Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Lê Đắc Lực – Tàn Cơn Binh Lửa (5) – Đồng Xoài

Lê Đắc Lực – Tàn Cơn Binh Lửa (5) – Đồng Xoài

1chuyện kể của
Cựu Đại Úy Biệt Cách Dù Lê Đắc Lực
5)- Đồng Xoài
“Em hỏi anh bao giờ trở lại.
Xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về…
có thể bằng chiến thắng Pleime 
hay Đức Cơ, Đồng Xoài – Bình Giả”
                                                            (Linh Phương)
Trận Đồng Xoài xảy ra vào tháng 6 năm 1965, với rất    nhiều thương vong cho cả hai bên hay chỉ về phía Quân Đội VNCH mà thôi, tôi không biết rõ. Tôi cũng không quan tâm về việc người ta phê phán các ông Tướng lo họp hành đảo chánh, làm chính trị, không phản ứng kịp nên trận Đồng Xoài mới có kết quả đau thương như thế.
Vào khoảng trung tuần tháng 5 năm 1968, theo nhu cầu của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Tâm Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù, được điều động đến Thị Xã Đồng Xoài để tổ chức hành quân truy tìm, phát hiện mọi hoạt động của các đơn vị địch vùng ngoại vi của Thị Xã Đồng Xoài. Tên địa danh này thì tôi đã nghe, nhưng Đồng Xoài nằm ở đâu? Dấu hỏi đó không rời trí tôi.
Nhìn vào bản đồ, từ Thành Phố Bình Dương, Thủ Dầu Một theo Quốc Lộ 13 đi về hướng Bắc, khi gần đến thị trấn Chơn Thành sẽ là chỗ gặp nhau của Quốc Lộ 13 và 14. Quốc Lộ 13, tiếp tục theo hướng Bắc, ngang qua Thị Trấn Chơn Thành, rồi đến Thị Xã Bình Long và xa nữa là Lộc Ninh. Quốc Lộ 14 đi về hướng Đông Đông Bắc, qua Cầu Suối Ngang, rồi đến Thị Xã Đồng Xoài. Từ Thị Xã Đồng Xoài về hướng Tây Bắc là Thị Xã Bình Long, hướng Đông Bắc là Thị Xã Phước Long. Hai bên Quốc Lộ là những khu rừng dày đặc bao phủ. Bao nhiêu xương máu đổ ra nơi nầy? Thế hệ sau, người đời sau có ai khi đi qua nơi nầy sẽ thấy “Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương!
Tôi không thể quên Bình Long, nơi tôi đã tham dự một trận đánh “long trời lở đất”, nhưng điều tôi vẫn nhớ hoài là Nghĩa Trang 81 Biệt Cách Dù, nơi tôi đã góp công xây dựng, chiến hữu của tôi vẫn còn nằm lại đó.
Nhìn chung, trong cả hai trận chiến tranh Đông Dương lần thứ nhứt (1945-54), và lần thứ hai (1960-75), miền Đông Nam phần là một chiến trường đẫm máu vì vùng nầy bao gồm: Bình Long, Phước Long, Phước Thành (một tỉnh đã bãi bỏ) có một vị trí chiến lược quan trọng. Vùng nầy cách Sài Gòn không xa, khoảng 100 cây số, tiếp cận với biên giới Việt Miên là con đường xâm nhập bộ đội và vũ khí của cọng sản từ xứ Chùa Tháp qua Việt Nam. Ngay sát trên biên giới nầy là mật khu Bùi Gia Mập.
Vì tính cách chiến lược đó, khoảng đầu năm 1965, một Căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt: Trại Đồng Xoài được thiết lập ở đây. Đây là một nút chặn quan trọng, có nhiệm vụ phát hiện hoạt động của cọng quân. Từ Đồng Xoài, chúng sẽ tấn công Bình Long? Sẽ tấn công Phước Long? Sẽ tiến xuống Trị An? Từ nơi nầy, chúng vượt qua Rừng Lá. Ngay phía Đông Rừng Lá là mật khu Mây Tàu, vùng Xuân Lộc, Long Giao, Phước Tuy, Đất Đỏ, có yên được không?
Quân Đoàn III, với ba Sư Đoàn 5, 18 và 25, không đủ sức “bao giàn” một vùng đất rộng lớn nầy, rừng núi trùng điệp bao phủ. Đằng sau nó, là vùng tiếp vận của ông Hoàng Xứ Miên.
Mặc dù, ngay từ đầu, Việt cọng phá rối, pháo kích, tấn công, cố nhổ cho được Trại Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Xoài, nhưng căn cứ này vẫn đứng vững. Đồng Xoài đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến giải tỏa An Lộc, tồn tại đến tháng 4/ 1975.
Việt cọng thường chuyển quân, xuất phát từ Cambodia theo Tỉnh Lộ 748 ngang qua Bù Đốp và Tỉnh Lộ 741 ngang qua Bùi Gia Mập để vào lập căn cứ địa trong Khu Tam Giác của ba Thị Xã: Phước Long, Bình Long và Đồng Xoài. Bọn chúng thường tránh đụng độ với bất cứ đơn vị Quân Đội VNCH nào hoạt động ở đây. Về mặt chiến thuật, không lợi ích cho chúng, dù có thắng lợi chăng nữa. Bọn chúng dùng nơi đây để tăng gia sản xuất, ém quân, điều nghiên chiến trường và đắp mô trên các trục lộ để khủng bố, sát hại đồng bào, cùng ngăn chận sự chuyển vận binh sĩ của các đơn vị trú đóng tại địa phương.
Bốn Đại Đội 1, 2, 3 và 4 của Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù và Trung Tâm Hành Quân Delta được C.130 của Quân Đội Hoa Kỳ chuyển vận đến Đồng Xoài. Từ căn cứ hành quân đóng cạnh một bìa rừng bên trái Quốc Lộ 13 và Trại Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Xoài, các Toán Thám Sát Delta được Trực Thăng UH.1B bốc thả vào hoạt động trong khu vực nằm giữa ba Thị Xã này.
Khi các Toán Thám Sát Delta phát hiện các khu vực trồng sắn, bắp ở dưới các trũng đồi chạy dọc theo các con suối, và một khu nhà ở, nhà kho, thì Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù đã đưa Đại Đội 1 và 2 nhảy vào khai thác mục tiêu. Ở đây, Việt cọng đã dựng lên những ngôi nhà dưỡng quân, nuôi quân để chuẩn bị cho chiến trường ở Bình Long, Lộc Ninh hay Phước Long v.v… Bên cạnh các trại dưỡng quân là các nhà kho chứa ngô, khoai, sắn và phần nhiều là gạo. Gạo của Tàu cọng. Và dọc theo vài đường mòn lớn, cứ khoảng vài ba cây số đường rừng thì có một ụ muối, tựa như những gò mối, được lợp và bao phủ chung quanh bằng một loại lá giống như lá cây cọ, gọi là “Lá Trống Quân” để ngụy trang và che mưa rất kín đáo.
Quân Việt cọng ở đây là thành phần thương binh, có nhiệm vụ dưỡng thương và tăng gia sản xuất, cùng một số liên lạc viên trên đường đi đã dừng lại nghỉ quân, bọn chúng cố gắng phản công, bảo vệ kho tàng, nhưng làm sao có thể chống trả lại Biệt Cách Dù?
Ngoài một số tên bỏ mạng bị thương và bị bắt, số còn lại rút về hướng Tây trong vùng rừng núi Long Tân, Phú Riềng.
Nhìn những “tên lính sữa” mới thôi bú mẹ, tôi thấy xúc động. Hỡi các Bà Mẹ phía Bắc vĩ tuyến 17, các Mẹ có đau lòng chăng khi những đứa con chưa đủ lớn, đã bị bọn lãnh đạo ở Bắc Bộ Phủ đưa vào miền Nam làm bia đỡ đạn. Không ít những tên bị bắt là thương binh loại nhẹ. Còn những tên bất khiển dụng thì ở đâu? Chỉ một viên đạn AK, bọn lãnh đạo cọng sản bớt đi những vướng bận chiến trường. Tàn bạo như thế là cùng!!!.
(Phi Cơ C.130 đang chuyển Thám Sát Delta và Tiểu Đoàn 91 BCD đến Phi Trường Đồng Xoài)
(Phi Cơ C.130 đang chuyển Thám Sát Delta và
Tiểu Đoàn 91 BCD đến Phi Trường Đồng Xoài)
Khoảng hai tuần sau đó, Đại Đội 3 và 4 đổ quân xuống mạn Bắc Thị Xã Đồng Xoài, kế cận khu Lương Võ, cũng phát hiện một căn cứ địa có hầm trú ẩn và trạm xá. Tấn công vào đây, sát hại 10 tên địch, và hướng dẫn phi cơ oanh kích, hủy diệt toàn bộ căn cứ này.
Trong thời gian hành quân tại Thị Xã Đồng Xoài, sau lần cùng Đại Đội 4 nhảy vào khai thác mục tiêu, tôi tình nguyện về Trung Tâm Hành Quân Delta do Thiếu Tá Phan Văn Huấn là Chỉ Huy Trưởng. Tại nơi đây, tôi nhảy “thử gió” cùng Toán 1 Thám Sát Delta, Toán Trưởng là Thiếu Úy Phạm Phan Anh, bạn cùng Khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức với tôi.
(Delta Lê Đắc Lực & Phan Anh)
(Delta Lê Đắc Lực & Phan Anh)
Nhảy thử gió là chuyến thâm nhập Toán lần đầu tiên khi về phục vụ Trung Tâm Hành Quân Delta.
Sĩ Quan mới về đơn vị sẽ đi theo thực tập (học nghề) với một cựu Toán Trưởng từng trải. Toán gồm 6 người, 02 là quân nhân Hoa Kỳ và 04 là Việt Nam. Thời gian hoạt động là 7 ngày, nhưng cũng tùy theo nhu cầu, nhiệm vụ, thời gian hoạt động cũng có thể rút ngắn hay gia tăng.
Thông thường chuyến thâm nhập thử gió may ít rủi nhiều, nên trước khi Toán lên đường xâm nhập, thường được các đồng đội tiễn ra tận trực thăng, xiết chặt tay cùng với lời nhắn nhủ rất kinh dị mà chân tình: “Đi nhớ trở về nghe mày!” và tiếp nối là những vẫy tay từ giã, hoặc cũng có thể là vĩnh biệt, cho đến khi trực thăng mất hút trong không gian mờ nhạt của trời chiều.
Sau lần thử gió, tôi đảm nhận Trưởng Toán 3 Thám Sát Delta, và cũng từ đó, trên bước đường quân hành vạn nẽo qua các chức vụ, tôi đã thâm nhập vào các Mật Khu của giặc cọng khắp 03 Vùng Chiến Thuật I, II, III như: Khe Sanh, Ba Lòng, Ashau, Khâm Đức, Ba Tơ, An Lão, Dakto, Tam Biên, Đồng Bò, Tô Hạp, Mõm Chó (Krek), Mây Tào, Đồng Xoài và Chiến Khu D, và cũng đã lập được ít nhiều chiến tích cho Đơn Vị.
Về sau, khi trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (Ngày 01 Tháng 8 Năm 1970), sau khi Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, như là một truyền thống cố hữu, bất cứ một Sĩ Quan trong Liên Đoàn, được Đại Tá Phan Văn Huấn Chỉ Huy Trưởng, cất nhắc đảm nhận chức vụ Biệt Đội Trưởng, ngoài các chiến công, thì phải, đã, từng đảm nhận các chức vụ Trưởng Toán Thám Sát, Trung Đội Trưởng, Đại Đội Phó, Biệt Đội Phó các Biệt Đội Biệt Cách Nhảy Dù. Và cũng xuất phát từ truyền thống này mà hiệu năng tác chiến của Liên Đoàn được nâng cao, mang lại nhiều chiến công hiển hách, lẫy lừng, tạo nên uy danh cho Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù trong Quân Sử Quân Lực VNCH và lưu truyền cho hậu thế.
***
Nguồn:  http://vantuyen.net/2014/11/04/le-dac-luc-tan-con-binh-lua-5-dong-xoai/

Kỷ vật cho em - Khánh Ly / Anh Ngọc (thu âm trước 1975) 

 http://youtu.be/yOoqH2BXKlE

 
<a href="/channel/UC_rtgmrsaoT5J6ku1FAco3A" class=" yt-uix-sessionlink     spf-link  g-hovercard" data-sessionlink="ei=xtlZVM6wLdes-gOh1YLYAQ" data-name="" data-ytid="UC_rtgmrsaoT5J6ku1FAco3A">Nguyen Hau</a>
Xuất bản 27-04-2013
Khi cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất, cũng là lúc trào lưu nhạc phản chiến trên toàn thế giới bùng nổ. Từ thánh địa Hippie San francisco đến London, những ca khúc phản chiến lan tỏa. Make Love -- Not War, Sức mạnh của hoa: Nếu bạn đến Sanfrancisco bạn sẽ thấy những phụ nữ lịch thiệp cài hoa trên tóc... John Lennon, tuyệt vọng về một thiên đàng tưởng tượng, nơi mọi người chỉ sống bằng tình yêu, Bob Dylan, Joan Baez làm thay đổi thế giới chỉ bằng blowing in the wind.... Tại Việt Nam, những tình khúc Da Vàng của cố nhạc sỹ họ Trịnh làm tan chảy đêm dài lửa đạn trên hai đầu chiến tuyến: Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Trong thành đô, ca khúc Kỷ vật cho em (Phạm Duy) cũng khiến bao người thầm nguyện cầu cho chiến tranh kết thúc. Sức lan tỏa của ca khúc này mạnh đến mức có thời gian nó bị hạn chế hát tại Sài Gòn. Trong clip này, mình ghép hai bản thu Kỷ Vật Cho em, một của cô Khánh Ly hai là của chú Anh Ngọc, nối thành một dải liên tục. Chia sẻ cùng các bạn yêu nhạc!
Kỷ Vật cho em

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime,

Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã,

Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả

Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,

Anh trở về trên chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng.
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở về chiều hoang trốn nắng

Poncho buồn liệm kín hồn anh

Anh trở về bờ tóc em xanh

Chít khăn sô lên đầu vội vã.. Em ơi!


Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen

Em sang sông anh cho làm kỷ niệm

Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ

Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.

Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,

Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.


Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở về nhìn nhau xa lạ

Anhh trở về dang dở đời em

Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen

Cố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!

Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=yOoqH2BXKlE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét