“Săn” mai rừng
Thứ Tư, 17/02/2010, 06:45 [GMT+7]
° Lên núi tìm mai
Một
ngày đầu tháng Chạp, khi mặt đất còn ướt đẫm sương đêm, chúng tôi đã
lên đường, hướng về những ngọn núi đá cao trên núi Chúa (Ninh Thuận).
Anh Chiến tâm sự: Hơn 15 năm chơi mai rừng, anh đã đi qua nhiều cánh
rừng; các vùng mai rừng đẹp như Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Núi Chúa, Bắc Ái,
Vĩnh Hy (Ninh Thuận) hay Thủy Triều, Ba Hồ (Khánh Hòa) đã từng in dấu
chân anh. Sau hơn 2 giờ băng rừng lội suối đến ướt đẫm mồ hôi, chúng tôi
mới lên đến lưng chừng núi. Tại đây, đã thấy lác đác một vài cây mai
rừng. Thấy tôi ngắm nghía mãi những cây mai đang bắt đầu “đóng” nụ, anh
Quang giải thích: “Mai rừng ở đây gốc không đẹp; để dành đó, đến giáp
Tết, hoa nở thì lên cưa cành về chơi thôi. Để tìm được cây mai có gốc
đẹp, cánh dày và tươi, phải lên núi cao”. Với những người săn mai cành,
khoảng giữa tháng Chạp là họ lên núi tìm mai, đánh dấu sẵn những gốc của
mình, thậm chí còn dựng trại ở lại trên núi để chăm sóc cây, đợi gần
Tết thì cắt cành mai đem về cắm chơi hoặc bán. Nhưng với những “thợ săn”
như anh Chiến, anh Quang, để tìm những cây mai có hình dáng đẹp, họ
phải đợi gần Tết mới lên rừng kiếm mai cành về bán.
Mai
rừng thường mọc nơi núi cao, cạnh các hốc đá. Vì vậy, để săn được cây
mai ưng ý, “thợ săn” mất rất nhiều thời gian, công sức; những chuyến đi
rừng của họ thường từ 2 - 3 ngày. Đường lên đỉnh núi càng lúc càng khó
đi, đến trưa chúng tôi mới lên được địa điểm mà anh Chiến hy vọng sẽ tìm
được những gốc mai đẹp. Ngồi nghỉ trên một mỏm đá, nhìn mấy hốc đá bị
đào xới chưa lâu, anh Chiến buồn rầu nói: “Đã có người đến đây tìm mai
trước rồi. Mấy gốc mai đẹp đã bị họ bứng đi hết, không biết còn gốc nào
cho anh em mình không…”. Dẫn tôi đến một hốc đá đã bị đào, anh giải
thích: “Gốc mai này chắc chắn rất đẹp! Hố đào sâu nên rễ sâu, gốc to,
thế đá không đều làm thân mai uốn lượn một cách tự nhiên”. Tuy rất tiếc
vì đến chậm, nhưng anh Chiến vẫn tiếp tục tìm kiếm, bởi theo anh, trên
đỉnh núi này chắc chắn sẽ có nhiều cây mai đẹp.
Cây mai da beo này đã có chủ.
|
Băng
qua một lèn đá khó đi, anh Chiến reo lên: “Đằng kia có cây mai Vương!
Tôi còn thiếu nó trong “bộ sưu tập” mai rừng của mình!”. Nói rồi, anh
bước nhanh về cuối lèn đá. Cây mai Vương có đường kính gốc khoảng 4cm,
cao khoảng 50cm, thế đẹp. Quan sát một hồi, 2 “thợ săn” lôi đồ nghề
trong ba lô ra. Anh Quang cẩn thận dùng chiếc bay chuyên dụng xới phần
đất cứng trên bề mặt, anh Chiến dùng thanh sắt cứng nạy đá, phát quang
cây cối xung quanh. Rồi họ bắt đầu dùng thuổng cẩn thận đào gốc mai. Mất
hơn 30 phút, cây mai mới được đặt vào ba lô… Chuyến đi ấy, những “thợ
săn” còn tìm thêm được 1 cây bạch mai và 2 cây mai da beo.
° “Bộ sưu tập” mai rừng
Về
đến nhà, đặt mai vào chậu, anh Chiến cho biết: “Những gốc mai mới đào,
phải đến năm sau mới chơi Tết được. Với những cây mai đã có nụ, chỉ cần
“dưỡng” một thời gian là chơi ngay nhưng như thế không bền”. Quan sát
vườn mai nhà anh, tôi thấy có hơn 30 chậu mai rừng, trong đó có nhiều
cây anh đã lấy cách đây gần 15 năm, hiện đang được anh làm giống để ghép
với một số gốc mai rừng khác.
Với
những người yêu mai, chơi mai rừng có 3 cái thú: Thứ nhất, là phải tự
mình lên rừng tìm; thứ hai, cành mai có vẻ đẹp tự nhiên và hoa lâu tàn;
thứ ba, chi phí thấp nhưng hiệu quả vui xuân cao! Để có đủ “bộ sưu tập”
mai rừng, phải tốn rất nhiều thời gian sưu tầm. Theo anh Chiến, mai rừng
có 2 dòng. Dòng mai xuân, hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán. Loại hiếm gặp
nhất trong dòng mai này là mai thân đỏ - lá bầu, hoa có 12 cánh, cánh
hoa dày, khít và mai Vương - thân cứng, chùm hoa khi nở có dạng khối
cầu. Còn mai liễu có thân nhỏ, dẻo, hoa nở chùm và mai da beo có thân
cứng, hoa 6-7 cánh, cánh mỏng và thưa thì dễ tìm hơn. Với dòng mai đoan
ngọ, chỉ có một loại duy nhất là mai Giác hổ, hoa nở vào dịp Tết Đoan
ngọ.
Bạch mai là giống rất hiếm gặp. |
Người
chơi mai rừng không chỉ sưu tầm cho đủ dòng, đủ loại mà còn cất công
tìm màu sắc của cánh hoa khi nở. Hiện trong vườn của anh Chiến và anh
Quang đã có bạch mai (hoa nở ra màu trắng), còn những loại hoa mai rừng
màu vàng có nhiều, duy loại hoa mai màu đỏ các anh vẫn chưa tìm thấy.
Các “thợ săn” này còn cất công đến Vĩnh Hảo, Vĩnh Hy tìm những cây mai
khi nở hoa có hương thơm để làm phong phú thêm “bộ sưu tập” của mình.
Với “thâm niên” hơn 15 năm chơi mai rừng, anh Chiến biết rành rẽ vùng
mai Vĩnh Hảo, Bắc Ái đẹp về hương và sắc, vùng mai ở bán đảo Cam Ranh,
Ba Hồ lại đẹp về dáng…
Không
chỉ săn mai rừng để chơi Tết và thỏa mãn sở thích, các “thợ săn” còn
“chuyển nhượng” mai rừng cho những người yêu mai khác ở trong và ngoài
tỉnh. Những chậu mai đã trồng và phát triển tốt thường có giá từ 500
nghìn đến 5 triệu đồng tùy hình dáng và sự quý hiếm của cây. Với mai
cành, thường có giá khoảng 300 nghìn - 1 triệu đồng/cành. Hiện ở thị xã
Cam Ranh có khá nhiều người sưu tập mai rừng. Vào dịp Tết, chỉ cần “đặt
hàng”, “a lô” cho “thợ săn”, người chơi sẽ có ngay một cành mai hoặc gốc
mai lạ và độc đáo. Tuy nhiên, với tình trạng săn mai rừng tự phát như
hiện nay, không lâu nữa, các rừng mai sẽ dần biến mất. Khi đó, những
người yêu mai sẽ cảm thấy thiếu vắng mỗi độ xuân về…
B.L
Cõng
trên lưng một ít đồ ăn khô dự trữ và các dụng cụ đào gốc cây, anh
Nguyễn Văn Chiến thẳng tiến về những ngọn núi đá ở thôn Nước Ngọt (xã
Cam Lập, thị xã Cam Ranh) tiếp tục một chuyến “săn” mai rừng. Ở thị xã
Cam Ranh, anh Chiến được nhiều người biết đến với biệt danh Chiến “mai
rừng”. Năn nỉ mãi, tôi mới được anh Chiến đồng ý cho đi cùng anh và anh
Lê Văn Quang - cũng là dân chơi mai rừng có tiếng, lên núi tìm mai…
Nguồn: http://www.baokhanhhoa.vn/baoxuan/201002/san-mai-rung-1929304/
Nguồn: http://www.baokhanhhoa.vn/baoxuan/201002/san-mai-rung-1929304/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét