Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương Mở và Tự do của Mỹ




Chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương Mở và Tự do của Mỹ: Một góc nhìn từ Việt Nam


Print Friendly, PDF & Email
Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Tổng quan về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do
Thuật ngữ “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do” gần đây đã trở nên phổ biến, đặc biệt là sau khi chính quyền Trump lựa chọn chiến lược này làm chính sách chủ chốt của mình ở châu Á. Nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, lẽ dĩ nhiên các nước Đông Nam Á muốn hiểu rõ khái niệm an ninh mới này có ý nghĩa như thế nào đối với toàn khu vực cũng như từng quốc gia riêng lẻ. Việt Nam, vốn tích cực can dự các nước thành viên ASEAN khác và các cường quốc khu vực then chốt để định hình môi trường an ninh của mình, đặc biệt quan tâm đến cách thức chiến lược này sẽ được triển khai như thế nào.
Bài viết này phân tích những thách thức và cơ hội mà Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do của chính quyền Trump mang lại cho Việt Nam, các phản ứng ban đầu của Việt Nam đối với chiến lược, và cách Việt Nam có thể tham gia vào quá trình tiến hóa của chiến lược trong tương lai.
Được đưa ra lần đầu bởi nhà chiến lược người Ấn Độ Gurpreet S. Khurana trong một bài luận năm 2007, thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã dần được một số cường quốc khu vực, đáng chú ý nhất là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Indonesia và Hoa Kỳ, sử dụng để miêu tả cấu trúc địa chính trị mới bao trùm của khu vực. Tuy nhiên, chỉ đến khi khái niệm này được sử dụng bởi chính quyền Trump trong cái gọi là “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do” thì thuật ngữ này mới thực sự trở nên nổi tiếng và thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Trong các chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng công bố vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, chính quyền Trump khẳng định “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La năm 2018 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gọi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là “một tập hợp con của chiến lược an ninh rộng lớn hơn, qua đó pháp điển hóa các nguyên tắc của chúng tôi khi nước Mỹ tiếp tục nhìn về phía Tây”. Những “nguyên tắc” này trong thực tế không phải là mới. Như John Lee đã lập luận, “về bản chất, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương  Mở và Tự do là một sự tái khẳng định trật tự an ninh và kinh tế dựa trên các quy tắc đã tồn tại kể từ sau Thế chiến II.”
Đã có các cuộc tranh luận về phạm vi địa lý cũng như ý nghĩa của khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do ” của Mỹ. Tuy nhiên, về phạm vi địa lý, trong một bài nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã định nghĩa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và các quốc gia bao quanh”. Trong khi đó, tại một cuộc họp báo vào đầu tháng 4 năm 2018, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex N. Wong đã đưa ra một giải thích về khái niệm này, cung cấp thông tin về cách chính quyền Trump định nghĩa các khía cạnh “tự do” và “mở”. Bảng sau tóm tắt các thuộc tính quan trọng của khái niệm theo cách giải thích của Wong:
Khía cạnhThuộc tính
Tự doTự do không bị cưỡng ép
Quản trị tốt (tôn trọng các quyền cơ  bản, minh bạch, chống tham nhũng)
MởCác tuyến giao thông đường biển và đường không mở
Tiếp vận (cơ sở hạ tầng) mở
Đầu tư mở
Thương mại mở (thương mại tự do, công bằng và có đi có lại)
Mặc dù khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP) theo định nghĩa của Wong có thể được xem như là một sự khẳng định lại trật tự an ninh kinh tế dựa trên các luật lệ từ sau Thế chiến II, một số thuộc tính khiến nó trở nên khác biệt đáng kể so với các chiến lược khu vực trước đây của Hoa Kỳ, bao gồm chiến lược “tái cân bằng” của chính quyền Obama.
Thứ nhất, khái niệm FOIP đã mở rộng phạm vi địa lý của chiến lược để bao gồm cả Ấn Độ Dương và thừa nhận vai trò mà Ấn Độ có thể nắm giữ trong kiến ​​trúc địa -chiến lược đang biến đổi của khu vực. Việc đưa Ấn Độ vào chiến lược cũng quan trọng nếu xét lập trường ngày càng cứng rắn của New Delhi đối với Trung Quốc và vị trí địa lý quan trọng của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương. Thứ hai, dù chiến lược ở mức độ nào đó là một sự “đặt tên lại” cho chiến lược tái cân bằng của chính quyền Obama, nhưng hàm ý chống Trung Quốc của nó dường như rõ nét hơn. Ví dụ, việc nhấn mạnh tính chất tự do không bị cưỡng ép và tự do hàng hải – hàng không gợi nhắc tới các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi lời kêu gọi duy trì hậu cần và cơ sở hạ tầng mở dường như thách thức Sáng kiến Vành đai và Con đường vốn tìm cách thiết lập một mạng lưới cơ sở hạ tầng độc quyền do Trung Quốc tài trợ trên toàn khu vực. Tương tự, việc Mỹ kêu gọi đầu tư mở và thương mại tự do, công bằng, có đi có lại gợi nhớ tới cuộc chiến thương mại giữa hai nước, trong đó Washington đã cáo buộc Bắc Kinh có các hành vi thương mại và đầu tư không công bằng. Thứ ba, mặc dù việc Mỹ sẽ triển khai chiến lược như thế nào vẫn chưa rõ, việc tăng cường hợp tác chiến lược trong “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) có thể cung cấp một phương tiện giúp Washington thực hiện chiến lược. Nói cách khác, nếu Bộ Tứ có thể tăng cường hợp tác chiến lược nội bộ một cách thực chất và Washington có thể tận dụng cơ chế này để mở rộng ảnh hưởng chiến lược trong khu vực, thì chiến lược FOIP có thể tỏ ra hiệu quả hơn so với chiến lược tái cân bằng của chính quyền Obama vốn bị chỉ trích là đã không ngăn cản được Trung Quốc thách thức luật pháp và trật tự quốc tế, cũng như phá hoại ưu thế chiến lược của Washington trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, chiến lược đã được nhiều nhà quan sát Trung Quốc nhìn nhận như một công cụ giúp Hoa Kỳ và các đồng minh chống lại sự trỗi dậy và ảnh hưởng mở rộng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cách giải thích này dường như càng hợp lý hơn nếu xét những luận điệu và hành động ngày càng chống Trung Quốc của chính quyền Trump trong những tháng gần đây, đặc biệt là việc Mỹ xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” và cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang mà Washington tiến hành chống Bắc Kinh. Mặc dù đồng ý về ý định chống Trung Quốc nói chung của chiến lược, các nhà chiến lược Trung Quốc dường như có quan điểm khác nhau về các mục tiêu cụ thể của Washington. Ví dụ, Liang Fang, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc lập luận rằng động cơ của chiến lược này là ngăn chặn Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc mở rộng ra Ấn Độ Dương và xây dựng một cơ chế chung mới giữa Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng lại Bắc Kinh, qua đó tránh được nguy cơ đối đầu trực tiếp Mỹ-Trung. Một học giả Trung Quốc khác khẳng định rằng chiến lược này là phương tiện để chính quyền Trump đẩy trách nhiệm an ninh khu vực sang cho các đồng minh và đối tác an ninh của mình trong bối cảnh Mỹ nỗ lực tập trung vào các vấn đề trong nước và các thách thức an ninh ở các nơi khác trên thế giới. Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu thậm chí còn đi xa tới mức cho rằng mục đích của chiến lược là “kích động Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu dài hạn”, kiểm soát sự nổi lên của Ấn Độ, và tăng cường sự kiểm soát của Washington đối với khu vực Ấn Độ Dương.
Chiến lược FOIP hiện vẫn là một tầm nhìn chứ chưa phải là một chiến lược cụ thể với các mục tiêu, biện pháp thực hiện hoặc khung thời gian chi tiết. Tuy nhiên, vì chiến lược này nhiều khả năng vẫn là một điểm cốt lõi trong chính sách an ninh khu vực của Mỹ trong những năm tới do xu hướng tiếp tục tăng cường cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, giai đoạn định hình chính sách hiện tại cũng tạo cơ hội cho các nước trong khu vực tham gia cùng Mỹ và các đồng minh của nước này nhằm định hình chiến lược theo cách nào đó phù hợp nhất với lợi ích quốc gia của họ.
Các phản ứng ban đầu của Việt Nam đối với chiến lược
Xét bề ngoài, chiến lược FOIP của Mỹ theo định nghĩa của Alex N. Wong phần lớn tương thích với các lợi ích quốc gia của Việt Nam. Là một bên tham gia tranh chấp Biển Đông và dễ bị tổn thương trước quyền lực ngày càng lớn và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ một trật tự khu vực dựa trên quy tắc và không tồn tại sự ép buộc. Tương tự như vậy, tự do hàng hải và hàng không cũng là những gì Việt Nam tìm cách thúc đẩy như một lá cờ tập hợp lực lượng để huy động sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh của mình chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Là một nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư nước ngoài, đồng thời đang tìm cách nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, các thuộc tính kinh tế khác của chiến lược, như cơ sở hạ tầng mở, đầu tư mở và thương mại mở, cũng phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung. Thuộc tính duy nhất có thể gây ra một số bất an trong giới lãnh đạo Việt Nam là việc nó nhấn mạnh vào quản trị tốt, đặc biệt là sự tôn trọng các quyền cơ bản. Tuy nhiên, do hai nước đã nhiều lần cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau và Washington ít phê phán hơn đối với hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong những năm gần đây, thuộc tính này không phải là mối quan ngại quá lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là nếu xét các lợi ích chiến lược mà các thuộc tính khác của chiến lược có thể mang lại cho đất nước.
Như vậy, người ta có thể mong đợi Việt Nam sẽ ủng hộ chiến lược này. Tuy nhiên, phản ứng của Hà Nội đối với chiến lược cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Ở cấp độ không chính thức, có rất ít cuộc thảo luận công khai giữa các nhà chiến lược và học giả Việt Nam về chính sách, tác động của nó đối với Việt Nam, cũng như cách Việt Nam nên phản ứng với chính sách này như thế nào. Trong một bài bình luận hiếm hoi về chiến lược của một tác giả Việt Nam, Phạm Minh Thu, một quan chức thuộc Vụ Châu Mỹ của Bộ Ngoại giao, cho rằng chiến lược FOIP của Mỹ đại diện cho “một cách tiếp cận mới đối với một chiến lược cũ”. Tác giả khẳng định rằng việc triển khai chiến lược và Bộ Tứ sẽ đối mặt với những thách thức do sự không sẵn sàng của Ấn Độ, sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, và cam kết bị nghi ngờ của Mỹ đối với khu vực. Do đó, tác giả kết luận rằng sự thành công của chiến lược sẽ phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ cũng như sự tiếp nhận chiến lược của các nước trong khu vực.
Ở cấp độ chính thức, giới chức Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về chiến lược. Vì chiến lược vẫn đang trong giai đoạn hình thành và được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như một công cụ để Hoa Kỳ “kiềm chế” Trung Quốc, nên Hà Nội không có lợi ích trong việc đưa ra lập trường công khai về chiến lược này. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam có thể chưa đạt được nhận thức chung về chính sách này. Một vài bằng chứng cho thấy rằng các tranh luận nội bộ về chiến lược có thể đang diễn ra, và dường như có những quan điểm khác nhau về cách phản ứng của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 3 năm 2018, hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung gián tiếp ủng hộ chiến lược FOIP bằng cách đề cập đến một số yếu tố then chốt của nó. Cụ thể, hai bên “nhắc lại tầm quan trọng của việc đạt được một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, nơi chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, phát triển bền vững, và một hệ thống thương mại và đầu tư tự do, công bằng và mở được tôn trọng.”
Trong bài phát biểu về quan hệ song phương tại Thư viện Bảo tàng Nehru vào ngày 4 tháng 3 năm 2018, ông Quang đã sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương- Châu Á-Thái Bình Dương” để mô tả “không gian an ninh và phát triển bao gồm Ấn Độ Dương, Châu Á và Thái Bình Dương”. Ông cũng đề nghị rằng để thế kỷ 21 trở thành “Thế kỷ Ấn Độ Dương- Châu Á-Thái Bình Dương “, các nước trong khu vực phải:
  1. chia sẻ một tầm nhìn chung về một khu vực mở và dựa trên quy tắc, và một lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng bao trùm;
  2. bảo vệ quyền tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở và không để cho Ấn Độ Dương – Châu Á -Thái Bình Dương bị phân chia thành các khu vực ảnh hưởng;
  3. xây dựng một không gian chung cho cùng tồn tại và phát triển với niềm tin rằng Ấn Độ Dương – Châu Á-Thái Bình Dương đủ rộng lớn để mọi quốc gia cùng phát triển và thịnh vượng; và
  4. thiết lập các cơ chế hiệu quả nhằm duy trì hòa bình, ổn định và pháp quyền, để đảm bảo an ninh chung, ngăn chặn xung đột và chiến tranh, và giải quyết các thách thức an ninh một cách hiệu quả.
Chủ tịch Trần Đại Quang cũng ca ngợi sự phát triển hòa bình của Ấn Độ là “một yếu tố quan trọng và mang tính xây dựng đối với hòa bình và ổn định khu vực” và tuyên bố rằng “với những đóng góp to lớn và tiềm năng của mình, Ấn Độ chắc chắn xứng đáng có vai trò lớn hơn trong khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới”.
Do thông báo chung và bài phát biểu của ông Quang được các quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì chuẩn bị, Bộ Ngoại giao dường như đã tiếp thu những nội dung then chốt của chiến lược FOIP và ủng hộ vai trò lớn hơn của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh và kinh tế của khu vực.
Trong khi đó, tại Đối thoại Shangri La lần thứ 17 tại Singapore vào đầu tháng 6 năm 2018, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, hầu như không đề cập đến chiến lược FOIP mặc dù các thảo luận về chiến lược này chiếm phần lớn nghị trình cuộc Đối thoại, đồng thời phiên thảo luận mà Tướng Lịch tham gia có chủ đề là “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của Châu Á”. Ở một mức độ nào đó, đây là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận thận trọng của các quan chức quốc phòng Việt Nam, hoặc việc họ chưa sẵn sàng thảo luận về chiến lược này một cách công khai do hàm ý chống Trung Quốc của nó. Điều này phần lớn nhất quán với cách tiếp cận của giới chức quốc phòng Việt Nam trong ứng xử với Trung Quốc và các cường quốc khu vực khác: cố gắng không tạo ra nhận thức rằng Việt Nam đang nghiêng về phía cường quốc này chống lại cường quốc khác.
Giống như hầu hết các nước khác trong khu vực, Việt Nam đang áp dụng thái độ “chờ xem”, và các phản ứng tương lai của Việt Nam đối với chiến lược sẽ phụ thuộc vào các tính toán của Hà Nội cũng như tình hình phát triển thực tế của chiến lược mà hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Cách tiếp cận thận trọng của Việt Nam cũng hợp lý bởi thực tế rằng trong khi Mỹ vẫn đang nỗ lực xây dựng một tầm nhìn chiến lược đáng tin cậy và nhất quán đối với khu vực, thì ba thành viên khác của nhóm Bộ Tứ cũng có thể có những tính toán riêng, khiến các nước khác trong khu vực càng có lý do để không vội vàng đưa ra một lập trường chính thức về chiến lược này.
Triển vọng Việt Nam tham dự vào chiến lược FOIP
Vì FOIP phần lớn vẫn là một tầm nhìn chứ chưa phải là một kế hoạch cụ thể hoặc một cơ chế được thể chế hóa, việc Mỹ sẽ triển khai chiến lược như thế nào vẫn là một câu hỏi mở đối với các nước trong khu vực. Có khả năng là thay vì thể chế hóa Bộ Tứ hoặc thiết lập một khối an ninh cứng nhắc để thực hiện chiến lược, Washington sẽ tìm cách thiết lập và tăng cường mạng lưới các đồng minh và đối tác an ninh để làm việc cùng nhau nhằm bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc và kiềm chế tham vọng thống trị khu vực của Trung Quốc. Trong kịch bản này, liệu chiến lược có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc các nước trong khu vực sẵn lòng hợp tác với Washington đến đâu để theo đuổi các mục tiêu chung này.
Do tranh chấp Biển Đông và tính dễ bị tổn thương trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, Việt Nam có lợi ích trong việc hợp tác với Hoa Kỳ và các đối tác an ninh khác để duy trì trật tự khu vực dựa trên quy tắc cũng như thúc đẩy một kiến ​​trúc an ninh khu vực không bị chi phối bởi bất kỳ cường quốc nào. Do đó, Việt Nam có thể ủng hộ chiến lược FOIP, mặc dù không nhất thiết phải làm điều đó một cách công khai. Về mặt ngoại giao, Việt Nam có thể làm việc với các đối tác cùng tư duy để đưa các yếu tố chính của chiến lược FOIP vào các tuyên bố chung song phương hoặc đa phương. Về mặt hoạt động thực tế, Việt Nam có khả năng tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược với các cường quốc, đặc biệt là các thành viên của nhóm Bộ Tứ, nhằm tăng cường an ninh hợp tác trong khu vực và nâng cao vị thế đàm phán của mình trước Trung Quốc.
Tuy nhiên, giống như hầu hết các thành viên ASEAN khác, do các mối quan hệ kinh tế rộng khắp với Trung Quốc, Việt Nam có thể không muốn tham gia một khối chống Trung Quốc cứng nhắc hoặc áp dụng một cách tiếp cận mang tính đối đầu công khai trong việc quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thay vào đó, Hà Nội dường như ưu tiên mạng lưới quan hệ an ninh hiện tại với các cường quốc lớn và các đối tác có cùng tư duy chiến lược, miễn là Trung Quốc không áp dụng một cách tiếp cận mang tính ép buộc quá mức đối với tranh chấp Biển Đông, điều có thể khiến Hà Nội chuyển sang một tư thế chiến lược mang  tính quyết đoán và đối đầu hơn.
Đồng thời, mặc dù Việt Nam và các nước trong khu vực có thể đóng một vai trò nhất định trong việc vận hành chiến lược FOIP, việc chiến lược có thành công hay
không chủ yếu sẽ do chính Hoa Kỳ quyết định. Theo đó, Washington cần thể hiện một tầm nhìn chiến lược nhất quán đối với khu vực dựa trên vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và các cam kết lâu dài đáng tin cậy. Mỹ cũng cần làm rõ Washington mong đợi các nước trong khu vực đóng vai trò như thế nào trong chiến lược, và đưa ra một kế hoạch hành động chi tiết để định hướng cho sự tham gia của các nước quan tâm nếu muốn. Quan trọng hơn, quá trình này nên được tiến hành dựa trên tham vấn giữa Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác. Bất kỳ nỗ lực nào của Washington nhằm áp đặt ý chí của mình lên các nước trong khu vực, ngay cả khi nhân danh một trật tự khu vực dựa trên quy tắc mở và tự do, cũng có thể sẽ phản tác dụng.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Perspective.


‘Nước cờ khai cuộc’ của TT Trump sẽ làm nóng cuộc đua Mỹ - Trung?

“Ấn Độ-Thái Bình Dương”, tên gọi mô tả không gian địa lý kết nối hai đại dương kéo dài từ bờ tây Mỹ sang bờ tây Ấn Độ đang trở thành một từ khoá của chính trị an ninh thế giới.
Tuy không mới, nhưng những cuộc tranh luận sôi nổi gần đây về chủ đề này đang dần làm sáng tỏ đường nét của một cuộc chơi có thể tạo ra những hệ quả lịch sử, lâu dài.
Bàn cờ lớn
Tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, nơi hướng ra Biển Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả cách tiếp cận mới của Mỹ đối với khu vực là “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở”. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 18/12, khái niệm này đã chính thức trở thành một nội dung nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ.
Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ gắn với khái niệm Tái cân bằng (trước đó có một giai đoạn ngắn gọi là chiến lược “Xoay trục”).
Hai chiến lược của hai đời Tổng thống Mỹ liên tiếp tuy giống nhau về mục đích, nhưng khác về phạm vi không gian địa lý, trong triển khai các biện pháp bảo vệ, thúc đẩy lợi ích, cũng như duy trì vai trò ảnh hưởng của Mỹ.
Chính quyền Trump rõ ràng đã thể hiện sự tin tưởng vào vai trò của biển và đại dương đối với tương lai thế giới như phân tích của nhà địa chính trị học nổi tiếng Alfred Mahan. Trong cuốn Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660 – 1783, Mahan đã tiên đoán Mỹ trở thành siêu cường nhờ sự che chắn và hỗ trợ của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Khác với chính quyền trước, Chính quyền Trump dường như chú ý hơn tới Ấn Độ Dương cũng như mối quan hệ quan trọng nhưng nhạy cảm giữa hai cường quốc khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Để đi xa hơn một bước, Chính quyền Trump chính thức đưa Ấn Độ cũng như các vùng biển xung quanh vào chiến lược mở rộng mới đối với khu vực.
Nhà chiến lược Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, từng khuyên nước Mỹ phải luôn nhìn vào "bàn cờ lớn" để "đọc" và xử lý chính xác những chuyển động trong nền chính trị toàn cầu.
‘Nước cờ khai cuộc’ của TT Trump sẽ làm nóng cuộc đua Mỹ - Trung?
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ trong cuộc tập cuộc trận trên biển thường niên mang tên Malabart giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ. Ảnh: US Navy
Những “kỳ thủ” chính
Trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của Chính quyền Trump, từ “Trung Quốc” xuất hiện 23 lần, gấp đôi số lần được đề cập trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2010 thời Chính quyền Obama.
Với mục tiêu trở thành “cường quốc biển”, Trung Quốc đã và đang tăng cường hiện diện và triển khai nhiều biện pháp chiến lược lâu dài tại biển Đông và biển Hoa Đông. Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc thiết lập căn cứ ở Djibouti, thuê cảng Hambantota (Sri Lanka), phát triển căn cứ tại cảng Gwadar (Pakistan) và đang tính toán lập thêm căn cứ ở Đông Phi và Maldives.
Về tầm nhìn, Trung Quốc cho rằng toàn cầu hóa là xu thế lịch sử không thể đảo ngược. Còn hành động thực tiễn là thúc đẩy sáng kiến “Vành đai Con đường”, trong đó có “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua nhiều nước và khu vực.
Về phía Ấn Độ, quốc gia lớn nhất Nam Á này vừa phải xử lý quan hệ phức tạp với Pakistan, Afghanistan ở phía Bắc, Nepal, Bhuttan và Bangladesh ở Đông Bắc vừa phải giải đáp bài toán liên quan đến tình hình mới trên các tuyến hàng hải trọng yếu nối Ấn Độ Dương với Trung Đông và Thái Bình Dương.
Tại New Dehli vào cuối tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề xuất xem Ấn Độ như thành tố quan trọng hàng đầu trong không gian chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tiếp ngay sau đó, Tổng thống Trump có chuyến thăm dài đến 5 nước châu Á, dự Cấp cao APEC tại Đà Nẵng và Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ tại Manila.
Cùng với đó, Chính quyền Trump tiếp tục khẳng định vai trò của Nhật Bản và trên thực tế Nhật Bản chính là một trong những quốc gia sớm nêu sáng kiến kết nối các đại dương. Nhật Bản cũng tích cực góp phần thiết lập cơ chế “Bộ tứ Kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ (Quad). “Bộ tứ” này được cho là hạt nhân trong tương lai nếu Chính quyền Trump tiếp tục theo đuổi Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Những chuyển động này tất yếu đặt ASEAN, một “kỳ thủ” khác, vào tình huống mới trong quá trình giữ và phát huy vai trò “trung tâm” trong các cấu trúc an ninh khu vực đang định hình.
Sắm sanh “xe pháo mã”
“Nền hòa bình thông qua sức mạnh” như đề cập trong chủ thuyết mới của Chính quyền Trump đi kèm với cái giá không nhỏ. Gần đây Chính quyền Trump tuyên bố tăng cường đầu tư cho sức mạnh quân đội, trong đó đặc biệt ưu tiên hải quân.
Không chỉ vận động Quốc hội thông qua khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục 700 tỷ đô la, Chính quyền Trump còn quyết tâm đảo ngược chương trình cắt giảm ngân sách tự động trong những năm tới (sequestration). Cụ thể hơn về hải quân, Lầu Năm Góc đang cân nhắc khoản ngân sách khoảng 81,3 tỷ USD để đóng mới 38 tàu chiến, thay thế tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, bổ sung thêm 9 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, 10 tàu khu trục lớp Arleigh Burke và một số tàu mặt nước khác với mục tiêu đến năm 2021, sẽ có quy mô lực lượng khoảng 308 tàu chiến.
Theo một thống kê, Trung Quốc đặt mục tiêu có 351 tàu chiến vào năm 2020. Số lượng chỉ là một phần của câu chuyện vì nếu đặt trong so sánh, các yếu tố khác như kinh nghiệm, khả năng và kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng con số đó góp phần cho thấy Trung Quốc đang ngày càng “tự tin” và có “lợi thế nhất định” như một đánh giá gần đây của RAND, cơ quan nghiên cứu gắn với Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trong bối cảnh đó, tuy vẫn chia sẻ nhu cầu duy trì ổn định, tránh xung đột, đối đầu ở cấp độ hệ thống nhưng Chính quyền Trump dường như đang muốn chủ động sắp đặt một bàn cờ lớn hơn cho cuộc chơi mới, lâu dài. Tại Ấn Độ Dương, Mỹ đã có căn cứ quân sự tại đảo Diego Garcia, cũng như tại Vùng Vịnh, Yemen và không loại trừ sẽ mở rộng thêm sự hiện diện.
Ván cờ mở
Trong tiên đoán về vai trò của biển và đại dương nói chung, Alfred Mahan đặc biệt đề cao Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo hai nhà nghiên cứu Toshi Yoshihara và James Holmes thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ học thuyết của Mahan. Bởi vậy, thực tế là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ đã và đang khai thác tư tưởng của nhà địa chính trị học yêu thích hàng đầu của họ.
Một cách công bằng, các viện nghiên cứu và trường đại học của Mỹ từ lâu cũng không lạ gì với “Binh pháp Tôn tử”.
Hay nói cách khác, cuộc chơi bây giờ là mở và công khai.
Người Mỹ cũng gọi Chiến lược của họ là “tự do và mở”. Tự do là tự do thông thương, tự do hàng hải như quy định của luật pháp và tập quán quốc tế. Lịch sử cho thấy Mỹ trở thành siêu cường một phần nhờ vào sức mạnh của hải quân và đi liền với đó là sự tự do thông thương và đi lại. Bởi vậy, một chiến lược kết nối không gian chiến lược biển-đại dương như vậy là có thể tiên đoán được từ góc nhìn lợi ích Mỹ. Vấn đề chính là sự triển khai và đây dường như mới chỉ là những nước cờ khai cuộc.
Thạch Hà
Nguồn:
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/an-do-thai-binh-duong-nuoc-co-khai-cuoc-cua-tt-trump-421508.html

Trong chiến lược an ninh mới, Mỹ đánh giá Trung Quốc thế nào?

22/06/2019
Tàu USS Blue Ridge của Mỹ trên Biển Đông South China Sea hồi tháng 4 năm 2019
Mỹ tuyên bố thẳng thừng Trung Quốc là ‘cường quốc xét lại’ trong chiến lược an ninh mới của mình và gọi những hành động của Trung Quốc là phá hoại ‘trật tự quốc tế dựa trên luật pháp’ trong khi các chuyên gia nhận định rằng chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Donald Trump khiến Mỹ khó lòng thực thi được chiến lược này.
Trong thuật ngữ quan hệ quốc tế, ‘cường quốc xét lại’ (revisionist power) tức là cường quốc mới nổi đòi sắp xếp lại trật tự thế giới có lợi cho mình và do đó đe dọa quyền lợi của ‘cường quốc nguyên trạng’ (status-quo power).
Sự đối đầu giữa ‘cường quốc nguyên trạng’ và ‘cường quốc xét lại’ dẫn đến điều mà các học giả quan hệ quốc tế gọi là ‘bẫy Thucydides’, tức là nguy cơ chiến tranh giữa hai bên. Lịch sử ghi nhận những lần trỗi dậy của ‘cường quốc xét lại’ đều dẫn đến chiến tranh.
Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 1/6 đã đặt ‘cường quốc xét lại’ Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ, theo sau là Nga – ‘phần tử hiểm ác đang hồi sinh’ – và cuối cùng là Triều Tiên – ‘quốc gia lưu manh’.
Báo cáo này trình bày về nội dung an ninh, một trong ba trụ cột của chiến lược mới này bên cạnh kinh tế và quản trị.
‘Phá hoại trật tự quốc tế’
Mặc dù thừa nhận là sự trỗi dậy về chính trị, kinh tế, quân sự của Trung Quốc là một trong những yếu tố định hình thế kỷ 21, báo cáo này cho rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang đối mặt với một Trung Quốc ngày càng tự tin và quả quyết vốn sẵn sàng chấp nhận xung đột để theo đuổi các lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh ngày càng rộng lớn của mình.
“Có lẽ không có quốc gia nào hưởng lợi nhiều hơn từ trật tự thế giới và khu vực mở và tự do hơn Trung Quốc,” báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ viết. “Ấy vậy mà trong khi người dân Trung Quốc khao khát thị trường tự do, công bằng và pháp trị, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã phá hoại trật tự quốc tế từ bên trong bằng cách tận dụng những lợi ích nó đem lại đồng thời làm xói mòn các giá trị và nguyên tắc của trật tự dựa trên pháp luật.”
Lầu Năm Góc đánh giá mục tiêu của Trung Quốc trong lúc nước này ngày càng vươn lên về kinh tế và quân sự là ‘bá chủ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai gần và cuối cùng là áp đảo toàn cầu về lâu dài’.
Để thực hiện mục tiêu này, về quân sự, Bắc Kinh đang đầu tư vào một phạm vi rộng lớn các chương trình quân sự và vũ khí nhằm cải thiện khả năng thực thi sức mạnh, hiện đại hóa năng lực hạt nhân và tiến hành các chiến dịch ngày càng phức tạp trong các lĩnh vực như không gian, không gian mạng và tác chiến điện tử.
“Trung Quốc cũng đang phát triển một loạt các năng lực chống tiếp cận vốn có thể được dùng để ngăn các nước hoạt động ở những khu vực ngoài biên của họ, trong đó có vùng trời và vùng biển vốn mở rộng cho các nước sử dụng,” báo cáo viết.
Lầu Năm Góc chỉ ra hai khu vực đáng lo ngại với các hoạt động quân sự của Trung Quốc là Biển Đông và eo biển Đài Loan. Ở Biển Đông, Trung Quốc bị chỉ trích là tiếp tục quân sự hóa vùng biển này với việc lắp đặt các phi đạn hành trình chống hạm và phi đạn đất đối không tầm xa trên những thực thể có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa và triển khai các lực lượng bán quân sự trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước khác.
“Những hành động này làm nguy hại cho dòng chảy thương mại tự do, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại ổn định khu vực. Những hành động như thế không nhất quán với các nguyên tắc của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do,” báo cáo viết.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chỉ ra rằng ‘Trung Quốc sử dụng tuần tự các bước đi nhỏ, dần dần, nằm ở khoảng giữa quan hệ hòa bình và thù địch công khai để đạt được mục tiêu của mình trong khi giữ cho chúng dưới ngưỡng của một cuộc xung đột vũ trang.” Chiến lược này biết đến với tên gọi ‘vùng xám’ do tính lờ mờ, không rõ ràng của nó khiến các nước bị ảnh hưởng khó lòng đáp trả quả quyết.
Còn đối với Đài Loan, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã tăng cường tuần tra xung quanh vùng trời Đài Loan với các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay do thám.
“Trong thập niên qua, Trung Quốc tiếp tục tập trung vào các năng lực chuẩn bị cho các tình huống liên quan đến Đài Loan. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ sử dụng sức mạnh quân sự đối với Đài Loan và tiếp tục phát triển cũng như triển khai các khí tài quân sự tối tân cần cho một chiến dịch quân sự có khả năng,” báo cáo viết.
‘Bắt nạt về kinh tế’
Báo cáo chiến lược mới của Mỹ cũng nêu mối quan ngại về những hành vi kinh tế mang tính ‘bắt nạt’ của Trung Quốc đối với các nước nhỏ có tranh chấp. Đây là điểm mới so với chiến lược tái cân bằng dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh chính quyền Donald Trump có tranh chấp với Trung Quốc trên một loạt vấn đề từ thương mại đến các chính sách cạnh tranh không công bằng.
Trong những hành vi kinh tế mang tính ‘bắt nạt’, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp phi quân sự, bao gồm các công cụ kinh tế, để gây sức ép với các nước có căng thẳng chính trị với Trung Quốc.
“Trung Quốc sử dụng các biện pháp dẫn dụ và trừng phạt về kinh tế, các chiến dịch gây ảnh hưởng kết hợp cùng đe dọa quân sự ngầm để thuyết phục các nước tuân theo nghị trình của họ,” báo cáo viết.
Theo Lầu Năm Góc thì đầu tư của Trung Quốc ‘thường đem đến những tác động kinh tế tiêu cực hay cái giá phải trả đối với chủ quyền của những nước tiếp nhận đầu tư’ do sự đầu tư và cấp vốn của Trung Quốc ‘bỏ qua những cơ chế thị trường thông thường’ sẽ ‘dẫn đến chuẩn mực thấp và giảm thiểu cơ hội cho các công ty và nhân công bản địa và gây tích lũy nợ đáng kể’.
“Các thỏa thuận làm ăn khuất tuất và một chiều không nhất quán với các nguyên tắc của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do.”
Báo cáo dẫn lời của Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong một buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hồi tháng 2 năm nay rằng cách vận dụng các đòn bẩy kinh tế của Bắc Kinh ‘có thể làm tổn hại đến quyền tự quyết của các nước trong khu vực… tiền đến dễ dàng trong ngắn hạn nhưng đều đi kèm điều kiện ràng buộc, nợ không bền vững, tính minh bạch sụt giảm, những giới hạn của nền kinh tế thị trường và khả năng mất kiểm soát tài nguyên thiên nhiên’.
Tuy nhiên, báo cáo nói rằng Mỹ ‘không chống đối những hoạt động đầu tư của Trung Quốc miễn là họ tôn trọng chủ quyền và pháp trị, cấp vốn có trách nhiệm, và hoạt động một cách minh bạch và bền vững về kinh tế’.
“Nhưng Mỹ có quan ngại nghiêm trọng đối với khả năng Trung Quốc biến những gánh nặng nợ không bền vững của các nước mượn nợ thành quyền tiếp cận chiến lược và quân sự cho Trung Quốc, bao gồm việc chiếm hữu các tài sản thuộc chủ quyền quốc gia làm vật thế nợ,” báo cáo viết.
‘Không nhất thiết xung đột’
Trên tờ Diplomat, nhà phân tích chính trị Ankit Panda bình luận rằng việc báo cáo này xem Trung Quốc là ‘đối thủ cạnh tranh chiến lược’ là điều khác biệt đáng quan trọng nhất nhưng cũng ít gây bất ngờ nhất so với chiến lược ‘xoay trục’ hay ‘tái cân bằng’ sang châu Á của ông Obama vốn là nền tảng chủ chốt cho chiến lược mới này dựa vào để phát triển thêm.
“Chính quyền Obama, vốn rất không muốn đối đầu hay cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, đã né tránh gọi Trung Quốc là ‘cường quốc xét lại’ và giữ cho cơ chế cạnh tranh với Bắc Kinh ở mức độ ngấm ngầm. Việc báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đưa điều này thành chủ đề trọng tâm là điều ít gây ngạc nhiên nhất,” ông Panda phân tích.
Trao đổi với VOA, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Autralia, nói rằng việc Mỹ gọi Trung Quốc là ‘cường quốc xét lại’, vốn đã xuất hiện từ Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, không nhất thiết có hàm ý nói về sự xung đột không thể tránh khỏi giữa hai nước mà là Trung Quốc ‘đang hành xử không tuân thủ luật lệ và chuẩn mực’.
“Bản báo cáo đã nói hết sức thành thực rằng Trung Quốc tìm cách trở thành bá chủ ở khu vực Thái Bình Dương và muốn có trở thành cường quốc áp đảo toàn cầu. Cho nên đó là thách thức đối với Mỹ,” ông Thayer giải thích.
“Trung Quốc đang có sự phát triển quân sự cũng như kinh tế và không gian mạng – điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể dùng thế mạnh này để thúc đẩy lợi ích của họ,” ông nói thêm. “Và điều này thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Tuy nhiên, ông Thayer cũng lưu ý rằng bản báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nói rằng nếu quân đội hai nước tiếp tục gặp gỡ và cùng nhau xác định các luật lệ để hành xử thì họ có thể tránh hiểu lầm và do đó giảm nhẹ nguy cơ về một cuộc đối đầu không tránh khỏi giữa cường quốc xét lại và cường quốc nguyên trạng.
Theo ông Thayer thì bản báo cáo nhấn mạnh việc Trung Quốc có những hành động quả quyết nhưng ‘giữ cho chúng dưới ngưỡng gây ra một cuộc xung đột’, tức chiến thuật ‘vùng xám’, và nhờ vào đó, họ từng bước họ có thể làm xói mòn vị thế áp đảo mà Mỹ có được ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng cách đánh giá Trung Quốc của chính quyền Trump khác với chiến lược ‘tái cân bằng’ của chính quyền Obama như thế nào, ông Thayer nói chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘thẳng thừng hơn’ trong việc chỉ đích danh những ‘hành vi xấu’ của Trung Quốc.
“Sự ‘xoay trục’ của chính quyền Obama chỉ là nói rằng lợi ích của nước Mỹ nằm ở châu Á-Thái Bình Dương đang vươn lên do sức nặng kinh tế quan trọng của khu vực này cho nến Mỹ phải xác định lại các ưu tiên,” ông giải thích.
Tuy nhiên ông cho rằng việc gọi tên là ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ chỉ là một sự ‘thay đổi cách gọi’ so với thời Obama.
“Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ không hề thay đổi phạm vi hoạt động dưới chiến lược mới này,” ông nói và bày tỏ nghi ngờ rằng chính quyền Trump sẽ thật sự chú tâm đến khu vực này khi mà nguồn lực của nước Mỹ tiếp tục bị căng ra cho nhưng ưu tiên khác trong lúc ông Trump đang bận tâm về vấn đề Iran.”
Sự thất thường của ông Trump
Mặc dù khen ngợi bản báo cáo của Lầu Năm Góc về chiến lược mới, ông Thayer nói rằng từng vấn đề cụ thể nào muốn thành hiện thực ‘đều phải thu hút sự chú ý của ông Trump’.
“Cho dù chiến lược có tốt cũng trở thành vô nghĩa bởi vì anh phải thực hiện những gì Tổng thống muốn,” ông nói.
“Anh có một chiến lược về quân sự quốc phòng có gắn kết với khía cạnh kinh tế. Và nếu ông Trump có thể đạt được thỏa thuận với ông Tập (về thương mại tại hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới ở Nhật), ông ấy có thể ra bất cứ quyết định nào về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu muốn,” ông nói thêm.
“Do đó nó khiến các đồng minh của Mỹ bất an.”
Khi được hỏi mục tiêu ‘kết nối’ (promoting a networked region), tức là lôi kéo các nước đồng minh và đối tác của Mỹ cùng xây dựng một mạng lưới an ninh chung, như báo cáo nêu ra có thể thực hiện được hay không khi ông Trump dị ứng với chủ nghĩa đa phương và đề cao phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’, ông Thayer nhắc lại trên vấn đề thương mại, chính sách của ông Trump chỉ là ‘quý vị hoặc phải đạt thỏa thuận thương mại với chúng tôi hoặc chúng tôi sẽ đánh thuế quý vị’.
Ông đưa ra ví dụ là ông Trump đe dọa các đồng minh Nhật và Hàn Quốc phải tái đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ trong khi Mỹ có lợi ích an ninh chung với các nước này trên vấn đề Triều Tiên và gọi đó là ‘chiến lược rối rắm của Mỹ’.
“Không có chủ nghĩa đa phương gì hết trên vấn đề kinh tế trong chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói và dẫn ra việc ông Trump đã hủy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ thời Obama ngay khi lên nắm quyền trong khi Việt Nam, một đối tác quan trọng trong chiến lược an ninh của Mỹ, là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đổ tiền bạc để thực hiện Ý tưởng Vành đai-Con đường nhằm lôi kéo các nước về phía mình, còn ông Trump đã bỏ qua các diễn đàn khu vực ở Singapore và Papua New Guinea hồi năm ngoái để cho phó Tổng thống Mike Pence đi thay.
“Chủ nghĩa đa phương là vấn đề rất được coi trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhất là đối với các nước ASEAN. Trung Quốc đang làm tốt hơn Mỹ bằng cách xuất hiện (tại các diễn đàn khu vực) và vung tiền ra,” ông Thayer giải thích.
Vì sự rối rắm, không rõ ràng và thiếu nhất quán trong các chính sách của ông Trump mà các nước trong khu vực ‘phải đề phòng’ bởi vì ‘họ không biết mọi chuyện sẽ xảy đến như thế nào’, ông phân tích, chẳng hạn bất thình lình ông Trump quyết định đánh thuế đối với Việt Nam.
Ông Thayer dẫn lại câu trả lời của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn với New York Times hồi năm 2017 rằng vũ khí của ông để giải quyết tất cả mọi vấn đề trên thế giới, từ khủng hoảng cho đến đàn áp, là ‘thuế quan và thuế quan’.
Ông cho rằng việc ông Trump chỉ tập trung vào cán cân thương mại trong các vấn đề ở khu vực đã ‘bóp méo bản chất mối quan hệ’ và cách hành xử của Mỹ ‘làm suy yếu vai trò lãnh đạo’ của chính họ trong khu vực.
“Nếu anh nhảy lên một con tàu mà có thể đổi hướng ngay ngày mai thì anh sẽ về đâu?” ông nói ví von về lập trường các nước trong khu vực trước sự thất thường của Mỹ.
Biển Đông bị đẩy ra sau?
Khi được hỏi nếu ông Trump quan tâm đến vấn đề thương mại như vậy, liệu ông có bỏ qua hay coi nhẹ Biển Đông hay không, ông Thayer cho rằng nếu ông Trump có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, ông có thể đề cao khả năng đàm phán của mình để đem lại lợi ích cho nước Mỹ với các cử tri. Do đó, vấn đề Biển Đông có thể bị đẩy ra ngoài danh sách ưu tiên (của ông Trump).
“Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. Nhưng sau đó chúng ta hiếm khi nghe ông Trump nói một lời về việc này bởi vì ông ấy tập trung vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc,” ông Thayer nêu ví dụ và cho rằng Biển Đông sẽ càng bị lu mờ trong nghị trình của chính quyền Trump nếu căng thẳng dâng cao ở eo biển Đài Loan.
Ông cũng chỉ trích việc báo cáo chiến lược mới này chỉ nêu việc Trung Quốc triển khai khí tài ra các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông mà không nêu ra chiến lược gì để đối phó và để buộc Trung Quốc ‘phi quân sự hóa’.
“Chúng ta không thật sự thấy điều này mà chúng ta chỉ thấy hành động nhỏ giọt,” giáo sư Thayer nói. “Hải quân Mỹ vẫn duy trì các cuộc tuần tra tự do hàng hải thường xuyên nhưng các cuộc tuần tra này không thách thức chủ quyền quá mức của Trung Quốc trên Biển Đông.”
“Theo tôi thì Mỹ không có một chiến lược bao trùm để kết nối các biện pháp kinh tế quân sự lại với nhau để hướng đến một nỗ lực nhất định.”
“Do đó Biển Đông được để cho sôi nhẹ, được để lại phía sau và vẫn chưa liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại,” ông Thayer nói thêm.
“Mỹ muốn điều gì? Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do? Tự do thương mại? Thế còn phi quân sự hóa Biển Đông vốn là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới thì sao?” giáo sư Thayer đặt vấn đề.
Khó lôi kéo các nước?
Khi được yêu cầu so sánh giữa hai chiến lược ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ của chính quyền Trump và ‘tái cân bằng’ (tức ‘xoay trục’) của chính quyền Obama, chuyên gia này cho rằng chiến lược mới ‘tìm cách xử lý toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm các đảo quốc Nam Thái Bình Dương.’
“Nhiều yếu tố trong chính sách xoay trục của ông Obama, chẳng hạn như triển khai thêm nhiều máy bay hiện đại, nhiều tàu chiến đến khu vực vẫn sẽ tiếp tục,” ông Thayer nói.
Tuy nhiên, giáo sư Thayer cho rằng trong khi ông Obama chuyển toàn bộ sự quan tâm từ khu vực Trung Đông của chính quyền George W. Bush sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tập trung xây dựng cơ chế đa phương, thì ông Trump đã đảo ngược cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân Iran khiến tình hình Iran tồi tệ hơn làm cho chính quyền ông khó lòng tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Và chính quyền Trump đã làm suy giảm cơ chế đa phương vốn làm suy yếu cấu trúc của khu vực một cách cơ bản.”
Vẫn theo giáo sư Thayer, việc chiến lược mới của Mỹ dùng vấn đề chủ quyền để kêu gọi sự hợp tác của các nước đối phó Trung Quốc sẽ không hiệu quả.
Ông nêu trường hợp Việt Nam ‘sẽ nghe theo Mỹ ở một mức độ nào đó’ nhưng nước này ‘không muốn bị rơi vào cái bẫy nếu như họ liên minh vĩnh viễn với Mỹ chống lại Trung Quốc’.
Campuchia là một trường hợp còn khó hơn, theo ông Thayer, vì Mỹ không thể dùng vấn đề chủ quyền quốc gia ra chiêu dụ Phnom Penh được trong lúc chính quyền Hun Sen phá hoại dân chủ và đàn áp khốc liệt phe đối lập.
“Nếu anh là Hun Sen ở Campuchia với chế độ một đảng (CPP) thì Trung Quốc sẽ không làm gì anh chừng nào anh vẫn còn nhờ vả họ và chừng nào anh vẫn còn ủng hộ các chính sách của họ. Tôi không biết Mỹ sẽ nói với Campuchia là chúng tôi sẽ giúp bảo vệ chủ quyền của quý vị như thế nào trong khi các nhà lập pháp Mỹ sẽ chĩa mũi dùi vào các vấn đề nhân quyền,” ông giải thích.
Riêng về Úc, một đồng minh thân cận có hiệp ước với Mỹ, ông Thayer cho rằng Úc cũng trong thế khó không thể hùa về cùng với Mỹ đối phó Trung Quốc.
“Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Khi nước Mỹ trong chiến lược của mình đề cập đến an ninh mạnh, ăn cắp sở hữu trí tuệ… chúng tôi (ông Thayer là người Úc) đã chịu tất cả các hình thức chiến tranh chính trị và tạo ảnh hưởng của Trung Quốc,” ông Thayer phân tích. “Nhưng chúng tôi không thể quay lại chống Trung Quốc vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn.”
“Nước nào (trong khu vực) sẽ có lập trường chống Trung Quốc đây? Myanmar, Campuchia, hay Thái Lan? Kể cả Malaysia vốn độc lập hơn nhưng cũng không chống Trung Quốc.”
Trên tờ Diplomat, ông Prashanth Parameswaran, biên tập cấp cao của tờ báo này, cũng có nhận định tương tự rằng chiến lược mới của Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc chiêu dụ các nước – bao gồm cả các đối tác hiện tại mà nguyên nhân ông chỉ ra là ‘sự không sẵn sàng’ hay ‘bất an với các chính sách của chính quyền Trump vốn làm tổn hại các nguyên tắc chi phối của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, chẳng hạn chủ nghĩa bảo hộ hay sự ngờ vực đối với các luật lệ và thỏa thuận quốc tế.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/trong-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-an-ninh-m%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-%C4%91%C3%A1nh-gi%C3%A1-trung-qu%E1%BB%91c-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-/4969141.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét