Cựu binh chiến tranh VN từ Virgin Islands và những vết sẹo khó phai
Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-03-12
2015-03-12
Trong số khoảng 8 triệu người Mỹ tham gia cuộc chiến tranh ở Việt
Nam, gần 400 người đến từ một hòn đảo nhỏ, thuộc địa của Mỹ, có tên
Virgin Islands. Phần lớn những người này đều tham chiến gần hoặc trong
vùng chiến sự và trở về với những vết sẹo tâm lý đến giờ vẫn chưa lành.
Một bộ phim tài liệu dựng lại những ký ức và những trăn trở của nhóm cựu
binh này sẽ ra mắt trong dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh kết thúc.
Một góc nhìn khác biệt
Harry Daniel, 66 tuổi, tham gia chiến trường ở Việt
Nam trong một năm từ 1967 tới 1968. Ông tham gia sứ mệnh tìm và diệt ở
Lai Khê. Người cựu binh này kể lại:
“Sứ mệnh của tôi là tìm và diệt ở trong rừng. Tôi
chứng kiến rất nhiều người chết, kể cả người Việt lẫn người Mỹ. Nơi tôi
tham chiến rất khốc liệt. Vào cuối ngày, sĩ quan chỉ huy điểm tên những
người đã bỏ mạng, nghe mà đau đớn.”
Ông Harry Daniel là một trong 20 cựu binh ở Virgin
Islands chia sẻ câu chuyện chiến tranh của họ trong bộ phim tài liệu dự
kiến dài 60 phút có tên Proudly We Served (tạm dịch là Chúng tôi
tự hào đã phục vụ quốc gia trong cuộc chiến). Joan Keenan, một giáo viên
đã về hưu ở quần đảo được giao nhiệm vụ làm giám đốc dự án và đạo diễn
cho bộ phim này. Bà cho biết:
“Chúng tôi muốn kể lại câu chuyện của những người
xuất xứ từ Virgin Islands tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Chúng tôi muốn
vẽ lên một bức tranh về những gì họ đã trải qua, những gì họ cảm nhận.
Bộ phim này đặc biệt là bởi vì người dân ở đảo Virgin Islands không được
phép bầu cử tổng thống Mỹ thế mà họ vẫn phải đi lính. Bộ phim sẽ cho
thấy được cái góc nhìn khác biệt của những người lính xuất thân từ khu
vực này.”
Bà Keenan cho biết họ không có một danh sách các cựu
binh Việt Nam ở Virgin Islands và phần lớn những người họ tìm được để
trò chuyện là qua biện pháp truyền khẩu.
Các cuộc phỏng vấn kéo dài từ 30 phút đến một tiếng,
bắt đầu bằng việc kể lại việc họ sinh trưởng ở quần đảo này, đến lúc bị
gọi đi lính và tham gia chiến tranh. Bà Joan kể lại lúc đó là thời điểm
giữa cuộc đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc ở Mỹ lên cao, trong
khi đó phần lớn những người tham chiến ở Việt Nam đều được cử đi miền
nam để tham gia huấn luyện. Miền Nam nước Mỹ là khu vực ủng hộ nô lệ và
cũng là nơi mà tệ nạn phân biệt chủng tộc nặng nề nhất. Bà Keenan nói:
“Đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ bởi vì họ
xuất thân từ một hòn đảo nhỏ và lại là người da đen. Có nhiều người được
đưa tới miền nam, tại đây họ không được vào một số nhà hàng để ăn uống,
họ không thể làm một số việc nhất định. Đó cũng là những trải nghiệm
mới, lần đầu tiên trong đời họ phải chứng kiến bị phân biệt chủng tộc
như vậy.”
Ông Daniel được huấn luyện ở một căn cứ ở miền nam
Alabama, một trong những bang mà nạn phân biệt chủng tộc còn nặng nề khi
đó. Người da đen không được học ở trường hay vào nhà hàng của người da
trắng. Daniel cho biết:
“Tôi đến từ đảo nơi mà tình trạng phân biệt chủng
tộc là không hề có, người da đen và da trắng cùng làm việc, sinh hoạt
với nhau. Vậy nên, tôi lúc nào cũng phải cẩn thận để ý, để không đi nhầm
vào nơi nào đó.”
Luôn cảm thấy bất an
Đa phần các cựu binh của Virgin Islands đều ra mặt
trận hoặc ở gần mặt trận. Có những người bị đưa ra chiến trường 30 ngày
liên tiếp. Nhiều cựu binh chia sẻ về quãng thời gian ở Việt Nam và phản
ứng của họ rất mâu thuẫn, Ông Daniel nói tiếp:
“Một mặt họ yêu mến những người mà họ gặp gỡ. Và vì
họ đến từ Virgin Islands nên họ cũng thấy gần gũi vì ở đây có nhiều
loại hoa quả ở Việt Nam như ở trong đảo. Tuy nhiên, vì Việt Cộng len lỏi
vào trong dân thường nên họ không thể nào tin tưởng hoàn toàn những
người Việt Nam. Họ kể rằng có người ban ngày là thợ cắt tóc, bỗng dưng
đêm đến lại giao du với Việt Cộng. Họ sống trong cảm giác nghi ngờ và
căng thẳng nên họ luôn cảm thấy bất an.”
Một cựu binh tên Emil James kể lại thời điểm khi bom
đạn của Việt Cộng rơi ngay sau lưng nơi một người đồng đội của ông ngồi,
ngay bên cạnh ông. James kể trong cuộc phỏng vấn với đoàn sản xuất:
“Chúng tôi đang ngồi trên đụn cát. Tôi vẫn còn nhớ
khi đó tôi quay sang anh ấy và hỏi liệu Việt Cộng có giúp chúng ta ăn
mừng quốc khánh ngày 4/7 hay không. Thế rồi ngay sau khi tôi dứt lời đạn
pháo nổ tung phía sau lưng anh ấy. Sức công phá của nó thổi tung anh ta
về phía tôi và cả hai chúng tôi rơi xuống hố. Anh ấy sống sót nhưng là
phần lưng thì… Anh ấy vẫn còn sống.”
Ra chiến trường thì là vậy, bà Joan Keenan cho biết
khi trở về, những người này không hề được tiếp đón nồng hậu. Cựu binh
Daniel kể lại:
“Khi đó ở Mỹ là lúc đỉnh điểm của các cuộc biểu
tình phản đối chiến tranh. Chúng tôi bị gọi là những kẻ giết trẻ em.
Chúng tôi bị họ nhổ nước bọt vào người, bị đuổi đánh. Chúng tôi không
được chào đón như những người hùng đâu. Vì thế, nhiều cựu binh Việt Nam
giờ đây thành người không nhà cửa, bị xã hội xa lánh. Họ trở thành nạn
nhân của chiến tranh.”
Phần lớn những cựu binh chiến tranh Việt Nam đang ở độ
tuổi ngoài 60. Họ trở về nước với bệnh rối loạn tâm lý sau sang chấn
PTSD. Một số người tham gia trong dự án về bộ phim tư liệu này vẫn còn
phải điều trị chứng bệnh này. Những người trực tiếp tham chiến vẫn còn
nặng nề những suy nghĩ về cuộc chiến. Bà Keenan kể:
“Một số người phải uống thuốc mới ngủ được, họ gặp
ác mộng. Có vài người thậm chí còn nói với chúng tôi rằng sau cuộc
phỏng vấn này có lẽ họ không còn sức trò chuyện gì được trong vài tuần
vì dư âm quá nặng nề. Nhiều người mới chỉ bắt đầu tìm kiếm điều trị cho
căn bệnh của họ.”
Một số cựu binh đã quay trở lại Việt Nam kể từ sau
cuộc chiến để thăm lại mảnh đất này, tuy nhiên những người chưa trở lại
vẫn đau đáu một nỗi ám ảnh. Cựu binh có tên là Rolando Roebuck cho biết
ông đã quay lại Việt Nam vài lần kể từ khi cuộc chiến kết thúc. Ông cho
rằng việc quay lại sẽ khiến quá trình hàn gắn sau chiến tranh của các
cựu binh diễn ra nhanh hơn.
Chiến tranh và góa phụ
https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=QAgMAEPXKDM
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/proudly-we-served-hn-03122015090636.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét