Đọc ‘Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” của Ngô Thế Vinh


Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER, Calif (NV) – Cuốn “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” của tác giả Ngô Thế Vinh được nhà xuất bản Giấy Vụn phát hành giữa lúc thời sự Việt Nam đang căng thẳng với việc Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong lãnh hải Việt Nam. 



Bìa cuốn “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” của tác giả Ngô Thế Vinh do nhà xuất bản Giấy Vụn phát hành. (Hình: Người Việt)

Nhà xuất bản Giấy Vụn, là một nhà xuất bản “vỉa hè,” hoạt động không giấy phép, do hai nhà thơ trẻ là Bùi Chát và Lý Đợi thuộc nhóm Mở Miệng chủ trương, cho phát hành “chui” tại Việt Nam, cho đến giờ đã phát hành khoảng 40 đầu sách.

Trước tình hình nước nhà, bốn chữ “Biển Đông Dậy Sóng” khiến người cầm sách lòng dạ xốn xang, nhưng hai chữ Cửu Long tự nhiên gợi nhớ đến những câu hát trữ tình về dòng sông này:

“Cửu Long Giang gió về vui trên sóng sông.
Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con.
Người từ Tiền Giang đi về xa xăm.
Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang.
Cửu Long Giang trôi về ôm ấp đất hoang.
Thiết tha như gái yêu chồng trong chiều mênh mông
Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương
Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông…”


Với đa số người Việt, dòng Cửu Long là huyết mạch cuộc sống, là tình tự dân tộc. Trong tâm tư những người xa quê hương, ba chữ Cửu Long Giang gợi ra hình ảnh những đoạn sông dài, những chiếc phà lớn nhỏ qua lại bên bến đông người, đến làn gió mát rượi thổi qua làm mặt nước rù rì kể chuyện, những cụm lục bình hoa tím trôi nổi dập dềnh trên dòng nước màu mỡ phì nhiêu.

Nhưng đó là dòng sông Cửu Long của ký ức!

Giờ đây báo chí khắp nơi cho biết người dân sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm lại đối diện với một mùa khô hạn khắc nghiệt khiến sông cạn gần đến đáy, tôm cá ngắc ngoải, cỏ cây húa éo chung quanh, và sự sống còn của chính bản thân và gia đình là một thử thách ngày càng lớn.

Trong số những người xót xa về việc con sông dài 4,350 cây số, chảy qua 7 quốc gia, là mạch sống của người dân những nước này, sắp cạn dòng, cũng như nguyên nhân khiến nó bị hủy hoại, có lẽ bác sĩ Ngô Thế Vinh là người thiết tha và bỏ ra nhiều tâm huyết nhất.

Qua cuốn “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng”, tác giả Ngô Thế Vinh đưa người đọc theo ông vào cuộc hành trình kéo dài nhiều năm dọc theo bờ sông Cửu Long, bắt họ phải đối diện với con sông giờ đã trơ đáy cạn dòng, với sự ô nhiễm làm hủy hoại thủy sản thiên nhiên, vắt cạn nguồn nuôi sống người dân 7 quốc gia, trong đó có người dân Việt Nam.

Sách gần 700 trang, với 23 chương và hàng trăm hình ảnh, được viết theo lối tiểu thuyết ký sự, mà tác giả gọi là “dữ kiện tiểu thuyết” (tiểu thuyết nhưng chứa đựng nhiều dữ kiện và tài liệu thực), ghi lại hành trình của tác giả dọc theo dòng sông Cửu Long, trong đó những nhân vật hư cấu của câu chuyện tìm về khởi nguồn của dòng sông ở Tây Tạng, và theo dòng sông, đi xuyên qua các nước Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, ở cuối nguồn.

Tác giả Ngô Thế Vinh đã khôn khéo giúp người đọc vượt qua nỗi ngại ngùng trước cuốn sách khảo cứu dầy cộm, bằng cách chia kết quả của công trình nghiên cứu nhiều năm thành những chương riêng biệt, với những tựa rất nhẹ nhàng, nên thơ như: “Đi ra từ nguồn nước thiêng,” “nụ cười Bangkok và nước mắt đức Phật Thích Ca,” “trở về Pattivattna với những cánh đồng chết,” ‘bên trời tiếng hạc kêu thương,” “lên với bình minh tạ lỗi với điêu tàn,” “từ cây cầu khỉ hai huyện tới cầu Mỹ Thuận năm 2000,” và “tìm về phương Đông địa đàng lại đánh mất.”

Trong chương I, “Đi ra từ nguồn nước thiêng,” độc giả theo chân nhân vật Cao, một kỹ sư môi sinh, đến Tây Tạng, nơi dòng Cửu Long bắt nguồn, tìm hiểu về địa lý của Tây Tạng, tập quán của người dân Tây Tạng sống theo châu thổ con sông này, cũng như buồn vui với lịch sử thăng trầm của Tây Tạng từ thời cực thịch đến lúc hoàn toàn bị Trung Quốc xâm chiếm:

Trích: “Tây Tạng là hình ảnh mênh mông của thảo nguyên với núi cao và lũng sâu, bầu trời trong xanh như ngọc. Những người dân Tây Tạng thì đơn sơ hiếu khách nhưng họ là một dân tộc đang phải sống trong nô lệ và chịu nỗi khổ đau vô hạn.”

Và: “Tây Tạng không chỉ là đáp số cho tình trạng thiếu nước và cạn nguồn năng lượng không thể tránh của Hoa Lục khi bước vào thiên niên kỷ mới, hơn thế nữa, sau Tây Tạng sẽ là bước “Tây Tạng hóa Biển Đông,” Trung Hoa nghiễm nhiên sẽ ở thế thượng phong với “thứ vũ khí môi sinh” ngàn lần khốc hại hơn súng đạn, giúp Bắc Kinh có toàn quyền quyết định vận mệnh và cả sự sống còn của các nước Đông Nam Á trong những năm đầu của thế kỷ 21.”




Một trang trong cuốn “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” của tác giả Ngô Thế Vinh do nhà xuất bản Giấy Vụn phát hành. (Hình: Người Việt)


Trong chương III, “Nụ cười Bangkok và nước mắt đức Phật Thích Ca,” hành trình khảo cứu đưa Cao đến Thái Lan,  nơi “con sông Cửu Long dũng mãnh cùng với nhiều phụ lưu như một biên giới thiên nhiên giữa Thái Lào, chảy qua Cam Bốt, nam Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.” 

Ảnh hưởng sự hủy hại của thiên nhiên trên đời sống con người rõ nét hơn qua đoạn:

“Không chỉ riêng Thái Lan thiếu nước mà đó là tình trạng khủng hoảng chung của 6 quốc gia trong lưu vực. Như Đồng Bằng Sông Cửu Long, hiện có 2.4 triệu hecta là vùng sản xuất lúa gạo và thủy sản, cung cấp 50% lượng thực phẩm cho cả nước. Nếu không đủ nước trong mùa khô thì có sẽ có tới 2 triệu hecta đất trồng trọt bị ngập mặn, sẽ là một thảm họa không những cho mùa màng, mà còn trên toàn hệ sinh thái vùng châu thổ, sẽ ảnh hưởng ngay trên chén cơm vơi đầy của mỗi người dân Việt.”

Khi chảy đến Việt Nam, ở cuối nguồn thì dòng sông Cửu Long ra sao?

Hãy đọc một đoạn trong chương 20, “Từ cây cầu khỉ hai huyện tới cầu Mỹ Thuận năm 2000”:

“Đêm đó, tại khu nhà khách vãng lai của Đại Học Cần Thơ, bốn người bạn nói chuyện đến tận khuya. Họ thảo luận nhiều về tương lai của Đồng Bằng Sông Cửu Long và cùng hiểu rằng hai con Sông Tiền Sông Hậu chưa hẳn đã cạn dòng nhưng lưu lượng thì yếu dân nên nước biển tràn sâu vào nội địa gây nhiễm mặn tràn ra khắp mạng lưới kinh rạch không những tàn hại hàng triệu mẫu lúa và hoa màu cây trái mà cả tìm cho được nguồn nước ngọt để uống cũng phải lao đao.”

Không phải là người duy nhất lên tiếng cảnh báo về hiểm họa “Cửu Long Cạn Dòng,” nhưng có lẽ tác giả Ngô Thế Vinh là người trình bày về hiểm họa này một cách khúc chiết nhất, với nhiều chứng minh cụ thể nhất.

Và đã đưa ra vấn đề thì không thể không phân tích nguyên nhân. Vì đâu dòng sông Cửu Long giờ đây đã và đang “nghẽn mạch”?

Theo tác giả Ngô Thế Vinh, nguyên nhân là do việc Trung Quốc xây 7 con đập bậc thềm Vân Nam khổng lồ, vì việc nạo vét lòng sông để chuyên chở dầu từ cảng Thái Lan ngược lên Trung Quốc, nói chính xác hơn, là vì một chương trình khai phá tự hủy, bắt nguồn từ tham vọng của chính quốc gia hiện đang vì giấc mộng bá quyền của mình mà làm cho Biển Đông dậy sóng.

Hãy đọc một đoạn trong chương phụ lục “Sông Cửu Long qua thời gian”:

‘Bây giờ mới thấy tận mắt xuôi dòng Cửu Long là những con tàu lớn chở hàng từ cảng Tư Mao xuống tới tận bắc Thái và Lào, xuống xa tới Vạn Tượng. Vào tháng Tư năm 2001, Trung Quốc đã ký một thỏa hiệp về thủy vận trên sông Cửu Long nhưng chỉ với 3 quốc gia Miến Điện, Thái và Lào với kế hoạch vét lòng sông, cả dùng cốt mìn chất nổ phá tung những khối đá trên các đoạn ghềnh thác, các đảo nhỏ trên sông để khai thông mở rộng đường sông cho tàu lớn trọng tải từ 500-700 tấn có thể di chuyển từ cảng Tư Mao xuống Chiang Khong Chiang Sean bắc Thái xuống thẳng tới Vạn Tượng. Trong khi Việt Nam và Cam Bốt là hai quốc gia cuối nguồn, trực tiếp chịu ảnh hưởng của kế hoạch ấy thì bị gạt ra ngoài.”

Qua hàng trăm hình ảnh và tài liệu dẫn chứng, qua tâm trạng của các nhân vật, mỗi chương trong cuốn “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” là một cuộc phiêu liêu, một câu chuyện ngắn, một biên khảo công phu, một tài liệu phong phú về địa lý, lịch sử, phong tục và tập quán của nhiều giống dân.

Mọi nhận xét của tác giả được ghi chép tỉ mỉ, trình bày với giọng văn xúc tích, thấm thía mà nhẹ nhàng, khiến người đọc, cho đến khi bỏ sách xuống, vẫn không biết được nỗi ưu tư trĩu nặng đã len lỏi vào tâm trí họ từ lúc nào.

Chỉ biết họ thấm thía với lời phát biểu của đức Đạt Lai Lạt Ma khi ông đề cập đến vấn đề môi sinh với một tầm nhìn toàn cầu,  mà tác giả ghi lại: “Hòa bình và sự sống trên trái đất đang bị đe dọa bởi những hoạt động của con người thiếu quan tâm tới những giá trị nhân bản. Hủy hoại thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là do hậu quả của lòng tham và thiếu tôn kính đối với sự sống trên hành tinh này.”

“Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” không chỉ là một tiểu thuyết ký sự, một biên khảo công phu, mà còn là tiếng kêu cứu khẩn thiết của dòng sông đang bị bức tử vì tham vọng của con người.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/Doc-Cuu-Long-Can-Dong-Bien-Dong-Day-Song-cua-Ngo-The-Vinh-2621/
***

Liên lạc tác giả: Hagiang@nguoi-viet.com

Comment Disclaimers / Policy

Nga và Trung Quốc muốn diệt vệ tinh quốc phòng Mỹ

Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Chiến Lược Mỹ (STRATCOM) hồi cuối tuần cho hay Nga và Trung Quốc đang mạnh mẽ thúc đẩy chương trình chế tạo võ khí có thể tiêu diệt các hệ thống phòng thủ trên không gian của Mỹ, như các vệ tinh do thám.
Tình trạng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng trong thời gian cuối tuần, trong lúc Mỹ đưa thêm các phi cơ chiến đấu tối tân tới vùng này, và các giới chức Mỹ cũng như Bắc Hàn đều cho ra nguy cơ xảy ra chiến tranh đang đến gần hơn.

Metro Bến Thành-Suối Tiên chưa chạy đã ‘đội vốn’ $1.32 tỷ

Theo báo Thanh Niên hôm 3 Tháng Mười Hai, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư cùng Bộ Tài Chính, Bộ Giao Thông-Vận Tải và thành phố Sài Gòn “nhận trách nhiệm” về việc để dự án đường sắt đô thị metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) đội vốn 30,000 tỷ đồng ($1.32 tỷ).