Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Sống từ đâu đến – Chết đi về đâu?

Sống từ đâu đến – Chết đi về đâu?
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Giảng tại đạo tràng Thiền TÁNH KHÔNG Houston Texas ngày 06-5-2018)

Kiếp sống của mỗi con người sinh ra ở thế giới Ta Bà này, dù thọ mạng dài hay ngắn, nhìn chung có thể phân chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn nào cũng nhiều phấn đấu, tranh đua, lo âu và phiền não. Ngoại trừ thời gian mới lọt lòng Mẹ, đứa bé chưa biết suy nghĩ, chưa biết phán đoán. Chỉ cười khóc theo bản năng đòi hỏi của cơ thể, và em bé thường được Cha Mẹ đáp ứng đầy đủ.

Giai đoạn kế, nếu may mắn được sinh trong gia đình khá giả các em được cắp sách đến trường. Nếu không may sinh ra trong gia cảnh nghèo nàn, khó khăn, dù còn rất nhỏ, ngoài giờ học ở trường các em vẫn phải bươn chải ra ngoài xã hội kiếm sống phụ với gia đình. Đó là chưa nói có rất nhiều em phải nghỉ học nửa chừng hoặc không được đến trường vì Cha Mẹ không có khả năng tài chánh. Thời gian này nỗi khổ đã hiện diện trong cuộc đời của người trẻ dù được sanh trong gia đình giàu hay nghèo.
Tiếp theo tạm gọi là giai đoạn của người lớn, lập gia đình, sinh con đẻ cái, làm việc quần quật kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi dạy con thơ cho đến khi chúng trưởng thành. Cuộc sống gia đình có lúc vui vẻ hạnh phúc nhưng đa phần trải qua những phiền não lo âu từ trong nhà ra ngoài cộng đồng xã hội. Thời gian này con người sống trong căng thẳng vì lúc nào cũng nỗ lực, bon chen tranh đấu… hết sức của mình. Có thể những nỗ lực đó là để hướng tới một mục đích cao thượng, cũng có thể là vì tham vọng muốn được sự giàu sang về tài sản và danh lợi cho bản thân mình, gia đình mình. Dù mục đích tốt hay xấu, ít người nào chịu dừng lại ở một mức độ nào đó, bởi tiền tài danh vọng nhiều bao nhiêu cũng không lấp đầy túi tham của lòng người.
Rồi tuổi già đến lúc nào không hay, bệnh hoạn kéo tới hoành hành thân xác. Có nhiều người mang căn bệnh thể xác kéo dài dù tuổi đời rất thọ, có nhiều người tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại đột quỵ sớm.
Khi giai đoạn cuối cùng đến, người ta nằm một chỗ thoi thóp thở. Đến lúc thở hơi ra, mà không hít vào được nữa, thì trở thành một cái xác bất động, cứng đờ, lạnh lẽo, vô tri giác. Lúc bấy giờ những người xung quanh dù không muốn cũng đành phải tuyên bố là người đó đã “chết” rồi, đã “mất” rồi! Khi nắp quan tài đậy lại, từ giây phút đó trở đi, không ai còn thấy người đã “chết” rồi, đã “mất” rồi đó còn hiện diện ở cõi Ta Bà này nữa, bởi cái xác đó đã được thân nhân chôn vùi dưới lòng đất lạnh, hoặc đã thiêu đốt thành tro bụi.

CDVD Hình 1
CDVD Hình 1

Chúng ta, ai cũng trải qua những giai đoạn nêu trên, nhưng có giây phút nào chúng ta chạnh lòng tự hỏi: “Mình là ai, từ đâu đến và sẽ về đâu khi một ngày nào đó mình chết đi?” hay bứt rứt vì câu: “Tại sao con người lại có mặt trên thế gian này để một ngày nào đó con người lại phải chết. Chết là chấm dứt là biến mất khỏi thế gian này, hay còn có một nơi nào khác để người chết trở về ?”. Để tìm câu trả lời chúng tôi mời quý vị hãy cùng với chúng tôi chia xẻ đề tài:“Con người từ đâu đến và chết đi về đâu? “ 

CÁC QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU VỀ NGUỒN GỐC CON NGƯỜI
Có nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau về sự hiện diện của con người ở trên thế gian này.
  •  Những người tôn thờ chủ nghĩa duy vật thì cho rằng con người đến từ vật chất và chỉ sống duy nhất một đời hiện tại. Sau cái chết sẽ không còn gì nữa nên họ sống hưởng thụ không quan tâm gì đến đạo đức, bởi có gây ra tội ác hay sống thiện lành, sau cùng cũng đi đến sự chấm dứt là cái chết. Chết là hết thì cần gì phải lo.
  • Ở nước Ấn Độ cổ xưa, người ta tin rằng bên trong thể xác con người có linh hồn trường cửu. Sau khi chết tiểu ngã hay tiểu hồn của họ sẽ hoà nhập vào đại ngã Phạm Thiên. Để đạt mục đích đó, ở Ấn Độ có pháp môn tu khổ hạnh là pháp tu hành hạ thân xác. Họ cho rằng càng khổ hạnh nhiều chừng nào thì càng sớm đạt được thượng tâm. Đức Phật cũng đã từng tu theo pháp môn khổ hạnh này 6 năm dài, thượng tâm thượng trí Niết Bàn đâu không thấy, chỉ thấy suýt chút nữa thì mất mạng nếu không nhờ nữ mục đồng cứu sống bằng một chén sữa cừu.
  • Các nhà tôn giáo theo thần quyền thì cho rằng con người là sản phẩm của Thượng đế. Thượng đế là đấng tối cao, toàn năng, toàn quyền chẳng những tạo ra con người mà còn sáng tạo cả thế gian, vũ trụ. Con người sau khi chết chỉ có hai cảnh giới để đến. Đó là được lên Thiên đàng nếu ai tin và nghe theo lời dạy của Thượng đế. Ngược lại kẻ nào thắc mắc không đặt trọn vẹn đức tin vào Kinh Thánh thì bị xem là con chiên lạc đàn, sau khi chết sẽ bị đày xuống hoả ngục và bị thiêu rụi đời đời.
  •  Còn quan điểm của Phật giáo thì như thế nào?  Là người Phật tử chúng ta đã học qua “Tiến Trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật Thích Ca”. Trong đêm cuối của tuần lễ thứ Tư là đêm Bồ Tát thành đạo. Vào canh Một, Ngài chứng quả Túc Mạng Minh, đạt Trí tuệ hiểu biết về quá khứ nhiều đời nhiều kiếp của chính Ngài. Canh thứ Hai, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, đạt được Trí tuệ hiểu biết về sự luân hồi sinh tử của chúng sanh nhiều đời nhiều kiếp là do Nhân Quả nghĩa là đời quá khứ họ tạo Nhân xấu thì đời này họ sẽ thọ Quả xấu, nếu đời quá khứ họ sống thiện lương thì đời này họ hưởng Quả tốt. Canh thứ Ba, Ngài chứng Lậu Tận Minh, là Trí tuệ biết rõ nguyên nhân của luân hồi sanh tử là lậu hoặc. Lậu hoặc là những thói quen, những đam mê huân tập từ nhiều đời quá khứ cho đến hiện tại và tiếp diễn trong nhiều đời ở tương lai. Lậu hoặc cũng có nghiệp tốt và nghiệp xấu nhưng đa phần là xấu ác khiến cho con người cứ phải luân hồi sanh tử.
Qua sự chứng ngộ ba Minh của Đức Phật, cho thấy cái chết của chúng sanh không phải là dấu chấm hết. Cái chết chỉ là sự bắt đầu cho một sự sống mới. Sự sống đó được mô tả qua thuyết “Thập Nhị Nhân Duyên hay thuyết Nhân Quả” như sau:
  • Thế nào là Nhân Duyên? Nhân là nguyên nhân, là cái Nhân chính trực tiếp sanh ra vật khác. Thí dụ như hạt mè là Nhân trực tiếp sanh ra cây mè, hạt đậu là Nhân trực tiếp sanh ra cây đậu. Duyên là sự trợ duyên, chỉ cho những vật có tính cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho Nhân thành hình. Thí dụ như đất, nước, phân bón, ánh sáng mặt trời và sự chăm sóc của người làm vườn. Những thứ này đã trợ duyên, giúp đỡ cho các hạt nêu trên nẩy mầm thành cây.
Vậy “Thập Nhị Nhân Duyên” là mười hai Nhân cũng là Duyên, mà Nhân này có mặt sẽ sanh ra Nhân kia. Mười hai Nhân Duyên đó là: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử.

Ý nghĩa đại cương của 12 nhân duyên như sau:

1) Vô minh: Là không hiểu biết như thật về hiện tượng thế gian. Đức Phật dạy tất cả các pháp có mặt trên thế gian này bao hàm cả con người do nhiều điều kiện mà thành, tức không thực chất tính cho nên nó vô ngã. Các pháp chỉ có mặt khi nhân duyên đầy đủ và nó sẽ hư hoại biến thành cái khác khi không đủ nhân duyên. Đó là tánh Huyễn của vạn pháp. Người vô minh không hiểu biết như thật về hiện tượng thế gian, nên chấp chặt mọi thứ trên đời là có thật, là thường hằng nên khi những thứ đó mất đi, thì phiền não, khổ đau.

2) Hành: Bởi vô minh nên con người thường có những ý nghĩ, lời nói và hành động tạo nghiệp. Có khi là nghiệp lành nhưng phần nhiều là nghiệp ác.

3) Thức: Là thần thức hay tử thức, đó là những lậu hoặc, tập khí do thân khẩu ý tác tạo, gọi chung là nghiệp. Các nghiệp này huân tập tạo thành nghiệp lực. Khi chết nghiệp lực dẫn dắt thần thức đi thọ lãnh quả báo khổ hay vui ở đời sau.

4) Danh sắc: Con người có hai phần tinh thần và vật chất. Tinh thần thì trừu tượng không có hình tướng gồm các khái niệm: thọ, tưởng, hành, thức gọi chung là Tâm, thuật ngữ nhà Phật gọi là Danh. Phần thân là thể chất có hình tướng màu sắc có thể sờ mó được gọi là Sắc.

5) Lục nhập: Là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh hay sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì lục thức được phát sinh. Đó là nhãn thức, nhỉ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Lục thức này tác động vào tâm khiến cho tâm lúc nào cũng giao động nên gọi là lục nhập.

6) Xúc: Là sự tiếp xúc của lục căn với lục trần. Thí dụ mắt thấy cảnh, tai nghe tiếng động, thân cảm thấy mát mẻ, lưỡi nếm vị ngọt đắng, mũi ngửi hương thơm, ý thích hay không thích một đối tượng nào đó.

7) Thọ: Cảm giác hay cảm nhận của thân hay tâm. Tâm cảm nhận vui buồn khi lục căn tiếp xúc lục trần. Thân cảm giác đau nóng khi tiếp xúc với lửa hay nước sôi.

8) Ái: Là ưa thích. Khi lãnh thọ cảnh vui thì yêu thích … đó là sanh tâm tham. Gặp cảnh không vừa ý, tâm khổ não, không ưa, ghét bỏ… thì sanh tâm sân hận. Tham ái, khát ái, là nguyên nhân thúc đẩy con người tạo nghiệp.

9) Thủ: Là bám lấy, giữ lấy. Gặp cảnh tốt, thì tham cầu giữ lấy. Gặp người mình ưa thích thì muốn chiếm hữu. Thủ cũng chính là nguồn gốc của tham.

10) Hữu: Là mong muốn hiện hữu ở đời này để hưởng thụ hay hiện hữu ở một cõi nào đó trong tương lai. Sự mong muốn này chính là Nhân đưa đến Quả là luân hồi sanh tử. Hữu cũng có nghĩa là Có. Muốn có mặt ở đời này và muốn sẽ có mặt ở đời lai sanh.

11) Sanh: Là sanh ra đời để thọ quả báo trả nghiệp do Ái, Thủ, Hữu là nhân đời trước gây ra.

12) Lão tử: Già rồi chết.

Nhìn chung mười hai nhân duyên này liên kết thành một vòng tròn luân hồi sinh tử của con người. Mắt xích Vô Minh là nguy hiểm nhất. Vì Vô Minh làm cho tâm trí chúng ta mê muội, không còn sáng suốt phân biệt đâu là thật đâu là giả. Vì Vô Minh nên hiểu biết sai lầm về con người và vạn vật trong vũ trụ, do đó sinh chấp ngã. Có ngã là có Ái, Ái thì ích kỷ, tham lam muốn chiếm hữu những gì mình yêu thích, không được thì tâm sân si khởi lên… làm khổ mình khổ người, tạo nghiệp. Bất cứ nghiệp nào dù tốt hay xấu, một khi đã tạo ra, thì nó được gìn giữ mãi trong tàng thức từ đời này sang đời khác, không bao giờ bị mất.
Nói theo khoa học thì những suy nghĩ hay những việc làm gây ấn tượng tốt hay xấu, mà mình lặp đi lặp lại thường xuyên thì những ấn tượng này ghi đậm trong Ký Ức Dài Hạn của mình khó mà quên.
Khi con người chết thì ngũ uẩn tan rã, thân tứ đại đất, nước, gió, lửa trở về với tứ đại, còn nghiệp thức thì tiếp tục bám theo tử thức. Nó chính là nghiệp lực thúc đẩy, dẫn dắt tử thức đi tái sanh.
Thuyết “Thập Nhị Nhân Duyên” mô tả sự sống của con người qua ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người bị dính chặt trong bánh xe luân hồi không thoát ra được chỉ vì Vô Minh. Vô Minh sinh ra Hành, Hành sinh ra Thức, Thức sinh ra Danh Sắc, Danh Sắc sinh Lục Nhập, Lục Nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sanh (đời kế tiếp), Sanh sinh Già Chết. Cứ thế mà cuộc sống tiếp diễn: Sống rồi chết, chết rồi sống …, không biết chỗ nào là khởi đầu và cũng không biết chỗ nào là kết thúc.
CDVD Hình 2
CDVD Hình 2
CON NGƯỜI  HAY SỰ SỐNG TỪ ĐÂU ĐẾN, CHẾT ĐI VỀ ĐÂU THEO GIÁO LÝ NHÀ PHẬT?
Khi có sự giao hợp giữa nam và nữ trong thời kỳ người nữ có thể thụ thai, hợp duyên thì thần thức của người chết sẽ thác sinh vào thai mẹ. Trong bụng mẹ, thai sinh thu hút tinh huyết làm nhục thể, và sau đó tâm thức hoà hợp cùng nhục thể hình thành Danh Sắc. Danh là tâm thức. Sắc là nhục thể. Qua thời gian Danh Sắc lần lượt tượng hình đầy đủ lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Khi đủ ngày tháng, thai nhi được sanh ra, lục căn của hài nhi tiếp xúc với lục trần, do đó hài nhi biết nóng lạnh đau đớn hay êm ái. Do sự xúc chạm này mà tâm hài nhi dần phát sanh ra sự phân biệt, rồi từ đó có cảm thọ vui hay khổ. Cảm thọ vui khổ này phát sanh ra những khởi niệm ưa ghét, thích hay không thích. Chính sự tham ái đó khiến nó cố thủ, cố bám lấy cái nó ưa thích và muốn đòi hỏi được thoả mãn những điều ưa thích đó, nên nó tạo ra nghiệp căn, mà tạo nghiệp thì phải chịu quả báo.
Câu hỏi: Con người từ đâu đến, chết đi về đâu?” có nhiều cách trả lời, nhưng hợp lý hay không hợp lý là tuỳ theo quan niệm và đức tin của mỗi người, chúng ta không bài bác.
Theo giáo lý nhà Phật con người sau khi chết, tuỳ theo Nhân đã tạo trong đời hiện tại mà tái sanh vào sáu cõi. Nếu con người sống ở cõi đời này tạo nhiều Nhân thiện lành, biết mở lòng bố thí giúp đỡ người khác, giữ đúng giới đức, thì sau khi chết sẽ được sanh về cõi Trời hưởng phước. Cõi Người là cõi có khổ có vui. Sanh về cõi Người là để vay trả, trả vay những điều mình đã làm trong đời này hay nhiều đời trước.  Cõi A-Tu-La là cõi của những vị thần khi sống ở đời này họ tạo nhiều Nhân tốt nhưng tánh tình nóng nảy nên khi chết thì sanh về cõi A-Tu-La. Còn ba cõi kia là cõi Súc Sanh, Ngạ Quỹ, Địa Ngục, trong kinh gọi là ba đường ác, ba đường xấu. Con người sẽ sanh về những cõi ác nếu trong đời sống hiện tại họ gây ra quá nhiều tội lỗi làm tổn hại những người xung quanh, hoặc có hành động tàn ác giết người, giết vật v.v…
Chúng ta là người phàm phu với con mắt trần không thấy được những cõi vô hình. Đức Phật là bậc giác ngộ thấy biết, giảng lại cho chúng ta. Là người học Phật, chúng ta biết rằng những điều Đức Phật giảng dạy cho chúng ta là do sự tu tập và chứng ngộ mà nói ra chứ không dựa vào học thuyết của bất kỳ ai.

CON NGƯỜI SANH RA TỪ NHÂN QUẢ
Giáo lý quan trọng của Phật giáo là Lý Duyên Khởi, là Nhân Quả, là cái này có cái kia có, cái này sinh cái kia sinh; cái này không cái kia không, cái này diệt cái kia diệt. Như vậy có nghĩa là chúng ta “gieo Nhân nào thì nhận Quả đó”. Trong đời sống hiện tại chúng ta đang thọ nhận cái Quả vui buồn, hạnh phúc hay khổ đau là do chúng ta gieo Nhân làm khổ người hay mang hạnh phúc đến cho người từ đời trước. Và cái Quả trong hiện tại đời này, nếu không tu tập sửa chữa thì nó chính là cái Nhân để trổ Quả cho chúng ta nhận trong tương lai. Con người cứ như thế tương tục mãi không ngừng hết đời này qua đời khác theo vòng luân hồi mười hai mắt xích.
Từ điểm này chúng ta biết rằng con người sinh ra từ Nhân Quả và không phải chỉ sống một đời trong hiện tại này, mà đã trải qua nhiều đời trong quá khứ và trong tương lai còn tiếp nối nhiều cuộc sống khác. Như vậy chết là bỏ thân hiện tại trong đời này để có thân mới trong đời sống kế tiếp. Nói cách khác sống là thay thân cũ của đời trước để có thân mới trong đời này. Với con mắt của bậc trí tuệ thì con người của đời này và con người của đời sau không phải là một mà cũng không phải là hai.

LÀM SAO THOÁT KHỎI LUÂN HỒI SANH TỬ?
Đạo Phật là đạo dạy con người tu tập để thoát khổ giác ngộ giải thoát. Giải thoát ở đây là thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử. Trong kinh Thánh Cầu, Đức Phật cho biết: “Sanh, Già, Bệnh, Chết, Sầu Khổ, Ô Nhiễm là những cái tự mình bị sanh.” Cái Bị Sanh này đưa con người vào vòng luân hồi sanh tử. Khi biết sự nguy hại của Cái Bị Sanh, “Ngài tìm cầu Cái Vô Sanh“. 
Cái Vô Sanh là trạng thái vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, đó là trạng thái Niết Bàn.
Trong canh thứ Ba của đêm thành đạo Đức Phật đã chứng quả Lậu Tận Minh, biết như thật con người bị luân hồi sanh tử là do lậu hoặc tức nghiệp thức gây ra. Như vậy muốn thoát khỏi luân hồi sinh tử là phải tu tập làm sao cho sạch lậu hoặc. Trong lậu hoặc có ba căn bệnh chánh là tham sân si, chúng ta phải tu tập làm sao để không còn tam độc này ở trong tâm chúng ta nữa.
Bắt đầu tu tập chúng ta cần phải có Trí năng tỉnh ngộ học hỏi những điều Đức Phật đã chứng ngộ và dạy lại chúng ta. Hiểu thấu đáo về những Nhận thức của Đức Phật để chúng ta có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng thế gian và chính bản thân chúng ta. Chúng ta phải nhận rõ vũ trụ hay con người đều thuộc về thế giới của thời gian và chịu ảnh hưởng của quy luật biến dịch, cho nên sự hiện hữu dài hay ngắn, đều phải trải qua chu kỳ thành, trụ, hoại, diệt (không), để trở thành cái khác.
Qua bài kinh Vô Ngã Tướng, chúng ta hiểu con người của chúng ta là do sự tập hợp của năm uẩn. Bản thân của chúng ta có hai phần quan trọng ngang nhau đó là thân và tâm. Chúng ta cần có thân khoẻ mạnh để tâm nương náu mà tu hành. Tu hành như thế nào? Đức Phật dạy các pháp Quán, Chỉ, Định, Huệ là phương tiện để đạt cứu cánh giải thoát giác ngộ.
Bước đầu chúng ta đặt mục tiêu gần gũi với cuộc đời phàm phu của chúng ta trước. Đó là tu làm sao để thân khoẻ, tâm an, trí tuệ sáng suốt. Rồi sau đó mới tiến tới mục tiêu cao hơn là thoát khổ, giải thoát, giác ngộ. Con đường tu tập chuyển đổi từ Tâm Phàm Phu trở thành Tâm Bậc Thánh đến Tâm Phật là con đường lý tưởng dài vô lượng kiếp. 

TU TẬP NHƯ THẾ NÀO?
– Tu Quán, Tu Huệ: Để chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi cái nhìn về cuộc đời, về công ăn việc làm, về tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng, về của cải vật chất. Những thứ đó đang ở trong tay chúng ta nhưng biết đâu sẽ có một ngày chúng ta mất trắng. Khi chuyện đó xảy ra chúng ta hiểu biết rằng vạn pháp vốn vô thường nếu thản nhiên chấp nhận thì chúng ta sẽ không buồn khổ. Đó ta chúng ta đã có Huệ.
Tu Quán để có cái nhìn về chính bản thân của chúng ta ngay trong sát na hiện tại này đang chịu quy luật biến dịch chi phối. Nó thay đổi từng sát na. Một lúc nào đó cái già, cái bệnh và cái chết sẽ đến với chúng ta. Chấp nhận sự thật chúng ta sẽ không cảm thấy quá lo buồn sợ hãi khi mỗi giai đoạn thời gian đời sống đến với chúng ta khi khoẻ mạnh lúc ốm đau.
– Thu thúc lục căn: Sáu căn tiếp xúc sáu trần, thấy, nghe, xúc chạm đối tượng biết rõ ràng đối tượng nhưng không khởi tâm ưa ghét, chê khen, phản ứng gì cả, có nghĩa là đối tượng sao biết y như vậy mà trong đầu không nói thầm về đối tượng. Đó là cái Biết đang là về đối tượng. Phương pháp tu tập này còn gọi là Pháp Như Thật cũng thuộc về Thiền Huệ Vipassanà, giúp tâm yên lặng thanh thản đưa tới Định.

– Tu Chỉ, Tu Định: Trong đời sống hằng ngày đầu óc chúng ta luôn bị giao động vì suy nghĩ nọ kia, nó đầy ấp những tham, sân, si… nên đưa đến phiền não khổ đau. Tâm cứ giao động liên tục thì không bao giờ chúng ta “giác ngộ” được điều gì. Bây giờ chúng ta tập sống trong cái Biết không Lời.
Tu Chỉ là làm sao cho tâm chúng ta được yên lặng, thanh thản. Thực tập bằng cách làm cái gì biết chúng ta đang làm cái đó.
Thí dụ: Quét nhà biết đang quét nhà, hút bụi biết đang hút bụi, rửa chén biết đang rửa chén…. mà trong đầu không khởi niệm gì cả nghĩa là không suy nghĩ, không nói lầm bầm trong đầu sao nhà dơ quá, sao nhiều chén bát quá .v..v….  Đó là chúng ta đang tu thiền Chỉ.
Thiền Chỉ giúp tâm yên lặng thanh thản nhưng không vững chắc. Khi toạ Thiền kinh nghiệm tâm yên lặng vững chắc, tầm tứ không khởi lên, lậu hoặc còn đó nhưng nằm yên, tham sân si không có. Trong lúc đó,  không có gì hết chỉ có cái Biết không lời trong tâm thì ba nghiệp được thanh tịnh. Như vậy, chúng ta tạo được Nhân thanh tịnh ngay trong bây giờ và ở đây. Đó là công đức vô lậu của chúng ta, dù chỉ năm, mười phút hay lâu hơn.

CDVD Hình 3
CDVD Hình 3

KẾT LUẬN
Khi đã hiểu sanh tử như thế nào, hiểu sự sống từ đâu đến và chết đi về đâu, thì đối với sự sống, chúng ta không tham cầu bởi chúng ta biết tấm thân ngũ uẩn này không thực chất tính, nên nó sẽ không vững bền với thời gian, nó bị ảnh hưởng bởi quy luật biến dịch, nên nó vô thường từng phút từng giây. Sống hay chết, tuỳ thuộc nơi duyên hợp hay duyên tan… mà thay đổi. Và đối với cái chết, chúng ta sẽ không sợ hãi, bởi chết không phải là chấm dứt, không phải mất hẳn đi, mà chỉ là sự thay đổi cũ mới mà thôi. Sự sanh trong hiện tại chỉ là một lần sanh trong vô lượng lần sanh. Sự chết trong hiện tại chỉ là một lần chết trong vô lượng lần chết.
Điều quan trọng là chúng ta sống như thế nào trong đời này, để đời sau chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi lần chết đi, sang một đời sống khác là một dịp tốt để chúng ta học hỏi hầu tiến hoá trên con đường tâm linh. Người đời hay nói: “Có công mài sắt có ngày nên kim“, chúng ta hãy bắt tay mài thỏi sắt lớn trong tâm chúng ta ngay từ bây giờ, bằng cách tập sống theo lời Phật dạy. Giữ giới đức được trong sạch, làm việc lành tránh việc dữ, tu Huệ, tu Định để phát huy Trí huệ tâm linh. Đó là theo con đường Giới-Định-Huệ mà Đức Phật đã đưa ra. Khi ánh sáng trí huệ chan hoà, thì bóng tối vô minh biến mất. Vô minh không còn thì vòng luân hồi cũng tan rã, bấy giờ người tu được hoàn toàn thoát khổ, giải thoát, giác ngộ.
Đã học Phật, chúng ta biết cuộc đời an lành hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta không do ai ban phát cả, mà do quy luật Nhân Quả làm chủ, nhưng Nhân Quả đó lại do chúng ta làm chủ. Chúng ta có thể tạo ra Nhân tốt hay xấu để thọ lãnh Quả lành hay dữ. Ngay cả Đức Phật cũng không cứu được chúng ta ra khỏi ba đường dữ hay ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, mà chỉ chúng ta tự cứu chúng ta mà thôi. Cho nên chúng ta phải tự chọn cho chúng ta một lối sống, để khi thân hoại mạng chung, chúng ta tự làm chủ lấy mình thanh thản ra đi với hành trang phước đức và trí huệ hay là chúng ta bị nghiệp lực nặng nề làm chủ dẫn chúng ta sanh vào những chỗ tương ưng với đời sống đầy tội lỗi tham sân si của chúng ta để thọ Quả của Nhân đã gây ra trong đời này./.

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
 Nguồn: https://www.tanhkhong.org/a865/song-tu-dau-den-chet-di-ve-dau-

Vấn đề “tâm vật” trong đạo Phật

Thứ năm, 02/02/2017 | 08:53

Đạo Phật không vướng vào duy tâm, không vướng vào duy vật, nhưng cũng không phải một nhị nguyên thuyết. Duy thức học đạo Phật chủ trương rằng ngũ uẩn tức là toàn thể những hiện tượng vật lý, tâm lý (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), đều là những thứ phát hiện của”chủng tử” tiềm tại trong A lại gia thức (Alaya - vinnana) mà thôi.

Đạo Phật chủ trương nhất nguyên hay đa nguyên, duy tâm hay duy vật? Đứng ngoài đạo Phật thì “vọng tưởng” rằng đạo Phật là nhất nguyên, là đa nguyên, là duy tâm hoặc là duy vật. Nhưng bước vào trong đạo Phật, trong rừng giáo lý để quan sát, người ta sẽ thấy một hiện tượng kỳ lạ. Là khi đứng về hướng này, người ta thấy đạo Phật chủ trương nhất nguyên, nhưng khi đứng qua hướng kia, lại thấy rõ ràng đạo Phật chủ trương đa nguyên. Rồi đứng trên miếng đất này, người ta thấy đạo Phật chủ trương duy tâm, nhưng đứng sang miếng đất khác, thì rõ ràng là đạo Phật chủ trương duy vật.

Quả thật là một sự kỳ lạ. Kẻ nóng tính nghe như thế sẽ bực mình và sẽ cho đó là một lối chủ trương ba phải. Nhưng không, đứng về phương diện triết học, đạo Phật có những hệ thống lý thuyết rất phong phú, mà tất cả đều đi đến một sự nhất trí vô cùng hoàn mỹ.

Nhiều người nghe câu kinh “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” liền chỉ ngay đạo Phật mà bảo rằng: Ấy đấy, đạo Phật duy tâm rõ ràng, còn chối cãi gì nữa. Thực ra, đạo Phật có chối cãi đâu. Đạo Phật chỉ giảng giải rằng chữ TÂM của đạo Phật không phải như chữ TÂM của thế gian, của triết học. Phật học là một môn Tâm học. Nhưng tâm ở đây không phải là linh hồn, là tất cả những hiện tượng tâm lý, và “tâm học” của đạo Phật rất khác xa “tâm lý học” của triết học vậy.

Cũng có kẻ thấy đạo Phật chủ trương bác bỏ thuyết linh hồn tồn tại độc lập (điểm này có thể làm nhiều bạn giật mình), không công nhận tạo hóa, thì lại chỉ vào đạo Phật mà bảo rằng: Ấy đấy, đạo Phật duy vật rõ ràng, còn chối cãi gì nữa. Thực ra, đạo Phật có chối cãi gì đâu. Đạo Phật chỉ giảng giải rằng cái mà người ta gọi là linh hồn ấy, đạo Phật gọi ý và thức, và khi xác thân tiêu hoại, ý và thức ấy không còn tác dụng nữa, nghĩa là không sinh hoạt như một hồn ma bóng quế như giới ít học hiểu lầm.

Chủ nghĩa DUY VẬT là một chủ nghĩa cho rằng thực tại chỉ là vật chất. Vũ trụ, nhân loại và sinh vật đều là vật chất, nói một cách tinh vi hơn, đều có nền tảng chung là vật chất. Cả đến phần tinh ba nhất của loài động vật là tư tưởng, là cảm tình cũng đều do nền tảng vật chất mà có. Những tư tưởng và tình cảm ấy không thể phát hiện nếu không có vật chất. Tinh thần cũng là sản phẩm thượng hạng của vật chất, duy có tinh tế hơn những sản phẩm khác như đường, như mật, như sinh tố, như thần kinh hệ… mà thôi.
Người chủ trương duy vật thường lý luận rằng: Chỗ nào không có vật chất thì không thể có tinh thần, do đó tinh thần là do vật chất mà có, tinh thần là một thuộc tính của vật chất.  

Ta không cần phải mất thì giờ để bác bẻ cái quan niệm nông cạn và thiên lệch này trong khi mọi người đều đã thấy cái vô lý của nó rồi. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng duy vật luận chỉ chú trọng đến phần ngoại giới, xao lãng hẳn phần nội giới phong phú sâu xa mà ở đấy nhà khoa học chỉ có thể dọi vào những tia sáng ngắn ngủi nhất.

Mà dù người duy vật có để ý đến nội giới đi nữa thì vẫn xem nội giới như một đối tượng tầm thường như bao nhiêu đối tượng vật chất khác, dù nhà duy vật cho nó là “một hình thức tinh tế nhất của vật chất”. Tinh thần tự đối tượng hóa đã là một việc khó làm, mà tinh thần tự cho mình là thuộc tính của vật chất lại là chuyện khó nghe. Đời thuở nào lại có một thứ thuộc tính kỳ quái có thể “biết” mình là thuộc tính của vật chất!

Còn bảo rằng “chỗ nào không có vật chất thì không có tinh thần” cũng thật lạ lùng. Làm như tai mắt người có thể “thấy” được thứ tinh thần tồn tại độc lập vậy. Tai mắt ta chỉ nhận được sự hiện hữu của tinh thần nhờ những dấu hiệu vật chất. Tinh thần vẫn hiện hữu đó nếu ta không nhờ một vài dấu hiệu vật chất, cũng như lúc nào cũng có làn sóng điện, và những âm thanh chở trên các làn sóng điện ấy, nhưng ta chỉ nhận được sự hiện hữu của các âm thanh được chở trên các làn sóng kia nếu ta có một chiếc máy thu thanh.

Vậy thì nhà duy vật đừng nên bắt ta đi tìm tinh thần ở chỗ không có vật chất. Nhưng nói thì nói thế thôi, chứ đạo Phật cũng không nhận rằng có thể có cái “hiểu biết” (cái mà thế gian gọi là cái hồn) tồn tại ngoài xác thân loài động vật.

Chủ nghĩa DUY TÂM chủ trương ngược lại rằng vật chất không phải thực có, vật chất không tồn tại ngoài ý thức chủ quan của con người. Chỉ có ý thức chủ quan là thực tại, còn bao nhiêu cái khác đều là sản phẩm của ý thức chủ quan, đều là những biểu tượng của ý thức, gọi tắt là những “ý tượng”. Duy tâm luận chủ trương ngoài tâm ý của mình không còn gì cả; vũ trụ, thế giới, những người khác và chính tâm ý của những người khác cũng không thực tại.

Người duy tâm cũng như người duy vật cố tình phủ nhận một mặt của sự thực; người duy tâm cố tình làm ngơ không nhận những ảnh hưởng và những tác động của vật chất của sinh lý trên tư tưởng và tâm lý của mình. Những loài hữu tình sống chung quanh ta cũng có những cảm tình, những tư tưởng, nói tóm lại, một tâm lý chủ quan của họ. Trong sinh hoạt thường nhật ai không nhận rõ điều đó. Ta không thể chỉ công nhận có sự tồn tại của tâm ý riêng ta.

Đạo Phật không vướng vào duy tâm, không vướng vào duy vật, nhưng cũng không phải một nhị nguyên thuyết. Duy thức học đạo Phật chủ trương rằng ngũ uẩn tức là toàn thể những hiện tượng vật lý, tâm lý (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), đều là những thứ phát hiện của “chủng tử” tiềm tại trong A lại gia thức (Alaya – vinnana) mà thôi.

Những hiện tượng tinh thần hay vật chất (sắc pháp và tâm pháp) đều là đứng về thế hiển phát. Khi chưa hiển phát, chúng đứng về thế tiềm tàng. Đứng về thế tiềm tàng, chúng gọi là “chủng tử” (danh từ của duy thức học). Đứng về thế hiển phát chúng gọi là hiện hạnh. Chủng tử sinh hiện hạnh, hiện hạnh trở về chủng tử, chủng tử là hiện hạnh, hiện hạnh là chủng tử, sự phát hiện nầy được tiếp diễn không ngừng.

Điểm này đòi hỏi chúng ta nhiều kiến thức về duy thức học. Ở đây chúng ta chỉ lược qua đại cương. Chủng tử là một thứ “năng lực” làm bản chất cho tất cả mọi hiện tượng tâm lý và vật lý, nghĩa là cho mọi hiện hạnh. Mà toàn thể chủng tử nằm gọn trong A lại gia thức, hoặc nói một cách khác, toàn thể chủng tử là A lại gia thức. Vậy A lại gia thức là căn bản cho mọi hiện tượng TÂM và VẬT.

Mỗi hiện tượng (tâm lý hay vật lý cũng vậy) khi tàn hoại thì trở về chủng tử đề rồi phát sinh hiện hạnh khác. Nói thế cho dễ hiểu, kỳ thực vì mỗi hiện hạnh sinh diệt trong từng giây phút, nên hiện hạnh luôn luôn trở về chủng tử và chủng tử luôn trở thành hiện hạnh. Các hiện hạnh sinh khởi cách nào? Sinh khởi theo luật tương quan tương duyên (loi d’interdépendance).

Ví dụ: ý thức, lý trí, tình cảm thì sinh khởi nhờ nương vào các hiện tượng sinh lý vật lý. Nương vào để được phát sinh mà thôi, chứ không phải các hiện tượng sinh lý vật lý “sinh ra” các hiện tượng tâm lý. Hiểu như thế, ta không còn cho tâm sinh vật, hay vật sinh tâm nữa. Chúng nương vào nhau mà tương sinh tương thành, và do chủng tử ở A lại gia. Chủng tử là “thân nhân duyên” nghĩa là những nhân chính, còn các hiện tượng giúp chúng phát sinh thì gọi là “tăng thượng duyên” nghĩa là các điều kiện thuận lợi giúp cho sự phát sinh ấy.

Nguyên nhân chính của mọi hiện tượng, như thế, tức là chủng tử. Nhưng gọi là nguyên nhân cũng không đúng hẳn; phải gọi là bản chất. Vậy chủng tử trong duy thức học được xem như là một thứ “năng lực” làm nền tảng cho cả hai loại hiện tượng TÂM và VẬT.

Tất cả chủng tử, hiện hạnh gom góp chung lại, gọi là A lại gia.

Sau khi thân xác tiêu hoại, thiếu điều kiện để “hiện hành”. Các hiện tượng tâm lý trở về tiềm phục nơi A lại gia. Như thế, không có một linh hồn tồn tại ngoài thể xác. Cái tác dụng tinh thần kia, sự hiểu biết phân biệt yêu, ghét kia không hiện hành nữa, thì sao gọi là còn linh hồn được. Tuy nhiên A lại gia thức sẽ biến chuyển, chín muồi, để đem tất cả năng lực chủng tử mà phát hiện ra một thế giới mới, một hoàn cảnh mới, một sinh mệnh mới.

Nghe nói thế, có người sẽ cho rằng đạo Phật đã rơi vào duy tâm. Nhưng không, không có một A lại gia tồn tại độc lập. Mà có nhiều A lại gia của nhiều chúng sinh. A lại gia này tồn tại nhờ sự hiện tồn của A lại gia khác, và các A lại gia khác cũng tồn tại nhờ A lại gia này. Tất cả đều vâng theo luật tương quan tương duyên mầu nhiệm.

Ý thức chủ quan của ta nằm gọn trong A lại gia ta. Thế giới khách quan tồn tại ngoài ý thức ấy, nhưng không phải chỉ là một thế giới hiện hạnh của riêng A lại gia ta, mà là một thế giới hiện hạnh do vô số A lại gia cộng đồng kiến tạo. Điểm này ta sẽ thấy rõ trong giáo lý tự biến cộng biến của duy nghiệp luận.

Chỉ khi nào A lại gia trong sạch, sáng suốt do công phu tinh luyện mà trở thành Đại viên Kính trí, nó mới tách rời ra khỏi sự cộng đồng ấy và thể nhập về biển bản thể vô cùng rộng lớn thanh tịnh và sáng suốt.

Gs.Trần Thạc Đức
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2016
NCPH
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/van-de-tam-vat-trong-dao-phat-d25447.html

Đạo Phật Duy Tâm Hay Duy Vật - Thầy Thích Phước Tiến

https://youtu.be/DfmssWKvo0U


 ĐỨC PHẬT TRONG CÁI NHÌN CỦA CÁC KHOA HỌC GIA
Posted by tvdaidang on Friday, 6 November 2015

1. Nhân cách vĩ đại của Ðức Phật:

Ðức Phật là hiện thân của tất cả các đức hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong thành quả của suốt 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển tất cả những lời nói của Ngài thành hành động; không nơi nào Ngài buông thả cái yếu đuối của con người hay dục vọng thấp hèn. Luân lý, đạo đức căn bản của đức Phật là toàn hảo nhất mà thế giới chưa bao giờ biết đến. [Giáo sư Max Miller, Học giả người Ðức].

Không một lời thô bạo nào được thấy thốt ra từ nơi đức Phật trong cơn tức giận, chưa từng có một lời thô bạo được thấy trên môi đức Phật kể cả trong lúc tình cờ. [- Tiến Sĩ S. Radhakrishnan].

Ðiều đáng chú ý nhất nơi đức Phật là sự kết hợp gần như độc nhất của một đầu óc khoa học trầm tĩnh và thiện cảm sâu xa của lòng từ tâm. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về đức Phật, vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân loại. [Moni Bagghee, "Ðức Phật Của Chúng Ta"].

Các bạn thấy rõ Ngài là một nhân vật đơn giản, chân thành, đơn độc, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải là thần kỳ, tôi cảm thấy có một Người, đó là Ngài. Ngài đã gửi bức thông điệp cho nhân loại hoàn vũ. Có nhiều tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi tương đồng với thông điệp của Ngài, tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống, theo Ngài dạy: là do lòng ích kỷ. Lòng ích kỷ có ba dạng: - Một là tham vọng thỏa mãn cảm giác; - Hai là tham vọng muốn bất tử; - Ba là tham vọng thành công và trần tục. Con người trước khi có thể trở nên thanh tịnh, người đó phải ngưng sống theo giác quan hoặc cho riêng chính mình.

Rồi con người đó mới trở thành một bậc đại nhân. Ðức Phật, qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, năm trăm năm trước Chúa Christ, đã dạy con người đức tính vị tha. Trong một số chiều hướng Ngài rất gần gũi với chúng ta hơn, và đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Ðức Phật cũng tỏ ra sáng suốt hơn Chúa Christ trong sự quan tâm phục vụ con người và ít mơ hồ đối với vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh. [- H.G. Wells].

Tôi càng ngày càng cảm thấy đức Thích Ca Mâu Ni gần gủi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài, Ngài là Ðường lối, là Chân lý và là Lẽ sống. [- Giám mục Milman].

2. Trí tuệ siêu việt của Đức Phật

Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đỡ của Thượng đế hay thánh thần nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của kiến thức, vì không có trí tuệ thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được. [- Giáo Sư Eliot, "Phật giáo và Ấn Ðộ giáo"].

Ðức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người". Kiến thức của Ngài rất rõ ràng và độc lập không liên can gì đến thần thoại và hoang đường. Tuy nhiên, nơi đây lại còn cho thấy một hình thức vững vàng, tự nó biểu lộ được một cách rõ ràng và hiển nhiên để cho con người có thể theo Ngài. Vì lý do đó, đức Phật không đòi hỏi phải tin nhưng hứa hẹn kiến thức. [- George Grimm, "Giáo Lý của đức Phật"].

Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đức Phật khuyến dụ, khẩn cầu và kêu gọi con người không nên làm hại một sanh mạng, không nên dâng lời cầu nguyện, lời ca tụng, hay hy sinh (sanh mạng) cho các Thần linh. Với tất cả tài hùng biện trong sự thuyết giảng của Ngài, đấng Vô Thượng Sư có lần hùng hồn tuyên bố là Thần linh, nói cho đúng, cũng cần đến sự giải thoát cho chính họ. [Giáo Sư Rhys Dadis].

Ðức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình. [- Tiến Sĩ Oldenburg, Một học giả Ðức].

Dường như người thanh niên bất diệt, hiền lành, ngồi khoanh chân trên hoa sen thanh tịnh với bàn tay phải dơ lên như khuyên nhủ như trả lời: "Nếu con muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, con hãy luyện tập trí tuệ và từ bi". [Anatole France].

Sự khác biệt giữa đức Phật và một người bình thường giống như sự khác biệt giữa một người bình thường và một người mất trí. [- Một Văn Hào].

Nếu chúng ta hỏi, chẳng hạn, có phải vị trí một hạt nhân điện tử lúc nào cũng giữ nguyên không thay đổi, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải vị trí của một hạt nhân điện tử thay đổi theo thời gian, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải hạt nhân đó đang di động, chúng ta phải trả lời "không". Ðức Phật cũng đã giải đáp như vậy khi có người hỏi tình trạng bản ngã của con người sau khi chết; nhưng những câu trả lời như trên không phải là những câu trả lời quen thuộc theo truyền thống khoa học ở thế kỷ 17 và 18. [J.Robert Oppenheimer].

Nếu một vấn đề nào đó cần được đề ra, vấn đề đó phải được giải quyết trong hài hòa và dân chủ theo đường lối dạy bảo của đức Phật. [- Tổng thống Nehru].

3. Cống hiến của Đức Phật với nhân loại:

Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông diệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông diệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp). [Tổng thống Nehru].

Trên quả địa cầu này, Ngài đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cữu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ cho riêng Ấn độ mà cho cả nhân loại. Ðức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ. [Albert Schweizer, một nhà lãnh đạo triết học Tây Phương].

Sự thanh tịnh của tâm linh và lòng thương yêu tất cả sinh vật đã được dạy dỗ bởi đức Phật. Ngài không nói đến tội lỗi mà chỉ nói đến vô minh và điên cuồng có thể chữa khỏi bởi giác ngộ và lòng thiện cảm. [- Tiến Sĩ Radhakrisnan, "Ðức Phật Cồ Ðàm"].

Ðức Phật không phải là của riêng người Phật tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của Ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều các tư tưởng hay của Ngài. [- Một học giả Hồi Giáo].

Khi chúng ta đọc những bài thuyết giảng của đức Phật, chúng ta cảm kích bởi tinh thần hợp lý của Ngài. Con đường đạo đức của Ngài ngay trong quan điểm đầu tiên là một quan điểm thuần lý. Ngài cố gắng quét sạch tất cả những màng nhện giăng mắc làm ảnh hưởng đến cái nhìn và định mệnh của nhân loại. [Tiến Sĩ S.Radhakrisnan,"Ðức Phật Cồ Ðàm"].

Ðức Phật là người cha nhìn thấy đàn con đang vui chơi trong ngọn lửa thế tục nguy hiểm, Ngài dùng mọi phương tiện để cứu các con ra khỏi ngôi nhà lửa và hướng dẫn chúng đến nơi an lạc của Niết bàn. [- Giáo sư Lakshimi Narasu, "Tinh Hoa Của Phật giáo"].

4. Giáo pháp của Đức Phật:

Ðọc một chút về Phật giáo là đã biết rằng hai ngàn năm trăm trước đây, người Phật giáo đã hiểu rõ xa hơn và đã được thừa nhận về những vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta. Họ đã nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và đã tìm thấy câu trả lời. [- Tiến Sĩ Graham Howe].

Phật giáo chưa bao giờ ép ai theo dù dưới hình thức nào - hoặc ép buộc ý tưởng và niềm tin đối với người không thích, hoặc bằng bất cứ một sự tâng bốc nào, bằng lừa gạt hay ve vãn, hầu đoạt được thắng lợi để gia nhập vào quan điểm riêng tư của mình. Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ thi đua để dành người quy nạp vào Ðạo như nơi chợ búa. [- Tiến sĩ G. P. Malasekara].

Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình. Nhờ đến sức mạnh và tiền bạc hay cả đến sự chinh phục để tác động mọi người vào đạo thì sao? Ðức Phật chỉ rõ một con đường giải thoát duy nhất để cho cá nhân tự quyết định nếu muốn theo tôn giáo này. [- Giáo Sư Lakshmi Nasaru, "Tinh Hoa của Phật giáo"].

Không thể cho rằng Phật giáo bị suy yếu, ngay hiện tại, vì Phật giáo bắt nguồn trên những nguyên tắc cố định chưa bao giờ bị sửa đổi. [- Gertrude Garatt].

Mặc dù người ta có thể được thu hút từ nguyên thủy bởi sự khoáng đạt của tôn giáo này nhưng người ta chỉ có thể tán dương giá trị thực sự của Phật giáo khi người ta phán xét kết quả tạo ra của tôn giáo này thông qua đời sống của chính mình từ ngày này qua ngày khác. [- Tiến Sĩ Edward Conze, Một học Giả Phật giáo Tây Phương].

Phật giáo là một tôn giáo tự giác, ít lễ nghi. Một hành động được thực thi với chính sự suy tư thì tự nó đã điều kiện hóa để không còn là một nghi lễ. Phật giáo nhìn bề ngoài có vẻ nhiều nghi lễ nhưng thực ra không phải như vậy. [- Tiến sĩ W.F.Jayasuriya, "Tâm lý và Triết lý Phật giáo"].

Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt, Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó. [Giáo sư Rhys Davids].

Trên những giải đất mênh mông của thế giới, vận mệnh nhân loại vẫn còn tồn tại. Rất có thể trong sự tiếp xúc với khoa học Tây phương và cảm hứng bởi tinh thần lịch sử, giáo lý căn bản của Ðức Cồ Ðàm được phục hưng và thuần khiết, có thể chiếm một vị trí phần lớn trong hướng đi của vận mệnh nhân loại. [- H.G.Well].

Lý thuyết của Phật pháp vẫn đứng vững ngày nay không bị ảnh hưởng bởi tiến trình của thời gian và sự tăng trưởng kiến thức, vẫn giữ nguyên như lúc ban đầu bầy tỏ. Dù cho kiến thức khoa học tăng tiến đến thế nào trên chân trời trí óc của con người, trong phạm vi Giáo pháp (Dhamma) cũng vẫn có chỗ để thừa nhận và đồng hóa các khám phá xa hơn nữa. Về phương diện thu hút của lý thuyết nầy không dựa vào các khái niệm giới hạn của các tư tưởng sơ khai, về phương diện khả năng cũng không bị lệ thuộc vào những phủ định của tư tưởng. [- Francis Story, "Phật giáo, Một Tôn Giáo Thế Giới"].

Phật giáo là một phương thức làm sao để đạt được lợi lạc cao nhất từ cuộc sống. Phật giáo là một tôn giáo của trí tuệ mà ở đấy kiến thức và thông minh chiếm ưu thế. Ðức Phật không thuyết giảng để thâu nạp tín đồ mà là để soi sáng người nghe. [- Một Văn Hào Tây Phương"].

"Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học".

"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó". [Albert Einstein].

(Nguồn: Email từ Phật tử)
Nguồn: http://www.thienviendaidang.net/node/521

TÔI LÀ AI ?



TÔI LÀ AI ?

Thiện Chí

Trong đời sống hằng ngày, có lúc nào bạn chợt tự hỏi “ Tôi là ai ?”. Câu trả lời hiếm khi là có hoặc giả không hề! Bởi vì ai mà không tự biết mình ?
_ Biết mình là biết những gì? Biết mình ở đây không chỉ là biết lý lịch cá nhân, mà còn tự khẳng định lối sống của mình, phong cách quan hệ xã hội, sở thích và thành kiến; những ứng xử trong mọi tình huống giữa đời sống thực tế. Tất cả những điều đó hình thành con người xã hội của mỗi cá nhân. Những “yếu tố xã hội” ấy từ đâu đến? _ Nó đến từ nền giáo dục, từ tập quán gia đình, từ truyền thống dân tộc, qua đó, tùy theo nhận thức, tư duy bản thân mà đối tượng trở nên thành đạt hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ.
_ Hạnh phúc ? Thế gian vẫn còn tranh cãi thế nào là hạnh phúc thật.
_ Đau khổ ? Nguyên nhân thực sự là gì, bên trong hay bên ngoài?

Xã hội càng phát triển, thế giới càng văn minh, cuộc sống càng cạnh tranh gay gắt, con người phải quay cuồng đối phó từng ngày từng tháng, hậu quả là đời người bị ngoại cảnh chi phối không ngừng. Con người bèn tìm cách vận dụng mưu trí, thế lực, cơ hội để tự bảo vệ và sinh tồn. Rốt cuộc, các giải pháp đều là nhất thời, không bền vững, không lúc nào thật sự an tâm, cảm thấy không có lúc nào mình được làm chủ chính mình.

Nhà văn Cao Huy Thuần [1] , trong bài nói chuyện liên quan đến “cái tôi” của dân tộc, đã nói: “Tôi xa tôi rồi chăng?
Câu hỏi ấy cũng cần chảy máu trong lòng một dân tộc khi dân tộc ấy vọng ngoại. Khi dân tộc ấy không còn thấy cần thiết phải đặt ra câu hỏi "tôi là ai?".

Ý tác giả muốn nhấn mạnh giá trị bản sắc của mỗi dân tộc, phát huy bản sắc để giải phóng khỏi mọi lệ thuộc hay vay mượn cái của người làm cái của ta. Bởi vì bản sắc của ta là những gì được tổ tiên, được lịch sử cố kết nên qua hàng ngàn năm bằng mồ hôi, máu, nước mắt, bằng lẽ sống, tự lực, tự tồn. Giá trị của nó thật bền vững, thật vinh quang, vì nó là hồn nước, là sinh chất hài hòa nhất để dân tộc ngày càng văn minh tiến bộ trên mọi mặt nhân sinh, nhân bản và tâm linh.

Đó là nói về “bản sắc” của cộng đồng dân tộc, còn đối với một cá nhân, câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai” chính là bản sắc của cá nhân ấy. Ở đây bản sắc đó đã đúc kết bằng hai phần, một là bản ngã bẩm thụ từ lúc lọt lòng mẹ, hai là trải nghiệm tư duy đến lúc trưởng thành. Nên có tác giả viết: “Thế kỷ XXI: Tìm về đức tin và cuộc sống nội tâm [2] . Đó sẽ là một thế kỷ không dễ dàng. Khoa học kỹ thuật sẽ có những bước tiến vũ bão, kéo con người vào “cuộc chơi” của nó. Nghĩa là, nếu lỏng tay, con người sẽ bị điều khiển bởi chính những sáng tạo của mình. Đó là một nghịch lý có thật.
“Con người sẽ thoát ra khỏi nghịch lý ấy bằng cách nào? Thế kỷ XXI sẽ chứng kiến những cuộc tìm về với Đức Tin ở chiều sâu và diện rộng. Văn học sẽ trở lại ngôi đầu bảng. Văn học Nga với hành trình tìm kiếm Đức Tin của những con người vĩ đại như Dostoievski, Lev Toistoi, Tshekhov... sẽ lại được đọc nhiều nhất trên khắp hành tinh. Thơ kinh nguyện cầu của Tình yêu, Đau khố, Khắc khoải, Dâng hiến, Tin tưởng... sẽ là món ăn tinh thần không thể thiếu của loài người. Thơ sẽ trở lại ở chính những nước phát triển nhất, những nơi thừa tiền bạc nhưng thiếu đức tin, thừa khoa học nhưng thiếu hụt lương tri ("Science sans Conscience...”). Bởi con người không thể sống trong sự mất cân bằng. Mất cân bằng sinh thái cũng chết, mất cân bằng giữa tâm và thận cũng gay, mà mất cân bằng giữa sự thưa thãi vật chất và trống vắng tinh thần lại càng nguy.”


Đó là những khúc quanh để thoát khỏi nghịch lý ở “thượng từng kiến trúc” của xã hội. Còn ở “hạ từng cơ sở” nghịch lý càng nghiệt ngã đau khổ gấp bội. Như nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao [3] :

“– Người nông dân cùng khổ ấy không được sống ngay cả cuộc đời nghèo khổ nhưng lương thiện của mình. Anh đã bị xã hội cướp đi cả bộ mặt người cùng linh hồn người để trở thành một con thú dữ, và bị loại khỏi xã hội loài người.
Bản chất lương thiện của anh đã bị xã hội ra sức hủy diệt. Lão cường hào Bá Kiến vì ghen tuông đã cho giải Chí Phèo lên huyện rồi sau đó để anh Chí ngồi tù. Cái nhà tù thực dân ấy đã tiếp tay lão cường hào bắt giam anh Chí lương thiện, vô tội để rồi thả ra một Chí Phèo lưu manh, hung ác. ….Chí Phèo trở nên xa lạ với mọi người và xa lạ với chính anh. i…” Và thế là hắn không còn được mọi người coi là người nữa “ai cũng tránh mặt hắn mỗi lúc hắn qua”.


Các nhà phân tích cho rằng Chí Phèo đã bị tha hóa, nghĩa là dù muốn dù không hắn không thể sống bằng con người thật của hắn, tức “cái tôi” bản thiện.

Tại bàn tròn “Sống tử tế” do Tuần Việt Nam tổ chức hôm 17-9, nhà văn - nhà báo Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, đã đặt câu hỏi: “Chúng ta được sống trong một xã hội với hệ thống luật pháp ngày càng đầy đủ, các hệ thống giám sát cũng chặt chẽ, đa dạng hơn và điều kiện kinh tế cũng tốt hơn nhưng tại sao sự tử tế đang rời bỏ chúng ta?”. Rồi ông tự trả lời, rất ngắn nhưng đầy nội hàm: “Có vấn đề nghiêm trọng của văn hóa đang bị phá vỡ”. Theo ông thì điều khiến người ta trăn trở không chỉ nằm ở số lượng tội phạm đang tăng lên mà ở cách thức người ta hành xử với nhau, đến mức người ta có thể giết cha, giết mẹ, giết vợ, giết chồng; có thể tàn nhẫn với con cái, hủy hoại thanh danh bạn bè.
Có thể có nhiều giải thích về sự suy thoái đạo đức nhưng nguyên nhân bao trùm nhất không thể không do thiếu vắng giáo dục, theo nghĩa rộng của từ này. Những tính chất tiêu cực mà GS Hoàng Tụy nói đến chính là khuôn mặt tha hóa, đáng sợ của những con người không được giáo huấn đầy đủ. " [4]


Với góc nhìn của nhà giáo dục là thế, với nhà đạo học hay bậc chân tu lại muốn đặt vấn đề tìm cách khám phá tiềm năng sâu thẳm trong nội tâm con người để giải quyết vấn nạn tha hóa hiện nay.
Sách Đạo Học Chỉ Nam [6] viết: “Giá trị con người do con người tự tạo . . .Nhưng đứng về cá nhân mà xét, thật hoàn cảnh xã hội và con người hiện nay, nhận thấy có gì xứng đáng đâu? Con người là một hạt sương trên ngọn cỏ, một, một lượng sóng giữa trùng dương, thoạt mất thoạt còn, yếu ớt đến nỗi một con vi trùng, một ngọn gió phớt qua cũng đủ tiêu diệt, trong một giờ hàng trăm hàng vạn người.
Một mặt khác, con người phải luôn luôn nhớ rằng : mình là “âm dương chi giao, quỉ thần chi hội” . Nghĩa là : mình đứng giữa âm dương, phân nữa là thần, phân nữa là quỉ, có phải mà cũng có quấy, có thiện mà cũng có ác, vậy con người phải chọn con đường mà đi. Đi trúng con đường lành thì lên, bằng sái con đường lành thì xuống. Con người còn có thể tu nên Tiên, nên Phật, làm sư biểu cho muôn đời. Như thế, giá trị con người không phải là con người tự tạo cho mình sao?

“Vậy vấn đề nhân bản là vấn đề hóc hiểm mà quan yếu. Nếu bản (gốc) không lập, thì Đạo không sanh. Người không gốc, thì người không đứng vững. Mà người là tâm, gốc của tâm là tánh. Biết vun trồng bản tánh, mới thiệt chỗ căn cơ, tông tổ của người.

TAM KẾT: Xin trích Đạo Học Chỉ Nam làm kết luận.

Thân phận người nổi trôi lặn hụp,
Dong rủi toan bắt chụp bóng mồi;
Vui buồn, họa phước đi đôi,
Nghiệp duyên ngang trái kéo lôi không ngừng.
Đời bởi đấy tưng bừng sóng gió,
Hóa ngọt chua đen đỏ thân thù;
Phủ màu tang tóc, âm u,
Trở thành địa ngục, ao tù cầm giam.
Ai ai cũng tham lam, ích kỷ,
Nào mấy ai dung dị cho ai;
Sống còn, chẳng có ngày mai,
Đắm mê tửu khí, sắc tài đáng kinh.
Tâm mất hẳn quân bình lẽ sống,
Còn biết đâu nòi giống thân yêu;
Quốc phong, luân lý đổ xiêu,
Đạo người như đã biến tiêu bao giờ.
Hồn dân tộc lờ đờ phiêu bạt,
Mỗi nhơn luân rời rạc, lạnh tê;
Hóa nên trầm trọng nặng nề,
Diễn bao tấn kịch ê chề, ngán ngao.
Bình tỉnh hỏi : Vì sao đến thế?
Do bởi đâu, tình tệ ngày nay?
Tại ai, ai đọa, ai đày?
Để cho nhơn loại ngậm cay nuốt hờn.
Giờ muốn biết, dừng chơn lại đã,
Thì rõ ngay thiệt giả dễ dàng;
Lập tâm mạnh mẽ phá tan,
Thoát ngoài ảo vọng, lên đàng tự do.
                          * * *
Địa vị nhơn sanh chẳng phải thường,
Tại người chưa nhận lẽ âm dương;
Ở trong điều lý, tâm là chủ,
Trời đất cùng ta một chủ trương.■

______________________________________

[1] Cao Huy Thuần, www.chungta.com, Dân tộc ta chưa xứng đáng với tổ tiên
[2] www. Chungta.com,Thế kỷ XXI: Tìm về đức tin và cuộc sống nội tâm
Thanh ThảoTrích "Mãi mãi là bí mật" (2005)
[3] .lhttp://kenhtrithuc.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-chi-pheo-trong-tac-pham-cung-ten-cua-nha-van-nam-cao
[4] Cao Tuấn, Con người tha hóa, do đâu?
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/con-nguoi-tha-hoa-do-dau-20141006230846926.htm
[5] Theo Nho Giáo, ở Lễ Ký thì “Nhơn giả, kỳ Thiên Địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tứ khí”. Nghĩa là : Con người là cái đức của Trời Đất, chỗ giao điểm của âm dương, nơi hội tụ của quỉ thần, cái tinh túy của ngũ hành. (ĐHCN)
[6] Đạo Học Chí Nam, Minh Lý Thánh Hội 1971, Mục Giá trị con người do con người tự tạo.

Thiện Chí

Khánh Ly & Chế Linh - LK Một Cõi Đi Về / Thành Phố Buồn / Như Cánh Vạc Bay (PBN 96)
https://youtu.be/3UQEK0Kk730

https://youtu.be/55bR5QrZkmc


Mai Nguyễn Huỳnh
St.8872
Mọi bí ẩn tâm linh và cuộc sống đầy ' ẩn mặc ' của loài người trong sự tồn tại ..trước thiên nhiên tạo hóa- Được phái đoàn khoa học Tây Phương khám phá, nghiên cứu, và đưa ra ánh sáng văn minh của thời đại khoa học- Để hợp thức hóa cùng thiên nhiên vũ trụ cho loài người cùng tiến hóa văn minh!!- Huỳnh fMai St.8872- Cựu chiến binh QL.VNCH
Cinque Terre


Hành Trình Về Phương Đông


Tác giả : Dr. Blair T. Spalding
Thể Loại : Văn Hóa - Tôn Giáo
Lượt xem : 52281

Danh sách chương


Hành trình về phương đông" kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người.
Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chứng kiến nhiều pháp thuật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo...của nhiều pháp sư, đạo sĩ...họ được tiếp xúc với những vị chân tu thông thái sống ẩn dật ở thị trấn hay trên rặng Tuyết Sơn. Nhờ thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như yoga, thiền định, thuật chiêm tinh, các phép dưỡng sinh và chữa bệnh, những kiến thức về nhân duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết...
Nguồn: https://sachvui.com/ebook/hanh-trinh-ve-phuong-dong.36.html

KHẢ NĂNG ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
& HỘI NHẬP THẾ GIỚI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI


Bước qua kỷ nguyên những năm 2000, toàn thế giới trở nên rất sôi nổi với những cuộc vận động HỘI NHẬP QUỐC TẾ và TOÀN CẦU HÓA trên nhiều phương diện.

Với những tiến bộ gia tốc của thời đại, thế giới đã trở nên một mặt bằng chung của mọi quốc gia, trong đó những mối quan hệ phức tạp, cọ xát với nhau ngày càng mạnh mẽ, tốc hành, khiến cho không nước nào có thể đơn phương họat động quốc tế bằng kế họach chủ quan của mình.

Do đó, học thuyết “hội nhập quốc tế” ra đời, nhằm thành lập các tổ chức tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên đồng thuận với nhau trên nhiều lãnh vực để “làm ăn” có hiệu quả và đồng phát triển.

Tại Việt Nam, năm 2006 cũng là năm hết sức sôi nổi về những động thái “đồng hành” và “hội nhập” khi VN bước vào WTO, đồng thời tổ chức thành công Hội nghị APEC. Đây là những chuyển biến lạc quan khiến cho các nhà quan sát và bản thân giới lãnh đạo trong nước đều nhận định VN đang đứng trước “vận hội mới”.

Như thế, mọi thành phần xã hội, mọi đoàn thể, và ngay cả mỗi người VN không thể không quan tâm đến “vận hội mới” của đất nước để khẳng định vị trí của mình, đồng thời ý thức nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong vận hội đó.

Đạo Cao Đài là một tôn giáo dân tộc, khai sinh ngay trong lòng dân tộc, có tôn chỉ mục đích rất tích cực, cũng không thể đứng ngoài vận hội mới, mà trước tiên cần khẳng định khả năng “Đồng hành cùng dân tộc” và “Hội nhập thế giới” của Đạo.

I. KHẢ NĂNG ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Trướt hết, cần tìm hiểu hai chữ “đồng hành”.
Theo nghĩa hẹp, đồng hành là “cùng đi”, nhưng cùng đi trong tình huống nào ? Đi cùng một lúc hay cùng một đường, và có cùng đi đến một mục đích hay một địa điểm không ?
Nên đồng hành còn có nghĩa rộng rất quan trọng.
_ Trước nhất, những người đồng hành theo nghĩa rộng phải có mối quan hệ với nhau. Ví dụ câu “tam nhân đồng hành, tắc hữu ngã sư yên”, người xưa muốn dạy ta hãy tìm thấy mối liên hệ hữu ích và thân thiện trong giao tiếp xã hội.
_ Nhưng hơn thế nữa, phải có mối đồng cảm, đồng lý tưởng rồi mới đồng hành thật sự.
Và “dân tộc” ở đây cần hiểu là tổng thể những người dân có cùng nguồn gốc, lịch sử, văn hóa, truyền thống đã sống và đang sống trải qua nhiều thế hệ trên cùng một lãnh thổ, có chung một tình cảm đối với đồng bào và ý chí sinh tồn, phát triển hiện tại lẫn tương lai cho cộng đồng.
Lịch sử một dân tộc trải qua nhiều triều đại, nhiều nhà nước khác nhau, nhưng dân tộc tính, truyền thống hay nền văn hóa của dân tộc đó trước sau như một. Do đó, hai chữ “dân tộc” không đồng nghĩa với hai chữ “nhà nước”, mặc dù nhà nước và dân tộc đương nhiên có những tương quan cơ bản, mật thiết.
Vậy, muốn đồng hành cùng dân tộc, đối tượng phải có những mối tương quan, tương đồng từ nòi giống, tâm hồn đến tâm tư nguyện vọng, sự sống còn và tiến bộ của dân tộc.
Thế nên, đối với đạo Cao Đài, trên tổng thể, thử xét những mối tương quan-tương đồng đó trong dân tộc.

1. Đạo Cao Đài được xây dựng trên di sản truyền thống tín ngưỡng của dân tộc:

_ Truyền thống thờ Trời
_ Truyền thống Tam giáo đồng nguyên
_ Truyền thống thờ kính tổ tiên
_ Truyền thống tín ngưỡng dân gian

Đây là những truyền thống thuộc về nếp sinh họat tâm linh tiềm tàng lâu đời của dân tộc, đã ăn sâu vào cách sống, cách nghĩ của dân tộc, trở thành dân tộc tính đậm đà bản sắc.

2. Đạo Cao Đài có quan hệ đặc biệt với nhiều tôn giáo nội sinh hay ngọai nhập lâu đời tại VN.

Trong khi những truyền thống tín ngưỡng xa xưa đã thấm nhập bàng bạc vào tâm hồn người Việt nói chung, thì bên cạnh các tôn giáo khác, vào đầu thế kỷ 20, các đạo_ Minh Sư_Minh Đường_Minh Thiện_Minh Lý_Minh Tân đã định hình thành các tông phái có chùa chiềng, có cách thờ phượng đặc thù và hệ thống đạo pháp tu luyện cho môn đồ.

Nghiên cứu lịch sử lập giáo, ta thấy trên nền tư tưởng truyền thống Tam giáo đồng nguyên, đạo Cao Đài còn có nhiều mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các tông phái nêu trên.Tiêu biểu nhất là nhị vị chân tu cao cấp của Minh Sư và Minh Đường là quí Ngài Trần Đạo Quang (phẩm Thái Lão Sư ) và Ngài Lê Văn Lịch (phẩm Dẫn Ân ) đã trở nên Chức sắc Thiên phong có công rất lớn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ).

Như thế đạo Cao Đài đã được xây dựng trên di sản tín ngưỡng “dân gian”, tín ngưỡng truyền thống, lẫn “tín ngưỡng bác học” Việt Nam. Tức là về mặt tâm linh, Cao Đài hình thành trên nền tảng dân tộc một cách sâu sắc.

3. Đạo Cao Đài được xây dựng trên di sản tâm lý bao dung-cởi mở của người Việt

Về phương diện này, nhiều nhà nghiên cứu xã hội nhân văn đã chứng minh. Ở đây chỉ nêu lên một vài điển hình tâm lý ấy của đạo Cao Đài.
_ Đạo Cao Đài có tính cộng đồng và nhập thế rất khoáng đạt trong sinh họat tôn giáo như tương trợ đồng đạo, đồng bào trong hôn quan, tang, tế bằng đạo nghĩa chân tình, được hướng dẫn chu đáo trong phần thế đạo. Như các họat động từ thiện xã hội, các lễ hội, các hình thức liên giao đều có tính cộng đồng thân thiết.
_ Với tinh thần “vạn giáo nhất lý” đạo Cao Đài rất thân thiện, tương đắc với các tôn giáo bạn.
_ Nhất là với tâm lý bao dung-cởi mở, người đạo Cao Đài rất hiếu hòa. Đối với đồng đạo đồng bào lấy tình thương yêu làm gốc; đối với đời lấy chỗ “đạo đời tương đắc” để có quan hệ tốt đẹp.

Những năm gần đây, toàn đạo Cao Đài luôn luôn sẵn sàng cùng với các tôn giáo bạn tham gia các cuộc vận động cứu trợ thiên tai lên đến hàng vài chục tỉ đồng như cuộc vận động nối vòng tay lớn năm 2012. Ngoài ra hằng năm đều đóng góp xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa tại các địa phương, chăm sóc những gia đình khó khăn, cấp học bổng cho học sinh nghèo.
Đặc biệt, năm 2012, 7 Hội Thánh và Giáo hội, Tổ chức Cao Đài đã tham gia chuyến thăm Trường Sa cùng với các Tôn giáo bạn. Đoàn Cao Đài đã tặng Đảo biển tấm Bia lớn ghi tuyên ngôn bất hủ của anh hùng Lý Thường Kiệt (Nam Quốc sơ hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư; Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm; Nhử đẳng hành khang, thủ bại hư”. Ngoài ra còn ủng hộ đời sống đồng bào chiến sĩ Trường Sa 150 triệu đồng.

4. Đạo Cao Đài được xây dựng trên truyền thống yêu nước.

Bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước, đạo Cao Đài tôn thờ anh linh tổ quốc, tôn kính và noi gương chư Khai quốc công thần. Nơi các thánh sở Cao Đài đều có bàn thờ tổ quốc (ở điểm này, có câu nói bất hủ của Ngài Cao Triều Phát: “Bàn thờ tôn giáo có nhiều, bàn thờ tổ quốc chỉ có một.”)

Khi Đức Chí Tôn khai Tam kỳ phổ độ tại nước nhà, chơn linh các vị anh hùng trong lịch sử đã hiển thánh hiển thần tiếp tục hộ trì nòi giống Rồng Tiên.
Đơn cử như Thánh Nữ Trưng Vương (giáng cơ năm 1970)
Đức Lê Văn Duyệt (giáng cơ năm 1970)
Hay như Đức Thánh Hưng Đạo Vương ( giáng cơ năm 1947)
Và gần gũi hơn, như Đức Cao Triều Phát (giáng cơ năm 1967) .

Lòng yêu nước của người đạo Cao Đài vốn nằm trong “tiêu chí” đạo đức của người dân Việt: “ Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời đức hạnh là câu sửa mình.”.

5. Cụ thể hơn nữa, nhiều chức sắc và tín hữu Cao Đài từng tham gia hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước vừa qua.


Tiêu biểu như :

_Cụ Nguyễn Văn Ngợi
Ông Nguyễn Văn Ngợi sinh ngày 4/2/1900 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Năm 1946, các chức sắc Cao Đài thuộc phái Tiên Thiên mời ông ra giúp đạo. Năm 1947, ông Ngợi được Mặt trận Việt Minh giao trách nhiệm mở Đại hội đại biểu Cao Đài toàn tỉnh Vĩnh Long. Ông Ngợi đã đứng ra truyền đạt Thánh giáo, Thánh kinh kêu gọi chức sắc, tín đồ kháng chiến.
Năm 1949, ông Ngợi giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
Sau đó, Ban chấp hành Cao Đài cứu quốc được thành lập, ông Ngợi được bầu làm Hội trưởng tại Vĩnh Long.
Về phía đạo, năm 1958, ông được thọ phong Ngọc Đầu Sư, một chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài.
_Cụ Cao Triều Phát: (nguồn: vi.wikipedia.org)
Ngày 30 tháng 4 năm 1932, dưới sự tiến dẫn của Giáo sư Nguyễn Kim Khuê và Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, ông bắt đầu nhập giáo tại Thánh thất Thái Dương Minh (nay thuộc ấp Thạch Sau, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)
Năm 1934 ông cùng đại diện các tôn giáo bạn tổ chức Hội lý đạo công đồng giáo lý tại Bạc Liêu. Năm 1937, ông tham gia công cuộc truyền giáo Cao Đài tại tỉnh Quảng Nam. Năm 1941, Cao Triều Phát được cử giữ chức chủ tịch Cao Đài mười hai phái thống nhất ở miền Hậu Giang. Năm 1945, ông được bầu làm chủ tịch Cao Đài mười một phái hiệp nhất tại chùa Minh Tân. Trong thời gian truyền đạo ở Hậu Giang từ năm 1941, ông bị Pháp bắt giam tại khám lớn Sài Gòn rồi bị quản thúc tại Bạc Liêu.
Ngày toàn quốc kháng chiến, 19 tháng 12 năm 1946, ông tham gia kháng chiến trong cương vị một chức sắc Chi phái Minh Chơn Đạo. Ông là người thành lập Thanh niên đạo đức đoàn qui tụ các thanh niên theo đạo Cao Đài Chi phái Minh Chơn Đạo làm công tác xã hội, văn hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1947 ông được bầu làm Hội trưởng Cao Đài Cứu quốc mười một phái hiệp nhất.
Thời gian ở miền Bắc ông giữ chức Chưởng quản Cửu Trùng Đài (tương đương Giáo tông) của Hội Thánh Cao Đài Duy Nhứt.
Ông từng là đại biểu quốc hội, cố vấn ủy ban kháng chiến Nam Bộ, ủy viên thường trực quốc hội, ủy viên ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam...
_Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt : Sinh ngày 15-9-1918 tại làng An Hội (nay là phường 5, thị xã Bến Tre) trong một gia đình thuộc tầng lớp trên. Cha là Nguyễn Ngọc Tương, một điền chủ, đốc phủ sứ, đồng thời là Giáo tông chi phái Cao đài Ban Chỉnh, được Chính phủ VNDCCH tặng thưởng Huân chương Kháng chiến vì những công lao đóng góp trong sự nghiệp chống Pháp 1945 – 1954.
Là một trí thức thuộc tầng lớp trên, được đào tạo và nuôi nấng trong môi trường xã hội tư sản với nhiều ưu đãi, Nguyễn Ngọc Nhựt vẫn giữ được dòng máu yêu nước trong người. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và dân tộc, ông đã từ bỏ cuộc sống tiện nghi, giàu có để gia nhập vào cuộc chiến đấu của toàn dân, giải phóng đất nước. Chân tình và giản dị trong cuộc sống, Nguyễn Ngọc Nhựt đã mang hết nhiệt tình và tri thức của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Khi bị sa vào tay giặc, trước mọi sự mua chuộc, dụ dỗ và khảo tra của kẻ thù, lòng trung thành tuyệt đối của ông đối với lý tưởng đã không hề suy suyển.
(Nguồn: Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=230&Itemid=47)
6. Đạo Cao Đài được xây dựng trên di sản văn hóa Việt Nam

Trong hơn 80 năm qua, kinh điển, thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài vừa là một phương tiện truyền đạo giáo dân, vừa bảo tồn, phát huy và phổ biến văn chương thi phú, ngôn ngữ Việt Nam vô cùng đắc lực và phong phú. Có thể nói văn học Cao Đài Việt Nam đã đạt đến tuyệt kỹ hàm xúc các giá trị chân thiện mỹ trong thời đại này.

Nghi lễ, lễ nhạc, lễ hội, lễ phục, kiến trúc Cao Đài thừa kế nghệ thuật và mỹ thuật Việt Nam để bày tỏ đạo lý một cách tinh vi, truyền cảm, có bản sắc văn hóa dân tộc rất độc đáo.

Những yếu tố trên đã khẳng định đạo Cao Đài là một tôn giáo dân tộc, hay nói với tình cảm thân thiết, là Đạo nhà.

“Ngày nay Trời mở Đạo nhà,
Cho hồn Nam Việt tinh ba kết thành.” (Đoàn Thị Điểm)

Như thế, có thể phác họa chân dung người tín hữu Cao Đài Việt Nam :

_ Về mặt tâm linh, có truyền thống tín ngưỡng hài hòa, dung hợp.
_ Về mặt tinh thần, có phẩm chất văn hóa VN,
_ Về mặt nhân sinh, có tính cộng đồng, bao dung, hiếu hòa.
_ Về mặt tình cảm, có lòng yêu nước, yêu quê hương dân tộc tha thiết

Bao nhiêu đặc tính đó cộng với đức tin nơi Thượng Đế khai đạo cứu độ nhân lọai thời Hạ nguơn trong mục đích “Thế đạo đại đồng , thiên đạo giải thoát.”trong khi toàn dân đang hướng đến mục tiêu “Nước giàu dân mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”, đủ để xác định khả năng đồng hành cùng dân tộc của người tín hữu Cao Đài và của đạo Cao Đài.

II. KHẢ NĂNG HỘI NHẬP THẾ GIỚI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI

Đến đây, trước khi đi vào vấn đề, cũng cần phân tích kỹ ý nghĩa hai chữ “hội nhập”. Từ ngữ này khá mới, và gần đây được nhắc đến thường xuyên do những bước đột phá về kinh tế của nước ta trước xu thế kinh tế toàn cầu.

Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa “hội nhập” trong ngữ cảnh “Hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo Bách khoa tự diển Wikipedia thì :

“Hội nhập kinh tế quốc tế (international economic integration) là quá trình các doanh nghiệp của một quốc gia tham gia một cách chủ động, tích cực vào nền kinh tế thế giới.
Hội nhập kinh tế thế giới đã trở thành một xu thế khách quan trong thế giới ngày nay khi làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ.
Nếu như toàn cầu hoá luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực thì hội nhập kinh tế quốc tế luôn mang theo mình những cơ hội và thách thức to lớn. [. . .]”

Để hiểu rõ hơn, xin đối chiếu ý nghĩa từ ngữ “hội nhập” với cách giải thích của tự điển Anh ngữ : (The American Heritage Dictionary of English Language)

[Integrate ( hội nhập) :nội động từ: 1. làm thành một toàn thể bằng cách chuyển tất cả các thành phần vào nhau; hiệp nhất. . .]

Hội nhập kinh tế quốc tế và từ ngữ “hội nhập” có định nghĩa như thế; còn đối với tôn giáo, tôn giáo có xu hướng hội nhập vào cuộc diện thế giới không? Câu trả lời là có, bởi vì tôn giáo nào cũng có mục đích cứu thế, nên đều tìm cách đưa ảnh hưởng vào đời sống hoặc đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân lọai.

Vậy đạo Cao Đài có khả năng hội nhập đó như thế nào?

_ Trước hết đạo Cao Đài được trang bị bản thể luận “Đại linh quang – Tiểu linh quang” rút ra từ nguyên lý “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể” để nhìn nhận toàn thể nhân lọai có cùng một Bản thể duy nhất hầu khơi dậy tình thương đồng loại, không kỳ thị dân tộc hay tôn giáo.
_ Kế đến, đạo Cao Đài thuộc về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có mục đích tận độ chúng sanh, và tự nhận có sứ mạng thực thi mục đích đó.
_ Thứ ba, đạo Cao Đài là tôn giáo vừa nhập thế vừa xuất thế , song hành thế đạo và thiên đạo, tổng hợp đường lối hành đạo của Tam giáo đạo để cứu độ toàn diện con người về mặt nhân sinh lẫn tâm linh. Nhưng tựu trung khả năng độc đáo của Cao Đài vẫn rút ra từ phẩm chất truyền thống đạo đức dân tộc và bản tính dung hòa, dung hợp của con người Việt Nam. Đức Thượng Đế đã vận dụng những đặc điểm đó để khai Tam Kỳ Phổ Độ (TKPĐ) tại Việt Nam, lập thành tôn giáo Nhân bản – Đại đồng.

Trở lại ý nghĩa lịch sử của công cuộc khai Đạo tại đất nước Việt Nam, sự chọn lựa nơi khai sinh Tam kỳ phổ độ không phải là một ngẫu nhiên. Đó là sự ban trao sứ mạng tiên phong cho một dân tộc “có một nền văn hóa huy hoàng từ ngàn xưa được cấu tạo trên một nền tảng văn minh nhân bản sớm nhất nhân loại” như nhận định của bậc Cao tăng Vạn Hạnh Thiền Sư

Chính tố chất nhân bản này là động năng phổ quát-trường cửu, là tình người, là tính người, là bản vị đánh giá từng nấc thang tiến hóa của nhân lọai đạt đến Chân Thiện Mỹ.

Ngay như trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này, khi trải qua chặng đường lịch sử bị bế tắc, sự thức tỉnh vươn lên bao giờ cũng là giải pháp “về nguồn”. Cụ thể như công cuộc đổi mới trong thời gian gần đây đã đem lại cho Việt Nam một vị thế mới, được một nhà cách mạng lão thành đánh giá như sau:
“ . . .Sẽ không có những sự kiện này nếu không có “đổi mới”. (Võ Văn Kiệt, bài viết Vị thế mới Việt Nam, báoTuổi Trẻ, thứ ba 07-11-2006)
Đổi mới ở đây không có nghĩa là vay mượn một tính cách nào, một hình thức nào mà là tỉnh táo nhận thức đúng đắn thực lực Việt Nam và trào lưu tiến bộ của thế giới để chọn lựa vị thế ưu việt nhất. Nói cách khác là biết người, biết ta. Đó là cái kinh nghiệm “một dân tộc chỉ có thể thật sự “làm bạn được với tất cả” khi khẳng định được mục tiêu độc lập dân tộc mình.”.

Những thành công nóng hổi mà Việt Nam đạt được hôm nay chứng tỏ Việt Nam đã hướng đúng mục tiêu. Ở đây chúng ta lại phải đề cao nhận định của nhà bình luận khả kính nói trên rằng: “Một mục tiêu không có gì quan trọng hơn là đi tới tận cùng những giá trị nhân văn của nhân lọai và dân tộc.”

Với nhận định này và với bài học thực tiễn vừa qua, khiến người tín hữu Cao Đài nhớ lại thánh ngôn của Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương: “Sứ mạng trọng đại của Đại Đạo là phục hưng tinh thần truyền thống cổ truyền của dân tộc dính liền với sự phục hưng văn minh nhân loại, để xây dựng một nguơn hội thái bình vĩnh cửu cho muôn người” (Thiên Lý Đàn 10-5-1965)
( Sứ mạng Đại Đạo cần hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là sứ mạng của tôn giáo Cao Đài. NV.)

III.Ý THỨC ĐỒNG HÀNH và HỘI NHẬP CỦA NGƯỜI CAO ĐÀI


Trên đây chúng ta đã xác định khả năng “Đồng hành cùng dân tộc và hội nhập thế giới” của đạo Cao Đài. Nhưng một câu hỏi được nêu ra là: Người Cao Đài cần có những ý thức gì để bước vào cuộc đồng hành và hội nhập này?
Cần xác định rằng, vấn đề nêu lên không phải là một động thái cơ hội. Bởi vì mục đích đại đồng của Đại Đạo TKPĐ đã có từ trước Là “Thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát” và Phương châm hành đạo Là: “Phụng sự dân sanh, xương minh dân trí và hoàn thành dân đức”.
Nên người Cao Đài cần tự ý thức:

1. Không mê ngủ trong đức tin, đừng ảo vọng trong lý tưởng. Phải học hỏi rèn luyện không ngừng, vượt qua mọi thử thách mới có đủ bản lãnh đồng hành và hội nhập.
2. Không tự giam mình trong “tháp ngà” của đạo. Bởi vì Đại Đạo không phải chỉ là một Hội thánh, một Thánh thất, một Cơ Quan, thậm chí không phải chỉ là Cao Đài giáo..
3. Muốn đại đồng cùng thiên hạ phải đại đồng cùng dân tộc trước đã ( Nói cách khác, muốn hội nhập cùng thế giới, phải đồng hành cùng dân tộc trước đã.). Sống đời tức là sống đạo.

4. Và hơn nữa muốn đồng hành cùng dân tộc, phải đồng hành cùng toàn đạo trước đã. Như Ơn Trên từng dạy một cách sâu sắc mà dễ hiểu là “ Đừng ai lấy thúng mà úp cái Đạo” và “ Đùng ai nghĩ rằng có thể trồng cây Đại Đạo trong lòng bàn tay của mình”. “Quá khứ, hiện tại, vị lai, dòng sông muôn ngỏ rồi cũng quy về biển cả. .”

IV. KẾ SÁCH THỰC TIỂN TRƯỚC MẮT CHO MỤC TIÊU ĐỒNG HÀNH & HỘI NHẬP
1. Tổ chức Giao Lưu Các Hội Thánh và Tổ chức Cao Đài nổ lực thực hiện các chương trình đã và đang đề ra trong các Hội nghị Giao lưu hằng nămvề:
_ Đào tạo chức sắc chức việc và nâng cao trình độ giáo lý cho tín đồ toàn đạo.
_ Chú trọng giáo dục thế hệ trẻ hướng về nếp sống văn hóa, văn minh và truyền thống đạo đức dân tộc.
_Truyền bá giáo lý chơn chánh qua các phương tiện truyền thông, báo chí để góp phần xây dựng xã hội an lạc, tiến bộ.
_Nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; đoàn kết nội bộ các Hội thánh Cao Đài hướng về Đấng Cha chung Thượng Đế Cao Đài và Tôn chỉ mục đích Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
_ Vận động toàn đạo tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, cứu trợ cùng với các tôn giáo bạn do chính quyền và các đoàn thể phát động.
_Tích cực ủng hộ các cuộc vận động xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc.

2. Về hội nhập, trong tinh thần “Vạn giáo nhất lý”, quan hệ tốt với tôn giáo bạn trong và ngoài nước. Nghiên cứu giáo lý các tôn giáo, các sinh hoạt tôn giáo trong nước và quốc tế. Tham gia các hội nghị tôn giáo trong nước và quốc tế liên quan đến đời sống xã hội văn minh tiến bộ và sinh hoạt tâm linh hướng thượng. . . .
3. Đối với quốc tế, vận động tín đồ tìm hiểu, tham gia các chương trình bảo vệ môi trường xanh trong nước và thế giới; các chương trình sức khoẻ cộng đồng. Trao đổi văn hóa với các dân tộc trong và ngoài nước . . .

V. KẾT LUẬN

Đứng trước tình hình hiện nay của thế giới, một khi chúng ta nhận định rằng vận hội mới của đất nước gắn liền với thời cơ hội nhập cùng thế giới, thì người Cao Đài hơn ai hết, hãy nhớ lại thánh huấn của Đức Chí Tôn:
“ . . . Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc đạo; phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn-sanh còn phải trầm luân nơi khổ ải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh, Q.I, Mercredi 4 Aout 1926)

Và:
“Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây.”

Hay:
“Quyền [Đạo] Thầy hiệp cả vạn sanh
Đông Tây kim cổ lập thành tương lai.”

“ Năm châu bốn bể hòa hài” và “Đông Tây kim cổ lập thành tương lai” rõ ràng là những dự phóng xóa tan ranh giới ngăn cách giữa các dân tộc, tổng hòa văn hóa văn minh kim cổ nhân loại bằng một công năng có giá trị phổ quát vượt không gian. Đối với dân tộc, đó chính là bản thể đại đồng dân tộc; đối với thế giới nhân loại là nhân bản hay giá trị nhân văn, là cốt tủy của văn minh đích thực của kỷ nguyên mới.
Thời kỳ nầy Đức Thượng Đế khai Đạo tại Việt Nam là một đặc ân cho dân tộc này và cho cả hành tinh. Chính Thượng Đế đã mở ra cơ hội ngàn năm một thuở để loài người hội nhập cùng nhau trong cõi đời Thánh đức và cả trong Bản thể tâm linh, thông qua cánh cửa ngôi Cao Đài nội tại mà ai cũng có từ khi chào đời. Chiếc chìa khóa Thượng Đế đang sẵn sàng ban trao, ai là người giác ngộ hãy đến nhận .◙
                                                                                                                                          Thiện Chí
Nguồn: http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=796

115- ĐỜI ĐẠO SONG TU

Thứ bảy 20-4-02 - 4:00 giờ sáng


Làm thế nào để có khả năng cải thiện được người kẻ có tham vọng, tham vọng về tiền tài, quyền lực, khả năng tâm linh, tưởng mình là Phật, là Chúa?

Làm thế nào để giúp cho họ giác ngộ? Giúp cho họ tỉnh thức? Giúp cho họ buông bỏ tham vọng?

Phải chăng ta hoàn toàn bất lực trước những câu hỏi trên vì con người là một sinh vật nguy hiểm vì họ học càng nhiều, biết càng nhiều mà không tự chủ thì càng nguy hiểm cho chính họ và cho những người xung quanh họ?

Ta có thất bại trước khả năng giúp họ thức tỉnh chăng?

Mỗi người đến mặt đất này có một đời sống mà họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ta không thể gánh lấy trách nhiệm của một người khác. Ta cũng như họ, trước hết phải trách nhiệm đối với đời sống tâm linh và vật chất của chính mình. Ta tự tu, tự tiến để tìm đến sự giác ngộ, thoát khỏi một đời sống đầy thú tính tham sân si hỉ nộ ái ố để tiến đến giải thoát. Giải thoát chính ta trước tại cuộc sống mà ta đang sống. Giải thoát khỏi mọi ràng buộc của tâm linh và vật chất của chính ta trước hết. Sau đó ta đem hết những gì đã tìm thấy để phổ biến cho mọi người. Công việc của ta chỉ có thế. Ta không cưu mang đời sống của người khác. Ta phải chấm dứt tham vọng cứu người và cứu đời. Có tham vọng cứu đời và cứu người thì ta sẽ đi đến sự tự hủy diệt, mù quáng và nhất là đi đến ảo tưởng của quyền năng giả tạo. Đó là một con đường thật nguy hiểm cho người hành đạo.

Hành đạo là chính mình thực hiện con đường mà mình tìm thấy là phổ biến chân lý, phổ biến một con đường đưa con người đến giải thoát để họ tự thực hành để giải thoát chứ ta không giải thoát cho họ.

Phải diệt ngay tham vọng cứu người và cứu đời của ta tức khắc.

Ta chỉ hết lòng phổ biến chân lý, phổ biến những gì mà ta tìm thấy, mỗi người nhận được họ sẽ sử dụng tùy theo căn cơ và trình độ của họ. Họ tiến nhanh, tiến chậm. Họ tiến hay lùi, đều do nội tâm và hoàn cảnh của họ. Mỗi người đều tự chọn con đường mình đi chứ ta không chọn cho họ. Bổn phận ta là chỉ phổ truyền chân lý chứ không nên có tham vọng thay đổi đời sống của người khác hay sinh mệnh của người khác. Điều quan trọng của một người truyền đạo là phải có THIỆN TÂM chứ không có GIẢ TÂM. Ta giúp họ với một mục đích duy nhất là giúp họ THẤY. Khi họ thấy rồi thì tự họ quyết định dùng sự THẤY BIẾT đó cho phù hợp với cuộc đời họ. Họ muốn dùng sự Thấy Biết đó để hướng đời sống của họ hay thay đổi đời sống của họ là việc của họ. Họ muốn ngủ yên trong đời sống của họ là do họ quyết định, ta không quyết định giùm họ.

- Làm sao để tâm ta bình an không sợ hãi là sự thấy biết mà mình đã giúp cho họ có thể làm cho họ khổ khi họ nhìn được sự thật? Cái sự thật phũ phàng mà họ chưa được thấy vì đã bị hạnh phúc hay đau khổ của trần gian che phủ?

- THẤY BIẾTGIÁC NGỘ. Khi con người được giác ngộ họ sẽ được sung sướng tột bực về nhu cầu tâm linh. Còn áp dụng sự giác ngộ đó như thế nào trong đời sống thì do sự quyết định của mỗi người. Có người giữ sự giác ngộ trong đời sống sâu thẩm của tâm linh. Cũng có kẻ sẽ áp dụng trong đời sống bằng cách thực hiện những gì mà mình đã THẤY BIẾT bất chấp sự va chạm, thay đổi của đời sống mà họ đang hưởng thụ hạnh phúc hay đau khổ. Có kẻ đang đau khổ thì trở nên sung sướng nhờ giác ngộ vì bước ra khỏi sự đau khổ vì mù quáng. Có kẻ đau khổ vì nhận diện được hạnh phúc giả tạo mà họ đang có, để tìm đến hạnh phúc thật của sự trường cửu.

Ta phải chấm dứt tư tưởng cưu mang đời sống của người khác thì ta mới có khả năng thăng tiến trong đời sống tâm linh. Muốn có hạnh phúc trong đời và đạo hay đời và đạo song tu thì ta phải ở trong trạng thái Tâm Không, tức không vướng mắc.

* Thế nào là Đời Đạo song tu???

Đời Đạo song tu là Đạo và Đời không nghịch nhau và cả hai phải hành song song - không bị sự nghịch lý.

Đời Đạo song tu là một trình độ tuyệt đỉnh của một kiếp con người. Vì có những điều thuận đạo thì nghịch với đời và ngược lại.

Đời Đạo song tu là trình độ của người hành đạo TÂM KHÔNG. Nếu không đạt được trình độ này thì người hành đạo luôn luôn sống trong sự nghịch lý và lẩn quẩn không lối thoát. Nếu muốn nói rõ thì đó là con đường cụt đưa đến bí lối.

Có bao nhiêu kẻ không có khả năng Đời Đạo song tu đã đem đến tai tiếng cho tôn giáo, giáo hội của mình vì họ luôn sống trong nghịch lý. Họ hành sử theo quy luật giáo hội và đồng thời không kềm chế được tính người của mình.

Đạo đưa con người đi đến giải thoát còn giáo điều đưa con người đến sự kềm hãm thú tính lẫn kềm hãm tâm linh. Thay vì ta đưa tâm linh và thể xác đi đến sự thăng tiến thì ta lại dồn nén để nó hoành hành không lối thoát đưa đến những hành động bất ngờ do thú tính bộc phát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét