Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Huấn nhục


Huấn nhục

Chào các bạn,
Từ “huấn nhục” này đến từ các trường võ bị của miền Nam trước kia. Huấn nhục là dạy cho người ta chịu nhục. Các chương trình đào tạo sĩ quan đều có tuần huấn nhục. Trong tuần đó các khóa sinh đàn em sẽ được các huynh trưởng khóa đàn anh huấn nhục, tức là đì đàn em tới mức tối đa, và đàn em chỉ có việc vâng dạ và nghe lệnh. Mình chưa đi lính nên thuở đó chỉ nghe các chuyện kinh khủng từ các bạn kể lại; nghe cũng đủ đổ mồ hôi hột rồi!

Ví dụ như là:
Đàn anh giơ cao trái ớt: Trái gì đây?
Đàn em: Dạ thưa huynh trưởng, trái ớt.
Đàn anh: Không phải. Trái chuối.
Đàn em: Dạ thưa huynh trưởng, trái chuối.
Đàn anh: Trái này vị thế nào?
Đàn em: Dạ cay, huynh trưởng.
Đàn anh: Nói bậy, chuối sao cay được. Hai mươi cái hít đất.
(Đàn em hít đất)
Đàn anh: Trái này vị thế nào?
Đàn em: Dạ thưa huynh trưởng ngon ngọt.
Đàn anh: Vậy ăn đi.
(Đàn em ăn trái ớt)
Đàn anh: Sao ngọt không?
Đàn em: Dạ ngọt, thưa huynh trưởng.
Đàn anh: Nói bậy, ớt sao ngọt được. Hít đất 20 cái.
(Đàn em hít đất)
Đại khái là như thế, trong một tuần hay vài tuần (tùy trường). Tinh thần đàn em trong thời gian đó, khỏi phải nói, dở sống dở chết. Mình có nghe kể chuyện, có một lần trong trường Võ Bị Sĩ Quan Đà Lạt, còi thổi dậy tập họp buổi sáng, có một sinh viên đang trong tuần huấn nhục, chạy ra đến hành lang ở lầu ba thì cái mũ của anh ta sẩy ra, rơi khỏi hàng lang xuống đất, anh ta bay ra khỏi hành lang để chụp chiếc mũ, và rơi xuống đất, chết.
Dĩ nhiên là huấn nhục là để người ta biết chịu nhục. Người có khả năng chịu nhục càng cao, bản lĩnh càng cao. Khi xưa Hàn Tín chịu luồn trôn anh hàng thịt, về sau là đại tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Chúa Giêsu dạy: “Kẻ thù con tát con má này thì đưa thêm má kia.”
Trước khi bạn chứng tỏ thông thái bằng cách trả lời “Làm như thế với kẻ thù là ngu”, thì bạn hãy nên thực hành đưa má cho kẻ thù tát thêm đi đã, để bạn biết điều gì xảy ra, để có thể có được kinh nghiệm mà phê phán. Đừng lảm nhảm như người điên, nói chuyện mình chưa hề có tí kinh nghiệm nào.
(Đa số chúng ta có tội đó. Nghe điều gì đó không lọt tai mình là phê phán ngay, dù là mình chẳng hề có tí kinh nghiệm nào cả. Kinh nghiệm thường cho mình biết một điều người khác nói có đúng không. Suy nghĩ mà không có kinh nghiệm thì cao lắm là 50% đúng, 50% sai, hên xui may rủi, chứ chẳng có căn bản gì về chân lý hết. Nếu chưa có kinh nghiệm thì ta nên hỏi thêm, hay lặng yên. Đừng phê phán).
Trong con đường giải thoát của Bồ tát trong Phật gia, thì nhẫn nhục ba la mật là một trong 6 nhánh đường: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tính tấn, thiền định, trí tuệ.
Ba la mật là “qua bờ bên kia”, tức là giải thoát, ngộ.
Và nhẫn nhục ba la mật là:
“Nhẫn” là nhịn, chịu đựng những cảnh trái mắt nghịch lòng. “Nhục” là điều sỉ nhục, điều xấu hổ, làm tổn thương đến lòng tự ái của mình.
Nhẫn nhục Ba la mật là nhẫn nhục đến chỗ cùng tột không còn ai có thể nhẫn nhục hơn thế nữa.
Thành Phần Của Nhẫn Nhục Ba La mật
1. Thân nhẫn. Ðối với nghịch cảnh như nắng mưa, nóng lạnh, đói khát, đau ốm, hoặc bị người đánh đập, hành hạ, làm bức não nơi thân, mình cũng cam chịu, không phàn nàn hay chống cự lại. Ðây là chịu đựng về thể xác.
2. Khẩu nhẫn. Thân đã nhẫn chịu không chống lại người và miệng cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác, trước những lời mạ nhục chua cay, mắng nhiếc tồi tệ hay đánh dập tàn nhẫn.
3. Ý nhẫn. Nhẫn nhục cả trong tâm, không căm hờn, không oán giận, không nổi lên ý phản đối, những tư tưởng hắc ám để trả thù.
Trong ba thứ nhẫn này, “ý nhẫn” là khó nhất và quan trọng nhất. Có nhiều khi thân có thể chịu đựng được cực hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa. Thêm một lần nữa, miệng tuy không thốt ra những lời phản đối, nguyền rủa, nhưng ý vẫn ngấm ngầm phản đối, và tức giận đốt cháy tim gan.
Ðến khi “tâm ý” cũng không ngấm ngầm nổi dậy phản đối, sự tức giận lắng xuống tận đáy lòng; đứng trước mọi nghịch cảnh, lòng vẫn phẳng lặng như không, thì nhẫn nhục mới thật là hoàn toàn.
Trích “Nhẫn nhục Ba la mật”, Phật học phổ thông, Thích Thiện Hoa
Bồ tát không sợ.
Vì thế Bồ tát có thể bố thí “cái không sợ” cho mọi người—vô úy thí. Vô úy thí (bố thí cái không sợ) là bố thí lớn nhất trong đường Bố thí ba la mật của Bồ tát—tài thí (cho tiền), pháp thí (cho đạo pháp), vô uy thí (cho cái không sợ).
Sở dĩ Bồ tát có cái không sợ để mà bố thí, là vì Bồ tát biết nhẫn nhục.
Các bạn có hiểu được chân lý này không ?
Chúng ta đi qua cuộc đời với rất nhiều sợ hãi : Sợ thi rớt, sợ mất người yêu, sợ không được công việc tốt, sợ mất việc, sợ xe đụng, sợ đau ốm, sơ bị hạ nhục, sợ người khác hạ mình, sợ không được bằng ai, sợ không đạt mục đích, sợ không đủ tiền, sợ cái này sợ cái kia, sợ ma sợ quỷ, sợ bóng tối, sợ điều không biết… sợ luôn cả cái sợ.
Muốn hết sợ thì học nhẫn nhục. Có nhẫn nhục thì có được “cái không sợ” cho mình, và để cho tặng “cái không sợ” cho người khác.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Nguồn:https://dotchuoinon.com/2010/06/09/hu%E1%BA%A5n-nh%E1%BB%A5c/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét