Vì sao Hà Nội tăng cường đàn áp tiếng nói đối lập trong năm 2017?
Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-12-29
2017-12-29
Quốc tế đánh giá Chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp mạnh mẽ những
tiếng nói đối lập trong năm 2017. Những yếu tố nào dẫn đến tình trạng
như thế?
Đàn áp mạnh nhất trong vòng 10 năm
Trong năm 2017, Chính phủ Hà Nội bị chỉ trích
và lên án đã tăng cường đợt bắt bớ nặng nề nhất trong vòng một thập
niên qua, với bằng chứng là hơn 40 người hoạt động vì môi trường, nhân
quyền và quyền lợi của người lao động bị truy nã, bắt giữ và cầm tù bằng
các cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “âm mưu lật đổ chính
quyền” tại Việt Nam.
Giới blogger và facebooker cùng các nhà bất
đồng chính kiến trong nước cho rằng năm 2017 là một năm đáng sợ và kinh
hoàng đối với họ. Bởi vì họ bị sách nhiễu về tinh thần và trong đời sống
sinh hoạt thường nhật bằng nhiều hình thức, chẳng hạn như bị côn đồ hăm
dọa hay hành hung cho đến việc bắt giữ không chính danh, bằng cách bắt
cóc và các bản án tù kéo dài trong nhiều năm, điển hình qua trường hợp
của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 10 năm tù và nhà hoạt động
nhân quyền T rần Thị Nga, 9 năm tù giam.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội đưa ra nhận
định với RFA rằng một trong những nguyên nhân chính yếu khiến cho Hà Nội
gia tăng đàn áp tiếng nói đối lập trong năm 2017 là do ban lãnh đạo mới
của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm những người cứng rắn và những người lãnh
đạo này lo sợ phong trào thúc đẩy thay đổi xã hội của dân chúng đang
trên đà phát triển một cách hiệu quả.
Trong khi các nhà hoạt động dân chủ tại Việt
Nam đồng ý với nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho đây là một yếu
tố nội tại quan trọng thì đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human
Rights Watch, Phó Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á, ông Phil Robertson
nhận xét yếu tố liên hệ đến ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ cũng đóng
vai trò ảnh hưởng không kém. Ông Phil Robertson nói với RFA:
“Rõ ràng nhân quyền ở Việt Nam đang xấu đi
một cách trầm trọng. Kể từ khi ông Thủ tướng trở về từ chuyến thăm Nhà
Trắng, chúng tôi nhận thấy tình trạng đàn áp nhân quyền gia tăng đáng
kể. Tôi nghĩ sau cuộc gặp gỡ với ông Trump, ông Thủ tướng Việt Nam nhận
ra rằng Tổng thống Trump không hề quan tâm đến nhân quyền, và vì vậy
Việt Nam cứ thỏa sức đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, các blogger và
các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền.”
Rõ ràng nhân quyền ở Việt Nam đang xấu đi một cách trầm trọng. Kể từ khi ông Thủ tướng trở về từ chuyến thăm Nhà Trắng, chúng tôi nhận thấy tình trạng đàn áp nhân quyền gia tăng đáng kể. Tôi nghĩ sau cuộc gặp gỡ với ông Trump, ông Thủ tướng Việt Nam nhận ra rằng Tổng thống Trump không hề quan tâm đến nhân quyền, và vì vậy Việt Nam cứ thỏa sức đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, các blogger và các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền
-Ông Phil Robertson
Kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống
Barack Obama hồi tháng 5 năm 2016, các tổ chức nhân quyền quốc tế ghi
nhận Hà Nội bắt đầu chiến dịch đàn áp mạnh tay. Vào tháng 6 năm 2016,
cựu tù nhân lương tâm-nhà đấu tranh giữ đất ở Dương Nội, bị bắt lại và
bị kêu án 20 tháng tù giam, với cáo buộc tội “gây rối trật tự công
cộng”. Và kéo dài cho đến tám tháng đầu năm 2017, hàng chục nhà hoạt
động nhân quyền và dân chủ bị bắt bớ và giam cầm theo các điều luật bị
cho là mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam, như Điều 88, Điều 79, Điều
245, Điều 258...
Đặc biệt trong năm 2017, hàng loạt các thành
viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự do Luật sư nhân
quyền Nguyễn Văn Đài đồng sáng lập, bị bố ráp và bắt giữ từ tháng 7 cho
đến cuối tháng 10; bao gồm cô Trần Thị Xuân, Ký giả Trương Minh Đức, Mục
sư Nguyễn Trung Tôn, hai cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển và
Phạm Văn Trội.
Liên quan đến rất nhiều trường hợp những nhà
hoạt động dân chủ, nhân quyền bị bắt giữ tại Việt Nam, Phụ tá Thứ trưởng
Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Scott Busby phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhân
quyền Việt Nam lần thứ 23, ở thủ đô Washington rằng nhân quyền Việt Nam
có nhiều bước thụt lùi và tình trạng bắt bớ, hành hung, giam cầm các nhà
hoạt động vẫn thường xuyên xảy ra. Ông Scott Busby nói với RFA:
“Chính quyền Việt Nam hứa
hẹn rằng sẽ cải thiện các điều luật nhưng đến thời điểm hiện tại họ vẫn
chưa hoàn thiện. Chúng tôi cũng đề nghị họ phải thả ngay một số tù nhân
lương tâm ví dụ như luật sư Nguyễn Văn Đài, nhưng đến hiện tại họ vẫn
chưa làm.”
Không gia tăng bắt bớ trong năm 2018?
Đài Á Châu Tự Do trao đổi với một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền để tìm hiểu nguyên nhân vì sao năm 2017 lại là năm mà họ cho rằng bị Chính quyền Hà Nội đàn áp mạnh tay nhất trong vòng 10 năm qua, thì hầu hết những người chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng sự bắt bớ gia tăng là do Hà Nội nhân lúc quốc tế bớt quan tâm nhân quyền tại Việt Nam để nhằm trả đũa trước đây đã không có điều kiện bắt.
Một trong những điều đáng chú ý về tình hình
nhân quyền tại Việt Nam, được Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập-Tiến sĩ Phạm
Chí Dũng ghi nhận là đã không có một trường hợp nào bị bắt giữ trong
suốt tháng 11. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng động thái này của Hà Nội
liên quan đến yếu tố về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu
(EU).
Hồi hạ tuần tháng 11 vừa qua, trong cuộc gặp
gỡ với Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại văn
phòng Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thúc giục Châu Âu
không nên đưa nhân quyền vào nội dung của Hiệp định Thương mại Tự do
Việt Nam-EU (EVFTA).
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liệu rằng Chính
phủ Hà Nội sẽ giảm bớt làn sóng bắt bớ những tiếng nói đối lập ở trong
nước trong năm 2018 để đổi lấy Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU
hay không, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết quan điểm của ông:
Thông tin mới nhất liên quan Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu là có thể kéo sang đến năm 2019 thì mới có thể thông qua được. Vậy, trong khoảng thời gian đó thì Chính quyền Việt Nam làm gì? Nếu gia tăng bắt bớ thì không có lợi cho họ
-TS. Phạm Chí Dũng
“Thực ra để trả lời câu hỏi này thì khá là
khó khăn, bởi vì Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu còn kéo
dài. Và thông tin mới nhất liên quan Hiệp định này là có thể kéo sang
đến năm 2019 thì mới có thể thông qua được. Vậy, trong khoảng thời gian đó thì Chính quyền Việt Nam làm gì? Nếu gia tăng bắt bớ thì không có lợi cho họ.”
Trong hai tháng cuối năm 2017, việc bắt bớ
những tiếng nói đối lập ở Việt Nam được cho là lắng xuống. Tuy nhiên,
các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền cho biết họ bị canh giữ và theo
dõi một cách chặt chẽ, và thậm chí còn bị sách nhiễu bằng các hình thức
đa dạng, chẳng hạn như trường hợp của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị côn đồ cố
ý tông xe hồi trung tuần tháng 12.
Về viễn ảnh nhân quyền Việt Nam trong năm
2018, các chính phủ và những tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi Hà Nội
cần phải nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền của Việt Nam để có thể
đạt được mong muốn tham gia vào các hiệp định như Hiệp định Thương mại
Tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái
Bình Dương (CPTPP). Trong khi đó, giới bất đồng chính kiến ở trong nước
cho rằng bức tranh nhân quyền Việt Nam năm 2017 vốn đã xám xịt và sẽ
không được phủ thêm chút màu tươi sáng nào, vì qua hai phiên tòa xét xử
trong những ngày cuối năm đối với nhóm 9 người bị cáo buộc tội “rải tờ
rơi chống phá chính quyền” và nhóm 16 người bị cáo buộc tội “khủng bố”
với mức án tổng cộng lên đến 213 năm tù giam thì họ tin rằng nhà cầm
quyền Hà Nội sẽ tiếp tục “khủng bố” người dân bằng những việc làm trái
luật và các phiên tòa vi hiến.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-is-hanoi-increasing-the-suppression-of-activists-in-2017-12292017121449.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét