Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Bắc Kinh đòi cả Thái Bình Dương

Bắc Kinh đòi cả Thái Bình Dương: Tin vịt làm các chuyên gia bị lừa

media Quả địa cầu có ghi bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc. Các đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến cho các chuyên gia tin rằng chuyện Bắc Kinh đòi cả Thái Bình Dương không phải là vô lý. DR
Những đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông phải chăng đã trở thành nỗi ám ảnh của giới chuyên gia, khiến cho một thông tin dù rất phi lý cũng gây nên tranh luận sôi nổi ? Đây là điều đã xẩy ra tại một hội nghị khoa học về Biển Đông, được Đại Học Yale nổi tiếng của Mỹ tổ chức tháng 5/2016, tập hợp hầu hết các chuyên gia đẳng cấp thế giới, trước một tin đồn là Bắc Kinh đã công bố một tấm bản đồ 251 đường gián đoạn, đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Thái Bình Dương, bao gồm cả Hawai và vùng Micronesia.
Trong bài phân tích đăng ngày 10/09/2016 trên trang web của tạp chí Mỹ The National Interest, được mạng Asia Times đăng lại ngày 18/09 (China's Next Territorial Claim: Hawaii and Almost the Entire Pacific Ocean? Yêu sách chủ quyền sắp tới của Trung Quốc : Hawai và gần như toàn bộ Thái Bình Dương ?), nhà nghiên cứu Harry Kazianis đã hóm hỉnh thuật lại sự cố trên nhưng cho rằng chính các đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến cho các chuyên gia tin rằng chuyện Bắc Kinh đòi cả Thái Bình Dương không phải là vô lý !
Bản đồ 251 đường gián đoạn !
Theo ông Kazianis, tại hội nghị về Biển Đông vừa qua ở Yale, điều gây sốt cao nhất trong các học giả có mặt, trong đó có cả bản thân ông, là tin đồn về yêu sách lãnh thổ mới nhất của Trung Quốc gọi trong một tấm bản đồ 251 đường gián đoạn bao trùm gần như tất cả khu vực Thái Bình Dương.
Căn cứ theo một « bản tin » đăng trên trang mạng Elitereaders chuyên về các tin giựt gân, Bắc Kinh giờ đây đã quay sang đòi chủ quyền trên tiểu bang Hawaii của Mỹ và hầu hết quần đảo Micronesia. Thế là các đại biểu về dự hội nghị đã ồ ạt chia sẻ cho nhau bài viết, và các chuyên gia đã đỏ mặt tía tai tranh cãi với nhau về thông tin vừa đọc được.
Nhiều người đã tự hỏi là phải chăng « sự kiện » đó chỉ đơn giản là một sách lược đàm phán của Bắc Kinh, một mưu đồ được tính toán cẩn thận để làm cho các yêu sách chủ quyền - vốn dĩ đã rất quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông – trở nên cực kỳ nhỏ bé so với các đòi hỏi cực kỳ to lớn trên vùng Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Kazianis, điều thú vị hơn nữa là bên lề cuộc hội thảo, một nhà làm phim người Việt đang thực hiện một bộ phim tài liệu về Biển Đông, đã đề nghị ông Kazianis trả lời trước ống kính về nhận định của ông liên quan đến yêu sách chủ quyền đó.
Đẩy cuộc chiến tranh bản đồ lên một cấp độ mới
Điểm đáng nói là chuyên gia Kazianis đã đồng ý với đề nghị đó. Ông thú nhận : « Do không thể tìm hiểu sâu hơn hoặc kiểm chứng thông tin đó, tôi đã bày tỏ hy vọng rằng nguồn tin đó không đúng sự thật, nhưng nếu vì một lý do nào đó mà Bắc Kinh dám có yêu sách như vậy, thì điều đó lại càng chứng minh cho luận điểm hiện nay, theo đó Trung Quốc là một kẻ bắt nạt quốc tế, đã nâng một hình thức chiến tranh mà tôi đã gọi là Mapfare - Chiến Tranh Bản Đồ - lên một cấp độ mới ».
Nội dung bản tin đó ra sao mà đã khiến các chuyên gia mắc lỡm như vậy ? Đối với chuyên gia Kazianis, cách trình bày rất chuẩn đặc biệt trong phần mở đầu :
« Trong một động thái được cho là sẽ làm dấy căng thẳng leo thang trên thế giới, bộ Giáo Dục Trung Quốc đã phát hành một bản đồ thế giới mới, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên những mảng lớn của Thái Bình Dương, bao gồm cả Hawai và hầu hết vùng Micronesia.
Theo Tân Hoa Xã, Bộ Giáo Dục cũng đã ban hành một chỉ thị ra lệnh cho “tất cả các cơ sở giáo dục và cơ quan chính phủ thay thế các bản đồ đã lỗi thời bằng ấn bản hiện tại.”
Mặc dù Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào, Tổng thống Liên Bang Micronesia Manny Mori đã đánh giá tấm bản đồ là “vô lý” và tố cáo Trung Quốc về hành vi “bức hiếp bằng bản đồ”. »
Biến các vùng của Mỹ thành tỉnh đảo Tân Mỹ Quốc của Trung Quốc
Chỉ đọc qua đoạn sau thì mới thấy rõ là đây là một thông tin ngụy tạo, khi “bản tin” nói đến nào là cho các đảo Clarion của Mêhicô hay Clipperton của Pháp được tự trị hoàn toàn, nào là sát nhập các lãnh thổ của Mỹ thành một tỉnh mới lấy tên là Tân Mỹ Quốc, nào là có bằng chứng lịch sử là thời nhà Minh, nước Trung Hoa cũng đã kiểm soát một phần lớn Nam Cực, cho nên bộ Giáo Dục Trung Quốc sẽ cho gấp rút ấn hành một tấm bản đồ bổ sung...
Thế nhưng nếu chỉ đọc qua mấy đoạn đầu, mà không tìm hiểu chi tiết hơn về bản tin, thì rất dễ lầm lẫn. Chuyên gia Kazianis thú nhận : « Cũng như nhiều đồng nghiệp khác tại hội nghị, tôi đã cho rằng yêu sách đó là điều rất có thể. Vả lại, nếu Trung Quốc đã dám đòi chủ quyền trên quần đảo Okinawa (của Nhật Bản), thì tại sao họ lại không dám đòi cả Thái Bình Dương ? Đó há không phải là chiến tranh bản đồ ở cấp số nhân sao ! »
Tuy nhiên, khi đọc tiếp bản tin thì Kazianis mới thấy rằng tất cả đều đã bị lừa. Bên cạnh những luận điệu hung hăng đòi thiết lập các tỉnh mới trên các vùng mới đòi chủ quyền, hoặc yêu sách đối với Nam Cực, chỉ cần tra tìm trên Google thì có thể thấy ngay là bản tin đó chỉ là một bài được viết năm 2014 cho một trang web trào phúng mang tên Bộ Hài Hòa – Ministry of Harmony vốn tư nhận mình là nơi tập hợp những « củ hành với đặc trưng Trung Quốc », chơi chữ trên sự gần giống nhau giữa từ onion (củ hành) và opinion (ý kiến) trong tiếng Anh.
Bắc Kinh phải nhớ : Tiếng xấu trên trường quốc tế rất khó rửa
Bài học mà chuyên gia Kazianis rút ra từ vụ mắc lừa kể trên rất nghiêm túc. Ông viết : « Mặc dù tấm bản đồ và bài viết kèm theo là cố gắng của một người nào đó đùa cợt nhẹ nhàng, nhưng điều đó phản ánh một thực tế nghiêm túc hơn : Trung Quốc đã sử dụng bản đồ, hộ chiếu và các phương pháp chiến tranh bản đồ khác để áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ, dù đối với Đài Loan hay đối với phần bên trong đường 9 đoạn – mà giờ đây đã thành 10 đoạn.
Thực tế theo đó không môt ai trong số chuyên gia chúng tôi tại hội nghị Yale bị sốc (trước thông tin nói trên) đủ cho thấy là trên trường quốc tế hiện nay, đã ăn sâu suy nghĩ là Trung Quốc là một nước luôn muốn thay đổi nguyên trạng, bất kể cái giá phải trả. »
Và ông kết luận: Tiếng xấu là một quốc gia côn đồ rất khó rửa trên chính trường quốc tế, và đó là điều mà Bắc Kinh nên ghi nhớ.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20160919-bac-kinh-doi-ca-thai-binh-duong-tin-vit-lam-cac-chuyen-gia-bi-lua?ref=fb_i

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét