Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Việt Nam Cộng hòa thực thi chủ quyền Hoàng Sa ra sao?

Việt Nam Cộng hòa thực thi chủ quyền Hoàng Sa ra sao?

Cuối năm 1974, sau khi Trung Quốc đánh chiếm trái phép Hoàng Sa, Đoàn Việt Nam Cộng hòa cũng tham dự Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc tại Caracas.
Ngày 23/5/2014, tại cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, trả lời báo chí về việc quản lý Hoàng Sa, Trường Sa những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, Bộ Ngoại giao khẳng định “Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa”.
Lý giải vấn đề này, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong công thư chứ không đề cập tới Hoàng Sa, Trường Sa vì thế đương nhiên không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa. Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi Trung Quốc lúc đó Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quản lý của Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc chỉ là một bên tham gia. Không thể cho người khác cái gì mà bạn chưa có được”.
Kế thừa Trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20 đầy biến động, Việt Nam cũng như nhiều nước khác bị thực dân đế quốc đô hộ, nhưng nhà nước phong kiến Việt Nam đã khéo léo trong việc thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là việc kế thừa văn hóa biển lâu đời của người Việt, mà bằng chứng thể hiện trên Trống Đồng Ngọc Lũ hay các di chỉ ven biển Đông cũng như các di tích khảo cổ ven bờ và các hòn đảo.
Triều đình nhà Nguyễn tiếp nhận sự quản lý đối với Hoàng Sa từ triều Lê với nhiều văn bản cấp quốc gia quản lý Hoàng Sa. Năm 1802 dưới thời vua Gia Long đã thiết lập Đội Hoàng Sa đã kiểm soát và khai khẩn quần đảo.
Mặc dù đất nước chịu họa xâm lăng của người Pháp, nhưng triều đình nhà Nguyễn vẫn là nhà nước nắm giữ chính quyền, đặc biệt là sự kiểm soát chặt chẽ địa lý hành chính khu vực miền Trung nơi có kinh đô Huế.
Biểu tình phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Ảnh: Tư liệu.
Biểu tình phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Ảnh: Tư liệu.
Nghị định ra ngày 15/6/1932 toàn quyền Đông Dương đã đặt Hoàng Sa thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Thừa Thiên, tức là dưới sự quản lý trực tiếp của Triều đình Huế. Binh lính được đưa ra đảo đồn trú. Năm 1938 có chỉ dụ của Đại Nam Hoàng Đế Bảo Đại số 10, ngày 30/3/1938 về Hoàng Sa. 
Việc quản lý vẫn tiếp tục ngay cả khi phát xít Nhật chiếm đóng trái phép (Năm 1939 chính phủ Pháp đã phản đối việc chiếm đóng của phát xít Nhật). Phát xít thua trận, Hội nghị San Francisco được tổ chức với 51 nước tham dự. 
Điều 2 của hòa ước San Francisco năm 1951 có hiệu lực tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia từng bị phát xít Nhật chiếm đóng. Đoàn đại biểu Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa và nhận được sự đồng ý của 48/51 đại biểu của các nước tham dự và tiếp tục sự quản lý hoàn toàn hợp pháp của mình với Hoàng Sa và Trường Sa.

Cách Việt Nam Cộng hòa thực thi chủ quyền Hoàng Sa

Năm 1959, Hải quân Việt Nam đã bắt được 40 ghe đánh cá Trung Quốc đưa về Đà Nẵng lưu giữ 6 tháng. Hãng phân bón Việt Nam đã khai thác được 20.000 tấn phốt phát tại Hoàng Sa.
Sau năm 1954, tăng cường luật pháp Hiệp định Geneve lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời, ghi: “Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy”.
Bản Tuyên bố chung, được phổ biến rộng rãi tại miền Nam khi đó cũng ghi rõ: “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”. Việc tổng tuyển cử thống nhất hai miền vì nhiều lý do bị trì hoãn, nhưng việc thực thi chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa luôn được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chú ý.
Tàu Nhật Tảo tham gia bảo vệ Hoàng Sa và bị chìm.
Tàu Nhật Tảo tham gia bảo vệ Hoàng Sa và bị chìm.
Vấn đề hải phận đã được cụ thể hóa bằng Sắc lệnh số 81-NG của Thủ tướng chính phủ VNCH ngày 27/5/1965 ấn định hai khu vực: Một khu vực gọi là Khu vực phòng vệ trong giới hạn 03 Hải lý kể từ bờ. Một khu vực gọi là Khu vực kế cận kể từ ranh giới ngoài hải phận đến giới hạn 12 hải lý kể từ bờ. Trong khu vực kế cận, văn kiện ấn định cho quốc gia những thẩm quyền tương đương với quyền mà thỏa ước Geneve quy định cho một quốc gia ven biển, đối với vùng kế cận hải phận của mình.
Năm 1969, VNCH đã thành lập một Ủy ban Liên bộ soạn thảo dự luật quy định hải phận quốc gia.
Vấn đề thềm lục địa cũng nóng lên cùng với những hoạt động con thoi: Một bản tuyên cáo của Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia ngày 7/9/1967 xác định phần lòng đất và đáy biển thềm lục địa là một phần lãnh thổ quốc gia, và thuộc thẩm quyền của Chính phủ VNCH.
Năm 1968, VNCH thành lập một Ủy ban nghiên cứu thềm lục địa, sau đó giao công việc lại cho Ủy ban Quốc gia dầu hỏa 2/6/1971.
Ngày 13/7/1961 dưới thời Đệ nhất cộng hòa, Tổng thống VNCH đã ban hành sắc lệnh 174NV đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam thay vì tỉnh Thừa Thiên và thành lập lại quần đảo này thành xã Định Hải, quận Hòa Vang.
Dưới thời Đệ nhị cộng hòa, Nghị định số 709-BNV/HC ngày 21/10/1969 của Thủ tướng chính phủ VNCH đã sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cũng thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.
Tìm tiếng nói quốc tế Hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) lần 1 về Luật Biển được tổ chức vào năm 1958 tại Geneve với 86 quốc gia tham dự, trong đó có VNCH. Hội nghị này đã chấp thuận bốn công ước về luật biển.
-Công ước về lãnh hải và vùng tiếp cận
-Công ước về biển cả
-Công ước về đánh cá và bảo toàn tài nguyên sinh vật ở biển cả
-Công ước về thềm lục địa
Tất cả các công ước này có hiệu lực vào các năm khác nhau sau đó, với số quốc gia kết ước trung bình vào khoảng 40 mỗi công ước. Kỹ sư Trần Văn Khởi, Tổng cục trưởng Dầu hỏa và Khoáng sản của VNCH đánh giá rằng: “Hai khuyết điểm vô cùng quan trọng của các công ước này là không định được giới hạn của lãnh hải, và không định nghĩa rõ ràng về thềm lục địa”.
Cuối năm 1974, sau khi Trung Quốc đánh chiếm trái phép Hoàng Sa, Đoàn VNCH cũng tham dự Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của LHQ tại Caracas ngày 2/7/1974. Hội nghị này có gần 150 quốc gia được mời tham dự.
Khai hỏa trận Hoàng Sa.
Khai hỏa trận Hoàng Sa.
Hội nghị Luật biển tại Caracas bàn nhiều về quyền khảo cứu và khai thác tài nguyên biển. Một số nước đưa quan điểm mọi quốc gia đều có quyền khảo cứu và khai thác trong khu vực biển quốc tế miễn là tuân hành theo những quy định và điều kiện do cơ quan quốc tế ấn định. Song, người ta tính rằng vào thời điểm đó “chỉ có chưa được 10 quốc gia trên thế giới có khả năng và phương tiện khai thác”.
Đoàn Việt Nam, trưởng phái đoàn VNCH là ngoại trưởng Vương Văn Bắc, ngày 30/7/1974 đã chính thức trình bày lập trường: “Chính phủ VNCH đặc biệt chú trọng đến vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên ở phần phía Nam của thềm lục địa liên hệ. Lập trường của VNCH về ranh giới thềm lục địa là phải áp dụng tiêu chuẩn khoảng cách 200 hải lý kể từ đường căn bản nhưng khi thềm lục địa rộng hơn khoảng cách trên bề rộng của thềm lục địa sẽ được ấn định ra đến cạnh ngoài cùng thấp nhất của bờ lục địa”
.https://youtu.be/_Kfow6Qi6kE
Chính phủ VNCH cũng bày tỏ rằng hoàn toàn ủng hộ lập trường đã được đề nghị, theo đó việc phân tranh thềm lục địa phải được giải quyết bằng những cuộc thương thuyết trực tiếp và song phương theo nguyên tắc công bằng hay mọi tranh chấp nếu có, sẽ được giải quyết bằng mọi phương cách hòa bình bởi những cơ quan tài phán quốc tế.
Cũng trong hội nghị này, ngày 28/8/1974 tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc, Trưởng phái đoàn VNCH đã lên diễn đàn long trọng tuyên bố rằng: “Chính phủ VNCH không chấp nhận mọi xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bất kể trên đất liền hay khoảng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Cũng như đã có thông báo với Tổng thư ký LHQ và Hội đồng An ninh, Phái đoàn VNCH xác nhận một lần nữa rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những thành phần bất khả phân của lãnh thổ VNCH”.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-quyen-hoang-sa-truong-sa-viet-nam-cong-hoa-thuc-thi-ra-sao-731449.tpo
Theo Trần Nguyễn Anh / Tiền Phong

Công bố lập trường của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa

Việt Nam gửi tập tài liệu lập trường của Việt Nam đề nghị lưu hành tại Liên Hợp Quốc ngày 3/7 về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.
Ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố 2 văn bản lập trường chính thức của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tài liệu về lập trường chủ quyền của Việt Nam nêu rõ: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa”) nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5/2014 và ngày 9/6/2014 của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lần lượt trong các văn bản A/68/887 và A/68/907.
Việt Nam khẳng định rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

VTV 4/7: Luận cứ đanh thép trong bức thư thứ 4 VN gửi LHQ

Việt Nam vừa đề nghị LHQ lưu hành văn bản về lập trường của Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Các tư liệu lịch sử không thống nhất với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa
Trong các trao đổi gần đây, Trung Quốc đã dẫn chiếu đến một số tư liệu như là bằng chứng lịch sử nhằm chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, các “tư liệu” này của Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được Trung Quốc diễn giải một cách tùy tiện. Các tài liệu mà Trung Quốc dẫn chiếu tới không chứng tỏ rằng Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ. Ngược lại, các ghi chép lịch sử cho thấy Trung Quốc hiểu rằng chủ quyền của họ chưa bao giờ bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.
Ví dụ như vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19 khi hai tàu Bellona và Umeji Maru bị đắm ở Hoàng Sa và bị ngư dân Trung Quốc cướp tài sản, nhà cầm quyền Trung Quốc tại Quảng Đông đã lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc. Về hành chính, các đảo này không thuộc bất kỳ châu nào của Hải Nam, Trung Quốc và không có cơ quan nào của Trung Quốc có trách nhiệm quản lý quần đảo này. Vì những lý do đó, phía Trung Quốc đã tuyên bố không chịu trách nhiệm về vụ ngư dân cướp tài sản.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai các tài liệu lịch sử xác thực cho thấy Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Ít nhất từ thế kỷ 17, các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình Việt Nam ban hành là các châu bản hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam.
Sau khi Pháp và Việt Nam ký Hiệp định bảo hộ ngày 15/3/1874 và ngày 6/6/1884, Pháp đã thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc. Pháp đã tiến hành nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như xây dựng và vận hành đèn biển và trạm khí tượng, thiết lập các đại lý hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên (An Nam), cấp giấy khai sinh cho công dân Việt Nam sinh ra tại quần đảo này.
Việc Đô đốc Quảng Đông (Trung Quốc) Lý Chuẩn năm 1909 tiến hành hành động thám hiểm và thăm dò Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa mà Việt Nam đã thiết lập vững chắc và được chính quyền bảo hộ Pháp thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi hữu hiệu. Pháp đã thay mặt Việt Nam phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và nêu rõ chủ quyền của Hoàng Sa đã được xác lập bởi Việt Nam. Trước yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Pháp đã từng đề nghị Trung Quốc giải quyết vấn đề bằng Trọng tài quốc tế (Công hàm của Pháp gửi Trung Quốc ngày 18/2/1937), nhưng Trung Quốc đã từ chối.
Năm 1946, chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch lợi dụng bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc đã xâm nhập trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1947, Pháp đã ra tuyên bố phản đối sự xâm nhập này, yêu cầu hai bên tiến hành đàm phán và giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng chính quyền Trung Hoa Dân quốc lại một lần nữa từ chối. Chính quyền Tưởng Giới Thạch sau đó đã rút khỏi đảo Phú Lâm.
Các hội nghị quốc tế không giao quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc
Trước và sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét. Từ ngày 22-26/11/1943, Hội nghị Cairo với sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã ra Tuyên bố Cairo (Cairo Communiqué), đưa ra mục tiêu loại bỏ Nhật Bản ra khỏi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản đã chiếm đóng từ Chiến tranh thế giới thứ I năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Trung Hoa Dân quốc. Tưởng Giới Thạch - đại diện cho Trung Quốc có mặt tại hội nghị - không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều tàu Trung Quốc vây ép tàu cá ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam.
Nhiều tàu Trung Quốc vây ép tàu cá ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam.
Hội nghị Potsdam diễn ra từ ngày 17/7 đến ngày 2/8/1945 với sự tham gia của lãnh đạo ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc đã ra Tuyên ngôn Potsdam tái khẳng định những nội dung của Tuyên bố Cairo. Đại diện của Trung Quốc là Tưởng Giới Thạch có mặt tại hội nghị cũng không hề nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội nghị hòa bình San Francisco từ ngày 4 đến 8/9/1951 có 51 nước tham dự; Việt Nam tham gia hội nghị với tư cách là thành viên của Liên hiệp Pháp. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tham dự hội nghị trên cương vị Trưởng phái đoàn Việt Nam. Hội nghị San Francisco đã giải quyết vấn đề quy thuộc một số vùng lãnh thổ ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Tại hội nghị này, Trưởng đoàn Liên Xô Andrei A. Gromyko đã thay mặt Trung Quốc đưa ra đề nghị gồm 13 khoản, trong đó có khoản liên quan đến việc Nhật Bản công nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với một số đảo ở biển Đông, kể cả quần đảo Hoàng Sa. Với 46 phiếu chống, 3 phiếu ủng hộ và 2 phiếu trắng, hội nghị đã bác bỏ đề nghị này của Phái đoàn Liên Xô.
Ngay sau đó, ngày 7/9/1951, phát biểu tại Hội nghị, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.. Cả 51 quốc gia đều không phản đối Tuyên bố xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam.
Hội nghị Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do các lực lượng của Pháp và quốc gia Việt Nam quản lý. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Geneva 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc phải tôn trọng các văn kiện quốc tế của hội nghị đó.
Điều 1, Hiệp định Paris năm 1973 nói rõ tất cả các nước tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý và là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Tháng 1/1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay lúc đó, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã ra tuyên bố bày tỏ quan điểm và phản đối hành động của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp về hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng một vùng lãnh thổ thuộc quốc gia khác không thể tạo ra chủ quyền.
Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực nên không thể thiết lập được chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa
Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này.
Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa, đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Tám mươi hai (82) “ngư dân” Trung Quốc đã bị bắt. Cả hai hành động xâm chiếm này diễn ra sau khi vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định tại các hội nghị quốc tế như trên mà không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào.
Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc.
Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc
Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 để củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc gì đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Tuyên bố đó liên quan đến các vùng biển, không giải quyết các vấn đề lãnh thổ. Trên thực tế, những kết luận mà Trung Quốc đưa ra hiện nay đang mâu thuẫn với chính các phát biểu của Trung Quốc, trong đó có phát biểu của chính nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Tháng 9/1975, 17 năm sau công thư nói trên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói với nhà lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng “Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng với nguyên tắc thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”.
Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của Đặng Tiểu Bình, thể hiện nhận thức của Trung Quốc rằng vấn đề chủ quyền không được dàn xếp có lợi cho phía Trung Quốc qua các phát biểu hay thỏa thuận trước đây. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề quần đảo Hoàng Sa.
http://laodong.com.vn/chinh-tri/lap-truong-chinh-thuc-cua-viet-nam-ve-chu-quyen-hoang-sa-222903.bld
Theo V.A / Lao Động
Nguồn:http://news.zing.vn/viet-nam-cong-hoa-thuc-thi-chu-quyen-hoang-sa-ra-sao-post435287.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét