Bộ trưởng Hagel bị ép từ chức hay thất vọng với Tòa Bạch Ốc?
Sáng Thứ Hai, tại tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama chính thức loan báo sự từ chức của Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel.
Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel sáng 24.11
Đứng cùng với Hagel, Tổng Thống Obama nói rằng hai người nhận định rằng
“đây là thời điểm thích đáng để bộ trưởng quốc phòng kết thúc nhiệm
vụ.”
Theo lời các giới chức cao cấp thì ông Hagel, vị bộ trưởng Cộng Hòa duy
nhất trong chính quyền Dân Chủ, phải từ chức vì những áp lực ở tòa Bạch
Ốc. Đầu năm ngoái, Hagel được Tổng Thống Obama chọn lựa và tích cực ủng
hộ vào chức vụ này. Nhưng ông tỏ ra không hòa hợp khi làm việc với nhóm
tham mưu thân cận của Tổng Thống trong chính sách đối ngoại. Ban cố vấn
an ninh quốc gia tòa Bạch Ốc hiện nay cũng đang gặp khó khăn với nhiều
vụ khủng hoàng, kể cả sự trổi dậy của thành phần ISIS ở Iraq và Syria.
Bằng ngôn ngữ chính trị thông thường, đồng thời là tình bạn thân thiết
từ khi cùng ở Thượng Viện và những cộng tác chặt chẽ sau đó, Tổng Thống
Obama nói nhiều lời ca ngợi ông Chuck Hagel, nguyên Thượng Nghị Sĩ tiểu
bang Nebraska. Tổng Thống gọi ông là “một vị bộ trưởng quốc phòng tiêu
biểu” đã tạo được những mối quan hệ ràng buộc với những binh sĩ Hoa Kỳ
đồn trú tại khắp nơi trên thế giới. Ông Obama cũng nói về quá trình của
Chuck Hagel “suốt sáu thập niên hiến thân mình cho nền an ninh quốc gia
và cho những nam nữ quân nhân của chúng ta.”
Hagel là cựu chiến binh đầu tiên giữ chức vụ bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Ông từng tình nguyện tham gia quân đội thời chiến tranh Việt Nam, với
cấp bậc trung sĩ trong một đơn vị thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh hoạt động ở
vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng Thống Obama vẫn tìm cách củng cố việc hoạch định chính sách đối
ngoại ở nội bộ tòa Bạch Ốc, và một số các cố vấn nghi ngờ ông Hagel về
khả năng truyền đạt lập trường của chính quyền. Cũng có dư luận khác cho
rằng ông Hagel không tích cực chủ động trong những buổi họp nội các và
những cuộc thảo luận về an ninh quốc gia. Dường như muốn bác bỏ giá trị
của những chỉ trích ấy, Tổng Thống Obama trong buổi lễ loan báo từ
chức, nói rằng ông Hagel là người “luôn luôn trình bày thẳng mọi vấn đề
trong những cuộc thảo luận riêng với tôi ở Phòng Bầu Dục,” nghĩa là
phòng làm việc hàng ngày của Tổng Thống.
Ngược lại, theo Associated Press, Bộ Trưởng Hagel rõ ràng tỏ ra thất
vọng với tòa Bạch Ốc. Mấy tuần trước ông gởi thư đến bà Susan Rice nói
rằng Tổng Thống Obama cần phải minh bạch xác định đường lối tiếp cận của
chính quyền Hoa Kỳ với Tổng Thống Bashar al-Assad ở Syria. Là thư này
đã làm giới chức Bạch Ốc tức giận.
Hãng tin Reuters cho biết Hagel thường xuyên tỏ nỗi thất vọng với các
đồng sự trong ban tham mưu an ninh quốc gia về chiến lược ở Iraq và
Syria. dẫn đến việc ông ít có ảnh hưởng trong các quyết định chính sách.
Trên mặt chính thức, các giới chức nói rằng chính sách là một quyết
định chung nhưng thực tế ông bị ép buộc phải chấp nhận.
Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain tiểu bang Arizona, có lẽ sắp làm
chủ tịch ủy ban quốc phòng Thượng Viện, cho là “Hagel thất vọng với cách
làm việc và quyết định chính sách trong ban tham mưu an ninh quốc gia
của chính quyền.” Theo ông, vấn đề của Hagel cũng không khác những người
tiền nhiệm, Robert Gates và Leon Panetta. “Những vị này đã nói về cách
điều hành chi tiết và vụn vặt ở tòa Bạch Ốc khiến cho họ khó có thể
hoàn thành nhiệm vụ.”
Mặc dầu tòa Bạch Ốc mạnh mẽ bác bỏ tin đồn Bộ Trưởng Hagel bị sa thải
và nói rằng Tổng Thống Obama từ trước đến nay hầu như không làm điều
này, dư luận vẫn nghi ngờ ông bị ép buộc từ chức. Bộ Trưởng Hagel là
người nhiệt thành tán đồng chiến lược “chuyển trục về châu Á” nhưng rồi
ông lại phải đương đầu với những tình thế thiếu chuẩn bị ở Đông Âu và
Trung Đông. Ngay từ tháng 10, sau nhiều cuộc họp riêng với Tổng Thống,
người ta đã nghi ngờ ông có thể rời bỏ chức vụ.
Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn của Charlie Rose show trên truyền
hình PBS, được hỏi về những tin đồn này, Bộ Trưởng Hagel đáp: “Trước
hết, tôi làm việc với sự chấp nhận của Tổng Thống. Tôi rất cảm kích có
cơ hội từng ngày, trong hai năm qua, làm việc cho mục tiêu quốc gia và
những thanh niên nam nữ phục vụ đất nước này. Nhưng tôi không mỗi sáng
thức dậy lo nghĩ về chức vụ của mình. Còn sự thay đổi nhân sự là điều
bình thường có thể có vào lúc nào đó.”
Trong đơn từ nhiệm gởi đến Tổng Thống, ông Chuck Hagel, 68 tuổi, cho
biết ông đồng ý tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi có người chính thức thay
thế. Nhưng thời điểm này trùng với lúc đảng Cộng Hòa vừa chiếm được đa
số ở cả hai viện Quốc Hội và người Cộng Hòa vẫn thường mạnh mẽ phê phán
chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng Thống Obama. Do đó việc chuẩn
nhận người được chỉ định nào đó vào chức vụ bộ trưởng quốc phòng, chắc
chắn cũng rất khó khăn và có thể kéo dài.
Trong số những nhân vật thay thế, bà Michele Flournoy được coi là đứng
hàng đầu và như vậy, nếu được chấp nhận, sẽ thành phụ nữ đầu tiên giữ
chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Bà Flournoy làm vụ trưởng chính
sách quốc phòng ở Ngũ Giác Đài trong ba năm đầu nhiệm kỳ của Tổng Thống
Obama. Hiện nay bà làm giám đốc Center for a New American Security, một
tổ chức nghiên cứu hoạch định chính sách mà bà là đồng sáng lập viên.
Những người khác trong số có thể được Tổng Thống Obama chọn là cựu Thứ
Trưởng Quốc Phòng Ash Carter hoặc Thứ Trưởng Quốc Phòng Robert Work.
Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Jack Reed, tiểu bang Rhode Island, cũng có thể
được chỉ định, tuy nhiên một phát ngôn viên của ông nói rằng “Thượng
Nghị Sĩ không muốn nhận bất cứ chức vụ nào trong Nội Các.”
Một dấu hiệu về tương lai của Bộ Trưởng Hagel đã được chú ý từ khi ông
loan báo hoãn chuyến đi Việt Nam trong tháng này, chuyến viếng thăm đã
được trù liệu từ lâu. Các giới chức liên hệ lúc đó giải thích rằng ông
phải ở lại Washington để có một số vấn đề tham khảo tại Quốc Hội.
Bộ Trưởng Hagel rút lui sẽ để lại cho Tổng Thống Obama hai vấn đề phải
đối phó ngay. Trước hết là chỉ định người thay thế, các quan sát viên
cho rằng việc này sẽ không thể hoàn tất trước tháng Giêng, khi tân Quốc
Hội nhóm họp. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là cuộc chiến tranh tại Iraq
và Syria. Có dư luận cho rằng có thể Hoa Kỳ sẽ mở rộng cuộc chiến tranh
hơn nữa trong tình trạng sự can thiệp bằng không lực và vai trò cố vấn
tỏ ra chưa đủ hiệu quả. Trong hai năm qua, Hagel không can dự trực tiếp
vào các việc như vậy mà để cho các giới chuyên môn, nghĩa là Ủy Ban Tham
Mưu Hỗn Hợp và các tướng lãnh điều hành. Như thế người ta tin là nếu có
thay đổi gì về chiến tranh chống ISIS thì quyết định sẽ xuất phát từ
tòa Bạch Ốc.
Một nhận xét khác nói Tổng Thống Obama dường như muốn hành động dứt
khoát và nhanh chóng hơn chứ không phải thái độ dè dặt đã bị nhiều chỉ
trích. Ông vừa thể hiện điều này trong vụ luật di dân. Phải chăng Hoa Kỳ
sắp có một đường lối mới ở Trung Đông?
Theo Hà Tường Cát (tổng hợp) Một Thế Giới
Tổng thống Barack Obama đã loan báo việc ông Chuck Hagel từ chức hôm 24/11
Giới
quan sát cho rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel rút
khỏi nhiệm sở không có ảnh hưởng lớn tới quan hệ Việt-Mỹ.
Thứ Hai ngày 24/11, Tổng thống Barack Obama xác nhận ông Hagel sẽ từ chức sau chưa đầy hai năm nắm quyền.
Hiện
dư luận còn đang đồn đoán ông bị buộc phải từ chức hay tự nguyện ra
đi. Một điều rõ ràng, là quan hệ giữa ông trong vai trò bộ trưởng với
tổng thống và nội các, nhấ́t là Ủy ban An ninh Quốc gia, đã lâm vào
tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" từ lâu nay.
Ông từng than phiền rằng ông bị "quản lý quá tỉ mỉ" (micromanaged).
Thượng
nghị sỹ Cộng hòa John McCain hôm thứ Hai nói trên một đài phát thanh ở
bang Arizona rằng ông Hagel “rất rất mệt mỏi” về quan hệ của mình với
Nhà Trắng.
Ngoài lý do quan hệ không tốt với chính quyền Obama,
người ta còn đoán thêm các lý do khác dẫn tới sự ra đi của ông, như
thiếu hiểu biết về Trung Đông trong bối cảnh cuộc chiến chống Nhà nước
Hồi giáo (IS) đang hồi gay gắt; thậm chí ông là vật tế thần cho chính
sách ngoại giao và an ninh ẻo lả của ông tổng thống...
Nói những điều đó để thấy rằng, không có lý do gì trong những đồn đoán liên quan tới Việt Nam, hay khu vực Đông Nam Á.
'Không suy xuyển'
Tiến
sỹ Ian Storey, chuyên gia về Đông Nam Á tại Singapore, nói theo ông
việc ông Hagel từ chức "không có ảnh hưởng gì tới quan hệ Mỹ-Việt, kể
cả trong lĩnh vực quốc phòng".
Có ý kiến cho rằng ông Chuck Hagel, một
trong các cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam, có thể có tình cảm riêng
đặc biệt nào đó với Việt Nam và do vậy có khả năng đóng góp nhiều
hơn cho quan hệ hai bên.
Đó chỉ là cách nhìn cảm tính, và theo
Tiến sỹ Storey, một bộ trưởng mạnh với hiểu biết thấu đáo hơn về an
ninh như Robert Gates mới thực sự có ảnh hưởng cho quan hệ giữa Hoa Kỳ
với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Tiến sỹ Zachary
Abuza, chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á, thì cho rằng sự kiện
ông Chuck Hagel từ chức có thể gây ra ảnh hưởng về tâm lý.
"Ông
Hagel vừa hoãn thăm Việt Nam vì tình hình Iraq và Syria. Ông ta sẽ
không thực hiện chuyến đi này trước khi rời nhiệm sở."
Quá trình
lựa chọn người thay thế Hagel, theo ông Abuza, sẽ lâu dài và khó khăn
trong khi hai đảng đều tập trung vào cuộc bầu cử 2016.
"Sẽ rất
khó cho chính quyền Obama thuyết phục các bạn bè và đồng minh trong khu
vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, về cam kết xoay trục sang châu
Á-Thái Bình Dương cũng như đối với an ninh khu vực."
Tiến sỹ
Zachary Abuza nói: "Tuy việc từ chức sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các
chi tiết đã hoạch định như điều 60% lực lượng hải quân tới châu Á-Thái
Bình Dương, các cuộc tập trận và thăm hải cảng dự kiến, dư luận
trong khu vực chắc chắn sẽ quan ngại rằng Hoa Kỳ quá bận rộn về các
vấn đề khác và không thể hỗ trợ trước sự mạnh bạo gia tăng của Trung
Quốc".
Ông cũng cho rằng, Bắc Kinh đã bỏ nhiều nỗ lực ngoại giao
để thuyết phục các nước trong khu vực rằng Hoa Kỳ không phải là đối tác
đáng tin cậy.
"Việc Hagel hoãn thăm Việt Nam đã đưa ra các tín
hiệu sai lệch cho Hà Nội, và việc ông từ chức chắc sẽ gây thêm quan
ngại. Hà Nội sẽ muốn biết chắc hơn về cam kết đối với an ninh khu vực
cũng như tự do hàng hải [của Hoa Kỳ]."
Ai thay Hagel?
Chuck Hagel từng than phiền bị quản lý quá tỉ mỉ
Chuck Hagel, 68 tuổi, từng tham
chiến ở Việt Nam và từng làm thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa cho tiểu bang
Nebraska quê hương ông trong 12 năm, là bộ trưởng quốc phòng từ năm
2013.
Ông sẽ vẫn tại vị cho tới khi chính quyền Mỹ xác nhận người kế nhiệm ông.
Ông đã từng chỉ trích việc Hoa Kỳ can dự vào Iraq mặc dù bỏ phiếu để Washington lâm chiến.
Ông
Hagel thay ông Leon Panetta trong cương vị bộ trưởng quốc phòng trong
nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Obama và đóng vai trò giảm cường độ
hai cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq cùng lúc giúp chính quyền
ông Obama chuyển cán cân quân sự sang châu Á.
Tuy nhiên ông bị cho
là lựa chọn sai cho vị trí bộ trưởng quốc phòng, và hiện đang có một
danh sách các "ứng viên" có thể thay thế ông.
Trong các nhân vật
khả dĩ có bà Michèle Flournoy, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng; ông
Ash Carter, cựu thứ trưởng quốc phòng, hoặc ông John Hamre, người cũng
từng giữ chức thứ trưởng.
Thế nhưng dù là ai, thì người đó cũng
phải làm việc trong hai năm cuối nhiệm kỳ Obama, và phải cân nhắc kỹ
lưỡng là liệu sẽ có đủ hỗ trợ và điều kiện để làm tròn nhiệm vụ của
mình hay không trước quyền lực tập trung to lớn hiện nay của Ủy ban An
ninh Quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét