thứ hai: Chống lại ngay chính đảng đề cử mình để bảo vệ những giá trị bảo thủ cốt lõi của những người Cộng hòa theo quan điểm của Trump
Đây là điều tưởng chừng là nghịch lý, nhưng lại là thực tế. Lần ngược lại thời gian trước cuộc bỏ phiếu Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, Trump khi đó bị những lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng hòa xem là “đứa con hoang” (pariah), đi ngược dòng chủ lưu.
Nhưng trái với hầu hết các dự báo, Trump – một người chưa hề có kinh nghiệm chính trường – lần lượt đánh bại từng đối thủ một vốn là các nhân vật lãnh đạo gạo cội và “ngôi sao” trong đảng Cộng hòa như Rand Paul, Mitch Romney, McGovern…
Thông thường trong chính trị Mỹ “cuộc chiến nội bộ” thường kết thúc khi đã có phân định thắng thua. Tuy nhiên, với Trump thì ngược lại. Với tỷ lệ ủng hộ lên tới 85% các cử tri Cộng hòa, Trump gần như không có các đối thủ nặng ký trong đảng Cộng hòa nên mạnh tay tấn công các “cây đa, cây đề”, các thiết chế mà Trump xem là “trì trệ” trong đảng Cộng hòa để xây dựng liên minh mới, thúc đẩy các ý tưởng bảo thủ và cải cách.
Còn các lãnh đạo Cộng hòa trong khi tiếp tục tận dụng ảnh hưởng của Trump để mở rộng uy tín của Đảng, thì cũng đấu quyết liệt không kém với Trump trong nội bộ đảng để chống lại một số cải cách mà họ xem là “nguy hại” cho nước Mỹ, tìm cách duy trì các thiết chế cũ cũng như dòng tư tưởng chủ lưu. Tuy nhiên, đối với nhiều nghị sĩ thì việc duy trì trật tự cũ còn là cách để họ tiếp tục duy trì ảnh hưởng và tiếp tục được hưởng các “đặc quyền, đặc lợi”.
  1. Cuộc chiến thứ ba: Chống lại các thiết chế đã định hình và sự “trì trệ” của nước Mỹ
Nếu chỉ đọc qua về sự “trì trệ” của nước Mỹ, người đọc dễ liên tưởng đây là câu chuyện hoang tưởng, nhưng đó lại phản ánh một phần sự thật. Nước Mỹ từ lâu vốn được xem là quốc gia năng động bậc nhất, là nơi tập trung các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, là nơi có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel nhất thế giới, nơi luôn khuyến khích sự sáng tạo, các ý tưởng lạ. Tóm lại, nước Mỹ được nhìn nhận là quốc gia luôn thay đổi và biết cách “tự làm mới” mình liên tục.
Còn nhớ câu chuyện giữa những năm 1980, cách đây quãng ba chục năm, khi đó Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev đưa ra ý tưởng “cải tổ” và “công khai hóa” (“perestroika” and “glasnost”) đã làm thế giới phát sốt, còn nước Mỹ thì bị lo qua mặt. Khi đó có nhà báo hỏi Tổng thống Ronald Reagan là nước Mỹ có ý định thực thi “cải tổ” và “công khai hóa” như Gorbachev đang theo đuổi hay không thì câu trả lời của Reagan, đại ý là: Gorbachev đang làm cái việc mà đáng ra các nhà lãnh đạo Liên Xô phải làm từ lâu, nhưng họ đã không làm và để vấn đề tích tụ lại. Mỹ không cần “cải tổ” hay “công khai hóa” vì đây là việc Mỹ làm thường xuyên.
Kết quả là “cải tổ” và “công khai hóa” của Gorbachev thiếu một tầm nhìn và cách làm bài bản đã đưa Liên Xô và hệ thống Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đến chỗ sụp đổ, còn khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) của Reagan cùng chính sách kinh tế Reaganomics và “làm mới lại nước Mỹ ngay trên đất Mỹ” đã giúp nước Mỹ hùng mạnh trở lại trên mọi phương diện vào đầu những năm 1990.
Quay trở lại nước Mỹ trước khi Trump lên cầm quyền. Từ góc độ của một nhà kinh doanh thành đạt trên đỉnh cao sự nghiệp và góc nhìn mới của một chính trị gia Trump cảm thấy hết sức “thất vọng” vì nước Mỹ đang trở nên già nua, xơ cứng, có quá nhiều “trì trệ”, sức ỳ, quá nhiều rào cản. Bên cạnh đó, quá nhiều thế lực hùng mạnh trong giới chính trị, kinh doanh, truyền thông… sẵn sàng liên kết, ra tay bóp nghẹt các ý tưởng mới để bảo vệ đặc quyền của mình, mà như từ ngữ ta hay dùng là lợi ích nhóm.
Lợi ích nhóm ở nước Mỹ hiện quá hùng mạnh, bám rễ quá sâu nên các nhóm này sẵn sàng liên kết, tiến hành “chiến tranh tổng lực” chống lại Trump và toàn bộ chính quyền của ông ta đến cùng. Ngược lại, để thực hiện cam kết tranh cử đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, Trump, với tác phong và cách làm “phi truyền thống”, cũng lao vào ăn thua đến cùng với nhóm lợi ích.
Đỉnh điểm là ngày 16/8/2018 vừa qua, cùng lúc 350 tờ báo trên khắp nước Mỹ, trong đó có những tờ lâu đời và nổi tiếng như Boston Globe, The New York Times, Washington Post, Philadelphia Inquirer… đồng loạt đăng xã luận, công kích chính quyền Trump, coi cá nhân và Chính quyền Trump là mối đe dọa lớn nhất đối với tự do báo chí – vốn từng được coi là một trụ cột quan trọng trong xã hội Mỹ cùng với tam quyền phân lập.
Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử và xã hội Mỹ từ xưa đến nay. Nói đến đặc quyền của báo chí Mỹ thì phải kể đến câu chuyện cách đây 36 năm, chỉ với tờ Washington Post đi tiên phong, cùng các phóng sự của hai nhà báo điều tra gạo cội là Carl Bernstein và Bob Woodward đã góp phần “hạ bệ” Tổng thống đương nhiệm Richard Nixon trong vụ Watergate. Với sức mạnh của báo chí tới mức có thể “làm nên” hay “làm tiêu tùng” (make or break) sự nghiệp của một Tổng thống như vậy nên các chính trị gia thường chọn cách “dĩ hòa vi quý” thay vì làm “mếch lòng” báo chí.
Tuy nhiên, Trump thì khác hẳn, chọn ngay cách đối đầu với báo chí “không cùng phe” điển hình là CNN, Washington Post, The New York Times. Trump sử dụng con bài nhất quán ngay từ đầu là coi ba tập đoàn truyền thông lớn này cùng các bài báo chỉ trích cá nhân và chính quyền của mình là “báo chí của phe Dân chủ” và chuyên đăng “tin giả” (fake news)! Nói cách khác, Trump đánh trực tiếp vào tính chính danh và sự khách quan của báo chí “không cùng phe”.
Nhìn một cách công bằng, sự ra đời của Internet, và cùng với nó là các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat, YouTube… trong những năm qua đã làm giảm đáng kể quyền lực của các “ông lớn” truyền thông trong khi các ông lớn này vẫn ngủ quên trên đỉnh cao quyền lực thời hoàng kim. Mặt khác, sự phân hóa Xã hội Mỹ về mọi mặt, từ câu chuyện ranh giới giàu nghèo, thu nhập, đẳng cấp, sự hình thành giới chính trị gia “xa lông” ngày càng tách rời tầng lớp “thấp cổ bé họng”… dưới tác động đa chiều của Cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa đã tác động mạnh, làm báo chí mất đi sự trung lập vốn có và khiến báo chí cũng phân làn rõ rệt. Trước đây thì rất khó phát hiện, nhưng nay chỉ cần cầm một tờ báo bất kì, đọc qua vài bản tin hoặc bật xem TV vài phút là có thể nói tương đối chính xác thiên kiến chính trị của tờ báo hoặc một hãng truyền thông nào đó.
Do đó, khá dễ hiểu là 350 tờ báo cùng lúc đả kích Trump nhưng lại ít nhiều đều chia sẻ các quan điểm chính trị như nhau. Và như thường lệ, chỉ vài dòng “Tweets” với 50 triệu người theo dõi mỗi ngày, Trump dễ dàng “vô hiệu hóa” các xã luận trên. Trước đây khi mạng xã hội chưa phát triển, các Tổng thống, chính trị gia thường đứng im chịu trận. Nhưng nay, Trump cũng lên tiếng “đòi” được đối xử công bằng, không bị báo chí tấn công một chiều!
Tuy nhiên, chủ đích cuối cùng của Trump là “vô hiệu hóa” sự chỉ trích của đối thủ, khiến ông ta có vị thế áp đảo trong giới truyền thông, từ đó gây ảnh hưởng, truyền tải các thông điệp chính trị.
Trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, quản trị đất nước…. Trump cũng có những cách làm “lạ đời”, giúp tiết kiệm hàng chục triệu giờ công lao động hoặc hàng tỷ USD tiền đóng thuế của người dân, doanh nghiệp, cụ thể là:
– Trump ngay khi nhậm chức đã yêu cầu Boeing phải xem xét và đàm phán lại Hợp đồng mà Chính quyền Tổng thống Obama đã ký trước đó để mua hai máy bay “Không lực số một” (Air Force One) giao hàng vào năm 2024 vì giá quá cao. Boeing đứng trước tình thế phải đàm phán lại nếu không có nguy cơ bị hủy hợp đồng. Kết quả là cặp máy bay nay chỉ còn giá 3,9 tỷ USD, từ giá “trên trời” là 5,3 tỷ USD, tức giảm khoảng 25% giá ban đầu.
– Tương tự như vậy, Trump và Lầu Năm Góc cũng buộc hãng Lockheed Martin, nhà cung cấp máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm phải đàm phán lại và giảm giá từ 95 triệu USD/1 chiếc F-35 mà Lầu Năm Góc trả năm 2017, xuống còn 89 triệu USD/1 chiếc cho lô hàng giao trong năm 2018 và 80 triệu USD/1 chiếc năm 2020.
Chỉ qua hai vụ đàm phán đình đám, thông điệp của Trump đối với giới doanh nghiệp rất đơn giản: Ngay cả những hàng hóa mang tính biểu tượng của Tổng thống, đến bảo vệ an ninh quốc gia chính quyền cũng sẵn sàng xem xét, thậm chí hủy đơn hàng nếu cần. Dó đó, các hãng lớn nếu muốn làm ăn với chính phủ, muốn có tương lai phải cải tiến, nâng cao chất lượng và giảm giá thành.
– Ngoài việc đơn giản hóa sắc luật thuế liên bang, ngày 30/1/2017 Trump còn ký một sắc lệnh của Tổng thống quy định, từ nay trở đi bất cứ một quy định, hay điều lệ mới nào của liên bang ra đời thì cơ quan đệ trình buộc phải vô hiệu hóa quy định hay điều lệ cũ. Mục đích của việc này là tránh biến các cơ quan công quyền thành bộ máy quan liêu, ra các “quy định trên trời”, tạo thuận lợi tối đa cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân, cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Trên đây chỉ là một ít ví dụ, nhưng nó cho thấy cuộc chiến chống lại thiết chế đã định hình và gắn với nó là lợi ích nhóm với đủ loại biến tướng là hết sức khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, đây lại là cuộc chiến nội bộ nơi các đồng minh lẫn đối thủ đều minh tường các điểm mạnh, yếu của nhau và sẵn sàng ra đòn dứt điểm đối phương bất cứ khi nào có thời cơ.
  1. Cuộc chiến thứ tư: Duy trì địa vị siêu cường số một thế giới của Mỹ
Theo tư duy và cách làm thông thường, một quốc gia duy trì ngôi vị hàng đầu của mình bằng cách thực hiện hai bước song song: Củng cố sức mạnh quốc gia tổng hợp của mình, đồng thời chặn bước tiến và tạo khoảng cách xa nhất có thể với địch thủ bám ngay sát. Và nước Mỹ không phải là ngoại lệ.
Lịch sử của Mỹ từ khi lập quốc ngày 4/7/1776 đến nay là lịch sử bành trướng, và vươn lên không ngừng, từ một liên bang lỏng lẻo gồm 13 bang ban đầu vốn dĩ là thuộc địa của Anh Quốc thành một nhà nước liên bang hợp chúng quốc hùng mạnh nhất thế giới với 50 bang như hiện nay. Lịch sử Mỹ cũng là lịch sử đấu tranh và triệt hạ không khoan nhượng bất kỳ địch thủ thủ nào tìm cách thách thức vị trí số một của Mỹ.
Chỉ sau khoảng 100 năm lập quốc, đến đầu những năm 1870, sau khi kết thúc nội chiến Bắc Nam (1861-1865) Mỹ đã thay Anh trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, rồi trở thành siêu cường số một thế giới khoảng 70 năm sau đó sau khi kết thúc Thế chiến II năm 1945. Trong khi hầu hết các cường quốc khác bị suy yếu và tàn phá nghiêm trọng bởi chiến tranh thì Mỹ ra khỏi Thế chiến II với vị thế đặc biệt của người chiến thắng, với sức mạnh vượt trội so với bất kỳ cường quốc nào khác.
Trong khoảng thời gian 5 năm hậu chiến, GDP của Mỹ luôn chiếm tới 1/2 GDP của cả thế giới, Mỹ cũng là quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí nguyên tử, còn đồng USD thì “hất cẳng” đồng bảng Anh, trở thành đồng tiền thanh toán, lưu trữ chủ chốt của thế giới. Với vị thế áp đảo như vậy, Mỹ dễ dàng “vẽ” trật tự của Phương Tây và phần nào đó là trật tự thế giới hòng thao túng theo ý đồ của mình: Về quân sự, Mỹ lập ra khối quân sự Bắc Đại Tây Dương; về thương mại Mỹ sử dụng ảnh hưởng để lập Hiệp định Thuế quan và Thương mại (GATT), tổ chức tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau này; còn về tài chính, Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lập ra các thiết chế tài chính có ảnh hưởng đến tận bây giờ như: Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)… Mục đích tối thượng là duy trì địa vị cường quốc số một thế giới và thiết lập một trật tự toàn cầu bao trùm hầu khắp các lĩnh vực theo luật chơi do Mỹ đặt ra.
Trong 45 năm sau Thế chiến II, hệ thống quốc tế do Mỹ “cầm trịch” đã vận hành tương đối hiệu quả, giúp Mỹ “đánh bại” – dù hết sức khó khăn – được địch thủ cạnh tranh về quân sự, chiến lược và ý thức hệ là Liên Xô, khiến không chỉ Liên Xô mà cả hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu cùng lúc bị tan rã.
Về mặt kinh tế, với Thỏa ước Plaza (Plaza Accord) ký ngày 22/9/1985 tại New York để giải quyết “chiến tranh tiền tệ” giữa năm cường quốc Phương Tây, mà thực chất là nhằm vào Nhật Bản, buộc nước này phải tăng giá đồng Yên so với đồng USD và các ngoại tệ chủ chốt khác. Thỏa ước Plaza là đòn độc, đòn “tước vũ khí” quyết định khiến Nhật không thể dùng chiến thuật dumping (giảm giá), cạnh tranh không lành mạnh nhờ hỗ trợ của chính phủ để đánh bại các công ty Mỹ. Và cũng từ đây bong bóng bất động sản Nhật bị bể, kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ suốt từ đầu những năm 1990 đến nay và từ đó trở đi Nhật không bao giờ trở thành mối đe dọa về kinh tế với Mỹ nữa.
Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã thì nước Mỹ bước vào tình trạng “phởn chí” khi không còn đối thủ ngang tầm. Học giá Mỹ nổi tiếng Francis Fukayama thậm chí còn xuất bản cuốn sách “Sự cáo chung của Lịch sử” (The End of History and the Last Man), với tuyên bố ngạo mạn về “Chiến thắng của nền dân chủ tự do” đứng đầu là Mỹ trước các “chính thể chuyên quyền”. Tiếp đó là các sai lầm chiến lược nối tiếp sai lầm khi Mỹ sử dụng lực lượng quân sự quy mô lớn tiến hành cùng lúc cuộc chiến chống khủng bố hao người tốn của và không lối thoát sau vụ khủng bố 11/09/2001 – với phí tổn khoảng 4000 tỷ USD và hàng chục ngàn sinh mạng – trên hai mặt trận là Iraq và Afghanistan.
Trong khi đó, trên một mặt trận khác, Trung Quốc thực hiện một chiến lược âm thầm, nhưng hết sức quyết liệt là thực thi cải cách mở cửa về kinh tế, xây dựng nội lực bên trong, cố gắng tránh, tìm cách không gây bất hòa hoặc đối đầu với Mỹ khi không cần thiết. Nhờ chiến lược “Thao quang dưỡng hối”, hiện đại hoá đúng đắn, cách làm bài bản, có sự chỉ huy, thống nhất và tập trung cao độ, lại tận dụng được lợi thế của người đi sau trong việc áp dụng cách mạng khoa học công nghệ nên Trung Quốc đã lớn mạnh vượt bậc chỉ trong thời gian rất ngắn. Trong giai đoạn kéo dài 25 năm từ 1990-2014, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10% năm, vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 2010. Trong giai đoạn 2004-2016 GDP của Trung Quốc tăng trưởng tới 4 lần từ 2.500 lên 10.000 tỷ USD và đuổi sát Mỹ. Đến trước giai đoạn Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền 01/01/2017, nếu như tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì như thời gian trước đó thì theo dự báo của WB và IMF, chỉ đến năm 2025 hoặc cùng lắm là 2030 Trung Quốc sẽ vươn lên thay thế Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Không chỉ phát triển về lượng, mà Trung Quốc còn phát triển về chất, hướng đến các tiêu chí quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia thông minh, xây dựng lối sống, cách hành xử văn minh của người dân theo những tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.
Nhờ sự lớn mạnh về kinh tế, sự phát triển về khoa học kỹ thuật vượt bậc, Trung Quốc cũng mạnh dạn, tự tin và quyết đoán trong chi tiêu quốc phòng, trong hành xử với láng giềng và trong quan hệ quốc tế cho phù hợp với vị thế mới của mình. Đáng chú ý là Trung Quốc thực hiện cùng lúc hai chiến lược lớn, đầy tham vọng là trở thành cường quốc số một thế giới về công nghệ vào năm 2025 và chiến lược Vành đai, Con đường (BRI) nhằm tạo ra một hệ thống riêng, trong đó Trung Quốc có vai trò chi phối. Chiến lược Vành đai, Con đường nếu được thực thi đầy đủ sẽ giúp thúc đẩy 6 kết nối chặt chẽ về đường không, đường biển, đường bộ, đường sắt, kết nối về mạng lưới viễn thông, kết nối về dịch vụ tài chính giữa Trung Quốc và khoảng 80 quốc gia trên thế giới, kéo dài từ Bắc Á qua Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông, châu Phi, một phần Tây và Đông Âu, Nga và Trung Á, những nước chiếm khoảng 1/2 dân số, 1/3 tổng GDP và 1/4 tổng thương mại thế giới. Cùng với BRI, Trung Quốc liên tiếp cho ra đời Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) củng cố và mở rộng vai trò của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi…
Dưới góc nhìn của Trump và Chính quyền mới ở Mỹ, sự vươn lên của Trung Quốc và cách thức Trung Quốc thiết lập một hệ thống riêng không khác gì cách thức Mỹ từng làm trước đây khi Thế chiến II kết thúc để xác lập và củng cố vị trí siêu cường lâu dài sau đó. Và đây là điều không thể chấp nhận được với Trump cũng như bất kỳ chính quyền nào của Mỹ trước đó.
Tuy nhiên, trong khi các vị Tổng thống tiền nhiệm hoặc né tránh, hoặc không có một chiến lược rõ ràng rồi sau đó đối phó với Trung Quốc một cách nửa vời thì chiến lược của Trump lại hết sức rõ ràng với hai bước song song: (i) Đối đầu trực diện, tìm cách làm suy yếu đối phương về mọi mặt; và (ii) “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) thông qua việc kiên trì thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trên hết” (America First).
Thực chất của chiến lược này là tạo khoảng cách “an toàn” giữa Mỹ và đối thủ tiềm tàng đang bám ngay sát nách, khiến đối thủ không đủ sức mạnh và khả năng để tranh chấp hay thách thức vị trí số một của Mỹ một cách hiệu quả.
Làm suy yếu đối thủ tiềm tàng về mọi mặt
Đối với Chính quyền Trump, “mối đe dọa” lớn nhất, trực tiếp nhất và “nguy hiểm” nhất hiện nay đối với vị trí siêu cường và hệ thống quốc tế do Mỹ đóng vai trò chủ đạo không còn là chủ nghĩa khủng bố hay mối đe doạ từ Nga mà là từ Trung Quốc và điều này được nêu rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố đầu năm 2018. Thách thức này lớn hơn hẳn so với tất cả các thách thức mà Mỹ từng phải đương đầu từ sau Thế chiến II đến nay.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa của Liên Xô chủ yếu từ góc độ an ninh và quân sự chứ chưa bao giờ là thách thức kinh tế. Còn Nhật, thì chỉ tạo ra thách thức kinh tế, thương mại đối với Mỹ trong một thời gian ngắn chứ còn xét về các khía cạnh khác như dân số, chiến lược hay ý thức hệ thì Nhật lại không hề có tham vọng thách thức hay soán ngôi Mỹ.
Trái lại, trong các cường quốc lớn trên thế giới hiện nay, chỉ duy nhất Trung Quốc vừa có sức mạnh kinh tế, lẫn sức mạnh quân sự với kho vũ khí hạt nhân hùng hậu, có dân số đông nhất thế giới, có lãnh thổ đủ rộng, có ý thức hệ khác biệt, hơn nữa Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và có lẽ hiện là cường quốc duy nhất, ngoài Mỹ, có tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới.
Trong 500 năm qua, lịch sử thể giới đã chứng kiến 16 cuộc đối đầu giữa một cường quốc đã được thiết lập và một cường quốc đang trỗi dậy và tìm cách soán ngôi, trong đó 12 cuộc đối đầu kết thúc bằng chiến tranh. Thực ra, ngay từ cách đây ba năm, tác giả của bài viết này cũng đã từng đưa ra cảnh báo về “bẫy Thucydides” và cuộc xung đột “định mệnh”, “không lối thoát” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đặt cạnh tranh Trung – Mỹ trong bối cảnh đó thì xung đột thương mại chỉ là “câu chuyện nhỏ”, còn câu chuyện lớn hơn là sự cạnh tranh chiến lược, đối đầu trực diện về mọi mặt, trong đó Mỹ là bên đóng vai trò chủ động.
Vậy tại sao Trump lại chọn cuộc chiến thương mại (trade war) và tại sao lại vào lúc này? Trước hết đây là thời điểm kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất trong hai thập niên qua, tính từ các góc độ: niềm tin của người tiêu dùng, giới doanh nghiệp; sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán cao nhất mọi thời đại; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục (3,7%)… Điều này có được một mặt là do cố gắng của chính quyền Trump, nhưng cũng có yếu tố may mắn khác là kinh tế Mỹ đang ở đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng. Trong khi đó , kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh, phát triển chậm lại sau giai đoạn phát triển quá nóng theo chiều rộng. Điều này có nghĩa Trump đang ở thế thượng phong để tung các “đòn độc” mà không sợ bị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ.
Còn chọn lĩnh vực thương mại thì theo tính toán của chính quyền Trump, đây là lĩnh vực Trung Quốc dễ tổn thương nhất do cán cân thương mại hai bên quá chênh lệch: Năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 130 tỷ USD, còn nhập khẩu khoảng 506 tỷ USD, tức thâm hụt thương mại tới 376 tỷ USD. Trump cho rằng: (i) Là nước chịu thâm hụt thương mại lớn, Mỹ trong vai người mua mới ở vị trí thượng phong; (ii) Những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế bằng hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác; (iii) Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Trung Quốc, và thương mại đóng góp tới 1/3 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, đích cuối cùng của Trump là đánh vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá của Trung Quốc, chặn việc tiếp cận công nghệ cao để đi tắt đón đầu, và buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường, thay đổi cơ cấu kinh tế theo ý đồ của Mỹ. Nếu chấp nhận, nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ bị kéo lùi, rơi vào tình trạnh, suy thoái, trì trệ như của Nhật Bản 30 năm trước. Đây là lý do mà Trung Quốc không thể chấp nhận và các cuộc đàm phán Mỹ-Trung về giải tỏa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cho đến nay không đạt kết quả.
Có thể dễ dàng nhận thấy, nếu kinh tế Trung Quốc bị kéo lùi lại do hệ quả của chiến tranh thương mại thì có thể dẫn đến những hệ quả ghê gớm: thất nghiệp tăng, nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao, thị trường chứng khoán giảm tốc, đồng tiền mất giá, dự trữ ngoại hối sụt giảm, nguồn tiền đố vào chi tiêu quốc phòng cũng như đầu tư cho chiến lược “vành đai, con đường” sẽ không còn được dồi dào như trước.
Điều đáng chú ý là ngược lại với dự báo của hầu hết các nhà kinh tế, Trump càng siết chặt thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ thì kinh tế Mỹ lại càng nhận được tín hiệu tốt chứ không phải theo chiều ngược lại.
Một tín hiệu nữa không tốt cho Trung Quốc là Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross vừa “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” (poison pill) để “trị” Trung Quốc, đó là “cấy” vào Hiệp định thương mại USMCA vừa ký giữa Mỹ, Mexico và Canada (thay cho Hiệp định NAFTA) một điều khoản cho phép hai nước còn lại có thể huỷ hiệp định 3 bên và ký hiệp định thương mại tự do song phương nếu một trong ba thành viên USMCA ký hiệp định thương mại tự do với nước có nền kinh tế “phi thị trường”, hàm ý chỉ Trung Quốc. Bộ trưởng Ross còn tiết lộ, Mỹ sẽ đưa điều khoản này vào các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán với Nhật Bản và EU, nhằm mục đích gây sức ép tối đa lên Trung Quốc.
“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”
Về cách tiếp cận, chính sách kinh tế của Trump sau khi nhậm chức không khác mấy so với người tiền nhiệm Ronald Reagan cách gần 40 năm trước với chính sách kinh tế Reaganomics, đó là: Ở trong nước, Reagan cắt giảm chi tiêu của chính phủ nhằm giảm thâm hụt ngân sách, trong khi giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 48% xuống còn 34% nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất. Còn người dân, thuộc tất cả các giới được miễn giảm mạnh thuế cá nhân, trong đó giới giàu có, trung lưu, được hưởng lợi nhất, nhằm khuyến khích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra Reagan còn tìm cách tăng lãi suất đồng USD trong nước rất cao, có lúc lên tới 21,5% nhằm thu hút tiền từ trong nước Mỹ và từ khắp thế giới với hai mục tiêu: (i) Tái cấu trúc và hiện đại nước Mỹ; (ii) Đổ tiền vào cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô.
Trong thời kỳ Reagan, ngoài chuyện củng cố sức mạnh kinh tế, Mỹ còn “đánh gục” Liên Xô bằng các đòn “hội đồng” như cùng OPEC phối hợp hạ giá dầu để triệt hạ nền kinh tế Liên Xô vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu, đồng thời buộc Liên Xô phải tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và cả khối NATO, cũng như gài bẫy để Liên Xô dính vào “cú lừa thế kỷ” về sáng kiến “Chiến tranh các vì sao” của Mỹ. Điều này đã buộc Gorbachev phải đi vào hòa dịu, giải trừ quân bị với Mỹ, rồi tiến tới “tự giải thể” khối quân sự Warsaw Pact, khối kinh tế Comecon giữa Liên Xô và các nước Đông Âu, cũng như Liên Bang Xô viết trong giai đoạn cuối những năm 1980, đầu những năm 1990.
Về cơ bản, Trump cũng có cách tiếp cận về kinh tế và quân sự tương tự Reagan, nhưng có một số điều chỉnh do bối cảnh quốc tế hiện nay, cũng như tương quan, so sánh sức mạnh tổng thế giữa Mỹ với các đồng minh, địch thủ cũng có những thay đổi căn bản.
Về kinh tế, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” (America First) và cách làm quyết liệt đi đôi giữa nói và làm, Trump đang tìm cách lấy lại sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ thông qua một loạt biện pháp chính như: (i) Giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%; (ii) Giảm đồng loạt thuế thu nhập cá nhân, với tổng số thuế cắt giảm lên tới 1.500 tỷ USD trong thời gian tám năm từ 2018-2025: (iii) gỡ bỏ đáng kể các luật lệ, rào cản đối với doanh nghiệp; (iv) rút khỏi hoặc bỏ qua các hiệp định thương mại đa phương, đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại song phương, nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng”, đảm bảo quyền tiếp cận thị trường nước ngoài tốt hơn cho hàng hóa Mỹ; (v) Gây sức ép bằng hình thức thuế quan để ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ hoặc mở nhà máy trên đất Mỹ.
Với hàng loạt biện pháp mang tính quyết liệt, và phần nào đó khá cực đoan, Trump đã ghi được bảng thành tích kinh tế khá tốt dẫu mới cầm quyền chưa được hai năm. Cụ thể là:
– Tỷ lệ thất nghiệp tính đến đầu tháng 10/2018 giảm xuống còn 3,7%, mức thấp nhất trong 50 năm qua.
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017, năm đầu tiên Trump nắm quyền, là 2,3%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ 1,5% năm 2016 trước đó. Con Quý II, tốc độ tăng trưởng đạt 4,2%, mức cao nhất kể từ năm 2014.
– Lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện ở mức cao nhất tính từ thời điểm năm 2000.
– Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ hiện vào khoảng 26.500 điểm, tức cao khoảng 33% so với đỉnh cao 20.000 điểm dưới thời Obama.
Thành tích kinh tế này trái ngược với đà đi xuống của kinh tế Trung Quốc, cũng như thực trạng tương đối ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế lớn khác.
Trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, Trump không chỉ mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng với ngân sách quốc phòng năm 2018 và 2019 lần lượt là 640 tỷ và 716 tỷ USD, tức gấp khoảng 5 lần so với ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc. Không chỉ một mình tăng ngân sách quốc phòng, Trump còn bằng mọi cách gây sức ép buộc các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật, và các nước đồng minh trong NATO tăng ngân sách quốc phòng để tạo sức mạnh cộng hưởng và đã thành công ở mức độ nhất định khi một số nước châu Âu thành viên NATO đẩy nhanh mức chi ngân sách quốc phòng từ mức trên dưới 1% hiện nay lên mức 2% tổng GDP trước năm 2024. Cách lập luận của Trump rất đơn giản, nhưng hiệu quả: Nếu muốn dựa vào ô an ninh của Mỹ thì trước hết các đồng minh phải thực sự quan tâm đến củng cố quốc phòng của mình thông qua việc tăng ngân sách cho lĩnh vực này. Nếu như đến an ninh của mình mà họ cũng không quan tâm thì cũng chẳng có lý do để Mỹ phải bận tâm.
Đáng chú ý là cách tiếp cận và tìm cách xích lại gần Nga của chính quyền Trump. Trong nội bộ Mỹ, không khí và quan hệ thù địch với Nga hiện khá cao do những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử 2016 để Trump lên nắm quyền vẫn chưa được giải tỏa. Tuy nhiên, Trump vẫn nhắm đến Nga với nhiều mục tiêu khác nhau:
Thứ nhất, Trump cho rằng Nga tuy bị suy yếu nhiều, nhưng xét từ góc độ quân sự, Nga vẫn là cường quốc quân sự duy nhất có thể đưa nước Mỹ “trở về thời kỳ đồ đá” nếu xảy ra xung đột quân sự. Do đó, để quan hệ Mỹ-Nga ở tình trạng đối đầu lâu dài sẽ không có lợi.
Thứ hai, việc xích lại gần Nga sẽ làm cho các nước châu Âu thành viên NATO lo ngại và do vậy không cần gây thêm sức ép cũng buộc họ tự tăng ngân sách quốc phòng.
Thứ ba, việc đi với Nga còn là cách để Mỹ tạo sức ép tối đa lên Trung Quốc – quốc gia được xem như địch thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ vào lúc này. Nhìn cách Trump đi với Nga để tạo sức ép lên Trung Quốc lúc này thấy không khác mấy so với cách mà Mỹ dưới thời Nixon và Kisinger tìm cách khai thông quan hệ với Trung Quốc trong những năm 1970 để cô lập và tạo sức ép tối đa lên Liên Xô, để rồi nước này đi vào con đường thỏa hiệp với Mỹ và tự tan rã vào năm 1991.
Hiện còn quá sớm để đánh giá hết những tác động từ các bước đi của Trump trong việc củng cố sức mạnh Mỹ. Ngay cả thời Reagan, dù ra khỏi Chiến tranh Lạnh với tư cách người chiến thắng, nhưng nước Mỹ cũng “thương tích đầy mình”, chẳng hạn như nợ công cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm… Còn Trung Quốc là cường quốc thứ hai, có nhiều sức mạnh vượt trội chứ không phải là cường quốc chỉ dựa vào sức mạnh quân sự và lệ thuộc và dầu khí như Liên Xô trước kia. Tuy nhiên, các tác động của cuộc chiến thương mại này với cả hai, đặc biệt là với Trung Quốc, với nền kinh tế thế giới và các cấu trúc khu vực và toàn cầu thì ngày càng rõ nét.
  1. Cuộc chiến thứ năm: Xây dựng một trật tự quốc tế mới
Hoàn toàn không quá lời khi nói rằng trật tự thế giới hình thành từ thời hậu Thế chiến II đến nay với các thiết chế trụ cột như Liên Hợp Quốc, NATO, WTO, IMF, WB, cùng nhiều thoả thuận quốc tế khác… là trật tự trong đó Mỹ đóng vai trò “Kiến trúc sư trưởng”, là “người khởi xướng”, và cũng là người được hưởng lợi chính từ trật tự này. Chắc chắn Mỹ sẽ không có bất cứ vấn đề gì với hệ thống và các thiết chế này chừng nào mà vai trò và địa vị số 1 thế giới của Mỹ vẫn được duy trì và đảm bảo.
Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000 khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ đe dọa vị thế siêu cường số 1 thế giới của Mỹ và đồng thời sức mạnh của Mỹ suy giảm tương đối so với Trung Quốc và các cường quốc khác thì Trump và ê-kíp của mình, ngay từ khi bắt đầu tham gia tranh cử Tổng thống, lại đổ lỗi cho chính hệ thống quốc tế mà Mỹ đã góp tay xây dựng nên là “tội đồ” của những yếu kém của nước Mỹ. Họ cho rằng đã đến lúc cần phải đặt lại vấn đề, xem xét lại một cách căn bản toàn bộ hệ thống quốc tế và các thiết chế cũ xem các thiết chế này có còn phù hợp với lợi ích của Mỹ nữa hay không, tức còn có giá trị trong việc giúp Mỹ duy trì ngôi vị bá chủ thế giới của mình. Theo quan điểm của chính quyền Trump, các thiết chế do chính Mỹ lập ra trước kia chỉ phù hợp với bối cảnh cũ, nhưng nay các thiết chế này đã đóng xong vai trò lịch sử, không còn phù hợp, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của Mỹ thì Mỹ cần đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên (America First) và mạnh tay “vứt bỏ” các cam kết không cần thiết.
Ngay từ năm 1987 học giả Mỹ Paul Kennedy đã viết cuốn sách “Sự thăng trầm của các cường quốc” (The Rise and Fall of the Great Powers) trong đó cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các cường quốc suy vong là do đế quốc trải rộng và các cường quốc này thực thi các cam kết quốc tế vượt quá khả năng của mình. Tác giả cũng đưa ra lời cảnh báo để Mỹ không đi vào con đường tương tự. Cảnh báo này cũng trùng hợp với tư duy của Trump khi cho rằng các nước khác được hưởng lợi bởi hệ thống quốc tế hiện nay phải có nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn và không có lý gì để Mỹ phải sử dụng tiền đóng thuế của người dân bảo vệ cho những quốc gia có mức thu nhập đầu người thậm chí còn cao hơn của nước Mỹ.
Như vậy, có thể thấy Trump thực hiện một chính sách tương đối nhất quán cả về đối nội, lẫn đối ngoại: Đó là tìm cách làm nước Mỹ mạnh lên từ bên trong và đặt lợi ích quốc gia lên trên các cam kết quốc tế. Đáng chú ý là trong quá trình xem xét lại các cam kết quốc tế của Mỹ, Trump nhận thấy nước Mỹ có quá nhiều cam kết quốc tế “vô bổ”, gây tốn kém không ít cho ngân sách liên bang.
Việc tấn công tổng lực vào một loạt các thiết chế quốc tế lớn như Liên hợp quốc, UNESCO; vào các hiệp ước, các thiết chế lâu đời với đồng minh, láng giềng như NATO, nhóm G-7, NAFTA; vào các thỏa thuận với đối tác, bạn bè như TPP (chuẩn bị bước vào giai đoạn ký kết)… ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng đã biến Trump thành nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc gia nhiệt thành, “kẻ” chủ trương ủng hộ nghĩa biệt lập, và là một trong những nhà lãnh đạo Mỹ “đáng ghét” nhất trên thế giới. Tháng 1/2018, Viện thăm dò dư luận Gallup tiến hành khảo sát ý kiến của người dân 134 nước trên thế giới và kết quả là tỷ lệ trung bình ủng hộ lãnh đạo Mỹ giảm mạnh từ 48% năm 2016 xuống còn 30% vào 1/2018.
Tuy nhiên, Trump dường như có một mục tiêu và lộ trình được lập trình từ trước nên tỏ ra không mấy bận tâm vào việc lãnh đạo hay người dân các nước nghĩ về mình hay nước Mỹ, miễn là việc mình làm phục vụ lợi ích của nước Mỹ, đặt nước Mỹ lên trên hết (America First). Dù chưa định hình rõ nét, nhưng có thể thấy sơ bộ một số bước đi chính của Trump trong việc “xoá bàn cờ làm lại”, đặt ra luật chơi mới với 5 bước đi sau:
Một là, rút nước Mỹ ra khỏi các thiết chế/cam kết quốc tế không phù hợp với lợi ích của nước Mỹ
Rõ nhất trong hai năm đầu tiên cầm quyền là Trump rút khỏi các thoả thuận “đình đám” như Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP đã được hoàn tất vào phút chót chỉ chờ được phê chuẩn; cắt đóng góp của Mỹ và rút khỏi Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp Quốc UNESCO; Hiệp định chống biến đổi khí hậu; rút khỏi Thoả thuận hạt nhân P5+1 ký năm 2015 với Iran; Hội đồng nhân quyền… Chính từ các hành động này nên Trump bị xem là người theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, làm cho Mỹ bị cô lập trên quốc tế, trái với cách tiếp cận đa phương, can dự tích cực của người tiền nhiệm.
Trong quyết định rút khỏi TPP, chính quyền Trump cho rằng ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và Mỹ sẽ bị mất nhiều việc làm phổ thông do doanh nghiệp sẽ tìm cách chuyển sản xuất sang những nước thành viên có lương thấp trong TPP. Còn với Hiệp định chống biến đổi khí hậu, Trump ngay từ đầu đã cho rằng các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu là lòe bịp (a hoax) và không đáng tin cậy, và việc thực hiện các cam của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp, vừa làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ. Với Iran, Mỹ cho rằng thỏa thuận P5+1 chỉ giúp làm chậm lại chứ không thể giúp cản bước Iran nghiên cứu, sản xuất vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý, việc áp đặt cấm vận xuất khẩu dầu của Iran còn nhằm vào Trung Quốc nước đầu tư tới 106 tỷ USD vào ngành dầu khí Iran, cũng như giúp ngành xuất khẩu dầu và khí hoá lỏng của Mỹ “cất cánh” sau khi Mỹ có đột biến về tăng sản lượng dầu đá phiến và hoàn tất việc lắp đặt đường ống dẫn dầu Keystone nối từ Alberta (Canada) tới tận Cảng Arthur (Texas) miền Nam nước Mỹ.
Hai là, gây sức ép, đàm phán lại các hiệp định/thoả thuận/định chế cũ
Đáng chú ý nhất là thành công của Trump trong việc đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA với tên gọi mới là Hiệp định USMCA giữa Mỹ, Mexico và Canada ký ngày 30/9/2018 vừa qua. Các cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định mới USMCA này cho thấy Trump quả là một cao thủ về đàm phán quốc tế. Trước hết Trump không tìm cách đàm phán ba bên đồng thời, mà tiến hành hai cuộc đàm phán riêng rẽ với Mexico và Canada, trong đó nhằm vào Mexico là mắt xích yếu nhất. Đồng thời trong suốt quá trình đàm phán Mỹ không ngừng gây sức ép, công kích công khai lãnh đạo Canada. Việc đạt được thỏa thuận trước với Mexico đã gây sức ép rất lớn và đặt Canada vào thế phải kết thúc đàm phán với điều kiện của Trump nếu không sẽ bị gạt ra rìa.
Với lợi thế có được trong tay USMCA, các bước tiếp theo của Mỹ có thể nhìn thấy trước là Mỹ sẽ tiến hành hai cuộc đám phán song phương đồng thời với Nhật và EU, trong đó Mỹ sẽ tìm cách cài tiếp “viên thuốc độc”, tức tìm cách ngăn không để cho hai nền kinh tế lớn này ký thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Sau khi có được thoả thuận thương mại với Nhật Bản và EU, bước tiếp theo là Mỹ, lúc này đã ở thế thượng phong, gây tiếp sức ép lên Trung Quốc, buộc nước này phải mở cửa và cải cách theo các điều kiện do Mỹ đặt ra. Đối với WTO, nếu không đáp ứng các điều kiện do Mỹ đặt ra, thậm chí không loại trừ khả năng Mỹ sẽ vận động Nhật, EU và các nước khác lập ra chế định mới thay thế cho tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này.
Trong các vấn đề quân sự hay quan hệ với đồng minh trong NATO, G-7 Trump cũng tỏ ra “thờ ơ” bề ngoài, nói lấp lửng hay nước đôi vê các cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ. Mục đích của Trump là gây sức ép buộc đồng minh tăng ngân sách quốc phòng, chia sẻ nhiều hơn gánh nặng và trách nhiệm an ninh quốc tế với Mỹ, song song với việc ép các đồng” tự nguyện” mở cửa thị trường, thực thi các biện pháp nhằm giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại.
Ba là, cắt giảm cam kết tài chính, gây sức ép cải tổ các định chế quan trọng
Một trong những tổ chức quốc tế lớn nhưng nhận nhiều chỉ trích nhất của chính quyền Trump về sự quan liêu, quản lý yếu kém… là Liên Hợp Quốc (LHQ). Mỹ sở dĩ có tiếng nói quan trọng ở LHQ vì Mỹ là quốc gia đóng góp ngân sách lớn nhất, lên tới 22% tổng ngân sách hàng năm cho tổ chức này (5,6 tỷ USD năm 2017) và là thành viên của Hội đồng Bảo an.
Sự bất bình của Mỹ cũng có lý do riêng. Tuy đóng góp nhiều cho ngân sách của LHQ song ảnh hưởng của Mỹ tại đây lại không như Mỹ mong muốn, đặc biệt trong các cuộc bỏ phiếu liên quan đến tranh chấp Israel-Palestine. Ngoài ra, Mỹ thấy nhiều nước không có sự đóng góp tương xứng vào ngân sách LHQ so với tỷ lệ GDP của họ trong tổng GDP toàn cầu. Song song với sức ép về chính sách kêu gọi LHQ cải tổ trong 3 lĩnh vực là Quản lý, An ninh và Phát triển Mỹ cũng đồng thời tuyên bố cắt giảm đóng góp lên tới 5% tổng ngân sách của LHQ (285 triệu USD), chủ yếu dành cho lĩnh vực gìn giữ hòa bình bắt đầu từ năm 2018.
Bốn là, tấn công trực diện các thiết chế mới ra đời của đối phương
Đối với Mỹ hiện nay, Chiến lược Vành đai, Con đường (BRI) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc là những thiết chế tạo ra các thách thức đối với Mỹ về nhiều mặt. Với BRI, Mỹ lo ngại sự hình thành của một thiết chế mới, một vành đai phát triển quốc tế mới không theo các chuẩn mực do Mỹ đặt ra, giảm lệ thuộc vào Mỹ và phương Tây, trong khi lại lệ thuộc vào Trung Quốc về đầu tư, công nghệ…
Với AIIB, Mỹ lo ngại nhất về (i) sự thiếu khách quan trong các quyết định cho vay, cho rằng AIIB sẽ thiên vị, chỉ cung cấp tín dụng cho những nước có quan hệ tốt với Bắc Kinh; (ii) Khả năng quản trị rủi ro không tốt, vượt quá khả năng trả nợ của những nước đi vay có thể khiến họ hoặc rơi vào tình trạng phá sản hoặc bị lệ thuộc về tài chính vào Trung Quốc; (iii) Có thể giúp nước đi vay đầu tư tăng trưởng tốt trong ngắn hạn, nhưng lại thiếu cơ sở cho phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn.
Năm là, lập ra các thiết chế, các định chế mới
Các đề nghị lập thiết chế mới hiện nay chưa nhiều, mới thấy rõ nhất là sáng kiến về “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay thế cho Chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở Đông Nam Á. Có thể do chính quyền Trump còn đang bận tâm vào các vấn đề nội bộ, hoặc Mỹ cho rằng có thể tận dụng một số cơ chế cũ nhưng có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới cũng như lợi ích của Mỹ.
Dù mới chỉ ở dạng ý tưởng và còn thiếu nhiều chi tiết, nhưng “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ hiện vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, đặc biệt từ Nga và Trung Quốc, những nước cho rằng trong khu vực hiện đang có nhiều cơ chế hữu dụng như EAS, ARF, ADMM+… để xử lý các vấn đề khu vực và không nhất thiết phải lập ra các cơ chế mới. Điều này cho thấy cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên phạm vi khu vực và toàn cầu đang ngày một rõ nét và có thể đưa quan hệ quốc tế đến chỗ chia rẽ, phân cực như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước kia.
Nhìn tổng thể, cuộc chiến của Trump để xây dựng một trật tự quốc tế mới lần này chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với công việc Mỹ đã làm cách đây trên 70 năm. Khi đó Mỹ ở thế thượng phong với sức mạnh tổng hợp vượt trội so với cả đồng minh lẫn đối thủ. Còn hiện tại thì thế và lực của Mỹ, tuy mạnh nhưng không còn ở thế áp đảo, khuynh loát các quốc gia khác. Ngoài ra, các đối thủ của Mỹ cũng sẽ không ngồi yên khoanh tay chịu trận.
Và cũng không khó để nhận ra nhiều nước bắt đầu toan tính, tìm bước đi, lối thoát cho mình nhằm tránh rơi vào thế kẹt trong bối cảnh cuộc đối đầu, cạnh tranh địa-chiến lược Mỹ-Trung và “bóng ma” cuộc Chiến tranh Lạnh mới 2.0 với các vòng xoáy bất ổn, chia rẽ và phân cực đang ngày một hiện rõ./.
TS Hoàng Anh Tuấn là cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2018/10/14/donald-trump-5-cuoc-chien-dinh-vi-my-the-gioi/

 
Quân sư cho TT Trump chống TC là ai?
Tác giả: Lê Thành Nhân Nguồn: Báo Mai Ngày đăng: 2019-02-26
M ỗi một tổng thống Hoa Kỳ khi muốn xoay chuyển tình hình thế giới thì có một quân sư đứng sau lưng, muốn nhìn hướng đi của Mỹ thì hãy nghiên cứu quân sư đó là ai? thuộc trường phái nào? Lý tưởng và lập trường ra sao? Con người có bản chất và hành động cương quyết không? v.v..
Như trong cuộc chiến Việt Nam, những chính khách nắm vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa phải nghiên cứu, tìm hiểu và chú ý đường đi nước bước về nhân vật Henry Kissinger, bởi vì ông ta là “kiến trúc sư” về việc giải quyết chiến tranh Việt Nam, từ đó chúng ta dự đoán ra hướng đi của cuộc chiến mà xoay xở trước khi quá muộn… Điều này nói ra đây là chuyện đã rồi, nhưng là một bài học rút kinh nghiệm. Nay, ông Trump đánh kinh tế Tàu Cộng, chắc chắn sau lưng ông phải có một quân sư, người đó là Luật Sư (LS) Robert Lighthizer trong chức vụ Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ… Nếu không hiểu được Lighthizer chẳng khác gì dự đoán cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Tàu như “người mù rờ đuôi voi”.
https://ci4.googleusercontent.com/…/ajJDqw-ugEw7Z5tuewcluPX…
Robert Lighthizer sinh ngày 11 tháng 10 năm 1947, năm nay 71 tuổi. Năm 1973, tốt nghiệp ngành Luật tại Georgetown University, sau đó làm việc cho công ty Covington & Burling LLC tại Washington DC. Năm 1978, LS Lighthizer rời công ty trở thành giám đốc của Ủy Ban Thượng Viện Hoa Kỳ về Tài Chánh làm việc dưới quyền Thượng Nghị Sĩ Bob Dole. Vào năm 1983, Robert Lighthizer được Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn nhận là Phó Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ cho Tổng Thống Ronald Reagan. Năm 1985, Robert Lighthizer gia nhập văn phòng công ty Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP của Washington với tư cách lãnh đạo nhóm Thương Mại Quốc Tế của Công Ty. Ngày 3/1/2017, Tổng thống Donald Trump đề cử LS Lighthizer vào nhiệm vụ Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ và đã được Thượng Viện Mỹ chấp thuận đại đa số 82/100 vào ngày 11/5/2017.
Những thành tích của LS Robert Lighthizer đem về cho nước Mỹ
1_ Đàm phán thương mại giữa ba nước bắc Mỹ Canada-Mỹ-Mexcico: Robert Lighthizer là “kiến trúc sư” của Hiệp Định Luật Thương Mại USMCA (United State-Mexcico-Canada Agreement) giữa ba nước Mỹ-Canada-Mexcico thay thế đạo luật NAFTA (North America free Trade Agreement) đã lỗi thời sau gần phần tư thế kỷ (1994-2018). Ở đó có nhiều lỗ hổng cho kinh tế “gian tà” của Tàu Cộng lợi dụng “tariff free” của NAFTA để bán hàng không thuế vào thị trường Mỹ qua Mexico và Canada.
Chỉ 7 ngày sau được Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn vào chức vụ Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, ngày 18/5/2017 ông Lighthizer báo cho Quốc Hội biết rằng Tổng Thống Trump có ý định tái đàm phán về NAFTA mà ông là người đại diện cho Hoa Kỳ trong cuộc đàm phán này. Sau 18 tháng đàm phán, đến cuối tháng tháng 10 năm 2018, Hiệp Định NAFTA được thay bằng USMCA, đây là chiến thắng thương mại của Lighthizer đối với Tàu Cộng chứ không phải với Canada và Mexcico.
https://ci4.googleusercontent.com/…/y143d99GywUYn9Ri_fBomcr…
Vì sao? Bởi vì NAFTA là một Hiệp Định Thương Mại Tự Do Thuế Quan giữa 3 nước Mỹ-Canada-Mexcico trong khối Bắc Mỹ mỗi năm giao dịch lên đến 12 ngàn tỉ USD. Tàu Cộng lấy cơ hội đó mở những công ty ở Mexcico và Canada sản xuất hàng trăm mặt hàng bán qua Mỹ không đóng thuế dựa trên hiệp ước NAFTA. Nay USMCA không cho phép trường hợp “lạm dụng” đó xẩy ra nữa mà bắt buộc: Hàng hóa phải từ các quốc gia thành viên USMCA làm ra, nghĩa là những bộ phận phụ tùng xe hơi, động cơ điện v.v.. phải là Made in Canada, USA hay Mexcico chứ không phải từ nước ngoài (nói cách khác không là Made In China) mới được ưu đãi thuế quan qua biên giới. Ba nước thành viên muốn làm ăn với quốc gia chưa phải “kinh tế thị trường” (nói cách khác là China, Việt Nam….) phải báo cho các thành viên của USMCA 3 tháng để duyệt xét.
Canada phải mua thực phẩm nông sản và thịt nông trại của Mỹ (trước đây Canada né không mua). Đàm phán USMCA kết thúc vào đầu tháng 11 và chính thức ký kết giữa ba nước vào ngày 1/12/2018 ở Hội Nghị Thượng Đỉnh G20, Argentina. TT Trump hứa nhanh chóng thực hiện USMCA. Đó là lưỡi kiếm cắt đứt vòi bạch tuộc của Tàu Cộng thò vào Bắc Mỹ hút đô-la từ mấy chục năm nay! Khi USMCA thực hành, đời sống của người dân ba nước này sẽ có lợi tức cao hơn và khá hơn (lương tối thiểu cho công nhân những nhà máy có liên hệ giao thương là $16/giờ).
Robert Lighthizer họp báo tại Tòa Bạch Ốc sau khi thành công đàm phán thương mại với Canada và Mexcico về Hiệp Định Thương Mại USMCA thay cho NAFTA
2_ Đàm phán thương mại giữa Mỹ – Liên Xô: Khi nhận nhiệm vụ Phó Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan năm 1983, Robert Lighthizer từng tiến hành các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Liên Xô về việc chấm dứt lệnh cấm vận bán ngũ cốc của Mỹ sang Liên Xô.
Lighthizer gặp Tổng thống Ronald Reagan năm 1983
Trong thời gian đàm phán lúc đó, hàng tin Bloomberg tiết lộ một câu chuyện khôi hài nhưng khá thú vị, Lighthizer được các đối thủ phía Liên Xô tặng một hộp thuốc lá Cigar Cuba, ông đã hút nó liên tục trong căn phòng không cửa sổ trong suốt thời gian đàm phán “để các nhà đàm phán thương mại của Liên Xô mất cảnh giác” và hộp Cigar trống rỗng khi thời gian đàm phán căng thẳng. Kết thúc ông ném hộp Cigar rỗng xuống đất với thắng lợi thuộc về Mỹ.
3_ Đàm phán hạn chế xuất khẩu tự nguyện: Một trong những điểm nổi bật trong sự nghiệp làm cố vấn thương mại của Lighthizer là ông đã tham gia thảo luận rất nhiều thỏa thuận thương mại về “Hạn chế xuất khẩu tự nguyện”. Lợi dụng sự đe dọa áp thuế trừng phạt, Mỹ đã thuyết phục các quốc gia khác “tình nguyện” hạn chế xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm có nguy cơ đe dọa đến các ngành công nghiệp nước Mỹ vì sự cạnh tranh.
4_ Đàm phán thương mại với Nhật: Dưới thời của cựu Tổng thống Reagan, Đại diện Lighthizer giúp chính phủ Hoa Kỳ đạt được những thỏa thuận thương lượng với hơn chục quốc gia về ngành thép, trong đó lớn nhất là Nhật. Tiến trình đó đã cho Lighthizer một kinh nghiệm quý báu rằng nước Mỹ có thể thành công trên thương trường quốc tế với quan điểm “diều hâu” cứng rắn.
Lập trường kinh tế:
https://ci3.googleusercontent.com/…/OMzxp6M_Y0gHZLXD-4useW_…
Với những thành tích đem về cho nước Mỹ nổi trội, nghệ thuật đàm phán thương mại lão luyện, hiện đang có quyền hạn bậc nhất trong những vấn đề thương thuyết thương trường trên thế giới, nhưng Robert Lighthizer là một người thầm lặng trong Tòa Bạch Ốc. Đã từ mấy chục năm qua, ông Lighthizer rất bất mãn về việc Mỹ bị thua lỗ trên cán cân thương mại thế giới đặc biệt là với Tàu Cộng, điều này chẳng khác gì nước Mỹ bị chảy máu từ từ đến lúc như một con voi bị khô máu. Ông Lighthizer có cùng quan điểm về thương mại tự do giống TT Trump, nên hai người rất tâm đắc xem nhau như “đồng chí”, và ông luôn là một trong những trợ thủ đắc lực của TT Trump mỗi khi vấn đề kinh tế được đem ra bàn thảo tại Tòa Bạch Ốc.
Cả hai, Lighthizer và Trump đều cho rằng kinh tế Tàu Cộng là mối đe dọa nguy hiểm với nền kinh tế Hoa Kỳ. Họ tin tưởng rằng Mỹ là nạn nhân của các thỏa thuận thương mại tự do không công bằng và Mỹ nên cân nhắc áp dụng các biện pháp mạnh hơn như “áp thuế” lên mặt hàng nhập khẩu để bảo vệ các ngành kỹ nghệ, giới sản xuất và quyền lợi cho công nhân Hoa Kỳ.
Chủ thuyết của Robert Lighthizer (Lighthizerism)
Về cá tính, dù âm thầm nhưng dứt khoát, không ỡm ờ như các nhà thương thuyết khác, Robert Lighthizer thể hiện sự hiên ngang cứng cỏi như bức tranh lớn của mình bằng người thật treo sừng sững trong nhà. Ông chưa bao giờ tỏ ra thiếu tự tin vì ông biết rõ ông sẽ làm gì và làm như thế nào để đạt mục đích ông đã đề ra.
LS Lighthizer thường quyết định dứt khoát về vấn đề giao thương giữa Mỹ và các nước trên thế giới như một học thuyết mà Giáo Sư môn lịch sử Quinn Slobodian ở trường đại học Wellesley, thành phố Boston, Massachusetts, cho là một học thuyết mới nổi lên “Lighthizerism” (chủ nghĩa Lighthizer), đó là một “triết lý kinh tế dẫn dắt chính quyền Tổng Thống Trump” và dự đoán chủ nghĩa này sẽ còn kéo dài đối với nền kinh tế nước Mỹ.
Chủ nghĩa kinh tế của Robert Lighthizer là gì?
https://ci5.googleusercontent.com/…/FMaFKPk7ZfkvBKK_S8eEkeo…
“Muốn có được vị thế thì Mỹ cạnh tranh kinh tế với các quốc gia khác phải đặt trên cơ sở tự do thương mại, hai bên bình đẳng, không có rào cản, hãy để cho các nguyên lý kinh tế quyết định mọi thứ”. Đây chính là những điểm bao hàm trong nội dung bài diễn văn mà TT Trump đọc tại Diển Đàn APEC tại Đà nẵng tháng 11 năm 2017.
Mặc dù vậy, “tự do thương mại” của Lighthizer không nằm ở mục tiêu mở cửa thị trường tự do không kiểm soát, mà là cam kết sử dụng những “vũ khí” công khai về giao thương để đạt được chúng.
Robert Lighthizer cũng không chủ trương bảo hộ là “đắp lũy xây thành” để biến nước Mỹ thành một ốc đảo, mà mục đích là lấy lại những lợi thế của Mỹ cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ đang bị thua thiệt trên thương trường quốc tế (chủ nghĩa tư bản lành mạnh).
Về toàn cầu hóa, Robert Lightthizer tuyên bố ông không “chấn dứt toàn cầu hóa”, mà là thời kỳ cạnh tranh kinh tế khốc liệt hơn, dùng chiến tranh thương mại là “phương tiện” dẫn tới thương mại tự do. Từ đó đi đến “toàn cầu hóa” một cách công bằng, lành mạnh và lâu dài. Các đạo luật thương mại như WTO, một bên thì thi hành nghiêm chỉnh còn bên kia thì dối trá là tình trạng bấp bênh kinh tế trên thế giới dẫn đến bất an khu vực hay toàn cầu.
Robert Lighthier đối với kinh tế Tàu Cộng
https://ci6.googleusercontent.com/…/KOi3fUVjJca8ZyHHBlZYWjs…
Ông cho kinh tế Tàu Cộng hiện nay không còn Cộng Sản mà là “chủ nghĩa tư bản nhà nước” (chứ không phải kinh tế thị trường). Ở đó Đảng Cộng Sản cầm quyền sử dụng các công ty quốc doanh (vốn nhà nước) kết hợp và hỗ trợ những công ty tư nhân để tạo ra một ngành sản xuất nội địa khổng lồ thách thức các cường quốc kinh tế có nền kinh tế thị trường tự do lành mạnh. Không những thế, còn dùng những linh kiện điện tử cài đặt hệ thống sản xuất để “ăn cắp” kỹ thuật tối tân của các nước Tây phương, đặc biệt là tại Mỹ.
Trong một buổi họp tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 8/2017, Robert Lighthizer là người thuyết trình chính sách cứng rắn giao thương với Tàu Cộng. Những luận cứ, những tài liệu, những biểu đồ kinh tế và những chiến lược thương mại của Lighthizer đã phát họa một lộ trình đánh vào thương mại Tàu Cộng. Buổi thuyết trình xuất sắc đã thuyết phục các quan chức cao cấp Tòa Bạch Ốc trong buổi họp kính nể. Qua buổi họp này, các bình luận gia trên thế giới đánh giá Tòa Bạch Ốc mất người chống Tàu Cộng quyết liệt nhất là Trưởng Cố Vấn Chiến Lược Steve Bannon, thì lại hiện lên một Steve Bannon khác chống Tàu Cộng cương quyết có sách lược nhất quán với một chủ thuyết rõ ràng đó là LS Lighthizer.
https://ci5.googleusercontent.com/…/iSp7L24cU-AAxcrbiy4dah4…
Robert Lighthizer là một người tỏ ra rất khá am tường chiến thuật “trì hoãn chiến” để câu giờ của Tàu Cộng nên ông đã dứt khoát ra đòn trừng phạt “áp thuế” sau một thời gian các chính trị gia đứng đầu Tòa Bạch Ốc ngành tài chánh và thương mại của Washington đến Bắc kinh đàm phán nhưng không có kết quả. Tháng 11/2017, TT Trump ra lệnh trong phái đoàn đàm phán đến Bắc Kinh, Robert Lighthizer là người duy nhất có quyền gặp những nhân viên cao cấp nhất của Tàu Cộng kể cả Tập Cận Bình. Vào thời đó, mặc dù Đại Sứ Mỹ tại Bắc Kinh là Terry Brandstad có đánh điện qua Mỹ yêu cầu xin cho Bắc Kinh thêm một vòng đám phán nữa, nhưng Lighthizer quyết định chấm dứt, đã đến lúc hành động và phải có biện pháp mạnh mẽ.
Từ đó ra đời đợt “áp thuế” đầu tiên lên các mặt hàng Tàu Cộng 50 tỉ USD.
Về việc chống kinh tế Tàu Cộng, ngày 18/09/2017, tại Washington DC Robert Lighthizer nói về kinh tế Tàu Cộng như sau: “mô hình kinh tế của Tàu Cộng hiện nay là mối đe dọa chưa từng có đối với hệ thống thương mại thế giới mà không thể giải quyết bằng các quy tắc toàn cầu hiện hành”.
Ông giải thích thêm: “Có một thách thức nổi lên trong hoàn cảnh hiện tại, thực trạng này khó khăn hơn nhiều so với những gì đã xảy ra trong quá khứ, và mối đe dọa đó là China. Quy mô vượt trội của nỗ lực điều hành và phối trí của chế độ Bắc Kinh nhằm phát triển nền kinh tế quốc gia, tài trợ, tham vọng thắng lợi cho đất nước, ép buộc chuyển giao công nghệ và làm méo mó thị trường tại Tàu Cộng và trên toàn thế giới, chính là mối de dọa tới hệ thống thương mại toàn cầu và điều này là chưa từng có tiền lệ”.
Để đối đầu thương mại với một đối thủ “chưa từng có tiền lệ”, Lighthizer phải đối đầu một cách sáng tạo chứ không thể theo kinh nghiệm cổ điển. TT Trump đã ra lệnh cho ông Robert Lighthizer một năm để nghiên cứu cách đối đầu với Tàu Cộng cho hữu hiệu. Bởi thế, giữa tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký quyết định điều tra hoạt động thương mại Tàu Cộng. Ông Lighthizer được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra ban đầu về Tàu Cộng vi phạm sở hữu trí tuệ theo Khoản 301 của Luật Thương Mại Hoa Kỳ. Và có thể áp thuế trên lãnh vực này, vì cho rằng hằng năm “sở hữu trí tuệ” bị Tàu Cộng đánh cắp tính đến hàng ngàn tỉ đô-la. Và dĩ nhiên trong những đợt “áp thuế” tăng lên 25% đều là đề nghị của Lighthizer.
Ông tiên đoán cuộc chiến tranh thương mại với Tàu Cộng là cuộc chiến trường kỳ, Một nước Tàu có thói quen làm ăn xảo trá với hệ thống kinh tế nghịch chiều với thế giới tự do trong nhiều thập niên qua, nay mà nhanh chóng đưa họ đi vào quỹ đạo của kinh tế thị trường phải cần thời gian và nhiều biện pháp chống trả hữu hiệu, không thể một sáng một chiều mà chiến thắng được. Ông Lightthizer lo sợ rằng cuộc chiến bị gãy cánh giữa đường vì thời gian chỉ còn một năm rưỡi nữa là có sự thay đổi chủ Tòa Bạch Ốc, khi vị Tổng Thống Mỹ mới có quan niệm hòa hoãn với Tàu Cộng thì Lighthizerism bị ngưng đọng.
Robert Lighthizer là người cầm đầu đàm phán thương mại với Tàu Cộng sắp tới:
https://ci3.googleusercontent.com/…/7xxEAQOg6anvD6zJdVUnCOt…
Hiện nay bộ tham mưu về thương mại của Tòa Bạch Ốc, Tiến sĩ Navarro nhân vật diều hâu cho rằng ông Lighthiezer là người có khả năng dẫn dắt cuộc đàm phán 90 ngày của Hoa Kỳ đối đầu với Trung Cộng. Ông Larry Kudlow, Chủ Tịch Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia cũng đồng ý là ông Lighthizer là nhân vật xứng đáng trong cuộc đàm phán 90 với Trung Cộng… một cuộc “hưu chiến” ngắn hạn nhưng rất quan trọng.
Ra trận nhiều lần chưa bao giờ thua cuộc, một nhà đàm phán thượng thặng, có kinh nghiệm với Tàu Cộng và nhất là ý niệm hạ đối thủ thương mại để đem công bằng và quyền lợi cho nước Mỹ đã chất chứa trong tiềm thức mấy chục năm nay. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Tàu càng ngày càng lớn, càng phức tạp, ông Lighthizer là người có đủ quyết tâm, kinh nghiệm và bản lãnh để hạ con chồn cáo Tàu Cộng, hầu diệt hậu họa cho nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Tình hình chính trị tại Mỹ cho thấy Robert Lighthizer không phải là người cô đơn. Cả lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, các cơ quan an ninh FBI, CIA, NSA đều quyết tâm chống Tàu Cộng trên mọi mặt. Bà Nancy Pelosi thuộc đảng Dân Chủ, Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ tương lai, cũng tuyên bộ ủng hộ TT Trump trong việc chống Tàu Cộng.
Đây là quyền lợi nước Mỹ, dù đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa đều phải quyết liệt để đánh bại Tàu Cộng. Nếu không, để càng lâu thì Mỹ phải trả một giá rất đắc. Đôi khi mất vị thế siêu cường!
Lê Thành Nhân

Viết bình luận...





CHIẾN LƯỢC CỦA TỔNG THỐNG DONAL TRUMP KHI RÚT QUÂN KHỎI SYRIA

CHIẾN LƯỢC CỦA TỔNG THỐNG DONAL TRUMP KHI RÚT QUÂN KHỎI SYRYA Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức vì khác quan điểm với Tổng thống Mỹ RFA 2018-12-21 Vào ngày 20/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đột ngột gửi thư xin từ chức với lý do cách nhìn của ông với các đồng minh của Mỹ cũng như đối với các quốc gia cạnh tranh chiến lược, khác biệt so với cách nhìn của Tổng thống Donald Trump, và vì vậy nước Mỹ cần một Bộ trưởng Quốc phòng khác chia sẻ cùng quan điểm với Tổng thống Mỹ hơn ông. Tổng thống Donald Trump thì cho biết Bộ trưởng Jim Mattis sẽ nghỉ hưu và cảm ơn ông về những đóng góp của ông. Tuyên bố từ chức của Bộ trưởng Jim Mattis được đưa ra sau khi Tổng thống Trump quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan, một quyết định gặp nhiều chỉ trích thậm chí ngay tại Quốc hội Mỹ. Trước đó, đã có những thông tin đồn đoán về khả năng Bộ trưởng Mattis từ chức. Ông thường xuyên có những bất đồng với Tổng thống. Ông đã từng cảnh báo Nga có ý muốn phá hoại NATO trong khi Tổng thống Trump lên tiếng ca ngợi Tổng thống Nga Putin. Ông cũng là người ngăn lại ý định của Tổng thống trong vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Hàn mà theo ông là sẽ để lại một khoảng trống an ninh nguy hại cho nước Mỹ. Bộ trưởng Jim Mattis cũng là người phản đối quyết định rút khỏi Hiêp định khí hậu Paris của Tổng thống Trump hay chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem. Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis là người đã từng đến Việt Nam hai lần trong năm nay và được coi một điều hiếm thấy. Các chuyên gia quốc tế đánh giá các chuyến thăm liên tục này của ông đến Việt Nam cho thấy chính quyền Mỹ muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ông cũng là người đã từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về các hành động quân sự hóa Biển Đông, vùng nước tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng bao gồm Việt Nam. Gần đây có những thông tin cho biết Bộ trưởng Jim Mattis là người đã có tiếng nói với Quốc hội Mỹ đề nghị không đưa Việt Nam vào danh sách những nước bị trừng phạt vì mua vũ khí của Nga. Hiện chưa biết Quốc hội Mỹ sẽ có quyết định thế nào về vấn đề này. Sự ra đi của Bộ trưởng Jim Mattis xảy ra vào giữa lúc có thông tin cho biết Việt Nam đã lặng lẽ bỏ hơn 15 hoạt động tương tác quốc phòng với phía Mỹ trong năm 2019 để phản đối việc Mỹ vận động Việt Nam mua vũ khí của Mỹ thay vì của Nga, vì Việt Nam coi đây là hành động gây sức ép và can thiệp lên công việc nội bộ của Việt Nam. Ngày làm việc cuối cùng của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis được cho biết là vào ngày 28/2/2019. Một số quốc gia tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương vào ngày 21 tháng 12 lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis sẽ rời chức vào cuối tháng hai tới đây. CHIẾN LƯỢC SIÊU ĐẲNG CỦA DONALD TRUMP: RÚT KHỎI SYRIA, DỒN LỰC VỀ THÁI BÌNH DƯƠNG Dư luận quốc tế mấy ngày qua đang "sửng sốt" khi Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria, những người ghét Trump tranh thủ tấn công, những người mến Trump không ít trong số này cảm thấy "hụt hẫng" vì tên độc tài Bashar al-Assad chưa bị Mỹ loại bỏ. Tuy nhiên, Trump rút quân khỏi Syria trong lúc này, như ông ta tuyên bố, thì đây là một quyết định táo bạo nhưng rất khôn ngoan mà nói theo dân gian của Việt nam là "có gan làm giàu". Thật ra, khi vận động tranh cử năm 2008, Obama đã công khai quảng bá ý tưởng "TỪ BỎ TRUNG ĐÔNG", cam kết rút hết quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Khi đắc cử tổng thống Mỹ, năm 2009 Obama thực thi ngay đường lối chiến lược "TỪ BỎ TRUNG ĐÔNG" với 03 nội dung chính, đó là: 1. Nhanh chóng rút khỏi Iraq; 2. Giải quyết dứt điểm xung đột Israel - Palestine; 3. Không can dự vào bất cứ cuộc xung đột nào nữa ở khu vực này. Sách lược "TỪ BỎ TRUNG ĐÔNG" của Obama đã thành hiện thực khi Mỹ rút quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, vào năm 2014, Obama lại phải cho quân tham chiến trong chiến dịch trừ khử IS rất tốn kém, nên sách lược này của Obama bị coi là không nhất quán. Không như Obama chỉ là một luật sư, Donald Trump là một tỷ phú, vì vậy ông biết rằng nếu tiếp tục cạnh tranh với Nga ở Syria, cố lật đổ độc tài Bashar al-Assad trong lúc này thì Mỹ còn phải trả những cái giá đắt hơn, chưa kể việc bị lôi cuốn vào Syria sẽ làm ảnh hưởng đến "hoài bão lớn" của Trump là làm sụp đổ Trung cộng, là xóa sổ CNXH, vì theo Trump, đây là thứ chủ nghĩa quái thai, nguy hại cho nhân loại gấp vạn lần so với độc tài. Cho nên Trump quyết tâm dồn nhân tài vật lực vào việc khống chế, tiêu diệt CNXH từ bên ngoài vũ trụ, từ lĩnh vực thương mại, gián điệp kinh tế - quân sự, bành trướng, bá quyền...
 https://youtu.be/80EVrlKpiSA

🔴 24-12-2018 | Donald Trump không " BỊ KHÙNG " khi bất ngờ rút quân khỏi Syria

https://youtu.be/Nb_qpyJ3g00 

 #tinhoaky #tintứchoakỳ #tinmới

TIN MỚI-27-12-2018 TỔNG THỐNG DONALD TRUMP ĐANG ĐƯA TRUNG QUỐC ĐI ĐÚNG QUỸ ĐẠO "SUP ĐÔ" CỦA LIÊN XÔ

https://youtu.be/-EhuR5rR6-Y


Đã đến lúc Hoa Kỳ và thế giới phải đưa Trung Cộng về thời đồ đá

Nguyên Thạch (Danlambao) - Dưới sự vận hành chính phủ của Tổng thống Donald Trump một vị Tổng thống cương nghị và tỏ thái độ vô cùng quyết liệt với Trung Cộng từ nhiều mặt: Đối ngoại, Kinh tế, Quân sự và chiến lược cùng sự đồng hành của các quốc gia tiên tiến thì năm 2019 sẽ là năm mà thế giới sẽ đưa Tàu cộng từ chế độ "đồ đểu" về lại với thời "đồ đá" nhằm tránh hậu họa cho cả nhân loại trên hành tinh này mà trừng phạt Tàu cộng về chính sách thuế má cũng về mặt quân sự mà các đợt đánh thuế tăng dần khiến kinh tế Tàu cộng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, cũng như Mỹ và Đồng minh đã dồn mọi tiềm năng về Hải Lục Không quân và cả các tàu chiến hiện đại tập trung tại Biển Đông, nơi mà Trung Cộng đang điên cuồng xâm chiếm, để rồi phải nhận lãnh phần thua thê thảm sẽ nghiêng về phía họ.
*
Một quốc gia cậy đông hiếp yếu là thái độ của một thứ quân tử. Một giống dân chuyên ăn cắp, sao chép lại những sáng tạo của thế giới làm của riêng cho mình là thứ người gian trá và bất chính, không đáng để được tôn trọng. Một đất nước bị cai quản bởi thứ chủ nghĩa hoang đường, đầy bạo tàn, sắc máu... xem dân chúng là loại công cụ nô lệ nô dịch cho mọi thứ, từ sản xuất cho đến phục dịch guồng máy độc tài cai trị. Một thứ cơ chế mà quyền làm người bị chối bỏ một cách trắng trợn, mọi niềm tin tôn giáo đều bị từ chối và mọi giá trị văn hóa truyền thống nhưng không được đảng chấp nhận cũng đều bị phủ nhận hoặc triệt tiêu, mà sách lược đã áp dụng ở Trung Hoa lục địa, Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng cũng như Việt Nam là những chứng minh.
Phần đông người Trung Hoa luôn mang thái độ cao ngạo, luôn tự cho dân tộc của họ là cái rốn của vũ trụ, là trung tâm của cả thế giới và nhân loại. Do nếp suy nghĩ ấy, từ ngàn xưa, đất nước và giống dân này tự đặt cho quốc gia cùng dân tộc của họ là TRUNG. Trong thầm kín hoặc biểu lộ, nhãn quan của người Trung Hoa đối với tất cả cả các giống dân khác là man di mọi rợ, là ma quỉ, là người xấu... 拐. Đơn cử những thí dụ trong đời sống hàng ngày, người Tàu thường gọi giống dân da Đen là "ma đen" , tức "Hắc quẩy" 拐 么, 碼頭 người da Trắng là "quẩy lũ", tức lũ ma trắng 拐 帛,碼頭洪水 người Việt Nam là "Ố Nàm", tức "người Việt nhơ ố" 該死的.(Ai thông thạo về Hán-Việt, có thể bổ sung hoặc điều chỉnh thêm)
Người Hoa là một trong những giống người luôn tỏ thái độ kỳ thị. Họ kỳ thị về màu da, nguồn gốc và giới tính, do đó mới xảy ra tình trạng "Nam trọng, nữ khinh", nhất là dưới chính sách 1 con hiện nay. Họ biểu hiện sự "Trọng phú khinh bần", cho dù chưa hề biết người đối diện có tư tưởng như thế nào. Họ định giá người qua thể hiện bề ngoài, chứ không cần biết gì về nội tâm cùng nhân sinh quan của những người chung quanh. Và cuối cùng trong tư duy của người Tàu là phần đông họ "Sống để ăn" "Sống phải đạt đến giàu có, sung túc, đầy đủ tiện nghi... Bất chấp tất cả dù là ăn những thứ quái dị, làm giàu bất chính trên xương máu, mồ hôi nước mắt của người khác hay hủy hoại tàn phá môi sinh... Với họ thì tương lai của hành tinh quả đất này không là quan trọng, mà điều tối hệ trọng là họ phải là chúa tể của nhân loại, là nắm đầu tất cả các dân tộc khác để phục dịch cho người Trung Hoa.
Từ quan điểm muốn thống trị thế giới, người Tàu nói chung và các đế chế của Trung Hoa như Mao, Đặng, Tập nói riêng phải bằng mọi cách, mọi thủ đoạn đạt cho bằng được giấc mơ này. Nhưng đời sống có thể ví như một tấm gương phản chiếu lại những thái độ cùng hành động mà Trung Cộng hành xử, người Tàu phùng mang trợn mắt với thế giới thì không lẽ tấm gương hiện lên nét tươi cười nhân ái của nhân loại?.
Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn, Philippines, Nam Dương, Mã Lai, Úc, Châu Phi, Châu Âu hoặc ngay cả Châu Mỹ đều phải bị thống lĩnh bởi China. Ý định đó đã được thực hiện một cách rất rõ nét là tuyên bố làm chủ gần 90% diện tích tổng thể của Biển Đông, đánh chiếm và xây dựng các hải đảo nơi đây thành những căn cứ kiên cố có chứa vũ khí nguyên tử, các sân bay hiện đại, các nơi trú ẩn của tàu ngầm... nhằm đe dọa nền hoà bình, ổn định của thế giới.
Trung Hoa đại lục đã dùng tiền để mua chuộc hay làm lũng đoạn nền kinh tế của các quốc gia khác mà ngay cả Hoa Kỳ cũng không thể tránh khỏi trong quá khứ gần đây. 
Đạo quân thứ Năm của người Tàu, với xấp xỉ 40-50 triệu dân trải đều khắp các nước khác trên thế giới mà theo Tập Cận Bình sẽ là lực lượng nội ứng cho một Trung Hoa khi tổ quốc cần đến sự về nguồn. Cá chính phủ của các quốc gia có lượng người Hoa đông đảo này nên cẩn trọng về lực lượng nội tuyến này. Người Hoa ở những nơi đây không hẳn là vì tương lai của các nước sở tại, mà tận trong tâm tưởng, chỉ có Trung Quốc là tổ quốc của họ. Bản thân người viết không cực đoan, không võ đoán mà chỉ dựa trên nhiều dữ kiện cùng thái độ thực tế của lớp người Tàu này mà hiện tượng "China town" cũng như sự biểu dương văn hóa Tàu là những dữ kiện cảnh tỉnh cho chính phủ các nước phải lưu tâm.
Người Hoa cư ngụ ở các nước trên thế giới, có thể họ chỉ xem là nơi tạm dung thân để phát triển và cũng cố lực lượng nội ứng khi hữu sự. Đó là lý do Peter Navarro và Greg Autry cảnh báo thế giái về: 
"Chết bởi Trung Quốc - Đương đầu với con Rồng - Lời kêu gọi Hành Động Toàn Cầu (tiếng Anh: Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action) là một cuốn sách của hai giáo sư kinh tế học Peter Navarro và Greg Autry. Trong cuốn sách này, hai tác giả điểm lại các sự kiện bao gồm "từ các chính sách giao thương lạm dụng và thao túng tiền tệ đến lao động nô lệ và các sản phẩm tiêu dùng chết người", các mối đe đọa rõ rệt đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu và hòa bình thế giới gây ra bởi Đảng Cộng sản cầm quyền "tham nhũng và tàn bạo" tại Trung Quốc. (1)
“DEATH BY CHINA" is right on. This important documentary depicts our problem with China with facts, figures and insight. I urge you to see it.” – Donald Trump (2) và (3)
Trước những thái độ vô cùng ngông cuồng của Tàu cộng. quốc gia cộng sản này phải nhận lãnh sự trừng trị của Hoa Kỳ và các nước văn minh là điều sẽ phải đến. Thế giới sẽ không để một tập đoàn hung hăng với vô số thói hư tật xấu hoành hành và chẳng xem ai ra gì.
Từ vô số thái độ ngông nghênh không xem thế giái là thứ chi chi cả, Trung Cộng đã làm cho hầu hết các quốc gia lớn như Mỹ, Pháp, Nhật, Anh Úc, Canada...cũng như nhỏ lo ngại và rất bất bình trước con hổ đã thức dậy và đang nhe nanh giương vuốt một cách hung tợn.
Dưới sự vận hành chính phủ của Tổng thống Donald Trump một vị Tổng thống cương nghị và tỏ thái độ vô cùng quyết liệt với Trung Cộng từ nhiều mặt: Đối ngoại, Kinh tế, Quân sự và chiến lược cùng sự đồng hành của các quốc gia tiên tiến thì năm 2019 sẽ là năm mà thế giới sẽ đưa Tàu cộng từ chế độ "đồ đểu" về lại với thời "đồ đá" nhằm tránh hậu họa cho cả nhân loại trên hành tinh này mà trừng phạt Tàu cộng về chính sách thuế má cũng về mặt quân sự mà các đợt đánh thuế tăng dần khiến kinh tế Tàu cộng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, cũng như Mỹ và Đồng minh đã dồn mọi tiềm năng về Hải Lục Không quân và cả các tàu chiến hiện đại tập trung tại Biển Đông, nơi mà Trung Cộng đang điên cuồng xâm chiếm, để rồi phải nhận lãnh phần thua thê thảm sẽ nghiêng về phía họ.
Riêng Việt Nam thì sao? Tên chủ bị ngã quị thì hạng tôi tớ có thể nào đứng nổi. Đó là câu trả lời cho bọn phản quốc cộng sản Việt Nam quị lụy chạy theo ngoại bang Tàu cộng phải nhận lãnh hậu quả thảm bại trước khi "Mật Nghị Thành Đô 1990" được thực thi.
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2018/12/a-en-luc-hoa-ky-va-gioi-phai-ua-trung.html#more

#thờisựvàgiảitrí #thoisugiaitri #thoisu

Donald Trump tung 'liên hoàn cước' 4 đòn tấn công toàn diện Trung Quốc

 Donald Trump tung 'liên hoàn cước' 4 đòn tấn công toàn diện Trung Quốc Trong vòng chỉ một tuần vừa qua, chính quyền của ông Donald Trump đã liên tiếp tung đòn kiểu 'liên hoàn cước' với Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng, Bắc Kinh đang lo ngại ông Trump đang trù tính thay đổi chính sách để 'giải quyết về căn bản mối đe dọa của Trung Quốc'. Việc một tuần chính phủ Mỹ liên tiếp tiến hành 4 động thái lớn chính là thể hiện của điều này. Ông Fred Kempe, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu nổi tiếng Atlantic Council hôm 6/10 đã phát biểu trên đài CNBC, cho rằng: Sau khi tiến hành một loạt nghiên cứu và kế hoạch, chính phủ Donald Trump đã hoạch định ra những đòn tấn công Trung Quốc một cách chính xác và toàn diện. Những hành động của Mỹ có liên quan đến mọi cơ quan chính phủ, từ Lầu Năm Góc tới Đại diện thương mại Mỹ. Những đòn thế tiến công này của Mỹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế và an ninh toàn cầu, thậm chí qua nhiều thế hệ. Fred Kempe nói, điều các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh lo ngại là việc ông Trump tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc không chỉ là việc một nhà kinh doanh tìm kiếm thị trường cởi mở hơn, mà là Washington đang dự tính thay đổi chính sách để giải quyết triệt để các mối thách thức từ Trung Quốc. Hiện họ đã có được đáp án. Một loạt những tuyên bố và hành động của chính phủ Donald Trump cho thấy ông tin rằng những người tiền nhiệm ông nhiều năm qua đã hành động quá ít trước những hành vi của Trung Quốc những năm qua như mậu dịch không công bằng, vi phạm quy tắc về mạng, tăng trưởng quân sự quá nhanh, phát triển công nghệ và những hậu quả tiềm tàng từ sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh. Fred Kempe nói, 4 thông tin mà báo chí công khai tuần qua cho thấy nỗ lực mà chính phủ Donald Trump đưa ra để giải quyết các vấn đề trong quan hệ Mỹ - Trung là sâu rộng, nhiều tầng nấc. Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng, trong mấy tuần tới đây phía Mỹ sẽ còn có thêm nhiều động thái nữa. Thứ nhất, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đã trở thành mối uy hiếp lớn đối với công nghiệp quốc phòng Mỹ Ngày 5/10, Lầu Năm Góc công bố một bản báo cáo mới.Bản báo cáo này được soạn thảo theo yêu cầu của mệnh lệnh hành chính do ông Donald Trump đưa ra hồi năm ngoái. Báo cáo đã nghiên cứu việc Trung Quốc mở rộng và hiện đại hóa quân sự, chiến lược xâm lược kinh tế, chiến lược sức mạnh mềm và chiến lược chi tiêu phát triển quân sự; đồng thời xác định 300 lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến cung ứng vật liệu then chốt cho quân đội Mỹ. Một phát hiện quan trọng là Trung Quốc “đã gây thành mối nguy cơ lớn và ngày càng tăng” đối với việc cung ứng nguyên vật liệu cần thiết của quân đội Mỹ. Báo cáo đặc biệt nhắc đến việc Trung Quốc khống chế các loại kim loại, kim loại đặc biệt, hợp kim và các vật liệu khác, bao gồm đất hiếm và nam châm vĩnh cửu. Trung Quốc khống chế đại bộ phận khoáng sản đất hiếm của toàn thế giới – loại khoáng sản được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị quốc phòng và an ninh. Chính phủ Donald Trump dự định sử dụng sách lược của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh thế giới thứ 2 để giải quyết vấn đề “cổ bình” và những nhược điểm tiềm tại, như đầu tư hàng trăm triệu USD cho các công ty sản xuất vật tư quan trọng cho quân đội (ví dụ Nhôm, Thép, Wolfram và sợi thủy tinh). Các biện pháp sẽ bao gồm nỗ lực xây dựng lượng dự trữ vật liệu hiếm và mở rộng năng lực của ngành chế tạo Mỹ; ví dụ loại pin Lithium nước biển rất quan trọng trong tác chiến chống tàu ngầm.

 https://youtu.be/Tgm5_6Xhb0w

 #thờisựvàgiảitrí #thoisugiaitri #thoisu

Donald Trump chuẩn bị kỹ lưỡng 'đánh' Trung Quốc một cách toàn diện

 Donald Trump chuẩn bị kỹ lưỡng 'đánh' Trung Quốc một cách toàn diện Từ khi ông Donald Trump tuyên bố áp dụng gia tăng thuế suất đánh vào hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ cách đây 3 tháng, đến nay Mỹ đã thực thi một loạt biện pháp tấn công Trung Quốc cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Gần đây các biện pháp Mỹ sử dụng để đối phó với Trung Quốc ngày càng mạnh thêm. Giới quan sát quốc tế cho rằng, có vẻ chính phủ Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để quyết tâm giải quyết bằng được “mối đe dọa” của Trung Quốc trong nhiệm kỳ này. Xây dựng ê-kíp “đồng lòng” chống Trung Quốc Giới phân tích quốc tế chú ý đến một thực tế, sau khi tổng thống Trump tuyên bố áp dụng biện pháp về thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 3, ông đã bắt tay vào điều chỉnh lớn trong ban lãnh đạo Nhà Trắng. Trong Nhà Trắng đã xuất hiện đội ngũ toàn những người thông thạo về Trung Quốc, có vẻ ông Trump đã chuẩn bị rất kỹ cho việc tiến hành một loạt biện pháp để “ra đòn” với Bắc Kinh nhằm giải quyết triệt để điều mà ông gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”. Từ tháng 3, ông Trump bắt đầu ra tay điều chỉnh lớn về nhân sự Nhà Trắng. Cố vấn kinh tế hàng đầu Gary Cohn xin từ chức do phản đối chính sách thu thuế đối với thép và nhôm, lập tức được ông Trump chấp thuận và thay thế bởi Larry Kudlow – một nhà bình luận nổi tiếng của kênh truyền hình CNBC. Sau khi được bổ nhiệm, ông Larry Kudlow đã nhiều lần chỉ trích hành vi mậu dịch không công bằng của Trung Quốc và kiên quyết ủng hộ chính sách đối với Trung Quốc của ông Trump. Hầu như cùng lúc, cả hai chức vụ quan trọng hàng đầu là Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia cũng đổi chủ. Hai ông Rex Wayne Tillerson và Herbert Raymond McMaster có lập trường ôn hòa đã bị Tổng thống Donald Trump thay thế bởi Mike Pompeo và John Robert Bolton là những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ông Donald Trump đã tạo lập cho mình ê - kíp gồm những người có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc Sau khi cải tổ, vòng trung tâm quyền lực xung quanh Tổng thống Donald Trump gồm toàn những nhân vật bị Bắc Kinh coi là “diều hâu” đối với họ, gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Robert Bolton, Chủ nhiệm Ủy ban mậu dịch Nhà Trắng Peter Navarro. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Emmet Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Louis Ross… Hoàng Hà, một nhà bình luận thời sự Mỹ của đài truyền hình NTDTV cho rằng, những người này có một đặc điểm chung đều là các chuyên gia về Trung Quốc. Đây là điều hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ. Những người này đều “có nhận thức rất tỉnh táo về Trung Quốc, đều có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc”. Theo Giáo sư Tạ Điền, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Học viện kinh doanh Aiken thuộc trường Đại học Tổng hợp South Carolina, ông Trump thay thế Ngoại trưởng Rex Wayne Tillerson – một người có lập trường ôn hòa, bằng Mike Pompeo, một người rất cứng rắn với Bắc Kinh bởi tư duy của ông ta rất giống ông Donald Trump. Khi đối phó với các vấn đề gay cấn như với Trung Quốc hay Triều Tiên, Mike Pompeo đã thể hiện rõ chiến lược của Donald Trump, thực hiện được chiến thuật của Donald Trump. Mike Pompeo trước đó giữ chức Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là người “hiểu rõ như trong lòng bàn tay” mọi thứ về Trung Quốc. Mike Pompeo đã nhiều lần công khai phát biểu kêu gọi coi trọng “mối đe dọa của Trung Quốc” đối với các nước phương Tây, như việc lấy cắp bí mật thương mại của các cơ quan Mỹ và thâm nhập, thẩm thấu vào nước Mỹ. Ông Jim Cramer, một phát thanh viên nổi tiếng của đài CNBC phân tích cho rằng, ông Donald Trump lựa chọn Mike Pompeo làm Ngoại trưởng nhằm gửi tới Bắc Kinh một tín hiệu nghiêm trọng, “tuyên bố Trung Quốc là kẻ thù của quyền sở hữu trí tuệ và lĩnh vực kinh tế của chúng ta”. Cố vấn An ninh Quốc gia John R. Bolton là một nhân vật nổi tiếng “diều hâu”, từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Dưới thời ông Obama, ông thường xuyên viết bài phê phán chính sách ngoại giao “mềm yếu” của chính phủ, phê phán ông Obama quá nhu nhược trong các vấn đề đối ngoại với Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.

 https://youtu.be/xZmv1IghHns

 #tin #tinmoi #tinthegioi

TIN MỚI:27/12/2018 Mỹ Điều Quân khẩn cấp - Thế Giới cần Chuẩn Bị cho 1 cuộc Chiên Từ Trump

 https://youtu.be/lw2iC-3ykh0

 #MCThanhTâm #vietlivetv #TinTuc

DI CƯ VÀO VIỆT NAM, MỘT DẤU HIỆU BẤT THƯỜNG

 https://youtu.be/MOnsnR3tJ

FBI BẮT GIAM hàng loạt mật vụ CSVN được Cộng Sản VN CÀI CẮM vào Hoa Kỳ dưới dạng tù nhân lương tâm

 https://youtu.be/Uw4CEnnY6b8

TIN HOA KỲ 27/12/2018 | Số Tiền Xây Bức Tường Biên Giới Của Trump Lên Tới 21 Tỷ Mỹ Kim 

 TIN HOA KỲ 27/12/2018 | Số Tiền Xây Bức Tường Biên Giới Của Trump Lên Tới 21 Tỷ Mỹ Kim Mời quý vị cùng tìm hiểu Di Trú và Nhập Tịch Mỹ mới nhất tại kênh: https://bit.ly/2Bo1WLn Với mong muốn cung cấp cho Quý vị các thông tin mới nhất về Di Trú và Nhập Tịch Mỹ. Ban Biên Tập Chúng Tôi đã tổng hợp các thông tin mới nhất về tình hình Di Trú Và Nhập Tịch Mỹ mới nhất hiện nay gửi đến Quý Vị. Chúc Quý Vị có được những Thông tin bổ ích và Nhớ Đăng Ký Kênh Của Chúng Tôi để xem tiếp những Video cập nhật mới nhất

https://youtu.be/iRcriSS-BEQ

Nhìn lại khe sanh,vĩ tuyến 17,hàng rào điện tử MCNAMARA

 https://youtu.be/pYPxkMjbLvA

  #khitaiquansu #tinquansu #tinbiendong

Sự thật khó tin về hàng rào điện tử McNamara của quân Mỹ - Tin quân sự thế giới

 Sự thật khó tin về hàng rào điện tử McNamara của quân Mỹ #khitaiquansu #tinquansu #tinbiendong #tintucquansu #tintucbiendong Kênh Kênh Khí Tài Quân Sự mong muốn chia sẽ với toàn thể quý vị và các bạn các thông tin, kiến thức về lịch sử, quân sự và khoa học quốc phòng Việt Nam qua các thời kì. Rất mong được sự ủng hộ của quý vị và các bạn! Hãy SUBSCRIBE ở đây {https://goo.gl/CJ2FjD} để đăng ký ủng hộ kênh của chúng tôi. Google +: https://goo.gl/HyTR6J Facebook: https://www.facebook.com/KhitaiQuansu/ Blog : http://khitai-quansu.blogspot.com/ Playlist vũ khí việt nam: https://goo.gl/RnvqMO Playlist tin tức quân sự: https://goo.gl/t8B1xB Playlist vũ khí thế giới: https://goo.gl/tbIwTl Plalist quan hệ Việt Nam - Israel: https://goo.gl/HjaIsG


https://youtu.be/dJHsXlSp5-g


BIỂU TÌNH KÊU GỌI HOA KỲ HỖ TRỢ CHO VIỆT NAM CỘNG HÒA TRỞ LẠI

https://youtu.be/W1PiUHm9G9o

🆕 MINH SƠN LÂM || Cuộc chiến Biển Ðông mang lại Hòa Bình cho Thế Giới

 https://youtu.be/y1D5eXub2gY

 

Tin vui lớn cho người gốc Việt sống ở California

https://youtu.be/TyGpjUFbaMs 

 #thờisựhoakỳ #thờisựthếgiới #tinmới

TIN MỚI: 31/12/2018 DÂN MỸ VỠ ÒA VỚI TIN MỪNG CHIẾN THẮNG CỦA TT TRUMP KHIẾN "PHE DÂN CHỦ" PH.ẪN N.Ộ

 https://youtu.be/fmy0cs7-khk

 

TIN VUI: NGHE TIN NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐÃ R.A Đ.I, VNCH CHUẨN BỊ VỀ GI.ÀNH L.ẠI GIANG SƠN

https://youtu.be/VWQgV56bmHo

QUÂN LỰC VNCH ĐÃ CÓ MẶT TẠI SÀI GÒN, CHUẨN B.Ị ĐƯ.Ơ.NG Đ.Ầ.U VỚI CS

 https://youtu.be/9-wNn6FwAq0

TIN MỚI:3/1/2019 Tổng thống Trump vui mừng đến Mất Ngủ khi nghe tin vui này TỪ TOÀ BẠCH ỐC

https://youtu.be/YTBFF_1_0QQ 

#tintucvietnam #tintuc #tintrongnuoc

Quân sư cho Tổng Thống Donald Trump triệt hạ Trung Quốc là ai?

 https://youtu.be/1djOPjNHcyQ

 

 

 #duynguyen #luatanninhmang

AN NINH MẠNG, DÂN CHỦ CUỘI VÀ CHIẾN THUẬT CỦA VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG/ DAME CÙNG DUY NGUYỄN

 https://youtu.be/XXD9jYAqr7c

 

🔴 05-01-2019 | Donald Trump và "72 kiếp nạn" để cứu nước Mỹ

 https://youtu.be/XGHR3lLfeeM

OBAMA KẺ TỘI PHẠM QUỐC TẾ

 https://youtu.be/j4q6iGUNkrI


 
Đảng Dân chủ thay đổi Hoa Kỳ thành Hoa Kỳ Hồi giáo
Ôbama phá hoai nước Mỷ và cã thế giới tự do
Đăng ngày 15 tháng 1 năm 2019 Hoa Trường Đăng trong Bài viết đã đăng


Ngày nay, các cuộc tấn công khủng bố xảy ra ở khắp mọi nơi ở phương Tây bao gồm các quốc gia Hồi giáo, khủng bố đã trở thành chiến tranh toàn cầu, kẻ thù nguy hiểm ẩn náu trong cộng đồng Hồi giáo, nhà thờ Hồi giáo, họ đã sử dụng nhãn hiệu tôn giáo để khủng bố người dân. Thủ phạm là những nhà thuyết giáo, giáo sĩ, những kẻ cực đoan và những người lãnh đạo cộng đồng kiêu ngạo, họ áp dụng chiến tranh tâm lý để tuyên truyền sự thù hận, nó tiến hành xung đột xã hội. Các nền văn hóa đặc biệt của người Hồi giáo đã mang lại sự phức tạp cho các quốc gia được thông qua, nó trở thành cuộc chiến không được công bố. Khía cạnh tiêu cực của nhiều nền văn hóa và tự do tôn giáo đang bị khai thác là cơ hội để giết chết phương Tây bởi hệ thống của nó.

Mối đe dọa Hồi giáo là có thật, chứ không phải Hồi giáo là tuyên truyền và lừa dối công chúng, Hồi giáo ở phương Tây và các đảng phái đã lừa gạt người dân và khai thác tự do tôn giáo để ngụy trang cho sự phát triển thầm lặng của Allah vào các nước phương Tây. Tuy nhiên, Hồi giáo có văn hóa cứng rắn áp dụng vào thực phẩm (thực phẩm được chứng nhận Allah), trang phục đang gây tranh cãi Burqa, cầu nguyện nghiêm ngặt ít nhất 5 lần một ngày (chủ nhân có thể ảnh hưởng đến sản phẩm), luật Sharia phản đối Tuyên bố Quốc tế về Liên hợp quốc và các vấn đề nhân quyền. Hơn nữa, cô dâu trẻ trở thành vấn đề ở phương Tây trong khi người Hồi giáo áp dụng luật của họ vào xã hội tôn trọng nhân quyền. Chắc chắn, văn hóa của người Hồi giáo không thể hòa nhập, thay vào đó,

Các đảng cánh tả rất muốn tuyển dụng các chính trị gia Hồi giáo, thực ra, cư dân Hồi giáo đông đúc đã dồn ép các cử tri và thay đổi chính trị. Đảng Dân chủ ở Mỹ bỏ qua lợi ích quốc gia, họ chỉ muốn giành được lá phiếu và có thêm thành viên tại Thượng viện, Quốc hội..Muslim khai thác mối quan tâm của đảng Dân chủ, thực ra, Hoa Kỳ cai trị trong 8 năm của Tổng thống Hồi giáo và Cộng sản đầu tiên Barrack Obama, dân số Hồi giáo bùng nổ bởi chính sách di dân cẩu thả và thiên vị, biên giới được giải phóng. Các cộng đồng Hồi giáo trở thành các quốc gia nhỏ bé ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Hồi giáo đã lan rộng và gia tăng từ chính phủ liên bang đến chính quyền bang, bao gồm cả chính quyền địa phương đang bị nhắm mục tiêu. Hồi giáo đã thực hiện nhiều lá chắn là lá chắn tôn giáo để áp đặt đức tin của họ, lá chắn chủng tộc khi người dân phản ứng, lá chắn nhân quyền để di cư, thực sự là Lá chắn Chính phủtrở thành chiến thuật quan trọng nhất để biến một quốc gia thành một quốc gia Hồi giáo, Tổng thống Barrack Obama đã thành công, ông đã tiêu diệt Mỹ và nhằm mục đích thay đổi đất nước thành Hồi giáo. Khi virus Meningococcal xâm nhập vào não, nó gây ra cái chết hoặc cơ thể gây hại, vì vậy khi người Hồi giáo có các chính trị gia trong quốc hội, các cơ quan chính phủ quan trọng, đó là mối nguy hiểm cực kỳ đối với đất nước. Bài học về Barrack Obama đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với Mỹ. Trong vòng 8 năm, Tổng thống Barrack Obama đã gieo hạt giống Hồi giáo vào nhiều cấp chính phủ và bây giờ, hạt giống đã lớn lên, người dân Mỹ thức dậy trước khi quá muộn. Dưới đây, có danh sách các chính trị gia Muslum được trình bày trong hệ thống của chính phủ Hoa Kỳ và chính trị gia của Hồi giáo sẽ tăng lên.

Liên bang
Rashida Tlaib (D)
MI Quốc hội Quận 13
SỢ
Keith Ellison (D)
Tổng chưởng lý
SỢ
Ilhan Omar (D)
Quận 5 Quốc hội
SỢ
Andre Carson (D)
Ở quận 7
SỢ

Tiểu bang
Hoàng tử La Mã (D)
Thượng viện tiểu bang GA quận 5
SỢ
Safiya Wazir (D)
Tòa nhà NH Nhà nước Merrimack 17 Quận
SỢ
Robert Jackson (D)
Quận Thượng viện NY 31
SỢ
Nasif Majeed (D)
Tòa nhà NC Quận 99
SỢ
Mujtaba Mohammed (D)
Thượng viện tiểu bang NC 38
SỢ
Mohamud Noor (D)
Tòa nhà Nhà nước quận 60B
SỢ
Jason Dawkins (D)
Nhà nước PA quận 179
SỢ
Hodan Hassan (D)
Tòa nhà tiểu bang MN 62A
SỢ
Charles Fall (D)
Tòa nhà bang NY Quận 61
SỢ
Ako Abdul-Samad (D)
Nhà nước IA Quận 35
SỢ
Aboul Khan (phải)
Nhà bang NH Rockingham Quận 20
SỢ
Abdullah Hammoud (D)
Tòa nhà MI Quận 15
SỢ
Abbas Akhil (D)
Nhà ở quận 20
SỢ

Quận
Sam Baydoun (D)
Ủy ban Quận MI Wayne Quận 13
SỢ
Sadia Gul Covert (D)
Hội đồng quản trị quận IL Dupage Quận 5
SỢ
Đền Sabina
Hội đồng giáo dục quận MD Howard
SỢ
Mohammad Ramadan
NJ Hội đồng Giáo dục Quận Passoms
SỢ
Cheryl Sudduth
Giám đốc quận nước thải CA-West
SỢ
Babur muộn
Hội đồng quản trị trường VA Prince William
SỢ
Assad Akhter (D)
Hội đồng quản trị miễn phí NJ Passoms County
SỢ
Abdul xông Al Al Haidous (D)
Ủy ban Quận MI Wayne Quận 11
SỢ

Thành phố
Salman Bho ه
Hội đồng thành phố TX Euless 6
S * *
Bình minh Haynes
Hội đồng trường công lập NJ Newark
S * *
Yasir Khogali
Ban thư viện MI City of Plymouth
SỢ
Mohamed Khairullah
Thị trưởng công viên NJ
SỢ
Mohamed Al-Hamdani
Hội đồng giáo dục trường công lập OH Dayton
SỢ
Mo Seifeldein
Hội đồng thành phố VA Alexandria
SỢ
Maimona Afzal Berta
Hội đồng trường CA Franklin-McKinley
SỢ
Jihan Aiyash
Hội đồng trường công lập MI Hamtramck
SỢ
Javed Ellahie
Hội đồng thành phố CA Monte Sereno
SỢ
Hazim Yassin
Hội đồng thành phố ngân hàng đỏ NJ
SỢ
Haseeb Javed
Hội đồng thành phố VA Manassas
SỢ
Farrah Khan
Hội đồng thành phố CA Irvine
SỢ
Ali Taj
Hội đồng thành phố CA Artesia
SỢ
Alaa Matari
Hội đồng triển vọng công viên NJ
SỢ
Alaa Abd Al Abd Abdel-Aziz
Hội đồng thành phố NJ Paterson Phường 6
SỢ
Aisha Wahab
Hội đồng thành phố CA Hayward
SỢ
Ahmad Zahra
Hội đồng thành phố CA Fullerton Quận 5
SỢ
Salim Patel
Hội đồng thành phố NJ Passoms
THẮNG LỢI
Sabina Zafar
Hội đồng thành phố CA San Ramon
THẮNG LỢI

Tư pháp
Đồng minh Shahabuddeen
Tòa án dân sự NYC, hạt NY
SỢ
Sam Salamey
Tòa án quận MI, quận 19
SỢ
Collier Rabeea
Tòa án quận TX, quận 113
SỢ
Halim Dhanidina
Tòa phúc thẩm CA, Quận phúc thẩm thứ hai, Phân khu Ba
SỢ
George Abdallah Jr.
Tòa thượng thẩm CA của Hạt San Joaquin, Văn phòng 12
SỢ
Adel A. Harb
Tòa án Hạt MI Wayne
SỢ

Chính quyền địa phương cũng có các ủy viên hội đồng Hồi giáo thậm chí hệ thống pháp lý xâm nhập, thực sự, các thành trì của đảng Dân chủ khi California áp đảo các chính trị gia của Hồi giáo:
- Cheryl Sudduth - Giám đốc quận nước thải quận Tây
- George Abdallah Jr. - Tòa án tối cao của Hạt San Joaquin, Văn phòng 12
- Halim Dhanidina - Tòa phúc thẩm, Quận phúc thẩm thứ hai, Phân khu ba
- Maimona Afzal Berta - Hội đồng Giáo dục Franklin-McKinley
- Javed Ellahie - Hội đồng thành phố Monte Sereno
- Al Jabbar - Hội đồng quản trị của trường trung học Anaheim Union
- Ahmad Zahra - Hội đồng thành phố Fullerton Quận 5
- Aisha Wahab - Hội đồng thành phố Hayward
- Ali Taj - Hội đồng thành phố Artesia
- Farrah Khan - Hội đồng thành phố Irvine
- Sabina Zafar - Hội đồng thành phố San Ramon

Có nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng tương tự, đảng Dân chủ đã chuẩn bị chuyển đổi Hoa Kỳ thành Hoa Kỳ Hồi giáo . Kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, báo động sức mạnh của người Hồi giáo trong Quốc hội Dân chủ ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia, nhà lãnh đạo Nancy Pelosi và các đồng chí của bà đã tăng 12 tỷ USD cho viện trợ nước ngoài, tài chính xứng đáng với các quốc gia Hồi giáo là Palestine, Syria, Pakistan. Do đó, đảng Dân chủ đã loại bỏ 5,7 tỷ USD cho bảo vệ biên giới, bức tường cần phải bảo vệ người dân và an toàn xã hội.

Châu Âu tan vỡ bởi những người di cư bất hợp pháp và một số quốc gia vì Bỉ sẽ trở thành quốc gia Hồi giáo sau tuyên bố của Đảng Hồi giáo Bỉ. Vương quốc Anh rơi vào thảm họa tương tự, Thị trưởng Hồi giáo London đầu tiên Sadiq Khan là dấu hiệu của người Hồi giáo sẽ thay đổi Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Đảng Lao động Anh đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích quốc gia vì vậy Đảng Lao động là vùng đất tuyệt vời cho các chính trị gia Hồi giáo được bầu trong tòa nhà quốc hội. Đảng Lao động Úc có các chính trị gia Hồi giáo, nhiều Đại diện Hồi giáo sẽ tăng cuộc bầu cử liên bang tiếp theo.

Các chính trị gia Hồi giáo được bầu trong Quốc hội mới của Hoa Kỳ là mối đe dọa thực sự, quyền lực của người Hồi giáo bộc lộ trên bài phát biểu kiêu ngạo của Đại diện Rashida Tlaib, cô vừa bước vào Hạ viện nhưng muốn luận tội Tổng thống Donald Trump bằng ngôn ngữ thô lỗ: luận tội Do đó, mẹ của chúng tôi rất khó tính, nhà lãnh đạo Nancy Pelosi rất thích phép lịch sự tồi tệ của một nữ nghị sĩ Hồi giáo, thậm chí bà Nancy Pelosi tự hào là thành viên mới muốn loại bỏ Tổng thống Donald Trump khỏi văn phòng.

Quyền lực của người Hồi giáo ở Hoa Kỳ thực sự đe dọa nền dân chủ và Hiến pháp, Hội đồng Quan hệ Hồi giáo Mỹ (CAIR) đã lên tiếng trơ ​​trẽn để loại bỏ Tổng thống Donald Trump khi lệnh cấm du lịch được ban hành. Sự phát triển của người Hồi giáo trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ, họ đã thực hiện chiến thuật cân bằng. Các quốc gia nhỏ bé Hồi giáo lớn lên vào các nước phương Tây đã trở thành căn cứ mạnh mẽ để hỗ trợ các chính trị gia Hồi giáo tham gia Quốc hội, Thượng viện và các cơ quan quan trọng của chính phủ. Các đảng cánh tả và truyền thông bên trái là những đồng minh thân thiết với người Hồi giáo ở phương Tây.

Các phương tiện truyền thông bên trái tuyên truyền cho người Hồi giáo và các căn cứ khủng bố truyền thông bên trái thường quảng bá các nền văn hóa Hồi giáo, các nhà lãnh đạo vào người phương Tây. Lý thuyết của Karl Marx là thảm họa của con người nhất hành tinh, những người theo chủ nghĩa Mác - Lênin ở phương Tây là các đảng cánh tả (Lao động, Dân chủ, Xã hội, Đảng Xanh ..) hy sinh người dân, lợi ích quốc gia để trao đổi lá phiếu, vì vậy người Hồi giáo và những tên côn đồ khác xâm nhập và phá hủy các quốc gia bằng hệ thống dân chủ của nó. /.


(thedawnmedia.com)
Nguồn:  https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=291197528245868&id=100020668697429
Mai Nguyễn Huỳnh
Viết bình luận...

 #tinhoaky #tintứchoakỳ #tinmới

TIN MỚI-07-1-2019 | HẠ VIỆN NGÃ MŨ "QUY HÀNG" TRƯỚC QUYẾT ĐỊNH CỦA TT TRUMP VỀ BỨC TƯỜNG BIÊN GIỚI

 https://youtu.be/dUMhNSuYlWQ

TT Donald Trump kí hiệp ước ỦNG HỘ Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc nội chiến với Nguyễn Phú Trọng

https://youtu.be/6WLqy21eM0I

TT Donal Trump sắp ký sắc lệnh xóa bỏ con đường tơ lụa của Tập Cận Bình

 https://youtu.be/qsQC04hJGO

#TrungCộng #Hoa #VNCH

Tại sao Hoa Kỳ không giúp VNCH trong trận chiến Hoàng Sa?

 https://youtu.be/ggvsMtYOHUU

Chân Dung Người Vợ Gốc Việt Của BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MỸ Ở LẦU NĂM GỐC LÀ AI?

https://youtu.be/sJDNQvjLzeg

AI SẼ LÀ NGƯỜI XÉ TRUNG QUỐC THÀNH NHIỀU MẢNH

 https://youtu.be/ncxv1EZspXU

#tincucmoi #tinquansu #tinmoinhat

Trump RA LỆNH PHẢI XÉ NÁT TRUNG QUỐC THÀNH NHIỀU MẢNH

 https://youtu.be/VNdr1tXUV_w

  #TinMới #tinthegioi #Tinmoi

15/1/2019 TIN VUI PHE DÂN CHỦ "QUY HANG" XUẤT TIỀN CHO LÃO TO GAN LỚN MẬT TRUMP XÂY TƯỜNG BIÊN GIỚI

 https://youtu.be/ncxv1EZspXU

TIN VUI: ĐCS Việt Nam đứng trước VÀNH MÓNG NGỰC khi phải trả lời về Nhân Quyền trước Liên Hiệp QUốc

 https://youtu.be/-KqcQmINRiY


Cộng sản XANH MANG khi LHQ tuyên bố công khai LUẬN TỘI chế độ CS ngày 22/01/2019 trước toàn TQ

 https://youtu.be/-KqcQmINRiY

 


Đề xuất quốc tịch cho H1B: ‘Bánh vẽ’ của ông Trump?
Trước nay cũng có các trường hợp mà những người có visa H-1B sang Mỹ làm việc rốt cuộc trở thành công dân Mỹ, và bất cứ những thay đổi nào về quy định di trú cần đi qua quy trình phức tạp chứ không phải muốn là được, các chuyên gia nhận định về tuyên bố mới đây của Tổng thống Donald Trump về visa H-1B....
Đề xuất quốc tịch cho H1B: ‘Bánh vẽ’ của ông Trump?
Nguồn:https://www.google.com/search?q=%C4%90%E1%BB%81+xu%E1%BA%A5t+qu%E1%BB%91c+t%E1%BB%8Bch+cho+H1B%3A+%E2%80%98B%C3%A1nh+v%E1%BA%BD%E2%80%99+c%E1%BB%A7a+%C3%B4ng+Trump%3F&ie=utf-8&oe=utf-8&client=firefox-b-ab
Đề xuất quốc tịch cho H1B: ‘Bánh vẽ’ của ông Trump?

 

Chính phủ Mỹ đóng cửa, thủ đô vắng như ‘thành phố ma’
Các khách sạn tại thủ đô Washington hoàn toàn vắng khách. Các nhà hàng tính tới chuyện vay nợ để duy trì hoạt động. Điện thoại ngừng reo tại các công ty du lịch.

Tại thủ đô nước Mỹ với hơn 20 triệu du khách mỗi năm, đợt đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đã đe dọa các cửa hàng trông cậy vào giới công chức và sự thu hút của các đài tưởng niệm liên bang, các viện bảo tàng để mang du khách đến....
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-m%E1%BB%B9-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-th%E1%BB%A7-%C4%91%C3%B4-v%E1%BA%AFng-nh%C6%B0-th%C3%A0nh-th%C3%A0nh-ph%E1%BB%91-ma-/4746622.html


Chính phủ Mỹ đóng cửa, thủ đô vắng như ‘thành phố ma’

Donal Trump đã làm gì để loại Tàu Cộng khỏi VN khi kinh tế TQ sut vì Mỹ tiếp tục đánh thuế

 https://youtu.be/HaesJBkeUt8

 

Quân Đội MỸ kết hợp với Quân Lực VNCH quyết tâm về Việt Nam lấy lại Quê Hương Đất Tố

 https://youtu.be/qr_mcvVgchY

 

TIN VUI: TT Donald Trump chuẩn bị áp dụng luật Nhân Quyền Magnitsky với con cháu VC đang ở MỸ

 https://youtu.be/TexMgzaaftc

 

TIN RẤT VUI: TT ĐÀO MINH QUÂN ĐÃ NHỜ SỰ V.I.Ệ.N TR.Ợ TỪ HOA KỲ ĐỂ D.Ẹ.P B.Ỏ CSVN

 https://youtu.be/0QMo3MTzFLU

 

TT Trump Tới Đà Nẵng Gặp Kim Jong Un & Tập cận Bình. Venezuela &Trung Quốc Như Thế Nào?

 https://youtu.be/aiWOTtlGA-w


Đọc tiếp:

QUÂN SỰ VIỆT NAM Hồ sơ mật

https://mainguyenhuynh.blogspot.com/2019/01/quan-su-viet-nam-ho-so-mat-bi-mat-con.html

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét