Tuyệt tích “ông” cá nược
27/0Lưu
TT - Dòng Mekong chảy qua Campuchia vào Việt Nam chia làm hai nhánh. Dòng chính là sông Tiền khi về hạ nguồn vẫn mang tất cả những hỉ nộ của sông cả.
Cá hô ngư dân bắt được mấy tháng trước. Tuy không to, nhưng việc bắt dính “cá vua” này cũng tạo cho nhiều ngư dân niềm phấn chấn đặc biệt - Ảnh: Tiến Thành |
>> Kỳ 1: “Cú sốc” cá đường
>> Kỳ 2: 5.700 con cá và 1.000 lượng vàng
>> Kỳ 3: Trên dòng Cổ Chiên
>> Kỳ 4: Tuyệt tích “ông” cá nược
Sông Hậu lì lì từ địa phận Campuchia chạy song song với sông Tiền vào biên giới Việt Nam. Một đoạn hơn 50 cây số bỗng trở nên năng động hẳn lên bởi một “kẻ bao đồng” mang tên Vàm Nao.
Dòng sông “ồn ào”
Dòng sông Vàm Nao dài chưa quá 7 cây số vắt ngang nối sông Tiền và sông Hậu. Tuy sông rõ ràng là một nhánh của Mekong, nhưng từ cái “nết chảy” cuộn tròn của nước sông cho đến những quái ngư một thời làm mưa làm gió trên cả đoạn sông đều tỏ ra khác biệt.
Dòng Vàm Nao vì thế mà trở nên ồn ào nhất trong số những con sông ngắn của miền Tây.
Con sông rộng gần 700m chia hai bờ của huyện Chợ Mới và huyện Phú Tân (An Giang) được xem là một trong những vùng nước hiếm hoi vẫn còn dung chứa cho những huyền thoại tưởng đã bị vùi chôn.
Dòng sông mà truyền thuyết cho rằng được hình thành từ “đường mòn voi đi” này từ xưa được sử sách nhắc tới với những trận hải chiến đánh đuổi quân Xiêm La (Thái Lan) năm 1833 của quân tướng triều vua Minh Mạng do thống chế Phạm Hữu Tâm chỉ huy.
Ba năm sau đó (1836), Bùi Hữu Nghĩa khi qua dòng sông này đã để lại câu thơ nổi tiếng: “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”, đủ để thấy Vàm Nao một thời bị liệt là con sông dữ với nhiều tài liệu còn đặt tên con sông này là “hồi oa thủy” (nước chảy cuộn).
“Ngày trước để qua sông là một thử thách lớn. Phần sóng to gió lớn, vượt sông tàu ghe dễ bị chìm. Nhưng nỗi lo lớn hơn là nạn nhân sẽ không toàn mạng để lên bờ vì dưới sông toàn là cá dữ: lão ngư Năm Dũng nói những bất trắc từ các thủy quái dưới dòng Vàm Nao là không kể xiết.
Ngoài cá bông gấm hay còn có biệt danh là “cọp nước”, dưới sông còn có cá sấu, cá đao... con nào cũng nặng cả tạ. Rớt xuống sông còn nguy hơn đi lạc vào rừng”.
Người sống ven lưu vực sông này vẫn tin rằng dưới đáy sông còn xác các tàu, ghe chìm từ thời hỗn mang mà không thợ lặn nào dám xuống để trục vớt.
Nhiều ngư dân thông thuộc Vàm Nao giải thích sở dĩ dòng sông này quy tụ nhiều loài cá khổng lồ là vì khúc sông này nước năng động, nhiều loài cá nhỏ tìm về sinh sôi là nguồn thức ăn lý tưởng cho các loài cá khác.
Điều đặc biệt hơn là loài cá to hay sống dưới tầng nước mát tận đáy sông. Thời gian dài, sông Vàm Nao trở thành nơi để các thợ săn nổi tiếng từ miệt Cà Mau, Rạch Giá tìm đến săn lùng cá khủng.
Những câu chuyện ly kỳ được viết tiếp bởi những bí ẩn chưa dứt về các thủy quái trên sông Vàm Nao.
Những truyền miệng đại loại như đi trên sông sơ sẩy bị “cọp nước” nhảy lên tha xuống đáy, đi xuồng bị cá đao đâm chìm hay dưới đáy sông vẫn còn cá sấu thành tinh lâu lâu lại nhận chìm ghe... đã tan biến theo sự vắng bóng của các loài thủy quái này.
Người ta không biết giờ chúng đã đi đâu, về đâu. Có người nói thời thế thay đổi, nhiều loài thủy quái đã ẩn mình dưới đáy sâu hàng chục sải nước, nơi không ngư dân nào tìm tới được.
Cũng như người ta không biết rằng từ đâu mà cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá đuối... thỉnh thoảng lại sa lưới, để đánh thức những câu chuyện huyền hoặc về dòng quái ngư.
Không còn lựa chọn
“Năm nào cũng có người hên bắt được cá bự. Không cá hô thì cũng cá tra dầu nặng trên tạ” - lão ngư Hai Hón (Nguyễn Văn Hón, 67 tuổi, ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân) nói có thể dòng sông này vẫn còn nhiều cá quý nhưng không còn những ngư dân giỏi nghề để săn bắt chúng.
“Sông Vàm Nao so với trước giờ đã hiền lắm luôn rồi” - bà Út Đào (Võ Thị Đào, 63 tuổi) sống trên cồn Bình Thủy gần cửa Vàm Nao nói rằng hai, ba chục năm trước, mỗi ngày ra sông đánh lưới điều bà “ngại” nhất là chở cá về không hết.
“Chỉ cần giăng lưới một đêm là chở về sáu, bảy chục ký cá kết” - bà Đào nhớ lại. Khi người chồng bỏ đi, bà Đào cùng với người con trai thứ tư quyết định làm cái chuyện vốn trước đó là chuyện của những ngư dân lão luyện. “Thấy người ta đi bắt cá lớn như bắt... heo, tui cũng mua lưới to về đánh”.
Hơn mười năm trước, bà Đào làm sững sờ các lão ngư vùng Vàm Nao khi bà và người con trai 16 tuổi kè về con cá hô nặng 150kg. Không lâu sau, bà tiếp tục bắt được con cá hô 50kg.
Chỉ với hai lần trúng đậm như thế, nữ ngư dân này trở nên nổi tiếng cả vùng. Khi báo đài đến tìm bà để ghi hình thì bà Đào bất ngờ tuyên bố bỏ nghề.
“Tui biết làm được vậy là nhờ bà cậu độ thôi chứ cá hô đâu mà có hoài. Nhiều người giỏi hơn tui gấp chục lần cũng bỏ nghề nữa là...” - bà giải thích về chuyện đột ngột từ bỏ nghề săn kình ngư của mình.
“Mình nghĩ vậy nè cho dễ: dính một con cá bự cỡ cá hô, cá tra dầu, cá đuối... thì y hệt như bắt được con heo. Bán con cá trăm ký cũng bằng giá bán con heo trăm ký” - ngư dân Hai Hón mường tượng.
Khởi nghiệp bằng nghề giăng lưới cá bông lau nhưng ông Hai Hón thường xuyên làm vợ phải khóc ròng vì sau mỗi đêm ông lại mang... đầy cá về kêu vợ nhà ra chợ bán.
“Hồi đó tui đội cá đi bán muốn gãy lưng vậy đó. Chồng người ta đi đánh nhiều cá thì mừng. Còn ông nhà tui đánh cá hay dữ lắm, tui đi bán cũng cực khổ đâu có ít” - vợ ông Hai Hón nhớ lại câu chuyện đã ba, bốn chục năm qua.
Bắt cá bông lau hoài cũng chán, ông Hai Hón và anh rể rủ nhau đi mua lưới cá lớn. “Bắt cá lớn phải đầu tư lớn. Tui bán con bò cũng không đủ tiền mua tay lưới” - ông Hón nói háo hức, thế nhưng những chuyến lưới đầu tiên ông bỗng trở nên... nhát gan.
Lúc kéo lưới ở Bún Nhà Máy, vịnh nước sâu nhất của Vàm Nao vốn dành cho những tay lưới cao thủ, ông đã hốt hoảng khi cá kéo phăng tay lưới và “lên tim (thở) nào tim mấy bằng cái tô”.
“Thiệt tình là lúc đó một mình tui không dám thăm lưới - ông Hón nhớ lại - Thấy có động, bầy cá nược cũng xáp tới. Tui sợ nên kêu “nó dính lưới rồi mấy ông ơi”, vậy là bầy nược bỏ đi”. Lần đó vất vả lắm ông Hón và các ngư dân tiếp sức đã kéo lên con cá đuối nặng cả trăm ký.
“Vàm Nao cá đã dữ rồi, nhưng ở đoạn chảy ra sông Hậu là cá dữ tợn nhất” - ông Hón nói, khi có cá hô hay cá tra dầu nào mắc lưới thì y như rằng các con cá còn lại bỏ ra xa làm xáo động một vùng nước khác.
“Mình không hiểu chúng hoảng sợ hay giận dữ. Nhưng có một con cá hô dính lưới là mấy con khác qua bờ bên kia đập nước ầm ầm” - ông Hón nhớ lại. Khi một con cá vồ cờ dính lưới thì các con còn lại giương cờ quần quanh khúc sông nơi con cá bị tóm.
Đó là cái thời cá đủ nhiều để “đoàn kết”, để các ngư dân lão luyện còn biết vùng nước còn bao nhiêu cá mà bủa lưới.
Đó là khi những ngư dân giỏi nghề còn biết rằng khúc sông nào còn kình ngư để mà đón bắt. Cho đến khi nhiều ngư dân nói họ không dám chắc trên dòng Vàm Nao có còn cá hay không. Lần lượt những ngư dân xếp lại những tay lưới bắt kình ngư để giăng lưới bắt những loài cá nhỏ khác.
Rồi lâu lâu lại rộ lên chuyện có ngư dân bắt dính cá khủng. Sau những sự kiện đó, người ta tin rằng dòng Vàm Nao vẫn là lãnh địa của những loài cá đặc biệt. Lại có người bi quan thở dài: biết đâu đó lại là con cá cuối cùng còn sót lại.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dong-song-thuy-quai-976135.htm
Nguồn: https://tuoitre.vn/dong-song-thuy-quai-976135.htm
Cá nược hồi sinh tốt ở Campuchia
15/12/2019 19:43 GMT+7
TTO - Campuchia đã chào đón 13 con cá heo Irrawaddy (còn gọi là cá nược, cá heo nước ngọt) mới sinh ở các tỉnh Kratie và Stung Treng trong năm nay, theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).
Theo báo Khmer Times của Campuchia, WWF cho biết một nhóm nghiên cứu của họ đã phát hiện thêm được con cá nược mới sinh trong chuyến thám hiểm đến khu bảo tồn cá nược ở làng Sambok thuộc tỉnh Kratie.
Đây là con cá mới sinh thứ 13 được ghi nhận trong năm 2019 với 6 ở tỉnh Stung Treng và 7 ở Kratie. Như vậy hiện có hơn 100 con cá nược tại Campuchia.
Báo Bangkok Post của Thái Lan ngày 15-12 dẫn thông tin từ ông Pav Kimhort - chánh văn phòng cảnh sát huyện Chetr Borei - cho biết lực lượng của ông đã hợp tác với WWF và các quan chức ngành thủy sản thường xuyên tuần tra bảo vệ môi trường sống của cá nược.
"Một số người dân ở địa phương vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của cá nược ở sông Mekong - sĩ quan Kimhort giải thích về lý do phải thường xuyên tuần tra - Người dân vẫn cứ đánh bắt cá bất hợp pháp và chuyện đó đe dọa môi trường sống của cá nược".
Ông cho biết phải thường xuyên giải thích với người dân địa phương là họ phải giúp bảo vệ cá nược để chúng không còn gặp nguy hiểm nữa, và như thế thì nhiều khách du lịch sẽ đến tham quan, đem lại nguồn tiền cho địa phương.
Trong khi đó ông Eng Cheasan, tổng giám đốc của cơ quan thủy sản địa phương, gần đây cho biết có một chục cá nược chào đời trong năm 2015, có 11 con trong năm 2016, thêm 9 con trong năm 2017 và 9 con khác vào năm ngoái.
Cá nược từng bị đưa vào sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế do số lượng giảm sút nhanh. Từ con số 200 con năm 1997 xuống còn 80 con trong năm 2015 do môi sinh suy thoái vì các con đập thủy điện trên sông Mekong và các hoạt động đánh bắt tăng mạnh.
Tình hình hồi phục hiện nay là kết quả sau nhiều năm nỗ lực của các cơ quan bảo tồn Campuchia và WWF thông qua các biện pháp như tăng cường tuần tra trên sông, phát hiện và dỡ bỏ những lưới đánh bắt giăng sẵn.
Các nhà tổ chức tour du lịch trên sông cũng được cho là đóng góp một phần công sức cho nỗ lực khôi phục số lượng cá thể cá nược khi thường xuyên phát giác các hoạt động câu và giăng lưới trộm trên sông.
Cá heo Irrawaddy (còn gọi là cá heo nước ngọt, cá nược), nổi bật với phần trán nhô cao ra phía trước và chiếc mũi ngắn, từng xuất hiện rất nhiều dọc dòng sông Mekong trước khi co cụm lại trong khoảng sông kéo dài 190km từ miền trung tới miền bắc Campuchia, giáp biên giới Lào trong vài thập kỷ qua. Chúng còn xuất hiện tại các dòng sông và hồ ở Myanmar, Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan.
Bình luận (3)
- sanhNhớ lời Má kể ngày xưa khoảng năm 1950 khi chèo thuyền trên sông Tiền, sông Hậu vẫn còn "ông nược" bơi cặp theo mạng thuyền đùa giỡn với con người. Việt Nam nên xin Camphuchia vài con giống về gây đàn trở lại ở...+
- 0
- Trả lời
- 3 giờ trước
- 0 Trả lời
- Hai lúaVà niềm vui đã quay trở lại
- 0
- Trả lời
- 4 giờ trước
- 0 Trả lời
- Nguyễn Phong PhúCó lẽ sở dĩ "ông nược"bị tuyệt chủng ở Việt Nam cũng là do con người khai thác thủy sản bằng xung điện quá mức nên ảnh hưởng. Cấm khai thác thủy sản bằng điện triệt để...cá nược cùng với nhiều loài thủy sản sẽ...+
- 16
- Trả lời