Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG THẮP MUỘN

MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG THẮP MUỘN

Thân thể người ta chia ra làm ba phần: đầu, mình và tay chân, đó là bài học cách trí vỡ lòng của tuổi thơ khi ta mới bước chân vào ngưỡng cửa… tiểu học. Từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi sắp về cội, đố ai không có mang một vết sẹo nào trên thân thể của mình? Nhất là những người lính VNCH, mỗi vết thương xé thịt để lại trên thân thể người lính là mỗi kỷ niệm sống, nó nói lên đầy đủ quá khứ bi hùng của một thời oanh lệt đã trải qua trong cuộc đời của họ.
Trước hết, tôi xin tri ân những người thương phế binh VNCH, những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để bảo vệ nền tự do – dân chủ non trẻ của miền Nam Việt Nam, chống lại bọn CSBV xâm lược. Họ đã có mặt trên khắp chiến trường từ vĩ tuyến 17 cho đến tận cùng mũi Cà Mau, họ đã âm thầm chiến đấu anh dũng và một số người không may đã nằm xuống vĩnh viễn trong lòng đất mẹ như chiến sĩ vô danh, còn một số không ít đã để lại một phần thân thể của họ trên chiến trường, đó là chiến tích bi thảm và hào hùng của đời họ và một số người khác trên thân thể họ loan lỗ vết đạn thù.
Ngày hôm nay, những người thương phế binh VNCH họ đang sống lê lết cuộc đời bên vĩa hè thành phố nhộn nhịp đông ngưới qua lại. Họ mưu sinh bằng đủ nghề để sống còn như bán vé số, hát rong, làm nghề thủ công nghệ và đi ăn xin. Ngày vừa ra khỏi trại tù cải tạo Thanh Cẩm, trở lại thành phố Sài Gòn, tôi đã thấy những hình ảnh đau lòng, xót xa, hai người thương binh VNCH, một người cụt cả hai cánh tay, anh cõng trên lưng người thương phế binh thuộc MTGPMNVN cụt hai chân, họ sống bằng nghề hát rong. Người thương phế binh MTGPMNVN cụt chân thì đàn tây ban cầm cũ kỷ, còn bạn thương phế binh VNCH thì ca những bài ca nhạc vàng, họ sống tương trợ với nhau để kiếm tiền độ nhật. Đêm về, họ sống chui rúc dưới các gầm cầu hoặc trong những căn chòi rệu rã tại một nghĩa hoang vắng. Bên chai rượu uống gần cạn láng, uống cho quên đời, người thương phế binh VNCH chỉ vào đôi chân cụt của mình, say sưa kể cho người bạn nghe trận dánh oanh liệt cuối cùng ở Bình Long – An Lộc, anh đã để lại đôi chân của trên chiến trường để trả nợ núi sông.
Có những vết sẹo tiềm ẩn bên trong thân thể, những vết thương lòng không bao giờ lành  lặn. Những người tù cải tạo khi rời khỏi trại tù trở về gia dình mới hay người vợ yêu dấu của mình đã bước sang thuyền khác để lại đám con thơ giao cho ba mẹ già nuôi dưỡng.
Sao bao năm sống trôi dạt nơi xứ người, nương nhờ trên mảnh đất tạm dung, cứ mỗi lần trời đất sang mùa, nhất là những ngày mưa dầm hoặc khi mùa đông đến, nhìn những bông tuyết trắng rơi, khí trời lạnh lẽo là cơ thể của những người lính già bỗng đau nhức từng khớp xương, từng lóng tay. Họ sẽ nhớ lại những chuỗi ngày gian khổ sống trong trại tù cải tạo nơi rừng thiêng nước độc, những địa danh hắc ám như Hoàng Liên Sơn, Sơn La – Nghĩa Lộ, Yên Bái, Nam Hà làm cho sức khỏe của suy kiệt dần còn ảnh hưởng tới tận tuổi già…còn tôi, vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, một vết sẹo hằn trên vầng trán, nó mãi mãi không bao giờ lành trong tâm thức của tôi…
                                                                    oOo
NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN.
Sau khi Hiệp Định ra đời, Thiếu tá Nguyễn Đức Tuấn – Khóa 18 Võ bị Đà Lạt – Trưởng ban Kế Hoạch thuộc Phòng 3 / Quân Đoàn IV và QK 4 rời nhiệm sở đi nhận nhiệm vụ khác. Chức vụ Trưởng ban Kế Hoạch được bàn giao lại cho Thiếu tá Nguyễn Văn Nô – Khóa 13 Võ bị Đà Lạt – lúc đó, tôi đang giữ nhiệm vụ sĩ quan Phòng Thủ Lãnh Thổ thuộc ban Bình Định Lãnh Thổ. Theo lời yêu cầu của Thiếu tá Nô, tôi được Trưởng Phòng 3 là Trung tá Lê văn Tòng bổ nhiệm tôi làm phụ tá cho Thiếu tá Nô, chuyên viên soạn thảo “KẾ HOẠCH A-B”  cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Kể từ đêm 12/4/1975, Việt Cộng đặt súng cối bên kia bờ sông Hậu, thuộc quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long pháo kích bừa bãi vào khu đông dân cư trong thị xã Cần Thơ, gần bên hông Bộ Tư Lệnh QĐIV, gây thiệt thương vong cho khoảng 200 thường dân vô tội và khoảng hơn 100 căn nhà dân chúng bị cháy rụi, tình hình miền Tây trở nên cực kỳ sôi động.
Thiếu tướng Nam quyết định cắt một phần lãnh thổ thuộc quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long giao cho SĐ21BB trách nhiệm phòng thủ và tái phối trí lực lượng bảo vệ thành phố Cần Thơ như sau: Trong thành phố, TKT/TK Phong Dinh sử dụng lực lượng cơ hữu ĐPQ & NQ, CSQG, CSDC, NDTV  chiếm giữ các cao ốc, kiểm soát các trục giao thông vào thành phố Cần Thơ. Trung đoàn 31BB đóng tại Giai Xuân. Vòng đai ALPHA (hương lộ Ba Se) giao cho Trung đoàn 32BB và Trung đoàn 63BB cùng lực lượng cơ hữu Chi Khu Phong Điền tổ chức phòng thủ diện địa. Trung đoàn 33BB phối họp với Thiết đoàn 9 Kỵ Binh thành Chiến đoàn 933 và thiết lập căn cứ hỏa lực tại quận Thới Lai có nhiệm vụ hành quân càn quét và tìm diệt các căn cứ hậu cần của VC.
 Sáng ngày 29/4/1975, Trung tá Tòng cho tập hợp Phòng 3, tiết lộ một tin quan trọng với anh em chúng tôi:
– “Chiều hôm qua, Tướng Pazzi hướng dẫn phái đoàn Pháp bay xuống Cần Thơ  gặp Tướng Nam. Họ yêu cầu QĐIV/QK4 giữ Miền Tây trong vòng 1 tháng thì Pháp sẽ có giải pháp chính trị giúp MNVN không lọt vào tay CSBV,” Trung tá Tòng nói. “Tôi nghĩ sẽ có một giải pháp chính trị cho Miền Nam Việt Nam, chắc chắn Tướng Nam sẽ ban hành lệnh “tử thủ”, tôi yêu cầu các anh phải chuẩn bị “ba lô” để sẵn sàng di tản khi tình hình đòi hỏi. Chỉ có vậy thôi!”
Nhưng, ngay trong đêm 29 rạng 30/4/1975, một biến cố bất ngờ xảy ra, chuẩn tướng Chương Dzềnh Quay Tham Mưu Trưởng QĐIV & QK4 cùng Phó Đề Đốc Đỗ Cao Thăng Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi và một số binh sĩ và gia đình lên tàu hải quân di tản. Khi nghe tin TTHQ/QĐIV báo cáo, Tướng Lê Văn Hưng Tư Lệnh Phó QĐIV bay trực thăng kêu gọi các tướng Quay và Phó Đề Đốc Thăng trở lại đơn vị, nhưng tàu vẫn tiếp tục đi ra biển…
Khoảng 6 giờ sáng, ngày 30/4/1975, một buổi hợp tham mưu khẩn được tổ chức tại Trung Tâm Hành Quân QĐ IV do Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh QĐ IV & QK 4 chủ tọa.Tướng Nam bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Đình Vinh quyền Tham Mưu Trưởng  QĐIV & QK4 và Đại Ta Trần Cữu Thiên, Tỉnh trưởng kiêm TKT/ Tiểu Khu Phong Dinh. Tiếp đến 7 giờ sáng là buổi họp các Tư Lệnh Quân Binh Chủng trực thuộc QĐIV & QK4 bàn về kế hoạch tử thủ miền Tây.
Tướng Nam hỏi Trung tá Phát / Trưởng phòng 4:
– “Với số đạn dược hiện còn tồn trử của QĐIV, chúng ta còn có thể tiếp tục kéo dài cuộc chiến đấu được bao lâu?”
Trung tá Phát nói;
– “Thưa Thiếu tướng, tình trạng đạn dược còn tồn trữ tại Quân khu 4, chúng ta có thể tự lực chiến đấu trong 6 tháng nếu đánh lớn với quân chủ lực CSBV, còn đánh lẻ tẻ với du kích Việt Câộng, số đủ đạn dược có thể kéo dài  2 năm chưa hết đạn.”
Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, trầm ngâm suy nghĩ, rồi quyết định:
– “Cho tới giờ phút nầy, Quân đoàn IV & Quân khu 4 vẫn hoàn toàn làm chủ tình hình 100%, quân CSBV chưa chiếm được một tỉnh, một quận nào thuộc lãnh thổ do tôi chịu trách nhiệm; vì vậy, tôi quyết dịnh, Quân Đoàn IV & Quân Khu khu 4 sẽ tiếp tục chiến đấu với sự yểm trợ của Sư đoàn 4 Không quân, Hải quân vùng 4 sông ngòi, Lữ đoàn 4 Thiết giáp, Liên Đoàn 4 công binh. Trong vòng 6 tháng tới, tôi tin chắc sẽ có giải pháp chính trị mới có lợi cho Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta hãy bình tĩnh chiến đấu, không phải di tản đi đâu cả.” Tướng Nam nói tiếp. “Chiều hôm qua, tướng Pazzi xuống Cần Thơ gặp tôi tại văn phòng. Tôi có nói với ông ta rằng: “Tôi có yêu cầu ông Dương văn Minh cho phép tôi đem quân phản công giải tỏa QL4, nhưng ông Dương văn Minh dặn đi dặn lại mấy lần là đừng phản công mạnh, tạm thời ở thế chờ đợi để ông tìm giải pháp chính trị ở Sài Gòn. Nếu chúng tôi phản công mạnh thì bất tuân thượng lệnh. Đến giờ phút nầy QĐIV & QK4 gần như bị phe chính trị salon chi phối toàn bộ hết rồi! Nhưng, tôi quyết định tử thủ, Miền Tây tự lực chiến đấu, chờ giải pháp chính trị.”
Tướng Nam nhìn Đại tá Lê Nguyên Bình, Trưởng Phòng 2 QĐIV, hỏi:
– “Tình hình địch hiện nay ra sao?”
Đại tá Bình cầm que thuyết trình chỉ vào tấm bản đồ “Tình hình Địch”, trình bày từng chi tiết:
– “Ngày 1 tháng 4, Phòng 2 / QĐIV bắt được mật điện cho biết Hà Nội đề ra thời gian tổng công kích trong tháng 4 vào trước mùa mưa năm nay. Trung đoàn 101 Long Châu Hà tăng phái cho Sư đoàn 4 Hậu Giang và 2 đơn vị nầy đang di chuyển lên lãnh thổ tỉnh Phong Dinh để phối hợp với Tây Đô chờ đánh chiếm thành phố Cần Thơ. Theo tinh tức tình báo chính xác cho biết ngày 24 tháng 4, Sư đoàn 9 CSBV được điều động từ Cam Bốt về đóng quân tại phía nam Mộc Hóa. Công trường 8 thuộc Trung ương Cục Miền Nam, thiết lập trận địa tại Chợ Gạo, Sư đoàn 3 CSBV và Công trường 5 thuộc TƯCMN chiếm lĩnh trận địa chờ mở cuộc tấn công quận Thốt Nốt. Công trường 271B Cơ động tỉnh Tiền Giang và Công trường 16 phối hợp 2 trung đoàn cơ động Đồng Tháp và Hậu Giang bố trí tại Mỹ An, phía đông bắc Cao Lãnh. Còn nữa, mật điện còn cho biết tướng Trần văn Trà ra lệnh cho QK9VC bằng mọi giá phải đánh chiếm phi trường Trà Nóc và cắt đứt QL4.”
Sau khi nghe phần thuyết trình “Tình hình Địch” của Phòng 2, Tướng Nam quay sang Trung tá Lê văn Tòng, Trưởng phòng 3, nói.
-“Yêu cầu Trung Tá Trưởng Phòng 3 trình bày kế hoạch tử thủ của Bộ Tư Lệnh QĐ IV & QK 4.”
Lúc đó vào khoảng 9 giờ sáng, trong lúc Trung Tá Tòng đang chỉ bản đồ, trình bày kế hoạch hành quân. Cho mãi đến bây giờ, tôi còn nhớ mấy điểm chính yếu như tái tổ chức các đơn vị trừ bị Nhảy dù, TQLC, BĐQ trên đường rút lui về vùng 4 CT làm lực lượng trừ bị cho QĐIV để tiếp tục cuộc chiến đấu, đánh sập cầu Bến Lức và các chuyến phà tại Bắc Mỹ Thuận và Bắc Cần Thơ tạm ngưng hoạt động và neo bên nầy bờ sông Tiền và Hậu chỉ dành riêng cho quân đội chuyển quân. Sư đoàn 7, 9, 21 tiếp tục hành quân càn quét VC, yểm trợ 16 tỉnh, đặc khu Phú Quốc và 92 quận lỵ thuộc Vùng 4 CT. Lực lượng cơ hữu của các Tiểu khu gồm 144 Tiểu đoàn ĐPQ, trên 1.000 trung đội NQ, các đơn vị CSQG và 17 Trung đoàn Lưu động Địa phương làm lực lượng trừ bị cho Quân khu 4…tổng số các đơn vị Chủ Lực Quân, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc QĐIV & QK4 có khoảng 250.000 quân mà tinh thần chiến đấu rất cao… thì Trung tá Tuấn bất ngờ xuất hiện, kéo tôi ra ngoài Trung Tâm Hành Quân, hỏi nhỏ:
– “Tình hình ra sao rồi, anh?”
-“Tướng Nam vừa ra lệnh tử thủ,” tôi hỏi. “Còn anh tính sao? Quyết định đi hay ở lại với anh em?”
-“Tình hình nầy khó nói quá!” Trung tá Tuấn bất ngờ, hỏi. “Nếu tôi đi, anh có muốn đi với tôi không?” tôi lắc đầu, rồi chúng tôi chia tay nhau và cho mãi đến hơn 20 năm sau, chúng tôi mới gặp lại nhau tại tiểu bang Virginia.
Khi tôi trở vào TTHQ, đúng lúc Tướng Nam ban hành chỉ thị:
-“Sát nhập Sư đoàn 25BB vào QĐ4 và sát nhập hai tỉnh Long An và Hậu Nghĩa vào QK4 thành 18 tỉnh. Nếu cần thiết giật sập  cầu Bến Lức và Long An để ngăn chận trục tiến quân của quân CSBV từ hướng Sài gòn kéo xuống Miền Tây. Trưng thu tất cả kho xăng dầu cho quân đội sử dụng. Liên đoàn 4 Công Binh Chiến Đấu khẩn cấp sửa chửa phi trường Trà Nóc để tiệp nhận chiến đấu cơ F5E. Liên Đoàn 4 Kiến Tạo thiết lập doanh trại dã chiến tại Khu Kỹ Nghệ Trà Nóc để chờ tiếp nhận khoảng 6.000 quân, gồm Nhảy Dù, TQLC, BĐQ, các SĐBB từ QĐ I, II, III trên đường di tản về Cần Thơ để tiếp tục chiến đấu. Chuẩn bị sửa chửa doanh trại Cửu Long để tiếp nhận Bộ Tổng Tham Mưu từ Sài Gòn di tản xuống. Các bến phà Mỹ Thuật và Cần Thơ ưu tiên dành quân đội sử dụng chuyển quân.”
Lúc đó, vào khoảng 10 giờ sáng. Trong lúc BTM/QĐIV/QK4 đang bày mưu tính kế, tái phối trí lực lượng để làm thế nào bẽ gẫy các mũi tiến công CSBV thì bất ngờ, sĩ quan tùy viên bước vào TTHQ thưa với tướng Nam, có Tổng thống Dương Văn Minh muốn nói chuyện với Tư lệnh QĐIV qua điện thoại. Tướng Nam liền đứng dậy rời phòng họp. Bất ngờ lúc đó, TTHQ mở đài phát thanh Sài Gòn, tiếng của Tổng thống Dương văn Minh oang oang trên đài phát thanh, lập lại ra lệnh đầu hàng: “Tổng Thống, chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện Quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung Ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn trao lại cho chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.”
Kế đó là lời kêu gọi QLVNCH buông súng của tướng Nguyễn Hữu Hạnh, trên đài phát thanh Sài Gòn: “Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng, thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc, yêu cầu tất cả quý vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống VNCH về ngưng bắn, cùng với các cấp chỉ huy quân đội của chính phủ CMLT/CHMNVN để thực hiện cuộc ngưng bắn không đổ máu…”
 Một lúc sau, tôi thấy Tướng Nam trở lại phòng họp, nét mặt thoáng một vẻ buồn, rất buồn. Tướng Nguyễn Khoa Nam, giọng xúc động nói: “Tổng thống Dương văn Minh đã ra lệnh QĐIV ngưng chiến đấu, chờ bàn giao cho chánh phủ CMLT/ CHMNVN.” Tôi thấy gương mặt của Tướng Hưng mất bình tĩnh thấy rõ, ông lớn tiếng nói như hét: “Nhục ơi là nhục! Nhục không chịu được!” Tướng Nam nhìn mọi người có mặt trong phòng họp, nói tiếp:
-“Thôi, các anh em trở lại đơn vị chờ chỉ thị sau cùng của tôi. Tôi không chủ trương bỏ nước ra đi, với cương vị của tôi, ra đi lúc nào cũng được. Nhưng, nghĩ đến các anh em chiến sĩ ngoài mặt trận, gia đình vợ con binh sĩ và đồng bào nên tôi quyết định không ra đi,” Tướng Nam cố giằn cơn xúc động, nói. “Có thể đây là lần cuối cùng tôi thấy các anh em.”
Phòng họp TTHQ/QĐIV lúc bấy giờ chỉ còn lại Tướng Nam, Tướng Hưng và vài sĩ quan thuộc Bộ Tham Mưu QĐ IV, Trung tá Lê Văn Tòng, Thiếu tá Nô và tôi. Tướng Nam nói:
-“Anh Tòng lên máy gọi các Tư lệnh Quân Binh Chủng và các Tỉnh / TKT trực thuộc QĐIV & QK4 coi ai còn ở lại hay đã ra đi. Nếu tất cả các đơn vị trưởng còn giữ vững tinh thần, quyết tâm ở lại chiến đấu đến cùng, tôi sẽ ban hành lệnh tử thủ. Chúng ta sẽ tiếp tục tự lực chiến đấu, tôi sẽ cắt đứt liên lạc với chánh phủ Sài gòn. QĐIV & QK4 tự lực chiến đấu chờ giải pháp chính trị. Sài Gòn bỏ ngỏ, mình đủ sức giữ vững Miền Tây trong vòng một tháng hay vài tháng có khó khăn gì đâu.”
Một giờ sau khi Trung tá Tòng nhận lệnh của Tướng Nam, vừa trở lại Phòng 3, chúng tôi chia nhau lên máy gọi Sư đoàn 4 KQ, BTL Vùng 4 Sông Ngòi, Liên đoàn 4 Truyền tin, Bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận… và 16 Tiểu khu. Thiếu tá Nô và tôi thay phiên gọi các nơi, nhưng không thấy giới chức nào trả lời, tất cả đã tự động tản hàng khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân CSBV xâm lược…riêng Tiểu khu Chương Thiên, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn vẫn còn tiếp tục chiến đấu, không chịu buông súng đầu hàng. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã tử thủ Bộ Chỉ Huy TK Chương Thiện, ông tiếp tục chiến đấu đến 11 giờ đêm ngày 1/5/1975 khi khẩu đại liên 30 nhả viên đạn cuối cùng, VC tràn vào BCH/TK Chương Thiện, ông bị chưa kịp tự sát như Tướng Nam và Tướng Hưng vì một thuộc cấp phản trắc, khống chế sau lưng nên ông bị địch quân bắt sống.
Lúc đó khoảng 12 giờ trưa, Trung tá Tòng lên văn phòng Tư lệnh gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam báo cáo tình hình thực tế QĐIV & QK4 lúc bây giờ. Khoảng 1 giờ sau, Trung tá Tòng trở lại Phòng 3. Thiếu tá Nô hỏi liền:
-“Có lệnh gì mới không, sếp?”
-“Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình tất cả các đơn vị trực thuộc QĐIV & QK4 đã tự động tản hàng. Tướng Nam buồn chán nói: Giá như ông Dương Văn Minh đừng tuyên bố gì cả để mặc chúng ta hành động, đánh tới đâu thì đánh, chưa chắc ai thắng ai? Đằng nầy tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân CSXL chẳng ra cái thể thống gì cả, lòng quân đã bể rồi, còn tinh thần đâu nữa mà đánh giặc? Nài nĩ xin cho được chiếc ghế Tổng thống để rồi đầu hàng địch vô điều kiện, làm tướng không biết nhục tham sống sợ chết, thứ chánh trị xôi thịt, phản bội chiến hữu. Để coi bọn cộng sản ban ơn  cho ông Dương văn Minh được những thứ gì? Phải thi hành lệnh của chánh phủ Sài Gòn thôi!” Trung tá Tòng thở dài, nói. “ Vừa lúc đó, Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh SĐ 21/BB đang bay trên trực thăng chỉ huy, hướng dẫn không quân oanh kích yểm trợ cho Trung Đoàn 32/BB truy kích Trung đoàn 2, 10 và 20 thuộc Sư Đoàn 4 HG, được tăng cường 3 Trung đoàn Chủ lực Miền đang vượt sông Cầu Nhiếm với quyết tâm đánh chiếm thị xã Cần Thơ thì nhận được lệnh của Tướng Nam gọi về trình diện…”
Thiếu tá Nô có vẻ sốt ruột, hỏi:
-“Rồi sao nữa, sếp? Tiếp tục chiến đấu hay buông súng đầu hàng?”
Trung Tá Tòng nói tiếp:
-“Tôi nghe chuẩn tướng Trường hỏi tướng Nam về những kế hoạch mà Tướng Nam đã hoạch định trước đây có thể đem ra thi hành bây giờ được không? Tướng Nam trả lời rằng, hoàn toàn không thi hành được. Trước đây, mình dự trù đón Bộ Tổng Tham Mưu về Cần Thơ và và các đơn vị Nhảy dù, TQLC, BĐQ và các Sư Đoàn BB tại Quân Đoàn I, II và III rút về Miền Tây, tái tổ chức để tiếp tục chiến đấu. Nhưng, nay thì Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện làm cho tình đột biến quá tồi tệ. Tại BTTM thì các tướng lãnh cao cấp đã bỏ chạy hết rồi, Hải quân và Không cũng tản hàng lấy phương tiện đâu để yểm trợ bộ binh chiến đấu? Hơn nữa, dân chúng chạy giặc hổn loạn, QL4 và các đường liên tỉnh kẹt cứng, các đơn vị quân đội không thể di chuyển đi đâu được. Ngay cả đơn vị của SĐ7 và 9/BB cũng bị kẹt đường. Tướng Nam bực bội, cay đắng, nói: “Là quân nhân, chúng ta phải tuân lệnh thượng cấp.”
Trung tá Tòng quay sang, nhìn tôi, nói. “Anh thảo ngay công điện gởi ngay các đơn vị trực thuộc QĐIV/QK4 nội dung như tôi vừa nói, tất cả làm theo lệnh của chánh phủ Sài Gòn buông súng, chờ bàn giao cho đại diện chánh phủ CMLT/CHMNVN để tôi kịp trình Tư Lệnh ký.”
                                                        oOo
Trong cuộc đời lính của tôi; có lẽ đêm 30 tháng 4 rạng ngày 01 tháng 5 năm 1975 là đêm dài nhất. Tối đêm đó, tôi và một số anh em khác, trong đó có Đại tá Hòa sĩ quan quan cao cấp nhất, ngủ qua đêm cuối cùng tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV và Quân Khu 4 để chờ bọn VC. Ngồi một mình trên ghế của Trưởng phòng 3 mà trong lòng tôi buồn vô hạn.
Khoảng 3 giờ sáng, tôi đang ngủ mơ màng bỗng giật mình vì tiếng còi xe vang lên inh ỏi từ cổng trại LÊ LỢI và cổng bên hông gần cư xá sĩ quan. Tôi vừa vói tay, chưa kịp chụp lấy khẩu M 16 thì có 6 tên VC đội mũ tai bèo, tay cấm súng AK 47 đạp tung cửa ập vào, chĩa súng vào người. Tôi bị họ dẫn ra tập trung trước sân văn phòng Tư lệnh QĐIV & QK4. Có tất cả khoảng 50 người, những người lính cuối cùng giữ trại Lê Lợi, lần lượt bị đám VC võ trang dẫn ra ngồi xổm trước sân, nghe một tên chính trị viên lên lớp thuyết giảng về chủ nghĩa Mác – Lê cho tới gần sáng. Sau đó, tất cả anh em chúng tôi bị đưa vào Trung Tâm Hành Quân, có khoảng một tiểu đội võ trang canh gác cẩn thận.
Đến khoảng 6 giờ 30ø sáng, chúng tôi rời TTHQ/QĐIV, trở lại văn phòng làm việc, gọi là chờ làm thủ tục bàn giao cho đại diện Chánh phủ CMLT/CHMNVN. Hầu hết nhân viện Bộ Tham Mưu QĐIV & QK 4 lần lượt tới đông đủ, đứng rải rác ngoài sân bàn tán xôn xao chuyện tên thượng sĩ Tuân, hạ sĩ quan hành chánh, nằm vùng trong văn phòng Tư lệnh, vừa đại diện Mặt trận GPMNVN tiếp thu Đại đội THD / QĐIV & QK 4.
Khoảng 30 phút sau đó, mọi người bàng hoàng khi nghe tin sét đánh Tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh Phó QĐIV, đã tự sát tại tư dinh vào lúc 11 giờ đêm và Tướng Nguyễn Khoa Nam vừa tự sát tại tư dinh vào lúc 5 giờ sáng, cách đây khoảng 3 giờ. Tôi bỗng nhìn thấy độ không bình thường của Thiếu tá Nô, trông thần sắc của anh có vẻ căng thẳng khác thường. Anh lặng lẽ vào văn phòng, đóng cửa lại. Tôi bỗng nghi ngờ có chuyện gì đó không hay sẽ xảy ra với anh. Tôi đẩy cửa văn phòng định bước vào, thấy cánh cửa bị khóa bên trong, tôi lấy chân đạp tung cánh cửa mở bung ra. Anh Nô thấy tôi bước vào, anh lật đật lên đạn khẩu súng colt 45 kê ngay màng tang, chưa kịp bóp cò súng, tôi đã kịp thời nhào tới chụp lấy cổ tay, giằng lấy khẩu súng. Anh giận dữ,  bất ngờ xô tôi té nhào, trán va vào cạnh bàn đổ máu. Hình như anh đã thức tỉnh, đưa tay kéo tôi ngồi dậy xin lổi. Tôi móc túi lấy khăn tay, chùi vết máu trên trán, vừa nói:
-“Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chưa phải là trận đánh cuối cùng đâu, anh Nô! Anh em mình phải sống để còn tiếp tục cuộc chiến đấu,” tôi nói tiếp. “Chị và các cháu đang ở nhà, nóng ruột chờ anh về đó. Anh chưa thể chết bây giờ được đâu, sống nhục cũng phải sống nghe, anh Nô!”
Anh quàng tay qua vai tôi bước ra khỏi phòng 3, nhìn thấy là cờ vàng ba sọc đo nằm lăn lóc  dưới cột cờ, lá cờ mặt trận giải phóng được bọn VC thượng lên từ lúc nào không ai biết . Tôi thấy đôi mắt của anh đỏ hoe…
                                                        o0o
Thế rồi, ngày 3 tháng 5 năm 1975, 33 sĩ quan cấp tá thuộc Bộ Tham Mưu QĐIV được VC tập trung vào Liên Trại II, nguyên là Quân Lao của QLVNCH, nằm bên cạnh  Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ. Trại chia làm 4 khu. Chúng tôi ở khu I, giường của anh Tòng, Nô, Sỹ (Trưởng ban Huấn Luyện) và tôi, 4 thầy trò nằm cạnh bên nhau. Bốn tháng sau đó, sau đợt biên chế đầu tiên, anh Nô và Sỹ tách rời ra, chuyển xuống sống ở khu 4.
Trong gần một năm sống trong trại Tập trung cải tạo, chúng thường gặp nhau, uống trà vào mỗi buổi chiều, khi thì ở khu 1, khi thì tôi xuống khu 4 gặp anh. Khi nào được gia đình tiếp tế, anh em chúng tôi mới có dịp ngồi ăn cơm chung với nhau. Phải nói là sếp của tôi rất kéo tay, anh dùng một cây đinh đập dẹp, mài thật sắc dùng để “xủi” những hình hoa văn trên vật dụng bằng nhôm rất đẹp, anh có tặng tôi một lon “gô” với dòng chữ  “TỔ QUỐC – DANH DỰ – TRÁCH NHIỆM” chung quanh miệng lon, còn cái nắp đậy, anh khắc 30-4-1975. Tôi định giữ lon gô nầy làm kỷ vật của anh, nhưng khi chuyển về tới trại tù Thanh Cẩm thì bị tụi cán bộ trại tịch thu. Anh lượm được một cây cưa nhỏ xíu ở Phòng Y Tế dùng để cưa mấy ống thuốc chích, anh đã dùng nó cưa đôi hộp lon “gô”, sáng tạo ra những lò đốt bằng đèn cầy xinh xắn, vừa đủ đun nước sôi trong một cái lon sửa bò đủ để pha trà.
Anh Nô là một người rất có khí phách. Hôm đó, tôi trực ờ Ban Tiếp Tân để tiếp nhận thân nhân đến  thăm nuôi “tù cải tạo”. Vào khoảng 11 giờ trưa, có một anh VC, đầu đội nón cối, vai mang túi dết, chưn mang dép râu, mang quân hàn đại úy đến xin gặp anh Nguyễn Văn Nô. Tôi bèn đi vô trong trại, gặp anh Nô. Tôi nói:
-“Có một  tên đại úy VC đến xin gặp anh, đang ngồi chờ ở ngoài khu tiếp tân.”
Anh Nô hậm hực, nói:
-“Anh ra nói với hắn là tôi không có quen biết gì với anh ta cả.”
Tôi khuyên anh:
-“Dù sao anh cũng phải đối diện với sự thật. Anh cứ ra gặp anh ta rồi nói chuyện dứt khoát với hắn, nếu anh không muốn anh ta đừng tới đây làm phiền anh nữa.”
Anh Nô suy nghĩ một lát rồi đồng ý theo tôi ra ban Tiếp Tân gặp anh ta. Vừa thấy mặt anh Nô, anh ta có vẻ mừng rỡ, chạy đến ôm chầm lấy anh Nô, nói:
-“Em Nô! Em khỏe không?” rồi ông ta tự xưng danh tánh. “Anh là anh Hai của em đây! Nhớ không?”
Anh Nô xô anh ta ra, hỏi giọng cộc lốc:
-“Nhớ! Anh tới đây tìm tôi có việc gì?”
Anh ta nói:
-“Anh tới để tìm cách bảo lãnh cho em, sớm trở về đoàn tụ với gia đình.”
Tôi thấy anh Nô cười gằn, rồi trả lời một cách dứt khoát:
-“Tôi với anh mỗi người theo đuổi một lý tưởng. Anh theo chủ cộng sản, còn tôi theo chủ nghĩa quốc gia. Từ bây giờ, đường ai nấy đi, tôi không cần một thứ ân huệ nào của người cộng sản cả. Anh đừng tới đây làm phiền tôi nữa. Thôi, anh đi về đi.”
Anh Nô nói xong vài lời một cách dứt khoát, rồi trở vô trại, không buồn quay lưng nhìn lại người anh ruột mà anh xa cách từ thuở còn cấp sách đến trường. Hỏi ra mới biết, người mang lon đại úy cách mạng là anh ruột của anh Nô. Sau khi tốt trường Mỹ Thuật Gia Đinh, rồi bỏ vô bưng biền theo Việt Cộng. Sau đó, anh ta có đến trại nài nỉ xin gặp anh Nô một vài lần. Nhưng, anh Nô cương quyết từ chối, không muốn gặp mặt ông anh đó nữa.
Những lúc trà dư tửu hậu, anh em chúng tôi thường tụm ba, tụm năm nói về huyền thoại anh hùng của Tướng Nguyễn Khoa Nam và Tướng Lê Văn Hưng và các tướng tá liêm sĩ khác, họ đã chọn câu nói Voltaire để giữ tiết tháo và danh dự của người lính thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: “CÒN GIỮ ĐƯỢC DANH DỰ LÀ CHƯA MẤT MÁT NHIỀU.”
Có một câu chuyện huyền bí về huyền thoại sông Cửu Long, tới bây giờ mới có dịp đem ra thảo luận với sự góp ý của nhiều người. Câu chuyện bắt đầu từ chiến dịch tấn công vào sâu trong lãnh thổ Campuchia vào tháng 5/1970 mà còn tên gọi là “Chiến dịch KPC 70”. Trong lúc Tướng Đỗ Cao Trí được chỉ định làm Tư lệnh, chỉ huy 3 sư đoàn thiện chiến của Quân Đoàn III làm cỏ các đơn vị CSBV trong khu vực Mỏ Vẹt (Parrot’s Beak). Trong lúc đó, Tướng Nguyễn Viết Thanh làm Tư lệnh 4 chiến đoàn bộ binh, thiết giáp tấn công từ Vùng 4 CT lên hướng Bắc Campuchia để bắt tay với quân đoàn của Tướng Đỗ Cao Trí. Nhưng một sự bất hạnh xảy ra cho QĐIV nói riêng và QLVNCH nói chung là trong những ngày đầu của chiến dịch, Trung tướng Nguyễn Viết Thanh đang bay thị sát chỉ huy mặt trận. Bất ngờ, chiếc trực thăng HU chở tướng Thanh vào sâu trong nội địa Campuchia khoảng 20 cây số thì đụng phải một chiếc trực thăng tấn công Cobra của một đơn vị Hoa Kỳ, làm tất cả những người trên hai chiếc trực thăng đều tử nạn thảm khốc.
Sau khi Tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn trực thăng tại Campuchia thì ngày hôm sau, tại chợ Cần Thơ có một tin đồn rằng, một ông đạo Hòa Hảo ở bên Xóm Chài (đối diện bên kia sông Cần Thơ) tối đêm qua, ông thấy trên bầu trời có năm nguòi tướng họ “Nguyễn” khiêng một cái quan tài có cắm 5 năm ngọn nến đi lơ lững trên bầu trời. Ông nói rằng, đất Cần Thơ bị động vì xáng múc của nhà thầu Đai Hàn thổi cát từ lòng sông Hậu Giang lên bờ làm nền để xây dựng khu Kỷ Nghệ Tây Đô Cần Thơ. Xáng múc làm đứt năm móng rồng của long mạch sông Cửu Long. Vì vậy, sẽ có 5 người tướng mang họ “Nguyễn” sẽ chết tại đất Cần Thơ.
Tôi cũng có nghe tin đồn nầy, nhưng lúc đó tôi cho là tin đồn huyễn hoặc, mê tín dị đoan không đáng tin. Nhưng rồi, lần lượt có những vị tướng mang họ “Nguyễn” tử nạn tại đất Cần Thơ là: Cố chuẩn tướng Nguyễn Văn Phước (phụ tá Đặc biệt của Tư Lệnh), cố Chuẩn tướng Nguyễn Văn Khương (Tỉnh trưởng/TKT tỉnh Phong Dinh). Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh (Tư lệnh Sư đoàn 4 Không Quân) và cuối cùng là Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh QĐIV/QK4, tự sát vào đúng tháng 5 năm 1975 khi mùa mưa vừa bắt đầu. Tin hay không tin những hiện tượng huyền bí về con sông thiêng mang tên sông CỬU LONG?
Chúng tôi còn được biết thêm nhiều uẩn khúc mà tôi chưa được biết hết những gì đã xảy ra trước và sau ngày 30/4/1975, thông qua những tin tức của những gia đình thăm nuôi hoặc những tin viết trên giấy gởi qua trong những gói quà.
Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày sống trong trại tù VC tại Cần Thơ. Cái ngày đau buồn nhất có lẽ là ngày 10 tháng 8 năm 1975, khi chúng tôi hay bọn Việt Cộng đem Đại tá Hồ Ngọc Cẩn xử bắn tại sân vận động Cần Thơ. Thái độ hào hùng và bất khuất của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn tại pháp trường cát làm mọi người vô cùng xúc động. Chúng tôi nghe gia đình thăm nuôi, thuật lại là Đại tá Hồ Ngọc Cẩn yêu cầu bọn VC không bịt mắt ông. Trước khi chết, ông ngạo nghễ hét to: “ĐÃ ĐẢO CỘNG SẢN! VIỆT NAM CỘNG HÒA MUÔN NĂM!”. Ông đã hiên ngang và bất khuất trước khi ngã gục trước họng súng của bọn xạ thủ VC, cái chết của Đai tá Cẩn đã làm hàng ngàn đồng bào có mặt tại pháp trường rơi nước mắt. Ngày hôm sau, anh Nô và tôi làm mâm cơm thật đạm bạc gồm 2 trứng vịt luộc, vài con khô sặc nướng, một dĩa rau muống luộc và chén cơm lạt gọi là đám giỗ đầu tiên, cũng là giỗ cuối cùng để tưởng niệm Đại tá Hồ Ngọc Cẩn vì nước bỏ mình.
Một năm sau đó, cái tin quan trọng mà chúng tôi nghe được vào 30/4/1976 là các tưởngg lãnh Pháp đã đề với Đại sứ Pháp Merillon thực hiện tạm thời kế hoạch bỏ trống Sài Gòn. Lực lượng hải quân, không quân di chuyển về miền Tây, thành lập chánh phủ VNCH lưu vong. Vai trò Dương Văn Minh đến đây chấm dứt. Các tướng  Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Ngô Quang Trưởng, Lê Nguyên Vỹ …được xem là thành phần tướng lãnh chuan bị cho chiến trường tương lai. Các cựu tướng lãnh Pháp còn quả quyết sẽ tìm nguồn quân viện chẳng mấy khó khăn qua sự quân viện đóng góp của cựu quân nhân Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Do Thái. Nhưng kế hoạch nầy chưa thực hiện được đã bị Dương Văn Minh phá hỏng khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân CSXL. Thôi thì ý trời! Và một tin không vui là lời nhắn tin: “Các anh chuẩn bị tinh thần, sẽ di chuyển toàn bộ ra Miền Bắc trong thời gian gần đây!”
Tối ngày 20 tháng 6 năm 1976, tất cả khoảng 800 sĩ quan cấp tá Liên trại II được chất lên xe GMC đưa ra bến tàu tại Khu Kỷ Nghệ Tây Đô để lên  6 tàu chở hàng di chuyển ra miền Bắc bằng đường biển. Tôi và mấy anh em Phòng 3 đi chung một tàu. Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên mặt biển, tôi bị say sóng không ăn uống gì được, chỉ uống bột đậu xanh cầm hơi. Khi tàu cập bến cảng Vinh vào trưa ngày 24 thì tôi mệt lã người. Anh Nô nói với tôi: “Khi lên bờ, cố gắng đi gần nhau thành một toán để sống cùng một trại với nhau.”
Tôi đi lên boong tàu trước, vì hành trang của tôi rất nhẹ gánh, còn anh Nô và Sỹ đi sau. Nhưng khi lên bờ, chúng tôi bị tách rời ra, tôi bị đẩy lên một xe molotova đi về hướng Sơn La – Nghĩa Lộ, còn anh Nô và Trần Sỹ đi chung một xe, không biết đi về đâu. Trước khi xe bắt đầu lăn bánh, chúng tôi vẫy tay chào từ giã nhau lần cuối…
                                                        oOo
Mùa xuân năm 1978, tôi được chuyển về Trại 2 do bộ độ đoàn 776 Hoàng Liên Sơn quản lý, thuộc xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn là vùng đất có thể nói là “khô cằn sỏi đá”, không một thứ rau cải nào trồng mà sống được, chỉ có một thứ rau một tràn đồng đó là “rau tàu bay”, hình như nó có mặt khắp núi rừng, ven các con suối miền Bắc. Rau tàu bay với chùm hoa hình trụ lông trắng như tuyết, nở rộ vào mùa hè, đặc điểm của nó phát triển rất nhanh thành hình những đám rau trời hoang dại. Lá và thân cây có mùi vị hăng hăng, đăng đắng, nhưng ăn rất lành. Rau tàu bay luộc, ăn độn với sắn hoặc ngô cũng tạm được. Có người nói ăn rau tàu bay sẽ mất máu, chúng tôi chỉ cười, trả lời: “Còn máu đâu mà sợ mất với còn chứ!” Còn một loại rau thứ hai là đọt sắn (đọt khoai mì), luộc xong thì vắt hết nước, chấm với nước muối ăn độn với khoai sắn cũng đở đói. Nhưng, đồng bào địa phương cảnh báo, nước luộc sắn rất độc, chỉ được luộc đọt sắn một lần, rồi phải đổ nước đó đi.
Tháng 4 năm 1978, một buổi “học tậïp chính trị” liên trại gồm Trại 2 và Trại 8 do chính trị viên của Đoàn 776 lên lớp. Tôi bất ngờ gặp lại Thiếu tá Hoàng Văn Thái khóa 10 Thủ Đức, gốc BĐQ, cùng làm Phòng 3 với tôi. Vì không nói chuyện được, Thái viết vội mấy chữ trên một tờ giấy rồi xếp lại, đưa cho tôi. Tôi liền mở ra đọc: “Anh Nô và thằng Sỹ chết rồi!”. Tin buồn quá bất ngờ làm tôi lặng người đi, không nói nên lời. Buổi học tập chính trị chấm dứt, trước khi chia, ai trở về trại ấy. Tôi đi gần anh Thái, hỏi được mấy câu:
-“Anh Nô và thằng Sỹ tại sao chết?”
-“Nô ăn đọt sắn luộc trúng độc, còn thằng Sỹ bị bệnh kiết lỵ,” anh Thái chỉ ngọn đồi  bên kia đường, nói. “Anh Nô chôn ở trên đồi Cây Khế!”
Trong suốt mấy tháng lao động khổ sai tại Trại 2. Cứ mỗi lần có dịp đi đốn củi, nứa ở ngọn đồi bên kia đường, dù không biết đồi Cây Khế ở đâu, tôi cũng dành một ít thời gian đi lang thang từ  ngọn đồi nầy sang ngọn đồi khác để tìm mộ anh cho đến khi tiếng kẻng thu quân. Đồi núi chập chùng, chỉ thấy vài ngôi mả lạn rải rác ở sườn đồi, không mộ bia. Đến đầu tháng 8, chúng tôi được chuyển về trại tù THANH CẨM thuộc xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 3 năm 1983, tôi được thả ra khỏi trại tù Thanh Cẩm. Tôi có trở lại thành phố Cần Thơ để thăm chị Nô và các cháu và thắp cho anh vài nén nhan thơm. Chị quả là một người đàn bà kiên cường, thủ tiết thờ chồng, chị làm thợ may để lo cho các cháu và mẹ già của anh. Đời sống tuy có chật vật, nhưng chị ước mong sẽ có ngày ra miền Bắc, bốc một anh, đưa bộ hài cốt về quê nhà ở tỉnh Bạc Liêu để cải táng, rồi chị than thở biết mộ của anh ở đâu mà tìm?
Sau đó, tôi có gặp anh Hoàng Văn Thái để hỏi vài chi tiết về cái chết của anh. Anh Thái cho biết, trại 8 hồi đó đói lắm vì đất đai xãViệt Cường khô cằn, tù không trồng rau được để ăn nên phải ăn đọt sắn luộc thay rau. Đọt sắn có độc, muốn chắc ăn, phải luộc làm hai, ba nước mới ăn được. Hôm đó, anh Nô luộc nhiều đợt sắn trong một cái gà mèn, đợt nầy chín, anh vớt ra, cho đợt lá sắn khác vô luộc tiếp cho đến khi nước trong gần như đậm đặc. Tôi không biết anh Nô uống nước luộc sắn đó vào lúc nào. Tới khuya, tôi nghe lán bên của anh Nô lục đục, rồi nghe có người bệnh nặng phải cỏng lên trạm xá. Sáng hôm sau, tôi mới biết anh Nô đã chết trong đêm vì trúng độc sắn.
Tôi không tin là anh Nô không biết nước luộc lá sắn có độc mà vô tình uống phải. Vì ngay khi người tù cải tạo vừa đặt chân lên miền Bắc XHCN thì được cán bộ quản giáo hoặc dân làng cảnh báo củ sắn và đọt sắn có chất độc, nhất là những cây sắn trồng gần cây lim là độc vô kể, ăn phải loại sắn thì ói mửa tới mật xanh, người sốt cao, muốn trị “độc sắn” chỉ có cách ăn một viên đường tán, nhai một nhúm đậu xanh hoặc nhai vài đọt khoai lang và tuyệt đối không dùng thuốc trị cảm cúm như aspirine có thể gây tử vong. Không có ai hiểu anh Nô bằng tôi, anh uống luộc sắn để tự kết liểu cuộc đời.
                                                        oOo
Sống lưu vong trên đất nước tạm dung, hàng năm cứ đến ngày Quốc Hận 30 tháng 4 năm 1975, soi gương, chải lại mái tóc đã dần bạc hoa râm theo tuổi đời chồng chấ, vết sẹo cũ năm xưa hằn trên vầng trán lại vỡ ra. Tôi vô cùng hối hận, lương tâm lại bị dày vò, phải chi hồi đó tôi để anh chết vinh, tự sát bằng khẩu súng colt 45, chết theo tướng Nam, Tướng Hưng đầy khí phách anh hùng của người lính thuộc QLVNCH thì ngày hôm đó, anh đâu phải chết nhục nơi xứ lạ quê ngườiù, chết xa vợ xa con…thôi thì một nén hương lòng thắp muộn để tạ lổi cùng anh.
Thế rồi, tháng 9 năm 2006. Tôi tình cờ lang thang trên mấy trang web, tôi đọc được bài viết về anh trên báo Người Việt Online với tựa đề: “31 NĂM SAU, NGƯỜI LÍNH ẤY VỀ VỚI GIA ĐÌNH” của tác giả Thiện Giao, thuật lại câu chuyện gần như cổ tích của cháu Nguyễn Thị Bích Thảo, thứ nữ của anh, tình cờ gặp Trung tá Lê Chu (Liên Đoàn 67 Truyền tin đóng tại Cần Thơ), người cùng trại tù với anh ở trại 8, chính trung tá Lê Chu người đã chôn cất anh trên đồi Cây Khế tại xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Chính ông Chu đã vẽ bản đồ chỉ đường đi nước bước cho cháu Thảo đi tìm mộ cha sau nầy. Mới đầu, cháu Thảo không tin hẳn vì làm sao có sự tình cờ, tại phòng khám bệnh của bác sĩ nhỏ hẹp tại thành phố Arlington, Texas nầy lại gặp người đã chôn cất cha mình trong một mùa đông, cách đây gần 30 năm trước?
Từ Hoa Kỳ, Thảo liền gởi tiền nhờ người anh rể của chồng mình ở Cần Thơ, đáp xe lửa đi lên tỉnh Hoành Liên Sơn tìm mộ cha. Khoảng một tháng sau, cháu Thảo nhận được điện thoại của ông anh từ VN báo tin: “Đã tìm được mộ cha rồi!”. Cháu Thảo vẫn chưa tin vì không thể sự việc xảy ra lại quá đơn giản như thế, gần 30 năm rồi còn gì.
Dưới ngôi mộ nông chỉ còn vài mảnh xương của ngưới quá cố cùng với đôi dép râu, một đôi dép nhựa, một cái gà men, bộ muỗng, nĩa, dao, cái bàn chải đánh răng, cái lược và ba cây viết. Nhìn hình cái gà mèn là tôi biết đích thị là của anh rồi, cái mâm cơm ngày xưa tụi mình thường ăn cơm chung với nhau ở trại tù Cần Thơ, thường không thiếu sự hiện diện của cái gà mèn nầy, khi thì anh dùng nấu canh, luộc rau, hâm cơm… Dưới đáy gà men có khắc dòng chữ dòng chữ: “3/5/1975 CT” và “26/6/76 YB-HLS”. Ngày 3 tháng 5 năm 1975 là đúng là thời điểm của 33 sĩ quan cấp tá của BTM/QĐIV bị đưa vào trại tù cải tạo ở Cần Thơ. Còn ngày 26/6/76 cũng là ngày tôi bị đưa tới trại ở Sơn La – Nghĩa Lộ.
Nhìn tấm hình của cháu Nguyễn Thị Bích Thảo chụp tại nhà riêng tại Wichita, Kansas, cháu bây giờ đã lập gia đình, đang ôm trong tay cái bình sành hình hoa sen đựng tro cốt của anh. Thôi, anh đã trở về đoàn tụ cùng gia đình. Hãy an giấc ngàn thu tại chùa Liên Hoa, thành phố Arlington, Texas. Nơi đây, anh sẽ được nghe kinh kệ, tiếng gõ mõ mỗi ngày, thay cho tiếng kẻng vang lên hàng ngày ở trại tù cải tạo tại miền Bắc xa xôi.
Ngày 30/4/1975, chưa phải là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh Quốc – Cộng kéo dài suốt 30 năm. Cuộc chiến tranh bằng vũ lực đã chấm dứt, tiếng súng đã im hơi lặng tiếng trên khắp nẻo đường quê hương. Nhưng, mộät cuộc chiến khác không ngừng tiếp diễn trên một mặt trận khác, nó cũng không kém phần khốc liệt, đó là mặt trận “văn hóa – tư tưởng”. Tôi đang sát cánh cùng mọi tầng lớp đồng bào trong nước và hải ngoại yêu nước nhưng không yêu cái “Xã Hội Chủ Nghĩa” chết tiệt, phải làm một cuộc chỉnh lý toàn diện để cứu nguy đất nước, thoát khỏi hiểm họa cộng sản do những sách lược chính trị sai lầm tai hại vĩ đại của Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN gây ra. Chúng đang biến Việt Nam thành một nước thuộc địa cho tên Thực dân mới Trung Cộng.
Anh Nô ơi! Người lính QLVNCH không bao giờ hết trách nhiệm đối với đất nước. Tôi luôn ghi nhớ lời nhắc nhở của anh: TỔ QUỐC – DANH DỰ – TRÁCH NHIỆM. Tôi là người lính bắt đầu cầm bút viết văn, viết báo vào lứa tuổi trung niên, tôi không cầu mong một sự nổi tiếng, chỉ âm thầm thi hành nhiệm vụ của một người lính vô danh đang chiến đấu trên một trận địa mới chống lại ĐCSVN vô tổ quốc. Chính nghĩa Quốc Gia tất thắng! Chỉ có vậy thôi…
Tưởng niệm ngày QUỐC HẬN 30 THÁNG 4 NĂM 1975
                 Người lính thủ QUỐC KỲ VNCH
            NGUYỄN VĨNH LONG HỒ
                        KBC 3402
Nguồn: https://vietcongblog.wordpress.com/2015/04/26/mot-nen-huong-long-thap-muon-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét