Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Việt Nam ‘lãnh đạm’ với phim chiến tranh của Mỹ

Bộ phim Việt Nam của Ken Burns: Tập 1 rất hay nhưng có 2 thiếu sót

Spyridon Mitsotakis * Đỗ Tùng (Danlambao) dịch - Tôi chúc mừng Ken Burns về tập đầu tiên của bộ phim tài liệu của ông ấy. Tôi thực sự chúc mừng. Phải rất công phu mới có thể tham khảo hết cái đống tài liệu to như núi có tính tuyên truyền và đơn giản hóa theo phong cách Howard Zinn của những người chống chiến tranh trước đây, những người tự xem mình là sử gia về sự xung đột này. Trong nửa thế kỷ qua, những tường thuật hàn lâm về cuộc chiến tranh này là: "Những người Mỹ đế quốc là những bậc thầy múa rối thâm độc đã đưa Pháp trở lại nắm quyền trong thế giới thứ ba để đàn áp các nhà dân chủ yêu nước giải phóng dân tộc, và sau đó bước vào để thay thế người Pháp trong chiến dịch diệt chủng".
Tập đầu tiên này cho thấy:
- Hoa Kỳ phản đối việc Pháp trở lại Đông Dương, và chỉ miễn cưởng ủng hộ Pháp sau khi Cộng sản nắm quyền kiểm soát ở Trung Quốc và bắt đầu tích cực hỗ trợ cộng sản khắp Châu Á bằng vũ khí (và trong một số trường hợp, với quân đội).
- Cộng sản Việt Nam, trên thực tế, là những người cộng sản. Họ không phải là "những người theo chủ nghĩa quốc gia bị bắt buộc phải rơi vào vòng tay của Liên Xô"; mà họ thật sự là những người cộng sản, và cũng khát máu như những người anh em của họ được đào tạo ở Moscow. Allen Goodman thuộc Đại học Georgetown nhớ lại đã hỏi của cựu thành viên Comintern (CS Đệ tam Quốc tế) là Bertram Wolfe về Hồ Chí Minh, người mà Wolf đã dành ba tháng để đi chu du Liên Xô như là một phần hoạt động của Comintern trong những năm 1920. Goodman trích câu trả lời của Wolfe: "Ông Hồ là một nhà tổ chức cộng sản sắc bén và lạnh lùng nhất mà tôi từng gặp, khi công khai ông ta nói với niềm tự hào mãnh liệt như là một người Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia, nhưng trong vòng riêng tư thì ông ta thú nhận rằng tất cả đều là đóng kịch. Điều quan trọng nhất với ông ta là quyền lực - chiếm được và giữ được quyền lực - và ông ta thề sẽ lợi dụng bất kỳ phương tiện nào và bất cứ ai để đạt những mục tiêu này."
- Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam không phải là một lực lượng độc lập. Nó bị những người CS miền Bắc kiểm soát.
Tuy nhiên, có hai thiếu sót đáng ghi nhận.

Thứ nhất, sau khi kết thúc Thế chiến II và kết thúc sự chiếm đóng của Nhật Bản, theo một cuốn sách nhỏ tuyên truyền của Bắc Việt năm 1966 mang tựa đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh tụ yêu quý của người Việt Nam" thì: Ủy ban Trung ương và Chủ tịch Hồ đã nỗ lực bảo vệ hòa bình để đất nước có thể được tái thiết sau khi bị tàn phá bởi tám mươi năm thống trị của thực dân và nhiều năm chiến tranh. Một hiệp định sơ bộ đã được ký ngày 6 tháng 3 năm 1946 giữa Chủ tịch Hồ và đại diện của Pháp Sainteny. Theo hiệp định này, Việt Nam đã tự nhận mình là một thành viên của Liên minh Pháp và đồng ý cho phép 15.000 quân Pháp đáp xuống ở Bắc và Trung kỳ Việt Nam để thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch (là lực lượng quốc gia chống CS Trung Quốc), cũng như lệnh ngưng bắn ở Nam Việt Nam v.v...
Đúng vậy. Chính những người cộng sản đã đưa Pháp trở lại Đông Dương bằng những cánh tay rộng mở.
Bí thư Lê Duẩn của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giải thích trong ấn phẩm năm 1970 "Cách mạng Việt Nam: Những vấn đề cơ bản, những nhiệm vụ thiết yếu" là họ chỉ đơn giản theo "đề xuất thông minh của Lê-nin": "Chúng ta có một thỏa hiệp tạm thời với... Pháp để đuổi quân đội Tưởng Giới Thạch và quét sạch các lực lượng phản động, cán bộ các lực lượng này, do đó có thời gian để củng cố lực lượng của chúng ta và chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến toàn quốc chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, mà đảng biết là không thể tránh khỏi."
Sau khi thiết lập những sự kiện này bằng chính lời của Cộng sản, một sự giải thích cô đọng về tất cả những điều này được cung cấp bởi cựu viên chức Tình báo Quân đội, Robert Turner, người phụ trách công việc ở Việt Nam giải quyết những người đào thoát, những tài liệu và tù nhân của Cộng Sản bị bắt giữ, và sau chiến tranh trở thành Giáo sư Luật tại Đại học Virginia và cũng là một học giả nổi tiếng về Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam:
Chính Hồ Chí Minh đã ký kết một thỏa ước tạm thời với Pháp vào ngày 6 tháng 3 năm 1946, trong đó ở điểm số hai tuyên bố ông ta sẵn sàng chào đón quân đội thân thiện Pháp quốc trở lại Việt Nam. Ngày hôm sau, Hồ Chí Minh và Tổng Tư Lệnh Pháp Jean Leclerc đã ban hành một thông cáo chung kêu gọi nhân dân Việt Nam "hoan nghênh" người Pháp. Khi những người quốc gia thực sự kêu gào bị "phản bội" và rút lên núi rừng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh du kích chống lại quân Pháp, Hồ và các đồng chí ông ta đã chiến đấu sát cánh với quân đội thực dân Pháp để thanh toán những người "phản động", và do đó hầu như bảo đảm sự lãnh đạo của những người Mác-Lê đối với phong trào kháng chiến chống Pháp sau đó. Thật vậy, ngược với huyền thoại phổ biến rằng Hoa Kỳ ủng hộ sự trở lại của chủ nghĩa thực dân Pháp vào Đông Dương sau chiến tranh, Bernard Fall đã ghi nhận trong nghiên cứu cổ điển của ông, "Hai Nước Việt Nam", rằng tướng Pháp Sainteny đã báo cáo cấp trên của ông ta ở Calcutta là ông ta "mặt đối mặt với một cuộc huy động của Đồng minh có chủ ý nhằm trục xuất người Pháp ra khỏi Đông Dương", và "vào thời điểm này thái độ của Đồng minh có hại hơn so với thái độ của quân đội Việt Minh". Tài Liệu Ngũ Giác Đài (Pentagon Papers) cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn này, ghi lại rằng Hoa Kỳ cấm Pháp sử dụng vũ khí Mỹ trong chiến dịch giành lại quyền lực ở Đông Dương, và lưu ý rằng vào tháng 6 năm 1948, Đại sứ Hoa Kỳ tại Paris đã được lệnh phải "thuyết phục và / hoặc tạo áp lực tùy theo tình hình để tạo ra kết quả mong muốn" là Pháp "dứt khoát và nhanh chóng chấp nhận nguyên tắc độc lập của Việt Nam." Chỉ sau khi chiến thắng của cộng sản tại Trung Quốc năm 1949 và việc Trung Quốc hỗ trợ ào ạt cho lực lượng Việt Minh của Hồ Chí Minh sau đó, Hoa Kỳ đã kết luận rằng vì quyền lợi của chính mình, Hoa Kỳ nên hỗ trợ cho người Pháp ở Đông Dương. Ngay cả khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép để Pháp cam kết chấm dứt chủ nghĩa thực dân và mở đường cho chính phủ tự trị ở Đông Dương trong tương lai.

Sự thiếu sót thứ hai liên quan đến hiệp định Geneva. Đến năm 1954, với sự hỗ trợ mãnh liệt của Trung Quốc, cộng sản đã tràn ngập một tiền đồn của Pháp tại Điện Biên Phủ sau một cuộc bao vây kéo dài hai tháng. Sự thất thủ ở Điện Biên Phủ đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp, đưa chính phủ đảng Xã Hội của Pierre Mendès lên nắm quyền. Chính phủ mới của Pháp sắp xếp một cuộc hội nghị ở Geneva để đàm phán các điều kiện rút quân.
Giáo sư Turner giải thích rằng: Chính phủ Hoa Kỳ cũng như chính phủ Việt Nam Ngô Đình Diệm đã không ký kết bất cứ điều gì trong Hội nghị Geneva năm 1954. Về vấn đề thống nhất, phái đoàn Việt Nam không cộng sản đã phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự chia cắt đất nước Việt Nam, nhưng đã thua cuộc khi Pháp chấp nhận đề nghị của Phái đoàn Việt Minh Phạm Văn Đồng. Đồng, là người sau này trở thành Thủ tướng Chính phủ của Hồ Chí Minh, sau đó đề xuất rằng Việt Nam sẽ được thống nhất qua cuộc bầu cử dưới sự giám sát của "hội đồng địa phương". Hoa Kỳ trả miếng với cái được gọi là "Kế hoạch Mỹ", có sự hỗ trợ của Nam Việt Nam và Vương quốc Anh. Kế hoạch này đề nghị các cuộc bầu cử thống nhất đặt dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Đề nghị này đã bị Molotov của phái đoàn Liên Xô bác bỏ, với sự hỗ trợ của các phái đoàn cộng sản khác. Cuối cùng, mặc dù có sự phản đối của Nam Việt Nam và Hoa Kỳ, thỏa thuận ngừng bắn (chỉ ký bởi Pháp và Việt Minh) đã quy định phân chia Việt Nam ở vĩ tuyến 17.
Richard Nixon, lúc đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ, sau đó nhớ lại rằng "cuộc bầu cử trong lãnh thổ Việt Minh năm 1946 đã cho thấy những gì họ suy nghĩ về cuộc bầu cử sẽ xảy ra trong năm 1956. Trong cuộc bầu cử năm 1946 Hồ đã nhận được 169.222 phiếu tại Hà Nội, một thành phố với dân số 119.000 người. Hồ không bao giờ muốn những cuộc bầu cử nằm ngoài vòng kiểm soát của mình." Phạm Văn Đồng nói với một phóng viên về việc Hồ dự kiến ​​cuộc bầu cử sẽ diễn ra như thế nào vào năm 1956: ở miền Nam sẽ có nhiều đảng phái tranh cử, trong khi ở miền Bắc chỉ có đảng Cộng sản, nên kết quả sẽ chắc chắn nằm về phía Hà nội, bởi vì Bắc Việt chiếm 55% tổng dân số Việt Nam. Hồ chỉ chấp nhận một cuộc bầu cử trong đó Hồ cầm chắc sự thắng lợi.
Đối thủ tương lai của Nixon cho chức vụ Tổng thống là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John F. Kennedy đã đồng ý. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1956, Kennedy nói với hội Bạn Mỹ của Việt Nam rằng "trong các hội đồng của thế giới, chúng ta không bao giờ cho phép bất kỳ hành động ngoại giao bất lợi cho quốc gia này, một trong những thành viên trẻ nhất của gia đình các quốc gia - và tôi bao gồm trong lệnh đó một yêu cầu rằng Hoa Kỳ không bao giờ chấp thuận cho cuộc bầu cử toàn quốc sớm theo Hiệp định Geneva năm 1954. Cả Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đều không tham gia hiệp định đó - và Hoa Kỳ lẫn Việt Nam Tự do sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc bầu cử rõ ràng đã được sắp đặt và lũng đoạn, mà chúng ta đang bị thúc giục bởi những người đã phá hoại những gì họ cam kết trong Hiệp định mà họ đang tìm cách thực thi."
Sự kiện này sau đó đã bị bóp méo và trở thành điểm chủ chốt của những huyền thoại có lợi cho Hà Nội. Vào năm 1971, khi Thượng nghị sĩ George McGovern đang tranh cử Tổng thống, là đối thủ của Nixon, ông đã có cuộc trao đổi này với nhà báo Milton Viorst của tạp chí Playboy:
Viorst: Nếu chúng ta đưa ra một biểu tượng lịch sử về điều này, ông thấy có những điểm tương đồng với cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, trong đó chúng ta người Mỹ đang cố gắng ngăn chận một quyền lực nước ngoài là Anh quốc, và những người ủng hộ thuộc đảng Tories, điều hành đất nước?

McGovern: Tôi cho là rất giống nhau. Tôi nghĩ rằng Hồ Chí Minh đã sao chép Tuyên ngôn độc lập của chúng ta. Ông ta đã thực sự cố gắng để tống khứ người Pháp đi, không mời người Trung Quốc vào và như Eisenhower nói: "Nếu có một cuộc bầu cử sau khi họ loại khỏi người Pháp, ông ta sẽ có ít nhất 80 phần trăm phiếu bầu, ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam." Cũng giống như George Washington đã được bầu một cách tuyệt đối sau khi ông ta đánh bại Anh quốc.

Viorst: Tôi cho rằng Nixon muốn làm cho Hồ Chí Minh cuối cùng trở thành một Hitler của Việt Nam. Ông cho rằng...

McGovern: Đúng như vậy.
Trước tiên, điều nói về Hồ sao chép từ những người lập quốc của chúng ta (Hồ được chiếu trong phim khi trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập) là một phương pháp Cộng sản cổ điển làm chúng ta lơ đãng sự phòng vệ. Castro cũng trích lời các người sáng lập Hiệp chủng quốc, một vài năm trước khi ông ta yêu cầu Liên Xô đe dọa chúng ta bằng võ khí nguyên tử. Cộng sản Trung Quốc đã từng phát hành báo chí với các bài xã luận ủng hộ Hoa Kỳ trước khi cướp được chính quyền và sau đó đã đánh nhau với chúng ta ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc McGovern bị nhầm lẫn khi trích trong cuốn sách "Mandate for Change" của Tổng thống Eisenhower. Đoạn văn trong cuốn sách đó mà McGovern trích là như sau:

"Tôi chưa bao giờ nói chuyện hoặc trao đổi với một người có kiến ​​thức về các vấn đề Đông Dương mà không đồng ý rằng nếu cuộc bầu cử được tổ chức trong thời điểm đang đánh nhau, có thể 80 phần trăm dân số sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh CS vào vị trí lãnh đạo chứ không phải là Quốc trưởng Bảo Đại. Thật vậy, việc Bảo Đại thiếu sót vai trò lãnh đạo là một yếu tố trong suy nghĩ phổ biến của người Việt Nam lúc đó rằng họ không có mục tiêu để tranh đấu."
Đoạn văn đó không nói giống như những gì McGovern tuyên bố. Robert Turner, lúc đó là một nhà hoạt động ủng hộ nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam, đã viết vào tháng 12 năm 1967 rằng ý của Tổng thống Eisenhower có nghĩa là ông được thông báo nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 1954, "thời điểm đang đánh nhau", thì Hồ Chí Minh sẽ đánh bại nhà lãnh đạo bù nhìn của Pháp là Bảo Đại. Bản tuyên bố này không liên quan gì đến Hiệp định Geneva hoặc triển vọng của một cuộc bầu cử toàn quốc năm 1956 giữa ông Hồ và người lãnh đạo phe quốc gia là Ngô Đình Diệm, như McGovern đã ngụ ý.
Turner đã viết cho Eisenhower về những trích dẫn sai lầm này và vào tháng 2 năm 1968, đại diện và nhà xuất bản của Eisenhower, viết thư thay mặt cho cựu Tổng thống, đã trả lời:
"Sau khi xem lại cuốn sách Mandate For Change cho thấy rằng ý kiến của ông là chính xác. Và trích dẫn phải được hiểu không nhiều hơn hoặc ít hơn bản thân lời tuyên bố. Điều cần được hiểu là vào thời điểm đó, Tổng thống Eisenhower được báo cáo rằng Hồ sẽ đánh bại Bảo Đại với 80% phiếu như đã đề cập. Không thể rút ra kết luận gì khác từ câu nói đó."
(Giáo sư Turner đã tử tế gửi cho tôi một bản sao của bức thư).
Bài báo của Turner năm 1967 tiếp tục:
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Hồ có thể thắng cuộc bầu cử như vậy. Tại sao? Bởi vì không có quy định để giám sát có hiệu quả. Vì Bắc Việt có 16 triệu người, so với 14 triệu ở miền Nam, và vì Hồ Chí Minh luôn luôn đạt được sự ủng hộ 99,8% từ những cuộc "bầu cử" ở Bắc Việt, Diệm - hoặc bất cứ ai khác - không thể dại dột chấp nhận loại bầu cử như vậy mà không có sự giám sát hiệu quả.

Lập luận rằng Diệm đã vi phạm Hiệp định Geneva vì từ chối tổ chức các cuộc bầu cử không được giám sát là hoàn toàn vô lý. Miền Nam Việt Nam từ chối ký Hiệp định, và phản đối mạnh mẽ các hiệp định đó tại Geneva. Ngay cả Phạm Văn Đồng, Thủ tướng của miền Bắc Việt Nam đã phát biểu trước đó vào ngày 1 tháng 1 năm 1955 rằng "... chính người Pháp phải có trách nhiệm, bởi vì chúng tôi đã ký Hiệp định Geneva với người Pháp, và chính người Pháp phải bảo đảm rằng hiệp định được tôn trọng." Vương quốc Anh, đồng chủ tọa Hội nghị Geneva năm 1954, đã ủng hộ vị trí của Nam Việt Nam trong một văn bản ngoại giao gửi cho Liên Xô, đồng chủ tịch khác tại Geneva. Văn bản đó ghi nhận rằng Nam Việt Nam không bị ràng buộc về mặt pháp lý của hiệp định đình chiến vì Nam VN không ký kết hiệp định và ngay tại Geneva họ đã bày tỏ sự phản đối hiệp định.
Tuy nhiên ngoài những thiếu sót này, tập đầu tiên này đã được thực hiện rất tốt. Tôi hy vọng các tập sắp tới sẽ tốt hơn.
18/9/2017
Nguồn:

Người dịch:

 
Nguồn:  http://danlambaovn.blogspot.com/2017/09/bo-phim-viet-nam-cua-ken-burns-tap-1.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét