Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson cập bến Đà Nẵng hôm 5.2018. Photo Courtesy: Reuters
Thế là chiếc USS Carl Vinson đã cập cảng Đà Nẵng được hai ngày khi tờ báo này phát hành. Chuyến ghé thăm Việt Nam của siêu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sẽ kéo dài trong năm ngày, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử và chiến lược của Mỹ tại Á châu Thái bình dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cách đây 53 năm, ngày 8.3.1965, 3,500 lính thủy quân lục chiến đã đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cho việc Hoa Kỳ chính thức tham chiến tại chiến trường Việt Nam và sau đó quân số đã tăng lên tới khoảng nửa triệu vào cao điểm. Có hơn 58,000 binh sĩ Mỹ chết tại Việt Nam, nhiều hơn số tử vong của họ tại cuộc chiến Cao Ly. Sau khi hưu chiến vào năm 1953, lính Tàu vào Bắc Hàn rút về bên kia vĩ tuyến, nhưng quân đội Mỹ vẫn đóng tại Nam Hàn cho đến ngày nay. Còn tại Việt Nam, 10 năm sau khi thủy quân lục chiến đổ bộ ào ạt tại Đà Nẵng, đã không còn một bóng dáng lính Mỹ hay nhân viên của họ tại Việt Nam. Đó là thời điểm mà Việt Cộng hãnh diện gọi là đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào.
Tuần này, một sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Việt-Mỹ giữa hai kẻ thù của một thời, đó là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cập một hải cảng của Việt Nam. Trong thời gian chiến tranh, dù tổng thống Mỹ như Lyndon Johnson hay Richard Nixon có đến Cam Ranh hay Sài Gòn nhưng các tàu sân bay của Mỹ chỉ đậu ngoài khơi của Việt Nam Cộng Hòa.
Nay, lần đầu tiên một biểu tượng sức mạnh quân sự cao nhất của “đế quốc” Mỹ đến Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để “giao lưu”, kéo dài trong năm ngày. Vì thế người ta mới nhắc lại câu nói trong dân gian bấy lâu “Mỹ đi rồi Mỹ lại về”, mượn sấm Trạng Trình “Nguyễn đi Nguyễn lại trở về, đụng đến bồ đề thì giặc phải tan”. Thời còn mồ ma Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười, người dân Miền Nam hay tị nạn thường nhắc đến câu “Nguyễn đi Nguyễn lại trở về”, hy vọng Nguyễn Cao Kỳ hay Nguyễn Văn Thiệu trở lại với kháng chiến quân để lật đổ cộng sản, nhưng chỉ có Nguyễn Cao Kỳ trở lại với vai trò đón gió làm ăn. Còn đoàn quân đông tiến của kháng chiến Hoàng Cơ Minh thì cũng tan rã từ lâu với cái chết của ông. Chỉ có chú Sam trở về qua việc thiết lập tòa đại sứ tại Hà Nội vào năm 1995. Từ đó các tổng thống Mỹ như Clinton, Bush, Obama và Trump đã lần lượt đến Việt Nam, rồi các chiến hạm trong đó có tàu chiến do cựu thuyền nhân Hải quân Đại tá Lê Bá Hùng chỉ huy đến Đà Nẵng.
Sự chuẩn bị để thiết lập quan hệ ngoại giao, văn hóa, kinh tế và cuối cùng là quân sự đã đạt đến cao điểm trong bốn tháng vừa qua với thông cáo chung của Tổng thống Trump tại hội nghị APEC và cuối cùng là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis vào cuối tháng Giêng rằng sẽ có một hàng không mẫu hạm Mỹ đến thăm Việt Nam vào tháng 3. Nhưng chỉ mới gần đây người ta mới biết là chiếc Carl Vinson và sau đó nơi đến là Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 3.
Tháng 5 năm 2017, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Bạch Ốc gặp Tổng thống Trump, hai bên ra tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện giữa hai nước. Đến tháng 11 năm 2017 Chủ tịch Trần Đại Quang và TT Trump lại cũng tuyên bố tiếp tục quan hệ đối tác toàn diện. Và sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng đầu tuần này coi như “đỉnh điểm” của sự chuẩn bị cho sự hợp tác toàn diện giữa hai cựu thù.
Ngày trước, Mỹ đưa quân vào để đánh và ngăn chận sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt và du kích Việt Cộng. Ngày nay, Mỹ đưa chiến hạm rồi tàu sân bay đến mà theo lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng thì chuyến viếng Đà Nẵng của Carl Vinson “nhằm thúc đẩy quan hệ song phương Việt-Mỹ, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực”.
Sau khi Mỹ rút hay cút theo cách nói của Việt Cộng, Hà Nội đã cầu cạnh Mỹ bỏ cấm vận và chỉ đến năm 1995 thì Mỹ mới thiết lập quan hệ ngoại giao. Phải có một thời gian dài thử thách, Mỹ mới thật sự trở lại Việt Nam mà biểu tượng là sức mạnh quân sự của tàu sân bay. Một chương mới bắt đầu. Hà Nội phải nắm lấy cơ hội để phát triển và nhất là tách khỏi sự lệ thuộc vào Tàu.
(Xã Luận báo in TVTS số 1667 phát hành ngày 07.03.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét