Tình Yêu - Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm
Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Cả
một thời tuổi trẻ đã chiến đấu trong cuộc chiến khốc liệt
với hàng triệu người chết, chiến đấu trong ngục tù CS với
hàng ngàn người tù bỏ mình nơi hoang dã, ông có may mắn còn
sống, và sống một cách đàng hoàng trong một quốc gia cùng một lý
tưởng TỰ DO. Ông không giàu có, không có biệt phủ, không tiêu tốn
hàng tỉ đồng vào cờ bạc, ăn chơi bời như các tướng tá Cộng
sản tại VN hiện nay, nhưng ông vẫn có niềm vui riêng, hạnh phúc
riêng trên một đất nước tự do, hạnh phúc. Vượt trên tất cả là
một điều kì diệu gần như không tưởng, nước Úc quê hương mới đã
mở rộng vòng tay đón nhận ông, một người lính đã chiến đấu
cho TỰ DO.
*
1. Tình yêu:
Nắm tay đi đến cuối đường.
Tình yêu ơi... nơi đâu là bến bờ.
Melbourne, cuối năm 2017,
Trong căn phòng nhỏ, nhìn qua cửa sổ, ánh nắng vàng nhạt buổi
chiều vẫn cố nán lại để cùng cơn gió nhè nhẹ vui đùa trên
các ngọn cây. Ánh sáng trong phòng đủ soi sáng bóng dáng một
người đàn ông, dáng cao và gầy, đang ngồi trên giường, cúi
xuống để đút thức ăn cho vợ. Ông nói nhẹ nhàng như đã từ thuở
xa xưa nào, thuở của đôi tình nhân trẻ trung thích vui đùa và
gọi nhau theo kiểu riêng “toa”, “moa”:
- Toa cố thêm tí. Người ốm lắm rồi đấy!
Bà nhắm mắt, cố nâng đẩy nhẹ tay ông ra, nghiêng đầu qua một
bên, mồm vẫn nhai nhóp nhép. Bà không chỉ ốm, cả khung người
như đang thu nhỏ lại, mong manh và dễ vỡ. Thời xuân sắc, vui
tươi, căng tràn đầy nhựa sống đã phũ phàng rũ áo ra đi. Thế
gian này nào ai có thể cản được?
Ông đứng dậy, dọn dẹp khay đồ ăn. Bà chỉ ăn khoảng một phần
tư, cũng nhờ ông cố dỗ dành. Chiều nào ông cũng vào khu dưỡng
lão lo cho vợ ăn uống vì y tá rất bận rộn, không tốn thì giờ
để năn nỉ đút ăn. Không ăn, họ dọn, thế thôi!
Nhiều người bạn khen ông chung tình với vợ già quá. Ông chỉ
cười: "Ấy mình phải trả lại tội lỗi. Tội ngày xưa hay nói
dối vợ để đi du hí với bè bạn".
Gốc người Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, chiều cao hơn một mét
tám, dáng vẻ thư sinh, ăn nói duyên dáng, thời tuổi trẻ hẳn ông
đã làm bao nhiêu bóng hồng điêu đứng. Cũng vì thế phải yêu
nhiều quá, vượt tiêu chuẩn, nên nay ông phải "trả tội"?
Ông đến gần bên giường vợ, bấm nút điện hạ đầu giường xuống.
Bà vẫn nhắm mắt, miệng vẫn nhai. Ông kéo chăn, che thân thể
khẳng khiu của vợ, khẽ nói:
- Toa nghỉ nhé. Trời tối rồi... Moa phải về đây.
Hôm nay bà không khoẻ hay không được vui vì mọi hôm bà thường
khẽ mở mắt, cố gắng bật lên lời chào: "Về nhá!". Bà yên
lặng. Trí óc Bà đang bay bổng vào nơi nào đấy, không còn nhận
thấy sự hiện hữu của ông trong phòng.
Ông bước ra cầu thang máy, bấm mã số để xuống tầng dưới nhà.
Ra vào khu nhà dưỡng lão, hay lên xuống cầu thang máy, người ta
phải biết xử dụng mã số, tránh người bệnh già đi lang thang
vào các nơi mà y tá chịu trách nhiệm không thể nào tìm ra.
Nhà dưỡng lão có hai tầng. Mỗi tầng đều có nhà ăn riêng, rộng
rãi, lịch sự. Chỉ người già còn khả năng tự đi hay lăn xe
đến, tự chọn và thưởng thức món ăn. Còn những người yếu hơn, y
tá sẽ đem đến từng phòng. Mỗi người già có phòng riêng với
một nhà tắm rộng để nhân viên hàng ngày có thể đem máy tắm
vào. Tắm và mát xa là điều rất cần cho người già ít còn khả
năng di chuyển vì hệ tuần hoàn yếu và da đã bị lão hóa, máu
đưa dưỡng chất để da hấp thụ ngày càng kém.
Trời đã xâm xẩm tối khi ông bước ra ngoài. Giáng sinh đúng vào
mùa hè ở Úc, nóng và khô nên đi bộ về nhà không khổ cực lắm,
chỉ khoảng dăm phút. Mùa đông gió rét và ẩm ướt khiến không
ai muốn đi ra ngoài trời.
Vài năm trước, ông đã lái xe tông vào một gốc cây khiến hai vợ
chồng đều bị đưa vào bệnh viện. Cảnh sát tiểu bang đã thu hồi
bằng lái của ông già. Mất một niềm vui tự do lái xe đi nơi
này, nơi kia, ông chỉ dựa vào vài người bạn còn lái được xe
hay chuyên chở công cộng, và đi bộ.
Mùa hè, trời tối, làn không khí mát đang len vào thay cái nóng
khô rát của buổi chiều. Chỉ còn một mình, thui thủi bước
trong bóng tối trở về nhà, một cảm giác lạnh lẽo của cô đơn
như mọi ngày qua lại ập đến bên ông.
Hai vợ chồng được chính phủ Úc cấp một căn nhà nhỏ, khang
trang, mới được xây cất. Hai ông bà cùng trải qua năm tháng sống
gần nhau trong căn nhà. Mỗi lần đi đâu về nhà, ông vẫn quen nghe
tiếng chân bà chậm rãi bước ra cửa, tiếng bà cất lên: "Toa về
đấy à?". Bây giờ chỉ bóng tối, sự yên lặng lạnh lùng chờ đợi
đón ông về nhà.
Khi bà sớm bắt đầu hội chứng mất trí nhớ, ông vẫn giữ ở nhà
để chăm sóc. Cách đây nhiều tháng bà bị té nặng, sau đó không
còn khả năng tự ăn uống hay vệ sinh cá nhân... Ông cũng nhận ra
ở tuổi quá 80, ông không còn khả năng chăm sóc được ai nữa,
buộc lòng phải đưa bà vào khu dưỡng lão.
Mỗi chiều vào khu dưỡng lão thăm vợ, không phải để "rửa rội"
như ông đùa. Ông muốn thăm vợ để gần gũi với hình bóng đã gắn
bó với ông hầu như cả cuộc đời, để đút bà ăn, để có người
nghe chuyện mình kể. Mặc dù ông không biết bà có hiểu gì không
vì bà thường chỉ trả lời lại bằng một điệp khúc rất đơn
giản: "Thế à...".
Càng lớn tuổi người ta lại sống gần với kỷ niệm. Già dễ quên
chuyện mới xẩy ra nhưng lại nhớ chuyện thời trẻ, thời niên
thiếu và luôn cần người để nghe mình kể chuyện. Cuộc đời của
ông quá nhiều chuyện phong phú để kể, nó gắn liền với tình
yêu, với quê hương, với dân tộc. Tối nay cũng như những tối
khác, từng bước chân âm thầm để trực giác tự hướng về căn nhà
nhỏ, trí nhớ ông như cuốn phim đang chậm rãi quay lại những
chuyện "không bao giờ quên"...
2. Tổ quốc-Danh dự-Trách nhiệm:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh(*)
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hang khi vị ngộ.
(Nguyễn Công Trứ )
Cambodia, mùa hè 1972,
Buổi sáng sớm, sương mù vẫn còn trãi dài trên khu rừng cao su
Mimot, Nam Kratie, Cambodia. Núi rừng bao la luôn là nơi ẩn náu
lý tưởng của mọi loài động vật. Dưới các tàng cây rậm rạp,
các lán trại lẩn khuất trên một diện tích khá rộn khiến trực
thăng dù bay sát ngọn cây cũng không nhìn ra. Đấy là binh trạm
nơi trú quân của bộ đội Cộng sản Bắc Việt. Nơi đây cũng là
trại giam quân nhân VNCH, tù nhân thuộc mặt trận phía Đông. Họ
bị bắt ở vùng Lộc Ninh, An Lộc trong trận chiến “Mùa Hè Đỏ
Lửa” tháng tư 1972.
Trong không gian yên tĩnh bỗng vang lên tiếng kẻng báo động tập
họp. Các tù nhân bị bộ đội Bắc Việt cầm súng, quát nạt, lùa
vào khu đất trước nhà ăn. Các người tù bị ra lệnh xếp ngồi
xổm và nghiêm trên mặt đất. Sau những tiếng ồn ào, tất cả yên
lặng. Các người tù không dám nói gì, chỉ trao đổi với nhau
bằng ánh mắt: "Chuyện gì đây? Bọn chúng tỏ vẻ sắt máu như
chuẩn bị giết ai!".
Chỉ Huy trại giam vóc dáng nhỏ bé, bước ra trước toán bộ đội
đang đứng thẳng với các nét mặt cứng và lạnh lùng như bọn
người máy, ông ta lên giọng kiểu cách như các lần rao giảng
chính trị:
- Các anh bị bắt vào đây, Đảng và Nhà nước đã có chính sách
khoan hồng, đối xử nhân đạo, cho các anh ăn uống đầy đủ, học
tập cải tạo tư tưởng… Các anh phải hiểu rõ luật lệ của trại,
chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng… Nhưng vẫn có người ngoan cố, lợi
dụng sự lơ là, tự do của trại giam đã trốn khỏi trại. Trại
giam quân Giải phóng, một con cá, một con tôm chưa thoát khỏi
lưới huống hồ một tù nhân. Chỉ vài tiếng đồng hồ thoát khỏi,
kẻ trốn trại đã bị toán truy đuổi bắt lại và anh ta đang
đứng kia…
Chỉ Huy trại giam đưa tay về phía người tù vừa trốn trại. Cả
đám tù nhân quay đầu nhìn về phía sau. Ánh sáng buổi sớm mai
soi rõ bóng dáng cao của một người tù đứng dưới một gốc cây.
Cổ, tay, chân của ông đều bị xiềng bằng dây xích. Đứng áp bên
cạnh hai bộ đội cầm súng. Cả đám tù nhân sửng sốt, không
ngừng được:
- Trời ơi... Ông Dương…
Chỉ Huy trại giam đã đến điểm cực cao của màn trình diễn, mở nụ cười thoả mãn đắc thắng:
- Anh Dương đã bị bắt lại đêm qua. Có thể anh ta bị xử bắn ngay
tại chỗ nhưng Đảng và Nhà nước ta rất dân chủ. Kẻ có tội
được đưa ra trước các anh và được xét xử công khai. Các anh
được cho phép phát biểu ý kiến... Chúng tôi phải xử tội anh
Dương như thế nào?
Ông Dương đang đứng thẳng trong bộ quần áo đầy bùn đất, trước
các đồng ngũ VNCH, đã bị quân Bắc Việt bắt trong trận Lộc Ninh
vào mùa hè đỏ lửa 1972. Mặc cho phiên toà bỏ túi đang diễn
ra, trí nhớ của ông quay lại. Không phải quay lại những thước
phim êm ả mà nó giận dữ, cuồng nộ như xích sắt của những chiếc
thiết giáp bám đầy bùn đang xoay tròn trên mặt đất... Đấy là
quang cảnh khói lửa mịt mù của ngày 4 tháng tư 1972, ông còn
là Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 quân lực VNCH, đang đóng tại
đồi Lộc Tấn, tiền đồn bảo vệ Lộc Ninh...
Rất nhiều bài viết về trận đánh Lộc Ninh, bắt đầu từ 4/4/1975
đến 7/4/1975. Nhiều người có chuyên môn quân sự ở đủ mọi phía,
phân tích theo cách nhìn riêng từng cá nhân, về sự thất bại
của quân đội VNCH, đã không bảo vệ được quận lỵ nhỏ ở cuối
cùng đường mòn HCM. Nhưng đơn giản, dễ hiểu cho người không cần
đến kiến thức quân sự, hãy nghĩ đến truyện phim hình sự rất
đơn giản:
Người chủ nhà trở về, mở cửa bước vào nhà. Một kẻ vô lại,
chuyên nghề trộm cướp, đã lên kế hoạch, chờ sẵn trong bóng tối
với vũ khí. Hoàn toàn bất ngờ, hay lắm người chủ nhà chỉ
tránh sao cho cú đập trí mạng không làm mình gục ngã hoàn
toàn. Lộc Ninh là cú đập trí mạng mà BCT đảng CSVN cùng Võ
Nguyên Giáp… đã bàn thảo, lên kế hoạch vô cùng tỉ mỉ, đưa vào
chiến trường các nhân vật chủ chốt như Phạm Hùng, Ủy viên BCT,
tướng Hoàng Văn Thái, tướng Trần Văn Trà... cùng hàng ngàn
quân thuộc Công trường 9 quân Bắc Việt. Các võ khí hiện đại
nhất của Liên Xô và Trung cộng như đạ̣i pháo 130 ly, dàn phóng
hoả tiển 122 ly, súng chống tăng B40, B41, và lần đầu tiên quân
Bắc Việt đã đưa vào chiến trường hàng trăm các chiến xa T54,
PT76... Áp dụng chiến thuật "công đồn, đả viện", quân Bắc Việt
đánh mạnh vào Lộc Ninh. Hàng vạn quân Bắc Việt cũng đã bố
trí dầy đặc súng phòng không, súng chống tăng... ở các đường
cứu viện từ Lộc Tấn, An Lộc,… lên Lộc Ninh.
Sau khi hay tin chi đoàn 3/1 thiết giáp bị phục kích trên đường
tiếp viện Lộc Ninh, Trung tá Dương chỉ huy chi đoàn 2/1 còn lại
của Thiết đoàn 1, kéo từ Lộc Tấn lên tiếp cứu. Dù tránh
được ổ phục kích, nhưng khi giao tranh dữ dội trong rừng cao su,
xe tăng chỉ huy của ông bị bắn cháy. Thoát hiểm nhờ đồng đội
cứu, trung tá Dương chỉ còn hai chiếc xe tăng M41 lê lết về Lộc
Ninh.
Lộc Ninh đã thất thủ. Chỉ huy Chiến đoàn 9/Sư đoàn 5 quân đội
VNCH, đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị bắt. Trung tá Dương và đồng
đội còn lại, tuy mở đường máu thoát vào rừng nhưng cuối cùng
cũng chung số phận vào ngày hôm sau 7/4/1972. Khi bị trói tay,
không nhìn đến kẻ địch đang quát tháo, hạch hỏi, ông chỉ đưa
mắt đã khô rát nhìn lên trời. Có ai hiểu sự đau đớn khi chỉ
vừa nắm chỉ huy thiết đoàn vỏn vẹn 21 ngày, thiết đoàn đã tan
tác, bao nhiêu sinh mạng chiến sĩ đã hy sinh, bao nhiêu gia đình
với những người vợ, người con đã mất mát, không còn nhìn thấy
mặt chồng, mặt cha? Ai hiểu cảm giác người chiến sĩ kỵ binh
khi chiến xa mình bị bắn cháy, như người kỵ mã vuốt nhẹ đầu
con ngựa mình yêu quí đã bị gẫy chân?
Theo đúng chỉ thị từ TW đảng CS, mọi quân nhân VNCH bị bắt trong
trận Lộc Ninh bị đưa về giam ở rừng cao su Mimot, Cambodia. Trại
giam có khoảng 5 láng, chia ra láng cấp tá, láng cấp úy... Tất
cả tù "quân nhân Ngụy Quyền Miền Đông" được đối xử rất tử tế
so với tù cải tạo của quân cán chính miền Nam VN sau 30/4/1975.
Lý do dễ hiểu vào năm 1972, đảng CSVN rất cần món hàng tù
binh… Rất cần để mặc cả trên bàn "đàm phán hoà bình" đang
diễn ra ở Paris.
Chỉ có một điều không đúng bài bản đảng đưa ra trong chiến
cuộc khủng khiếp "Mùa hè đỏ lửa" là trận An Lộc. Quyết chiếm
thị trấn hiền lành, nhỏ bé An Lộc bằng mọi giá để làm lễ
ra mắt chính quyền do đảng chỉ định: "Mặt Trận Giải Phóng
Miền Nam". Một cố gắng tô son điểm phấn cho bên của mình tại
hoà đàm: "Chẳng lẽ Mặt trận không làm chủ được một thành phố
Miền Nam nào? Thế có được bao nhiêu dân miền Nam thuộc phe
mình?". Hy sinh hàng ngàn sinh mạng các bộ đội trai trẻ miền
Bắc vào lò lửa chiến tranh, Cộng sản vẫn không làm sao chiếm
được An Lộc. Một thành phố đang an bình bổng trở thành địa
ngục, chỉ còn các căn nhà đổ nát, xác người và máu. Thằng
chuyên vừa ăn cướp, vừa la làng đã lộ rõ mặt chuột để đấu tay
đôi với chủ nhà ở phòng khách giữa ban ngày ban mặt. Nhìn rõ
mục tiêu của thằng vô lại, người chủ nhà không còn bị động,
mọi việc đã hoàn toàn khác. Không chiếm được An lộc là một
thất bại vô cùng ê chề, nhục nhã của Cộng sản Bắc Việt trong
cuộc chiến "Mùa hè đỏ lửa 1972".
Trong trại giam có tổng số khoảng 300 tù nhân thuộc quân đội
VNCH. Tất cả trong trạng thái bồn chồn, lo lắng, ngồi nghe chỉ
huy trại giam kể tội chiến hữu của mình. Họ lo ngại đưa mắt
nhìn lẫn nhau, như trao đổi: "Chắc ông ấy bị xử bắn để răn đe
mọi người". Không sợ hãi, một người tù mạnh bạo đứng phắt
lên, dõng dạc:
- Thưa cán bộ… Anh Dương được Cách mạng khoan hồng nhưng tư tưởng
vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ thời gian được giáo dục để
cải tạo tốt. Tội trốn trại của anh Dương là tội rất nặng.
Chúng tôi xin nhất trí đề nghị hình phạt rất nặng cho anh. Đề
nghị cán bộ nghiêm khắc xử anh phải chịu CÁCH LY. Vâng cách ly
khỏi chúng tôi, tuyệt đối không được giao tiếp, ăn cơm chung với
chúng tôi.
Chỉ huy trại giam có vẻ hồ hởi, vừa bước quanh, vừa gật gù:
"Ngu sao mà không hiểu! Đồng đội bảo vệ lẫn nhau. Xử cách ly
để khỏi xử bắn à... Nhưng mình cũng giả vờ thế thôi! Đảng
đã ra chỉ thị rõ ràng. Cố giữ gìn hàng cho thực tốt để mặc
cả, ngã giá trên hoà đàm. Chả thế Đảng cứ tích cực điện vào
hỏi thăm liên tục "Đã bắt được bao nhiêu tù binh Mỹ Ngụy
rồi?". Đảng chả thèm quan tâm gì đến hàng ngàn bộ đội bị
chết, bị thương... Mình để sơ xuất mất một món hàng tù binh,
là bị lột lon như chơi!".
Ông bị cách ly theo đúng bài bản phiên toà tỏ vẻ dân chủ. Ông
bị cùm chân, nhốt riêng vào một cái cũi tre rất chắc chắn để
ngoài trời. Tuy phải lom khom, loay hoay xoay người qua lại trong
cái cũi chật hẹp, ông vẫn mỉm cười với đồng đội đi loanh quanh
gần đó. Họ luôn phiên quay nhìn ông với ánh mắt thăm hỏi.
Những tù nhân cũng tìm dịp dấu diếm thêm cho ông phần thức ăn
“bồi dưỡng” như ít cơm cháy, ít mẫu thịt...
Cuối cùng "món hàng để mặc cả" được thả ra khỏi cái cũi, hai đồng đội phải dìu ông ra ngoài.
Lửa trong mùa Hè 1972 đã tàn lụi với hàng vạn người chết ở
Lộc Ninh, An Lộc, Quảng Trị, Đại Lộ Kinh Hoàng,... Kết thúc
chiến dịch Hè 1972, CSVN không quan tâm đếm số bộ đội chết
trận, chỉ lo ăn mừng vì chiếm được Lộc Ninh. Năm 1973, nhân loại
thở phào nhẹ nhõm tưởng chừng chiến tranh VN hoàn toàn kết
thúc khi Hiệp định Hoà Bình Paris được bốn bên Mỹ, Bắc Việt,
VNCH, Mặt trận Giải Phóng ký kết. Theo điều khoản trao trả tù
binh giữa bốn bên của Hiệp Định Paris, TT Dương và đồng độ̣i
trong Quân Lực VNCH được trả tự do.
Chiến tranh vẫn tiếp tục leo thang, máu tiếp tục đổ ra sau khi
quân đội các nước đồng minh Mỹ, Úc, Nam Hàn, New Zealand, Thái
Lan, Phillipines rút khỏi Nam Việt Nam. Hiệp định Hoà Bình Paris
chỉ để chấm dứt một vở tuồng chính trị. Hai diễn viên xuất
sắc Kissinger và Lê Đức Thọ trong vở tuồng “Hoà Đàm Paris” được
trao giải “Nobel Hoà Bình”. Kissinger hí hửng nhận giải: "Đút
vào túi cả trăm ngàn đô, ngu sao không nhận?". Lê Đức Thọ cũng
muốn "không ngu" nhưng TW đảng CSVN phải họp hành lên kế hoạch
đánh nhau tiếp: "Giả vờ "hòa bình" thế là đủ rồi!". Hơn nữa,
chiến tranh không thể chấm dứt vì hai đàn anh CS Liên Xô, Trung
Cộng chẳng lẽ khoanh tay đứng nhìn: "Cho bọn nó nợ từ viên
đạn, lương khô... đến cả xe tăng, hoả tiển. Chẳng lẽ đánh đấm
như thế chỉ được quận lỵ bé tí Lộc Ninh. Còn võ khí hiện
đại bọn tao cho lại để nó sét rỉ à?". Hàng vạn bộ đội Bắc
Việt tiếp tục hùng hục vượt đường mòn Trường Sơn vào Nam
"đánh cho Tàu, đánh cho Liên Xô". Máu và lửa vẫn trãi dài từ
Quảng Trị đến Cà Mau.
Nặng nợ binh nghiệp vì tổ quốc còn cần, nhất là trong thân
tâm Ông "Lộc Ninh nỗi đau còn đó và trách nhiệm của người
lính phải rữa sạch mối hận này", TT Dương không xin giải ngũ,
tiếp tục phục vụ trong binh chủng Thiết giáp VNCH. Ông lại nắm
quyền chỉ huy Thiết đoàn 1 Kỵ Binh. Tiếp theo Ông nắm Thiết
Đoàn 18 Kỵ binh thuộc Lữ Đoàn 3 Xung kích dưới quyền Tư Lệnh
Lữ đoàn là Thiếu Tướng Trần Quang Khôi cho đến giờ thứ 25,
ngày cuối cùng 30/4/1975.
Bến Thủy, Nghệ An 1976.
Những cửa sắt các toa tàu đóng lại, các tiếng vang rền của
các thanh sắt va chạm mạnh, liên tục nối tiếp nhau. Đoàn tàu
sắt rùng mình từ từ chuyển mình. Đấy là chuyến tàu đặc
biệt, không có một toa hành khách nào chỉ là các toa tàu chở
hàng kín mít, mỗi toa chỉ có một lổ thông gió nhỏ. Theo lệnh
Trung Ương đảng CSVN, đây là chuyến tàu đầu tiên đưa ra Bắc những
tù nhân đã có chức vụ trong chính quyền Miền Nam và đang "học
tập cải tạo".
Sau ngày 30/4/1975, qua nhiều tháng bị giam và lao động tại trại
Suối Máu, ông và bạn tù đã được lệnh chuyển trại. Họ được
đưa lên xe bít bùng từ trại giam về lại Sài Gòn. Trở về Sài Gòn
trong xe tù, ông đưa mắt nhìn cảnh vật quen thuộc mình đã sống
và không khỏi ngậm ngùi. Ông trở về Sài Gòn, rất gần gia đình
nhưng cũng như xa cách nghìn trùng. Gia đình các tù nhân không
hề hay biết việc di chuyển tù và không ai biết sẽ bị đưa đi
đâu? Trước mắt là sông Sài Gòn quen thuộc đấy nhưng trong lòng
các người tù như quặn đau. Phía trước thật mờ mịt, thật u ám,
một chia ly như một hứa hẹn mãi mãi xa cách.
Xe tù ngừng ở Tân Cảng. Trời chưa sáng nhưng đèn ở bến cảng
sáng choang soi rõ một con tàu đã neo sẵn chờ bốc "hàng": tàu
Sông Hương. Các người tù được lệnh xuống xe, ôm trong lòng túi
đồ cá nhân. Tất cả được lệnh ngồi xuống đất theo tư thế ngồi
nghiêm. Họ lặng lẽ nhưng những ánh mắt câm nín nhìn nhau đã
nói lên tất cả cùng một tâm trạng của người tù: "Em và các
con... Lúc này, em và các con chắc đang ngủ say. Đâu có biết
rằng anh đang ngồi đây, gần nhà chúng ta lắm. Gần lắm nhưng mà
sao lại thấy xa vời vợi và sẽ còn xa nữa... có thể là xa mãi
mãi. Các anh như đang đi vào nơi gió cát, trên chiếc tàu hướng
về một nơi vô định...!".
Có lệnh lên tàu. Từng người tù hốc hác lầm lũi theo hàng một
nối nhau bước lên cầu tàu. Gọi là "cầu tàu" cho ra vẻ, thực
sự chỉ là mấy tấm ván chông chênh, không thành vịn, người tù
nào không cẩn thận sẽ té nhào. Trước khi đứng dậy bước theo
các bạn tù, Ông cúi xuống, hôn và lấy tay xoa nhẹ trên mặt đất
khô cứng, sần sùi bụi cát của kho Bến Cảng: "Em và các con ở
lại... Giã biệt Sài Gòn... Giã biệt em và các con!".
Thành phố Vinh, Bến Thủy, buổi chiều tối, không gian tê tái, ảm
đạm giống như trong các chuyến tàu chở các tù nhân Do Thái đi
trại tập trung Auschwitz thời Thế chiến thứ hai. Để giữ bí mật
trong việc chuyển tù, chuyến tàu sắt đậu ở một bãi đất hoang
vắng cạnh bờ sông. Những Công An đồng phục màu "củ khoai lang"
nhưng nét mặt lạnh như thép như những hung thần lính SS Đức
Quốc Xã, tay cầm súng, sẵn sàng nổ súng bắn chết bất kỳ tù
nhân nào. Các sĩ quan Công An CS, quân hàm đỏ như máu trên cổ
áo, vừa chỉ tay, vừa hò hét ra lệnh. Tiếng còi tu huýt thi
nhau rít lên, tiếng sủa thị uy của đàn chó Berger, vang dội
trên nền các bánh xe sắt nghiến trên đường ray, tiếng cửa sắt
của toa tù đóng mạnh, các tù nhân tiều tụy, áo quần xơ xác đã
bị dồn lên hết các toa tàu. Sau khi tù nhân đã lên tàu, trước khi
đóng và khoá cửa, Công An quăng mỗi toa tù một thùng khoai lang
luộc: tiêu chuẩn ăn cầm hơi cho chuyến hành trình. Con tàu ngục
tù với các toa sơn màu xám, ken két rời kho bãi. Con tàu chạy
về trại tập trung, lò thiêu xác hay là gì khác? Không ai biết!
Nhưng chắc chắn nơi chốn tù mới sẽ nghiệt ngã hơn rất
nhiều.
Mỗi toa tàu cho tù nhân chỉ có một lỗ thông hơi, thông khí cho
khoảng 75 tù nhân trong mỗi toa. Các tù nhân thay nhau đứng trước
lỗ thông hơi thưởng thức một chút hơi gió. Có tất cả khoảng
10 toa tàu ngục tù trong chuyến ra trại giam tập trung phía Bắc
lần đầu này.
Tàu chạy thẳng không ngừng ở bất kỳ trạm nào... Các tù nhân
vẫn còn ngỡ ngàng, hoàn toàn không biết gì nơi chốn mình sẽ
đến. Một vài tù nhân thoáng nhìn qua lỗ thông hơi, thì thào:
"Tàu có lẽ đang chạy qua Thanh Hoá... Rồi Ninh Bình... Thời
tiết âm u lắm...".
Nhiều người tù có lẽ mệt mỏi, dựa vào lưng nhau hay thành tàu
nghỉ ngơi. Ông lặng lẽ nhìn qua lỗ thông hơi. Trời đã về chiều.
Đột nhiên ông bật người lên. Ánh đèn... Phải ông không nhầm, ánh
đèn của cầu Long Biên. Tuy ánh đèn nhợt nhạt hơn xưa và cầu
đã mất một nhịp, ông không bao giờ quên. Kỷ niệm thời thơ ấu
vùn vụt quay trở lại. Nơi đây ông đã lớn lên. Có những buổi
chiều ông cùng bạn bè vui đùa, cùng nhau chơi đá banh trên bãi
cát Phúc Xá, hoặc bơi lội trên sông Hồng. Những lúc nghỉ ngơi,
cả bọn cùng nhau ngồi, chia nhau vài mẩu bánh, nhìn phía cầu
Long Biên, nơi những ánh đèn xe liên tiếp chạy nối theo nhau trên
cầu. Ông thở dài. Ông đã trở lại Hà Nội. Trở lại nơi chôn dấu
bao kỷ niệm đẹp nhưng với tâm trạng thê lương của một người
tù.
Khi ông báo mọi người tàu đang chạy qua Hà Nội, nhiều người
háo hức muốn biết Hà Nội như thế nào? Có lẽ tất cả thất
vọng: "Thủ đô của kẻ chiến thắng, kẻ huyênh hoang giải phóng
không chỉ miền Nam mà cả thế giới, lại như thế này sao?". Hà
Nội không còn những cô thiếu nữ tân thời, vui tươi, tình cảm như
một thời lãng mạn xa xưa của Khái Hưng. Hoàn toàn rập khuôn
như Cộng sản Tàu, chỉ còn đây những thiếu nữ nét lầm lì,
khắc khổ, tóc thắt bím, đồng phục màu rêu bộ đội, đang lọc
cọc đạp xe trên các con đường lồi lõm. Hà Nội không còn thanh
lịch với 36 phố phường ngày xưa của Thạch Lam. Qua 30 năm, khung
cảnh Hà Nội vẫn y như thời Pháp thuộc nhưng đã lâu không được
chăm sóc, mọi thứ trở nên già nua, cũ kỹ hơn. Những căn nhà u
ám, tường vôi tróc ra nham nhở, mái nhà rêu phong, cột điện siêu
vẹo... Hà Nội đã trở thành một bà lão già ủ ê, mệt mỏi và
chán chường.
Qua Hà Nội, không khí ngột ngạt của toa tàu với quá nhiều tù
nhân khiến có người bị ngạt thở. Lan, một người bạn rất thân
thiết của ông lên cơn xuyển. Thân thể gầy yếu của Lan cong lên,
cố hớp lên ít dưỡng khí hiếm hoi trong toa tàu. Mọi người la
hét để xin cứu cấp, nhưng chỉ nhận được các báng súng đập
mạnh cùng tiếng hét lạnh lùng "Yên lặng… Làm loạn chúng tôi
bắn...". Đau đớn quá! Lan, người quân nhân đã cùng ông chia bùi
xẻ ngọt như người thân trong một gia đình khi cùng chiến đấu ở
các vùng địa đầu giới tuyến Gio Linh, Quảng Trị, Huế... đã
trút hơi thở cuối cùng. Trung tá Bùi Đình Lan, một người nho
nhã, dáng thư sinh, giỏi ngoại ngữ, đã từng làm việc trong Ủy
Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. Bây giờ ông chỉ còn một
hình hài ốm yếu nằm bất động trên sàn tàu khô khan và lạnh
lùng. Vài người tù lặng lẽ đứng nghiêm đưa tay lên chào vĩnh
biệt. Linh hồn TT Lan đã vượt ra khỏi chuyến tàu ngục tù trước
khi nó đến được ga cuối để quay trở về nhà: "Em và con thương yêu
có còn yên bình để chờ Anh, chờ Bố trở về?"
Mười năm sau này, người tù cải tạo Nguyễn Đức Dương, được tha
trở về Sài Gòn, ông tìm gặp được L, vợ Trung tá Lan, đang ở tạm
nhà người quen. Sau khi chồng bị tù tập trung, căn nhà duy nhất
của gia đình bị "cách mạng" tịch thu để cấp cho cán bộ, bà L
và bốn con bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Sống khổ sở và lây
lất vùng đất khô cằn sỏi đá, bà L và bốn con phải phân tán,
lén lút trốn về thành phố, vô gia cư, không hộ khẩu, cũng như
không được liên lạc, không tin tức về người chồng, người cha bị
tù… Bẵng đi một thời gian sau đó, ông rất vui khi biết vợ và
bốn con của Trung tá Lan đã vượt biên và được định cư ở Mỹ.
Ông mất liên lạc. Tất cả chỉ còn trong kỷ niệm vô cùng sâu đậm
của tình bè bạn, tình chiến hữu trong chiến tranh và ngục
tù.
Gần sáng chuyến tàu ngục tù đến vị trí đã định, lại một nơi
đồng không mông quạnh với xa xa bóng dáng đồi núi chập trùng,
một vùng ngoại ô phía Bắc Yên Bái. TW Đảng CS đã ra chỉ thị,
phải đưa tất cả sĩ quan, viên chức lãnh đạo trong chính quyền
VNCH ra các tỉnh biên giới phía Bắc học tập cho tốt. Đi "học
tập" ở các tỉnh càng gần Trung quốc, nước anh em "môi hở răng
lạnh" càng chắc ăn, Đảng và chính quyền càng yên tâm.
Trong 75 người trên toa tàu của ông, chỉ 73 người trong toa tàu
xuống ga. Còn hai người tù vẫn nằm lại trên khoang tàu. Họ đã
tự chuyển qua một chuyến tàu khác, chuyến tàu ly biệt giữa
sống và chết để đi về cõi vĩnh hằng.
Các chiếc xe Molotova cùng công an tay lăm lăm súng ống chờ sẵn.
Cộng sản VN học tập được rất nhiều từ Đức quốc xã, cũng như
Stalin nên tất cả diễn ra đúng bài bản của một trại tù tập
trung. Tù nhân lại bị xô đẩy lên các xe tải. Xe ì ạch chạy qua
các con đường quanh co, lồi lõm, lên đồi, xuống dốc...
Cuối cùng xe ngừng ở trại giam mới. Một trại giam đặc biệt
với các dãy nhà san sát dành riêng cho chỗ ở cán bộ trại
giam. Còn với tù nhân sẽ ở đâu?
Viên trưởng trại giam, mặt nhợt nhạt như bị sốt rét kinh niên,
vừa nói vừa nghiến răng như thú dữ: "Các anh được tự do chọn
các gốc cây nghỉ ngơi. Các anh phải tự dựng nhà để ở. Gạo,
sắn, ngô nếu trại có sẵn sẽ cung cấp cho. Các anh phải tự làm
việc để trồng cây lương thực, tự cải thiện buổi ăn. Các anh
thích tự do nên chúng tôi cho các anh tự do để tự sinh tồn trong
điều kiện hoang dã nhất. Nhưng... chúng tôi điều hành trại này
cũng có qui luật riêng cho tự do của các anh. Ở đây là rừng,
rất xa làng dân, xa thị trấn, các anh không thể nào có khả năng
để thoát thân. May lắm thoát qua được biên giới cũng bị trả
về chịu tội thôi. Luật quan trọng nhất của trại các anh phải
luôn luôn nhớ: bất kỳ người nào trốn trại... chúng tôi sẽ bắn
chết không thương tiếc. Chúng ta đang ở trong rừng, rất kín.
Trong rừng nên luật lệ trong đây cũng là luật của nó. Đừng mơ
tưởng điều gì khác!".
Những người tù bắt buộc phải làm quen cuộc sống tù tội mới.
Ăn uống thiếu thốn và phải chiến đấu cái rét như cắt da của
núi rừng Yên Bái, nhất các người tù chỉ quen nắng ấm trong
miền Nam. Những đêm đầu tiên không quen khí hậu, các loại côn
trùng, muỗi mòng, không ai ngủ được. Bắt đầu một cuộc chiến
mới với sự khắc nghiệt của nhà tù tập trung kiểu CS để sống
còn.
Một đêm trời mưa nặng hạt, chạy tìm chỗ tránh mưa, ông nhìn
thấy một thùng phuy có lẽ dùng đựng nước. Trời tối lại mưa
gió, không có ai chung quanh, ông lật ngang thùng phuy, chui được
đầu và thân vào. Hạnh phúc quá! Không còn các hạt nước mưa
bắn vào đầu vào cổ, ông ngủ quên đi lúc nào. Một giấc ngủ
ngon trong đời tù tội. Trời sáng, thức dậy, ông không cựa quậy
gì được. Tay chân ông như bị buộc vào một cái gì đó. Cuối
cùng ông nhận ra ông đang nằm trong thùng phuy, không phải thùng
chứa nước mà thùng chứa hắc ín cũ. Chất nhựa đường còn it́
lại trong thùng bám chặt vào người. Ông phải cởi áo, cởi
quần, hy sinh vài mảng tóc để thoát thân. Cả đám tù nhân nhìn
ông đứng tênh hênh, cùng cười hô hố, chúc mừng ông đã có giấc
ngủ ngon trong cái thùng phuy đạt tiêu chuẩn năm sao! Nếu cán bộ
không để ý, các tù nhân sẽ "cải tạo" thùng phuy để thay phiên
trú ngụ.
Ngày tháng qua đi, những thân thể còm cõi của người tù hàng
ngày đưa các cây đã đốn ngã về dựng lên mái nhà tạm bợ để
tránh mưa nắng. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã con người lúc nào
cũng phải cố gắng ngoi lên để sống còn. Không biết bao nhiêu tù
nhân đã không thể vượt qua, ngã gục vì bệnh, vì đói, vì buông
suôi, không còn thiết tha gì cuộc sống tù tội. Một nơi nào
khác với cõi địa ngục này, có lẽ họ sẽ tìm thấy hạnh phúc?
May mắn ông vẫn chống chọi được bệnh tật, đói rét, tiếp tục
sống còn...
Vài năm sau… cuộc sống tù đày như khá hơn vì người tù như đã quen cái
lạnh, cái đói, các cơn sốt rét... Trại đón thêm các tù mới từ Nam ra.
Một ngày ông được tập thể đề nghị lên chức, chức "anh nuôi".
Không phải nuôi người mà nuôi lợn, nuôi heo cho cán bộ, nói tắt
là nuôi "heo cán bộ". Tuy là con người nhưng tù nhân không được
cán bộ trại giam quan tâm như heo cán bộ: "Lợn cho thịt để ăn,
bán còn được tiền!". Heo mập tròn ỉnh, tù ốm như bộ xương, là
định luật trại tù tập trung CS. Đúng tiêu chuẩn chức vụ quan
trọng "tù nuôi heo cán bộ", ông được cấp một con dao, vào nơi
trồng chuối, chặt cây chuối, vác về, thái ra làm thức ăn cho
lợn.
Thân cây chuối để nuôi heo cán bộ, còn trái chuối là thức ăn xa
xỉ chỉ dành riêng cho cán bộ. Tù nhân không được đụng đến
trái chuối. Một ngày ông tìm thấy một cây chuối với một buồng
chuối sắp chín. Có lẽ cán bộ hớ hênh bỏ sót. Ông hạ ngay cây
chuối. Buồng chuối được dấu ở nơi thật kín đáo. Thú rừng
đánh hơi tinh lắm, chỉ kém thua cán bộ trại giam. Thú vật tìm
ra là ông mất phần, còn cán bộ tìm ra ông mất chức "nuôi heo
cán bộ", còn bị đánh đập, nhốt vào cũi. Phải dấu vào một
gốc đá, ngụy trang thực khéo. Một cuộc chiến âm thầm với bọn
cán bộ và các con thú rừng vì một buồng chuối. Ông thành công
bảo vệ buồng chuối dù bị mất một ít do thú rừng. Những
ngày được ngồi nhìn thung lũng bạt ngàn phía dưới, từ từ
thưởng thức chất đường ngọt lịm từ trái chuối. Đấy là những
giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời một người tù.
Ông không dám mang một trái chuối nào về trại. Cán bộ trại
giam CS tuy ngu dốt nhưng có bản năng đánh hơi chuối chín còn hơn
bất kỳ loại thú rừng nào! Thôi bạn tù cứ đè ông ra mà hít
hà mùi cây chuối trên người ông đã vác trên vai. Không được ăn
thì ngửi mùi hương cho đỡ nhớ! Một hạnh phúc thứ cấp, có
còn hơn không!
Sau mười năm dài trong trại tù Yên Bái, ông được thả ra về địa
phương quản lý. Sau hai năm được xum họp gia đình, thường xuyên
viết báo cáo, kiểm điểm hành vi với chính quyền địa phương,
ông được trao trả quyền công dân. Chính quyền địa phương hớn hở
làm buổi lễ long trọng để trao bằng công dân nước CHXHVN với đủ
các màn trình diễn để tuyên truyền như Chủ tịch đọc diễn văn
ca ngợi sự phấn đấu để trở thành công dân tốt, Bí Thư Đảng ca
ngợi nhờ Đảng soi đường nay địa phương có thêm một công dân
tốt... Nhưng chỉ một ngày hôm sau tại trụ sở công an địa phương
nơi ông ở, Trưởng Công an trên tay cầm điện báo của công an Bến
Tre, đã không cầm được câu chửi thề: "Đ M… Vừa mới khen là “công
dân tốt”, nay lại phạm tội vượt biên trái phép rồi!".
Riêng ông, ước mong được sống trong một xã hội tự do dù bất cứ
nơi nào ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi hay Bắc cực, Nam cực. Nhưng
vận may vẫn chưa đến! Sau một đêm ngâm mình dưới nước biển
lạnh cóng cùng những thanh niên khác dùng tay đào, kéo cát...
để cứu chiếc tàu vượt biên đã bị mắc cạn vì tàu đụng phải
hàng đáy. Nhưng trời đã sáng tỏ, đám công an biên phòng tỉnh
Bến Tre đã tỉnh giấc, lù lù xuất hiện. Số phận lại đưa ông
vào một "châu", không phải một châu lục khác trên thế giới. Tuy
cũng là "châu" nhưng ở trong lãnh thổ Việt Nam: Châu Bình. Trại
tù Châu Bình, một trại giam khét tiếng nghiệt ngã của tỉnh
Bến Tre dành cho "tù vượt biên". Tại trại tù khổ sai này, "Công
dân tốt" được Đảng và nhà nước chiếu cố, ông được bồi dưỡng
làm "nghiên cứu sinh" thêm hai năm về đề tài "các loại tù dưới
chế độ CS". Không hiểu sao, học tập dài đăng đẳng và khổ cực như
thế, Nhà nước CS lại vờ vịt, quên khấy đi, không cấp cho ông
bằng tiến sĩ "ngục tù Cộng sản"?
Nước Úc, quê hương tự do mới,
Vào năm 1990, nhờ thân nhân bão lãnh, ông và vợ đến bến bờ tự
do: nước Úc. Với hai bàn tay trắng, Ông phải làm thêm đủ các
nghề như dạy lái xe, thông dịch viên... Dù qua tuổi 60, được
hưởng trợ cấp cựu chiến binh như cựu binh Úc, ông vẫn có niềm
vui đi làm thêm.
Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến gây nhiều chia rẽ trong xã
hội Úc. Nhiều quân nhân Úc tham chiến tại Việt Nam khi trở về
quê hương không được chào đón như các cựu quân nhân trong thế
chiến thứ Nhất, thứ Hai. Nhưng qua đấu tranh không mệt mỏi của
cựu binh Úc, cùng làn sóng tị nạn Cộng sản của người Việt,
sự sụp đổ chế độ Cộng sản Âu Châu,... mọi người dân Úc cuối
cùng đã nhận thức ra sự thật. Họ tổ chức các buổi vinh danh
các cựu binh Úc tham dự chiến tranh Việt Nam. Cả nước Úc tổ
chức hàng năm trận chiến Long Tân, xem như một chiến thắng lịch
sử của quân đội Úc trước quân đội Bắc Việt tại Việt Nam. Đồng
thời nước Úc vinh danh cả người lính VNCH, những đồng minh
cùng chiến đấu cho lý tưởng tự do ngày nào cùng người lính
Úc, nay cùng được hưởng qui chế cựu quân nhân Úc, Australian
Veterans. Ngày ANZAC hàng năm, các cựu binh Úc cũng như cựu binh
VNCH cùng khoác tay nhau diễn hành trên các đường phố lớn ở
các thành phố lớn nhất nước Úc: Camberra, Sydney, Melbourne,
Brisbane... Đây không phải là điều đem lại lợi ích vật chất cho
người lính. Quan trọng hơn tất cả, đấy là một vinh dự to lớn,
một phần thưởng tinh thần vô cùng quí giá cho người đã chiến đấu
vì "Tổ quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm".
Khi được hỏi tại sao ông không quyết định đi theo các cố vấn Mỹ
di tản vào năm 1975, ông hóm hỉnh: "Mình đã cãi nhau với nó
suốt ngày. Đi theo để cãi nhau tiếp à?". Không! Những người cố
vấn Mỹ, ông vẫn xem là những người bạn tốt, vẫn thư từ hỏi
thăm qua lại. Quyết định không di tản vì ông vẫn cảm thấy trách
nhiệm một người lính, vẫn ở vị trí chiến đấu, không thể bỏ
lại bè bạn trong giây phút cuối cùng của trận chiến?. Đi hay ở
lại đến phút cuối, một quyết định khó khăn, tùy theo suy
nghĩ, hoàn cảnh của mỗi người.
Mỗi buổi tối trở về nhà, ông thường thức rất khuya, ngồi trên
máy tính đọc thư của bạn bè ở mọi nơi, đọc các bài viết về
chính trị, quân sự của Việt Nam và thế giới. Đấy là niềm vui
nhỏ còn lại cho một người đã lớn tuổi. Một người cũng như bao
người Việt khác, cuộc sống đã trải qua những thăng trầm nghiệt
ngã nhất trong lịch sử của đất nước đầy máu lửa, đầy hận
thù. Vì thế cứ vào những ngày tháng Tư hàng năm, dịp ông gợi
nhớ lại những ngày tháng chiến tranh, ngục tù, những chiến
hữu ngày xưa nay đã xa, hay đã rất xa...
Cả một thời tuổi trẻ đã chiến đấu trong cuộc chiến khốc liệt
với hàng triệu người chết, chiến đấu trong ngục tù CS với
hàng ngàn người tù bỏ mình nơi hoang dã, ông có may mắn còn
sống, và sống một cách đàng hoàng trong một quốc gia cùng một lý
tưởng TỰ DO. Ông không giàu có, không có biệt phủ, không tiêu tốn
hàng tỉ đồng vào cờ bạc, ăn chơi bời như các tướng tá Cộng
sản tại VN hiện nay, nhưng ông vẫn có niềm vui riêng, hạnh phúc
riêng trên một đất nước tự do, hạnh phúc. Vượt trên tất cả là
một điều kì diệu gần như không tưởng, nước Úc quê hương mới đã
mở rộng vòng tay đón nhận ông, một người lính đã chiến đấu
cho TỰ DO. Nước Úc, đất nước tự do và nhân quyền bình đẳng cho
mọi người, mọi di dân... Không có "phản động", không có "thế
lực thù địch", không có tôn giáo "quốc doanh", không thần thánh
hoá lãnh tụ, không đặc quyền cho "đảng viên", không cần lò củi để
thiêu “tham nhũng”, trong giáo dục không có đảng viên bắt cô giáo
quì gối… Xin cám ơn nước Úc: "Chúng ta dù có khác... Chúng ta vẫn
là một...". Ngày nào mọi người Việt được tự do thực sự, không còn phân
biệt đảng phái, chính trị,... cùng hát bài ca tương tự như bài quốc ca
thứ hai của nước Úc.
We are one, but we are many
"I am, you are, we are Australian".
(*) Dịch:
Xưa nay thử hỏi ai không chết
Lưu tấm lòng son chiếu sử xanh
Hai câu thơ của Văn Thiên Tường, tướng nhà Tống, bị quân Nguyên bắt tù và sau đó bị hành quyết.
(Cùng viết với TT Nguyễn Đức Dương nhân những ngày tháng Tư).
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2018/04/tinh-yeu-to-quoc-danh-du-trach-nhiem.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét